I – KIẾN THỨC CƠ BẢN\r\n\r\n1. Có nhiều tình huống trong
đời sống đòi hỏi chúng ta phải tham gia phát biểu hoặc trình bày
một vấn đề. Phát biểu, trình bày một vấn đề là dùng ngôn ngữ nói
nhằm truyền đạt thông tin, nêu lên suy nghĩ và bày tỏ thái độ, tình
cảm của mình trước mọi người về một vấn đề nào đó đang đặt ra
trong cuộc sống.
2. Muốn trình bày một vấn đề được tốt, người nói cần đảm bảo các yêu cầu về mục đích (nói nội dung gì,
nhằm mục đích gì); về đối tượng và hoàn cảnh (nói cho ai nghe, trong không gian nào, thời gian nào); về
nội dung nói (lựa chọn đề tài, những nội dung chính, thiết thực); về cách trình bày,…
3. Các bước chuẩn bị để trình bày một vấn đề
3.1. Xác định đề tài và đối tượng
3.2. Xác định nội dung cơ bản và phạm vi tư liệu
3.3. Lập đề cương cho bài phát biểu, trình bày theo bố cục ba phần:
- Mở đầu: Nêu vấn đề
- Nội dung cơ bản: Lần lượt trình bày những nội dung chính của vấn đề
- Kết thúc: Tóm tắt, khẳng định và mở rộng vấn đề đã trình bày.
II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Nêu thêm các tình huống cần trình bày một vấn đề, ngoài các tình huống dưới đây:
- Trong buổi sinh hoạt Đoàn, được phân công phát biểu về vấn đề trang phục học đường hoặc vấn đề tại
sao phải có thái độ tôn trọng và bình đẳng với các bạn nữ;
- Trong giờ sinh hoạt tập thể, cần trình bày nội dung chương trình hành động của cá nhân, hay của tổ, lớp
về chủ đề “Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp”, hoặc về ý nghĩa của việc giữ gìn truyền thống “Tôn sư
trọng đạo”;
- Nhà trường tổ chức cuộc thi hùng biện, được phân công tham dự hùng biện về chủ đề phòng chống tệ
nạn ma tuý trong học đường;
- Trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ văn học, được mời phát biểu về vai trò, tác dụng của thơ ca đối với cuộc
sống con người.
Gợi ý: Với những hình thức như ở các tình huống trên, hãy đưa ra những yêu cầu về nội dung mới. Ví dụ,
phát biểu về kinh nghiệm học tập trong buổi sinh hoạt đoàn; phát biểu về việc xây dựng đoàn kết trong
buổi sinh hoạt tập thể; phát biểu về tác dụng của việc đọc sách trong câu lạc bộ văn học,…
2. Giải thích tại sao khi trình bày một vấn đề, người nói cần phải chú ý tới đối tượng (người nghe).
Gợi ý:
- Đối tượng chi phối việc lựa chọn nội dung: Những nội dung trình bày phải phù hợp với trình độ nhận
thức, tầm đón đợi của người nghe. Việc xác định lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp của đối tượng cũng là
căn cứ để người trình bày tập trung vào những nội dung thiết thực, phù hợp.
- Đối tượng đòi hỏi lựa chọn cách trình bày phù hợp: Nói với đối tượng nào thì cách nói, ứng xử khi nói,
ngôn từ, thái độ,… phải phù hợp với đối tượng ấy.
- Đối tượng giúp người nói điều chỉnh khi trình bày: Trong khi trình bày, thái độ, phản ứng của đối tượng
giúp người nói có thể điều chỉnh để thu hút, tăng sức thuyết phục.
3. Chuẩn bị đề cương trình bày ý kiến của về quan điểm sau đây:
“Ai cũng biết hút thuốc lá là độc hại. Những ai sợ thì đừng hút. Còn những người không sợ thì cứ hút. Đó
là quyền tự do lựa chọn của cá nhân, không cần phải góp ý.”
Gợi ý: Nội dung trình bày phải thể hiện được thái độ phê phán đối với lập luận bao biện cho việc hút
thuốc lá. Tuy nhiên, muốn phản bác được quan điểm tiêu cực này, cần biết cách lập luận, diễn đạt ý kiến
của mình cho thuyết phục. Có thể trình bày dựa theo các ý sau:
- Sự độc hại của thuốc lá
- Thuốc lá không chỉ có hại cho người hút, mà còn ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh, gây ô
nhiễm môi trường
- Tuổi trẻ học đường hút thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, làm mất đi vẻ đẹp văn hoá học
đường; việc hút thuốc có thể dẫn đến những hành vi xấu khác,…
- Phủ nhận quan điểm “quyền tự do lựa chọn của cá nhân, không cần phải góp ý” đối với tệ nạn hút thuốc
lá; khẳng định quan điểm chống tệ nạn hút thuốc lá.
4. Thực hiện các bước chuẩn bị cho bài nói với các tình huống sau:
(1) Trong buổi sinh hoạt Đoàn, được phân công phát biểu về vấn đề trang phục học đường hoặc vấn đề tại
sao phải có thái độ tôn trọng và bình đẳng với các bạn nữ;
(2) Trong giờ sinh hoạt tập thể, cần trình bày nội dung chương trình hành động của cá nhân, hay của tổ,
lớp về chủ đề “Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp”, hoặc về ý nghĩa của việc giữ gìn truyền thống “Tôn
sư trọng đạo”;
(3) Nhà trường tổ chức cuộc thi hùng biện, được phân công tham dự hùng biện về chủ đề phòng chống tệ
nạn ma tuý trong học đường;
(4) Trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ văn học, được mời phát biểu về vai trò, tác dụng của thơ ca đối với
cuộc sống con người.
Gợi ý:
Thực hiện việc chuẩn bị theo các bước: Xác định đề tài và đối tượng; Xác định nội dung cơ bản và phạm
vi tư liệu; Lập đề cương cho bài phát biểu, trình bày.
- Nói về đề tài gì? Cho ai nghe?
- Cần nói những ý nào để làm rõ vấn đề? Trong các ý của bài nói, cần tập trung vào ý nào? Cần huy động
những tư liệu nào cho bài nói? Có cần sử dụng tranh ảnh, bảng biểu, sách vở hay phương tiện nào khi nói
không?
- Đề cương:
+ Mở đầu bài nói như thế nào?
+ Nội dung bài nói gồm những ý nào? Trình bày ý nào trước, ý nào sau? Tư liệu được sử dụng ở ý nào?
Nếu có sử dụng phương tiện minh hoạ thì dùng vào lúc nào, nhằm làm rõ cho ý nào?
+ Kết thúc bài nói, em sẽ nói gì để nhấn lại cho người nghe thấy rõ nội dung cơ bản mà em đã trình bày?
Cần nói gì để mở rộng vấn đề?
loigiaihay.com