Tải bản đầy đủ (.pdf) (61 trang)

Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong tiểu thuyết ngàn cánh hạc của yasuanary kawabata

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (516.91 KB, 61 trang )

Trường đại học sư phạm hà nội 2
Khoa ngữ văn

Vũ thị liên

Nghệ thuật miêu tả tâm lí
nhân vật trong tiểu thuyết
ngàn cánh hạc của
yasuanary kawabata
Khóa luận tốt nghiệp đại học
Chuyên nghành: Văn học nước ngoài

Người hướng dẫn khoa học
TS. Nguyễn Thị Bích Dung

Hà Nội - 2009


Lời cảm ơn
Trong quá trình thực hiện, người lm khoá luận đã được sự giúp đỡ, chỉ
bảo tận tình của các thầy cô trong khoa, trong tổ, đặc biệt là sự hướng dẫn
nhiệt tình của Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Dung. Vì vậy, tôi xin bày tỏ lòng biết
ơn sâu sắc tới các thầy, cô, đặc biệt là cô Nguyễn Thị Bích Dung người đã
hướng dẫn tôi hoàn thành đề tài này .
Là một sinh viên lần đầu nghiên cứu khoa học, hơn nữa do điều kiện thời
gian có hạn, cùng hạn chế về năng lực , sự tìm tòi, người viết không tránh
khỏi những thiếu sót. Kính mong sự chỉ bảo và đóng góp ý kiến của các thầy
cô và bạn đọc .
Tôi xin chân thành cảm ơn !
Hà nội , Ngày 10, tháng 5 , năm 2009
Sinh viên thực hiện



Vũ Thị Liên


Lời Cam đoan

Khóa luận tốt nghiệp này được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ
Nguyễn Thị Bích Dung . Tôi xin cam đoan :
- Đây là kết quả của riêng tôi.
- Kết quả này không trùng với kết quả của bất kì tác giả nào đã được
công bố . Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm .

Hà nội , Ngày 10, tháng 5 , năm 2009
Sinh viên thực hiện

Vũ Thị Liên


Mục lục
Mở đầu

1

1. Lý do chọn đề tài

1

1.1. Lý do khoa học

1


1.2. Lý do sư phạm

2

2. Lịch sử vấn đề

2

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cớu

4

4. Mục đích nghiên cứu

4

5. Phương pháp nghiên cứu

5

6. Cấu trúc khoá luận

5

Nội dung

6

Chương 1. Nghệ thuật miêu tả tâm lý các nhân vật nữ trong tiểu thuyết


6

Ngàn cánh hạc của Y.KAWABATA
1.1.

Khái niệm nhân vật

6

1.2.

Nghệ thuật miêu tả tâm lý các nhân vật nữ trong tiểu thuyết

7

Ngàn cánh hạc của Y.KAWABATA
1.2.1. Y. KAWABATA _Chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại

7

1.2.1.1. Y.KAWABATA_Chiếu gương soi trên đỉnh cô đơn

7

1.2.1.2. Kế thừa dòng văn học Nữ tính thời Heian

9

1.2.1.3. Sự ảnh hưởng từ xu thế văn học của thời đại


12

1.2.2.

25

Nghệ thuật miêu tả tâm lý các nhân vật nữ trong tiểu thuyết
Ngàn cánh hạc của Y.KAWABATA

1.2.2.1. Bà Ôta_ Linh hồn trà đạo, linh hồn của tiểu thuyết

17

1.2.2.2. Fumiko_ Thiếu nữ thâm trầm, sâu sắc

22

1.2.2.3. Chikako Kurimoto_ Người đàn bà cai nghiệt

28

1.2.2.4. Yukiko Inamura- Với hình ảnh biểu tượng chiếc khăn thêu

33


hình ngàn cách hạc
Chương 2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật Nam trong tiểu thuyết


36

Ngàn cánh hạc của Y.KAWABATA
2.1.

Vẻ đẹp Nhật bản trong con mắt nhìn của người đàn ông trong

36

sáng tác của Y.KAWABATA
2.1.1. Vẻ đẹp của những giá trị văn hoá xứ Phù Tang

36

2.1.2. Vẻ đẹp của phụ nữ Nhật

39

2.2.

42

Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật nam trong tiểu thuyết Ngàn
cánh hạc của Y.KAWABATA

Kết luận

52

Tài liệu tham khảo


55


mở đầu
1. Lí do chọn đề tài
1.1 Lí do khoa học
Hơn bảy thập kỉ đã trôi qua một thời gian đủ làm xóa mờ nhiền tên
tuổi, điều còn lại là tài năng. Thế kỉ XX sản sinh ra cho đất nước có ngọn núi
Phú Sĩ (Fuji) sừng sững nhiều tài năng lớn về văn chương: Mori Ogai (18621992); Mishima Yukiô (1925-1970) ; Oe Kenzaburô Nhưng để nói về thế kỉ
XX phải nói về Y.Kawabata. Bởi chính Y.Kawabata làm cho thế giới mãi mãi
nhận ra nước Nhật như nhận ra nước ý ở Đantê, nước Anh ở William
Shakespeare, nước Nga ở Puskin và nước Đức ở Goethe. Tác phẩm của Y.
Kawabata là sự tái sinh của vẻ đẹp bị lãng quên từ thời Heian, giữa nền công
nghiệp phồn thịnh của nước Nhật hiện đại. Dù viết về con người, thiên nhiên,
tình yêu ở đâu ta cũng thấy dạt dào một vẻ đẹp rất Nhật Bản đất nước vốn
được coi là xứ sở của những cái đẹp tinh tế, Y.Kawabata muốn khơi dậy tất cả
những vẻ đẹp trinh nguyên ấy trong sự xuống dốc của thuần phong mĩ tục
trong xã hội đang phát triển với tiêu chí học hỏi phương Tây, đuổi kịp
phương Tây.
Năm 1968, giải Nobel văn học cao quí được trao cho Y. Kawabata với
ba tiểu thuyết nổi tiếng: Xứ tuyết(1947), "Ngàn cánh hạc(1951), Cô đô
(1962). Ông được trân trọng giống như một người đi cứu rỗi cái Đẹp, nhưng
cái Đẹp đó được tái sinh từ bút pháp sáng tác lớn , một kiểu sáng tác lớn, kiểu
sáng tác lãng mạn mà nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chính là một khía
cạnh làm nên sự thành công cho bút pháp sáng tác của Y. Kawabata. Bút pháp
nghệ thuật được sử dụng trong các sáng tác của Y. Kawabata từ lâu vẫn được
xem là đề tài mới mẻ . Đó vẫn là mảnh đất văn học hấp dẫn với những người
say mê văn chương đến với dòng văn học của xứ sở hoa anh đào, tuyết trắng,



