Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

SỰ RA ĐỜI CỦA CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG Ở XÃ MÔN SƠN, HUYỆN CON CUÔNG, TỈNH NGHỆ AN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (347.52 KB, 13 trang )

SỰ RA ĐỜI CỦA CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
Ở XÃ MÔN SƠN, HUYỆN CON CUÔNG, TỈNH NGHỆ AN.
VÌ VĂN KIM
Trưởng Ban Tuyên giáo
Huyện uỷ Con Cuông, Nghệ An.
Con Cuông là huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An,
phía Nam giáp huyện Anh Sơn, Đông giáp huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Tây Bắc giáp huyện
Tương Dương, Tây Nam giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, có đường biên giới
quốc gia chung là 55,5 km.
Dân số toàn huyện hiện nay có 66 700 người, bao gồm 6 dân tộc anh em cùng
chung sống, trong đó dân tộc Thái đông nhất chiếm 63%, còn lại của huyện là dân tộc
Kinh, Thổ, Tày, Nùng và Hoa.
Huyện có 13 xã và 1 thị trấn, chia thành 2 vùng: Vùng hữu ngạn gồm các xã: Môn
Sơn, Lục Dạ, Yên Khê, Bồng Khê, Thị trấn, Chi Khê, Châu Khê và một phần lớn xã
Lạng Khê; vùng tả ngạn gồm các xã: Mậu Đức, Cam Lâm, Thạch Ngàn, Đôn Phục và xã
Bình Chuẩn.
Kinh tế Con Cuông phát triển theo cơ cấu: Nông-lâm-TTCN-DVTM và du lịch,
trong đó nông lâm nghiệp chiếm 65%. Diện đói nghèo (theo tiêu chí hiện nay) còn
17,3%.
Có 42 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với trên 3000 Đảng viên (có 202 chi bộ trực
thuộc cơ sở).
Thời kỳ Pháp thuộc, cũng như các xã miền núi khác của Tây Nghệ An, Con Cuông
là huyện nằm trong chế độ bảo hộ của Trung Kỳ, chịu hình thức cai trị của thực dân,
phong kiến thông qua chính sách “bảo hộ”. Ở miền núi, thực dân Pháp dùng chế độ cai trị
bằng “Thổ quan” thay cho “Lưu quan”, duy trì, nuôi dưỡng bộ máy quan lại, chức dịch
người dân tộc thiểu số để cai trị dân tộc mình. Đứng đầu Phủ, Huyện là các Tri Phủ, Tri
huyện (thời Pháp thuộc, Con Cuông nằm trong phủ Tương Dương) và các chức dịch như:
đề lại, thừa thái, lính khố xanh, lính lệ…, dưới huyện là các tổng, đứng đầu các tổng có
Chánh tổng, Phó tổng; cấp xã có Lý trưởng, phó lý, giúp việc có ngũ hương (hương kiểm,
hương bản, hương mục, hương hộ, hương lâm).
Về kinh tế: Cùng với việc thiết lập bộ máy thống trị thực dân, giai cấp phong kiến


cũng thực hiện nhiều thủ đoạn bóc lột nhân dân vừa tinh vi vừa trắng trợn. Bà con các
dân tộc cũng phải chịu các thứ thuế hà khắc của chế độ phong kiến, ngoài ra ruộng vườn,
nương rẫy cũng bị tước đoạt để lập đồn điền, phát canh thu tô; bắt nhân dân phục dịch,
cống nạp, chèn ép nhân dân bằng cách cho vay nặng lãi…
Về văn hoá-xã hội: Thực hiện chính sách ngu dân, cả phủ Tương Dương lúc bấy
giờ thực dân Pháp chỉ mở một trường Sơ học yếu lược, một trạm xá nhỏ ở Cửa Rào
(Tương Dương) dành cho con em quan lại, hào lý và các gia đình giàu có. Các thủ tục lạc
hậu như cúng bái, cờ bạc, rượu chè, nghiện hút… được dung dưỡng tự do phát triển.
Về chính trị: Thực dân Pháp thực hiện chính sách kỳ thị, chia rẽ khối đoàn kết
trong các dân tộc, trong cộng đồng của một dân tộc với nhau, làm lu mờ ý chí đấu tranh,
nhằm xóa bỏ truyền thống đấu tranh quật cường chống giặc ngoại xâm và truyền thống
đoàn kết keo sơn của các dân tộc.
Đời sống chính trị ngột ngạt, kinh tế văn hoá nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân lao
động sống cuộc đời nô lệ lầm than, khổ cực, nhục nhã ê chề. Mâu thuẫn giữa giai cấp
nông dân với giai cấp phong kiến, quan lại ngày càng gay gắt (nhất là với bọn cường hào,
chức dịch ở các địa phương).
Lòng khát khao cuộc sống tự do, ấm no hạnh phúc đã hình thành nên ý chí đấu
tranh và ước ao có cuộc cách mạng xã hội lật đổ chế độ cũ để đổi đời.Đó chính là nguyên
nhân sâu xa của phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào
Thái ở Môn Sơn.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Cũng trong tháng 3/1930,
dưới sự chỉ đạo của Phân cục Trung ương, Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh bộ Nghệ An và tổ chức
Đảng ở nhiều Phủ, Huyện trong tỉnh lần lượt hình thành. Từ đây, phong trào đấu tranh
cách mạng ở Nghệ An dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp bộ Đảng, được tiếp thêm
sức mạnh mới, bùng lên mạnh mẽ và trở thành đỉnh điểm của cao trào cách mạng 1930-
1931.
Trước cao trào cách mạng với các cuộc đấu tranh, biểu tình của nhân dân Vinh-
Bến Thuỷ, các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn , noi gương
những đàn anh cùng quê hương như: Lang Văn Út, Quản Thế và nhiều trai bản đã tự

