Tải bản đầy đủ (.pdf) (127 trang)

Đánh giá tác động và lượng giá thiệt hại của thiên tai do bão lũ đến sinh kế của cư dân các xã ven biển huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.64 MB, 127 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
*********

Kiều Hải Liên

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VÀ LƯỢNG GIÁ THIỆT HẠI
CỦA THIÊN TAI DO BÃO LŨ ĐẾN SINH KẾ CỦA CƯ DÂN
CÁC XÃ VEN BIỂN HUYỆN KỲ ANH,
TỈNH HÀ TĨNH

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC

Hà Nội - 2015


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
*********

Kiều Hải Liên

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VÀ LƯỢNG GIÁ THIỆT HẠI
CỦA THIÊN TAI DO BÃO LŨ ĐẾN SINH KẾ CỦA CƯ DÂN
CÁC XÃ VEN BIỂN HUYỆN KỲ ANH,
TỈNH HÀ TĨNH

Chuyên ngành: Quản lý Tài nguyên và Môi trường
Mã số: 60850101

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC



Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn An Thịnh

Hà Nội - 2015


Lời cảm ơn
Để hoàn thành luận văn này, ngoài sự nỗ lực của chính bản thân, em còn
nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các các cá nhân và tập thể. Em xin được bày tỏ
lời tri ân chân thành nhất của mình đối với các thầy cô, anh chị em, bạn bè đồng
nghiệp và gia đình.
Trước hết, em xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến thầy giáo - PGS.TS.
Nguyễn An Thịnh, người thầy đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho em trong quá
trình thực hiện và hoàn thành luận văn.
Em cũng xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong Khoa Địa lý cùng các
thầy cô, anh chị, bạn bè đồng nghiệp làm việc tại Trường ĐHKHTN đã luôn nhiệt
tình giúp đỡ, đóng góp những ý kiến quý báu cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi
cho em hoàn thành luận văn này.
Em xin cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ của lãnh đạo và các cán bộ làm việc tại
UBND huyện Kỳ Anh cùng nhân dân địa phương đã tạo điều kiện, hợp tác, giúp đỡ
em trong quá trình làm việc và thực địa tại địa bàn huyện.
Cuối cùng, em xin gửi lời cảm ơn chân thành tới gia đình và bạn bè, đặc biệt
là bố mẹ đã luôn đồng hành động viên, quan tâm, chăm sóc, cho em những lời
khuyên quý báu giúp em vượt qua những khó khăn, vướng mắc để có thể toàn tâm
toàn ý hoàn thành luận văn tốt nghiệp.
Hà Nội, tháng 03/2015
Học viên

Kiều Hải Liên



MỤC LỤC
MỤC LỤC ...............................................................................................................i
DANH MỤC BẢNG BIỂU .................................................................................... iv
DANH MỤC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ .......................................................................... vi
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU SỬ DỤNG TRONG LUẬN VĂN ..........................vii
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1
1. Tính cấp thiết của đề tài ................................................................................... 1
2. Mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu ..................................................... 2
3. Phạm vi nghiên cứu ......................................................................................... 3
4. Ý nghĩa khoa học, thực tiễn.............................................................................. 3
5. Cơ sở tài liệu để thực hiện luận văn.................................................................. 3
6. Cấu trúc luận văn ............................................................................................. 4
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐÁNH
GIÁ, LƯỢNG GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA THIÊN TAI DO BÃO LŨ TỚI SINH KẾ
CƯ DÂN KHU VỰC VEN BIỂN ........................................................................... 5
1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu ............................................................ 5
1.1.1. Các công trình nghiên cứu trên thế giới ...................................................... 5
1.1.2. Các công trình nghiên cứu tại Việt Nam ..................................................... 7
1.1.3. Các công trình liên quan tới khu vực nghiên cứu ........................................ 8
1.2. Cơ sở lý luận nghiên cứu sinh kế/ khung sinh kế bền vững và lượng giá các
tác động của thiên tai tới sinh kế ........................................................................ 11
1.2.1. Cơ sở lý luận nghiên cứu sinh kế và khung sinh kế bền vững ................... 11
1.2.2. Cơ sở lý luận về thiên tai và đánh giá thiên tai ......................................... 19
1.2.3. Cơ sở lý luận lượng giá tác động của thiên tai do bão lũ tới sinh kế cư dân
vùng ven biển .................................................................................................... 21
i


1.3. Quan điểm, phương pháp và các bước nghiên cứu ...................................... 34

1.3.1. Quan điểm nghiên cứu ............................................................................. 34
1.3.2. Các phương pháp nghiên cứu ................................................................... 34
1.3.3. Các bước nghiên cứu ................................................................................ 36
CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG VÀ BIẾN ĐỔI SINH KẾ CƯ DÂN
ĐỊA PHƯƠNG TẠI CÁC XÃ VEN BIỂN HUYỆN KỲ ANH.............................. 38
2.1. Tính đặc thù về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên các xã ven biển
huyện Kỳ Anh.................................................................................................... 38
2.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ............................................................. 38
2.1.2. Điều kiện tự nhiên đặc trưng của các xã ven biển huyện Kỳ Anh ............. 42
2.1.3. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội huyện Kỳ Anh ................................ 46
2.2. Thực trạng các nguồn vốn sinh kế và sự thay đổi sinh kế cư dân địa phương.
.......................................................................................................................... 49
2.2.1. Thực trạng các nguồn vốn sinh kế ............................................................ 49
2.2.2. Sự thay đổi sinh kế cư dân địa phương ..................................................... 54
CHƯƠNG 3. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG, LƯỢNG GIÁ THIỆT HẠI CỦA THIÊN
TAI DO BÃO LŨ VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SINH KẾ BỀN VỮNG TẠI
CÁC XÃ VEN BIỂN HUYỆN KỲ ANH .............................................................. 57
3.1. Phân tích tác động của thiên tai tới sinh kế .................................................. 57
3.1.1. Tác động của thiên tai đến nghề nghiệp hộ gia đình ................................. 57
3.1.2. Tác động của thiên tai đến tài sản của hộ .................................................. 61
3.1.3. Tác động của thiên tai đến thu nhập của người dân .................................. 62
3.1.4. Các hỗ trợ sau thiên tai ............................................................................ 63
3.2. Đánh giá tác động của thiên tai tới sinh kế ven biển .................................... 64
ii


