Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong thánh tông di thảo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (202.89 KB, 8 trang )

NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG THÁNH TÔNG DI THẢO
Nguyễn Thị Việt Hằng
1

Một trong những phương diện làm nên giá trị nghệ thuật của tác phẩm
“Thánh Tông di thảo” (tương truyền của Lê Thánh Tông), đó là nghệ thuật
xây dựng nhân vật. Đứng từ các góc độ: không gian nghệ thuật cho nhân vật
hoạt động; thời gian nghệ thuật cho nhân vật tồn tại và nghệ thuật khắc họa
ngoại hình, phẩm chất và ít nhiều những biến thái trong thế giới tâm hồn
nhân vật, bài báo đi tới khẳng định thành công của tác phẩm. Đây chính là
minh chứng rõ rệt cho khả năng tự chủ cao của người cầm bút trong sáng
tạo, đồng thời cũng là minh chứng cho khuynh hướng thoát ly dần khỏi văn
học chức năng và văn học dân gian trong văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung
đại.

1. Mở đầu
Trong xu hướng phát triển của văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Thánh Tông di
thảo (tương truyền của Lê Thánh Tông) được đánh giá là một dấu mốc quan trọng cho sự
chín muồi về thể loại. Một trong những phương diện làm nên giá trị của tác phẩm là thế giới
nhân vật được xây dựng phong phú, đậm màu sắc kỳ ảo. Đây là phương diện nghệ thuật minh
chứng rõ rệt cho khả năng tự chủ cao của người cầm bút trong sáng tạo, đồng thời cũng là
minh chứng cho khuynh hướng thoát ly dần khỏi văn học chức năng và văn học dân gian để
bắt đầu cuộc hành trình nghệ thuật với ý nghĩa cao cả là hướng tới con người của văn học
trung đại Việt Nam.
2. Nội dung
2.1. Không gian kỳ ảo cho nhân vật hoạt động
Không chỉ hấp dẫn bằng những cốt truyện ly kỳ, truyện truyền kỳ còn hấp dẫn bởi thế
giới nhân vật đa dạng, phong phú và đầy màu sắc huyền thoại. Sức hấp dẫn ấy một phần đến
từ khả năng mở rộng địa hạt không gian cho nhân vật hoạt động ra các phía theo trí tưởng
tượng, tầm nhận thức thế giới và sự sáng tạo của mỗi cá nhân tác giả.
Không gian kỳ ảo trong truyện truyền kỳ là loại không gian tưởng tượng, đặc biệt


phong phú. Trong Thánh Tông di thảo, tác giả cũng xây dựng những kiểu không gian mà thể
loại thường dùng như: không gian thiên đình, thủy phủ, không gian mộng. Bên cạnh đó tác
giả còn xây dựng kiểu không gian kỳ ảo khác, đó là những thế giới siêu nhiên không thuộc
không gian trần thế cũng không thuộc các kiểu không gian kỳ ảo thông thường. Tất cả những
không gian đó có ý nghĩa mở rộng phạm vi phản ánh, từ việc khẳng định con người, thể hiện
khát vọng tình yêu tự do, đến việc phát biểu những quan niệm xã hội chính trị của tác giả.