nguyện rời quê hương lên đường ra nhập đội quân hưởng ứng chiếu Cần Vương chống
Pháp. Được sự giác ngộ của một số chiến sỹ cách mạng, trên đường sang nước Lào, Thái
Lan đã dừng chân lại đất Môn Sơn. Tư tưởng của các đồng chí đã ảnh hưởng đến nhân
dân các dân tộc, làm cho họ giác ngộ. Một số thanh niên có học vấn, có tinh thần yêu
nước như: Vi Văn Khang, Vi Văn Hạnh, Ngân Văn Quý đã cùng nhau bàn bạc có ý
định thành lập chính quyền cách mạng Môn Sơn ngay từ những năm 1930-1931. Nhưng
do nhiếu yếu tố khách và chủ quan nên chưa có điều kiện để thực hiện.
Đầu năm 1931, đồng chí Lê Xuân Đào, cán bộ Xứ uỷ Trung Kỳ, và
đồng chí Lê Mạnh Duyệt được cử đến Môn Sơn xây dựng cơ sở Đảng.
Thời cơ đến, được sự chỉ đạo của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ, Phủ uỷ Anh Sơn, tháng 4/1931,
chi bộ Đảng Môn Sơn được thành lập, gồm có 5 đồng chí:
Vi Văn Khang
Vi Văn Hanh
Lê Mạnh Duyệt
Ngân Văn Quý
Trần Ngân
Đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư chi bộ, đồng chí Lê Mạnh Duyệt làm chỉ huy
đội tự vệ đỏ.
Để đảm bảo an toàn chi bộ thường họp vào ban đêm (nhà đồng chí Vi Văn Khang
là nơi hội họp, trao đổi của chi bộ), ban ngày vào tận rừng sâu, nơi kín đáo để làm việc,
thường xuyên thay đổi địa điểm nhưng chủ yêu là cánh rừng bản Mon (nay là bản Thái
Hoà- Môn Sơn). Vợ của đồng chí Vi Văn Hanh, Vi Văn Khang được giao nhiệm vụ bảo
vệ, liên lạc; bí mật đưa cơm nước phục vụ cho các đồng chí làm việc ở trong rừng.
Sự ra đời của chi bộ Đảng ở Môn Sơn, huyện Con Cuông là do có sự chỉ đạo của
Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh Uỷ Nghệ An, Phủ uỷ Anh Sơn và các chiến sỹ cách mạng đã từng
sang Lào, Thái Lan trở về nước xây dựng cơ sở.
Sau khi thành lập, chi bộ xúc tiến các hoạt động tuyên truyền, tổ chức quần chúng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, các tổ Nông hội đỏ đã hình thành ở các làng trong xã như:
Làng Mon, làng Bầu, làng Đồng Khùa, Cửa Rào, Kẻ Tại, làng Yên, Cồn Chùa. Tổ chức
phụ nữ cũng đã được gây dựng để vận động chị em tham gia cách mạng. Chi bộ trực tiếp