những bộ kimômô cầu kì và những phong tục văn hóa đậm bản sắc Phù
Tang.
1. 2 Lí do sư phạm
Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong tiểu thuyết của Y.Kawabata,
được coi là một trong những sở trường của nhà văn, người ta nhắc đến biệt tài
của ông trong việc thấu hiểu một cách tinh tế tâm lí, nhất là tâm lí của người
phụ nữ. Không chỉ vậy, ta thấy Y.Kawabata có những đột phá độc đáo, đi sâu
vào nội tâm nhân vật, miêu tả nhân vật, Y. Kawabata đã chứng tỏ được ngòi
bút điêu luyện của mình. Đặc biệt trong tác phẩm Ngàn cánh hạc, những nét
tâm lí của từng nhân vật hiện lên một cách sống động điển hình.
Qua cách miêu tả tâm lí nhân vật, ta dễ dàng nhận thấy hình ảnh của
nhân vật và sức sống của nó hiện ra một cách chân thực, đem lại ấn tượng sâu
sắc cho người đọc, chính vì vậy mà chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài: nghệ
thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong tiểu thuyết Ngàn cánh hạc của
Y.Kawabata. Qua đây sẽ giúp cho người giáo viên tương lai có cái nhìn toàn
diện hơn về con người tác giả Y.Kawabata cũng như bút pháp sáng tác của
ông. Cũng bởi tác phẩm của Y.Kawabata đã được được đưa vào giảng dạy
trong nhà trường PTTH đến đại học. Vì vậy, việc nghiên cứu cũng sẽ góp phần
để những bài giảng về tác giả này phong phú hơn, sâu sắc hơn, khoa học hơn .
2. Lịch sử vấn đề.
Y. Kawabata là nhà văn có tâm hồn Nhật Bản điển hình, sáng tác của
ông là hành trình đi tìm cái Đẹp, nó như một sợi chỉ xuyên suốt hành trình
sáng tạo văn chương của ông.Vì thế đã có rất nhiều bài nghiên cứu về vấn đề
này. Tuy nhiên nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong tác phẩm của Y.
Kawabata cũng là một vấn đề cần được lưu tâm, bởi yếu tố đó làm nên sự độc
đáo, riêng biệt của ngòi bút thiên tài Y. Kawabata. Có một điều hạn chế ở Việt
Nam là các bài viết về vấn đề này còn ít được chú ý đến, mới chỉ dừng lại ở
việc khái quát, mà chưa đi sâu vào tìm hiểu một cách cụ thể và chi tiết.



Tạp chí văn học nước ngoài số 16 (9/ 1991): Tôi cho rằng nên xếp
Y.Kawabata vaò dòng văn chương mà ta có thể dò đến tận bậc thầy Haikư
của thế kỉ XVII (E.G.Sheidensticker).
Tạp chí văn học nước ngoài số 4(1999) có bài của N.T Phêđôrencô
khái quát về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Y. Kawabata.
Tạp chí văn học số 51 ,52 (2/1996) trong bài truyện ngắn trong lòng
bàn tay, Nhật Chiêu nói thêm về thi pháp Chân không của Y.Kawabata.
Tạp chí văn học số 9 (1999) có bài của Lưu Đức Trung bàn về thi pháp
tiểu thuyết của Y.Kawabata_ Nhà văn lớn của Nhật Bản. Bài viết nêu rõ thi
pháp nổi bật và đặc trưng trong sáng tác củaY.Kawabata là thi pháp Chân
không.
Tạp chí nghiên cứu văn học (2/2002) Nhật Chiêu viết về thế giới Y.
Kawabata trong tác phẩm của ông.
Tạp chí nghiên cưú văn học số 7 (2005) có bài : Y. Kawabata giữa
dòng chảy Đông _Tây của Đào Thị Thu Hằng, đã nghiên cứu ảnh hưởng
của văn hóa phương Tây đối với nhà văn Y.Kawabata. Tuy nhiên,vẫn tác giả
ấy lại có kết luận : Văn hóa phương Đông vẫn là gốc rễ trong tư tưởng của
nhà văn này.
Gần đây Khương Việt Hà với bài viết Mĩ học Y. Kawabata trong tạp
chí văn học số 6 (2006) cũng bày tỏ quan điểm về cái Đẹp của Y. Kawabata,
và nguồn gốc hình thành những quan điểm đó.
Phần lớn chúng tôi có trong tay tài liệu của các nhà nghiên cứu, phê
bình. Vấn đề mà họ đưa ra nhìn chung rất phong phú, đa dạng, có rất nhiều
cách tiếp cận khác nhau. Do tính phức tạp của vấn đề, lịch sử nghiên cứu về
Y.Kawabata đã có nhiều bài viết có giá trị cao. Kế thừa và góp phần vào việc
nghiên cứu Y.Kawabata, khóa luận của chúng tôi đề cập đến vấn đề : Nghệ
thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong tiểu thuyết Ngàn cánh hạc của Y.
Kawabata. Vấn đề này còn chưa được quan tâm thỏa đáng mà chỉ đụng
chạm đến ở cấp độ khái quát . Và để hoàn chỉnh được khóa luận này thì ý kiến

của những người đi trước là những tư liệu, những định hướng hết sức quan


trọng và quí báu cho chúng tôi có cái nhìn đúng đắn và tự tin hơn trong vấn đề
nghiên cứu.
Tác phẩm Ngàn cánh hạc,là một trong những tác phẩm giúp Y.
Kawabata được xướng danh trong lễ trao giải Nobel văn học năm 1968. Tiểu
thuyết Ngàn cánh hạc cùng với Cố đô, Xứ tuyết làm nên một quốc
bảo cho nền văn học Nhật Bản. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật được tác
giả miêu tả rất sinh động khiến người đọc không dễ gì chiếm lĩnh ngay được,
mà phải tìm hiểu sâu sắc bằng cả tâm hồn và niềm say mê của mình .
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
Y. Kawabata nổi tiếng không chỉ với truyện ngắn mà ông còn là bậc
thầy trong lĩnh vực tiểu thuyết. Song, trong khuôn khổ khóa luận, chúng tôi
chỉ tiếp cận ở góc độ miêu tả tâm lí nhân vật chứ không thể tiếp cận hết nghệ
thuật viết tiểu thuyết của tác giả , nên trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đi
sâu vào tìm hiểu nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong tiểu thuyết của ông,
đặc biệt là đi sâu vào tiểu thuyết Ngàn cánh hạc.
Để làm nổi bật sự độc đáo của nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong
tiểu thuyết Ngàn cánh hạc, khóa luận có mở rộng sang một số tác phẩm của
Y. Kawabata như: Tiếng rền của núi, Xứ tuyết, Thủy nguyệt, Người
đẹp say ngủ, đặt trong sự so sánh với Ngàn cánh hạc để người đọc có
thể hiểu thêm về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong sáng tác của
Y.Kawabata.
4. Mục đích nghiên cứu.
Với đề tài Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong tiểu thuyết Ngàn
cánh hạc người viết muốn khám phá thế giới nghệ thuật trong sáng tác của
Y.Kawabata, mà cụ thể là tiểu thuyết Ngàn cánh hạc, để từ đó có thêm kiến
thức trong việc giảng dạy Y. Kawabata và những tác phẩm của ông trong
trường phổ thông. Nỗ lực nghiên cứu tác phẩm của Kawabata sẽ trở thành nỗ

lực mở cánh cửa khám phá tài năng văn chương bậc thầy và những đóng góp
của ông cho nền văn học Nhật bản và thế giới.


