Tải bản đầy đủ (.pdf) (102 trang)

biểu hiện nhân sinh quan qua thơ nôm nguyễn công trứ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (858.03 KB, 102 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN

TRẦN QUÍ KIM TUYẾN
MSSV: 6106445

BIỂU HIỆN NHÂN SINH QUAN QUA THƠ NÔM
NGUYỄN CÔNG TRỨ

Luận văn tốt nghiệp Đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: ThS.GV. BÙI THỊ THÚY MINH

Cần Thơ, năm
2013

1


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
BIỂU HIỆN NHÂN SINH QUAN QUA THƠ NÔM
NGUYỄN CÔNG TRỨ
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề

3. Mục đích, yêu cầu
4. Phạm vi nghiên cứu


5. Phương pháp nghiên cứu

PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Khái niệm thuật ngữ
1.1.1. Nhân sinh quan
1.1.2. Loại hình nhà nho tài tử
1.2. Những nhân tố ảnh hưởng đến Nguyễn Công Trứ
1.2.1. Bối cảnh xã hội
1.2.2. Những luồng tư tưởng lớn thời bấy giờ
1.2.3. Cuộc sống
1.2.4. Tình hình văn học
1.3. Nguyễn Công Trứ cuộc đời và sự nghiệp làm quan
1.3.1. Cuộc đời
1.3.1.1. Thời thơ ấu
1.3.1.2. Thời niên thiếu
1.3.1.3. Thời trai tráng
1.3.1.4. Thời lão niên
1.3.2. Sự nghiệp làm quan
1.3.2.1. Sự nghiệp quân sự
1.3.2.2. Sự nghiệp kinh tế
2


1.3.2.3. Sự nghiệp chính trị
1.4. Nguyễn Công Trứ và sự nghiệp thơ văn
1.4.1. Thơ Nôm Đường luật
1.4.2. Thể hát nói
1.4.3. Thể phú và các thể loại khác


Chương 2
QUAN NIỆM VỀ CUỘC ĐỜI QUA THƠ NÔM
NGUYỄN CÔNG TRỨ
2.1. Nguyễn Công Trứ đối với cuộc sống
2.1.1. Với cuộc sống đời thường
2.1.2. Với cảnh làm quan
2.2. Tâm trạng bất mãn của nhà nho tài tử
2.2.1. Thói đời tráo trở
2.2.2. Phê phán mặt trái của đồng tiền
2.3. Ý chí của Nguyễn Công Trứ
2.3.1. Ý chí của đấng nam nhi
2.3.2. Vai trò và bổn phận của kẻ sĩ
2.4. Con người tài tử Nguyễn Công Trứ
2.4.1. Nguyễn Công Trứ con người đa tài
2.4.2. Con người đa tình
2.4.3. Con người phong lưu
2.4.4. Lối sống phá cách

Chương 3
NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG TÁC NGUYỄN CÔNG TRỨ
3.1. Ngôn ngữ
3.1.1. Từ địa phương, bình dị gần gũi
3.1.2. Từ láy
3.1.3. Đại từ nhân xưng
3.1.4. Từ cổ, điển cố điển tích
3


3.2. Giọng điệu

3.2.1. Tự tin, lạc quan, dí dỏm
3.2.2. Mạnh mẽ, hào hùng
3.2.3. Oán giận, chanh chua
3.2.4. Tha thiết đượm buồn, réo rắc, khoan thai nhịp nhàng
3.3.5. Tự hào, kiêu hãnh
3.3. Nghệ thuật miêu tả
3.3.1. Thiên nhiên
3.3.2. Cảnh vật
3.3.3. Con người trong thơ Nguyễn Công Trứ

PHẦN KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỤC LỤC
PHẦN PHỤ LỤC
NHẬN XÉT CỦA CBHD- CBPB

4


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Văn học trung đại Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ
XIX phát triển nổi trội, với sự xuất hiện của loại hình nhà nho tài tử, nổi bật với các
tên tuổi lớn như: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ,
Cao Bá Quát…Họ là những người được trời phú cho những biệt tài, ở nhiều
phương diện khác nhau. Trong số đó Nguyễn Công Trứ là một người rất tài giỏi,
làm việc gì cũng hết mình, tính tình phóng khoáng, thích tự do và làm theo sở thích
của mình, nhưng vẫn không nằm ngoài khuôn vàng thước ngọc của Nho giáo.
Đã rất lâu rồi, trong một lần tình cờ bật ti vi xem chương trình của Đài
truyền hình Việt Nam. Người viết đã có dịp xem một đoạn phim nói về Nguyễn

Công Trứ. Trong đoạn phim ấy, đã chiếu một cảnh đông đảo nhân dân đang trịnh
trọng rước chiếc kiệu thờ ông, đi trên đường và bình hai câu thơ: “Đã mang tiếng ở
trong trời đất; Phải có danh gì với núi sông.”[14; tr.48]. Người viết thấy rất hay,
rất có ý nghĩa đối với cuộc đời của mình, và biết được tên của ông là Nguyễn Công
Trứ. Lúc đó, người viết tự trách mình đã không tìm hiểu nhiều về những người tài
giỏi của nước ta. Không ngờ là khi nhận đề tài luận văn, có lẽ do số phận đưa đẩy
người viết lại một lần nữa có duyên với ông, và có cơ hội tìm hiểu nhiều về ông.
Nguyễn Công Trứ là một người đa tài, nổi tiếng với tài kinh bang tế thế, quân
sự, chính trị và văn chương. Ông đã góp sức dẹp tan được những cuộc khởi nghĩa
lớn chống đối triều đình: khởi nghĩa của Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nùng Văn
Vân, hay công thành Trấn Tây (Cao Miên)…đều đạt được thắng lợi, điều đó chứng
minh được tài trí hơn người của Nguyễn Công Trứ.
Ở một phương diện khác, ông là một nhà kinh bang tế thế, luôn quan tâm
chăm lo cho đời sống người dân. Ông là người khởi xướng và có công rất lớn trong
việc khai khẩn đất hoang, dựng làng lập ấp, đào sông, đắp đê, lấn đất ra biển, lập
nên hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình), được người dân
vùng này ghi nhớ công lao, lập sinh từ thờ ngay khi ông còn sống.
Bên cạnh con người năng động võ tướng tài ba, ông còn là con người của thơ
văn. Thơ của ông chiếm một vị trí quan trọng, rất có giá trị trong văn học trung đại
Việt Nam. Sáng tác của ông như một bức tranh sinh động về con người và cuộc
sống, với những khát khao, hoài bão, tâm tư, tình cảm của con người nặng nợ với
5


núi sông. Những điều diễn ra trong cuộc sống mà ông đã trải qua, bằng những góc
nhìn qua lăng kính chủ quan của ông. Đồng thời đã hình thành nên những quan
niệm của ông về: con người và cuộc sống. Ông đặc biệt thành công ở thể hát nói
của ca trù và biến nó thành một thể thơ. Đây là một thể loại rất thích hợp với cá
tính của ông, mạnh mẽ, tự do, phóng túng, đôi lúc tự phụ và hơi ngông. Nguyễn
Công Trứ là một người khá thú vị và hóm hỉnh trong các giai thoại, thể hiện bản

lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ của ông nhưng mang tính bình dân sâu sắc.
Từ con người rất đổi tài tử ấy, những công lao to lớn của ông, những giai
thoại về ông, những giá trị mà thơ văn của ông thể hiện, cũng như cái duyên với
ông, đã tạo nên nguồn cảm hứng và cũng là lý do cho người viết chọn đề tài Biểu
hiện nhân sinh quan qua thơ Nôm Nguyễn Công Trứ, để làm đề tài luận văn tốt
nghiệp của mình, để hiểu thêm về cuộc đời, và những giá trị mà nhà nho tài tử này
đã để lại trong nền văn học trung đại Việt Nam.
2. Lịch sử vấn đề

