Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

BƯỚC đầu tìm HIỂU NHỮNG ĐÓNG góp của PHỤ nữ VIỆT NAM TRONG sự NGHIỆP GIỮ nước từ THẾ kỷ XI – XV

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (162.3 KB, 16 trang )

Chuyên đề
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA PHỤ NỮ VIỆT
NAM TRONG SỰ NGHIỆP GIỮ NƯỚC TỪ THẾ KỶ XI – XV
I. MỞ ĐẦU
Phụ nữ thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng là một lực
lượng vô cùng quan trọng trong sản xuất và trong cách mạng. Không phải
đến bây giờ phụ nữ mới thể hiện vai trò to lớn của mình mà ngay từ thời xa
xưa, phụ nữ Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp trên hầu hết mọi lĩnh vực.
Ngay từ những buổi đầu dựng nước, phụ nữ Việt Nam đã giữ một vai
trò hết sức quan trọng. Họ đã đóng góp một phần công sức lớn lao vào sự
nghiệp dựng nước và nhất là sự nghiệp giữ nước của dân tộc.
Ngay từ những năm đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng đã đứng dậy
khởi nghĩa đánh giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa
do Hai Bà lãnh đạo là một sự kiện vô cùng đẹp đẽ trong lịch sử phát triển
của dân tộc ta nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêng. Bàn về cuộc
khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo, nhà sử học Lê Văn Hưu đã viết:
“Trưng Trắc, Trưng Nhị là phụ nữ hô một tiếng mà các quận Cửu Chân,
Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng
nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết là tình thế đất Việt ta có thể
dựng được cơ nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước
họ Ngô khoảng trên 1000 năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay… Há chẳng
xấu hổ với hai chị em Trưng Vương là phụ nữ hay sao”.
Qua lời bàn của nhà sử học Lê Văn Hưu, chúng ta thấy được ý nghĩa
cũng như cống hiến to lớn của Hai Bà Trưng và của phụ nữ Việt Nam đối
với lịch sử dân tộc. Mặc dù mang tư tưởng phong kiến chính thống song ông
vẫn nhận thấy được tầm vóc cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và vai trò
của phụ nữ Việt Nam nói chung.
1


Trong chế độ phong kiến, phụ nữ Việt Nam đóng một vai trò hết sức


quan trọng trong sản xuất cũng như trong chiến đấu, nhưng họ lại không
được sử sách đương thời ghi chép một cách đầy đủ. Vì vậy, việc sưu tầm,
tìm hiểu để làm nổi bật lên vai trò của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến
nói chung và trong từng thời kỳ lịch sử nói riêng là rất cần thiết. Chỉ có nhận
thức được vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình phụ nữ mới có đầy đủ ý thức
để phát huy hết khả năng vốn có của mình trên các mặt trận, mới thực hiện
triệt để nhiệm vụ giải phóng phụ nữ. Tìm hiểu vấn đề này sẽ giúp chúng ta
có nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp
cách mạng hiện nay.
Vấn đề phụ nữ là một vấn đề đa dạng, phong phú, được phản ánh rất
nhiều trong văn học nghệ thuật, trong tục ngữ, ca dao dân ca được lưu truyền
trong dân gian. Song đối với những người làm công tác giảng dạy lịch sử
chúng ta có thể tìm hiểu người phụ nữ và những đóng góp của họ thông qua
các sử sách đương thời và có thể thông qua việc tìm hiểu trong dân gian.
Mặc dù bị hạn chế rất nhiều bởi tư tưởng phong kiến, song các nhà sử học
đương thời cũng đã ghi chép được phần nào những tấm gương phụ nữ tiêu
biểu có nhiều đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đi sâu vào tìm hiểu một cách sâu sắc các sự kiện lịch sử được ghi chép lại
chúng ta sẽ thấy nổi lên được vai trò hết sức to lớn của phụ nữ Việt Nam
dưới xã hội phong kiến, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu
tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và giải phóng đất nước.

