Tải bản đầy đủ (.pdf) (102 trang)

Thơ Tố Hữu trong chương trình tiểu học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (670.75 KB, 102 trang )


Trang 1

bộ giáo dục và đào tạo
trờng đại học s phạm hà nội 2




PHNG TH HOA






THƠ Tố HữU
TRONG CHƯƠNG TRìNH TIểU HọC




luận văn thạc sĩ GIáO DụC HọC












H NI, 2011

Trang 2

bộ giáo dục và đào tạo
trờng đại học s phạm hà nội 2




PHNG TH HOA





THƠ Tố HữU
TRONG CHƯƠNG TRìNH TIểU HọC

Chuyên ngành: Giáo dục học (Bậc Tiểu học)
Mã Số: 601401
luận văn thạc sĩ GIáO DụC HọC

Ngời hớng dẫn khoa học

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh






H NI, 2011

Trang 3

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong nền văn học dân tộc, văn học viết cho thiếu nhi là một bộ phận
có vị trí rất quan trọng. Nó là phương tiện không thể thiếu trong việc bồi đắp
làm giàu tâm hồn và xây dựng nhân cách mỗi con người ngay từ thuở ấu thơ,
là hành trang cho các em trên suốt đường đời. Dòng văn học ấy phát triển
mạnh mẽ song hành cùng với những cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của
dân tộc.
Có thể kể đến những nhà văn, nhà thơ chuyên tâm cả đời sáng tác cho
thiếu nhi như Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Trần Đăng Khoa,
Nguyễn Nhật Ánh… Và còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ tuy sáng tác cho nhiều
đối tượng độc giả khác nhau vẫn dành tình cảm đặc biệt cho thiếu nhi như:
Huy Cận, Đoàn Giỏi, Xuân Quỳnh , trong số đó không thể không kể đến
nhà thơ Tố Hữu.
Với hàng chục tập thơ trải dọc theo đường đời, tương ứng với những
chặng đường lớn của cách mạng Việt Nam như: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra
trận, Máu và hoa, Một tiếng đờn, Ta với ta, thơ Tố Hữu được xem là bộ biên
niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam. Thơ ông là tiếng ca vui của thời
đại Hồ Chí Minh đấu tranh anh hùng và thắng lợi vẻ vang, là bài hát về những
lẽ sống lớn, về ân tình cách mạng sâu nặng, về niềm tin cách mạng mới mẻ.
Là đứa con của những cuộc đấu tranh, là người cổ động, người tuyên truyền
của cách mạng, thơ Tố Hữu đã có sức cảm hoá, chinh phục được đông đảo

quần chúng thanh thiếu niên đón nhận, say mê và đã góp vào hành trang tinh
thần của nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam trong thời kỳ dài suốt mấy
mươi năm. Với vị trí cũng như sức mạnh của mình, thơ Tố Hữu vì thế có ảnh
hưởng mạnh mẽ đến hướng vận động chung của nền thơ cách mạng, đặc biệt
là trong giai đoạn 1945 - 1975.

Trang 4

Trong nhà trường, thơ Tố Hữu được giảng dạy từ cấp Tiểu học, Trung
học cơ sở, Trung học phổ thông đến bậc Đại học. Thơ Tố Hữu đã tạo được
niềm yêu mến, sự đam mê bền chắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Vì vậy,
việc nghiên cứu về thơ ông không chỉ đặt ra đối với giới phê bình, nghiên cứu
mà còn với cả những người trực tiếp tham gia giảng dạy.
Xuất phát từ những lý do nêu trên, chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài
Thơ Tố Hữu trong chương trình Tiểu học với mong muốn được đóng góp
một phần trong cái nhìn toàn diện về vị trí văn học sử của nhà thơ Tố Hữu.
Đồng thời, là giáo viên Tiểu học, qua việc nghiên cứu này sẽ giúp tôi rất
nhiều trong việc giảng dạy học sinh đọc và cảm thụ văn học góp phần bồi đắp
cho các em tình yêu thơ ca, tình yêu Tổ quốc.
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài Thơ Tố Hữu trong chương trình Tiểu học chúng
tôi mong muốn có thêm được cái nhìn vừa cụ thể vừa đa dạng về giá trị nội
dung, tư tưởng, giá trị giáo dục và giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm của
Tố Hữu, đặc biệt là những đoạn trích, những tác phẩm của nhà thơ được giảng
dạy trong chương trình Tiểu học hiện nay.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Dựa trên nét đặc trưng phong cách thơ Tố Hữu, luận văn nghiên cứu
những đoạn trích, những tác phẩm của nhà thơ được giảng dạy trong chương
trình Tiểu học. Qua đó, thấy được những đóng góp to lớn về giá trị nội dung
và nghệ thuật trong các sáng tác thơ của Tố Hữu.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu những bài thơ của Tố Hữu được giảng
dạy trong chương trình Tiểu học.
4.2. Phạm vi nghiên cứu

Trang 5

- Những tài liệu nghiên cứu liên quan đến đặc trưng phong cách nghệ
thuật thơ Tố Hữu.
- Làm rõ nét đặc trưng phong cách thơ Tố Hữu.
- Từ nét đặc trưng thơ Tố Hữu thấy được vẻ đẹp và giá trị giáo dục
những bài thơ của ông trong chương trình Tiểu học.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn tập trung sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp thống kê, phân loại.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu.
- Phương pháp phân tích tổng hợp.
6. Đóng góp mới của luận văn
- Về lý luận:
Làm rõ vẻ đẹp và giá trị giáo dục của thơ Tố Hữu trong chương trình
Tiểu học.
- Về thực tiễn:
Từ việc tìm hiểu những đặc trưng thơ Tố Hữu, vận dụng vào quá trình
dạy học phân môn Tập làm văn, Tập đọc, Chính tả, đặc biệt quá trình bồi
dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho học sinh Tiểu học.