1
ThS, trường ĐHSP Hà Nội 2
Với những chức năng có ý nghĩa cố định từ văn học dân gian, dưới ngòi bút đầy sáng
tạo của tác giả, kiểu không gian thiên đình, thủy phủ, âm phủ đã trở thành thế giới lý tưởng
để gửi gắm ý đồ nghệ thuật.
Trước hết, không gian thiên đình theo quan niệm trong dân gian là thế giới tối cao, có
chức năng cai quản mọi hoạt động của các thế giới khác. Không gian này là của Ngọc Hoàng,
người có quyền năng lớn nhất, có thể ban phát mọi ân lộc, cũng có thể trừng phạt mọi sinh
linh trong tất cả các thế giới. Nhân vật Ngọc Hoàng của Lê Thánh Tông trong Phả ký sơn
quân, Trận cười ở núi Vũ Môn cũng vậy. Tuy nhiên, Ngọc Hoàng trong Thánh Tông di thảo
đã có được một hình ảnh riêng, độc đáo. Ông ta cũng có lúc mới lên ngôi (Trận cười ở núi Vũ
Môn) và cũng có lúc về già (Ngọc nữ về tay chân chủ)…chứ không phải không có tuổi và bất
tử với thời gian như quan niệm thông thường. Không chỉ với ý nghĩa cố định đó, không gian
thiên đình còn được Lê Thánh Tông sử dụng cho mục đích khẳng định sức mạnh, vai trò và
khả năng của con người bình thường một cách bề thế nhất. Truyện Ngọc nữ về tay chân chủ,
không gian thiên đình được mở ra với chiều cao, bề rộng mà Sơn thần và Thủy thần kẻ thì
phải “cưỡi xe hươu trắng”, kẻ “cưỡi ngựa vẫy vùng rẽ nước” mới bay lên được. Giữa quang
cảnh biến hóa, huyền ảo, sau cuộc diễu võ giương oai của các vị thần, tác giả để nhân vật
thiên tử nơi trần thế điềm nhiên xuất hiện, tiến vào “đứng sừng sững ở trước sân”, không hề
“sụp lạy” trước đấng tối cao của muôn thế giới, rồi “ung dung” phát biểu suy nghĩ để khẳng
định sức mạnh to lớn của mình: “núi có thể bạt đi, gò có thể san bằng, nước lớn có thể bắt
lui, sông có thể cắt đứt… Bước lên núi cao tỏ lòng thành với trời, oai trùm biển rộng, nào ai
dám chống”. Với phong thái ấy, lời nói hùng hồn ấy, những thần linh sở hữu trong tay ngàn

vạn pháp thuật đã chịu thua trong hổ thẹn, còn Ngọc Hoàng phải thừa nhận sức mạnh của con
người trong hoan hỉ. Việc xây dựng không gian chốn thiên đình, nơi được coi là thế giới tối
cao của mọi thế giới và tạo ra tình huống truyện độc đáo cho nhân vật chính xuất hiện, ý đồ
đề cao, khẳng định con người đã đạt tới một kết quả thực sự độc đáo.
Cũng với ý nghĩa thông thường trong tư duy dân gian, không gian thủy phủ, âm phủ
trong Thánh Tông di thảo mang ý nghĩa là nơi thưởng phạt phân minh, kẻ ác bị xét xử, người
hiền được ban thưởng. Thúc Ngư tìm được vợ như ý, Ngọa Vân mắc tội ở trần gian phải trở
về thủy cung chịu tội (Truyện lạ nhà thuyền chài); kẻ theo giặc nhưng biết giữ phận làm tôi
được ban thưởng (Người trần ở thủy phủ); người sống theo đúng đạo hiếu được phong làm
thần (Hai thần hiếu đễ)… Hơn thế, qua truyện Người trần ở thủy phủ, Hai thần hiếu đễ, kiểu
không gian này còn được tác giả sử dụng để cổ súy mạnh mẽ cho các quan niệm về chữ
trung, tinh thần hiếu đễ tuyệt đối theo tư tưởng Nho giáo.
Đối với dạng không gian kỳ ảo là thế giới mộng được tác giả xây dựng khá độc đáo và
hoàn toàn khác với truyền kỳ bản địa. Nếu ở truyền kỳ Trung Hoa, thế giới trong mộng
thường đẹp, đối lập hoàn toàn với thế giới thực, là nơi để những nhân vật không được toại
nguyện trong đời thường tìm đến và khi tỉnh mộng thì cũng là lúc vỡ mộng, thì truyện của Lê
Thánh Tông khác hẳn. Trong Duyên lạ nước Hoa, không gian mộng là nơi Chu Sinh có được
tất cả những thứ mà ở thế giới thực anh ta không thể có. Từ thế giới mộng trở về thế giới thực
Chu Sinh đã có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ món quà ở thế giới mộng gửi về. Vì thế mà anh ta
sẵn sàng từ bỏ thế giới thực để đi vào thế giới mộng bằng cái chết một cách thanh thản.
Không gian mộng trong Bài ký một giấc mộng lại có ý nghĩa lý giải những điều mà ở không
gian trần thế con người không thể làm được và khi tỉnh mộng con người thấy thỏa nguyện
thực sự. Còn Một dòng chữ lấy được gái thần, không gian mộng là nơi cho anh đồ kiết đạt
được ước nguyện mĩ mãn, đó là lấy được người con gái anh yêu. Những điều đẹp đẽ ấy ở thế
giới mộng tiếp tục theo anh về thế giới thực và sang cả kiếp sau nữa. Như thế, không gian
mộng trong Thánh Tông di thảo hoàn toàn không mang nét nghĩa của các tác phẩm truyền kỳ
ở bản địa. Chính nó tạo ra những điều đẹp đẽ cho con người ở thế giới thực chứ không phải
để con người nhận ra thế giới thực là bi kịch.
Ngoài những kiểu không gian quen thuộc của truyện truyền kỳ, trong Thánh Tông di
thảo, còn có thể thấy tác giả chú ý xây dựng một kiểu không gian nửa hư nửa thực thuộc về

