1
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
BỘ MÔN NGỮ VĂN
TRẦN THÚY NGÂN
MSSV: 6106409
THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA KHÁI HƯNG
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn
Cán bộ hướng dẫn: ThS. NGUYỄN THỊ KIỀU OANH
C
ầ
n T
hơ, năm 2013
2
ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Vài nét về tác giả và tác phẩm
1.2. Đóng góp của Khái Hưng vào tiến trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam
1.3. Nhân vật văn học
1.3.1. Khái niệm
1.3.2. Chức năng của nhân vật trong tác phẩm văn học
1.3.3. Phân loại nhân vật văn học
1.3.3.1. Xét từ góc độ nội dung tư tưởng hay phẩm chất nhân vật
1.3.3.2. Xét từ góc độ kết cấu
1.3.3.3. Xét từ góc độ cấu trúc
1.3.3.4. Xét từ góc độ thể loại
CHƯƠNG 2: CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA
KHÁI HƯNG
2.1. Nhân vật đại diện cho những hủ tục của lễ giáo và chế độ đại gia đình phong
kiến
2.2. Nhân vật đại diện cho quan trường hủ bại
2.3. Nhân vật đại diện cho những tư tưởng mới tiến bộ
3
2.3.1. Nhân vật có tư tưởng tiến bộ, phản kháng lại những hủ tục và đại gia
đình phong kiến
2.3.2. Nhân vật có lí tưởng phục vụ xã hội, cải cách nông thôn
2.4. Nhân vật có lối sống buông thả, tự do phóng túng, hưởng lạc
CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TIỂU
THUYẾT KHÁI HƯNG
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật thông qua các chi tiết nghệ thuật
3.1.1. Miêu tả nhân vật qua ngoại hình:
3.1.2. Miêu tả nhân vật qua biểu hiện nội tâm
3.1.3. Miêu tả nhân vật qua ngôn ngữ nhân vật
3.1.4. Miêu tả nhân vật qua hành động
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong thế đối lập
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỤC LỤC
4
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Vào những năm đầu của thế kỉ XX, với sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây,
nền văn học nước nhà đã có nhiều chuyển biến và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Nếu như ở thể loại trữ tình, sự ra đời của phong trào Thơ mới đã mở ra “một thời đại
trong thi ca” thì ở thể loại văn xuôi tự sự, tiểu thuyết cũng có những cách tân trên cả
hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Sự ra đời và phát triển của tiểu thuyết hiện
đại đã thu hút và đáp ứng thị hiếu của số đông độc giả thời bấy giờ. Đồng thời nó cũng
tạo được những dấu ấn mạnh mẽ trên văn đàn. Trong quá trình hình thành và phát triển
tiểu thuyết hiện đại, có thể thấy rằng Tự lực văn đoàn đã có nhiều đóng góp nổi bật
vào tiến trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam. Trong đó, Khái Hưng, thành viên của
nhóm đã có những đóng góp không nhỏ, góp phần hoàn thiện tiểu thuyết hiện đại. Với
những quan niệm mới về con người, nhà văn đã nhận ra rằng con người cá nhân cần có
những quyền tự do chính đáng như tự do kết hôn, tự do định đoạt tương lai hạnh phúc
của cuộc đời mình. Những lễ nghi Nho giáo với những thành kiến, hủ tục hẹp hòi đã
bóp nghẹt mọi quyền tự do cá nhân của con người. Vì vậy với tư cách là một thanh
niên trí thức mới có điều kiện tiếp xúc với văn minh phương Tây, hiểu được tâm tư
nguyện vọng của phần lớn thanh niên trong thời buổi hiện tại, Khái Hưng đã chuyển
nó thành nguồn cảm hứng để sáng tác. Trong hầu hết các tác phẩm, nhà văn luôn thể
hiện các mối mâu thuẫn thế hệ, vấn đề xung đột mới – cũ, từ đó nhằm khẳng định quan
niệm sống mới, giải phóng cá nhân ra khỏi những trói buộc của luân lý, lễ giáo phong
kiến, trước hết là trong hôn nhân và đời sống gia đình.
Đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, luận án, bài viết về cuộc đời và
sự nghiệp văn học của nhà văn Khái Hưng trên cả hai phương diện nội dung và nghệ
thuật. Nhưng chúng tôi nhận thấy vẫn còn có nhiều vấn đề trong tác phẩm của Khái
Hưng chưa được khai thác tìm hiểu, trong đó có vấn đề về hệ thống nhân vật trong tiểu
thuyết của nhà văn. Đối với các tác phẩm tự sự nói chung, thể loại tiểu thuyết nói
riêng, nhân vật có một vị trí hết sức quan trọng. Nhân vật là đối tượng trung tâm, là
linh hồn của tác phẩm văn học. Qua nhân vật, nhà văn bày tỏ quan điểm, tư tưởng,
nhận thức,… trước cuộc đời và con người, đồng thời gửi gắm những tình cảm, suy tư,
5
trải nghiệm của đời mình. Mặt khác qua hình tượng các nhân vật được xây dựng trong
tác phẩm cũng thể hiện được tài năng, cá tính và phong cách của nhà văn. Thế nên việc
tiếp cận, phân tích hệ thống nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật có ý nghĩa
quyết định đối với việc đánh giá chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Các nhân vật trong
tổng thể tạo thành hệ thống của chúng là một mặt của hình thức nghệ thuật văn học,
gắn liền với nội dung bằng những mối liên hệ khắng khít nhất. Vì vậy khi thuyết minh
tư tưởng của tác phẩm tự sự, trước hết chúng ta cần phải hiểu chức năng của hệ thống
nhân vật và nội dung ý nghĩa của nó. Có thể nói không thể hiểu tư tưởng của nhà văn
nếu không hiểu về thế giới nhân vật mà nhà văn đã xây dựng nên.
Xuất phát từ những lí do trên, người viết chọn đề tài nghiên cứu về “Thế giới
nhân vật trong tiểu thuyết của Khái Hưng”. Đây là hướng nghiên cứu cần thiết, có thể
bổ sung những tìm tòi mới, đóng góp mới về tiểu thuyết của nhà văn trong khả năng
hiểu biết của người viết. Qua đó, cũng giúp người viết có thể tìm hiểu một cách hệ
thống khi đi sâu khám phá những đổi mới về nội dung tư tưởng trong toàn bộ tiểu
thuyết của Khái Hưng. Đồng thời, giúp người viết nhận thấy được sự cách tân và phát
triển về nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn này. Từ đó có thể thấy được những
đóng góp đáng kể của ông trong việc mở đường cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam
phát triển và hoàn thiện.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Khái Hưng là một trong những cây bút tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn,
đồng thời cũng là một trong những nhà văn có công trong việc cách tân nền văn học
Việt Nam trong thế kỉ XX trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Chính vì sự
đổi mới tư duy nghệ thuật mà tác phẩm của nhà văn đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm
hiểu, phê bình, đánh giá. Theo thống kê, có rất nhiều bài nghiên cứu hay bài viết nói
về cuộc đời Khái Hưng, trong đó có cả những bài viết về nội dung và nghệ thuật.
Trong quyển Nhà văn hiện đại, khi viết về Khái Hưng, Vũ Ngọc Phan cũng
phân tích một số nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm của nhà văn, trong đó có tiểu
thuyết, nhưng chủ yếu là để làm cơ sở đánh giá về những mặt tích cực và hạn chế trên
bình diện nội dung tư tưởng của tác phẩm. Đồng thời qua đó, nhà phê bình nhận định:
“cái đặc sắc mà người ta thường thấy trong các văn phẩm của Khái hưng là sự nhận
xét rất đúng về tâm hồn nam nữ thanh niên Việt Nam” [15; tr.301]. Khái Hưng là nhà
văn hiểu rõ tâm lí con người rất tinh tế, nội tâm nhân vật trong sáng tác của nhà văn
6
được khai thác rất kĩ lưỡng. Chính vì thế mà những “đứa con tinh thần” của ông khi
vừa ra đời luôn nhận được chào đón nồng nhiệt từ phía độc giả.