chỉ đạo xây dựng 3 tổ “tự vệ đỏ” gồm 20 hội viên để bảo vẹ cách mạng và các cuộc đấu
tranh của quần chúng.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đến giữa năm 1931, phong trào bắt đầu lan toả
rộng rãi trong quần chúng nhân dân trong xã. Các Đảng viên và quần chúng cốt cán đã
vận động một số con em hào lý gia nhập Nông hội. Nhiều cuộc sinh hoạt có đông đảo
quần chúng tham dự, bộ máy chức dịch ở Môn Sơn biết nhưng buộc phải làm ngơ không
dám đàn áp. Các tổ chức Nông hội đã tiến hành các hoạt động thiết thực, như vận động
nhân dân quyên góp lương thực, quần áo ủng hộ, giúp đỡ đồng bào Yên Phúc (Anh Sơn)-
đang tạm thời lánh nạn trong rừng, tránh sự tàn sát của thực dân Pháp.
Để đẩy mạnh phong trào lên một bước mới, đầu tháng 9/1931, chi bộ Đảng triệu
tập các tổ trưởng Nông hội, tổ trưởng Tự vệ đỏ cùng một số cán bộ cốt cán để bàn việc tổ
chức quần chúng biểu tình chống sưu thuế, biểu dương tinh thần cách mạng. Theo kế
hoạch đã định, đêm ngày 14/9/1931, quần chúng đồng loạt nổi trống, mõ, mang theo giáo
mác, gậy gộc đến tập trung tại đền Cả (Bản Bắc Sơn hiện nay). Đồng bào ở Gát, Cao Vều
và số nhân dân Yên Phúc đang lánh nạn cũng kéo đến tham gia. Đoàn người biểu tình
hừng hực khí thế, diễu hành cờ Búa liềm, ánh lửa sáng rực trời, vừa đi vừa hô vang khẩu
hiệu chống sưu cao, thuế nặng, chống ức hiếp quần chúng nhân dân. Đoàn biểu tình sang
bao vây, trấn áp nhà Chánh đoàn, Phó tổng. Trước khí thế của quần chúng, người nhà
Chánh đoàn, phó tổng không giám chống lại. Đoàn biểu tình đi đến đâu đều được nhân
dân hưởng ứng và hoà nhập đấu tranh đến đó. Bộ máy chức dịch hào lý đều đầu hàng vô
điều kiện sẵn sàng chấp thuận những yêu cầu cách mạng đề ra.
Lo sợ phong trào lan rộng khắp các xã, huyện lân cận, tri huyện Con Cuông đã
trực tiếp đưa lính vào đàn áp. Hầu hết các đồng chí Đảng viên trong chi bộ, Tổ trưởng tổ
Nông hội, Tự vệ đỏ đều bị bắt. Nhằm khủng bố tinh thần đấu tranh cách mạng của đồng
bào các dân tộc, chính quyền thực dân, phong kiến đã tra tấn dã man các chiến sỹ cách
mạng và đày đi giam cầm ở phủ Tương Dương, một số đồng chí bị bắt đem về giam cầm
ở nhà lao Vinh.
Cuộc đấu tranh cách mạng ở Môn Sơn tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn,
phạm vi không gian không lớn, phong trào bị đàn áp và tạm thời lắng xuống, song nó
đã ghi một dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước, để lại niềm tự

hào cho các dân tộc trong toàn quốc; đồng thời thể hiện bước phát triển quan trọng
của cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh, đó là: dưới sự lãnh đạo của Đảng,
cuộc đấu tranh cách mạng đã lan rộng từ miền xuôi lên miền núi, đồng bào Kinh và
đồng bào Thượng ngày càng thắt chặt hơn mối đoàn kết trong bước đường đấu tranh
cách mạng chống áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến.

PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở CAO BẰNG TRONG NHỮNG NĂM
1930-1941 LÀ NƠI TỐT NHẤT ĐỂ ĐÓN BÁC HỒ VỀ NƯỚC.
Sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài tìm con đường cứu nước, ngày 28/1/1941 (tức
ngày mồng 2 Tết năm Tân Tị), đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách
mạng Việt Nam. Đồng chí đi qua cột mốc biên giới Việt Trung số 108 cùng với Lê
Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Đặng Văn Cáp, Thế An.
Nơi Bác đặt bước chân đầu tiên khi trở về là Pác Bó (Nghĩa là Đầu nguồn nước);
nơi ấy có một dòng suối lớn, nước trong vắt, thoát từ lòng núi đá, Bác đặt tên là Suối Lê-
nin; hang đá Bác Hồ ở là hang Cốc Bó, ẩn trong một ngọn núi đá cao, Bác đặt tên là núi
Các Mác.
Việc Bác ở Pác Bó nói riêng và ở Cao Bằng nói chung khi ấy là rất thuận lợi, bởi
Cao Bằng là một trong những căn cứ địa vững chắc của cách mạng lúc đó.
Dân số Cao Bằng khi ấy là bao nhiêu, không có số liệu chính xác, chỉ biết hội viên
các Hội cứu quốc của Việt Minh khi ấy vẫn hát “Vỉ noong Cao Bằng hây mi cẩu vạn
đồng bào gần lầu gụng chắc… (Nghĩa là: Anh em Cao Bằng ta có chín vạn đồng bào,
chúng ta ai cũng biết).
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc về Nước theo hướng Cao Bằng bởi thời điểm ấy, Cao
Bằng có phong trào sâu rộng, vững chắc.
Nhìn lại trong thời kỳ cách mạng 1930-1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh dâng
cao, rạng rỡ chói lọi, một cao trào yêu nước theo tư tưởng giai cấp vô sản làm nức lòng
người.
Nhưng sau đó, thực dân Pháp áp dụng chính sách khủng bố tàn bạo, bên cạnh đó
còn dùng thủ đoạn phỉnh phờ mị dân, sử dụng các tổ chức và tư tưởng văn hoá vào việc
chống lại ảnh hưởng của trào lưu cách mạng vô sản.