một thế giới siêu nhiên khác, vừa mang vẻ thần bí, vừa tồn tại song song với không gian trần
thế. Truyện hai phật cãi nhau là không gian ở trong chùa, nhưng lại là không gian kỳ ảo, nơi
mà con người có thể chứng kiến những bức tượng cãi vã với nhau. Truyện hai thần hiếu đễ,
không gian là ở trong một ngôi miếu giữa đồng, nơi Tử Khanh chứng kiến cuộc đối đáp thơ
ca của người anh đã chết và các vị thần khác. Không gian trong Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc là
không gian của hồ này nhưng mang màu sắc huyền ảo, ở đây diễn ra cuộc gặp gỡ giữa con
người và thần tiên để từ đó con người ngộ ra được rất nhiều điều sâu sắc trong cuộc đời.
Không gian trong Bức thư của con muỗi, Dòng dõi con Thiềm thừ là không gian cho loài vật
nói năng, hành động như con người. Kiểu không gian này có ý nghĩa thể hiện mục đích giáo
huấn của tác giả.
Như vậy có thể nói, như mọi tác phẩm truyền kỳ khác, Thánh Tông di thảo đã xây dựng
được hàng loạt các kiểu không gian, từ trần thế đến tiên cảnh, thủy phủ, âm phủ, từ cõi thực đến
cõi mộng… Trong không gian ấy, nhân vật đi lại, nói năng, hoạt động rất tự nhiên, cuộc đời
của chúng cũng được thể hiện đầy ý nghĩa trong một không gian kỳ ảo nào đó. Điều này cho
thấy, tác giả đã có những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân rõ nét.
2.2. Thời gian kỳ ảo cho nhân vật tồn tại
Không chỉ có những sáng tạo đặc biệt trong xây dựng không gian kỳ ảo, tác giả Thánh
Tông di thảo còn có những cảm nhận đặc biệt qua việc xây dựng thời gian kỳ ảo cho nhân vật
tồn tại.
Tác phẩm cũng sử dụng song song hai đơn vị thời gian mà thể loại thường dùng, đó là
thời gian thực và thời gian kỳ ảo, trong đó thời gian thực là thời gian cho nhân vật tồn tại
trong cõi trần thế, còn thời gian kỳ ảo là thời gian nhân vật tồn tại ở những thế giới siêu nhiên
khác. Sự kết hợp hai đơn vị thời gian này khiến cho việc xây dựng nhân vật vừa giàu tính
huyền ảo lại vừa chân thực. Người đọc sẽ được cùng nhân vật hành trình trong những đơn vị
thời gian vừa theo tuyến tính, vừa phi tuyến tính với sự đàn hồi hóa cao độ, để cảm nhận
được tất cả những gì mà tác giả muốn gửi gắm qua sáng tác của mình.
Trong Truyện yêu nữ Châu Mai, việc để nhân vật xuất hiện trở đi trở lại trong thời gian
kéo dài hàng mấy trăm năm chính là để diễn tả một cách sâu sắc nhất khát vọng kiếm tìm
hạnh phúc và tình yêu thủy chung của người phụ nữ, đồng thời, với dụng ý làm tăng thêm sự
ly kỳ cho câu chuyện, tác giả còn dùng nhiều kiểu thời gian khoảnh khắc ở nhiều thiên truyện