Đánh giá về ngòi bút tài hoa của Khái Hưng, trong Lược khảo lịch sử văn học
Việt Nam (1975), Trương Chính nhận định: “Nửa chừng xuân, Trống mái và nhất là
Trống mái, nghệ thuật Khái Hưng đã chắc chắn và điêu luyện lắm. Nhưng Hồn bướm
mơ tiên vẫn giữ mãi hương vị êm dịu và ngọt ngào của bông hoa đầu mùa”, “Nghệ
thuật của Khái Hưng ngày một lão luyện trong thấy. Gia đình có thể xem là một tuyệt
phẩm không tì vết” [1; tr.321]. Trong cuốn Văn học Việt Nam sử yếu, nhà nghiên cứu
Dương Quảng Hàm đã nhận xét về Khái Hưng như sau: “Tuy vẫn có khuynh hướng xã
hội nhưng lại thiên về mặt lý tưởng và có thi vị riêng… Khái Hưng có một cách tả
người và tả cảnh xác thực mà có một vẻ nhẹ nhàng thanh tú khiến cho người độc thấy
cảm” [7; tr.455], khi đã xem xét, phân tích nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn. Có
thể nói, trong tiểu thuyết của Khái Hưng, hình ảnh những thế hệ thanh niên trí thức
luôn được nhà văn miêu tả với những tính cách khác nhau. Đó có thể là những con
người cam chịu, nhẫn nhục hay con người dám đương đầu, bức phá vượt lên số phận
để theo đuổi đam mê lý tưởng của mình… đều được nhà văn xây dựng và miêu tả hết
sức thành công. Vì vậy, tiểu thuyết của Khái Hưng trong thời kì này được đánh giá cao
về mặt nội dung tư tưởng: chống chế độ đại gia đình, giải phóng cá nhân, giải phóng
người phụ nữ thoát khỏi cánh cửa ngục thất của chế độ đại gia đình phong kiến. Vấn
đề này được Trương Chính nhận định qua tính cách, ngôn ngữ và hành động các hình
tượng nhân vật chính trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân: “Nửa chừng xuân là cuốn
truyện ghi dấu sự phấn đấu giữa cá nhân và chế độ ấy. Tác giả biện luận cho quan hệ
nhân sinh mới và công bố sự bất hợp thời của những tập quán do nhiều nền luân lý cổ
truyền tạo ra” [1, tr.208 - 209]. Các công trình trên bước đầu mới chỉ nêu lên một số
đóng góp của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn về tư tưởng và nghệ thuật như đấu tranh
giải phóng cá nhân, nghệ thuật tả cảnh và miêu tả tâm lí nhân vật. Tuy nhiên, những
luận điểm nêu ra có phần đánh giá chưa tập trung đi sâu vào thế giới nhân vật trong
tiểu thuyết Khái Hưng.
Cùng với Tự lực văn đoàn, Khái Hưng là một trong những nhà văn chịu nhiều
áp lực trước dư luận xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá Khái Hưng ở nhiều góc
độ khác nhau. Thậm chí giữa hai miền Nam – Bắc cũng có những quan niệm lệch
nhau. Những năm 1945 – 1975, do điều kiện đất nước đang trong thời kì chiến tranh,
7
công việc nghiên cứu văn học tạm lắng xuống để nhường chỗ cho hoạt động tuyên
truyền chính trị. Tuy nhiên không vì thế mà vấn đề về Tự Lực văn đoàn, Thơ Mới ít
được chú ý.
Văn chương Tự Lực văn đoàn nói chung, Khái Hưng nói riêng đều được nghiên
cứu ở cả hai miền với những góc độ khác nhau, nhưng chủ yếu là được đánh giá dưới
góc nhìn chính trị, các tiêu chí đánh giá tác phẩm đều xuất phát từ lập trường và quan
điểm giai cấp. Nhìn chung, các công trình chủ yếu tập trung phê bình nội dung xã hội
của tác phẩm trên phương diện chính trị, đạo đức, tư tưởng. Họ có cái nhìn khắt khe
đối với Tự Lực văn đoàn, cho những tác phẩm này “căn bản là bạc nhược, suy đồi” vì
không cổ vũ con người hành động trong cảnh nước mất nhà tan mà “ru ngủ thanh
niên” trong những chuyện tình cảm lãng mạn. Trong khi hàng nghìn người đang sống
chết cho một lí tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc, giải phóng con người thì Tự Lực văn
đoàn lại để cho các nhân vật của mình chìm đắm trong giấc mộng tình yêu, hạnh phúc
cá nhân. Vì thế nên Tự Lực văn đoàn được xem như là “cơ hội chủ nghĩa”, “tư tưởng
tiểu tư sản”, “lãng mạn thoát ly”….
Ở miền Bắc, một số công trình nghiên cứu như: Văn học Việt Nam 1930 –
1945 (1961) của Bạch Năng Thi, Phan Cự Đệ; Sơ thảo văn học Việt Nam (1964) của
Viện văn học; Tiểu thuyết Việt Nam của Phan Cự Đệ… đều nhắc đến Tự lực văn đoàn
và tiểu thuyết của Khái Hưng. Tuy nhiên, sau khi nhìn nhận, phân tích về những hành
động của lí tưởng cải cách xã hội, cải cách nông thôn của các nhân vật Ngọc (Hồn
bướm mơ tiên), Lộc (Nửa chừng xuân), Hạc và Bảo (Gia đình),… Các nhà phê bình
đều cho rằng lí tưởng đó mang màu sắc cải lương tư sản, không có tinh thần đấu tranh
giai cấp. Như trong bài viết về tiểu thuyết Gia Đình, Bạch Năng Thi đã phân tích việc
làm của Hạc, Bảo mà nhận định rằng: “Cái phần không tưởng, cái phần cải lương chủ
nghĩa của tác phẩm là ở cái lý tưởng về người điền chủ “nhân đạo” ấy. Cũng như
Doãn, như Duy, An – nhân vật chính của “Gia đình” cảm thấy đời mình trống rỗng và
vô vị” [16; tr.259]. Nhìn chung, các bài nghiên cứu này đều tỏ ra hết sức khắt khe với
những đóng góp của Khái Hưng, họ cho rằng tiểu thuyết của Khái Hưng mang nhiều
màu sắc lãng mạn, đề cao cái tôi cá nhân, không có dụng dụng tích cực trong thời đại
lúc bấy giờ. Nhưng theo chúng tôi, những đánh giá đó quá phiến diện, phủ nhận những
đóng góp của Khái Hưng trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Bởi vì, các
nhà nghiên cứu xem trọng quá vấn đề phản ánh hiện thực của tác phẩm nghệ thuật mà
8
quên mất văn học lãng mạn cũng có những đặc trưng của nó. Ngoài việc phản ánh
những vấn đề như sự khổ cực của nhân dân, thực dân áp bức, bóc lột thì tiểu thuyết
lãng mạn còn đi sâu tìm hiểu nội tâm của con người với bao dằn vặt, day dứt của thế
hệ thanh niên trí thức. Và đó cũng là đội ngũ con người đáng được quan tâm trong xã
hội lúc bấy giờ.
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, sáng tác của Tự lực văn đoàn mới thực sự được
độc giả và các nhà nghiên cứu tiếp nhận, nhiều công trình nghiên cứu ra đời đánh giá
cao giá trị sáng tác của họ. Đi sâu tìm hiểu nội dung tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Phan
Cự Đệ trong Tự lực văn đoàn – Con người và văn chương nhận định: “So với tiểu
thuyết trước 1930, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã đi sâu nhiều hơn vào thế giới nội
tâm phong phú của con người”. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những hạn chế còn mắc
phải ở Tự lực văn đoàn: “Tuy nhiên, ở những tác phẩm thời kì cuối Khái Hưng, Nhất
Linh không những không đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, mà còn có xu hướng đẩy
con người vào chủ nghĩa duy tâm và định mệnh” [3; tr.380]. Thời kì này chúng ta còn
ghi nhận công trình của Giáo sư Hà Minh Đức, trong lời giới thiệu Nửa chừng xuân
ông viết: “Nửa chừng xuân là cuộc tiến công vào lễ giáo phong kiến đã khẳng định
quyền tự do hôn nhân của lớp thanh niên tri thức đang được phát triển về quyền sống
và ý thức cá nhân” [5; tr.10]. Tóm lại thời kì này các nhà nghiên cứu phê bình đã khai
thác giá trị văn chương của Tự lực văn đoàn cũng như Khái Hưng khá hợp lý với thái
độ công bằng và khách quan.
Xét riêng về vấn đề liên quan đến thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Khái
Hưng, tác giả của các công trình nghiên cứu hay bài viết bình luận đánh giá cũng chỉ
phân tích các hình tượng nhân vật trong tác phẩm của ông để làm rõ một vài luận
điểm nào đó. Chẳng hạn như Vu Gia với bài nghiên cứu về Khái Hưng người góp
phần xây dựng nền tiểu thuyết hiện đại, ông có phân tích nhân vật tiểu thuyết trong
Nửa chừng xuân, Thừa tự, Gia đình, Đẹp nhưng chủ yếu là để khẳng định được nghệ
thuật xây dựng nhân vật của Khái Hưng, “với Khái Hưng, nhân vật tiểu thuyết là
những người của đời thường”, “Khái Hưng hiểu thế nào là nhân vật tiểu thuyết” [16;
tr.152]. Hay công trình nghiên cứu của Lê Thị Dục Tú về Quan niệm về con người
trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn có đề cập đến hình tượng người phụ nữ, đặc biệt là
ở chương 2, 3 nói về “Thế giới nội tâm và Vẻ đẹp thể chất” của nhân vật. Nhưng nhìn
chung tác giả chủ yếu khai thác nhân vật để thấy sự đổi mới về quan niệm, tư tưởng
9
của các tác giả trong nhóm Tự lực văn đoàn so với đương thời. Ngoài ra thì còn có
luận án tiến sĩ của Ngô Gia Thư Bàn về tiểu thuyết của Khái Hưng, tác giả có phân
tích và phân loại thế giới nhân vật trong tác phẩm của nhà văn. Nhưng dụng ý của việc
phân tích này, Ngô Gia Thư nhằm muốn khẳng định những đóng góp đáng kể của nhà
văn trong tiến trình hiện đại hóa văn học hiện đại Việt Nam, nên nó chỉ là một luận cứ
nhỏ để củng cố cho luận điểm về những quan niệm đổi mới về con người và những
cách tân trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.