Trang 6

NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
TỐ HỮU TRONG NỀN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
1.1. Tiểu sử, con người Tố Hữu
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 04 tháng 10 năm
1920. Quê ông ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa
Thiên Huế – mảnh đất giàu truyền thống lịch sử với một nền văn hóa bác học
và nhiều sinh hoạt văn hóa cung đình. Huế là nơi phong cảnh hữu tình và là
nơi sản sinh ra những điệu hò làm mê đắm lòng người như hò mái nhì, mái
đẩy, điệu lý, điệu ca nam ai, nam bằng…
Cha Tố Hữu vốn là một nhà Nho không đỗ đạt và phải chật vật kiếm
sống bằng nhiều nghề nhưng lại ham thích văn thơ. Mẹ Tố Hữu là con của
một cụ Tú, một phụ nữ xứ Huế giàu tình thương và thuộc nhiều tục ngữ, ca
dao - dân ca. Tuổi thơ Tố Hữu đã được nuôi dưỡng bằng những câu ca, điệu
hò quê hương mà trực tiếp qua giọng của mẹ, lại được người cha dạy làm thơ
theo lối cổ ngay từ lúc 7, 8 tuổi. Gia đình và quê hương đã góp phần quan
trọng hun đúc nên hồn thơ Tố Hữu.
Ở cảnh ngộ riêng, tuổi thơ của Tố Hữu sớm phải chịu nhiều thiệt thòi,
thiếu thốn về tình cảm: cha thường xuyên đi làm ăn xa, ông phải vào Đà Nẵng
theo người anh để được đi học. Năm Tố Hữu 12 tuổi thì mẹ mất; 13 tuổi
(1933) ông thi đỗ vào trường Quốc học Huế và hầu như sống tự lập từ đó.
Cảnh ngộ tuổi thơ này như một ký ức cá nhân khiến tâm hồn nhà thơ Tố Hữu

sau này luôn khát khao tình yêu thương, dễ rung động với những thân phận
bất hạnh như: trẻ mồ côi, em bé đi ở hay gẩy đàn hát dạo, một chị vú em, một
lão đầy tớ Họ đều là những thân phận nghèo khổ, tủi cực trong cuộc đời.
Ngay từ tuổi thanh niên, Tố Hữu đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt
động cách mạng. Đó là những năm phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương

Trang 7

đang diễn ra sôi nổi trên khắp đất nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn, lôi
cuốn đông đảo tầng lớp nhân dân lao động, nhất là thanh niên, học sinh.
Thành phố Huế lúc ấy là một trong những trung tâm sôi động nhất của phong
trào Mặt trận Dân chủ. Được cuốn hút vào phong trào, năm 1936, Tố Hữu gia
nhập Đoàn Thanh niên cộng sản. Ông được trực tiếp tiếp xúc với những chiến
sĩ cộng sản lớn như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Lê
Duẩn và chính họ đã nhóm lửa nhiệt tình cách mạng trong trái tim người
thanh niên Tố Hữu. Tố Hữu trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Đoàn
Thanh niên dân chủ ở Huế, vừa hoạt động vừa sáng tác thơ ca. Năm 1937 ông
đã có thơ đăng báo.
Năm 1938, Tố Hữu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1939 Tố Hữu bị bắt giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế, rồi bị giải
đến nhiều nhà tù ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tháng 3 năm 1942,
Tố Hữu vượt ngục thoát khỏi nhà tù Đắk Lay, tìm ra Thanh Hóa, bắt liên lạc
với tổ chức Đảng và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, chuẩn bị Tổng
khởi nghĩa, Tố Hữu được điều động trở lại Huế làm Chủ tịch ủy ban khởi
nghĩa giành chính quyền tại thành phố quê hương.
Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, Tố Hữu tiếp tục đảm
nhận những trọng trách trong chính quyền Cách mạng ở Huế (làm Bí thư xứ
ủy Trung Kỳ) đồng thời làm nhiệm vụ tổng hợp đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức
đến với cách mạng . Sau đó ông lên chiến khu Việt Bắc rồi trở về Hà Nội giữ
nhiều cương vị và trọng trách khác nhau trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và

Nhà nước. Nhưng dù ở cương vị và trọng trách nào, ông vẫn thể hiện được
phẩm chất của một người chiến sỹ cách mạng. Đương thời ông từng giữ
những trọng trách: Trưởng ban Tuyên huấn, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy
viên bộ chính trị và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Phó thủ
tướng Chính phủ).