3.3. Lượng giá thiệt hại và phân tích chi phí - lợi ích ......................................... 68
3.3.1. Ước tính thiệt hại của các xã ven biển do tác động của bão lũ .................. 68
3.3.2. Phân tích chi phí – lợi ích mở rộng ........................................................... 85
3.4. Đề xuất khung sinh kế bền vững và định hướng phát triển sinh kế tại 7 xã ven

biển huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ...................................................................... 88
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 100
PHỤ LỤC ........................................................................................................... 104

iii


DANH MỤC BẢNG BIỂU
Bảng 1.1: Các chỉ thị cho nguồn vốn sinh kế ......................................................... 17
Bảng 1.2: Bối cảnh bên ngoài trong khung sinh kế bền vững ................................. 18
Bảng 2.1: Mật độ dân số các xã ven biển ............................................................... 46
Bảng 2.2: Cơ cấu giá trị sản xuất một số xã ven biển huyện Kỳ Anh năm 2010 ..... 48
Bảng 2.3: Diện tích các loại đất tại 7 xã ven biển huyện Kỳ Anh tính đến 1/1/2013
(Đơn vị: ha) ........................................................................................................... 50
Bảng 2.4: Dân số, lao động một số xã ven biển huyện Kỳ Anh năm 2010 ............. 51
Bảng 2.5: Cơ cấu thu nhập các hộ gia đình tại bảy xã ven biển huyện Kỳ Anh năm
2010 (Đơn vị: %)................................................................................................... 52
Bảng 2.6: Cơ cấu nghề nghiệp của các hộ gia đình tại các xã ven biển huyệnKỳ Anh
(Đơn vị: %) ........................................................................................................... 53
Bảng 3.1: Chuồng trại chăn nuôi ........................................................................... 59
Bảng 3.2: Số điểm trung bình cho mức độ tác động của thiên tai đến ngư nghiệp .. 60
Bảng 3.3: Thống kê tác động của thiên tai tới ngư nghiệp từng xã ......................... 60
Bảng 3.4: Đánh giá tác động thiên tai đến thu nhập hộ gia đình ............................. 62
Bảng 3.5: Hỗ trợ sau thiên tai tại các xã dự án ....................................................... 63
Bảng 3.6: Tác động của thiên tai do bão lũ đến sinh kế ven biển huyện Kỳ Anh .... 64
Bảng 3.7: Tác động cụ thể của thiên tai do bão lũ đến sinh kế tại các xã ven biển.. 66
Bảng 3.9: Thống kê số lượng bão, lũ xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Anh 2008-2013
.............................................................................................................................. 69
Bảng 3.10: Bảng thống kê thiệt hại do bão lũ ảnh hưởng tới 07 xã ven biển huyện
Kỳ Anh (2008 – 2013) (đơn vị: triệu đồng) ........................................................... 70

Bảng 3.11: Bảng thống kê thiệt hại do bão lũ ảnh hưởng tới xã Kỳ Xuân (2008 –
2013) (đơn vị: triệu đồng) ...................................................................................... 70
iv


Bảng 3.12: Bảng thống kê thiệt hại do bão lũ ảnh hưởng tới xã Kỳ Phú (2008 –
2013) (đơn vị: triệu đồng) ...................................................................................... 71
Bảng 3.13: Bảng thống kê thiệt hại do bão lũ ảnh hưởng tới xã Kỳ Khang (2008 –
2013) (đơn vị: triệu đồng) ...................................................................................... 71
Bảng 3.14: Bảng thống kê thiệt hại do bão lũ ảnh hưởng tới xã Kỳ Ninh (2008 –
2013) (đơn vị: triệu đồng) ...................................................................................... 72
Bảng 3.15: Bảng thống kê thiệt hại do bão lũ ảnh hưởng tới xã Kỳ Lợi (2008 –
2013) (đơn vị: triệu đồng) ...................................................................................... 72
Bảng 3.16: Bảng thống kê thiệt hại do bão lũ ảnh hưởng tới xã Kỳ Phương (2008 –
2013) (đơn vị: triệu đồng) ...................................................................................... 73
Bảng 3.17: Bảng thống kê thiệt hại do bão lũ ảnh hưởng tới xã Kỳ Nam (2008 –
2013) (đơn vị: triệu đồng) ...................................................................................... 73
Bảng 3.18: Ước tính tổng thiệt hại của 7 xã ven biển huyện Kỳ Anh ..................... 83
Bảng 3.19. Phân tích chi phí – lợi ích thiệt hại do bão lũ tại 7 xã ven biển ............. 87
Bảng 3.20: Khả năng bị tổn thương của sinh kế trước tác động của bão, lũ lụt....... 90
Bảng 3.21: Các tiêu chí đánh giá tính bền vững và thích ứng của sinh kế .............. 91
Bảng 3.22: Tổng hợp khung sinh kế bền vững đề xuất cho 7 xã ven biển huyện Kỳ
Anh ....................................................................................................................... 96

v


DANH MỤC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ
Hình 1.1. Khung Sinh kế bền vững của DFID (2001)……………………………..15
Hình 1.2. Sơ đồ phân loại phương pháp lượng giá (Ngân hàng thế giới, 2002)…...22

Hình 1.3. Sơ đồ các bước nghiên cứu……………………………………………...37
Hình 2.1. Vị trí địa lý khu vực nghiên cứu………………………………………...39
Hình 2.2. Biểu đồ cơ cấu diện tích các nhóm đất tại 7 xã ven biển huyện Kỳ Anh.49
Hình 2.3. Biểu đồ cơ cấu nghề nghiệp của các hộ gia đình tại các xã ven biển huyện
Kỳ Anh (2014)……………………………………………………………………..53
Hình 3.1. Biểu đồ thể hiện tỷ lệ đánh giá mức độ tác động của các loại hình thiên tai
tới sản xuất nông nghiệp tại 7 xã ven biển…………………………………………58
Hình 3.2. Biểu đồ cơ cấu đánh giá tác động của thiên tai đến thu nhập hộ gia đình61
Hình 3.3. Bản đồ mức độ thiệt hai do thiên tai tới sinh kế năm 2008……………..77
Hình 3.4. Bản đồ mức độ thiệt hai do thiên tai tới sinh kế năm 2009……………..78
Hình 3.5. Bản đồ mức độ thiệt hai do thiên tai tới sinh kế năm 2010……………..79
Hình 3.6. Bản đồ mức độ thiệt hai do thiên tai tới sinh kế năm 2011……………..80
Hình 3.7. Bản đồ mức độ thiệt hai do thiên tai tới sinh kế năm 2012……………..81
Hình 3.8. Bản đồ mức độ thiệt hai do thiên tai tới sinh kế năm 2013……………..82
Hình 3.9. So sánh các nguồn vốn sinh kế của 7 xã năm 2013……....……………..84
Hình 3.10. Biểu đồ giá trị hiện ròng (NPV) tích dồn theo các năm của thiệt hại sinh
kế do bão lũ tại 7 xã ven biển huyện Kỳ Anh……………………………………...87
Hình 3.11. Khung sinh kế bền vững vùng ven biển của IMM (2004)……………..89
Hình 3.12. Khung sinh kế bền vững đề xuất cho 7 xã ven biển huyện Kỳ Anh…...92
Hình 3.13. Bản đồ định hướng phát triển sinh kế bền vững vùng ven biển huyện Kỳ
Anh…………………………………………………………………………………97
vi


DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU SỬ DỤNG TRONG LUẬN VĂN

BĐKH

Biến đổi khí hậu


CCVI

Chỉ số tổn thương do thiên tai

CM

Phương pháp mô hình chọn lựa (Choice Modelling Method)

CVM

Phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (Contigent Valuation Method)

DFID

Cơ quan Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh
(Department for International Development)

GDP

Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product)

HEA

Phương pháp phân tích nơi cư trú tương đương
(Habitat Equivalency Analysis)

HST

Hệ sinh thái


IMM

Tổ chức Nghiên cứu về Phát triển bền vững của Vương quốc Anh

ITCM

Chi phí du lịch theo cá nhân

MARD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
(Ministry of Agriculture and Rural Development)

MPM

Phương pháp giá trị thị trường

NOAA

Cơ quan khí quyển và hải dương học quốc gia Mỹ

SLF

Khung sinh kế bền vững (Sustainable Livelihood Framework)

TCM

Phương pháp chi phí du hành (Travel Cost Method)

UNCED


Hội nghị Quốc tế về Môi trường và Phát triển

WCED

Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới
(World Commission on Environment and Development)

WTA

Sự sẵn lòng chấp nhận

WTP

Chi trả của người dân

ZTCM

Chi phí du lịch theo vùng

vii


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới,
với khoảng 70% dân số sẽ phải đối mặt với những rủi ro vì bão, mưa lớn và lũ lụt
[2]. Bờ biển dài, địa hình rừng núi, nhiều sông suối và khí hậu nhiệt đới khiến bão,
mưa lớn khiến Việt Nam sẽ phải chịu thiên tai và thời tiết khắc nghiệt với tần suất
ngày càng gia tăng. Thiên tai gây thiệt hại về người, phá hủy nhà cửa, ruộng đồng

khiến người dân mất phương tiện sinh sống và đẩy họ trở lại cảnh nghèo đói. “Chỉ
tính trong 10 năm gần đây (2001-2010), các loại thiên tai như: bão lũ, lũ quét, sạt
lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại
đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt
hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm” (Chiến lược quốc gia về
Biến đổi khí hậu) [2]. Mất đất canh tác, sinh kế của hàng nghìn người dân sẽ bị đe
dọa nghiêm trọng. Trong bối cảnh thời tiết, khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, khó
lường như vậy, việc gắn kết sinh kế với diễn biến của thiên tai là hết sức cần thiết
để xây dựng phát triển bền vững sinh kế.
Lãnh thổ khu vực ven biển huyện Kỳ Anh kéo dài hơn 63 km, nằm ở vị trí
gần các đầu mối giao thông quan trọng là quốc lộ 1A, tỉnh lộ 22, cảng nước sâu
Vũng Áng là nơi thường xuyên phải gánh chịu tác động mạnh mẽ của các hiện
tượng thời tiết cực đoan như bão, gió Tây khô nóng, hạn hán, lũ lụt,... đặc biệt là
các xã ven biển, đa số sinh kế của người dân đều dựa vào sản xuất nông nghiệp như
trồng trọt, chăn nuôi, làm muối và đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản – những nguồn
sinh kế phụ thuộc nhiều vào khí hậu. Trong bối cảnh thiên tai diễn biến bất thường,
sinh kế của những người dân nơi đây đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ngoài ra, khu
vực này còn là nơi trọng điểm phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nên các tác động từ
việc quy hoạch sử dụng đất, các yếu tố văn hóa… cũng gây ảnh hưởng không nhỏ
đến sinh kế của người dân. Do đó, việc đánh giá tác động, tính toán thiệt hại của
thiên tai và định hướng phát triển sinh kế bền vững vùng ven biển là việc làm cần
thiết và cấp bách.

1


Chính vì vậy, việc thực hiện đề tài “Đánh giá tác động và lượng giá thiệt hại
của thiên tai do bão lũ đến sinh kế của cư dân các xã ven biển huyện Kỳ Anh, tỉnh
Hà Tĩnh” là thực sự thiết thực, có ý nghĩa và đóng góp quan trọng cho sự phát triển
bền vững của lãnh thổ này trong tương lai.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu
a) Mục tiêu
Đánh giá thực trạng và biến đổi sinh kế, lượng giá thiệt hại của thiên tai do
bão lũ đến sinh kế; đề xuất khung sinh kế và định hướng sử dụng sinh kế bền vững
tại các xã ven biển thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
b) Nội dung nghiên cứu
- Tổng quan các công trình liên quan tới sinh kế, khung sinh kế bền vững,
đánh giá và lượng giá thiệt hại của thiên tai đến sinh kế
- Phân tích thực trạng và biến đổi sinh kế của cư dân các xã ven biển huyện
Kỳ Anh.
- Lựa chọn phương pháp lượng giá thích hợp và phân tích chi phí – lợi ích.
- Đề xuất khung sinh kế và định hướng phát triển sinh kế bền vững cho cư
dân vùng ven biển.
c) Nhiệm vụ
- Thu thập tài liệu về lý thuyết, các công trình liên quan đến sinh kế, khung
sinh kế bền vững, thiên tai và đánh giá thiên tai đã được thực hiện; các tài liệu về
điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, bản đồ có liên quan đến khu vực nghiên cứu đã
công bố; các phương pháp lượng giá thiệt hại do thiên tai đã được áp dụng.
- Xác lập cơ sở lý luận về sinh kế và khung sinh kế bền vững.
- Xác lập cơ sở lý luận nghiên cứu đánh giá và lượng giá thiệt hại của thiên
tai tới sinh kế.
- Khảo sát thực địa và phỏng vấn cư dân địa phương về tác động của thiên tai
sinh kế.
2


