Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Con người nam bộ tiền hiện đại trong sáng tác của hồ biểu chánh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (226.37 KB, 12 trang )

CON NGƯỜI NAM BỘ “TIỀN HIỆN ĐẠI”
TRONG SÁNG TÁC CỦA HỒ BIỂU CHÁNH
Phạm Thị Thu Thủy
1

Tóm tắt: Sống và viết vào giai đoạn Nam Bộ nảy sinh nhiều biến động về mọi lĩnh vực, mặt
khác lại luôn gắn bó và tự hào về quê hương Nam Bộ, Hồ Biểu Chánh đã dồn hết tài năng
văn chương và tâm huyết của một trí thức được hấp thụ hai nền giáo dục, văn hóa Đông -
Tây, tân - cổ để khắc họa sắc nét, đa dạng và thành công con người Nam Bộ “tiền hiện đại”:
luôn trân trọng, giữ gìn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, bền vững của cha ông nhưng
không bảo thủ, làm ngơ trước sự trỗi dậy của cái tôi cá nhân; giúp độc giả có được cái nhìn
toàn diện, đa chiều về con người Nam Bộ ở một thời kì nhất định trong lịch sử hơn 300 năm
hình thành và phát triển miền đất mới.

1. MỞ ĐẦU
Nhà văn Hồ Biểu Chánh là một trong những cây đại thụ của nền văn học Nam Bộ. Ông
sáng tác trong giai đoạn Nam Bộ nảy sinh nhiều biến động về mọi phương diện nhất là sau
hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Xã hội tồn tại những xung đột, mâu thuẫn
giữa cái cũ và cái mới trong tư tưởng và lối sống. Con người Nam Bộ bởi vậy không dễ dàng
thỏa mãn với những lời giáo huấn về đạo lí, cương thường mà muốn nếm trải sự bộn bề, đa
dạng của đời sống với mọi cung bậc cảm xúc. Nhưng nếu con người đó đi quá xa với truyền
thống thì lập tức sẽ bị phản ứng, lên án quyết liệt. Điều này đã tạo nên con người Nam Bộ
“tiền hiện đại” có đặc điểm tâm lí, tính cách và hành động phức tạp, mang dấu ấn của một
thời đại Đông - Tây, tân - cổ giao thoa. Con người Nam Bộ “tiền hiện đại” trong tác phẩm Hồ
Biểu Chánh vẫn cổ súy cho những giá trị đạo đức tốt đẹp mà cha ông đã vun đắp, gìn giữ, vẫn
tin tưởng rằng mọi đau khổ, ưu phiền của cuộc đời cuối cùng sẽ được hóa giải, đền bù. Mặt
khác, con người “tiền hiện đại” đó bắt đầu có ý thức về bản ngã, khao khát khẳng định tài
năng, khát vọng; cảm nhận được nỗi đau và hạnh phúc đời thường.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Con người đề cao đạo đức
2.1.1. Trong quan hệ gia đình


Con người Nam Bộ trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh không phải là con người của
những vấn đề quá lớn lao, vĩ đại như “trị quốc”, “bình thiên hạ” mà là con người được đặt
trong những mối quan hệ hết sức cụ thể, gần gũi, đặc biệt là trong quan hệ gia đình, khi mà
vào những năm đầu thế kỉ XX, ở Nam Bộ, cho dù có chịu sự tác động của “mưa Âu gió Mĩ”,
gia đình vẫn là thành trì kiên cố, vững chắc để che chở, bảo vệ con người trước sóng gió cuộc

1
ThS, Trường Cao đẳng Hải Dương
đời; khi mà con người chỉ có thể bộc lộ được hết chiều kích của nhân tính nếu đặt mình trong
ràng buộc của tình nghĩa cha mẹ - con cái, tình nghĩa vợ - chồng, tình nghĩa anh - em…
Là nhà văn “lấy luân lí làm gốc, lấy cổ gia đình làm khuôn mẫu, lấy sự trung hậu làm
điều cốt yếu trong mọi việc ở đời” [2, tr.37], Hồ Biểu Chánh đã có những trang viết rất xúc
động về quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Cha mẹ thì có lòng nhân từ, con cái thì có lòng hiếu
đễ. Chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hán, nhất là những giá trị đạo đức được hình thành trên
cơ sở luân lí Khổng Mạnh, nhưng cũng rất tích cực giải Hán, người Nam Bộ đã điều chỉnh
các chuẩn mực đạo đức cho phù hợp với yêu cầu thực tế, thể hiện bổn phận làm cha, làm mẹ,
làm con, không giáo điều, cứng nhắc, mà rất linh hoạt, mềm mại. Những hành động, lời nói,
tình cảm các thành viên trong gia đình dành cho nhau không đơn giản là sự thức nhận của lí
trí, mà còn có sự lên tiếng của trái tim. Anh Hương sư Cu (Con nhà nghèo) cưới cô Tư Lựu
về làm vợ dẫu biết cô không còn trong trắng, cưu mang cả đứa con bị bỏ rơi của cô. Anh đối
xử với con riêng của vợ bằng tấm lòng nhân ái, bằng sự hi sinh vô bờ bến. Hương sư Cu tâm
niệm: “Con của cổ là con của tôi. Người ta bỏ, tôi nuôi. Thằng nhỏ không có cha, tôi lãnh
làm cha” [4] nên đã dành cho con mọi sự quan tâm, săn sóc và sung sướng cảm nhận niềm
hạnh phúc, sự trìu mến của tình cha con: “Khi thằng Hai chưa biết nói, hễ Lựu mắc công việc
trong bếp, thì Cu bồng nó đi chơi, Cu dỗ cho nó ngủ. Cu tắm rửa cho nó, Cu đút cơm nó ăn.
Chừng nó học nói thì cái tiếng nói đầu của nó là tiếng kêu Cu bằng “cha”. Cái tiếng “cha” ấy
làm cho Cu cảm động vui vẻ vô cùng. Bởi vậy cái tiếng của Cu kêu nó bằng “con” càng thêm
mặn mòi, càng thêm thâm túy” [4]. Đáp lại ơn sâu, nghĩa nặng của cha mẹ, quan Kinh lí luôn
có ý thức làm tròn bổn phận của một đứa con theo tinh thần Nho gia: “Nhưng mà áo mặc
không qua khỏi đầu được. Việc vợ chồng là hệ trọng, con phải để cho cha mẹ định chớ lẽ nào

