Hoàn thiện và thực thi chiến lược phát triển
khoa học và công nghệ tỉnh Phú Thọ
Vũ Xuân Khiêm
Trường Đại học Kinh tế
Luận văn ThS Chuyên ngành: Quản lý kinh tế; Mã số 60 34 01
Người hướng dẫn: PGS.TS. Hoàng Đình Phi
Năm bảo vệ: 2014
Keywords. Chiến lược phát triển; Khoa học công nghệ; Quản lý kinh tế; Kinh doanh
quản lý.
Content
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Phú Thọ là một tỉnh có vị trí trung tâm vùng miền núi phía Bắc Việt Nam, là cửa ngõ
Tây Bắc thủ đô Hà Nội và là cầu nối vùng Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ,
nằm trên trục hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Côn Minh (Trung Quốc). Phú Thọ có vị
trí là trung điểm đến các cửa khẩu Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn và cảng biển Hải Phòng,
cách Hà Nội 80 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, là nơi hợp lưu của 3 con sông lớn:
Sông Hồng - Sông Đà - Sông Lô, có điều kiện thuận lợi cả về giao thông đường bộ, đường
sắt, đường thủy và đường không. Trong tương lai gần, Phú Thọ sẽ là tỉnh kết nối hành lang
kinh tế quốc tế Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh với nhiều điểm giao kết, trung chuyển cả giao
thông đường sắt và đường bộ trong hành trình xuyên Á, có tổng diện tích tự nhiên 353.274,76
ha
, chiếm 1,2% diện tích cả nước và chiếm 5,4% diện tích vùng miền núi phía Bắc; diện tích
đất đồi núi của tỉnh chiếm trên 64%; dân số có 1.336,6 nghìn người, có 21 dân tộc, tỷ lệ lao
động qua đào tạo đến 2010 đạt 40%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 26% [12].
Là tỉnh có tiềm năng tự nhiên phong phú thuận lợi cho phát triển công nghiệp, du lịch-
dịch vụ, nông-lâm nghiệp và thuỷ sản; có tiềm năng lớn về nguyên liệu giấy, nguyên liệu
nông lâm sản và một số loại tài nguyên khoáng sản quan trọng để phát triển mạnh công
nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp giấy, công nghiệp gốm sứ, công nghiệp
xi măng và vật liệu xây dựng; có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hoá và du lịch tự
nhiên như khu di tích lịch sử Đền Hùng, vườn Quốc gia Xuân Sơn, nước khoáng nóng Thanh
Thủy, Đầm Ao Châu, Vân Hội ; có cơ sở hạ tầng điện lưới quốc gia đảm bảo cho phát triển
công nghiệp, hệ thống bưu chính viễn thông với chất lượng cao, đã hình thành các khu cụm
công nghiệp quan trọng trên địa bàn tỉnh[12].
Về KH&CN: là tỉnh có một hệ thống các cơ quan, tổ chức KH&CN đa dạng về loại
hình và chức năng hoạt động, có cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến và có đội ngũ cán bộ
KH&CN có trình độ chuyên môn trên các lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh; đặc biệt là hệ thống các Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu KH&CN, các
Trường Đại học, Cao đẳng của trung ương trên địa bàn tỉnh[12].
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán
bộ KH&CN, sự nghiệp KH&CN của tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn 5 năm 2008 - 2012 vừa qua
ngày càng gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học phục
vụ hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và đã có những đóng
góp đáng kể vào vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoạt động KH&CN của tỉnh đã từng bước vươn lên giải quyết những vấn đề KH&CN
do thực tiễn đặt ra; từng bước tiếp thu, làm chủ, thích nghi và khai thác có hiệu quả các công
nghệ tiên tiến, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu đã được
ứng dụng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các
ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và góp phần nâng cao năng lực công nghệ của một số
ngành kinh tế của tỉnh. KH&CN đã tham gia tích cực vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc
sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc và phát huy truyền thống văn hoá tốt
đẹp của vùng đất Tổ[12].
Hệ thống mạng lưới các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh phát triển; đội ngũ cán bộ
khoa học kỹ thuật ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng; tiềm lực cơ sở vật
chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, nâng cấp; cơ chế quản lý được đổi mới; đầu tư được tăng
cường; trình độ nhận thức và ứng dụng KH&CN của nhân dân ngày càng được nâng cao[12].
