CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC CHỮA LỖI PHÁT ÂM VÀ LỖI
CHÍNH TẢ ĐỐI VỚI CẶP PHỤ ÂM L/N CHO SINH VIÊN
Lê Kim Nhung
1
ài viết phân tích cơ sở xã hội học, cơ sở ngôn ngữ học và cơ sở giáo dục học của
việc chữa lỗi phát âm và chính tả đối với cặp phụ âm l/n nhằm chuẩn bị những
tiền đề lý luận cho việc thực hiện đề tài chữa lỗi cho sinh viên mà khoa Ngữ Văn
đang thực hiện.
1. MỞ ĐẦU
Hiện nay, việc nói và viết chưa chuẩn âm đầu l/n là một hiện tượng tương đối phổ biến ở
một số thổ ngữ đồng bằng Trung du thuộc phương ngữ Bắc Bộ. Đáng lo ngại hơn khi sinh
viên, trong đó có cả sinh viên trường ĐHSPHN2, đặc biệt sinh viên khoa Ngữ văn cũng đang
mắc “căn bệnh” này. Nhầm lẫn l/n làm ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp, chất lượng giảng
dạy. Từ đó những hệ lụy mà nó tạo ra về mặt xã hội cũng không nhỏ như cơ hội việc làm, cơ
hội thăng tiến. Việc sửa lỗi phát âm, giúp sinh viên phát âm chuẩn, viết đúng chính tả cặp phụ
âm đầu l/n là việc làm cần thiết bởi nó không chỉ đáp ứng mục tiêu chung của việc dạy môn
Văn và Tiếng Việt trong nhà trường là giữ gìn sự chuẩn mực và trong sáng của tiếng Việt, mà
còn góp phần khắc phục một loại lỗi phát âm không được phép có đối với giáo viên, đặc biệt
là giáo viên Ngữ văn.
Ở bài viết này, chúng tôi phân tích một số cơ sở lý luận của việc chữa lỗi nhầm lẫn đối
với cặp phụ âm l/n nhằm chuẩn bị những tiền đề lý thuyết cho việc thực hiện đề tài chữa lỗi
phát âm và lỗi chính tả cho sinh viên mà khoa Ngữ văn đang thực hiện.
2. NỘI DUNG
2.1. Cơ sở xã hội học
Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội. Ngôn ngữ không phải là hiện tượng tự nhiên mang
tính bản năng hay di truyền mà nó được ra đời và phát triển trong môi trường giao tiếp xã hội.
Ngôn ngữ chỉ có thể phát triển theo hướng chuẩn mực khi được con người sử dụng trong môi
trường giao tiếp văn hóa.
Bên cạnh hệ thống ngữ âm chuẩn mực (hệ thống chính âm) thì ở mỗi địa phương, mỗi
vùng đất lại tồn tại những cách phát âm biến thể thể hiện thói quen phát âm địa phương và
văn hóa vùng miền. Phương ngữ Bắc bộ phát âm không phân biệt các phụ âm cong lưỡi, đặc
biệt gần đây xuất hiện một bộ phận phát âm sai cặp phụ âm l/n. Chúng tôi tiến hành khảo sát,
thống kê, qua phát âm trực tiếp và qua bài làm của 121 sinh viên (K38 D, E khoa Ngữ văn thì
1
ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2
B
có 47 sinh viên phát âm sai (chiếm tỉ lệ 39%), chủ yếu là sinh viên ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải
Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ). Đây không thể coi là
biến thể phương ngữ mà là lỗi phát âm. Lỗi phát âm này ngày càng phổ biến và đã tạo ra một
môi trường giao tiếp xã hội không chuẩn mực ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Hàng ngày, trẻ em
phải sống trong một môi trường giao tiếp trong gia đình, trong lớp học và cả ngoài xã hội có
nhiều người phát âm sai l/n. Ngay từ nhỏ, nhiều em đã phát âm sai. Vì vậy nó như một “căn
bệnh” lây lan rất nhanh và khó chữa. Qua phân tích, có thể thấy nguyên nhân của tình trạng
này như sau:
+ Nguyên nhân khách quan:
- Do môi trường giao tiếp xã hội.