con dám tự quyền” [4] và có cả những suy nghĩ, hành động phù hợp với đạo đức của nhân
dân: “Tôi có cha mẹ, dầu cha mẹ tôi nghèo hèn mấy đi nữa, có lẽ nào tôi nỡ bỏ mà đi làm con
người khác. Còn gia tài, tôi là người dưng mà tôi đòi ăn nỗi gì, có lẽ nào tôi vô liêm sỉ đến
đỗi bỏ cha, bỏ mẹ mà giựt gia tài của con cháu người ta mà ăn hay sao” [4]. Ở một phương
diện khác, Hồ Biểu Chánh cho rằng nhiều khi tình cha mẹ dành cho con cái như trời biển
nhưng không đúng cách, con cái vì bồng bột, nông nổi mà làm phiền lòng đấng sinh thành.
Nhưng nhân vật trong tác phẩm của ông đều sớm nhận ra sai lầm, ân hận và thay đổi để gìn
giữ nếp nhà. Đây cũng là nét mới của con người Nam Bộ trong sáng tác Hồ Biểu Chánh so
với văn chương truyền thống, không bị “đóng đinh” vào những yêu cầu cứng nhắc, không bị
“phân cực” bởi những thước đo máy móc. Bà kế Hiền (Con nhà giàu) vì chỉ có mỗi đứa con
trai nên đã cưng chiều con thái quá, mưu tính mọi chuyện để con có nhiều bạc tiền, ruộng đất,
nên gián tiếp đẩy con vào cảnh ăn chơi, hưởng lạc, đối xử vô tình, hỗn láo với cha mẹ, lỗ
mãng với vợ con. Giây phút cuối đời, bà kế Hiền đã tự trách mình: “Cũng vì thằng Tứ mà tao
phải mang bịnh đây; mà cũng tại tao thương nó quá nên mới ra cớ đỗi như vầy” [4] và mong
mỏi con mình hồi tâm, tỉnh trí: “Thằng Hai với con Ba, bước lại gần đây cho dì nói chuyện:
Dì gởi thằng Tư lại cho hai con. Hai con ráng thương giùm em; nếu hai con phiền dì, sợ ngày
sau nó không có cơm ăn. Tuy nó khác mẹ, song nó cũng một máu một thịt với hai con. Vậy
xin hai con dìu dắt giùm nó, chớ nó ngang tàng mà khờ dại lắm…” [4]. Sau bao nhiêu lầm
lạc, Thượng Tứ đã biết nhận chân đúng - sai, thực - giả, đã có những suy nghĩ nghiêm túc về
trách nhiệm, bổn phận của mình đối với gia đình: “Cậu suy xét cái cử chỉ của cậu đối với mẹ,
bây giờ cậu mới hiểu tại cậu mà mẹ rầu buồn mang bịnh đến nỗi bỏ mình. Cậu nhớ mấy lời
mẹ trối trong lúc gần tắt hơi, bây giờ cậu mới nghĩ tại cậu mà phân rẽ vợ chồng, chớ vợ của
cậu chẳng có lỗi chi hết. Cậu lấy làm ăn năn về sự cậu ngỗ nghịch với mẹ, mà cậu cũng lấy
làm hổ thẹn về sự cậu tính để vợ đặng cưới cô Hai Hẩu” [4]. Tuy sự thay đổi của Thượng Tứ
chưa thật thuyết phục, xuất phát từ chủ quan cá nhân của Hồ Biểu Chánh, nhưng đã khẳng
định tác giả luôn tin tưởng và trân trọng giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, và sự vận động
trong tính cách của Thượng Tứ là quá trình vận động của đạo đức trong thực tế đời sống.
Một trong những đòi hỏi của đạo đức truyền thống là con người phải giữ được phẩm tiết.
Viết về con người Nam Bộ trong mối quan hệ vợ - chồng, bên cạnh việc đề cao, khẳng định
tình nghĩa phu thê (như sự gắn bó, thủy chung, sống chết có nhau của vợ chồng Như Thạch

(Tại tôi); ước muốn vợ chồng cùng nhau đi theo con đường sáng - con đường đạo nghĩa của
đôi tân lang Tấn sĩ Càng - Minh Nguyệt (Ông Cử); sẵn sàng tha thứ, bỏ qua mọi lỗi lầm của
bạn đời như cô Tư Thanh Thủy (Lòng dạ đàn bà)…), Hồ Biểu Chánh rất coi trọng việc giữ
gìn tiết hạnh của người phụ nữ trong gia đình. Để gia đình được êm ấm, thuận hòa, người vợ
phải kiên trinh, đức hạnh, biết hi sinh. Ba Thời (Cay đắng mùi đời) buồn phiền vì chồng bỏ đi
làm ăn xa, lại nghe nói chồng có vợ khác bên Cần Đước nhưng “chị ta vẫn cũng còn thương
hoài, chẳng hề tính lấy chồng khác, nên về ở với vợ chồng Lê Văn Tiết gần một năm nay,
ngày lo làm công việc, tối nằm mảng đợi trông, thầm van vái cho chồng nghĩ bụng trở về,
đặng cho cá nước sum vầy, dầu cực khổ cũng cam tâm mà chờ vận” [4]. Xuân Hoa (Một chữ
tình) nhận được thư chồng báo tin quyết liều tự tử đã hoảng hốt đi tìm khắp nơi và trước linh
sàn của một tử thi có vẻ ngoài giống chồng đã nhất quyết thưa với hai mẹ: “con xin hai mẹ
cho phép con vô nhà kín để tu, đặng không nhớ việc thế gian nữa, rồi con có ngày giờ khấn
vái linh hồn của chồng con một ít năm rồi con sẽ chết, làm như vậy tình nghĩa vợ chồng mới
toàn vẹn” [4]. Hành xử của Ba Thời, Xuân Hoa, một mặt là chịu sự chi phối của đạo đức
phong kiến, mặt khác cho thấy vẻ cam chịu, nhẫn nhịn của người phụ nữ Nam Bộ, chấp nhận
thua thiệt, mất mát để mong xây đắp một gia đình hạnh phúc. Kết thúc tác phẩm, Ba Thời tái
hợp với chồng để vạch tội Phan Đức Lợi và Thị Sảnh, đem đến cho bà Hội đồng niềm sung
sướng, thỏa nguyện vì gặp được đứa con thất lạc; Xuân Hoa sum họp với người chồng yêu
quý - muốn dùng kế để thử lòng vợ và chứng minh vợ chồng sống với nhau cần nhất phải có
đạo nghĩa. Trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng có nhiều phụ nữ do bị hoàn cảnh xô
đẩy hoặc vì một phút sa ngã mà thất tiết. Họ tự thấy hổ thẹn và luôn bị mặc cảm giày vò. Cô
Hảo (Cười gượng) thất thân với người yêu là Tô Hồng Xương. Sau này người yêu tham phú
phụ bần, cô vẫn không chịu lấy chồng, nghĩ thân mình đã nhơ nhuốc. Cô Oanh (tiểu thuyết
Bỏ chồng) ham nhiều tiền, thích có nhà lầu, mê đi xe hơi nên đã bỏ chồng, bỏ con mà đi theo
ông Hội đồng Đàng. Tuy được chồng tha thứ, con ngóng trông, nhưng cô không thể trở về.
Cô khóc mà nói với chồng: “Thấy thân tôi, mình động lòng nên mình tha tội cho tôi… Tôi
cám ơn mình lung lắm. Nhưng vì tôi tự xét, tôi biết tội của tôi lớn lắm, tôi không thể gần
chồng con. Thôi tôi xin mình ráng quên tôi đi, biểu con Yến cũng kể như tôi đã chết rồi…
làm như vậy là phải hơn hết” [4]. Nhưng là người có trái tim nhân hậu và sẵn mang nét tính
cách phóng khoáng của người phương Nam, Hồ Biểu Chánh không quá khắt khe, nghiệt ngã.