Trang 8

Năm 1986 ông nghỉ hưu.
Cũng từ năm 1986 về sau, nhiều tác phẩm của Tố Hữu được xuất bản
(và tái bản) gồm:
- Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hôi chủ nghĩa (Tiểu luận - NXB
Sự thật, Hà Nội 1986).
- Tố Hữu – Trăm bài thơ (NXB Văn học, Hà Nội 1987).
- Một tiếng đờn (Tuyển tập - NXB Văn học, Hà Nội 1992).
- Đợi anh về (Thơ dịch – NXB Giáo dục, Hà Nội 1999).
- Tố Hữu (Tuyển thơ – NXB Giáo dục, Hà Nội 1998).
- Ta với ta ( Tập thơ - NXB Văn học, Hà Nội 2000).
- Nhớ lại một thời (Hồi ký – NXB, Hội nhà văn Hà Nội 2000).
Trong sự nghiệp sáng tác thơ của mình, Tố Hữu đã được trao tặng
nhiều giải thưởng văn học cao quý:
- Giải nhất cho tập thơ Việt Bắc của Hội nhà văn Việt Nam (1954 -
1955).
- Giải thưởng Văn học Đông Nam Á cho tập thơ Một tiếng đờn
(1996).
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (1996).
Nhà thơ Tố Hữu từ trần ngày 09 tháng 12 năm 2002 tại Hà Nội.
Có thể nói, điểm nổi bật ở con người Tố Hữu là sự thống nhất giữa nhà
cách mạng và nhà thơ, giữa con đường cách mạng và con đường thơ. Sự gặp gỡ với
lý tưởng của Đảng Cộng sản không chỉ quyết định đường đời của một con người

mà còn quyết định con đường và toàn bộ sự nghiệp sáng tác của một nhà thơ.
1.2. Con đường thơ Tố Hữu
Về nhà thơ Tố Hữu, nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai từng nhận định: “Tố
Hữu là nhà thơ chỉ viết để phục vụ cách mạng, từ trước tới sau. Đó là vinh dự và

Trang 9

cũng là đặc sắc của thơ Tố Hữu ”. Quả thật, Tố Hữu được mệnh danh là người biên
niên sử hiện đại Việt Nam bằng thơ.
Thơ với ông là một phần của sự nghiệp cách mạng, phục vụ cho lý tưởng
cách mạng. Con đường thơ của Tố Hữu, do đó, song hành với con đường cách
mạng của tác giả và gắn bó mật thiết với các chặng đường của cuộc đấu tranh cách
mạng trên đất nước ta suốt hơn nửa thế kỷ kể từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông
Dương (1936 - 1939). Con đường thơ ấy phản ánh quá trình hoạt động của một hồn
thơ, đồng thời cũng phản ánh sự vận động của lịch sử với những biến cố lớn lao,
những vấn đề trọng yếu của thời đại và âm vang của nó trong đời sống tinh thần của
con người thời đại ấy. Con đường thơ Tố Hữu vừa giúp độc giả hình dung về một
thời kỳ đầy biến động và cũng đầy anh hùng của lịch sử dân tộc, vừa cho thấy chân
dung của một nhà thơ – chiến sỹ của thời đại.
Thơ của Tố Hữu gồm 7 tập và được chia thành năm chặng đường.
1.2.1. Chặng 1: Tập thơ đầu - Từ ấy (1937-1946)
Đây là chặng đầu mười năm thơ Tố Hữu cũng là mười năm hoạt động
sôi nổi, say mê từ giác ngộ qua thử thách đến trưởng thành của một người
thanh niên cách mạng trong một giai đoạn lịch sử lịch sử đầy sôi động: phong
trào chống Phát xít trên thế giới đang phát triển mạnh, cuộc cách mạng dân
chủ trong nước đang ở giai đoạn cao trào, tất cả làm rung chuyển và đổi thay sâu
sắc xã hội Việt Nam. Riêng với Tố Hữu, sự ra đời của tập thơ Từ ấy là một
mốc quan trọng, là giao điểm đầy ý nghĩa giữa cách mạng – tuổi trẻ và thi ca,
ấy là thời kỳ ông bắt gặp lý tưởng cách mạng và trở thành người chiến sĩ cộng
sản.

Ban đầu tập thơ có tên là Thơ do Hội văn hóa cứu quốc ấn hành năm
1946. Trong lần tái bản có sửa chữa năm 1959 mới được đặt tên Từ ấy.

Trang 10

Tập thơ gồm 71 bài (theo bản in năm 1959), được cấu trúc thành ba
phần tương ứng với ba chặng đường hoạt động trong mười năm đầu của
người thanh niên cách mạng Tố Hữu.
Máu lửa: Là niềm vui phơi phới, là tiếng reo ca náo nức của một tâm
hồn trẻ đang băn khoăn đi tìm chân lý sống thì gặp gỡ lý tưởng cách mạng mà
nhà thơ hình dung là “mặt trời chân lý”:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
(Từ ấy)
Gặp gỡ lý tưởng cách mạng, được ánh sáng lý tưởng chiếu rọi, khiến
tâm hồn người thanh niên Tố Hữu bừng nở một thế giới đầy hương sắc, tràn
trề sức sống và niềm vui. Sự gặp gỡ lý tưởng đã làm thay đổi căn bản mối
quan hệ giữa con người với toàn bộ thế giới, đem lại sự gắn bó ruột thịt giữa
nhà thơ với muôn người lao khổ để tạo thành sức mạnh. Từ đây xuất hiện một
cái tôi trữ tình kiểu mới trong thơ Tố Hữu: “cái tôi” tự ý thức sâu sắc về mình,
đồng thời là cái tôi gắn bó với muôn người, ở giữa mọi người. Niềm vui tràn
trề của một tâm hồn trong trạng thái bừng ngộ hòa vào niềm hân hoan của
một thế hệ thanh niên cách mạng tạo nên một cảm xúc ngây ngất say mê:
Ồ vui qúa! Rộn ràng trên vạn nẻo
Bốn phương trời vào theo dấu muôn chân
Cũng như tôi tất cả tuổi đương xuân
Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng
(Hy vọng)

Bên cạnh những tiếng reo ca náo nức của tâm hồn trẻ gặp gỡ được ánh
sáng cách mạng, độc giả còn bắt gặp trong những trang thơ của Tố Hữu một

