Tải bản đầy đủ (.pdf) (130 trang)

Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.3 MB, 130 trang )



Quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và
phản hồi địa phương: Nghiên cứu cộng đồng người Thái ở
xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Việt Nam



Luận văn
để hoàn thành
Cao học Khoa học Xã hội
tại
Trường Đại học Waikato
của
PHẠM VĂN DŨNG



2014

ii


Bản tóm tắt
Trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều tương tác giữa các nhóm dân tộc xa xôi
cách trở với các tác nhân bên ngoài, thì một trong những vấn đề đáng được quan
tâm và bàn luận là quyền về đất rừng của họ chưa được khẳng định. Liệu việc
chiếm giữ đất bởi các chủ thể bên ngoài và việc bảo trợ quản lý rừng theo mệnh
lệnh có đáp ứng được nguyện vọng của người dân bị mất đất? Cộng đồng địa
phương cần được tham gia quản lý đất rừng và có vai trò quyết định đối với tương
lai của mình ra sao và đến mức độ nào? Để trả lời các câu hỏi trên, nghiên cứu


này dựa trên các cuộc phỏng vấn sâu tập trung vào truyền thống, tín ngưỡng, luật
tục, tri thức địa phương, những bình luận và kiến nghị của người Thái và một số
người ngoài sống ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Việt Nam.
Bên cạnh đó là việc tổng hợp và phân tích các nghiên cứu và báo cáo trước đây
trong hệ thống dữ liệu của SPERI (Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội).
Các phát hiện và tranh luận trong Luận văn này gồm có: đặc điểm văn hóa của
người Thái ở địa phương, lược sử các can thiệp từ bên ngoài, phản hồi từ địa
phương, và các phương pháp luận tiếp cận và nhận thức để nghiên cứu văn hóa và
đất rừng bản địa. Một trong những nhận định là: người dân địa phương đã và đang
giữ gìn cách hiểu, niềm tin, luật tục và thực hành các thể chế và tổ chức truyền
thống một cách toàn diện và đặc thù, và những giá trị cùng với sức mạnh vốn có
đó có thể đóng góp hiệu quả vào việc bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế của người
dân địa phương. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng cách tiếp cận chính thống
và ngày càng lấn lướt từ trên xuống đã không nhận diện hoặc khuyến khích, thậm
chí làm tổn hại đến sức mạnh và giá trị của địa phương. Bên cạnh đó, cách nhìn vị
chủng (tự cho dân tộc mình là hơn tất cả) và cách hiểu hời hợt về giá trị của người
dân tộc ít người đang tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt
Nam. Trước hiện tượng này, cần gióng lên một hồi chuông thức tỉnh về quyền văn
hóa, nhân quyền và chất lượng của quá trình lập định chính sách và thực thi pháp
luật, bởi vì tất cả đều không tránh được ảnh hưởng của quan điểm và tiếp cận vị
chủng.
Trước những tổn thương do những can thiệp chính thống, người dân địa phương
phản ứng một cách dè dặt và không trực diện. Do hệ quả của những can thiệp từ
iii

ngoài, người dân phải tìm cách điều chỉnh hệ thống canh tác và đặc điểm văn hóa
của mình. Tuy nhiên người dân, đặc biệt là các cụ già vẫn mong mỏi hồi phục lại
những giá trị văn hóa. Với cách tiếp cận thay thế từ dưới lên do SPERI khởi
xướng, người dân được khuyến khích phát huy sức mạnh thể chế và tổ chức
truyền thống để hướng tới tương lai tươi đẹp hơn. Trong tiến trình dân chủ hóa và

phi tập trung hóa, thì quyền đất đai và quyền luật tục của cộng đồng cần được
chính thức nhận diện và khẳng định. Nhưng không nên nhìn nhận việc chứng thực
bởi chính quyền là mục tiêu cuối cùng, mà chỉ là yếu tố hỗ trợ, trong khi đó sức
mạnh của cộng đồng địa phương để tự thực thi các quyền của mình phải là yếu tố
quyết định. Để nhắm tới đích đó, người bản địa cần thêm cơ hội liên kết mạng
lưới, tăng cường năng lực và tham gia vào các nghiên cứu kỹ lưỡng về văn hóa-xã
hội để bảo đảm rằng tính đại diện của họ ngày càng thực chất và công bằng.


iv

LỜI CẢM ƠN
Trước tiên tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới người dân và cán bộ xã Hạnh
Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Việt Nam, những người đã tạo điều kiện
và cung cấp cho tôi những thông tin quí báu về phong tục tập quán, quản lý đất
rừng, cùng những suy nghĩ, trăn trở của mình. Tôi đặc biệt ghi nhận vai trò của
ông Sầm Quốc Việt, ông Lô Khánh Xuyên, bà Lương Thị Văn và ông Vi Đình
Văn cùng nhiều già làng, những người có nhiều kinh nghiệm trong cộng đồng khi
họ đã nhiệt tình chia sẻ, giúp đỡ và tư vấn để tôi hoàn thành tốt nghiên cứu tại
thực địa.
Tôi có được kết quả nghiên cứu và học tập ngày hôm nay là nhờ những tư vấn,
giúp đỡ rất lớn của bà Trần Thị Lành, người sáng lập và dẫn dắt các Trung tâm
TEW, CIRD và CHESH cùng với viện SPERI ngày nay, những nơi tôi đã công tác
suốt 18 năm qua. Kết quả nghiên cứu trong Luận văn này không phải là của riêng
tôi, mà là kết quả từ những nỗ lực chung của nhiều cán bộ các tổ chức trên.
Tôi xin cảm ơn Tiến sĩ Keith Barber, giảng viên Chương trình Nhân học trường
Đại học Waikato, người đã chỉ dẫn nhiệt tình, kịp thời, cụ thể cho tôi trong suốt
quá trình chuẩn bị nghiên cứu thực địa và hoàn thiện Luận văn này. Tôi cũng cảm
ơn Tiến sĩ Thomas Rayan cùng các giảng viên Chương trình nhân học vì những
động viên về tinh thần đối với tôi. Tôi ghi nhận công lao của bà Sheeba Devan-

Rolls khi kiên trì giúp tôi cải thiện ngữ pháp trong bản nháp Luận văn tiếng Anh.
Nói đến những hỗ trợ về ngân sách cho khóa học này, tôi không thể không nhắc
đến Học bổng Học thuật New Zealand-ASEAN (New Zealand ASEAN Scholars
Awards) thông qua Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam. Xin chân thành cảm
ơn các cán bộ Đại sứ quán đã tin tưởng và lựa chọn tôi, và tôi nghĩ là mình đã cố
gắng để không phụ lòng tin đó.
Những người được nhắc đến cuối, nhưng không kém phần quan trọng là cha mẹ,
vợ và các con tôi cùng những người thân khác đã luôn sát cánh và động viên về
tinh thần, giúp tôi vượt qua một giai đoạn khó khăn khi xa nhà để hoàn thành
Luận văn này.
Những tranh luận trong Luận văn này không nhất thiết là những ý kiến của những
người đã được nhắc đến, và tôi hoàn toàn tự chịu trách nhiệm trước những thông
tin đó.

v

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

Bộ NN&PTNT Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Bộ TN&MT Bộ Tài nguyên và Môi trường
BQL Ban quản lý
BTTN Bảo tồn Thiên nhiên
CHESH Centre for Human Ecology Studies in Highlands (Trung
tâm Sinh thái Nhân văn Vùng cao)
CIRD Centre for Indigenous Knowledge Research and
Development (Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và
Phát triển)
CSQP Cao su Quế Phong
HĐND Hội đồng nhân dân
ICCO Interchurch Organization for Cooperation Development, the

