SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN
ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KỲ HỌC KỲ I
NĂM HỌC 2014 - 2015
MÔN NGỮ VĂN 10 - BÀI VIẾT SỐ 1
Ngày kiểm tra: 11 /9 /2014
Thời gian làm bài:90 phút, không kể thời gian giao đề
Đề thi gồm 1 trang
CÂU I (3,0 điểm)
Đăm Săn rung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc
tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía
tây. Còn Mtao Mxây thì bước cao bước thấp chạy hết bãi tây sang bãi đông. Hắn vung
dao chém phập một cái, nhưng chỉ vừa trúng một cái chão cột trâu.
(Trích “Chiến thắng Mtao Mxây” – Sử thi Đăm Săn,
Ngữ văn 10, tập 1, NXB Giáo dục, 2013, tr.35)
Đọc đoạn trích trên và thực hiện các yêu cầu sau :
1. Phát biểu ngắn gọn khái niệm “sử thi dân gian” ? (0,5 điểm)
2. Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính ? Nội dung cơ bản của
đoạn trích là gì ? (1,0 điểm)
3. Tác giả sử thi đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào trong đoạn trích trên ?
Phân tích ngắn gọn tác dụng của những biện pháp đó trong việc khắc họa hình ảnh người
anh hùng Đăm Săn ? (1,5 điểm)
CÂU II (7,0 điểm)
Hiện nay có một “căn bệnh” đang tương đối phổ biến trong giới trẻ, đó là “bệnh sợ
nói sai”. Anh (Chị) có suy nghĩ gì về “căn bệnh” đó ? Hãy viết một bài luận trình bày ý
kiến của Anh (Chị) về hiện tượng này.
Hết
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh: ……………………………………; Số báo danh: …
ĐỀ SỐ 1
ĐÁP ÁN
CÂU I (3,0 điểm)
1. Phát biểu ngắn gọn khái niệm “Sử thi dân gian” (0,5 điểm):
Sử thi dân gian là thể loại tự sự bằng văn vần hoặc văn vần kết hợp với văn xuôi,
kể lại những sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng đối với số phận cộng đồng.
2. Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là miêu tả. (0,5 điểm)
Nội dung cơ bản của đoạn trích : miêu tả sức lực và tài năng của Đăm Săn khi
múa khiên trong trận giao chiến với Mtao Mxây để giành lại vợ. (0,5 điểm)
3. Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích trên là :
+ nghệ thuật phóng đại (một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh…)
+ sử dụng các điệp ngữ (một lần xốc tới, chạy vun vút)
+nghệ thuật tương phản giữa Đăm Săn và Mtao Mxây
Khắc họa những động tác nhanh, mạnh mẽ, phi thường của Đăm Săn. Qua đó thể
hiện tài năng và sức mạnh vượt trội của nhân vật anh hùng này.
CÂU II (7,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng :
- Đáp ứng được yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội : bố cục rõ ràng, lập luận chặt
chẽ, dẫn chứng thuyết phục, diễn đạt lưu loát, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả,
dùng từ, ngữ pháp…
2. Yêu cầu về kiến thức :
Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, miễn là đáp ứng được các yêu cầu
sau :
a. Giải thích :
- bệnh “sợ nói sai” thực chất là việc mỗi cá nhân không dám đưa ra ý kiến của bản
thân mình, sợ nói không đúng, sợ nói sai, sợ bị người khác chê là kém cỏi, là không
hiểu…
b. Bình luận :
- Đây là “căn bệnh” thường gặp ở giới trẻ với những “triệu chứng” điển hình như:
trong lớp không dám phát biểu, sinh hoạt tập thể không dám nêu ý kiến cá nhân…
- Nguyên nhân của “căn bệnh” này : xuất phát từ tâm lí tự ti, sợ bị chú ý, sợ bị cười
chê của một bộ phận giới trẻ. Thêm nữa, đó là sự thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng của những
người xung quanh với người “sợ nói sai” (cười nhạo, coi thường họ khiến những người
vốn đã “sợ nói sai” lại càng “sợ” hơn, thấy mặc cảm, tự ti hơn…)
- Hệ quả của “căn bệnh” này : người “sợ nói sai” sẽ không có cơ hội được đưa ra ý
kiến cá nhân ; thiếu kĩ năng thuyết trình trước đám đông ; sống nhạt nhòa thiếu cá tính,
không có chính kiến… Điều này càng nguy hại hơn với những người “sợ nói sai” trong
việc học ngoại ngữ (không dám nói, không dám phát âm…)
- Cách “điều trị” “căn bệnh” này : thận trọng trong giao tiếp, phát ngôn là rất cần
thiết nhưng không vì thế mà trở nên rụt rè, khước từ mọi cơ hội được bày tỏ ý kiến cá
nhân ; cần rèn luyện sự tự tin, dũng cảm đưa ra ý kiến và nếu cần thì nên bảo vệ ý kiến
của mình trước tập thể, không nên rụt rè, mặc cảm, tự ti
c. Liên hệ bản thân:
- Cần tự tin, không nên rụt rè, không sợ nói sai…
- Không cười nhạo người khác nếu họ nói sai. Cần động viên, khích lệ những người
như thế để cùng tiến bộ…
BIỂU ĐIỂM:
- Điểm 6 – 7 : Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu trên
- Điểm 4 – 5: Bài làm nắm được yêu cầu, sai sót về nội dung và kĩ năng không
nhiều, phần bình có thể chưa sâu, dẫn chứng chưa thật thuyết phục…
- Điểm 2 – 3: Bài làm đáp ứng được một nửa yêu cầu trên
- Điểm 1: Bài làm sơ sài, chưa hiểu vấn đề
- Điểm 0: Bài lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.