TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KINH TẾ - QUẢN TRỊ KINH DOANH
PHAN LÝ NGỌC THẢO
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BẢO HIỂM
NÔNG NGHIỆP ĐẾN THU NHẬP CỦA
HỘ NUÔI TÔM Ở TỈNH BẠC LIÊU
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Ngành: Tài chính - Ngân hàng
Mã số ngành: 52340201
Tháng 11 - 2013
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KINH TẾ - QUẢN TRỊ KINH DOANH
PHAN LÝ NGỌC THẢO
MSSV: 4104551
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BẢO HIỂM
NÔNG NGHIỆP ĐẾN THU NHẬP CỦA
HỘ NUÔI TÔM Ở TỈNH BẠC LIÊU
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Ngành: Tài chính - Ngân hàng
Mã số ngành: 52340201
CÁN BỘ HƯỚNG DẪN
TS. PHAN ĐÌNH KHÔI
Tháng 11 - 2013
LỜI CẢM TẠ
Em chân thành cảm ơn Thầy trong thời gian qua đã hỗ trợ em thực hiện
Luận văn Tốt nghiệp của mình. Những đóng góp quý báu của Thầy không chỉ
giúp em hoàn thành Luận văn ra trường mà còn cung cấp cho em thêm kiến
thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Chân thành cảm ơn các cơ quan, ban ngành và Công ty Bảo hiểm Bảo
Việt Bạc Liêu đã hỗ trợ, giúp đỡ em trong quá trình thu số liệu tại các địa
phương thuộc tỉnh Bạc Liêu.
Cảm ơn gia đình đã ủng hộ và là nguồn động viên to lớn giúp con vượt
qua mọi khó khăn, để hoàn thành Luận văn Tốt nghiệp ra trường.
Một lần nữa, em chân thành cảm ơn Thầy. Em xin kính chúc Thầy luôn
được nhiều sức khoẻ, thành công trong công việc và cuộc sống.
Cần Thơ, ngày 18 tháng 11 năm 2013./.
Người thực hiện
Phan Lý Ngọc Thảo
i
TRANG CAM KẾT
Tôi xin cam kết Luận văn này được hoàn thành dựa trên các kết quả
nghiên cứu của tôi và các kết quả nghiên cứu này chưa được dùng cho bất cứ
Luận văn cùng cấp nào khác.
Cần Thơ, ngày 18 tháng 11 năm 2013./.
Người thực hiện
Phan Lý Ngọc Thảo
ii
MỤC LỤC
Trang
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU............................................................................. 1
1.1 Đặt vấn đề nghiên cứu ................................................................................. 1
1.2 Mục tiêu nghiên cứu .................................................................................... 2
1.2.1 Mục tiêu chung ..................................................................................... 2
1.2.2 Mục tiêu cụ thể ..................................................................................... 2
1.3 Câu hỏi nghiên cứu ...................................................................................... 2
1.4 Phạm vi nghiên cứu ..................................................................................... 2
1.4.1 Phạm vi không gian .............................................................................. 2
1.4.2 Phạm vi thời gian.................................................................................. 2
1.4.3 Đối tượng nghiên cứu ........................................................................... 2
1.5 Kết cấu luận văn .......................................................................................... 3
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
............................................................................................................................ 4
2.1 Cơ sở lý luận ................................................................................................ 4
2.1.1 Bảo hiểm nông nghiệp .......................................................................... 4
2.1.2 Thu nhập và sự cần thiết của việc tăng thu nhập.................................. 9
2.1.3 Một số tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu.................................. 10
2.2 Phương pháp nghiên cứu ........................................................................... 12
2.2.1 Phương pháp thu thập số liệu ............................................................. 12
2.2.2 Cơ sở lý thuyết của mô hình nghiên cứu ............................................ 13
CHƯƠNG 3: GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
.......................................................................................................................... 18
3.1 Giới thiệu khái quát về tỉnh Bạc Liêu ........................................................ 18
3.1.1 Vị trí địa lý.......................................................................................... 18
3.1.2 Đặc điểm tự nhiên .............................................................................. 19
iii
3.1.3 Tình hình kinh tế - xã hội ................................................................... 21
3.2 Sơ lược tình hình kinh tế ở thành phố Bạc Liêu và huyện Hòa Bình ........ 23
3.2.1 Thành phố Bạc Liêu ........................................................................... 23
3.2.2 Huyện Hòa Bình ................................................................................. 23
3.3 Thực trạng về hoạt động nuôi tôm và việc triển khai chương trình thí điểm
BHNN trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay ..................................................... 24
CHƯƠNG 4: ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH THÍ
ĐIỂM BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP ĐẾN THU NHẬP CỦA CÁC HỘ
NUÔI TÔM Ở TỈNH BẠC LIÊU ................................................................. 28
4.1 Đặc điểm của mẫu điều tra ........................................................................ 28
4.1.1 Đặc điểm chủ hộ ................................................................................. 28
4.1.2 Đặc điểm hộ và hoạt động sản xuất .................................................... 29
4.2 Đánh giá tác động của việc tham gia BHNN đến thu nhập của hộ nuôi tôm
.......................................................................................................................... 34
4.2.1 Xác định mô hình tham gia BHNN .................................................... 34
4.2.2 Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia BHNN ................... 36
4.2.3 Đánh giá tác động ............................................................................... 37
4.3 Giải pháp .................................................................................................... 41
4.3.1 Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình BHNN ............................ 42
4.3.2 Giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất ...... 46
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ............................................... 48
5.1 Kết luận ...................................................................................................... 48
5.2 Kiến nghị.................................................................................................... 49
5.2.1 Đối với BCĐ thí điểm BHNN Trung ương ........................................ 49
5.2.2 Đối với BCĐ thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu .................. 49
5.2.3 Đối với Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu................................... 50