5. Phương pháp nghiên cứu.
Để hoàn thành khóa luận, người viết có sử dung một số phương pháp
sau:
1. Phương pháp so sánh, phân tích.
2. Phương pháp tổng hợp , nâng cao vấn đề.
3. Phương pháp khảo sát tác phẩm.
6. Cấu trúc khóa luận.
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận thì luận văn chia làm 2 chương :
Chương 1: Nghệ thuật miêu tả tâm lí các nhân vật nữ trong tiểu thuyết
Ngàn cánh hạc của Y. Kawabata.
Chương 2: Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật nam trong tiểu thuyết
Ngàn cánh hạc của Y. Kawabata.


Nội Dung
Chương 1:
Nghệ thuật miêu tả tâm lí các nhân vật nữ trong
tiểu thuyết Ngàn cánh hạc của Y. Kawabata
1.1.Khái niệm Nhân vật.
Nhân vật là linh hồn của tác phẩm, là sản phẩm tinh thần của nhà
văn.Thông qua nhân vật, nhà văn đã trình bày về những con người như là
những kết tinh của phẩm chất xã hội, lịch sử, tâm lí
Khái niệm Nhân vật cũng có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau:
Trong tiếng Hi lạp cổ Nhân vật ( đọc là Persona) lúc đầu mang ý
nghĩa chỉ cái mặt nạ của người diễn viên trên sân khấu. Theo thời gian chúng
ta đã sử dụng thuật ngữ này với tần số nhiều nhất, thường xuyên nhất chỉ

những đối tượng mà văn học miêu tả, thể hiện.
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do giáo sư Hoàng Phê
chủ biên thì nhân vật là khái niệm mang hai nghĩa :
Thứ nhất: đó là đối tượng (thường là con người) được miêu tả, thể hiện
trong tác phẩm văn học nghệ thuật .
Thứ hai: đó là người có vai trò nhất định trong xã hội.
Như thế có thể thấy thuật ngữ nhân vật được dùng phổ biến ở nhiều mặt cả
trong đời sống nghệ thuật, đời sống xã hội, chính trị lẫn đời sống hàng ngày
Nhưng trong phạm vi nghiên cứu của khoá luận chúng tôi chỉ đề cập đến khái
niệm nhân vật theo nghĩa thứ nhất mà bộ Từ điển đã định nghĩa.
Trong cuốn Lí luận văn học do Phương Lựu ( chủ biên ) định nghĩa:
Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong
tác phẩm, bằng phương tiện văn học. Đó là những nhân vật có tên như Cám,
Tấm, Thạch SanhĐó là những nhân vật không tên như thằng bán tơ, một mụ
nào trong truyện KiềuĐó là những nhân vật trong truyện cổ tích đồng thoại,
bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỉ, những con vật mang nội dung và ý


nghĩa con ngườiKhái niệm nhân vật có khi được sử dụng một cách ẩn dụ,
không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hình tượng nổi bật trong tác
phẩm, nhưng chủ yếu vẫn là hình tượng con người trong tác phẩm. Nhân vật
văn học là một hình tượng nghệ thuật ước lệ, có những dấu hiệu để ta nhận ra.
Nhân vật chính là đối tượng mà văn học miêu tả, thể hiện bằng những
phương tiện văn học.Văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó là phương tiện
cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng, nhà văn sáng tạo
ra nhân vật để thể hiện một vấn đề nào đó của hiện thực.
Nhân vật trong tiểu thuyết khác với các nhân vật trong sử thi, nhân vật
kịch, nhân vật truyện trung cổ. Nhân vật trong tiểu thuyết là con người nếm
trải, tư duy, chịu khổ đau, dằn vặt của cuộc đời, trong khi các nhân vật của sử
thi, nhân vật kịch ,nhân vật truyện trung cổ thường là nhân vật hành động.

Tiểu thuyết miêu tả nhân vật như con người đang biến đổi trong hoàn cảnh
con người đang trưởng thành do cuộc đời dạy bảo.
Như vậy, nhân vật ra đời thể hiện tư tưởng, và ý đồ sáng tạo của nhà văn.
Một tác phẩm ra đời và thành công được hay không là nhờ nhà văn xây dựng
được hệ thống những nhân vật điển hình, sinh động và khái quát nhất.
1.2.Nghệ thuật miêu tả tâm lí các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Ngàn
cánh hạc của Y. Kawabata.
1.2.1.Y. Kawabata _ Chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
1.2.1.1. Y. Kawabata _ Chiếc gương soi trên đỉnh cô đơn.
Năm 1999, Nhật Bản và thế giới trân trọng kỉ niệm 100 năm ngày
sinh của Y. Kawabata ( 1899_ 1972 ) . Nói về Y. Kawabata giới nghiên cứu
và đông đảo độc giả nói về một văn hào Nhật Bản lỗi lạc, mà vị thế và sự
nghiệp của ông mãi mãi bất hủ trên bầu trời văn học nhân loại. Về vị thế, Y.
Kawabata thuộc lớp những nghệ sĩ duy mĩ lớn nhất của thế kỉ XX, là bậc thầy
của nghệ thuật biểu cảm văn học, người đã làm nên kì tích mở ra cho nhân
loại cánh cửa của tư duy và tâm hồn Nhật Bản vốn vẫn được coi là bí hiểm và
độc đáo. Về sự nghiệp, trong hơn bốn mươi năm cầm bút,Y. Kawabata đã
sáng tác không ngừng nghỉ nhằm tái hoạ thế giới cảm giác của riêng mình,


một thế giới mà cái đẹp và nỗi buồn luôn hiện hữu sống động không chỉ qua
đôi mắt ngắm nhìn mà qua cả đôi tay cảm nhận : đó là những cô gái trẻ, đồ
gốm cổ, và những giá trị văn hoá truyền thống. Những sáng tác của ông, mà
một trong số đó được coi như quốc bảo của dân tộc, đã góp phần lớn lao thúc
đẩy sự phát triển của nền văn học Nhật Bản hiện đại.
Vì những đóng góp to lớn cho nền văn học Nhật Bản và thế giới Y.
Kawabata đã trở thành nhà văn đầu tiên của Nhật Bản và thứ hai của Châu á
sau nhà văn ấn Độ Rabindranath Tagore ( 1861 _1941) được viện Hàn Lâm
Khoa Học Thụy Điển trao giải Nobel văn chương năm 1968, với những tuyệt
phẩm như: Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô.

