Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Cảm hứng nữ quyền trong sáng tác của y ban

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (181.51 KB, 8 trang )

CẢM HỨNG NỮ QUYỀN TRONG SÁNG TÁC CỦA Y BAN
Trần Thu Hà
1


Bài viết đề cập đến cảm hứng nữ quyền trong sáng tác của Y Ban. Có thể nói,
đây là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt hơn 20 năm cầm bút của chị. Xuất phát từ khát
vọng giải phóng phụ nữ, đề cao vị thế của phụ nữ trên tinh thần dân chủ mạnh bạo, Y
Ban đã đem đến cho thế giới nghệ thuật của chị một tinh thần nhân văn hiện đại.
Người phụ nữ trong sáng tác của Y Ban không chỉ là những người chịu thương chịu
khó, bao dung, nhân hậu mà còn là những phụ nữ dám sống, dám chống lại sự đè nén
của tư tưởng nam quyền.

1. Đặt vấn đề
Kể từ khi Simon de Beauvoir sáng lập ra cái gọi là “văn học nữ quyền” [1] năm 1949, văn chương
nhân loại đã bắt đầu những đột phá mới với sự xuất hiện mạnh mẽ của những cây bút nữ viết về giới nữ.
Làn sóng ấy khi đến Việt Nam đã gặp ngay thời kỳ đổi mới, nên như một lực hấp dẫn, thu hút đông đảo
những nhà văn nữ cất tiếng nói dõng dạc bênh vực quyền lợi cho giới mình. Trong bối cảnh như thế, Y
Ban, bằng sự bền bỉ, dẻo dai của một cây bút giàu nội lực sáng tạo, đã làm nên những sắc diện mới mẻ,
độc đáo trên hành trình kiếm tìm bình đẳng, tự do cho phụ nữ.
2. Nội dung
Chưa từng đặt vấn đề nữ quyền trước khi sáng tác, song, mỗi trang viết của Y Ban đều thấm đẫm
tinh thần nữ và khát vọng giải phóng của người phụ nữ Việt Nam. Xót xa, cay đắng nhưng nhân hậu, yêu
thương, chị tìm đến những thân phận đàn bà trong sự tận cùng của khổ đau và nước mắt, những kiếp
người lam lũ, nhọc nhằn, chịu nhiều thua thiệt trong thế giới đàn ông. Vẫn là hình ảnh bà mẹ nghèo lam
lũ, vẫn âm vang của những mẹ Tơm, bà Bủ, bà Bầm, nhưng trong truyện của Y Ban, có gì đó vừa như trái
ngang, vừa như tê tái. Đã nhiều lần, nhà văn để nhân vật cất lên những lời đau đớn: “Khổ quá lắm rồi con
ạ. Kiếp đàn bà chúng mình sao lại cơ cực thế hả con” (Đất mặn vùng đồi) [2]. Nhưng nỗi thống khổ về
vật chất không xa xót, bi ai bằng những bi kịch về tinh thần. Có những người phụ nữ con nhà nông “hiền
lành, xinh xắn” nhưng phải dành cả cuộc đời xuân sắc để làm một kiếp vợ hờ đầy tủi hận: lấy chồng chỉ
để chăm sóc u già, tần tảo gánh vác công việc nhà chồng mà không được hưởng hai chữ tình yêu. Cả đời


chỉ được chồng “yêu” hai lần để một lần có con và một lần chết [3]. Kiếp phận bé mọn, nhọc nhằn của
người đàn bà nông thôn đất Việt cứ thế trôi đi với bao nhiêu oan trái, đắng cay sau lũy tre làng tưởng vẫn
muôn đời bình yên, êm ả. Nhà văn đã phát hiện thật sâu sắc những thân phận đàn bà nhọc nhằn, vất vả
trong nỗi cô đơn gần như tuyệt đối, không một chút quan tâm, không một sự thấu hiểu từ những người
chồng, người cha vô trách nhiệm.