2


II. NỘI DUNG
2.1 Địa vị người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến nói
chung và trong các thế kỷ XI – XV
Dưới chế độ phong kiến nói chung và trong các thế kỷ sau này, địa vị
của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội hết sức thấp kém. Phụ nữ

không những phải chịu sự áp bức về dân tộc, về giai cấp mà họ còn bị áp
bức cả về giới. Phụ nữ lao động là những người bị áp bức nặng nề nhất. Họ
là những “nô lệ của những nô lệ”, bị trói buộc bởi biết bao sợi dây oan
nghiệt của những tập tục hủ lậu, những lễ giáo phản động của bọn vua quan
phong kiến. Ăng-ghen đã rút ra rằng: “Sự đối lập giai cấp đầu tiên biểu hiện
trong lịch sử là sự đối lập, đối kháng giữa đàn ông và đàn bà trong chế độ
hôn nhân cá thể, và sự áp bức đầu tiên xuất hiện cùng một lúc với sự áp bức
của đàn ông đối với đàn bà”.
Ở nước ta, lễ giáo phong kiến mà bọn quan lại đô hộ Tích Quang,
Nhâm Diên, Sỹ Nhiếp,… ra sức truyền bá vào nhân dân có ảnh hưởng nhất
định đến phong hóa Việt Nam. Ít nhiều nó đã tăng cường sự áp chế trong
gia đình, củng cố chế độ phụ quyền phong kiến. Điều này không thể tránh
khỏi bởi sự phân hóa giai cấp cũng ngày càng sâu sắc trên cơ sở phát triển
nền tư hữu tài sản. Nền tảng tư tưởng chủ yếu của giai cấp phong kiến là
thuyết “Tam cương”, đó là ba giường mối của Nho giáo: đạo vua – tôi, đạo
cha – con, đạo chồng – vợ. Rồi đến “Tam tòng” là những sợi dây oan nghiệt
buộc chặt người phụ nữ Việt Nam vào khuôn khổ chật hẹp của chế độ phong
kiến. Dưới chế độ phong kiến, việc trọng nam khinh nữ là lẽ đương nhiên.
Việc bán vợ đợ con, tệ cưỡng hôn (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy), chế độ đa
thê,… là những hiện tượng phổ biến trong xã hội phong kiến. Điều đó được
thể hiện ở câu nói cửa miệng của chế độ phong kiến: “nhất nam viết hữu,
thập nữ viết vô”. Hoặc trong luật lệ nhà Lê quy định: “trong 7 lý do cho
3


phép người đàn ông bỏ vợ, có điều người vợ lắm lời, hoặc người mẹ tái giá
thì mất luôn cả quyền làm mẹ với con của chồng trước, ruộng nương tài sản
phải trả cho chồng trước…”.
Ở xã hội xưa, người phụ nữ bị buộc chặt vào cỗ xe “tam tòng”, “tứ
đức”. Trong gia đình, địa vị của người phụ nữ bị mất bình đẳng. Họ không

được hưởng những quyền lợi chính đáng, họ bị người chồng gia trưởng áp
bức về mọi mặt. Sự áp bức đó bắt nguồn từ sự áp bức về mặt kinh tế: “tình
trạng không bình đẳng giữa hai bên do những quan hệ xã hội trước kia để
lại cho chúng ta; tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân mà lại là kết quả
của việc áp bức đàn bà về mọi mặt kinh tế”.
Người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng – người có quyền
sở hữu và quản lí tài sản, quyền độc đoán về hôn nhân và có cả quyền sinh
quyền sát. Ở ngoài xã hội, người phụ nữ phải chịu số phận vô cùng bi đát.
Là một thành viên của xã hội nhưng họ lại không được pháp luật công nhận.
Phụ nữ không có quyền được học hành, luôn luôn bị trói chặt vào cuộc sống
chật hẹp của gia đình và bị tách biệt bởi các quan hệ rộng rãi của xã hội.
Trong chế độ phong kiến, địa vị của người phụ nữ vô cùng thấp kém ở
trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Họ bị mọi tầng lớp trong xã hội đè nén
áp bức. Ở các thế kỷ XI – XV, mặc dù chế độ phong kiến đang trên đà phát
triển mạnh song số phận của người phụ nữ vẫn là số phận bi đát. Bộ luật
Hồng Đức dưới triều Lê tuy được coi đặc biệt trong lịch sử phong kiến vì có
một số điều khoản công nhận và bảo đảm một số quyền lợi quan trọng của
người phụ nữ, nhìn chung đây vẫn là bộ luật gò bó, khinh miệt người phụ
nữ.
Tất cả những tác dụng và phản tác dụng, những nét tích cực và tiêu
cực nảy sinh trong mối quan hệ và sự đấu tranh hàng nghìn năm giữa người
phụ nữ Việt Nam và chế độ phong kiến, nhìn bên ngoài mà xem xét trong sự
4


vận động biện chứng thì sẽ thấy đó là sự tương phản nhưng thống nhất, là
những yếu tố tự nhiên của một sự thực sinh động. Sự thực đó là: các thế hệ
phụ nữ Việt Nam xưa trong hàng ngàn năm của xã hội cũ, đã sống, suy nghĩ
và hành động góp phần cống hiến của họ vào sự nghiệp giữ nước để hình
thành nên những đức tính truyền thống.

