I - DẪN NHẬP
Ðức Giêsu hỏi : "Anh em bảo Thầy là ai ? "(Mt 16,15)
Ông Phê rô trả lời : "Thầy là Ðấng Kitô" (Mc 8, 29)
"Ðấng Kitô của Thiên Chúa" (Lc 9, 20)
"Ðấng Kitô con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16)
Thánh Phaolô đã nói cho chúng ta biết Ðức Giêsu thành Nazareth là tất cả đối với
đời sống của Ngài : "Ðối với tôi, sống chính là Ðức Kito" (Pl 3, 8) ; "Vì Người, tôi
đành thua lỗ mọi sự để được Ðức Kitô và thuộc về Người" (Pl 3, 8).
Trải qua 20 thế kỷ, có biết bao kitô hữu khác cũng đã gặp được Ðức Kitô và sống
kinh nghiệm thần bí của thánh Phaolô và của các Tông đồ. Trong thế giới,có
biết bao nhiêu người, từ thế hệ này tiếp nối thế hệ kia sẵn sàng tin và theo Ðức
Giêsu Kitô.
Vậy Ðức Giêsu Kitô là ai ?
Trả lời câu hỏi này, người viết muốn tìm hiểu Ðức Giêsu là ai theo kinh nghiệm
các Tông đồ, theo chứng tá của chính bản thân Người, theo lời dậy của Hội
Thánh, theo các nhà chú giải, các nhà thần học, và theo suy tư của con người có
những nhận thức về những khám phá của khoa học, triết học, tâm lý học . Như
các sách Tin mừng, sách Khải huyền giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta cùng với
những tước hiệu như nhau. Nhưng người viết sẽ đề cập tới khoa Kitô học trong
cách trình bày riêng của Khải huyền về mầu nhiệm Chúa Kitô. Sách Khải huyền của
Thánh Gioan vẫn có những điểm độc sáng trong cái chung cơ bản của Kitô học
trong các sách Tin mừng.
Tác phẩm Khải huyền được viết vào một thời đại rối ren và có một mục đích rất
đặc biệt. Cũng như sách tiên tri Ðaniel, sách Khải huyền chứa đựng một sứ điệp
vượt quá các hoàn cảnh trực tiếp của cuộc khủng hoảng, đồng thời là một lời
tuyên xưng đức tin và niềm hy vọng kitô giáo mà cũng là một kiểu cách chống lại
đa thần giáo được đế quốc Roma chính thức hóa. Tác giả là một nhân chứng, nói
với thế giá của các tiên tri thời xa xưa, làm vang dội lời của các Ngài và hình ảnh
các Ngài đã sử dụng. Sách Khải huyền của thánh Gioan là một tập chú giải lời
Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Trong thế gian, các con phải chịu đau khổ,
nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33). Sách Khải huyền còn có
mục đích là yên ủi và củng cố các kitô hữu đang phải chịu cảnh bách hại vì Ðức
Kitô (Kh 2, 8-11.12-13 ; 6,9-11 ; 7,14 ; 13,11 ; 17,16 ; 20,4). Ðối với họ chỉ có Ðức
Kitô là Chúa và họ phải "giữ vững Danh Người" (Kh 2,13).
Về phương diện văn chương, sách Khải huyền chứa đựng nhiều giai tầng văn học
khác nhau : Nó vừa phản ánh quan điểm của các kitô hữu gốc Do thái ở
Palestines ; vừa cho thấy nhãn quan của các kitô hữu gốc ngoại giáo thuộc thế
giới Hy lạp. Vincent Taylor viết :
Sách Khải huyền có điều này đáng chú ý là nó phối hợp nhiều yếu tố nguyên
thủy với một kitô học rất cao siêu . Kitô học của sách này cho thấy một cách rõ
ràng là niềm tin nguyên thủy còn sống động ở thời đại này (tức là cuối thế kỷ thứ
nhất), đồng thời nó cũng hé mở cho thấy những yếu tố mà nó chứa đựng như
những mầm non so với những khai triển sau này. (La personne du Christ dans le
Nouveau Testament, p. 147)
Vậy đâu là đặc tính của sách Khải huyền, xét về phương diện mầu nhiệm Chúa
Giêsu Kitô. Người viết tìm hiểu điều đó dựa vào các phương thức tác giả dùng,
những nét tinh tế, những điểm nổi, được tác giả chú ý khai triển trong bản
văn.Chúng ta cùng đi vào tìm hiểu.
1.1- Bối cảnh vấn đề
1.1.1/ - Ðiểm thư tịch
- Vấn đề chứng tá :
Tác giả Durwell, "Mầu nhiệm Ðức Kitô Phục Sinh". Cần hiểu việc làm chứng tá cho
Tin Mừng tức toàn thể Hội thánh, liên tục làm chứng tá về Ðức Kitô chứ không
phải một số người trong một gia đoạn nhất định.
- Vấn đề Thánh Khí :
Norberto, "Dẫn nhập và Phê bình vào truyền thống Gioan".
Người viết nhìn nhận Thánh Khí của Ðức Kitô như một số người công nhận.Trong
sách Khải huyền, vần đề Thánh Khí không rõ ràng ; Thánh Khí của Ðức Kitô hay là
Chúa Thánh Thần hoặc Thiên Thần, những mối tương quan giữaThánh Khí và Ðức
Kitô chưa được rõ ràng.
Công trình nghiên cứu của Norbertô, tác giả Nhận định : Kitô học của sách
Khải huyền tuy đã là giàu ý ; nhưng còn đòi hỏi một giáo lý phong phú hơn nữa để
giải quyết những vấn đề được đặt ra trước những ưu phẩm mà sách đã gán cho
Ðức Kitô.
Trước vấn đề này, người viết dựa vào các sách Tin mừng để so sánh mối liên hệ
giữa các ưu phẩm của Ðức Kitô trong sách Khải huyền với các ưu phẩm của Ðức
Kitô trong các sách Tin mừng để làm rõ thêm vấn đề mà sách Khải huyền gán cho
ưu phẩm của Ðức Kitô.
- Vấn đề Chúa Con lệ thuộc Chúa Cha :
Chúa Kitô được đặt vào trong thế giới thần thiêng, nhưng mặc khải mà thánh
Gioan viết ra là "mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Ðức Giêsu Kitô để Người tỏ
cho các tôi tớ ." (Kh 1,1). Ðức Giêsu ngồi trên một ngai với Chúa Cha, nhưng lý do
làNgười đã chiến thắng các địch thủ (Kh 3,21). Người là "uyên nguyên của tạo
thành" (Kh 3,14), nhưng chính Thiên Chúa là Tạo Hóa (Kh 4,11 ; 14,7) và là đấng
chủ sự việc chung thẩm (Kh 20,11-15).
- Vấn đề văn chương :
V. Taylor, la personne du Christ dans le Nouveau Testament. Kitô học sách Khải
huyền phối hợp nhiều yếu tố nguyên thủy với một Kitô học rất cao siêu, nó còn
sống động ở thời đại này.
Linh Tiến Khải, Dung Mạo Chúa Kitô Trong Sách Khải Huyền. Tác giả
nhậnđịnh : Kitô học trong sách Khải huyền là một Kitô học đa diện với những
nhận định khác nhau nhưng bổ túc cho nhau.
- Vấn đề ở chương 12 :
A. Feuillet, Jésus Et Sa Mère, Paris 1973. Nhiều nhà chú giải khác không nghĩ là ám
chỉ đến Ðức Maria. Nhưng là biểu tượng của dân Thiên Chúa, là Sion lý tưởng mà
các ngôn sứ loan báo. Nhưng sự khai triển của A. Feuillet làm cho mọi người nghĩ
đến Ðức Maria, Ông viết :
Chứng lý quyết liệt nhất cho phép chúng ta áp dụng Khải huyền chương 12 cho
Ðức Maria nữa, đối với chúng tôi là như sau : Người ta có thể quan niện một tác
giả kitô hữu vào cuối thế kỷ thứ nhất gợi lại hình ảnh Mẹ Ðức Kitô mà lại hoàn
toàn không kể gì đến Ðức Trinh Nữ Maria sao ? Ðiều đó lại càng đặc biệt lạ lùng
khi tác giả ấy có biết tới quyển Tin Mừng thứ ba, vì quyển Tin Mừng này đặt cho
Ðức Trinh Nữ Maria một địa vị phi thường trong lịch sử cứu rỗi do sự kiện Bà là
Mẹ của Ðấng Messia và của Con Thiên Chúa. Và quả thật tác giả của sách Khải
huyền có biết tới quyển Tin Mừng thứ ba. Chúng tôi chỉ trích dẫn hai đoạn giống
nhau rất có ý nghĩa : Kh 6,16 và Lc 23,30 đều trích dẫn một sấm ngôn của Hosê
(10,8) và đều sửa đổi bản văn của sấm ngôn như sau ( "Hãy đổ trên chúng tôi và
hãy đè lấp chúng tôi" thay vì " Hãy đè lấp chúng tôi và hãy đổ trên chúng tôi") ;
Kh11,2 và Lc 21, 24 đều nói tới việc Giêrusalem bị các dân ngoại chà đạp. (x.
Jésus et Sa Mère, Paris 1973, p. 36)
Người viết cũng nhận quan điểm này, như vậy sẽ làm rõ hơn về nhân tính Ðức
Giêsu.
- Vấn đề Chúa quang lâm chung tận :
Nguyễn An Ninh, les Epitres de Jean et l' Apocalipse, texte ronéo. Tác giả cho rằng
đoạn Kh 19,11-21 và đoạn Kh 20,1-6 chỉ diễn tả cuộc chiến thắng của Ðức Kitô.
- Vấn đề Ðức Kitô Vua :
Fx Tân Yên, giáo trình Kitô học. Ðức Giêsu theo nhân tính vẫn là Ðấng ThủLãnh các
Thiên Thần. Thiên Thần cũng như loài người thu nhận ảnh hưởng của Người (St
3,4) ảnh hưởng trên trật tự cánh chung. Ðức Kitô là cứu cánh của vũ trụ không
những trên phạm vi tri hành mà còn trên giai đoạn chủ ý. Về Ðức Kitô là nguyên
nhân dụng cụ vinh quang các Thiên Thần, nhiều nhà thần học, nhất là phái Tôma
công nhận ảnh hưởng này, liên hệ với hạnh phúc tùy thể : sự kiện nhập thể, các
Thiên Thần nhận được thần quang mới.