- Do việc giảng dạy các môn học nói chung, môn Ngữ văn nói riêng ở bậc học phổ thông
chưa chú trọng việc rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp. Đáng ngại hơn,
ngay cả các giáo viên, đặc biệt giáo viên Mầm non và Tiểu học ở một số địa phương cũng
phát âm sai.
+ Nguyên nhân chủ quan:
- Do kiến thức về tiếng Việt còn yếu, sinh viên chưa nắm được đặc điểm cấu tạo âm tiết,
các nguyên tắc chính tả cũng như những đặc điểm của chữ viết tiếng Việt.
- Do bản thân sinh viên chưa có ý thức sửa lỗi.
Như vậy, việc chưa lỗi phát âm và chính tả cho sinh viên là cần thiết và chỉ đạt hiệu quả
khi một số vấn đề xã hội được giải quyết thấu đáo. Những vấn đề đó là:
- Tạo ra môi trường giao tiếp xã hội chuẩn mực.
- Đào tạo giáo viên chuẩn mực.
- Tuyên truyền về ý nghĩa của việc rèn luyện kĩ năng chính âm, chính tả trong mối quan
hệ với việc giữ gìn sự trong sáng và chuẩn mực của tiếng Việt.
2.2. Cơ sở ngôn ngữ học
2.2.1. Chính âm và hệ thống ngữ âm chuẩn mực
2.2.1.1. Chính âm
Theo Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học: “Chính âm là cách phát âm phù hợp với
chuẩn phát âm đã được thừa nhận trong một ngôn ngữ; hệ thống các chuẩn mực phát âm của
ngôn ngữ đó” [tr.47].
2.2.1.2. Bản chất của ngữ âm
Bản chất của âm thanh ngôn ngữ bao gồm:
a. Bản chất xã hội: Mỗi ngôn ngữ có một hệ thống ngữ âm riêng được cộng đồng người
quy ước, thừa nhận và sử dụng. Những quy ước của cộng đồng đối với số lượng âm vị và
cách thức phát âm khiến cho các đơn vị ngữ âm có tính chung, tính dân tộc và tính chuẩn
mực.
b. Bản chất tự nhiên: Bao gồm bản chất sinh học và bản chất âm học.
- Bản chất âm học: Phân biệt các âm dựa trên các đặc trưng cường độ, trường độ, cao độ,
âm sắc
- Bản chất sinh học: Nghiên cứu bản chất sinh học chính là khảo sát cách tạo ra âm thanh
ngôn ngữ trong bộ máy phát âm của con người. Khi phát âm, một loạt các cơ quan trong bộ
máy phát âm của con người như: khoang miệng, khoang mũi, thanh hầu, răng, môi, lưỡi, lợi,
vòm ngạc… tham gia vào việc tạo âm. Để miêu tả và nhận diện cách phát âm của phụ âm,
người ta chú ý tới 3 căn cứ: phương thức phát âm (cách cản hơi và phá cản), bộ phận cấu âm
(bộ phận cản hơi và phá cản) và sự tham gia của dây thanh. Theo đó, có thể miêu tả cách phát
âm của 2 âm vị / n-l / như sau:
- / l /: Phụ âm xát - bên (luồng hơi lách qua 2 bên cạnh lưỡi để thoát ra ngoài), hữu thanh,
đầu lưỡi - lợi.
- / n /: Phụ âm tắc - vang mũi (luồng hơi thoát ra qua khoang mũi), hữu thanh, đầu lưỡi -
lợi.
Đặc điểm âm học của âm thanh ngôn ngữ là căn cứ để xác định những điểm đồng nhất và
khác biệt của đơn vị ngữ âm trong hệ thống chuẩn mực.
