Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (31.38 KB, 1 trang )
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi
dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống
lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sự hình thành và phát triển nhân cách con người không chỉ là thể hiện tình cảm đạo đức, đạo lý của dân
tộc đối với nguồn nhân lực của đất nước, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội, của tất cả các
tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, gia đình và mỗi cá nhân. Trong đó, gia đình có vai trò hết sức quan
trọng, bởi lẽ “Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục
nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong bối cảnh đất nước và quốc tế
đang có những thay đổi diện mạo về mọi mặt, đặc biệt từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, hội
nhập quốc tế, thực hiện CNH-HĐH đất nước, gia đình Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong
việc thực hiện chức năng cơ bản của mình, trong đó đề cao và nhấn mạnh chức năng xã hội hóa cá nhân
hình thành nhân cách con người. Chức năng này được gia đình thực hiện ngay từ khi con người ở thời kỳ
mới lọt lòng, còn là đứa trẻ. Chức năng này kéo dài trong suốt cuộc đời mỗi con người, và chia thành 03
giai đoan như: Từ 0-3 tuổi; Từ 03-05 tuổi; Từ 06-18 tuổi. Cả 03 giai đoạn cá nhân lớn lên đều dưới sự
chăm sóc, chỉ bảo từng bước, giai đoạn dạy dỗ, hướng dẫn, rèn luyện mỗi cá nhân, giúp cá nhân làm quen
và thực hiện các chuẩn mực trong gia đình và ngoài xã hội; điều chỉnh nhận thức để có khả năng giao tiếp
phù hợp trong các quan hệ xã hội, dần bước vào đời sống của một cá thể trong đời sống xã hội. Việc gia
đình giáo dục các cá nhân thông qua các mối quan hệ đặc biệt giữa vai trò của những thành viên trong gia
đình. Đó là quan hệ ruột thịt giữa mẹ, con, quan hệ huyết thống giữa cha, con, tình cảm của anh chị em
ruột, của bố mẹ, ông bà. Quá trình xã hội hóa cá nhân bắt đầu từ khi cá nhân có sự xác định vị trí, vai trò
của từng cá nhân trong mối quan hệ ấy. Gia đình thông qua thái độ, tâm lý, tình cảm và mối liên hệ
thường xuyên, bền bỉ, khéo léo truyền thụ cho mỗi cá nhân những mẫu mực, hành vi xã hội để ứng xử
trong gia đình và ngoài xã hội. Qua mối quan hệ đặc biệt, thái độ, tình cảm tâm lý gia đình từng bước uốn
nắn những lệch lạc hành vi, ngăn chặn những hành vi trái với chuẩn mực xã hội ở từng cá nhân. Việc giáo
dục và hình thành nhân cách con người trong gia đình có tính chất đặt nền móng, mang tính truyền thống
gia phong, thực hiện bước đi đầu tiên. Là trung tâm xuất phát điểm của giáo dục con người, là cơ sở của
những nền tảng giáo dục con người, là trường học đầu tiên của con người, gia đình có vai trò đặc biệt
trong việc xã hội hóa giáo dục con người. Do vậy, tầm quan trọng của gia đình trong việc hình thành nhân
cách con người mang nét đặc trưng của con người Việt Nam đối với thực tế xã hội đang trong công cuộc
CNH-HĐH đất nước, hội nhập quốc tế nhằm xây dựng và củng cố thiết chế gia đình Việt Nam là hết sức
cần thiết.