Trang 11

tâm hồn giàu cảm thông, sẵn sàng chia sẻ với những con người nhỏ bé ở
quanh mình với những nỗi buồn tủi, cô đơn, đau khổ. Những sáng tác thơ đầu
tiên như Mồ côi, Tương tri, Đi đi em là những bài thơ của tình yêu thương
đối với những người lao động nghèo khổ trước hết là những trẻ em không nơi
nương tựa. Mỗi em nhỏ đều có cảnh đời đáng thương. Mỗi bài thơ là một tình
yêu thương, một lời căn dặn, một lời khích lệ chân tình đối với những em
nhỏ, những cánh chim non không tổ bơ vơ. Không thoáng qua, vô tình mà sâu
xa, tình cảm ấy gắn bó với một quan niệm nhân sinh, một triết lý sống, một
chỗ đứng chan hòa với quần chúng lao khổ:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ
(Từ ấy)
Nhà thơ nguyện đứng bên cạnh những người bạn đời nghèo khổ, đói
rét ngay cả trong những ngày đen tối nhất của mùa xuân Ất Dậu:
Lòng ưu tư giá lạnh như chiều nay
Hãy đưa tôi nắm chặt lấy bàn tay của bạn
Trong mưa phùn gió rét
(Xuân đến)
Những câu thơ cho thấy tấm lòng nhân ái sâu sắc của tác giả.
Cảm thương cho số phận những con người nhỏ bé, Tố Hữu sẵn sàng
sẻ chia với những đau khổ của những chị vú em, ông lão đầy tớ, và hơn hết là
thân phận những cô gái giang hồ không may rơi vào cảnh ngộ tủi nhục xót xa:
Trời ơi biết đến khi mô

Thân em hết nhục dày vò năm canh
Tình ơi gian dối là tình

Trang 12

Thuyền em rách nát còn lành được không?
(Tiếng hát sông Hương)
Câu thơ như chất chứa bao nỗi tủi nhục, xót xa của thân phận những
cô gái ở dưới đáy xã hội. Nhưng Tố Hữu không chỉ thương xót, lý tưởng cách
mạng đã cho ông cái nhìn biện chứng đầy lạc quan về những điều tươi sáng
của tương lai phía trước. Và những số phận cô gái như thế sẽ được tái sinh
trong xã hội “ngày mai”:
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong giá trắng ngần
Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ
Rõ ràng, Tố Hữu đã cho thấy mối liên hệ giữa cá nhân với lịch sử
cách mạng. Hãy đến với cách mạng! Chỉ có cách mạng mới có đủ sức mạnh
giải phóng cho những cuộc đời như thế. Cách mạng sẽ đem lại cho con người
niềm hy vọng, lạc quan.
Xiềng xích: Gồm những bài thơ được tác giả sáng tác trong ba năm bị
giam cầm, đày ải trong nhà tù thực dân. Tố Hữu gia nhập Đảng vào tháng 7
năm 1938, đang say sưa hoạt động thì đến tháng 4 năm 1939 bỗng bị bắt và bị
ném vào trong xà lim chật hẹp ngăn cách với cuộc sống bên ngoài, bị chuyển
qua nhiều nhà lao khác nhau từ Thừa Thiên (1939 - 1940), Lao Bảo (1940 -
1941) rồi Quy Nhơn (1941 - 1944) và sau đó bị đày lên vùng rừng núi Tây
Nguyên….Người thanh niên ấy không thể không thấm thía nỗi cô đơn vì phải
xa phong trào, xa những người đồng chí. Tâm hồn nhạy cảm của Tố Hữu luôn
hướng vào cuộc sống bên ngoài nhà tù, lắng nghe và đón nhận từng âm thanh
của cuộc sống thiên nhiên và con người, từ một “tiếng dơi chiều đập cánh”,

“tiếng lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh”, “tiếng guốc đi về” trên phố vắng,
“tiếng chim tu hú” gọi vào hè… để rồi càng cháy bỏng nỗi khát khao tự do và

Trang 13

sục sôi ước muốn được hoạt động. Những bài thơ: Tâm tư trong tù, Nhớ đồng,
Nhớ người, Khi con tu hú….cho ta thấm thía tâm trạng đó của tác giả.
Xiềng xích còn là một bản “quyết tâm thư” của người chiến sỹ cách
mạng quyết giữ vững ý chí chiến đấu trước mọi gian nguy, thử thách:
Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin
Giữ trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn
(Tâm tư trong tù)
Suốt ba năm bị giam cầm, đày ải trong nhà tù thực dân, nếm trải nhiều
gian nguy, có lúc cận kề bên cái chết, tinh thần và ý chí của người thanh niên
cách mạng không vì thế mà mất đi, trái lại nó được tôi rèn để càng trở nên
vững vàng, trong sáng. Con cá chột nưa là một thi phẩm thể hiện chân thật
cuộc đấu tranh nội tâm của người tù để giữ vững khí tiết cách mạng; Tranh
đấu và Giờ quyết định lại thể hiện hình ảnh và sức mạnh của tập thể những
người tù cách mạng gắn bó thành một khối thống nhất, không lùi bước trước
sự đàn áp khủng bố tàn bạo của kẻ thù; Trăng trối là những lời tha thiết, chân
thành mà người thanh niên cách mạng muốn giữ lại cho đời, cho đồng chí dù
“phút chết đã kề bên”:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ súng kề tai
Thân sống chỉ coi còn một nửa
Bao khổ ấy thôi cần chi nói nữa…
Bạn đời ơi! Ta đã hiểu nhau rồi
Tố Hữu biết rõ dấn thân vào hoạt động cách mạng dưới chế độ thực
dân phong kiến chắc chắn là phải chịu mọi gian khổ, thậm chí cả hy sinh.