2.2.1.3. Hệ thống ngữ âm chuẩn mực trong tiếng Việt
Muốn rèn kĩ năng chính âm, chính tả cho sinh viên, cần dựa vào các đơn vị ngữ âm và
phương thức phát âm chuẩn mực các đơn vị ngữ âm. Các đơn vị ngữ âm theo chuẩn mực của
tiếng Việt đó là âm vị và âm tiết (tiếng).
a. Âm vị
Trong hệ thống ngữ âm của mỗi ngôn ngữ, âm vị là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có chức
năng khu biệt nghĩa, nhận diện từ.
Các âm vị trong hệ thống ngữ âm được phân chia thành nguyên âm và phụ âm. Đây là
những đơn vị ngữ âm do cộng đồng sử dụng ngôn ngữ quy ước mà thành. Những âm vị
chuẩn mực sẽ được mọi người trong cộng đồng dùng ngôn ngữ đó chấp nhận và sử dụng. Vì
thế âm vị thể hiện rõ đặc thù của ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, đề cập đến tính chuẩn mực
của âm vị, chúng ta cần phân biệt những chuẩn mực trong toàn xã hội với những chuẩn mực
chỉ gắn với một vùng, miền (phương ngữ).
+ Tiếng Việt có 11 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi.
Các nguyên âm đơn được ghi bằng các chữ sau: i, ê, e, a, ơ, ô, o, u, ư, ă, â.
Mỗi nguyên âm đôi của tiếng Việt thường được ghi bằng những chữ khác nhau.
Ví dụ:
Nguyên âm đôi /ie/ được ghi bằng các chữ “ia, iê, ya, yê”.
Nguyên âm đôi /uo/ được ghi bằng các chữ “uô, ua”.
Nguyên âm đôi /աɤ/ được ghi bằng các chữ “ưa, ươ”.
+ Tiếng Việt có 23 phụ âm đầu được ghi lại bằng các chữ cái sau: m, n, ng, ngh, nh, b, t,
ch, tr, c, k, q, đ, th, ph, v, x, s d, gi, r, kh, g, gh, h, l, p.
Trong quá trình học tiếng Việt, ngoài những lỗi phát âm phụ âm mà sinh viên thường
mắc như lẫn lộn cặp phụ âm: s-x, d-r-gi, ch-tr… thì một số lượng không ít sinh viên vùng
đồng bằng Trung du Bắc bộ thường hay lẫn cặp l/n.
Việc đánh giá kết quả rèn luyện chính âm tiếng Việt cho sinh viên cần phải dựa vào
những chuẩn mực của các âm vị và cách phát âm chuẩn mực các đơn vị đó.
b. Âm tiết (tiếng)
Tiếng Việt là một thứ tiếng thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, âm tiết (tiếng) được xác
định là một loại hình đơn vị cơ bản. Âm tiết tiếng Việt có một số đặc điểm cơ bản sau:
+ Tính phân tiết: Âm tiết tiếng Việt có hình thức ngữ âm ổn định và có ranh giới rõ ràng
trong lời nói, giữa các tiếng có khoảng cách đủ để tách biệt chúng. Khi phát âm, tiếng nọ nối
tiếp tiếng kia tuần tự theo hình tuyến, các tiếng không dính vào nhau.
Từ đặc điểm này, người Việt quan niệm phát âm đạt chuẩn mực là phải “tròn vành, rõ
chữ”.
+ Về đặc điểm cấu tạo, âm tiết tiếng Việt có đặc thù riêng.
Ở dạng thức đầy đủ nhất, mỗi tiếng gồm phụ âm đầu và vần. Vần lại gồm âm đệm, âm
chính, âm cuối vần và thanh điệu. Ở dạng rút gọn nhất, mỗi tiếng do một âm chính và một
thanh điệu tạo thành. Như vậy dù được cấu tạo ở dạng nào, trong tiếng bao giờ cũng có hạt
nhân là nguyên âm và thanh điệu. Khả năng kết hợp của các yếu tố cấu tạo âm tiết cũng tuân
theo quy tắc nhất định. Điều này thể hiện ở các quy tắc chính tả.