Để có được thành quả trên là cả một sự nỗ lực, phấn đấu, tìm kiếm
không biết mệt mỏi của nhà văn, năng lực tuyệt vời ấy có được là nhờ sự rèn
luyện, chịu đựng từ những năm tháng tuổi thơ đầy nhọc nhằn, bất hạnh, và đau
khổ như những bóng đen đi qua cuộc đời nhà văn. Những người thân yêu nhất
của ông: Cha và mẹ Y.Kawabata lần lượt qua đời khi ông mới là cậu bé bốn
tuổi, rồi không lâu sau nỗi mất mát cứ chồng chất lên cuộc đời cậu bé non nớt:
chị gái, ông bà nôị ngoại lần lượt qua đời để lại trong ông một vết thương
tâm tính. Lúc này Y.Kawabata mới thấm thía được nỗi : bước lên bậc thang
nhà người thật khó khăn, ăn bát cơm nhà người thật vất vả. Tất cả những mất
mát này đã để lại dấu ấn trong tác phẩm của ông. Tuổi trẻ thiệt thòi ,Y.
Kawabata chỉ còn biết tựa mình vào năng lực sáng tạo, phong kín vết thương
tâm hồn mình bằng cuộc tìm kiếm mải mê cái Đẹp trong cuộc đời. Từ cái chết
và sự điêu tàn Kawabata lên đường, hành trang trống trải nhưng trái tim đầy
yêu thương Tình yêu đối với tôi là sợi dây độc nhất giữ đời tôi lại. Trong
thiên tuỳ bút Đời tôi như một nhà văn, ông viết : Tôi không bao giờ trút
bỏ được cái ám ảnh kẻ lang thang đeo nặng nỗi u sầu.Tôi luôn luôn mơ màng
nhưng chẳng bao giờ để mình chìm đắm trong cơn mơ màng đó.[16]
Sáng tác của Y. Kawabata là hành trình đi tìm cái Đẹp, niềm khao khát
làm sống dậy những gì tốt đẹp nhất của văn học quá khứ thời Heian đã giúp Y.
Kawabata sáng tạo nên những tác phẩm tuyệt vời về tình yêu, về những giá trị


văn hoá truyền thống, đặc biệt là về người phụ nữ. Thời kì Y. Kawabata sống
đất nước Nhật trải qua nhiều biến động, ông chứng kiến hai thảm hoạ lớn của
đất nước, trước nỗi đau quá lớn của dân tộc Y. Kawabata tuyên bố sẽ chỉ sáng
tác những tác phẩm bi ca, và hàng loạt những tác phẩm bi ca đã ra đời : Đó là
Cố đô, Tiếng rền của núi, Ngàn cánh hạc, đặc biệt là Người đẹp
say ngủ
Cả cuộc đời với nhiều thành công cũng như mất mát, đến khi đạt tới
đỉnh cao của vinh quang, nhà văn lặng lẽ từ giã cuộc đời tại ngôi nhà nhỏ của

mình. Không ai hiểu được nguyên nhân của cái chết bí ẩn ấy.Tại sao bánh xe
cuộc đời lại dừng một cách đột ngột như vậy? Phải chăng nó muốn giải thoát
cho ông khỏi cái gánh nặng của trần gian? Hay cũng có thể câu trả lời đã được
ẩn chứa ở những dòng như những lời trăng trối trong tiểu thuyết Tiếng rền
của núi: Tốt nhất là hãy từ bỏ cõi trần này khi mọi người còn yêu mến và
kính trọng ta. Có thể chính cái chết sẽ xoá đi những những dấu vết bi thảm
của cuộc đời nhà văn .Y. Kawabata đã ra đi song những gì mà ông tạo dựng
vẫn tồn tại và ngự trị, sự tồn tại của nó là vĩnh viễn, là bất tử cũng như chính
Y. Kawabata vậy.
1.2.1.2. Kế thừa từ dòng văn học Nữ tính thời Heian.
Thời đại Heian (794 _1192) được coi như thời kì cổ điển của văn hoá
Nhật, một thời đại trữ tình ngọt ngào nữ tính. Văn học Nhật Bản thời kì này có
nhiều thành tựu rực rỡ. Các tác phẩm văn học phản ánh những thú vui tiêu
khiển tao nhã chốn cung đình, của giai cấp quí tộc trong một xã hội duy mĩ và
hưởng lạc, những mối tình mê đắm,tất cả đều đượm một nỗi buồn ngao
ngán của kiếp phù du nơi trần thế. Vì thời kì này phụ nữ được đề cao nên họ
vừa là đối tượng của văn học, vừa là những nữ sĩ sáng tạo nghệ thuật như :
Izumi Shikibu , Sei Shonagon... Tìm hiểu tâm hồn Nhật Bản, tất yếu phải tìm
đến Y. Kawabata, và để phân tích tác phẩm của ông, chúng ta không thể
không tìm về nguồn gốc, về vị tiền bối mà Kawabata coi như người thầy đã
ảnh hưởng sâu xa đến bút pháp và tâm hồn ông : Murasaki Shikibu (978_
1014) _ Tiểu thuyết gia đầu tiên của nhật Bản và nhân loại, với Genji


Mônôgatari (Truyện Genji)_ Được coi là bộ tiểu thuyết tâm lí đầu tiên trên
thế giới.
Y. Kawabata đã học tập và kế thừa các giá trị truyền thống từ thời
Heian, ông thể hiện niềm say mê của mình với văn chương truyền thống Nhật
Bản, đặc biệt là văn chương thời Heian, tiêu biểu là truyện Genji _ cuốn sách
được coi là Sách giáo khoa của nhiều nhà văn Nhật Bản. Với nghệ thuật

điêu luyện Truyện Genji trở thành tác phẩm có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sáng
tác của Y. Kawabata. Nhà văn cũng đã từng thừa nhận : Truyện Genji đã tác
động sâu sắc đến khiếu thẩm mĩ và ngôn ngữ của tôi. Hầu hết trong các tác
phẩm của Y. Kawabata hình tượng nhân vật người phụ nữ đóng vai trò quan
trọng như trong hệ

thống nhân vật trong truyện Genji. Là một thiên

truyệntuyệt vời, là một hiện tượng kì diệu của văn học Nhật Bản thế kỉ XI, nó
bẻ gẫy mọi sự bắt chước, sao chụp nó về mọi mặt. Nhà văn Môtôri Nôrinata
(1730 _ 1801) đã đưa ra một lời nhận xét xác đáng về giá trị thẩm mĩ của
thiên truyện này Trong số các Mônôgatari, truyện Genji là thiên truyện tuyệt
vời nhất, không ai có thể vượt qua được, kể cả trước và sau đó không tác phẩm
nào sánh được với thiên truyện này, không có tác phẩm nào thấm sâu vào lòng
người đến thế, không có tác giả nào thể biết thể hiện vẻ đẹp u buồn của sự
vật một cách sâu sắc đến thế. Nhiều tác giả đã cố bắt chước Genji nhưng đều
thua xa nó về mọi mặt. Không phải bàn cãi gì nữa, bút pháp của Genji là vô
song. Phong cảnh Nhật với sắc trời thay đổi theo bốn mùa : xuân, hạ, thu,
đông. Hình ảnh người đàn ông và người phụ nữ được mô tả rõ ràng, sinh động
tưởng như trông thấy những con người băng xương, bằng thịt.
Từ thời Heian đến Y. Kawabata là một khoảng thời gian dài hàng chục
thế kỉ, đủ làm xoá mờ mọi dấu vết, tên tuổi từ quá khứ, nhưng một lần nữa
chúng ta lại tìm thấy tâm hồn Nhật Bản trong Kawabata.Tác phẩm của ông
mang đến cho người đọc một cảm giác đầu tiên đó là niềm tự hào thầm kín
của ông về văn hoá dân tộc mình, một niềm tự hào không phô trương, mà toả