Nhà nho Nguyễn Công Trứ là một trong những nhà nho xuất sắc tiêu biểu
của văn học trung đại Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông tuy không được gọi là
quá lớn, nhưng lại rất có giá trị cao. Khi đọc thơ văn của ông chúng ta rất dễ nhớ,
bởi vì ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu trong thơ ông rất mộc mạc, gần gũi và có sức
khái quát cao về nhiều điều trong cuộc sống, nó mang một nét phong cách rất
Nguyễn Công Trứ không lẫn với ai được. Vì thế, con người và thơ văn của ông là
nguồn đề tài hấp dẫn thu hút được rất nhiều sự nghiên cứu của các nhà nghiên cứu,
phê bình văn học ở nhiều giai đoạn, vẫn được tiếp tục nghiên cứu ở các thế hệ sau.
Đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp tư
tưởng của nhà nho Nguyễn Công Trứ. Ông là một khối rubic đa diện. Tư tưởng
thời trai trẻ của ông có sự đối lập với tư tưởng sau khi làm quan và đến lúc về hưu.
Ban đầu ông hết lời ca ngợi chí nam nhi, đề cao vai trò và bổn phận của kẻ sĩ, dần
dần về sau ông ngán ngẩm công danh, không còn ôm ấp chí hướng tung hoành nữa,
mà ông quay về với triết lí nhàn lạc. Có lúc ông đề cao tư tưởng này có khi lại hạ
thấp nó, xem như trò chơi làm cho không ít những nhà nghiên cứu tốn khá nhiều
công sức để tìm hiểu, chứng minh.
Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ, Chúng tôi nhận
thấy những biểu hiện nhân sinh quan, hay còn gọi là những quan niệm về cuộc
6



sống của ông, được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến: Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Lộc,
Doãn Quốc Sỹ- Việt Tứ, Nguyễn Đức Mậu…Họ đã nghiên cứu sâu và tìm cách
giải thích nguyên nhân vì sao mà Nguyễn Công Trứ lại có nhân sinh quan như thế.
Do đó, mỗi nhà nghiên cứu sẽ có những nhận định riêng về Nguyễn Công Trứ.
Trong bài viết Sáng tác của Nguyễn Công Trứ Phạm Thế Ngũ đã đề cập đến
triết thuyết nhân sinh của Nguyễn Công Trứ, và tìm nguyên nhân giải thích vì sao
quan niệm đó lại được hình thành. Phạm Thế Ngũ đã đưa ra nhận định: “Có lẽ
quan niệm của ông khởi nguồn cũng không ở ngoài tư tưởng tam giáo.” Nhưng rồi
xét cho cùng thì Phạm Thế Ngũ kết luận rằng: “Thái độ ấy rõ rệt hơn bắt nguồn ở
những kinh nghiệm cuộc đời ông.”[17; tr.276]. Như vậy, Phạm Thế Ngũ đã tìm ra
nguyên nhân dẫn đến thái độ sống, quan niệm sống của Nguyễn Công Trứ.
Bài viết Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Lộc đã đưa ra nhận xét nội
dung thơ văn Nguyễn Công Trứ như sau: “Thơ văn của Nguyễn Công Trứ bao hàm
một nội dung phức tạp, kết tinh một trạng thái ý thức của thời đại: vừa ca tụng con
người hoạt động, lại vừa ca tụng lối sống hưởng lạc, cầu nhàn; vừa ca tụng Nho
giáo vừa ca tụng Đạo giáo; vừa lạc quan tin tưởng lại vừa bi quan thất vọng; vừa
tự khẳng định mình lại vừa phủ định mình… Nguyễn Công Trứ là một khối mâu
thuẫn lớn” [17; tr.332]. Nguyễn Lộc đã tìm thấy sự mâu thuẫn trong tư tưởng sống
của Nguyễn Công Trứ trước sau có sự thay đổi, và ông lại nhận định: “Quá trình
diễn biến tư tưởng của Nguyễn Công Trứ từ quan niệm chí nam nhi đến triết lí
hành lạc là quá trình sụp đổ hoàn toàn của lí tưởng xã hội ở nhà thơ này.”[17;
tr.349]. Nguyễn Lộc đã chỉ ra những mặt hạn chế tư tưởng Nguyễn Công Trứ.
Bài viết Nguyễn Công Trứ, Nhà thi sĩ của Nghệ Tĩnh sau một trăm năm,
Lưu Trọng Lư đưa ra nhận định khác: “Nguyễn Công Trứ vẫn ở trong cái khắc khổ
của Nho, mà vẫn khoáng vật thích lảng như một đồ đệ của Lão Trang. Tiên sinh
vừa hành binh, trị nước, vừa ngâm hoa vịnh nguyệt mà cái này không hại đến cái
kia…Nguyễn Công Trứ vào đời trang nghiêm như đức Trọng Ni, ra đời hiền vui
như thầy Trang Tử. Không phải là một thi nhân đáng lưu truyền hậu thế, mà là
một quan niệm về nhân sinh đáng truyền bá giữa một cuộc đời Âu Tây chật
vật.”[17; tr.119-120]. Lưu Trọng Lư thì ca ngợi cách sống của Nguyễn Công Trứ,

khi trai trẻ thì đóng góp công sức cho đất nước, lúc về già thì sống cuộc đời an vui

7


hưởng thụ, dưới cách nhìn người hiện đại thì đó là lối sống rất lí tưởng, không có gì
đáng chê trách cả.
Bài viết Sự nghiệp thơ văn Nguyễn Công Trứ tác giả Trương Chính đã đưa
ra nhận định về thơ Nguyễn Công Trứ: “Thơ ông gắn liền với cuộc đời, bất cứ nỗi
vui buồn nào cũng được phản ánh vào thơ, không giấu diếm, không tô vẽ, nghĩ như
thế nào viết thế ấy, mộc mạc, nôm na, nhưng ý nghĩ chân thành xúc cảm sâu sắc,
yêu ghét rõ ràng, đọc rất thấm thía.”[17; tr.451]. Tác giả đã rất dụng công nghiên
cứu cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ để đưa ra những đặc điểm về thơ
văn Nguyễn Công Trứ.
Bài viết Hát nói Nguyễn Công Trứ Nguyễn Đức Mậu đã xem xét rất kĩ về
quan niệm hành lạc: “Đó là tư tưởng đề cao con người tự nhiên, chống lại những
khắc khe của tư tưởng đề cao con người xã hội lễ giáo, đó là thái độ chống đối lễ
giáo chuyên chế đồng thời đòi quyền hạnh phúc tự do cho cá nhân, cụ thể là con
người tài tử.”[15; tr.461].
Bài viết Quan niệm nhân sinh quan của Nguyễn Công Trứ với quan niệm
truyền thống của dân tộc, Doãn Quốc Sỹ- Việt Tứ lại đưa ra nhận định: “Ta có thể
nói tư tưởng và hành động của Nguyễn Công Trứ đã thể hiện trọn vẹn nhân sinh
quan đầy đủ (tổng hợp tất cả tư tưởng á đông), kiện toàn nhân loại (vừa hành
động vừa giải trí hưởng nhàn), lại thanh cao vì luôn luôn hướng tới điều hòa mầu
nhiệm tình, lý và chí. Đó là điển hình của con người viên mãn thế kỷ XX
(Conception del’hommetotal.).”[2; tr.68].
Bài viết Nguyễn Công Trứ với quan niệm kẻ sĩ chí khí nam nhi và thái độ
cầu nhàn, Phạm Thế Ngũ rút ra kết luận về quan niệm kẻ sĩ theo Nguyễn Công
Trứ có 3 thời: “Hối tang, hiển đạt và nhàn dật…Quan niệm ấy đặt cho kẻ sĩ một
chương trình sống đầy đủ, những tài năng và đức tính thật cao xa. Kẻ sĩ như vậy

học hành lưỡng đạt, văn võ kiêm toàn, xuất xứ kinh lịch. Về lí thuyết thì quan niệm
ấy đi qua cả cái chủ trương nhập thế của Khổng Mạnh. Cái ý “danh thành thân
thoái”, làm nên mà không cư công là của Lão Trang. Trên thực tế thì rất có ít kẻ sĩ
đã thực hiện được một cuộc sống như vậy.”[2; tr.568-569].
Bài viết Nguyễn Công Trứ và thời đại chúng ta, Trần Nho Thìn đã nghiên
cứu khá kĩ về Nguyễn Công Trứ. Ông đã điểm qua nhiều công trình nghiên cứu
như: Công trình biên khảo của giáo sư Lê Thước, bài viết của Lưu Trọng Lư,
8