Netherlands (Tổ chức Liên giáo hội vì Hợp tác và Phát
triển, Hà Lan),
MECO-ECOTRA Mekong Community Networking and Ecological Trading
(Mạng lưới Thương mại Sinh thái vùng Mê-công)
QHVN Quốc hội Việt Nam
SPERI Social Policy Ecology Research Institute (Viện Nghiên cứu
Sinh thái Chính sách Xã hội),
TEW Towards Ethnic Women (Trung tâm Hướng tới Phụ nữ Dân
tộc)
TK&TD Tiết kiệm & Tín dụng
TNTN Tài nguyên thiên nhiên
TNXP7 Thanh niên Xung phong Xây dựng Kinh tế 7
UBND Ủy ban nhân dân
vi

MỤC LỤC

Bản tóm tắt ii
LỜI CẢM ƠN iv
CHƯƠNG 1. GIỚI THIỆU 1
CHƯƠNG 2. TỔNG LƯỢC CÁC NGHIÊN CỨU ĐÃ CÓ 6
2.1. Tóm lược về người Thái và dân tộc ít người ở Việt Nam 6
2.2. Bàn luận về kiến thức bản địa và quyền về văn hóa 8
2.3. Tranh luận về đất rừng cộng đồng và sinh kế 11
CHƯƠNG 3. THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU 15
3.1. Lựa chọn tài liệu 15
3.2. Sử dụng các dữ liệu phù hợp của SPERI 15
3.3. Phương pháp nghiên cứu tại thực địa 17
CHƯƠNG 4. NHỮNG PHÁT HIỆN 21
4.1. Sơ lược về người Thái ở xã Hạnh Dịch 21

4.2. Văn hóa dân gian của người Thái ở xã Hạnh Dịch 25
4.2.1. Niềm tin, thế giới quan và hệ giá trị về con người và thiên nhiên 25
4.2.2. Luật tục, lễ hội và bảo vệ rừng 27
4.2.3. Tổ chức truyền thống và quản lý đất rừng 30
4.2.4. Tri thức địa phương và quy hoạch cảnh quan 33
4.2.5. Kiến thức địa phương trong canh tác truyền thống 34
4.3. Các can thiệp từ bên ngoài và hệ quả 36
4.3.1. Thời phong kiến và thực dân (trước 1945) 36
4.3.2. Luật và chính sách về đất và rừng ở địa phương (từ năm 1945) 37
4.3.3. Thời kỳ hợp tác xã (1960 đến giữa những năm 1980) 39
4.3.4. Ngành lâm nghiệp quốc doanh (từ 1970) 41
vii

4.3.5. Tư nhân hóa (từ năm 2000) 44
4.3.6. Các dự án phát triển (từ những năm 1970) 45
4.4. Phản hồi từ địa phương 48
4.4.1. Thay đổi và điều chỉnh của địa phương 48
4.4.2. Bình luận của người dân về các can thiệp từ bên ngoài 51
4.4.3. Các câu ca, câu nói về các yếu tố bên ngoài 53
4.4.4. Mong muốn và kiến nghị từ địa phương 56
4.5. Tiếp cận thay thế của TEW và SPERI (2001-2014) 59
4.5.1. Quá trình học hỏi: giá trị văn hóa, nội lực và nhu cầu của cộng đồng 59
4.5.2. Giao đất giao rừng ở xã Hạnh Dịch năm 2003 62
4.5.3. Chia sẻ kiến thức và liên kết mạng lưới 67
4.5.4. Giao đất kết hợp giao rừng ở bản Pỏm Om và bốn bản khác năm 2012 và
2013 75
4.5.5. Hậu giao đất giao rừng: thách thức và những việc cần làm 79
CHƯƠNG 5. THẢO LUẬN 82
5.1. Lạc hậu và mê tín hay là bản sắc và sức mạnh? 82
5.2. Luật pháp hay luật tục? 88

5.3. Áp đặt hay từ dưới lên? 93
5.4. Hướng đi tương lai 98
5.4.1. Khung pháp lý về rừng cộng đồng tại Việt Nam 98
5.4.2. Thực thi pháp luật 101
5.4.3. Vận dụng cho xã Hạnh Dịch 102
CHƯƠNG 6. KẾT LUẬN 105
TÀI LIỆU THAM KHẢO 109
PHỤ LỤC 114
Phụ lục 1. Bản đồ vùng nghiên cứu và vùng dự án của LISO 114
viii

Phụ lục 2. Những thuật ngữ có ích trong nghiên cứu người Thái ở xã Hạnh Dịch, Quế
Phong, Nghệ An 115
Phụ lục 3. Tình hình sử dụng đất tại xã Hạnh Dịch (2002) 117
Phụ lục 4. Phân tích chủ thể trong giao đất giao rừng 2003 118
Phụ lục 5. Kết quả giao đất giao rừng tại xã Hạnh Dịch năm 2003 120
Phụ lục 6. Tình hình sử dụng đất tại huyện Quế Phong (2012) 121
Phụ lục 7. Phân loại đất rừng bởi cộng đồng bản Pỏm Om (2012) 122



1

CHƯƠNG 1. GIỚI THIỆU

Cùng với những tác động từ bên ngoài vào các cộng đồng dân tộc ít người và bản
địa trong suốt mấy chục năm qua, những thuật ngữ như “phát triển”, hay “hiện đại
hóa”, hoặc “xóa đói giảm nghèo” đã được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế
giới. Tuy nhiên, người ta thường không làm rõ và hiểu sâu hàm nghĩa chính xác
của các thuật ngữ nêu trên. Những tác nhân bên ngoài các cộng đồng, như báo

giới, quan chức, và thậm chí cả các “tổ chức phát triển” hoặc các phi chính phủ
thường sử dụng các thống kê chung chung với cách hiểu hời hợt để phán xét và áp
đặt phương pháp can thiệp vào các vùng dân tộc ít người. Vì cách nhìn nông cạn
và định kiến của người ngoài, nên người ta thường bị bóp méo và hiểu sai lệch
thực tế của người dân tộc ít người, bản địa. Trong nhiều trường hợp các tác nhân
ngoài cộng đồng (như nhà nước, báo chí và các tổ chức ‘phát triển’) cứ mặc nhiên
đơn giản hóa một cách bất công khi gán cho người thiểu số các từ ‘lạc hậu’, ‘kém
phát triển’. Vẫn còn thiếu những nghiên cứu kỹ lưỡng và sự tôn trọng đối với các
đặc tính văn hóa, luật tục, thể chế truyền thống và sức mạnh nội tại của các cộng
đồng. Mặc cho những thuật ngữ rối rắm và dữ liệu nhằng nhịt trong các ‘chỉ sổ
phát triển con người’ của các tổ chức tầm quốc tế và quốc gia được tung ra, người
dân tộc ở các địa phương đang nhọc nhằn gồng mình giữ gìn các quyền cộng
đồng, lối sống và an toàn sinh kế của mình. Trở ngại đối với việc cải thiện cuộc
sống của người dân tộc ít người và bản địa không phải là do thực trạng xã hội hay
phong tục của họ, mà thực sự là do những tranh chấp về đất rừng và xung đột
trong nhận thức và quan điểm giữa người dân địa phương với các tác nhân bên
ngoài.
Trong 50 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hợp tác hóa, tập
trung hóa, thiết lập nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng
hộ cùng với các lâm trường, nông trường. Nguồn tài nguyên rừng và đất vốn được
các cộng đồng sử dụng theo truyền thống đã được luật hóa và chuyển sang các cơ
quan nhà nước, đặc biệt là trong giai đoạn từ thập niên 60 đến 80 của thế kỷ XX.
Do quá trình tư nhân hóa và ảnh hưởng ngày càng mạnh của thị trường tự do kể từ
những năm 90 của thế kỷ XX, việc giao đất giao rừng thường thiên vị cho các
doanh nghiệp bên ngoài mà không phải các cộng đồng và người dân địa phương.
2

Luật Đất đai đầu tiên được ban hành năm 1987, rồi sau đó được sửa đổi, bổ sung 3
lần vào các năm 1993, 2003 và 2013. Tuy nhiên cộng đồng vẫn chưa được thừa
nhận là một chủ thể sử dụng đất cho đến tận khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực.