Nhận rõ những yếu tố tích cực cũng như những hạn chế trong hoàn
cảnh và điều kiện riêng của họ, ta sẽ hiểu rõ hơn được phần việc chung của
người phụ nữ dưới thời phong kiến ngày xưa. Ở hoàn cảnh và điều kiện
riêng như thế, họ phải cố gắng vươn lên để đóng góp sức mình vào công
việc chung nhằm giải phóng người phụ nữ, giải phóng dân tộc và giải phóng
giai cấp.
2.2 Phụ nữ Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm,
bảo vệ và giải phóng đất nước
Chúng ta đều biết, trong hàng ngàn năm có giai cấp ở xã hội cũ, chiến
tranh là hiện tượng thường trực, phổ biến. Chiến tranh làm cho cả dân tộc
phải chịu cảnh đau thương tang tóc. Người phụ nữ Việt Nam cũng phải chịu
chung số phận đau thương và phải sống trong cảnh ngộ đó. Nhưng người
phụ nữ Việt Nam không than vãn, oán trách mà họ nhìn thẳng vào thực tế và
hành động xứng đáng với truyền thống của mình và dân tộc mình.
Khi đất nước có giặc ngoại xâm thì chiến trận là công việc thích hợp
dành cho đàn ông và thường do người đàn ông đảm nhiệm. Nhưng ở Việt
Nam, một hiện tượng lịch sử đáng chú ý là việc người phụ nữ trực tiếp cầm
vũ khí chiến đấu. Phụ nữ Việt Nam đã tham gia bảo vệ Tổ quốc với một ý
thức tự giác, một tinh thần tích cực và có vai trò rất lớn trong sự nghiệp
chống giặc ngoại xâm. Hiện tượng này lặp đi lặp lại trong các thế kỷ và trở
thành một truyền thống, một đặc điểm riêng của phụ nữ nước ta.

5


Truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và
của phụ nữ Việt Nam nói riêng đã được khơi dậy từ rất sớm bởi những
người phụ nữ kiệt xuất như Hai Bà Trưng, Bà Triệu và sau này vẫn được
những phụ nữ xứng đáng đứng trong hàng ngũ quý tộc góp phần kế thừa. Đó
là những người đã biết gắn bó quyền lợi của giai cấp mình với quyền lợi của

dân tộc, đã hiểu được cảnh ngộ chung của dân tộc khi bị quân thù giày xéo.
Song chính sự đóng góp của những người phụ nữ bình thường từ thế hệ này
qua thế hệ khác mới là những người chủ yếu góp phần xương máu của mình
tô thắm thêm truyền thống đánh giặc giữ nước quý báu của dân tộc. Trong
cuốn “Việt Nam Quốc sử khảo”, Phan Bội Châu đã nhìn thấy mối quan hệ
hữu cơ giữa cá nhân và quần chúng, đồng thời ông cũng thấy được sức mạnh
to lớn của giới phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông
viết: “Phải có hàng vạn anh hùng vô danh mới có những anh hùng hữu
danh… Một Trưng Vương mà không có hàng vạn Trưng Vương vô danh làm
vây cánh thì nước ta sao tránh khỏi bị chia cắt thành quận huyện”.
Sử sách cũ với quan điểm phong kiến chính thống đã không ghi chép
được gì nhiều về những người phụ nữ bình thường vô danh đã tham gia vào
các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nhưng nhân dân ta, bằng nhiều cách,
nhiều hình thức khác nhau vẫn ghi nhớ và tỏ lòng kính trọng với những
người phụ nữ lao động bình thường đã có công đánh giặc giữ nước.
Nếu như trong quá trình gánh vác công việc lao động sản xuất, người
phụ nữ Việt Nam xưa biểu lộ rõ tinh thần làm chủ, ý thức cộng đồng và thái
độ chăm lo đến công việc chung; trong công việc gia đình thì phụ nữ là
người quán xuyến tất cả công việc và rất thiết tha đối với làng xóm của
mình; thì trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, phụ nữ cũng là những
người đi đầu tích cực nhất. Trong ý thức cũng như trong thực tế ở Việt Nam,
gia đình, làng xóm và đất nước không bao giờ là những thực thể tách biệt
6