Những cô Lựu (Con nhà nghèo), cô Huyền (Bỏ vợ), cô Yến Tuyết (Tỉnh mộng) vẫn có thể
tiếp tục tìm được hạnh phúc mới dù đã có một đời chồng hay là gái bị ô nhục, bởi xét đến
cùng các cô chỉ là nạn nhân của thói đời tráo trở, và cuộc đời các cô là minh chứng cho niềm
tin, ước vọng “ở hiền gặp lành” của ông cha. Hồ Biểu Chánh cũng rất chú ý đến quan hệ hai
chiều bình đẳng, tôn trọng nhau trong đời sống gia đình của người Nam Bộ. Vợ trung trinh,
tiết hạnh, chồng thương quý, sẻ chia. Vợ mặc cảm, hổ thẹn, chồng bù đắp, bao dung. Cô
Huyền (Bỏ vợ) sau khi bị Như Bình phụ bạc, ruồng rẫy, đã lấy một người chồng làm nghề sửa
xe hơi. Người chồng sau của cô thương yêu con vợ như con ruột, cho ăn học đến nơi đến
chơi, giao cả sản nghiệp cho con cai quản, còn hai vợ chồng dắt nhau đi chơi để hưởng lạc
thú gia đình.
Một nét đẹp khác trong quan hệ gia đình của người Nam Bộ là rất trọng tình anh em. Sâu
xa trong tâm thức người Việt Nam Bộ, nghĩa huynh đệ day dứt, đau đáu khôn nguôi bởi lẽ
khi tiến về phương Nam để tìm đất mới mong thoát khỏi cảnh nghèo khổ hoặc sự trói buộc
của những luật lệ phong kiến khắt khe thì dẫn đầu các đoàn người ra đi là những anh hai, anh
ba, còn các anh trưởng phải ở nhà để chăm sóc phần mộ tổ tiên. Hướng về cội nguồn, người
Việt Nam Bộ nhớ tới cành cao, bóng cả trong gia đình, thương người cùng chung dòng tộc,
huyết thống. Bên cạnh đó, công cuộc mưu sinh đầy gian khổ đòi hỏi người Nam Bộ vừa phải
sát cánh với anh chị em trong nhà, vừa phải đoàn kết, quần tụ với bà con chòm xóm. Đọc tiểu
thuyết của Hồ Biểu Chánh, chúng tôi nhận thấy quan hệ anh - em thường được xây dựng theo
hướng bổ sung, hỗ trợ nhau. Anh bênh vực, che chở, chỉ bảo cho em; em bù đắp, chuộc lỗi
giúp anh. Thủ Nghĩa (Chúa tàu Kim Quy) đánh gẫy tay Trần Tấn Thân vì hắn hãm hiếp em
gái mình. Ba Cam (Con nhà nghèo) không những chẳng quản nguy hiểm rửa nhục cho em gái
mà còn lo lắng, bảo bọc cho em và cháu: “Tuy vậy mà em đừng lo. Từ nay trở đi có qua. Qua
thề có mặt đèn làm chứng qua sẽ bảo vệ thân em đến cùng, qua quyết tìm cách rửa nhục cho
em, rồi qua về trển qua liệu thế đem em lên Sài Gòn ở với qua” [4]. Trong gia đình nếu anh
chị trót làm những điều phi luân, người em Nam Bộ không bao che mà thẳng thắn lên án và
làm giảm thiểu tác hại của việc anh chị gây ra. Biết chị dâu xui con bỏ người yêu đang mang
bầu để lấy vợ giàu, Hương sư Thiện (Cười gượng) đã thiệt tâm nói những điều phải quấy:
“Xin lỗi chị, để em nói cho chị nghe. Ở đời quý là nhân nghĩa, quý là phước đức, chớ không
phải giàu hay là sang mà quý đâu… Anh chị có con cháu ít, cần lấy nhân đức mà ở đời, đặng

sanh con đẻ cháu cho nhiều… Vậy em khuyên anh chị phải nghe lời em, đặng bây giờ khỏi
mang tiếng thị phi, mà ngày sau cũng khỏi mang quả báo. Em nói cạn lời, nếu mình bỏ con
nhỏ đó, như nó thất tình thất chí, nó tự vận nó chết, thì cái ác của mình lớn biết bao nhiêu.
Xin anh chị phải xét lại” [4]. Hương sư Thiện cũng cố gắng làm mọi việc như giúp đỡ tiền
bạc, chỉ bảo đường đi nước bước, dò tìm tông tích của mẹ con cô Hảo để chuộc lại sự thất
đức của vợ chồng ông Cả và đứa cháu trai. Ba Lân (Lời thề trước miễu) gián tiếp dạy ông anh
rể ham gái đẹp, ruồng rẫy vợ con một bài học nhân tình thế thái, lại gián tiếp ra tay cứu anh
thoát khỏi cảnh tù tội với mong muốn chị gái và hai cháu được sống ấm êm, đầy đủ. Nói
chung, tình anh em của người Nam Bộ được thể hiện trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh
không quá nệ vào tôn ti, trật tự như quan niệm của lễ giáo phong kiến mà chú trọng đến sự
bình đẳng và hướng tới cách ứng xử nhân nghĩa, thủy chung.
2.1.2. Trong quan hệ xã hội
Nếu ở Trung Hoa - nơi có nền văn hóa gốc du mục - quan hệ giữa các gia đình khá lỏng
lẻo, chủ yếu mang tính chất xã giao, thì ở Việt Nam, nhất là Nam Bộ, nhằm đối phó với môi
trường tự nhiên hoang sơ, khắc nghiệt, với môi trường xã hội rối ren, phức tạp, các gia đình
phải đoàn kết lại, “giải quyết mọi bất đồng để đem đến một cuộc sống chung có sự nương
tựa, nhờ cậy vào nhau” [1, tr.227]. Do vậy con người Nam Bộ mang tâm thức làng xã, là
người dân công xã luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người trong thôn, trong xóm, dù
rằng thôn, xóm ấy không được bao bọc bằng những lũy tre lâu đời như ở Bắc Bộ mà được
hình thành ở hai bên bờ kênh, rạch hoặc trục lộ.
Xét về mối quan hệ “dân ấp, dân lân”, con người Nam Bộ trong tác phẩm của Hồ Biểu
Chánh luôn cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ người khác một cách tự nguyện, không đòi hỏi sự
đáp đền. Họ là những người chuộng nghĩa khí, “thi ân bất cầu báo”. Chặng đường dài đưa
con từ Hà Nội vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn về Nha Mân để mong dâu được cha chồng nhìn
nhận, cháu được gặp mặt ông nội của Thu Vân (Chút phận linh đinh) phải trải qua bao nhiêu
tủi nhục, cay đắng. Nhờ những con người tốt bụng (ông thầy thuốc sẵn sàng làm nghĩa không
ăn tiền, tiêm làm phước cho Thu Vân 5 mũi thuốc kí ninh và 5 mũi thuốc bổ; vợ một chệc
khách cho hai mẹ con trú nhờ qua đêm, lại đãi cơm, đãi bánh, đãi trà rất nồng hậu; người sốp
- phơ cho đi nhờ xe; bà già làm gạch dạy nghề, giúp chốn nương thân…), hai mẹ con Thu
Vân mới khỏi chết bệnh, chết đói, chờ cơ hội để gia đình được đoàn viên. Những con người