1
Học viên Cao học K17- Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên
Từ làng quê đến thị thành, hoàn cảnh sống có khác nhau nhưng cuộc đời người phụ nữ chẳng hề
thay đổi. Không lặng lẽ, bình yên, thế giới đàn bà “dân nghèo thành thị” trong truyện Y Ban đa dạng,
phức tạp và cũng thống khổ hơn bao giờ hết. Họ là những người vợ tất tả ngược xuôi mà vẫn đói khát.
Trong Ước mơ của chị bán hàng rong, một mình người đàn bà bé nhỏ, gầy yếu nuôi cả đại gia đình, mệt
mỏi, rã rời, chị chưa bao giờ dám nghỉ một buổi chợ vì sợ ngày mai cả nhà chết đói. Gánh nặng miếng ăn
đã nhọc nhằn là thế, gánh nặng tinh thần càng khiến chị đau đớn hơn: chồng vũ phu, say xỉn, hai bố mẹ
già tranh nhau phần quà của các cháu…Bao nhiêu đọa đầy, ngang trái chỉ một mình người đàn bà gánh
chịu, giọt nước mắt xót xa, tức tưởi thổn thức hằng đêm để sớm mai vẫn tiếp tục cuộc đời mưu sinh mới.
Truyện của Y Ban cuốn hút người đọc không chỉ bởi sự sinh động, mới mẻ của những thân phận đàn bà
xưa cũ, mà còn ở những phát hiện khác lạ về tính chất bi đát của kiếp người. Nhân vật người đàn bà ở
Chuyện trong căn nhà nhỏ (Xích lô) vì miếng cơm và nơi nương tựa đã tình nguyện ở lại làm vợ chung
của hai cha con người đạp xích lô theo một thỏa thuận “con ban ngày, cha ban đêm”. Cuộc sống của chị
là những ngày tháng câm lặng, lầm lũi vun vén nhà cửa, chờ người đàn ông của mình trở về và chăm sóc
hai đứa con mà chẳng biết chính xác cha chúng là ai. Tủi nhục và bi thảm, thân phận người đàn bà ở đây
bị rẻ rúng hơn cả mớ rau ngoài đường, giữa chợ. Kim Lân đã từng sáng tạo nên hình tượng “vợ nhặt”
trong đói khát nhưng nhân vật của ông vẫn còn chỗ bám dựa cho tâm hồn, người đàn bà của Y Ban đã đi
đến tận cùng trong một lựa chọn gai góc mà đau đớn. Viết về những số phận đau thương, ngòi bút Y Ban
đặc biệt chú ý đến hạng người “dưới đáy xã hội”, những cô gái điếm. Không đánh giá từ góc độ đạo đức,
nhà văn thấu soi họ dưới cái nhìn thân phận để dựng lên chân thật, xa xót nỗi ê chề, nhục nhã của một
kiếp con người. Đàn bà sinh ra từ bóng đêm là chuỗi dài những đau đớn và trải nghiệm của một cô gái
điếm phải bán đổi thân xác cùng danh dự để nuôi đứa con ngoài giá thú: “Thằng bé được bao nhiêu tuổi
thì ả có bấy nhiêu năm với những ngày hành xác thâu chuỗi dài dài”. Cuộc sống đối với ả là bóng đêm, là