Nguyễn Bách Khoa, giới nghiên cứu miền Bắc, bài viết của Trương Chính, những
bài thảo luận trong chuyên đề Nguyễn Công Trứ- con người, cuộc đời và thơ, ngày
15-12-1994, in thành sách. Ông còn khảo sát những bài viết những năm 90 của thế
kỷ XX, bài viết của giới nghiên cứu miền Nam. Trần Nho Thìn đã có cách nhìn rất
thấu đáo về con người của Nguyễn Công Trứ, ông còn giải thích rất nhiều vấn đề
gây tranh cải của Nguyễn Công Trứ một cách rất thỏa đáng. Trần Nho Thìn nhận
định: “Chúng ta trân trọng bản lĩnh cùng ý chí tự khẳng định cá nhân của ông,
mặc dù cách nhận định con người cá nhân đó có những nội dung ngày nay không
thật phù hợp nữa. Nhưng thời đại của chúng ta là thời đại phục hưng những giá trị
của truyền thống. Nguyễn Công Trứ về phương diện này gần gũi với chúng ta hơn
một số tác gia khác.” [18; tr.219]. Bài viết này của Trần Nho Thìn có lẽ là bài viết
khá đầy đủ và đánh giá đúng về con người của Nguyễn Công Trứ hơn.
Trên đây là một vài công trình nghiên cứu trong rất nhiều công trình viết về
nhà nho Nguyễn Công Trứ, mỗi bài viết là những nhận định đánh giá khác nhau về
nhiều phương diện trong cuộc đời lẫn sáng tác của Nguyễn Công Trứ, được nghiên
cứu công phu, tâm huyết của nhiều tác giả và đó là những việc làm rất đáng được
trân trọng. Nhưng về những Biểu hiện nhân sinh quan qua thơ Nôm Nguyễn
Công Trứ vẫn chưa được tìm hiểu sâu một cách toàn diện. Trên cơ sở những vốn
liếng từ các công trình nghiên cứu đi trước. Chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn về
những biểu hiện nhân sinh quan qua thơ của Nguyễn Công Trứ, để góp phần nhận

thức đúng đắn hơn về con người lẫn sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ, trong mối
quan hệ giữa thơ và đời.

3. Mục đích, yêu cầu
Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ, giúp chúng tôi hiểu
sâu hơn, nhận thức đúng đắn hơn về nhà nho này. Trong đó biểu hiện nhân sinh
quan qua thơ của ông, hay những cách nhìn, những quan niệm về cuộc sống của
ông được người viết rất quan tâm, cũng như những giá trị về nội dung, nghệ thuật
những sáng tác của Nguyễn Công Trứ đã đóng góp vào kho tàng văn học Việt
Nam. Thể hiện rõ nét hơn về con người, bản lĩnh sống bản lĩnh trí tuệ của Uy Viễn
tướng công, mỗi một giai đoạn cuộc đời ông là những giá trị khác nhau, mỗi bước
ngoặt cuộc đời đều được đánh dấu bằng những tư tưởng khác nhau.

9


Qua đề tài này người viết đã có thêm một số vốn kiến thức lịch sử văn học
trung đại Việt Nam, với nhiều nhà nho xuất sắc tiêu biểu, mà nhiều hơn hết là nhà
nho Nguyễn Công Trứ, cuộc đời những quan niệm sống của ông. Khi triển khai đề
tài này thì người viết muốn góp phần làm phong phú hơn những hiểu biết về con
người kiệt xuất này, làm vốn kiến thức giúp ít cho quá trình sống của mình, phần
nào góp vào kiến thức chung cho mọi người hiểu thêm về nhân vật lịch sử này.

4. Phạm vi nghiên cứu
Trong phạm vi đề tài này, chúng tôi tìm hiểu Biểu hiện nhân sinh quan
qua thơ Nguyễn Công Trứ. Trên cơ sở phân tích những biểu hiện về quan niệm
sống của nhà nho Nguyễn Công Trứ để làm nổi bật lên quan niệm sống của nhà
thơ, qua những giá trị nội dung và nghệ thuật trong thơ Nguyễn Công Trứ.
Để hoàn thành đề tài này chúng tôi đã tập trung vào thơ chữ Nôm của
Nguyễn Công Trứ. Chúng tôi có trích dẫn những tài liệu, những bài viết, những

nhận định có liên quan đến đề tài như: Đến với thơ Nguyễn Công Trứ [2]; Thơ ca
Việt Nam hình thức và thể loại [13]; Nguyễn Công Trứ thơ và đời [7]; Nguyễn
Công Trứ tác gia và tác phẩm [18]; Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII-nửa
cuối thế kỷ XIX [4]; Loại hình học tác giả văn học Nhà nho tài tử và văn học Việt
Nam [22]; Nguyễn Công Trứ tác giả, tác phẩm, giai thoại [12]; Thơ Việt Nam thơ
Nôm đường luật [10]…Nhằm làm sáng tỏ đề tài.

5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu người viết đã vận dụng những phương pháp
nghiên cứu vào đề tài của mình:
Phương pháp tiểu sử: người viết tìm hiểu tiểu sử Nguyễn Công Trứ nhằm
mục đích có thể lí giải một số yếu tố trong sáng tác của chính ông.
Phương pháp khảo sát- thống kê: người viết đọc và tìm hiểu những bài thơ
của Nguyễn Công Trứ, nhiều bài thơ của ông có dị bản, khác nhau ở một số chữ
trong bài thơ, do quá trình lưu truyền. Vì vậy, người viết đã chọn những bài có
nghĩa phù hợp cho đề tài và đưa những bài đó vào làm dẫn chứng.
Phương pháp phân tích- tổng hợp: từ những tài liệu tham khảo, những bài
viết với những nhận định khác nhau, người viết đã lựa chọn và tổng hợp lại những
phần tư liệu liên quan nhau có thể thể hiện được đề tài. Đồng thời, người viết sử

10


dụng phương pháp này phân tích tác phẩm, nhằm thấy được những biểu hiện nhân
sinh quan trong thơ của ông. Để có một hướng đi hoàn thành đề tài.
Phương pháp so sánh- đối chiếu: Ngoài việc tìm hiểu nghiên cứu về Nguyễn
Công Trứ, người viết còn tìm hiểu một số nhà nho khác cùng thời với ông để so
sánh đối chiếu với ông, nhằm làm nổi bật lên nhân sinh quan của Nguyễn Công
Trứ.


11


PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Khái niệm thuật ngữ
1.1.1. Nhân sinh quan
Thuật ngữ Nhân sinh quan: “Nhân sinh quan là quan niệm về cuộc đời, thành
hệ thống bao gồm hệ thống lý tưởng, lẽ sống, lối sống…”[23; tr.1239]. Nội dung của
nhân sinh quan thường đề cập đến nhu cầu, lợi ích, khát vọng hoài bão của con người.
Nhân sinh quan những quan niệm về cuộc sống con người, nó bao gồm các vấn đề:
“Lẽ sống con người là gì? Mục đích, ý nghĩa, giá trị của cuộc sống con người ra sao?
Sống như thế nào cho xứng đáng? Trả lời được những câu hỏi đó là giải quyết vấn đề
của nhân sinh quan.”[24]
Có hai loại nhân sinh quan. Đó là nhân sinh quan tích cực, lạc quan và nhân sinh
quan bi quan, yếm thế. Người có nhân sinh quan bi quan, yếm thế có xu hướng lánh
đời, ở ẩn. Người có nhân sinh quan tích cực, nhập thế thì thường hướng tới giúp đời, ít
nhiều mang màu sắc cá nhân chủ nghĩa, thường hướng tới sự lập thân, lập công danh
sự nghiệp.
Tóm lại, những quan niệm về nhân sinh quan đã trở thành niềm tin, lối sống và
tạo ra phương hướng, mục tiêu cho hoạt động của con người.
Nhân sinh quan của Nguyễn Công Trứ là cách mà ông nhìn cuộc đời, những
quan niệm của ông về cuộc sống. Là lý tưởng, lẽ sống, lối sống của ông được thể hiện
trong sáng tác thơ văn và trong sự nghiệp làm quan của ông. Chúng ta sẽ tìm hiểu sự
nghiệp thơ văn của ông, để thấy được những Biểu hiện nhân sinh quan qua thơ Nôm
Nguyễn Công Trứ. Các nhà nghiên cứu đã chia tác phẩm văn học trung đại ra làm ba
thể tài (thể loại). Nhóm thể tài mang tính chức năng, nhóm thể tài mang tính sáng tác
nghệ thuật và nhóm thể tài mang tính trước thuật. Đặc biệt thơ và phú trong nhóm thể
tài sáng tác nghệ thuật là hai thể có mặt rất sớm trong văn chương. “Nhóm thể tài

