Tải bản đầy đủ (.pdf) (144 trang)

Tính từ chỉ màu sắc trong một số tác phẩm của nhà văn sơn nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.18 MB, 144 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA SƯ PHẠM
----

----

LÊ XUÂN DỊ

TÍNH TỪ CHỈ MÀU SẮC TRONG MỘT SỐ
TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN SƠN NAM
(Luận văn TNĐH ngành Sp. Ngữ Văn Khóa: 2007-2011)

CBHD: NGUYỄN VĂN TƯ
Cần Thơ, 3/2011


A. PHẦN MỞ ĐẦU


TÍNH TỪ CHỈ MÀU SẮC TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM
CỦA
NHÀ VĂN SƠN NAM
I. Lí do chọn đề tài

“U Minh, Rạch Giá, thị quá sơn trường,
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”
Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cuối cùng của cực Nam tổ quốc, tôi tự
hào về vùng đất Nam Bộ nói chung cũng như về Cà Mau nói riêng. Sông nước đã vỗ về,
tắm mát tâm hồn tôi ngay từ bé. Với những ký ức ngày thơ cứ ấp ủ trong lòng tôi không
nguôi. Và tôi muốn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn nữa những giá trị vật chất, giá trị tinh
thần ở vùng đất được ví von như “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm ” (Nguyễn Tuân)


ấy thông qua các sáng tác văn chương của các nhà văn.
Viết về đất và con người vùng Nam Bộ không phải bây giờ mà trước đó đã có
rất rất nhiều tác phẩm ra đời cùng với những nhà văn có tên tuổi đã được nhiều người biết
đến như Lê Vĩnh Hòa, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Thi, Sơn
Nam, Nguyễn Ngọc Tư… Qua từng trang viết của các nhà văn, ta cảm nhận những bức
tranh đa dạng về đời sống của con người ở đây thật sinh động; không những thế cảnh vật
thiên nhiên luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với con người, với những nếp sống,
những giá trị truyền thống đã in hằng trong tiềm thức mỗi thế hệ.
Trong số những nhà văn viết về Nam Bộ, tôi đặc biệt chú ý đến Sơn Nam,
người đã tận tụy với văn minh miệt vườn, đã cặm cụi lượm lặt từng hạt vàng vùi lẫn
trong phù sa của chín nhánh Cửu Long để lưu lại cho đời. Những bài viết của tác giả
như từ điển bách khoa về đất, con người và những tập tục của vùng đất Nam Bộ. Đọc và
tự mình ngẫm nghĩ về nơi mình được sinh ra và lớn lên thì còn gì thú vị bằng! Tôi như
được đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, có khi tôi cùng những dòng chảy ngôn từ ấy
mà “chu du” các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có lúc tôi lại ngược dòng lịch sử trở
về thời ông cha đi khai hoang mở đất…và tôi luôn hình dung ông như một cây đước cổ
thụ gầy gùa mà mỗi tập sách, mỗi trang viết là một nhánh rễ gân guốc bền bỉ ăn sâu vào
miền châu thổ Cửu Long. Trên bước đường nào, ông cũng trân trọng nâng niu từng dáng
vẻ, từng lề lối, từng nề nếp, từng tập tục, từng địa danh, từng cảnh trí… của miền châu


thổ này như một nhà bảo tồn đơn độc, cứ âm thầm lưu giữ tất cả vào mấy chục pho sách
ông để lại cho đời.
Từ việc yêu thích đó, tôi đã đi tìm hiểu và chọn những tác phẩm của nhà văn Sơn
Nam để làm đề tài luận văn cho mình. Tuy nhiên, nét đặc sắc trong các sáng tác của Sơn
Nam có nhiều khía cạnh cần quan tâm, nhưng tôi chỉ tìm hiểu ở một phần của những giá
trị góp phần thành công cho các sáng tác Sơn Nam đó là “tính từ chỉ màu sắc”. Theo tôi,
việc sử dụng tính từ chỉ màu sắc là sáng tạo độc đáo, bởi vì thông qua việc miêu tả cảnh
vật thiên nhiên, con người thì lớp từ loại này còn phản ánh được nếp sống, tính cách và
tình cảm của người dân ở vùng đất Nam Bộ.

II. Lịch sử vấn đề
Tính từ là một trong những từ loại quan trọng và có bề dày lịch sử về các công
trình nghiên cứu. Xin trích dẫn một số công trình nghiên cứu về từ loại này như sau:
Theo Đinh Văn Đức trong “Ngữ pháp tiếng Việt- từ loại”, Nxb Đại học và trung
học chuyên nghiệp Hà Nội, năm 1986 đã khẳng định tính từ là từ loại quan trọng trong
thực từ tiếng Việt, sau danh từ và động từ. Tác giả trình bày cụ thể và rõ ràng về ý nghĩa,
vị trí, phân loại và khả năng kết hợp của từ loại tính từ. Ngoài ra, ông còn trình bày về
đoản ngữ. Tuy nhiên, tính từ chỉ màu sắc không được tác giả đề cập đến.
Khi đó, Hồ Lê trong “Cú pháp tiếng Việt”- Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, năm
1992, cho rằng tính từ chủ yếu ở khả năng kết hợp. Với Hồ Lê thì “Đặc điểm ngữ nghĩacú pháp của tính từ biểu thị phạm trù đặc trưng của sự vật và cách thức của hành động,
do đó có khả năng phối kết danh từ, động từ kèm theo những từ chỉ mức độ” [11,85]. Ở
đây, ông đi sâu nghiên cứu khả năng kết hợp của tính từ, đồng thời, qua đó ông chỉ ra
ranh giới giữa động từ và tính từ. Cũng như Đinh Văn Đức, Hồ Lê không đề cập đến tính
từ chỉ màu sắc.
Còn Bùi Tất Tươm trong “Giáo trình tiếng Việt”- Nxb Giáo dục, năm 1995, đã
khẳng định vị trí của từ loại tính từ. Với khái niệm “Tính từ là từ loại cơ bản. Tính từ có
vị trí quan trọng sau danh từ và động từ” [39,139]. Ông cũng nêu lên khá đầy đủ về ý
nghĩa khái quát, đặc điểm cú pháp và các tiểu loại của tính từ. Về tính từ chỉ màu sắc
không thấy tác giả nói đến. Ông chỉ đề cập đến khía cạnh của lớp từ này như một tiểu loại
của tính từ trong phần phân loại.