Từ sau đó, các cơ sở cách mạng và cơ sở quần chúng hầu như bị tê liệt, cán bộ
lãnh đạo hầu hết bị giặc bắt, cách mạng chung tạm thời thoái trào.
Nhưng với Cao Bằng, phong trào đuợc nhen nhóm và phát triển. Tháng 5/1928,
Hoàng Đình Giong (thanh niên người Tày quê Nà Toàn, Cao Bằng) sang Long Châu
được gặp đồng chí Bùi Ngọc Thành (nhà cách mạng Việt Nam hoạt động ở Trung Quốc)
giới thiệu Giong đi dự lớp huấn luyện chính trị của tổ chức Việt Nam thanh niên cách
mạng đồng chí hội. Sau đó, Hoàng Đình Giong được kết nạp.
Hoàng Đình Giong về nước phát triển Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí
hội. Phong trào cách mạng ở Cao Bằng, nhất là Hoà An, lên như diều gặp gió. Tháng
12/1929, Hoàng Đình Giong được đồng chí Lê Hồng Sơn (là một trong năm đảng viên
được đồng chí Nguyễn Ái Quốc kết nạp năm 1925) kết nạp vào Đảng Cộng sản, được bầu
làm Bí thư chi bộ Long Châu, gồm ba đồng chí đều là người Tày: Hoàng Đình Giong (bí
thư), Hoàng Văn Thụ (quê Lạng Sơn), Hoàng Văn Nọn (quê Cao Bằng).
Từ đó ở Cao Bằng tổ chức Đảng được phát triển: Chi bộ Đảng ở Nặm Lìn thành
lập ngày 01/1/1930 gồm Tú Hưu (Hoàng Văn Nọn), Nam Cao (Lê Mới), Bích Giang
(Nông Văn Đô); Chi bộ Phúc Tăng thành lập 6/6/1930 gồm Bác Vọng (Hoàng Đức Thạc
– bí thư), Cao Chấn (Hoàng Đức Nghị), Cao Hưng (Hoàng Đức Ba); Các chi bộ nơi khác
cũng lần lượt được thành lập.
Hoàng Đình Giong ở Long Châu vẫn tiếp tục tổ chức huấn luyện thanh niên cách
mạng từ trong nước đưa ra, chọn cử năm cán bộ (một đồng chí ở Lạng Sơn, bốn đồng chí
ở Cao Bằng) vào học trường quân sự chính quy ở Quảng Tây, Trung Quốc; chọn hai cán
bộ quê Cao Bằng đi Nam Ninh học sửa chữa vũ khí và chế tạo lựu đạn.
Hoàng Đình Giong về Cao Bằng, họp tại hang Kéo Lứng (1932) bàn bạc cùng chi
bộ Phúc Tăng tổ chức xuất bản tờ báo Cờ đỏ và mở lò đúc lựu đạn.
Chỉ nói riêng Cao Bằng, phong trào trong quần chúng có nhiều thay đổi bằng
nhiều hình thức tổ chức: có tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội; có tổ
chức Hội họ bạn, Hội phường làng; có tổ chức hội trong nông dân, thanh niên, phụ nữ
giải phóng Hội.
Tháng 7/1933, đồng chí Lê Hồng Phong cùng Hoàng Đình Giong về Cao Bằng
kiểm tra phong trào và công tác Đảng, Đảng bộ Cao Bằng được Ban lãnh đạo hải ngoại