khác. Ở Truyện lạ nhà thuyền chài là chi tiết vợ chồng nhà thuyền chài được hai gã Bán Kinh
đưa từ thủy cung trở về nhà: “chỉ đi độ một khắc có thể qua muôn dặm đường trường”, sau
chừng “ba khắc” họ đã vượt được một đoạn đường dài để về đến nhà, và lại chỉ trong “chớp
mắt” họ đã không thấy hai gã bán kinh đâu nữa. Truyện hai thần hiếu đễ thời gian kỳ ảo được
diễn tả qua chi tiết Tử Khanh cùng người anh “cưỡi xe mây đi chừng nửa khắc”, chi tiết Tử
Khanh về tới nhà “khi trời sắp sáng, không thấy Nguyên Anh đâu, mà mình đã đứng trước
cửa nhà cũ rồi ”… Nói chung, việc kéo dài hay co ngắn thời gian một cách ly kỳ như vậy chỉ
có thể có được ở truyện truyền kỳ, và Lê Thánh Tông đã rất biết cách tận dụng nó để thể hiện
dụng ý nghệ thuật của mình.
Ngoài kiểu thời gian kỳ ảo trên, tác giả còn chú ý đặt nhân vật trong thời gian kỳ ảo với
sự diễn tiến song song và ráp nối lôgích với thời gian thực. Đây là nét riêng của Thánh Tông
di thảo, bởi trong các truyện truyền kỳ khác, độ chênh lệch giữa thời gian thực và thời gian
kỳ ảo thường rất lớn. Từ Thức sống cùng Giáng Hương ở thế giới tiên cảnh được một năm thì
thời gian ở thế giới thực nơi quê nhà đã trải qua ba đời; Lưu Thần, Nguyễn Thiệu ở non tiên
được nửa năm, khi trở lại quê hương thời gian đã trôi qua bảy đời người… Đặt nhân vật trong
sự chênh lệch lớn giữa hai đơn vị thời gian các tác giả truyền kỳ khác đã diễn tả sâu sắc bi
kịch của con người trong quy luật thời gian nghiệt ngã. Từ Thức hay Lưu Thần, Nguyễn
Thiệu đều nhớ quê và quyết tâm trở về bằng mọi giá nhưng khi về đến nơi thì tất cả đã không
còn như xưa nữa. Trong sự so sánh với một số tác phẩm truyền kỳ khác, chúng ta thấy nhân
vật của Thánh Tông di thảo thường không phải là nhân vật của bi kịch, cuộc đời trôi giữa hai
chiều thời gian thực và thời gian kỳ ảo của nhân vật luôn theo lôgích tuyến tính. Tử Khanh
trong Truyện hai thần hiếu đễ ngủ lại trong một ngôi miếu, gặp người anh đã thành thần ở cõi
âm trong vòng một đêm, trở về nhà thì trời sáng. Chu Sinh trong Duyên lạ nước Hoa tồn tại
trong cả hai chiều thời gian, trong đó thời gian ở cõi mộng trôi qua bao nhiêu thì thời gian ở
cõi thực cũng trôi qua tương ứng. Bởi thế sống hết một đời người anh ta sẵn sàng đi vào cõi
mộng mà không hề luyến tiếc cõi thực. Anh học trò trong Người trần ở thủy phủ xuống thủy
phủ được bao nhiêu năm thì ở quê nhà trời gian cũng trôi qua chừng ấy… Như vậy, đặc tính
thường thấy của thời gian kỳ ảo trong truyện truyền kỳ đã không được tác giả sử dụng, có lẽ
vì thế mà tác phẩm lại có được sự gần gũi, chân thực của đời sống.
Ở những thiên truyện nhằm mục đích giáo huấn như Bức thư của con muỗi, Trận cười