Mặc dù cộng đồng đã được công nhận là một chủ thể sử dụng đất theo Luật Đất
đai 2003, nhưng đến nay số cộng đồng được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất rừng vẫn còn quá ít so với mong đợi. Những quy định và việc thực thi chính
sách như trên đã đưa đến hậu quả là các cộng đồng thiếu đất và rừng, nguồn tài
nguyên sống còn để duy trì an toàn sinh kế và giữ gìn bản sắc văn hóa của họ.
Nếu không có sự tham gia rộng rãi của người dân địa phương, thì khó có thể nói
đến phương án các bên cùng có lợi khi giải quyết các vấn đề an toàn sinh kế và
môi trường (cụ thể là bảo vệ rừng). Các vấn đề lớn, ngày càng bức thiết đang đặt
ra trước các nhà hoạch định chính sách, quan chức thực thi chính sách, các tác
nhân về văn hóa và môi trường, đó là làm sao tiếp cận thật phù hợp và hiệu quả ở
từng địa phương trong khi đóng góp giải quyết được những vấn đề lớn toàn cầu
như an toàn sinh kế, bảo tồn đa dạng sinh thái và văn hóa khi có biến đổi khí hậu
và trái đất đang nóng lên.
Các cộng đồng gặp khó khăn đang cần phương pháp tiếp cận và những hỗ trợ phù
hợp để bảo đảm phúc lợi và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Theo đuổi
công việc này, SPERI (Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội) và các tổ
chức tiền thân của mình đã và đang làm việc với nhiều cộng đồng dân tộc ít người
khác nhau, đặc biệt ở Việt Nam và Lào để cải thiện tình hình. SPERI là một tổ
chức nghiên cứu độc lập do tư nhân thành lập tại Việt Nam năm 2006. Các tổ
chức tiền thân của SPERI là TEW (Trung tâm Hướng tới Phụ nữ Dân tộc Thiểu
số), CHESH (Trung tâm Sinh thái Nhân văn Vùng cao), và CIRD (Trung tâm
Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển), đều là các tổ chức phi chính phủ
(NGOs) được thành lập vào những năm 90 của thế kỷ XX
1
. SPERI ưu tiên các
hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên của các dân tộc
ít người bản địa ở Việt Nam và vùng Mê-công. Một mạng lưới của người dân có
tên MECO-ECOTRA (Mạng lưới Thương mại Sinh thái vùng Mê-công) được
hình thành trong quá trình này để chia sẻ các tri thức, luật tục, thuốc nam, thổ cẩm
và thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sinh thái liên thế hệ, liên cộng đồng, và tăng



1
Tác giả của luận văn này đã làm việc cho SPERI và các tổ chức tiền thân của SPERI từ năm 1996.
3

cường công bằng thương mại và thị trường ngách cho các sản phẩm sinh thái. Các
bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cũng đồng thời được rút ra để chia sẻ với các nhà
lập định chính sách, báo chí và công chúng, và trở thành đầu vào cho quá trình
vận động chính sách để cải thiện hiểu biết và sự công nhận các quyền của người
bản địa đối với đất đai, các giá trị văn hóa, chủ quyền sinh kế, và bản sắc sinh kế
(xem thêm các thuật ngữ này tại: />337.html).
Đối với trường hợp nghiên cứu cụ thể ở xã Hạnh Dịch, TEW đã bắt đầu chương
trình hỗ trợ bằng việc nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán, tri thức bản địa
của cộng đồng người Thái kể từ năm 2000. TEW, và sau đó là SPERI đã hỗ trợ
cộng đồng vận động chính sách để chính quyền địa phương giao đất và rừng cho
cộng đồng và hộ gia đình. Người dân có cùng sở thích đã cùng nhau lập ra các
nhóm như thuốc nam, thổ cẩm, làm vườn, chăn nuôi, tiết kiệm và tín dụng; về cơ
bản các nhóm này được lập trên cơ sở tổ chức truyền thống. Hoạt động mạng lưới
giúp cho các thành viên trong cộng đồng có thêm tự tin khi thực hành các tri thức
địa phương cũng như bảo vệ rừng. Vận động nội lực cộng đồng cùng với tiếp cận
và các nghiên cứu của SPERI/ TEW đã giúp xây dựng phương pháp tiếp cận văn
hóa dựa vào cộng đồng để thay thế cho cách làm áp đặt thường thấy ở các dự án
chính thống.
Cũng tương tự như các cộng đồng khác, người Thái ở xã Hạnh Dịch đã thích nghi
tốt với điều kiện tự nhiên qua nhiều thế hệ. Họ có được nhiều tri thức quy báu
trong tổ chức xã hội và ứng xử với thiên nhiên. Tuy nhiên các giá trị của họ vẫn
chưa được nhận diện, tôn trọng và phát huy bởi các nhà kỹ trị, những người muốn
chuyển đổi đất và rừng từ tay cộng đồng sang vườn quốc gia, các ban quản lý
rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, hoặc các công ty lâm nghiệp của nhà

nước và tư nhân. Việc chuyển quyền sở hữu đất rừng từ cộng đồng sang các chủ
thể nhà nước diễn ra mạnh mẽ nhất ở miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1960-
1980 cùng với việc thiết lập các hợp tác xã và cơ chế tập trung hóa. Mặc dù quản
lý một lượng rất lớn đất rừng, nhưng đa số các đơn vị quản lý rừng và doanh
nghiệp nhà nước rất khó hoàn thành trách nhiệm của mình; nhiều tổ chức không
đạt được các nghĩa vụ xã hội và môi trường bởi cách hiểu và tiếp cận của họ
không phù hợp với thực tế địa phương. Vì thế hiểu đúng đắn và tiếp cận phù hợp
đối với mỗi cộng đồng dân tộc ít người cụ thể là yêu cầu đặt ra đối với mỗi tổ
4

chức thực thi và hỗ trợ cũng như mỗi nhà nghiên cứu thực thụ. Để tranh luận có
tính thuyết phục trên cơ sở bằng chứng cụ thể, chắc chắn, nghiên cứu này sẽ tập
trung vào trường hợp cụ thể của cộng đồng người Thái ở xã Hạnh Dịch, huyện
Quế Phong, tỉnh Nghệ An ở Việt Nam. Nghiên cứu sẽ đặt vấn đề tranh luận với
các cách hiểu và cách làm quan liêu, và cố gắng hiểu thêm các giá trị văn hóa, luật
tục, thực tiễn sử dụng đất, bảo vệ rừng và sinh kế của người dân địa phương.
Nghiên cứu này hướng tới trả lời hai câu hỏi chính là: 1) Người Thái ở xã Hạnh,
huyện Quế Phong đã và đang sử dụng đất và rừng của cha ông để lại trên cơ sở
giữ gìn luật tục và bảo toàn sinh kế như thế nào? và 2) Người Thái ở xã Hạnh
Dịch đã phản hồi các quan điểm, cách tiếp cận và can thiệp từ bên ngoài như thế
nào? Các câu hỏi phụ và minh họa cụ thể sẽ được trình bày trong các chương và
mục của Luận văn.
Luận văn này bao gồm sáu Chương. Tiếp sau phần Giới thiệu, chương thứ hai
(Tổng lược các nghiên cứu đã có) sẽ tóm lược và đánh giá các tác phẩm xuất bản
về đặc điểm văn hóa, luật tục và tri thức địa phương của người Thái, đặc biệt là
chủ đề bảo vệ rừng. Chương này cũng phân tích các tranh luận về chính sách rừng
cộng đồng và mối liên hệ giữa quyền của cộng đồng về đất rừng, chủ quyền sinh
kế và bảo tồn văn hóa ở địa phương. Chương thứ ba đề cập đến thiết kế nghiên
cứu, mô tả rõ cách thức tác giả tiến hành tổng hợp các nghiên cứu, lựa chọn tư
liệu từ cơ sở dữ liệu của SPERI và nghiên cứu điền dã. Phần Những phát hiện

