Đề tài:
TÌM HIỂU SỰ PHÊ PHÁN NHO GIÁO CỦA NHỮNG NHÀ NHO TIẾN
BỘ Ở VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX.
1
LỜI GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI
Hệ tư tưởng Nho giáo được du nhập vào Đất Việt khoảng thế kỉ thứ nhất
sau công nguyên, do chính sách đồng hoá người Việt của đế chế Hán trong thời
kỳ Bắc thuộc. Với những ưu thế của nó về các quan điểm chính trị, kinh tế và
văn hoá giáo dục, hệ tư tưởng này đã dần chiếm được ưu thế trong xã hội của
người Việt và trở thành bệ đỡ tư tưởng, tinh thần cho toàn bộ hệ thống chính trị,
xã hội, kinh tế, văn hoá, giáo dục của Việt Nam từ thế kỷ XV. Tuy nhiên, đến
cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trước sự biến đổi to lớn của lịch sử và thời
đại, hệ tư tưởng Nho giáo với những bất cập, hạn chế của nó đã không giải quyết
được những nhiệm vụ của thời đại, đó là việc tìm vạch ra con đường cứu nước
và giải phóng dân tộc cho người Việt. Những nhà nho tiến bộ của Việt Nam sau
khi tiếp cận với dòng tư tưởng dân chủ tư sản phương tây qua các Tân thư, Tân
báo, đã nhận thức được sự bất cập và những hạn chế của Nho giáo và trước sự
đòi hỏi của nhiệm vụ thời đại họ đã tiến hành phê phán hệ tư tưởng Nho giáo.
Tìm hiểu sự phê phán đó là một việc làm bổ ích và khoa học, nó góp phần
vào việc nghiên cứu và đánh giá một cách đúng đắn về tiến trình phát triển tư
tưởng và nhận thức của người Việt những năm đầu thế XX trong tiến trình lịch
sử. Cho đến nay, đã có rất nhiều các công trình khoa học của nhiều học giả trong
và ngoài nước tìm hiểu về vấn đề này, tuy nhiên lại chưa có công trình nghiên
cứu riêng nào về sự phê phán đó với tư cách là một thực thể, một vấn đề khoa
học. Vì thế, chúng tôi quyết định chọn đề tài: “Tìm hiểu sự phê phán của các
nhà nho tiến bộ đối với tư tưởng nho giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX” làm đề
tài nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết đây là một đề tài rất
khó, muốn đạt được một kết quả nghiên cứu tốt và mang tính khoa học thì người
nghiên cứu nó phải làm việc thật sự nghiêm túc, khoa học. Sau một thời gian
làm việc và nghiên cứu nghiêm túc, được sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình và
khoa học của Thầy giáo, chúng tôi vui mừng công bố kết quả nghiên cứu của
mình trước hội đồng khoa học. Nhưng chúng tôi chắc rằng báo cáo của chúng
tôi cũng chưa thật sự hoàn mĩ và đạt được kết quả như mong muốn. Chắc chắn
2
trong đó còn có nhiều điều hạn chế và thiếu xót cần được nghiên cứu và bổ sung
thêm. Vì thế, chúng tôi mong có được sự quan tâm và giúp đỡ của độc giả để
chúng tôi tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình.
Trong quá trình thực hiện đề tài, ngoài sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tình
của Thầy giáo, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ và đóng góp ý kiến cùng
nhiều Thầy, Cô giáo và bạn bè trong ngoài khoa, nhân đây, qua bài báo cáo này
chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới sự hướng dẫn và giúp đỡ đó.
3
A. Sơ lược về lịch sử phát triển Nho giáo ở Việt Nam
Hệ tư tưởng Nho giáo được du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ nhất
đầu công nguyên, do chính sách đồng hoá người Việt của người Hán. Những
người được coi là khởi đầu cho việc truyền bá đạo Nho vào Việt Nam là hai viên
Thái thú Nhâm Diên và Tích Quang thời Tây Hán và sau đó là Sĩ Nhiếp thời
Đông Hán, sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại những hoạt động của họ như
sau: “Tích Quang người quận Hán Trung, khi ở Giao Chỉ, lấy lễ nghĩa dạy dân.
Lại lấy Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân. Diên là người Uyển. Tục người
Cửu Chân chỉ làm nghề đánh cá, đi săn, không biết cày cấy. Diên mới dạy dân
khai khẩn ruộng đất, hàng năm cày trồng, trăm họ no đủ. Dân nghèo không sính
lễ cưới vợ, Diên bảo các trưởng lại trở xuống bớt bổng lộc ra để giúp đỡ, cùng
một lúc lấy vợ có đến 2.000 người”
1
. Và lời đánh giá của Tiết tổng Tiết Kính
Văn đời Ngô (năm 231 sau công nguyên) về những hoạt động đó như sau: “đến
khi Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân,
dựng nhà học, dẫn dắt bằng lễ nghĩa. Từ đấy trở đi, hơn 400 năm, dân tựa hồ đã
có quy củ”
2
.
