ĐIỀU TRA NGHIÊN CỨU KIẾN THỨC BẢN ĐỊA VỀ QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN
RỪNG CỦA MỘT SỐ CỘNG ĐỒNG THÔN BẢN MIỀN NÚI PHÍA BẮC VIỆT NAM
Đỗ Đình Sâm, chủ biên, Đặng Kim Khánh, An Văn Bảy
Tháng 11 - 2002
1. ĐẶT VẤN ĐỀ VÀ GIỚI HẠN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1 Đặt vấn đề:
Rừng cộng đồng và quản lý cộng đồng các loại rừng được nhiều nước trong khu vực Châu
á quan tâm. ở nước ta vấn đề này đã được chú ý nghiên cứu và tiến hành thực hiện tại một
số vùng núi và trong một số dự án quốc tế. Rừng cộng đồng và quản lý cộng đồng các lọai
rừng mở ra triển vọng tốt đẹp trong việc bảo vệ, quản lý và phát triển rừng. Điều đó xuất
phát từ tính cộng đồng cao của các dân tộc thiểu số miền núi, từ những tục lệ, hương ước
và các kinh nghiệm truyền thống được đúc kết lâu đời rút ra từ thực tiễn của đồng bào các
dân tộc thiểu số.
Trong những năm gần đây việc nghiên cứu, đúc kết kiến thức bản địa đã được quan tâm
chú ý trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, y tế Kiến thức bản địa (Indigenous
knowledge) còn được gọi là kiến thức truyền thống (traditional knowledge) hay kiến thức địa
phương (local knowledge) (Theo Hoàng Xuân Tý, 1998). Nó tồn tại và phát triển trong
những hoàn cảnh nhất định ở một vùng địa lý xác định với sự đóng góp của mọi thành viên
trong cộng đồng. Nghiên cứu, đánh giá kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong
nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên đã được TS. Hoàng Xuân Tý và các cộng tác
viên thực hiện trong khuôn khổ dự án “Đánh giá kiến thức bản địa của đồng bào dân tộc
trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu
phát triển quốc tế Canada (IDRC) và quỹ FORD ( Foundation) tài trợ (1997-1999). Kết quả
nghiên cứu đã được xuất bản thành ấn phẩm do nhà xuất bản Nông nghiệp in ấn (Hà Nội
1998).
Trong chương trình nghiên cứu về nông nghiệp du canh được tài trợ bởi Viện quốc tế về
Môi trường và Phát triển Anh (IIED), Tổ chức hợp tác lâm nghiệp hải ngoại Nhật Bản
(JOFCA) cũng đã nghiên cứu những kiến thức bản địa về canh tác nương rãy, nông lâm kết
hợp, các quy định về làm rãy, chọn rừng (Do Đỗ Đình Sâm và các cộng tác , 1994-1998).
Trong chương trình Thái học Việt Nam do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn
hoá thuộc Đại học quốc gia Hà Nội thực hiện năm 1989 và kết quả nghiên cứu đã được xuất
bản trong ấn phẩm “Văn hoá và lịch sử người Thái ở Việt Nam”, (1998) do Cầm Trọng chủ
biên cũng đã đề cấp tới một số quy ước quản lý, bảo vệ rừng, rãy.
Các nghiên cứu kiến thức bản địa trước đây về một số vấn đề liên quan tới quản lý, bảo vệ,
phát triển tài nguyên rừng đã đề cập :
-Luật tục quy định về bảo vệ nương rãy, tài nguyên rừng của đồng bào Thái,
M’Nông, Tày, Nùng.
-Kinh nghiệm phát triển và sử dụng một số lâm sản ngoài gỗ như Quế (đồng bào
Dao (Yên Bái), Cơ Ho) (Trà Bồng, Trà Mi), Sa nhân (dân tộc Mường Hoà Bình); một số cây
thuốc (dân tộc Mường Hoà Bình).
Tuy vậy việc thu thập kiến thức bản địa cũng chưa được đầy đủ nhất là những vấn
đề có liên quan tới quản lý các loại rừng khác nhau và một số vấn đề về kinh nghiệm kỹ
thuật, áp dụng các kiến thức bản địa, phát huy các đặc tính truyền thống cộng đồng của
đồng bào dân tộc thiểu số trong quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian gần đây. Đó là những
nội dung cần tiếp tục bổ sung điều tra, nghiên cứu trong phạm vi đề tài này.
1.2 Mục tiêu:
Mục tiêu của đề tài là đánh giá được các kiến thức bản địa về quản lý, bảo vệ, khai
thác và phát triển tài nguyên rừng của một số cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
nhằm phổ biến rộng cho quản lý lâm nghiệp cộng đồng.
1.3 Giới hạn đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Do thời gian nghiên cứu có hạn nên việc điều tra, thu thập kiến thức bản địa chỉ tập
trung vào các đối tượng sau:
-Nghiên cứu kiến thức bản địa theo mục tiêu trên của 3 dân tộc chính là H’Mông,
Dao và Thái.
-Địa điểm nghiên cứu: Sơn La và Quảng Ninh.
-Đối tượng rừng:
• Rừng bảo vệ nguồn nước.
• Rừng thiêng, rừng ma.
• Rừng cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ (Quế, một số cây thuốc ).
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
-Điều tra, phỏng vấn: Chủ yếu áp dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn
RRA, phỏng vấn các đối tượng có kinh nghiệm trong thôn bản: già làng, trưởng bản, phụ
nữ. Phỏng vấn được tiến hành trên cơ sở phiếu điều tra đơn giản nêu một số câu hỏi chính
đáp ứng mục tiêu, nội dung của đề tài.
-Quan sát, đánh giá mô hình trên thực tiễn.
3. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
3.1 Tập hợp tài liệu nghiên cứu:
Các tư liệu nghiên cứu đã được xuất bản liên quan tới kiến thức bản địa về quản lý, bảo vệ
và sử dụng rừng như đã nêu trên của các tác giả Hoàng Xuân Tý (chủ biên), An Văn Bảy,
Cầm Tú Lan (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), Cầm Trọng (chủ biên), Vương Xuân
Bình, Ngô Đức Thịnh (Viện dân tộc học). Các kiến thức bản địa được nghiên cứu tập trung
vào các chủ đề sau:
3.1.1 Quản lý, bảo vệ rừng, rãy:
Các dân tộc thiểu số như M’Nông, Thái, Tày-Nùng có những đặc điểm khác nhau trong
những quy ước, tục lệ về bảo vệ, quản, lý rừng –rẫy, tài nguyên rừng đều có những đặc
trưng giống nhau:
uan hệ cộng đồng: Được thể hiện rất rõ ở cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua nhiều quy
ước, tập tục truyền miệng và tất cả thành viên của cộng đồng đều tự nguyện thực hiện một
cách có ý thức. Chính đó là một trong những cơ sở quan trọng quản lý lâm nghiệp cộng
đồng-hoặc hình thành rừng cộng đồng (rừng thôn, bản). Người M’nông (Đắc Lắc) đã có
những cam kết cộng đồng như sau:
Lục lạc đã buộc đuôi nhím.
Dây mây đã buộc mồm cọp.
Đã khắc cán xà gạt sáu nấc.
Đã khắc cán cào bảy nấc.
Dây lạt đã thắt với nhau.
Dây giao kết đã thắt với nhau.
Đã giao kết bằng chiêng to.
Đã giao kết bằng Rluy to (Theo Ngô Đức Thịnh- Dẫn: Hoàng Xuân Tý, 1998).
Nếu ai phá vỡ lời giao kết thì sẽ bị phạt và quy định rõ:
Ai phá vỡ lời cam kết
Giao kết bằng trâu nó phải gom đủ
Giao kết bằng chỉ nó phải gom đủ
Của cải giao kết nó phải gom đủ
Con lợn sẽ đạp ngang cổ
Con chó sẽ đạp ngang háng.
Người ta sẽ bắt bẻ đủ tội (Dẫn theo Hoàng Xuân Tý, 1998)
Dân tộc Thái cũng có những quan niệm cộng đồng thôn bản như sau:
Nhiều mây thành mưa
Nhiều người thành bản
hoặc Nhiều bản thành mường
Nhiều phương thành trời
Nơi nào cũng là mường
Phương nào cũng là Pọng
Noọng nào cũng là noọng ta
Quan hệ con người trong cộng đồng cũng thể hiện rõ: Một người nhịn-chín người bỏ
cơm theo. Lá lành che lá rách. Trải cót lấp gốc cây” (dẫn theo Hà Nam Ninh-Bá Thước-
Thanh Hoá).
-Quản lý, bảo vệ rừng và rãy:
Các thôn, bản đều có quy định ranh giới riêng về rừng, rãy, đất đai của thôn bản và thường
dựa vào suối, khe núi, hoặc những đường biên giới chỉ mang tính ước lệ nhưng đều được
mọi người tôn trọng. Ranh giới này thường do các già làng, các người có kinh nghiệm khảo
sát và xác định.
• Có những quy định về bảo vệ rừng, chặt cây, chống cháy khi đốt rừng làm rãy và
các quy ước xử phạt Những quy ước, tập tục có thể thể hiện qua các luật tục được văn
bản hoá hoặc truyền miệng. Các quy ước có thể cụ thể nhưng cũng có khi dựa vào tâm linh,
thần linh có tính tượng trưng. Việc xây dựng quy ước thường là do trưởng bản hoặc những
người già có uy tín đề xuất và được bổ sung. Các quy ước thường được nhắc nhở trong
các sinh hoạt cộng đồng.
Một số quy định về bảo vệ rừng, phòng chống cháy của người M’Nông thông qua bộ luật
tục do Ngô Đức Thịnh sưu tầm có những đoạn sau:
Rừng bị cháy mọi người đều buồn
Cháy qua suối kỳ đà chết sạch
Cháy bãi cỏ kỳ nhông chết thui
Rừng đâu phải tự nhiên mà có
Đất đâu phải tự nhiên mà có
hoặc Bắt con cá phải chừa con mẹ
Chặt cây tre phải chừa cây con.
Một số quan niệm về sở hữu rừng cũng được thể hiện
Khu rừng sâu đâu phải của nai
Khu rừng đó là của tổ tiên
Khu rừng đó là của con cháu
Khu rừng đó là của ông bà
Khu rừng đó là của chúng ta (Sưu tầm Ngô Đức Thịnh 1998)
hoặc Rừng là của chung.
Đất là của chung.
• Dân tộc Thái:
Dân tộc Thái ở Thanh Hoá từ xưa cũng có quy định các rừng cấm là những khu rừng
phòng hộ nằm ở khu vực đầu nguồn và cũng nhằm đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp cho
các gia đình trong bản về gỗ, củi. Các rừng đó có các dấu hiệu đặt trước cửa rừng cấm gọi
là ta leo. Ngoài ra cũng có những khu rừng cấm hái măng. Một vụ măng người ta chỉ quy
định toàn bản tập trung hái một, hai lần (theo Vũ Trường Giang trong ấn phẩm “Văn hoá và
lịch sử người Thái ở Việt Nam, Hà Nội, 1998). Tất cả các quy ước rừng cấm đều được
người dân trong bản thực hiện một cách tự giác, có ý thức cộng đồng.
3.1.2 Sử dụng và phát triển tài nguyên rừng:
Các kiến thức bản địa tập trung vào sử dụng các lâm sản ngòai gỗ, cây thuốc:
Kinh nghiệm khai thác, sử dụng và gây trồng cây thuốc đã được đề cập nhiều trong
nhiên cứu về y dược cổ truyền, đặc biệt của GS. Đỗ Tất Lợi. Kiến thức bản địa trong sử
dụng lâm sản ngoài gỗ được nghiên cứu và đề cập tới nhiều là việc gây trồng, phát triển
cây Quế (Cinamomum cassia) của đồng bào Dao (Yên Bái, Quảng Ninh), Cơ Ho
(Quảng Nam, Quảng Ngãi) (Nguyễn Ngọc Bình, Đỗ Đình Sâm, Hoàng Xuân Tý, Ngô
Quế). Đồng bào Dao, Cơ ho đã có kinh nghiệm trồng Quế rất lâu đời theo các phương thức
khác nhau đặc biệt dưới tán rừng, ở các chỗ trống theo từng cây riêng lẻ hoặc thành các
cụm cây. Cây Quế trồng dưới tán rừng nơi trống nhỏ sẽ tạo điều kiện cho Quế phát triển vì
giai đoạn non Quế cần che bóng. Trong một số trường hợp nếu Quế phát triển bị các cây gỗ
khác chèn ép đồng bào thường ken chết cây gỗ bằng cách ken vỏ. Các cây Quế trồng riêng
lẻ hoặc thành từng đám dưới tán rừng sẽ được truyền cho con cháu như là một phần “của
hồi môn”. Đồng bào Dao còn phát triển gây trồng Quế ở đất không còn rừng theo hướng
nông lâm kết hợp xen lúa, sắn và trồng dày, mật độ cao, tiến hành tỉa thưa dần nhằm hạn
chế môi trường gây trồng Quế không thuận lợi (nơi đất trống) và kết hợp khai thác vỏ Quế
khi tỉa thưa rừng Quế dày.