Thu Vân gặp trong cuộc đời đều “hành hiệp trượng nghĩa” mà chẳng chút nghĩ ngợi, lăn tăn,
coi đó là điều giản dị, tự nhiên của lẽ làm người. Chỉ là một người thợ sơn, tiền công mỗi
ngày được 1 đồng, không vợ, không con, ở nhà mướn nhưng ông Cử (Ông Cử) không chỉ hay
thương xót, bênh vực kẻ nghèo hèn, thường giúp đỡ người bị tai nạn mà còn bảo ban, dạy dỗ
kẻ khờ dại, can ngăn đứa hung hăng: “Dữ hôn! Có 5 đồng xu mà đến nỗi mắng chửi với
nhau… Mình là bọn nghèo khổ, nhiều khi đói không có cơm mà ăn, đau không có thuốc mà
uống… Sao có đồng tiền lại bài bạc chi vậy? Ngồi vô sòng thì mong ăn người ta, còn quên
tính cái thua. Nếu thua rồi thì lấy gì mà nuôi vợ con, lấy gì ăn cơm mà làm việc? Mà dầu
mình ăn đi nữa, lại vui sướng gì. Nội đây em út đều nghèo hết thảy” [4].
Người quân tử hành hiệp không màng danh lợi nhưng kẻ được bênh vực, chở che thì
luôn khắc cốt ghi tâm mọi cưu mang, ân nghĩa. Con người Nam Bộ trong tác phẩm của Hồ
Biểu Chánh đều mang nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc “ơn đền, oán trả”. Quan hệ giữa
các thành viên trong cộng đồng, dù là ở Bình Thủy, Chí Hòa hay đường Cây Quéo, chợ Xã
Tài… đều rất bền chặt, keo sơn. Nhờ lòng quảng đại của ông bà Huyện (cho ruộng để cày
cấy, miễn các khoản nợ), con trai ông Hương sư Kinh ở Thốt Nốt (Cư kỉnh) mới có điều kiện
ăn học thành tài. Mười hai năm sau, khi trở thành Quan Chủ quận, ông ta đã tìm đến ân nhân
để tỏ lòng cảm kích: “Tôi thọ ơn ông Huyện bà Huyện, mà tôi không thèm nhớ, thì làm sao
tôi nên được. Huống chi nhờ có ông Huyện bà Huyện trả ruộng hủy nợ, má tôi mới có thể
nuôi sắp em tôi, tôi mới có thể học đến thành chung rồi làm quan đây… Ơn nghĩa ấy chẳng
bao giờ tôi quên được. Vì vậy nên đổi lại đây vợ chồng tôi lật đật đến mà cám ơn ông Huyện
bà Huyện” [4]. Tuy chan chứa lòng biết ơn nhưng người Nam Bộ không cực đoan thái quá.
Họ biết phân tích, suy xét để không vì hàm ơn mà đánh mất bản thân, để ngăn cho người từng
nhiệt tâm giúp mình không đi lầm đường, lạc lối. Hà Tấn Phát (Ăn theo thuở ở theo thời) khi
nhỏ thì được vợ chồng Hà Tấn Tài nâng đỡ, dìu dắt; khi trưởng thành chẳng may gặp nạn thì
được họ cứu vớt, cưu mang. Nhưng khi vợ chồng Tài muốn em đoạt hết gia sản của Hội đồng
Lợi (thực tế sau khi tòa phân xử, Phát được sở hữu tất cả nhà cửa, ruộng vườn của Hội đồng
Lợi) thì Phát: “trót một đêm ấy, thầy suy tới nghĩ lui, cân phải đo quấy, thầy khảo luận lí,
thầy xét nhơn tình, thầy nhớ chuyện đã qua, thầy nhẩm việc sẽ đến, trăn trở hoài không ngủ
được” và xin với anh chị: “Em thưa với anh chị, từ rày sắp lên em sẽ làm y theo thiên hạ…
Nhưng mà em nghĩ lại, nếu em đoạt hết thì tội nghiệp cho Hội đồng Lợi. Vậy, em xin anh chị