Tuy nhiên, Nho giáo trong thời kỳ Bắc thuộc và thậm chí là trong khoảng
hai thế kỷ sau Bắc thuộc chưa thực sự chiếm lĩnh được địa vị độc tôn, để có thể
chi phối mọi hoạt động về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của người
Việt. Hệ tư tưởng Nho giáo chỉ thực sự bắt đầu chiếm lĩnh được vị thế trong đời
sống văn hoá xã hội cuả người Việt khi nhà Trần nên nắm quyền cai trị đất
nước. Song ở trong giai đoạn cai trị của nhà Trần, hệ tư tưởng Nho giáo cũng
chưa thực sự chiếm lĩnh được vị thế hàng đầu, nhiều tài liệu về thời kỳ này cho
thấy, lúc này những ảnh hưởng của đạo Phật còn khá lớn mạnh và nó chi phối
rất nhiều tới các mặt chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá của người Việt. Có
điều đó là vì đạo Phật có nhiều điểm tương đồng hay phù hợp với nền văn hoá
truyền thống của người Việt. Mặt khác, đây còn là thời kỳ mà chế độ phong kiến
mới được thiết lập trên đất Việt, nó chưa đủ hoàn thiện để trở thành một chế độ
quân chủ chuyên chế vững mạnh như ở thời đại của vương triều Lê được thiết
1
. Đại Việt sử ký toàn thư – NXBKHXH – Hà nội – 1993, Tr.155.
2
. Đại Việt sử ký toàn thư – NXBKHXH – Hà nội –1993, Tr.166.
4
lập sau đó (thế kỷ XV). Như vậy, có thể nói cho đến cuối thế kỷ XIV và khoảng
một thập kỷ đầu của thế kỷ XV, hệ tư tưởng Nho giáo vẫn chưa thực sự nắm
được vị trí đứng đầu để có thể chi phối các hoạt động chính trị, kinh tế, và văn
hoá xã hội của người Việt. Hay nói cách khác là vào lúc này, hệ tư tưởng Nho
giáo còn phải tranh giành ảnh hưởng với với các dòng tư tưởng khác như: Phật
Giáo, Đạo Giáo, Lão Giáo... Hệ tư tưởng Nho giáo chỉ thực sự chiếm được địa
vị độc tôn khi mà vương triều Lê được thiết lập vào năm 1427.
Hệ tư tưởng Nho giáo có thể chiếm lĩnh được địa vị độc tôn và trở thành
bệ đỡ tư tưởng, tinh thần cho toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, và văn hoá, xã
hội của Việt Nam là vì, vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV chế độ phong kiến
vừa mới thiết lập ở Việt Nam đã bắt đầu đi vào khủng hoảng, dẫn tới sự tan rã
của chính quyền trung ương, một lần nữa đất nước ta lại rơi vào tay của người
Hán. Sự hưng thịnh buổi đầu của chế độ phong kiến Việt Nam đã chấm dứt, nó
đặt ra câu hỏi mà những người con ưu tú của đất Việt thời kỳ đó phải trả lời là:
Tại sao chúng ta lại mất nước? Làm thế nào để giải phóng dân tộc? Làm thế nào
để có thể duy trì được nền độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà? Những câu
hỏi lớn đó đã được đặt ra và nó dẫn tới cuộc đấu tranh về mặt tư tưởng trong
thập kỷ đầu của thế kỷ XV và cuối cùng thì những nhà tư tưởng thời kỳ này đã
chọn hệ tư tưởng Nho Giáo làm bệ đỡ tư tưởng và tinh thần cho việc hoạch định
ra đường lối cứu nước, mà những người đại diện có thể kể tới là Nguyễn Trãi,
Lê Lợi... Đó là lý do để sau đó Nho giáo đã chiếm lĩnh được địa vị độc tôn và
chi phối hệ thống chính trị, kinh tế và văn hoá, xã hội của người Việt. Người
Việt đã tìm ra được những ưu điểm của hệ tư tưởng Nho giáo để áp dụng vào
công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Những chuẩn mực
của đạo Nho cũng từ đó được đề cao và áp dụng vào trong mọi sinh hoạt của đời
sống xã hội của người Việt trong suốt những thế kỷ sau đó.
Có thể nói, kể từ khi được du nhập vào đất Việt cho đến khi trở thành hệ
tư tưởng chính thống của Người Việt, Nho giáo đã có những cống hiến to lớn
cho việc phát triển văn hoá của người Việt. Việc hình thành nên hệ thống chữ
viết và hệ thống giáo dục là những đóng góp của hệ tư tưởng Nho giáo. Ngoài
5
ra, những tư tưởng về đạo đức, về lối sống cũng là những đóng góp to lớn của
đạo Nho cho nền văn hoá Việt. Song Nho giáo chỉ thực sự phát triển đến đỉnh
cao của nó khi mà nhà Nguyễn nắm quyền cai trị đất nước vào thế kỷ XIX. Ở
thời kỳ này, mọi chuẩn mực, phép tắc của Nho giáo đều đã được hoàn thiện.
Tuy nhiên, cũng ngay từ khi Nho giáo được truyền bá vào Việt Nam thì
nó cũng đã bộc lộ ra những hạn chế, đặc biệt là lối học tầm chương, trích cú đã
hạn chế sự sáng tạo của người học. Nhân dân ta đã nhận ra điểm hạn chế đó của
đạo Nho và nên tiêng phê phán nó, những bài ca dao như:
“Ai ơi chớ lấy học trò,
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.