ở núi Vũ Môn, Bài ký dòng dõi con Thiềm thừ, Phả ký sơn quân , thời gian kỳ ảo cho nhân
vật là loài vật tồn tại lại được tạo nên bởi sự chân thực theo lôgíc thời gian của con người.
Chính việc sử dụng thời gian kiểu này đã tạo cho những thiên truyện thể hiện bài học giáo
huấn về lối sống cho con người thông qua thế giới loài vật trở nên không khô khan, nhàm
chán.
Trong tác phẩm, mốc thời gian kỳ ảo mà tác giả lựa chọn để nhân vật tồn tại thường là
buổi chiều tối và ban đêm, tạo cho truyện nhiều màu sắc huyền ảo, ly kỳ. Thái tử gặp tiên trong
một đêm trăng huyền ảo để có thể bày tỏ hết những trạng thái cảm xúc phức tạp, nhiều mâu
thuẫn của mình (Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc); Những bức tượng phật bỗng nhiên biết biểu lộ cảm
xúc, biết tranh cãi kịch liệt vào một buổi chiều tối (Bài ký hai phật cãi nhau); Nhân vật Tử
Khanh gặp người anh đã mất vào tầm nửa đêm (Truyện hai thần hiếu đễ); Anh học trò miền núi
Vũ Ninh cũng bị đàn quỷ bắt xuống thủy phủ vào nửa đêm (Người trần ở thủy phủ); Khí yêu
của hai loại nhạc cụ tìm gặp vua vào thời gian đêm khuya (Bài ký một giấc mộng)…Những thời
khắc tác giả chọn để cho nhân vật tồn tại luôn rất có ý nghĩa, đó là thời gian thuộc về cõi âm,
thuộc về thế giới siêu nhiên khác, vì vậy mỗi câu chuyện ly kỳ ông truyền lại cho người đọc
đều rất lôi cuốn.
Như vậy, khi xây dựng thời gian kỳ ảo cho nhân vật tồn tại, Lê Thánh Tông tuy không
chú ý nhiều vào sự biến ảo của thời gian như những tác phẩm truyền kỳ khác, nhưng với
những nét riêng có, thời gian kỳ ảo trong Thánh Tông di thảo cũng đã trở thành một yếu tố
nghệ thuật quan trọng nhằm diễn đạt sâu sắc những dụng ý nghệ thuật mà tác giả gửi gắm qua
mỗi thiên truyện.
2.3. Nhân vật kỳ ảo
Phát huy ưu thế tối đa của thể loại, tác giả Thánh Tông di thảo đã xây dựng được một
thế giới nhân vật đầy ắp yếu tố kỳ ảo thông qua nghệ thuật kể, tả; nghệ thuật sử dụng ngôn
ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật; nghệ thuật sử dụng các yếu tố kỳ ảo; nghệ thuật xây dựng
tình tiết; nghệ thuật sử dụng thơ ca, từ phú Tất cả làm nên một thế giới nhân vật đầy sức
sống, ít nhiều có chiều sâu, là nơi chuyển tải tinh tế những tư tưởng, tình cảm và thái độ của
tác giả.
Trong tác phẩm, thế giới nhân vật được xây dựng bằng yếu tố kỳ ảo có sự phân loại rõ
ràng. Nhóm thứ nhất bao gồm những nhân vật là thần, tiên, phật, ma quỷ, loài vật, đồ vật,

được xây dựng có đời sống riêng, một số nhân vật đã có được tính cách riêng. Kiểu nhân vật
này thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác giả, bởi đằng sau chuyện của thần tiên, ma quỷ…, chính
là chuyện của con người, đằng sau thần linh, ma quỷ…chính là bản thân con người. Nhóm
thứ hai là loài vật được nhân hóa, giữ nguyên hình dáng bên ngoài nhưng có suy nghĩ, nói
năng, hành động như con người. Đây là những phát ngôn trực tiếp cho mục đích giáo huấn
của tác giả.
Với vai trò là hạt nhân quan trọng tạo nên nét hấp dẫn riêng cho truyện truyện kỳ, thế
giới nhân vật luôn được tác giả chú ý tạo ra những nét thần bí ngay từ khi chúng xuất hiện. Vì
thế mà trong miêu tả ngoại hình, nguồn gốc xuất xứ của nhóm nhân vật thứ nhất, gồm những
thần, tiên, phật, ma quỷ…, bằng cách này hay cách khác, tác giả luôn ngầm cho người đọc
thấy được chân tướng gốc của chúng. Hoặc thông qua khả năng biến hiện nhiều hình thù quái
gở như trong Truyện yêu nữ Châu Mai, Truyện hai gái thần; Hoặc hình dáng khi biến thành
người vẫn còn giữ lại một đặc điểm đặc trưng nào đó của chân tướng gốc như “hai cái râu rất
dài”, “vảy rồng mồm giải, mặt thú thân xà” của nhân vật là loài cá trong Truyện lạ nhà
thuyền chài, “nhiều ngấn ngang” ở bụng của nhân vật là loài bướm trong Duyên lạ nước
Hoa, hay cái vẻ “thân cao, đầu nhọn” của thần núi trong Truyện hai gái thần; Hoặc qua cách
nhân vật xuất hiện thần bí như trong Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc, Truyện tinh chuột; Cũng có khi
nhân vật kỳ lạ lại để lộ chân tướng qua một biến cố nào đó, nàng Ngọa Vân đứng trước tai
họa đã biến hình thành một con cá lớn để cứu gia đình nhà chồng (Truyện lạ nhà thuyền
chài), con chuột thành tinh sau khi bị trừ đi thì hiện nguyên hình (Truyện tinh chuột)… Nói
chung, hình dáng có nét kỳ lạ, nguồn gốc xuất thân ở cõi siêu nhiên khác của nhân vật chính
là yếu tố đầu tiên dẫn dắt câu chuyện đi theo hướng ly kỳ một cách tự nhiên và thuyết phục
nhất. Đây là một thành công của tác giả.
Đồng thời với những khả năng siêu nhiên, tác giả thường gắn cho nhân vật một vật kỳ
ảo nào đó. Những vật kỳ ảo này có ý nghĩa gắn với đặc trưng của chân tướng gốc, hỗ trợ cho
hành động, cho việc thực hiện ước mơ, khát vọng và chứng tỏ phẩm giá của nhân vật. Trong
Duyên lạ nước Hoa, vật kỳ ảo là một lá ngọc trắng, bên trong có bài thơ tỏ ý của Mộng Trang
dành tặng cho Chu Sinh trong buổi chia tay. Lá ngọc này là “của báu vô giá. Đeo nó thì mùa
hè chống được nóng, mùa đông trừ được lạnh”, bài thơ chép trong đó cũng đầy bí ẩn, Chu
Sinh chỉ giải được nghĩa của nó vào đúng thời điểm có thể đoàn tụ với vợ con ở nước Hoa.