nhau. “Nước mất nhà tan” cho nên khi đất nước bị ngoại xâm đe dọa, khi cả
dân tộc đứng lên chống bọn thống trị giành lấy quyền sống, người phụ nữ đã
dứt khoát biểu lộ thái độ của mình: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.
Chỉ trong các thế kỷ từ XI – XV, dân tộc ta đã phải liên tục đương đầu
với 5 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, riêng ở thời Trần, dân tộc ta phải 3

lần tiến hành kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Qua những lúc gian nan, phụ nữ
Việt Nam đã tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trước vận mệnh dân tộc.
Không những chỉ lo đánh giặc phương Bắc, nhân dân ta còn luôn luôn
phải lo đối phó với những cuộc quấy nhiễu của bọn giặc phương Nam để giữ
vững bờ cõi đất nước.
Ở thế kỷ XI, Nguyên Phi Ỷ Lan – người con giá Kinh Bắc năm xưa
sau khi được vào triều, chẳng những bà đã ban nhiều chính sách mang lại
nhiều quyền lợi cho nhân dân, mà bà còn là hình ảnh tượng trưng cho sự
thông minh, tài tổ chức của phụ nữ Việt Nam. Trong lúc vua đi đánh giặc ở
phía Nam, bà đã thay mặt vua cầm quyền trị nước, trong được lòng dân, xã
hội ổn định. Điều đó đã làm kích động tinh thần chiến đấu của nhà vua. Sử
sách đương thời có ghi: “Chiêm Thành dâng voi trắng, sau lại quấy nhiễu
biên giới. Ất Dậu, Thiên Huống Bảo Tượng năm thứ hai (1069), mùa xuân,
tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành bắt được vua nước ấy là Thế Củ và
dân chúng 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không lấy
được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên Phi giúp việc nội trị,
lòng dân cảm hóa vui vẻ, trong cõi yên tĩnh, tôn sung phật giáo, nhân dân
gọi là Quan Âm. Vua nói: “Nguyên Phi là đàn bà còn làm được như thế, ta
là đàn ông thì được việc gì?” lại đi đánh lần nữa, lần này đánh được”.
“Nước mất nhà tan” là chân lý bất hủ đã được nhân dân ta đúc kết từ
ngàn xưa. Giặc ngoại xâm đến nước ta, chúng không từ một thủ đoạn nào để

7


thẳng tay bắt giết nhân dân ta từ phụ nữ đến trẻ em. Từ thế kỷ XIII, giặc
Nguyên tràn vào Thăng Long đã làm cỏ cả kinh thành.
Trong cuộc kháng chiến đầu tiên của nhà Trần chống lại quân xâm
lược Mông – Nguyên năm 1258, việc đưa toàn bộ gia quyến, tôn thất của
nhà vua và các quý tộc ra ngoài kinh thành để tạo điều kiện cho triều đình

chống giặc là một việc làm vô cùng khó khăn phức tạp. Trong hoàn cảnh đó,
bà Trần Thị Dung – vợ Thái sư Trần Thủ Độ đã đứng ra quán xuyến công
việc sơ tán toàn bộ hoàng gia và vợ con của các tướng sĩ đến nơi an toàn. Bà
đã điều động thuyền bè, tổ chức đưa mọi người xuống vùng Hoàng Giang
(Lý Nhân – Hà Nam) tạm lánh. Đồng thời, bà đã vận động nhân dân Thăng
Long thu thập vũ khí, thóc gạo từ các kho mang xuống thuyền cùng người đi
sơ tán. Những lúc thế giặc mạnh, bà vẫn bình tĩnh sắp xếp công việc, phân
tán vũ khí không để lọt vào tay giặc. Lúc quân Mông – Nguyên tràn vào
thành chỉ còn là “vườn không nhà trống”. Ở nơi sơ tán, bà đã lo việc bảo vệ
hoàng Thái tử, hoàng gia và gia đình vợ con các tướng sĩ. Nhờ có tài tháo
vát và đức tính đảm đang của bà mà việc sơ tán được thực hiện nhanh gọn.
Thân quyến của vua quan, tướng sĩ đều được yên ổn, tài sản quốc gia được
bảo đảm an toàn, từ đó mà mọi người yên tâm đánh giặc tạo nên chiến thắng
to lớn của dân tộc. Không những lo sơ tán mọi người, bà còn lo tập trung vũ
khí để chuẩn bị cho quân đội phản công kẻ thù, đồng thời lo phục vụ chiến
đấu ở Đông Bộ Đầu cho tới khi hoàn toàn thắng lợi vào tháng 1/1258.
Mùa xuân năm 1259, bà mất. Vua Trần đã phong bà là Linh Từ Quốc
Mẫu. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã bình luận: “… Giúp đỡ nội trị cho nhà
Trần, Linh Từ Quốc Mẫu có nhiều công to… Thế mới biết trời sinh ra Linh
Từ Quốc Mẫu cốt để mở mang cho nhà Trần”.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên, Linh Từ Quốc
Mẫu là một phụ nữ quý tộc tiêu biểu đã tham gia vào sự nghiệp chống ngoại
8