mang tính sáng tác nghệ thuật như các tác phẩm thuộc nhóm thể thi (thơ), phú, truyện
nôm, ngâm khúc, hát nói…”[1; tr11]. Nhìn chung thì sáng tác của Nguyễn Công Trứ
thuộc nhóm thể tài mang tính sáng tác nghệ thuật. Chúng ta sẽ tìm hiểu về thơ, phú và
hát nói của Nguyễn Công Trứ để làm sáng tỏ đề tài.
12


1.1.2. Loại hình nhà nho tài tử
Để nêu ra khái niệm nhà nho tài tử trước hết chúng ta nên tìm hiểu khái niệm
nhà nho trước. “Nhà nho là những người được đào tạo theo học thuyết của Khổng
Tử.”[22; tr.716]
Thuật ngữ Nhà nho tài tử được nhận định như sau: “Nhà nho tài tử trước hết,
vẫn là nhà nho kể từ nguồn gốc xuất thân, học vấn và quy trình đào tạo, lẫn hệ thống
cơ bản trong nhân sinh quan và thế giới quan…Để tự nhận và được coi là nhà nho tài
tử, họ từng phải là những học trò xuất sắc- nếu không toàn diện thì cũng là trên một
số phương diện chính của Khổng môn. Được số phận ưu đãi, thiên nhiên phú cho
những phẩm chất hơn người, từ thuở thiếu thời, người tài tử luôn tâm niệm về “tính
trội” của mình và luôn lăm le sử dụng nó khi có dịp. Tài năng đó là ưu thế hàng đầu,
là tiền đề số một khiến cho một nho sinh trở nên tài tử đích thực.”[22; tr.70-71].
Đặc điểm nổi bật của nhà nho tài tử:
Nhà nho tài tử luôn ôm ấp giấc mộng anh hùng hào kiệt, hình ảnh người anh
hùng, đấng trượng phu trong lòng họ là một hình ảnh đẹp. Người tài tử cũng ước làm
nên những việc phi thường, tạo nên công danh, sự nghiệp to lớn lưu tên trong sử sách.
Nhà nho tài tử có tư tưởng mới so với nhà thuần nho. Họ sống trong một thời
buổi đời sống thị dân ngày càng lớn mạnh, có mầm mống của sự phát triển thương
nghiệp, vì thế nhà nho tài tử đã bị môi trường đô thị ảnh hưởng ít nhiều đến tư tưởng
và lối sống của họ.
Người tài tử rất coi trọng cái tài và cái tình. Tài và tình trở thành thước đo giá trị
của người tài tử. Con người tài tử luôn ý thức được cái mặt trội hơn người của họ là gì
và tận dụng cái sở trường đó để tạo nên sự nghiệp vẻ vang cho đời. Những người tài tử

là những con người rất phong lưu, rất đa tình. Tình cảm của họ được bộc lộ một cách
rõ ràng không e dè nhưng không dung tục.
Những nhà nho tài tử luôn là những người biết hưởng thụ cuộc sống. Họ quan
niệm rằng cứ dốc toàn lực mà làm việc thật tốt rồi sẽ được thảnh thơi, hưởng thụ
những thú vui trong cuộc sống, đó như những phần thưởng cho họ sau những công lao
làm được.
Do tính cách phóng túng, tài năng vượt trội hơn người, cùng tính tự phụ cho nên
người tài tử luôn bị ganh ghét và diệt trừ. Thấy được số phận không may của những
người đi trước, mặc dù họ đã dốc hết công sức phụng sự cho triều đình. Các nhà nho
13


tài tử luôn bị khống chế, vùi dập họ dần trở nên ẩn uất, đi vào ngõ cụt. Họ tự tìm cách
sống cho riêng mình, một lối sống ngông nghênh đứng trên thiên hạ, để chống lại cuộc
đời đầy bất công.
Tóm lại, các nhà nho vốn dĩ vẫn là những nhà nho, vẫn nắm vững những điều cơ
bản của Khổng môn, những tư tưởng và lối sống của họ thì tiến bộ hơn nhiều. Dám
nghĩ, dám làm, dám sống cho mình hơn các nhà thuần nho.

Một số nhà nho tài tử tiêu biểu
Từ thế kỉ XV xã hội Việt Nam tồn tại ba học thuyết lớn. Đó là Phật giáo, Nho
giáo và Lão Trang. Chúng song song tồn tại với nhau và ảnh hưởng đến đời sống tinh
thần của con người về nhiều mặt. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX thì giới trí thức trong
xã hội còn có Nho giáo là đứng vững nhất. Bởi Nho giáo với các giáo lý của mình một
công cụ hỗ trợ đắc lực cho giai cấp phong kiến trong việc thống trị tư tưởng của người
dân. Dần dần về sau thì trong bản thân của Nho giáo cũng có sự phân hóa thành các
cấp độ nhà nho như sau: hiển nho hay hàn sĩ, nhà nho hành đạo hay ẩn dật, quan lại và
thi nhân…Và những biến đổi trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội đã làm cho xã
hội có nhiều sự thay đổi. Đến giữa thế kỷ XVIII thì một loại hình nhà nho mới ra đời
đó là nhà nho tài tử.

Nhà nho tài tử vốn dĩ là con em của các nhà nho chính thống, họ vẫn được học
hành, đào tạo theo lễ giáo của nho gia, nhưng về tư tưởng của họ đã có sự tiến bộ
mạnh mẽ, tư tưởng tự do hơn phóng khoáng hơn hay táo bạo hơn các nhà nho xưa.
Nhà nho tài tử đó là những con người kiệt xuất trong văn học ở nhiều phương diện như
làm thơ hay, viết chữ đẹp, có tài vẽ tranh đẹp…các lĩnh vực của nho gia. Họ thật sự có
tài và luôn muốn trổ tài, họ làm theo ý thích mà không bị gò bó. Vì thế cho nên những
tên tuổi tiêu biểu của văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX
gồm có: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Phạm
Nguyễn Du, Phạm Thái… Mỗi người đều nổi bật và thành công trong phương diện
riêng.
Nguyễn Du (1766- 1820) sáng tác rất nhiều thơ văn có giá trị như: Thác lời trai
phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Văn tế thập loại chúng sinh và đặc
biệt là kiệt tác Truyện Kiều, dựa vào tiểu thuyết của Thanh Tâm tài nhân Trung Quốc
mà tạo nên truyện thơ Nôm kiệt tác của văn học Việt. Về thơ chữ Hán thì Nguyễn Du
còn ba tập thơ có giá trị như: Thanh hiên thi tập (78 bài), Nam trung tập ngâm (40
14


bài), Bắc hành tạp lục (131 bài). Thơ ông mang âm hưởng buồn, thường viết về những
điều mắt thấy tai nghe, trong những lần đi sứ sang Trung Quốc: “Nguyễn Du đã mượn
nhân vật lịch sử Trung Quốc để viết về thời đại của mình…ông chú ý đến những cảnh
ngộ, những số phận bất hạnh của con người trên bước đường đi sứ… Đây là những đề
tài viết với thật nhiều cảm xúc thuộc loại hay nhất trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du.
Phải yêu thương con người và cuộc sống tha thiết Nguyễn Du mới viết được những
vần thơ giàu giá trị như vậy.”[4; tr.41].
Tác giả Hồ Xuân Hương, bà được xem là thành công nhất ở thể thơ Nôm và
được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm (Xuân Diệu). Tuy tiểu sử của bà chưa được ghi
chép rõ ràng những chúng ta có thể biết được: “Hồ Xuân Hương là một con người rất
thông minh, giỏi tài ứng biến mau lẹ, xuất thân trong một gia đình bậc trung, là con
gái đọc nhất của Hồ Phi Diễn, quê quán Nghệ An. Hồ Xuân Hương là người đa tình,