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................. 51
PHỤ LỤC 1..................................................................................................... 54
PHỤ LỤC 2..................................................................................................... 63
PHỤ LỤC 3..................................................................................................... 73
iv
DANH MỤC BẢNG
Trang
Bảng 2.1 Mô tả mẫu điều tra ........................................................................... 12
Bảng 2.2 Diễn giải các biến trong mô hình ..................................................... 15
Bảng 4.1 Nguồn vốn vay của các hộ nuôi tôm năm 2012 ............................... 31
Bảng 4.2 Mô tả các đặc điểm của mẫu điều tra ............................................... 33
Bảng 4.3 Kết quả ước lượng mô hình hồi quy Binary Logistic ...................... 35
Bảng 4.4 Kết quả so sánh thu nhập của hộ nuôi tôm theo phương pháp so sánh
giá trị trung bình giữa hai nhóm có kèm kiểm định t ...................................... 38
Bảng 4.5 Kết quả đánh giá tác động của chương trình BHNN đến thu nhập của
hộ nuôi tôm theo phương pháp so sánh điểm xu hướng .................................. 39
v
DANH MỤC HÌNH
Trang
Hình 3.1 Bản đồ hành chính tỉnh Bạc Liêu ..................................................... 18
Hình 3.2 Diện tích nuôi tôm so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh
Bạc Liêu giai đoạn 2010 - 2012 ....................................................................... 20
Hình 3.3 Số hộ tham gia BHNN so với tổng số hộ nuôi tôm TC - BTC theo địa
bàn triển khai BHNN của tỉnh Bạc Liêu năm 2012 ......................................... 26
Hình 4.1 Giới tính của chủ hộ.......................................................................... 28
Hình 4.2 Trình độ của chủ hộ .......................................................................... 28
Hình 4.3 Phân phối các khoản chi phí cho hoạt động sản xuất của hộ nuôi tôm
năm 2012.......................................................................................................... 30
Hình 4.4 Tổng thu nhập và tổng chi phí của nhóm hộ nuôi tôm tham gia
BHNN năm 2012 ............................................................................................. 32
vi
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BHNN
:
Bảo hiểm nông nghiệp
UBND
:
Ủy ban nhân dân
BCĐ
:
Ban chỉ đạo
ĐBSCL
:
Đồng bằng sông Cửu Long
PSM
:
Phương pháp phân tích điểm xu hướng
TC - BTC
:
Hình thức nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh
vii
CHƯƠNG 1
GIỚI THIỆU
1.1 ĐẶT VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Từ bao đời nay, sản xuất nông nghiệp đã gắn liền với đời sống của
những người dân vùng sông nước Cửu Long. Nông nghiệp không chỉ đóng vai
trò chủ lực trong cơ cấu kinh tế vùng mà còn đóng góp khoảng 22% vào tổng
giá trị sản phẩm quốc nội hằng năm của cả nước. Mặc dù, được thiên nhiên ưu
đãi vị trí địa lý cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển canh tác
và nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp nhưng người dân vùng hạ lưu châu
thổ sông Mê Kông cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thử thách
và gánh chịu những hậu quả nặng nề từ thiên tai, dịch bệnh trong quá trình sản
xuất nông nghiệp. Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ
người nông dân phát triển và bảo hộ nền sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý
nhất là việc triển khai dự án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn
2011 - 2013 tại 20 tỉnh, thành trong cả nước. Với mục tiêu hỗ trợ người nông
dân trong việc bù đắp một phần thiệt hại về mặt tài chính từ những rủi ro mà
họ gặp phải, BHNN đang từng bước chứng minh vai trò cũng như tầm quan
trọng của mình trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc triển khai BHNN đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập ở
các địa phương dẫn đến tình trạng bảo hiểm nông nghiệp chưa thực sự phát
huy hiệu quả như mong muốn. Điển hình như những khó khăn gặp phải khi
triển khai BHNN đối với tôm ở 4 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL) là Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau trong thời gian gần đây.
Trong đó, đáng chú ý là vụ việc rất nhiều người nuôi tôm ở các địa phương
được chọn thí điểm BHNN của tỉnh Bạc Liêu đã bỏ nghề, treo ao từ đầu năm
đến nay. Nguyên nhân là do chưa nhận được tiền bồi thường từ bảo hiểm, dẫn
đến thiếu hụt vốn để khắc phục khó khăn, trong khi giá thức ăn cho tôm tăng
liên tục cùng với sự sụt giảm nghiêm trọng của chất lượng tôm giống và thuốc
sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Đề tài “Đánh giá tác động của bảo hiểm nông nghiệp đến thu nhập
của hộ nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu” được chọn nhằm hiểu rõ hơn về tình hình
thực tế cũng như những ảnh hưởng của việc áp dụng BHNN đối với hoạt động
sản xuất, nuôi trồng thủy sản của người dân ở tỉnh Bạc Liêu, cụ thể là nghề
nuôi tôm.
1
1.2 MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1.2.1 Mục tiêu chung
Đánh giá tác động của BHNN đến thu nhập của các hộ nuôi tôm ở tỉnh
Bạc Liêu, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện, phát triển BHNN
phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương và góp
phần cải thiện thu nhập của các hộ nuôi tôm trên địa bàn.
1.2.2 Mục tiêu cụ thể
(1) Phân tích thực trạng việc thực hiện thí điểm BHNN đối với các hộ
nuôi tôm ở Bạc Liêu;
(2) Đánh giá tác động của BHNN đến thu nhập của các hộ nuôi tôm ở
tỉnh Bạc Liêu;
(3) Đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn đang tồn
tại trong việc thực hiện BHNN và cải thiện thu nhập từ hoạt động nuôi tôm
của người dân tham gia BHNN ở Bạc Liêu.
1.3 CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
- Tác động của BHNN đến hoạt động nuôi tôm của các hộ ở huyện Hòa
Bình và thành phố Bạc Liêu như thế nào?
- Những nhân tố nào tác động đến sự thay đổi thu nhập từ hoạt động nuôi
tôm của những hộ nông dân ở tỉnh Bạc Liêu khi tham gia thí điểm BHNN?
- Có sự khác biệt về thu nhập từ hoạt động nuôi tôm giữa những người
tham gia và không tham gia thí điểm BHNN tại tỉnh Bạc Liêu không?
1.4 PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.4.1 Phạm vi không gian
Đề tài được thực hiện tại huyện Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu, tỉnh
Bạc Liêu.
1.4.2 Phạm vi thời gian
Đề tài lấy số liệu từ năm 2010 đến hết tháng 6 năm 2013.
Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 8/2013 đến tháng 11/2013.
1.4.3 Đối tượng nghiên cứu
Các hộ nuôi tôm ở huyện Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu của tỉnh Bạc
Liêu có tham gia và không tham gia chương trình thí điểm BHNN.
2
1.5 KẾT CẤU LUẬN VĂN
Ngoài tài liệu tham khảo và phụ lục được trình bày ở phần cuối bài viết,
các nội dung chính của Luận văn này bao gồm:
Chương 1: giới thiệu. Nội dung chính trong chương này là giới thiệu sự
cần thiết của đề tài nghiên cứu, phạm vi về không gian, thời gian, đối tượng
nghiên cứu và các mục tiêu mà bài viết cần đạt được.