cho phép em chiết trong sổ em đứng bộ đó ra mà cho bớt Hội đồng Lợi: 1) Nhà cửa anh ta
đương ở đó; 2) 50 mẫu ruộng ở Tiểu Cần. Anh ta có nhà cửa và được góp huê lợi 50 mẫu
ruộng thì bề ăn ở được yên mà vợ con cũng được no ấm, chớ em lấy luôn hết thì cả nhà chết
đói còn gì” [4].
Mang nét tính cách ngay thẳng, hào hiệp của con người vùng đất mới, nhân vật trong tác
phẩm của Hồ Biểu Chánh thường dám làm, dám chịu, không bao giờ đổ cái xấu, cái ác cho
người khác, không để người khác vì mình mà hàm oan. Cô Túy (Cư kỉnh) chẳng may gặp
một tên văn sĩ đàng điếm, trong tình thế phải giữ gìn danh tiết, đã cầm con dao rọc giấy đâm
chết hắn. Cô tâu trình quan lớn cơ sự, mong được đền tội, cầu chút thanh thản trong lòng.
Điều quan trọng là cô Túy nhận ra nguyên nhân đẩy mình vào bi kịch là do ham mê dâm thư,
không đủ nghị lực để chống chọi với những lời khêu gợi ái tình, không đủ đức hạnh để giữ
gìn, bảo vệ tiết trinh. Hồ Biểu Chánh đã miêu tả con người Nam Bộ ở phương diện này
không đơn giản, hời hợt. Ông nhìn thấy sự đấu tranh dữ dội, quyết liệt trong tư tưởng, suy
nghĩ của nhân vật. Nhận tội nghĩa là chấp nhận cay đắng tủi nhục, bỏ lại phía sau danh dự,
hạnh phúc, tiền bạc. Chối tội thì vô tình đẩy kẻ khác vào chốn ngục tù, chịu cảnh trái ngang.
Những diễn biến trong tâm lí của Lê Văn Đó (Ngọn cỏ gió đùa) được Hồ Biểu Chánh miêu tả
rất thật và cũng rất người, có tính thuyết phục cao. Lê Văn Đó tự nhủ sẽ hỏi thăm cha mẹ, vợ
con người chịu án thế mình ở đâu để rước hết về nuôi; biện minh là hại một người để cứu
ngàn người… nhưng ông vẫn thấy ăn năn, day dứt. Chứng kiến cảnh quan Án xét xử Tư
Hoành - kẻ bị nhận lầm là Lê Văn Đó - Lê Văn Đó “cứ hỏi trong trí rằng: có nên để cho
người khùng nầy chịu án oan, đặng mình an hưởng phú quý hay không” [4]. Ðến khi nghe
quan Án định án trảm giam hậu, rồi sai lính áp lại dẫn đi, thì Lê Văn Đó dằn trí không được
nên đứng dậy nói lớn: “Khoan! lính khoan dẫn người đó. Oan cho người ta lắm. Thiệt Lê Văn
Ðó là tôi đây, chớ không phải người ấy đâu” [4]. Bởi vậy, khi bàn về con người từng vùng
miền, các nhà nghiên cứu đều thống nhất quan điểm rằng một trong những nét đẹp trong tính
cách con người phương Nam là khi chơi với bạn thường dành cho bạn những điều tốt đẹp
nhất, không muốn bạn vì mình phải chịu thiệt thòi, phải hi sinh quá nhiều.
Như vậy, hiếu thảo với cha mẹ, thủy chung với bạn đời, nhường nhịn anh em, hành hiệp
trượng nghĩa, khao khát đền bồi ơn sâu, dám làm dám chịu là cách hành xử của con người
trong mối quan hệ gia đình, làng xóm, được láy đi láy lại trong khá nhiều tiểu thuyết của Hồ

Biểu Chánh, trở thành phẩm chất tiêu biểu của con người Nam Bộ “tiền hiện đại”, mô - tip
nhân vật được Hồ Biểu Chánh khắc họa bằng nguồn cảm hứng dạt dào và niềm say mê vô
tận.
2.2. Con người bước đầu ý thức về bản ngã
2.2.1. Con người khẳng định khả năng
Con người cá nhân đã xuất hiện ở văn học Trung đại Việt Nam vào thế kỉ XVIII - XIX,
được thể hiện trong sáng tác của Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn
Công Trứ Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, xã hội Việt Nam có những thay đổi lớn lao, văn
hóa dân tộc từng bước thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa khu vực, giao lưu, hội nhập với văn
hóa phương Tây. Con người cá nhân trong văn học càng có điều kiện trỗi dậy, được đánh dấu
bằng truyện ngắn Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, được nối tiếp bởi Hoàng Tố
Oanh hàm oan của Trần Chánh Chiếu, Nghĩa hiệp kì duyên của Nguyễn Chánh Sắt, một số
tác phẩm của Hồ Biểu Chánh và đạt đỉnh cao với Tự lực văn đoàn, Thơ Mới. Điều này do chủ
thể sáng tạo được giải phóng, đối tượng phản ánh được mở rộng và bộ phận công chúng mới
mang trong mình những nhu cầu cụ thể, đến với văn học để kiếm tìm sự tri âm, tri kỉ.
Không ngạo nghễ như nhân vật trữ tình trong thơ Xuân Diệu sau này: “Ta là Một, là
Riêng, là Thứ nhất”, con người Nam Bộ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh khiêm tốn hơn,
chừng mực hơn nhưng tin tưởng vào khả năng có thể chấn hưng phong hóa, thay đổi xã
hội. Bên cạnh việc ca ngợi, trân trọng những con người Nam Bộ đạo đức, nhân nghĩa, Hồ
Biểu Chánh còn phê phán, đả kích những cái độc ác, xấu xa hiển hiện trong đời sống xã hội.
Không hiếm nhân vật của Hồ Biểu Chánh, nếu là đàn ông thì ham mê tửu sắc, nếu là đàn bà
thì thích ăn chơi bài bạc. Đây là nguyên do dẫn đến việc hiếp dâm, ngoại tình, đĩ điếm, án
mạng trở nên khá phổ biến trong tiểu thuyết của ông. Tấn Thân (Chúa tàu Kim Quy) hãm
hiếp Thị Xuân, Thái Dương (Hai khối tình) định cưỡng hiếp cô Cúc; vợ Trần Văn Sửu (Cha
con nghĩa nặng) ngoại tình với Hương hào Hội, cô Oanh (Bỏ chồng) ngoại tình với Hội đồng
Đàng; cô Hai Phục (Nợ đời), cô Hai Cần Giuộc (Lời thề trước miễu) làm nhiều người đàn
ông thân bại danh liệt bởi những ngón nghề của kẻ buôn phấn bán hương; vợ xã Xù (Thầy
thông ngôn) bắt quả tang chồng thông dâm với Như Hoa đã chém chết cả hai người, Hương
hào Điều (Khóc thầm) dùng gậy tầm vông đánh chết vợ và Vĩnh Thái bởi chúng gian díu với
nhau… Trước thực trạng đó, nhiều thanh niên Tây học trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh trăn