3.2 Điều tra, phỏng vấn:
Đã tiến hành phỏng vấn 22 người tại các thôn bản, Uỷ ban xã ở Sơn La và Quảng Ninh
(xem phụ biểu). Các đối tượng phỏng vấn là lãnh đạo Uỷ ban xã, trưởng bản, già làng, phụ
nữ
3.3 Đặc điểm chung đối tượng nghiên cứu:
3.3.1 Các bản dân tộc Thái
Điều tra kiến thức bản địa về quản lý, bảo vệ và sử dụng phát triển tài nguyên rừng
của đồng bào dân tộc Thái được tiến hành tại các bản thuộc xã Chiềng Sinh thị xã Sơn La
và thị trấn Mộc Châu.
Đặc điểm dân số và rừng được trình bày
Bản
Xã
Nhân khẩu
Diện tích rừng
Bản Ban
Chiềng Sinh
164/25 hộ
*Rừng phòng hộ: 7,5ha
*Núi đá vôi: 129ha (có rừng và không có
rừng)
Bản Thẳm Chiềng Sinh 360/58 hộ Rừng phòng hộ đầu nguồn: 50ha
Bản Gio Chiềng Sinh 257/48 hộ Rừng phòng hộ: 34 ha
Rừng sản xuất: 10-15 ha (1 đồi nhỏ)
Bản Chiềng Di Mộc Châu 1000/200 hộ Rừng núi đá vôi: 100 ha (sản xuất và
phòng hộ)
tóm tắt ở bảng sau:
Rừng chủ yếu là rừng tự nhiên, đã khai thác nhiều lần nhằm cung cấp gỗ cho nhu
cầu xã hội. Hiện trạng là rừng nghèo, phần lớn thuộc đối tượng rừng phòng hộ đầu nguồn.
Rừng trên núi đá vôi cũng đã khai thác chọn nhưng do điều kiện khó khăn nên trạng thái
rừng còn khá hơn. Rừng phòng hộ đã giao cho xã trực tiếp bảo vệ, sử dụng dưới hình thức
là các rừng thôn bản. Rừng của các bản xã Chiềng Sinh đó là các rừng cộng đồng truyền
thống của bản. Các bản xung quanh thị xã Mộc Châu hạt Kiểm lâm đang tiến hành giao
rừng cho từng hộ quản lý, sử dụng (rừng sản xuất). Ngòai rừng phòng hộ, rừng sản xuất
(diện tích nhỏ) ở các bản dân tộc Dao còn có rừng thiêng, nơi toàn bản tập trung cúng, lễ
vào dịp đầu xuân hoặc cầu xin những điều tốt lành khi bản gặp những điều rủi ro, bất hạnh
(dịch bệnh về người và gia súc ). Diện tích rừng thiêng không lớn, trung bình 200-300m2
ở mỗi bản. Ngoài rừng thiêng còn có rừng ma là nơi chôn cất người chết. Diện tích rừng tuỳ
số lượng người trong thôn bản hoặc có thể vài bản cạnh nhau cùng chung diện tích rừng
ma. Diện tích chừng 2-3 ha. Về mặt tổ chức, quản lý rừng từ năm 1960 hình thành hợp tác
xã chịu trách nhiệm quản lý rừng, sau giải thể hợp tác xã rừng lại giao về bản quản lý
(1990).
Các rừng hiện nay do thôn bản quản lý đều bảo vệ tốt, xã Chiềng Sinh đã được Chủ
tịch nước phát bằng khen về thành tích bảo vệ rừng (1986).
3.3.2 Các bản dân tộc H’Mông:
Điều tra kiến thức bản địa về quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng của đồng bào H’Mông
cũng tiến hành ở tỉnh Sơn La tại huyện Mai Sơn và Mộc Châu. Đặc điểm nhân khẩu và diện
tích rừng được thống kê như sau:
Bản
Xã
Nhân khẩu
Diện tích rừng
Pá Dông
Xã Tà Hộc-Mai Sơn
700/99 hộ
*Rừng phòng hộ: 400 ha
Hua Tạt Xã Vân Hộ –Mộc Châu 500/80 hộ Rừng đầu nguồn: 10ha.
Rừng núi đá vôi: 376ha
Khu khoanh giữ để bảo tồn:
100ha
Loóng Luông
Xã Loóng Luông-Mộc
Châu
600/120 hộ
Đặc điểm chung đối với đồng bào H’Mông là vẫn tiếp tục làm nương rãy nên hiện nay các
bản đã quy định nơi được phép làm rãy và phân cho các hộ một số diện tích nhất định. Ví
dụ bản Pa Dông giao cho mỗi hộ 3 ha làm nương cố định. Ngoài ra đồng bào thường gây
trồng Y dĩ, dong riềng đề bán. Vì vậy nhìn chung rừng do thôn bản quản lý được bảo vệ tốt.
ở Mộc Châu hạt Kiểm lâm đang tiến hành giao rừng sản xuất cho hộ gia đình như bản Hua
Tạt diện tích 376 ha rừng núi đá vôi sẽ giao cho các hộ gia đình quản lý.
Rừng phòng hộ ở các bản người H’Mông do Hạt kiểm lâm là chủ rừng nay đã giao cho bản
quản lý.
