Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Chủ đề gia đình trong truyện ngắn xuân quỳnh viết cho thiếu nhi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (188.8 KB, 6 trang )

CHỦ ĐỀ GIA ĐÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN XUÂN QUỲNH
VIẾT CHO THIẾU NHI
Nguyễn Thị Hoài Thu
1
, Hoàng Thị Thanh Tâm
1
Tóm tắt: Đời sống gia đình là chủ đề Xuân Quỳnh thường quan tâm trong sáng tác cho thiếu
nhi. Bài viết phân tích những biểu hiện tình cảm ấm áp thân thương của các nhân vật trong
các mối quan hệ của gia đình: tình cảm ông bà và cháu, cha mẹ và các con, anh chị em… Từ
những câu chuyện cảm động đó, ẩn chứa, thấm thía triết lí sống sâu sắc của dân gian, bài
học làm người.

1. MỞ ĐẦU
Truyện ngắn Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi thường khai thác một số chủ đề quen thuộc
như: gia đình, tình bạn, tình thầy trò, tình cảm với cộng đồng thân ái. Những mối quan hệ
phổ biến, thường nhật đó làm nên đời sống tinh thần phong phú của mỗi cá nhân, góp phần
tạo dựng nhân cách con người. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung vào chủ đề
gia đình. Ở đó, nhân vật nhỏ tuổi sẽ được trải qua những câu chuyện buồn vui, những nhận
thức về đạo lí sống đối với các bậc sinh thành để các em biết qúi trọng mái ấm của mình. Tư
liệu chính để bài viết khảo sát là các tập truyện: Bầu trời trong quả trứng [1] (phấn truyện),
Chú gấu trong vòng đu quay

[2]. Trong các thiên truyện Bà tôi, Ông nội, ông ngoại, Cá chuối
con, Quà tặng của chú hề, Bến tàu trong thành phố, Bạn Lộc, Tìm bố… những tình cảm gia
đình được biểu hiện qua nhiều sắc thái.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Tình cảm ấm áp giữa tình cảm ông bà và những đứa cháu
Trong các truyện ngắn Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi, hai nhân vật xuất hiện nhiều là trẻ
thơ và người già. Và dĩ nhiên, trong gia đình là ông bà và các cháu. Tình cảm giữa ông bà đối
với con cháu; giữa cháu đối với ông bà thường được Xuân Quỳnh thể hiện như một cặp “tri
âm, tri kỉ”, “một cặp bài trùng”. Mỗi thành viên có một cách biểu hiện tình cảm khác nhau.


Tình cảm có thể được biểu hiện qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, lời nói, hành động. Bao trùm
lên những sáng tác ấy vẫn là tình yêu thương, sự vị tha nhân hậu của ông bà dành cho con
cháu hoặc các cháu yêu quý, kính trọng ông bà của mình.
Tìm hiểu câu chuyện của bà cháu bé Minh (Bà tôi), ta sẽ thấy được điều đó. Người bà
được khắc họa mang những phẩm chất người phụ nữ truyền thống: lam làm, vị tha, giàu đức
nhường nhịn, hi sinh. Tấm lòng yêu thương ân cần chăm sóc những người trong gia đình của
bà được thể hiện trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Những tình cảm vị tha ấy được đứa cháu cảm
nhận thật sâu sắc qua cung cách bà xới cơm cho cả nhà khi dùng bữa. Hãy dừng lại đôi chút

1
ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2
trong cảnh sinh hoạt thường ngày của gia đình họ: “Bữa ăn bà thường ngồi đầu nồi, lấy đũa
cả đánh tơi cơm rồi xới. Bà xới cho bà bát cơm trên, sau mới xới cho cả nhà và cho tôi. Khi
ăn, bao giờ bà cũng ăn sau. Mùa hè bà bảo bà phải quạt một lúc cho mát, mùa rét thì bà bảo
bà phải nghỉ cho đỡ mệt rồi bà mới ăn. Bà ăn rất ít, thường thì chỉ hai lưng, một lưng cơm,
một miếng cháy. Trong lúc ăn, bà hay để ý đến tôi, nếu tôi có vẻ thích ăn món gì thì bà lại ít
ăn món ấy. Có khi bà cần chan một ít nước dưa hoặc cần ăn với một vài quả cà pháo là xong
bữa”