Ban ngày cắp sách đi rong
Tối về lại đốt đèn trong tốn dầu”.
Rồi những câu tục ngữ, ca dao như: “Sĩ, nông, công, thương, Nhất sĩ nhì
nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” đều nhằm vào mục đích phê phán đó.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy được sự phê phán khá nghiêm túc và sâu cay các trí
thức nho học qua thơ Hồ Xuân Hương như:
“Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ,
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa”.
Nhưng sự phê phán một cách có ý thức, có khoa học và có hệ thống thì
phải đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với cuốn sách “Vũ trung tuỳ bút”
của Phạm Đình Hổ. Với “Vũ trung tuỳ bút”, Phạm Đình Hổ đã phê phán học
thuyết nho giáo về học thuật, về phong cách của nhà nho và văn hoá, giáo dục,
tuy rằng nó chưa thực sự sâu sắc.
Về học thuật ông viết: “Đời nay những kẻ học lỏm được mấy câu mép,
nào có quan hệ gì đến đạo tu, tề, trị, bình, thế mà đã ngàng nhiên tự đắc”
1
; về lối
chữ viết thì: “Còn những giấy tờ ở chốn cửa công thì dùng riêng một lối chữ
“nam”, lúc đầu là phòng dân giả mạo, mới theo hoa văn mà đặt ra một lối chữ
1
1. Vũ Trung tuỳ bút – Phạm Đình Hổ – NXB văn học, Hà Nội- 1972, tr.37.
6
việc quan... Song những cách giả dối là bởi những kẻ nho lại làm ra, càng ngày
càng tệ”
2
; về cốt cách nhà nho: “Ta nghe chuyện trên này, lấy làm quái lạ... Ôi!
Người đời, những kẻ mũ cao áo dài, đứng ngồi chững chạc, mồm vẫn đọc sách
thành hiền, vẫn chen nhau trong hàng mũ áo, ngày thường vô sự vẫn tự nhận là
bậc đạo học, tự đắc là bậc danh giáo; gặp phải sự biến, một mất một còn, một
sống một chết, thì thường tiến thoái hồ đồ, mất cả sở cứ”
3
; về phép tắc thi cử: “
đời Lê trung hưng, phép thi rất nghiêm. Nhưng con nhà hát xướng không được
thi. Lộc khê Đào duy Từ dẫu tài giỏi, văn chương hay, thi hội đã trúng cách, chỉ
vì là con nhà hát xướng mà phải tước tịch không được đỗ... Về sau, chính thể
càng ngày càng đồi bại mới có kẻ làm gian được”
4
và “Từ đời Lê trung hưng trở
về sau, thi đình bài chế sách, thi hội, thi hương, cũng toàn thi văn chương cả.
Nhưng kẻ nho sĩ xu thời chỉ biện bác lém lỉnh mấy câu đầu. Cách thi cử như thế
làm sai mất cả cái ý “lâm hiền sách sĩ” của đời xưa”
5
; về thể văn kinh nghĩa:
“Trong bài văn, cứ phải theo nghĩa đại chú mà làm, chứ không được cầu kỳ làm
mới ra. Vì vậy học trò chỉ chuyên chú học chú thích, nhớ lấy lễ nghĩa là đủ. Đó
không phải là cái chế độ minh kinh thí sĩ của người đời xưa. Về sau này lại cứ
quen dùng đầu bài cũ, học thuộc lòng lối văn cũ là được, nên càng ngày càng sai
lạc mãi đi”
6
.
Sự phê phán đó của Phạm Đình Hổ vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ
XIX, một giai đoạn được coi là phát triển thịnh đạt của Nho giáo đã cho thấy, rõ
ràng là hệ tư tưởng Nho giáo đã có những hạn chế, bất cập trước thời đại và lịch
sử. Sự phê phán đạo Nho còn tiếp tục được tiến hành trong suốt thế kỷ XIX,
nhất là sau khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta năm 1858
và sự thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp do triều đình phong kiến thực
hiện, mà những người tiêu biểu có thể kể tới như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn
Lộ Trạch với việc dâng các bản điều trần lên triều đình phong kiến. Tuy nhiên, ở
vào những thời điểm đó, sự phê phán Nho giáo còn chưa lôi kéo được đông đảo
2
2. Như trên, tr.39, 40.
3
3. Như trên, tr. 88.
4
4. Như trên, tr.97,98.
5
5. Như trên, tr.158.
6
. Vũ trung tuỳ bút - Phạm Đình Hổ,… tr.159, 160.
7
giới trí thức nho học trong nước, những hạn chế của đạo nho cũng chưa bộc lộ ra
một cách rõ nét nhất, chỉ đến khi đất nước ta rơi vào tay thực dân Pháp và phong
trào kháng Pháp, đặc biệt là “Phong trào Cần Vương” do những chí sĩ nho giáo
yêu nước tổ chức bị thất bại, thì những hạn chế đó mới thật sự rõ nét và những
nhà nho tiến bộ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỷ XX đã nhận ra nó. Do vậy mà họ đã
tiến hành đánh giá và phê phán học thuyết Nho giáo, nhằm mục đích thức tỉnh
giai cấp và dân tộc, mà tiếng kêu ai oán của “ông đồ mù” Nguyễn Đình Chiểu có
thể nói là phát súng đầu tiên khai màn cho công cuộc đó:
“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này”
1
.