Chương 2: cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu. Chương này
trình bày các khái niệm, công thức liên quan đến BHNN, đặc biệt là bảo hiểm
đối với tôm nuôi. Các tài liệu và nghiên cứu khoa học về BHNN cũng được
tác giả tìm tòi, đúc kết và ghi nhận. Từ đó, giúp người đọc có cái nhìn tổng
quát hơn về thực trạng nghiên cứu BHNN nói chung và việc đánh giá tác động
của BHNN đến thu nhập của người sản xuất nói riêng. Bên cạnh đó, phương
pháp phân tích điểm xu hướng (PSM) cũng được giới thiệu và trình bày cụ thể
từng bước nhằm giúp người đọc hình dung quá trình thực hiện việc đánh giá
tác động của chương trình.
Chương 3: giới thiệu khái quát về địa bàn nghiên cứu. Chương này
giới thiệu sơ lược các đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh Bạc
Liêu. Đồng thời, tác giả còn trình bày thực trạng triển khai bảo hiểm tôm nuôi
trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại.
Chương 4: đánh giá tác động của chương trình thí điểm BHNN đến
thu nhập của các hộ nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu. Nội dung trọng tâm của
chương này là trình bày kết quả đánh giá tác động của chương trình BHNN
đến thu nhập của hộ nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu. Từ đó, tác giả đề xuất một số
giải pháp nhằm khắc phục những mặt hạn chế còn tồn tại và góp phần nâng
cao hiệu quả chương trình BHNN. Ngoài ra, các đặc điểm của mẫu điều tra và
các nhân tố tác động đến quyết định tham gia BHNN cũng được đề cập đến.
Chương 5: kết luận và kiến nghị. Các nội dung đã đề cập trong bài viết
và kết quả phân tích, đánh giá được trình bày tóm tắt trong phần kết luận.
Ngoài ra, dựa trên những giải pháp đã đề ra ở chương 4, tác giả kiến nghị đến
các cơ quan chức năng có thẩm quyền với mong muốn góp phần hoàn thiện và
nâng cao công tác thực hiện chương trình BHNN, cụ thể là bảo hiểm tôm nuôi
ở tỉnh Bạc Liêu.
3
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.1.1 Bảo hiểm nông nghiệp
2.1.1.1 Khái niệm
Bảo hiểm nói chung và BHNN nói riêng có nguồn gốc và lịch sử phát
triển khá lâu đời trên thế giới. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một định
nghĩa thống nhất về bảo hiểm cũng như các nghiệp vụ cụ thể trong hoạt động
kinh doanh bảo hiểm, bao gồm cả định nghĩa về nghiệp vụ bảo hiểm trong
nông nghiệp. Theo Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ban hành
ngày 09/12/2000 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
BHNN là một trong 12 sản phẩm của loại hình bảo hiểm phi nhân thọ. Luật
Bảo hiểm Nông nghiệp của bang New Brunswick - một tỉnh bang ven biển
thuộc vùng miền đông của Canada, định nghĩa: “Bảo hiểm nông nghiệp là một
công cụ quản lý rủi ro kinh doanh có giá trị, cung cấp cho người nông dân sự
bảo đảm về mặt tài chính khi đối mặt với các thiệt hại trong sản xuất do các
hiểm họa tự nhiên như hạn hán, lũ lụt, mưa đá, sương giá, độ ẩm và côn
trùng”. Theo Iturrioz (2009, trang 2), BHNN là một hình thức quản lý rủi ro
được sử dụng để tự bảo hiểm khi bị tổn thất, là sự chuyển giao công bằng các
nguy cơ mất mát từ một thực thể sang đổi lấy phí bảo hiểm hoặc một mất mát
nhỏ ở hiện tại cho một thiệt hại lớn có thể xảy ra ở tương lai.
Tóm lại, BHNN được hiểu như một trong những nghiệp vụ của loại hình
bảo hiểm phi nhân thọ mà đối tượng được bảo hiểm là các sản phẩm nông
nghiệp trước những rủi ro có khả năng xảy ra trong hoạt động canh tác sản
xuất.
2.1.1.2 Sự ra đời và phát triển của BHNN
a) Trên thế giới
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, từ rất xa xưa, con người đã tìm cách để
bảo vệ bản thân và cả tài sản của mình trước những rủi ro, tổn thất (Bland,
1998). Trong thời tiền sử, các ý tưởng và tổ chức gần giống bảo hiểm đã xuất
hiện với các hình thái đơn giản. Các nhà khảo cổ đã chứng minh những người
Ba-bi-lon và Trung Hoa cổ đại đã biết cùng nhau góp một phần thóc thu hoạch
được vào một kho chung phòng khi mất mùa, thiên tai, đói kém. Có thể nói
hành động này được xem là một hình thái sơ khai nhất của BHNN. Đến thế kỷ
thứ XIX, BHNN mới dần phát triển hoàn thiện cùng với sự đa dạng của các
sản phẩm nông nghiệp được bảo hiểm bao gồm cây trồng, vật nuôi, thủy sản ở
4
các quốc gia thuộc châu Âu và châu Mỹ như Anh, Mỹ và Canada. Mặc dù, là
châu lục có nhiều quốc gia với sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong
cơ cấu nền kinh tế nhưng BHNN ở châu Á chỉ mới phát triển vào khoảng thập
niên 30 của thế kỷ XX, tiêu biểu là Luật về bảo hiểm cây trồng của Nhật Bản
được ban hành năm 1938. So với các nước khác trong khu vực và trên thế
giới, BHNN còn khá mới mẻ đối với người dân trực tiếp canh tác nông nghiệp
ở các nước châu Á, trong số đó phải kể đến Việt Nam.
b) Tại Việt Nam
Nói về BHNN tại Việt Nam, năm 1980, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt thí
điểm BHNN đối với cây lúa ở hai huyện Vụ Bản và Nam Ninh thuộc tỉnh
Nam Định, đánh dấu sự xuất hiện của BHNN tại Việt Nam. Tiếp sau đó là một
khoảng thời gian dài gần 10 năm (1983 - 1993), BHNN không phát triển mở
rộng thị trường, chỉ dừng lại ở mức độ triển khai thăm dò bởi một công ty bảo
hiểm. Tính đến năm 1998, Công ty Bảo Việt đã mở rộng dịch vụ tới 26 tỉnh,
nhận bảo hiểm cho 200.000 hecta lúa. Song đến năm 1999, theo thống kê của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công ty buộc phải bỏ cuộc vì không
có lãi (thu phí được 13 tỷ đồng nhưng phải bồi thường 14,4 tỷ đồng), các dịch
vụ BHNN khác (vật nuôi và cây trồng) cũng trong tình trạng không mấy khả
quan. Từ năm 1999, Bảo Việt đã ngừng BHNN đối với cây lúa. Bên cạnh đó,
Bảo Việt cũng đã xúc tiến bảo hiểm đối với vật nuôi và một số loại cây công
nghiệp như cao su, cây bạch đàn làm nguyên liệu giấy. Tuy nhiên, các sản
phẩm này mới chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ, hiệu quả còn hạn chế và
cũng đã chấm dứt từ lâu. Song song đó, Bảo Việt cũng có dự án phát triển bảo
hiểm đối với thủy sản như cá tra, cá ba sa, nhưng các tỉnh cho rằng các điều
kiện Bảo Việt đưa ra quá chặt, người nông dân khó có thể tham gia được.