Ở trên là những công trình nghiên cứu hay bài viết có liên quan đến Khái Hưng,
trong đó có những công trình khai thác đúng giá trị của tiểu thuyết của Khái Hưng và
cũng không ít bài viết phản bác lại Khái Hưng. Tuy số lượng bài nghiên cứu rất nhiều
và đề tài nghiên cứu cũng đa dạng nhưng chuỗi nhân vật trong tiểu thuyết của Khái
Hưng vẫn chưa được khai thác và nghiên cứu rõ ràng. Chính vì thế, trong đề tài này
chúng tôi sẽ cố gắng tiếp bước các thế hệ đi trước tìm hiểu “Thế giới nhân vật trong
tiểu thuyết của Khái Hưng” nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu học hỏi của người viết,
đồng thời cũng giúp cho độc giả nhìn nhận, đánh giá Khái Hưng ở góc độ mới.
3. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Khái Hưng”, chúng tôi
muốn hệ thống hóa và phân chia các kiểu nhân vật được thể hiện trong tiểu thuyết của
nhà văn. Từ đó có thể hiểu được những quan điểm, lập trường của nhà văn về con
người và hiện thực của thời đại mà nhà văn đang sống. Đồng thời qua đó, có thể thấy
được những cách tân trong việc thể hiện đề tài và các biện pháp nghệ thuật xây dựng
các nhân vật trong tiểu thuyết, cũng như góp phần khẳng định những đóng góp của nhà
văn trong công cuộc hoàn thiện khuôn mặt tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.
4. Phạm vi nghiên cứu
Do đề tài mà người viết chọn lựa là tìm hiểu “thế giới nhân vật trong tiểu thuyết
của Khái Hưng” nên phạm vi khảo sát sẽ giới hạn trong 12 quyển tiểu thuyết của nhà
văn, chủ yếu được in trong các tập Văn chương Tự lực văn đoàn, Văn xuôi lãng mạn
Việt Nam 1930 – 1945.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình tìm hiểu về đề tài này, chúng tôi đã vận dụng một số phương
pháp sau:
10
Phương pháp phân tích tổng hợp:
Trong luận văn, chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích là chủ yếu để khám
phá những nét tính cách đặc trưng của từng nhân vật cụ thể, từ đó có những đánh giá
khái quát đối với từng loại hình nhân vật trong hệ thống các nhân vật trong tiểu thuyết
của Khái Hưng.
Phương pháp loại hình:
Phương pháp này là công cụ để chúng tôi phân chia các nhân vật có những đặc
điểm giống nhau vào cùng một loại. Từ đó, chúng tôi xác định được vị trí và ý nghĩa
của nhân vật khi đặt chính nhân vật đó trong hệ thống cùng loại hình.
Phương pháp hệ thống:
Mỗi tác phẩm văn học là một chỉnh thể thống nhất về nội dung và nghệ thuật. Ở
mỗi nhân vật cũng có sự thống nhất giữa đặc điểm tính cách của nhân vật và nghệ
thuật nhà văn xây dựng nhân vật. Việc đặt nhân vật trong hệ thống chỉnh thể của tác
phẩm, trong mối quan hệ hài hòa của chỉnh thể nội dung và hình thức, trong hệ thống
các nhân vật cùng loại hình, trong mối quan hệ giữa nhân vật với các nhân vật khác sẽ
giúp chúng tôi có được sự đánh giá chính xác hơn về giá trị tác phẩm và tư tưởng, tài
năng của nhà văn.
Phương pháp so sánh:
Chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh để đối chiếu giữa thế giới nhân vật
trong tiểu thuyết của Khái Hưng với những nhân vật của các tác giả khác trong Tự lực
văn đoàn để từ đó thấy được sự giống nhau và những nét riêng, độc đáo trong việc xây
dựng các hình tượng nhân vật thể hiện mục tiêu, tôn chỉ của nhóm. Đồng thời thấy
được sự sáng tạo của nhà văn qua việc thể hiện các nhân vật.
11
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Vài nét về tác giả và tác phẩm
Khái Hưng (1896 – 1947) tên thật là Trần Dư, nhưng ông thêm chữ Khánh
thành Trần Khánh Dư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trần. Bút danh Khái
Hưng của ông là được ghép từ các chữ cái của tên Khánh Dư mà có. Ngoài ra, tác giả
còn có bút danh khác là Nhị Linh.
Khái Hưng xuất thân trong một gia đình quan lại ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh
Bảo, Hải Dương, nay thuộc tỉnh Hải Phòng. Thân phụ của ông là Trần Mỹ, đỗ cử nhân
Hán Học, giữ chức Tuần phủ Thái Bình. Cụ có tập thơ Cổ phần lai khúc, đăng báo
Nam Phong năm 1919. Cụ Trần Mỹ có tới năm người vợ, nên rất đông con. Khái
Hưng là con bà vợ cả và là anh trai cùng cha khác mẹ của nhà văn Trần Tiêu, tác giả
của các tác phẩm Con trâu, Chồng con, Năm hạn, Sau lũy tre vào thập niên 1940.
Nhạc phụ của Khái Hưng là cụ Lê Văn Đính (nguyên mẫu nhân vật cụ án Báo trong
tiểu thuyết Gia đình). Cụ cũng xuất thân trong gia đình khoa bảng, cũng là cử nhân
Hán học và từng làm Tuần phủ, Tổng đốc, rồi Thượng thư. Như vậy, cả thân phụ và
nhạc phụ của Khái Hưng đều là đại quan, đều làm công chức cho Pháp, nhưng có gốc
văn hoá cũ. Với xuất thân như thế, Khái Hưng vừa có điều kiện được tiếp thu những
văn hóa truyền thống của Nho giáo, vừa có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với tư tưởng, ý
thức, nếp sống và văn hoá phương Tây. Đồng thời nhà văn cũng đã trải nghiệm cuộc
sống đại gia đình với biết bao hủ tục, luật lệ phiền toái, lạc hậu. Nhưng mặt khác trong
hai đại gia đình Trần - Lê của ông cũng còn phảng phất dấu ấn đẹp của văn hoá cổ
truyền Việt Nam. Điều đó khiến ông không thể dễ dàng phủ nhận sạch trơn những giá
trị tốt đẹp của nền văn hóa Hán học xưa cũ.
Thuở nhỏ, Khái Hưng học chữ Nho, 12 tuổi mới theo Tây học nhưng rất giỏi
Pháp văn. Ông đã được Hội Trí tri Nam Định trao tặng giải nhất cho bản dịch vở hài
kịch Les Pleideurs của Racine (1923). Năm 1927, sau khi đậu tú tài Pháp phần một
(ban triết học), Khái Hưng không tiếp tục học để ra làm quan như đa số bạn học cùng
thời hay như gia đình ông. Tác giả đi Ninh Giang buôn dầu, nhưng không thành công.
Sau đó, ông lên Hà Nội dạy học tại trường tư thục Thăng Long, một trường nổi tiếng
12
lúc bấy giờ. Và trong thời gian dạy học ở đây, Khái Hưng đã gặp Nhất Linh và tham
gia Tự Lực văn đoàn do Nhất Linh thành lập. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng trong
sự nghiệp văn chương của tác giả.
Khái Hưng bắt đầu sự nghiệp viết văn khá muộn. Nhưng chỉ trong khoảng 10
năm, ông đã sáng tác một số lượng tác phẩm đa dạng về thể loại, với 12 quyển tiểu
thuyết, 8 truyện ngắn, phê bình, kịch vui,…
Tiểu thuyết: Hồn bướm mơ tiên (1933), Gánh Hàng hoa (1934) viết chung với
Nhất Linh), Nửa chừng xuân (1934), Tiêu sơn tráng sĩ (1934), Đời mưa gió (1934,
viết chung với Nhất Linh), Trống mái (1935), Gia đình (1936), Thoát ly (1937), Thừa
tự (1938), Đẹp (1939), Hạnh (1939), Băn khoăn (Thanh đức) (1943).
Truyện ngắn có các tác phẩm: Tiếng suối reo (1935), Dọc đường gió bụi
(1936), Đợi chờ (1938), Hạnh (1938), Cái ấm đất (1940), Đội mũ lệch (1941), Anh
phải sống (1943, viết chung với Nhất Linh), Cái ve (1944),
Kịch: Tục lụy (1937), Cóc tía (1940), Đồng bệnh (1942).