đa cảm, yêu đời, khát khao hạnh phúc, những cuộc sống không như ý, đường tình
duyên không may mắn.”[4; tr.28].
Bà là một con người rất mạnh dạn đến táo bạo, bất cứ tầng lớp giai cấp nào như:
vua chúa, quan lại, các bậc chính nhân quân tử, nhà sư, học trò dốt…đều bị bà thẳng
tay chỉ trích, châm biếm. Bà đã lột cái mặt nạ đạo đức giả của họ xuống, phơi bày
những cái xấu xa được ẩn trong lớp mặt nạ đạo mạo: Đề tranh tố nữ, thiếu nữ, Vịnh
cái quạt, Sư hổ mang. Đồng thời bà cảm thông sâu sắc với thân phận, số kiếp hẩm hiu
của người phụ nữ đương thời trong xã hội đầy bất công: Cảnh chồng chung, Không
chồng mà chửa…Bên cạnh đó còn có sự khát khao hạnh phúc qua ba bài thơ: Tự tình,
Mời trầu đó là những bài thơ tiêu biểu trong Xuân Hương thi tập.
Hồ Xuân Hương đã phá vỡ sự cổ điển của thể thơ lục bát và tứ tuyệt làm cho
những thể thơ này mang đậm dấu ấn dân tộc hơn. Giọng thơ của bà thì hết sức phong
phú có lúc: nghiêm chỉnh đàng hoàn, có khi lấp lững, cười cợt, có lúc lại châm biếm,
mỉa mai và có những lúc giọng tâm tình, chân thật. Từ đó tạo nên chất trữ tình và trào
phúng trong thơ Hồ Xuân Hương.
Thi nhân tài tử Cao Bá Quát (1808?- 1855). Cao Bá Quát cũng là một bậc kì tài
trong câu: Thần Siêu thánh Quát. “Ông xuất thân trong gia đình nhà nho, có truyền
thống khoa bảng. Cao Bá Quát nổi tiếng học giỏi, tính tình phóng túng nên những tư
tưởng nho giáo không dễ gì ràng buộc được ông. Ông có những cách nhìn riêng về
con người và cuộc sống.”[5; tr.71]. Cao Bá Quát thi Hương ở Hà Nội và đậu Á
15


Nguyên. Ông đi thi Hội nhiều lần không đỗ, sinh ra sự chán nản trong thi cử. Sau này
1841 ông được cử làm quan giữ chức hành tẩu ở bộ Lễ. Ông từng làm giám khảo
trường thi Thừa Thiên- Huế và phạm luật thi do tự ý sửa lỗi trong các bài thơ hay nên
ông bị cách chức đày đi Đà Nẵng. Năm 1854, ông nhận chức ở vùng núi thuộc Sơn
Tây, Bắc Ninh và ông đã kêu gọi khởi nghĩa phò Lê lật đổ triều đình đương thời. Có ý
kiến cho rằng ông hy sinh trong một trận đánh với triều đình. Có ý kiến lại cho rằng
ông chết không phải ở trận tiền. Vì tội tạo phản chống lại triều đình cả nhà Cao Bá

Quát bị tru di tam tộc. Cao Bá Quát sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán, bản lĩnh của ông
được thể hiện trong thơ văn. Hiện tại còn hai tập thơ: Chu thần thi tập và Cúc đường
thi thảo trong đó có 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi. Bên cạnh đó cũng có một bài phú
khá nổi tiếng Tài tử đa cùng. Ngoài ra ông có sáng thơ Đường luật, câu đối và những
bài hát nói (ca trù).
Cao Bá Quát được đánh giá là một con người có bản lĩnh, có ước mơ hoài bão
không giống với các bạn đương thời. Cao Bá Quát không coi trọng sự nghiệp công
danh mà đó là điều ông buộc phải làm, khiến cho giọng thơ Cao Bá Quát thể hiện sự
bất mãn, chua xót sau những tháng ngày vất vả đèn sách. Ông viết những tác phẩm của
mình chủ yếu bằng bút pháp hiện thực, kết hợp với lãng mạn tạo nên phong cách mới
cho thơ. Ngoài các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong thơ rất phong phú: so
sánh, ẩn dụ, liên tưởng, hoán dụ, phúng dụ… được dùng nhiều trong thơ văn chữ Hán.
Tác phẩm đặc sắc của ông được đưa vào chương trình học Sa hành đoản ca. Mặc dù
rất bế tắc nhưng ông vẫn cố tìm được sự giải thoát cho mình.
Sở trường của ông là thể phú và hát nói nhưng nhắc đến hát nói thì đó là chúng
ta sẽ tìm hiểu ở phần vị trí của nhà nho Nguyễn Công Trứ ở phần sau.
Trên đây là giới thiệu về một số nhà nho tài tử tiêu biểu của văn học giai đoạn
nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX. Bên cạnh đó còn có nhiều nhà nho tài tử
khác cũng khá tiêu biểu nhưng do dung lượng có hạn, nên chúng tôi chỉ giới thiệu một
vài người ở trên. Giữa họ chúng ta có thể thấy họ có nhiều điểm chung, đều là những
nhà nho tài năng và thành công vượt trội ở các lĩnh vực khác nhau. Tính tình của họ rất
mạnh mẽ, phóng túng, tự do và đặc biệt là có lòng nhân đạo, những người này rất quan
tâm tới số phận con người, những người dân nghèo khổ, những người phụ nữ trong xã
hội phong kiến, lên tiếng thay họ và đấu tranh vì người dân, đó là những biểu hiện cho
tấm lòng nhân đạo của con người.
16


Vị trí của nhà nho Nguyễn Công Trứ
Nhắc đến Nguyễn Công Trứ và sự nghiệp của ông thì người ta thường nhớ sự

nghiệp kinh bang tế thế chứ không phải là sự nghiệp văn chương. Nhưng sự nghiệp
văn chương lại khẳng định cho sự nghiệp làm quan của ông. Nó làm nổi bật lên quan
niệm về con nguời và cuộc sống của ông. Trong giai đoạn văn học cuối thế kỷ XVIIInửa đầu thế kỷ XIX, xuất hiện hàng loạt tên tuổi nổi bật như: Đặng Trần Côn, Nguyễn
Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá
Quát…họ đều thành công với các sáng tác bằng chữ Nôm như: Truyện thơ Nôm, thơ
Nôm Đường luật, hát nói…Mỗi người đều có một sở trường riêng và thành công ở
phương diện đó. Trong số đó Nguyễn Công Trứ thành công nhất là thế hát nói của ca
trù. Người đời đặt cho ông danh hiệu Ông hoàng hát nói để đối xứng với Hồ Xuân
Hương Bà chúa thơ Nôm.
Nguyễn Công Trứ sáng tác hát nói với số lượng nhiều nhất so với các thể khác
mà ông sáng tác. Hiện còn trên 60 bài hát nói, số lượng bài gốc thì không nhiều chủ
yếu là các bản được sao chép lại lưu giữ. Sở dĩ Nguyễn Công Trứ thành công với thể
hát nói này là vì ông có một phong cách sáng tác rất phóng túng những mảng đề tài rất
phong phú, độc đáo, rất giàu âm điệu. Có khi lại mang âm hưởng tự hào, có lúc lại
mạnh mẽ dứt khoát:
Thiên phú ngô, địa tái ngô
Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý
Dã thị giang sơn chung tú khí
Quả nhiên đài các xuất công danh.
Hay: Gọi một tiếng người đều khởi kính
Dậy ba quân ai dám chẳng nhường.
(Thú tổ tôm)
Lúc lại sôi nổi tạo nên sự sinh động cho bài thơ.
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc tây đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
(Chí khí anh hùng)