trở, day dứt: “nếu không tìm phương mà ngăn cản, thì nó (làn sóng vô luân lí, vô giáo dục -
P.T.T.T) sẽ tràn ngập khắp trong nước rồi cái xã hội Việt Nam khi xưa tôn trọng đạo đức nên
được cứng cỏi, sẽ thành ra một xã hội hỗn độn tham lam nên phải thấp hèn yếu ớt” [4]. Họ
muốn làm một điều gì đó để chấn hưng phong hóa. Cô Vân (Đoạn tình) sau khi tìm ra nguyên
do phụ nữ tân thời hay đánh bạc, ưa ngồi hàng, thích khiêu vũ đã khẳng định: “Nếu vậy trong
nước mình cần phải lập nhiều trường để luyện tập con gái cho có tánh tình cao thượng, cho
biết tôn trọng gia đình, cho biết đường phải mà đi, đường quấy mà tránh mới được” [4]. Cô
nung nấu ý định mua hoặc thuê nơi nào đó yên tĩnh để mở trường, ngày đêm nghĩ đến việc
xây dựng chương trình giáo dục với cách thức thực hiện cụ thể, hữu ích. Kết quả, cô “quản
xuất một nhà trường lớn gần chợ Tân Định, trường ấy tên là “Việt Nữ Học Đường” chuyên
dạy nữ hạnh nữ công, gần mười căn lầu, chứa đến hai trăm rưỡi nữ sanh viên” [4]. Thất vọng,
chua xót vì lấy phải người chồng bất nhân, bất nghĩa, Thu Hà (Khóc thầm) “quyết lấy sức
riêng mà giúp ích bà con nghèo trong làng. Cô dọn cái nhà dưới cho trống, rồi cô để bàn để
ghế làm cũng như một cái trường học. Cô biểu hết thảy những người trong xóm, ai có con
đem đến đặng cô dạy cho chúng nó học. Mới bữa đầu mà con nít đã tựu đến đông nứt, và trai
và gái kể hơn ba mươi đứa” [4]. Nhân vật của Hồ Biểu Chánh hi vọng những việc mình làm
sẽ giúp cho mọi người trong xã hội biết trân quý truyền thống tốt đẹp của cha ông, dám lên
tiếng công kích cái đồi bại, lố lăng góp phần bảo vệ phong hóa trước sự tấn công mạnh mẽ
của lối sống phương Tây. Điều mới mẻ là nhà văn đặt trách nhiệm chấn hưng phong hóa lên
vai những người phụ nữ bởi vì ông có quan niệm tiến bộ về vai trò của người phụ nữ trong xã
hội. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hun đúc một phần là nhờ sự dịu dàng, thủy
chung, nhẫn nại, hi sinh, chịu thương, chịu khó… của biết bao thế hệ con cháu mẹ Âu Cơ thì
hơn ai hết, những người phụ nữ Việt Nam sẽ có đủ khả năng gìn giữ, khẳng định, phát huy
những giá trị lâu bền, tốt đẹp ấy một cách tinh tế mà mãnh liệt, phù hợp và hiệu quả. Người
phụ nữ Nam Bộ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh tự tin vào khả năng của mình nên suy nghĩ
thì táo bạo, lời lẽ thì thuyết phục, hành động thì cương quyết. Cô Tân Phong (Tân Phong nữ
sĩ) muốn lập một trường nữ nhi nhằm đào tạo ra các cô gái mới có tư cách cứng cỏi, cao
thượng như con gái Âu Mỹ, để thoát khỏi thân phận bị rẻ rúng, coi khinh trong xã hội. Cô xác
định: “Chị em chúng tôi chuyên lo mở đường tấn hóa cho phụ nữ về phương diện xã hội. Chị
em chúng tôi tranh đấu đặng giành lại cho phụ nữ một chỗ đứng dưới mặt trời cũng bằng chỗ

của nam nhi vậy, ức vì xưa nay nam nhi choán hết chỗ mà đứng, bắt phụ nữ phải núp dưới
cánh tay, hoặc trong vạt áo hoài” [4]. Cô Tân Phong và các bạn cùng chí hướng thành lập tờ
báo “Tân Phụ Nữ”, yêu cầu nam nữ bình quyền, công kích hủ tục hôn nhân, lại tích cực cổ
động mấy bà, mấy cô có điều kiện thành lập Bình dân Bảo sanh đường để cho đàn bà nghèo
đến lúc sinh con được hưởng sự chăm sóc ân cần, đúng phép vệ sinh. Cả tòa báo và nhà sanh
đều nhận được sự tán thưởng, hoan nghênh của dư luận xã hội. Thành công của Tân Phong là
biểu hiện sự thắng lợi bước đầu của ý thức cá nhân trong con người Nam Bộ “tiền hiện đại”.
Trước bức tranh hiện thực còn nghèo nàn lạc hậu ở Nam Bộ vào đầu thế kỉ XX, Hồ Biểu
Chánh gửi gắm kì vọng thay đổi xã hội vào một số thanh niên Tây học có tài năng, có nhiệt
huyết. Họ muốn làm việc hữu ích cho xã hội. Sau bảy năm học tập ở Pháp, Xuân (Ý và tình)
nhận bằng bác vật canh nông trở về quê hương. Chàng không vội lập gia thất mà tính chuyện
“sẽ cổ động cho điền chủ trong Nam Việt hiệp cùng moa mà cải lương nông nghiệp, làm
ruộng theo phương pháp văn minh đặng giúp cho dân mình từ điền chủ tới nông dân đều
được giàu có chớ nước mình có ruộng đất phì nhiêu, mà không giàu mạnh như thiên hạ thì
tức quá” [4]. Nhưng vì bồng bột, ảo tưởng, nóng vội nên suốt mấy tháng trời nhọc công viết
sách, tốn tiền mượn báo chí cổ động mà Xuân không thu được kết quả nào. Thất vọng song
chàng không thối chí. Xuân xác định ngay từ đầu mục đích của việc du học là “muốn có cái
học thức văn minh hoàn toàn của Âu Mỹ, đặng đem gieo rải vào xã hội mình” [4] nên bằng
cách này hay cách khác chàng phải dùng học thức đó mà khai hóa đồng bào, đổi thay xã hội.
Con người Nam Bộ “tiền hiện đại” cũng luôn ý thức vai trò của cá nhân đối với sự phát triển
xã hội. Lớn lên từ nghèo khó, thành đạt nhờ sự vun trồng của gia đình, làng xóm, quan Kinh
lí (Con nhà nghèo) hiểu hơn ai hết thực tế: “ăn lương nhà nước, song tiền đó là tiền của dân.
Làm quan mà cầm câu đặng chờ ngày lãnh lương thì có tội với dân chớ” [4]. Bởi vậy khi con
gái chợ Giồng ve vãn, bà Hương bộ Bảy hối lộ 200 đồng bạc, quan Kinh lí nhất mực khước
từ. Ông muốn làm trọn nghĩa vụ với nước, bổn phận với dân. Con người bước đầu ý thức về
bản ngã trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không chịu giam mình trong cuộc sống ngột ngạt,
tù túng sau lũy tre làng. Họ ham học hỏi cái mới, cái hiện đại, thích phiêu lưu, trải nghiệm ở
những xứ sở, chân trời xa lạ, chờ đợi cơ hội nâng cao dân trí, cải cách xã hội. Vượt lên khổ
đau của một nữ nhi thường tình, Thu Hà (Khóc thầm) xin với cha đi du học ít năm, mở rộng
kiến thức, tập luyện tài nghệ, “nguyện chừng con học thành công rồi con trở về, con sẽ làm