Ngoài ra, nhà văn còn viết truyện ngắn cho thiếu nhi và còn là một dịch giả có
tài. Tuy nhiên, thành công nhất của Khái Hưng là ở lĩnh vực tiểu thuyết. Mở đầu cho
văn nghiệp của ông là tiểu thuyết tình yêu lí tưởng với các tác phẩm như: Hồn bướm
mơ tiên, Gánh Hàng hoa, Nửa chừng xuân. Sau đó nhà văn viết một số tiểu thuyết
phong tục với nội dung nghiêng về phản ánh hiện thực như: Gia đình, Thoát ly, Thừa
tự. Thời kỳ cuối, Khái Hưng viết một số tiểu thuyết tâm lí như: Hạnh, Đẹp, Băn
khoăn,… Nhận xét về chặng đường tiểu thuyết của Khái Hưng, Hà Minh Đức nhận
xét: “Giàu chất lãng mạn ở thời kì đầu, giá trị hiện thực tăng nhiều ở chặng giữa, và ở
giai đoạn cuối thì pha tạp với chủ nghĩa hiện đại” [5; tr.5]. Như vậy, Khái Hưng xứng
đáng là một trong hai trụ đồng của Tự lực văn đoàn. Bởi hầu hết các tác phẩm của ông
đều cổ vũ cho cái tôi cá nhân tự do đấu tranh chống lại những luật lệ cổ hủ của lễ giáo
phong kiến. Ông rất gương mẫu trong việc thực hiện tôn chỉ của nhóm. Đồng thời
cũng ý thức mở rộng đề tài làm phong phú hơn nền văn học nước nhà. Những đóng
góp của Khái Hưng đã góp phần tạo ra bước ngoặt lớn cho văn học Việt Nam hiện đại.
13
1.2. Đóng góp của Khái Hưng vào tiến trình hiện đại hóa tiểu thuyết
Việt Nam
Những năm đầu thế kỉ XX, sự du nhập của văn hóa phương Tây đã làm nền văn
học nước nhà có nhiều chuyển biến từ thể loại truyền thống sang thể loại hiện đại với
những đổi mới về phương diện nội dung và nghệ thuật, đặc biệt là tiểu thuyết. Tiểu
thuyết văn xuôi xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ với những tác phẩm như Hoàng Tố Anh
hàm oan (1910, Trần Thiên Trung), Phan Yên ngoại sử Tiết phụ gian truân (1910,
Trương Duy Toản), Ai làm được (1912, Hồ Biểu Chánh),… Trong các quyển tiểu
thuyết, ta có thể thấy các tác giả miền Nam đã có ít nhiều ảnh hưởng tiểu thuyết phiêu
lưu phương Tây, các nhân vật trong các tác phẩm được đi nhiều nơi khác nhau. Ví dụ
như trong Phan Yên ngoại sử, nhân vật chính bị chìm thuyền được một tàu Anh cứu
vớt và đưa sang Ma Cao. Tuy nhiên, các sáng tác này vẫn còn chịu ảnh hưởng mạnh
mẽ của thi pháp tiểu thuyết Trung Hoa. Phần lớn, chúng được bố cục theo kiểu chương
hồi và kết thúc câu chuyện đều là những cái kết có hậu, thế nhưng chúng cũng tạo
được cơ sở cho sự ra đời của tiểu thuyết hiện đại. Ở miền Bắc, tiểu thuyết ra đời muộn
hơn. Đầu những năm 20, tiểu thuyết mới dần được hình thành với một số cây bút tên
tuổi như: Phạm Duy Tốn, Đặng Trần Phất, Nguyễn Trọng Thuật,… Đến năm 1925,
tiểu thuyết Tố Tâm (Song An Hoàng Ngọc Phách), tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên
ở miền Bắc ra đời với những cách tân mới về phương diện nội dung và nghệ thuật. Nó
đã tạo bước ngoặt quan trọng, cắm mốc cho sự ra đời của tiểu thuyết hiện đại. Sự ra
đời của nó đã đẩy lùi tiểu thuyết truyền thống (tiểu thuyết kiếm hiệp, chương hồi),
nhường chỗ cho tiểu thuyết hiện đại (tiểu thuyết tâm lí). Có thể thấy rằng, câu chuyện
tình buồn của Tố Tâm và Đạm Thủy đã bước đầu khẳng định vị trí của cái tôi cá nhân
trước những hủ tục hẹp hòi, khắt khe của Nho giáo. Con người cá nhân muốn vùng
vẫy để thoát khỏi lễ giáo phong kiến, tìm đến một tình yêu tự do. Tuy nhiên, nó vẫn
còn non yếu không dám hành động kháng cự, để rồi cuối cùng Tố Tâm phải nhận lấy
cái chết còn Đạm Thủy thì sống tiếp trong những chuỗi ngày dằn vặt và đau đớn.
Đồng thời trong Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã giảm bớt những yếu tố li kì và đi sâu
miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật. Tuy nhiên, tiểu thuyết này cũng còn chịu ảnh
hưởng lối văn xuôi biền ngẫu, nhưng câu văn đã gọn gàng và trong sáng hơn. Như
vậy, có thể nói Song An đã góp phần khai sinh ra tiểu thuyết hiện đại. Nhưng phải đến
khi phong trào Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn ra đời thì tiểu thuyết hiện đại
14
mới thực sự phát triển, cái tôi cá nhân mới thực sự có bước tiến. Cùng với Nhất Linh,
Khái Hưng đã có công rất đáng kể vào quá trình hiện đại hoá tiểu thuyết Việt Nam nửa
đầu thế kỷ XX. Với sự ra đời của Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt
tác giả đã mở toan cánh của mà Tố Tâm chỉ mới hé mở.
Những sáng tác của Tự lực văn đoàn đã gây được sự chú ý và cuốn hút độc giả
đương thời. Trong đó, có thể thấy tiểu thuyết của Khái Hưng đã thật sự cuốn hút thanh
niên thành thị và thanh niên có học ở nông thôn. Bởi nội dung của nó phù hợp với tâm
tư, nguyện vọng của đông đảo những con người mới. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan,
trong Nhà văn hiện đại cũng đề cao không tiếc lời: “Hiện nay, nhà văn mà được nam
nữ thanh niên yêu chuộng, được họ coi là người hiểu biết tâm hồn họ hơn cả, có lẽ chỉ
có Khái Hưng”. “Khái Hưng là nhà văn rất hiểu tâm lý phụ nữ” [15; tr.778]. Thế nên,
tiểu thuyết của ông đã tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh giữa hai ý
thức hệ cũ và mới, đấu tranh đả phá những hủ tục lỗi thời đã ràng buộc cái tôi cá nhân
vào những lễ giáo, định kiến phi lí. Các tác phẩm Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng
xuân, Thoát li, Thừa tự, Gia đình là lời tuyên chiến khá mạnh mẽ vào những hủ tục
lạc hậu, chế độ đại gia đình xưa cũ đã không còn hợp thời. Có thể nói những sáng tác
của Khái Hưng là một đỉnh cao của hành trình tự ý thức của con người cá nhân trong
xã hội Việt Nam hiện đại, đã lên tiếng đấu tranh đòi quyền tự do chính đáng mà họ
xứng đáng được có. Đây được xem như là những đổi mới về đề tài, chủ đề của tác
phẩm, một cách nhìn nhận mới về con người cá nhân trong xã hội của nhà văn.
Thật sự, vấn đề chống lễ giáo phong kiến, đòi giải phóng con người cá nhân đã
được đặt ra trong văn học Việt Nam trung đại, nhưng tất cả đều bế tắc và bất lực trước
những quy phạm nghiệt ngã của xã hội phong kiến vốn đã tồn tại cả ngàn năm. Nhưng
dẫu sao, các tác giả giai đoạn này như Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, nữ sĩ Hồ Xuân
Hương đã góp chung tiếng nói vạch trần và tố cáo sự bất công, tàn nhẫn của chế độ
phong kiến. Chỉ đến khi tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn nói chung, Khái Hưng nói
riêng ra đời, vấn đề chống lễ giáo phong kiến mới thực sự bùng nổ và công khai trên
nhiều phương diện của đời sống. Họ chủ trương chống lại những hủ tục, đả phá chế độ
đại gia đình phong kiến, giải phóng cái tôi cá nhân tự do ra khỏi xiềng xích của lễ
giáo, đặc biệt là giải phóng người phụ nữ ra khỏi những ràng buộc bất công, vô lí của
chế độ cũ.