Tiếp đến là Công ty Groupama (công ty 100% vốn của Pháp) bắt đầu đầu
tư vào thị trường BHNN Việt Nam từ năm 2001. Tuy nhiên, đến cuối năm
2003, công ty lỗ nặng khi phải trả tiền bồi thường bảo hiểm cho con tôm vụ
nghịch quá cao so với tổng số tiền bảo hiểm thu được. Từ năm 2006 đến nay,
không thấy bất kỳ thông tin nào của công ty này liên quan đến BHNN. Năm
2010, có thêm Tổng công ty cổ phần Bảo Minh tham gia bảo hiểm cho cây cà
phê và Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp triển khai bảo
hiểm bò sữa tại Nghệ An. Hiện tại, theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Chính
phủ ban hành ngày 01/3/2011, chương trình thí điểm BHNN đang được tiến
hành trên 20 tỉnh, thành trong cả nước và dự kiến kết thúc vào ngày
30/6/2014.
5
Nhìn chung, BHNN ở Việt Nam tuy đã được triển khai nhưng vẫn còn
khá xa lạ với người nông dân, còn nhiều bất cập và chưa thực sự gặt hái được
thành công như mong đợi từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm và cả việc đạt
được mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho người nông dân từ phía Nhà
nước. Vì vậy, lãnh đạo các cấp và các doanh nghiệp bảo hiểm cần thảo luận kỹ
càng và đưa ra các biện pháp khả thi, hiệu quả nhằm khai thác thị trường
BHNN đầy tiềm năng này.
2.1.1.3 Sự cần thiết của BHNN
Sản xuất nông nghiệp thường phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khó thể
tránh khỏi. Chính những rủi ro do thời tiết, dịch bệnh và sự biến động cung
cầu cũng như giá cả trên thị trường đã khiến sản lượng thu hoạch bị sụt giảm
và thu nhập của người nông dân trở nên bấp bênh. Tuy nhiên, theo Alderman
và Paxson (1992) cho rằng rủi ro vẫn có thể được quản lý nhằm điều chỉnh và
kiểm soát thu nhập của mình. Một trong những công cụ quản lý rủi ro phải kể
đến bảo hiểm cho các sản phẩm nông nghiệp. BHNN là một trong nhiều
phương cách giúp người nông dân an tâm phục hồi và phát triển sản xuất,
giảm bớt nỗi ám ảnh bởi sự thiếu vốn đầu tư và nợ nần chồng chất sau những
thiệt hại từ các vụ canh tác. Riêng đối với hoạt động nuôi tôm - một cái nghề
được mệnh danh là “nghề bà cậu” thì việc tham gia BHNN là cần thiết hơn
bao giờ hết. Bên cạnh đó, sự bình ổn về thu nhập của các hộ nông dân nói
riêng và của những gia đình nói chung sẽ góp phần vào sự phát triển của nền
sản xuất nông nghiệp, sự ổn định an ninh, trật tự xã hội và sự tăng trưởng
chung của cả nền kinh tế.
Ngoài ra, BHNN cũng là một hướng đi mới cho các doanh nghiệp bảo
hiểm nhằm khai phá một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng như Việt Nam
hiện nay. Sản xuất nông nghiệp đóng góp khoảng 22% vào tổng giá trị sản
phẩm quốc nội hàng năm của cả nước và khoảng 50% - 60% dân số là nông
dân. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn rất nhiều khó khăn. Theo
thống kê của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tổng giá trị thiệt hại trong
sản xuất nông nghiệp hàng năm rất lớn, có thời điểm chiếm tới 10,5% tổng giá
trị sản phẩm quốc nội của cả nước như năm 2004. Dù vậy, để BHNN có thể
khẳng định vị trí quan trọng và phát huy hiệu quả vai trò của mình trong hoạt
động sản xuất nông nghiệp thì rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách Nhà nước,
sự chung tay góp sức của các cấp, ban ngành và sự nhiệt tình tham gia từ phía
các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm.
6
2.1.1.4 Bảo hiểm tôm
a) Khu vực triển khai thí điểm BHNN đối với thủy sản
Căn cứ Thông tư 47/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn ban hành ngày 29/6/2011, tại Điều 1, khoản 2 quy định đối tượng
được bảo hiểm và khu vực thực hiện thí điểm đối với hoạt động nuôi trồng
thủy sản, cụ thể như sau:
- Đối với cá tra, cá ba sa: Bến Tre, Trà Vinh.
- Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng: Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà
Mau.
b) Một số quy định cụ thể về bảo hiểm tôm
Dựa trên quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm tôm/cá được
xây dựng và ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày
16/12/2011 của Bộ trưởng Bộ tài chính, bảo hiểm tôm nuôi được quy định cụ
thể như sau:
- Đối tượng được bảo hiểm: Là tôm sú, tôm thẻ chân trắng được nuôi
trồng thương phẩm tại các cơ sở nuôi trồng.
- Người được bảo hiểm: Là hộ nông dân hoặc tổ chức nuôi thương phẩm
tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
- Diện tích nuôi trồng: Là diện tích bề mặt của cơ sở nuôi trồng tính bằng
đơn vị mét vuông (m2), không bao gồm diện tích ao/hồ chứa lắng và ao/hồ xử
lý chất thải.
- Ngày nuôi thứ nhất: Là ngày con giống được thả vào cơ sở nuôi trồng.
- Thời điểm thu hoạch: Là thời điểm tôm/cá được vớt ra khỏi cơ sở nuôi
trồng để tiêu thụ hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
- Phạm vi BH:
+ Tôm sú bị mắc bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh teo và hoại tử
gan tụy; tôm thẻ chân trắng bị mắc bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hội
chứng Taura, bệnh teo và hoại tử gan tụy. Các dịch bệnh tôm/cá trên được xác
nhận và công bố bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền.
+ Tôm/cá chết hàng loạt và/hoặc mất trắng do thiên tai được xác nhận và
công bố bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền.
7
- Thời hạn, phí bảo hiểm và mức hỗ trợ của Nhà nước:
Thời hạn:
+ Đối với tôm thẻ chân trắng, thời hạn bảo hiểm có hiệu lực kể từ 00h00
ngày nuôi thứ nhất (ngày thả con giống) đến 24h00 ngày nuôi thứ 80 và được
ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm.