Từ vai trò, vị trí của KH&CN, đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVII, nhiệm kỳ
2010-2015 đã xác định, đề ra nhiệm vụ phát triển và nâng cao hiệu quả KH&CN; đổi mới nội
dung, phương thức hoạt động KH&CN nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó ngày 14/7/2008 tại Quyết định số 99/2008/QĐ-TTG, Thủ tướng Chính
phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ tỉnh Phú Thọ
đến năm 2020 cũng đã định hướng và xác định về phát triển KH&CN: phát triển mạnh, kết
hợp chặt chẽ giữa hoạt động KH&CN với giáo dục và đào tạo, tạo động lực đẩy nhanh quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Đẩy mạnh thực hiện các
nhiệm vụ trọng tâm về KH&CN trong đó ưu tiên phát triển các cơ sở nghiên cứu trên địa bàn
gắn với việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học; tăng cường tiếp thu, thành tựu
KH&CN vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế. Phát triển Phú Thọ thành trung tâm công
nghệ sinh học nông nghiệp, lâm nghiệp vùng trung du và vùng núi Bắc bộ. Xây dựng và vận
hành khu đô thị công nghệ (bao gồm các khu công nghệ, khu nông nghiệp công nghệ cao, cơ
sở đào tạo, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội v.v )
Ngày 28 tháng 02 năm 2012, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số
07/2012/QĐ-UBND ngày Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ đến
năm 2020.
Tuy nhiên, quá trình hoạch định chiến lược và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai
chiến lược còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn như:
- Một số mục tiêu cũng như nội dung của chiến lược còn chưa phù hợp với thực tiễn;
- Việc bố trí các nguồn lực để thực hiện các nội dung chiến lược không được thể hiện
tại bản chiến lược;
- Chưa có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để triển khai các nội dung của
Chiến lược một cách tổng thể;
- Chưa cụ thể hóa các giải pháp thực hiện, chưa có sự phân công rõ ràng từng nội dung
cho các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện tốt bản Chiến lược đã được duyệt.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và khắc phục những tồn tại, hạn chế trên cũng như triển
khai thực hiện có hiệu quả “Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ” góp phần vào phát
triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ. Chúng tôi lựa chọn đề tài “Hoàn thiện và thực thi Chiến
lược phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ”. Kết quả nghiên cứu của Luận văn này góp phần tư
vấn, giúp đỡ Sở KH&CN tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, tổ
chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ.
2. Tình hình nghiên cứu, triển khai liên quan đến đề tài
- Đề tài: Luận cứ chiến lược phát triển phát triển khoa học và công nghệ Quảng trị đến
năm 2020; Cơ quan chủ trì: Viện chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ; Chủ nhiệm
đề tài: TS. Hoàng Xuân Long.
Đề tài đã nêu các luận cứ để xây dựng bản chiến lược phát triển khoa học và công nghệ
(thực chất đây là bản dự thảo chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị). Đề
tài đã đánh giá bối cảnh tác động và thách thức tác động đến phát triển KHCN; đánh giá hiện
trạng phát triển KHCN Quảng Trị; nêu các quan điểm, mục tiêu; các định hướng chủ yếu trong
phát triển KHCN; các giải pháp chủ yếu và đề ra các chương trình trọng điểm.
Tuy nhiên, đề tài cũng chưa đề xuất được các nguồn lực để triển khai thực hiện chiến
lược: về nguồn kinh phí, dự kiến kinh phí và phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ; nguồn nhân
lực để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.
- Đề tài: Xác định luận cứ và xây dựng quy hoạch định hướng phát triển KH&CN tỉnh
Phú Thọ đến năm 2010. Cơ quan chủ trì: Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ; Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn
Văn Diễm; Thời gian thực hiện tháng 8/2004 – tháng 03/2006.
Đề tài đã phân tích tổng quan bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến định hướng
phát triển KH&CN của tỉnh Phú Thọ đến năm 2010; Đánh giá thực trạng phát triển KH&CN
tỉnh Phú Thọ; Xác định được yêu cầu đặt ra cho KH&CN tỉnh Phú Thọ trên cơ sở định hướng
chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ; Đề tài đã nghiên
cứu và xác định các nội dung quy hoạch, định hướng phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ đến năm
2010; Đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch định hướng phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ
đến năm 2010.
Tuy nhiên, đề tài chưa sử dụng các phương pháp và công cụ hợp lý theo giáo trình
hoạch định và phát triển như: sử dụng công cụ phân tích SWOT để xác định các điểm mạnh,
điểm yếu, thách thức, cơ hội Bên cạnh đó, đề tài cũng chưa xác định được các nhiệm vụ cụ
thể và nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong thời gian tới.
- Đề tài: Điều tra, đánh giá trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp, xây dựng và
đề xuất các giải pháp để nâng cao trình độ công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm
công nghiệp, xây dựng của tỉnh Phú Thọ. Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú
Thọ; Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đào Văn Phùng; Thời gian thực hiện tháng 1/2007 – tháng
12/2007.