15
Khảo sát tiểu thuyết của Khái Hưng, chúng tôi thấy rằng nhà văn xây dựng
những cốt truyện xoay quanh các vấn đề của đại gia đình phong kiến. Chọn cho mình
đề tài về tình yêu, hôn nhân và gia đình để làm cảm hứng sáng tác, Khái Hưng đã tái
hiện sinh động những điều “mắt thấy tai nghe”, thậm chí là bằng cả sự trải nghiệm của
bản thân trong cuộc sống của gia đình Việt Nam phong kiến. Qua những tiểu thuyết
Nửa chừng xuân, Thoát li, Gia đình, Thừa tự, tác giả đã phê phán những truyền
thống cũ, những quan niệm cổ hủ như tư tưởng môn đăng hộ đối, tam thê tứ thiếp,
thừa tự,… Chính những hủ tục nghiệt ngã này đã đẩy những mơ ước, những hạnh phúc
của con người cá nhân rơi vào ngõ cụt của bi kịch và bế tắc. Như trong Nửa chừng
xuân, chỉ vì định kiến hôn nhân phải môn đăng hộ đối mà bà Án đã nhẫn tâm cắt đứt
hạnh phúc gia đình nhỏ bé của con trai bà, từ bỏ cả đứa cháu nội vẫn còn nằm trong
bụng mẹ. Hay định kiến “áo mặc sao qua khỏi đầu”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã
gián tiếp đẩy Tuyết (Đời mưa gió) đi vào con đường mưa gió của một cô gái giang hồ.
Rồi cái quyền “trai năm thê bảy thiếp” là chuyện thường tình đã đem đến trong gia
đình bao nhiêu là bi kịch, những xung đột khó có thể tránh khỏi của cảnh mẹ ghẻ con
chồng, giữa vợ lớn vợ bé như trong Thoát li, Gia đình, Thừa tự. Chẳng có một gia
đình nào với hoàn cảnh một chồng nhiều vợ mà được hạnh phúc, bởi mâu thuẫn, xung
đột luôn luôn xảy ra. Những bà mẹ ghẻ độc ác, cay nghiệt, tham lam đã đẩy những đứa
con chồng phải sống một cuộc sống cơ cực như Lương, hay rơi vào cuộc sống của gái
giang hồ như Yến và áp bức đến nỗi muốn thoát li khỏi một gia đình không có người
dì ghẻ mà Hồng chỉ khi chết mới thoát được (Thoát li). Do đó, Khái Hưng đã để nhân
vật Mai (Nửa chừng xuân) nói lên suy nghĩ của mình về tình yêu, hôn nhân và gia
đình. Những tư tưởng mới của một cô gái trẻ tiếp thu cả những truyền thống tốt đẹp
của Nho giáo và những tư tưởng mới của thời đại về sự tự do quyết định hôn nhân của
mỗi cá nhân. Hôn nhân là sự mưu cầu hạnh phúc không phải dùng để đổi lấy vinh hoa
phú quý. Hôn nhân phải được xây dựng trên cơ sở của sự tự nguyện gắn kết giữa hai
con người, không phải là sự ép buộc, có như vậy thì gia đình mới vững bền. Cuộc sống
gia đình chỉ thật sự có được hạnh phúc là gia đình một vợ một chồng, vợ chồng yêu
thương, tôn trọng lẫn nhau. Đây chính là những tư tưởng tiến bộ của nhà văn mà xã
hội của chúng ta ngày nay đang thực hiện và được pháp luật công nhận.
Tiểu thuyết của Khái Hưng đã vẽ nên bộ mặt khả ố và đáng thương của xã hội
trưởng giả Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Nửa chừng xuân mở cửa vào những danh
16
gia, cho biết thủ đoạn gả bán con cái, tiêu diệt hạnh phúc để kiếm danh giá trong các
mối quan hệ môn đăng hộ đối. Còn các tiểu thuyết Thoát ly, Gia đình, Thừa tự của
Khái Hưng đi sâu vào cảnh ngộ của những gia đình giàu có, phát hiện những mâu
thuẫn, những rạn nứt khó hàn gắn do tính chất lỗi thời của lễ giáo phong kiến và quyền
lực của đồng tiền gây ra. Thoát ly, Thừa tự trình bày những xâu xé trong cảnh đa thê,
dì ghẻ con chồng, Đối với tiểu thuyết Gia đình, nhà văn đi sâu vào miêu tả những
cái xấu xa, đê tiện, bỉ ổi, đáng ghét trong gia đình phong kiến. Gia đình phơi bày nỗi
đắng cay của những người đàn bà như Nga, cả đời chỉ đeo đuổi một mục đích: Làm
sao nên danh bà Huyện, nhưng cuối cùng chỉ đổi lấy sự bất ổn trong cuộc sống gia
đình. Phải chứng kiến và chịu cảnh “vào luồn ra cúi” mua chuộc công sứ, tuần phủ, bà
lớn, bà bé cô ngán ngẩm và thầm ao ước cuộc sống của gia đình em mình: “Mỗi lần
gặp sự buồn phiền, hoặc sự bất hoà trong gia đình hay sự bất mãn trong công việc làm
quan của chồng, Nga lại thốt nhiên nghĩ tới Hạc và Bảo, nghĩ tới cái đời bình dị, tới
hạnh phúc im lặng, chắc chắn của họ. Và bùi ngùi, nàng tự nhủ thầm: “Chúng nó
sung sướng thực!”[14; tr.216]. Mặt khác sự rạn nứt, tan vỡ của mô hình gia đình
phong kiến cũ cũng kéo theo sự lủng củng, xấu xa trong các gia đình phong kiến quan
lại. Ông án Báo lợi dụng ngày giỗ để “đem cả cha mẹ ra làm tiền” [14; tr.17]. Hai chị
em gái Phụng - Nga coi nhau chẳng khác gì kẻ thù. Phụng lấy được chồng làm quan,
trở thành bà huyện thì coi em như rơm rác. Nga thì ganh tị vì chị được bố mẹ cưng
chiều còn mình thì bị ghẻ lạnh. Do đó, tiểu thuyết Gia đình xứng đáng là nhát búa cuối
cùng vào bức tượng khổng lồ nhưng đã mục nát của thế hệ trước: chế độ đại gia
đình. Tuy nhiên trong cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, không phải bao giờ cái
mới cũng chiến thắng cái cũ, không phải bao giờ những cô gái mới cũng chiến thắng
những bà án, bà nghè phong kiến, nhưng tác giả bao giờ cũng đứng về phía họ. Nhà
văn không chỉ trực tiếp bênh vực, bảo vệ họ mà còn phê phán, chỉ trích những thế lực
thủ cựu, những luật lệ khắt khe, làm cho độc giả yêu mến, cảm thương cho số phận
những nàng dâu bị áp bức, những cô gái mồ côi bị hắt hủi, đoạ đày và căm ghét những
bà mẹ chồng khắc nghiệt, những dì ghẻ xảo quyệt, nhẫn được thể hiện qua hình tượng
các nhân vật được xây dựng trong tác phẩm. Qua đó, Khái Hưng cũng đã nêu lên
những quan niệm tích cực, chủ trương xây dựng một mô hình gia đình mới, giải phóng
con người cá nhân, đặc biệt là người phụ nữ khỏi những hẹp hòi bất công của lễ giáo.
17
Về phương diện nghệ thuật, Khái Hưng cũng đã có những đóng góp đáng kể
vào tiến trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam. Ở thể loại tiểu thuyết truyền thống
được sáng tác bằng thể văn vần chữ Hán, hoặc chữ Nôm, bị chi phối bởi những quan
niệm đạo đức Nho giáo nên thường tập trung vào các đề tài như “trung hiếu tiết
nghĩa”, mang tính chất ước lệ. Các tiểu thuyết truyền thống có cốt truyện thường vay
mượn những câu chuyện có sẵn trong dân gian hoặc rút ra từ trong sử sách với lối kể
chuyện theo trình tự thời gian tự nhiên. Truyện có kết cấu theo kiểu chương hồi
thường theo công thức: gặp gỡ, biệt li và đoàn tụ. Và các câu chuyện luôn là kết thúc
có hậu. Đến tiểu thuyết của Khái Hưng, ông đã góp phần làm mới diện mạo của thể
loại tiểu thuyết trên cả hai phương diện. Nếu như Hồ Biểu Chánh đi trước khai phá và
mở rộng tiếng Việt miền Nam, là người đầu tiên đã đưa “hư cấu” vào tiểu thuyết, bỏ
lối truyện chương hồi theo kiểu Tàu, thay lối văn biền ngẫu bằng tiếng Việt bình dân
thì ở miền Bắc, Khái Hưng sử dụng chữ Quốc ngữ để hoàn chỉnh lộ trình hiện đại hoá
tiểu thuyết, đồng thời cũng có những cánh tân đổi mới trên phương diện nghệ thuật
như cốt truyện, nhân vật, phương thức trần thuật,…
Từ cốt truyện vay mượn theo lối chương hồi với những tình tiết mang đậm tính
chất li kì, ngoắt ngoéo và kết thúc có hậu, nhà văn đã xây dựng một cốt truyện mới
theo kết cấu đa tuyến có kết thúc mở, không có hậu. Chẳng hạn như tiểu thuyết Nửa
chừng xuân là xung đột giữa cha mẹ và con cái, giữa tư tưởng của hai thế hệ mới – cũ
về quan niệm hôn nhân và gia đình. Tác giả đã khéo xây dựng những tuyến nhân vật
phụ để vừa mở rộng dung lượng phản ánh hiện thực vừa thể hiện cách lý giải, cảm
nhận cuộc sống của chính mình. Trong Nửa chừng xuân, song song với chuyện tình
yêu giữa Lộc và Mai bị cấm cản bởi tư tưởng “môn đăng hộ đối” của bà Án, nhà văn
còn miêu tả cuộc tán tỉnh, gạ gẫm của Hàn Thanh, tình yêu đơn phương của Minh và
Bạch Hải đối với Mai nhằm mục đích thể hiện phẩm hạnh của người con gái này. Qua
đó, tố cáo những lễ nghi áp đặt hẹp hòi, bóp nghẹt tự do hạnh phúc cá nhân, bên cạnh
đó tác giả còn vạch trần những việc làm nhơ nhuốc của một bộ phận quan lại phong
kiến đương thời. Tuy nhiên, do câu chuyện phát triển theo logic nội tại của nó nên kết
thúc tác phẩm không phải là việc Lộc thôi vợ và Lộc sẽ đón mẹ con Mai về chung
sống với anh. Kết thúc câu chuyện là hành động Mai từ chối về làm vợ của Lộc. Cô
chỉ có thể làm một người bạn tri âm của Lộc, ủng hộ Lộc về mặt tinh thần. Bởi đối với
Mai, hôn nhân chỉ nên xây dựng từ tình yêu tự nguyện và gia đình chỉ nên là gia đình
18
một vợ một chồng mà thôi. Mai không chấp nhận làm lẽ, chia sẻ ái tình của mình với
bất kì một ai. Cô càng không muốn làm người thứ ba phá hoại gia đình của người
khác. Vì khi chấp nhận làm vợ lẽ Lộc, Mai tránh sao khỏi cái kết cục luôn luôn xảy ra,
xung đột của vợ lớn vợ bé, của cảnh dì ghẻ con chồng. Các cuốn tiểu thuyết khác như
Tiêu sơn tráng sĩ, Trống mái, Gia đình, Thừa tự, Thoát ly, Hạnh, Đẹp, Băn khoăn,
cũng đều có cốt truyện đa tuyến, kết thúc mở, không có hậu.