[1, tr.94]. Đoạn văn ít câu chữ vậy thôi nhưng cứ gợi cho ta một điều gì ái ngại, day dứt
thương thương trong lòng. Hạnh phúc của người già là được nhường nhịn cho con cháu. Tình
thương yêu của người bà còn được đứa cháu cảm nhận cả trong dáng vẻ khi bà ngủ “Suốt
những năm thơ ấu, tôi thường ngủ cạnh bà. Tôi còn nhớ bà nằm rất ít chỗ, có khi bà chỉ nằm
nghiêng suốt đêm bên lề cái phản hẹp còn tôi thì vùng vẫy, xoay xở gần hết cả phần”

[1,
tr.94]. Không chỉ lo ăn, lo ngủ cho con, cho cháu được no, được ngon giấc, bà còn đem lại
cho con cháu niềm vui tinh thần. Nhân vật “tôi” - người cháu đã được bà đem đến cho bao
câu chuyện từ trong sách vở, từ trong cuộc đời bà từng trải với bao nỗi vui buồn: “Ngoài giờ
đi học thì lúc nào hai bà cháu cũng ở bên nhau, bà kể cho Minh các chuyện, từ chuyện ngày

xưa đến chuyện bây giờ” [1, tr.95].
Truyện Bà tôi còn lắng đọng triết lí sống của dân gian bao đời nay: “nước mắt chảy
xuôi”. Dù con cháu có thất lễ, có xộc xệch trong ăn nói, đối xử thế nào, người già vẫn không
thể không yêu thương nhớ nhung con cháu. Bị con cái cãi lại, bất hòa, người bà bỏ nhà ra đi,
tự mưu sinh ở nơi sân ga, bến bãi mà vẫn cứ trở về thăm con thăm cháu. Bà vẫn nhớ đem về
đồng quà tấm bánh cho con trẻ. Người bà ấy vẫn đau đáu nỗi lòng làm cha mẹ, ông bà.
Cũng trong truyện Bà tôi, tình cảm bà cháu còn được tác giả miêu tả khi một già, một trẻ
giúp đỡ nhau trong công việc. Cháu dọn dẹp nhà cửa và bếp núc giúp bà. Tình cảm bà cháu
quấn quýt chính là lúc họ bên nhau trong công việc thường ngày như thế “Suốt những năm ấu
thơ, tôi thường ngủ cạnh bà” và “Hàng ngày chỉ có tôi và bà tôi là ở gần nhau và hay chuyện
trò với nhau nhiều nhất. Tôi đi học một buổi, về lại quanh quẩn nhặt rau, lấy muối giúp bà,
xâu kim cho bà vá quần áo”

