Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

Tìm hiểu tác phẩm từ góc độ tình huống truyện qua Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân; Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.DOC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (144.11 KB, 10 trang )

CHUYÊN ĐỀ: Tìm hiểu tác phẩm từ góc độ tình huống truyện
qua: “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân; “Vợ nhặt” của Kim
Lân và “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu
Giáo viên: Nguyễn Thị Lợi
Đơn vị: Trường THPT Tam Dương II.
Môn: Ngữ văn

A. MỞ ĐẦU
Trong chương trình Ngữ văn lớp 11, 12 THPT truyện ngắn chiếm
một dung lượng khá lớn. Việc khai thác, tìm hiểu truyện ngắn một cách
có hiệu quả là điều không dễ dàng đối với cả giáo viên và học sinh. Có
thể có nhiều cách để tìm hiểu và khám phá truyện ngắn như: đi từ bố
cục, cốt truyện đến khai thác các tình tiết quan trọng hoặc phân tích
tính cách, số phận nhân vật... Tuy nhiên, mỗi một tác phẩm được nhà
văn xây dựng với ý đồ nghệ thuật khác nhau, cái đích của việc tìm hiểu
tác phẩm cuối cùng vẫn là nắm được ý đồ nghệ thuật mà nhà văn gửi
gắm qua tác phẩm. Để khám phá truyện ngắn có hiệu quả thì việc phát
hiện được tình thế xuất hiện của nhân vật hay bối cảnh hình thành tính
cách của nhân vật là khâu vô cùng quan trọng. Nguyễn Viết Chữ trong
Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương theo thể loại (NXB
ĐHSP, 2006) đã khẳng định: “Vấn đề cơ bản của truyện ngắn là tình
huống của nó”. Nhưng trong thực tế giảng dạy, hầu như giáo viên mới
chỉ dừng ở việc phân tích nhân vật, kết cấu, ngôn ngữ truyện...mà chưa
chú trọng đến việc làm nổi bật đặc trưng của thể loại truyện ngắn đó là
tình huống truyện. Xuất phát từ thực tế đó tôi mạnh dạn bổ sung một
đóng góp nhỏ về cách tiếp cận tác phẩm truyện ngắn từ góc độ tình
huống truyện.
Do điều kiện về thời gian nên người viết chỉ dừng lại ở phạm vi
nhỏ đó là “Tìm hiểu tác phẩm từ góc độ tình huống truyện qua
Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân; Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc
thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu”.



-1–

Nguyễn Thị Lợi- Trường THPT Tam Dương II


-2–

Nguyễn Thị Lợi- Trường THPT Tam Dương II


NỘI DUNG
I. Khái quát về tình huống truyện:
1. Khái niệm tình huống truyện:
Theo nhà triết học Hêghen (1770- 1831): “tình huống là một
trạng thái có tính chất riêng biệt và trở thành được quy định. Ở trong
thuộc tính này của nó, tình huống góp phần biểu lộ nội dung là cái
phần có được một sự tồn tại bên ngoài bằng sự biểu hiện nghệ thuật”.
Còn theo nhà văn Nguyễn Minh Châu, tình huống là “cái tình thế
nảy ra truyện”; “Những nhà văn có tài đều là những người có tài tạo
ra những tình thế nảy ra truyện vừa rất cá biệt vừa mang tính phổ biến
hoặc tượng trưng” và “những người cầm bút có cái biệt tài có thể
chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở
đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một
khoảnh khắc cuộc sống...nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế
phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất,
thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời
nhân loại”. (Trang giấy trước đèn, NXB KHXH, H.1994, tr. 258).
Tình huống truyện còn được hiểu là mối quan hệ đặc biệt giữa
nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh và môi