Ðức Kitô thi hành quyền làm Vua trên khắp vũ trụ. Nếu có người sống trên một
hành tinh khác, Người vẫn thi hành quyền, nhưng ta không biết Người thi hành
cách nào, cũng không loại trừ một cuộc nhập thể khác.
1.1.2 - Cơ sở lý thuyết
Bài viết này, người viết cố gắng tìm trong sách Khải huyền tất cả các yếu tố nền
tảng đóng vai trò quan trọng cho vấn đề Kitô học.
1.1.2.1/ Con người Giêsu
Tên Giêsu (Kh 1,9 ; 12,17 ; 14,12 ; 17,6 ; 19,10 ; 22,16) . Tước hiệu Giêsu-Kitô (Kh
1,1.2 ; 1,5). Ðức Kitô thuộc chi tộc Giuđa (Kh 5,5). Những câu ám chỉ được sinh ra
(Kh 12,5) ; bị đóng đinh (Kh 11,8) ; sống lại (Kh 1,5) ; được siêu thăng vào địa vị
Ðức Chúa (Kh 3,21).
1.1.2.2/ Ðức Giêsu khải hoàn
"Con Người" (Kh 1,13 ; 14,14) con người ở đây không phải là một khuôn mặt
nhân bản, nhưng là một Ðấng mặc oai phong siêu phàm, vị Thẩm phán mà Thiên
Chúa sai đến để tiêu diệt các địch thủ của dân Người ; các tước hiệu ám chỉ Ðức
Kitô vinh hiển (Kh 1,5 ; 1,18) ; Ðức Giêsu đi giữa bảy trụ đăng vàng, cầm bảy ngôi
sao trong tay mặt và truyền những lời khiển trách và những lời hứa cho các giáo
đoàn (Kh 1, 8-16) ; Người là Chúa tể các quốc gia, cai trị, chăn dắt muôn dân với
cây trượng sắt (Kh 2,27 ; 12,5 ; 19,15) ; Người là "Chúa các chúa và Vua trên các
vua" (Kh 17,14 ; 19,16) ; Ðấng thẩm phán cánh chung trong ngày tận thế (Kh 1,7 ;
14,14.18-20 ; 19,11-16 ; 22,12).
1.1.2.3/ Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa
Ðức Giêsu sống lại khải hoàn đích thực là con Thiên Chúa (Kh 2,18), còn được ám
chỉ trong các đoạn (Kh 1,6 ; 2,28 ; 3,5.21 ; 14,1) ; Lời của Thiên Chúa (Kh 18,15-16) ;
nguyên lý tạo thành (Kh 3,14 // Cl 1,15-18) ; ngồi trên cùng ngai với Thiên Chúa
(Kh 5,21 ; 7,17 ; 5,12-13 ; 22,1.3) ; tước hiệu Con Chiên ngụ ý Người là của lễ
thánh thiêng, cũng là Ðấng mục tử và là niềm hy vọng (Kh 5,6.12 ; 12,11 ; 13,8) ;
Ðấng dẫn dắt linh thiêng của loài người (Kh 7,17 ; 14,1.4 ; 5,6).
1.1.3 - Phát biểu vấn đề
Chủ đích bài nghiên cứu này là cố gắng làm nổi bật Kitô học trong sách Khải
huyền, Ðức Kitô là ai, Người có vai trò gì trong lịch sử cứu độ nhân loại, Người thi
hành chương trình của Thiên Chúa, Người cũng định liệu số phận của người Kitô
hữu (13,10). Trong viễn cảnh sách Khải huyền, người Kitô hữu thời đại nào cũng
có thể làm sống lại lòng tin vào Ðức Kitô, niềm hy vọng lãnh nhận phần thưởng
vĩnh cửu là cùng hưởng vinh quang với Người trong trời mới đất mới.
1.1.4 - Giả thuyết, mục tiêu
Với việc tìm hiểu này, người viết muốn tìm hiểu Ðức Kitô được trình bày trong
sách Khải huyền.
Nhân tính của Ðức Giêsu ? Thần tính của Ðức Kitô ?
1.1.5 - Tính cấp thiết, ý nghĩa
Sách Khải huyền của Thánh Gioan có mục đích an ủi, khích lệ, động viên những ki-
tô hữu chịu bách hại vì lòng tin, xác nhận những lời dạy và những lời hứa của
Chúa Giêsu. Chính vì thế, đây là Mặc khải của Ðức Kitô. Trong các thư gửi các giáo
đoàn Tiểu Á, mỗi lá thư đều chuyển tải sứ điệp của Ðức Kitô và mỗi lần Ngài đều
hứa ban Thánh Khí "Ai có tai thì nghe Thánh Khí nói với Hội Thánh" (Kh
2,7.11.17.29 ; 3,6.13.22) và "kẻ nào kiên nhẫn đến cùng, kẻ ấy được cứu" (Mc
13,13). Trong niềm tin vững vàng Thiên Chúa đã biểu lộ quyền năng của Người và
sẽ ban cho Giáo hội của Người vinh quang vĩnh cửu vào ngày quang lâm. Sách
Khải huyền của thánh Gioan chiếu ngời một niềm thâmtín : Cuộc chiến thắng đã
đạt được rồi nhờ máu Con Chiên và những ai đi theo Người thì chẳng bao lâu
nữa sẽ được mặc áo của những kẻ chiến thắng. Sách Khải huyền đã khích lệ mọi
người sống an hòa và tin tưởng vì sẽ được thông phần vào cuộc chiến của Ðức
Kitô Phục sinh.
Hiện giờ chúng ta đang còn trên đường lữ hành, để đạt được phần thưởng chắc
chắn mà Ðức Kitô đã hứa ban, chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Ðiều đưa
chúng ta đến điểm cuối cùng : Ðó là ý nghĩa của sách Khải huyền đối với độc giả
thời xưa và đối với kitô hữu hôm nay.
Từ sau công đồng Vaticanô II, Giáo Hội trở về nguồn, Giáo Hội đã lưu ý và
đặt nặng khoa Kitô học trong Thần học. Việc dạy và học Kinh Thánh, Công đồng
nhấn mạnh : "việc nghiên cứu Thánh Kinh Phải như linh hồn của khoa học Thánh"
(Dei Verbum số 24 ).
Mầu nhiệm Ðức Kitô là trung tâm của tất cả đời sống của Kitô hữu và của Giáo
Hội. Vì thế, việc tìm hiểu và học hỏi về Ðức Kitô càng sâu bao nhiêu thì càng giúp
ích cho việc thực hành niềm tin sống động sâu sắc bấy nhiêu, việc học hỏi càng
giúp ích cho việc khám phá và kín múc kho tàng ân sủng vô cùng phong phú. Ðức
Kitô trong sách Khải huyền có đích thực là Ðức Kitô trong các sách Tin
Mừng không ?
Ðức Kitô là nguồn chân lý vô tận, là cứu cánh của cả đời sống mình. Trong cầu
nguyện giúp ta được dễ dàng hiểu, kết hợp và tâm giao với Người, trong hành
động dễ dàng tìm thấy đâu là thánh ý Thiên Chúa. Khi hiểu và sống niềm tin vào
Ðức Kitô cách sống động, thì trong việc truyền giáo, giới thiệu Người cho người
khác, mới có thể thu hút được người khác tin theo Ðức Kitô.
1.2- Phương pháp nghiên cứu
1.2.1- Kế hoạch nghiên cứu
Trong bài viết này, người viết sử dụng phương pháp nghiên cứu bản văn và phân
tích nội dung các tước hiệu được gán cho Ðức kitô và đối chiếu bản văn Cựu Ước
tiên báo về Người.
Các tài liệu mà người viết có được tuy bị giới hạn và cũng không phải tất cả các
tài liệu đều bàn thẳng đến vấn đề mà người viết cần. Mặc dù vậy , người viết
vẫn cố gắng tìm hiểu với hết khả năng của mình và với những tài liệu người viết
có được có lẽ cũng đủ để người viết tham khảo cho việc nghiên cứu của mình.
Người viết sẽ sử dụng các tài liệu này để tổng hợp, làm rõ thêm Kitô học trong
các sách Tin Mừng mà người viết có dịp học tập và đọc thêm, sách Khải huyền là
sách sau cùng của bộ Kinh Thánh cũng trình bày Kitô học như Kitô học trong toàn
bộ Tân Ước
1.2.2 - Ðối tượng nghiên cứu
Vì đề tài của bài viết này hoàn toàn mang tính lý thuyết và không phải là đề tài
mới mà chỉ là tiếp tục tìm hiểu theo hướng của những người khác đã nghiên cứu
Kitô học trong Kinh thánh. Người viết sẽ sử dụng các tư liệu là kinh thánh, các
sách chú giải về sách Khải huyền, các giáo trình Kitô học nơi các sách Tân-Cựu Ước
để áp dụng vào bài viết của mình.
1.2.3 - Phương tiện nghiên cứu
1.2.3.1/ Công cụ
- Từ khóa chính : Kitô học
Ðịnh nghĩa từ Kitô học : ta có thể định nghĩa cách chung rằng Kitô học là
môn thần học về Ðức Giêsu. Ðịnh nghĩa như vậy có tính cách tương đối và không
thể diễn tả trong một vài từ ngắn ngủi tất cả nội dung của môn học. Vì thế ta cần
tìm hiểu kỹ hơn qua định nghĩa của tác giả khác.
"Kitô học là sự diễn đạt, trong một hoàn cảnh cụ thể của một người Kitô
hữu có ý thức, để nói rằng mình hiểu hay mình có thái độ nào đó đối với Ðức
Kitô"(the Indian j. of Th., số tháng 7-12, 1974, tr 135). Ðịnh nghĩa này diễn tả tính
năng động và hiện sinh của người học về Ðức Kitô.
a- Mặt tiêu cực : Kitô học không phải là một môn học lịch sử về Ðức
Kitô. Nhưng nghiên cứu lịch sử về Người tuy cần thiết nhưng chỉ ở mặt hiện
tượng. Những giải thích hiện tượng về Người vẫn chỉ ở mức độ có thể đúng chứ
không chắc chắn đúng. Ðức Kitô không phải chỉ là một con người của quá khứ,
nhưng Ðức Kitô vẫn đang sống, hôm qua, hôm nay và muôn thuở (Dt 13,8).
