QUẢN TRỊ RỦI RO TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT
NAM
THEO HIỆP ƯỚC BASEL II
Giảng viên: Lê Minh Trang
Khoa Tài chính ngân hàng – Trường Đại học kinh tế kĩ thuật
công nghiệp
Từ khóa: quản trị rủi ro, ngân hàng thương mại, basel II
LỜI MỞ ĐẦU
Trong xu thế hội nhập, sức khỏe của nền kinh tế được phản ánh
rõ nét thông qua sự lưu thông của huyết mạch tài chính, tiền tệ, cụ
thể là quá trình vận hành của hệ thống các ngân hàng thương mại.
Những khó khăn của nền kinh tế, sự yếu kém trong quản trị doanh
nghiệp đều có thể mang lại những rủi ro khôn lường cho hoạt động
của hệ thống ngân hàng. Do đó, một trong những nhiệm vụ đặt lên
hàng đầu của các ngân hàng trong bối cảnh khó khăn là hạn chế tối
đa tỷ lệ nợ xấu, cố gắng đạt dưới mức 3% theo khuyến cáo của ngân
hàng nhà nước. Để làm được điều này, các ngân hàng cần có công
cụ quản trị rủi ro hữu hiệu, đó chính là Hiệp ước Basel II.
Được coi là chuẩn mực để đánh giá các rủi ro mà ngân hàng
phải đối mặt nhằm tăng cường hiệu quả trong các hoạt động kinh
doanh và quản lý nguồn vốn, Hiệp ước Basel II về quy định an toàn
vốn do Ủy ban giám sát Ngân hàng Basel xây dựng và ban hành đã
được áp dụng trên toàn thế giới. Giai đoạn 1 triển khai hiệp ước
Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm đã cho thấy việc áp dụng các tiêu
chuẩn quốc tế này còn gặp không ít khó khăn phát sinh về nhân lực,
cơ sở dữ liệu và các giải pháp công nghệ.
Vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm, gắn tiêu chuẩn quốc tế với
hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam sẽ là tiền đề để các ngân hàng áp
dụng hiệp ước Basel II một cách thống nhất. Đây cũng được coi là
yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng trong quản trị rủi ro nhằm
đáp ứng tốt các chuẩn mực quốc tế trong bối cảnh hội nhập toàn
cầu.
Chính vì vậy, tôi sẽ đề cập đến “Quản trị rủi ro tại Ngân
hàng thương mại Việt Nam theo Hiệp ước Basel II” trong bài
tham luận này.
1.
Đối tượng nghiên cứu:
Ngân hàng Nhà nước và một số Ngân hàng thương mại tại Việt
Nam
2.
Phương pháp nghiên cứu:
Thống kê, tổng kết, quy nạp
I- Tổng quan về Basel II và thực trạng triển khai tại Việt Nam
1. Tổng quan về Basel II
Năm 1988, BCBS (Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng) đã
giới thiệu một khung rủi ro tín dụng (Basel I) xác định các tiêu
chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và
tăng cường hệ thống tài chính. Để đáp ứng các yêu cầu của phát
triển liên tục trong ngành Ngân hàng, các quy định này đã được sửa
đổi và vào tháng 6 năm 2004, một hiệp ước về vốn mới (Basel II)
được ban hành.
Mục tiêu của Basel II: Nâng cao chất lượng và sự ổn định của
hệ thống ngân hàng quốc tế; tạo lập và duy trì một sân chơi bình
đẳng cho các ngân hàng hoạt động trên bình diện quốc tế; đẩy mạnh
việc chấp nhận các thông lệ nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực quản lý
rủi ro.
Basel II sử dụng khái niệm “Ba trụ cột”:
(1) Trụ cột thứ I: liên quan tới việc duy trì vốn bắt buộc. Theo
đó, tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu (CAR) vẫn là 8% của tổng tài sản có
rủi ro như Basel I. Tuy nhiên, rủi ro được tính toán theo ba yếu tố
chính mà ngân hàng phải đối mặt: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành
(hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường.