B. Nội dung sự phê phán Nho Giáo của những nhà nho tiến bộ ở Việt
Nam trong những năm đầu thế kỷ XX
1. Sự phê phán Nho Giáo với tư cách là một học thuyết
Với tư cách là một học thuyết, một trường phái tư tưởng của phương
Đông, sau khi du nhập vào Việt Nam, học thuyết Nho giáo đã có những đóng
góp nhất định cho việc ổn định và phát triển nền văn hoá, xã hội Việt Nam. Tuy
nhiên, đến thế kỷ XIX, đứng trước tiếng súng xâm lăng của thực dân Pháp, học
thuyết Nho giáo và những lý luận của nó đã tỏ ra bất cập, không giải quyết được
những nhiệm vụ của thời đại và lịch sử đặt ra, đó là việc tìm vạch ra được một
con đường cứu nước và giải phóng dân tộc đúng đắn cho người Việt.
Đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, phong trào Cần Vương do những sĩ
phu yêu nước cuối thế kỷ XIX tiến hành bị thất bại đã như những gáo nước lạnh
dội vào bầu nhiệt huyết và tinh thần yêu nước của giới trí thức nho học của Việt
Nam. Những câu hỏi lớn của thời đại và lịch sử đươc đặt ra cho giới trí thức nho
học yêu nước như: Tại sao chúng ta lại mất nước? Và tại sao chúng ta lại thất
bại? Song chỉ dựa vào những quan điểm, lý luận của đạo nho thì những trí thức
nho học yêu nước thời bấy không thể lý giải được. Trong khi đó, dòng tư tưởng
mới dân chủ tư sản của phương Tây được du nhập vào Việt Nam, do quá trình
xâm chiếm và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, và qua các tác phẩm lý
1
. Nguyễn Đình Chiểu – Chạy Giặc – Văn học lớp 9, T1, NXB Giáo dục, Hà nội – 1996, tr.143.
8
luận, các bài văn, bài báo của các học giả như Khang Hữu Vi, Lương Khải
Siêu, Đàm Tự Đồng (Trung Quốc) và Thỉ Dã Long Khê, Sài Tứ Lang, Mạt
Quản Thiết Trường ( Nhật Bản), với những lý luận, quan điểm tiến bộ hơn hẳn
so với học thuyết Nho giáo về các vấn đề chính trị, tư tưởng, và văn hoá, giáo
dục kinh tế, đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới giới trí thức nho
giáo Việt Nam. Mặt khác, sự lớn mạnh hơn hẳn về mọi mặt của các nước tư bản
thực dân phương Tây, sự hưng khởi của Nhật Bản, một nước phương Đông, nhờ
đi theo con đường tư bản chủ nghĩa đã thoát khỏi sự xâm lược của các nước thực
dân tư bản phương Tây là những động lực thúc đẩy những nhà nho yêu nước
tiến bộ đến với dòng tư tưởng dân chủ tư sản, và họ đã tiếp nhận dòng tư tưởng
mới này mặc dù là nó được du nhập vào Việt Nam một cách gián tiếp, không
đầy đủ, toàn vẹn.
Tận mắt chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước, lại chịu ảnh
của tư tưởng dân chủ tư sản, những trí thức nho học đã thức tỉnh và họ coi học
thuyết Nho giáo, thứ học thuyết mà bấy lâu nay họ vẫn miệt mài theo học,
nghiền ngẫm là nguyên nhân dẫn tới việc mất nước. Phan Chu Trinh trong Thư
gửi toàn quyền Đông Dương viết: “Nước Nam ta bấy lâu nay học thuyết sai lầm,
phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức”
1
. Còn như trong tác
phẩm Tối tân thời tà khí ca, tác giả của nó viết:
“Mắng chửi sao đáng kể.
Tộc loại nhờ nó mất,
Cừu địch nhờ nó vinh.
Tam cương thảy đổ nát,
Đạo nghĩa nhổ sạch không.
....................
Trời đất có tà khí,
Phú thành vật nhiêu hình.
Dưới thì là cứt đái,
Trên thì là cẩu tinh.
1
. Dẫn theo: Văn thơ yêu nước và cách mạng Việt Nam đầu thé kỷ XX, NXB Văn học, Hà Nôi – 1976, tr.194.
9
Với người là nô tính,
Mờ mịt lấp biển xanh.”
1
Hoặc giả như cụ Phan Bội Châu trong tác phẩm Sùng bái giai nhân viết:
“... Từ khi đạo học của thành hiền không sáng, nhân tài không như xưa, khí lực
đã hèn, óc lão lại mỏng. Vua không biết nuôi dưỡng, thầy không biết dạy bảo.
Vì thế mà người đời như một hình gỗ, một tượng đất,...Thi thư trở thành cái làm
cho người ta ngu dốt? Trung hiếu là vật gây nên mọi tai quái?”