trong chương bốn, là phần lớn nhất của Luận văn, sẽ lược thuật và liên kết các dữ
liệu có liên quan của SPERI với những phát hiện từ nghiên cứu điền dã. Chương
này sẽ bắt đầu bằng việc giới thiệu tóm tắt về người Thái ở xã Hạnh Dịch, sau đó
mô tả tín ngưỡng, chuẩn mực, luật tục và tổ chức truyền thống liên quan đến quản
lý tài nguyên thiên nhiên. Sau phần lược sử các can thiệp từ bên ngoài là phần
phản hồi từ địa phương, tiếp đến là phần tiếp cận hỗ trợ của SPERI, và phần triển
vọng trong tương lai. Theo dòng lịch sử đã có sáu tác nhân chính từ bên ngoài ảnh
hưởng đến cộng đồng là: chính quyền phong kiến và thực dân Pháp, nhà nước và
luật pháp hiện đại, hợp tác xã, các chủ thể lâm nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp
tư nhân, và các dự án phát triển. Phản hồi của người dân địa phương sẽ được xem
xét dưới các góc độ: những thay đổi và điều chỉnh của cộng đồng trong quản lý và
sử dụng rừng, nhận xét đối với các can thiệp bên ngoài, những câu nói, thơ, ca dao
về người ngoài, và những mong mỏi, kiến nghị của dân trước các chính sách và
5

can thiệp về đất, rừng. Chương năm, phần Thảo luận sẽ có các phân tích và tranh
luận về vai trò của cộng đồng trong quản lý đất rừng. Tác giả cố gắng giữ vai trò
trung gian mặc dù các tranh luận được củng cố và dựa vào những bằng chứng và
câu chuyện từ địa phương, từ phương pháp tiếp cận của SPERI, hoặc từ cách nhìn
không quan liêu. Phần Kết luận trong chương sáu sẽ tóm tắt và đánh giá về Luận
văn cùng với những phát hiện và tranh luận quan trọng nhất của tác giả đối với
chủ đề quản lý rừng cộng đồng trên cơ sở nghiên cứu trường hợp tại xã Hạnh
Dịch.

6


CHƯƠNG 2. TỔNG LƯỢC CÁC NGHIÊN CỨU ĐÃ CÓ

2.1. Tóm lược về người Thái và dân tộc ít người ở Việt Nam

Cho đến nay đã có khá nhiều nghiên cứu và xuất bản về dân tộc Thái ở Việt Nam.
Đáng chú ý là cuốn sách về luật tục của người Thái của Ngô Đức Thịnh và Cầm
Trọng xuất bản năm 1999. Hai tác giả này đã tập hợp các luật tục truyền miệng và
thành văn của người Thái, đặc biệt là nhóm sinh sống ở vùng Tây bắc Việt Nam.
Các tác giả cũng đề cập đến phong tục cưới xin và đám ma của người Thái Đen và
Thái Trắng. Về đặc trưng văn hóa 54 dân tộc ở Việt Nam, Hoàng Nam (2013) có
một số đoạn viết đáng chú ý về người Thái ở Việt Nam. Theo Hoàng Nam, Tên
gọi Bạch Y Man (Thái Trắng) đã lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện trong thư tịch
thời nhà Đường (618-907). Truyền thuyết của người Thái có nhắc đến nguồn gốc
tổ tiên của mình ở nơi hội tụ của chín con sông chảy qua Tây bắc Việt Nam, miền
bắc Lào và nam Trung Quốc. Từ thế kỉ thứ hai, người Thái Trắng đã di cư đến
miền Bắc Việt Nam, rồi sau đó tiếp tục di cư xuống phía nam, đến tỉnh Thanh Hóa
(2013, trang 655-6), nghĩa là ở phía bắc vùng nghiên cứu của Luận văn này.
Nguồn sinh sống quan trọng đối với người Thái là thức ăn, thuốc nam, măng, cá
và các sản vật khác được thu hái từ rừng, sông suối (trang 658). Một bản làng đặc
trưng của người Thái thường có ruộng lúa, nương rẫy và đất chưa sử dụng. Người
khai hoang đất được thừa nhận quyền sử dụng, và đất chưa sử dụng là của chung
cộng đồng. Mọi người đều có quyền chăn thả gia súc và thu hái sản vật trên đất
cộng đồng (trang 660). Có hai nhân vật quan trọng nhất quản lý đời sống của bản
làng là chảu đin (chủ đất) và thày mo (lãnh đạo tinh thần). Khi cần lập bản mới,
chảu đin dẫn dân đi tìm vùng đất đủ để làm nhà, canh tác và chăn thả gia súc.
Thầy mo làm lễ xin thần đất cho phép lập bản và giúp chảu đin làm lắc mường,
một cây cột tượng trưng cho việc gắn kết và quy tụ cộng đồng (tài liệu đã dẫn,
trang 661).
Phần trích dẫn trên của Hoàng Nam cơ bản phù hợp với những tìm hiểu của tác
giả tại vùng nghiên cứu. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm để có thể xác định rõ
người Thái sống ở xã Hạnh Dịch và huyện Quế Phong thuộc về phân nhóm nào.
7

Theo Lô Khánh Xuyên (2004b) và một số già làng địa phương, người Thái di cư

đến sống ở xã Hạnh Dịch ngày nay có nguồn gốc từ Thanh Hóa và Lào. Trong khi
người dân địa phương tự nhận mình là Thái Thanh và Thái Mường, nên vẫn chưa
khẳng định được họ có phải là Thái Trắng hay không. Một số báo cáo nghiên cứu
trong kho tư liệu của SPERI lại gọi người Thái ở Hạnh Dịch là Thái Đen. Cách
nhận diện phân nhóm như vậy không khớp với nhận định của Hoàng Nam (2013)
rằng người Thái Trắng đã di cư đến Thanh Hóa, đồng thời là một nguồn gốc của
một bộ phận người Thái ở huyện Quế Phong. Thêm nữa, trong nghiên cứu về
Chính tả trong ngôn ngữ Thái ở Việt Nam, Mukdawijitra (2011) vẫn chưa khẳng
định được người Thái ở Nghệ An thuộc về phân nhóm nào. Bởi cách nhìn nhận
khác nhau và có phần mâu thuẫn như trên, nên trong Luận văn này tác giả sẽ dùng
tộc danh mà người dân tự nhận.
Trong khi các xuất bản nêu trên đề cập đến văn hóa của người Thái ở Việt Nam
nói chung, một số nghiên cứu khác tập trung cụ thể vào nhóm người Thái ở tỉnh
Nghệ An và huyện Quế Phong. Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Phong,
Bùi Ngọc Tam và cộng sự (2002) có bàn đến lịch sử di chuyển, định cư và điều
kiện kinh tế-xã hội của người dân địa phương, trong đó có người Thái trong mối
liên hệ với thể chế chính trị hiện đại và ảnh hưởng của nhà nước. Một số bài viết
chưa xuất bản của Lô Khánh Xuyên là nguồn tư liệu cụ thể và thích hợp nhất để
trích dẫn trong Luận văn này. Dựa trên nghiên cứu điền dã, Lô Khánh Xuyên
(2004a) giới thiệu bản sắc văn hóa, vũ trụ quan và các đặc điểm văn hóa vật thể và
phi vật thể của người Thái Thanh ở bản Na Xai thuộc xã Hạnh Dịch. Lô Khánh
Xuyên (2004b) tập trung vào luật tục trong quản lý và phát triển tài nguyên rừng,
đất và nước của người Thái ở tỉnh Nghệ An. Nhiều tài liệu nghiên cứu thực địa và
báo cáo khác trong cơ sở dữ liệu của SPERI giúp cho tác giả của luận văn khám
phá và hiểu rõ hơn thể chế và tổ chức truyền thống của người Thái, đặc biệt là tri
thức và thực hành của họ trong việc quản lý tài nguyên đất và rừng.
Trong khi các nghiên cứu kĩ lưỡng và xuất bản về văn hóa các dân tộc ít người chỉ
được một nhóm nhỏ các học giả và nhà chuyên môn ở Việt Nam quan tâm, thì báo
giới lại có vai trò quan trọng gây ảnh hưởng và định hướng cách nhìn của đại bộ
phận dân cư đối với các dân tộc ít người. Thí dụ, khi tìm một vài từ khóa tiếng