(2) Trụ cột thứ II: liên quan tới việc hoạch định chính sách
ngân hàng, Basel II cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách
những “công cụ” tốt hơn so với Basel I. Trụ cột này cũng cung cấp
một khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng đối mặt, như rủi
ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản
và rủi ro pháp lý, mà hiệp ước tổng hợp lại dưới cái tên rủi ro còn
lại (residual risk).
(3) Trụ cột thứ III: Các ngân hàng cần phải công khai thông
tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. Basel II đưa ra
một danh sách các yêu cầu buộc các ngân hàng phải công khai
thông tin, từ những thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn đến
những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với
rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành và quy trình đánh
giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này.
2. Thực trạng triển khai tại Việt Nam
Thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng
(TCTD) giai đoạn 2011 – 2015, bên cạnh các giải pháp như sáp
nhập, hợp nhất, xử lý các ngân hàng yếu kém… thì triển khai Basel
II cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thời gian qua, các TCTD đã
nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ; tích cực đổi
mới, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro; hiện đại
hóa công nghệ để hỗ trợ cho công tác quản trị, điều hành và phát
triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới. Đặc biệt, nhận thức, tư
duy của các TCTD về sự cần thiết phải áp dụng Basel II đã có sự
thay đổi tích cực.
Theo lộ trình của NHNN, đến cuối năm 2015 sẽ có 10 ngân
hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu
chuẩn Basel II, bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank,
Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và
VIB. Và đến năm 2018, 10 ngân hàng trên sẽ hoàn thành việc thí
điểm này, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các ngân hàng
thương mại khác trong nước. Tại 10 ngân hàng này, việc thực hiện
Basel II được coi là giải pháp đột phá về quản lý rủi ro, phân bổ vốn
hợp lý theo rủi ro… Việc áp dụng chuẩn mực vốn Basel II sẽ tạo
động lực và định hướng trong việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro
và quản lý, phân bổ vốn theo các chuẩn mực quốc tế.
Điểm qua tình hình thực hiện tại một vài ngân hàng trong số
10 ngân hàng, có thể nhận thấy sự quyết tâm của các ngân hàng
được lựa chọn thí điểm triển khai Basel II cho dù còn nhiều khó
khăn cần giải quyết.
Vietcombank: Vietcombank nằm trong số 10 ngân hàng được
lựa chọn triển khai áp dụng đầu tiên Hiệp ước Basel II. Tháng
6/2014, Vietcombank đã có những bước chuẩn bị tích cực trong lộ
trình triển khai Basel II, bắt đầu khởi động dự án “Phân tích hiện
trạng và xây dựng lộ trình triển khai nâng cao năng lực quản trị rủi
ro ngân hàng theo yêu cầu của Hiệp ước vốn Basel II”. Theo đó,
Vietcombank đã phối hợp cùng với Ernst&Young (EY) xây dựng lộ
trình nâng cao năng lực quản trị rủi ro ngân hàng theo yêu cầu Basel
II trong vòng 3 – 5 năm.
BIDV: Với quyết tâm triển khai thành công Basel II, ngày
15/9/2014, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà ký quyết định thành
lập Ban Quản lý dự án Triển khai Basel II (PMO) tại BIDV do Tổng
Giám đốc làm Trưởng ban. Ngày 26/3/2015, BIDV thành lập Ban
quản lý dự án Tư vấn rà soát báo cáo phân tích chênh lệch GAP và
xây dựng kế hoạch triển khai Master Plan Basel II (GAP&MP Basel
II) vào tháng 03/2015. Đây là dự án khởi đầu trong chuỗi dự án
triển khai Basel II, đóng vai trò bản lề trong quá trình triển khai
Basel II tại BIDV 5 – 7 năm tới. Công ty TNHH
PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam là đối tác chính của
BIDV tham gia hỗ trợ thực hiện dự án này.
Techcombank đã hình thành Văn phòng Quản lý dự án Basel
để có thể trực tiếp báo cáo lên Giám đốc khối Quản trị rủi ro trong
việc thực hiện điều phối nguồn lực triển khai Basel II; Sacombank
đã dần đáp ứng được yêu cầu trong việc xây dựng hệ thống quản trị
rủi ro trong toàn bộ hệ thống, cùng với đó thành lập Ban chỉ đạo và
Đội dự án thực hiện Basel II, tích cực đẩy mạnh hoàn thiện Basel II
vào năm 2018.