trường sống, qua đó, nhân vật bộc lộ rõ tâm trạng, tính cách hay thân
phận của nó, góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác phẩm.
Như vậy, trong truyện ngắn, tình huống truyện có vai trò rất quan
trọng, là hạt nhân của cấu trúc thể loại, là cái hoàn cảnh riêng được tạo
nên bởi một sự kiện đặc biệt mà ở đó, khiến cuộc sống hiện lên đậm
đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ rõ nét nhất.
2. Phân loại tình huống:
Có nhiều cách phân loại tình huống khác nhau nhưng cách phân
loại dễ tiếp cận và dễ hiểu đối với học sinh hiện nay là chia theo ba
kiểu tình huống: Tình huống hành động; Tình huống tâm trạng; Tình
huống nhận thức.
Theo cách phân loại trên thì các kiểu tình huống được phân biệt
như sau:
Tình huống hành động: Mọi tình tiết chủ yếu hướng tới hành
động có tính chất bước ngoặt của nhân vật. Tức là loại sự kiện đặc biệt
mà trong đó nhân vật bị đẩy tới một tình thế chỉ có thể giải quyết bằng
hành động. Tình huống này thường hướng tới một kiểu nhân vật: nhân
vật hành động. Có nghĩa, loại nhân vật của truyện chủ yếu được hiện
lên bằng hệ thống hành vi, hành động còn các bình diện khác ít được
-3–

Nguyễn Thị Lợi- Trường THPT Tam Dương II


quan tâm. Do vậy, nó quyết định đến diện mạo của truyện ngắn: truyện
giàu kịch tính.
Tình huống tâm trạng: Mọi tình tiết chủ yếu hướng tới việc
khám phá diễn biến tư tưởng, tình cảm và tâm lí của nhân vật. Đó là sự
kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật rơi vào một tình thế làm
nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Tình huống này

thường tạo nên kiểu nhân vật trong truyện: con người tình cảm. Nghĩa
là nhân vật được hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm, nhà văn tạo
dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng hệ thống chất liệu cảm
giác, cảm xúc, còn các khía cạnh khác như ngoại hình, hành động ít
được quan tâm. Và vì vậy, nó quyết định đến diện mạo của truyện
ngắn: truyện giàu tính trữ tình.
Tình huống nhận thận thức: Mọi tình tiết chủ yếu hướng tới
việc cắt nghĩa giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật. Đó là sự kiện
đặc biệt của đời sống mà tại đó nhân vật được đẩy tới một tình thế bất
thường: đối mặt với một bài học nhận thức, bật lên một vấn đề về nhân
sinh, về nghệ thuật mà cần phải giác ngộ. Tình huống này thường tạo
cho tác phẩm kiểu nhân vật: nhân vật tư tưởng. Nghĩa là kiểu nhân vật
được khai thác chủ yếu ở đời sống nhận thức lí tính, chất liệu cơ bản là
hệ thống những quan sát, phân tích, đúc kết, chiêm nghiệm... Và vì thế,
diện mạo của truyện ngắn thường nghiêng về triết luận.
II. Tình huống truyện qua các tác phẩm Chữ người tử tù của
Nguyễn Tuân; Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của
Nguyễn Minh Châu”:
1. Tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân:
a). Tình huống truyện:
Nguyễn Tuân đã xây dựng một tình huống hết sức độc đáo: cuộc
gặp gỡ oái oăm giữa Huấn Cao và viên quản ngục.
- Hoàn cảnh diễn ra cuộc gặp gỡ: Không gian là chốn ngục tù tối tăm,
nhơ bẩn; mối quan hệ giữa hai nhân vật hết sức éo le, trớ trêu: tử tù và
quản ngục.
- Sự éo le, trớ trêu của hai nhân vật:
+ Xét về bình diện xã hội: Huấn Cao và viên quản ngục hoàn toàn đối
lập nhau. Một người là tên “đại nghịch”, cầm đầu cuộc nổi loạn nay bị
bắt giam, đang chờ ngày ra pháp trường để chịu tội; còn một người là
quản ngục, kẻ đại diện cho cái trật tự xã hội đương thời.