“bị đẩy qua đẩy lại trên tay những gã đàn ông” từ lúc mười năm tuổi mà chưa bao giờ có được phút giây
yêu thương, hạnh phúc [4].
Thế giới đàn bà trong văn Y Ban đa dạng bao nhiêu thì thân phận đàn bà trong văn chị cũng bi thảm
bấy nhiêu. Đó là tiếng nói của sự đồng cảm, yêu thương, nhưng cũng là tiếng kêu cho sự bất công xã hội.
Khắc họa chân thực những mảnh đời phụ nữ lam lũ, nhọc nhằn, nhà văn muốn chỉ ra rằng: đất nước đang
phát triển đi lên, no đủ và phồn thịnh, nhưng ở đâu đây, cuộc sống và quyền sống hạnh phúc của người
phụ nữ dường như vẫn bị lãng quên, vẫn bị bỏ ngỏ trong sự thờ ơ của xã hội.
Nhưng lam lũ, vất vả chỉ là một phần tạo nên phụ nữ, thế giới tinh thần với tất cả sự phong phú,
phức tạp mới là điểm cuối cùng tạo nên bức chân dung hoàn chỉnh về họ. Đấu tranh cho nữ quyền, hầu
hết các nhà văn đương đại đều đi tìm những hình tượng phụ nữ mạnh mẽ, chủ động giành, giữ tình yêu.
Y Ban không phải ngoại lệ, nhưng khi khai thác đề tài này, chị vẫn nghiêng nhiều hơn về khía cạnh thân
phận. Kiểu nhân vật lao vào tình yêu như con thiêu thân để rồi thất vọng ê chề, nhục nhã chính là một nét
riêng trong văn “đàn bà” của chị. Bởi nếu Nguyễn Thị Thu Huệ qua những Giai nhân, Người đàn bà ám
khói hay Một nửa cuộc đời thường đi tìm những nhân vật nữ mạnh mẽ, tự tin, chủ động thì sở trường của
Y Ban là khắc họa kiểu đàn bà thích phiêu lưu trong tình yêu. Họ hoặc dùng nét duyên ma lực để chinh
phục đàn ông, hoặc luôn chạy theo những mối tình không đầu không cuối. Cả cuộc đời kiếm tìm tình yêu
không tưởng để nhận lại kết cục buồn đau là những ám ảnh trở đi trở lại trong những nhân vật nữ của Y
Ban, đặc biệt ở những cô gái trẻ. Không khổ về vật chất, họ tự tạo cho mình nhưng trắc trở trong tình cảm
bởi sự tham lam, hiếu thắng hay những ảo vọng xa vời. Ghi lại nỗi thất vọng, ê chề, nhục nhã của người
phụ nữ sau những cuộc tình phiêu lưu, Y Ban đặc biệt khai thác những xung đột, day dứt trong tâm lí họ:
quá khứ hạnh phúc, tự tin ; thực tại buồn đau, cô độc; ước vọng đẹp đẽ, cao xa, thực tế bất toàn, trần trụi.
Ở đây, sự không tương xứng giữa “cho” và “nhận” trong tình yêu là một mô típ nhà văn thường
dùng để khắc họa nỗi đớn đau của những cô gái trẻ. Trong Ai chọn giùm tôi, cô gái cần mẫn đan len nuôi
người tình ăn học, nhưng kết cục, “chàng lặng lẽ rời ngôi nhà của tôi nhưng không quên mang theo vi
tính, xe máy và điện thoại di động”. Người phụ nữ trong Nhân tình cả tin đón nhận một thứ tình yêu chớp
ngoáng được “ban phát” sau mỗi giờ nghỉ trưa của người đàn ông có vợ. Đến lúc phải nạo thai, đau ốm
trong căn gác thuê tạm bợ, cô mới đau đớn nhận ra hậu quả sự nhẹ dạ, ngây thơ của mình. Hai mươi bảy
bước chân là lên thiên đường cũng miêu tả chân thật tâm trạng đau khổ của một cô gái trẻ trước sự cám
dỗ của tình yêu mù quáng…Yêu trong dằn vặt, đau khổ và tuyệt vọng, nhưng người đàn bà trong truyện
của Y Ban ở mọi hoàn cảnh vẫn tận hiến cho tình yêu. Bi kịch thân phận của họ không phải nằm trong sự