- Viết báo cáo và hoàn thiện luận văn.
3. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi không gian: nghiên cứu của đề tài được giới hạn trong phạm vi
không gian thuộc khu vực ven biển huyện Kỳ Anh, bao gồm 07 xã là Kỳ Xuân, Kỳ

Phú, Kỳ Khang, Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Ninh và Kỳ Nam.
- Phạm vi khoa học:
+ Phân tích thực trạng và biến đổi sinh kế của cư dân các xã ven biển huyện
Kỳ Anh.
+ Đánh giá tác động của thiên tai do bão và lũ lụt tới sinh kế người dân khu
vực ven biển.
+ Lượng giá thiệt hại của sinh kế ven biển huyện Kỳ Anh giai đoạn 20082013 dưới tác động của thiên tai do bão lũ.
+ Định hướng phát triển sinh kế bền vững khu vực nghiên cứu.
4. Ý nghĩa khoa học, thực tiễn
- Ý nghĩa khoa học: Kết quả nghiên cứu góp phần làm rõ cách tiếp cận liên
ngành trong việc giải quyết những vấn đề khoa học và thực tiễn liên quan đến
nghiên cứu sinh kế vùng ven biển và lượng giá tổn thất do tác động của thiên tai tới
sinh kế người dân.
- Ý nghĩa thực tiễn: Cung cấp cơ sở khoa học và dữ liệu định lượng, liên
ngành về tự nhiên, kinh tế và xã hội phục vụ định hướng phát triển sinh kế bền
vững. Đồng thời kết quả nghiên cứu giúp các nhà quản lý ra các quyết định liên
quan đến công tác quy hoạch, quản lý lãnh thổ và hướng đến mô hình sinh kế bền
vững khu vực nghiên cứu nói riêng và khu vực ven biển miền Trung nói chung.
5. Cơ sở tài liệu để thực hiện luận văn
a) Tài liệu địa phương
- Các số liệu thống kê và báo cáo kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất,
định hướng phát triển… của huyện Kỳ Anh và các xã ven biển.
3


- Niên giám thống kê huyện Kỳ Anh năm 2005-2010, 2008-2012, 2013.
b) Tài liệu không gian: Bản đồ địa hình và bản đồ chuyên đề trên địa bàn huyện Kỳ
Anh, Hà Tĩnh.
c) Tài liệu khảo sát tại địa phương:
- Bảng hỏi, phiếu điều tra hộ gia đình về sinh kế

- Phiếu điều tra hộ gia đình về tác động của thiên tai tới sinh kế
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:
- Chương 1: Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu đánh giá, lượng giá tác động
của thiên tai do bão lũ tới sinh kế cư dân khu vực ven biển.
- Chương 2: Phân tích thực trạng và biến đổi sinh kế của cư dân địa phương tại các
xã ven biển huyện Kỳ Anh.
- Chương 3: Đánh giá tác động, lượng giá thiệt hại của thiên tai do bão lũ và định
hướng phát triển sinh kế bền vững tại các xã ven biển huyện Kỳ Anh.

4


CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
ĐÁNH GIÁ, LƯỢNG GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA THIÊN TAI DO BÃO LŨ TỚI
SINH KẾ CƯ DÂN KHU VỰC VEN BIỂN
1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu
1.1.1. Các công trình nghiên cứu trên thế giới
* Nghiên cứu sinh kế và sinh kế bền vững
Sinh kế bao gồm khả năng, nguồn vốn (cả nguồn tài nguyên hữu hình và tài
nguyên xã hội) và những hoạt động cần thiết của con người để sinh sống. Sinh kế
được coi là bền vững (sinh kế bền vững) khi có thể giải quyết hoặc vượt qua những
khủng hoảng, cú sốc và duy trì hoặc nâng cao khả năng và nguồn vốn cả ở thời
điểm hiện tại và trong tương lai, trong khi không làm xói mòn nguồn tài nguyên tự
nhiên [27]. Để hiểu thêm về cách thức con người có thể phát triển và duy trì sinh kế,
Cơ quan Phát triển Quốc tế của Vương quốc Anh (DFID) đã phát triển khung sinh
kế bền vững (SLF). Khung này được coi là công cụ phân tích, hữu dụng để hiểu các
nhân tố khác nhau gây ảnh hưởng đến sinh kế của con người và những nhân tố này
tương tác với nhau như thế nào [29]. SLF nhìn sinh kế như một hệ thống và cung
cấp cách thức để hiểu: nguồn vốn của con người; những chiến lược mà con người

thực hiện để tạo sinh kế; bối cảnh mà trong đó sinh kế được hình thành và phát
triển; và những nhân tố giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương đối với những cú sốc
và khủng hoảng.
Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu tập trung vào sinh kế bền vững, coi đây là
một biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết mối quan hệ giữa con người và môi trường
(Scoones 1998; Leach và cộng sự, 1999; Pretty and Ward, 2001). Sinh kế được coi
là cách thức đơn giản để con người kiếm sống và giúp họ có thể có lựa chọn thay
thế. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận sinh kế bền vững tập trung vào các loại: vốn
kinh tế (tài sản của hộ gia đình), vốn con người (các kỹ năng, giáo dục, khả năng
lao động) và vốn xã hội (cộng đồng, các mối quan hệ) [33]. Như vậy, cần nhìn nhận
rộng hơn về các mối quan hệ xã hội, kinh tế giúp tạo cơ hội hình thành nên hệ thống
sinh kế. Tại các quốc gia châu Phi như Mozambique, sự xáo trộn về sinh kế làm quá
5