[1, tr.95] . Sự gắn bó của tình cảm ông/bà và cháu còn được thể
hiện sâu sắc qua những cơn sóng gió của gia đình. Trong những lần giông bão đó, người già
thường bị tổn thương. Xoa dịu nỗi đau, làm ấm lòng ông/bà, không ai khác, chính là đứa cháu
yêu thương. Bố mẹ Minh đã cư xử không phải với bậc sinh thành, khiến bà nội bỏ nhà ra đi.
Biết rõ hành xử thất lễ đó của bố mẹ mình, Minh đã phân tích cho họ hiểu và nhận ra lỗi lầm.
Đoạn kết của truyện khá đẹp. Minh quyết định nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ và bắt bố mẹ
phải đi đón bà về. Đây chính là tình cảm ruột thịt được bộc lộ sâu sắc. Đó cũng là điều quý
giá đứa cháu nhỏ có thể làm cho bà nó. Đó cũng chính là tình cảm đáng quý nhất mà người
bà đã nhận được. Quãng đời còn lại của người già sẽ ấm áp biết bao khi có những đứa cháu
hiếu thảo, yêu quý như nhân vật “tôi” trong câu chuyện.
Ở một sáng tác khác, Xuân Quỳnh cũng diễn tả tình cảm giữa người già với con cháu
không kém phần cảm động. Đó là truyện Ông nội ông ngoại. Người ông nội yêu quý đứa
cháu đích tôn của mình bằng cách luôn chăm bẵm, gần gũi. “Ông nội lúc nào cũng gần gũi
Minh. Những buổi tối uống trà, ông ôm Minh ngồi trên lòng và kể cho Minh bao nhiêu là
chuyện” [1, tr.74].

Dĩ nhiên, đối với con trẻ, tình yêu của người lớn dành cho chúng không

thể thiếu những món quà. Ông nội của Minh hiểu sự chờ đợi đó của đứa cháu bé bỏng nên
“cứ mỗi lần đi công tác về, ông lại mua cho Minh bao nhiêu thứ: kẹo, bánh, đồ chơi, có khi
ông còn nhặt cho Minh cả những vỏ ốc biển nữa”
.
[1, tr.75]. Đáp lại tấm lòng của ông, Minh
cũng yêu quý ông nội vô cùng. Tình cảm đó giống như liều thuốc bổ khiến cho ông thấy
không thấy mệt mỏi sau những ngày đi công tác xa mà ông còn thấy khỏe mạnh hơn.
Minh không chỉ có ông nội mà em còn có ông ngoại. Vì sống ở xa trong miền Nam,
không may mắn được ở gần chăm sóc con cháu như ông nội nhưng ông ngoại của bé Minh
(Ông nội, ông ngoại) vẫn thể hiện tình cảm gắn bó với con cháu. Ông luôn nhớ và nghĩ đến
người con gái và đứa cháu ngoại của mình dù ông chưa một lần gặp mặt. Chuyến đi thăm ông
ngoại của mẹ con Minh là câu chuyện vô cùng cảm động. Truyện có khá nhiều chi tiết khiến
người đọc rưng rưng. Cảm động bởi vì, họ là những người ruột thịt mà trong bao năm họ phải
sống cách biệt; cảm động vì con gái gặp lại cha, cháu gặp ông trong khung cảnh thanh bần,
nghèo khó cô đơn của người già giữa một đô thị náo nhiệt. Cuộc sống bần khó của ông ngoại
Minh hiện hữu thật rõ qua tất cả dáng vẻ của con người ông, của đồ đạc, của gian phòng cũ
kĩ… nơi ông sống. Ông của Minh “tóc bạc phơ, người gầy đét, lòng khòng… trông ông mỏng
manh như một cái bóng chứ không phải là người thật”

[1, tr.79]. Nơi ông nằm ngủ chỉ có
miếng đệm mút lại hẹp và mỏng chỉ trải đủ một người nằm. Cái gối đầu của ông chỉ là “một
bọc quần áo rách”. “Chăn màn của ông vàng khè và hôi lắm”

[1, tr.81]. Đặc biệt là cái đồ
chơi ông để dành cho Minh tự bao giờ cũng đã khoác lớp bụi thời gian rất dày. Đó là một
chiếc xe gíp “quá cũ rồi, lắm chỗ đã bong lớp mạ trắng và bắt đầu rỉ”. Trước mắt con trẻ, thế
giới của ông ngoại thật là chán ngắt và buồn tẻ. Ông cho Minh đi chơi nhưng “không có kem
ăn, ông chỉ loanh quanh ngoài phố rồi về”… Người nghèo chỉ biết yêu thương con cháu bằng
tấm lòng và những cử chỉ ân cần. Ông ngoại của Minh đã là người như thế. Bữa ăn, ông gắp
thức ăn thịt cá cho Minh còn ông ăn cà muối. Minh khát, ông lấy nước cho Minh uống, ông