bị lọc lừa, mà trong chính khoảng chung chiêng giữa biết bị lọc lừa mà vẫn yêu hết mình, hết độ.
Thế giới đàn bà trong văn Y Ban “phong phú như một cái chợ đầu mối đủ loại”, ở đó có những
người đàn bà đẹp, cũng không ít những thân phận cô quạnh do nhan sắc xấu xí và hình dáng tật nguyền.
Chính bởi sự không lành lặn và không đẹp về nhan sắc, họ đã phải gánh chịu nhiều nỗi bất công của cuộc
đời mà trước hết là sự khinh bỉ từ phía người đàn ông. Nàng Nấm trong Đàn bà xấu thì không có quà chỉ
vì có đôi chân “ngắn hơn bình thường” mà bị nhìn với con mắt khinh rẻ, ghê sợ từ người anh rể, thậm chí
người đàn ông đồng nghiệp khi nhìn thấy thân hình của Nấm đã phải “lấy tay bưng mặt khóc nức nở”,
“chắp hai tay vái Nấm hai lần rồi ra về”. Những nghịch lí của thần Airet cũng là nỗi bất hạnh khôn nguôi
của hai cô gái phải chung một cơ thể sống. Người cha coi họ như “quỷ hiện hình”, không đào đất chôn
được thì lợi dụng con làm vật bố thí, rồi nhẫn tâm bỏ rơi giữa đường, giữa chợ. Số phận của họ bi đát
không phải từ khi sinh ra, mà chính từ lúc mới chỉ là hình hài do trò chơi nghịch lí của “thần đàn ông” có
tên Airet. Sự vô tâm, ích kỷ, thích đùa giỡn của những kẻ đàn ông bội bạc đã vô tình trở thành nguồn cơn
gây nỗi đau đớn cho những người phụ nữ không lành lặn. Nỗi đau của họ không phải bởi tạo hóa bất công
“ban” cho sự bất thường về cơ thể, mà bởi vì tật nguyền đã trở thành nỗi ám ảnh tước đi của họ quyền
được sống như những người phụ nữ bình thường khác, một lẽ rất giản đơn nhưng đằng sau đó thật bao
nhiêu xót xa và thương cảm. Ít thấy giữa văn học hôm nay, thế giới phụ nữ cùng những phức tạp, đa đoan
của nó lại được soi chiếu cận cảnh, chi tiết với nhiều khúc đoạn đau thương như thế. Nỗi “thương cảm
đàn bà” trong sự khơi mở và phát hiện đã tạo nên trong văn Y Ban những chân dung phụ nữ vừa cụ thể,
vừa mang tầm khái quát.
Khám phá bản năng người nữ một cách đa dạng và toàn diện, theo Y Ban, đó là “cách đi đến tận
cùng của người đàn bà”, và theo chị, nhân quyền hay nữ quyền cũng chính “là tôn trọng bản năng con
người” nói chung và người phụ nữ nói riêng. Những nhân vật đàn bà trong văn chị hiện lên với đầy đủ nét
“thiên tính nữ: bản tính dịu dàng, ưa sự nhẹ nhàng, tinh tế; bản năng sống; bản năng yêu; bản năng tính
dục; bản năng làm mẹ… Tất cả đều được thể hiện rất tự nhiên, sinh động với cái nhìn vừa quen thuộc,
vừa mới lạ, gần truyền thống đấy nhưng cũng hết sức tân thời, hiện đại. Sâu đậm và dồn nhiều tâm huyết
hơn, nhà văn đặc biệt chú ý đến những khát khao được yêu thương, che chở của người phụ nữ. Họ trước
hết là những cô gái trẻ giàu ước mơ, có đời sống tình cảm phong phú, có niềm tin mạnh mẽ vào tình yêu,
tình người và những điều tốt đẹp. Họ khao khát được yêu và tìm đến tình yêu một cách nồng nàn, mãnh
liệt. Đó cũng là những người đàn bà từng trải tha thiết kiếm tìm những phút giây lãng mạn “ngoài luồng”
bên người đàn ông hoàn mỹ. Nhưng trong văn Y Ban, sâu sắc hơn cả vẫn là tình yêu của những người đàn

bà bất thường về thân phận: Đàn bà sinh ra từ bóng đêm là hình ảnh xúc động của một cô gái điếm quanh
năm “hành xác” kiếm tiền nhưng xúc động ngọt ngào trước… một bàn tay: “Cả đời làm cái nghề ngủ với
đàn ông mà lại đi thèm một bàn tay đàn ông đến vậy” [5]. Người đàn bà góa chồng trong Một lần và mãi
mãi cháy bỏng hơn ở sự dũng cảm vượt qua dư luận để được sống là mình trên con đường kiếm tìm hạnh
phúc. Hai cô gái tật nguyền trong Những nghịch lí của thần Airet đều có trái tim xao xuyến yêu đương, họ
sống bằng khát vọng về một tình yêu đẹp, bất chấp nỗi tủi hờn cho một thân hình khiếm khuyết.
Khai thác sâu sắc bản năng “yêu” của phụ nữ, Y Ban luôn tìm thấy ở họ sự chủ động tìm đến tình
yêu. Họ nâng niu, chở che người đàn ông, họ dâng hiến tất cả cuộc đời, thân xác mình, bất chấp tất cả
những thua thiệt, hi sinh để người yêu được hạnh phúc. Người phụ nữ hiện đại không chỉ của Y Ban, mà
của cả Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Lý Lan… đều hành động như thế. Nhưng với một cách nhìn
riêng, những nhân vật nữ của Y Ban có chút “chông chênh” hơn, có những “khoảng” giằng co quyết liệt
hơn gữa mạnh mẽ và yếu mềm, giữa vị tha và vị kỷ. Thế nên, một lẽ dĩ nhiên, họ phải chịu một kết cục bi
đát hơn rất nhiều. Đó là mốc ranh giới khó vượt qua, cái giá phải trả cho những cuộc “săn lùng” hạnh
phúc của người nữ trong buổi “giao thời” hiện đại.
Khát khao yêu và được yêu, khát khao làm mẹ và hạnh phúc bên những đứa con yêu dấu…, bản
năng đàn bà trong văn Y Ban luôn được thể hiện với tất cả sự phong phú và chiều sâu tận cùng của nó. Đi
vào bản chất tự nhiên cùng những nhu cầu riêng tư của người phụ nữ trong xã hội, Y Ban muốn khẳng
định: phụ nữ trước hết là người nữ, mang bản sắc riêng của giới nữ không giống và không thể so sánh với
đàn ông. Vậy nên, đứng theo quan điểm về giới, phụ nữ có những sở trường cũng như vai trò riêng trong
xã hội [6]. Đây là tư tưởng mà Y Ban có sự gặp gỡ với rất nhiều những nhà văn nữ đương thời. Nhưng
hơn thế, khai thác bản năng phụ nữ và sự biểu hiện thành thực của nó, nhà văn còn muốn đặt ra một câu
hỏi nhức nhối: có phải chăng giữa thời đại này, người nữ càng sống cho chính mình, càng sống thật với cái Tôi
của mình thì càng nhiều khổ đau, đơn độc? Và phải chăng đó chính là hệ lụy, dư âm còn lại của một xã hội mà sự
hiện đại hóa, thông tin hóa mới đang ở độ nhen nhóm, bắt đầu?
Đi sâu vào mọi góc cạnh trong chiều sâu bản chất nữ, Y Ban không chỉ khám phá nỗi đau khổ tột
cùng đến từ những cuộc đời, những thân phận, mà còn nhận thấy ở người phụ nữ Việt Nam một sức mạnh
tiềm tàng, quật khởi muốn đứng lên tự giải phóng cho mình, trước hết là sự tự ý thức về những giá trị sẵn
có. Người đàn bà trong văn Y Ban thường rất tự tin phô bày vẻ đẹp hình thể và sức hấp dẫn giới tính. Ở
nhiều truyện ngắn: Người đàn bà có ma lực, Tự, Gà ấp bóng, Người đàn bà đứng trước gương, Cuộc tình
silicôn…, những nhân vật nữ luôn có sở thích ngắm mình khỏa thân trước gương để nhận ra những nét