3. Tác động của Basel II đến hệ thống Ngân hàng Việt Nam
Việc triển khai Hiệp ước Basel II không chỉ tác động đến nền
kinh tế của những quốc gia áp dụng mà còn tác động đến chính hệ
thống ngân hàng của quốc gia đó. Để đáp ứng được các yêu cầu của
Hiệp ước Basel II với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và
thanh khoản, các ngân hàng sẽ hoạch định lại hoạt động kinh doanh
và các chiến lược kinh doanh một cách tích cực hơn. Trong khuôn
khổ Basel II, các công cụ và phương pháp quản lý rủi ro tiên tiến
được triển khai đảm bảo cho những ngân hàng có hệ thống quản trị
rủi ro tốt giảm thiểu chi phí, tập trung phát triển các mảng nghiệp vụ
kinh doanh mới và hiệu quả hơn trong các quyết định phân bổ
nguồn vốn kinh doanh.
Triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn,
lành mạnh hơn do trình độ quản trị rủi ro được tăng cường, các biện
pháp quản trị rủi ro, đặc biệt là mô hình rủi ro và xếp hạng nội bộ
được chủ động áp dụng, đồng thời, nguồn vốn được quản lý một
cách hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực tín dụng, các NHTM sẽ phải
chuyển hướng tập trung vào đánh giá mức độ tín nhiệm của khách
hàng, thay vì dựa chủ yếu vào tài sản bảo đảm.
Hơn nữa, sau khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn
vốn và thanh khoản, ngân hàng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước
ngoài hơn do ngân hàng hoạt động kinh doanh trong môi trường đạt
tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, sau khi triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các
yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân
hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát
triển. Lúc đó, khi mở cửa thị trường tài chính theo cam kết gia nhập
WTO, các ngân hàng Việt Nam không chỉ thu hút thêm nhà đầu tư
nước ngoài mà chính các ngân hàng sẽ tự mình thâm nhập các thị
trường phát triển và thu hút vốn tại các thị trường rộng lớn này.
Tuy nhiên, khi triển khai Basel II tại các NHTM, yêu cầu về
vốn và thanh khoản cao lên sẽ tác động đến chênh lệch lãi suất cho
vay, hay nói cách khác làm cho chi phí vốn tăng cao, kết quả là lợi
nhuận ròng của ngân hàng sẽ giảm. Theo nghiên cứu của Ủy ban
Basel, khi tỷ lệ an toàn vốn tăng lên 1% thì chênh lệch lãi suất cho
vay và chi phí đi huy động vốn tăng lên 1,3%. Tuy nhiên, có thể bù
đắp phần lợi nhuận ròng mất đi bằng một số biện pháp: Tăng lợi
nhuận ngoài lãi như: phí, hoa hồng…, tăng hiệu quả quản trị để
giảm chi phí hoạt động.
II- Thách thức mà ngân hàng Việt Nam phải đối mặt khi áp dụng
Basel II
1. Nâng cao năng lực quản trị rủi ro
Xu thế hội nhập quốc tế đòi hỏi các ngân hàng thương mại
Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu quản trị nói chung và quản trị
rủi ro nói riêng theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời mở ra các cơ hội
để ngành Ngân hàng có thể tiếp cận nhanh và gần hơn với các chuẩn
mực đó. Hiện nay, bên cạnh nỗ lực giải quyết các khoản nợ xấu từ
hoạt động cho vay trong quá khứ, các ngân hàng Việt Nam đã bắt
đầu chuẩn bị các bước dài hơi hơn bằng cách xây dựng hệ thống
quản lý rủi ro tiên tiến, nhằm phòng ngừa rủi ro trong tương lai,
thay vì phải giải quyết “sự đã rồi”.