17



Một đặc điểm mà chúng ta có thể nhận thấy trong sáng tác của ông là một con
người rất lạc quan, hóm hỉnh. Lúc vui, lúc thảnh thơi, hay lúc buồn rầu thì vẫn có xu
hướng nhìn đời bằng con mắt tích cực.
Sáng tác của ông mang một nét gì đó rất riêng, một thứ rất Nguyễn Công Trứ
không lẫn với ai được, đó là sự tự do của riêng ông. Ngôn ngữ, giọng điệu, phong cách
ngất ngưởng đã tạo nên nét riêng đó của ông:
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nựt cười ông ngất ngưởng.
(Bài ca ngất ngưởng)
Sáng tác hát nói của Nguyễn Công Trứ không chỉ linh hoạt trong lời ca giọng
hát, mà trong đó còn có sự linh hoạt trong sự kế thừa của truyền thống. Ông sử dụng
thành ngữ, tục ngữ, ca dao vào trong sáng tác khi đề cập đến chuyện nhân tình thế thái:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Vận dụng những chất liệu truyền thống vào thơ văn Nguyễn Công Trứ đã tạo
nên sức hấp dẫn trong sáng tác của ông, gần gũi thân thiết dễ đi vào lòng người.
Sự đa dạng về các đề tài trong sáng tác, sự độc đáo, dí dỏm, sử dụng câu từ.
Linh hoạt uyển chuyển, cộng thêm những hình ảnh hết sức gần gũi thân quen, tư tưởng
tự do phóng khoáng pha chút gai góc, mạnh mẽ đã tạo nên một chiếc cẩm nang chứa
nhiều những giá trị tồn tại bên trong mỗi tác phẩm, đã góp phần tạo nên vị trí của
Nguyễn Công Trứ với thể hát nói của ông. Nguyễn Công Trứ đã làm cho thể hát nói
hoàn thiện hơn. Ông rất xứng đáng với danh hiệu Ông hoàng hát nói.

1.2. Những nhân tố ảnh hưởng đến Nguyễn Công Trứ
Để tìm hiểu một cách đúng đắn về nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ, quan niệm

về cuộc sống của ông, chúng ta sẽ tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến nhà nho này.
Trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu đôi nét về bối cảnh xã hội, những luồng tư tưởng lớn
thời bấy giờ, cuộc sống của Nguyễn Công Trứ và tình hình văn học ở giai đoạn nửa
cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX.

1.2.1. Bối cảnh xã hội
18


Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII- đến nửa đầu thế kỷ XIX, chế độ phong kiến
nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng dữ dội, sự tranh quyền đoạt vị giữa các thế lực
phong kiến. Sau khi chúa Trịnh diệt được nhà Mạc thì hống hách không coi vua Lê ra
gì. Nước ta thời bấy giờ tồn tại một ngôi chúa bên cạnh một ngôi vua, thực quyền thì
nằm trong tay của chúa Trịnh. Nguyễn Hoàng (em vợ chúa Trịnh Kiểm) lúc đó sợ uy
quyền của chúa Trịnh nên rút về Thuận Hóa, gây dựng giang sơn riêng của mình. Kể
từ đó Trịnh- Nguyễn đối đầu nhau. Cuộc nội chiến diễn ra trong 45 năm. Từ đời Thần
Tông (1627), đến đời Gia Tông (1672), Trịnh- Nguyễn ngưng đánh nhau và tiếp tục
mở mang bờ cõi. Năm 1765, Trương Thúc Loan lộng quyền, quân Tây Sơn nổi lên
khởi nghĩa. Nguyễn Huệ thần tốc tiến quân ra Bắc, Trịnh- Nguyễn bị Tây Sơn đánh
bại, cùng nhà hậu Lê. Nguyễn Huệ còn đánh bại các cuộc xâm lược của Xiêm La, Đại
Thanh (Trung Quốc). Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung.
Quang Trung mất sau 20 chinh chiến và trị vì đất nước thì triều đại Tây Sơn suy yếu.
Triều đại Tây Sơn là triều đại đặt quốc gia dân tộc lên trên, xây dựng những chính
sách kinh tế, văn hóa tiến bộ nhưng chỉ tồn tại được 14 năm. Nguyễn Ánh tiêu diệt Tây
Sơn, lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long.
Nguyễn Công Tấn cha của Nguyễn Công Trứ bấy giờ là quan của nhà Lê, ông
không chấp nhận thờ hai vua nên đưa gia đình về quê dạy học. Nguyễn Công Trứ đã
trải qua thời niên thiếu trong thời loạn lạc nội chiến. Ông trưởng thành khi triều
Nguyễn của Gia Long đã ổn định, nên Nguyễn Công Trứ đã hăm hở học hành thi cử
để thực hiện được chí nguyện của ông. Triều đình Nguyễn này là một triều đình rất

chuyên chế, vô cùng phản động và hà khắc. Từ đó, rất nhiều cuộc khởi nghĩa trên cả
nước nổ ra dưới triều Nguyễn. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa lớn như: Phan Bá
Vành, Nông Văn Vân, Lê Duy Lương, Cao Bá Quát...liên tục nổ ra, đều bị thất bại.
Xã hội lúc bấy giờ thì xuất hiện tầng lớp mới đó là thị dân cùng với sự phát triển
của nền kinh tế hàng hóa. Đây là nhân tố mới ảnh hưởng đến đời sống văn học và xã
hội thời đó. Do sự phát triển của nhiều thành thị, việc thông thương trao đổi mua bán,
các hình thức vui chơi sinh hoạt ngày càng phát triển, tầng lớp thương nhân và thợ thủ
công cũng xuất hiện. Đồng tiền ngày càng khẳng định được giá trị hơn. Do đó, tư
tưởng của con người ngày càng cởi mở, phóng khoáng hơn. Con người cá nhân được
đề cao và khẳng định hơn trước.

19


Về văn hóa thời kỳ này văn hóa phát triển toàn diện ở các mặt: Lịch sử, địa lý, y
học, văn học, âm nhạc, sân khấu, kiến trúc, điêu khắc và nghề in cũng được phát triển.

1.2.2. Những luồng tư tưởng lớn thời bấy giờ
Phật giáo, Nho giáo, Lão- Trang là ba tôn giáo có sức ảnh hưởng rất lớn đối với
nước ta thời phong kiến. Phật giáo truyền vào nước ta đã rất lâu đời, nhưng phát triển
mạnh là từ thời Đinh- Lê: “Năm 968 Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua, lập ra nhà Đinh
đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở ra thời kì độc lập và thống nhất phát triển lâu dài
trong lịch sử Việt Nam. Đạo Phật thời này cũng không là ngoại lệ, đã phát triển đến
đỉnh cao và tham dự vào nhiều sự kiện hệ trọng của đất nước .”[27]. Thời Lý- Trần,
Phật giáo rất được yêu thích và trở thành Quốc giáo. Ảnh hưởng đến hầu hết các tầng
lớp vua chúa và cả nhân dân. Nhiều ngôi chùa được mộc lên, số lượng người theo đạo
ngày càng tăng lên, nhiều nhà vua cũng trở thành những nhà sư. Không nằm ngoài quy
luật tất yếu của cuộc sống Phật giáo phát triển đến đỉnh cao rồi cũng thoái trào. Đến
thời hậu Lê thì Nho giáo lên ngôi.
Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX thì Nho giáo rất được ưa chuộng ở nước ta. Khổng