đẹp quyến rũ của cơ thể, để tự hào về vẻ đẹp trời phú của mình. Với họ, một cơ thể đẹp, một nét duyên
ngầm chính là sức mạnh, là niềm kiêu hãnh, tự tin để bước vào cuộc sống, nhất là trong những cuộc chinh
phục thế giới đàn ông. Từ thơ Hồ Xuân Hương viết về hình thể người phụ nữ: “Đôi gò bồng đảo sương
còn ngậm / Một lạch đào nguyên suối chửa thông” đến người đàn bà lõa thể trước gương của Y Ban đã
có cả một khoảng cách dài. Nếu Xuân Hương mới chỉ kín đáo khẳng định vẻ đẹp trần thế nguyên sơ của
người nữ, thì Y Ban đã coi sự bộc lộ cơ thể chính là một cách giác ngộ về cái tôi trong ý thức, là khát
khao giải phóng về tinh thần của giới nữ [7].
Không chỉ về hình thể bên ngoài, người phụ nữ còn rất tự tin về tài năng và trình độ hiểu biết, đó
cũng là một phương diện để họ xác lập vị trí chủ thể của mình trong xã hội: chủ thể về tư duy, nhận thức
độc lập và linh hoạt. Sống trong thời đại mới, họ là những người có trình độ học vấn đáng nể trọng.
Người đàn bà trong Tự, Cưới chợ hay Xuân trong Xuân Từ Chiều là những tiến sĩ khoa học đi tu nghiệp ở
nước ngoài; những người đàn bà tật nguyền như Nấm (Đàn bà xấu thì không có quà), người đàn bà (Đứa
con và người đàn bà tàn tật) cũng tự tạo vị thế cho mình qua nỗ lực tốt nghiệp đại học, và hầu hết những
cô gái trẻ trong văn Y Ban đều là những cô sinh viên nhiều ước mơ, hoài bão. Tất cả họ, bằng nghị lực, ý
thức cầu tiến và bản lĩnh sống mạnh mẽ, đã làm được những điều mà đối với người phụ nữ Việt Nam
trước đây, đó chỉ là mơ ước. Trong nhiều hoạt động chuyên môn, xã hội, những nhân vật nữ của Y Ban
còn biểu hiện những năng lực thực sự. Dù tài năng đến từ những điều bình thường như một giọng hát
hay, sự khéo léo hơn người hay những phẩm chất quan trọng khác, thì mọi biểu hiện tài năng ở họ đều
mang lại hiệu quả và được mọi người công nhận. Người phụ nữ với năng khiếu thiên bẩm về văn chương
và sự thông minh đột khởi cũng được Y Ban chú ý miêu tả như chứng thực cho sự xâm lấn của phụ nữ
vào những lãnh địa mà trước đây chỉ dành cho nam giới.
Gai góc sống trong một xã hội “giao thời” nhiều biến thiên phức tạp, nhân vật nữ của Y Ban trong
mọi hoàn cảnh đều là những người tích cực, chủ động, luôn ở trong tư thế sắn sàng đối đầu, sẵn sàng
xông pha, sẵn sàng chấp nhận. Điều này được thể hiện rất rõ qua ngôn ngữ, hành động và quan niệm sống
của họ. Thoát khỏi bóng dáng của người đàn bà “tùng thuận”, bị động, yếu đuối trong truyền thống, người
đàn bà hiện đại luôn ý thức mình như một chủ thể trong việc gánh vác trách nhiệm gia đình. Họ tự nguyện
một mình nuôi sống gia đình mà không hề chờ đợi, dựa dẫm vào bàn tay đàn ông. Mạnh mẽ, dứt khoát,
bất chấp mọi khó khăn, thử thách, không hối hận vì những gì mình đã chọn, những người phụ nữ của Y
Ban đã thực sự là những cá nhân hoàn toàn tự chủ trong xã hội hiện đại. Ý thức mình như một chủ thể
độc lập, họ còn là những người không ngừng phấn đấu vươn lên để tự hoàn thiện bản thân, nhất là trên