3.3.3 Các bản dân tộc Dao:
Điều tra kiến thức bản địa về quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng của đồng bào Dao được tiến
hành ở tỉnh Quảng Ninh tại các xã Quảng Sơn, Quảng Lâm và Quảng An. Đặc điểm chung
về nhân khẩu và diện tích rừng được trình bày ở bảng sau:
Xã
Nhân khẩu
Diện tích đất lâm nghiệp
Quảng Son
3144
Đất lâm nghiệp: 9000 ha
Rừng tự nhiên: 4000 ha
Quảng Lâm
383 hộ
Đất có rừng: 5076 ha
Rừng tự nhiên: 3851 ha
Rừng trồng: 1225 ha (Quế +Bạch đàn)
Quảng An
3635/706 hộ
Đất có rừng: 2821 ha
Rừng tự nhiên: 1817,6 ha
Rừng trồng: 1003,4ha (Quế +Bạch đàn+Keo)
Một đặc điểm quan trọng của các bản đồng bào Dao tiến hành nghiên cứu là họ đã
có kinh nghiệm trồng Quế (Cinamomum cassia) từ lâu đời đặc biệt ở Quảng Lâm và Quảng
An và Quế ở Quảng Ninh cũng là sản phẩm nổi tiếng. Ngoài Quế gần đây người dân đã
phát triển trồng Hồi xen với Quế (cách đây chừng 11 năm) lấy từ Bình Liêu (Quảng Ninh).
Việc giao đất, giao rừng trước kia cũng đã tiến hành và còn giữ hiện trạng tới nay.
Theo quy định của tỉnh thì độ cao trên 300m là rừng phòng hộ cần bảo vệ nghiêm ngặt và
do hạt Kiểm lâm hoặc xã quản lý nay cũng đã giao cho bản chịu trách nhiệm quản lý, dưới
300m giao cho các hộ gia đình quản lý ( sổ lâm bạ) để bảo vệ các rừng nghèo, rừng tái sinh
và phát triển gây trồng Quế bằng vốn hỗ trợ của chương trình 327 hoặc tự bỏ vốn.
3.4 Đánh giá các kinh nghiệm truyền thống:
3.4.1 Quy ước và kinh nghiệm quản lý rừng đầu nguồn cung cấp nước:
Qua phỏng vấn, điều tra 3 dân tộc: Thái, H’Mông và Dao thấy nổi bật hơn cả là
đồng bào Thái có quy ước truyền thống về bảo vệ rừng đầu nguồn cung cấp nước. Trước
hết họ xác định rừng giữ nước theo đường phân thuỷ, theo mái núi nước chảy và rừng đó
quy ước không khai thác. Một số nơi đồng bào còn bảo vệ những cây gỗ lớn chung quanh
giếng để giữ nước. Làm nương rãy vùng đầu nguồn cũng không cho phép, thường làm rãy
ở vùng thấp hơn.
Đồng bào H’Mông cũng có quy định rừng gần bản, chung quanh bản không được
chặt cây to, khồng làm rãy. Rẫy phải xa bản khoảng 3-4km.
Đó là ý thức của đồng bào bảo vệ rừng để giữ nước cho thôn bản. Đồng bào Thái
còn có kinh nghiệm đào các ao chứa nước có kích thước khác nhau dưới chân núi rừng
đầu nguồn để hạn chế nước xói mạnh vào mùa mưa và tích nước cho mùa khô và có thể
nuôi cá.
Với rừng đầu nguồn và rừng quanh bản người Thái trước kia có tục lệ trồng tre
truyền lại cho con cháu và là sở hữu của người trồng như đồng bào Dao, Cơ ho đã trồng
Quế. Đồng bào chọn tre (gọi là mạy hốc) giống như Luồng để trồng vì Tre dễ sử dụng, mau
cho sản phẩm và dễ lan rộng thành các bụi Tre lớn. Về mặt phòng hộ, giữ đất thì Tre cũng
là loài cây có tác dụng bảo vệ đất tốt.
Một điều đáng quan tâm là các qui ước hồi xưa không nhiều, đơn giản, nhưng toàn
bản đều có ý thức tự nguyện thực hiện. Điều đó xuất phát từ tính cộng đồng của thôn bản,
tôn trọng già làng vì ý kiến già làng dường như là ý kiến chỉ đạo và già làng do người dân
trong thôn bản lựa chọn và tôn trọng. Ngoài ra trước kia quy định phạt do “quan bản” điều
hành (do Pháp bổ nhiệm được sự đồng ý của dân) cũng rất nghiêm khắc. Ví dụ khi xâm
phạm vào rừng, không thực hiện quy ước thì phải phạt 10 chai rượu, 6kg gạo và 1 yến ta
(khoảng 6kg) thịt lợn để làm cỗ cho bản ăn và người bị phạt không được ăn. Về tiền mặt
nếu chặt 1 cây phạt 700 đồng bạc trắng và hoa xoè. ở Mộc Châu phỏng vấn bản dân tộc
Thái trưởng bản cho biết trước kia nếu vi phạm quy ước của bản thì người vi phạm phải tự
dùng mõ báo với dân làng sai phạm của mình để sửa chữa.
Có thể nói chính đặc tính cộng đồng chặt chẽ của đồng bào dân tộc ít người, tôn vinh già
làng và những quy ước phạt nhất định từ trước đã tạo cho mỗi người dân trong bản ý thức
tự nguyện tôn trọng quy ước của thôn bản về bảo vệ rừng.
3.4.2 Quản lý rừng lấy gỗ, tre nứa:
Qua phỏng vấn các bản đồng bào Thái, Dao, H’Mông đều xác định là trước kia do còn ít
người, rừng nhiều nên việc chặt gỗ làm nhà, sử dụng cho các mục đích khác trong gia đình
đều tự do, không có quy ước trừ rừng đầu nguồn, rừng cạnh bản, rừng thiêng, rừng ma.
Đối với sử dụng gỗ đồng bào Thái, H’Mông ở Sơn la cũng có kinh nghiệm trước kia lấy gỗ
làm nhà chủ yếu ở núi đá vôi vì các loại cây gỗ trên núi đá vôi đều là gỗ quý và tốt (Nghiến,
Trai, Đinh ). Rừng núi đá vôi thuộc các bản ở Sơn la nhìn chung còn giữ được khá vì rừng
đó không làm nương rẫy, khó khai thác và ý thức bảo vệ chung của cộng đồng thôn bản
cao.
Đối với tre nứa trước kia cũng sử dụng tự do kể cả lấy măng do còn rất ít người, rừng bao
la xung quanh bản.