trình “bần cùng hóa” một cách lâu dài, gây nên tình trạng chậm đổi mới tại nông
thôn. Paavola (2008) cho rằng muốn phát triển sinh kế và hạn chế tổn thương do
biến đổi khí hậu thì cần nỗ lực quản lý các nguồn tài nguyên và tăng cường các ưu
đãi cho thị trường nông nghiệp tại Tanzania [30]. Trong một công trình nghiên cứu
về “Ảnh hưởng của những thay đổi về sử dụng đất, sinh kế nông dân - Một nghiên
cứu trường hợp làng Madertala dưới Dumuria upazila ở quận Khulna” (2008),
Gautam Mondal trên cơ sở phân tích mô hình sử dụng đất hiện tại và quá khứ của
khu vực nghiên cứu cho thấy thông qua qua mô hình việc làm, thu nhập, tính mùa
vụ, bản sắc xã hội, những thay đổi trong sử dụng đất đã tác động trên mô hình sinh
kế của người dân phụ thuộc vào đất trực tiếp hoặc gián tiếp. Một sự thay đổi đáng
kể đã xảy ra trong đất nông nghiệp trong khu vực nghiên cứu. 46,26% tổng diện tích
đất đã thay đổi từ sản xuất một loại nông nghiệp duy nhất sang hình thành các trang
trại nông nghiệp tôm trong giai đoạn này đã có một kết quả ảnh hưởng đến sự thay
đổi của mô hình sinh kế của người nông dân nhỏ trong lĩnh vực này. Trước khi thay
đổi sử dụng đất sinh kế của nông dân là vô cùng bất ổn do sự thay đổi thu nhập theo

mùa do nông nghiệp mang tính mùa vụ, nhưng sau khi thay đổi sử dụng đất họ kiếm
được nhiều tiền bất kỳ thời gian nào trong năm, sinh kế cũng từ đó mà bền vững.
*Nghiên cứu lượng giá thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu
Lượng giá kinh tế là một nội dung trọng tâm của một số nghiên cứu trước
đây và hiện nay, nhưng không có nhiều. Ở quy mô toàn cầu, lượng giá được dựa
trên một số chỉ số cơ bản, chẳng hạn chỉ số rủi ro khí hậu của Germanwatch cho hầu
hết các nước trên thế giới được tính toán dựa trên sự sụt giảm GDP (tính theo sức
mua tương đương PPP) và số lượng người tử vong do những hiện tượng khí hậu cực
đoan như bão, mưa lớn và hạn hán; chỉ số dễ bị tổn thương do thiên tai (CCVI)
được đánh giá dựa trên 42 yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường để đánh giá rủi ro
trên ba lĩnh vực chính của các quốc gia; chi phí cho sự căng thẳng gia tăng và tổn
thất tiềm tàng từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Một đánh giá kinh tế thích ứng của
Ngân hàng Thế giới năm 2010 cho rằng tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu
đến ngành nông nghiệp có thể làm GDP toàn cầu năm 2050 giảm 0,7-2,4%; lợi ích

6


của các biện pháp thích ứng là 1,3-1,6% tổng GDP và do đó có thể cao hơn những
chi phí [39].
Lượng giá thiệt hại do thiên tai ở quy mô địa phương cũng được đề cập tới
trong một số công trình nghiên cứu khoa học. Năm 1996, Hope và Maul thực hiện
một nghiên cứu về lượng giá tác động do phát thải CO2 dựa trên hai mô hình với
phương thức tiếp cận rất khác nhau là mô hình PAGE và mô hình Intera [25].
Hướng này cho phép tiếp cận lượng giá bằng chi phí cận biên, thích hợp cho các
quyết định chính sách. Velarde và cộng sự (2005) đã làm một nghiên cứu về lượng
giá tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu tại các khu bảo vệ tự nhiên ở châu Phi,
trong đó, phương pháp tiếp cận chuyển giao các lợi ích (benefits transfer approach)
được sử dụng để xác định giá trị kinh tế cho các hệ sinh thái được dự đoán sẽ thay
đổi trong các khu bảo tồn [28].

Ngoài ra còn phải kể đến những công trình nghiên cứu tổng hợp về đánh giá
và lượng giá tác động của thiên tai đến các khía cạnh kinh tế xã hội: nghiên cứu
đánh giá và lượng giá tác động đến hệ thống thoát nước ở Helsingborg, Thụy Điển
(Annette và cộng sự, 2008); tác động đến nhiệt độ nước ngầm tầng nông (Taylor và
Stefan, 2009); tác động phá hoại tiềm năng đối với đồông bằng sông Dương Tử (Gu
và cộng sự, 2011); chất lượng nước sông ở một hệ thống tích hợp nước thải đô thị ở
Vương quốc Anh (Maryam và cộng sự, 2012). Một số nghiên cứu khác liên kết biến
đổi khí hậu với an ninh lương thực và giảm thiểu nghèo đói ở vùng nhiệt đới
(Sanchez, 2000); phân tích và dự báo đô thị hóa của nghèo đói (Ravallion, 2002);
nghiên cứu sinh kế, tính dễ tổn thương và thích ứng với biến đổi khí hậu ở
Morogoro-Tanzania [30], nghiên cứu đánh giá và lượng giá tác động của biến đổi
khí hậu đến nghèo đói do thay đổi sản lượng cây trồng và thích ứng của cộng đồng
nông thôn miền núi [30].
1.1.2. Các công trình nghiên cứu tại Việt Nam
Nghiên cứu mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và sinh kế tại Việt Nam nhằm
đề xuất giải pháp giảm bớt tính dễ bị tổn thương của sinh kế ven biển và xây dựng
khả năng phục hồi do các tác động của khí hậu; đồng thời, xây dựng khả năng phục

7


hồi các hệ thống sinh thái và xã hội mà những sinh kế này phụ thuộc vào những tác
động của biến đổi khí hậu và tăng cường năng lực cung cấp các dịch vụ có chất
lượng của các hệ thống này. Lưu Bich Ngọc và cộng sự (2012) đã chỉ ra sự khác
biệt về tác động của biến đổi khí hậu đến biến đổi sử dụng đất và thay đổi sinh kế
cộng đồng giữa lưu vực thượng nguồn và đồng bằng ở đồng bằng châu thổ sông
Hồng [8]. Gần đây, Nguyễn Thị Thanh Hương và cộng sự (2011) đã thực hiện một
nghiên cứu dựa trên phân tích tác động kép của biến đổi khí hậu và đô thị hóa đối
với rủi ro ngập lụt đô thị tại thành phố Cần Thơ. Trong công trình, phương pháp
tiếp cận sinh kế bền vững và đánh giá có sự tham gia được sử dụng, lấy các cộng