+ Xét về bình diện nghệ thuật: Họ lại là những con người có tâm hồn
nghệ sĩ, là tri âm, tri kỉ với nhau. Huấn Cao có tài hoa và khí phách còn
quản ngục lại ngưỡng mộ tài hoa và khí phách. Huấn Cao chỉ cúi đầu
-4–

Nguyễn Thị Lợi- Trường THPT Tam Dương II


trước thiên lương cao khiết của con người, còn quản ngục lại là “một
tấm lòng trong thiên hạ”. Người nào cũng có những phẩm chất cao quý
mà người kia khát khao, ngưỡng mộ. Song sự éo le, trớ trêu thể hiện ở
chỗ: quản ngục bị đặt trong một tình thế mà chỉ có một lựa chọn: Một
là, muốn tròn bổn phận quan lại, giữ yên trật tự xã hội đương thời thì
phải chà đạp lên lòng tri kỉ. Nếu hành động theo hướng này thì quản
ngục không còn là “tấm lòng trong thiên hạ”, đâu phải là “cái thuần
khiết giữa một đống cặn bã”. Hai là, muốn giữ trọn đạo tri kỉ thì sẽ
không làm tròn chức phận quan lại. Nếu hành động theo hướng này,
quản ngục dám bất chấp cả sự an nguy đến tính mạng, và vì thế quản
ngục mới là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà
nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”.
b). Diễn biến của tình huống:
+ Mới đầu, lúc nhận tù, quản ngục đã có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”,
nên vừa nương nhẹ tử tù, dù cố giữ rất kín kẽ nhưng vẫn không qua
mặt được đám lính tráng, vừa biệt đãi tử tù và mong có ngày được xin
chữ. Nhưng Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, nổi tiếng cả vùng tỉnh Sơn,
song ông chỉ cho chữ người nào là tri kỉ mà thôi. Trong khi, thái độ của
Huấn Cao dành cho quản ngục là khinh bạc đến điều, xua đuổi quản
ngục ngay khi ông mới bước vào buồng giam. Thái độ đó của Huấn
Cao khiến cho quản ngục ngày đêm trăn trở, lo âu, thấp thỏm chờ cơ
hội.

+ Nhưng về sau, khi quản ngục nhận được phiến trát lần thứ hai, lệnh
xử chém tử tù, thì quản ngục “tái nhợt người”, tình thế buộc ông phải
hành động, nếu không ngày mai thôi sẽ không còn Huấn Cao ở trên
đời, ông sẽ không còn cơ hội xin chữ, cái ước nguyện cả đời của ông sẽ
không được mãn nguyện. Ông đã bày tỏ tâm nguyện lớn lao của mình
với thầy thơ lại. Nghe thầy thơ lại tường thuật lại câu chuyện, Huấn
Cao đã hết sức cảm động “Ta cảm cái lòng biệt nhỡn liên tài của các
người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có
những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một
tấm lòng trong thiên hạ”. Từ đó quản ngục và Huấn Cao đã trở thành
tri kỉ. Quan hệ đối địch giờ đã nhường chỗ cho quan hệ tri kỉ.
+ Cuối cùng, cảnh cho chữ - “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đã
hóa giải tất cả: cái đẹp lên ngôi ngay từ “đống cặn bã”, từ sự tối tăm
của nhà tù. Xét về không gian, nơi “buồng tối chật hẹp,ẩm ướt, tường
đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”, nơi ngự trị của
bóng tối và cái ác, vậy mà cái đẹp ra đời. Xét về thời gian, khi “tỉnh
Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”, giữa canh khuya thanh
vắng, cũng là những giây phút cuối cùng của Huấn Cao, ông tô điểm
cái đẹp gửi lại cho đời. Chính sự bất thường này đã làm nên một cuộc
-5–

Nguyễn Thị Lợi- Trường THPT Tam Dương II


đảo lộn ghê gớm: Trước khi được cho chữ, quản ngục như bị cầm tù
trong cái nhà tù vô hình, bởi bề ngoài ông là một viên quan của triều
đình nhưng bên trong ông lại tôn thờ những điều tương phản với triều
đình, bên ngoài ông tự do về nhân thân nhưng bên trong ông dằn vặt về
nhân cách. Còn Huấn Cao, là tên tử tù bị cầm tù trong cái nhà tù hữu
hình, bên ngoài bị cầm tù về nhân thân nhưng bên trong lại tự do về