Sử dụng gỗ mềm đồng bào có kinh nghiệm bảo quản kéo dài tuổi thọ. Ví dụ có cây Mạy
phay, đường kính lớn chừng 50-60cm nhưng gỗ rất mềm để ngoài trời 1 năm sẽ mục
nhưng nếu xẻ xong ngâm nước gỗ sẽ dai, không mục (kinh nghiệm đồng bào Thái). Một số
bản đã có ý thức bảo vệ rừng sản xuất, đảm bảo tái sính của rừng. Phỏng vấn bản dân tộc
Thái ở Chiềng (Mộc Châu) trưởng bản cho biết trước kia vào khoảng 1957-1958 chặt gỗ
khu rừng nào phải có phép của trưởng bản và không cho chặt sâu trong rừng vì kéo gỗ làm
hại nhiều cây tái sinh.
3.4.3 Rừng thiêng (Thông sửa):
Dân tôc Thái ở Sơn La đều có rừng thiêng ở mỗi bản và gọi là Thông sửa. Bản chất
của rừng thiêng là nơi cúng lễ của thôn bản, nơi cầu khấn một ước vọng hay xua đuổi một
tai hoạ nào đó (dịch bệnh, mùa màng thất bát ). Đó là nơi mang tính tâm linh, linh thiêng
của toàn bản. Vì vậy rừng được bảo vệ tốt, người dân có ý thức giữ rừng từ xưa.
Rừng thiêng diện tích nhỏ khoảng 200-300m2 ở mỗi bản. Tổ chức cũng lễ vào dịp
tết đầu xuân hoặc lúc xảy ra khô hạn, bệnh tật, dịch gia súc , trước kia thường 1 năm
cúng 1 lần. Ngày cúng lễ đó cả bản nghỉ, đánh trống, chiêng và ăn tại chỗ, còn thừa để lại
trên rừng. Cả bản cùng đóng góp để cúng lễ.
Chọn nơi rừng thiêng thường là rừng còn tốt. Thầy cúng khi mê hoặc dự đoán rừng
sẽ có con nai, con hoẵng đi qua và một thời gian sau xuất hiện nai hoặc hoẵng sẽ chọn nơi
ấy làm rừng thiêng. Đó là khu rừng tốt nên xuất hiện động vật rừng. Rừng thiêng muốn di
nơi khác phải làm lễ. Với tính chất như vậy rừng thiêng được bảo vệ tốt mang ý thức tâm
linh của dân bản đối với rừng. Rừng rất ít thay đổi vị trí nên bảo vệ được lâu dài.
3.4.4 Rừng ma:
Thực chất là nghĩa địa để chôn người chết. Tuy nhiên lựa chọn rừng ma giữa 2 dân
tộc Dao và H’Mông có khác nhau. Diện tích phụ thuộc vào mật độ người ở các thôn bản, có
trường hợp 2 bản gần nhau chung một rừng ma. Trung bình khoảng 2-3 ha. Rừng ma của
người Thái ở Sơn la thường là rừng gỗ pha tre nứa, có nhiều cây gỗ càng to càng tốt nhất
là các loài Si, Đa. Rừng ma không cấm nghiêm ngặt, có thể chặt gỗ sử dụng theo dòng họ
hoặc dùng công cộng, lấy lâm sản ngoài gỗ. Trước kia ít người vào rừng ma ví có phần sợ
hãi.
Đối với người H’Mông thì nghĩa địa thường chọn nơi có cây thưa, nhỏ, rừng non và
không có cây to vì kiêng kỵ rễ cây sẽ đâm vào quan tài người chết. Như vậy về bản chất
người H’Mông không có quan niệm rừng ma như dân tộc Thái mà đó chỉ là nghĩa trang đơn
thuần.
3.4.5 Các kinh nghiệm truyền thống về sử dụng lâm sản, bảo vệ và phát triển vốn rừng:
3.4.5.1 Kinh nghiệm sử dụng cây thuốc:
Điều tra, phỏng vấn người có kinh nghiệm sử dụng cây thuốc từ rừng của đồng bào
Dao ở Sơn La, Quảng Ninh, đồng bào H’Mông ở Sơn La trong đó có cả phụ nữ. Một số
người hiện đang lấy thuốc sử dụng trong bản và bán trên thị trường. Kinh nghiệm lấy cây
thuốc và sử dụng cây thuốc đều được truỳên đạt lại từ bố, mẹ con đi theo để nhận biết cây
là rất quan trọng.
Các loại thuốc chữa bệnh rất đa dạng nhưng thông thường là các loại thuốc chữa xương
(bó), rắn cắn, đau bụng, dị ứng, cảm gió một số bệnh phụ nữ đặc biệt phụ nữ sau khi đẻ
sớm có thể lên nương (sau 7 ngày). Đó là những bệnh rất thông thường hay xảy ra ở miền
núi xa xôi như gãy xương, thấp khớp, rắn cắn và đáp ứng nhu cầu lao động của phụ nữ sau
khi sinh phải lên nương sớm. Những người biết nhiều loại thuốc hơn hiện vẫn thu thập để
bán, chữa các bệnh như sỏi thận, bàng quang, dạ dày, viêm gan Các cây thuốc lấy từ
rừng chủ yếu là lá, vỏ cây, một số rễ.
• Một số kinh nghiệm lấy thuốc:
Qua trao đổi với người già trực tiếp đi lấy thuốc cho biết: Lấy thuốc tốt nhất vào buổi sáng,
giờ mão, giờ thìn tức khoảng 7-10 giờ sáng hoặc có thể buổi chiều 2-4 giờ. Cố gắng chọn
các hướng núi hoặc đồi đối diện với mặt trời nghĩa là hướng dương. Thường lấy lá 1 tay.
Những điều nêu trên có cơ sở khoa học là dựa vào sự tích luỹ các chất trong cơ thể thực
vật cao vào buổi sáng, ở sườn dương và tránh quá trình hô hấp mạnh khi cường độ ánh
sáng tăng mạnh vào buổi chiều. Đồng bào Dao ở Quảng Ninh lại cho biết lấy thuốc qua giờ
ngọ và hướng quy định như sau:
+ Ngày 1,2 : không lấy thuốc hướng Đông.
+ Ngày 3,4 : Không lấy thuốc hướng Nam
+ Ngày 5,6 : Không lấy thuốc hướng Tây
+ Ngày 7,8 : Không lấy thuốc hướng Bắc.
Các ngày còn lại lấy hướng nào cũng được.
Bảo vệ cây thuốc:
Đồng bào cũng cho biết cần bảo vệ cây thuốc không làm chết cây để có thể lấy liên tục
bằng cách:
-Láy lá thường lấy khoảng 1/2 còn dể lại 1/2 , lấy lá không ngắt ngọn.