của Đảng (đóng tại Thượng Hải) – tức là Ban chấp hành trung ương lâm thời của Đảng –
công nhận. Ban Tỉnh uỷ chính thức được thành lập, bao gồm: đồng chí Tú Hưu (làm bí
thư), Bác Vọng, Nam Cao.
Sau đó, các Ban châu uỷ, Tổng uỷ lần lượt thành lập.
Từ năm 1940 trở về trước, có thể kể một số hoạt động của phong trào cách mạng
sau đây:
-Năm 1932, tích cực xây dựng tờ báo Cờ đỏ, là công cụ tuyên truyền, tổ chức của
Đảng bộ Cao Bằng.
-Tổ chức cuộc biểu tình chống thuế trước Tri châu và Tuần phủ (5/1932) thắng lợi.
-Xây dựng tổ đúc tạc đạn, mìn (1932).
-Rải truyền đơn ở Nước Hai và nhiều nơi, kỷ niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh (5/1934).
-Bảo vệ nuôi giấu cán bộ hoạt động bị lộ, bị truy nã (6/1932)
-Bố trí đảng viên bảo vệ đồng chí Hoàng Đình Giong đi dự Đại hội lần thứ nhất
của Đảng tháng 3/1935 tại Macao (Trung Quốc).
-Bảo vệ, nuôi giấu cán bộ (trung ương và địa phương) trong vụ đế quốc khủng bố
tháng 8/1935.
-Tổ chức bảo vệ đồng chí Hoàng Đình Giong, uỷ viên Trung ương Đảng về Hải
Phòng tiếp tục công tác (31/1/1936); sau đó đồng chí bị bắt và bị tù đày.
-Củng cố tổ chức các đoàn thể các giới trong Mặt trận thống nhất dân chủ Đông
Dương (theo tinh thần hội nghị tháng 7/1936 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng
sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì).
-Biểu tình đòi cử đại biểu tham gia Đông Dương đại hội (8/19360).
-Cuộc biểu tình biểu dương lực lượng đón Gô-da (đặc phái viên của chính phủ mặt
trận bình dân Pháp) (2/1937).
-Biểu tình chống bắt phu vào ngày mùa và đòi trả tiền trước khi đi phu (4/1937).
-Hưởng ứng truyền bá quốc ngữ và đọc sách báo tiến bộ (1938).
-Đồng bào Mông đấu tranh và biểu tình chống thuế (5/1938).
-Vận động ủng hộ người Hoa tị nạn (7/1938).
-Biểu tình của dân phu Nặm Vang đòi quyền lợi (1938).
-Biểu tình đấu tranh đòi giảm thuế, chống phụ thu lạm bổ (6/1939).

Những hoạt động ấy của cách mạng đã khiến thực dân Pháp tức giận điên cuồng,
ra sức khủng bố trắng, bắt bớ tù đày hàng loạt, bắn giết các chiến sỹ cộng sản. Trước tình
hình ấy, có 43 thanh niên Cao Bằng, hầu hết là cán bộ cốt cán của phong trào, thực hiện
chỉ thị của Tỉnh uỷ, tạm thời lánh sang Trung Quốc.
Điểm qua tình hình trên đây (1930-1940) để thấy phong trào Cao Bằng phát triển
ngày càng sâu rộng, và cũng vì vậy mà ta hiểu rõ hơn lời đồng chí Vũ Anh kể trong bài
hồi ký “Những ngày gần Bác”. Đồng chí kể:
“Lúc tôi sắp lên đường thì có đoàn của anh Hoàng Văn Thụ, do anh Minh đưa
sang gặp Bác.
Anh Thụ hoạt động nhiều ở vùng Cao Bằng, anh đề nghị với Bác nên về hướng
Cao Bằng. Trình độ giác ngộ của nhân dân dọc biên giới tương đối cao, cán bộ lãnh đạo
ở đấy cứng. Trước có đồng chí Hoàng Đình Rong
1
. Nay có đồng chí Bác Vọng (tức đồng
chí Lã) lãnh đạo. Cao Bằng có khu du kích ở Sóc Giang, ở Lục khi và dọc biên giới Việt
– Trung…”.
Đồng thời ta càng am tường hơn lời đồng chí Hoàng Quốc Việt kể trong hồi ký
“Ánh sáng từ Pác Bó“. Đồng chí kể:
“Đây là Cao Bằng, một tỉnh đường ngược mà tôi nhớ trong hồi Mặt trận dân chủ
có cuộc đón tiếp Gô-da hăng lắm. Đảng bộ ở đây có từ năm 1930, do anh Hoàng Đình
Rong
1
, một công nhân người Tày gây dựng. Hạt giống cách mạng gieo nơi thâm sơn
cùng cốc đã rất tốt mầm và bén rễ. Sau đại khủng bố năm 1930-1931, trong những năm
phong trào lắng xuống, Cao Bằng là một trong những nơi còn giữ được cơ sở mạnh nhất
của cả nước. Giờ đây, cũng thế, sau khi chiến tranh xảy ra, đế quốc tấn công dữ dội vào
phong trào mà cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng ở Cao Bằng vẫn vững vàng và phát
triển”.
Lần lại trang niên biểu trước đó, ta biết, năm 1935, Bác dự Đại hội quốc tế cộng
sản lần thứ 7 tại Matxcơva; tại Đại Hội này Bác Hồ gặp hai đại biểu chính thức của Đảng