Trong Truyện lạ nhà thuyền chài, vật kỳ ảo là “một tí nước bọt trắng…, đem hòa với nước
mặn mà uống thì xuống nước không bị chìm, không bao giờ bị nạn chết đuối”, vật này chính
là nghĩa tình sâu nặng Ngọa Vân trao lại cho chồng trước khi vĩnh biệt. Truyện tinh chuột là
hai đạo bùa có hương thư phù, đem dán vào lưng khiến con chuột thành tinh phải lộ ra chân
tướng. Ở Truyện hai thần hiếu đễ, Ngọc nữ về tay chân chủ, Một dòng chữ lấy được gái
thần, vật kỳ ảo gắn với nhân vật thường là những cỗ xe mây, cỗ hương xa… giúp nhân vật di
chuyển giữa những khoảng cách rất xa chỉ trong giây lát… Chính những vật kỳ ảo này không
chỉ làm tăng thêm phần hấp dẫn cho câu chuyện, mà còn đóng vai trò là một yếu tố thúc đẩy
cốt truyện phát triển.
Qua thế giới nhân vật kỳ ảo, tác giả còn ngầm khoác cho chúng lớp áo của một mô hình
tôn giáo nào đó để bộc lộ tư tưởng, tình cảm. Ở Truyện hai phật cãi nhau, tác giả chủ trương
phê phán những tệ nạn mà đạo Phật gieo vào lòng xã hội bằng cách nhân hóa các bức tượng
để chúng tự bộc lộ tính cách. Cái hình dáng hung dữ, giọng điệu ngoa ngoắt khi tranh giành
“lộc” của hai pho tượng đất và gỗ đã biểu lộ rõ nhất tính cách đê tiện, hèn mọn của chúng.
Tinh tế hơn, tác giả để nhân vật phật Thích Ca xuất hiện vào đúng lúc cuộc cãi vã đang đến
cao trào, với tư thế “tay xách bầu rượu, dáng say lảo đảo” với lý lẽ tưởng chừng không thể
nào đúng đắn hơn được, nhưng như Sơn Nam Thúc bình luận: “tay xách bầu rượu, dáng say
lảo đảo thì có công gì với dân? Chẳng qua cũng như hai phật kia thôi”, phật Thích Ca cũng
chẳng tốt đẹp hơn hai kẻ ti tiện, khoác lác kia là bao nhiêu. Dựng cảnh không cần một lời
khen chê, khắc họa tính cách không cần một lời bình luận, cái xấu tự thân đã bộc lộ rõ rệt
Đối với học thuyết Lão Trang, nhân vật của Lê Thánh Tông là những con người mang
triết lý sống phóng khoáng, tư tưởng thoát ly hiện thực, phần nào đó cũng là một góc tâm hồn
khao khát tự do, nhàn tản của ông. Trong tác phẩm Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc, hình tượng nhân
vật vị tiên thổi địch được chú ý khắc họa diện mạo rất phù hợp với đặc tính của một người
thoát tục, sống phiêu diêu trong thế giới tiên cảnh. Ngôn ngữ nhân vật cũng mang phong thái
siêu phàm, có dáng dấp của những triết lý Lão Trang, nhưng vẫn tỏ ra nặng lòng với đời.
Việc tác giả để vị tiên thổi địch nói: “tuy quên đời tự cao, nhưng đối với thời thì vô dụng”, rồi
lời khuyên nhủ Vương tử về việc tu dưỡng bản thân “làm cho đời được thịnh trị” cũng là
cách để khẳng định điều đó. Trên phương diện đồng cảm với Đạo giáo, ý nghĩa lời nói nhân
vật Vị tiên thổi địch cũng chính là thái độ và khao khát được làm một ông vua sáng của Lê