nhường chỗ ngủ cho Minh, ông dẫn Minh đi dạo phố để khoe với mọi người. Ông có vật quý
giá nhất là chiếc bút máy pi ốt ông cũng tặng cho Minh. Ông nghèo quá không thể có tiền
mua kem cho Minh, không có tiền mua đồ chơi mới cho đứa cháu của mình…
Cái nghèo đã khiến đứa cháu ban đầu hiểu lầm ông. Thế rồi, kết thúc truyện, đứa cháu đã
nhận ra tấm lòng vàng của người già dành cho con trẻ yêu thương. Những giọt nước mắt của
con trẻ, những nỗi buồn thương ông ngoại cô đơn nghèo túng của bé Minh là món quà quý
giá tặng cho ông ngoại của mình giữa quãng đời hiu hắt. Truyện khiến ta rưng rưng thương
cảm một con người, rưng rưng bởi tình cảm hiếu thảo con cháu dành cho cha mẹ, ông bà.
Chi tiết cuối truyện là hình ảnh Minh rúc đầu vào lòng mẹ và khóc thút thít. Hình ảnh đó
cho thấy Minh thực sự là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo, giàu tình cảm.
2.2. Tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái
Cha mẹ là những bậc sinh thành. Cha mẹ cho ta cuộc sồng để ta có mặt trên thế gian này.
Cha mẹ cũng nuôi dạy ta lớn khôn… Dẫu nói bao câu chữ cũng là không cùng khi diễn tả
công lao và tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái.
Trong các sáng tác của Xuân Quỳnh, tình cảm mẹ con bao giờ cũng được tác giả quan
tâm đặc biệt. Tình cảm mẹ con ấy được tác giả diễn tả thông qua tấm lòng vị tha, đức hi sinh
cao cả của những người mẹ. Chẳng hạn, trong truyện ngắn (Cá chuối con). Thiên đồng thoại
này có hai tình huống đặt nhân vật vào sự thử thách để thấy rõ nét đức hi sinh cao cả của cá
mẹ. Tình huống thứ nhất là, khi trời nắng gắt, cá chuối mẹ phải nằm phơi mình dưới làn nước
ao nóng bỏng, bất chấp sự nguy hiểm để kiếm mồi về cho đàn con. Nhưng khi mang đồ ăn về
cho các con ăn thì cá chuối út đi chơi đâu đó nên không được ăn. Tình huống thứ hai lại xuất
hiện - thương con cá út, chuối mẹ một lần nữa mạo hiểm tiến về phía bờ ao kiếm mồi lần thứ
nữa. Dù biết sẽ gặp nguy hiểm nhưng vì thương con đói, mà mẹ vẫn mạo hiểm để dấn thân.
Chính lần đó, chuối mẹ phải nằm phơi người “giả chết” ở bờ ao để dụ đàn kiến. Cá mẹ bị một
con mèo vồ suýt chết. Nó bị thương nặng. Như vậy, chỉ có tình yêu con, thương con rất lớn,
mẹ đã vượt qua tất cả. Đồng thoại này khiến ta liên tưởng đến người mẹ khốn khổ trong
Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Ở đó, người đàn bà tự nguyện đem thân xác
của mình ra cho người chồng vũ phu đánh tới tấp những trận roi đòn. Sự kì quặc “quái gở” ấy
của người đàn bà kia chỉ đổi lấy một điều giản dị, đó là: để các con của mình được ăn no. Thế
mới biết, dù là ở đâu, ở cây bút nào, viết về tình mẫu tử, nhà văn cũng thấu hiểu tấm lòng hi