Ngoài ra, Khái Hưng có những thành công đáng kể trong việc xây dựng nhân
vật. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của ông rất đa dạng. Với lập trường duy tân
cấp tiến cùng sự trải nghiệm cuộc sống trưởng giả, nhà văn đã khám phá, miêu tả được
nhiều hình tượng khá tiêu biểu và sinh động về con người cũ đại diện cho lễ giáo và
đại gia đình phong kiến trong hàng loạt tác phẩm của ông. Đó là những hình tượng có
giá trị hiện thực, giá trị phê phán khá sâu sắc, như nhân vật bà Án trong Nửa chừng
xuân, bà Án Báo trong Gia đình, bà Ba trong Thừa tự, bà Phán Trinh trong Thoát ly,
v.v Họ là những người phụ nữ ích kỉ, tham lam, mang nặng những lễ nghi, hủ tục lỗi
thời, sẵn sàng trao đổi quyền tự do, hạnh phúc của con mình để đổi lấy tiền tài, danh
vọng.
Trong các quyển tiểu thuyết của Khái Hưng còn có những nhân vật đại diện cho
bọn cường hào, địa chủ, quan lại. Bằng khả năng của mình, Khái Hưng đã bộc lộ
những tên quan lại chuyên cậy quyền ỷ thế hà hiếp dân lành. Những tên quan tham
lam, bất lương sẵn sàng làm bất cứ những việc bất nhân, phi nghĩa để thỏa mãn những
ham muốn của bản thân. Nhân vật Hàn Thanh trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân là
một ví dụ. Hắn là người “giàu nhất trong hàng huyện và thứ nhì, thứ ba trong hàng
tỉnh” [9; tr.160]. Hắn chuyên cậy quyền cậy thế hà hiếp người dân lương thiện, là một
con cáo già không “bao giờ kém cạnh nước gì”. Nhân vật Viết (Gia đình) là một quan
Huyện mưu mô, xảo trá luôn tìm cách tiến thân trên quan trường bằng mọi thủ đoạn.
Hơn thế, là nhà văn có điều kiện tiếp xúc với nền văn hóa mới, Khái Hưng đã
xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết không còn theo những ước lệ, công thức mà tập
trung khám phá, mô tả, khẳng định hình mẫu nhân vật mới, những con người có khát
vọng về cuộc sống tự do, có những quyền sống của cá nhân, nếp sống Âu hoá. Trước
hết, đó là hình tượng những thanh niên trí thức, những người có quan niệm mới về hôn
nhân – gia đình. Đặc biệt nhà văn đã rất thành công trong miêu tả tính cách, quan điểm
của những cô gái mới. Các thiếu nữ tân thời của Khái Hưng vừa có những tư tưởng
19
mới về tình yêu, hôn nhân và gia đình, vừa không đánh mất những vẻ đẹp của người
phụ nữ truyền thống. Họ tôn trọng tự do yêu đương, tự do kết hôn, khao khát hạnh
phúc gia đình một vợ một chồng, có lý tưởng, có chí phấn đấu và muốn trở thành
những người vợ hiền, mẹ thảo như nhân vật Liên (Gánh Hàng Hoa), Mai (Nửa
chừng xuân), Lan Hương (Băn khoăn), Bảo (Gia đình),….
Thành công nổi bật trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Khái Hưng là miêu
tả tâm lý. Khái Hưng miêu tả tâm lý nhân vật qua những suy nghĩ, lời tự chất vấn, qua
cử chỉ, hành động, hay những lời đối thoại, độc thoại ở những thời điểm, hoàn cảnh
khác nhau. Trong Dưới mắt tôi nhà nghiên cứu Trương Chính viết: “Ông chú ý đến
những ý nghĩ, cử chỉ, và sự biến đổi bên trong của nhân vật hơn là hình thức bề ngoài.
Ông phân biệt rõ được các động cơ khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau của một hành
động, và làm cho ta thấy rõ được sự mâu thuẫn đó. Ông là một nhà văn quan sát kỹ và
có một hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người [16; tr.43].
Quả thật khi đọc tiểu thuyết Nửa chừng xuân, người đọc rất dễ nhận ra một
nhân vật Mai trẻ trung, trong sáng, nhạy cảm từ những dòng miêu tả nhân vật ở phần
đầu tác phẩm: “Mai ngước mắt nhìn lên, búp xuân non mơn man đầu cành. Cái cảm
tưởng về xuân dịu dàng êm ái, khiến Mai hé cặp môi tươi thắm, mỉm cười với xuân,
trong lòng chứa chan hy vọng [9; tr.124]. Những diễn biến tâm lý phức tạp, tinh tế
trong lòng người phụ nữ lỡ dở tình duyên ở độ tuổi nửa chừng xuân qua những cử chỉ,
giọng nói, nụ cười: “Tay Mai cầm bức thư run lấy bẩy. Mặt Mai dần đỏ, rồi tái đi. Rồi
cái giọng khàn khàn, ướt những nước mắt ( ) Mai gượng cười cúi xuống bế con lên
hôn rất nồng nàn. Nàng có ngờ đâu rằng tình xưa còn ẩn trong tình mẫu tử và cái hôn
kia chỉ là hôn tiếc rẻ một quãng đời đã mất [9; tr.317 - 318].
Ngoài ra, nhà văn cũng hay lựa chọn, miêu tả những nhân vật phụ, những nhân
vật có khi tương đồng, có khi đối lập nhau để mở rộng phạm vi lí giải, đánh giá và
phản ánh cuộc sống để chủ đề tác phẩm, hay tính cách nhân vật chính được thể hiện
sâu sắc, rõ ràng hơn. Như khi miêu tả lòng chung thủy, lý tưởng tình yêu của Mai
(Nửa chừng xuân) nhà văn còn xây dựng các nhân vật phụ như Minh và Bạch Hải.
Trong tác phẩm Thoát ly, Khái Hưng cũng miêu tả các thái độ, cảm nhận khác nhau về
đời sống mới với sự Âu hóa, “trong ngày hội sinh viên, có kẻ reo cười ầm ĩ, có người
vươn cổ thét gào, có người cho là “hơn kém nhau chỉ ở chỗ trẻ trung và biết vui đùa”,
20
có người cho là “thô bỉ quá”, “lõa lồ đĩ thõa quá”, “người Bắc kỳ tiến, tiến đến chỗ
suy đồi” mau chóng quá” [14; tr.248].
