1
Tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm
bước tiến mạnh mẽ trong tư duy quản lý
Năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp 2013 đã trôi qua với 27 đạo luật
mang tính nền tảng được ban hành, sửa đổi. Năm 2014 cũng là năm có số lượng
dự án luật được thông qua nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII
đến nay. Nhìn lại một năm nổi bật của việc xây dựng và ban hành luật pháp, có
thể thấy những dấu ấn mạnh mẽ về một sự "lột xác"khắc phục khiếm khuyết
trong tư duy xây dựng và áp dụng pháp luật, tiếp thu tinh thần tối thượng của
Hiến pháp về đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Một trong số những
quyền cơ bản đó là quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.
* Ưu tiên đảm bảo quyền con người
Tiếp thu tinh thần về quyền con người của Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp năm
2013 đã bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước,
thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện quyền con
người, quyền công dân. Đây là một bước tiến đáng kể về tư duy nhà nước pháp
quyền và thực hiện quyền con người ở Việt Nam; tiếp thu quy định của Công ước
quốc tế về quyền chính trị, dân sự; quyền kinh tế, văn hóa.
Hiến pháp 2013 đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh là quyền con người và là một
trong những quyền cơ bản của công dân: "Mọi người có quyền tự do kinh doanh
trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm". Quy định này hàm chứa hai ý
quan trọng, đó là: Mọi người có quyền tự do kinh doanh và giới hạn của quyền tự
do đó là những gì luật cấm. Nói một cách khác, những vấn đề cần cấm, Nhà nước
phải công bố, minh thị.
Trong năm đầu tiên thể chế hóa Hiến pháp, nổi bật trong số những đạo luật được
thông qua năm 2014 là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) - 2
đạo luật mang tính định khung, tạo điều kiện mở ra bước tiến mạnh mẽ để cải thiện
môi trường đầu tư của đất nước.
Ngay từ thời điểm trình, xin ý kiến, chỉ đạo xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi, Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước về ngành
nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chủ động rà soát, đánh giá lại các yêu cầu quản
lý, hoàn thiện Danh mục này theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của người
dân và doanh nghiệp. Đó là hướng chỉ đạo nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật về đầu
2
tư của đất nước phù hợp với yêu cầu hội nhập về đầu tư, thương mại quốc tế và quán
triệt tinh thần của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh của công dân.
Sản xuất bê tông tại Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô. Ảnh: NAM HƯƠNG
* Cốt lõi của phát triển
Tham gia góp ý và chỉ đạo xây dựng đạo luật hệ trọng này, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng cũng từng nhấn mạnh: "Mọi người được quyền tự do kinh doanh
đối với những ngành nghề mà pháp luật không cấm", đấy là tinh thần mới, tinh thần
cải cách, tinh thần Hiến pháp và đúng với đường lối chủ trương của Đảng ta. Nhiều
lần khẳng định: Quyền cơ bản của con người là tự do làm ăn, trong những lần thảo
luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị
cơ quan soạn thảo và các vị đại biểu Quốc hội dày công để Luật Đầu tư (sửa đổi)
mang tinh thần cải cách thực sự.
Chủ tịch Quốc hội từng lấy ví dụ: "Địa phương các ông ấy cấm khắp mọi nơi đấy,
ví dụ xi măng phải mua ở tỉnh tôi, uống bia phải uống trong tỉnh tôi. Đấy là hạn chế
quyền tự do kinh doanh".
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc sửa hai Luật Đầu tư và Luật Doanh
nghiệp là cốt lõi của phát triển, Việt Nam có hội nhập được hay không, doanh nghiệp
có cạnh tranh được hay không cũng phụ thuộc vào việc sửa hai luật này. Chủ tịch
3
Quốc hội yêu cầu, những điều cấm cần đưa thì phải cho vào Luật để tránh việc ra
thêm các văn bản khác một cách tùy tiện.
"Quốc hội đã đặt ra yêu cầu và mục tiêu là bây giờ đã làm Hiến pháp mới thì phải
theo tinh thần của Hiến pháp để tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật, đổi mới nền
hành chính quốc gia, thủ tục hành chính theo tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng,
thẩm quyền của nhà nước, thẩm quyền của nhân dân để đảm bảo quyền, lợi ích hợp
pháp của nhân dân một cách công khai, minh bạch. Vì vậy, Luật doanh nghiệp, Luật
đầu tư sắp sửa ban hành phải đạt được tinh thần ấy", Chủ tịch Quốc hội từng phát
biểu như vậy tại một phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về
dự thảo luật này.