rộng như thứ hương trầm cứ lan rộng mãi bao trùm tất cả không gian trong các
sáng tác của ông. Theo quan niệm của người phương Đông đặc biệt là người
Nhật Bản, với tin ngưỡng đặc trưng của mình, khát vọng thẩm mĩ hướng tới là

vẻ đẹp của sự toàn mĩ, coi cái đẹp diễm lệ là điểm tựa, trong văn học cũng
phản ánh điều ấy. Tập thơ Vạn diệp tập ( thế kỉVIII) , Truyện Genji ( thế
kỉ XI) , đến những tác giả hiện đại như : Mori Ogai ( 1862 1922), Natsume
Soseki (1867 _ 1916)người đọc luôn bắt gặp vẻ đẹp tinh tế, nhẹ nhàng và có
gì đó như xa xôi. Còn đối với Y. Kawabata, người đã từng tuyên bố rằng:
Tôi đã từng tiếp nhận lễ rửa tội nơi văn chương phương Tây hiện đại và tôi
cũng đã bắt chước nó , nhưng chủ yếu tôi là một người Đông phương và suốt
mười năm năm qua tôi chưa từng đánh mất phong cách ấy của mình. [18]. Y.
Kawabata luôn trung thành, và trân trọng truyền thống dân tộc, ông kế thừa
tinh thần u tình của mĩ học truyền thống Nhật Bản có từ thời Heian, bằng nỗ
lực và tài năng sáng tạo tuyệt vời của mình, Y. Kawabata đã kế thừa có chọn
lọc những tinh hoa của truyền thống văn hoá dân tộc để lại từ hàng nghìn năm.
Đọc tác phẩm của Y. Kawabata , chúng ta có thể thấy thi pháp trong
trong tiểu thuyết của ông rất gần gũi với thi pháp thơ Haikư. Chính Y.
Kawabata đã nói rằng : Tác phẩm của tôi thường được miêu tả như là tác
phẩm của Chân không. Cái Chân không đó là sự trống vắng mà người ta
thường thấy trong thơ Haikư, trong tranh thuỷ mặc, trong sân khấu Nô, trong
vườn đá tảngThi pháp thơ Haikư là thi pháp Chân không , trọng tâm của
bài thơ không nằm trong các chữ mà nằm trong cái mà nó để trống.
Seidensticker nhận xét: Tôi cho rằng nên xếp Kawabata vào dòng văn
chương mà ta có thể dò đến tận những bậc thầy Haikư của thế kỉ XVII. Đặc
trưng của thơ Haikư là ngắn gọn, súc tích, giới thiệu cho chúng ta tiếp xúc với
thiên nhiên, vạn vật cùng với thi pháp Chân không, cái chân không, trống
vắng hiện hữu nơi độc giả bắt gặp những cảnh tĩnh lặng của thiên nhiên,
khoảnh khắc trầm tư suy tưởng của con người. Cái chất đó là chất nền của


văn minh phương Đông, phát triển trên cơ sở lấy thiên thiên làm gốc việc
còn lại là chúng ta mở mắt mà nhìn, lắng tai mà nghe và trải lòng ra đón đợi
[18]. Y.Kawabata tiếp thu truyền thống yêu cái đẹp của người Nhật, quí trọng

và nâng niu cái đẹp có trong thiên nhiên, con người, trong những giá trị văn
hoá truyền thống. N.T.Phêđôrenkô_ Viện sĩ Nga , nhà nghiên cứu văn hoá
phương Đông nhận xét : Tất cả những phát hiện nghệ thuật có được trong
các tác phẩm của ông như những yếu tố mang tính cá nhân độc đáo, bất ngờ ,
đều xuất phát từ những ngọn nguồn xa xưa của văn hoá Nhật, từ cội nguồn
văn hoá dân tộc.[19].
1.2.1.3. Sự ảnh hưởng từ xu thế văn học của thời đại.
Kế thừa những thành tựu từ nền văn học truyền thống từ thời Heian
,Y. Kawabata đã tiếp thu sâu sắc những tinh hoa ấy, không những thế sự tác
động của thời đại cũng đã được phản ánh trong sáng tác của ông. Từ viên gạch
đầu tiên, bằng sự nỗ lực tìm tòi học hỏi ông đã tiến lên tới được đỉnh cao văn
chương với giải Nobel cao quí.
Trước cải cách Minh trị, nước Nhật trải qua thời kì trung cổ, với
chính sách bế quan toả cảng. Đóng cánh cửa giao lưu, quan hệ với các nước
xung quanh đã khiến nước Nhật lâm vào tình trạng lạc hậu, trì trệ. Cuộc đời và
sự nghiệp của Y. Kawabata gắn liền với quá trình tiếp nhận đổi mới về mọi
mặt của đất nước Nhật Bản.
Những năm cuối thế kỉ mười chín đầu thế kỉ hai mươi, tư tưởng duy
tân của Minh Trị thiên hoàng đã thổi một luồng gió mới vào Nhật Bản _ vốn
được coi là ốc đảo. Với tinh thần học hỏi Phương Tây, đuổi kịp Phương
Tây, vượt lên Phương Tây, cùng với bản chất cần cù của con người nơi đây,
họ đã khiến cả thế giới phải nhìn họ bằng con mắt kinh ngạc, thán phục bằng
sự nhảy vọt về kinh tế. Nhà thơ Tagore sau khi đến thăm đất nước Nhật lúc đó
đã phải thốt lên rằng: Châu á đang thức dậy sau giấc ngủ hàng thế kỉ. Nhật
Bản nhờ những mối quan hệ với phương Tây đã chiếm một vị trí danh dự trên
thế giới. Bằng cách đó, người Nhật đã chứng tỏ rằng: họ sống bằng hơi đốt


của thời đại chứ không phải bằng thần thoại hão huyền của quá khứ. Chính
sự thay đổi này cũng tác động mạnh mẽ đến văn học nghệ thuật của Nhật Bản,

trong đó có Y. Kawabata.
Trong sự giao lưu với các nước phương Tây, văn học Nhật Bản dần
dần thay đổi về hệ tư tưởng, sự ảnh hưởng của tư tưởng tôn giáo phương Đông
như : Phật giáo , Lão giáo, Đạo giáonay đã bị mất vị thế độc tôn, thay vào
đó là quan điểm tự do dân chủ phương Tây. Các trào lưu, trường phái từ
phương Tây ồ ạt tiến vào nước Nhật, làm nên một diện mạo mới cho nền văn
học Nhật Bản: trẻ trung, phong phú, và táo bạo. Thời gian này, bị hấp dẫn bởi
làn sóng phương Tây hoá thứ hai tại Nhật, lí thyết thẩm mĩ, phương pháp luận
phê bình văn học, và nhiều sáng tác của Y. Kawabata chịu ảnh hưởng từ nền
học thuật Châu Âu đương thời, bao gồm : chủ nghĩa ấn tượng Pháp qua đại
diện Marcel Proust (1871 _ 1922), và thủ pháp dòng ý thức trong sáng tác của
James Joyce ( 1882 _ 1931), lí thuyết phân tâm học của Sigmund Freud (
1856 _ 1939)
Khó lòng nói rằng, thời kì này Y. Kawabata có thể làm ngơ trước tất
cả những gì đang xảy ra quanh ông, và tác động đến khuynh hướng thẩm mĩ
của ông.

Trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, Kawabata ít nhiều chịu ảnh

hưởng của chủ nghĩa duy cảm mới. Song trong số những nhà văn theo chủ
nghĩa này, ông vẫn có vị trí độc lập của riêng mình. Có thể thấy một số biểu
hiện trong sáng tác của ông như : hệ thống nhân vật, chi tiết liên truyện, độc
thoại nội tâm, dòng ý thức, giấc mơ huyền ảo, hình ảnh biểu tượngxuất hiện
trong các tác phẩm Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Người đẹp say
ngủnhưng không phải thế mà Y. Kawabata trở thành nhà văn đặc sệt
phong cách hiện đại Phương Tây. Ông là nhà văn hiện đại, nhưng hiện đại
theo kiểu Phương Đông. Khi làn sóng văn hoá Phương Tây tràn vào Nhật,
Kawabata và một số ít các nhà văn khác đã biết chủ động sử dụng những kĩ
thuật, phương pháp sáng tác của họ như một công cụ nhằm thể hiện ý đồ chứ
hoàn toàn không bị lệ thuộc hay bắt chước một cách máy móc.

Tuy học hỏi những tiến bộ của văn chương hiện đại Phương Tây, nhưng


chất Phương Đông vẫn in đậm trong sáng tác của Y. Kawabata, có thể nói yếu
tố truyền thống đã cắm rễ sâu vào trong tiềm thức của nhà văn, ông đã tin
tưởng rằng: nền văn chương cổ điển phương Đông, nhất là kinh Phật là nền
văn chương vĩ đại bậc nhất của thế giới Mười bốn năm trước, tôi đã phác
thảo trong đầu tác phẩm có nhan đề Bài ca phương Đông, trong đó tôi muốn
tạo ra những bài ca kiệt xuất của chính mình. Tôi sẽ hát theo cách của mình,
bằng hình ảnh của những tác phẩm kinh điển phương Đông.
Có thể tôi sẽ chết trước khi viết tác phẩm này, nhưng tôi muốn ít nhất cũng
được hiểu rằng tôi muốn viết nó. Tôi đã lĩnh hội được bước đầu về văn hoá
phương Tây hiện đại và chính tôi cũng đã bắt chước nó , nhưng về cơ bản tôi
vẫn là người phương Đông [6].
Nhưng nói cho cùng dù kế thừa truyền thống hay học hỏi phương Tây,
yếu tố quyết định khiến độc giả bình thường cũng như các thành viên hội đồng
Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đánh giá cao Y. Kawabata chính là vì tác phẩm của
ông toát lên lối tư duy Nhật Bản, lối tư duy mang đậm tính truyền thống
đặc trưng của xứ sở hoa anh đào. Ông không thoát li khỏi di sản văn học Nhật
cùng những truyền thống mĩ học của văn hoá dân tộc. Trong một bài tiểu luận
ông viết : Bị lôi cuốn bởi những trào lưu hiện đại phương Tây, đôi lúc tôi
cũng thử lấy đó làm mẫu. Nhưng về gốc rễ tôi vẫn là người phương Đông và
không bao giờ từ bỏ con đường mình đã chọn. Đọc Y. Kawabata thật khó có
thể chỉ ra một khuynh hướng nào mà ông chịu ảnh hưởng rõ rệt, chỉ thấy toát
lên một tinh thần, một ấn tượng Heian, cái mà người ta gọi là phong cách
Kawabata.
Sử dụng kĩ thuật tân tiến để thể hiện tư tưởng phương Đông, Y.
Kawabata là một trong số ít nhà văn đủ bản lĩnh để có thể dung hoà giữa cổ
điển và hiện đại. Chảy trong huyết quản dòng máu phương Đông thuần khiết,
cộng thêm một tâm hồn rộng mở, tư tưởng tân tiến, biết tiếp nhận cái mới

bằng thái độ cầu thị đầy cẩn trọng và có chọn lọc. Là một người trầm tĩnh,
thông thái nhà văn biết chọn một dòng chảy trong lành để tắm mát tâm hồn
mình _ tâm hồn của một lữ nhân, đã hiến tặng cả cuộc đời mình cho công


việc đi tìm kiếm và khôi phục cái Đẹp của truyền thống dân tộc đang bị xã hội
hiện đại chà đạp, đang dần bị bào mòn và mất dần đi.
1. 2. 2. Nghệ thuật miêu tả tâm lí các nhân vật nữ trong tiểu thuyết
Ngàn cánh hạc của Y. Kawabata.
Năm 1951, Y. Kawabata làm cho độc giả tiếp tục kinh ngạc về tài
năng nghệ thuật của mình bằng việc cho ra đời cuốn tiểu thuyết Ngàn cánh
hạc. Tác phẩm được viện Hàn Lâm nghệ thuật Nhật Bản trao giải thưởng cao
nhất. Chủ đề của tiểu thuyết là phong tục cổ truyền của dân tộc Nhật_ nghi
thức uống trà hay còn gọi là trà đạo. Nghi thức này ở Nhật được xem như
một phương pháp thông sáng và tẩy trần, một cách thấm sâu vào qui luật của
tạo hoá và thế giới xung quanh. Trà đạo là một nghệ thuật hết sức độc đáo có
một không hai của người Nhật, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh
thần và nghệ thuật của họ. Trên mảnh đất xứ Phù Tang cái đẹp là một kinh
nghiệm nhằm nắm bắt thực tế một cách tích cực về mặt thẩm mĩ, cảm xúc về
cái đẹp, khuynh hướng chiêm ngưỡng vẻ đẹp là đặc tính tiêu biểu cho mọi
người Nhật _ từ người nông phu đến nhà quí tộc [16].Đối với bộ môn nghệ
thuật Nhật Bản, cái đẹp là một yếu tính mà hành trình nhằm phát hiện sự hiện
tồn của nó được gọi là đạo. Chúng được trân trọng và xem xét ở góc nhìn
tinh tế nhất: Trà đạo, thư đạo, gốm sứ Iga, nghệ thuật cây cảnh, tranh thuỷ
mặc, sân khấu Nô, thoạt nhìn có vẻ giản dị, thanh thoát nhưng tất cả đều
được người Nhật sắp xếp khéo léo, đầy dụng ý, đạt đến sự tinh vi nhất. Nhật
Chiêu trong bài nghiên cứu của mình về Y. Kawabata có nhận xét: Đối với
Kawabata cái đẹp là một kinh nghiệm tâm linh [2]. Ta thấy kinh nghiệm tâm
linh là cái chỉ đạt được bằng sự nhạy cảm thiên bẩm của người nghệ sĩ và một
hành trình suốt đời nhằm tìm kiếm những giá trị vĩnh hằng trong dòng biến