xâm bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó còn biết bao tấm gương phụ nữ lao động
bình thường khác đã đóng góp công sức hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp vào sự
nghiệp chống ngoại xâm. Nhân dân ta vần còn lưu truyền câu chuyện kể về
hành động yêu nước của bà bán nước ở bến đò Rừng trong cuộc kháng chiến
chống quân quân Nguyên ở thế kỷ XIII.

Vào tháng 3/1288, giặc Nguyên sau khi thua trận phải rút quân về
nước. Đoán trước được ý đồ của giặc, Trần Quốc Tuấn cùng triều đình nhà
Trần đã ra lệnh cho quân bố trí chặn đường rút lui của giặc. Sông Bạch Đằng
xưa – nơi đã ghi chiến công hiển hách của Ngô Quyền, Lê Hoàn lại là nơi
ghi tiếp chiến công của Trần Quốc Tuấn. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của bà bán
nước mà Trần Quốc Tuấn đã bố trí trận đánh ở đây và thu được thắng lợi
lớn. Quân Nguyên bị thua to, Ô Mã Nhi cùng nhiều tướng giặc khác bị bắt
sống, ta thu được 500 chiếc thuyền. Khi bà mất, nhớ công lao to lớn của bà,
vua Trần đã sai người lập đền thờ ngay tại quán nước cũ của bà. Từ đó, nhân
dân gọi đền đó là đền “Vua Bà”.
Một điều khẳng định rằng trong bất kỳ cuộc kháng chiến nào của dân
tộc dù lớn dù nhỏ đều có công đóng góp của những người phụ nữ Việt Nam.
Họ là những người phụ nữ hiền dịu mà dũng cảm, bất khuất mà khiêm tốn
xứng đáng với truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu để lại.
Từ thế kỷ XI – XV, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh
là cuộc kháng chiến lớn mà phụ nữ có rất nhiều đóng góp. Bằng nhiều hình
thức chiến đấu mưu trí như dùng lời ca tiếng hát, dùng mưu nhử giặc vào
chỗ phục kích để tiêu diệt,… phụ nữ Việt Nam đã góp phần tạo nên chiến
công oanh liệt của dân tộc ta ở thế kỷ XV.
Thế kỷ XV, lấy cớ “phù Trần, diệt Hồ”, giặc Minh đã xâm lược và
thống trị nhân dân ta gây nên bao cảnh đau thương cho cả dân tộc mà phụ nữ
là người phải chịu số phận đau đớn nhất. Năm 1406, vua Thái Tổ nhà Minh
9


đã yêu sách bắt dân ta phải nộp “gái đẹp đấm bóp”, chúng đã cướp đi biết
bao người con gái đẹp. Không những thế, chúng còn dã man mổ bụng đàn bà
có thai rồi giết chết cả mẹ lẫn con, cắt tai đem nộp cho chủ tướng. Tội ác của
quân Minh gây ra cho nhân dân ta trời đất không thể dung thứ. Làm sao có
thể kể hết tội ác mà quân Minh đã gây ra cho dân tộc ta, và dù cho chúng ta