-Lấy rễ cũng vậy, chủ yếu lấy rễ bàng, chỉ lấy 1 phần.
-Vỏ cây, cành cây cũng lấy 1 phần và vết cắt chéo, phải sắc “ngọt”.
Điều đó hoàn toàn có các cơ sở khoa học để bảo vệ cây không bị chết.
· Phát triển cây thuốc: Mặc dù các cây thuốc ở rừng khá nhiều nhưng đồng bào cũng lấy
một số cây con từ rừng về trồng cạnh nhà để tiện sử dụng khi xảy ra bệnh thường gặp. Đó
là các loại cây chữa xương, rắn cắn, cảm gió, đau bụng (xem ảnh).
3.4.5.2 Kinh nghiệm sử dụng các lâm sản ngoài gỗ khác:
Lâm sản ngoài gỗ đồng bào sử dụng nhiều nhất là măng và cũng có kinh nghiệm
lấy măng không làm ảnh hưởng đến phát triển bụi tre, vầu. ở Quảng Ninh đồng bào Dao
chủ yếu lấy củ nâu đem bán vì nhiều thuyền có cánh buồm mầu nâu nhưng hiện nay nhu
cầu sử dụng nâu không còn nữa. Người dân chỉ lấy những củ lớn, củ nhỏ để lại cho phát
triển tiếp. Đồng bào Thái ở Sơn La cũng rất chú ý những loài cây cho quả ăn được và có
thể bán ngoài chợ như nhãn rừng hoặc một loài mọc trên núi đá vôi gọi là Mắc phong có
quả nhỏ như nhãn. Đồng bào Thái đã lấy cây con về trồng tại nhà có triển vọng tốt (xem
ảnh). Cây có đường kính 8-10cm, cao 10m sau 6 năm trồng.
3.4.5.3 Kinh nghiệm trồng tre (Mạy hốc) của đồng bào Thái Sơn La:
Đồng bào dân tộc Thái thường trồng tre vào rừng nghèo. Ngoài kinh nghiệm trồng
tre bình thường như đã biết như trồng bằng gốc có 3,4 dóng, trồng nghiêng, hòa bùn nhão
giữ ẩm, đồng bào còn có kinh nghiệm tưới thấm cho cây:
-Mỗi dóng tre đục 1 lỗ nhỏ 2-3cm, đổ nước vào sau khi trồng, khi mưa giữ được
nước, đáy mỗi dóng đục một số lỗ nhỏ để thoát nước và nhỏ giọt như kiểu tưới thấm. Tre
trồng vào cuối tháng 2 âm lịch vào mùa xuân hoặc có khi vào mùa mưa (6-8 âm lịch).
-Để tưới nước cho gốc tre bên cạnh gốc trồng , người trồng dựng 1 ống tre tưới
nước có 3-4 dóng, đáy mỗi dóng chọc các lỗ nhỏ để thấm nước nhỏ giọt. Đổ nước đầy vào
dóng đầu để nước thấm dần xuống. Khoảng 5 ngày đổ nước 1 lần. ở Sơn La vào mùa khô
khắc nghiệt vì bị ảnh hưởng gió Lào nên cần tưới nước cho tre trồng.
3.4.5.4 Kinh nghiệm phát triển rừng Quế của đồng bào Dao ở Quảng Ninh:
Đồng bào Dao ở Quảng Ninh có kinh nghiệm trồng Quế từ lâu đời. Xuất phát đầu
tiên là trồng Quế vào nương lúa hay ngô vì cây Quế có giá trị kinh tế. Đồng bào đã biết
trồng xen cây Quế với cây lương thực để che bóng vì đã hiểu nhu cầu ánh sáng của cây
Quế con. Trồng Quế bằng rễ trần, chọc lỗ vì nương mới phát, đất còn xốp và tốt. Vườn
ươm nhỏ làm cạnh nương để sử dụng hết cây con trong vườn và bảo vệ cây con được tốt
vì cự ly chuyển cây con rất gần. Kinh nghiệm trồng Quế theo hướng nông lâm kết hợp luân
canh cây trồng đã được phát triển: trồng ngô vào tháng 11 âm lịch, trồng Quế vào tháng 12
tới tháng 1. Như vậy Quế trồng dưới tán ngô che bóng tốt giai đoạn đầu. Khi thu hoạch ngô
vào tháng 5-6 thì gieo lúa nương.
Quế trước kia trồng rất dày (5000 cây/ha), bóc vỏ dần những cây to (sau 10 năm)
để cây nhỏ có điều kiện phát triển, thường bóc 2-3 đợt hết 1 nương Quế. Quế khai thác 2
vụ. Vụ chính vào tháng 3 âm lịch, Quế dễ bóc, ít hao vì lượng nước ít, vụ phụ vào tháng 8
âm lịch, Quế bị hao nhiều ví chứa nhiều nước.