Nhưng nhà thơ vẫn sẵn sàng:
Sống đã vì cách mạng anh em ta

Trang 14

Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà.
(Trăng trối)
Ở đây vấn đề “sống” và “chết” trong đấu tranh cách mạng đã được Tố
Hữu đặt ra mang những ý tưởng mới mẻ dựa trên sự kế thừa quan niệm đạo
lý, đạo đức trong văn thơ cổ “chết vinh hơn sống nhục”. Nhưng điều đáng nói
là vấn đề tác giả đặt ra không chỉ chung chung mà là một nguyên tắc sống của
người chiến sỹ cách mạng bằng những tấm gương cao đẹp của những cuộc
đời đã hy sinh cho cách mạng như Bà má Hậu Giang, như người mẹ miền
Nam quả cảm…
Một điều đặc biệt đáng quý ở Xiềng xích là trải qua cảnh tù đày khốc
liệt, tâm hồn người cách mạng trẻ tuổi vẫn nguyên sự nhạy cảm, tinh tế, càng
giàu tình thương và luôn tha thiết với cuộc sống trong từng trạng thái bình dị
và gần gũi, càng tha thiết với con người, với cuộc đời. Thoáng nghe mấy
tiếng rao đêm lọt vào nhà lao Quy Nhơn, Tố Hữu hình dung ngay ra hình ảnh
của em bé bán bánh:
Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng
Như cây dương liễu nhỏ tóc chưa viền
Manh áo mỏng che em không kín ngực.
(Một tiếng rao đêm)
Trong cảnh tù đày, vất vả trên đường chuyển lao từ thành phố Quy
Nhơn lên miền thượng Tây Nguyên, Tố Hữu nhìn mọi cảnh vật quen thuộc
bỗng trở nên xiết bao thân thiết, mang lại cho người tù biết bao xúc cảm sâu
sắc, muốn lưu giữ mãi những hình ảnh ấy trong tâm trí:
Đường qua mấy phố Quy Nhơn
Nhà sao trông lại yêu hơn mọi lần

Người đi quần áo chen chân
Ồ sao như đã quen thân từ nào?
(Tiếng hát đi đày)

Trang 15

Niềm căm hận kiếp tù đày, khát vọng tự do và ước muốn được hoạt
động, tất cả đã dồn tụ trong lòng người chiến sỹ cách mạng để thổi bùng lên
một quyết tâm hành động vượt ngục:
Núi hỡi! Từ đây băng xuống đó
Trải bao nhiêu dặm, mấy đêm trường?
(Tiếng hát đi đày)
Giải phóng: Gồm những bài thơ Tố Hữu sáng tác sau khi ra tù và
tham gia hoạt động cách mạng đến kỷ niệm 1 năm ngày Quốc khánh
(2/9/1946). Trong không khí sục sôi của Cách mạng tháng Tám và trong
niềm hân hoan tưng bừng của độc lập, tự do, hồn thơ Tố Hữu như được chắp
cánh bay bổng trong cảm hứng lãng mạn say sưa với niềm vui lớn của cả dân
tộc, trong cuộc hồi sinh của đất nước. Bài thơ Huế tháng Tám ghi lại những
hình ảnh kinh thành Huế trong từng giờ phút lịch sử trọng đại, ngày
23/8/1945 khi chính quyền về tay nhân dân. Cảm hứng lãng mạn tràn đầy đã
khiến tác giả Từ ấy sáng tạo những hình ảnh vừa lớn lao, bay bổng, vừa kỳ ảo
như “một thoáng siêu thực” (Xuân Diệu):
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ!
Gió ơi gió! Hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Ta ngã vật trong lòng người cuộn thác

Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc
Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
(Huế tháng Tám)

Trang 16

Và một năm sau, hòa vào dòng người trong đêm hội của Lễ kỷ niệm
ngày độc lập ở Hà Nội, Tố Hữu vẫn sống với cảm hứng say sưa, sôi trào như
muốn bay lên:
Ta hát suốt đêm nay vui bất tuyệt
Trống rung tim ta đập nhịp bồn chồn
Đầu ta qua lớp lớp khải hoàn môn
Hồn ta chạy sáng ngời trên ngọn đuốc
Lòng ta múa lồng lên theo đám rước
Ta xông lên trời với pháo thăng thiên
Bay bay lên, hỡi đôi cánh thần tiên
Đôi cánh mở của đất trời giải phóng
(Vui bất tuyệt)
Về nghệ thuật, Từ ấy là một thành công xuất sắc của văn học cách
mạng đương thời và còn là một hiện tượng nghệ thuật đặc sắc của nền thơ ca
hiện đại. Đặt nó trong bối cảnh thơ ca đương thời, xem xét mối tương quan
của nó với phong trào Thơ mới, sẽ càng thấy rõ vị trí đặc biệt của tập thơ. Ở
Từ ấy có sự gần gũi với Thơ mới trước hết ở thi pháp mà điểm đầu tiên có thể
thấy chính là sự hiện diện của cái tôi – cái tôi trong suy nghĩ, xúc cảm, vui
buồn, cái tôi có mặt với nhiều sắc thái thẩm mỹ. Tố Hữu đã tiếp nhận thành
tựu của Thơ mới và biến nó thành phương tiện hữu hiệu để thể hiện tư tưởng,
tình cảm cách mạng. Về ngôn ngữ, tập thơ rất giàu nhạc điệu. Tố Hữu quý
trọng và yêu thích sự phong phú về nhạc điệu của ngôn ngữ dân tộc nên nhạc
điệu của Từ ấy được tổ chức theo nhịp và ngân theo nhạc điệu của ngôn ngữ

dân tộc, tạo tính trữ tình, mềm mại và gợi cảm mà vẫn đảm bảo sự chân thực,
gần gũi với cuộc đời theo cách riêng.
Từ ấy là tập thơ đầu, có vị trí đặc biệt trong con đường thơ của Tố
Hữu. Tập thơ chứa đựng những rung động chân thành, niềm say mê trong trẻo