đàn ông mà lo việc khai hoá. Ðược như vậy thì sự sống của con mới có mục đích, họa may
con mới hết buồn rầu được” [4]. Tất cả những suy nghĩ, lời nói, hành động của Xuân, quan
Kinh lí, hay của Thu Hà cho thấy Hồ Biểu Chánh còn có cái nhìn ảo tưởng, giản đơn về cuộc
đời nói chung và công cuộc đổi thay xã hội nói riêng. Nhưng ít nhiều các nhân vật đó đã thổi
vào tác phẩm của Hồ Biểu Chánh một luồng sinh khí khỏe khoắn, mới lạ, đem đến cho văn
học Việt Nam đầu thế kỉ XX một phương diện độc đáo của cái tôi cá nhân.
2.2.2. Con người khao khát hạnh phúc cá nhân
Sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã tạo ra bước ngoặt lớn trong tâm hồn con người
Việt Nam. Một mặt họ vẫn hoàn thành bổn phận với gia đình, làm tròn trách nhiệm với xã
hội; mặt khác họ muốn sống cho riêng mình, thỏa mãn những khát khao thầm kín, đạt được
hạnh phúc cá nhân. Nhân vật của Hồ Biểu Chánh - những con người Nam Bộ sống phóng
khoáng, cởi mở, bộc trực và dễ thích nghi - càng cháy bỏng mong ước được giải phóng cái tôi
hơn hết thảy.
Con người Nam Bộ “tiền hiện đại” quan niệm hạnh phúc cá nhân trước hết là được tận
hưởng những cảm giác dịu ngọt, êm đềm trong tình yêu đôi lứa. Nếu trước đây, nhân vật ở
các tác phẩm văn học thường không có quyền định đoạt chuyện riêng tư, phải tuân theo sự
sắp đặt của cha mẹ, chịu ràng buộc của các mối quan hệ phức tạp thì con người trong tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh bước đầu kiên trì mà mãnh liệt đấu tranh giành tự do cho đời sống tình
cảm. Chỉ là những kẻ bần cùng của xã hội nhưng anh Cu và thị Lựu (Con nhà nghèo) đã có
những hành động quyết liệt theo sự mách bảo của trái tim. Thị Lựu trước sau khẳng định với
anh chị: “nếu em phải lấy chồng, em chỉ ưng anh Cu mà thôi, chớ em không ưng ai khác” vì
“em coi anh Cu có tình mà lại có nghĩa nữa”. Còn anh Cu một lòng một dạ: “Từ hồi đó đến
giờ tôi thề không cưới vợ. Có cưới thì cưới cô Tư mà không được thì thôi” [4]. Lạc thú yêu
thương mà vợ chồng anh Cu và thị Lựu đạt được thật đáng để cho mọi người phải ngưỡng
mộ: họ chăm chỉ làm ăn tạo dựng nên cơ ngơi khang trang; gia đình thuận hòa, yên ấm, con
cái hiếu thảo, thành đạt. Hấp thụ nền giáo dục phương Tây, Hải Đường (Đóa hoa tàn) trọng
tình hơn tiết. Không màng danh lợi, chàng nhất mực muốn sống cùng Túy Nga, người mà
chàng đã yêu thương, giận hờn, chờ đợi gần mười năm trường. Vượt lên quan niệm cổ hủ:
“Liệt nữ vô nhị giá”, xóa bỏ mặc cảm mình là bông hoa rữa nát, Túy Nga trân trọng đón nhận
tình cảm của người đàn ông mà trời đất đã ban tặng cho nàng sau bao khổ ải, cay đắng.

Có được hạnh phúc cho riêng mình, một số nhân vật của Hồ Biểu Chánh đã để cho ham
muốn bản năng lấn át lí trí tỉnh táo và biến mình thành người sống ích kỉ, sa đọa. Cô Đằng
(Dây oan) thương thầy Nhãn mà không được gần, nên tìm mọi cách trốn chồng để đến với
nhân tình. Cô bất cần, liều lĩnh: “Cái hình của chồng em phải tiêu mất thì đôi ta mới vui vẻ
mà hưởng hạnh phúc sum vầy được. Em nhứt định ở luôn trên nầy với anh, không thèm về
Ngã Tư nữa. Chồng của em muốn làm sao thì làm, thiên hạ cười chê mặc kệ họ, miễn là đôi
ta phỉ tình thì thôi. Hễ anh thương em thì em không kể việc gì hết” [4]. Tình yêu làm cô Đằng
mờ mắt, quên hết chuyện phải trái, không lường trước sau, ra tay giết chồng, để cả đời oan
nghiệt. Thầy Bính (Lời thề trước miễu) không thỏa mãn với hạnh phúc đơn sơ, giản dị bên
người vợ hiền hậu và những đứa con thơ ngây, say mê người đàn bà trẻ đẹp, tiêu xài hoang
phí đến mức thâm thụt của hãng một số tiền lớn. May mắn là thầy đã tỉnh ngộ, lại nhận được
sự bao dung, tha thứ của vợ con nên bản thân thoát cảnh tù tội, gia đình vẫn bền vững, ấm
êm. Bên cạnh đó, Thuần và Vân (Đoạn tình) - một người là chồng bạn, một người là bạn vợ -
nảy sinh tình tri âm, tri kỉ. Có những lúc tưởng như họ muốn phó mặc cuộc đời cho biển tình
lai láng. Nhưng bổn phận và danh dự đã giúp họ vượt qua được những giây phút yếu mềm
của bản thân, vun đắp cho hạnh phúc chung. Như vậy, con người Nam Bộ trong tác phẩm của
Hồ Biểu Chánh nếu biết sống “theo bản ngã trong chừng mực nhất định” và “không quên
chức năng phận vị” thì sẽ là “con người lí tưởng nhất” [3]. Đây là quan niệm dung hòa giữa
cái tôi và cái ta của nhà văn và phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ
XX.
Hạnh phúc cá nhân đối với con người Nam Bộ “tiền hiện đại” còn là được sống thật với
con người mình, không bon chen với cuộc đời đầy thị phi, nhiều ngang trái. Một mình Bá Kì
(Tiền bạc bạc tiền) chọn cho mình một lối đi riêng trái ngược với các thành viên khác trong
gia đình. Nếu ba ham tranh cử Hội đồng Quản hạt, mẹ ham giàu, chị ham chơi thì Bá Kì lại
nhất quyết ra Hà Nội học, sống cuộc đời tự lập mà tự chủ, khước từ mọi sự giúp đỡ của gia
đình về tiền bạc, dửng dưng trước khối tài sản được thừa kế. Chàng tìm sự hân hoan trong
công việc, niềm vui sướng trong tình tri kỉ với người bạn học Hiếu Liêm, và hạnh phúc khi
được lo lắng cho cô em gái có tâm hồn nhân hậu, trong sáng. Bá Kì đủ bản lĩnh để sống đúng
lí tưởng mình theo đuổi, đủ thấu suốt để coi mọi thứ danh lợi là hư vô. Trong khi người cha
yêu thích cảnh “Ngoài hiên vườn trúc thướt tha. Ngăn chừng xe ngựa, vẹt xa phong trần”,