Theo Bùi Đức Tịnh trong “Văn phạm Việt Nam ” , Nxb Văn hóa, năm 1996, đã
đưa ra các thể thức cấu tạo của tính từ. Theo ông, “vị trí của tính từ Việt Nam là đứng
đằng sau danh từ”[35,251]. Đó là “vị trí tự nhiên, còn trường hợp nghịch đảo để nhấn
mạnh ý nghĩa của tính từ ”[35,253]. Tính từ có thể có bổ túc ngữ và dùng theo các thời
hiện tại, quá khứ hoặc vị lai.
Với Nguyễn Kim Thản trong “Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt”, Nxb Giáo dục,
năm 1997, đã nêu lên các đặc điểm ngữ pháp của tính từ. Đó là “tính từ có thể trực tiếp
làm vị ngữ, không cần hệ từ “là” làm môi giới” [34, 260]. Sau đó là việc “tính từ không

kết hợp được với “hãy”… (đi)” [34, 260]. Bên cạnh đó, ông còn chỉ ra điểm khác biệt
giữa tính từ Ấn- Âu và tính từ Tiếng Việt. Ông cũng tiến hành phân loại tính từ. Về tính
từ chỉ màu sắc thì không được ông đề cập đến.
Theo Lê Biên với công trình nghiên cứu “Từ loại tiếng Việt hiện đại”, Nxb Giáo
dục, năm 1998, đã đi sâu nghiên cứu đặc trưng và các tiểu loại tính từ. Ông khẳng định
“Đặc trưng của tính từ không trừu tượng tách khỏi sự vật hoạt động mà đó là dấu hiệu
thuộc tính sẵn có, quan hệ gắn bó với sự vật, hiện tượng. Mặt khác, đặc trưng cũng thể
hiện cách nhận thức chủ quan của con người ” [2,103]. Ông phân tính từ thành hai tiểu
loại dựa vào ý nghĩa và khả năng kết hợp. Khác với các tác giả đã nghiên cứu về từ loại
tính từ trước đó, Lê Biên có nói đến tính từ chỉ màu sắc dù chỉ đôi nét.
Theo Đỗ Thị Kim Liên trong “Ngữ pháp tiếng Việt”, Nxb Giáo dục, năm 1999,
đã nêu lên đặc điểm, ý nghĩa của tính từ. Theo bà, “tính từ có khả năng trực tiếp làm vị
ngữ (giống động từ) ” [12,55]. Bên cạnh đó, Kim Liên còn đưa ra các tiểu nhóm của tính
từ, trong đó có nhóm tính từ chỉ màu sắc. Bà cũng trình bày về ý nghĩa, khả năng kết hợp
của lớp từ với “phó từ chỉ mức độ quá ở phía sau” [12,56].
Nhóm tác giả Hữu Đạt, Trần Trí Dõi, Thanh Lan trong “Cơ sở tiếng Việt”, Nxb
Văn hóa thông tin, năm 2000 cho rằng “tính từ là từ loại có ý nghĩa chỉ tính chất, đặc
trưng” [4,154]. Bên cạnh vấn đề đó, các tác giả cũng có nêu chính kiến “tính từ có khả
năng làm trung tâm của đoản ngữ tính từ (tính ngữ) với các thành tố phụ phía sau về cơ
bản giống động ngữ nhưng đơn giản hơn”[4,154]. Mặc khác, các tác giả còn nêu rất cụ
thể việc phân chia các lớp tính từ con, cũng như việc kết hợp, dù vậy, lớp tính từ chỉ màu
sắc vẫn còn bỏ ngỏ.
Với Nguyễn Hữu Quỳnh trong “Ngữ pháp tiếng Việt”, Nxb Từ điển Bách khoa Hà
Nội, năm 2001, cho rằng “tính từ là những từ chỉ tính chất, chỉ đặc trưng của sự vật như


hình thể, màu sắc, dung lượng, kích thước, đặc trưng” [31, 145]. Ngoài ra, ông quan
niệm “tính từ có thể kết hợp với các phó từ đã, đang, sẽ hay vẫn, cứ, còn, một số tính từ
kết hợp phổ biến hơn các phó từ chỉ mức độ rất, hơi” [31,145]. Tuy nhiên, cách phân loại
tính từ dựa vào ý nghĩa khái quát và khả năng kết hợp của ông chưa hợp lí.

Theo nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến trong
“Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt”, Nxb Giáo dục, năm 2008, quan niệm “tính từ có ý
nghĩa khái quát chỉ tính chất, có thể đứng sau từ rất và thường làm vị ngữ hay định ngữ
trong câu” [3,272]. Các tác giả có nêu cụ thể những đặc điểm của tính từ, khả năng kết
hợp và việc phân chia các lớp tính từ con. Song, về tính từ chỉ màu sắc thì không được đề
cập đến.
Qua việc khảo sát các công trình nghiên cứu của một số tác giả đã được đề cập,
ta thấy tính từ Tiếng Việt đã nghiên cứu sâu sắc và toàn diện. Tuy nhiên, lớp tính từ chỉ
màu sắc chưa cụ thể, vẫn còn nằm ọp ẹp với các khái niệm chung chung, chưa được chi
tiết hóa. Nó là một tiểu loại trong tính từ. Có lẽ vì lí do đó mà chưa có nhiều công trình
nghiên cứu nào chỉ đặc trưng của lớp từ này. Từ đó mà khái niệm và cách phân loại chưa
được đề cập một cách cụ thể và toàn diện.
Đối với nhà văn Sơn Nam, gần đây có một số công trình nghiên cứu về sự
nghiệp sáng tác cũng như các biện pháp nghệ thuật, thiên nhiên và con người vùng Nam
Bộ… Với sự nghiệp sáng tác lâu dài và dung lượng tác phẩm khá đồ sộ, luôn là đề tài
thu hút sự tò mò, yêu thích của độc giả có ý thức đối với nhà văn cả đời sống bằng cái
tâm với con người và thiên nhiên vùng đất Nam Bộ. Và vấn đề “tính từ chỉ màu sắc trong
một số tác phẩm của nhà văn Sơn Nam ” tôi nghĩ chưa có nhiều công trình nghiên cứu.
Với luận văn này, tôi hy vọng sẽ tạo thêm một nghiên cứu nhỏ, mới về một phương diện
góp phần thành công trong sáng tác của nhà văn Sơn Nam.
III. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài này, tôi đi sâu vào việc nghiên cứu lớp tính từ chỉ màu sắc để góp phần
làm rõ hơn một phương diện trong từ loại tính từ, đồng thời, qua đó làm nổi bật một cách
cụ thể những chức năng, tác dụng, giá trị của lớp tính từ chỉ màu sắc thông qua một số tác
phẩm của nhà văn Sơn Nam. Từ đó, ta thấy được hiệu quả nghệ thuật , cũng như giá trị
thẩm mĩ của lớp từ này.


Khi tiến hành vào việc nghiên cứu đề tài, tôi có cơ hội học hỏi và tiếp nhận những
kinh nghiệm có ích cho vốn tri thức của bản thân về các lĩnh vực trong đời sống cũng như

phục vụ công tác giảng dạy, hay nghiên cứu khoa học sau này.

IV. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài luận văn này có đối tượng nghiên cứu là tính từ chỉ màu sắc và những tác
phẩm của nhà văn Sơn Nam có chứa những tính từ chỉ màu sắc. Tôi tiến hành khảo sát
những tài liệu nghiên cứu về từ loại Tiếng Việt và những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam.
Vì thời gian và nguồn tư liệu hạn chế, nên tôi chỉ tìm hiểu một số tác phẩm của nhà văn Sơn
Nam. Đồng thời, tôi cũng tìm hiểu cách sử dụng tính từ chỉ màu sắc của một số nhà văn
khác, nhằm đối chiếu, so sánh để làm rõ hơn giá trị của một phương diện nghệ thuật thuộc
tính từ .

V. Phương pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu đề tài này, tôi đã tiến hành tìm và thu thập những tác phẩm có chứa
tính từ chỉ màu sắc của nhà văn Sơn Nam. Sau đó, tôi thống kê, phân loại lớp từ này trong
tác phẩm. Tôi lại tiếp tục phân tích, chứng minh giá trị biểu đạt cả về nghệ thuật lẫn giá trị
thẩm mĩ của lớp từ này trong các sáng tác Sơn Nam.
Ngoài ra, tôi còn so sánh đặc điểm sử dụng tính từ chỉ màu sắc trong tác phẩm của
một số nhà văn khác với nhà văn Sơn Nam. Sau cùng, tôi tổng hợp và đưa ra nhận định
chung của vấn đề đã đề cập.


