MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN
HỆ THỐNG THƯ VIỆN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM HIỆN NAY
ThS. Vũ Duy Hiệp
Trường Đại học Vinh
1. Đổi mới sự nghiệp giáo dục và những yêu cầu đặt ra trong hoạt động thông tin thư viện ở các trường đại học
1.1.Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối
cảnh hội nhập quốc tế phải tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát huy nguồn
lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững. Trong sự nghiệp đổi
mới nền giáo dục nước nhà, vấn đề đổi mới phương pháp dạy - học, nâng cao chất lượng
giáo dục đào tạo luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp quản lý giáo dục quan tâm. Tại
Thông báo kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết
Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020,
Bộ Chính trị đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh
mẽ sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam, trong đó có giải pháp "Tiếp tục đổi mới
phương pháp dạy và học, khắc phục cơ bản lối truyền thụ một chiều. Phát huy phương
pháp dạy học tích cực, sáng tạo, hợp tác; giảm thời gian giảng lý thuyết, tăng thời gian
tự học, tự tìm hiểu cho học sinh, sinh viên; gắn bó chặt chẽ giữa học lý thuyết và thực
hành, đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, sản xuất và đời sống". Việc đổi mới phương
pháp dạy - học, chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ và
mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội đã và đang
đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho hoạt động thông tin - thư viện trong hệ thống thư
viện các trường đại học hiện nay. Hệ thống thư viện, giáo trình, tài liệu là một trong
những tiêu chí để đánh giá trong kiểm định chất lượng trường đại học; là điều kiện quan
trọng đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy - học. Do đó, quá trình đổi mới giáo dục
đại học Việt Nam phải song hành với quá trình đổi mới các thư viện đại học nhằm thỏa
mãn tốt nhất, thuận lợi nhất nhu cầu thông tin khoa học cho người dạy, người học.
1.2.Điều lệ Trường Đại học ban hành theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày
22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, tại điều 45 đã quy định: “Trường đại học phải có
thư viện và các trung tâm thông tin tư liệu chuyên ngành phục vụ hoạt động đào tạo,
khoa học và công nghệ. Thư viện và các trung tâm thông tin tư liệu có trách nhiệm quản
lý, bổ sung và cung cấp thông tin, tư liệu khoa học và công nghệ ở trong nước và nước
ngoài thuộc các lĩnh vực hoạt động của Trường, thu thập và bảo quản các sách, tạp chí,
băng, đĩa, các tài liệu lưu trữ, các luận văn, luận án đã bảo vệ tại trường, các ấn phẩm
của trường. Thư viện và các trung tâm thông tin tư liệu chuyên ngành hoạt động theo quy
chế do Hiệu trưởng ban hành”. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư và phát triển hệ thống thư
viện của các trường đại học là vấn đề cần được quan tâm.
1.3.Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào
tạo, hoạt động thông tin - thư viện của các trường đại học đã có nhiều đổi mới và chuyển
biến mạnh mẽ phục vụ tốt hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh những kết
quả đạt được, hệ thống thư viện của các trường đại học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn
trong chính sách đầu tư và phát triển như: xây dựng trụ sở, nâng cấp trang thiết bị, nguồn
học liệu... Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định số
711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phần đánh giá những bất cập
yếu kém đã khẳng định: “Thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn và các phương
tiện dạy học chưa đảm bảo về số lượng, chủng loại và chất lượng so với yêu cầu nâng
cao chất lượng giáo dục, nhất là ở các trường đại học”. Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ
ngày 06/1/2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo
dục đại học Việt Nam giai đoạn 2010-2012 cũng chỉ rõ: “Thư viện các trường còn
nghèo, giáo trình tài liệu chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng”. Tại hội
nghị thư viện các trường đại học, cao đẳng lần thứ nhất do Bộ Văn hoá Thể thao và Du
lich phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng (10/2008), đã nhận
định: “Thư viện các trường đại học đang phải đối diện với nhiều cơ hội và thách thức
trong quá trình hội nhập, những khó khăn tập trung vào: Nguồn lực thông tin còn nghèo
nàn, cần được tăng cường; công nghệ phát hiện tài nguyên thông tin hiện đại, qui trình
và nghiệp vụ quản lý chưa được thống nhất và chuẩn hóa; Bên cạnh đó sự phối hợp liên
kết, liên thông giữa các thư viện còn yếu nên chưa tạo ra được một sức mạnh tập trung”.