sinh, nhẫn nại của người mẹ vì con.
Tình cảm của mẹ dành cho con còn được tác giả miêu tả thông qua một số nhân vật khác
như tình cảm của mẹ dành cho Trang (Quà tặng chú hề). Mẹ rất yêu quý Trang, luôn chiều
theo suy nghĩ bé bỏng của con gái mình. Mẹ thấy Trang buồn vì thương chú Hề thì mẹ “âu
yếm nhìn Trang rồi gật đầu” và mẹ tìm cách động viên Trang: “chú hề tài thế, vui tính thế, ai
mà giận chú ấy lâu được”. Thực ra, mẹ biết rằng, chú hề không buồn và cô gái kia cũng là
một diễn viên của rạp xiếc. Mẹ đã không nói rõ điều đó với Trang bởi mẹ sợ sự thực đơn giản
và vui vẻ kia sẽ làm mất đi cái cảm xúc tốt đẹp và giàu có trong tâm hồn trong sáng của con
trẻ. Người mẹ thường lấy niềm vui của con trẻ làm niềm hạnh phúc cho mình. Mẹ Trang
cũng vậy. Bà là người hiểu tâm lí của trẻ thơ và biết vun đắp tình cảm cho con. Mẹ đã chiều
con gái nhỏ của mình bằng cách chủ động làm quen với chú hề, vì mẹ biết Trang thích điều
đó “nhìn vẻ tần ngần của Trang mẹ cũng biết …”. Mẹ còn mua cả bóng bay để cho Trang
biếu người diễn viên đó.
Người mẹ trong những trang văn của Xuân Quỳnh dường như luôn lấy sự hi sinh, niềm
vui của con làm hạnh phúc cho mình. Mẹ của bé Huệ (Ngày mai con sẽ ngoan) tuy bị ốm
nhưng vẫn cố gắng chăm sóc Huệ: “Mấy hôm nay mẹ ốm, mẹ không đi làm được nhưng mẹ
vẫn cố gượng dậy xách nước nấu cơm cho Huệ ăn” [2, tr.28]. Trong mắt mẹ, những đứa con
luôn bé bỏng. Mẹ cũng nhìn Huệ như thế. Lúc nào với mẹ, Huệ cũng còn nhỏ. Hoàn cảnh gia
đình neo, bố Huệ đi công tác vắng nhà, vì vậy mẹ phải gánh vác tất cả công việc. “Bố cháu đi
công tác xa - mẹ phân trần - nhà chỉ có một mẹ, một con, cháu nó còn nhỏ quá, mình nghỉ
ngơi làm sao được!”

[2, tr.28] .Cũng chính vì mẹ thương Huệ nên mẹ luôn chiều và không bắt
Huệ làm bất cứ việc gì.
Tình cảm của Huệ đáp lại tình mẹ được diễn tả qua một tình huống: mẹ Huệ ốm không ai
cơm cháo giúp gia đình. Là đứa con 8 tuổi, Huệ đã tự tay nấu cháo chăm sóc mẹ. Tình yêu
thương của con trẻ đã lớn dần theo ý nghĩ. Huệ đã tập nấu cơm. Em sợ khi ốm mẹ phải làm,
nỡ mẹ không dậy nữa thì “không có mẹ nữa”. Chi tiết nồi cơm chín dẻo do tự tay bé Huệ nấu
thật có ý nghĩa biết bao. Niềm vui của Huệ là niềm vui đã làm được việc có ích giúp đỡ mẹ.
Em đã ngoan, đã biết nghĩ đến người mẹ yêu thương của mình. Còn mẹ khi được ăn bát cháo