Việt là có thể thấy hàng ngàn kết quả gán các phong tục của các dân tộc ít người
với các từ ‘lạc hậu’, ‘ghê rợn’ hoặc ‘man rợ’. Một bài báo trên trang tin điện tử
8

Pháp luật và Xã hội (2012) gán các từ ‘lạc hậu’ và ‘phạm pháp’ vào phong tục và
truyền thuyết của người Đan Lai ở tỉnh Nghệ An. Báo Nghệ An (2011) mô tả
người Đan Lai như những người man rợ, được bộ đội biên phòng ‘phát hiện ra’,
cho gạo ăn, phải định canh và thay đổi hoàn toàn từ ‘lang thang’, ‘săn bắn hái
lượm’ sang canh tác lúa nước để cứu họ khỏi tuyệt chủng! Một bài khác trên Báo
Mới (2012) mô tả phong tục ma chay của người Ba-na, người H’mong và một số
dân tộc khác là ghê rợn và man rợ. Các bài viết theo kiểu nhìn nhận hời hợt và
thiếu đạo đức nghề nghiệp như trên gây ra cách hiểu sai lệch của công chúng đối
với các dân tộc ít người ở Việt Nam.
Các bất cập không chỉ tồn tại ở trên báo chí và nhận thức của công chúng, mà còn
cả trong lập pháp và thực thi chính sách. Mặc dù Hiến pháp Việt Nam cấm kì thị
dân tộc, nhưng một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn dùng từ ‘lạc hậu’ để gán
cho thực trạng của các dân tộc ít người. Nhiều chính sách lại dựa trên giả định cho
rằng “các dân tộc ít người sống lang thang, và yêu cầu định canh” (Ngân hàng
Thế giới, 2009, trang 6). Hệ quả là những ‘hỗ trợ’ chính thống thường có cách
tiếp cận và can thiệp mới nhưng không phù hợp, được lấy tên là các dự án ‘phát
triển’. Thật nực cười khi các ‘hỗ trợ’ không giúp phát huy sức mạnh nội tại và tính
tự tin của người dân địa phương, mà thường tạo ra áp lực buộc họ phải thay đổi và
ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài. Nhận định này sẽ được bàn kĩ và rõ hơn trong
phần bàn luận về các giá trị văn hóa và quyền đất rừng của cộng đồng.

2.2. Bàn luận về kiến thức bản địa và quyền về văn hóa
Có thể xem xét cuộc tranh luận về kiến thức bản địa và vai trò của nó thông qua
mối quan hệ giữa kiến thức bản địa với kiến thức khoa học và sở hữu trí tuệ. Đã
có nhiều học giả đề cao kiến thức bản địa. Thí dụ, kiến thức bản địa được xem
như có tính xã hội và hội nhập cao (Ross và cộng sự, 2011, trang 35) và giúp

tương tác giữa con người với các sinh vật khác (tài liệu đã dẫn, trang 34). Hệ
thống tri thức và niềm tin bản địa giúp ích cho sinh kế lâu bền, quản trị tài nguyên
và bảo tồn hoang dã (Taylor & Lennon, 2011, trang 549). Bên cạnh đó, tri thức
truyền thống về sinh thái là “cơ sở để ra quyết định ở cấp địa phương” (Ellen &
Harris, 2000, trang 28). Tuy vậy kiến thức bản địa vẫn không được nhiều nhà
khoa học thừa nhận một cách đúng mức. Ellen & Harris (2000) phê phán khoa
9

học hiện đại vì nó có tính vị chủng, thiên vị đẳng cấp cao, giản hóa luận và việc
nó coi tri thức ản địa là ‘phi khoa học’ (trang 12). Các tác giả này cũng cảnh báo
“sự nguy hiểm khi chuyển hóa tri thức địa phương thành tri thức toàn cầu” (trang
15) và việc lưu giữ tri thức bản địa để tạo khái niệm phi cá nhân hóa và khách
quan hóa (trang 20). Thậm chí đối với các nhà nghiên cứu từ bên ngoài dù muốn
ủng hộ quyền của cộng đồng nhưng vẫn gặp những trở ngại, bởi vì người bản địa
đã từng chịu đựng một lịch sử bị chiếm đất và mất đất, cho nên họ luôn phải cảnh
giác khi tương tác với nhà nước và người ngoài (Posey, 2000, trang 39). Trong
nền lập pháp, nếu có tồn tại luật quốc tế, thí dụ như Công ước về Quyền Sở hữu
Trí tuệ, thì “nó thường làm lợi cho các quốc gia công nghiệp hơn là những quốc
gia phong phú về văn hóa” (trang 42). Hiện trạng đó dẫn đến hậu quả là các cộng
đồng bản địa coi các nhà khoa học như nhân học hoặc thực vật học dân tộc như
những người phục vụ cho một cỗ máy bóc lột hơn là những nhà nghiên cứu khách
quan (tài liệu đã dẫn, trang 41). Để giải tỏa những bất cập đó, Posey (2000) đề
xuất hướng đi thay thế với “khái niệm về Quyền Tài nguyên Truyền thống” nhằm
thúc đẩy đối thoại và giải quyết mâu thuẫn (trang 43). Thêm nữa, Ellen & Harris
(2000) đề xuất việc thích nghi với hoàn cảnh địa phương và dựa vào “những gì
các cá nhân biết và thiết kế lại kiến thức sách vở chính thống theo hướng tiếp cận
văn hóa và tính độc lập” (trang 28).
Nhận thức của công chúng và sự tôn trọng các quyền văn hóa cùng với tri thức và
thực hành bản địa có thể được xem xét trong việc tranh luận về bảo tồn. Mặc dù
du canh đã được thực hành qua nhiều thế hệ, nhất là ở lục địa Đông Nam Á,

nhưng hệ thống canh tác này vẫn bị số đông gán ghép vào nguyên nhân suy thoái
môi trường, trong khi một số tổ chức quốc tế kiến nghị xóa bỏ hệ thống này. “Các
quyền trên nương rẫy theo phong tục đã không được thừa nhận và nương rẫy bỏ
hóa bị coi là đất hoang và không có chủ” (Latorre & Latorre, 2012, trang 467).
Khi thảo luận về các tiêu chí của Di sản Thế giới, Taylor & Lennon (2011) phê
phán sự thống soái của các giá trị phương Tây với việc nhấn mạnh “di sản văn hóa
chủ yếu dựa trên các bức tượng lớn và địa điểm ấn tượng, và di sản thiên nhiên lệ
thuộc vào ý kiến khoa học tách biệt giữa thiên nhiên và thế giới hoang dã với con
người” (trang 546). Các tác giả cho rằng các nhà quản lý, nhà lập định chính sách
và nhà khoa học đã quá chậm trễ khi công nhận “giá trị trường tồn của truyền
thống trong việc bảo tồn đa dạng sinh vật”. Họ phê phán sự thiếu vắng tính nhạy
10