Đất trồng Quế phải chọn đất tốt thường đồng bào dựa vào trạng thái rừng: rừng lá
có màu xanh đậm thì đất còn tốt, rừng tre thì cây to, lá xanh Không nên trồng Quế dưới
thực bì tế guột (Dicranopteris linearis) vì đất đã bị thoái hoá. ở các bản, xã đã điều tra đồng
bào Dao hiện không còn làm rãy, phát triển canh tác lúa nước, trồng Quế trên đồi, mỗi gia
đình đã được giao đất khoảng 6-8 ha để trồng rừng và trồng Quế. Giá vỏ Quế bán trung
bình 9000-10000đ/kg khô, có năm tới 12000đ/kg khô. Gần đây (khoảng 10 năm) đồng bào
đã phát triển trồng Hồi 5 cánh (Hồi Bình Liêu) xen Quế và bắt đầu có thu hoạch. Giá 1 kg
hoa Hồi còn cao hơn vỏ Quế, trung bình 20000đ/kg và có thể còn tới 50000-60000đ/kg. Mỗi
gia đình thường có 3-4 nương Quế với các độ tuổi khác nhau để có thể khai thác dần, liên
tục. Sử dụng đất tổng hợp, đa dạng và theo hệ thống nông lâm kết hợp là những kinh
nghiệm tốt của đồng bào Dao ở đây: Trên cao > 300m đó là rừng được bảo vệ với chức
năng phòng hộ là chủ yếu. Đai thấp <300m phục hồi rừng tự nhiên và trồng Quế, trồng Quế
xen Hồi, dưới thấp là các ruộng lúa nước, cây màu, ao cá, chăn nuôi gia cầm
Quế được bán theo vỏ khô. Vì vậy đồng bào cũng có kinh nghiệm tính toán lượng
vỏ cây Quế trong rừng suy ra lượng vỏ tươi, vỏ khô. Dựa vào đó có thể dự đoán sản lượng
vỏ khô đạt được khi khai thác Quế để bán. Theo kinh nghiệm đồng bào cứ 2-3kg vỏ tươi sẽ
được 1kg vỏ khô. Để bóc được số Quế tươi đó thường phải bóc cây Quế có đường kính
chừng 10cm, cao 4-5m. Xác định vỏ Quế khô có thể bán được bằng cách bẻ vỏ thấy dễ,
dòn là được. Thường rút 3 thang Quế trong 1 bó để bẻ thử. Kết hợp vào đó có thể nhấc cả
bó Quế lên đặt xuống đất và nghe tiếng kêu. Nếu tíêng kêu dòn là bó Quế đã khô. ứơc đoán
sản lượng vỏ của cả nương Quế cần khai thác: dùng lạt buộc những cây có khả năng khai
thác, tính số lạt còn lại biết được tổng số cây. Chặt 3 cây với các cỡ kính khác nhau: Cỡ
đường kính to, trung bình và nhỏ. Bóc vỏ tính thử, lấy trung bình và nhân với tổng số cây dự
định khai thác sẽ biết tổng sản lượng vỏ.
4. ÁP DỤNG CÁC KINH NGHIỆM TRUYỀN THỐNG TRONG QUẢN LÝ RỪNG CỘNG
ĐỒNG HOẶC CỘNG ĐỒNG THAM GIA QUẢN LÝ RỪNG. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
4.1 Xây dựng các quy ước bảo vệ, sử dụng rừng:
Từ những kinh nghiệm truyền thống quản lý rừng thôn bản, kinh nghiệm sử dụng
rừng của đồng bào, trong thời gian gần đây các thôn, bản dều đã có những quy ươc nhất
định về bảo vệ rừng, sử dụng rừng. Các quy ước này được thông qua dân bản và bổ sung.
Vì vậy việc chấp hành quy ước rất tự nguyện trên cơ sở truyền thống cộng đồng. Quá trình
điều tra đồng bào Thái, Dao, H’Mông trong quản lý bảo vệ rừng ở Sơn La, Quảng Ninh có
thể phân ra 3 kiểu quản lý cộng đồng đối với rừng như sau:
· Rừng cộng đồng truyền thống của thôn bản từ lâu: Đồng bào Thái ở Chiềng Sinh quanh
thị xã Sơn La: Có rừng giữ nước, rừng thiêng, rừng ma
· Rừng của bản, hợp tác xã quản lý và hợp tác xã giải thể thì do bản trực tiếp quản lý
(Chiềng Sinh, Mộc Châu).
· Rừng phòng hộ do kiểm lâm, lâm trường, xã là chủ rừng nhưng đã giao cho bản quản lý
trực tiếp (đồng bào H’Mông ở Sơn La, đồng bào Dao ở Mộc Châu). Có nơi còn có kinh phí
bảo vệ rừng nhưng có nơi cũng không còn kinh phí cung cấp nhưng bản vẫn bảo vệ rừng.
Ngoài ra diện tích đất và rừng sản xuất đã chia cho hộ sử dụng và bảo vệ rừng (đồng bào
H’Mông ở Mộc Châu, đồng bào Dao ở Quảng Ninh có sổ lâm bạ, đồng bào H’Mông ở Pa
Dong Sơn La giao diện tích làm rãy cố định).
Mặc dù các kiểu quản lý rừng khác nhau, chủ rừng khác nhau nhưng các quy ước của đồng
bào Dao, Thái, H’Mông để bảo vệ rừng đều có những điểm chung:
-Xác định hình phạt:
Ví dụ nếu chặt 1 cây gỗ có đường kính 20cm phạt tiền cho hợp tác xã là 20000đ với
1cm đường kính (1960 bản Bán Sơn La) phạt 500đ nếu chặt 1 cây tre hay vầu. Có bản quy
định (bản Thắm-Sơn La); chặt 1 cây gỗ 10cm phạt 10000đ và chặt tre phạt gấp 10 lần giá trị
cây tre: Giá trị cây 500đ sẽ phạt 5000đ. Bản Giỏ (Sơn La) quy định chung: chặt gỗ, tre phạt
gấp 5 lần giá trị cây.
Người H’Mông cũng có quy định: không được khai thác gỗ trái phép. Không được
buôn bán gỗ. Nếu chặt gỗ đường kính khoảng 20cm phạt 30000đ, đường kính 10cm phạt
25000đ (xã Pa Đông-Mai Châu-Sơn La) hoặc có bản Lóng Luông (Mộc Châu) bản quy định
chặt cây gỗ đường kính 40-50cm phạt 40000-50000đ, cây to hơn: phạt 100000đ.
-Phòng chống cháy, tiết kiệm sử dụng tre, gỗ:
Bản Thái ở Chiềng (Mộc Châu) quy định khi có cháy huy động cả bản đi dập lửa,
tạo đường băng cản lửa rộng 4m đề phòng đồng bào H’Mông đốt cỏ tranh làm rãy lan rộng
sang.
Bản còn quy định bỏ tập quán dùng tre, nứa, gỗ rào xung quanh ruộng đã hạn chế
một số lượng lớn tre, gỗ khai thác vì trung bình một gia đình cần tới 200 cọc để làm rào.
Năm 1998: 90% hộ không tiến hành rào ruộng. Ngoài ra khi khai thác gỗ phải do trưởng bản
quyết định, kể cả nơi chặt gỗ, tránh kéo lết dài ảnh hưởng cây tái sinh (quy định 1957-
1958).
-Quy định sử dụng gỗ, tre, măng, củi
Nhu cầu sử dụng gỗ, tre, củi, lấy măng là nhu cầu chính đáng của đồng bào. Vì
vậy trong các quy định của bản đều đề cập tới vấn đề này tuỳ theo diện tích và trữ lượng
rừng hiện có:
· Cần gỗ, tre sửa nhà, làm nhà được phép vào rừng chặt gỗ có giới hạn cho phép.