đồng nghèo làm trung tâm trong việc phản ánh tình hình biến đổi khí hậu và ảnh
hưởng của nó đối với sinh kế của người dân cũng như những giải pháp hiện có. Đại
diện chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng được tham vấn trong quá
trình thực hiện nghiên cứu.
Nhìn chung, các nghiên cứu tác động của thiên tai đến sinh kế tại Việt Nam
chú trọng nhiều tới tác động của thiên tai lên nền tảng tài sản sinh kế, bao gồm vốn
tự nhiên (suy thoái tài nguyên và môi trường đất, suy thoái nguồn nước, suy thoái
các nguồn lợi tự nhiên,...), vốn xã hội (các hệ thống vốn xã hội dựa vào cộng đồng,
biện pháp ứng phó với thiên tai của chính quyền địa phương và tổ chức quần chúng,
tác động của thiên tai đối với hệ thống hỗ trợ hiện có,...), vốn vật chất (cơ sở hạ tầng
hiện tại được thiết kế có hoặc không tính đến xu thế tác động của thiên tai và biến
đổi khí hậu,...), vốn tài chính (tác động của thiên tai gây thiệt hại tài sản sản xuất,
giảm thu nhập, tạo căng thẳng trong lĩnh vực tài chính,...) và vốn con người (tác
động của thiên tai làm thúc đẩy việc di cư, thay đổi cơ cấu lao động và cơ cấu thu
nhập,...).
1.1.3. Các công trình liên quan tới khu vực nghiên cứu
Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km, đứng thứ 27 trong số
156 quốc gia có biển trên thế giới. Nằm trong dải ven biển Bắc Trung Bộ, lãnh thổ
ven biển huyện Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh vừa mang đặc điểm chung của đới ven
biển Việt Nam, vừa có những đặc thù riêng về phát triển kinh tế cũng như chịu tác

8


động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Cho tới nay đã có nhiều chương trình, đề tài
thuộc các cấp khác nhau điều tra, nghiên cứu liên quan tới lãnh thổ ven biển này.
Nhận thức được vị thế về địa lý và tầm quan trọng của vùng Trung Bộ, sau
khi bước vào giai đoạn Đổi mới, Nhà nước đã quan tâm đến công tác quy hoạch
lãnh thổ, phát triển kinh tế xã hội của các địa phương thuộc vùng này. Những nội
dung phát triển kinh tế xã hội của khu vực ven biển huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

được đề cập một phần trong “Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Bắc Trung Bộ và
Duyên hải Nam Trung Bộ” (1998), “Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm
quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ” (2005) do
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; “Tổ chức lãnh thổ kinh tế trọng điểm Miền Trung
Việt Nam“ (đề tài mã số KXĐL.94.02, Lưu Đức Hồng chủ nhiệm); “Dự án điều tra
tổng thể kinh tế-xã hội và môi trường vùng ven biển Việt Nam giai đoạn 1 (19982000)” (Viện Kinh tế học, Trung tâm Khoa học và Xã hội Nhân văn Quốc gia,
2001); “Phát triển kinh tế-xã hội và môi trường các tỉnh ven biển Việt Nam” (Đỗ
Hoài Nam, 2003); “Nền kinh tế các tỉnh vùng biển của Việt Nam” (Thế Đạt, 2009).
Các công trình nhìn chung đã đề cập đến tình hình về tiềm năng có thể phát huy của
các tỉnh vùng biển miền Trung trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đi từ
bức tranh toàn cảnh môi trường của phức hệ sinh thái - kinh tế, đến khái quát nền
kinh tế các tỉnh vùng biển và những dự báo bước đi của nền kinh tế biển giai đoạn
đến năm 2020.
Những công trình nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
của khu vực ven biển huyện Kỳ Anh không có nhiều, chủ yếu được khái quát trong
các công trình nghiên cứu ở quy mô lớn, trong phạm vi đới bờ khu vực ven biển
miền Trung. Nhiều nghiên cứu được đặt tại các bộ ngành như Cục Địa chất và
khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Khí tượng - thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn. Chẳng hạn, từ năm 1990 đến năm 2001, Trung tâm Địa chất Khoáng sản biển đã hoàn thành đề án Lập bản đồ địa chất khoáng sản, địa chất môi
trường biển nông ven bờ (0-30m nước) toàn Việt Nam tỷ lệ 1: 500.000. Các bản đồ
được thành lập theo các đề tài thường có tỷ lệ từ 1:200.000 đến 1:500.000. Đây là
nguồn tài liệu được nghiên cứu khá công phu, các số liệu, tài liệu có độ tin cậy cao.

9


Tuy nhiên, do những mục tiêu điều tra, nghiên cứu khác nhau, lại được dàn trải trên
diện rộng nên các nội dung thể hiện trong phạm vi vùng bờ biển chưa được chi tiết.
Một trong những vấn đề nổi cộm đối với các khu vực ven biển miền Trung là
môi trường và thiên tai [5]. Các vấn đề này được lồng ghép trong các công trình

nghiên cứu, điều tra về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của đới ven bờ. Thêm vào
đó, do tính chất diễn biến phức tạp của điều kiện tự nhiên dẫn tới các thiên tai ở khu
vực này có nguy cơ gia tăng trong những năm gần đây nên đã có nhiều đề tài lấy
các khu vực trong phạm vi này để nghiên cứu chi tiết.
Tuy những nghiên cứu cụ thể về điều kiện tự nhiên, tai biến thiên nhiên tại
khu vực ven biển thuộc huyện Kỳ Anh không nhiều, nhưng số lượng báo cáo thuyết
minh về quy hoạch và đầu tư của địa phương lại tương đối đầy đủ: Báo cáo Quy
hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ đầu (2011-2015)
huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội
huyện Kỳ Anh giai đoạn 2000-2010, 2010-2020; Một số báo cáo thuyết minh riêng
cho cảng Vũng Áng như: thuyết minh tổng hợp Dự án đầu tư liên hợp gang thép
FORMOSA Hà Tĩnh; Dự án đầu tư nhà máy thủy điện Vũng Áng I; Thuyết minh
quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng,... chủ yếu đề cập đến nội dung
kinh tế - kỹ thuật mà hầu như ít quan tâm đến khía cạnh tài nguyên và môi trường
huyện Kỳ Anh. Các báo cáo quy hoạch tổng thể và chuyên ngành của tỉnh Hà Tĩnh
là tài liệu hữu ích có thể khai thác thông tin về huyện Kỳ Anh như: Quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 (UBND tỉnh Hà Tĩnh,
2010); Điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất đến năm 2010, kế hoạch sử dụng đất kỳ
cuối (2006-2010) (UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2008); Quy hoạch các khu xử lý chất thải
rắn cho các đô thị của tỉnh Hà Tĩnh đến 2015 và định hướng đến 2020 (Sở Tài
nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, 2008); Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ
công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn đến năm 2020
(UBND Hà Tĩnh, 2007); Báo cáo hiện trạng môi trường Hà Tĩnh năm 2010 (Sở Tài
nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, 6/2010); Báo cáo kết quả quan trắc và phân
tích môi trường tỉnh Hà Tĩnh năm 2006, 2007, 2008, 2009, 2010 (Trung tâm quan
trắc và kỹ thuật môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh) [14].