Khái Hưng còn miêu tả nhân vật trong cái nhìn liên tục kéo dài tới mấy đời
người. Đây là một cách miêu tả khá mới, lạ trong tiểu thuyết Việt Nam. Trong tiểu
thuyết Băn khoăn, lối sống xa hoa, trụy lạc, phóng đãng của Cảnh được tác giả hình
dung, giải thích là do những ảnh hưởng từ đời ông, đời cha chàng, “Cảnh xuất thân ở
một gia đình đã hai đời cự phú. Ông nội chàng bắt đầu là một nông phu cần cù và
thông minh, thứ thông minh khôn ngoan, lừa lọc trời phú cho đám dân quê để họ có
thể sống, hay, hơn thế, trở nên giầu có” [11; tr.4]. Cha Cảnh là một người biết làm
giàu và là một người phóng đãng. Chính Cảnh đã tự giải thích bản năng của chàng như
sau: “Cảnh rùng mình tưởng tới các di sản tinh thần của nhà chàng. Ông chàng thuở
xưa lấy tới sáu vợ và ngoài sáu mươi tuổi còn say mê một cô gái quê mười tám. Cha
chàng thì có một vợ thôi, và tuy góa lúc còn trẻ mà vẫn không tục quyền nhưng đó là
chứng cớ của một đời sống khoái lạc. Không tục quyền không phải là không đi sâu vào
con đường tình dục. Trái lại thế; vậy thì luồng máu phóng lãng đương cháy, đương
bồng bột cháy trong huyết quản của mình, ngừng lại làm gì, và ngừng lại sao được”
[11; tr.94]. Đó là cách giải thích cho tính cách và bản năng của nhân vật trên cơ sở di
truyền của huyết thống. Đây là một điều ít gặp trong văn chương, trong tiểu thuyết Việt
Nam.
Những đổi mới của Khái Hưng trong nghệ thuật tự sự còn thể hiện ở phương
thức trần thuật. Mặc dù lời kể trong tiểu thuyết của nhà văn chưa đạt tới tầm cao của
nghệ thuật tự sự như những sáng tác của các nhà văn hiện thực, nhưng so với những
cuốn tiểu thuyết ở giai đoạn giao thời và nhất là những truyện thời trung đại thì nó đã
có những bước tiến vượt bậc. Trong các tác phẩm của mình, Khái Hưng đã sử dụng
nhiều thể thức tự sự khác nhau. Chẳng hạn như cách trần thuật theo quan điểm của
tác giả như: “Vọi sinh trưởng trong đám dân quê, hơn nữa trong đám dân quê chài
lưới, nghĩa là những người chỉ có đức tính giản dị, chất phác, thật thà ” [13; tr.36].
Cách trần thuật ở ngôi thứ ba với cái nhìn biết hết mọi chuyện của nhân vật của
người kể chuyện. Người kể chuyện như là một người thợ quay phim đang đứng
gần, quay lại toàn bộ diễn biến của câu chuyện. Hơn hết người kể như biết rõ mọi
suy nghĩ, cảm nhận của nhân vật trong câu chuyện và kể lại những chuyện đã xảy
ra với giọng điệu khách quan.
21
Khái Hưng đã sử dụng thể thức trần thuật ở nhiều điểm nhìn với nhiều giọng
điệu khác nhau. Tiểu thuyết Thoát ly, Băn khoăn, Thừa tự,… sử dụng phương thức
trần thuật như thế. Như ở tiểu thuyết Thoát ly, lối sống Âu hóa ở Hà Nội đã được thuật
kể theo nhiều điểm nhìn: người thích thú ngưỡng mộ, người cho là trụy lạc, sa đọa
Như vậy, Khái Hưng đã có những cách tân đáng kể trong nghệ thuật tự sự. Ông
đã xây dựng những cốt truyện theo lối mới: đa tuyến, mở, không có hậu. Nhà văn đã
đặt trọng tâm sáng tạo vào việc xây dựng nhân vật, đi sâu miêu tả đời sống tâm lý với
những khám phá, phát hiện sâu sắc, những phương thức biểu hiện mới mẻ, tinh tế. Ông
cũng có đóng góp không nhỏ trong xây dựng một lối kể chuyện mới linh hoạt, không
đơn điệu, giàu sức diễn tả đời sống và tâm hồn con người.
1.3. Nhân vật văn học
1.3.1. Khái niệm:
Từ điển văn học định nghĩa: “nhân vật văn học là con người được nhà văn
miêu tả trong tác phẩm bằng phương tiện văn học”. Những con người này có thể được
miêu tả kĩ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần,
thường xuyên hay từng lúc, giữ vai trò quan trọng nhiều, ít hoặc không ảnh hưởng
nhiều lắm đối với tác phẩm.
Nhân vật văn học có thể là những con người có tên (Lan, Tuyết, Thúy Kiều,
Chí Phèo, Thị Nở,…) có thể là những nhân vật không có tên như anh thanh niên trong
tác phẩm Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long, nhân vật người đàn bà trong Chiếc
thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, thị trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim
Lân,… Đôi khi cũng có thể là một đại từ nhân xưng nào đó. Chẳng hạn như nhân vật
xưng “tôi” trong các truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại, trong thơ trữ tình, đại từ “mình
– ta” trong ca dao, Tuy nhiên khái niệm nhân vật văn học cần phải được hiểu theo
nghĩa rộng. Bởi trong nhiều trường hợp, khái niệm nhân vật được sử dụng một cách ẩn
dụ nhằm chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm. Người ta thường nói đến
“nhân dân” như là một nhân vật trung tâm trong Chiến tranh và hòa bình của L.
Tônxtôi, “ca cao” là nhân vật chính trong Ðất dữ của G. Amađô, hay “chiếc quan tài”
cũng là nhân vật trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Công Hoan. Nhân vật có thể là
các con vật như: thỏ và rùa, con cáo và chùm nho trong các truyện ngụ ngôn, Dế mèn
trong Dế mèn phiêu lưu kí – Tô Hoài, là chị chổi, bác nồi đồng trong truyện thiếu nhi
Cái tết của mèo con, là cây Thì là trong truyện dân gian Sự tích cây Thì là,… Nhưng
22
dù tác giả viết về đồ vật, con vật hay cỏ cây hoa lá thì cũng không ngoài mục đích là
nói về con người và tất cả đều được “người hóa”, nghĩa là chúng mang những đặc
điểm, cốt cách như con người. Tóm lại, nhân vật trong tác phẩm văn học “là những
con người hay những sự vật mang cốt cách con người được xây dựng bằng các
phương tiện nghệ thuật ngôn từ” [2; tr.77].
Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật có tính ước lệ. Thế nên, chúng
có những dấu hiệu riêng để nhận biết như tên gọi, tiểu sử, nghề nghiệp, những đặc
điểm riêng Những dấu hiệu đó thường được giới thiệu ngay từ đầu và sự phát triển
về sau của nhân vật thường gắn bó mật thiết với những chi tiết được giới thiệu ban
đầu. Việc giới thiệu nhân vật Thai (Cỏ Lau - Nguyễn Minh Châu) xuất hiện đầu tiên ở
vùng núi có cái tên là Núi Đợi, chung quanh là những hòn vọng phu, nhà văn như
ngầm báo trước về số phận của nhân vật rồi cũng sẽ sống trong khắc khoải chờ đợi.
Nhân vật văn học không giống với các nhân vật thuộc các loại hình nghệ thuật
khác. Vì nhân vật văn học được thể hiện bằng chất liệu duy nhất là ngôn từ cho nên nó
không thể hữu hình như nhân vật trong nghệ thuật hội họa, điêu khắc hay sân khấu
điện ảnh. Người đọc chỉ có thể hình dung diện mạo của nhân vật qua ngôn từ. Như qua
những lời văn miêu tả về ngoại hình Chí Phèo, “cái đầu thì trọc lóc, cái mặt thì đen
mà lại rất cơng cơng, hai con mắt gờm gờm”, Nam Cao đã giúp người đọc có thể hình
dung về nhân vật mới. Như vậy, nhân vật văn học chỉ có thể hữu hình trong trí tưởng
tượng của độc giả. Nó đòi hỏi người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng, liên tưởng để
dựng lại một con người hoàn chỉnh trong tất cả các mối quan hệ của nó. Tuy nhiên,
khả năng liên tưởng của mỗi cá nhân không giống nhau. Thành ra, mỗi người sẽ có
một “gương mặt” nhân vật riêng của mình.
Sau khi đọc xong một tác phẩm văn học, điều đọng lại sâu sắc nhất trong lòng
của độc giả là số phận, tính cách của nhân vật được thể hiện trong tác phẩm. Do đó,
nhà văn Tô hoài đã nhận định rằng “nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải
quyết hết thảy trong một sáng tác” [9; tr.127]. Các nhân vật trong một tác phẩm
thường gắn kết với nhau để tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh. Chúng đều có mối liên
hệ với nhau, liên kết với nhau bằng tiến trình của sự kiện và bằng lô gich tư duy nghệ
thuật của nhà văn. Cho nên, nhân vật văn học không chỉ bộc lộ nội dung tư tưởng của
tác phẩm mà còn là một phương diện kết cấu không thể thiếu trong tác phẩm.