+ Âm tiết tiếng Việt trùng với một hình vị, trùng với từ đơn, hoặc là một thành tố để cấu
tạo từ láy, từ ghép. Vì vậy, phần lớn âm tiết tiếng Việt có nghĩa. Từ đặc điểm này, việc dạy
học phát âm tiếng Việt không thể thoát li với việc dạy từ, hiểu nghĩa của từ trong hoạt động
sử dụng. Bởi vì việc phát âm sai sẽ dẫn đến sự sai lệch về nội dung chữ nghĩa của đơn vị
ngôn ngữ trong giao tiếp, hoặc ngược lại do hiểu sai ý nghĩa của từ mà phát âm không chính
xác.
2.2.2. Chính tả tiếng Việt
2.2.2.1. Khái niệm
Theo nghĩa thông thường, chính tả là “viết đúng” theo các quy tắc của một hệ thống chữ
viết. Nội dung của chính tả là:
- Xác định và thực hiện cách viết đúng của các từ ngữ theo quy tắc của hệ thống chữ viết.
Ví dụ chữ Việt phân biệt các con chữ tr/ch, l/n, s/x… và quy định phải viết đúng chính tả đối
với các từ ngữ như: truyện - chuyện, lẻ - nẻ, xa - sa…
- Xác định và thực hiện các quy tắc khác: viết hoa, phiên âm…
2.2.2.2. Các nguyên tắc xây dựng chính tả
a. Nguyên tắc ngữ âm học
Chữ quốc ngữ (chữ Việt) là chữ ghi âm vị nên nguyên tắc ngữ âm học là nguyên tắc cơ
bản nhất. Theo nguyên tắc này, mỗi âm vị được ghi bằng một chữ cái. Do phát âm như thế
nào được ghi lại như thế ấy nên chữ quốc ngữ có sự phù hợp cao giữa âm và chữ, giản tiện,
dễ đọc, dễ nhớ. Do chính tả chữ quốc ngữ là chính tả ghi âm vị nên nếu phát âm không chuẩn
sẽ dẫn đến viết sai. Điều này cũng xảy ra đối với cặp phụ âm l/n. Vì vậy luyện phát âm chuẩn
là vô cùng cần thiết để viết đúng chính tả.
Lúc đầu, chữ viết tôn trọng nguyên tắc này, nhưng trong quá trình phát triển, theo thời
gian, chữ viết cố định nhưng ngữ âm biến đổi mạnh mẽ. Vì vậy nguyên tắc này không còn
được tuân thủ chặt chẽ nữa. Điều này thể hiện rõ nhất ở trường hợp một âm vị được ghi bằng
nhiều chữ viết khác nhau.
Mặt khác, chính tả tiếng Việt là chính tả ghi âm tiết, cho nên muốn viết đúng chính tả,
ngoài việc phát âm đúng, người viết còn phải nắm được cấu tạo âm tiết và khả năng kết hợp
của các âm vị trong cấu tạo âm tiết tiếng Việt. Nắm được quy tắc này cũng sẽ giúp viết đúng
chính tả đối với cặp phụ âm l/n.
b. Chính tả công thức
Nguyên tắc này khắc phục các trường hợp vận dụng không theo nguyên tắc ngữ âm học,
tạo ra độ lệch giữa âm và chữ. Tức là một âm vị được ghi bằng nhiều chữ viết khác nhau. Để
phân biệt cách viết chính tả, người ta phải xây dựng các công thức chính tả. Nguyên tắc này
vận dụng ở các âm vị /K, ŋ , ɤ/.
Ví dụ: viết là “ng” khi kết hợp với các nguyên âm hàng sau /a, u, o, ă…/ (nga, ngô, ngăn
); viết là “ngh” khi kết hợp với các nguyên âm hàng trước /i, e ,i, e / (nghỉ, nghe, nghiêng).