nhân cách. Quản ngục là người đứng đầu cho trật tự nhà tù, cũng
không thể cứu được Huấn Cao và cũng không tự giải thoát được mình,
nhưng Huấn Cao chẳng những không cần giải cứu mà trước khi ra
pháp trường ông còn cứu được quản ngục thoát khỏi ngục tù vô hình.
c). Sự tác động của tình huống: Qua cuộc gặp gỡ của Huấn Cao và
quản ngục, quan hệ của nhân vật đã thay đổi:
- Về quyền uy: Kẻ có quyền hành thì không có quyền uy (quản ngục),
mà quyền uy lại thuộc về kẻ đã bị tước đi mọi thứ quyền, kể cả quyền
sống (Huấn Cao).
- Về chức phận và thái độ: Ngục quan , kẻ bề trên thì lại “khúm núm”
còn tử tù lại “ung dung”. Kẻ đại diện cho quyền lực thống trị không
làm chủ mà người tử tù làm chủ. Cai tù không giáo dục tội phạm,
ngược lại tội phạm lại giáo dục cai tù. Trong nhà tù, giữa quản ngục và
tử tù, không còn tội phạm, bề trên, chỉ có những người bạn tri kỉ với
cái đẹp, nghệ thuật.
d). Ý nghĩa của tình huống:
- Tình huống đã làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao; làm
sáng tỏ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục;
- Bộc lộ quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân: Cái đẹp và cái thiện
không thể tách rời, cái tài phải đi đôi với cái tâm; cái đẹp là bất diệt, dù
thực tại có hắc ám đến đâu cũng không thể tiêu diệt được cái đẹp; cái
đẹp sẽ cảm hóa được con người trong mọi hoàn cảnh.
2. Tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân:
a). Tình huống truyện:
Nhà văn Kim Lân đã tạo ra một tình huống oái oăm, hết sức độc
đáo: Tràng- một anh nông dân ngụ cư nghèo bỗng “nhặt” được vợ
trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Việc “nhặt vợ” của Tràng lại
diễn ra trong hoàn cảnh không ai dám nghĩ đến chuyện vợ con cho anh
ta: người dân đang chết đói đầy đường.
b). Diễn biến của tình huống: Việc Tràng “nhặt” được vợ đã khiến

nhiều người ngạc nhiên:
- Trước hết là người dân xóm ngụ cư: hết ngạc nhiên đến võ đoán, có
cả mừng vui “những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng
-6–

Nguyễn Thị Lợi- Trường THPT Tam Dương II


rỡ hẳn lên”, và cuối cùng là ái ngại “Giời đất này còn rước cái của nợ
đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”
- Tiếp đến là sự ngạc nhiên của bà cụ Tứ: Hết sức ngạc nhiên, khi hiểu
ra cơ sự thì buồn thương cho số kiếp nghèo khổ của con trai, càng
thương con trai bao nhiêu thì bà lại càng thương người con dâu bấy
nhiêu, bà an ủi động viên các con về một tương lai thiết thực.
- Đến bản thân Tràng cũng hết sức ngạc nhiên, không tin nổi vào sự
thật là mình đã có vợ, đến tận hôm sau vẫn còn “ngỡ ngàng như không
phải”.
c). Sự tác động của tình huống: Tình huống truyện đã làm thay đổi
tính cách, số phận của nhân vật:
- Nhân vật Tràng: Khi người đàn bà theo mình về thật thì Tràng lo lắng
trước cảnh nạn đói “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có
nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”, nhưng ngay lập tức anh đã “Chậc,
kệ!”, và Tràng đã quyết định đưa vợ về trong niềm hạnh phúc khó tả.
Có vợ, Tràng cảm thấy mình mới “nên người”, nhận ra trách nhiệm
của bản thân đối với gia đình và có niềm tin vào tương lai.
- Nhân vật người đàn bà vợ nhặt: Trước khi làm vợ Tràng, chị là người
phụ nữ chao chát, nhưng khi về làm vợ Tràng, chị đã thay đổi, trở
thành một người vợ hiền, dâu đảm đúng mực, biết thu vén công việc
gia đình và đặc biệt còn có những hiểu biết về tình hình xã hội, mang
đến cho gia đình câu chuyện tràn đầy niềm tin.