Tử (Trung Hoa) được xem là người sáng lập ra Nho giáo: “Nội dung của Nho giáo
được thể hiện trong Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân
Thu) hay Tứ Kinh (Luận ngữ, Đại học, Trung Dung, Mạnh Tử). Quan điểm của nho
giáo thể hiện trong Tam Cương đó là các mối quan hệ vua-tôi, cha-con, vợ-chồng và
Ngũ Thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín). Ở nước ta Nho giáo xuất hiện cùng với sự đô
hộ của phong kiến phương Bắc, và phát triển rất nhanh trong khoảng thời gian từ thế
kỷ X-XIII...”[25]. Nho giáo là một công cụ hỗ trợ đắc lực của các vị vua chúa trong
việc bảo vệ ngai vàng thống trị. Đến thế kỷ XVIII thì Nho giáo ở nước đã có sự phân
hóa thành ba loại hình nhà nho: Nhà nho hành đạo, nhà nho hành lạc và nhà nho tài tử.
Từ đó đã cho thấy một điều Nho giáo ở Việt Nam đã có sự suy thoái. Triều đình nhà
Nguyễn sau khi yên vị thì đã đưa Nho giáo lên vị trí hàng đầu: “Thang thuốc nho giáo
đã từng có hiệu lực lớn một thời đã mất hết tác dụng, nay được khôi phục lại và đem
cho nhân dân dùng…Kết quả là Khổng Mạnh được đề cao, phần duy tâm siêu hình
trong tư tưởng nho học được hình thành trong giới sĩ phu, nhân dân đói khổ bị áp bức
lại phải nuốt các thứ tam cương, ngũ thường của “Thập điều” để qua con khổ
nhục.”[21; tr.227]. Nhà Nguyễn tích cực mở khoa thi tuyển chọn nhân tài ra phụng sự

20


triều đình cũng như làm an lòng dân. Từ đó mà nho giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến
tư tưởng con người bấy giờ.
Tư tưởng Lão- Trang được truyền bá vào nước ta nhưng nó không phát triển
thành những mô hình như Nho giáo, Phật giáo mà nó tồn tại trong đời sống tinh thần
nhân dân, với việc tôn thờ các vị thần linh, những thú vui nhàn tản thảnh thơi cũng
được các nhà nho yêu thích, theo Đạo Lão thì: “Muốn trị thân, con người phải: Dưỡng
sinh tức là sống Khỏe. Vui theo mệnh trời tức là Sống vui, chết vui. Sống hòa đồng với
Đạo tức là Sống siêu thoát.”[26].
Nho, Lão, Phật là ba giáo lý khác nhau nhưng giữa chúng lại có những điểm
giao nhau. Một người theo đạo này lại vừa có thể tìm hiểu đạo khác. Tam giáo tương

ứng với những giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Vì thế cho nên không ít nhà nho
trong cuộc đời họ lại tìm về với Đạo Lão và Phật giáo để làm cho tinh thần trong sạch
hơn, bớt phiền muộn hơn.

1.2.3. Cuộc sống
Nguyễn Công Trứ sinh ra khi cha ông còn làm quan cho nhà Lê. Ông đã được
sống một tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc trong nhung lụa. Khi Gia Long lên ngôi, cha
của ông vẫn giữ vẹn đạo tôi trung với triều Lê, nên sau khi sau khi mưu sự phò Lê
không thành Nguyễn Công Tấn đã đưa cả nhà về thôn quê ở ẩn dạy học để sinh sống.
Nguyễn Công Trứ trước đây là một cậu ấm con quan phải lớn lên trong cuộc sống nơi
quê nghèo khổ vì gia thế sa sút. Chắc hẳn trong tâm hồn ông đã chịu sự tủi nhục, đau
khổ hơn nhiều so với những người vốn quen sống trong cảnh nghèo từ nhỏ. Ông lớn
lên trong sự thiếu thốn về vật chất, sự ghẻ lạnh của thói đời, tình người. Nhưng
Nguyễn Công Trứ vẫn cố giữ cho mình lối sống phong lưu vốn đã quen nếp từ nhỏ
trong khuôn khổ giới hạn của ông, mặc dù có đôi lúc phải vay mượn của người. Ông
rất say mê hát ả đào, thói quen đó đã được ông lưu giữ cho đến lúc về già vẫn còn.
Nguyễn Công Trứ là một con người có lý tưởng sống cao đẹp, từ lúc trai trẻ cho
đến lúc làm quan ông luôn giữ gìn phẩm giá con người ông, sống ngay thẳng không
ham danh lợi, cho nên trong khi làm quan ông vẫn không sống không sung túc. Tài
năng là thế nhưng các vua nhà Nguyễn luôn dè chừng, không đánh giá đúng khả năng
của ông cùng với chốn quan trường đen tối, gian ngoa, thâm hiểm đã làm cho suy nghĩ
của ông dần thay đổi. Ông rút về thôn quê sinh sống vui thú cho bản thân ông, một
cuộc sống khác người, khác đời ngông nghênh ngất ngưởng.
21


1.2.4. Tình hình văn học
Tình hình văn học nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX, có đội ngũ sáng
tác rất đa dạng, từ vua quan cho đến những nhà nho với những hoàn cảnh sống khác
nhau đã góp nên những tác phẩm lớn có giá trị. Văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm

song song tồn tại, nhưng văn học chữ Nôm phát triển hơn.Tiêu biểu là những tên tuổi
như: Ngô Thế Lân, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du,
Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Bà huyện Thanh Quan…và còn
nhiều tác giả khác. Bên cạnh đó còn có những tác giả khuyết danh đã góp phần làm
nên diện mạo của văn học thời này. Văn học thời kì này có bước tiến gần gũi hơn với
độc giả quần chúng. Ví dụ như Truyện Kiều của Nguyễn Du là một truyện thơ viết
bằng chữ Nôm được tầng lớp bình dân yêu thích họ có thể đọc thuộc lòng, đọc ngược
Truyện Kiều và có người còn dùng để hát ru con ngủ.
Nội dung văn học thời này đề cập là những vấn đề mang tính hiện thực như:
Phê phán xã hội phong kiến thối nát, sự bất công trong cuộc sống của con người. Với
Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông) khi đến phủ chúa Trịnh
chữa bệnh. Hay trong Chinh phụ ngâm phê phán sự phi nghĩa của chiến tranh phong
kiến, khát khao hạnh phúc gia đình đôi lứa. Đồng thời văn học thời này quan tâm đến
số phận con người những người phụ nữ, những người tài hoa nhưng bạc mệnh như:
Truyện Kiều, Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du. Hình ảnh người phụ nữ trong thơ Hồ
Xuân Hương, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần
Côn...
Về Thể loại thì phong phú và đa dạng. Thơ rất phát triển với thể lục bát, truyện
thơ cũng rất được yêu thích. Thể song thất lục bát là thể thành công ở giai đoạn này,
với các bài ngâm khúc: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Ai tư vãn, Tỳ bà hành…
Thơ Đường luật phát triển với những tên tuổi lớn: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,
Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, bà huyện Thanh Quan…Mỗi người với một giọng
thơ đặc trưng khác nhau những đều thành công.
Ngoài ra còn các thể loại khác cũng rất phát triển như: Phú, văn xuôi, văn tế…
Đặc biệt là hát nói được sáng tác như thể thơ, thành công nhất là hát nói của Nguyễn
Công Trứ và Cao Bá Quát, nhưng hát nói của Nguyễn Công Trứ thì được nâng lên tới
đỉnh cao hơn. Tuồng, chèo, hát bội là ba loại hình nghệ thuật được mở rộng hơn. Chèo
và Hát bội thì không được xem trọng như Tuồng: “Tuồng ra đời từ hồi nào, đó là vấn
22



đề còn đang nghiên cứu. Nhưng sự thật thì Tuồng phát triển rất mạnh dưới triều
Nguyễn với sự chăm sóc của vua quan đồng thời với sự ủng hộ của quần chúng.”[21;
tr. 243].
Nói tóm lại văn học giai đoạn này phát triển vượt trội, với những tên tuổi sáng
giá, những kiệt tác văn chương mà chưa có tác phẩm thời chúng ta vượt qua được. Thể
hiện chủ nghĩa nhân đạo, khả năng của con người cá nhân được đề cao, nhưng tất cả
sáng tác đó vẫn bị ý thức hệ phong kiến chi phối.