2
. Rồi ông tỏ ra
hối hận khi đã theo học đạo nho, cho đó là: “Đáng tiếc là hồi đó mình chỉ vùi
đầu vào lối hư văn khoa cử”
3
. Chính vì thế, họ – những trí thức nho học đã tiến
hành phê phán học thuyết Nho giáo và dòng tư tưởng dân chủ tư sản đã trang bị
cho họ những cơ sở lý luận để họ tiến hành phê phán học thuyết Nho giáo đến
tận gốc rễ của nó. Nó được thể hiện qua những tác phẩm, những bài viết của
những nhà nho tiến bộ đầu thế kỷ XX để cổ động cho các phong trào yêu nước
và văn hoá như: Đông du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân...
Thông qua lăng kính của sự soi rọi bằng những lý luận của tư tưởng dân
chủ tư sản, các nhà nho tiến bộ đã tiến hành phê phán sự bảo thủ, trì trệ và hủ
lậu của học thuyết Nho giáo về mặt tư tưởng, về các quan điểm chính trị, kinh
tế, văn hoá, xã hội và giáo dục.
- Phê phán về mặt tư tưởng Nho giáo:
Trước hết, các nhà nho tiến bộ đã phê phán, đả phá tư tưởng thiên mệnh
trong học thuyết Nho giáo. Thiên mệnh có nghĩa là duy tâm, là tin vào mệnh
trời. Học thuyết Nho giáo cho rằng mọi hoạt động của con người đều do trời sắp
đặt, chi phối do vậy sự việc của con người thành hay bại đều là do trời quyết
định. Vì thế, mất nước cũng là do mệnh trời. Đó là quan điểm của những nhà
Tống nho Trung Quốc khi họ đưa ra cái thuyết thiên nhân cảm ứng, và nó đã
được các nhà nho Việt Nam tiếp nhận để lý giải cho những sự vật, hiện tượng
xảy ra trong lịch sử mà học thuyết nho giáo không thể giải thích được do cái tư
tưởng coi xưa là phải nay là quấy và chỉ chúi mũi vào học những lời dạy của cổ
1
. Dẫn theo: Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hóa, HN –1997, tr. 164, 166.
2
. Dẫn theo: Thơ văn yêu nước và các mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, NXB Văn học, HN - 1976, tr.86, 87.
3
. Như trên, tr.159.
10
nhân với những nhận thức xưa cũ không thức thời. Những nhà nho tiến bộ đầu
thế kỷ đã nhận ra sự sai lầm của cái thuyết thiên mệnh đó, họ cho rằng chính cái
thuyết thiên mệnh duy tâm, tin vào mệnh trời đã làm hủ hoá con người, cản trở
sự phát triển nhận thức của con người, làm cho người ta dễ bằng lòng với thực
tại của cuộc sống mà mất đi phương hướng trong hành động; rằng nó là cái
thuyết tai hại làm cho người ta trở nên ươn hèn, bảo thủ mà không chịu học hỏi
cái mới, không phát huy được khả năng sáng tạo của mình: “Ngày nay, chỉ riêng
cái thuyết mệnh trời cũng đã đủ làm cho dân ta bị trở ngại. Mệnh là cái không
đến mà lại đến. Người quân tử tri mệnh là biết không thể tránh được điều hại,
không thể hưởng được điều lợi, nhưng cái đáng làm thì cứ làm. Cho nên tri
mệnh là để khuyên lập chí, dẫu biết rằng người không có trí thì khi gặp việc là
cầu khấn trời giúp cho, hỏng việc thì lại đổ cho trời làm hại! Cho nên, nước yếu
thì không quy trách nhiệm cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất tài, mà lại cứ nói
vận số không phải do con người quyết định. Lụt lội hạn hán thì không trách cứ
là không có kế hoạch tiêu nước kịp thời, không phòng ngừa đói kém, mà lại nói
thiên tai không phải do người gây nên... Than ôi! sao lại có những cách nói tự
hại mình đến thế? Sức người không làm được mà đổ tội cho trời, trời có nhận tội
đâu”
1
.
Thứ đến là những nhà nho tiến bộ đã phê phán cái tư tưởng nội hạ ngoại
di, vì nếu như thuyết thiên mệnh là sự cản trở sự phát triển của nhận thức, thì cái
tư tưởng “nội hạ ngoại di” trọng mình khinh người trong học thuyết Nho giáo
còn tai hại hơn. Nó làm cho người ta chỉ coi trọng bản thân, tự đề cao bản thân
mà coi thường người khác, mà không chịu học hỏi. Đây là sản phẩm của quá
trình tranh giành địa vị độc tôn của Nho giáo với các tôn giáo khác, muốn nắm
được địa vị độc tôn thì phải đề cao cái đạo của mình, phải tỏ ra cái đạo của mình
là cao quý để hạ thấp địa vị của các tôn giáo khác. Vì thế, khi mà Nho giáo đã
nắm được địa vị độc tôn, trở thành đạo cao quý, thì đương nhiên những đệ tử
của học thuyết Nho giáo cũng là những người cao quý, kẻ cả, được coi trọng
trong xã hội. Do vậy mà họ nhiễm cái thói vênh váo, tự cao, tự đại coi khinh hết
1
. Dẫn theo: Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục – phần Quốc dân độc bản, NXB Văn hoá, HN - 1997, tr. 62, 63.