Đề tài đã đề xuất được 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 6 nhóm giải pháp để nâng cao
trình độ công nghệ, tăng khả năng cạnh trình độ công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm
công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2015. Đề tài đã góp phần làm rõ hiện trạng công nghệ,
khả năng cạnh tranh sản phẩm của tỉnh, đề xuất được các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, lộ trình
đổi mới công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và xu thế phát triển chung.
Tuy nhiên, đây không phải là bản chiến lược hay bản quy hoạch mà nó chỉ góp phần cho
các nhà xây dựng chiến lược có cơ sở đánh giá được trình độ công nghệ của các doanh nghiệp
sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Đề tài vận dụng cơ sở lý luận của môn hoạch định phát triển và các môn học khác để
đánh giá quá trình xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh
Phú Thọ. So sánh quá trình xây dựng bản chiến lược trên thực tiễn với cơ sở lý luận về trình
tự xây dựng bản chiến lược về quy trình, phương pháp, công cụ (đánh giá tiềm năng, dự báo
các yếu tố tác động, xác định tầm nhìn, xác định mục tiêu, xác định chỉ tiêu, xác định hệ
thống giải pháp thực hiện chiến lược).
Phân tích những tồn tại, hạn chế về nội dung và quá trình triển khai thực hiện chiến
lược, đề xuất các nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn đảm bảo tính khoa học.
Đề xuất các giải pháp để điều chỉnh các nội dung cũng như triển khai thực hiện tốt các
nội dung bản chiến lược.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Trình bày làm sáng tỏ những luận cứ khoa học cơ bản về hoạch định và thực thi
chiến lược phát triển KH&CN.
- Phân tích thực trạng và đánh giá các yếu tố tác động trong việc hoạch định và thực
thi Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ đến năm 2020. - Đề xuất các
nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện và thực thi có hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh
Phú Thọ.
4. Câu hỏi nghiên cứu
Đề tài sẽ nghiên cứu và trả lời câu hỏi:
- Công tác xây dựng Chiến lược KH&CN tỉnh Phú Thọ đã hoàn thiện chưa, có những
khâu nào, nội dung nào, phương pháp hoạch định Chiến lược đã thực hiện đúng quy trình hay
chưa và những nội dung cần phải điều chỉnh, sửa đổi?
- Việc phân công nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện như thế nào để hoàn thành tốt các
mục tiêu của Chiến lược KH&CN tỉnh Phú Thọ.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ
đến năm 2020. Chủ thể là các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN tác động lên các hoạt
động phát triển KH&CN nhằm triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh
Phú Thọ đến năm 2020.
5.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Luận văn tập trung phân tích, đánh giá những điểm đã được, điểm tồn
tại, hạn chế của bản Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; đề xuất
những vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện bản Chiến lược; đề xuất những giải pháp
nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu của bản Chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.
- Về không gian: Các hoạt động KH&CN diễn ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chịu sự tác
động của Chiến lược phát triển KH&CN là không gian để nghiên cứu.
- Về thời gian: Luận văn chọn thời điểm từ năm 2011 đến nay làm thời kỳ nghiên cứu
(từ khi xây dựng đến khi phê duyệt Chiến lược đến nay).
6. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau đây:
- Phương pháp phân tích tổng hợp: Phương pháp này được sử dụng ở hầu hết các nội
dung của đề tài, đặc biệt là Chương 2 và Chương 3 để phân tích quá trình xây dựng chiến
lược, kết quả thực hiện chiến lược, những mặt được và tồn tại hạn chế của bản chiến lược và
quá trình thực thi chiến lược;
- Phương pháp kế thừa: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu tại Chương 1 và
Chương 2 của luận văn. Hầu hết phần cơ sở lý luận về hoạch định bản chiến lược ở Chương 1
được kế thừa từ giáo trình môn Hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của Ngô Thắng Lợi và
một số tài liệu khác. Các tài liệu, số liệu của Chương 2 được kế thừa từ bản chiến lược phát
triển KH&CN tỉnh Phú Thọ, số liệu về kết quả thực hiện chiến lược thông qua báo cáo của Sở
Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ ;
- Phương pháp thống kê toán học: Chủ yếu được sử dụng ở Chương 2 để đánh giá quá
trình thực thi bản chiến lược;
- Phương pháp so sánh: Đề tài đã có những so sánh về kết quả thực thi chiến lược với
các mục tiêu đã đề ra, từ đó rút ra các kết luận cũng như đánh giá quá trình triển khai, thực
hiện chiến lược. Phương pháp này chủ yếu sử dụng ở Chương 2;
- Phương pháp chuyên gia: Trong quá trình xây dựng đề cương, triển khai các nội
dung và hoàn thiện, luận văn đã được sự hướng dẫn, đóng góp ý kiến của thày giáo hướng dẫn
Hoàng Đình Phi, các thày cô trong hội đồng xét duyệt đề cương nghiên cứu, các thày cô trong
Khoa Kinh tế - Chính trị thuộc Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và các bạn
bè đồng nghiệp trong cơ quan Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ.