B. PHẦN NỘI DUNG


CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT VỀ TỪ LỌAI TÍNH TỪ
I. Khái quát về từ loại tính từ
1. Khái niệm
1.1. Những quan niệm khác nhau về từ loại tính từ
Tính từ là từ loại cơ bản của thực từ. Về khái niệm tính từ trước đó và đến sau này
có một số công trình nghiên cứu của nhiều tác giả có tên tuổi được ta biết đến. Song mức độ

tiếp nhận cũng có giới hạn trong khuôn khổ chuẩn về tính từ thì không nhiều. Sau đây là
một số quan niệm khác nhau về từ loại tính từ.
Theo Diệp Quang Ban và Hoàng Văn Thung cho rằng “Lớp từ chỉ ý nghĩa đặc
trưng (đặc trưng của thực tế hay đặc trưng của quá trình là tính từ )” [1,101].
Còn Lê Biên thì lại quan niệm “tính từ là loại từ cơ bản như danh từ, động từ, là
một loại cần thiết miêu tả các đơn vị ngôn ngữ và làm phong phú khả năng diễn đạt ”
[2,165].
Trong khi đó, Đinh Văn Đức quan niệm “tính từ là từ loại chỉ ra đặc trưng của tất
cả những gì được biểu đạt bằng danh từ và động từ ” [6,157].
Đỗ Thị Kim Liên lại khẳng định “tính từ là những từ chỉ tính chất, màu sắc”
[10,55].
Còn Nguyễn Hữu Quỳnh đưa ra khái niệm “tính từ là từ chỉ tính chất, đặc trưng
của sự vật như : hình thể, màu sắc, dung lượng, kích thước, đặc trưng” [32,158].
Trong khi đó, Bùi Tất Tươm định nghĩa “tính từ là từ loại chỉ tính chất của sự vật
của hoạt động và trạng thái ” [39,139].
Bùi Đức Tịnh cũng đưa ra khái niệm “tính từ là những tiếng mô tả trạng thái của
người, vật và sự vật, bằng ý nghĩa về tính cách của những người, vật và sự việc ấy ”
[35,246].
Nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến lại quan niệm
“tính từ có ý nghĩa chỉ tính chất”[3,272].
Trong khi đó, nhóm tác giả Hữu Đạt, Trần Trí Dõi, Thanh Lan cho rằng “tính từ là
từ loại có ý nghĩa chỉ tính chất, đặc trưng” [4,154].
Với nhiều khái niệm khác nhau về từ loại tính từ, ta thấy phần nào đã nêu lên đặc
trưng và ý nghĩa của từ loại này.
1.2. Khái niệm


Từ các khái niệm của nhiều tác giả đã nêu ở trên, ta rút ra một khái niệm chung
nhất về tính từ như sau:
“Tính từ là những từ chỉ tính chất, chỉ đặc trưng của sự vật như hình thể,

màu sắc, dung lượng, kích thước, đặc trưng” [32, 158].
Từ khái niệm về tính từ , ta nhận thấy ở tính từ có những đặc tính, cụ thể:
- Đó là những thuộc tính về màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng tinh…
- Đặc tính mùi vị, hình dạng, kích thước, phẩm chất như chua, ngọt, chát,
cay, đắng, mặn, dày, mềm, mỏng, cứng…
- Đặc trưng nét khu biệt về kích thước, trọng lượng, màu sắc và các khía cạnh chất
lượng của chủ thể, chỉ ra cái hạn định cho mỗi đối tượng.
- Tính chất của tính từ không phải là một cái gì trừu tượng, tách khỏi sự vật, hoạt
động mà phải thấy nó như dấu hiệu thuộc tính sẵn có, có quan hệ gắn bó với sự vật, hoạt
động.
- Đặc trưng còn là cách thức nhận thức chủ quan của con người. Do đó, đặc
trưng phải gắn liền với sự vật, hoạt động và tiềm ẩn cách nhận thức, đánh giá của mỗi
người đối với sự vật, hoạt động.
VD: Cái áo này đẹp!
Khái niệm đặc trưng thể hiện ý nghĩa tính từ là sự thống nhất cao giữa các
yếu tố từ vựng và ngữ pháp. Với yếu tố từ vựng, ý nghĩa tính từ có liên hệ trực tiếp với
nội dung phản ánh thực tại. Khái niệm đặc trưng trên bậc ngữ pháp là một khái niệm có
tính chất quan hệ, thể hiện một mối liên hệ giữa các khái niệm trong khi phản ánh thực
tại. Nhưng ý nghĩa tính từ, khác với danh từ và động từ, còn bao gồm những đặc trưng
hình thành theo nhận thức chủ quan của con người trong quan hệ với đối tượng- những
quan hệ của trạng thái tình cảm (vui, buồn, yêu, ghét, khinh, trọng) và những liên hệ trừu
tượng hơn (chững chạc, khích lệ, khó khăn, căng thẳng, linh thiêng, nghèo nàn…). Sự
trừu tương hóa tưng bước của ý nghĩa tính từ đã dẫn đến một kiểu đặc trưng mới: đặc
trưng quan hệ, kiểu đặc trưng này mang tính chất ngữ pháp và hình thành do mối quan hệ
giữa các khái niệm trong cách thức phản ánh của người bản ngữ.
VD: Danh từ “Nam Bộ” sẽ trở thành một khái niệm về đặc trưng khi ta
thêm thành tố “rất” vào trước nó: rất Nam Bộ là một tính từ.
2. Đặc điểm của từ loại tính từ



Tính từ là từ loại cơ bản, tính từ có vị trí quan trọng sau danh từ và động từ.
Tính từ tiếng Việt có những đặc diểm ngữ pháp rất giống với động từ, vì vậy có thể xếp
tính từ và động từ vào cùng một phạm trù từ loại là vị từ.
2.1. Chức năng cú pháp
Tính từ là từ loại thực từ, giống như danh từ và động từ, tính từ giữ các
chức năng cú pháp trong câu (thành phần chính và thành phần phụ). Trong đó, bản chất
ngữ pháp của tính từ đặc trưng bởi một chùm chức vụ cú pháp.
Xét về chức năng cú pháp, trong tiếng Việt, tính từ có hai chức năng chính:
- Chức năng định ngữ của tính từ:
Trong câu tính từ cũng làm vị ngữ như động từ. Song tính từ có một đặc điểm
nổi bật trong chức vụ cú pháp là khả năng làm thành tố hạn định cho cả danh từ (gọi là
định tố) và cho cả động từ (gọi là trạng tố).
+ Ý nghĩa ngữ pháp của tính từ biểu đạt các khái niệm thuộc phạm trù thực thể
là (danh từ);
+ Ý nghĩa ngữ pháp của trạng từ biểu đạt đặc trưng cho các khái niệm thuộc
phạm trù vận động (động từ).
VD: + Về định tố:
Cây non này.
+ Về trạng tố:
Chạy nhanh
Vừa có khả năng bổ nghĩa cho danh từ, vừa có khả năng bổ nghĩa cho động từ là đặc
điểm tiêu biểu của tính từ tiếng Việt.
- Chức năng vị ngữ của tính từ
Trong tiếng Việt và một vài ngôn ngữ đơn lập khác, tính từ gần với động từ ở chức
năng làm vị ngữ trong câu. Tính từ trong khi chỉ đặc trưng và không có chức năng ngữ
pháp riêng đã có quan hệ thông báo với chủ thể (cũng là một loại quan hệ đặc trưng)
giống như động từ. Tính từ tiếp nhận các tiêu chí ngữ pháp của động từ trước hết là yếu
tố chỉ thời – thể (đã, đang, sẽ, từng, chưa); kết quả, khả năng, tình thái…Đặc điểm này
cho phép tính từ tiếng Việt làm vị ngữ trực tiếp trong câu.
VD: Mới tháng trước cây cối còn đang xanh, mà nay đã vàng rực.

“Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam


Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”
(Tố Hữu)
Ngoài hai chức năng trên, tính từ còn có thêm một số chức năng khác như:
- Làm chủ ngữ trong câu:
VD: Các anh hùng là những người đáng kính trọng.
- Làm bổ tố:
VD: Con mèo chạy nhanh.
2.2. Khả năng kết hợp
Tính từ là từ loại thực từ, ý nghĩa của tính từ có quan hệ nội dung phản ánh
thực tại (tính chất, đặc điểm, màu sắc,…) bởi vậy cũng như với danh từ, động từ, ở tính
từ cũng tự nhiên hình thành ý nghĩa ngữ pháp kèm theo nảy sinh tư mối quan hệ giữa các
khái niệm. Điều đó cho phép tính từ có khả năng kết hợp với những từ phụ xung quanh
để bổ sung cho nó và lập thành đoản ngữ- ngữ tính từ (tính ngữ).
Xét về khả năng làm trung tâm của đoản ngữ- ngữ tính từ với các thành tố phụ
đứng trước giống như động từ, còn phần phụ phía sau về cơ bản giống như động ngữ
nhưng đơn giản hơn.
VD: Đảng còn trẻ lắm
Các thành phần phụ của tính từ trong khuôn khổ cấu trúc ngữ tính từ có thể phân
ra thành các tiểu loại như sau:
- Các phụ từ của tính từ cũng đồng thời là phụ từ của động từ:
Ta xét về đặc điểm ngữ pháp thì tính từ có nhiều nét giống động từ ở sự kết hợp
+ Tính từ có thể kết hợp với các phó từ: đã, sẽ, đang…chỉ kết quả diễn tiến
của đặc trưng.
VD:

Cái cây đã xanh hơn.


+ Tính từ có thể kết hợp với các phó từ: vẫn, còn, cứ…
VD: Cái bàn học còn tốt.
+ Tính từ có thể kết hợp với các phó từ: hãy, đừng, chớ…
VD:

“Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi”
(Hồ Xuân Hương)

- Các thành tố phụ chuyên dùng của tính từ:


Như đã đề cập trước đó, tính từ có khả năng kết hợp phổ biến hơn so với động từ,
bởi tính từ kết hợp với các phó từ chỉ mức độ: hơi, rất, cực kỳ, vô cùng… Các từ này chỉ
mức độ khác nhau của đặc trưng với những sắc thái khác nhau trong quá trình phát ngôn
(khẳng định, so sánh, nhấn mạnh) do đó chúng được dùng như những yếu tố tình thái
với logic là: mức độ đặc trưng được đánh giá theo đặc trưng của người nói- nghĩa là
trong phát ngôn có mối quan hệ giữa người nói và thực tại và đương nhiên mục đích
phát ngôn được xác định.
VD: Qúa xấu, hơi mệt, rất đẹp, vô cùng giàu, cực kỳ phong phú…
Nhìn chung, phần lớn tính từ đều kết hợp được với từ chỉ mức độ. Nhưng có
những tính từ ghép, mà tự thân nó đã chứa yếu tố mức độ cao tuyệt đối như: vô tận, già
cằn, đỏ lòm, trắng nhách…và những tính từ biểu thị đặc trưng bản chất của sự vật như:
đực, cái, trống, mái…không cần cũng không thể kết hợp với bất kỳ từ tình thái chỉ mức
độ nào.
Trong khi đó, với những tính từ ghép mà bản thân đã chứa đựng chỉ mức
độ: se sẻ, xa xa, hiu hiu…kết hợp được những từ tình thái chỉ mức độ thấp như: hơi, hơi
hơi…
Tuy nhiên, tính từ còn kết hợp với thành tố phụ là thực từ (phổ biến là danh
từ):

+ Kiểu tổ hợp “tính từ ” + “danh từ”
VD: Mát tay, to gan, vui tính, xấu bụng…
+ Kiểu tổ hợp “danh từ” + “quan hệ từ” làm bổ ngữ cho tính từ.
VD:

“Xấu tre uốn chẳng nên cần
Xấu mai anh chẳng đặng gần với em”
(Ca dao)

3. Phân loại
Phân loại từ ngữ thành từ loại là sự phân loại đặc biệt quan trọng về mặt cấu tạo
câu. Trong những ngôn ngữ khác nhau, từ loại không phải hoàn toàn giống nhau.
Trong tiếng Việt, từ loại được phân thành hai loại: thực từ và hư từ. Trong đó, thực từ
gồm có: danh từ, động từ, tính từ và số từ. Sự phân chia này có ích nhưng chưa đạt tới
hiệu lực nhất định vì nó còn nhiều từ loại lớn, rộng về nghĩa và quá chung chung về
đặc điểm ngữ pháp.


Tương tự, việc phân loại tính từ ít phức tạp hơn so với danh từ và động từ.
Nhưng do tiêu chuẩn được vận dụng để phân loại chưa đủ sức bao quát, nên ranh giới
giữa các lớp con trong tính từ khó xác định được rõ ràng dứt khoát.
Dựa vào ý nghĩa và khả năng kết hợp của tính từ mà ta có thể phân chia
tính từ thành hai lớp:
- Lớp tính từ chỉ đặc trưng không được đánh giá theo thang độ
- Lớp tính từ chỉ đặc trưng được đánh giá theo thang độ
3.1. Tính từ chỉ đặc trưng không được đánh giá theo thang độ
Những tính từ này có đặc điểm là xác định tính chất của sự vật nêu ở chủ
thể, không phân biệt tính chất bên trong hoặc bên ngoài của sự vật.
Các tính từ đó có thể kết hợp với các phó từ chỉ mức độ: hơi, rất, lắm…
Hoặc chúng có thể tạo nên cấu trúc so sánh:

VD:
+ Đen như cột nhà cháy.
+ Thấp như vịt đội nón.
- Lớp từ chỉ đặc trưng về màu sắc: xanh, đỏ, vàng, tím, đen, trắng…
- Lớp từ đặc trưng mùi vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng, thơm, hôi…
- Lớp từ đặc trưng thuộc tính vật lý: cứng, mềm, dẻo, rắn, giòn, chắc…
- Lớp từ đặc trưng của âm thanh: ồn ào, im lìm, yên lặng…
- Lớp từ đặc trưng về trạng thái tâm lý: vui vẻ, buồn, chán, hạnh phúc, láu táu…
- Lớp từ đặc trưng về phẩm chất: hiền, đẹp, xấu, thông minh…
- Lớp từ đặc trưng về nhiệt độ: nóng, lạnh, ấm…
- Lớp từ đặc trưng về lượng: to, nhỏ, nặng,nhẹ, ít, nhiều, dài, ngắn, cao, thấp…
-Lớp từ đặc trưng về hình thể: thẳng, ngay,vuông, gầy, béo, tròn…
VD: Rõ ràng là biển xứ người trông thơ mộng, sạch sẽ với bãi cát trắng
hoặc vàng, nước biển xanh đậm không như phía vịnh Xiêm La toàn là phù sa màu vàng
sậm, màu nâu.
(Sơn Nam )
* Chú ý:
- Lớp từ này thường tạo cặp đối lập về nghĩa: buồn/ vui, mạnh/ yếu, đẹp/ xấu.
giàu/ nghèo…