+ Đối với tôm sú, thời hạn bảo hiểm có hiệu lực kể từ 00h00 ngày nuôi
thứ nhất (ngày thả con giống) đến 24h00 ngày nuôi thứ 120 và được ghi rõ
trong hợp đồng bảo hiểm.
Số tiền bảo hiểm:
STBH = (DT x MĐ x HS x GT) + CG
(2.1)
Trong đó:
STBH: Số tiền bảo hiểm (đồng)
DT: Diện tích nuôi trồng (m2)
MĐ: Mật độ nuôi trồng (con/m2)
HS: Khối lượng thức ăn trung bình của tôm. Trong đó tôm sú là 0,03 kg/con,
tôm thẻ chân trắng là 0,02 kg/con
GT: Giá thức ăn trung bình (đồng/kg)
CG: Giá mua con giống (đồng)
Phí bảo hiểm được tính theo công thức sau: (xem phụ lục 3 - Bảng 1)
Phí bảo hiểm = Số tiền bảo hiểm x Tỷ lệ phí bảo hiểm
(2.2)
Mức hỗ trợ của Nhà nước đối với từng đối tượng như sau: (xem phụ
lục 3 - Bảng 2)
Phí BHNN thực tế phải đóng = Phí BHNN x (100% - Mức hỗ trợ) (2.3)
- Thanh toán bồi thường: (xem phụ lục 3 - Bảng 3)
Số tiền bồi thường: Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm
sẽ chi trả cho người được bảo hiểm số tiền bồi thường được tính theo công
thức sau:
Số tiền bồi thường = (Tỷ lệ thiệt hại được BH x Số tiền BH)
x (100% - Mức khấu trừ)
Mức khấu trừ: 30%
8
(2.4)
2.1.2 Thu nhập và sự cần thiết của việc tăng thu nhập
2.1.2.1 Khái niệm về thu nhập
Thu nhập của mỗi gia đình là số tiền hoặc sản phẩm mà các thành viên
trong gia đình có được trong một khoảng thời gian nhất định thông qua lao
động, giá trị tài sản phát sinh mà gia đình đang sở hữu và các khoản trợ cấp.
Với cách định nghĩa như trên, thu nhập sẽ được hiểu là số tiền hoặc sản phẩm
thu về, chưa xét đến khoản chi phí đã bỏ ra để nhận được phần thu về đó. Ví
dụ, trong sản xuất nông nghiệp thì thu nhập như đề cập chỉ là số tiền thu về từ
việc bán nông sản. Tuy nhiên, theo mục tiêu của bài nghiên cứu, tác giả cần
xem xét đến thu nhập liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động sản xuất
hay nói cách khác là đánh giá phần còn lại nhận được sau khi đã trừ các khoản
chi phí liên quan.
2.1.2.2 Phân loại thu nhập
Theo tìm hiểu và tổng hợp của tác giả, thu nhập có thể chia thành hai loại
dựa trên đặc điểm hình thành, bao gồm: thu nhập chủ động và thu nhập thụ
động.
- Thu nhập chủ động là khoản tiền, thù lao nhận được sau quá trình lao
động như tiền lương, tiền công khi người đó là người làm công ăn lương, tiền
thu được từ việc bán sản phẩm nào đó có giá trị như người nông dân bán sản
phẩm nông nghiệp (ví dụ: thóc lúa, tôm, cá,…) do mình trực tiếp trồng hoặc
nuôi.
- Thu nhập thụ động là thu nhập có được từ tài sản đang sở hữu hay từ
một khoản đầu tư. Ta dễ dàng nhận thấy các khoản thu nhập thụ động trong
thực tế đời sống, bao gồm tiền thu từ việc cho thuê nhà, thuê đất, thu nhập lãi
từ việc sở hữu chứng khoán, bán trái phiếu, các khoản hỗ trợ từ phía Nhà
nước, các tổ chức xã hội,…
2.1.2.3 Sự cần thiết của việc tăng thu nhập
Thu nhập là một trong những nhân tố quan trọng quyết định mức chi tiêu
và chất lượng cuộc sống của mỗi hộ gia đình. Đồng thời, nó cũng là cơ sở để
tăng phần tích lũy và tác động đến quyết định đầu tư, tái sản xuất trong tương
lai của họ. Thu nhập của mỗi thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến thu
nhập của hộ gia đình đó và ảnh hưởng đến thu nhập bình quân của một vùng,
một quốc gia. Việc tăng thu nhập bình quân là một trong những điều kiện cần
thiết, cần được xem xét khi triển khai, thực hiện các chính sách, chủ trương
của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, theo Angus Deaton
(2001) thu nhập mỗi hộ gia đình sẽ tác động đến tình trạng sức khỏe của mỗi
9
cá nhân thông qua việc chi tiêu cho nhu cầu dinh dưỡng và các dịch vụ chăm
sóc sức khỏe. Hơn thế nữa, thu nhập còn tác động đến việc phát sinh và tồn tại
của các vấn đề xã hội. Thực tế đã chứng minh, khi mức thu nhập thấp, đặc biệt
là thu nhập của các hộ gia đình ở nông thôn thì việc thỏa mãn các nhu cầu trở
nên rất khó khăn. Chính điều này là một trong những nguyên nhân xuất hiện
việc nhiều trẻ em ở các gia đình khó khăn bỏ học sớm để lao động kiếm sống,
dẫn đến việc dễ dàng nảy sinh các tệ nạn xã hội như trộm cắp, nghiện hút,…
Như vậy, việc tăng thu nhập cho người lao động nói chung và của người nông
dân nói riêng là một trong những phương cách góp phần giải quyết các vấn đề
xã hội, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, góp
phần vào sự phát triển và tăng trưởng chung của cả nền kinh tế vùng và quốc
gia.
2.1.3 Một số tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu
Harwood et al. (1999) từng ghi nhận sản xuất nông nghiệp từ lâu đã được
công nhận là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro. Một trong những cách hiệu
quả nhằm phòng ngừa rủi ro trong sản xuất nông nghiệp cho người nông dân
là BHNN (Gudbrand Lien et al., 2003 và M. Njavro et al., 2007). BHNN đã
xuất hiện và phát triển từ rất lâu ở các nước thuộc châu Âu, châu Mỹ với đối
tượng bảo hiểm chủ yếu là cây trồng và vật nuôi. Vào khoảng giữa những năm
80 của thế kỷ XX, BHNN mới thực sự bắt đầu phát triển ở một số nước châu
Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bangladesh, Philippines, Trung Quốc,
Đài Loan và Việt Nam. Chính sách bảo hiểm áp dụng đối với một số loại nông
sản, trong đó có thủy sản như cá chép, cá mè, cá rô phi, cá da trơn và tôm
nước lợ.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu và thống kê mà tác giả tìm
thấy, đa số tập trung vào việc phản ánh thực trạng triển khai BHNN ở các
quốc gia và xem xét nhân tố quyết định tham gia BHNN của các hộ nông dân.