con đường học vấn. Người phụ nữ trong Cưới chợ không an phận ở sự “biết đọc, biết viết rồi về cày
ruộng” như bao người dân quê khác, mà “học hết trường đình, ra trường xã rồi lên trường huyện… Khi
học xong phổ thông tôi được đi học nước ngoài”, “học song đại học, tôi học tiếp tiến sĩ”. Luôn luôn phấn
đấu hết mình, người phụ nữ Việt Nam hiện nay không chỉ “đảm việc nhà” mà còn “giỏi việc nước”, tự tin
đứng bên cạnh nam giới trên nhiều lĩnh vực. Từ trong Xuân Từ Chiều có thể coi là mẫu người phụ nữ như
thế. Với bản tính thông minh, ham hiểu biết, khi còn ở khu tập thể, Từ đã là cô bé hoạt bát, nhanh nhẹn,
lớn lên, học hành giỏi giang được nhiều người thán phục. Giữa thời bao cấp nghèo đói, lại đèo bòng thêm
một đứa con nhỏ và một ông chồng không nghề nghiệp, cô đã không ngại việc xuất thân gia giáo, học
hành tử tế mà “lăn xả” vào cuộc sống xô bồ để kiếm tiền nuôi gia đình (bằng việc bán xôi chim và… đánh
đề). Vừa nhẫn nhịn, khiêm nhường, vừa chao chát, đanh đá, Từ đã trở nên một người đàn bà già dặn, từng
trải và kiếm ra tiền. Ở hoàn cảnh này, nhiều phụ nữ chắc chắn đã dừng lại ở đó để có một cuộc sống yên
ổn. Nhưng với Từ thì khác, vượt qua mọi gian khó từ hoàn cảnh riêng và thực tại xã hội, cô đã không
ngừng vươn lên để trước hết được sống đúng là mình, được thỏa những giấc mơ bấy lâu cô hằng ấp ủ, đó
là sáng tác văn chương và làm công việc của một người nghiên cứu. Hằng đêm, khi chồng con đã ngủ, cô
lặng lẽ thức dậy và bắt đầu những trang viết, những trang bản thảo ghi lại sống động một quãng đời đầy
trải nghiệm. Rồi khi xin được việc ở một Viện nghiên cứu, cô không chấp nhận kiểu công chức chỉ ngồi
rỗi buôn chuyện, mà lao vào những đề tài nổi cộm trong xã hội một cách say mê, đầy trách
nhiệm…Thông minh, nhạy bén, không ngại khó, ngại khổ cùng khả năng chủ động thích ứng và cải tạo
hoàn cảnh, Từ và một số nhân vật nữ trong sáng tác của Y Ban là những hình tượng đẹp, mới mẻ về
người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Với những phẩm chất như thế, họ đang dần thoát ra khỏi sự bao bọc của
đàn ông, sự lệ thuộc vào đàn ông và có thể sống trong một thế giới “thiếu vắng bóng dáng đàn ông” thực
sự.
Nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành, là bờ vai tinh thần vững trãi cho những người thân trong
cơn hoạn nạn, đó là thiên chức nhưng cũng là vai trò không thể thay thế của người phụ nữ trong sứ mệnh
vun đắp một gia đình hạnh phúc. Người đàn bà một mình nuôi con là hình ảnh trở đi trở lại đầy xót xa
trong văn Y Ban, nó không chỉ biểu hiện những thân phận lam lũ, khổ đau, mà còn là bằng chứng xác
thực về khả năng chủ động, tự thân của người nữ. Từ trong gia đình, người đàn bà bước ra ngoài xã hội
với sự khẳng định dần ở những vị trí quan trọng, nổi bật. Họ là những nhà khoa học được tín nhiệm,
những trưởng phòng, giám đốc có tài, những “sếp bà” uy quyền, những phụ nữ thành đạt, giàu có. Không
hề mờ nhạt và bị cuốn đi giữa đám đông, người đàn bà của Y Ban luôn luôn chủ động để mình trở nên nổi