- Lớp từ này xác định tính chất của sự vật nêu ở chủ thể, không phân biệt tính chất
bên ngoài hoặc bên trong của sự vật. ( Vì thế, ta có thể nói: Một câu đối đẹp, một ánh mắt
dịu dàng…)
3.2. Tính từ chỉ đặc trưng được đánh giá theo thang độ
Đây là những tính từ có đặc điểm là bản thân chúng đã hàm chứa ý nghĩa mức độ về đặc
trưng, tính chất (thường là ở mức tuyệt đối). Tính chất hoặc đặc trưng ấy không đặt vào
thế đối lập so sánh.
Vì tự thân chỉ tính chất sự vật nên chúng đã có ý nghĩa chỉ mức độ, do đó chúng không
kết hợp với các phụ từ chỉ mức độ. Nếu có trường hợp sử dụng từ “rất” đi kèm như “rất

riêng” thì chỉ có tác dụng biểu thái, nhấn mạnh thêm, mang sắc thái phong cách học ngữ
pháp chứ không nhằm đánh giá theo thang độ, không có tác dụng so sánh.
Tiểu loại này gồm:
- Lớp từ chỉ đặc trưng về màu sắc: xanh lè, đỏ ké, vàng hực, tím sậm, đen thui,
trắng nõn…
- Lớp từ đặc trưng mùi vị: chua lè, mặn chát, ngọt ngây, đắng ngét, thơm phức,
thúi hoắt…
- Lớp từ đặc trưng thuộc tính vật lý: cứng ngắt, mềm nhũng, dẻo nhẹo, dai nhách…
- Lớp từ đặc trưng của âm thanh: văng vẳng, eo sèo, se sẻ…
- Lớp từ đặc trưng về phẩm chất: buồn thiu, hiền khô…
- Lớp từ đặc trưng về nhiệt độ: nóng hổi, lạnh ngắt, ấm hĩm…
- Lớp từ đặc trưng về lượng: to đùng, nhỏ xíu, nặng trịch, nhẹ hìu, ít xịt, dài
ngoằn, cao nhòng, thấp nhũng…
- Lớp từ đặc trưng về hình thể: thẳng đuộc, vuông vức, ốm nhom, mập lù, tròn
vo…
VD: “Hai bắp tay trần trắng tươi của chị bị sợi dây rút ngược, tréo ngoặt…Đây là
đôi tay đẹp đẽ và mát rượi.”
(Anh Đức)
Những yếu tố như: au, toét, hoe, lét, phức đã hàm chứa tính chất, đặc trưng được
xác định mức độ tuyệt đối.
II. Tính từ chỉ màu sắc
1. Khái niệm:


Tính từ chỉ màu sắc là những thực từ biểu thị tính chất, đặc trưng về màu sắc của
sự vật, thực thể. [36,140]
2. Đặc điểm:
Tính từ chỉ màu sắc có những đặc điểm ngữ pháp giống như từ loại tính từ. Cụ thể
như sau:
- Chức năng cú pháp:

+ Làm định ngữ
VD: Bé từ từ đứng dậy, đôi môi đỏ thắm hé nụ cười.
(Sơn Nam )
+ Làm vị ngữ
VD : Mây trôi từng đợt, đỏ bầm.
(Sơn Nam )
+ Làm trung tâm của ngữ tính từ
VD : Con mèo đen thui ghê quá.
(Sơn Nam )
+ Tính từ chỉ màu sắc không kết hợp với động từ vì vậy chúng
không có chức năng bổ ngữ.
- Khả năng kết hợp:
Tính từ chỉ màu sắc mang đầy đủ đặc điểm về khả năng kết hợp của tính từ. (Đã
nêu trước đó)
Tính từ chỉ màu sắc không phân thành cặp đối lập.

3. Phân loại
Từ ý nghĩa và khả năng kết hợp, ta có thể chia tính từ chỉ màu sắc thành hai loại:
3.1. Tính từ chỉ màu sắc không được đánh giá theo thang độ
Lớp từ này gồm các tính từ: đen, đỏ, xanh, trắng, vàng, tím, hồng, xám, nâu…
Các từ này có khả năng kết hợp với các từ chỉ mức độ: hơi, quá, rất, lắm…
Ngoài ra, lớp từ này còn kết hợp với danh từ và những từ so sánh: như, hơn để tạo
thành cấu trúc so sánh.
VD:

Đen như nhọ nồi.
Trắng như tuyết.

3.2. Tính từ chỉ màu sắc được đánh giá theo thang độ



Đây là lớp từ chỉ đặc trưng về màu sắc của sự vật, thực thể mà bản thân chúng đã
hàm chứa ý nghĩa chỉ mức độ về đặc trưng.
Lớp từ này gồm:
- Đen thui, đen thít, đen tối, đen kịt, đen ngòm, đen đen, đen mốc, đen mun,
đen đúa, đen tuyền…
- Trắng mịn, trắng trẻo, trắng tươi, trắng toát, trắng phiếu, trắng mốc,
trắng bệch, trắng tinh, trắng xóa, trắng đục, trắng ngà…
- Xanh lè, xanh biếc, xanh tươi, xanh ngắt, xanh lá cây, xanh nước biển,
xanh da trời, xanh um, xanh đậm, xanh mờ, xanh mướt, xanh đậm, xanh dợt…
- Vàng khè, vàng lườm, vàng hực, vàng hoe, vàng tươi, vàng ố, vàng rực,
vàng úa, vàng sậm…
- Đỏ tươi, đỏ hói, đỏ lòm, đỏ đỏ, đỏ chói, đỏ chót, đỏ au, đỏ rực, đỏ ké, đỏ
ngầu, đỏ sậm…
- Tím ngắt, tím dợt, tím sậm, tím đậm…
- Hồng dợt, hồng sậm…
- Nâu sậm, nâu nâu…
- Xám xịt, xám tro, xam xám, xám trắng…
Tuy nhiên, khác với trường hợp lặp lại ở dạng láy thông thường, sự lặp lại những
âm tiết sau ở những tính từ này có tác dụng làm tăng tính chất, mức độ sự vật, sự việc,
hiện tượng được đề cập.
VD : tím ngăn ngắt, đỏ lòm lom, trắng tinh khiết…
Lớp từ này không có khả năng kết hợp với phụ từ chỉ mức độ.
- Giá trị của lớp từ này:
Ngoài việc chỉ ra đặc trưng của sự vật, hiện tượng mà dường như mỗi từ còn gắn
với một loại nhất định, có tác dụng tạo hình ảnh, biểu cảm và bộc lộ thái độ, cách đánh giá
của người nói. Do đó, chúng vừa có tác dụng miêu tả, vừa có giá trị thẩm mĩ.
VD: Lúa chín vàng lườm (+)
Lúa chín vàng úa (-)