Trang 17

của một tâm hồn trẻ ở đầu đến với lý tưởng cách mạng và với thơ ca. Là tập
thơ đầu tay của một cây bút trẻ chưa thể đạt tới sự già dặn thành thục nên hạn
chế còn tồn tại là điều khó tránh.
1.2.2. Chặng 2: Việt Bắc ( 1947 - 1954)
Tập thơ in lần đầu vào cuối năm 1954, gồm 24 bài được tác giả sáng
tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (trong đó có năm bài dịch
thơ nước ngoài). Trong những lần in sau, Tố Hữu có bổ sung bốn bài được
viết năm 1946 chưa đưa vào tập Từ ấy là: Đêm xanh, Lạnh nhạt, Trường tôi,
Tình khoai sắn.
Việt Bắc đánh dấu chặng thứ hai trên con đường thơ của Tố Hữu. Ở
đây, tiếng nói say mê lý tưởng sôi nổi từng xuất hiện ở tập thơ Từ ấy trở nên
trầm lắng hơn, nhường chỗ cho tiếng nói của một người cán bộ. Việt Bắc thể
hiện sự chuyển biến mạnh mẽ của thơ Tố Hữu theo hướng dân tộc và đại
chúng, điều này là hoàn toàn phù hợp với phương châm của nền văn nghệ
thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nếu như ở Từ ấy nhân vật trữ tình
xuất hiện với tư cách cái tôi cá nhân tự ý thức thì đến Việt Bắc đó chính là cái
tôi trữ tình nhập vai quần chúng và đến những bài thơ ở cuối tập thơ Việt Bắc,
cái tôi trữ tình lại mang hình ảnh của cái tôi sử thi khái quát cho nhân dân,
dân tộc, cách mạng…thể hiện niềm vui bất tận trong ngày chiến thắng.
Việt Bắc là hình ảnh, tâm tình, tiếng nói của quần chúng nhân dân thể
hiện tình cảm sâu sắc, sự ngợi ca của nhà thơ với những con người kháng
chiến. Đó là hình ảnh anh Vệ quốc quân hiền lành đã làm nên chiến thắng
Việt Bắc vang dội:

Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh Vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!

Trang 18

Tôi nhích lại gần anh
Người bạn đường dũng cảm
Anh chiến sỹ hiền lành
Tì tay trên mũi súng
(Cá nước)
Là hình ảnh chị nông dân con mọn vượt lên những gian khổ thiếu
thốn, hăng hái tham gia công tác kháng chiến:
Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng Đèo Khế gió sang
Em là cô gái Bắc Giang
Rét thì mặc rét, việc làng em lo
Nhà em phơi lúa chưa khô
Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong
Nhà em con bế con bồng
Em cũng theo chồng đi phá đường quan
(Phá đường)
Đó còn là những người mẹ nông dân chất phác gắn bó nghĩa tình với
kháng chiến, hòa làm một tình thương con với lòng yêu nước sâu đằm. Tố
Hữu ngợi ca bà mẹ đó trong hình ảnh Bà mẹ Việt Bắc ngồi kể “chuyện nhà
chuyện cửa” bên bếp lửa, trên nhà sàn; trong hình ảnh “Bà bủ nằm ổ chuối
khô” nhớ con đi bộ đội:
Năm xưa cơm củ ngon chi
Năm nay cơm gié nhà thì vắng con!

(Bà Bủ)
Hình ảnh bà Bầm suốt đời thắt lưng buộc bụng đã sinh ra những đứa
con bộ đội anh dũng tuyệt vời:
Con đi trăm núi ngàn khe

Trang 19

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
(Bầm ơi)
Là em bé liên lạc hồn nhiên, anh dũng ngã xuống trên cánh đồng quê
hương dưới làn đạn giặc mà linh hồn và hình ảnh của em vẫn còn mãi với quê
hương đất nước:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng.
(Lượm)
Có thể thấy, ở đây, cái tôi trữ tình của nhà thơ đã hóa thân vào các
nhân vật quần chúng hoặc có hiện diện thì cũng chỉ là một đường viền để làm
nổi bật hình ảnh những con người quần chúng, trực tiếp bày tỏ lòng yêu mến
và cảm phục với họ trong sự thân thiết của tình đồng chí, đồng bào.
Việt Bắc thể hiện sâu sắc tình yêu nước, là “ khúc trường ca của tình
quê hương đất nước” (Hoài Thanh). Tình cảm ấy được biểu hiện phong phú,
sâu sắc trong nhiều trạng thái đa dạng. Đó là nghĩa tình gắn bó giữa hậu

phương với tiền tuyến được biểu hiện trong niềm nhớ thương của những bà
mẹ nông dân với đứa con Vệ quốc quân; là tình cảm “ Cá nước” của người
cán bộ với anh bộ đội chỉ qua một lần gặp gỡ tình cờ trên đường kháng chiến;
là mối tình gắn bó keo sơn giữa miền ngược với miền xuôi; là lòng biết ơn