Đây chính là những quan điểm chỉ đạo, cơ sở pháp lý và định hướng cần được các Bộ,
ban, ngành, các cấp, các trường đại học nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm túc để
đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; đồng thời có chính sách
phù hợp để phát triển hệ thống thư viện các trường đại học Việt Nam đáp ứng yêu cầu
ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà.
2. Một số giải pháp về chính sách đầu tư và phát triển hệ thống thư viện các trường
đại học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
2.1. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống thư viện các trường đại
học
Nghị quyết số 14/2005/NQ - CP của Chính Phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục
đại học Việt Nam giai đoạn 2006 -2020 ngày 02/11/2005, nêu rõ: “... Đổi mới phương
pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học; sử
dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học. Khai thác các
nguồn tư liệu giáo dục mở và nguồn tư liệu trên mạng Iterrnet. Lựa chọn, sử dụng các
chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước”. Quy hoạch phát triển ngành thư viện
Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số
10/2007/QĐ-BVHTT ngày 04/5/2007 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch) đã đề ra mục tiêu: “Hết sức coi trọng vị trí thư viện trường đại học
trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học; nâng cấp thư viện các trường đại học;
xây dựng mới, tu bổ lại trụ sở thư viện, tạo cho các thư viện hiện đại về cơ sở vật chất và
trang thiết bị; phong phú về tài liệu. Xây dựng một hệ thống thư viện đại học mạnh, phát
triển theo hướng hiện đại, thư viện điện tử, thư viện số. Có khả năng đáp ứng các nhu
cầu thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng, nhanh chóng”. Để triển khai thực
hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo nói trên trên, cần đổi mới và tăng cường thực hiện chức
năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Trongngành thư viện Việt Namhiện nay,Bộ
VHTT &DL là cơ quan hoạch định và phê duyệt quy hoạch phát triển ngành, tuy nhiên
trên thực tế tính hiệu lực pháp lý ( đầu tư, cấp vốn ngân sách ...) chỉ mới dừng lại trong
hệ thống thư viện công cộng. Việc quản lý, chỉ đạo và đầu tư trực tiếp của các hệ thống
thư viện trong nước trên thực tế hiện nay đó là: Hệ thống thư viện công cộng có Vụ Thư
viện của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hệ thống thư viện trường học từ tiểu học đến
phổ thông có Nhà xuất bản Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục vàĐào tạo.;Các cơ quan thông
tin, thư viện thuộc Bộ Khoa học vàCông nghệ có Cục Thông tin Khoa học vàCông nghệ
Hệ thống thư viện trường đại học chưa có một cơ quan quản lý, chỉ đạo và đầu tư trực
tiếp của Nhà nước, vì vậy, việc chỉ đạo và tổ chức các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ
trong hệ thống thư viện đại học hiện nay chủ yếu theo nội dung họp thống nhất trong các
liên hiệp thư viện, mang tính hiệp hội, do đó tính hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
chưa cao. Thực tiễn cho thấy, trường đại học nào có sự quan tâm, đầu tư cho thư viện, thì
hoạt động thông tin - thư viện của trường đó mạnh và ngược lại. Hiện nay, thư viện các
trường đại học đang gặp phải khó khăn như: Đầu tư ngân sách còn ít, chưa tương xứng
với chức năng, nhiệm vụ được giao;nguồn lực thông tin chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng
đa dạng của người sử dụng; quy trình và nghiệp vụ quản lý chưa thống nhất và chuẩn
hóa; đặc biệt sự phối hợp liên kết, liên thông giữa các thư viện còn yếu... Do vậy, theo
chúng tôi, Cục Cơ sở vật chất - Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em thuộc Bộ Giáo dục và
Đào tạo cần có một bộ phận chức năng thực hiện công tác tham mưu quản lý nhà nước
cho Bộ trưởng về hoạt động thư viện, để ban hành các chủ trương, văn bản chỉ đạo,
đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thư viện trường đại học trong thời kỳ dổi
mới và hội nhập quốc tế.