có chặt hết “trúc Lam Sơn” cũng “không ghi hết tội” của bọn giặc Minh.
Trước tai họa khủng khiếp trực tiếp đó, nếu không muốn để cho giặc
Minh tiếp tục hoành hành, người phụ nữ chỉ có một con đường là quyết liệt
đấu tranh. Nhiệm vụ lịch sử cấp thiết đặt ra cho dân tộc ta là phải thủ tiêu
hoàn toàn nền thống trị của quân Minh, giành lại độc lập tự do cho dân
tộc. \Trong lúc kẻ thù rất mạnh lại hung hãn mưu toan đè bẹp dân tộc ta
ngay dưới chân chúng, muốn chống được kẻ thù đó, tổ tiên ta đã tìm ra một
cách đánh hiệu quả cao, có thể chiến thắng được kẻ thù, đó chính hình thức
chiến tranh nhân dân. Xét về hình thức mà nói thì lối đánh này theo đủ mọi
cách, dùng đủ mọi thứ vũ khí và có thể sử dụng được trận địa ở mọi nơi, thu
hút được mọi lực lượng tham gia trong đó có một lực lượng quan trọng là
phụ nữ.
Trong bất cứ cuộc kháng chiến nào, phụ nữ không những đóng vai trò
quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp thay cho chồng con lên đường
đánh giặc, mà họ còn góp phần trực tiếp vào cuộc kháng chiến. Những tấm
gương anh dũng, bất khuất sáng ngời của phụ nữ Việt Nam trong cuộc
kháng chiến này mãi mãi được lịch sử ca ngợi và ghi nhận như những mốc
lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển của cuộc kháng chiến.
Nhắc đến sự tham gia đông đảo của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống
quân Minh, chúng ta không thể không nhắc đến bà bán nước họ Lương ở
gần thành Cổ Lộng (Ý Yên – Hà Nam) mà dân gian vẫn lưu truyền. Bà là
người ở thông Ngọc Chuế - xã Chuế Cầu (nay là xã Yên Nghĩa – huyện Ý
10


Yên). Trong cuộc kháng chiến gian khổ chống quân Minh, bà đã dùng mưu
để giết chết những toán giặc trọ ở hàng bà rồi cho trôi xác xuống kênh chảy
ra sông Đáy. Nhờ mưu giết giặc của bà mà số quân Minh ở thành Cổ Lộng
bị hao hụt dần – điều đó tạo điều kiện cho lực lượng của Lê Lợi chiến thắng
quân Minh dễ dàng ở trận Cổ Lộng. Do thành tích anh dũng giết giặc của bà,

sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, bà đã được vua Lê Lợi
phong làm “Kiến Quốc quân Phu nhân”. Khi bà mất, Lê Thánh Tông đã sai
lập đền thờ bà ở làng để ghi nhớ công lao. Năm 1469,sử thần Lê Tung được
cử soạn thần tích của bà đã làm thơ ca ngợi bà như sau:
“Vĩ đại thay người đàn bà giỏi
Chí khí mạnh ngang vạn quân
Giặc Ngô cướp giữ
Ở thành Cổ Lộng
Vua ta khởi nghĩa lên
Bà dốc chí theo về
Quân thiết kỵ hùng mạnh
Thành công như thắt túi
Cầm bút chép sử nước Việt
Bà ngang tiếng với vua Trưng Vương
Miếu đền hưởng tế
Tiếng tăm truyền lại nghìn đời”
Cũng ở cuộc kháng chiến chống quân Minh, một thời gian dài người
ta gọi tránh tiếng “hát ả đào” thành “hát cô đầu” để tỏ lòng quý trọng một
người con gái tên là Đào Thị Huệ làm nghề ca hát ở xã Đào Đặng (Tiên Lữ Hưng Yên). Với nhiệt tình yêu nước và chí căm thù giặc, cô đã dùng mưu
giết chết từng toán quân Minh khi chúng kéo quân về đóng đồn trong xã.

11


Nhớ công ơn giết chết giặc của cô, dân làng đã đặt tên cho thôn cô là thôn Ả
Đào và sau khi cô chết nhân dân đã lập đền thờ cô.
Cũng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh ở thôn Nhân Duệ
(Thanh Oai – Hà Tây), có một ngôi đình thờ một người phụ nữ. Đó là bà
chài nghèo đã cùng với con gái cố gắng chèo thuyền chở nghĩa quân của Lê
Lợi qua sông để tiêu diệt quân Minh ở trận đánh lịch sử Tốt Động năm 1426.