Nguyên tắc này khiến cho chữ viết không còn phản ánh đúng ngữ âm nên gây ra nhiều
khó khăn cho người học chữ.
c. Chính tả ngữ nghĩa
Do âm tiết tiếng Việt trùng với hình vị, đơn vị có nghĩa, nên để viết đúng chính tả còn
cần phải dựa vào ý nghĩa của từ để phân biệt cách viết.
Nguyên tắc này được xây dựng dựa trên cơ sở những nét tương đồng nhất và đối lập của
các âm vị ở những trường hợp sau:
+ Những cách kết hợp giống nhau của 2 âm vị khác nhau. Ví dụ:
- Âm vị /l/ - /n/ : la - na, lo - no, lan - nan…
- Âm vị /c/ - / ե /: chanh - tranh, chung - trung…
+ Những cách viết khác nhau của cùng một âm vị. Ví dụ:
- Âm vị /k/ : cuốc - quốc
- Âm vị /z/: dành - giành, da - gia…
Vận dụng nguyên tắc này, tác giả Bùi Minh Toán đã khái quát thành mẹo chính tả dựa
vào ý nghĩa của từ để phân biệt cách viết l/n: “Các từ chỉ phương hướng, chỉ hoạt động ẩn
náu thường viết bằng N: náu, né, nép, nương, nam, nồm…” [4, tr.237].
2.2.2.3. Một số mẹo chính tả
Tác giả Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Các mẹo chính tả có tác dụng như những
“đơn thuốc” mà các nhà ngôn ngữ học đã pha chế cho chúng ta (bằng cách hệ thống hóa các
hiểu biết thực tế và các tri thức ngữ học thành những công thức giản tiện), giúp cho việt chữa
lỗi chính tả hàng ngày” [5, tr.243]. Tuy nhiên, việc chữa lỗi bằng mẹo chỉ là phương pháp hỗ
trợ bởi có nhiều mẹo nên việc ghi nhớ được các mẹo cũng rất khó khăn, hơn nữa các mẹo đều
có ngoại lệ. Phương pháp này cũng đã được các tác giả Bùi Minh Toán, Hoàng Kim Ngọc,
Nguyễn Hữu Đạt, Phan Ngọc… sử dụng để chữa lỗi chính tả, lỗi phát âm trong các giáo trình
và các sách nghiên cứu của mình. Trên cơ sở kế thừa kết quả của các nhà nghiên cứu đi
trước, trong báo cáo này, chúng tôi xin trích dẫn lại một số mẹo đơn giản, dễ sử dụng từ công
trình nghiên cứu của các tác giả nói trên.
a. Mẹo kết hợp với âm đệm
Mẹo này được xây dựng trên cơ sở khả năng kết hợp giữa âm đầu và âm đệm trong mô
hình cấu tạo âm tiết. Nội dung của mẹo như sau: “L” có thể đứng trước âm đệm còn “N” thì
không. Vì vậy nếu âm tiết có âm đệm thì viết là “L” chữ không viết là “N”. Âm đệm /-u-/ có
hai chữ viết thể hiện: viết là “O” khi đứng trước chữ “a, e, ă”; viết là “U” khi đứng trước “y,
ê, â, ơ”. Như vậy, các vần có âm đệm trong tiếng Việt là: “oe, õa, oe, uy, uâ, ươ, uyê”. Theo
mẹo này, chúng ta sẽ viết: lòa xòa, lòe loẹt, loắt choắt, luyến tiếc… Để dễ nhận biết vần có
âm đệm và thuận lợi cho việc áp dụng mẹo này, tác giả Nguyễn Minh Thuyết đưa ra câu
“khóa”: “Ngoa ngắt Tuấn khoe quê Thúy”. Tuy nhiên khi sử dụng mẹo này cần phải ghi nhớ
có 3 ngoại lệ: noãn, nuy, thê noa.