ta là đồng chí Lê Hồng Phong và Minh Khai. Thời gian này ở Liên Xô, Bác có vào học
trường Lê-nin một thời gian.
Cuối năm 1938, Bác trở về Trung Quốc, vào Bát lộ quân (Hồng quân Trung
Quốc), Bác theo một đơn vị đẩy một xe bò từ Tây An đi Biên An ròng rã bốn, năm ngày
mới tới. Bác ở Diên An không lâu. Hồi ấy, Quốc dân đảng và Cộng sản đảng hợp tác,
Tưởng Giới Thạch đề nghị Đảng Cộng Sản cử một đoàn cố vấn xuống Hành Dương huấn
luyện cho quân đội Tưởng về chiến tranh du kích. Đồng chí Diệp Kiếm Anh phụ trách
đoàn cố vấn ấy. Bác phụ trách công tác Đảng trong Đoàn. Sau đó Bác xuống Liễu Châu,
Quốc Lâm…
Tháng 2/1940, Bác về Côn Minh (Vân Nam) đóng vai một giáo quan cấp thiếu tá
của quân đội ở cơ quan của Bát lộ quân. Nhưng Bác thường lui tới chỗ đồng chí Phùng
Chí Kiên để chỉ đạo công tác của Ban hải ngoại. Bác gặp các đồng chí Lâm Bá Kiệt
(Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp)…Bác kiểm tra tình hình các tổ
chức cách mạng Việt Nam ở Quảng Tây, Vân Nam, gặp gỡ cán bộ từ trong nước sang, cử

1
Tên đ úng là Hoà ng Đình Giong.

người đi dự các lớp huấn luyện do Đảng Cộng Sản Trung Quốc mở, chuẩn bị điều kiện
để trở về hoạt động nội địa.
Và điều kiện đó đã đến vào giữa năm 1940, ấy là lúc đế quốc Pháp đầu hàng phát
xít Đức. Bác chỉ thị cho các cán bộ Việt Nam đang ở Côn Minh, sau khi đã bắt liên lạc
với Trung ương Đảng ở trong nước, chuẩn bị địa điểm, lương thực…và kế hoạch mọi mặt
để vượt biên giới về nước sau khi Bác đi Trùng Khánh về.
Cuối tháng 9/1940, sau khi đã tập hợp được tin tức thế giới (Qua tài liệu Đảng
Cộng sản Trung Quốc, Quốc dân đảng Trung Quốc), Bác nhận định Đức sẽ tấn công
Liên Xô, Nhật, Pháp ở Đông Dương sớm muộn sẽ bắn nhau và “ Việt Nam sẽ giành được
độc lập”.
Cuối tháng 11/1940, qua báo chí ở Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc), có tin
Nam Kì khởi nghĩa, Bác nhận định: “Tình hình chung thế giới và Đông Dương ngày càng

có lợi cho ta, nhưng thời cơ chưa đến, chưa thể khởi nghĩa được”.
Khi thời cơ có thể về nước, Bác cùng Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng rời Quế
Lâm bằng ô tô qua Liễu Châu về Nam Ninh. Từ Nam Ninh có đường đI Điền Đông, Bách
Sắc, Tĩnh Tây. Đầu tháng 12/1940 Bác về đến Điền Đông, cử Phạm Văn Đồng về Tĩnh
Tây nắm bắt tình hình cùng Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp bàn việc mở lớp huấn
luyện, báo cho Lê Thiết Hùng (lúc đó đang làm sĩ quan trong quân đội Quốc dân đảng)
chuẩn bị về nước.
Ngày 01/01/1941, Bác Hồ về tới làng Tân Khư, cách biên giới Việt Nam chừng
10km. Năm ngày sau Bác đến Nặm Quang. Bác đã mở lớp huấn luyện chính trị đầu tiên
cho hơn 40 cán bộ cách mạng Việt Nam.
Hơn bốn mươi cán bộ cốt cán đó là những thanh niên tuổi mười chín đôi mươI bị
thực dân truy nã, phảI tạm lánh sang Trung Quốc. Họ đều là những người Tày hoặc Nùng
của hai châu (tức huyện sau này) của Cao Bằng, đều có lòng hăng say, nhiệt tình cách
mạng.
Có thể kể:
Người châu Hoà An (28 người): Hồng Hiệu, Đức Long, Đức Xuân, Tiến Quân,
Hồng An, Tùng Hoa, Thanh Châu, Bế Triều, Hồng Chu, Hồng LôI, Vân Trình, Hữu Tiến,
Cường Sơn, Minh Đồng, Hồng Cương, Anh Sơn, HảI Tâm, Tân Tiến, Lê Khương, Lê
Từ, Lê Tòng, Lê Quỳnh, Lê Khánh, Lê Nam, Đức Phương, Trung Bảo, Bắc HảI, Bình
Dương.
Người châu Hà Quảng (12 người): Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Thuỵ Hùng, Minh
Viễn, Thế An, Hồng Minh, Nam Quang, Thế Bình, Tư Bào, Tiểu Bình, Bảo An, Phùng.
Khi anh em đến Trung Quốc (Bình Mảng), đã được 3 anh Lê Quảng Ba, Thuỵ
Hùng, Hoàng Sâm đón tiếp và bàn phương thức hoạt động; cuối cùng Lê Quảng Ba cùng
tập thể quyết định cả đoàn về Tĩnh Tây gặp Thượng Hiệu (đại tá) Trương Bội Công của
quân đội Quốc dân đảng, để có chỗ ăn ở, chờ thời cơ, đồng thời vào trường quân sự ở
Tĩnh Tây để học nghiệp binh. Trương Bội Công là người Việt Nam sang Trung Quốc tìm
cách mạng nhưng lạc đường, làm tay sai cho Quốc dân đảng Trung Quốc. Trương Bội
Công chấp nhận anh em vào học trường quân sự.
Khi Bác đến Tĩnh Tây, Bác giao nhiệm vụ cho Lê Quảng Ba tìm cách rút tất cả