Và còn biết bao tấm gương anh hùng vô danh khác đã tham gia vào cuộc
kháng chiến chống quân Minh. Việc phụ nữ tham gia kháng chiến với nhiều
hình thức khác nhau đã thể hiện sự thông minh, tinh thần anh dũng, ý chí
căm thù giặc và đức hi sinh quên mình của người phụ nữ Việt Nam.
Như vậy, một điều khẳng định là các cuộc kháng chiến chống xâm
lược của dân tộc ta từ thế kỷ XI – XV đã thu được thắng lợi rực rỡ mà một
phần lớn là nhờ hậu phương vững mạnh, đủ sức chi viện sức người sức của
phục vụ cho cuộc kháng chiến. Yếu tố hậu phương bao giờ cũng là yếu tố rất
quan trọng góp phần quyết định thắng lợi trong bất kì một cuộc kháng chiến
nào. “Hậu phương vững mạnh là một nhân tố thường xuyên quyết định
thắng lợi trong cuộc chiến tranh cách mạng”. Mà hậu phương có vững
mạnh hay không là do công sức đóng góp của phụ nữ. Họ luôn luôn làm
trọng nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn trong các cuộc
kháng chiến của dân tộc ta ở các thế kỷ này.
Dù cho giai cấp phong kiến có tìm mọi cách để phủ nhận vai trò của
người phụ nữ Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, thì thực tế lịch sử bản thân
nó vẫn nói lên công lao to lớn của người phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp
dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói riêng và đối với sự nghiệp đấu
tranh cách mạng trên thế giới nói chung. Một điều mà K. Mark – vị lãnh tụ
thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới đã đúc rút ra
là: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ
12


nữ giúp vào thì chắc không làm nổi”. Điều đó càng khẳng định sức mạnh vĩ
đại của giới phụ nữ Việt Nam nói riêng và sức mạnh của giới phụ nữ thế giới
nói chung.
Nhìn lại những đóng góp của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp giữ
nước của dân tộc ta từ ngàn năm để lại, nhất là trong giai đoạn từ thế kỷ XI –
XV, ta thấy nổi lên vai trò to lớn của họ trong việc đấu tranh chống ngoại

xâm, bảo vệ và giải phóng đất nước. Những đóng góp đó của phụ nữ Việt
Nam có ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử dân tộc.
Dân tộc ta là một dân tộc nhỏ bé, đất không rộng, người không đông
lắm nhưng lịch sử tồn tại và phát triển của mình đã phải đương đầu với biết
bao kẻ thù và phải đối phó với không biết bao nhiêu nguy cơ xâm lược của
các nước lớn. Tuy vây, với sự mạnh mẽ và khí phách anh hùng, dân tộc ta đã
vượt qua những thử thách gian khó đó, đứng vững trước mọi cơn bão táp.
Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm anh dũng đó đã sớm tạo ra cho
nhân dân ta và phụ nữ ta một tinh thần dân tộc mạnh mẽ, một truyền thống
anh hùng đáng tự hào. Khi nói về những đóng góp của phụ nữ Việt Nam, bà
Nguyễn Thị Thập – Nguyên Chủ tich Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã
nhận định: “Trong khi đánh giá thành tích của phụ nức đóng góp vao sự
phát triển xã hội cũ, phụ nữ bị phụ thuộc vào gia đình, phải gánh vác công
việc gia đình nặng nhọc, ít được học tập lại bị kìm hãm nhiều mặt, vậy mà
họ đã cố gắng vươn lên. Điều đó chứng tỏ rằng chị em phụ nữ nước ta có
tinh thần bất khuất, có truyền thống lao động cần cù, có nghị lực và óc sáng
tạo dồi dào”.
Trong chế độ phong kiến, người phụ nữ Việt Nam đã có rất nhiều
cống hiến đối với sự nghiệp chung của dân tộc. Mặc dù vậy, dưới chế độ cũ,
phụ nữ lại rất bị coi thường, bị khinh rẻ. Điều đó càng chứng tỏ sự cố gắng
cũng như vai trò lớn lao của người phụ nữ Việt Nam.
13


2.3 Một số nhận xét và kết luận
Qua việc tìm hiểu một vài nét về địa vị của người phụ nữ dưới chế độ
phong kiến nói chung và trong các thế kỷ XI – XV nói riêng, cùng với việc
tìm hiểu bước đầu những đóng góp của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp
giữ nước trong các thế kỷ này, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét bước
đầu như sau:

Một điều dễ nhận thấy đầu tiên là phụ nữ Việt Nam trong các thế kỷ
này có một vai trò quan trọng trong việc chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập
dân tộc. Khi có giặc ngoại xâm, phụ nữ bất khuất dũng cảm chẳng khác gì
nam giới. Vừa đóng vai trò là trụ cột, là linh hồn của hậu phương lớn, phụ
nữ vừa là những người thông minh biết tìm mọi cách để tiêu diệt giặc. Hình
ảnh của những người phụ nữ tiêu biểu như bà bán hàng nước ở bến đò Rừng,
cô hát ả đào và chúng ta cũng không thể nào quên được hình ảnh của bà bán
nước ở gần thành Cổ Lộng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh ở thế
kỷ XV,… Cùng với những người phụ nữ lao động tham gia chống giặc
ngoại xâm trực tiếp trong các thế kỷ XI – XV, chúng ta còn thấy nổi lên
công sức đóng góp của các phụ nữ quý tộc xưa. Đó là Nguyên Phi Ỷ Lan
thay vua cầm quyền trị nước; đó là bà Trần Thị Dung có công lớn trong việc
giúp nhà Trần lo toan ổn định hậu phương, tạo nên chiến thắng lớn trong
cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên.
Tìm hiểu những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giữ
nước từ thế kỷ XI – XV, ta thấy phụ nữ Việt Nam luôn luôn tỏ rõ là những
người nồng nàn yêu nước, thông minh trong việc tiêu diệt kẻ thù xâm lược
và có khả năng lãnh đạo sự nghiệp đánh giặc cứu nước.
Mặc dù có rất nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ
quốc trong các thế kỷ XI – XV, song dưới chế độ phong kiến, địa vị của
người phụ nữ lại vô cùng thấp kém. Họ luôn luôn phải sống trong vòng chật
14


hẹp của đạo đức phong kiến. Họ bị coi rẻ, bị áp bức đè nén không thể tự do
để phát triển tài năng của mình, đến mức họ phải uất ức mà kêu lên:
“Thân này ví đổi làm hai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu”
(Hồ Xuân Hương)
Tuy không được tạo điều kiện để phát triển tài năng, song những

người phụ nữ Việt Nam vẫn tự tin vào khả năng và vai trò to lớn của mình.
Phụ nữ Việt Nam trong các thế kỷ XI – XV nói riêng và phụ nữ Việt
Nam dưới thời phong kiến nói chung rất xứng đáng được cả dân tộc cũng
như thế giới ca ngợi và khâm phục. Trong các triều đại phong kiến, mặc dù
bị đè nén áp bức bởi những lễ giáo khắt khe, song họ vẫn góp phần công sức
đáng kể vào sự nghiệp giữ nước của dân tộc.
Cho đến thời đại Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam mới có điều kiện để
đóng góp và phát huy vai trò to lớn của mình. Đánh giá công lao to lớn của
phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc
Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực
rỡ”.
Trong xã hội cũ, phụ nữ là người đau khổ nhất, bị áp bức nhiều nhất
do đó dễ nhạy cảm với cách mạng. Hơn nữa phụ nữ lại là lực lượng to lớn
trong nhân dân, không có phụ nữ tham gia thì không có cuộc vận động cách
mạng nào có thể thành công. Chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mới tạo ra được mọi điều kiện cần thiết về
mọi mặt để giải phóng phụ nữ một cách triệt để, thực hiện bình đẳng toàn
diện giữa nam và nữ một cách triệt để, để cho phụ nữ có địa vị xứng đáng
trong xã hội. Chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, phụ nữ mới phát huy hết
được năng lực và mới cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.

15


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ăng ghen (1972), Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước,
NXB Sự thật, Hà Nội.
2. C. Mác – Ăng ghen tuyển tập; tập II, tập XXX (1971), NXB Sự
thật, Hà Nội.
3. Phan Huy Chú (1971), Lịch triều hiến chương loại chí: tập I, tập

III, NXB Sử học, Hà Nội.
4. Võ Nguyên Giáp – Nguyễn Chí Thanh – Hoàng Văn Thái – Lê
Quang Đạo (1969), Bài học thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, NXB
Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
5. Ngô Sĩ Liên (1972), Đại Việt sử ký toàn thư: tập I, tập II, NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ (1964), NXB Sự thật,
Hà Nội.
7. Trần Huy Liệu, Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 13.

16



×