Các nghiên cứu về tác động của BHNN đến thu nhập của người tham gia cũng
được tìm thấy nhưng với số lượng khá khiêm tốn. Theo một nghiên cứu gần
đây của Daniel A. Sumner và Carl Zulauf (2012) cho thấy chương trình bảo
hiểm cây trồng (các sản phẩm nông nghiệp được bảo hiểm chỉ bao gồm ngô,
đậu tương, lúa mì, gạo và bông vải) ở Mỹ đã đạt được kết quả như mong đợi
là góp phần làm ổn định thu nhập của các hộ sản xuất khi tham gia chương
trình. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc phản ánh tình hình thu nhập
của các hộ nông dân tham gia BHNN có xu hướng tăng trong bối cảnh sản
xuất chịu nhiều rủi ro giai đoạn 2002 - 2011, thông qua việc sử dụng phương
pháp thống kê mô tả.
10
Bên cạnh đó, Morduch (1995) và Zimmerman và Carter (2003) cũng đã
đưa ra quan điểm về việc thu nhập của hộ sản xuất ổn định hoặc có khả năng
tăng khi họ tham gia BHNN. Bằng quan sát thực tế và các số liệu thống kê,
các tác giả trên đã lập luận rằng: các hộ gia đình và các doanh nghiệp thường
tham gia vào các hoạt động sản xuất chứa đựng những rủi ro thấp, nhằm bảo
vệ tài sản và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Và tâm lý ngại rủi ro này đóng
vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định tham gia và mở rộng sản
xuất. Trước đó, Rosenzweig và Binswanger (1993) cũng đã đưa ra nhiều dẫn
chứng cho thấy rằng: ở vùng nhiệt đới khô hạn của Ấn Độ, những người nông
dân có thu nhập thấp thường chỉ canh tác trên một diện tích nhỏ và không đa
dạng hóa cây trồng vì thiếu vốn đầu tư và nỗi lo lắng những rủi ro lớn có thể
xảy ra bởi sự khắc nghiệt của thời tiết. Theo ước tính, hằng năm những người
dân này đã bỏ đi khoảng 35% lợi nhuận tiềm năng từ diện tích đất đang sở hữu
cũng như khả năng sản xuất mà họ có. Tác giả này cũng đã khẳng định rằng
nếu các hộ gia đình này tham gia BHNN, họ có thể chuyển sang hoạt động sản
xuất hứa hẹn mang lại thu nhập cao hơn.
Thêm vào đó, một nghiên cứu được công bố tại Hội nghị Kinh tế và
Thương mại thủy sản thế giới năm 2008 của Mumford và các cộng sự đã
chứng minh tác động hiệu quả của chương trình thí điểm bảo hiểm thủy sản
đến việc ổn định thu nhập của các ngư dân nuôi cá hồi ở vịnh Bristol, một
phần của bán đảo Alaska, phía tây bắc nước Mỹ giai đoạn 2001 - 2007. Ngoài
ra, các nghiên cứu của Lai (1997) và Chen (2001) cũng xem xét đến thu nhập
cá nhân và tổng thu nhập của hộ gia đình từ hoạt động sản xuất khi họ tham
gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp của chính phủ Đài Loan và Trung
Quốc. Tuy nhiên, các tác giả trên chỉ đề cập đến thu nhập của hộ gia đình như
một nhân tố tác động đến việc tham gia BHNN, chứ không đi sâu phân tích tác
động của chương trình BHNN đến thu nhập từ sản xuất của hộ gia đình.
Về phía các đề tài nghiên cứu trong nước, đa số các tác giả tập trung
phân tích thực trạng triển khai BHNN thông qua phương pháp thống kê mô tả.
Bên cạnh đó, những nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định
tham gia BHNN cũng được công bố nhưng với số lượng còn khá hạn chế. Hầu
hết, các tác giả đều đưa ra quan điểm rằng BHNN thực sự là một công cụ
phòng ngừa rủi ro hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.
Đồng thời, BHNN được nhận định là một trong những cách thức giúp hộ sản
xuất nông nghiệp vượt qua các cú sốc về thu nhập (Newman et al., 2011).
Nhóm tác giả này cũng đề xuất rằng chương trình BHNN của nước ta nên
hướng trực tiếp vào việc giảm thiểu rủi ro cho người nông dân hơn là việc đạt
được các mục tiêu mang tính xã hội. Bởi vì, khi sản xuất được hỗ trợ và mang
11
lại hiệu quả kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiệt hại mà hộ bị tác
động phải gánh chịu. Song song với các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của
Nhà nước, các vấn đề đói nghèo sẽ dần được giải quyết.
Do đó, các nghiên cứu về tác động của BHNN đến thu nhập của người
nông dân ở các địa phương đang diễn ra chương trình thí điểm là cần thiết và
cấp bách hơn bao giờ hết. Kết quả từ các nghiên cứu này sẽ cho chúng ta cái
nhìn rõ ràng hơn về tác động của BHNN đến đời sống kinh tế và hoạt động
sản xuất của hộ nông dân khi tham gia chương trình thông qua thu nhập của
họ. Từ đó, đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tế ở từng địa phương
nhằm góp phần hoàn thiện và phát huy hiệu quả chương trình BHNN.
2.2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2.1 Phương pháp thu thập số liệu
Số liệu sơ cấp của đề tài:
+ Phương pháp chọn mẫu: Nhằm đảm bảo tính khoa học, tính chính xác
của số liệu sơ cấp và đáp ứng mục tiêu của nghiên cứu, phương pháp chọn
mẫu ngẫu nhiên theo cụm được sử dụng để tiến hành thu thập số liệu.
Cỡ mẫu được chọn là 113 hộ nuôi tôm bao gồm các hộ có và không tham
gia chương trình thí điểm BHNN ở hai địa phương là huyện Hòa Bình và
thành phố Bạc Liêu của tỉnh Bạc Liêu. Bảng 2.1 trình bày địa bàn và số hộ
trong mẫu điều tra, cụ thể như sau:
Bảng 2.1: Mô tả mẫu điều tra
Số hộ không tham gia
BHNN (hộ)
Địa phương
Số hộ tham gia BHNN (hộ)
Huyện Hòa Bình
38
23
Thành phố Bạc Liêu
21
31
59
54
Tổng cộng
Nguồn: Chọn mẫu điều tra của tác giả, 10/2013
Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua điều tra. Dựa trên nội dung
nghiên cứu của đề tài, thiết kế bảng hỏi điều tra. Sau đó, tiến hành phỏng vấn
các nông hộ theo tiêu chí đã đề ra.