2.2. Tập trung đầu tư tài chính để phát triển hệ thống thư viện của các trường đại học
Đểđảm bảo nguồn thông tin, tài liệu phục vụ chohoạt độngđào tạo vànghiên cứukhoa học,
các trường đại họccần phải được đầu tư kinh phí thích đáng để nâng cấp hạ tầng công
nghệ thông tin. Bên cạnh đó để có thêm kinh phí hoạt động, thư viện các trường đại học
cần đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá nhằm thu hút nguồn tài trợ, đóng góp từ các cơ
quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trên thực tế hiện nay, việc có
rất ít số lượng cán bộ, giáo viên đặc biệt là các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đến sử
dụng thư viện đều có chung một lý do chính đó là: nguồn tài liệu có giá trị nghiên cứu
khoa học trong thư viện các trường đại học còn hạn chế, đặc biệt nguồn tài liệu ngoại
văn, những phát minh khoa học ở các nước tiên tiến, các tài liệu chuyên ngành sâu về
một lĩnh vực khoa học.... Mặt khác việc đầu tư nâng cấp trụ sở, cung cấp các trang thiết
bị thư viện hiện nay vẫn còn thiếu đồng bộ, vì vậy các thư viện đại học chưa phát huy hết
vai trò: “là giảng đường thứ 2 của trường đại học”.
2.3. Xây dựng các thư viện trung tâm tại các trường đại học vùng, đại học trọng điểm
quốc gia
Hiện tại, dù đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu tin cho người dạy và người học, nhưng
việc phát triển nguồn lực thông tin, hoạt động chia sẻ nguồn lực thông tin trong hệ thống
thư viện các trường đại học vẫn chưa đủ mạnh; số lượng và chất lượng nguồn tin trao đổi
thấp, do hoạt động còn manh mún, tuỳ tiện; việc phối hợp, liên kết vẫn mang nặng tính
hình thức, kém hiệu quả, thiếu chính sách phát triển khoa học, nhất quán. Quy hoạch
mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 ban hành kèm theo Quyết
định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều giải
pháp nhằm xây dựng một số trường đại học, cao đẳng mạnh, hình thành các cụm đại học;
khắc phục hiện trạng manh mún, phân tán của mạng lưới, nhiều trường nhỏ, đào tạo đơn
ngành, chuyên môn hẹp, trong đó có giải pháp: “Tăng cường năng lực và nâng cao chất
lượng hoạt động của thư viện ở các trường; hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối
các trường trên cùng địa bàn, cùng một vùng và trên phạm vi toàn quốc; Thiết lập mạng
thông tin toàn cầu và mở rộng giao lưu quốc tế cho tất cả các trường đại học, cao đẳng
trong nước; Quy hoạch, sắp xếp lại công tác xuất bản giáo trình, sách và tài liệu
tham khảo”. Trên tinh thần đó, phát triển và xây dựng thư viện các trường đại học vùng,
đại học trọng điểm tại Thái Nguyên, Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thành phố
Hồ Chí Minh và Cần Thơ, thành các thư viện trung tâm (hạt nhân) thực hiện liên kết
trong vùng, khu vực, tiến tới liên kết trong toàn hệ thống. Thực hiện nội dung trên nhằm
tăng cường tính đầu tư hiệu quả, đồng thời phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng,
nhà nước trong công tác thư viện và quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến
năm 2020.
Kết luận
Có thể khẳng định, giáo dục nước ta những nămtớisẽphát triển trong bối cảnh thế giới có
nhiều thay đổi nhanh và phức tạp. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế về giáo dục đã trở
thành xu thế tất yếu. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã xác định một
trong ba đột phá là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng
cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt
chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Cùng với
việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, cần đặc biệt quan tâm đầu tư và
phát triển hệ thống thư viện trong trường đại học. Đây chính là một trong những nhân tố
góp phần để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước hiện nay
và trong tương lai.