cảm đối với các địa điểm tôn nghiêm và đề nghị đưa văn hóa địa phương vào giáo
dục hiện đại (trang 549). Cần thấy thêm vấn đề nữa là việc giáo dục chính thống
nhìn nhận niềm tin, tín ngưỡng truyền thống và thực hành văn hóa bản địa là ‘mê
tín’ và ‘lạc hậu’ (Fui và cộng sự, 2012, trang 379). Để giải quyết vấn đề này, Fui
và cộng sự (2012) đề nghị các vùng đất thiêng của người bản địa phải được công
nhận để giúp tăng cường bảo vệ rừng và đời sống tinh thần phong phú của người
dân (trang 383). Đưa các chuyên gia là nông dân vào giảng dạy tri thức địa
phương là việc làm bổ ích bởi vì hoạt động thực tiễn của họ có lợi và thân thiện
với môi trường (tài liệu đã dẫn, trang 385). Taylor & Lennon (2011) đề xuất một
cách quản lý với việc tổ chức Di sản thế giới xác nhận các giá trị cảnh quan truyền
thống (trang 550). Trên thực tế, cơ chế quản lý và đồng quản lý cần được xây
dựng trên cơ sở tri thức thực nghiệm địa phương kết hợp với các đầu vào khoa
học (Kalland, 2000, trang 329-30).
Các quan điểm và chương trình phát triển là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng
đến quyền bản địa. Gardner and Lewis (1996) thách thức quan điểm ‘phát triển’
và đề xuất những hướng tiếp cận mới thực tế, thí dụ như Tạo quyền, Nghiên cứu
Hệ thống Canh tác, Nông dân là trên hết, và Giới trong Phát triển. Các tác giả này

đề xuất các giải pháp và tiếp cận nhân học hậu phát triển để cải thiện tình hình của
các nhóm người chịu thiệt thòi. Họ đề nghị nghiên cứu kĩ lưỡng, tôn trọng văn hóa
sắc tộc cùng các thể chế và tri thức địa phương, tạo quyền và khuyến khích sức
mạnh nội tại, tính độc lập, tự chủ địa phương để thay thế cho bảo trợ từ bên ngoài.
Khuyến khích tri thức địa phương, thể chế và luật tục truyền thống chính là đóng
góp quan trọng vào việc quản lý và bảo vệ tài nguyên. Đối với mỗi nỗ lực hỗ trợ,
việc khích lệ lãnh đạo cộng đồng và tôn trọng tiếng nói và sáng kiến của người
dân địa phương là giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề do cách tiếp cận từ
trên xuống gây ra (Tyler and Mallee, 2006, trang 368). Larson và cộng sự (2010)
cho rằng cần phải công nhận thực thể (de facto) và phong tục (trang 14) cũng như
tính đa dạng và cùng tồn tại của các quyền hợp pháp khác nhau. Các tác giả cảnh
báo những hậu quả và mâu thuẫn bùng phát nếu người ta không quan tâm đúng
mức đến tính phức hợp đó (trang 15). Họ đề xuất chuyển hóa từ đa nguyên luật
pháp sang hội nhập về luật pháp và văn bản hóa sự tồn tại song hành hệ thống luật
tục với luật pháp nhằm tăng cường sức mạnh của cả hai hệ thống này (Larson và
cộng sự, 2010, trang 15).
11


2.3. Tranh luận về đất rừng cộng đồng và sinh kế
Đất rừng đã và đang có vai trò thiết yếu đối với sinh kế của nhiều cộng đồng bản
địa và dân tộc ít người. Đa số các cư dân gắn với rừng theo truyền thống đều chủ
yếu dựa vào rừng để kiếm đồ ăn và tài nguyên khác để đáp ứng nhu cầu của mình
(Posey, 2000, trang 37). Trong xã hội hiện đại có luật pháp thì quyền đất đai của
tập thể là điều quan trọng đối với việc giữ gìn bản sắc dân tộc và tái tạo văn hóa
cộng đồng (Barry và cộng sự, 2010, trang 26, trích dẫn từ Bae, 2005). Tuy nhiên,
các quyền đất đai và sinh kế cộng đồng đã bị người ngoài phớt lờ và xâm hại, đặc
biệt là dưới thời cai trị của thực dân và luật pháp hiện đại. Tsing và cộng sự (2005)
cho rằng việc ấn định bản đồ và luật pháp là những sức ép và thách thức trầm
trọng đối với việc quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng. Các nhà nước thực dân

và quốc gia hiện đại phủ nhận sự tồn tại và coi sinh kế của người dân bản địa là
bất hợp pháp trong khi người dân đã từng sinh sống trên đất của mình hàng thế kỉ
(trang 18-23). Các tác giả này xem xét và cho rằng xu hướng bảo tồn là dựa vào
các nguồn tài trợ và đầu tư ngắn hạn cùng với trách nhiệm giải trình trước nhà tài
trợ (trang 30).) Bên cạnh đó, mô hình chính phủ kiểm soát đã bỏ qua các tác nhân
có tiềm năng tham gia và làm cho các cộng đồng phụ thuộc vào bao cấp từ bên
ngoài (Cronkleton và cộng sự, 2010, trang 44). Các cộng đồng bản địa không
được tham gia vào tiến trình quyết định và bị ngăn cản khi sử dụng tài nguyên
thiên nhiên của mình (Ross và cộng sự, 2011, trang 9). Các tổ chức bảo tồn thiên
nhiên “ngày càng lộ rõ chân tướng là những kẻ thực dân kiểu mới” bởi người dân
địa phương bị cưỡng bức di dời ra khỏi đất tổ tiên của mình (Barry và cộng sự,
2010, trang 31; Ross và cộng sự, 2011, trang 22). Bởi các tác nhân bên ngoài,
nhiều cộng đồng bản địa đang phải gánh chịu các vấn đề nóng bỏng khi phải thay
đổi từ cuộc sống tự cung tự cấp trên đất cha ông sang mất đất và phụ thuộc vào
người ngoài.
Trong việc bảo vệ quyền đất đai và sinh kế cho các cộng đồng thua thiệt, thì
chứng nhận quyền đất đai là một chủ đề đáng bàn. Tsing và cộng sự (2005) một
mặt nghi ngờ hiệu quả của việc chứng nhận đất cộng đồng nhưng lại không thấy
rõ sức mạnh nội tại của cộng đồng khi họ cho rằng “quá nhiều trường hợp việc
chứng nhận [quyền về đất] chỉ thúc đẩy hợp đồng với các công ty để phá hủy tài
12

nguyên” (trang 26). Nhưng mặt khác các tác giả trên cũng thấy các rủi ro mà các
cộng đồng yếu thế gánh chịu do các dữ liệu ‘đánh giá nhanh’ quan liêu và mưu đồ
sáp nhập người dân địa phương vào những kế hoạch sinh thái vùng (tài liệu đã dẫn,
trang 30). Vì thế cần đặt ra câu hỏi: làm thế nào cộng đồng có thể tự quyết trên đất
rừng của mình và tránh được rủi ro do người ngoài gây ra nếu họ không có được
chứng nhận quyền đất đai trong môi trường pháp luật hiện đại? Quyền hưởng
dụng về rừng chưa hề được khẳng định và hoạch định rõ ràng, và cũng không
được bảo đảm an toàn ở những nước đang phát triển (Sunderlin và cộng sự, 2013,