1.3. Nguyễn Công Trứ cuộc đời và sự nghiệp làm quan
1.3.1. Cuộc đời
Nguyễn Công Trứ, tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, tên húy là
Củng. Theo nghĩa chữ Hán Củng có nghĩa là chắc chắn, vững vàng. Còn tên Trứ tức là
làm nổi rõ lên khiến ai cũng biết. Hy Văn đó là hi vọng mà cha ông đã đặt cho ông với
ước mong con trai mình rồi sẽ có được một chút văn tài sáng sủa, lưu danh hậu thế.
Nguyễn Công Trứ sinh vào giờ Dần, ngày Sóc tức ngày mồng 1 tháng 10 năm
Mậu Tuất, đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38 năm 1778. Nguyễn
Công Trứ quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Cha của ông là Nguyễn Công Tấn, đậu cử nhân và làm tri phủ huyện Quỳnh Côi,
sau được thăng làm tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình). Tước Đức ngạn hầu. Khi nhà Lê
lung lai, chúa Trịnh thối nát, quân Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Công Tấn tham gia chống
lại vì ông là quan của nhà Lê, cho nên sau này Nguyễn Huệ lên ngôi ông không chịu ra
làm quan mà về quê mở trường dạy học.
Mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Phan, con gái quan nội thị Cảnh Nhạc Bá, quê quán
ở xã Phượng Dực, huyện Thượng Phúc, Sơn Nam Thượng, Hà Đông.
Nguyễn Công Trứ được sinh ra ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Năm 1789, ông theo bố mẹ
về Hà Tĩnh.
Về hoạn lộ: bắt đầu với chức hành tẩu sử quán và thời thế đưa đẩy khi được thăng
tới chức Chánh nhị phẩm (Binh bộ Thượng Thư năm 1840), khi thì bị giáng làm lính ở
Quảng Ngãi. Năm 1843, về hưu với chức Thừa Thiên phủ doãn (Chánh tam phẩm).

Cuộc đời hơn 80 năm của ông là một chuỗi dài những biến cố với đủ mùi vị cay đắng
lẫn ngọt bùi.
Về từng chức vị trong hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ sẽ được thể hiện ở phần
phía sau phần phụ lục bổ sung hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ và các giai thoại về ông.
23


Sau đây chúng tôi xin nói về các giai đoạn trong cuộc đời Nguyễn Công Trứ.

1.3.1.1. Thời thơ ấu
Nguyễn Công Trứ được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho gia. Cha
làm tri phủ đương nhiệm, mẹ là con gái quan nội thị Bá tước. Do đó, chúng ta có thể
thấy Nguyễn Công Trứ đã có một tuổi thơ êm đềm. Xã hội những năm cuối triều vua
Lê chúa Trịnh vốn đã khủng hoảng và hỗn loạn nhưng vẫn không ảnh hưởng gì đến
quyền lợi của giai cấp thống trị, mà những hậu quả ấy phải gánh chịu đó là những
người dân nghèo, những người lính ngoài trận tiền chứ không phải là những người
giàu sang cao quý, hay tầng lớp nho gia vốn được trọng dụng. Cho nên Nguyễn Công
Trứ đã có một tuổi thơ êm đềm trong vàng son, nhung lụa bởi gia thế dòng họ lúc
bấygiờ. Ông rất lấy làm tự hào về điều đó. Ông cũng tự hào về bản thân và gia thế của
mình. Đó là một niềm tự mãn, tự hào về dòng dõi gia tộc. Sau này nó trở thành một
động lực mạnh giúp Nguyễn Công Trứ trên bước đường tiến thủ, vượt qua mọi khó
khăn trở ngại, cảnh nghèo khó tủi nhục mà tạo nên sự nghiệp vẻ vang sau này.

1.3.1.2. Thời niên thiếu
Năm 1786- 1789, sau ba lần bắc phạt của Nguyễn Huệ thì triều đình vua Lê,
chúa Trịnh vốn lung lai không còn sức chống đỡ đã bị tan rã. Nhà Nguyễn Tây Sơn lên
ngôi. Nguyễn Công Tấn cùng những gia đình quan lại khác sau khi mưu toan khôi
phục cơ đồ nhà Lê, nhưng không thành ông đã đưa cả gia đình về ở ẩn, sống một cuộc
sống an bần.
Nguyễn Công Trứ từng sống trong phú quý bỗng rơi vào sống bần hàn. Chúng

ta có thể thấy ông đã phải sống những tháng này gian nan và tủi hận để hòa nhập vào
cuộc sống mới. Ông luôn ước mơ về sự tiến thân để phục hồi danh vị và uy thế cũ,
nhưng ông không thể nào tiến thân dưới triều Nguyễn Tây Sơn được, ông chỉ biết lặng
lẽ chờ thời cơ.

1.3.1.3. Thời trai tráng
Trong khi chờ đợi thời thì Nguyễn Công Trứ khuây khỏa bằng những thú tiêu
khiển như: Cầm, kì, thi, tửu như các bậc tiền nhân ngày xưa. Có lúc Nguyễn Công Trứ
lại ôm đàn làm kép hát, đi theo các cô đào hát nổi tiếng Hiệu Thư. Từ đó, chúng ta có
thể thấy ông rất say mê nghệ thuật đàn hát. Đồng thời nói lên cuộc sống phóng
khoáng, tự do của ông và ông vẫn giữ cho đến khi làm quan và cũng như lúc về già.
Ông có đến 14 người vợ kể cả thê thiếp.
24


Tuy ông là một người ham chơi nhưng lại là một người rất ham học, có ý chí
tiến thủ và rất hăm hở trong việc lập công danh. Ông lớn lên khi nhà Nguyễn nắm
quyền hành. Năm 1805 khi Gia Long ra Bắc đi ngang Nghệ An, ông đã dâng một bảng
điều trần gọi là Thái bình thập sách. Con đường khoa cử của ông rất lận đận. Năm
1819 ông mới đậu giải nguyên. Năm 1820 lúc đó ông đã 42 tuổi thì mới bắt đầu đi vào
chốn quan trường, với chức hành tẩu ở Sử Quán. Ba năm sau được bổ làm tri huyện
Đường Hào. Hai năm sau được thăng tri phủ Thừa Thiên rồi Tham Hiệp ở Thanh Hóa.
Năm 1826 ông được phái ra Bắc sung chức tham tán quân vụ rồi thăng thị lang bộ
Hình, coi việc hình ở dinh Tổng trấn Bắc Thành. Năm 1828 sung chức Dinh điền sứ ở
Hà Nam Ninh cũ, ông tổ chức khai khẩn đất hoang ở duyên hải. Năm 1830 ông bị
giáng xuống làm tri huyện Tiền Hải. Năm sau được khôi phục rồi bổ làm Tổng đốc An
Hải. Năm 1836 lại bị giáng bốn cấp vì chuyện một người tù vượt ngục.
Năm 1840, ông được phái đi đánh Cao Miên, rồi năm 1841 bị giáng vì việc bỏ
thành Trấn Tây rút quân về. Năm 1843, ông bị vu cáo là cho thuyền buôn lậu tê giác,
đậu khấu ở Cao Miên về nên ông bị giải cách chức đi làm lính thú ở biên thùy tỉnh

Quảng Ngãi.
Năm 1846, ông được làm phủ thừa phủ Thừa Thiên, rồi làm phủ doãn phủ Thừa
Thiên. Đến năm 1848, ông xin về hưu sống một cuội đời thoát ly sau những tháng năm
lận đận chốn quan trường đua chen.

1.3.1.4. Thời lão niên
Sau 30 năm chìm nổi, lận đận chốn quan trường làm nên khanh tướng, thỏa
được giấc mộng tung hoành thời trai trẻ, thì Nguyễn Công Trứ đã hơn 70 tuổi. Ông
mới dành trọn những tháng ngày còn lại cho riêng mình để tận hưởng đủ mọi phong vị
của cuộc sống, trọn 10 năm an vui và thích thú nhất đời ông.
Năm 1858, khi thực dân Pháp bắn phá Đà Nẵng, và lấy đất Nam kỳ. Tuy đã hơn
80 tuổi nhưng ông vẫn tha thiết tòng quân đánh giặc: “Thân già này còn thở ngày nào
thì xin hiến cho nước ngày ấy”.[12; tr.366]. Nhưng vì tuổi già sức yếu nên không được
nhà vua chấp thuận. Trong năm đó Nguyễn Công Trứ qua đời, sau khi sống trọn một
cuộc đời đầy thăng trầm hơn 80 tuổi của ông. Nhằm ngày 14 tháng Mười một năm
1858.

1.3.2. Sự nghiệp làm quan

25


×