bật, được mọi người coi trọng và ngưỡng mộ. Họ, bằng tài năng, trí thông minh và thế mạnh riêng, đã
không chỉ tự làm thay đổi vị thế của mình trước xã hội mà còn làm thay đổi cách đánh giá của số đông
mọi người đối với chính mình. Đó là một thành công đột khởi của người phụ nữ Việt Nam, đưa những
“nữ nhi” yếu đuối, bé nhỏ lên ngang tầm những đấng trượng phu cao siêu, tài trí, đưa những người đàn bà
đất Việt vốn luôn bị coi là u mê, lạc hậu, sánh ngang với những phụ nữ tiên tiến của nhân loại trên con
đường đấu tranh cho nhân quyền, bình quyền và nữ quyền. Đó cũng là con đường giải phóng người phụ
nữ khỏi những ràng buộc, tù trói từ luân lí xã hội hà khắc để hướng đến tự do, bình đẳng trên tất cả các
lĩnh vực.
Đề cập đến vấn đề thời sự nóng hổi này, sáng tác của Y Ban đã không chỉ tái hiện chân thực quá
trình tự ý thức của người phụ nữ, mà còn ghi nhận những dấu hiệu đổi thay ban đầu từ chính cuộc sống
hằng ngày của họ, bắt đầu là sự manh nha tư tưởng thoát khỏi những ràng buộc của hôn nhân và hướng
đến tự do, chủ động trong đời sống tình dục. Y Ban cho rằng: với người phụ nữ, tình dục không hẳn là
cứu cánh, là chỗ để họ vin vào đứng dậy, nhưng có thể khẳng định: nó chính là một phương diện quan
trọng để giải phóng bản ngã. Bởi ở đây, những khát khao thân xác, những ẩn ức khó nói về nhu cầu bản
năng, những phương cách giải quyết xung đột sinh lý được người phụ nữ “bộc bạch” rất chân thực mà
đau xót. Thoát khỏi những ràng buộc coi tình dục là vùng “cấm địa” chỉ đàn ông mới được nhắc tới,
người phụ nữ đã có những giây phút sống thật sự với mình, sống tự do là mình chứ không tự kìm trói, ép
mình trong vòng cương tỏa của đạo đức, luân lí như trước. Sự tự do, tự nguyện và chủ động trong tình
dục mang đến cho họ niềm hạnh phúc được hiến dâng và niềm khoái cảm được là mình trong giây phút
thăng hoa, tan biến. Song, giữa cuộc sống bộn bề với nhiều trái ngang và uẩn khúc, tất cả đều không dễ
dàng. Những khát khao và chủ động ấy có lúc đem lại cho người nữ niềm tin, niềm hạnh phúc về sự quan
tâm, giải phóng, nhưng cũng có khi, chính nó lại là nguyên nhân dẫn đến bao khổ đau và nước mắt. Phân
tích vấn đề tính dục nữ giới trong văn Y Ban ở khía cạnh này, người viết không chỉ đề cập đến thân phận
đàn bà trong những nỗi niềm riêng tư, sâu kín, mà còn muốn nhấn mạnh đến một thứ tình dục cô đơn,
tuyệt vọng và bế tắc trong cuộc sống hiện đại. Đó là những điều mà cùng với việc coi tình dục là phương
diện để kiếm tìm, giải phóng bản ngã, người đàn bà của Y Ban sẽ phải đối mặt trước những sự thật đầy
khốc liệt. Với đề tài tình dục, Y Ban đã thực sự tìm được “mảnh đất màu mỡ” để đi vào khám phá tận
cùng chiều sâu bản chất nữ. Và theo chị, nó cũng là một lĩnh vực quan trọng để người phụ nữ tìm đến nhằm
giải phóng cái tôi mà hàng nghìn năm nay, trong mối quan hệ thể xác với đàn ông, họ đã chịu muôn vàn khổ
đau và nhẫn nhục. Điều đó giải thích vì sao văn “sex” của Y Ban thường không bình yên, nhẹ nhàng, không