động của vạn vật.
Khác với võ sĩ đạo _ Samurai, nghệ thuật dạy người ta cách chết cao quí
để thể hiện tấm lòng trung thành của mình, Trà đạo lại thực sự là nghệ thuật


dạy con người ta cách sống, được coi như một thứ tôn giáo, một nghệ thuật
sống thiêng liêng.
Cảm xúc cốt lõi của nghi lễ trà đạo chính là lúc nghĩ đến bạn bè thân
thiết, khi ngắm tuyết, trăng, hoa. Cuộc gặp bên chén trà cũng là cuộc gặp
của những tình cảm, cuộc gặp gỡ chân tình của những người bạn thân thiết vào
thời điểm thích hợp trong năm. Nói về tiểu thuyết Ngàn cánh hạc Y.
Kawabata đã giải thích rằng : Tuyết, nguyệt, hoa_ những danh từ diễn tả các
mùa nối tiếp nhau, theo phong tục Nhật Bản, đã gồm cả vẻ đẹp của núi sông
cây cỏ và cả muôn ngàn biểu hiện khác trong thiên nhiên cũng như cảm nghĩ
của con người. Tinh thần ấy, cảm nghĩ ấy, đối với bạn đồng hành trên tuyết,
dưới trăng, trong hoa, cũng là bản chất của Trà Đạo. Trà lễ là một sự cùng đến
với nhau trong cảm nghĩ, là một sự gặp gỡ giữa những người bạn tốt, trong
một cơ hội đẹp. Tôi có thể nói lướt qua rằng: Xem quyển tiểu thuyết Thiên
vũ hạc của tôi như sự gợi lại vẻ đẹp tinh thần chính xác của Trà lễ tức là
không hiểu ý tôi. Thật ra nó chỉ là một tác phẩm tiêu cực, diễn tả sự nghi ngờ
của tôi về giá trị đang mất dần của Trà đạo và báo trước cái lố bịch mà Trà
đạo đã và còn sẽ rơi vào ( Cao Ngọc Phượng dịch) [2] . Qua tiểu thuyết Y.
Kawabata một mặt muốn phản ánh sự suy vi của trà đạo, nuối tiếc cái Đẹp của
truyền thống dân tộc đang dần bị huỷ hoại, phai tàn. Mặt khác ông cũng cho
người đọc thấy được số phận bi kịch của người phụ nữ Nhật lúc bấy giờ, đi
liền với sắc đẹp, tài năng là sự bất hạnh trong tình yêu. Người ta đặc biệt ca
ngợi Y. Kawabata như một người thấu hiểu một cách tinh tế tâm lí người phụ
nữ. Ông đã chứng tỏ trình độ bậc thầy của mình ở khía cạnh này trong tiểu
thuyết Ngàn cánh hạc. Trong tác phẩm ta thấy một khả năng kiệt xuất
trong việc khắc hoạ những cảnh dục tình, một sự quan sát tinh tế tột bậc. Cả

một mạng lưới những sắc thái tinh vi và huyền bí mà so với nó kĩ thuật tự sự
của Châu Âu bị lu mờ hẳn. Nhà văn đã khiến cho nhân vật hiện lên hết sức
sống động.


Ngàn cánh hạc có hình thức gần như cổ điển với những tình tiết éo
le. Ra đời trong bối cảnh nước Nhật đang mất dần những giá trị truyền thống
mà trà đạo là một. Tác phẩm dựa trên một nền trà mà gốc rễ đã lung lay, trà
thất của những gia đìmh truyền thống ẩm mốc cửa đóng then cài, những dụng
cụ của trà đạo bị bỏ bê, để trong tay một thế hệ trẻ không biết phân biệt thế
nào là chén tống, chén quân, những trà sư , những người tổ chức đều sa vào
những mối tình trầm luân, nhằng nhịt do đó làm hoen ố vẻ đẹp thiêng liêng
của trà đạo. Đây thực sự là sự đấu tranh giằng co giữa giá trị truyền thống mà
trà đạo đang mất dần, và rơi vào lố bịch, trà đạo đang suy vi, xuống
dốc.Thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến các thế hệ bạn đọc là hãy cứu lấy
những giá trị truyền thống, ông đánh thức vai trò công dân trong mỗi thế hệ
bạn đọc.
Để tiện cho việc theo dõi các mối quan hệ chồng chéo trong mối tình
trầm luân giữa các nhân vật của tiểu thuyết Ngàn cánh hạc chúng tôi hệ
thống qua sơ đồ sau:
Ông Mitani

Cha

Người tình

Người tình

Kikuji


Bà Ota
Mẹ

Fumikô
Tình yêu định mệnh

1. 2. 2. 1. Bà Ôta _Linh hồn trà đạo, linh hồn của tiểu thuyết.
Ngàn cánh hạc là một truyện tình giấu nhiều truyện tình xuyên thế.
Mà hầu như trong các tác phẩm của Y. Kawabata đều là những câu chuyện
tình đầy éo le như vậy, người chịu nhiều thiệt thòi và đau khổ nhất vẫn là
người phụ nữ. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, nó xuất phát từ quan niệm
thẩm mĩ của nhà văn: Cái đẹp thì có nhiều cách thể hiện trong cuộc đời nhưng
không ở đâu cái đẹp được thể hiện một cách tuyệt mĩ và dễ nhận thấy như ở


hình hài người phụ nữ. Theo ông, vẻ bề ngoài khả ái, tâm hồn tuyệt vời và trái
tim nhân hậu, khát khao sống, khát khao yêu nhưng số phận lại mong manh
của họ là một phần không thể thiếu được của cái Đẹp. Như có lần nhà văn đã
nói rằng: ở Nhật , nỗi buồn là một chữ thân thuộc với cái Đẹp. Như vậy
chính Y.Kawabata đã thừa nhận sự tiếp thu quan niệm truyền thống về cái đẹp
của văn học Nhật Bản, đặc biệt là truyện Genji của Murasaki Shikibu_ một
hiện tượng kì diệu của văn học Nhật Bản từ đầu thế kỉ XI. Y.Kawabata đã ca
ngợi cuốn tiểu thuyết tâm lí vĩ đại này như sau: Không có tác phẩm nào
thấm sâu vào lòng người đến thế, không tác giả nào biết thể hiện vẻ đẹp u
buồn của sự vật một cách sâu sắc, cảm động đến thế. đây chính là lí tưởng
thẩm mĩ có từ thời Heian, nỗi buồn của người xưa một nghìn năm trước đã
làm vương vấn trong từng nét bút của nhà văn một nghìn năm sau.
Bà Ôta là người phụ nữ có một vị trí quan trọng trong cuộc đời cha con
Kikuji , và cũng là linh hồn của tác phẩm, là hình ảnh của tình yêu tuyệt đối.
Người phụ nữ này cũng như đa phần các giai nhân trong tác phẩm của Y.