* Cấm cái gì, ghi rõ cái đó
Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Vinh, nội
dung cơ bản nhất được thay đổi trong Luật Đầu tư sửa đổi lần này chính là phương
pháp tiếp cận. Nếu như trước đây áp dụng biện pháp "chọn- cho" tức là trong luật
quy định những lĩnh vực được phép đầu tư kinh doanh thì lần này, luật sửa đổi được
thay bằng phương pháp minh bạch và rõ ràng hơn là "chọn - bỏ". Đó là cái gì cấm,
cái gì hạn chế thì ghi vào trong luật. Điều này đã thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp
2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp. Những gì luật
pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh.
Cụ thể tinh thần của Hiến pháp, Luật đầu tư sửa đổi đơn giản hóa mọi thủ tục hành
chính theo hướng, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam không cần được cấp giấy chứng
nhận đầu tư. Họ được quyền tự do kinh doanh theo những lĩnh vực mà luật pháp đã
quy định, cho phép.
Luật Đầu tư (sửa đổi) 2014 cấm đầu tư kinh doanh trong sáu ngành nghề sau: kinh
doanh ma túy; kinh doanh hóa chất, khoáng vật cấm; kinh doanh động, thực vật
hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên; kinh doanh mại dâm; mua,
bán người, mô, bộ phận cơ thể người và các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh
sản vô tính trên người. Để làm rõ hơn giới hạn cấm này, trong phụ lục, Luật Đầu tư
(sửa đổi) 2014 còn liệt kê chi tiết danh mục chất ma túy, danh mục động, thực vật,
khoáng vật cấm kinh doanh đầu tư. Trong lịch sử lập pháp Việt Nam, có lẽ đây là
lần đầu tiên một văn bản luật nhưng lại có các phụ lục quy định chi tiết và tỉ mỉ như
vậy.
Trong 267 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Chính phủ sẽ quy định những loại
ngành nghề nào phải được cấp phép. Tuy vậy, việc cấp phép sẽ được hạn chế ở mức
4
tối thiểu. Còn lại, là những ngành nghề người dân không cần xin phép mà tự các cơ
quan có thẩm quyền phải có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
* Chờ đợi những cải cách
Mới đây, việc Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng làm việc chính
thức với Công ty Uber (một loại hình kinh doanh dưới dạng ứng dụng trên điện thoại
di động giúp kết nối người có nhu cầu đi xe và tài xế) đã thu hút sự quan tâm lớn
của dư luận với tính chất như một phép thử của việc thực thi quyền tự do kinh doanh
của công dân.
Hoạt động của Uber trong thời gian qua không chỉ gây ra những phản ứng gay gắt
từ phía các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống, mà còn tác động đến những vấn đề
pháp lý, quan điểm trong quản lý, cấp phép đầu tư, bởi đây là phương thức kinh
doanh mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Tại cuộc làm việc này, người đứng
đầu Bộ Giao thông - Vận tải đã khẳng định sẽ ủng hộ hoàn toàn việc ứng dụng công
nghệ thông tin trong việc hình thành các sàn giao dịch điện tử cho dịch vụ vận tải,
trong đó có trường hợp của Uber.
Mặc dù chưa thể khẳng định Uber sẽ đem lại những lợi ích thiết thực lâu dài cho
người tiêu dùng song việc chấp nhận loại hình dịch vụ này với yêu cầu phải tuân thủ
pháp luật hiện nên được coi là thái độ ứng xử chuẩn mực theo tinh thần thượng tôn
pháp luật cần phải có của các cơ quan quản lý nhà nước như một hành động cụ thể
hóa tinh thần cải cách đã được quy định trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Tiếp nối một năm sôi động của công tác xây dựng pháp luật, năm 2015 được chào
đón với một khối lượng lớn những dự án luật phải sửa đổi, ban hành mới để phù hợp
với tinh thần của Hiến pháp. Khép lại một năm đầu tiên sau khi Hiến pháp được ban
hành, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng vẫn đang tiếp tục mong mỏi từng bước,
tinh thần của Hiến pháp lan tỏa đến từng lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội của
đất nước, để quyền công dân, quyền con người ngày càng được pháp luật đảm bảo
tốt hơn, hiệu quả hơn.
Quang Vũ (TTXVN)