do chính tay Huệ nấu, mẹ đã vui mừng đến mức “mẹ vừa ăn bát cháo vừa cười dàn dụa cả
nước mắt”. Mẹ cảm thấy hạnh phúc vô cùng, mẹ thấy Huệ đã biết lo lắng cho mẹ, biết chăm
sóc cho người khác. Vì mẹ là người chăm sóc, nuôi dưỡng và dõi theo sự phát triển của con
nên thấy con đã trưởng thành, mẹ xúc động lắm. Đấy là một sự tiến bộ vượt bậc trong suy
nghĩ và hành động mà đến Huệ cũng cảm thấy bất ngờ. Tình yêu đem đến cho con người
những niềm vui bất ngờ. Mẹ con Huệ có niềm vui như thế.
Chuyện Tìm bố lại diễn tả một hoàn cảnh éo le của một người mẹ sống trong day dứt bởi
lỗi lầm thời xuân trẻ. Mẹ của Thân đã ly hôn với bố Thân rồi lấy người đàn ông khác. Sống
với dượng, Thân không tìm thấy sự bao dung, độ lượng. Điều đó khiến mẹ Thân càng buồn
khổ. Vì yêu thương con của mình, mẹ dành rất nhiều tình cảm cho Thân. Dường như để bù
đắp nỗi thiếu vắng người cha; rồi mẹ lại đứng ra bảo vệ Thân khi bị bố dượng quát mắng
“Cho con nó vẽ một chút. Nó nghịch ngợm hư hỏng gì đâu mà khó chịu”. Sau đó, mẹ lại
quyết định ly hôn với người chồng mới để cho con mình đỡ khổ. Mẹ của Thân đã hi sinh
thầm lặng, yêu thương con và luôn mong muốn điều tốt nhất cho con, luôn chờ mong có một
gia đình hạnh phúc.
Có một thứ tình cảm dù rất sâu sắc nhưng ít khi được thể hiện ra bên ngoài để mọi người
có thể nhận thấy, đó là tình cảm bố - con. Tuy nhiên, dưới ngòi bút của Xuân Quỳnh dường
như tình cảm này càng được thể hiện rõ hơn trong truyện ngắn Tìm bố. Thân là một cậu bé 9
tuổi đã biết phân biệt yêu ghét rõ ràng và luôn hướng về tình cảm gia đình. Thân có một tình
yêu đối với bố Hải kì lạ. Dù đó không phải là bố ruột của Thân. Em luôn muốn gọi cả tên bố
để phân biệt với bố các bạn khác. Đến khi mẹ và bố chia tay rồi nhưng trong suy nghĩ của em
lúc nào cũng vẫn có người cha đó. Tình cảm của Thân không chỉ dành riêng cho bố Hải mà
Thân còn rất yêu mẹ của mình. Tình cảm của Thân dành cho mẹ càng được thể hiện rõ hơn
khi mẹ tái hôn với người đàn ông tên Thành. Thân luôn theo dõi các hành động, cử chỉ của
bác Thành đối với mẹ để so sánh người đàn ông này với bố Hải. Thân ghét người bố dượng
ấy vì tính quá cẩn thận, dè xẻn trong chi tiêu sinh hoạt. Em yêu mẹ nên ghét bố dượng khi
ông chê bai mẹ mình.
Cảm động nhất là chi tiết ở cuối truyện, khi Thân gặp được bố Hải của mình. Thân cảm
thấy vô cùng hối hận vì tại mình mà mẹ phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Cậu bé đã tự nhủ mình
sẽ sửa khuyết điểm. “Bác Thành có đánh mắng con, con cũng chịu được hết, chỉ cần được ở

gần mẹ …”. Tình cảm của Thân dành cho mẹ thật lớn. Em bé 9 tuổi nói được những lời như
vậy khiến người lớn phải ngỡ ngàng.
Ta còn được chứng kiến tình cảm cha con trong truyện ngắn “Cái cặp tóc”. Bình thường,
chăm chút con gái là chuyện của mẹ nhưng vì mẹ mất sớm nên người cha đã luôn yêu thương
chiều chuộng con gái của mình như một người mẹ chăm chút con. Bố để con gái nuôi tóc dài;
bố mua cặp tóc cho con, chăm sóc mái tóc cho con gái mình. “Đến phiên chợ huyện, bố đi
mua ngay cho tôi một cái cặp tóc”. Rồi, “mỗi buổi sáng, bố tôi lại chải tóc cho tôi… đằng
sau gá” [2, tr.36]. Trái tim yêu thương đã khiến bàn tay người bố dịu dàng đến vậy. Tình cảm
người bố dành cho con gái được diễn tả cảm động khi ông bị bọn giặc bắt bớ tù tội giam cầm
vì ông là cộng sản. Bố con họ gặp nhau nơi nhà tù thật thương cảm “vừa thoáng thấy tôi… bố
đã ra đón tôi”, “Bố đây, bố đây mà… hai hàng nước mắt ròng ròng chảy”. Những tháng năm
tù đày vẫn không làm người bố quên đi lời hứa và món quà cho con gái mình: chiếc cặp tóc.
Rồi ngày hòa bình lập lại, bố đã trở về “bố mang về nhiều quà lắm… trong đó có cả cái cặp
tóc mà tôi yêu quý” [2, tr.41]. Như vậy, trải qua bao nhiêu năm tháng xa cách, sống trong
niềm thương nhớ con, cuối cùng bố đã trở về sum họp với gia đình. Chỉ bằng một vài trang
sách nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc vui buồn, người đọc như được tận mắt chứng kiến và
thấy được nỗi đau, nỗi mất mát và cả nỗi nhớ vì phải sống xa cách về không gian cũng như
thời gian của hai bố con bạn Chi. Bạn Lộc trong thiên truyện cùng tên lại có tấm lòng hiếu
thảo lớn hơn lứa tuổi của mình. Lộc mồ côi mẹ. bố lại đau ốm, bệnh tật, Lộc không ngại khó,
luôn phụ giúp việc cho bố để cuộc sống đỡ bần hàn.
3. KẾT LUẬN
Những câu chuyện về gia đình được Xuân Quỳnh tái hiện qua trang sách dành cho trẻ
thơ đã đem đến nguồn tình cảm thánh thiện, những xúc động chân thành. Giữa cuộc sống
chịu nhiều tác động của nền kinh tế thị trường hôm nay, việc các em có một tổ ấm thực sự
tưởng chừng như đơn giản, song không phải trẻ thơ nào cũng có được. Ngoài kia còn bao em
thơ sống lang thang, không mái ấm, không có người thân chăm sóc… Truyện ngắn Xuân
Quỳnh như một món quà đẹp tặng cho trẻ thơ. Nhà văn mong ước trẻ thơ được hạnh phúc.
Nhà văn cũng nhắc nhở những bậc sinh thành hãy biết chăm chút cho gia đình bé nhỏ của
mình, hãy xây dựng và giữ gìn mái ấm đó. Nét đẹp và đạo lí truyền thống cũng được Xuân
Quỳnh gửi vào những câu chuyện. Dẫu đi đâu, về đâu, trong muôn nẻo nhân gian thì gia

đình, quê hương vẫn là chốn để mỗi chúng ta quay về.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xuân Quỳnh, Bầu trời trong quả trứng (phần truyện), Nxb Kim Đồng, H., 2007.
2. Xuân Quỳnh, Chú gấu trong vòng đu quay, Nxb Hà Nội, 1978.
FAMILY TOPIC IN XUAN QUYNH’S SHORT STORIES FOR CHILDREN
Nguyen Thi Hoai Thu, Hoang Thi Thanh Tam
Abstract: Family life is the subject that Xuan Quynh often concentrate on writing for
children. The paper analyzes the expression of loving warmth of the character in the
relationship of the family: Grandparents and grandchildren’s affection, parents and
children’s affection, brothers and sisters’s affection These touching stories which hide and
penetrate profound philosophies of folk, lessons in being a man.

×