Kawabata đều có một số phận bất hạnh. Niềm vui, nỗi buồn chợt đến, chợt đi
ngắn ngủi như bông tuyết đầu mùa, như giọt sương đầu ngọn cỏ. Bà là người
tình cuối cùng của ông thân sinh ra Kikuji, khi chồng bà còn sống vợ chồng
bà là chỗ bạn bè thân thiết với ông Mitani, họ cùng nhau tổ chức những buổi
tiệc trà, cùng nhau chia sẻ, trò chuyện về nhưng món đồ cổ quí giá dùng cho
tiệc trà. Khi chồng mất đi, bà lại tìm thấy sự đồng cảm, che chở từ người bạn
của chồng. Nhưng rồi cuộc đời chứa trong nó bao điều bất ngờ, đôi khi là sự
éo le mà con người không có khả năng để giải thích. Trong một buổi họp mặt
ở trà đường của Chikakô, bà Ôta chỉ muốn gặp Kikuji, con trai của người tình
cũ nay đã trưởng thành, để ngỏ lời xin lỗi, nhưng tiếng sét đã giáng xuống
tâm hồn, bà thấy lại người tình đã mất qua hình dáng, phong độ của người con
trai, kém bà hai nhăm tuổi, bà đã không thể kìm nổi lòng mình, và đã để mặc


cho ngọn lửa đam mê sống lại. Và rồi chính tình yêu đầy bản năng ấy đã dẫn
đến kết cục bi kịch của cuộc đời bà.
Vẻ đẹp của bà Ôta hiện lên qua sự cảm nhận của Kikuji trong lần gặp
lại từ sau cái chết của cha chàng : Bà Ôta tuy đã trung tuổi ( khoảng bốn mươi
năm tuổi), nhưng lại có thân hình như một thiếu nữ chiếc cổ trắng khá dài
vẫn thế, và đôi vai đầy đặn khá cân đối với chiếc cổ thanh tú _ kể ra đó cũng
là một dáng vóc khá trẻ so với số tuổi của người đàn bà. Miệng và chiếc mũi
nhỏ rất phù hợp với cặp mắt. Nếu để ý hơn một chút, người ta sẽ nhận thấy
chiếc mũi nhỏ của bà ta rất đều và gọn. Vẻ đẹp của bà đã khiến cho cha
Kikuji cả đời say đắm. Khi ông chết đi, chính bản thân Kikuji cũng bị cuốn
hút một cách kì lạ, không thể cưỡng lại, và đã đắm chìm trong tình yêu với
người tình của cha mình. Bà có một sức hút mê hoặc khiến cho Kikuji khi ôm
bà trong vòng tay có cảm giác như ôm một người đàn bà trẻ hơn chàng, bởi
ở bà toát ra một vẻ nồng nàn khiến Kikuji khó lòng kiểm soát nổi bản thân.
Có một điều đặc biệt trong sáng tác của Y. Kawabata là vẻ đẹp của
người phụ nữ thường được hiện lên qua con mắt nhìn nhận của người đàn

ông. Mắt Shimarura trong Xứ truyết, cũng như Kikuji trong Ngàn cánh hạc,
Shingô trong Tiếng rền của núi, Eguchi trong Người đẹp say ngủ, đã bị
đồng tử của Y. Kawabata nhập vào. Rất có thể vì ông chưa tìm ra cách nhập
được vào người phụ nữ, cho nên ông đành nhập vào những nhân vật nam trong
truyện, mượn mắt họ để chiếu vào người phụ nữ. Có thể nói đôi mắt của ông
là đôi mắt của một thầy phù thuỷ, nhân vật bị ông thôi miên, khả năng hút cạn
nguồn sinh lực của nhân vật để nhả vào trong tác phẩm có một không hai của
nhà văn độc đáo này làm bật tính khốc liệt trong những động tác bình thường,
gần như nhàm chán của cuộc sống hàng ngày. Có một trở ngại đối với nhà văn
là mỗi người phụ nữ là một hành tinh bí mật, một thế giới huyền hoặc, mơ hồ,
không sao soi tỏ được. Mỗi người họ là một thái dương thần nữ, là một chủ thể


của đam mê, dục vọng khác nhau, nên để hiểu được họ thì quả thật không phải
là điều dễ dàng.
Bà Ôta mang tất cả sự dịu dàng, âu yếm của một người mẹ, nhưng lại có
những nét ngây thơ mê đắm của một thiếu nữ đang độ tuổi thanh xuân, cho
nên bà đã làm cho Kikuji quên hẳn tuổi bà khi hai người yêu nhau, nhưng
cũng cho chàng cái cảm giác về một thứ tình mẫu tử. Bà Ôta chỉ sống có
vài ngày trong đời Kikuji, bà xuất hiện như một thoáng chiêm bao, nhưng
hương thơm và sự dịu dàng của bà chính là hiện thân của một tình yêu tuyệt
đối, xuyên thế hệ. Người phụ nữ này có một tình yêu mãnh liệt, nhưng cũng
như Eva, sau khi phạm tội, tất phải đoạ đầy, bà sống trong hối hận, mặc cảm
tội lỗi, và cuối cùng không thể chịu dày vò hơn nữa, bà đã quyết định chọn cái
chết để giải thoát cho mình khỏi mặc cảm tội lỗi. Toàn bộ sự giằng xé trong
tâm hồn bà Ôta trước lúc chết đều được Kikuji cảm nhận, bà đã thực sự suy
sụp và bế tắc trong mối quan hệ bất thường của mình.
Cũng chính từ khi nhìn thấy Kikuji, đối với bà Ôta thì như thể những
ngày xa xưa hiện về rõ rệt hơn bất cứ thứ gì khác. Bà như được trông thấy
người tình cũ qua hình dáng người con trai, kí ức sâu đậm đó cũng khiến cho

Kikuji nhận ngay thấy rằng: có một mối nhớ nhung sâu đậm và nồng nàn
trong giọnh nói của bà Ôta, như thể bà đang nói chuyện với cha chàng.
Có một điều đặc biệt là trong các tác phẩm của Y.Kawabata hầu như
các nhân vật đều hướng về quá khứ, hoài niệm. Bà Ôta cũng vậy, bà có một
niềm thiết tha dành cho dĩ vãng, đối với bà dĩ vãng ở bên cha Kikuji là tuyệt
đẹp. Bà đến với con trai của người tình cũ như một cách làm dịu bớt nỗi nhớ
nhung, niềm khát khao trống vắng trong tâm hồn một người đàn bà cháy bỏng
yêu đương. Mỗi khi gần gũi Kikuji bà đều kể cho chàng nghe về những kỉ
niệm, những kí ức về cha chàng. Nhưng rồi dần dần bà cảm nhận thấy một
điều rằng: mối quan hệ này không thể tồn tại lâu.


×