Kitô học cũng không phải là một sự tuyên xưng lòng tin vào Ðức Kitô bởi
vì nếu tin vào một con người lịch sử thì lòng tin đó không cần thiết, lòng tin vào
một người đang sống lại vượt quá giới hạn của Kitô học. Kitô học cũng không
phải là bảng tổng kết những dữ liệu về Ðức Giêsu Kitô, giống như người ta có
thể tìm ra những dữ liệu về một con người nào đó trong một cuốn sách tự điển
có giá trị. Các dữ liệu chỉ là chất liệu để hình thành nên Kitô học mà thôi.Kitô học
còn đi xa hơn nữa, nó đòi ta phải biết nhào nặn những chất liệu sao cho hòa hợp
để hình thành nên một tổng hợp có hệ thống.
b- Mặt tích cực : Kitô học theo nguyên ngữ (Christo-logos) là một lời về Ðức Kitô.
Một lời hợp lý hay một bài nói chuyện, một sự nghiên cứu rành mạch, tập hợp
được những dữ liệu mà mặc khải đã cung cấp cho ta về con người cũng như về
hành động của Ðức Giêsu. Ðây là một công trình vừa có tính khoa học, vừ có ý
nghĩa tinh thần. Nó tạo nên một tổng hợp về các tín điều và nền thần học của
Kitô giáo. Ðức Kitô là điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, Kitô học diễn tả
sự hiểu biết rành mạch của Thiên Chúa về con người, cũng như của con người về
Thiên Chúa, vì cả hai sự hiểu biết này đều hội tụ nơi Ðức Kitô, cộng thêm với di
sản của Giáo Hội, nghĩa là sự hiểu biết của Giáo Hội về mầu nhiệm Ðức Kitô.
Hơn nữa, theo cách hiện sinh thì Kitô học tùy thuộc vào từng con người tự do để
hiểu và đón nhận Ðức Kitô. Ðời sống của người Kitô hữu không là gì khác hơn là
một thứ Kitô học đang được sống. Do đó, người Kitô hữu sống tốt hoặc xấu
chính là phản ánh loại Kitô học họ đã chọn lựa. Nếu người Kitô hữu chọn lựa
Ðức Kitô là Thiên Chúa và hướng về Người, họ phải sống như Người. Còn nếu họ
nghĩ Ðức Kitô chỉ là một nhân vật khác thường theo cách hiểu hời hợt của họ thì
đời sống của họ không biểu lộ được sự hiện diện của Thiên Chúa trong mình.
- Một số từ khóa khác : Con người, Vị Chứng Nhân Trung Thành, Trưởng Tử, Thủ
Lãnh, Ðấng Hằng Sống, Con Chiên bị sát tế, Ðức Giêsu-Kitô, Lời của Thiên Chúa và
vai trò của Ðức Giêsu sau phục sinh .
1.2.3.2/ Nguồn dữ liệu
Bài viết này dựa trên những tài liệu là Kinh thánh, điển ngữ thần học thánh
kinh, các sách dẫn nhập vào Tân Ước, các giáo trình Kitô học, các sách chú giải
sách Khải huyền . điển hình như :
Sách "Pour Lire L'Apocalyse" của J. Piere đã liệt kê những tước hiệu của Ðức
Kitô trong sách Khải huyền, phân tích về nguồn gốc và ý nghĩavề hình ảnh Con Chiên
rất sâu sắc. Sách này có hai đề mục lớn nói về Kitô học : chương I có tựa đề
"Découvrir Le Christ De L'Apocalypse", chương VII với tựa đề "L'Agneau Immolé Et
Debout, Ou Le Vrai Visage De Dieu".
Sách "Dung Mạo Ðức Kitô Trong Sách Khải Huyền" của Linh Tiến Khải cũng
đề cập đến Kitô học rất nhiều, cụ thể sách này có những đề mục bàn thẳng đến
vấn đề Kitô học như : "các tước hiệu của Chúa Giêsu Kitô ; gương mặt Chúa
Giêsu Kitô ; Chúa Giêsu Kitô-Chiên Con được trao quyền thống trị mọi loài ;
Chúa Giêsu Kitô Ngôi Lời trong trận chiến cánh chung thứ I". Tác giả đã đọc
những biến cố lịch sử Giáo Hội theo ý nghĩa của sách Khải huyền, và như vậy
giúp ta hiểu được các biến cố xảy ra trong lịch sử Giáo Hội nhờ sách Khải huyền
soi sáng.
Sách "Ðức Giêsu trong ánh sáng Chúa Thánh Thần" của Nguyễn Ngọc Sơn đã trình
bày rất sâu sắc về nhân vật "Con Người" trong sách Ða-ni-en, rồi tác giả đối chiếu
và áp dụng cho Ðức Kitô. Mầu nhiệm sâu thẳm của thiên tính Ðức Giêsu được ẩn
giấu trong vẻ khiêm tốn của một con người và Mầu nhiệm về sự hiện diện của
Người trong Giáo Hội.
Sách "Mầu nhiệm Ðức Kitô Phục Sinh" của F. Durrwell đã khai triển những vai
trò của Ðức Kitô sau khi đã phục sinh.
Các sách "Dẫn nhập Tân Ước" của các tác giả đã cho người viết thấy được nguồn
gốc hay bối cảnh của các tước hiệu, chúng có ý nghĩa gì và ban đầu Giáo Hội áp
dụng ra sao. Vì trong Tân Ước các tước hiệu Kitô học là những dữ kiện quan
trọng, giáo huấn Kitô học rõ ràng mà chúng cung cấp cho chúng ta liên quan đến
Ðức Giêsu và vai trò của Người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
1.2.4 - Qui trình nghiên cứu
Người viết sẽ làm theo trình tự các bước :
Bước 1 : Tìm tất cả các sách bàn về tác phẩm Khải Huyền và những tác phẩm có
liên quan đến vấn đề.
Bước 2 : Ðọc và ghi chú các vấn đề có liên quan đến vấn đề chính cần tìm.
Bước 3 : Phân tích và khai triển các đoạn văn các tước hiệu và các biểu tượng
quan trọng, đặc biệt là trong bản văn Kinh Thánh.
bước 4 : Tổng hợp và sắp xếp theo tiến trình nghiên cứu.
Bước 5 : Rút ra kết luận.
Với trình tự trên, người viết sẽ cố gắng dẫn đến kết luận về kitô học trong sách
Khải huyền có cùng một nền tảng trong toàn bộ Kinh Thánh và có thể hiểu được
phần nào chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại.
II-ÐỨC GIÊSU LỊCH SỬ
Khi nghiên cứu Kitô học, trong truyền thống Giáo Hội có nhiều hướng nghiên cứu
Kitô học khác nhau : Kitô học từ trên xuống ; Kitô học từ dưới lên ; Kitô học hữu
thể ; Kitô học chức năng . . . . Nhưng để thực hiện bài này, người viết muốn dựa
theo lược đồ Kitô học từ dưới lên, nghĩa là tìm hiểu Ðức Giêsu Kitô trong sách
Khải huyền với điểm khởi đầu là Ðức Giêsu Nazareth trong lịch sử, rồi dẫn đến
Ðức Giêsu của niềm tin. Trước tiên, người viết muốn có một cái nhìn thực tế và
cụ thể về đối tượng là Ðức Giêsu trong ánh sáng đức tin của Giáo Hội. Kế đó, Ðức
Giêsu lịch sử cũng chính là đối tượng đức tin của Giáo Hội, nghĩa là khía cạnh siêu
lịch sử của Ðức Giêsu, sứ vụ thần linh của đức Giêsu, Người chính là Con Thiên
Chúa và là Thiên Chúa.
Sách Khải huyền của Thánh Gioan là tác phẩm sau cùng của Kinh thánh mặc khải
mầu nhiệm Ðức Kitô, có người cho rằng sách Khải huyền là "Tin Mừng của Ðức
Kitô Phục sinh" và không có gì liên hệ đến Ðức Giêsu lịch sử. Tuy nhiên, nếu chúng
ta tìm hiểu sách Khải huyền cách nghiêm túc, chúng ta sẽ thấy có nhiều điểm nói
đến Ðức Giêsu khi còn tại thế.
2.1- Ðức Giêsu-Ngôi Lời hằng hữu
Ngay từ đầu sách Khải huyền, Ðức Giêsu được giới thiệu là Con Thiên Chúa vì
Người gọi Thiên Chúa là Cha (Kh 1,6), Thánh Gioan cũng làm chứng về "Lời của
Thiên Chúa" và Lời chứng của Ðức Giêsu Kitô (Kh 1,2). Danh hiệu "Lời của Thiên
Chúa" ở đầu sách Khải huyền không chắc là tác giả muốn ám chỉ đến Ðức Giêsu
như lời tựa của Tin Mừng thứ tư, nhưng "Lời của Thiên Chúa" xuất hiện cuối
sách là chắc chắn được gán cho Ðức Giêsu.
Theo Thánh Gioan, Ðức Giêsu là Ngôi Lời tiền hữu trong Thiên Chúa (Ga 1,1-2). Ở
đây Thánh Gioan nói rõ ràng về sự tiền hữu của Ðức Giêsu, Người là Ngôi Lời
phát xuất bởi Thiên Chúa, Ngôi Lời hằng có bên Chúa Cha, luôn hướng về Chúa
Cha và là Con Một Thiên Chúa, nghĩa là trước khi vũ trụ được tạo thành, Ngôi Lời
đã hiện hữu, đã có Ngôi Lời, đồng thời qua lời tựa này, Thánh Gioan khẳng định
Ngôi Lời là Ðức Giêsu, Ðức Giêsu là Ngôi Lời, là một vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong lời tựa của Tin Mừng thứ tư, Thánh Gioan nói Ngôi Lời có từ lúc khởi đầu
(Ga 1,1), nhưng trong sách Khải huyền thì Thánh nhân đã đi xa hơn và khẳng định
Ðức Giêsu là "Ðấng Amen, là Chứng Nhân Trung Thành và Chân Thật, là Khởi
Nguyên của mọi loài", và đến cuối sách Thánh Nhân khẳng định thêm Ðức Giêsu
là "Alpha và Omêga là Khởi Nguyên và Cùng Tận" (Kh 21,6 ; 22,13).