CHƯƠNG II: TÍNH TỪ CHỈ MÀU SẮC TRONG MỘT SỐ
TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN SƠN NAM


I. Đôi nét về nhà văn Sơn Nam
1. Cuộc đời
Sơn Nam là nhà văn, nhà báo Việt Nam. Sơn Nam (11/12/1926 –
13/8/2008), tên thật là Phạm Minh Tài. Nguyên quán làng Đông Thái, huyện An Biên,
tỉnh Rạch Giá, nay là tỉnh Kiên Giang. Thuở nhỏ học tiểu học ở quê, học trung học ở Cần
Thơ. Sơn Nam tham gia cách mạng từ 1945, cùng nhân dân cướp chính quyền ở địa
phương. Lần lượt được cử làm Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên cứu quốc, Tỉnh ủy viên
Tỉnh ủy Rạch Giá, sau chuyển qua công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, về Phòng
Chính trị quân khu IX. Năm 1950, Sơn Nam được chuyển về Phòng Văn nghệ thuộc Ban
Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Chính những năm chống pháp đã giúp ông có điều kiện đi
và sống, tìm hiểu kĩ về thiên nhiên, lịch sử con người của đồng bằng sông Cửu Long, đặc
biệt là vùng Cà Mau- mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Ông viết nhiều trên báo Tiếng súng
kháng địch và tạp chí văn nghệ Lá lúa.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, cùng với các nhà văn khác như Lý
Văn Sâm, Dương Tử Giang, Lê Vĩnh Hòa…ông được phân công ở lại Sài Gòn, tiếp tục
hoạt động trên lĩnh vực báo chí và văn chương. Ông viết cho các báo Công lý, Ánh sáng,
Tiếng chuông, Lẽ sống…Đặc biệt trên tuần báo Nhân loại- một tờ báo tập hợp nhiều cây
bút yêu nước cách mạng, được sự chỉ đạo của Thành ủy Sài Gòn- gần như số nào cũng có
bài của Sơn Nam. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm (1901- 1963) công bố luật 10/59,
tăng cường khủng bố phong trào đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, thống nhất
đất nước, cũng như nhiều văn nghệ sĩ cách mạng khác, Sơn Nam bị bắt và bị giam ở nhà
tù Phú Lợi gần 2 năm (1960- 1961). Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn ở Sài Gòn, và
rộng ra về Nam Bộ và được coi là một nhà Nam Bộ học có uy tín.
2. Sự nghiệp sáng tác
Các tác phẩm chính của Sơn Nam:
- Nói về miền Nam (1967)

- Thiên địa hội và các cuộc Minh Tân (1971)
- Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1973)
- Tìm hiểu đất Hậu Giang (1974)
- Gia Định xưa (1984)
- Nguyễn Trung Trực ( viết chung với Lê Đình Kỵ, năm 1987)
- Lịch sử An Giang (1988)


- Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội dân gian (1990)
- Đình miếu và lễ hội dân gian (1992)
- Văn minh miệt vườn (1992)
- Bến Nghé xưa (1992)
- Đồng bằng sông Cửu Long- Nét sinh hoạt xưa (1993)
- Biển cỏ miền Tây (1993)
- Người Sài Gòn (1994)
Tất cả khoảng 30 cuốn. Những điều ông viết một phần dựa vào sự tra cứu sách vở,
nhưng chủ yếu do điều tra, tìm hiểu tại chỗ, do đó khá sinh động, hấp dẫn.
Về lĩnh vực sáng tác, ông viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Những tiểu thuyết chính:
-Chim quyên xuống đất (1963)
- Vọc nước giỡn trăng (1965)
- Hai cõi U Minh (1965)
- Ngôi nhà mặt tiền (1992)
- Âm dương cách trở (1993)
Ở thể loại này, Sơn Nam không tạo tiếng vang đáng kể.
Ngược lại, ông là cây bút truyện ngắn xuất sắc. Giai đoạn sáng tác truyện ngắn
sung sức nhất của Sơn Nam là mấy năm 1955- 1959, được đăng trên các báo thời ấy ở
Sài Gòn, nhiều nhất là trên tờ Nhân loại .
Năm 1962, tác giả tập hợp 18 truyện, in thanh tập Hương rừng Cà Mau (Nxb. Phù
Sa).
Năm 2001, ngoài việc tái bản ( được ghi là Hương rừng Cà Mau – tập 1), Nxb.

Trẻ (Tp. Hồ Chí Minh) tuyển lựa, in thêm Hương rừng Cà Mau- tập 2 (26 truyện) và
Hương rừng Cà Mau- tập 3 (21 truyện).
- Hai tác phẩm đạt giải thưởng Văn nghệ Cửu Long của Uỷ ban kháng chiến
hành chính Nam Bộ:
+Truyện ngắn Bên rừng cù lao Dung (1951-1952)
+ Ký sự Tây đầu đỏ (1953-1954). [41,1565]

II. Tính từ chỉ màu sắc trong một số tác phẩm của nhà văn Sơn Nam
1. Thống kê tính từ chỉ màu sắc trong một số tác phẩm của nhà văn Sơn Nam


( xem bảng phụ lục)
2. Phân loại tính từ chỉ màu sắc trong một số tác phẩm của nhà văn Sơn Nam
Trong 19 tác phẩm (biên khảo, hồi ký, tiểu thuyết, truyện ngắn, tập truyện, bút ký)
nhà văn Sơn Nam đã sử dụng tính từ chỉ màu sắc 830 lần. Cụ thể như sau:

STT

Tính từ

Không được đánh giá theo thang độ

màu sắc Số lần sử dụng

Tỉ lệ (%)

Được đánh giá theo thang độ
Số lần sử dụng

Tỉ lệ (%)


1

Trắng

150

18.1

31

3.7

2

Đen

137

16.5

77

9.3

3

Xanh

92


11.1

72

8.7

4

Đỏ

85

10.2

46

5.5

5

Vàng

73

8.8

41

4.9


6

Tím

13

1.6

6

0.7

7

Hồng

4

0.5

1

0.1

8

Xám

1


0.1

0

0

9

Nâu

0

0

1

0.1

Tổng

557

67.0

273

33.0

Từ bảng phân loại trên đây, ta nhận thấy:

Sơn Nam đã vận dụng các màu sắc từ cơ bản đến phức tạp trong các tác phẩm của
mình.
Nhà văn Sơn Nam đã sử dụng tính từ chỉ màu sắc không được xác định theo
thang độ sử dụng nhiều hơn tính từ chỉ màu sắc được xác định theo thang độ.
Đối với các tính từ chỉ màu sắc như: trắng, đen, xanh, đỏ, vàng được nhà văn sử
dụng nhiều trong các tác phẩm. Trường hợp các tính từ như : hồng, tím, xám thì tỉ lệ được
dùng rất thấp.
3. Miêu tả tính từ chỉ màu sắc trong một số tác phẩm của nhà văn Sơn Nam
Sơn Nam là nhà văn được sinh ra và lớn lên ở Kiên Giang, cả cuộc đời ông
luôn đi tìm, “bốc mộ” lại những giá trị văn hóa cũng như tinh thần của ĐẤT và NGƯỜI
vùng đất Nam Bộ. Từng vùng đất ông đặt chân đến còn phảng phất mùi bùn ở xứ sở này,


cái xứ nước mặn, đồng chua, nơi mà nghe qua đã nghe rờn rợn nỗi buồn của người đi
khai hoang mở cõi một thời. Trải lòng trên trang văn của Sơn Nam, ắt hẳn nhiều độc giả
ngỡ như mình đang được sống lại ngay thời khắc ấy, được chứng kiến bối cảnh sự kiện
qua những triền đất của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được nêm, nếm những món
ăn bình dị đồng quê, để mà nhớ nhớ, thương thương cho một thời dĩ vãng đã xa. Từ
trang văn đến cuộc đời. Đó là nội dung mà nhà văn Sơn Nam muốn chuyển tải đến người
đọc. Đọc văn ông, ta cảm nhận thiên nhiên và con người hiện lên thật đẹp, thật sinh động
và rất cụ thể. Như một nốt trầm trong bản hòa nhạc, lớp tính từ chỉ màu sắc đã góp phần
tạo nên giá trị thành công trong sáng tác của nhà văn là rất lớn. Trong lớp từ này, Sơn
Nam đã vận dụng rất linh hoạt và sáng tạo vào từng ngữ cảnh, do đó đã làm bật lên không
những giá trị miêu tả mà còn giá trị thẩm mỹ về đối tượng được đề cập đến.
Tính từ chỉ màu sắc trong tác phẩm của Sơn Nam ngoài việc miêu tả cảnh
vật thiên nhiên, ngoại hình các nhân vật thì chúng còn phản ánh tâm lí, tính cách của con
người. Để hiểu rõ hơn về giá trị lớp từ vừa nêu, ta sẽ tìm hiểu từng phần cụ thể ở từng
tiểu loại của lớp từ này thông qua một số tác phẩm của nhà văn Sơn Nam.
3.1. Tính từ chỉ màu sắc không được đánh giá theo thang độ
3.1.1. Màu trắng

“Màu trắng thuộc loại màu sáng, phân biệt với những cái cùng loại mà
sẫm màu hoặc có màu khác”[41,1027]. Và là một trong tốp ba “màu vô sắc”[10,12] sau
màu đen và màu xám.
Theo quan niệm của phương Tây, màu trắng thể hiện sự trinh trắng, tinh
khiết, với sắc thái ý nghĩa là đẹp, nhưng người phương Đông lại cho rằng đó là màu tang
tóc, chia ly, đau buồn. Màu trắng góp phần thành công không nhỏ trong các tác phẩm của
Sơn Nam ở nhiều tầng ý nghĩa biểu đạt.
Đây là màu được nhà văn sử dụng nhiều nhất trong các tác phẩm của ông ở
lớp tính từ chỉ màu sắc không xác định thang độ, song đến lớp tính từ chỉ màu sắc xác
định theo thang độ lại ít hơn các màu đen, xanh, đỏ, vàng. Màu trắng được sử dụng để
miêu tả trang phục, màu da, tóc, con mắt, răng, bàn tay… Miêu tả cách ăn vận của người
dân, tác giả đã điểm lên đôi nét. “Đi chân đất, áo bà ba trắng, quần đen”[22,95]. Đây là
màu được xem như điểm nhấn, quen thuộc đấy, bình dị đấy nhưng không thiếu phần
trang nhã, lịch sự của cậu học trò từ trường huyện lên tỉnh thành ăn học. Trông vào mới
thấy phong thái đầy vẻ thư sinh của Sơn Nam lúc bấy giờ.


Khi sử dụng màu trắng, ngoài việc miêu tả trang phục của nhân vật, nhà
văn còn vận dụng gam màu sáng này vào việc miêu tả sự vật, hiện tượng như cơm, cháo,
giấy, đĩa, cờ, bức ảnh, pho tượng, bông, rượu, cát, tàu, lau sậy… Bức tranh thiên nhiên
lúc này trở nên dịu nhẹ và tinh khôi vô cùng. Trong tác phẩm của nhà văn, ta không quên
món ăn rất dân dã “cháo trắng”, được nói nhiều ở “Hồi ký Sơn Nam”. Dường như khi
tuổi đã cao, người ta thường nghiệm lại chuỗi ngày đau khổ đã qua để thấy sao mà lúc ấy
mình khổ đến như thế. Những năm cái đói, miếng ăn được xem là hiếm hoi, song nó
không làm giảm tình thân ái giữa những người bạn nghèo cùng chí hướng. “Về nhà anh
bạn, ăn chút cháo trắng với cá kho, tâm trí tôi như để ở đâu đâu ”[22,254]. Vì gắn bó
nhau trong cái khổ nên dù đã bao năm trôi qua nhà văn vẫn đinh ninh món ăn ấy còn ở
bên mình, nó như cái khổ chung của những học sinh nghèo sống xa nhà, nhưng đó là món
ngon, tinh túy nhất của thiên nhiên mang lại, không làm con người ta ngấy lên vì chất pha
tạp. Muốn quay lại để thưởng thức món ăn thiếu gạo ấy, tôi nghĩ đó cũng là cái thú hay.

Bên cạnh đó, màu trắng còn phản ánh công lí, sự thật, là đúng sai khi đi với
màu đen. “Vả lại quyền lực của giấy trắng mực đen dường như chỉ thu hẹp ở giới hạn
nào đó thôi…”[16,214]. Nhà văn cảm thương cho nhân vật Sĩ khi bị sa vào tay mật thám
Pháp- Nhật, cho nên anh không còn thể hiện cái tài của một thầy giáo nữa. Thầy bị nghi
làm có liên quan đến hoạt động kín thông qua những bài viết đăng trên báo chí. Từ đó, dù
hư thực ra sao đi nữa thì thầy vẫn bị cấm cửa. Sơn Nam như nghi ngờ quyền lực của giấy
trắng mực đen bởi khi vẫn sự thật ấy nhưng mấy ai hiểu đúng về nó. “Bút mực khó tả nên
lời, kể sao cho xiết”[16,214] là thế.
Màu trắng được nhà văn miêu tả cảnh sắc thiên nhiên như mây, bầu trời,
sương, hoa, hoa mai…Tuy vậy, màu sắc ấy còn thể hiện dòng chảy của thời gian đối với
con người, nhất là với tuổi già. Ta làm sao quên nỗi đau xót của bà Năm, dù sự thật về
mối quan hệ bất chính của dì Chín với ông phủ bà nắm rõ, chỉ là chút thoáng nghĩ bâng
quơ của Sĩ khi nghe lũ trẻ mách nước với nhau khi thấy hai người ấy cãi vả rồi dì Chín
khóc, dì đã khóc thực sự vì cái thai trong bụng ngày càng lớn nhưng ông phủ không
muốn nhận lãnh trách nhiệm ấy. Sĩ nghĩ nếu mai này bà Năm biết sự thật đó thì sao, anh
chỉ biết thốt lên “tội nghiệp bà, tóc bạc như thúng bông đội trắng trên đầu”[16,129]. Cái
khổ của người mẹ chồng mới đau đớn làm sao khi bản thân bà vẫn biết dì Chín vì lo cho
cái gia đình nghèo này nên mới chạy qua chạy lại nhà ông phủ…nên giờ mới ra nông nổi
này.