23
1.3.2. Chức năng của nhân vật trong tác phẩm văn học
Nhà văn xây dựng nhân vật như là một phương tiện để phản ánh đời sống, khái
quát hiện thực. Như vậy, chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc
sống và con người, đồng thời qua đó cũng thể hiện những hiểu biết, những ước mơ kì
vọng về cuộc sống của con người. Truyền thuyết Con rồng cháu tiên thể hiện niềm tự
hào của Dân tộc Việt Nam về nòi giống của mình. Các vị thần như thần Trụ Trời, thần
Gió, thần Mưa trong các câu chuyện thần thoại thể hiện những nhận thức về sức mạnh
của tự nhiên mà con người nguyên thủy chưa giải thích được. Hay nhân vật anh hùng
Hecralet với mười hai kì công trong thần thoại Hi Lạp chính là những mong ước có
được sức mạnh để chinh phục thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống. Nhân vật Thánh Gióng
trong truyền thuyết Thánh Gióng là niềm tin và hi vọng có được sức mạnh để chống
giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của Dân tộc Việt.
Nhân vật văn học có chức năng khái quát những tính cách, số phận và thể hiện
quan niệm của nhà văn về con người. Nhà văn sáng tạo nên nhân vật còn là để thể hiện
những cá nhân xã hội nhất định và những quan niệm về cá nhân đó. Vì vậy, khi xây
dựng nhân vật, nhà văn thường gắn liền với nó những vấn đề mà nhà văn muốn đề cập.
Chẳng hạn như nhân vật bà Tú (Thương vợ - Trần Tế Xương) là biểu hiện cho những
đức tính của người phụ nữ Việt Nam về sự hi sinh, cần cù nhẫn nại, chịu thương chịu
khó, suốt một đời chỉ vì chồng vì con. Nhân vật lão Hạc (Lão Hạc – Nam Cao) là nhân
vật đại diện cho tầng lớp nông dân nghèo khổ trước cách mạng tháng tám. Vì vậy, khi
tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm, bên cạnh việc xác định những nét tính cách của nhân
vật, chúng ta cần nhận ra những vấn đề của hiện thực và quan niệm của tác giả được
thể hiện qua nhân vật. Vì khi nhắc đến một nhân vật, nhất là các nhân vật chính, người
ta thường nghĩ đến các vấn đề gắn liền với nhân vật đó.
Ngoài ra, nhân vật văn học còn là phương tiện để thể hiện tư tưởng, tình cảm
của nhà văn đối với từng loại người trong xã hội. Thông qua nhân vật bà Phán Lợi
trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt, Nhất Linh đã thể hiện thái độ căm tức đối với những
người đại diện cho những hủ tục phong kiến lạc hậu, kìm hãm tự do hạnh phúc của
con người cá nhân. Qua việc miêu tả các nhân vật trong tiểu thuyết Số đỏ như cậu con
cầu tự “em chã”, mụ phó Đoan, vợ chồng Văn Minh, cụ cố Hồng, Vũ Trọng Phụng đã
bộc lộ niềm căm ghét lối sống Âu hóa, trưởng giả suy thoái về mặt đạo đức của giới
thượng lưu trong xã hội thực dân phong kiến.
24
Như vậy, nhân vật có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống
và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Do đó, trong quá trình xây dựng nhân
vật, nhà văn có quyền lựa chọn những chi tiết, yếu tố mà họ cho là cần thiết bộc lộ
được quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Chính vì vậy, không nên đồng
nhất nhân vật văn học với con người trong cuộc đời thực. Khi phân tích, nghiên cứu
nhân vật, việc đối chiếu, so sánh là cần thiết để hiểu rõ thêm về nhân vật, nhất là
những nhân vật được xây dựng từ những nguyên mẫu có thật trong cuộc sống của
chúng ta như: anh hùng Núp trong Ðất nước đứng lên – Nguyên Ngọc; Chị Sứ trong
Hòn Ðất – Anh Đức, Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng nhân vật văn học là
một sáng tạo nghệ thuật độc đáo gắn liền với mục đích của nhà văn trong việc nêu lên
những vấn đề của hiện thực cuộc sống. Betông Brecht cho rằng: “Các nhân vật của tác
phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống
mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả” [2;
tr.78].
Nhân vật văn học do nhà văn sáng tạo nên, trên cơ sở quan sát những con người
trong cuộc sống xã hội. Thế nên, nhân vật văn học có ý nghĩa quan trọng đối với nhà
văn. Một trong những căn cứ để đánh giá tài năng nghệ thuật của nhà văn chính là
nhân vật mà họ đã xây dựng trong tác phẩm. Một nhân vật thành công không chỉ khái
quát được hiện thực cuộc sống, những tính cách, những quy luật mà còn phải hấp dẫn
được độc giả. Có những nhân vật có sức sống bất tử với thời gian như: Tấm, Thúy
Kiều, Hoạn Thư, Chí Phèo, AQ, Rômêô, Juliet, Tào Tháo, Trương Phi,… Sức hấp dẫn
của nhân vật có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản là họ
rất độc đáo. Ví như Chí Phèo trong trí nhớ của người đọc là hình ảnh của một con quỷ
dữ làng Vũ Đại, triền miên trong những cơn say, cách đến nhà Bá Kiến xin được đi ở
tù lại, cách đập đầu ăn vạ, cách trêu ghẹo Thị Nở: thấy Thị Nở kêu, Chí kêu to hơn, là
khát vọng làm người lương thiện,… Như vậy, nhân vật văn học giữ vai trò quyết định
nội dung tư tưởng trong tác phẩm, vì vậy nhà văn luôn dồn tâm huyết và tài năng của
mình vào việc khắc họa nhân vật. Chính vì thế mà chúng ta thấy có nhiều người không
nhớ tên tác giả nhưng lại rất nhớ tên các nhân vật do tác giả ấy tạo dựng nên.
25
1.3.3. Phân loại nhân vật văn học
1.3.3.1. Xét từ góc độ nội dung tư tưởng hay phẩm chất nhân vật
Xét từ góc độ nội dung tư tưởng hay phẩm chất nhân vật là cách phân loại dựa
trên bình diện tư tưởng, ý thức hệ trong quan hệ với lí tưởng xã hội - thẩm mĩ của nhà
văn. Do đó có thể có các loại nhân vật gồm nhân vật chính diện (nhân vật tích cực),
nhân vật phản diện (nhân vật tiêu cực). Nhân vật chính diện là loại nhân vật được xây
dựng nhằm mục đích khẳng định, đề cao như những tấm gương phẩm chất tốt đẹp của
con người theo một quan điểm tư tưởng, một lí tưởng xã hội - thẩm mĩ nhất định. Đó
là những nhân vật thể hiện cho những giá trị tinh thần, hành vi cao thượng, phẩm chất
tốt đẹp của con người trong các mối quan hệ ứng xử, đồng thời góp phần phát triển và
hoàn thiện nhân cách con người và tiến bộ xã hội. Ngược lại với nhân vật chính diện,
nhân vật phản diện mang những phẩm chất trái với lí tưởng xã hội - thẩm mĩ tốt đẹp,
tiến bộ của thời đại. Đó là những nhân vật xấu xa, độc ác, giả dối, tham lam, bất tài
hay ganh tị, hống hách, là loại người bất hiếu, bất nghĩa, sẵn sàng chà đạp lương tâm,
nhân phẩm vì tiền tài, danh lợi. Nhân vật phản diện thường xuất hiện trong truyện cổ
tích, truyện cười, hài kịch hoặc thơ văn châm biếm. Nhân vật chính diện thường xuất
hiện trong các thể loại tụng ca, anh hùng ca, bi kịch. Nó là một phạm trù có tính lịch
sử, không chỉ phụ thuộc vào thế giới quan, lí tưởng xã hội của người sáng tạo mà còn
phụ thuộc vào thế giới quan lí tưởng xã hội của người tiếp nhận và thời đại tiếp nhận.
Ở mỗi thời kì lịch sử khác nhau, văn học luôn có những nhân vật chính diện và
phản diện khác nhau. Trong văn học cổ và trung đại, nhân vật chính diện và phản diện
rất dễ dàng xác định. Chẳng hạn như trong văn học dân gian Việt Nam, nhân vật chính
diện là những nhân vật mang những phẩm chất đạo đức tốt đẹp như: Thánh Gióng,
Thạch Sanh, Tiên Dung, Chử Đồng Tử, An Tiêm, Tấm,… Ngược lại nhân vật phản
diện sẽ là mẹ con Lí Thông, mẹ con Cám, người anh trai trong truyện kể Cây khế, cô
chị trong Người chồng dê Trong văn học trung đại, nhân vật chính diện là các bậc
anh hùng, các nhà nho như: Lục Vân Tiên, ông quán, Hớn Minh, Tử Trực (Lục Vân
Tiên – Nguyễn Đình Chiểu), Lê Lợi (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi),… đối nghịch
lại với họ sẽ là Bùi Kiệm, Trịnh Hâm (Lục Vân Tiên), là bọn giặc Minh hung tàn,…
Nhân vật chính diện trong văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945 thường là những
người lao động nghèo khổ bị xã hội chà đạp, áp bức nhưng vẫn mang những phẩm
chất lương thiện tốt đẹp như chị Dậu (Tắt đèn ), lão Hạc (Lão Hạc), anh giáo Thứ