+
Phương pháp điều tra: Phỏng vấn trực tiếp những đối tượng tham gia
BHNN dựa trên phiếu câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn. Các câu hỏi xoay quanh
chủ đề hoạt động nuôi tôm của gia đình và sự thay đổi đời sống, thu nhập của
người nông dân và của vùng khi địa phương triển khai thí điểm BHNN.
+
12
Số liệu thứ cấp của đề tài được thu thập từ các nguồn:
- Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu: Báo cáo kết quả thực hiện thí
điểm BHNN qua các năm và một số tài liệu liên quan đến đối tượng nghiên
cứu;
- Các tổ chức khác: các đề tài, dự án nghiên cứu, tài liệu hội thảo có liên
quan đến việc thực hiện thí điểm BHNN;
- Những thông tin có liên quan đến nội dung nghiên cứu từ các website.
2.2.2 Cơ sở lý thuyết của mô hình nghiên cứu
Trong sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động nuôi trồng thủy sản
nói riêng, đặc biệt là đối với các loài thủy sản “khó tính” như tôm sú và tôm
thẻ chân trắng, rủi ro về dịch bệnh xảy ra có thể khiến người nông dân rơi vào
cảnh “trắng tay” trong mùa vụ canh tác đó. Khi vấn đề thiệt hại tiếp diễn trong
các mùa vụ sau sẽ dẫn đến thu nhập của hộ gia đình lại càng bấp bênh. Tuy
nhiên, khi hộ nuôi tôm đó mua BHNN cho phần diện tích nuôi trồng thì số tiền
bồi thường từ bảo hiểm sẽ phần nào bù đắp cho khoản thiệt hại mà họ đã đầu
tư. Như vậy, về mặt suy luận, chúng ta đã cơ bản nhận ra sự khác biệt giữa thu
nhập của hộ nuôi tôm tham gia và không tham gia BHNN với giả định thu
nhập chính của hộ gia đình là từ hoạt động nuôi tôm và diện tích nuôi tôm
không thay đổi quá lớn trong một năm.
Đánh giá tác động của một chương trình hay một dự án thực chất là việc
so sánh phần lợi ích mà người tham gia thu được sau khi chương trình, dự án
đó được triển khai. Để xác định được giá trị tác động đích thực của chương
trình, chúng ta cần tạo ra sự tương đồng trong quá trình so sánh, ví dụ như khi
so sánh theo thời gian thì thu thập thông tin trên cùng một người trước và sau
khi dự án diễn ra hoặc nếu so sánh theo không gian thì dựa trên những đặc
điểm tương đồng của người tham gia và người không tham gia. Vì điều kiện
khách quan về thời gian và nguồn lực nên bài nghiên cứu sẽ tiến hành đánh giá
tác động theo không gian bằng việc vận dụng phương pháp so sánh điểm xu
hướng (Propensity Score Matching).
Ra đời vào tháng 4/1983 thông qua đề xuất của Rosenbaum và Rubin,
phương pháp so sánh điểm xu hướng được nghiên cứu phát triển và là phương
pháp được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu khoa học trên thế giới. Theo
số liệu tổng hợp từ một báo cáo của Barbara Sianesi (2012), đã có gần 270.000
lượt truy cập thông tin về phương pháp này trên mạng thông qua Google. Tuy
nhiên, ở Việt Nam, phương pháp so sánh điểm xu hướng chỉ được ứng dụng
trong các nghiên cứu thuộc lĩnh vực y sinh học như đánh giá hiệu quả của một
13
loại thuốc hay tác động của một liệu pháp điều trị, với số lượng không nhiều.
Số lượng công trình nghiên cứu về đánh giá tác động của các chương trình, dự
án kinh tế, xã hội hiện tại vẫn còn khá hạn chế.
Phương pháp so sánh điểm xu hướng là kỹ thuật tạo ra hai nhóm gồm
nhóm can thiệp và nhóm chứng tương đồng nhau dựa vào giá trị xác suất của
mỗi cá thể (hay còn gọi là điểm xu hướng). Giá trị xác suất này được xác định
từ các đặc điểm của các cá thể ở hai nhóm trước khi xác định hiệu quả tác
động của chương trình, dự án. Sau đó, đem các giá trị xác suất này ghép cặp so
sánh bằng nhiều phương pháp khác nhau. Hiệu quả can thiệp bình quân của
chương trình được tính toán bằng sai biệt trung vị trong các kết quả giữa hai
nhóm tham gia và không tham gia chương trình.
Theo Lương Vinh Quốc Duy (2008), phương pháp so sánh điểm xu
hướng được đánh giá rất cao trong đánh giá tác động của dự án bởi tính khả
thi của nó. Đối với các phương pháp so sánh khác, nhằm đảm bảo tính tương
đồng, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành khảo sát cùng một đối tượng nghiên cứu
trước và sau khi tham gia chương trình. Đây là điều khó thể thực hiện vì các
yếu tố khách quan phức tạp như kinh phí, nguồn lực,… Trong khi đó, vận
dụng phương pháp so sánh điểm xu hướng theo không gian, chúng ta sẽ khắc
phục đáng kể các tác động không mong muốn đó. Tuy nhiên, phương pháp
này cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định. Như đã đề cập, phương pháp so
sánh điểm xu hướng sẽ tiến hành ghép cặp dựa trên xác suất tính từ những đặc
điểm quan sát được. Trong trường hợp, những đặc điểm không quan sát được
hoặc vì một số lý do nào đó không đưa vào nghiên cứu nhưng các đặc điểm đó
lại có ảnh hưởng đến việc tham gia chương trình, dự án đó sẽ tạo ra sai lệch và
ảnh hưởng đến việc ghép cặp so sánh. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa
có một tiêu chuẩn “vàng” nào cho việc lựa chọn các đặc điểm (các biến độc
lập) để đưa vào mô hình nghiên cứu. Phần lớn các đặc tính được quan sát
thường được xác định dựa trên bản chất số liệu và hoàn cảnh nơi diễn ra
nghiên cứu (Khandker, Koolwal và Samad, 2010).
Để thực hiện đánh giá tác động thông qua việc sử dụng phương pháp so
sánh điểm xu hướng, Baker (2000), Ravallion (2001) và Khandker, Koolwal
và Samad (2010) đề xuất các bước cơ bản sau:
Bước 1: Tiến hành điều tra, thu thập thông tin của hai nhóm hộ tham gia
và không tham gia chương trình. Để đảm bảo tính tương đồng cho việc so
sánh ở bước 3, khi điều tra cần sử dụng cùng nội dung một bảng câu hỏi, cùng
địa bàn trong phạm vi mà chương trình triển khai.