Trong thời gian qua, các NHTM Việt Nam đã quan tâm quản
trị các loại rủi ro như rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro lãi
suất, rủi ro hoạt động. Kết quả “Khảo sát về ngành Ngân hàng Việt
Nam 2013” của KPMG: 80% ngân hàng đã nắm bắt được việc
NHNN lập kế hoạch thực hiện khung giám sát theo Hiệp ước Basel
II. NHNN đã tài trợ các khóa đào tạo giới thiệu ý nghĩa của Basel II
cho các ngân hàng nhưng chưa đưa ra hướng dẫn về việc khi nào
các quy định mới được ban hành. Tuy nhiên, 57% đối tượng tham
gia khảo sát cho rằng, vấn đề quản trị rủi ro hoạt động là đáng quan
ngại hơn cả. Nhiều ngân hàng đang triển khai quản trị rủi ro hoạt
động ở những công việc ban đầu như: nghiên cứu thiết lập quy
trình, xây dựng các văn bản về quản trị rủi ro hoạt động, theo dõi
các rủi ro và cảnh báo… Về cơ sở tính toán vốn cho rủi ro hoạt
động thì 64% các ngân hàng sẽ sử dụng phương pháp tiêu chuẩn để
tính vốn trong khi 14% ngân hàng lại sử dụng phương pháp chỉ số
cơ bản và 21% vẫn chưa quyết định. Tất cả các ngân hàng đều chỉ ra
rằng còn nhiều khó khăn khi triển khai áp dụng Hiệp ước Basel II.
Hai khó khăn được nhắc đến nhiều nhất là chi phí triển khai Hiệp
ước Basel II (85%) và thiếu dữ liệu lịch sử (78%).
2. Hệ thống dữ liệu tin cậy và chính xác cao
Thu thập và lưu trữ dữ liệu là việc rất quan trọng trong bất kỳ
dự án triển khai Basel II nào. Phân tích chênh lệch về dữ liệu, bao
gồm việc so sánh mức độ sẵn có và chất lượng của dữ liệu hiện có
với các yêu cầu về dữ liệu của Basel II, phải được tiến hành ngay
trong giai đoạn đầu của dự án. Từ đó, các ngân hàng xác định được
các yêu cầu dữ liệu bổ sung và bố trí nhân sự phù hợp để thu thập
và làm sạch dữ liệu. Nếu không thực hiện phân tích chênh lệch dữ
liệu và có các phương án bổ sung, làm giàu dữ liệu, thì chi phí và
thời gian thực hiện triển khai dự án Basel II sẽ cao hơn nhiều kế
hoạch ban đầu.
Việc kiểm tra chất lượng của dữ liệu và đối chiếu với sổ cái
cũng là một thách thức trong quá trình triển khai Basel II nhằm đảm
bảo tính đầy đủ và chính xác của dữ liệu. Các ngân hàng phải trả lời
được câu hỏi: liệu dữ liệu đã đầy đủ và “khớp” với số liệu đã kiểm
toán hay chưa, cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng
dữ liệu của Basel II chưa?
Theo nhiều chuyên gia, khó khăn đối với đa số các ngân hàng
nước ta khi triển khai Basel II chính là cơ sở dữ liệu. Hệ thống công
nghệ ngân hàng lõi (core banking system) tại các ngân hàng có quá
nhiều hệ thống khác nhau đang cùng được đầu tư như Flexcube của
Oracle, T24 của Temenos… thậm chí có ngân hàng còn có những
kho dữ liệu khác ngoài core như excel, file hồ sơ nên có thể dẫn đến
các báo cáo chiết suất rời rạc, chưa chính xác, không được kiểm
duyệt và cập nhật thường xuyên.
Hơn nữa, dữ liệu chưa được nhiều ngân hàng ở nước ta chú
trọng thu thập và quản trị một cách có hệ thống trong suốt thời gian
dài. Trong khi, yêu cầu tối thiểu độ dài dữ liệu cho một số mô hình
phân tích là 3 năm (ngoại trừ phương pháp tiêu chuẩn không yêu
cầu thời gian lịch sử dữ liệu). Do đó, việc xây dựng hệ thống và thu
thập dữ liệu phải cần thời gian, công sức, tiền bạc của các ngân
hàng trước khi triển khai.