trang 2). Đặc biệt ở Việt Nam, các trở ngại đối với việc chứng nhận quyền đất đai
của cộng đồng vẫn là vấn đề lớn khi địa vị pháp lý của các cộng đồng không được
Luật Dân sự thừa nhận, và quyền hưởng dụng về đất cộng đồng không được luật
pháp khẳng định mạnh mẽ hơn so với quyền cho hộ gia đình và cá nhân (Fui và
cộng sự, 2012, trang 375). Những phê phán đa chiều như trên có vẻ đi đến bế tắc
nếu không có được hướng thay thế khả quan và những giải pháp thực tế trước các
vấn đề tồn tại từ lâu. Cho dù Tsing và cộng sự (2005) có phê phán đối với việc
chứng nhận quyền về đất, nhiều học giả khác vẫn ủng hộ quyền đất đai của cộng
đồng để giữ gìn và tăng cường các giá trị văn hóa bản địa và quản lý rừng (Lynch
and Alcorn, 1994; Colchester, 1994; Vandergeest, 2006). Tuy vậy quyền đất rừng
của cộng đồng hoặc việc cấp giấy chứng nhận đất và rừng cho cộng đồng không
phải là thứ thuốc chữa bách bệnh. Có rất nhiều thách thức và cạm bẫy trước quyền
đất đai của cộng đồng, và cần làm thêm rất nhiều việc nhằm bảo đảm duy trì được
các quyền của cộng đồng.
Khi xem xét đồng thời sinh kế cộng đồng với quản lý tài nguyên thiên nhiên, một
số học giả đã cố gắng chỉ ra các chủ đề bảo tồn và đề xuất các giải pháp thực tiễn.
Alcorn (2005) chia ra hai loại hình bảo tồn là lớn và nhỏ. “Bảo tồn Lớn mang tính
toàn cầu” và là mối quan tâm của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, phi chính phủ
địa phương, các cơ quan lâm nghiệp quốc doanh và vườn quốc gia (trang 39). Bên
cạnh đó, “Bảo tồn Nhỏ xuất hiện khi mỗi cá nhân lựa chọn trong cuộc sống
thường ngày ngay tại nơi họ sinh sống”. Các nghi lễ, luật tục và thực hành sử
dụng đất chính là những biện pháp truyền thống để quản lý diễn tiến sinh thái.
Mặc dù Bảo tồn Nhỏ có tính tổng thể, nhưng người ta lại ít biết đến nó và ảnh
hưởng của nó đối với người dân (trang 39-41). Bảo tồn Nhỏ bị Bảo tồn Lớn đe
dọa bởi vì các quyền truyền thống bị phớt lờ và xâm hại khi “Bảo tồn Lớn cấu kết
13

với giới thượng lưu cấp quốc gia chia chác lợi ích với những người đốn gỗ và khai
thác mỏ khác” (trang 41). Alcorn tin tưởng vào việc cộng tác trên thực tế và quá
trình học tập để bảo đảm thành công của bảo tồn dựa vào cộng đồng (trang 65).

Để tìm giải pháp cho các vấn đề kiểm soát áp đặt, nhiều học giả đã tranh luận về
các hướng tiếp cận quản lý tài nguyên có phương pháp và theo thể chế. Một trong
những hướng đó là quản lý tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia do Borrini-
Feyerabend & Tarnowski (2005) đề xuất. Theo các tác giả này, quản lý có sự
tham gia bao hàm quản lý dựa vào cộng đồng, cộng tác và hợp tác. Nhiều tác nhân
xã hội có thể tổ chức thảo luận với nhau để đi đến thống nhất và hành động chung
khi họ được tham gia thực chất vào việc quản lý (trang 72). Tuy nhiên có nhiều
trở ngại đối với quản lý có sự tham gia, như việc ‘phân tích chi phí-lợi ích của
những người vị lợi’ hoặc lí lẽ cho rằng quản lý có sự tham gia gây ra phí tổn giao
dịch lớn (trang 77). Bên cạnh đó những người ủng hộ quyền cộng đồng không
bằng lòng với việc nhân nhượng và việc công nhận quyền của cộng đồng đối với
di sản của tổ tiên (trang 77). Trong mối quan hệ quyền lực không cân xứng, các
nhóm ngoài lề đã sử dụng nhiều hình thức ‘vũ khí của người yếu’ một cách nhẹ
nhàng và kín đáo chứ không thể hiện nhu cầu và đàm phán rõ ràng với các tác
nhân có quyền lực (trang 79). Ở Việt Nam lại có hiện tượng ‘chính sự thường
ngày’ trong quan hệ về quyền đất đai, trong đó “có cách thể hiện mềm mại và
không ồn ào và các hành động gián tiếp và mang tính cá nhân, chuyển hóa hoặc
kháng cự những thủ tục, luật lệ hoặc mệnh lệnh ngự trị” (Kerkvliet, 2006, trang
291). Để tìm cách tránh những cách biệt và xung đột và tăng cường cộng tác,
Borrini-Feyerabend & Tarnowski (2005) ủng hộ những nỗ lực kiên trì nhằm cải
thiện quản lý có sự tham gia mặc cho thực tế hệ thống này còn rất lâu hoặc không
thể hoàn thiện (trang 83). Các tác giả đề nghị tăng cường các thể chế quản lý tài
nguyên đa dạng và thúc đẩy giao tiếp và đối thoại tích cực nhằm tăng cường quản
lý tài nguyên có sự tham gia (trang 84). Tương tự như vậy, Cronkleton và cộng sự
(2010) ủng hộ vai trò của cộng đồng trong đồng quản lý để giảm bớt căng thẳng
do việc kiểm soát áp đặt và thực thi pháp luật gây ra (trang 44). Tuy nhiên theo
Ross và cộng sự (2011), đa phần việc vận dụng đồng quản lý “vẫn bị nhận thức
luận và thể chế phương Tây thống trị” (trang 232), và nếu không hiểu và tôn trọng
thỏa đáng các giá trị bản địa, thì “cung cách đồng quản lý có thể gây rạn nứt, thậm
chí dẫn đến tội lỗi” (tài liệu đã dẫn, trang 231). Các tác giả này đề xuất ‘Mô hình

14

Quản lý Bản địa’ tạo điều kiện cho sự tôn trọng quan điểm bản địa (tài liệu đã dẫn,
trang 238) và “phát triển các chính sách ủng hộ những quốc gia Bản địa” và chủ
quyền của họ (trang 241).
Có thể thấy nhiều kiến nghị lý thuyết nhằm tăng cường quản lý tài nguyên, đồng
thời cải thiện phúc lợi của các cộng đồng địa phương, nhưng vẫn chưa có các xuất
bản về các cách tiếp cận có chiến lược cụ thể để giao đất và cách thức duy trì
quyền đất đai cộng đồng. Các phần tiếp sau (Những Phát hiện và Thảo luận) sẽ
xem xét những đề xuất như đồng quản lý hay Mô hình Quản lý Bản địa nêu trên
có phù hợp và vận dụng được đến mức nào ở địa phương được nghiên cứu.
15

CHƯƠNG 3. THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
3.1. Lựa chọn tài liệu
Nghiên cứu này đề cập tương tác giữa cộng đồng địa phương với các chủ thể bên
ngoài, đặc biệt là cách hiểu và thực hành quản lý đất rừng. Vì vậy sẽ là hợp lý khi
tập trung vào các nghiên cứu quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng và lâm nghiệp
cộng đồng để thấy rõ tranh luận giữa dòng chính thống áp đặt (các dự án phát
triển, hiện đại hóa, công nghệ thịnh hành, và toàn cầu hóa) với cách tiếp cận thay
thế từ dưới lên (có sự tham gia, chủ quyền sinh kế, bảo tồn thiên nhiên và văn hóa,
và sáng kiến địa phương). Tác giả đã ghi lại những tranh luận quan trọng từ những
cuốn sách và chương sách có liên quan để sử dụng.
Để hiểu rõ thêm về quản lý đất rừng cộng đồng giúp cho phân tích và tranh luận
về vai trò của cộng đồng, tác giả sử dụng các khái niệm và từ khóa nêu trên để tìm
những cuốn sách, bài viết trên tạp chí và tài liệu thích hợp nhất trên cơ sở dữ liệu
của trường Đại học Waikato. Để tìm các xuất bản thích hợp bằng tiếng Việt, tác
giả đã sử dụng công cụ tìm kiếm của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong quá trình
tiến hành nghiên cứu thực địa tại Việt Nam.