- Nhân vật bà cụ Tứ: là người mẹ đói khổ một đời nhưng giàu lòng
nhân hậu, giàu niềm tin. Trước tình cảnh con trai “nhặt vợ” bà vừa
thương vừa buồn tủi, nhưng với lòng nhân hậu, sự cảm thông bà đã
dang rộng vòng tay đón người con dâu mới. Dù trong lòng nặng trĩu
một nỗi lo “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn
đói khát này không” nhưng bà cụ đon đả động viên các con bằng cái
triết lí “ai giàu ba họ, ai khó ba đời?”, mở ra một tương lai rất thiết
thực mà các con có thể tin vào khả năng của mình đó là vườn tược, nào
là gà qué... Bà cụ Tứ đã mang lại cho gia đình một không khí ấm áp,
vui tươi, “Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau
này”.
d). Ý nghĩa của tình huống:
- Tình huống có ý nghĩa phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp và
sức sống kì diệu của con người: ngay trên bờ vực của cái chết họ vẫn
hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và yêu thương đùm bọc lẫn
nhau.
- Tình huống còn mang ý nghĩa phát hiện sâu sắc về hiện thực xã hội:
gián tiếp tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, kẻ đã gây ra
nạn đói khủng khiếp, không chỉ cướp đi sinh mệnh của hàng triệu
-7–

Nguyễn Thị Lợi- Trường THPT Tam Dương II


người dân Việt nam mà còn hạ thấp giá trị con người, đó là thân phận
con người bị rẻ rúng.
3. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu:
a). Tình huống truyện:
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo ra tình huống truyện độc đáo:
Chính trong giây phút Phùng đang rung động trước cái đẹp, đang thăng

hoa trong cái đẹp (cảnh chiếc thuyền lưới vó trong biển sớm mờ
sương) thì bất ngờ chứng kiến sự thật tàn bạo, phi đạo đức bước ra từ
cái đẹp (cảnh người đàn ông đánh đập người đàn bà một cách tàn nhẫn;
những đứa con đáp trả lại người cha bằng bạo lực). Phùng còn chứng
kiến cảnh tượng này lần thứ hai, khiến người nghệ sĩ hiểu ra hiện thực
cuộc sống và có cái nhìn thấu đáo hơn về cuộc sống và con người, đặc
biệt trong việc phát hiện, khám phá cái đẹp.
b). Diễn biến của tình huống:
- Chứng kiến cảnh tượng bạo lực của gia đình thuyền chài, nghệ sĩ
Phùng ngay lập tức vứt chiếc máy ảnh xuống đất để chạy lại can thiệp.
Trong giây phút đó, với anh không chỉ có nghệ thuật mà còn có cả cuộc
đời, đó là hiện thực cuộc sống khổ đau, đầy nước mắt, mà nó có ngay
cạnh cái đẹp tưởng như “toàn thiện” kia, đó cũng là nhận thức mang ý
nghĩa nhân văn của nhân vật được nảy sinh từ tình huống truyện.
- Cuộc gặp gỡ của chánh án Đẩu, nghệ sĩ Phùng và người đàn bà tại tòa
án huyện đã đẩy tình huống lên tầm cao của giá trị nhận thức: Bằng
kiến thức sách vở, kinh nghiệm nghề nghiệp, Đẩu ra sức khuyên người
đàn bà ly hôn chồng, nhưng ngạc nhiên thay, chị lại van xin được gắn
bó với người chồng vũ phu, độc ác đó. Người đàn bà đã giải thích:
nguyên nhân của bạo lực gia đình là do người chồng nặng ghánh mưu
sinh, lo toan cuộc sống cho cả gia đình, vì khổ quá mà đánh vợ để giải
tỏa uất ức; người vợ chỉ biết đẻ và nuôi con, nên chỉ biết sẻ chia với nỗi
khổ ấy của chồng bằng cách để cho chồng cứ “ba ngày một trận nhẹ,
năm ngày một trận nặng”; cuộc sống vùng biển rất cần người đàn ông,
nhất là khi phong ba biển động; chị chỉ sống cho con chứ không phải
sống cho riêng mình; các con chị không thể sống thiếu bố; cuộc sống
khổ đau đó vẫn có lúc hạnh phúc: là lúc chị nhìn thấy các con ăn no, là
đôi lúc trên thuyền vợ chồng cũng hòa thuận... Đẩu và Phùng đã có lúc
rất bức xúc, nhưng mới thấy người đàn bà quê mùa, thiếu kiến thức
sách vở nhưng lại giàu kinh nghiệm cuộc sống, và đặc biệt giàu lòng vị

tha, nhân hậu.
c). Sự tác động của tình huống: Qua câu chuyện của người đàn bà
hàng chài tại tòa án, suy nghĩ, tính cách của các nhân vật được bộc lộ
rõ:
-8–