3. Yêu cầu về chi phí, tài chính
Một thách thức khác nữa là chi phí triển khai Basel II. Các yêu
cầu về tuân thủ Basel II dự kiến được ban hành trong thời gian tới là
một khó khăn cho các ngân hàng, đòi hỏi chi phí triển khai lớn.
Trong tương lai, chi phí tuân thủ trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tăng
cao, và chỉ những ngân hàng có khả năng tài chính mới có thể thực
hiện. Chi phí cho triển khai dự án tập trung vào chi phí đầu tư hệ
thống công nghệ thông tin, chi phí thuê tư vấn và chi phí nguồn
nhân lực.
Dựa trên kinh nghiệm của một số TCTD đã triển khai dự án
Basel II tại khu vực châu Á thì tổng chi phí sẽ dao động từ 15 đến
40 triệu USD, tùy theo quy mô, mức độ và yêu cầu cụ thể của cơ
quan quản lý nhà nước. Không có mức chi phí chuẩn để thực hiện
Basel II, chi phí này phụ thuộc vào quy mô, phạm vi hoạt động, nền
tảng sẵn có của từng ngân hàng. Chính vì vậy, mỗi ngân hàng phải
có sự tính toán cho chi phí của từng giai đoạn thực hiện trong lộ
trình áp dụng, để không gây phát sinh quá lớn. Bên cạnh đó, các
ngân hàng nhất thiết phải cân nhắc việc nhờ tới sự hỗ trợ của các
chuyên gia, tập đoàn tư vấn về quản trị rủi ro.
4. Quy định của NHNN về hoạt động ngân hàng phù hợp với lộ
trình triển khai Basel II
Theo đánh giá về tính khả thi khi yêu cầu các NHTM tuân thủ
theo chuẩn Basel II, EY Việt Nam cho rằng, mục tiêu hướng tới
chuẩn Basel II là vào năm 2018. Việc ban hành các quy tắc tính toán
vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II không phức tạp mà
cái khó là ở các hệ số rủi ro cần được thiết lập ở Việt Nam ở mức
nào là phù hợp. Hơn nữa, các NHTM đều đã thực hiện phân tích
hiện trạng và đưa ra lộ trình triển khai Basel II. Vì vậy, NHNN cần
ban hành các văn bản theo đúng thời hạn để các NHTM áp dụng;
NHNN cần thiết lập các tỷ lệ an toàn ở mức độ phù hợp với mặt
bằng các NHTM trong nước và đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng
đến hệ thống khi áp dụng các tiêu chuẩn trên.
III- Một số kiến nghị
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa NHNN và các
NHTM trong việc xây dựng, triển khai quy định hướng dẫn Basel II
nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong quá trình
triển khai Basel II. NHNN nên đưa ra các văn bản hướng dẫn chi
tiết về mặt yêu cầu nội dung để các ngân hàng căn cứ thực hiện
cũng như có lộ trình triển khai phù hợp, để vừa phù hợp với thực
tiễn, vừa đảm bảo hiệu quả của việc áp dụng tiêu chuẩn Basel cho
ngân hàng Việt Nam.
Thứ hai, các ngân hàng cần thay đổi khẩu vị rủi ro, giảm lợi
nhuận, tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Thời kỳ các ngân hàng
cạnh tranh tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng về kế hoạch doanh thu,
lợi nhuận đã qua, các ngân hàng hiện nay tập trung vào chất lượng
tín dụng, hiệu quả quản trị rủi ro và quan tâm giải quyết bài toán nợ
xấu. Để việc triển khai Basel II diễn ra nhanh và hiệu quả, lãnh đạo
ngân hàng cần ưu tiên và tập trung hoàn thiện về quản trị rủi ro
trong hoạt động ngân hàng. Điều này sẽ làm cho khoảng cách giữa
các chỉ số rủi ro thực tế và mục tiêu Basel II gần nhau hơn.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch/hoàn thiện hệ thống thông tin quản
lý để hoàn thiện cơ sở dữ liệu, đảm bảo cho việc chạy mô hình rủi
ro cho kết quả chính xác nhất đối với từng ngân hàng: Cơ sở dữ liệu
là yếu tố tiên quyết để thực hiện triển khai Basel II, đây cũng là yếu
tố quyết định đến sự thành bại của việc thực hiện chuẩn Basel II tại
tất cả các ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng cần thực hiện rà soát,
chuẩn hóa lại dữ liệu để chuẩn bị cho việc thực hiện (theo yêu cầu
của Basel II, các thông tin/ dữ liệu về khách hàng, thông tin về tài
sản bảo đảm (bao gồm các biện pháp giảm thiểu rủi ro) phải được
lưu trữ trong thời gian từ 3 – 5 năm; các dữ liệu về nợ xấu phải
được lưu trữ từ 5 – 7 năm).