2.2- Ðức Giêsu-Ngôi Lời Nhập Thể
Tin Mừng thứ tư của Thánh Gioan là Tin Mừng về Mầu nhiệm Nhập Thể, nhân
tính của Ðức Giêsu được nhấn mạnh vì Thánh nhân đã được sống thân mật với
Chúa Giêsu, Thánh nhân đã yêu Chúa Giêsu và được Chúa Giêsu yêu thương cách
đặc biệt, được tựa đầu vào ngực Ðức Giêsu và nay Thánh nhân đã loan báo lại cho
tất cả chúng ta (1 Ga 1-3).
Thánh Gioan khẳng định với Chúng ta rằng "Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú
nơi chúng tôi" (Ga 1,14). Trở thành xác phàm là trở thành người, chia sẻ thân
phận yếu đuối của loài người trừ tội lỗi. Trong lời tựa sách Khải huyền (Kh 1,1)
Thánh nhân còn khẳng định thêm rằng Thánh nhân là tôi tớ của Ðức Giêsu.
Chương 12 của sách Khải huyền đã mô tả việc Ðức Giêsu được sinh ra từ cung
lòng người Phụ Nữ, Ngài là Ðấng Messia (Kh 2,17; 19,15), người con trai mà
người đàn bà sinh ra là Ðấng Cứu Thế dựa theo Thánh vịnh 2,9, và được sử dụng
trong Kh 12,5 : Người là "Ðấng sẽ dùng trượng sắt chăn dắt các dân tộc". Hình
ảnh người phụ nữ sinh con ở chương 12 là hình ảnh đã được nói tới trong Cựu
Ước, sách Isaia nói tới dấu chỉ Giavê Thiên Chúa ban cho triều đại Ða-vít đang gặp
nguy biến, khi Thiên Chúa sai ngôn sứ Isaia báo cho vua Akhaz : "Này đây một
Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai" (Is 7,14), sấm ngôn này được
Thánh Matthêu giải thích theo nghĩa cứu thế cá nhân là Ðấng Emmanuel (Mt 1,22-
23) nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Ðối với sách Khải huyền, Ðấng "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" chính là Ðức Giêsu
Kitô và nay nhờ cuộc Phục sinh Ngài đã trở thành Vị Chúa có mọi quyền năng biểu
lộ bản tính thần linh. Nhờ thế mà Ngài vẫn ở giữa cộng đoàn phụng vụ, trở thành
Chúa của cộng đoàn, của Hội Thánh, hiện diện trong Hội Thánh.Với biến cố Ðức
Giêsu Con Thiên Chúa Nhập thể làm người, sự hiện diện đó của Thiên Chúa giữa
dân người đạt đến điểm trọn vẹn, nay Người ngự giữa dân với một hình thức
thần linh vì "Thiên Chúa ngự trên ngai sẽ căng lều của Người trên họ" và họ thờ
phượng Thiên Chúa đêm ngày (Kh 7,15).
2.3 - Ðức Giêsu thuộc dòng tộc Ða-vít
Ðối với Israel, lịch sử luôn có một chiều kích tôn giáo, quyền bính cũng thế, tất cả
đều được nhìn dưới cái nhìn tôn giáo, quy chiếu về một số nhân vật nổi bật trong
lịch sử dân Chúa. Sách Khải huyền được viết ra cho Giáo Hội trong một hoàn cảnh
khủng hoảng, các tín hữu gặp nhiều thử thách có nguy cơ làm tổn hại đến Ðức
tin, có những cuộc bách hại các Kitô hữu (Kh 13,12-18 ; 14,9-13) và có những tà
thuyết xuất hiện để chống lại đức tin Kitô giáo. Trong tình cảnh đó Ðức Giêsu
được giới thiệu trong sách Khải huyền như là Ðấng có quyền lực giải thoát họ,
Ðấng ấy thuộc dòng tộc Ða-vít mà dân Do Thái đã trông chờ trong thời Cựu Ước.
Ðức Giêsu Kitô là Ðấng thuộc dòng tộc Ða-vít được nhắc đến trong những đoạn
3,7 ; 5,5 ; 22,16 của sách Khải huyền.
Trong lá thư gửi giáo đoàn Phi-la-đen-phi-a cho biết Ðức Kitô là "Ðấng Thánh,
Ðấng chân thật, Ðấng giữ chìa khóa vua Ða-vít" (Kh 3,7). Những tước hiệu đó có
ý muốn nhắc lại niềm tin của người Do Thái trong Cựu Ước và nay Ðức Kitô chính
là Ðấng đã hoàn tất các lời hứa trong thời Cựu Ước, nơi Người mọi sấm ngôn
trong Cựu Ước đã được thực hiện. Ðức Giêsu Kitô với tư cách là Người giữ chìa
khóa vua Ða-vít, Ngài nắm trọn quyền hành trên toàn dân Thiên Chúa.
Trong đoạn văn Khải huyền 5,5, Ðức Giêsu Kitô được nói đến là vị tổ phụ cuối
cùng của Cựu Ước, là "Sư Tử chi tộc Giu-đa, Chồi Non của Ða-vít". Những danh
hiệu này của Ðức Giêsu Kitô mặc khải cho ta thấy Thánh ý Thiên Chúa trong thời
Cựu Ước. Trong sách Isaia đã loan báo :
Một Chồi đã xuất thân từ gốc Giê-sê, và Chồi Non sẽ mọc lên từ cội rễ ấy.Trên
Người Thần khí Ðức Chúa sẽ ngự trên vị này.Người sẽ phân minh cho người
thấp cổ bé miệng và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo hèn trong xứ. Lời Người nói
là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết kẻ gian tà, Bấy giờ sói sẽ ở với
chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. (Is 11,1-2.4.6)
Phần kết thúc sách Khải huyền (Kh 22,16) cũng cho thấy Ðức Giêsu Kitô xuất thân
từ Cựu Ước và từ dòng dõi vua Ða-vít (2 Sm 7,10). Ðức Kitô là "Sao Mai sáng
ngời". Lời sấm của Ba-la-am đã ám chỉ tới điều đó trong sách Dân số :
Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc
tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên;
một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp,
một vương trượng chỗi dậy từ Israel (Ds 24,17; St 24,10).
Ngôn sứ Nathan nói rõ Thiên Chúa Gia-vê sẽ dựng cho Ða-vít một ngôi nhà tức là
một triều đại ( 2 Sm 7,11) và đối xử như một người cha, đối với hậu duệ vua Ða-
vít thì :
khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho
dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi- một người do chính ngươi sinh ra, -và ta sẽ
cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính
danh ta, và ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Ðối với nó, Ta sẽ là
Cha, đối với Ta, nó sẽ là con. (2 Sm 7,12-14)
Sách Khải huyền cho thấy Ðức Giêsu là vua theo dòng tộc Ða-vít, là Con Thiên
Chúa và là con người thuần túy, Người là " Ðấng Thánh, Ðấng Chân Thật" là Ngôi
Con Thiên Chúa, ở nơi Người ngai vàng Ða-vít sẽ bền vững muôn đời.
Trong Cựu Ước có những lời ngôn sứ tiên báo liên quan đến sự vĩnh tồn của dòng
dõi Ða-vít :
- Ðức vua thuộc dòng tộc Ða-vít (Is 11,1-10).
- Xuất thân từ Bê-lem Ep-ra-tha (Mk 1,5).
- Ðược gọi là Thiên Chúa hùng mạnh, Cố Vấn kỳ diệu, Thần anh dũng, Cha
muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình (Is 9,5).
- Triều đại công chính và hòa bình được thiết lập (Is 9,6).
Trong Tân Ước, Thánh Matthêu mô tả Ðức Giêsu là Ða-vít mới xuất hiện trong
lịch sử dân Người. Ðối với người Do-thái, Ða-vít là nhân vật nổi bật trong lịch sử
của họ, không những trên bình diện chính trị xã hội, mà còn trên bình diện tôn
giáo nữa. Ðó là khuôn mặt rất tiêu biểu của Israel trong Cựu Ước. Khi trình bày
Ðức Giêsu là Ða-vít mới, thánh Matthêu cũng nhắm trình bày Người là khuôn
mặt tiêu biểu, là trung tâm của dân Chúa trong Tân Ước. Ý tưởng này, được
thánh Matthêu nhắc lại nhiều lần trong Tin Mừng (Mt 9,27 ; 20,30 ; 21,9) và rồi
thánh Matthêu mô tả Ðức Giêsu còn trổi vượt hơn vua Ða-vít, và chính vua Ða-
vít gọi Ðức Kitô là Chúa (Mt 22,45).
2.4 - Ðức Giêsu chết - sống lại - lên trời
Ðọc sách Khải huyền, chúng ta nhận thấy rằng hình ảnh của Ðức Giêsu là hình ảnh
Chúa Kitô Phục sinh vinh quang, nên những biến cố lịch sử của Ðức Giêsu khi còn
tại thế, như Nhập Thể và Thập Giá có liên hệ mật thiết thế nào đi chăng nữa, thì
đó cũng chỉ là những biến cố quá khứ mà Thánh Gioan không chú trọng và trình
bày cách tỉ mỉ trong sách Khải huyền. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể thấy thoáng
qua những biến cố : Ðức Giêsu được sinh ra (Kh 12,5), chịu đóng đinh (Kh 11,8),
sống lại và được siêu thăng (Kh 12,5), được đặt vào địa vị Ðức Chúa, những biến
cố quan trọng này không được trình bày theo trình tự, nhưng tất cả được hàm
chứa trong các đoạn văn của sách Khải huyền.
Trong lời mở đầu sách Khải huyền (Kh 1,5-6), "Ðức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân
Trung Thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ
Lãnh mọi vương đế trần gian" : ám chỉ việc tuyên xưng đức tin vào Ðức Giêsu
Nazareth là Ðức Kitô (Ðấng được xức dầu) nghĩa là Ðấng Cứu Thế đã được hứa
trong Cựu Ước.