Nguyễn Thị Lợi- Trường THPT Tam Dương II


- Vợ chồng hàng chài:
+ Người chồng: do gánh nặng mưu sinh đã khiến cho anh ta thay đổi,
từ người đàn ông hiền lành trở thành người đàn ông thô bạo. Như vậy,
anh ta vừa là thủ phạm gây ra nỗi đau cho vợ con nhưng cũng vừa là
nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, cần được cảm thông, chia sẻ.
+ Người vợ: Là người phụ nữ bất hạnh, cam chịu, nhẫn nhục; giàu lòng
vị tha, bao dung; giàu lòng yêu thương chồng con; cũng là người am
hiểu lẽ đời; vừa đáng thương, vừa khâm phục.
- Chánh án Đẩu: Hiểu được nguyên nhân người đàn bà không bỏ
chồng, anh mới vỡ lẽ ra nhiều điều trong cách nhìn nhận cuộc sống;
anh mới biết, kiến thức sách vở chưa đủ mà phải có kiến thức thực tế
về cuộc sống, như vậy mới giải quyết mọi vấn đề cuộc sống một cách
thấu đáo.
- Nghệ sĩ Phùng: Nhận ra, chiếc thuyền nghệ thuật ở ngoài xa còn sự
thật cuộc đời lại ở gần. Cái đẹp thoạt nhìn từ xa cứ ngỡ là toàn bích,
toàn thiện, nhưng nó lại chứa đựng bên trong những éo le của cuộc
sống. Con người vẻ ngoài nhếch nhác, lam lũ nhưng lại tiềm ẩn vẻ đẹp
tâm hồn cao quý, đáng trân trọng. Nghệ thuật là để phục vụ cuộc sống
nhưng không được lánh xa hay tách rời cuộc sống. Phùng thấy rõ
những ngang trái trong gia đình thuyền chài, hiểu sâu thêm tính cách
người đàn bà và chị em thằng Phác, hiểu sâu thêm bản chất người đồng

đội cũ cũng như hiểu thêm về cả chính mình.
d). Ý nghĩa của tình huống:
- Tình huống mang ý nghĩa khám phá, phát hiện sâu sắc về đời sống và
con người: Cuộc đời không hề đơn giản mà chứa đựng trong đó nhiểu
nghịch lí, không nên đánh giá con người, sự vật ở dáng vẻ bề ngoài, mà
cần chú ý phát hiện bản chất bên trong của nó.
- Tình huống nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó giữa nghệ thuật và cuộc
đời: Nghệ thuật đích thực là phải vì cuộc sống và vì con người, tuyệt
đối không tách rời cuộc sống. Người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa diện,
nhiều chiều trong việc khám phá và sáng tạo cái đẹp.

-9–

Nguyễn Thị Lợi- Trường THPT Tam Dương II


KẾT LUẬN
Xây dựng tình huống là một trong những vấn đề then chốt của
truyện ngắn. Như đã nói, đối với truyện ngắn, tình huống giữ vai trò là
hạt nhân của cấu trúc thể loại. Tình huống chính là cái hoàn cảnh riêng
được tạo nên bởi một sự thể hiện đặc biệt, qua đó, cuộc sống được hiện
lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộ lộ sắc nét
nhất. Bởi tình huống là sự kiện có ý nghĩa bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc
lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, đôi khi tạo ra bước
ngoặt trong tư tưởng, tình cảm của nhân vật. Vì vậy, để nắm bắt được ý
đồ tư tưởng của tác giả, điều cần thiết là phải khám phá tác phẩm từ
tình huống truyện./.
Người viết chuyên đề:

Nguyễn Thị Lợi


- 10 –

Nguyễn Thị Lợi- Trường THPT Tam Dương II



×