3.2. Sử dụng các dữ liệu phù hợp của SPERI
Trang tin điện tử của SPERI ( là một trong những nguồn tài
liệu xuất bản được trích dẫn trong nghiên cứu này. Bên cạnh đó, người viết Luận
văn có lợi thế là một cán bộ SPERI nên có thể tiếp cận và sử dụng kho dữ liệu của
SPERI, bao gồm nhiều bài viết, ghi chép, báo cáo nghiên cứu, tài liệu dự án, báo
cáo tiến độ, báo cáo đánh giá dự án, v.v Tài liệu phù hợp nhất là những nghiên
cứu điểm về sử dụng và quản lý đất cộng đồng của người Thái, đặc biệt là ở xã
Hạnh Dịch. Các nghiên cứu đó đề cập phương pháp luận và chiến lược tiếp cận
các cộng đồng ít người của SPERI và các tổ chức liên minh. Tầm nhìn và phương
pháp luận tiếp cận là nền tảng thực tiễn để SPERI xây dựng các khái niệm của
mình, như Sinh thái Nhân văn Sinh học, Chủ quyền Sinh kế và Bản sắc Sinh kế.
Các khái niệm trên của SPERI giúp tạo hướng tiếp cận để tác giả tự tin kết nối dữ
liệu từ thực tiễn vào việc phân tích các tác nhân tham gia vào quản lý đất rừng của
cộng đồng người Thái. Thêm thuận lợi nữa là tác giả Luận văn này đã có nhiều
16

dịp thảo luận với bà Trần Thị Lành, người sáng lập TEW và SPERI, đồng thời là
người tích cực xây dựng các khái niệm nêu trên song song với việc tư vấn tiến
trình vận động hành lang và nghiên cứu ở xã Hạnh Dịch và các vùng dự án khác.
Tác giả đã tiếp nhận được khá nhiều cách tiếp cận có phương pháp và tầm nhìn
của bà Trần Thị Lành và các tổ chức của bà khi làm việc với các nhóm dân tộc ít
người. Tác giả Luận văn này cũng được nghe các câu chuyện và dẫn chứng minh
họa cách thức các tổ chức làm việc với cộng đồng được nghiên cứu để khẳng định
và giữ gìn quyền về đất rừng của họ. Từ đó tác giả có thể hiểu sâu sắc hơn các
khái niệm vừa nêu cũng như các tiếp cận cộng đồng cụ thể.
Một nguồn thông tin bổ ích nữa chính là kinh nghiệm làm việc tại SPERI của tác
giả Luận văn này. Mảng công việc được SPERI phân công và cũng là chủ đề được
tác giả quan tâm là luật tục và quản lý tài nguyên thiên nhiên tại cộng đồng các
dân tộc ít người. Tác giả không chỉ làm việc với cộng đồng người Thái ở xã Hạnh
Dịch, mà còn với nhiều nhóm dân tộc khác như Mông, Xinh Mun, Khơ Mú, Lào

Lùm, Dao, Sán Chí, Mã Liềng, Mày, Rục, Sách, Khùa, Ma Coong, Vân Kiều, Pa
Cô, Ê-đê, Ka-ren, v.v ở Việt Nam, Lào và Thái Lan. Điều này giúp tác giả có
được cách nhìn và cách hiểu rộng hơn, và nếu cần thì có thể phân tích so sánh.
Chiến lược của SPERI kết hợp giữa các hoạt động hỗ trợ với nghiên cứu tại cộng
đồng cho phép các cán bộ xây dựng được lòng tin và tiếp cận một cách dễ dàng
hơn đến cộng đồng, đặc biệt là những người cung cấp tin. Cách làm việc gần gũi
với người dân địa phương đã tạo cơ hội tốt để cán bộ nghiên cứu học hỏi các giá
trị văn hóa và sự thông thái của các già làng cùng với những người giàu tri thức
trong cộng đồng. Công việc tại thực địa đã dạy cho tác giả cách học hỏi từ cộng
đồng hiệu quả nhất, hoặc cách thức kết hợp giữa hỗ trợ cộng đồng với nghiên cứu,
cũng như cách liên kết các hoạt động trên với phân tích chính sách và quá trình
vận động hành lang để cải thiện quyền đất đai và an toàn sinh kế của cộng đồng.
Cụ thể đối với cộng đồng người Thái ở xã Hạnh Dịch, tác giả Luận văn này đã có
11 năm kinh nghiệm làm việc với cộng đồng này. Quá trình học hỏi cộng đồng
được kết hợp với các hoạt động của dự án, như các tọa đàm đầu bờ, các cuộc tham
quan chia sẻ về quy hoạch sử dụng đất, nông - lâm kết hợp, chăn nuôi và thú y,
giới và quản lý kinh tế hộ, v.v , hoặc phát triển các tổ chức cộng đồng như Thuốc
nam, Quản lý rừng cộng đồng, Làm vườn, Tiết kiệm - tín dụng. Các cán bộ SPERI
đã tổ chức nhiều đợt nghiên cứu với các chủ đề như: bản sắc văn hóa của người
17

Thái ở địa phương, luật tục và quản trị truyền thống, các tổ chức cộng đồng truyền
thống, canh tác truyền thống, quản lý và sử dụng đất rừng và nước. Tác giả Luận
văn cũng có may mắn được trực tiếp tham gia một số đợt nghiên cứu và đã có
được các dữ liệu, các báo cáo và tài liệu phù hợp. Chuyến nghiên cứu điền dã gần
đây nhất (được đề cập cụ thể ở phần sau) rõ ràng là một cơ hội rất tốt để tác giả
cập nhật và củng cố các thông tin sẵn có trong kho dữ liệu của SPERI.

3.3. Phương pháp nghiên cứu tại thực địa
Trước khi viết Luận văn này, tác giả đã có ba tháng để tiến hành nghiên cứu thực

địa tại Việt Nam (từ giữa tháng Tư đến giữa tháng Bảy năm 2014), cụ thể là tại xã
Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đợt nghiên cứu này tập trung nhiều
nhất vào việc lấy thêm thông tin và phân tích các cách nhìn và cách tiếp cận khác
nhau đối với cộng đồng người Thái ở xã Hạnh Dịch và phản hồi của cộng đồng
trước những can thiệp đó. Nghiên cứu này đồng thời cập nhật và củng cố thông tin
từ các nghiên cứu trước đây của SPERI về thế giới quan, tín ngưỡng truyền thống,
thể chế, luật tục, sự thông thái và thực hành quản lý và sử dụng đất rừng cộng
đồng. Từ đó các bằng chứng thực tiễn có thể được liên kết với các ấn phẩm hàn
lâm cùng với các dữ liệu (xuất bản và chưa xuất bản) của SPERI. Trên cơ sở sự
liên kết đó, tác giả có thể đưa ra giả thuyết và trả lời câu hỏi: liệu các ấn phẩm
xuất bản có tương thích với trường hợp này, và bài học rút ra từ nghiên cứu
trường hợp này có thể được vận dụng như thế nào và đến mức nào ở các cộng
đồng có điều kiện tương tự.
Một cuộc thảo luận với các cán bộ SPERI đã được tổ chức trước chuyến đi điền
dã để tác giả Luận văn trình bày dự định nghiên cứu và cùng xây dựng kế hoạch
nghiên cứu cụ thể lồng ghép vào chương trình tổng thể của SPERI. Những người
tham gia đã đóng góp ý kiến cho việc điều chỉnh phạm vi và mức độ nghiên cứu
và đặt các câu hỏi, như: loại hình rừng cộng đồng nào đáng được quan tâm nghiên
cứu và xác định rõ tại cộng đồng. Một số người đề nghị mở rộng phạm vi người
cấp tin ra các tác nhân khác nhau, nhất là những người ngoài cộng đồng nghiên
cứu. Cuộc thảo luận đã đi đến thống nhất rằng tác giả sẽ phối hợp với một cán bộ
khác của SPERI để tiến hành chuyến nghiên cứu thực địa. Nhóm nghiên cứu
SPERI đã tư vấn cố gắng tìm một số thanh niên ở địa phương tham gia để giúp

×