b. Mẹo cấu tạo từ láy
+ Khi ở vị trí thứ nhất trong các âm tiết của từ láy, âm “L” có thể cấu tạo từ láy với âm
đầu khác, còn “N” thì không. Ví dụ:
- L láy với B: lắp bắp, lạch bạch, lu bù, lấn bấn…
- L láy với C (K,Q): la cà, linh kinh, loanh quanh…
- L láy với D: lim dim, lò dò…
- L láy với Đ: lốm đốm, lục đục, lao đao…
- L láy với M: lơ mơ, lan man, liên miên…
Các cặp láy: L-H, L-X, L-T, L-V, L-CH, L-Nh, L-Kh, L-Ng… đều theo nguyên tắc này.
+ Trong trường hợp, tiếng đang xét ở vị trí thứ 2 của từ láy thì “N” láy với âm GI và âm
đầu zê rô, còn “L” láy với các âm khác ngoài 2 âm này. Ví dụ:
- Gi láy với N: gian nan, gieo neo
- Âm đầu zê rô láy với N: áy náy, ảo não
- B láy với L: bảng lảng.
- Ch láy với L: cheo leo
- Kh láy với L: khéo léo
+ Trong khi đó, “N” có khả năng kết hợp với chính nó để tạo ra từ láy toàn bộ như: nao
nao, nơi nơi, nong nóng.
c. Mẹo dựa vào từ đồng nghĩa
+ Mẹo đồng nghĩa “Lài - nhài”
Mẹo này dựa trên nguyên tắc chính tả ngữ nghĩa. Trong tiếng Việt có khoảng 40 cặp từ
đồng nghĩa với nhau có cặp phụ âm đầu là “L” hoặc “Nh”. Khi gặp một tiếng chưa biết viết là
“L” hay “N” mà thấy đồng nghĩa với tiếng khác viết là “Nh” thì có thể kết luận tiếng chưa rõ
ấy phát âm viết là “L”. Ví dụ: lài - nhài, lời - nhời, lanh - nhanh, lấp láy - nhấp nháy, lố lăng -
nhố nhăng…
+ Mẹo đồng nghĩa L-R
Do quan hệ nguồn gốc, tiếng có phụ âm đầu: đồng nghĩa với tiếng có phụ âm đầu R. Vì
thế, có thể dựa vào quan hệ đồng nghĩa này để viết đúng L trong những trường hợp sau: Lấp -
rấp, lỗ - rỗ, long - rồng, lắp - rắp, ngày mười lăm - ngày rằm…
2.3. Cơ sở giáo dục học
2.3.1. Nguyên tắc giáo dục
a. Nguyên tắc sát với đối tượng
Nội dung và phương pháp rèn luyện chính âm, chính tả phải sát với đối tượng là sinh
viên.
b. Nguyên tắc phát triển
Nguyên tắc này có vai trò chỉ đạo nội dung, phương pháp rèn luyện chính âm, chính tả.
Dựa vào nguyên tắc này, một hệ thống bài tập từ dễ đến khó, bài tập luyện tập đến bài tập
sáng tạo trong hoạt động nói và viết phải được xây dựng hợp lí, khoa học.
c. Nguyên tắc hướng vào hoạt động giao tiếp
Để hình thành các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, cần phải đưa sinh viên tham gia
hoạt động nói, viết với hai tư cách là người viết tiếp nhận và người tạo lập ra ngôn bản. Cách
thực hiện tốt nhất là tạo ra những tình huống giao tiếp họa động chính khóa, ngoại khóa để
sinh viên có cơ hội được nghe, nói, đọc và viết.