hứng thú với cuộc sống “Thấp cao mình biết lấy mình. Non xanh, nước bích, chung tình năm
canh. Mặc ai trục lợi trục danh” thì cô con gái - Thanh Nguyên (Tại tôi) - lại tâm đắc với suy
nghĩ: “Mối chung đỉnh nên tầm mà hưởng. Thú cao sang há nhượng cho ai. Phải vui cười,
phải nhẩy bay. Phải vui với tục, phải say với tình” [4]. Mỗi người một quan niệm sống và họ
tôn trọng tự do của người khác. Chính nhà văn Hồ Biểu Chánh, trong các tiểu thuyết của
mình, đã hơn một lần đề cập đến chuyện khi nuôi dưỡng thế hệ sau cần quan tâm tạo điều
kiện cho trí các em được tự do, không chịu bất cứ sự kìm ép nào. Những cô Cúc (Hai khối
tình), cô Đào, cô Lí (Chị Đào, chị Lí) hay huynh Huệ Minh (Hạnh phúc lối nào) là những con
người tìm được hạnh phúc trong cuộc đời bởi can đảm sống đúng như những gì mình mong
muốn. Ở tác phẩm Đóa hoa tàn, nhân vật Túy Nga sau thương tổn, mất mát đã thức nhận:
“bởi vì hạnh phúc mà có, là nhờ mình không hổ với bụng mình, không thẹn với thiên hạ, nhờ
gia đình hòa thuận, nhờ tánh khí cao thượng” [4]. Bước đầu có ý thức về bản ngã, con người
Nam Bộ “tiền hiện đại” nhận diện được đau khổ do chính lòng tham, nỗi oán hận, sự ảo
tưởng của mình tạo ra. Cô Ba Có (Nợ đời) đã mượn tay Hai Phục để trả thù thói đời đen bạc
nhưng rồi thêm chua xót vì thấy mình toàn tạo ác nghiệt. Cô Hai Phục thì giận mình ngu dại,
mê cái tình xứng đôi vừa lứa, say cái mùi nghĩa cũ duyên xưa để đến nỗi bẽ bàng, tủi hổ vì
trắng tay. Cha mẹ thầy thông Phong (Thầy thông ngôn) chứng kiến bi kịch cuộc đời con trai,
từ lúc phụ tình cô Hai Liền, lường gạt cô Sáu Lí, lấy vợ giàu sang nhằm tranh danh trục lợi
đến khi vợ thầy ngoại tình bị đâm chết, con thầy nhỏ dại, bơ vơ, bản thân thầy ốm đau mà
qua đời đã ân hận, dằn vặt: “Cũng tại nơi mình bắt chước thói đời, có con lại dạy dỗ nó lại tập
cho nó quen tánh ham giàu sang, bội tình bội nghĩa, nên bây giờ nó phải chết về cái tánh ấy,
nghĩ chẳng lạ gì. Nay nó để lại cho mình chút con trai đây, thôi mình ráng nuôi dưỡng dạy dỗ
nó, mà bà đừng có dạy nó như thằng cha nó nữa, nghe hôn” [4]. Con người Nam Bộ “tiền hiện
đại” trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không che giấu toan tính, dám sống thật với tham vọng và
khi ý thức được nỗi khổ do mình tạo nghiệp đã luôn tự vấn lương tâm. Đây cũng là nét mới trong
tính cách nhân vật văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX.
Vậy là, với mong muốn thể hiện khả năng của bản thân, khao khát hạnh phúc cá nhân,
tuy vẫn ít nhiều bị chi phối bởi dục vọng tầm thường, con người Nam Bộ “tiền hiện đại”
trong sáng tác Hồ Biểu Chánh đã bước đầu ý thức về bản ngã, tạo ra sức hấp dẫn độc giả và
góp phần khẳng định vị trí của Hồ Biểu Chánh trong văn học Nam Bộ thế kỉ XX.

3. KẾT LUẬN
Tóm lại, gắn bó và tự hào về quê hương Nam Bộ, Hồ Biểu Chánh đã dồn hết tài năng
văn chương và tâm huyết của một trí thức được hấp thụ hai nền giáo dục, văn hóa Đông -
Tây, tân - cổ để khắc họa sắc nét, đa dạng và thành công con người Nam Bộ “tiền hiện đại”:
luôn trân trọng, giữ gìn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, bền vững của cha ông nhưng
không bảo thủ, làm ngơ trước sự trỗi dậy của cái tôi cá nhân; giúp độc giả có được cái nhìn
toàn diện, đa chiều về con người Nam Bộ ở một thời kì nhất định trong lịch sử hơn 300 năm
hình thành và phát triển miền đất mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, H., 2002.
2. Vũ Ngọc Phan, Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung), In trong Hồ Biểu Chánh người mở
đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb Văn nghệ, H., 2006.
3. Huỳnh Thị Lan Phương, 2011, Sự kế thừa và đổi mới quan niệm về con người trong tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh, đăng trên tạp chí Khoa học số 17b, Trường Đại học Cần Thơ,
tr.16-27. 2001.
4.
“PREMODERN” PEOPLE OF THE SOUTH IN THE WORKS BY
HO BIEU CHANH
Pham Thi Thu Thuy
Abstract: Living and writing during a great deal of fluctuations arising in all social fields in
the south and being proud of their homeland south, Ho Bieu Chanh put all his literary talent
and dedication of an intellectual absorbed both of education and culture of East and West,
traditional and modern values to portray successfully the fingure of the Southern “pre-
modern” people. They always protect and maintain good moral qualities but not being
conservative and ignoring the rise of the personal ego. That helps readers gain an over view
from different directions about the people in the south in each period of the history over 300
years of establising and developing the new land.

×