11
thảy những người khác, coi khinh hết thảy những học thuyết của những tôn giáo
khác, mà không chịu học hỏi những điều tiến bộ. Đó là cái tư tưởng làm cho con
người ta trở nên ngu dốt, kém cỏi. Những nhà nho tiến bộ đã nhận ra rằng ngày
nay “không thể như trăm năm trước nữa, cứ đóng cửa mà trị dân, dù không tiến
bộ cũng có thể ngồi mà giữ nước”
2
và trong Văn minh tân học sách, họ đã phê
phán cái tư tưởng nội hạ ngoại di của học thuyết Nho giáo như sau: “Kìa xem
những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ, bài lá, cờ tướng, đố thư, đánh chữ, số, tướng,
địa lý, phù thuỷ, ngày ngày dốc cả trí không vào những thứ vô dụng, sống say
chết mộng, thì chả kể làm gì. Nhưng hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tí, được cái
tiếng quèn, đã vội khủng khỉnh ta đây là kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo,
ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết
thảy học mới văn minh! Hạng thua kém nữa thì chỉ có nghe vấn đề thăng quan
lên bậc mấy, cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác! Có
một ông nào đó đã nói với các bạn hậu tiến: “Các thầy muốn ra làm quan, thì
phải cẩn thận: chớ có đọc sách mới, xem báo mới”. Ôi, nếu không biết đến sách
báo mới thì thôi, chứ đã biết đến mà lại bưng bít che lấp đi, làm cho không nghe,
không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố căn tính nô lệ, nhân cách như thế,
thật nên lấy làm đau đớn!”
1
. Và họ coi đó là nguyên nhân quan trọng nhất trong
bốn nguyên nhân dẫn đến cái sự mất nước và phải làm nô lệ của người Việt:
“Nước Nam ta bây giờ dốt tệ lắm, mà cũng vì cái dốt nên phải làm như trâu, như
bò, được đồng nào đem sắm đồ Tàu hết. Cũng vì dốt nên nghề hay không làm ai
cũng muốn làm cái nghề ăn không. Cũng vì cái dốt, nên người đói meo không
lo, lo Quan Âm đói, nói tóm lại thì bao nhiêu cái khổ sở nhục nhằn ở nước ta
cũng vì cái dốt mà ra cả”
2
.
Thứ ba là những nhà nho tiến bộ đả phá cái tư tưởng quý đạo vương khinh
đạo bá. Chính vì coi trọng tư tưởng nội hạ ngoại di, trọng mình mà khinh người
nên cái tư tưởng mù quáng quý đạo vương mà khinh đạo bá của học thuyết Nho
giáo đã ra đời. Đây là cái tư tưởng cực đoan, độc tôn Nho giáo. Vương đạo tức
2
. Như trên, tr. 53.
1
. Dẫn theo: Thơ văn yêu nước và cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, NXB Văn học, HN – 1976, tr. 633, 634.
2
. Dẫn theo: Đăng cổ tùng báo, số ra ngày 27 tháng 6 năm 1907. Tư liệu lưu trữ của Thư viện trường
ĐHKHXH&NV.
12
là đạo của nhà vua, mà đã là đạo của nhà vua thì đương nhiên là cao quý nhất.
Mà một khi nó đã trở thành đạo cao quý nhất thì đương nhiên là người ta sẽ coi
thường những thứ đạo khác mà không chịu học hỏi tiếp thu những cái mới, cái
hay. Như vậy là cái tư tưởng quý đạo vương khinh đạo bá lại càng bó hẹp con
người ta hơn, làm cho người ta trở nên bảo thủ hơn, vênh váo hơn, thế cho nên:
“Phàm những kẻ biết được đôi chút từ chương đã vênh vang cho mình là sĩ,
không thèm đứng cùng hàng với nông, công, thương, họ cho là hèn hạ, gọi là
dân buôn, dân thợ, dân cùng, ngu dốt”
3
. Những nhà nho tiến bộ đã cho cái tư
tưởng này là một trong bốn nguyên nhân khởi điểm làm cho dân ta ngày càng
dốt đi, làm cho đất nước ngày càng tiều tuỵ, yếu hèn.
Nhưng nguyên nhân dẫn đến cái sự ngu dốt tai hại ấy còn là nhờ cái tư
tưởng bảo thủ coi xưa hơn nay, cho xưa là phải nay là quấy của đạo Nho. Những
nhà nho tiến bộ đầu thế kỷ XX đã nhận ra cái căn nguyên sai trái ấy khi họ viết
thiên Bàn về văn minh “người nước ta hiếu cổ, coi nhẹ kim, thậm chí có người
muốn sống như đời Hy – Hoàng trở về trước, không biết rằng Hy – Hoàng trở về
trước là thời đại dã man”
1
, và cho rằng: “Đó là điểm lầm lớn của nghìn trăm
năm học giới. Cái hại đó lên tột đỉnh sẽ khiến cho tư tưởng yêu nước của nhân
dân chìm đắm, phương châm giúp nước của thân sĩ lờ mờ, bàn việc nước thì
gang tấc mà như sánh biển khơi”
2
. Đó là cái nguyên nhân dẫn đến: “Xã hội ta thì
trì trệ, không tiến bộ, học thuật, kỹ nghệ sơ sài”
3
và “Hành chính thì cấm thay
đổi, sửa sang; dùng người thì quý im lìm lặng lẽ; chiếu theo lệ cũ, nhưng lệ
không nhất định; luật cũng có ban bố đấy, nhưng dân gian không được đọc luật!
