Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Vựa lúa đồng bằng sông cửu long đối mặt nguy cơ “kép”

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (221.77 KB, 3 trang )

Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Đối mặt nguy cơ “kép”

Đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa của cả nước, được đánh giá là một trong
những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Khu vực này
đang phải đối mặt với viễn cảnh vựa lúa không còn lúa, đất đồng bằng không
còn phù sa, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền vì biến đổi khí hậu
và thủy điện từ thượng nguồn sông Mekong.
Từ biến đổi khí hậu
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và Đồng bằng sông Cửu Long
là nơi sản xuất lúa gạo hàng đầu. Tuy nhiên, lợi thế nông nghiệp này có thể sẽ không
còn trong một ngày không xa. Số liệu khí tượng thủy văn và các kết quả đánh giá
tính dễ bị tổn thương của Bộ Tài nguyên Môi trường, Đại học Chulalongkorn (Thái
Lan), Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Ngân hàng Thế giới đã
cảnh báo rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới Đồng bằng sông Cửu Long là rất
nghiêm trọng.
Theo số liệu ghi nhận của Đại học
Cần Thơ, trong quá khứ, lưu lượng
thấp nhất vào mùa khô của sông Cửu
Long là 2.500m3/s thì hiện nay chỉ
còn khoảng 1.600m3/s. Điều này
khiến việc rửa mặn tự nhiên giảm và
độ mặn tăng, trở ngại cho sản xuất
nông nghiệp, thủy sản và cung cấp
nước sạch và ảnh hưởng đến sản xuất
công nghiệp và dịch vụ. Ngoài ra, kết
quả nghiên cứu mô hình dự báo ngập
của Viện Khoa học Thủy lợi miền
Nam và Đại học Cần Thơ cho thấy,
vào các tháng 9-10-11 mực nước tại
Cần Thơ có thể tăng 50cm nếu mực nước biển dâng thêm 30cm, và tăng 1,2m nếu


mực nước biển dâng thêm 100cm. Cần Thơ là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu
Long và khu vực này được chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu
đánh giá là vùng dễ bị tác động nặng nề của bão và gió lốc do nằm trên địa hình bằng
phẳng.

ĐBSCL - vựa lúa với vai trò đảm bảo an
ninh lương thực cho cả nước đang đối mặt
trước nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu
và thủy điện. Ảnh: TRẦN ANH THẮNG
Theo nghiên cứu về biến đổi khí hậu của Ngân hàng Thế giới thì nhiệt độ của Cần
Thơ đến năm 2070 sẽ tăng khoảng 2,5 độ so với năm 1970. Lượng mưa có thể chỉ
gia tăng nhẹ nhưng thay đổi sâu sắc như mưa sẽ tập trung trong thời gian ngắn hơn
và khô hạn sẽ kéo dài hơn, ảnh hưởng bất lợi đến ngập lụt đô thị và sản xuất nông
nghiệp.
Theo Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường tài nguyên Cần Thơ Kỷ Quang
Vinh: Qua các kịch bản ngập sâu từ các đơn vị nghiên cứu nói trên, mức độ ảnh
hưởng đến sản xuất lúa vào năm 2050 như sau: Vụ đông-xuân giảm sản lượng từ
50,7-100%; vụ hè - thu giảm sản lượng từ 6% đến 71%; vụ thu - đông giảm sản
lượng 100%. Không chỉ thế, cây ăn trái và nghề nuôi thủy sản nếu không bao đê sẽ
bị ngập hoàn toàn. Thậm chí, nếu có đê cao 1,2m so với mặt đất tại chỗ thì có hơn
60% diện tích ao bị ngập; ao có đê bao cao 1,5m thì diện tích bị ngập là dưới 20%.
Điều đáng lo này sẽ đến rõ hơn vào năm 2020-2050.
Số liệu thực tế đã thống kê và số liệu mô hình dự báo đều cho thấy nhiệt độ trung
bình của Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nó đồng nghĩa với nhiệt độ, độ ẩm, nước, đất và mọi vật dụng có liên quan không
khí sẽ bị tăng theo làm gia tăng sức ép về nhiệt đối với cơ thể con người. Các bệnh
nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm thông thường tăng rất nhanh. Còn những lĩnh vực liên
quan khác như năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, du lịch,
thương mại, chi phí sẽ tăng thêm cho việc làm mát, thông gió, bảo quản và vận
hành thiết bị, phương tiện, sức bền vật liệu. Điều này tạo một sức ép rất lớn cho vựa

lúa của cả nước và an ninh lương thực quốc gia.
Đến thủy điện
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, thành viên nhóm Dự án quốc tế nghiên cứu sông
Mekong cho rằng có ba nguyên nhân sẽ khiến câu chuyện dân sinh và môi trường ở
Đồng bằng sông Cửu Long bị đe dọa: Sai lầm quy hoạch, biến đổi khí hậu và thủy
điện trên dòng Mekong. “Chúng ta nói tới phát triển kinh tế, nói tới bảo vệ môi
trường nhưng tôi cho rằng câu chuyện lớn nhất chính là vựa lúa cả nước mà đói thì
cả nước sẽ đói. Sai lầm về quy hoạch có thể khắc phục ngay bằng chính sách, biến
đổi khí hậu có thể thích nghi từ từ bằng các mô hình phù hợp còn thủy điện trên sông
Mekong thì Việt Nam phải lên tiếng phản đối cùng các nước ở hạ nguồn, các tổ chức
bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế ngay từ bây giờ” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu
Thiện nói.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh cho biết: Sông
Mekong bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc) chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan,
Campuchia, Việt Nam trước khi đổ ra biển, hiện nay trên dòng sông này đang có 7
đập thủy điện lớn đã xây và 31 đập thủy điện khác sắp được xây. Khi toàn bộ đập
thủy điện này thành hình thì không chỉ nhiều loài cá sinh sản ngược dòng bị tuyệt
chủng mà sản lượng lúa cũng giảm nhanh chóng cùng với việc hệ sinh thái biến đổi
tiêu cực.
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Hùng
cho biết: Suốt 25 năm công tác tại Vườn Tràm Chim, lần đầu tiên ông chứng kiến
sự bất thường về lượng nước lưu chuyển và tốc độ lên xuống của dòng nước trong
năm 2014. “Bằng kinh nghiệm cá nhân tôi thấy sản lượng cá ở đây so với ngày đầu
tôi về công tác đã giảm 90%. Cá giảm thì chim ăn cá cũng giảm và cả những hệ sinh
thái gắn với nước cũng suy thoái và chỉ có người dân là bị ảnh hưởng”- ông Nguyễn
Văn Hùng nói.
Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ: “Hệ sinh thái
Đồng bằng sông Cửu Long cần có nước đều đặn để phát triển, nước về chậm 1-2
ngày cũng đã xuất hiện các biến đổi. Giờ có thêm thủy điện thượng nguồn tôi lo
nông dân sẽ điêu đứng, các loài chim, cá, thú quý hiếm sẽ tuyệt diệt”.

MAI QUỐC ẤN (TTXVN)

×