10



1.2. Cơ sở lý luận nghiên cứu sinh kế/ khung sinh kế bền vững và lượng giá các
tác động của thiên tai tới sinh kế
1.2.1. Cơ sở lý luận nghiên cứu sinh kế và khung sinh kế bền vững
a) Các quan điểm về sinh kế
Sinh kế bền vững (sustainable livelihood) từ lâu đã là chủ đề được quan tâm
trong các tranh luận về phát triển, giảm nghèo và quản lý môi trường cả trên
phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Cách tiếp cận sinh kế bền vững đã làm thay đổi
các cách tiếp cận đối với phát triển trong thời kỳ những năm 1980 và 1990 theo
hướng tập trung vào phúc lợi của con người và tính bền vững hơn là mục tiêu tăng
trưởng kinh tế.
Ý tưởng sinh kế bền vững lần đầu tiên được đề cập trong báo cáo Ủy ban
Môi trường và Phát triển Brundtland (1987) như một cách để liên kết cân nhắc kinh
tế xã hội và sinh thái trong một gắn kết, chính sách có liên quan cấu trúc.
Trong báo cáo Bruntland, Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (World
Commission on Environment and Development - WCED) (1987) cũng đưa ra khái
niệm về an ninh sinh kế bền vững xuất phát từ tư tưởng chung về phát triển bền
vững. Sinh kế được hiểu là có các nguồn dự trữ về lương thực và tiền bạc để đáp
ứng các nhu cầu cơ bản. An ninh được hiểu là được sở hữu hoặc được tiếp cận các
nguồn lực và hoạt động tạo thu nhập để bù đắp rủi ro, làm giảm các đột biến cũng
như ứng phó kịp thời với những bất thường xảy ra. Bền vững đề cập đến khả năng
duy trì hoặc tăng cường năng suất trong dài hạn. Do đó, một hộ gia đình có thể đạt
được an ninh sinh kế bền vững bằng nhiều cách: sở hữu đất đai, cây trồng và vật
nuôi; có quyền được chăn thả, đánh bắt, săn bắn hoặc hái lượm; có công việc ổn
định với mức thu thập đủ trang trải các nhu cầu của cuộc sống,… Theo WCED, sinh
kế bền vững là một khái niệm lồng ghép và được coi là phương tiện để đạt được 2
mục tiêu: công bằng và bền vững.
Năm 1992, đặc biệt là trong bối cảnh Chương trình nghị sự 21, Hội nghị
Quốc tế về Môi trường và Phát triển (UNCED) mở rộng khái niệm và ủng hộ cho
việc đạt được sinh kế bền vững như một mục tiêu rộng rãi cho xóa đói giảm nghèo.
11



Chỉ ra rằng sinh kế bền vững có thể phục vụ như là "một yếu tố tích hợp cho phép
các chính sách để giải quyết Phát triển, quản lý tài nguyên bền vững và xóa đói
giảm nghèo đồng thời”.
Trong một bài báo kinh điển năm 1992, Robert Chambers và Gordon
Conway đề xuất định nghĩa tổng hợp sau đây của một sinh kế nông thôn bền vững:
“Sinh kế bao gồm các khả năng, tài sản (cửa hàng, nguồn lực, tuyên bố và truy
cập) và các hoạt động cần thiết cho một phương tiện của cuộc sống. Một sinh kế
bền vững mà có thể đối phó và phục hồi từ sự căng thẳng và những cú sốc, duy trì
hoặc tăng cường khả năng và tài sản, và cung cấp các cơ hội sinh kế bền vững cho
các thế hệ kế tiếp, và từ đó góp phần lợi ích ròng đối với sinh kế khác ở cấp địa
phương và toàn cầu, trong ngắn hạn và dài hạn”. Sinh kế có thể được nghiên cứu ở
các cấp độ khác nhau như cá nhân, hộ gia đình, thôn, vùng… nhưng phổ biến nhất
là cấp hộ gia đình [27]. Theo quan điểm của Chambers và Conway, sinh kế bền
vững là một khái niệm lồng ghép của 3 yếu tố cơ bản là: khả năng, công bằng và
bền vững. Đây là khái niệm về sinh kế đầy đủ nhất và làm cơ sở, nền tảng cho các
tác giả mở rộng, phát triển nghiên cứu về sinh kế sau này. Dựa trên khái niệm về
sinh kế bền vững của Chambers và Conway (1992), Scoones (1998) định nghĩa sinh
kế “bao gồm khả năng, nguồn lực (bao gồm các nguồn lực vật chất và nguồn lực xã
hội) và các hoạt động cần thiết làm phương tiện sống của con người. Một sinh kế
được coi là bền vững khi nó có thể giải quyết được hoặc có khả năng phục hồi từ
những căng thẳng; duy trì và tăng cường khả năng và nguồn lực hiện tại mà không
làm tổn hại đến cơ sở tài nguyên thiên nhiên”[37]. Tuy nhiên, Chambers và
Conway mới chỉ đánh giá tính bền vững của sinh kế trên hai phương diện: bền vững
về môi trường (đề cập đến khả năng của sinh kế trong việc bảo tồn hoặc tăng cường
các nguồn lực tự nhiên, đặc biệt cho các thế hệ tương lai) và bền vững về xã hội (đề
cập đến khả năng của sinh kế trong việc giải quyết những căng thẳng và đột biến và
duy trì nó trong dài hạn).
Ashley và Carney (1999) trong báo cáo “Sinh kế bền vững: Bài học kinh

nghiệm” đã đưa ra nguồn gốc, nguyên tắc, định nghĩa cho sinh kế bền vững đồng
thời ứng dụng vào thực tế thiết kế các dự án và chương trình mới giúp làm tăng hiệu
12