Đó là điều trái nhau về giới kinh tế”
4
(kinh tế ở đây được hiểu theo nghĩa là chính
trị). Nó làm cho con người trở nên hủ hoá, bảo thủ, trì trệ: “Trong mười người
chơi bời, lười biếng cũng có năm, sáu người có lòng tự ái, hiểu biết chút ít, còn
phần lớn thì câu lệ, giữ ý kiến cũ. Bỏ được phong thái ấy, tranh lên trước, hiếm
lắm. Mỗi lần học thấy những sáng kiến họ không quen thì họ chê bai, dè bỉu,
3
. Dẫn Theo: Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, NXB Văn hoá, HN – 1997, tr.
1
. Dẫn theo: Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, NXB Văn hoá, HN – 1997, tr. 53.
2
. Dẫn theo: Chương Thâu - Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX, NXB Văn
hoá- Thông tin, HN – 1997, tr. 239.
3
. Dẫn theo: Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, NXB Văn hoá, HN – 1997, tr. 49.
4
. Dẫn theo: Thơ văn yêu nước và cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, NXB Văn học, HN – 1976, tr. 635, 636.
13
hơn cả những kẻ ngu si đảo lộn phải trái, trắng đen”
5
. Cái dốt nát, ngu si, bảo thủ
của con người bởi tư tưởng trọng xưa hơn nay thối nát ấy, đã cản trở sự phát
triển về nhận thức của cá nhân và xã hội, nó kìm hãm và trói buộc con người và
xã hội vào những thứ giáo lý cũ rích, làm cho người ta không theo kịp được sự
phát triển của thời đại. Nó hướng người ta chỉ trông vào xưa chứ chẳng biết nay,
không tin vào thực tại, đến nỗi đã trở thành nô lệ mà vẫn không biết, vẫn huyênh
hoang: “Người ngày nay mà không muốn hơn người ngày xưa thì văn minh
không tiến. Nước yếu thì sẽ bị nước văn minh hơn thôn tính. Người nước ta
thích bàn về thời Hổng cổ, hâm mộ Hoàng nông, mà không biết rằng thế đạo
ngày một suy, mà lại than thở phong tục xưa không được phục hồi. Những lời
không phải cổ nhân nói, những việc không phải cổ nhân làm, cũng cho là người
đời phải kinh sợ. Chính cái lòng hiếu cổ ấy làm cản trở trí tiến thủ”
6
.
Tư tưởng trọng quan khinh dân, trong học thuyết Nho giáo cũng là một
trọng tâm mà những nhà nho tiến bộ đầu thế kỷ XX chĩa mũi nhọn vào phê
phán. Nó được coi là nguyên nhân dẫn đến sự hủ hoá, thối nát của bộ máy chính
quyền và thể chế chính trị phong kiến. Nó dẫn đến cái thói vênh váo, tự cao tự
đại của tầng lớp nho sĩ trong xã hội. Tư tưởng đó xuất phát từ đâu, từ cái sự độc
tôn Nho giáo, từ cái sự đề cao cái đạo Tam cương, Ngũ thường với những mối
quan hệ ràng buộc bởi nhiều phép tắc bất di, bất dịch, dẫn đến sự tách bạch, đối
lập một cách tuyệt đối giữa vua, quan và dân. Quan không được vượt quyền,
không được bàn bạc, cãi lệnh vua, vì lệnh vua là thánh chỉ, là lời của thiên tử;
còn dân thì không được cãi lời quan, vì quan là phụ mẫu của dân, là cha mẹ của
dân. Khi mà đạo Nho đã trở lên địa vị độc tôn, thì đương nhiên là muốn làm
quan phải học đạo Nho, và khi ấy được đứng trong hàng ngũ những đệ tử của
Nho giáo là một vinh dự cao xa: “Người nước ta xưa nay chia ra bốn nghề: Sĩ,
nông, công, thương. Sĩ là cao quý nhất”
1
. Vì sĩ rồi một ngày kia sẽ trở nên quan,
mà làm quan có nghĩa là có được sự sung túc, có địa vị cao sang: “Ấy là vì ở
trong một nước chuyên chế, chỉ có quan là tôn quý nhất, sĩ cũng tức là một ngày
5
. Dẫn theo: Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, NXB Văn hoá, HN - 1997, tr. 49.
6
. Dẫn theo: Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, NXB Văn hoá, HN - 1997, tr. 61, 62.
1
. Dẫn theo: Chương Thâu – Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX, NXB Văn
hoá - Thông tin, HN - 1997, tr. 215.
14
kia sẽ trở nên quan, nên sĩ cũng tôn quý nhất”
2
. Mà đã là quan, là sĩ, ở địa vị tôn
quý đứng đầu trong tứ dân thì đương nhiên họ đối lập với dân, khinh dân là hèn
hạ: “Phàm những kẻ biết đôi chút từ chương đã vênh vang tự cho mình là sĩ,
không thèm đứng ngang hàng với nông, công thương, họ cho là hèn hạ, gọi là
dân buôn, dân thợ, dân cùng, ngu dốt”
3
. Quan và dân mà đối lập nhau, trị nước
mà khinh dân, không dựa vào dân thì ấy là cái sở đạo mất nước.