- Ngoài ra luận văn còn sử dụng các công cụ đánh giá, và đề xuất các giải pháp nhằm
hoàn thiện và thực thi chiến lược phát triển KH&CN thông qua phân tích SWOT và sử dụng
Bảng lựa chọn các nhóm chiến lược TOWS.
7. Đóng góp của luận văn
- Kết quả của Luận văn góp phần chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như các phương
pháp trong quá trình xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ.
- Luận văn góp phần hoàn thiện và thực thi có hiệu quả Chiến lược phát triển KHCN
tỉnh Phú Thọ, làm cơ sở tư vấn, giúp đỡ Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Tỉnh ủy,
HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển KHCN tỉnh
Phú Thọ.
8. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được chia ra 3
Chương nội dung chính như sau:
Chương 1: Một số cơ sở lý luận và thực tiễn về hoạch định chiến lược phát triển
KH&CN
Chương 2: Thực trạng công tác hoạch định và thực thi Chiến lược phát triển KH&CN
tỉnh Phú Thọ đến năm 2020
Chương 3: Một số giải pháp hoàn thiện và thực thi Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh
Phú Thọ đến năm 2020
Reference
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Công thương (2013), Quyết định số 5540/QĐ-BCT ngày 06/8/2013 “Phê duyệt
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công thương giai đoạn 2011 –
2020”, Hà Nội.
2. Bộ Nông nghiệp và PTNT (2012), Quyết định số 99/QĐ-TTG ngày 11/4/2012 “Phê
duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ nghành Nông nghiệp và PTNT giai
đoạn 2013 – 2020”, Hà Nội.
3. Chính phủ (2008), Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/7/2008 “Phê duyệt Quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020”, Hà Nội.
4. Chính phủ (2012), Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 “Phê duyệt Chiến
lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020”, Hà Nội.
5. Nguyễn Văn Diễm (2006), Xác định luận cứ và xây dựng quy hoạch định hướng phát
triển KH&CN tỉnh Phú Thọ đến năm 2010, Đề tài KHCN cấp tỉnh, Sở KH&CN tỉnh
Phú Thọ.
6. Hoàng Văn Hải (2010), Quản trị Chiến lược, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Hoàng Xuân Long (2008), Luận cứ chiến lược phát triển phát triển khoa học và công
nghệ Quảng trị đến năm 2020, Đề tài KHCN cấp tỉnh, Viện chiến lược và Chính sách
Khoa học và Công nghệ.
8. Ngô Thắng Lợi (2011, Hoạch định phát triển kinh tế - xã hội, Nhà xuất bản Chính trị
Quốc gia – Sự thật.
9. Hoàng Đình Phi (2012), Giáo trình Quản trị Công nghệ, Nxb Đại học Quốc gia Hà
Nội.
10. Đào Văn Phùng (2007), Điều tra, đánh giá trình độ công nghệ của các ngành công
nghiệp, xây dựng và đề xuất các giải pháp để nâng cao trình độ công nghệ, tăng khả
năng cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp, xây dựng của tỉnh Phú Thọ, Đề tài KHCN
cấp tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ.
11. Quốc Hội, Luật KH&CN năm 2013 ngày 18/6/2013, Hà Nội.
12. Trần Anh Tài (2007), Giáo trình Quản trị học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
13. UBND tỉnh Quảng Bình (2009), Quyết định số 35/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009
“Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình đến năm
2020”, Quảng Bình.
14. UBND Thành phố Hải Phòng (2005), Quyết định số 1394/QĐ-UB ngày 04/7/2005
“Phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng đến
năm 2010, tầm nhìn 2020”, Hải Phòng.
15. UBND tỉnh Phú Thọ (2012), Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 28/02/2012
“Phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ đến năm 2020”, Phú Thọ.
Website
16. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương: www.moit.gov.vn/
17. Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT www.agroviet.gov.vn/
18. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Nông: www.skhcn.daknong.gov.vn/
19. Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng:
20. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ:
21. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị: www.dostquangtri.gov.vn/