Chặt đúng chủng loại. Ví dụ: bản Thắm (Chiềng Sinh, Sơn La) có quy định: 1 nhân khẩu
được cung cấp 5-10 cây tre và 11 cây gỗ đường kính 10cm cho 1 hộ gia đình. Nếu cần
nhiều gỗ có thể làm đơn xin mua gỗ ở các bản khác còn rừng. Trong 1 bản có thể xin gỗ
của hộ khác, khi cần (Dân tộc Dao ở Quảng Ninh).
· Về củi: có bản quy định 1 nhân khẩu được 1 gánh củi khô hoặc 5 lao động /1
gánh, 1 hộ 8-10 người/2 gánh tuỳ thuộc vào nhân khẩu của bản và diện tích rừng.
Ngoài ra có bản quy định lấy củi vào mùa khô hoặc 1 năm lấy 2 lần tập trung.
· Măng: Các bản đều có quy định cho phép lấy măng trong giới hạn, chỉ lấy tập trung vào
mùa mưa (tháng 7 hoặc 8) khi măng đang phát triển.
4.2 Khai thác sử dụng bền vững tài nguyên rừng và sử dụng đất đa dạng:
Kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của đồng bào Thái, Dao, H’Mông, trồng tre của
đồng bào Thái, phát triển rừng Quế của đồng bào Dao là những kinh nghiệm rất quý để
quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả, đặc biệt là rừng cộng đồng:
Đồng bào H’Mông ở Sơn la là những người du canh du cư nay đã có nhiều thay đổi
và việc bảo vệ rừng của đồng bào đạt kết quả rất khả quan. Một số vùng ở Sơn La, đồng
bào H’Mông bảo vệ rừng phục hồi sau rãy đạt kết quả tốt trong đó có những rừng non cây
Hông (Pauwlonia)–một loài cây có giá trị đang được ngành nghiên cứu và phát triển (xem
ảnh). Trong quá trình làm rãy đồng bào đã giữ lại các loài cây rừng tự nhiên có giá trị kinh té
hoặc có triển vọng sinh trưởng tốt.
Rừng phòng hộ đầu nguồn ở một số bản người Dao Quảng Ninh được bảo vệ tốt ngay cả
hiện nay không có kinh phí cung cấp cho họ, chính là do ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng
và đời sống của người dân được nâng cao thông qua sử dụng đất đa dạng: làm ruộng
nước, cây màu ở nơi thấp, phục hồi lại rừng và trồng Quế, Hồi ở đai giữa <300m, bảo vệ
nghiêm ngặt rừng ở đai cao >300m. Vì vậy đồng bào Dao ở đây đã chấm dứt làm nương
rãy. Đồng bào H’Mông ở Sơn La cũng bảo vệ rừng của bản tốt (hoặc được giao bảo vệ) vì
phần đất nương rãy đã giao cố định cho hộ gia đình và rừng núi đá là rừng lấy gỗ cũng
đang tiến hành giao cho các hộ.
4.3 Một số bài học kinh nghiệm:
Những kinh nghiệm truyền thống và các quy ước của bản về bảo vệ rừng cộng đồng
hoặc cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng đạt kết quả cần phải:
-Dựa trên sự đồng tình của cộng đồng (được thảo luận và thống nhất).
-Đảm bảo một phần nhu cầu về lâm sản của họ (về gỗ, tre, củi, măng )
-Kết hợp bảo vệ rừng cộng đồng với phát triển tài nguyên rừng có giá trị kinh tế
(Quế, Hồi, Tre, Hông, một số dược liệu ), giao đất giao rừng cho họ sử dụng lâu dài (làm
nương, phát triển đặc sản rừng ) và sử dụng đất đa dạng kể cả đất nông nghiệp. Đó là cơ
sở rất quan trọng để việc quản lý , bảo vệ rừng cộng đồng và cộng đồng tham gia bảo vệ
rừng có hiệu quả.
5. KẾT LUẬN
1. Đã tiến hành điều tra, khảo sát và đánh giá kinh nghiệm bản địa của đồng bào Thái,
H’Mông ở Sơn La, đồng bào Dao ở Quảng Ninh trong bảo vệ, quản lý và phát triển rừng
trên các đối tượng rừng đầu nguồn, rừng thiêng, rừng ma, rừng lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ,
phỏng vấn 22 người bao gồm lãnh đạo xã, trưởng bản, già làng, phụ nữ
2. Quy ước truyền thống của đồng bào về bảo vệ rừng giữ nước, rừng thiêng, rừng ma,
rừng chung quanh bản được xem xét, đánh giá thể hiện rõ tính cộng đồng của đồng
bào, ý thức tôn trọng già làng, thực hiện quy ước xưa một cách tự nguyên.
3. Kinh nghiệm cụ thể của đồng bào trong việc gây trồng tre (mạy hốc), sử dụng và bảo
vệ một số cây lâm sản có giá trị, sử dụng và phát triển cây thuốc, phát triển Quế, Hồi đã
được đề cập tới.
4. Phát triển kinh nghiệm truyền thống của đồng bào để bảo vệ rừng cộng đồng hoặc
cộng động tham gia bảo vệ rừng thông qua các quy ước được dân bản bàn bạc, nhất
trí, bao gồm các hình thức xử phạt, các quy ước hưởng lợi, hạn chế sử dụng lãng phí
tài nguyên rừng.
5. Bài học kinh nghiệm phát huy kinh nghiệm truyền thống của đồg bào trong bảo vệ
rừng cộng đồng và cộng đồng tham gia bảo vệ rừng là:
- Dựa trên sự đồng tình của cộng đồng.
- Đảm bảo nhu cầu về lâm sản của người dân.
- Kết hợp bảo vệ rừng cộng đồng với phát triển tài nguyên rừng, sử dụng đất đai đa
dạng, bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Đình Sâm: Nông nghiệp du canh ở Việt Nam. London 1994.
2. Cầm Trọng (chủ biên) : Văn hoá và lịch sử người Thái ở Việt Nam, Hà Nội 1998
3. Hoàng Xuân Tý (chủ biên): Kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong nông
nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Hà Nội 1998
4. Khuôn khổ chính sách hỗ trợ quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam. ấn phẩm Hội thảo
quốc gia. Hà Nội 2001.
Nguồn:
/>1974?OpenDocument