14
Bước 2: Xây dựng mô hình tham gia chương trình dựa trên các đặc điểm
quan sát được và ảnh hưởng đến quyết định tham gia của hai nhóm hộ. Việc
lựa chọn các đặc điểm (các biến độc lập) tùy thuộc khả năng quan sát và lựa
chọn của nhà nghiên cứu dựa trên điều kiện và hoàn cảnh thực tế nơi lấy mẫu.
Trong bài nghiên cứu này, tác giả quan tâm đến kết quả ở nhóm hộ tham gia
và không gia chương trình nên xây dựng biến can thiệp (hay còn gọi là biến
phụ thuộc) dưới dạng nhị phân. Theo đó, mô hình hồi quy logistic nhị phân
(Binary Logistic), đã được lựa chọn và được trình bày dưới dạng:
Y D X X D D D D X X
0
1
1
2
2
3
3
4
4
5
5
6
6
7
7
8
8
9
9
i
(2.5)
Trong đó, β là một véc-tơ tham số (hệ số ước lượng) và εi là đại diện cho
các yếu tố không quan sát được. Các biến của mô hình được diễn giải cụ thể
trong bảng bên dưới:
Bảng 2.2: Diễn giải các biến trong mô hình
Tên biến
Định nghĩa
Ký hiệu
Tham gia
BHNN
Y
Y = 1 khi hộ nông dân tham gia BHNN;
Y = 0 khi hộ nông dân không tham gia BHNN
Giới tính
D1
D1 = 1, đối với nam; D1 = 0, đối với nữ
Tuổi
X2
Trình độ
học vấn
X3
Làm việc tại
địa phương
D4
Số tuổi của chủ hộ tính đến thời điểm nghiên cứu
Trình độ học vấn của chủ hộ tính bằng số năm đến
trường, với:
X3 = 0, đối với trường hợp mù chữ;
X3 [1,12], đối với trình độ phổ thông;
X3 = 14, đối với trình độ trung cấp;
X3 = 15, đối với trình độ cao đẳng;
X3 = 16, đối với trình độ đại học
D4 = 1 nếu trong gia đình có thành viên làm việc
hành chính hoặc trong các tổ chức xã hội, đoàn thể
tại địa phương; ngược lại, D4 = 0
Tập huấn
kỹ thuật
D5
D5 = 1 nếu nông hộ có tham gia tập huấn kỹ thuật
nuôi tôm; ngược lại, D5 = 0
Thông tin
D6
D6 = 1 nếu nông hộ có tiếp nhận thông tin về bảo
hiểm tôm nuôi; ngược lại, D6 = 0
Khả năng tiếp
cận tín dụng
D7
D7 = 1, khả năng tiếp cận tín dụng chính thức hoặc
phi chính thức; ngược lại, D7 = 0
Diện tích đất
nuôi tôm
X8
Diện tích đất nuôi tôm theo hình thức công nghiệp
hoặc bán công nghiệp của gia đình (1.000 m2)
Chi phí
sản xuất
X9
Số tiền mà gia đình chi cho hoạt động nuôi tôm
(1.000 đồng/1.000 m2)
15
Bước 3: Đánh giá tác động của chương trình
- Ước tính giá trị xác suất dự đoán (propensity score) cho từng cá thể
trong hai nhóm, hay còn được gọi là điểm xu hướng. Giá trị này nằm trong
khoảng từ 0 đến 1. Sau đó, loại bớt những cá thể có xác suất dự đoán quá thấp
hoặc quá cao so với cả mẫu.
Đến đây, sự ảnh hưởng của sai số chọn mẫu có thể vẫn còn và tác động
gây sai lệch trong kết quả đánh giá. Do đó, chúng ta sẽ tiến hành các kiểm
định cân bằng để chắc chắn rằng sự phân bổ xác suất của các cá thể giữa nhóm
tham gia và nhóm không tham gia là giống nhau và cùng dựa trên các đặc
điểm được quan sát tương tự. Lý thuyết về kiểm định sự cân bằng này khá
phức tạp, được trình bày chi tiết bởi Rosenbaum và Rubin (1983) và được phát
triển bởi Imbens (2000). Trong bài nghiên cứu này, tác giả quan tâm nhiều đến
kết quả của vùng hỗ trợ chung để sử dụng vào việc đánh giá tác động nên chỉ
dừng lại ở tính ứng dụng và xin phép không bàn sâu về mặt lý thuyết khoa học
của các thuật toán này. Trong bài nghiên cứu này, tác giả sử dụng lệnh pscore,
thuật toán này được viết bởi Becker và Ichino năm 2002 và được hỗ trợ trong
phần mềm Stata.
Chúng ta xây dựng nên vùng hỗ trợ chung (the region of common
support) từ các nhóm so sánh phù hợp, thỏa điều kiện cân bằng ở từng mức
điểm xu hướng giống nhau của các cá thể nhóm tham gia và không tham gia.
Vùng hỗ trợ chung này được định nghĩa là vùng phân bổ các điểm xu hướng
của nhóm tham gia và không tham gia phù hợp. Vùng chung này được sử
dụng cho các kỹ thuật so sánh cặp ở bước tiếp theo.
- Ghép cặp so sánh và tính giá trị trung bình của hai nhóm tham gia và
không tham gia bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào cỡ mẫu và
đặc điểm dữ liệu thu được, tác giả sử dụng ba kỹ thuật so sánh là so sánh cận
gần nhất (Nearest Neighbor Matching), so sánh bán kính (Radius Matching)
và so sánh hạt nhân, hay còn gọi là so sánh trung tâm (Kernel Matching) trong
bài nghiên cứu này.
So sánh cận gần nhất là một trong những kỹ thuật so sánh được sử dụng
phổ biến và thường xuyên nhất. Trong đó, các cá thể nhóm can thiệp (nhóm
tham gia) và nhóm đối chứng (nhóm không tham gia) được sắp xếp theo thứ tự
ngẫu nhiên, rồi lần lượt mỗi đơn vị can thiệp được so sánh với một đơn vị đối
chiếu có điểm xu hướng gần nhất. Việc đối chiếu có thể thực hiện dù có hay
không có thay thế. So sánh có thay thế được hiểu là sử dụng cùng một đối
tượng không tham gia để đối chiếu với nhiều đối tượng tham gia khác. Tuy
nhiên, kỹ thuật so sánh này có thể gặp một rủi ro, đó là chỉ có một nhóm nhỏ
16