quả, giảm chi phí [24]. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu của mình, Ashley và
Carney đưa ra một số phương pháp tiếp cận sinh kế bền vững có thể và nên được sử
dụng lặp đi lặp lại trong suốt các dự án.
Năm 2001, DFID đã đưa ra khái niệm về sinh kế để hướng dẫn cho các hoạt
động hỗ trợ của mình, theo đó, sinh kế “bao gồm khả năng, nguồn lực cùng các
hoạt động cần thiết làm phương tiện sống cho con người” [29].
b) Sinh kế và sinh kế bền vững
Theo DFID (1999), sinh kế (livelihood) được quan niệm là “...các khả năng,
các tài sản (bao gồm cả các nguồn lực vật chất, xã hội) và các hoạt động cần thiết
để kiếm sống” [29]. Nhưng một câu hỏi quan trọng được đặt ra là thế nào là một
sinh kế bền vững khi khái niệm sinh kế đang ngày càng trở nên quan trọng trong
các thảo luận và phân tích về phát triển? Việc định nghĩa thế nào là một sinh kế bền
vững trong một bối cảnh cụ thể vẫn còn phải bàn luận [31], nhưng nhìn chung, một
sinh kế được coi là bền vững khi nó có khả năng ứng phó và phục hồi khi bị tác
động, hay có thể thúc đẩy các khả năng và tài sản ở cả thời điểm hiện tại và trong
tương lai trong khi không làm xói mòn nền tảng của các nguồn lực tự nhiên [26].
Thích ứng sinh kế, dễ bị tổn thương và khả năng phục hồi - Khả năng của
một sinh kế để có thể đối phó với căng thẳng và hồi phục sau cú sốc là trung tâm
của định nghĩa về bền vững sinh kế. Khả năng phục hồi như vậy khi đối mặt với áp
lực và những cú sốc là chìa khóa để cả hai thích ứng sinh kế và đối phó. Những
người không thể đối phó (điều chỉnh tạm thời khi đối mặt với thay đổi) hoặc thích
ứng (sự thay đổi lâu dài trong chiến lược sinh kế) là chắc chắn dễ bị tổn thương và
không để đạt được sinh kế bền vững.
Như vậy ta có thể định nghĩa một cách đơn giản sinh kế của một cá nhân,
một hộ gia đình, một cộng đồng được xem là bền vững khi [31]:

- Cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng đó có thể vượt qua những biến động trong
cuộc sống do thiên tai, dịch bệnh, hoặc khủng hoảng kinh tế gây ra.
- Phát triển hơn nguồn tài sản hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến nguồn
tài nguyên thiên nhiên.

13


Tính bền vững của sinh kế được đánh giá trên 4 phương diện: kinh tế, xã hội,
môi trường và thể chế.
- Một sinh kế được coi là bền vững về kinh tế khi nó đạt được và duy trì một
mức phúc lợi kinh tế cơ bản và mức phúc lợi kinh tế này có thể khác nhau giữa các
khu vực.
- Tính bền vững về xã hội của sinh kế đạt được khi sự phân biệt xã hội được
giảm thiểu và công bằng xã hội được tối đa.
- Tính bền vững về môi trường đề cập đến việc duy trì hoặc tăng cường năng
suất của các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng vì lợi ích của các thế hệ tương
lai.
- Một sinh kế có tính bền vững về thể chế khi các cấu trúc hoặc qui trình hiện
hành có khả năng thực hiện chức năng của chúng một cách liên tục và ổn định theo
thời gian để hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động sinh kế.
Các tiêu chí đánh giá tính bền vững của sinh kế
Các nghiên cứu của Scoones (1998) và DFID (2001) đã đưa ra một số chỉ
tiêu đánh giá tính bền vững của sinh kế trên 4 phương diện: kinh tế, xã hội, môi
trường và thể chế [37] [29].
- Bền vững về kinh tế: được đánh giá chủ yếu bằng chỉ tiêu gia tăng thu
nhập, hướng tới việc đạt được sự tăng trưởng ổn định và cơ cấu kinh tế hợp lý, tránh
được suy thoái và đình trệ, tránh để lại nợ nần lớn cho các thế hệ mai sau.
- Bền vững về xã hội: được đánh giá thông qua một số chỉ tiêu như: tạo thêm
việc làm, giảm nghèo đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện phúc lợi. Bền vững

về xã hội hướng tới mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm chế độ dinh
dưỡng và chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, mọi
người đều có cơ hội được học hành và có việc làm, giảm đói nghèo và khoảng cách
giàu nghèo giữa các tầng lớp và nhóm xã hội,…
- Bền vững về môi trường: được đánh giá thông qua việc sử dụng bền vững
hơn các nguồn lực tự nhiên (đất, nước, rừng, tài nguyên thủy sản…), không gây hủy
14


hoại môi trường (như ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường) và có khả năng
thích ứng trước những tổn thương và cú sốc từ bên ngoài.
- Bền vững về thể chế: được đánh giá thông qua một số tiêu chí như: hệ
thống pháp lý được xây dựng đầy đủ và đồng bộ, qui trình hoạch định chính sách có
sự tham gia của người dân, các cơ quan/tổ chức ở khu vực công và khu vực tư hoạt
động có hiệu quả; từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi về thể chế và chính sách để
giúp các sinh kế được cải thiện một cách liên tục theo thời gian.
c) Khung sinh kế bền vững (Sustainable Livelihood Framework - SLF)
Năm 2001, DFID đưa ra khung sinh kế bền vững để phân tích các yếu tố
chính ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, và mối quan hệ điển hình giữa các yếu
tố này [29]. Về cơ bản, khung sinh kế bền vững phân tích sự tác động qua lại của 5
nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sinh kế hộ gia đình là: (i) nguồn vốn sinh kế; (ii) chiến
lược sinh kế, (iii) kết quả sinh kế, (iv) các qui trình về thể chế và chính sách và (v)
bối cảnh bên ngoài.

Hình 1.1. Khung sinh kế bền vững của DFID (2001) [29]
Theo khung này, các hộ gia đình đều có phương thức kiếm sống (chiến lược
sinh kế) dựa vào những nguồn lực sinh kế sẵn có (5 loại nguồn lực) trong một bối
cảnh chính sách và thể chế nhất định ở địa phương. Những nhân tố này cũng chịu

15



×