Thứ tư, tuyển chọn, đào tạo nhân sự có chất lượng, gắn bó lâu
dài với ngân hàng: Trong các nguồn lực cần huy động, chuẩn bị để
triển khai Basel II, con người là nhân tố quan trọng nhất, bởi nếu
không có nguồn nhân lực chất lượng thì các hệ thống quản trị cơ sở
dữ liệu hiện đại và mô hình phức tạp đến đâu cũng không thể sử
dụng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, một dự án nói chung và dự án
Basel II nói riêng cần khoảng thời gian dài, thông thường tối thiểu 5
năm. Vì vậy, các ngân hàng cần có chính sách tuyển dụng các nhân
sự chất lượng cao và cam kết gắn bó làm việc lâu dài để thực hiện
dự án.
Thứ năm, sử dụng, phân bổ chi phí để đầu tư cho việc thực hiện
dự án Basel II: Việc thực hiện Basel II cần chi phí không hề nhỏ.
Các ngân hàng cần xây dựng kế hoạch sử dụng chi phí cho dự án
được triển khai trong nhiều năm.
Thứ sáu, các ngân hàng nằm trong danh sách NHNN lựa chọn
để triển khai Basel II cần định kỳ tổ chức hội thảo hoặc các buổi
làm việc để trao đổi, rút kinh nghiệm và cùng tháo gỡ những khó
khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai áp dụng Basel II.
Thứ bảy, bên cạnh lựa chọn đối tác tư vấn là các công ty kiểm
toán hàng đầu, có nhiều kinh nghiệm tư vấn triển khai áp dụng
Basel II trên thế giới như E&Y, KPMG… (hướng được hầu hết các
ngân hàng tại Việt Nam lựa chọn), các ngân hàng có thể học hỏi
kinh nghiệm và tận dụng sự hỗ trợ của chính đối tác chiến lược của
ngân hàng mình – đây đều là những ngân hàng đã được tìm hiểu,
lựa chọn rất kỹ càng, có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc triển
khai Basel II.
Thứ tám, các ngân hàng chưa nằm trong danh sách được
NHNN lựa chọn để thí điểm triển khai Basel II cũng cần phải rà
soát lại hoạt động và có kế hoạch chuẩn bị cho việc triển khai Basel
II trong thời gian tới (cụ thể là cuối năm 2018), đặc biệt tập trung
vào mảng hệ thống thông tin quản lý (nâng cấp, hoàn thiện hệ
thống) nhằm chuẩn hóa hệ thống dữ liệu thông tin ngân hàng – một
yếu tố quan trọng không thể thiếu có tác động đến sự thành bại của
việc triển khai Basel II.
KẾT LUẬN
Thời gian qua, các TCTD đã nỗ lực cải thiện năng lực tài chính
và tăng vốn điều lệ; tích cực đổi mới, nâng cao năng lực quản trị
điều hành, quản trị rủi ro; hiện đại hóa công nghệ để hỗ trợ cho
công tác quản trị, điều hành và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân
hàng mới. Đặc biệt, nhận thức, tư duy của các TCTD về sự cần thiết
phải áp dụng Basel II đã có sự thay đổi tích cực.
Danh mục tham khảo
1.
/>
2.
/>
3.
ID=DETAIL&INFOID=6064
Kỷ yếu Hội thảo Ứng dụng Basel II vào ngân hàng thương
mại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tác giả
Lê Minh Trang
Khoa Tài chính Ngân hàng
Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
093.445.6760 - Email: