Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Giọng điệu người kể chuyện trong một số tác phẩm của l n tolstoi (giai đoạn 1881 – 1910)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (200.71 KB, 9 trang )

GIỌNG ĐIỆU NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG MỘT SỐ
TÁC PHẨM CỦA L. N. TOLSTOI (GIAI ĐOẠN 1881 – 1910)
Lê Thị Thu Hiền
1


Giọng điệu người kể chuyện là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính
sáng tạo và phong cách của nhà văn. Trên nền tảng lí thuyết về giọng điệu, bài viết khảo sát
giọng điệu trong một số truyện giai đoạn ba mươi năm cuối đời của đại văn hào Nga
L.N.Tolstoi nhằm khám phá những nét độc đáo trong thi pháp L.N.Tolstoi ở giai đoạn có sự
chuyển biến tư tưởng quan trọng này.

1. Mở đầu
Trong đời sống hàng ngày, giọng điệu được hiểu như lời nói, giọng nói của mỗi cá nhân con người,
phản ánh thái độ, tâm trạng, tình cảm, cách đánh giá nhất định và nó thường mang tính nhất thời. Còn
trong văn học, giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ, được tổ chức công phu và là kết quả của một quá
trình sáng tạo thực sự giúp cho nhà văn khi sáng tác có thể “liên kết các yếu tố hình thức khác nhau làm
cho chúng cùng mang một âm hưởng nào đó, cùng chung một khuynh hướng nhất định” (1, tr.151). Giọng
điệu, một mặt bao giờ cũng thể hiện thái độ, lập trường tư tưởng của chủ thể đối với sự vật, hiện tượng
được miêu tả (M.Bakhtin), mặt khác, bộc lộ chính con người tác giả. Đây là một trong những yếu tố quan
trọng tạo nên phong cách, thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn. Bởi vậy giọng điệu chính là “chiếc chìa
khoá” để “mở” tác phẩm và qua đó tìm hiểu tác giả. M.Khrapchenko từng khẳng định: “Đề tài, tư tưởng,
hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường và một giọng điệu nhất định đối với đối tượng sáng
tác, đối với những mặt khác nhau của nó. Hiệu suất cảm xúc của lối kể chuyện, của hành động kịch, của
lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách
là một thể thống nhất hoàn chỉnh” (2, tr.167).
Ở những tác phẩm xuất sắc, giọng điệu thường đa dạng, có sự xuất hiện của giọng điệu chủ đạo và
những giọng điệu khác bao quanh với tư cách “bè đệm”. Giọng điệu chủ đạo bao giờ cũng tạo nên âm
hưởng chung cho toàn tác phẩm. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện ý đồ nghệ thuật và lý
tưởng thẩm mĩ của nhà văn.
2. Nội dung


Nghiên cứu sáng tác của L.Tolstoi giai đoạn ba mươi năm cuối đời chúng tôi nhận thấy có một
cảm hứng chủ đạo bao trùm đó là sự tố cáo xã hội hết sức mãnh liệt. Là con đẻ của giai cấp quý tộc nhưng
Tolstoi phản kháng quyết liệt đến “tận gốc rễ” tầng lớp mình, đoạn tuyệt với cuộc sống đó. Nhà văn phủ
nhận toàn bộ hiện thực xấu xa của chế độ xã hội đang tồn tại, “bóc trần mọi thứ mặt nạ” của chúng. Ông
nhận rõ giai cấp quý tộc phong kiến chính là nguyên nhân gây nên những bất công trong xã hội, đẩy hàng
triệu nông dân Nga vào cảnh đói khổ. Cảm hứng chủ đạo ấy, cách nhìn cuộc đời ấy đã tạo nên một giọng

1
Trường ĐHSP Hà Nội 2
điệu chủ đạo trong những tác phẩm cuối đời của nhà văn, đó là giọng điệu khách quan và nhiều giọng
điệu khác xuất hiện với tư cách “bè đệm”, đó là giọng điệu mỉa mai châm biếm, giọng điệu tâm tình,
giọng điệu trân trọng ngợi ca.
2.1. Giọng điệu chủ đạo: Giọng điệu khách quan
Giọng điệu khách quan trong một số truyện cuối đời của Tolstoi thể hiện khuynh hướng phản ánh
cuộc sống theo những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực. I.Turgenev từng nói: “Tái hiện một cách chính
xác và mạnh mẽ sự thật hiện thực của cuộc sống là hạnh phúc cao nhất đối với nhà văn, dù cái sự thực ấy
không phù hợp với thiện cảm của nhà văn đi chăng nữa

(3, tr.133). Đọc truyện của Tolstoi người đọc
nhận ra một giọng điệu khách quan khi nhà văn miêu tả cuộc đời vô nghĩa, giả dối của tầng lớp quý tộc
(Cái chết của Ivan Ilich, Bản xonat Kreuzer ), khi nhà văn bày tỏ sự tố cáo mạnh mẽ tội ác dã man, tàn
bạo của Nga hoàng (Sau đêm vũ hội, Nhikolai Palkin, Trận đột kích, Vì lẽ gì, Đức cha Xerghi, Cánh đồng
Khôđưnca ). Giọng điệu này tạo nên một âm hưởng chung cho những tác phẩm cuối đời của Tolstoi, thể
hiện thái độ, quan niệm, cách nhìn nhận của nhà văn đối với cuộc sống và con người.
Trong Cái chết của Ivan Ilich, giọng điệu khách quan được bộc lộ ngay từ trang đầu tiên của tác
phẩm khi người kể chuyện thông báo về cái chết của nhân vật Ivan Ilich "Ivan Ilich, uỷ viên Viện tư pháp,
đã từ trần ngày 4 tháng hai năm 1882. Lễ tang sẽ cử hành vào một giờ trưa ngày thứ sáu" và mối quan hệ
của ông ta với những người đang có mặt tại đấy: “Ivan Ilich là đồng sự của các ngài ngồi ở đây và mọi
người đều yêu mến ông. Ông ốm đã mấy tuần nay rồi, người ta bảo rằng bệnh của ông không chữa khỏi
được. Chỗ của ông vẫn để dành đấy”. Sử dụng giọng điệu khách quan, Tolstoi muốn tái hiện bản chất mối

quan hệ trong đời sống của tầng lớp quý tộc phong kiến Nga hoàng. Nhà văn đã miêu tả thật cụ thể, sinh
động những toan tính thầm kín bên trong của những người đang có mặt trong giờ giải lao ở phòng xử án.
Cái chết của đồng nghiệp chẳng những không gợi ra một tình cảm thương xót nào ở những con người này
mà còn khiến họ thích thú với ý nghĩ rằng “hắn ta chết, chứ không phải mình”. Tuy không nói ra nhưng
trong lòng tất cả những người ở đó đều có chung một băn khoăn lớn nhất đó là địa vị của mình sẽ thay đổi
như thế nào sau cái chết này. Khi miêu tả những ngày Ivan Ilich trên giường bệnh người kể chuyện cứ
thản nhiên kể về nỗi đau đớn của Ivan Ilich, tái hiện tâm trạng đau xót của nhân vật khi chứng kiến cảnh
“người ta diễn trò giả dối ngay trước mặt ông”. Có thể nói bằng cái nhìn tỉnh táo và giọng điệu khách
quan ấy, nhà văn đã phơi bày, lên án một cách quyết liệt cuộc sống đơn điệu, giả dối của tầng lớp quý tộc,
từ đó ông bày tỏ thái độ phê phán, phủ nhận của mình đối với sự tồn tại của bộ máy chính quyền Nga
hoàng.
Tư tưởng của Tolstoi trong Đức cha Xerghi là “muốn diễn tả hai cơ sở khác nhau của hoạt động, khi
thì cha Xerghi nghĩ rằng mình “sống vì Chúa” nhưng cuộc sống lại được đặt dưới hư danh vì thế chẳng có
chỗ nào cho Chúa cả. Và chỉ đến khi ông sa ngã ông mới tỉnh ngộ và ông mới tìm thấy chỗ dựa thực sự
trong Chúa ”

(4, tr.466). Vì vậy, trong tác phẩm này nhà văn chủ yếu thể hiện, miêu tả các giai đoạn tâm
lý mà cha Xerghi phải trải qua. Đời sống tâm lý phức tạp với những mâu thuẫn, giằng co bên trong nhân
vật đã được nhà văn kể lại bằng giọng điệu khách quan: “Cha Xerghi đã sống năm thứ sáu trong cuộc đời
ẩn dật. Ông đã bốn mươi chín tuổi. Cuộc sống của ông thật gian truân. Không phải là do những khó nhọc
trong việc ăn chay và cầu nguyện, đó không phải là những việc khó nhọc, mà do cuộc đấu tranh nội tâm
ông không hề ngờ tới”. Giọng điệu khách quan trong truyện thể hiện thái độ quyết liệt, sự lên án mạnh
mẽ, sâu sắc của nhà văn với thói đạo đức giả của giới tu sĩ Nga. Trước khi viết truyện này Tolstoi đã đi
thăm tu viện Ôpchina. Nhà văn cảm nhận sâu sắc rằng: “Cuộc sống của giới tu sĩ có nhiều cái hay, cái
chính là loại bỏ được những cám dỗ và thời gian dành cho những buổi cầu kinh vô hại. Điều đó thật hay,
nhưng tại sao lại không dành thời gian để lao động nuôi sống mình và người khác là những điều mà con
người quen làm” (Nhật kí nhà văn). Tư tưởng này được thể hiện rất rõ trong Đức cha Xerghi qua hình ảnh
bà lão dạy nhạc Praxkovia Mikhailovna. Người kể chuyện đã miêu tả cuộc sống lao động nặng nhọc của
bà lão với giọng điệu khách quan, cho thấy sự chấp nhận cuộc sống buồn đau, bệnh tật mà không một
tiếng kêu ca hay phàn nàn, oán trách của bà. Sự hy sinh của bà khiến cha Xerghi - một người đi tu để

thành thánh phải thốt lên rằng: “Tôi là một kẻ lầm lạc, một tên giết người, một đứa sàm báng và một thằng
lừa dối”.
Có thể nói giọng điệu khách quan thể hiện ý thức nghệ thuật của Tolstoi - người muốn đi tìm “sự
thật” của toàn bộ đời sống xã hội, muốn phản ánh cuộc sống với tất cả sự trần trụi, làm hiện rõ bản chất
vốn có của nó. Trong Sau đêm vũ hội, Bản sonate Kreutzer, Khatgi - Murat và một loạt tác phẩm khác,
nhà văn vẫn luôn duy trì nghệ thuật kể chuyện bằng một giọng điệu khách quan, tái hiện một chủ đề có
tính xuyên suốt, đó là: tố cáo sự độc ác, tàn bạo của chế độ phong kiến Nga hoàng. Tuy nhiên nếu làm
phép so sánh những tác phẩm trên với một số tác phẩm ở giai đoạn trước có cùng cảm hứng này, thì
dường như ở đây thái độ của nhà văn rất kín đáo. Lấy Luyxernơ làm ví dụ. Tác phẩm được lấy cảm hứng
từ một sự kiện có thật mà Tolstoi tận mắt chứng kiến trong thời gian ông ở Thụy Sĩ. Trong câu chuyện
của mình, nhà văn đã tái hiện và miêu tả cảnh đối xử bất công của những người thuộc tầng lớp quý tộc với
người ca sĩ nghèo khổ bằng một phản ứng hết sức dữ dội và một thái độ hết sức gay gắt, quyết liệt: “Giá
như lúc này tôi ở Xevaxtopon, chắc tôi đã khoái trá lao vào đâm chém trong chiến hào của quân Anh”.
Ông cho rằng: “Đó là sự kiện mà các sử gia thời đại ta phải ghi lại bằng những hàng chữ lửa không thể
phai mờ được. Sự kiện đó quan trọng hơn, nghiêm chỉnh hơn và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc hơn tất cả các
sự kiện đã được ghi chép lại trên các báo và các pho sử Đó là một sự kiện không phải dành cho lịch sử
hoạt động của con người, mà để dành cho lịch sử của tiến bộ và văn minh”. Nhưng trong sáng tác giai
đoạn sau, Tolstoi đề cập đến những biến cố dữ dội, nóng bỏng hơn rất nhiều, song, nhà văn lại kiềm chế
giữ một giọng điệu khách quan. Điều này có liên quan mật thiết và chịu ảnh hưởng lớn từ bước ngoặt
chuyển biến tư tưởng của Tolstoi.
2.2. Các giọng điệu “bè đệm”
2.2.1. Giọng điệu mỉa mai, châm biếm
Trong Cái chết của Ivan Ilich, bên cạnh giọng điệu khách quan là chủ đạo, người đọc còn nhận ra
giọng điệu mỉa mai, châm biếm khi người kể chuyện - nhà văn miêu tả đám đồng sự của Ivan Ilich “hí
hửng” với cái tin “Ivan Ilich đã từ trần”. Sở dĩ mỗi người trong bọn họ có tâm trạng như vậy bởi vì đối
với họ, cái chết của đồng nghiệp là một dịp để họ có thể kiếm chác chút ít lợi lộc nào đó, có thể là sự thay
đổi địa vị của mình hoặc của người thân. Giọng điệu châm biếm của nhà văn đã tạo nên một tiếng cười
chua xót hướng vào tầng lớp công chức, viên chức dưới thời Nga hoàng. Nhà văn đã dựng lại một màn hài
kịch mà trong đó các nhân vật thủ vai một cách khá khéo léo. Dáng đứng "choãi hai chân, hai tay quặt ra
sau lưng, nghịch nghịch chiếc mũ lễ" của Xvatxơ được miêu tả chẳng hợp tí nào với buổi lễ cầu hồn

nhưng lại khiến cho tâm trạng của Piôt Ivanôvich tươi hẳn lên khi nhìn thấy "dáng người vui nhộn, bảnh
bao và diêm dúa" ấy. Chiếc ghế đệm hỏng lò xo dường như cũng cùng tâm trạng khó chịu với Piốt
Ivanôvich đã "trồi bật lên" phía dưới “cái cơ thể nặng nề” của ông ta. Cả Piốt và Xvatxơ đều cố gắng thực
hiện phép xã giao mà họ coi là “rất đáng ngán”. Họ trao đổi với nhau bằng ánh mắt, tuy không nói ra
nhưng cuộc hẹn hò hội họp chơi bài dường như đã được ấn định và không có cái cớ nào để phá bỏ ngăn
cản „lễ hội họp” ấy. Giọng điệu mỉa mai, hài hước của Tolstoi còn cho thấy sự thủ vai khéo léo của bà quả
phụ khi bà biết cách phải “bắt đầu khóc” hay “thôi khóc” làm sao cho đúng lúc, cho “hợp cảnh”. Nhưng
đó chỉ là hình thức bên ngoài, bởi bên trong tâm trạng của bà, mối quan tâm, băn khoăn lớn nhất lại là
“làm sao có thể lấy được tiền ở công quỹ nhân dịp chồng chết”, thậm chí là “có thể làm thế nào để rút
được nhiều hơn thế nữa không?”. Sự khám phá hiện thực một cách sâu sắc, triệt để của Tolstoi đã giúp
nhà văn có được những chi tiết hết sức chân thực, sinh động.
Giọng điệu mỉa mai châm biếm của Tolstoi còn được thể hiện trong những trang miêu tả “cuộc
đời đã qua” của Ivan Ilich. Bằng giọng điệu này nhà văn đã tái hiện lại những năm tháng tuổi trẻ của nhân
vật với những dòng rất ấn tượng: “Tại tỉnh lỵ, nhà tư pháp ăn diện bảnh bao cũng có gian díu với một phu
nhân. Cũng có một cô chuyên may trang phục nữ, có những bữa chè chén với các sĩ quan phụ tá ngự tiền
tới công cán và những chuyến xuống xóm "chị em” sau bữa ăn tối, có việc qụy lụy quan thầy, thậm chí
qụy lụy cả bà vợ ông ta”. Giọng điệu mỉa mai còn được bộc lộ trong cách nhìn nhận, đánh giá của Tolstoi
đối với những sở thích, thị hiếu thẩm mĩ của nhân vật: “những kẻ không giàu lắm cứ thích học đòi bắt ch-
ước những người giàu có và bởi thế những kẻ học đòi này lại đâm ra giống nhau: nào vải bọc lót đồ gỗ,
đồ đạc bằng gỗ mun, hoa hoét, nào thảm, nào đồ trang trí, thứ mà tất cả những người thuộc một hạng
nào đó cố bày biện cho giống với tất cả những người thuộc hạng mình. Ngôi nhà của Ivan Iich cũng được
bài trí giống như thế, khiến cho người ta thậm chí không hề chú ý tới, nhưng ông ta cứ tưởng ngôi nhà
của mình đặc biệt lắm!”. Cuộc sống gia đình đối với Ivan Ilich chủ yếu là làm sao để có "đủ tiện nghi về
việc ăn uống, có đủ giường chiếu và có những người trông nom nhà cửa". Cả cuộc đời ông ta trôi đi trong
những cuộc trò chuyện với bạn bè, những bữa ăn và những ván bài uytxtơ - với Ivan, đây là niềm vui
thích duy nhất của ông và ông coi đó là “ánh sáng của ngọn nến” trong cuộc đời mình. Thật nực cười thay
cho cuộc sống mà Ivan Ilich cho là dễ chịu, lịch thiệp ấy lại chỉ bao gồm những niềm vui thích rất tầm
thường, vô nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của ông ta. Ta nghe trong cái giọng điệu mỉa mai, châm
biếm, giễu cợt này có một cái gì đó thật chua chát.
Trong Khatgi - Murat ta cũng có thể thấy giọng điệu này qua những trang miêu tả Nga hoàng

Nikôlai I. Người kể chuyện đưa ra những lời miêu tả chân dung của vị Hoàng đế Nga một cách hài hước:
“với cái nhìn không sinh khí, bộ ngực ưỡn và cái bụng thắt đai quá chặt nên nó vẫn phình ra ở phía trên
và phía dưới đai lưng”; giễu cợt, mỉa mai khi nói đến quyết định ra lệnh trừng phạt của Nga hoàng đối với
một sinh viên có lỗi: “Ông cầm lấy bản báo cáo và ghi bên lề bằng nét chữ to của mình: "Đáng tử hình.
Nhưng ơn Chúa ở nước ta không còn án từ hình nữa. Và ta không phải là người áp dụng nó. Dẫn đi mười
hai lần qua hàng quân gồm nghìn người. Nikôlai” - ông ký xuống dưới bằng nét chữ to tướng không tự
nhiên của mình". Giọng điệu mỉa mai, châm biếm còn được nhà văn sử dụng khi nói về những ý nghĩ tự
bào chữa của Nikôlai cho sự phóng đãng của chính mình: "Ông không nghĩ rằng sự phóng đãng của một
người đã có vợ là không tốt và chắc ông sẽ rất ngạc nhiên, nếu có người lên án ông vì chuyện đó. Nhưng
tuy ông đã tin chắc rằng mình xử sự phải lẽ, ông vẫn cảm thấy trong mình một dư vị khó chịu nào đó và
để xua tan cảm giác đó, ông xoay ra nghĩ tới cái điều bao giờ cũng khiến ông yên tâm: ông là một con
người xiết bao vĩ đại”. Những dòng miêu tả mang tính chất đả kích, châm biếm này là một trong những
nguyên nhân lý giải tại sao truyện của Tolstoi bị sở kiểm duyệt hồi đó cắt bỏ một số đoạn nói về Nikôlai I
và sự trăng hoa của ông ta.
2.2.2. Giọng điệu tâm tình
Đọc truyện của Tolstoi, ta có thể cảm nhận được nỗi niềm của nhà văn, hình dung được bóng
dáng của ông qua những trang miêu tả những suy tư, trăn trở, băn khoăn, hoài nghi của Ivan Ilich,
Poznyshev, cha Xerghi, Khatgi - Murat Có thể nói, những nhân vật này ở một khía cạnh nào đó mang
đậm dấu ấn tự thuật. Đặc điểm này đã góp phần tạo nên giọng điệu tâm tình - một giọng điệu làm nên nét
phong cách độc đáo trong sáng tác của Tolstoi ở giai đoạn sau.
Giọng điệu tâm tình của Tolstoi thể hiện những tâm sự hết sức chân thành của nhà văn về cuộc
sống và con người. Nó được cất lên từ quá trình tự quan sát và sự cảm nhận hết sức đặc biệt, tinh tế, nhạy
bén về một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong tư tưởng nhà văn. Sự khủng hoảng về tinh thần xảy ra với
Tolstoi đúng vào lúc cuộc đời của ông đang ở thời điểm hạnh phúc nhất: “có người vợ đảm đang những
đứa con ngoan, một trang trại đang tăng trưởng được bạn bè và người quen kính trọng hơn bao giờ hết,
được người nước ngoài ca ngợi” (Nhật ký nhà văn). Nhưng chính vào lúc ấy Tolstoi cảm thấy có gì đó
đáng sợ đang xảy ra với mình, ông xót xa nhận ra một điều “cuộc đời đang đi vào chỗ bế tắc và mang
điềm gở”. Ông cần biết cái gì đã xảy ra với mình, và tại sao cuộc đời mình đang ở thời điểm hạnh phúc
nhất bỗng chốc trở nên vô nghĩa và khó hiểu đến thế. Những suy tư, trăn trở hết sức sống động của Tolstoi
đã được tái hiện một cách chân thực, sinh động qua Ivan Ilich, cha Xerghi, Poznyshev, Khatgi - Murat và

hàng loạt nhân vật khác, cho nên, có thể nói việc lựa chọn giọng điệu tâm tình đã giúp Tolstoi giãi bày nỗi
lòng của mình, mời gọi sự đối thoại ở bạn đọc.
Trong Cái chết của Ivan Ilich, nhân vật Ivan Ilich khi lần đầu tiên cảm nhận lưỡi hái của tử thần
đang vung lên bên cạnh mình vội tự hỏi trong cơn kinh hoàng: “Có lẽ tôi đã không sống như tôi phải
sống?”. Từ đây, Ivan Ilich trong sự giày vò mới bắt đầu quan tâm, xem xét bản thân và xem xét ý nghĩa
cuộc đời. Giọng điệu tâm tình của nhà văn đã tái hiện một cách xúc động quá trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc
sống diễn ra trong con người Ivan đúng vào thời điểm nhân vật cảm thấy mình đang “chết dần và thường
xuyên tuyệt vọng”. Thật bất ngờ biết bao khi nghe người bệnh thốt lên: “Manh tràng! Thận! Vấn đề không
phải là manh tràng, không phải là ở thận, mà là ở chuyện sống và chết. Phải, ta đã sống và kìa, cuộc sống
bỏ đi, nó bỏ đi và ta không thể nào giữ nó lại được”. Giọng điệu tâm tình của người kể chuyện Tolstoi
như có sự cảm thông, chia sẻ với nỗi đau buồn, cô đơn của nhân vật “Ivan Ilich tưởng như mọi vật trên
phố đều buồn. Những người đánh xe ngựa buồn bã, những ngôi nhà buồn bã, những khách qua đường,
những cửa hiệu buồn bã , ông cảm thấy cô độc giữa một thành phố đông người, giữa vô vàn người quen
biết và gia đình mình, ngay dưới đáy biển, trên mặt đất không đâu có cảnh cô đơn trọn vẹn hơn thế”. Có
thể nói, tác phẩm không nhằm miêu tả cái chết về mặt thể xác của con người mà chủ đề của nó tập trung
vào vấn đề sự sống và cái chết về mặt tinh thần. Đây là một trong những chủ đề tâm huyết nhất trong sáng
tác của Tolstoi ở giai đoạn sau. Nhân vật của Tolstoi dường như là nơi thể nghiệm những suy tư, trăn trở
của nhà văn, là nơi để ông bộc bạch, ký thác những tâm sự của mình. Bởi thế, ta mới thấy những chi tiết
miêu tả cuộc sống bi kịch giữa Ivan Ilich với người vợ của mình có phảng phất đôi chút nỗi buồn của
Tolstoi về cuộc sống gia đình của ông. Hãy xem thái độ của Ivan Ilich với bà vợ của mình: “Áo quần của
bà, vóc dáng của bà, giọng nói của bà- tất cả đều nói với ông một điều: “không ổn”. Tất cả những gì
mình đã sống và đang sống đều là dối trá, bịp bợm, nó che lấp khiến mình không thấy sự sống và cái
chết”. Đó chính là tiếng nói tâm tình, là lời giãi bày tâm trạng của Tolstoi trước những bi kịch gia đình
ông ở thời điểm nhà văn viết Cái chết của Ivan Ilich.
Trong Đức cha Xerghi con đường tìm kiếm Chúa, tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của cha Xerghi thể
hiện những hoài nghi, mâu thuẫn trong thế giới quan cũng như sự khủng hoảng tinh thần của Tolstoi vào
những năm 80. Bởi thế ta mới nghe được trong câu chuyện kể có tiếng nói tâm tình, muốn được tâm sự
giãi bày, được đồng cảm, sẻ chia và đối thoại từ phía bạn đọc của người kể chuyện Tolstoi. Dường như có
bóng dáng của nhà văn đằng sau những suy tư, trăn trở của cha Xerghi. Cha Xerghi đã có lúc định “bỏ
trốn” trong chiếc áo của người nông dân, còn Tolstoi, cũng có không biết bao lần trong ông xuất hiện ý

định rời bỏ “đống tã lót” của giới quý tộc. Cha Xerghi thường xuyên có cảm giác day dứt, giày vò bởi một
nỗi hoài nghi “Có Chúa hay không”. Câu hỏi này cứ bám riết ông, đeo đẳng trong ông suốt 23 năm tu
hành. Đây cũng là nỗi ám ảnh suốt cuộc đời Tolstoi. Bởi vậy ta cảm nhận được đằng sau nỗi đau khổ,
giày vò của cha Xerghi là tâm sự của chính Tolstoi. Có thể nói, tác phẩm là sự thể hiện những tìm tòi của
Tolstoi về Chúa, nhưng không phải cho riêng ông mà cho cả loài người.
2.2.3. Giọng điệu trân trọng, ngợi ca
Trong Khatgi - Murat, có thể cảm nhận được giọng điệu này ngay từ đầu tác phẩm khi người kể
chuyện miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ cành hoa bị xéo nát trên đường: “bụi "hoa Tatarin” này mọc lên từ
ba chồi cây. Một chồi cây đã bị đứt, giống như một cánh tay bị chặt, mẩu cành còn lại vươn lên khoẻ
mạnh. Trên mỗi chồi cây kia có một bông hoa. Một cành bị gãy ở đoạn giữa, bông hoa đầy bụi đất ở phía
ngọn giờ đây lủng lẳng sát đất. Còn bông kia tuy bị lấm đất đen, vẫn còn nhô lên phía trên. Hình như cả
bụi cây đã bị bánh xe đè lên, sau đó nó lại trỗi dậy, tuy thân cành đổ nghiêng, nhưng dẫu sao nó vẫn cứ
đứng đó. Y như thể người ta cắt xẻo cơ thể nó, lộn ruột gan nó, chặt cánh tay và móc mắt nó, nhưng nó
vẫn cứ đứng đó và không chịu khuất phục con người đã tiêu diệt tất cả anh em họ hàng nhà nó ở xung
quanh”. Chính sức sống và nghị lực của bụi hoa này đã khiến Tolstoi liên tưởng đến cái chết bất khuất
của Khatgi - Murat. Nhà văn trân trọng sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, ca ngợi sự vươn lên chiến
thắng sự hủy hoại mà con người đã gây ra cho nó. Người kể chuyện thốt lên trong sự kinh ngạc: “Nghị lực
mới ghê chứ! Con người đã chiến thắng tất cả, đã tiêu diệt hàng triệu cỏ cây, vậy mà cây hoa này vẫn
không chịu khuất phục”. Từ việc quan sát, cảm nhận sức sống mãnh liệt của bụi Tatarin bên đường,
Tolstoi đã tái hiện và miêu tả cuộc chiến đấu của Khatgi - Murat bằng một giọng kể trân trọng xen lẫn
niềm khâm phục, ngợi ca.
Sử dụng giọng điệu này, Tolstoi đã miêu tả một cách chân thực, sinh động bức tranh về cuộc
chiến đấu dành tự do của người dân vùng núi Kapka mà trong đó Khatgi-Murat hiện lên với tư cách là
nhân vật trung tâm, là đầu mối của những quan hệ. Nhà văn đã dành cho nhân vật yêu quý của mình
những trang miêu tả đầy sự mến phục, cảm tình: “Ông nổi tiếng về những chiến công của mình. Đi đâu
cũng mang cờ hiệu và có hàng chục vệ sĩ cưỡi ngựa ngang tàng bao quanh”. Ngay từ khi ra đời, Khatgi -
Muratđã được tắm mình trong dòng máu kiên cường của người mẹ. Dòng máu ấy đã nuôi dưỡng trái tim
dũng cảm của ông, chảy vào lòng ông, khiến ông trở nên một người không chịu khuất phục trước bất cứ
thứ cường quyền, bạo lực nào, ngay cả khi ông bị bắt, bị chém và phải nhảy xuống vực sâu, ông vẫn trở
về, "đôi chân bị thọt" nhưng dáng đi vẫn linh lợi, ông vẫn khiến cho mọi người phải sửng sốt “vì sự mau

lẹ phi thường khi chuyển quân và sự táo bạo khi tấn công”. Khatgi - Murat bao giờ cũng dành được thắng
lợi trong những cuộc hành quân, đột kích. Ông đã khiến cho đám quý tộc Nga “không ngớt khen ngợi lòng
can đảm, trí thông minh và sự độ lượng của ông”. Thậm chí một vị công tước trong số đó phải thốt lên:
“Nếu sinh trưởng ở Châu Âu, có lẽ hắn đã là một Napôlêông mới!”. Tư thế của Khatgi - Murat trong phần
cuối của tác phẩm được thể hiện bằng một giọng điệu đầy thán phục, ngợi ca: “Nhưng cái thể xác mà họ
tưởng là đã chết bỗng cựa quậy. Thoạt tiên cái đầu cắt tóc ngắn đẫm máu, không đội mũ lông cất lên, sau
đó thân mình nhổm dậy, và ông bám lấy thân cây, rướn thẳng người lên”. Trong những dòng cuối của tác
phẩm, nhà văn đã bao bọc thi thể của người anh hùng bằng hình ảnh những con chim hoạ mi (môtip quen
thuộc trong sáng tác của Tolstoi): “cất tiếng hót, thoạt đầu một con ở gần rồi sau đó những con khác ở
đầu kia lảnh lót". Người kể chuyện kết thúc tác phẩm của mình bằng lời tâm sự: “Đấy, bông hoa ngưu
bàng bị đè nát giữa cánh đồng đã cày gợi cho tôi nhớ tới chính cái chết này”.
3. Kết luận
Là một cây bút tài năng, trong thế giới nghệ thuật của mình, Tolstoi đã tạo ra được một hệ thống
giọng điệu phong phú, đa dạng, thật độc đáo và hấp dẫn, từ đây nhà văn gọi mời đối thoại từ phía độc giả,
dành chỗ cho độc giả cùng đối thoại. Với Tolstoi, giọng điệu là một trong những phương tiện nghệ thuật
quan trọng giúp nhà văn thể hiện “tiếng nói của mình” trước những sự kiện nóng bỏng của hiện thực cuộc
sống xã hội Nga đương thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Ngọc Trà, Lý luận văn học, Nxb Tác phẩm mới, H., 1990.
2. Khrapchencô M.B, Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nxb Tác phẩm mới,
H., 1978.
3. L.I.Timôfêep, Nguyên lý lý luận văn học (tập 1), Nxb Văn hoá, H., 1962.
4. L.N.Tônxtôi, Về nghệ thuật và văn học, M.,1958.


TONE OF NARRATOR IN SOME WORKS OF L. N. TONSTOI (PERIOD 1881 – 1910)
Le Thu Hien
Abstract
Tone of narrator is one of the most important factors which express the creative individuality and

style of the writer. On the basis of theories on tone, this report investigate tone in some works in the
period of last years of the great Russian cultural pride LN.Tolstoi to explore the unique in the
versification of L.N.Tolstoi in phase with importan changes on thought.

×