kín đáo, trầm lặng mà phải băm bổ, bạo liệt, phải nhiều dồn nén và bung thoát [8].
3. Kết luận
Đòi hỏi quyền sống một cách mạnh mẽ, người phụ nữ trong tác phẩm của Y Ban đã đi đến tận cùng
của bản thể, của cảm xúc, vươn đến độ đậm nhất của chiều sâu thiên tính nữ như thế. Song, khi quay lại
đối diện với thực tại xã hội, họ lại trở nên những người đàn bà đau khổ bởi luôn đứng chông chênh giữa
hai bờ truyền thống và hiện đại, nhục cảm và đạo đức, bản năng và lí tính. Bức chân dung còn dang dở ấy
chính là những thông điệp nóng hổi, những tiếng nói nữ quyền quyết liệt nhưng thống thiết mà Y Ban
muốn gửi đến bạn đọc hôm nay.
Chú thích:
1. Đây là khái niệm mở với nhiều quan điểm khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Lưu Tư Khiêm, văn
học nữ quyền là “tinh thần nhân văn hiện đại, lấy nữ tính làm chủ thể ngôn từ, chủ thể trải nghiệm,
chủ thể tư duy, chủ thể thẩm mỹ” (Nguồn: Nguyễn Đăng Điệp, “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ
quyền trong văn học Việt Nam đương đại”, ). Tựu trung, đó là
dòng văn học gắn với quyền sống cơ bản của người phụ nữ, với thế giới quan về con người của
người phụ nữ, đi sâu vào thế giới phức tạp của người phụ nữ nói chung.
2. Y Ban, Miếu hoang, Nxb Thanh niên, H., 2000, tr.226.
3. Y Ban, Hành trình của tờ tiền giả, Nxb Hội Nhà văn, H., 2010.
4, 5. Y Ban, Đàn bà sinh ra từ bóng đêm, Nxb Hội Nhà văn, H., 1995, tr.126.
6. Trên bình diện lý luận, các nhà nữ quyền học đã không ngừng xây dựng một hệ thống lý thuyết
khá công phu bắt đầu từ sự đả phá lại quan niệm truyền thống cho rằng: phụ nữ là “những người
đàn ông bất toàn”, tức coi: phụ nữ là một phần của đàn ông, lệ thuộc chặt chẽ vào đàn ông trên mọi
lĩnh vực. Họ chỉ ra sự khác biệt giữa hai giới tính nam và nữ để qua đó khẳng định mạnh mẽ: phụ
nữ là một bộ phận riêng, một thế giới riêng với năng lực, sở trường riêng của mình trước sự phân
công của xã hội. Nhờ một số đặc điểm riêng biệt về sinh lý như việc có kinh, có thai, có sữa và sinh
đẻ, người phụ nữ có quan hệ gần gũi và mật thiết với thế giới vật lý và với hiện thực nói chung hơn
hẳn đàn ông (Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc, “Nữ quyền luận”, http:// www.tienve.org).
7. Với ý nghĩa như thế, những tác phẩm này của Y Ban có sự gặp gỡ với các “sáng tác thân thể”
thuộc dòng văn học nữ tính của Trung Quốc như: Cuộc sống riêng tư (Trần Nhiễm), Chòm song
ngư (Từ Tiểu Bân), Tiếng rên của bươm bướm (Vệ Tuệ)…
8. Y Ban trả lời phỏng vấn: “Tôi dùng sex làm phương tiện và mục đích để chuyển tải ý đồ”, nên

mặc dù có “phóng bút”, “buông thả” nhưng “tôi hoàn toàn ý thức được việc viết của mình” (Nguồn:
Y Ban, “Sex cổ xưa như trái đất”, ).


Y BAN’S INSPIRATION OF PURE FEMINIST MODE
Tran Thu Ha
Abstract
This lesson deals with an inspiration of pure feminist mode in Y Ban’s works. We can say that for
over 20 years Y Ban writers have as a decisive and penetrative source of inspiration. From the standpoint
of women’s liberationist, think highly of women’s position in mind of vigorous democracy, Y Ban brings
about a human and actual spirit for her world of art. In her works of art, the women are not only
painstaking, generous, humane and upright persons but also women oppose to command of the men’s
power.




×