2.3.2. Phương pháp thực hiện
a. Phương pháp miêu tả trực tiếp
Phương pháp này được sử dụng để miêu tả cách phát âm hoặc nêu các nguyên tắc chính
tả trên cơ sở chuẩn bực chính âm, chính tả tiếng Việt. Miêu tả cách cấu âm của từng âm để
thấy được điểm giống vào khác nhau về cấu âm của hai âm vị này, từ đó luyện phát âm sao
cho đúng. Miêu tả các nguyên tắc chính tả tiếng Việt giúp sinh viên nắm được các quy tắc
cũng như yêu cầu về chuẩn mực chữ viết.
b. Phương pháp thực hành
Đây là một trong những phương pháp chủ đạo được sử dụng trong việc rèn luyện các kĩ
năng chính âm, chính tả. Phương pháp thực hành được vận dụng thông qua các bài tập trên
lớp như: luyện phát âm, luyện đọc, luyện nói theo chủ đề, chữa lỗi phát âm, chữa lỗi chính
tả… Ngoài ra, việc thực hành đối với sinh viên cần phải thực hiện phối hợp qua tất cả các
môn học, thông qua các hoạt động chính khóa cũng như ngoại khóa. Chữa lỗi phát âm l/n là
một quá trình rèn luyện cực kì lâu dài, đòi hỏi sự tự giác, nhẫn nại và khổ công của mỗi người
thông qua các hoạt động nói viết hàng ngày. Qua tất cả các dạng thực hành này, người sử
dụng ngôn ngữ phải có ý thức ghi nhớ cách viết, cách phát âm của từng từ cụ thể.
c. Phương pháp dùng mẹo
Đây là cách cung cấp cho sinh viên những thủ thuật chữa lỗi một cách giản tiện, thông
thường.
d. Phương pháp phân tích ngữ cảnh
Phương pháp này được vận dụng trong các bài tập nhận diện những cách nói, viết chuẩn
mực hoặc mắc lỗi. Đây là phương pháp có thể sử dụng để chỉ ra nguyên nhân mắc lỗi trong
từng ngữ cảnh cụ thể nhằm tìm ra cách sửa lỗi phù hợp.
e. Phương pháp so sánh
Đây là phương pháp dùng để đối chiếu các đơn vị ngữ âm, từ đó chỉ ra sự đồng nhất và
khác biệt giữa các trường hợp sinh viên hay nhầm lẫn. Ngoài ra còn có thể dùng để đối chiếu
giữa cách nói, viết chuẩn và vi phạm chuẩn. Qua đó giúp sinh viên nhận ra chuẩn mực trong
phát âm và chính tả.
3. KẾT LUẬN
Báo cáo mới chỉ dừng lại ở việc phân tích những cơ sở xã hội học, cơ sở ngôn ngữ học
và cơ sở giáo dục học của việc chữa lỗi phát âm và lỗi chính tả đối với cặp phụ âm l/n. Dựa
trên những tiền đề lí luận này, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu theo hướng khảo sát thực tế,
phân tích nguyên nhân và tìm ra những biện pháp khắc phục loại lỗi này nhằm đáp ứng mục
tiêu chung của việc dạy môn Văn và Tiếng Việt trong nhà trường là giữ gìn sự chuẩn mực và
trong sáng của tiếng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vương Hữu Lễ, Hoàng Dũng, Ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H., 1994.
2. Hoàng Kim Ngọc, Tiếng Việt thực hành, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2007.
3. Phan Ngọc, Chữa lỗi chính tả cho học sinh, Nxb Giáo dục, H., 1982.
4. Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng, Tiếng Việt thực hành, Nxb Giáo dục, H., 1997.
5. Nguyễn Minh Thuyết, Tiếng Việt thực hành, Nxb Đại học Quốc gia, H., 2007.
THEORETICAL BASIS OF THE CORRECTING PRONUNCIATION AND
SPELLING ERRORS REGARED TWO CONSOLNANTS L AND N
FOR STUDENTS
Le Kim Nhung
Abstract
The paper analyzes the social, linguistic and educational basis of the correction of pronunciation
and spelling errors for two consonants: “l” and “n” in order to preparing premise for the
implementation a subject to correct for students that Literature Department is conducting.