Với tư cách là Chứng Nhân, Người thực hiện những lời Thiên Chúa hứa ban cho
vua Ða-vít : "Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ, trước mặt Ta, ngai báu
Người bền vững tựa thái dương muôn đời kiên cố như vầng nguyệt đứng giữa
trời cao làm nhân chứng trung thành" (Tv 89,37-38), còn sách Isaia viết : "Này, Ta
đã đặt Ða-vít làm nhân chứng cho các dân, làm thủ lãnh chỉ huy các nước"(Is
55,4). Khi còn tại thế, Người làm chứng cho đến chết, Người chịu bắt bớ, sỉ nhục
và chịu chết trên Thập Giá của Người (Ga 19,33-34). Người thể hiện sự trung
thành bằng cuộc hiến tế trên thập giá- chết để làm chứng, bản thân Người và
hành động của Người làm hoàn tất lời Thiên Chúa đã hứa với Ða-vít (2Sm
7,1). Với cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá là chứng từ mãnh liệt về tình yêu
của Thiên Chúa, về lòng nhân hậu và ý muốn tha thứ của Người. Bởi chính Ngôi
Lời Nhập Thể là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhờ Màu nhiệm Phục
sinh, Người đã sống lại để trở thành Trưởng Tử và được Chúa Cha tôn phong làm
Chúa tể mọi thụ tạo, Thủ Lãnh các vương đế trần gian (Kh 1, 5-6)
Trong thị kiến mở đầu, hình ảnh "Con Người" (Kh 1,13) được hiểu về Ðấng Thẩm
Phán trong ngày sau hết, nhưng "Con Người" còn được coi như hình ảnh của Ðức
Giêsu Nazareth phải sống nghèo khó và trần trụi, phải chịu bách hại và đóng đinh.
"Con Người" cũng chính là Ðức Kitô Phục sinh và bây giờ Người đang hoạt động
trong Hội Thánh, Người vẫn ở giữa những trụ đèn, nghĩa là Người vẫn gần gũi
với cộng đoàn tín hữu.
"Là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy", Người là căn
nguyên, là Ðấng sống lại đầu tiên từ trong cõi chết, nên trong mọi sự Người nắm
ưu quyền. Ở đây Thánh Gioan sử dụng từ ngữ mang đậm nét của Thánh Phaolô.
Trong Cl 1,18 Thánh Phaolô viết : "Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu
của Hội Thánh; Người là Khởi Nguyên, là Trưởng Tử trong số những người từ
cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu".
Hình ảnh "Chiên Con đứng như đã bị sát te " được lập đi lập lại nhiều lần trong
sách Khải huyền, hình ảnh này vừa minh chứng vừa loan báo cách hùng hồn sứ
điệp kỳ diệu của Ðức Kitô, Ðấng đã bị đóng đinh nhưng cũng đã sống lại và không
bao giờ chết nữa, vừa quy chiếu lời sấm của ngôn sứ Isaia : "Bị ngược đãi,
Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu
câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng" (Is 53,7), máu Người trở nên
máu giao ước đổ ra để cứu chuộc mọi người (Kh 5,9 ; 1Cr 11,25 ; Lc 22,20 ; Mc
14,24 ; Mt 26,28).
Trong một đoạn khác, tác giả sách Khải huyền có nói "nơi mà Chúa của họ cũng
đã bị đóng đinh" (Kh 11,8) cũng xác định chắc chắn rằng Ðức Kitô chính là Ðấng đã
sống trong thế gian, đã bị lên án và bị đóng đinh trong một thời gian nhất định ;
một biến cố vang dội mà nhiều người còn nhớ.
Trong các thị kiến từ chương 4,1 đến chương 5,14 là khung cảnh mang nặng tính
chất phụng vụ, tác giả và cộng đoàn tín hữu đã cảm nghiệm và khám phá Mầu
nhiệm Vượt qua của Ðức Giêsu.
Chương 12 sách Khải huyền (Kh 12,1-6), đoạn văn mô tả người phụ nữ sinh con
và con mãng xà đối mặt với nhau. Con mãng xà tìm cách giết đứa trẻ, nhưng con
trẻ lại được cất lên đến tận ngai Thiên Chúa (Kh 12,5), đó chính là cuộc sinh nở
của Ðức Kitô trên đồi Calvariô và "được cất lên đến tận ngai Thiên Chúa", và
chiến thắng của Người trên Satan được thể hiện bằng cái chết và vinh quang.
Chiến thắng của thiên thần Micael là chiến thắng tượng trưng của chiến thắng
thật sự trên Thập Giá (Kh 12,11), một chiến thắng dẫn đến việc Satan thất bại,
Satan và quyền lực sự dữ bị tống ra khỏi cửa trời, Ðức Kitô toàn thắng trên
quyền lực ma quỷ.
Ðức Kitô là"Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian" (Kh 15,3) vì Người là "Vua các
vua, Chúa các chúa" (Kh 17,14 ; 19,16). Trong trận chiến cánh chung thứ nhất, với
tư cách là "Ngôi Lời Thiên Chúa", Người sẽ thống trị kẻ thù của Người. Ðức Kitô
là Chiên con trở thành vị chủ chăn hướng dẫn muôn dân đến nguồn sự sống (Kh
7,17), cai trị và chăn dắt muôn nước bằng cây trượng sắt (Kh 19,15 ; 12,5)
2.5 - Tước hiệu Giêsu-Kitô
Một yếu tố nữa cho ta thấy nhân tính của Ðức Giêsu qua tên của Người là Giêsu
Kitô tên này cũng thể hiện đầy đủ nhân tính và thần tính của Người.
2.5.1/ Tên Giêsu
Danh "Giêsu" được dùng trong sách Khải huyền 14 lần, điều đó luôn luôn nói lên
xác quyết sự liên tục tính giữa nhân vật đã xuất hiện trong nhục thể và ngôi vị
thần linh, Ðấng sống lại từ cõi chết (Kh 1,5). Khi ngự bên ngai Chúa Cha, Ðức
Giêsu cũng không mất tên gọi đó, và cũng không mất đi bản tính nhân loại của
Người.
Tên gọi "Giêsu" trong sách Khải huyền, như đã được biến đổi, vây bọc tràn ngập
và ẩn khuất bởi sự cao cả và quyền năng, bởi tên gọi thần linh của Người.
2.5.2/ Tước hiệu Kitô
Tước hiệu "Kito" có nghĩa là Ðấng được xức dầu, được thánh hiến, dịch từ tiếng
Do Thái là "Messia". Ðấng "Messia" trong Cựu Ước có nghĩa là Ðấng được xức
dầu, do đó được dùng chỉ vua Israel (1Sm 9,16 ; 24,7), có khi chỉ tư tế (Xh 28,41),
có khi chỉ ngôn sứ (1V 19,16), khi khác thì chỉ thần quyền (vua còn được gọi là Con
Thiên Chúa), cuối cùng chỉ Giavê là Vua đích thực của Israel, vua trần thế chỉ là đại
diện cho Người.
Trong Tân Ước, tước hiệu "Kito " rất thông dụng và đặc biệt của Ðức Giêsu. Tước
hiệu "Kitô" trong các Tin Mừng, Ðức Giêsu không bao giờ tự xưng mình là Kitô, vì
tước hiệu này bao hàm nhiều ý nghĩa hàm hồ, chính vì thế mà Ðức Giêsu tỏ ra dè
dặt trong việc sử dụng tước hiệu này, chỉ có những người khác mới gọi Người là
Kitô. Khi Ðức Giêsu hỏi các môn đệ xem họ nghĩ gì về Người, thì Phêrô trả lời thay
cho tất cả rằng : "Thầy là Ðấng Kito". Ngay sau đó, "Ðức Giêsu liền cấm ngặt các
ông không được nói với ai về Người"(Mc 8,29-30). Khi bị xét xử, vị thượng tế đặt
câu hỏi : "Ông có phải là Ðấng Kitô, con của Ðấng đáng chúc tụng không ?", Ðức
Giêsu trả lời : "phải, chính thế" (Mc 14,61-62), nhưng Người giải thích bản chất
của Ðấng Kitô theo nghĩa là "Con Người ngự mây trời mà đến". Trong thời kỳ
hoạt động tại thế, Ðức Giêsu không tự xưng là Kitô và cũng không muốn cho ai
gọi mình là Kitô.
Thế nhưng tình trạng đã hoàn toàn thay đổi sau cuộc tử nạn và phục sinh của
Ðức Giêsu. Với cảm nghiệm sâu sắc của cộng đoàn kitô hữu tiên khởi, cộng đoàn
Kitô hữu thời kỳ này đã sử dụng tước hiệu "Kitô" và dần dần trở thành tên riêng
và làm mất đi ý nghĩa chính trị của thời Cựu Ước.
Với những vai trò của Ðấng Messia trong Cựu Ước và trong cuộc đời trần thế của
Người, thì nay Ðức Kitô trong sách Khải huyền chính là Ðấng Messia mà dân tộc
Israel mong đợi. Ðức Kitô đúng là vị Tư tế (Kh 12,10), Người có thần quyền (Kh
11,15), Người là Ngôn sứ (Kh 1,1), Người là Vua mọi vương đế trần gian (Kh 1,5),
Người là Ðấng được Thiên Chúa sai đến để hoàn tất công trình cứu độ dành cho
toàn thể nhân loại, sứ mạng của Người mở rộng tới toàn thể nhân loại : Ðức Kitô
là Ðấng được "Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian"(Ga 10,31).
Tên gọi của Ðấng đang hiện diện bên cạnh Hội Thánh hôm nay chính là Chúa Kitô
vinh quang, trước hết bằng Lời của Người, nghĩa là bằng sự rao giảng của các
Tông đồ, bằng những mặc khải và thị kiến mà Người không ngừng gửi tới cho Hội
Thánh (Kh 19,13), nhờ đó con người nhận biết Ðức Giêsu là Thiên Chúa và tôn thờ
Người.
2.5.3/ Tên Giêsu-Kitô
Hội Thánh sơ khai ở Palestine, dưới ánh sáng Phục sinh, Lời tuyên tín đầu tiên
của Hội Thánh sơ khai : Giêsu là Ðức Kitô. Niềm tin này phản ánh rõ nhất ở trong
các sách Tin mừng và Tông đồ Công vụ. Ðối với Thánh Phaolô đôi khi còn được
đảo ngược lại là Kitô Giêsu. Hội Thánh thời kỳ đầu đã có thói quen nối kết tên
"Giêsu" với danh hiệu "Kitô" và gọi tắt là: "Giêsu Kitô".
Tước hiệu kép "Giêsu Kito " được nhắc tới ba lần trong lời tựa và lời mở đầu của
sách Khải huyền và đã được Thánh Gioan chủ đích nói rằng Ðức Giêsu Kitô là con
người thật và cũng là Thiên Chúa, tước hiệu này cũng ám chỉ vai trò của Ðức
Giêsu trong công trình cứu độ của Người.
Sách Khải huyền là sách có tính cách phụng vụ của Hội Thánh sơ khai, nên khi nói
Ðức Giêsu Kitô là muốn nối kết tước hiệu được tín hữu tuyên xưng với con
người lịch sử đã sống trên trái đất và đã là Chúa. Tước hiệu "Giêsu Kito" trong
Hội Thánh sơ khai được hiểu sâu sắc và rất rộng dưới ánh sáng Phục sinh. Lời
tuyên xưng đầu tiên này của Thánh Gioan là "Ðức Giêsu Kito " (Kh 1,1), niềm tin
này được phản ánh rõ ràng nhất trong các Tin mừng, trong Tông đồ Công vụ và các
thư của Thánh Phaolô. Qua thời gian dài, tước hiệu "Giêsu Kitô" trở nên gần gũi
và thông dụng trong những cộng đoàn phụng tự.
Thánh Gioan nhắc tới ba lần tên kép này trong lời tựa và lời mở đầu của sách
Khải huyền (Kh 1,1.2.5) là vì Thánh nhân đã kinh nghiệm và xác tín sâu xa niềm tin
của mình vào Ðức Giêsu. Với Hội Thánh sơ khai, họ cũng xác tín Ðức Giêsu đã
hoàn tất sứ mạng của Israel, Ðức Giêsu là Vua Israel mới, vương quyền này chỉ tỏ
lộ rõ ràng trong ngày Ðức Giêsu trở lại trong vinh quang.
Như vậy, đối với tác giả sách Khải huyền, Ðức Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể, được
sinh ra từ cung lòng Ðức Maria, thuộc dòng tộc Ða-vít, tên của Người là Giêsu
Kitô, Người đã chịu khổ nạn và chịu đóng đinh trên Thập Giá, đã sống lại, và được
siêu thăng vào địa vị Ðức Chúa. Với những sự kiện đó, rõ ràng Ðức Giêsu là một
nhân vật lịch sử.
III - ÐỨC KITÔ VINH HIỂN
Mầu nhiệm Ðức Kitô phục sinh vinh hiển là trọng tâm của niềm tin Kitô giáo.Ðức
Kitô phục sinh vinh hiển chính là Ðức Giêsu lịch sử, là con người đã sống trong
thế gian mà nay đã được phục sinh vinh hiển, con người đó là đấng Thiên Sai, là
Ngôn Sứ mặc khải ý định của Thiên Chúa cho con người, và cũng là Ðấng Trung
Gían giữa Thiên Chúa và loài người, Người là Ðấng Hằng Sống, Ðấng làm chủ sự
chết và sự sống, Ðấng cầm quyền sinh tử. Chính Người là Giavê Thiên Chúa Hằng
Sống đã và đang trao tặng cuộc sống vĩnh cửu, Người là Vua và là Chúa của cả vũ
trụ đến muôn đời và cho đến ngày quang lâm mọi người tôn thờ Người là Chúa
vinh quang. Và bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu những ưu phẩm thần tính của
Người.
Có thể nói sách Khải huyền trước hết là một quyển thánh ca, một quyển phụng
vụ. Nhiều nhà thần học và chú giải Kinh thánh đã nhận định như vậy. Sách Khải
huyền mang đậm nét phụng vụ, hầu hết các thị kiến lớn của sách Khải huyền đều
hàm chứa một nét phụng vụ rõ rệt và đối tượng của phụng vụ này chính là Ðức
Chúa Khải hoàn mà cộng đoàn tín hữu thờ phượng và ca tụng.
3.1- Ðức Kitô - Con Người đến từ trời
Hình ảnh nổi bật của Ðức Kitô Phục sinh mà Thánh Gioan chiêm ngưỡng đó là
hình ảnh "Con Người" (Kh 1,13). Ở đây, "Con Người" hiện diện ở giữa các cây đèn
trong tương quan với Hội Thánh của Người.
Người là Ðấng Thẩm Phán cánh chung, là Ðấng Thiên Sai sẽ đến trong quyền năng
xét xử vào ngày chung tận. Sách Khải huyền hai lần nhắc đến tước hiệu "Con
Người" (Kh 1,7 ; 14,14), cả hai lần đều quy chiếu và mang âm hưởng của sách Ða-
ni-en :
Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa :
có ai như một Con Người đang ngư giá mây trời mà đến.
Ðấng LãoThành trao cho người quyền thống trị,
vinh quang và vương vị ;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,
Không bao giờ mai một ;
Vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong (Ðn 7,13-14).
Trong thị kiến sách Ða-ni-en, ông Ðaniel trông thấy Thiên Chúa trao ban quyền
bính, vinh quang và vương triều vĩnh cửu cho Con Người. Con Người ở đây,
trước hết ám chỉ như kiểu nói Thiên Chúa dùng để gọi ngôn sứ Êzêkiel. Các sách
mạo thư Hênốc, và Esdras cũng như các tác phẩm của trường phái Rabbicoi Con
Người là một nhân vật huyền bí siêu phàm.
Trong Tân Ước, chúng ta nhận thấy đây không phải là một tước hiệu người ta gán
cho Ðức Giêsu, nhưng là một tước hiệu mà chính Người sử dụng để ám chỉ về
bản thân mình. Khi còn tại thế, Ðức Giêsu dùng tước hiệu "Con Người" để chỉ
thân phận khiêm tốn khó nghèo của mình, chẳng hạn khi nói : "con chồn có hang,
con chim có tổ, còn Con Người không có chỗ tựa đầu" (Mt 8,20 ; Lc 9,58). "Con
Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vu " (Mc
10,45). Thân phận khiêm tốn phục vụ đạt tới cao điểm trong cuộc tử nạn :"Con
Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục kinh sư loại bỏ, giết chết ." (Mc
8,31 ; 9,31 ; 10,33). Ðây là tư tưởng về người "Tôi tơ" mà Isaia đã nói đến nhiều
(Is 42,1-4 ; 49,1-6 ; 50,4-11 ; 52,13-53,12).
Trong một bối cảnh khác thì "Con Người" lại biểu lộ quyền năng siêu việt của Ðức
Giêsu. Chẳng hạn, như lời tuyên bố với một bệnh nhân bất toại : "Con Người có
quyền hành để tha tội" (Mc 2,10), hoặc trong cuộc tranh luận với người
Pharisiêu : "con Người làm chủ luôn cả ngày sabát" (Mc 3,27). Như vậy, tước hiệu
"Con Người" vừa diễn tả thân phận con người của Ðức Giêsu vừa diễn ta uy
quyền cao cả của Người, nghĩa là cả nhân tính lẫn thần tính của Ðức Giêsu. Thánh
Matthêu mô tả "Con Người" xuất hiện trên mây trời như một Ðấng Cứu tinh,
một nhân vật huyền nhiệm được Thiên Chúa ban cho nước cánh chung với uy
quyền của một vị vua và của một vị thẩm phán (Mt 26,64).
Ðối với sách Khải huyền, tước hiệu "Con Người" chỉ Ðấng đã chết và phục
sinh. Trong thị kiến mở đầu (Kh 1,9-20) miêu tả những hình ảnh, mầu sắc về "Con
Người" cũng tương tự như thị kiến trong sách Ðaniel (Ðn 7,9-14). Quả thật, Ðức
Kitô vị Thẩm Phán cánh chung sẽ xuất hiện đúng như lời ngôn sứ Isaia
loan báo : "Mắt bạn sẽ chiêm ngưỡng một đức vua trong vẻ đẹp của Người" (Is
33,17). Người là vua thắt đai vàng ngang lưng (Kh 1,13 ; Xh 28,4), và là thượng tế
tối cao mình vận áo chùng (Kh 1,13 ; 1Mcb 11,58). "Tóc trắng như len trắng, như
tuyết" diễn tả sự hằng có của Người (Kh 1,14 ; Ðn 7,9), "Mắt Người như ngọn
lửa hồng" tượng trưng cho sự thông biết mọi sự, thấu suốt mọi tâm can (Kh 1,14
; 2,18 ; 19,12 ; Ðn 10,6), "chân Người giống như đồng đo " là sự trường tồn vĩnh
cửu (kh 1,15 ; Ðn 2,31-45), "Tiếng Người như tiếng nước lũ" gợi lên vinh quang
rạng ngời của Ðấng Thẩm Phán, nói như Ðấng có quyền (Kh 1,15 ; Mc 1,22), "Từ
miệng Người phóng ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén" là vũ khí Người xử
dụng để thiết lập và cai trị muôn dân (Kh 1,16 ; Ep 6,17 ; Is 49,2).
Thật vậy, "Lời Thiên Chúa sống động và linh hoạt, hữu hiệu và sắc bén hơn cả
gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy ; Lời đó phê
phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người" (Dt 4,12).
Hình ảnh miêu tả về Ðức Kitô sau cùng trong thị kiến mở đầu, "Mặt Người tỏa
sáng như mặt trời chói lọi" nói lên sự uy nghi của Ðấng Thiên Sai Thẩm Phán cánh
chung, đồng thời gợi nhắc diễm phúc của Hội Thánh, của những kẻ được Người
tuyển chọn : "Mọi kẻ thù của Người đều bị diệt vong, còn những ai yêu mến
Người, xin cho họ rạng rỡ như mặt trời hừng đông" (Tl 5,31).
Hình ảnh "Con Người" xuất hiện trong đoạn văn Kh 14,14 cũng giống như ở đoạn
văn Kh 1,7 và 1,13tt, hình ảnh "Con Người" luôn quy chiếu tới thị kiến trong sách
Ða-ni-en (Ðn 7,13-14). Hình ảnh "Mây trắng" (Kh 14,14) là một thành ngữ được
mượn trong tư tưởng tôn giáo Hy Lạp cũng như trong Cựu Ước và là thành ngữ
của sự hiện diện của Thiên Chúa quyền năng ngự giá mây trời (Xh 19,16 ; Is 6,4).
Tân Ước thường móc nối đám mây với Ðức Kitô, bởi thế hai hình ảnh đám mây và
Ðức Kitô mỗi khi được liên kết với nhau đều mang một ý nghĩa cánh chung (Mt
24,30 ; 26,64 ; Mc 13,26 ; 14,62 ; Lc 21,27).
Chúa Kitô là "Ðấng ngự đến giữa đám mây" (Kh 14,14) là kiểu nói gắn liền ơn cứu
độ với biến cố Chúa Kitô quang lâm vào thời cánh chung. Biến cố này đã được
chính Ðức Giêsu báo trước cho hàng lãnh đạo Do Thái khi Người nói :"Các ông sẽ
thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng toàn năng và ngự giá mây trời mà đến" (Mt
26,64). Những chi tiết "đám mây trắng, triều thiên vàng, liềm sắc bén" phác họa
một cách đậm nét khuôn mặt của Ðức Kitô. Người chính là "Con Người" sẽ xuất
hiện huy hoàng vào ngày cánh chung với tư cách là Vua khải hoàn (triều thiên
vàng) và là Ðấng Thẩm Phán tối cao (tay cầm liềm sắc bén) "Bấy giờ thiên hạ sẽ
thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến" (Mc
13,26). Ðấng đã đến và sẽ đến trong ngày quang lâm chính là Ðấng Hằng Sống, đã
có từ đời đời như Chúa Cha.
3.2 - Ðức Kitô - Ðấng Hằng Sống
Ðức Kitô Phục sinh vinh hiển là "Con Người Hằng Sống". Toàn bộ Kinh Thánh kể
cả sách Khải huyền (Kh 4,9-11) người ta thích chiêm ngắm Thiên Chúa là Ðấng
Hằng Sống. Thánh Gioan đã xử dụng cách tuyệt đối ưu phẩm này cho Ðức Kitô
Phục sinh.
Trong thị kiến mở đầu của sách Khải huyền, Ðức Kitô tỏ mình ra cho Thánh Gioan
và nói : "Ðừng sợ ! Ta là Ðầu và là Cuối. Ta là Ðấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay
Ta sống đến muôn thuở muôn đời, và Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ"
(Kh 1,17-18).
Có lẽ chỉ có một bản văn Tin mừng Thánh Luca (Lc 24,5-6) sử dụng ưu phẩm này
cho Chúa Giêsu. Bản văn đó, Thánh Luca đã sử dụng trong bối cảnh vượt qua của
Ðức Giêsu : "Ðang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói : sao
các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn ở đây nữa, nhưng
đã chỗi dậy rồi" (Lc 24,5-6). Thánh Gioan đã chìm sâu trong ưu phẩm "hằng sống"
này của Ðức Kitô, Ðức Kitô Phục sinh cầm giữ hoàn toàn sự sống, sự sống đó
Người thông ban cho người Kitô hữu, Người chia sẻ cho những ai đã chấp nhận
chết với Người và cho Người. Từ ưu phẩm này, Thánh Gioan cũng trao lại niềm
tin nơi Mầu nhiệm Chết và Phục sinh của Ðức Kitô cho chúng ta, Thánh nhân đã
không coi trọng biến cố xa vời đã qua, nhưng như một thể hiện tốt nhất của sự
sống và lời hứa đáng tin cậy nhất : "Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây Sự Sống trồng
nơi ngự uyển của Thiên Chúa" (Kh 2,7).
Thánh Gioan đã ứng dụng Kinh Thánh Cựu Ước rất tài tình cho tác phẩm Khải
huyền của mình, trong sách Khải huyền có nhiều tước hiệu diễn tả sự sống đời
đời của Ðức Kitô.
Thật vậy, tước hiệu "Ta là Ðầu và là Cuối" (Kh 1,17) vọng lại các bản văn mà ngôn
sứ Isaia đã viết : "Ðức Chúa là Vua, là Ðấng cứu chuộc Israel, và là Ðức Chúa các
đạo binh, Người phán thế này : Ta là Khởi Nguyên, Ta là Cùng Tận; chẳng có thần
nào hết, ngoại trừ Ta" (Is 44,6), và một đoạn văn khác viết : "hãy nghe Ta, hỡi Gia-
cóp, hỡi Israel, kẻ Ta đã gọi! Ta vẫn là Ta, Ta là Khởi Nguyên, Ta cũng là Cùng Tận"
(Is 48,12). Tước hiệu này được dành riêng cho Thiên Chúa, và bây giờ được sử
dụng để chỉ Ðức Kitô (Kh 1,8 ; 2,8 ; 21,6 ; 22,13) Người chính là Thiên Chúa, là cội
rễ và cùng đích của vạn vật.
Người là "Ðấng Hằng Sống" (Kh 1,18) cũng như Thiên Chúa là "Chúa Trời Hằng
Sống" (Tv 42,3). Ở đây, Ðức Kitô là Con của Thiên Chúa, là Ðấng Hằng Sống "Vì
Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho Người Con được có sự
sống nơi mình như vậy" (Ga 5,26). Vì là Ðấng Hằng Sống, nên dù Người đã chết,
thì cuộc Phục sinh của Người từ nay sẽ làm cho Người có cuộc sống của
Thiên Chúa : sống đời đời kiếp kiếp. "Thật vậy, chúng ta biết rằng :một khi Ðức
Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn
quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ.
Nay Người sống lại, là sống cho Thiên Chúa" (Rm 6,9-10).
Ðấng Hằng Sống có quyền trên sự chết
Người nắm giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ (Kh 1,18). Hình ảnh này làm nổi
bật sự chiến thắng dứt khoát của Ðấng đã chết, đã sống lại và không bao giờ chết
nữa. Người chiến thắng ngay cả kẻ thù hiểm độc nhất, đó là sự chết."Tử thần đã
bị chôn vùi. Ðây giờ chiến thắng ! hỡi Tử thần, đâu là chiến thắng của
ngươi ? hỡi Tử thần, đâu là nọc độc của ngươi ?" (1Cr 15,54 - 55). Từ "Âm phủ"
trong văn hóa Hy Lạp là chỉ nơi ở của kẻ chết. Ðức Kitô nắm giữ chìa khóa Tử
thần và Âm phủ, tức là Người có thừa quyền năng cứu loài người khỏi chết, sự
chết đã giam giữ con người trong sự tuyệt vọng không lối thoát, từ nay nó sẽ
không còn đe dọa được những ai chọn Ðức Kitô, Người có chìa khóa Tử thần và
Âm phủ. Ðấng Hằng Sống là Con Người ngự đến trong đám mây cũng là vị Ngôn
Sứ mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa cho con người.
3.3- Ðức Giêsu vị Ngôn sứ tuyệt hảo
Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy Ðức Giêsu không nhận mình là ngôn sứ,
nhưng dân chúng nhận thấy Ðức Giêsu đúng là vị ngôn sứ. Nhiều người chỉ coi
Ðức Giêsu như là một trong bao các ngôn sứ khác (Mc 6,15), có người đồng hóa
Người với ngôn sứ Êlia, một ngôn sứ làm phép lạ (Lc 9,8), còn trong trình thuật Lc
7,16 thì Người là "một Ngôn sứ vĩ đại xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã
viếng thăm dân Người", trong trình thuật khác nữa thì "Người là một ngôn sứ
đầy uy thế trong việc làm cũng như trong lời nói trước mặt Thiên Chúa cũng như
trước mặt toàn dân" (Lc 24,19).
Trước mặt quần chúng, Ðức Giêsu xuất hiện như là một vị Ngôn sứ, ngôn sứ là
người rao giảng lời Chúa, làm phép lạ, loan báo thời cánh chung, nhưng Người
không nhận mình là vị Ngôn sứ. Tuy nhiên, không thiếu những lần Người đã ví
mình như là vị Ngôn sứ, chẳng hạn khi bị người đồng hương ở Nazareth chấp
vấn thế giá, Người đã chưng dẫn châm ngôn : "Người ngôn sứ bị khinh rẻ hơn cả
tại quê hương, thân thuộc và gia đình" (Mc 6,4 ; Mt 13,54 ; Lc 4,24), lần khác
Người nói : "Tôi phải tiếp tục con đường, vì không thể nào một ngôn sứ lại chết
ngoài thành Jêrusalem được" (Lc 13,33), lần khác nữa Người ví mình như ngôn sứ
Giôna : đang khi dân Ninivê sám hối sau khi nghe lời giảng của ông Giôna, thì
người đương thời với Ðức Giêsu lại bịt tai trước lời giảng của một Ðấng còn
hơn Giôna nữa (Mt 12,39.41 ; 16,4 ; Lc 11,29-30).
Như vậy các sách Tin Mừng trình bày Ðức Giêsu như một vị Ngôn sứ đúng nghĩa,
vì Người có vai trò công bố Lời Chúa, loan báo nước Thiên Chúa và sẵn sàng chấp
nhận những rủi ro của sứ mạng, vừa nêu bật rằng Người trổi vượt hơn các ngôn
sứ. Ðặc biệt, Ðức Giêsu còn là vị Ngôn sứ thấu hiểu chương trình của Thiên Chúa.