Trang 20

sâu nặng của người cán bộ với đồng bào Việt Bắc; và trên hết là lòng kính
yêu của nhân dân với vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Đó còn là tình cảm với vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt
thắm thiết nghĩa tình của con người Việt Nam từ làng quê đến vùng rừng núi
chiến khu. Thiên nhiên đất nước hiện lên với nhiều cảnh sắc, trong mọi thời
khắc ở cả bốn mùa, trong đời sống hàng ngày và cả trong những sinh hoạt
kháng chiến. Bức tranh “tứ bình” vừa đẹp, vừa giản dị đã phác họa chân xác
và thành công vẻ đẹp về thiên nhiên và con người Việt Bắc:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
(Việt Bắc)
Và mỗi khi “ Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”, vang vọng
đâu đây âm thanh quen thuộc của cuộc sống con người, âm thanh của “tiếng
mõ rừng chiều, chày đêm nện cối đều đều suối xa ”; lại có những cảnh rộn rã,
tấp nập của sinh hoạt kháng chiến của cơ quan lớp học i tờ…và hình ảnh hào
hùng của những đoàn dân công, bộ đội đi chiến dịch để cứu nước nhà.
Đó còn là lòng tự hào dân tộc gắn liền với ý thức làm chủ của quần

chúng nhân dân khi đất nước giành được thắng lợi, hòa bình:
Của ta, trời đất, đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta!
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)

Trang 21

Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần
Tháng Tám trời thu xanh thẳm
Mây nhởn nhơ bay
Hôm nay ngày đẹp lắm!
Mây của ta, trời thắm của ta.
(Ta đi tới )
Việt Bắc bao trùm một lòng yêu nước sâu sắc, nhuần nhị của người
chiến sĩ cách mạng Tố Hữu. Đất nước Việt Nam qua ngòi bút Tố Hữu hiện
lên vừa giàu cảnh sắc, vừa thấm đượm tình người, vừa hào hùng cách mạng…
Tập thơ là cuốn nhật ký, là bản hùng ca về cuộc kháng chiến ghi lại
những hình ảnh, sự kiện và bước trưởng thành của cuộc kháng chiến, những
âm vang của lịch sử, của thời đại. Lần theo các bài thơ trong tập, có thể hình
dung các chặng đường của cuộc kháng chiến. Từ những ngày đầu phòng ngự
với chủ trương tiêu thủ những thành phố, thị trấn, phá cầu, đường để cản bước
tiến công của quân giặc (Giữa thành phố trụi, Phá đường), rồi chiến thắng
Việt Bắc – chiến thắng lớn đầu tiên của quân và dân ta đánh bại cuộc tấn công
quy mô lớn của giặc Pháp trên căn cứ địa Việt Bắc được nhà thơ ghi lại bằng
lời kể sảng khoái của anh Vệ quốc quân qua bài Cá nước. Theo bước chân
anh bộ đội cụ Hồ lên Tây Bắc, nhà thơ đã ghi lại những hình ảnh cuộc sống
gian khổ và vẻ đẹp hào hùng của người chiến sĩ cách mạng khi vượt qua
những đèo núi hiểm trở, cheo leo của Miền Tây.
Cuộc kháng chiến ở hậu phương lại được Tố Hữu tái hiện qua hình
ảnh và tâm tình của những người mẹ, người phụ nữ nông dân. Đặc biệt, năm

1954 khi dân tộc ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động
địa cầu”, giành lại hòa bình và giải phóng được nửa đất nước thì hồn thơ Tố
Hữu như được nâng bổng, vươn xa trong cảm hứng sử thi hào hùng và tầm
khái quát lịch sử với ba bài thơ lớn: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên; Ta đi tới;

Trang 22

Việt Bắc . Ba bài thơ đã ghi lại một cách tài tình không khí, tâm trạng, khí thế
của thời đại trong bước ngoặt đi lên của lịch sử dân tộc, trong đó Việt Bắc
được đánh giá là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất của thơ ca kháng
chiến.
Nói tóm lại, Việt Bắc đánh dấu chặng thứ hai – chặng đường có vị trí
quan trọng trên hành trình thơ của Tố Hữu. Đến đây, cái tôi của nhà thơ đã
thực sự hòa nhập vào cuộc sống nhân dân, thấu hiểu và gần gũi hơn với cuộc
đời, tâm tình, ước nguyện của quần chúng kháng chiến. Với tập Việt Bắc, thơ
Tố Hữu đã bắt được vào nguồn mạch sâu xa và bền bỉ của truyền thống văn
hóa tinh thần dân tộc và nhân dân, đồng thời thể hiện được lý tưởng cách
mạng, tinh thần thời đại trong việc làm, hành động, ý thức và tình cảm của
đông đảo quần chúng.
1.2.3. Chặng 3: Gió lộng (1955 - 1961)
Tập thơ gồm 25 bài thơ được Tố Hữu sáng tác trong giai đoạn mới
của cách mạng khi đất nước tiến hành song song hai nhiệm vụ: Xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Tập
thơ được khai thác trên hai nguồn cảm hứng: niềm vui, niềm tự hào, tin tưởng
trước cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa trên Miền Bắc và tình cảm với Miền
Nam ruột thịt cùng với ý chí thống nhất đất nước. Cùng với hai nguồn cảm
hứng ấy, tập thơ cũng thể hiện niềm vui, niềm tin tưởng và lòng biết ơn với
những đất nước anh em, bè bạn trong tình cảm quốc tế cao cả của những
người cách mạng.
Gió lộng in đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn thể hiện

niềm vui phơi phới của một dân tộc vừa được giải phóng.
Bỗng hôm nay nghe mùa thu mới gọi
Bao nhiêu vui chứa chất bấy nhiêu ngày
Ùa cả dậy, vui tràn đầy, chói lọi