Thánh Tông.
Trong xây dựng nhân vật, tác giả rất chú ý khắc họa hình tượng người phụ nữ với số
phận riêng, phẩm chất tốt đẹp và khát khao hạnh phúc chính đáng của họ. Những nhân vật
này dù là thần tiên, ma quỷ hay loài vật đều có một ngoại hình đẹp, phù hợp với phẩm chất
bên trong. Nàng Mộng Trang, Ngọa Vân, hai thần nữ hay Ngư Nương đều là những người
phụ nữ như thế. Điều đáng nói là tác giả đã bắt đầu chú ý đến việc diễn tả những trạng thái
cảm xúc thông qua những biện pháp nghệ thuật thông thường, đặc biệt là qua những bài thơ
có ý nghĩa bộc lộ tâm tư và bí ẩn cuộc đời họ. Tâm trạng hờn giận của Ngư Nương trong
Truyện yêu nữ Châu Mai sau hành trình đi tìm người yêu đầy gian khó được miêu tả khá hấp
dẫn qua chi tiết nàng vội vàng “trang sức chỉnh tề rồi bước ra, xịu mặt khóc:
… Lang quân hỡi lang quân!
Cách biệt ba mươi xuân,
Mây Vu Sơn, mưa Vu Sơn,
Hôm hôm, sớm sớm ai tri âm?”.
Đối với hai nhân vật thần nữ trong Truyện hai gái thần cũng vậy, tiếng hát “thảm buồn”
chính là những lời tâm sự về thân phận của họ. Tác giả cũng chú ý tới từng nét cảm xúc của
nhân vật, đặc biệt là chi tiết: “Thốt nhiên một hôm kia, người nhiều tuổi tuy cùng đi với cô gái
trẻ, nhưng không hát, cũng không xem bói, đoán số, mà nét mặt buồn rười rượi”. Chi tiết này
được tác giả bỏ lửng ở đó có tác dụng gợi rất nhiều. Người đọc phải chăm chú theo dõi đến
tận cuối truyện mới hiểu ra rằng, nỗi buồn ấy là do người con trai mà bà mất bao công tìm
kiếm không báo thù được cho cha đã “treo cổ lên cây tự sát cách đây bốn năm rồi”. So với
nhân vật vị thần nữ nhiều tuổi, nét cảm xúc của nhân vật vị thần nữ trẻ được diễn tả trực diện
và giản đơn hơn: “Thiếu nữ đang buồn hóa tươi, mỉm cười nói rằng: Vợ đi, chồng lại về…”.
Cũng như vậy, nhân vật nàng Ngọa Vân trong Truyện lạ nhà thuyền chài được diễn tả cảm
xúc trực diện thông qua ngôn ngữ đối thoại và một bài thơ dài: “…Từ nay trở đi, thiếp không
thể chung mộng đẹp được nữa. Đoạn lau nước mắt mà hát rằng:
… Thúc Ngư lang!
Trời một phương!
Ghi nhớ trong tâm trường…
Ông xanh, ông xanh sao phũ phàng!