Vai trò ngôn sứ của Ðức Giêsu còn được đề cao tới mức tột đỉnh nơi sách Khải
huyền, nơi mà Người được gọi là "Lời của Thiên Chúa", Người truyền lại ý định
của Thiên Chúa cho nhân loại (Kh 1,1), Người còn là Lời hằng hữu, Lời ban sự
sống : "Ai thắng ta sẽ ban cho ." (Kh 2,7.11.17.26-29 ; 3,5.12.21)
Cũng như các ngôn sứ thời Cựu Ước, Ðức Kitô mặc khải cho thế giới biết ý định
của Thiên Chúa. Ngay từ câu đầu tiên của lời tựa sách Khải huyền, Thánh nhân đã
làm nổi bật vai trò ngôn sứ của Ðức Kitô mà Thánh Nhân chỉ là một ngôn sứ
thừa hành :
Mặc khải của Ðức Giêsu Kitô, mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để
Người tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến. Người đã sai
thiên thần của Người đến báo cho Ông Gioan là tôi tớ của Người biết mặc khải
đó. Ông Gioan đã làm chứng về lời của Thiên Chúa và lời chứng của Ðức Kitô
về những gì ông đã thấy. Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những
sấm ngôn đó và tuân giữ các điều chép trong đó, vì thời giờ đã gần đến ! (Kh 1,1-
3).
Sách Khải huyền diễn tả ngôn sứ không chỉ có nghĩa là chuyển đạt lời Chúa, mà
còn là "Chứng Nhân Trung Thành" của Lời Thiên Chúa, làm chứng cho chân lý
của Người cho đến chết (Kh 1,4-6).
Với sứ mệnh là vị ngôn sứ trung thành của Thiên Chúa, Ðức Kitô đã ngỏ với các
Giáo Hội những lời khuyến khích cổ vũ nếu họ sống phù hợp với ý định của Thiên
Chúa, ngược lại Người cũng không ngại cảnh tỉnh gắt gao về cuộc sống trục trặc
của họ. Người thẳng thắn đe dọa Giáo Hội Ê-phê-sô có nguy cơ mất đi thế mạnh
là lòng tin tưởngvào danh Người và sẽ bị tiêu diệt : "vậy hãy nhớ lại xem ngươi
đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu.
Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của
nó, nếu ngươi không hối cải" (Kh 2,5).
Nếu các Kitô hữu ở Pe-ga-mô không hối cải, bỏ bè Ni-cô-la, Người sẽ đến "giao
chiến bằng thanh kiếm miệng Người" (Kh 2,16). Hội Thánh Thi-a-ti-ra sẽ hiểu
biết rằng "Ðấng dò thấu lòng dạ, và sẽ tùy theo việc các ngươi làm mà thưởng
phạt mỗi người" (Kh 2,23). "Còn các ngươi, những người ở Thi-a-ti-ra, những
kẻ không theo đạo lý ấy, không biết đến cái mà chúng gọi là các bí mật thâm sâu
của Satan, thì Ta bảo các ngươi : Ta không bắt các ngươi phải mang gánh nặng
nào khác" (Kh 2,24).
Sau cùng là vị Ngôn sứ tuyệt hảo của Thiên Chúa, Ðức Kitô đã khẳng định cho
chúng ta thấy những lời mặc khải của Người là :
Ðây là những lời đáng tin cậy và chân thật ; Ai thêm thắt điều gì vào đó, thì Thiên
Chúa sẽ thêm cho người ấy những tai ương mô tả trong sách này ! Ai mà bớt điều gì
trong các lời của sách sấm ngôn này, thì Thiên Chúa sẽ bớt phần người ấy được
hưởng nơi Cây Sự Sống và Thành Thánh, là cây và thành mô tả trong sách này ! (Kh
22,6.18-19).
Người Ngôn Sứ loan báo ý định của Thiên Chúa cho con người, răn đe sửa
dạy dân chúng chính là Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người.
3.4- Ðức Kitô- Ðấng Trung gian duy nhất
Ðức Kitô Chiên Con còn có một vai trò nữa, đó là Ðấng Trung gian duy nhất giữa
Thiên Chúa và loài người. Vai trò trung gian của Người bao quát cả việc sáng tạo :
"là khởi nguyên mọi loài Thiên Chúa tạo dựng, là Alpha và Omêga, là Ðầu và Sau
hết, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian" (Kh 3,14 ; 15,13 ; 22,13), Người làm cho
nhân loại trở thành Dân tư tế của Thiên Chúa (Kh 1,6).
Trong Kinh thánh, trung gian điển hình của mặc khải là một ngôn sứ ; các ngôn sứ
thường nói : "Chúa phán ." và sau khi nói lên lời sấm thì mới được thưa "Amen",
nghĩa là "đúng vậy", "tôi nhận thế" (Gr 11,1-5 ; Ðnl 27,15-26). Còn nơi sách Khải
huyền thì Ðức Giêsu báo cho thánh Gioan ý định của Thiên Chúa và gửi cho bảy
giáo đoàn, từ "Amen" được nhắc đến nhiều lần trong sách Khải huyền ; như thế
là để nói rằng : "lời nói là sự thật". Ðặc biệt sách Khải huyền gọi Ðức Kitô là
"Ðấng Amen, Lời của Thiên Chúa" (Kh 3,14 ;19,13) tựa như Ga 1,1 gọi là Lời, vì
không chỉ đơn thuần những lời Người nói ra không thôi, mà trọn cả con người
của Người chính là mặc khải.
Ðức Kitô là Ðấng mà Thánh Gioan đã thấu thị. "Kìa, Người ngự đến giữa đám
mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người" (Kh 1,7) và Người sẽ
phán xét trong thời cánh chung :
Tôi thấy : kìa một đám mây trắng, và có Ðấng ngự trên mây, giống như một Con
Người, đầu đội triều thiên vàng và tay cầm liềm sắc bén. Một thiên thần khác từ
Ðền Thờ đi ra, lớn tiếng thưa với Ðấng ngự trên mây: Xin tra liềm của Người mà
gặt, vì đã đến giờ gặt : mùa màng trên đất đã chín rồi ! Ðấng ngự trên mây
quăng liềm của mình xuống đất và đất bị gặt (Kh 14,14-16).
Người là vị Thẩm Phán công minh và Chân Thật : "bấy giờ tôi thấy trời rộng mở :
kìa một con ngựa trắng, và Người cỡi ngựa mang tên là Trung Thành và Chân
Thật, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến" (Kh 19,11), chính Người dùng
trượng sắt chăn dắt chúng, chính Người đạp trong bồn đạp nho chứa thứ rượu
là cơn lôi đình thịnh nộ của Thiên Chúa toàn năng (Kh 19,15).
Người là Ðấng Trung gian duy nhất đã đến từ Thiên Chúa và đã trở về cùng
Thiên Chúa, hiện giờ Người đang ngự bên Chúa Cha (Kh 3,21). Ðấng Trung gian
còn là Thủ Lãnh các Thiên Thần, Người cùng với các thiên thần đến thế gian để
thực thi ý định của Thiên Chúa (Kh 14,14-20).
Ðức Kitô là Ðấng Trung gian duy nhất vì Người là Con Thiên Chúa, là Thủ Lãnh của
Israel mới, Người muốn ở lại với nhân loại (Kh 21,3) chia sẻ thân phận của họ,
hiện Người đang hoạt động giữa nhân loại để thực hiện ý định của Chúa Cha.
3.5 - Ðức Kitô Vinh hiển là Vua và là Chúa tể
Ðức Kitô Phục sinh vinh hiển, Người đã được biến đổi cách sâu xa, Người cũng
được Chúa Cha ban quyền thống trị trên tất cả hoàn vũ. Người là Vua muôn dân,
Chúa các chúa, Người là Chủ tể muôn loài thọ tạo.
3.5.1/ Ðức Kitô là Vua
Phần lớn những tước hiệu mà Thánh Gioan nhận biết nơi Ðức Kitô, giữa những
tước hiệu đó, không khó khăn gì để nhận ra quyền làm vua của Ðức Kitô, Ðức Kitô
được tôn phong là "Chúa các chúa, Vua các vua" (Kh 17,14 ; 19,16), và "Vương
quyền trên thế gian này đã thuộc về Chúa chúng ta và Ðức Kitô của Người,
Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời" (Kh 11,15).
Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã loan báo vương quyền của Ðấng Messia (2Sm
7,14 ; Is 9,6 ; Ðn 7,14 ; Tv 2 ; 110). Khi nhìn lịch sử dưới khía cạnh "quyền bính" thì
Israel thường qui chiếu về vua Ða-vít, Vị thánh vương đã hoàn tất những lời
Thiên Chúa hứa với cha ông. Trong các thánh vịnh ca tụng vương triều, mô tả các
lễ đăng quang của nhiều vị vua kế nghiệp Ða-vít, niềm hy vọng hướng về dòng dõi
vua Ða-vít (Tv 2 ; 110).
Vào cuối thế kỷ VIII, Isaia đã chống lại những toan tính của vua Achaz, đòi hỏi lòng
"tin tưởng" vô điều kiện vào Thiên Chúa : "này đây một phụ nữ sẽ thụ thai và
sinh hạ một con trai, Người sẽ được gọi là Emmanuel"(Is 7,14). Người sẽ là một
vị vua lý tưởng khai trương một thời đại mới. Thiên Chúa dùng một người nữ có
quan hệ với dòng dõi Ða-vít, trong Isaia 9,1. 5-6 cũng có một cái nhìn tương tự
: "một trẻ đã sinh cho ta, một con trai được ban xuống cho ta ; vai người đỡ lấy
quyền bính và thiên hạ hô tước hiệu người là : Cố vấn kỳ diệu, Thần anh dũng,
Cha đời đời, Vua bình an".
Trong Tân Ước, sứ thần Gáp-ri-en thưa với Ðức Maria : "Người sẽ được gọi là
Con Ðấng tối cao, triều đại của Người sẽ vô cùng tận" (Lc 1,32-33). Trước tổng
trấn Philatô, Ðức Kitô nhìn nhận mình là Vua (Ga 18,37), vương quyền của Người
bao trùm trời đất (Mt 28,18).
Trong sách Khải huyền, Thánh Gioan đã gọi Ðức Kitô là "Thủ Lãnh mọi vương đế
trần gian" (Kh 1,5), "Vua các vua, Chúa các chúa" (Kh 17,14 ; 19,18). Tước hiệu
"Chúa các chúa, Vua các Vua" vốn là danh xưng nơi các vua Babilon và các Pharaon
Ai Cập, tước hiệu này được truyền thống Cựu Ước dành cho Giavê
Thiên Chúa : "Vì Ðức Chúa Thiên Chúa của anh em, là Thần các thần, là Chúa các