hơn 40 chục anh em ra khỏi trường quân sự Tĩnh Tây (của Trương Bội Công).
Anh em về Nặm Quang, thuộc hướng Bình Văn, Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung
Quốc, dự lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn ái Quốc cùng các đồng chí Lâm Bá Kiệt,
Phùng Chí Kiên, Dương Hoài Nam giảng bài. Nội dung huấn luyện gồm các bài: tình
hình thế giới và trong nước, chủ trương thành lập các hội cứu quốc các giới và việc thành
lập Mặt trận Việt Minh, cùng các bước tổ chức và vận động quần chúng tham gia hội cứu
quốc v.v…
Gần đến tết năm mới (Tân Tị) thì lớp học bế mạc. Anh em học viên quê đâu về
đấy ăn tết với địa phương, bám sát phong trào, bắt tay vào việc thí điểm tổ chức Việt
Minh.
Ngày mồng hai tết Tân Tị (dương lịch là ngày28/01/1941) đồng chí Nguyễn ái
Quốc rời Nặm Quang về nước, qua cột mốc biên giới 108 cùng năm đồng chí Lê Quảng
Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Đặng Văn Cáp và Thế An, đã nói trên kia.
*
Qua cột mốc 108 Nguyễn Ái Quốc cùng năm cán bộ đặt chân lên mảnh đất Tổ
Quốc thiêng liêng, khởi đầu là Pác Bó, mảnh đất quê hương của người Nùng, Cao Bằng.
Lê Quảng Ba đưa cụ Ké (Ké: già) tức đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nghỉ tại nhà
ông Máy Lì, người dân tộc Nùng, họ Lý, nhà có hai gian cũ và mới cơi thêm một gian
mới để đón khách. Khách chủ cùng quây quần bên mâm cơm tết của gia đình họ Lý. Sau
bữa cơm tuy chủ nhà đã thu xếp chỗ ở, ăn nghỉ, làm việc cho đoàn cán bộ nhưng cụ Ké
lại bảo Lê Quảng Ba: “Ta có nhiều người ở lại nhà ông Máy Lì làm phiền chủ nhà quá,
thôi nên dứt khoát sáu sán thôi”. Sáu sán, tiếng Nùng, cụ Ké đã học được, có nghĩa là
vào rừng mà ở. Sáu sán gốc chữ là Thu Sơn, nên cán bộ địa phương thường gọi đồng chí
Nguyễn Ái Quốc là Thu Sơn, cụ Ké, già Thu.
Sáng sớm hôm sau, ông Máy Lì dẫn cụ Ké và mấy anh em cán bộ lên hang Cốc
Bó.
Trước cảnh sắc một sáng xuân của Tổ Quốc, Bác ngâm khe khẽ bài thơ mới sáng
tác:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là…

Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà
Với cuộc sống còn gian khổ, đất nước còn bị chìm đắm dưới ách áp bức của thế
lực thực dân phong kiến, nhưng ở mản đất Pác Bó nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung, có
đồng bào Tày Nùng cùng các dân tộc anh em đã được giác ngộ cách mạng, hướng về
cách mạng và bảo vệ cách mạng. Bác tự sắp xếp nơI nằm nghỉ, chỗ nấu cơm, nơi câu cá
lúc nhàn hạ, chỗ đun nước uống mà chè là chè ổi thơm của núi rừng, lại còn kê đá thành
cái bàn đá mộc mạc tự nhiên để Người dịch Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô làm tài liệu
huấn luyện cán bộ cách mạng…
Từ đó ở khe núi Cốc Bó, có một cụ Ké mặc bộ quần áo chàm, quần xắn cao, tay
cầm gậy, dáng đi nhanh nhẹn nhưng ung dung, thoải mái, vui vẻ, tiếp các cán bộ về thỉnh
thị và báo cáo. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc hoà mình vào hoàn cảnh mới hết sức tự nhiên.
Tâm hồn của lãnh tụ ung dung, tự tại, lạc quan. Cuộc sống gian khổ mà lãnh tụ vẫn có
những vần thơ bất hủ:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chêng dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Khi về Pác Bó, có điều kiện hơn ở ngoài nước, nhiểu lớp cán bộ chính trị và quân
sự được Bác liên tiếp mở ra thu hút rất nhiều cán bộ ta. Mỗi lớp như thế thường được mở
ra trong một tuần hay mười hôm. Bác đào tạo huấn luyện anh em rồi trả họ về cơ sở, rèn
luyện cho họ trong thực tế cách mạng.
Cuộc thí điểm tổ chức phát triển mặt trận Việt Minh, các hội cứu quốc các giới do
43 anh em được huấn luyện ở Nặm Quang về tổ chức ở các châu Hoà An, Hà Quảng,
Nguyên Bình có kết quả. Đồng chí Vũ Anh triệu tập hội nghị tổng kết thí điểm ở Coọc
Mu (Hà Quảng) tháng 4/1941, tổng kết những thực tế sinh động bổ sung cho nội dung
Hội nghị Trung ương lần thứ tám.
Ở hang Cốc Bó hơn một tháng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cho cán bộ chuẩn bị
dọn cơ quan sang Khuổi Nặm (tiếng Tày nghĩa là Suối Nước), địa điểm rất tiện, đi lại
khỏi lội qua suối, nếu có động tránh thoát kẻ thù cũng nhanh chóng.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc lấy danh nghĩa Đại diện Quốc tế cộng sản triệu tập hội
nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị khai mạc vào buổi sáng ngày 10/5/1941 ở một
căn lán trên dòng Khuổi Nặm. Lán làm rất đơn sơ, trên che lá đùng đình, dưới lót một ít
tấm ván để Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí ngồi họp. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ
tọa hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở đầu vài câu rồi Hội nghị đi vào nhận định tình hình
thế giới, tình hình trong nước và đề ra những chủ trương nhiệm vụ mới cho cách mạng
Việt Nam, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc mà mấy hội nghị trước đã
đề ra.
Đây là một hội nghị có một tầm quan trọng lịch sử. Hội nghị đã quyết định chính
sách mới của đảng, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trung tâm và cấp thiết
của toàn dân và đề ra chủ trương tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh, xây dựng các căn
cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, chuẩn bị vũ trang khởi
nghĩa.
Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn ái Quốc tự tay thảo ra bức thư nhân danh cá nhân
kêu gọi đồng bào “ Kính cáo đồng bào thư” ký tên Nguyễn ái Quốc. Bức thư ấy viết
bằng chữ Nôm, chữ viết rất đẹp. Bức thư rất sát tâm lý đồng bào nông thôn, khiến cho ai
đọc thư, nhất là các cụ phụ lão, cũng phải gật gù thích lắm, càng thêm tin tưởng.
Năm 1911, rời Tổ Quốc ra đi từ phía Nam, tìm đường cứu nước, ba mươi năm sau,
năm 1941, đồng chí Nguyễn ái Quốc trở về Tổ Quốc từ phía Bắc. Ngày nay, đất nước độc
lập, thống nhất toàn vẹn, đều bắt đầu từ cái mốc mùa xuân Tân Tị (1941), có đồng chí
Nguyễn ái Quốc, người sáng lập, rèn luyện Đảng ra, lãnh đạo dân tộc giành được những
thắng lợi huy hoàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đầu nguồn, Tập hồi ký, NXB Văn học, 1975.
- Địa chí Cao Bằng, Tỉnh uỷ UBND tỉnh Cao Bằng, NXB Chính trị Quốc
gia, 1982.
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, Tập I (sơ thảo), Ban nghiên cứu lịch sử
Đảng Cao Bằng, 1984.
- Lịch sử Đảng bộ huyện Hoà An, Tập I (1930-1945), Ban chấp hành đảng

bộ huyện Hoà An, 1995.
- Tập bài giảng lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Đại học và Trung
học chuyên nghiệp, Hà Nội -1997.
- Lịch sử Đảng bộ xã Hồng Việt (1930-1954), Sơ thảo, Đảng uỷ xã Hồng
Việt, Hoà An, Cao Bằng, 2001.
- Lịch sử Việt Nam 1930-1945, Trần Bá Đệ…Đại học Quốc gia Hà Nội,
trường Đại học Sư phạm 1995.

×