Nhìn chung, đối với nhóm thứ nhất, tính cách và một vài trạng thái tâm lý đã phần nào
được tác giả chú ý khắc họa tùy theo mục đích nghệ thuật ở mỗi thiên truyện. Tuy đơn giản
nhưng đây là một bước tiến dài so với văn xuôi tự sự giai đoạn trước trong việc khắc họa thế
giới nội tâm nhân vật.
Ở nhóm nhân vật thứ hai, do sử dụng kiểu truyện ngụ ngôn, lấy thế giới loài vật để nói
chuyện loài người nên ngòi bút tinh tế có đôi lúc rất hóm hỉnh của tác giả đã tạo nên được các
hình tượng nhân vật rất sinh động, khiến cho mục đích giáo huấn trở nên mềm mại và thuyết
phục. Nhưng công bằng mà nói thì nghệ thuật xây dựng nhân vật ở nhóm này không đồng
đều, bên cạnh những thiên truyện mà nhân vật đã đạt tới nét tính cách riêng tiêu biểu cho một
loại người nào đó, cũng có thiên truyện chỉ gợi lên được đặc điểm của loài vật mà thôi.
Truyện Bức thư của con muỗi, tác giả xây dựng nhân vật là muỗi đồng và muỗi nhà, một là
kẻ trục lợi, hợm hĩnh, khoe khoang, một trong sạch, khiêm tốn. Đem hai tính cách này ghán
cho con người hẳn là chuẩn cho rất nhiều người, không chỉ riêng thời Lê Thánh Tông mà
thôi. Tương tự như vậy, trong Bài ký dòng dõi con thiềm thừ, Trận cười ở núi Vũ Môn, mỗi
loài vật đều được chú ý ở những đặc trưng riêng của chúng, thông qua đó tác giả ám chỉ
nhiều loại người trong xã hội. Riêng Phả ký sơn quân, tác giả chỉ chú ý nhiều đến lai lịch loài
hổ và những nhân vật lịch sử có liên quan đến loài vật này nên việc xây dựng nhân vật còn
hạn chế.
Do tác phẩm không có sự “thuần nhất” về thể loại nên thế giới nhân vật được phân chia
khá rõ ràng. Ở những thiên truyện có kết cấu cốt truyện ly kỳ, tình tiết hấp dẫn thì nhân vật
thường được gia công về nghệ thuật với những cuộc đời, số phận và trạng thái tâm lý riêng, ít
nhiều có độ sâu. Ở những thiên truyện kết cấu đơn giản, chủ yếu để tác giả gửi gắm những
bài giảng luân lý thì nhân vật tuy được xây dựng khá sinh động nhưng tính cách giản đơn,
một chiều. Tuy thế, phải khẳng định rằng, mỗi kiểu nhân vật trong các thiên truyện nhằm
mục đích giáo huấn lại đóng một vai trò khác nhau để chuyển tải ý đồ tư tưởng của tác giả. Ở
phương diện này tác giả đã rất thành công.
3. Kết luận
Nhìn chung, trong xây dựng thế giới nhân vật kỳ ảo, tác giả Thánh Tông di thảo đã đạt
được những thành quả nhất định. Đối với việc diễn tả thế giới tâm hồn của nhân vật, dù mới
chỉ tái hiện được các sắc thái cảm xúc, sự giao thoa các vận động tâm hồn trái ngược, sự thay

thế tình cảm này bằng tình cảm khác của con người mà chưa có ý thức đi sâu vào thế giới nội
tâm, chưa chú ý khắc họa tính cách điển hình, nhưng trong bước thử nghiệm đầu tiên của thể
loại truyền kỳ, những gì ông làm được chính là một bước tiến rất quan trọng cho văn xuôi tự
sự nước nhà.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đăng Na, Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại – Những vấn đề văn xuôi tự
sự, Nxb Giáo dục, H., 2001.
2. Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại – Tập 1, Nxb Giáo dục,
H., 1997.
3. Vũ Thanh, Những biến đổi của yếu tố kỳ và thực trong truyện ngắn truyền kỳ Việt
Nam, Tạp chí Văn học, số 6, 1994.
4. Phan Thị Cẩm Vân, Cái “kì” trong tiểu thuyết truyền kì, Tạp chí Văn học, số 10,
2000.

ART OF BUILDING CHARACTER IN THANH TONG DI THAO
Nguyen Thi Viet Hang
Abstract
The article reseaches art of building character - an important aspect which makes the art
value in Thanh Tong di thao (by Le Thanh Tong?). Analyzing aspects of space - time art, art
of describing and showing appearance, quality and some changes in the world of the
character's mind, the article confirms the success of art in the work. This is an evidence of the
high autonomy of the creator and also demonstrating the tendency which gradually escape
from the functional literature and folklore in Vietnamese narrative prose in the middle age.

×