- Phê phán về các quan điểm chính trị, kinh tế, giáo dục trong học thuyết
Nho giáo:
Trước hết các nhà nho tiến bộ đã phê phán cái quan điểm chính trị bảo
thủ, quân phiệt, đề cao cái đạo nghĩa tôn quân, cho trung với vua là yêu nước
của học thuyết Nho giáo. Người ta coi vua là hiện thân của thánh nhân, lời của
vua là thánh chỉ, chính vì thế mà người ta chỉ biết đến vua, chứ không biết đến
nước, coi tuân mệnh vua là trung với nước, là yêu nước. Cái quan điểm chính trị
ấy đã dẫn đến cái thể chế chính trị bảo thủ, cực đoan “ngoài áp chế không có gì
là tôn chỉ; ngoài phục tòng, không có gì là nghĩ xa”
4
. Nguyên do xuất phát cái
quan điểm chính trị tôn quân ấy là ở cái đạo Tam cương của học thuyết Nho
giáo. Tam cương bao gồm cương vua - tôi, cương vợ - chồng, cương cha – con,
đó là những mối quan hệ rường cột của xã hội phong kiến, được đề ra vào đời
nhà Hán. Nó nhằm mục đích thiết lập nên những phép tắc nhất định hạn chế sự
chỗi dậy làm bạo loạn của những kẻ phản thần tặc tử và chống lại cái đạo pháp
gia đời Tần, tăng uy lực cho ngôi vị thống trị của nhà Hán. Nhưng càng ngày
bọn nho học thống trị phong kiến càng lợi dụng cái ý nghĩa tốt đẹp đó của đạo
Tam cương để đặt ra nhiều phép tắc trói buộc những con dân trong xã hội, vì
chúng sợ bị mất đi địa vị và quyền lợi. Vì thế, nó dẫn đến cái tệ chuyên quyền,
độc đoán của bọn vua quan phong kiến: “Thuở xưa các nước cũng đều có chính
thể rồi. Phàm chính sự trong nước thì chỉ vài vị đại thần được bàn bạc, còn quan
nhỏ thì nghe cũng không được nghe, huống hồ là dân trăm họ! Quyền chuẩn y
hay bác bỏ đều ở trong tay nhà vua, đại thần không được hạn chế, nói gì đến
2
. Như trên, tr. 215.
3
. Như trên, tr. 215.
4
. Dẫn theo: Thơ văn yêu nước và cách mạng Viẹt Nam đầu thế kỷ XX, NXB Văn học, HN – 1976, tr. 636.
15
những người khác”
1
. Sự chuyên quyền, độc đoán của bọn vua quan đã dẫn đến
tình trạng mất công bằng trong xã hội, dẫn đến sự tách bạch một cách tuyệt đối
giữa vua – quan và dân làm nảy sinh ra cái tư tưởng trọng quan mà khinh dân.
Vì thế mà nó trở thành những điều tệ nhân như Phan Bội Châu đã viết trong Hải
ngoại huyết thư:
“Một là vua sự dân chẳng biết,
Hai là quan chẳng thiết gì dân.
Ba là dân chỉ biết dân
Mặc quân với quốc mặc thần với ai.”
2
Và những điều đó thì hàng ngàn năm không thay đổi: “Hành chính thì
cấm sửa sang thay đổi”. Vì thế mà thể chế chính trị phong kiến ngày càng trở
nên mục nát, thối rữa, sự xa xỉ làm cho bọn vua quan mờ mắt, coi trọng quyền
lợi hơn là coi trọng dân:
“Toà y viện, thuốc nào chẳng có!
Dân ốm đau hề chớ hỏi han!
Cơm ngự thiện, bữa nghìn quan,
Ngoài ra dân đói, dân hàn mặc dân.
Hỏi đến kẻ phùng quân du mị.
Hỏi đến người kiều mỹ cung phi,
Còn dân khốn khổ trăm bề,
Cầm như tai mắt chẳng nghe thấy nào”
3
Quan điểm chính trị như thế, thể chế chính trị như thế thì làm gì mà dân
không ngu dốt “Quyền quân chủ trên đầu ức chế, Trải nghìn năm dân trí còn
gì!”
1
, mà dân đã ngu dốt thì lấy đâu ra xã hội phát triển, lấy đâu ra nước mạnh
mà chả rơi vào vòng nô lệ.
Thứ đến, các nhà nho tiến bộ đã phê phán quan điểm kinh tế bảo thủ
trọng nông ức thương của học thuyết Nho giáo. Do cái tư tưởng nội hạ ngoại di
và quý đạo vương khinh đạo bá, cho nên giới nho sĩ rất coi thường cái mục đích
1
. Dẫn theo: Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, NXB Văn Hoá, HN – 1997, tr. 64.
2
. Dẫn theo: Thơ văn yêu nước và cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, NXB Văn học, HN – 1976, tr. 61.
3
. Như trên, tr. 61.
1
. Dẫn theo: Văn thơ Đông kinh nghĩa, NXB Văn hoá, HN - 1997, tr.71.
16