Trang 23

Những trái tim, những ánh mắt, bàn tay”
(Mùa thu mới)
Cuộc sống mới trên Miền Bắc qua sự cảm nhận của nhà thơ là một
mùa xuân lớn, một ngày hội lớn mà nhìn đâu cũng thấy tràn đầy niềm vui và
sức sống. Và khi đất nước bước vào mùa xuân 1961, năm đầu của kế hoạch 5
năm đầu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội, được Tố Hữu hình dung như một “
Đỉnh cao muôn trượng” để:
Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!
(Bài ca mùa xuân 1961)
Nhưng trong niềm hân hoan, vui vẻ và tự hào về cuộc sống hiện tại,
nhà thơ vẫn không quên nhớ về quá khứ để thấm thía những khổ đau của cha
ông, công lao của những thế hệ đi trước mở đường và từ đó càng thấm thía ân tình
cách mạng:
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!
Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng…
(Bài ca mùa xuân 1961)
Khơi sâu dòng thơ từ đời sống dân tộc, Tố Hữu đã dành cho mình
những khoảng lặng để nhớ về quá khứ, để thấm thía nỗi tủi khổ của cha ông,
để tri ân với những truyền thống anh hùng bất khuất, với những xót xa tủi
nhục. Ba mươi năm đời ta có Đảng là bài diễn ca về lịch sử vẻ vang trong
chặng đường ba mươi năm từ khi Đảng cộng sản hoài thai, nó tiếp tục mạch

thơ diễn ca lịch sử trong truyền thống văn học dân tộc, khẳng định truyền
thống hào hùng của dân tộc; Tiếng chổi tre là bài thơ không chỉ nhằm khắc
họa hình tượng người lao động mà xa hơn đó là biểu tượng cho những con
người cách mạng đi trước mở đường cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay với lối

Trang 24

nhắc nhở đừng bao giờ quên công ơn của những thế hệ đi trước mà hình ảnh
hiện lên trong bài thơ rất vĩ đại:
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác
(Tiếng chổi tre)
Tiêu biểu hơn cả cho mạch cảm hứng về ân tình cách mạng trong thơ
Tố Hữu là hình ảnh bà mẹ nghèo che chở, nuôi những chiến sĩ cách mạng
không một lời than thở, thấm đượm một sự hi sinh lớn lao, thầm lặng. Hình
ảnh mẹ Tơm mang vẻ đẹp của sự bình dị, chân thực, vừa lớn lao như hòa vào
quê hương đất nước, mẹ mang vẻ đẹp của “trái tim như ngọc sáng ngời”:
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!
(Mẹ Tơm)
Vui trước miền Bắc nhưng vẫn không một lúc nào không nhớ đến
miền Nam, không đau xót vì một nửa cơ thể của Tổ quốc chúng ta đang chảy
máu. Không phải đến bây giờ Tố Hữu mới nói đến những tội ác của giặc ,
những nỗi thống khổ của đồng bào. Nó như tiếng thét căm hận ngút trời trước
tội ác của kẻ thù, là sự: “căm hờn lại giục căm hờn” với lũ xâm lăng (Thù
muôn đời muôn kiếp không tan), là tình cảm yêu thương vô hạn, đau xót, là

lòng cảm phục với chị Trần Thị Lý – người con gái vinh quang, và cao hơn
hết, là người nữ anh hùng đất Việt. Nhà thơ đã nói lên lòng yêu thương của cả
nước đối với người con gái ưu tú của mình:
Cả nước bên em, quanh giường nệm trắng

Trang 25

Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa
(Người con gái Việt Nam)
Là nỗi niềm nhớ thương quê hương hòa quyện với những hình ảnh và
kỷ niệm thắm thiết về người mẹ:
Huế ơi, quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi
(Quê mẹ)
Gió lộng tiếp tục khuynh hướng sử thi và cái nhìn khái quát, tổng hợp
đã được mở ra từ cuối tập Việt Bắc đồng thời được nâng lên ở một nghệ thuật
biểu hiện già dặn và chủ động hơn, nhiều chỗ đạt tới tính cổ điển. Cái tôi trữ
tình của Tố Hữu ở đây là kết quả của sự thống nhất riêng chung, của sự hòa
nhập một cách tự nhiên giữa cái tôi riêng tư – tiểu sử và cái tôi sử thi. Đó
chính là cơ sở tạo nên những bài thơ đặc sắc như: Quê mẹ, Mẹ Tơm, Bài ca
xuân 61… Tập thơ đánh dấu mốc son thứ 3 trên hành trình thơ Tố Hữu.
1.2.4. Chặng 4 - Thơ Tố Hữu trong thời kỳ kháng chiến chống
Mỹ: Ra trận (1962 – 1971 ); Máu và Hoa (1972 - 1977)
Ra trận là tập hợp những bài thơ từ 1962 – 1971, gồm 31 bài. Tập thơ
đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu của thời đại và nó trở thành tập thơ “ra trận”
của toàn dân, thành khẩu lệnh chiến đấu, là hành động quyết liệt, là lẽ sống
thiêng hùng của dân tộc trước giờ phút lịch sử của cuộc kháng chiến chống

Mỹ ác liệt.
Lời đề từ của bài thơ Theo chân Bác, “40 thế kỷ cùng ra trận” là một
sự khái quát tinh thần “ra trận” hiện đại được kết hợp với tinh thần yêu nước
truyền thống, do đó tập thơ thể hiện sự kết hợp sâu sắc giữa chủ nghĩa anh

×