Từ trang văn của Sơn Nam, ta cảm nhận được sự gắn bó của nhà văn với
đời sống người dân. Dường như khi ta sống trong cái nôi văn hóa nào đó rồi thì tất tần tật
mọi sự vật quanh ta, nó luôn có linh hồn bất diệt. Từ suy nghĩ đáng quý đó, Sơn Nam đã
sử dụng gam màu trắng ngay cả việc miêu tả các con vật như ó, chó, vịt, cọp… Đó là các
con vật gần gũi, đến mức trung thành với con người. Nhưng điều đáng nói ở đây không
phải nhà văn miêu tả để ta biết rõ về sự hiện diện của chúng trong sáng tác của mình, mà
thông qua đó, Sơn Nam muốn gợi tả cảnh trí ở vùng sông nước. “Vài con vịt trắng lội
theo giề lục bình”[15,11]. Êm đềm làm sao cho cảnh vật bình yên. Nó như chút tĩnh lặng
của con người khi chiêm ngưỡng sự việc có thể bình thường vẫn gặp nhưng mấy ai để ý

đến…
Màu trắng trong các tác phẩm Sơn Nam là màu đẹp, thơ mộng và dịu nhẹ.
Song, đó còn là màu tượng trưng cho sự hy sinh trọn vẹn. “Họ mặc quần áo trắng để
tượng trưng cho sự trong trắng, sự hy sinh trọn vẹn”[16,244]. Hình ảnh và việc làm của
những chiến sĩ Nhật, khi họ gia nhập đội Thần Phong. Tuy là kẻ thù của dân tộc nhưng
Sơn Nam có ý muốn nói đến trách nhiệm và ý thức cao độ của những con người ra đi và
biết mình sẽ tử vì trận. Ở họ có cái đáng để chiến sĩ ta bắt chước lắm chứ. Bởi trong một
cuộc chiến, vũ khí không phải là câu trả lời chính để quyết định thắng lợi mà nó còn phụ
thuộc rất nhiều ở tinh thần quả cảm của người cầm khí giới.
Màu trắng còn nói lên tính sang cả của kẻ bề trên, của người ăn trắng mặc
trơn… Song, màu trắng trong tác phẩm Sơn Nam vẫn thể hiện được sự tôn kính, nghiêm
nghị. “Nữ sĩ này mượn cây mai trắng để nói lên lòng yêu nước”[25,220]. Bạch mai trở
thành vật linh thiêng trong tiềm thức của người Việt, nhất là với người nữ sĩ này. Nữ sĩ
muốn bày tỏ lòng yêu nước của mình thông qua hình sắc của bạch mai. Hoặc “Để tang
màu trắng, với nhà sư tụng kinh”[25,228] cũng là một sự kính trọng của mọi người đối
với người quá cố, nhất là người theo đạo Phật.
Nhắc tới màu trắng, ta không quên khói trắng đã được nhà văn đề cập ở tác
phẩm của mình. Đây là hình ảnh quen thuộc. Nó gợi ta nhớ về vùng quê bình yên, về gia
đình ấm áp. Nếu khói trắng thường gợi người ta nhớ đến buổi cơm chiều trong tác phẩm
Lê Vĩnh Hòa thì với Sơn Nam, đó lại là hình ảnh gợi ta nhớ việc lấy ong mật ở xứ U
Minh. “Lúc bắt ổ có thấy gì đâu, chỉ thấy khói trắng, ong kêu điếc tai”[28,11]. Nói đến
nghề ăn ong là cả một nghệ thuật nguy hiểm, nhưng đã sống vì nghề ấy thì việc mạo hiểm
trèo cây cao, làm kèo gác và nhất là phải đối diện với con đàn cháu đống của chúng mới


thực sự là cả vấn đề. Người lấy mật ong phải bịt kín người mình trong chiếc bao bố, chỉ
khoét hai lỗ nhỏ ở phía hai con mắt mà thôi, vì thế nên không nhìn rõ những diễn biến
xung quanh mình khi tới tổ ong, thêm khói trắng đang tạo lớp sương mù để tránh sự tấn
công thô bạo và đánh hội đồng của lũ ong nên người lấy ong chỉ nghe vo ve bên tai là
thế.

Đây màu sắc đầu tiên khi đi tìm hiểu tính từ chỉ màu sắc trong tác phẩm của Sơn
Nam nhưng qua đó, ta cũng nhận ra được tầm quan trọng của lớp tính từ này đối với các
sáng tác của nhà văn, không những thể hiện nội dung tư tưởng mà còn biểu hiện tình cảm
sâu sắc và chân thành của Sơn Nam. Như điểm khởi đầu đầy thú vị, cho nên các màu sắc
phía sau, dù mỗi màu sắc là mỗi lớp sơn nhưng nó càng đậm sắc thái ý nghĩa hơn, sinh
động và phong phú hơn khi đã được nhà văn sử dụng linh hoạt và sáng tạo.
3.1.2. Màu đen
Đây là màu được dùng nhiều đứng thứ hai so với tính từ chỉ màu trắng ở tác
phẩm Sơn Nam. Nếu ở lớp tính từ chỉ màu sắc không đánh giá theo thang độ thì ở lớp
tính từ chỉ màu sắc được xác định theo thang độ nó lại đứng vị trí thứ nhất. Nhìn chung,
cả hai lớp tính từ ấy, màu đen giữ vai trò gần như chủ đạo trong việc miêu tả sự vật, hiện
tượng trong tác phẩm của nhà văn Nam Bộ này.
Màu đen là gam màu tối. Đó cũng là một trong ba “màu vô sắc”[10,12]. Theo
quan niệm phương Tây, đó là màu tang tóc, đau thương, và không tốt đẹp. Còn ở phương
Đông, màu đen như dự báo trước điềm xấu, hoặc khi miêu tả cảnh vật bầu trời, đất và
nhất là trang phục của người nông dân lại thể hiện sự vất vả, cơ cực một nắng hai sương
với cuộc sống ruộng đồng. “Người bán ở chợ nhà quê luôn tươi cười, sạch sẽ, áo trắng,
quần đen, dầu đội khăn bàn trắng”[22,33]. Đó là sự mộc mạc, chân chất và giản dị của
người dân Nam Bộ. Nhất là chiếc áo bà ba đen, trong tác phảm được nhà văn nhắc nhiều
lần. “Bộ quần áo bà ba đen không làm nàng kém đẹp”[23,11]. Trong sáng tác của mình,
Sơn Nam đã nhắc cho ta nhớ sự xuất hiện và phát triển của “áo bà ba đen” vào cuối thế
kỷ XIX. Đó không phải là màu sắc rực rỡ của xanh, đỏ, hồng, lam, tím mà là màu bình dị
nhất, giống như tâm hồn chân chất được tụ lại ở người dân xứ sở này. Tuy nhiên, bọn
lính đã lợi dụng trang phục thường nhật của người dân để trà trộn vào đội ngũ cán bộ
cách mạng hay vào đời sống nhân dân để hòng moi tin tức có lợi cho chúng. “Lại bảo
rằng có vài đứa Việt gian xuất hiện, điềm chỉ, chúng mặc quần áo đen, cổ quấn khăn
trắng để dễ nhận ra nhau”[22,181]. Mưu mô, xảo quyệt làm sao! Dù chúng có ngụy


trang đến đâu đi nữa thì bộ mặt gian ác cộng thêm tâm địa xấu xa vẫn không qua mặt

được nhân dân ta trước tinh thần cảnh giác bọn mật thám cao độ. Qua đó, nhà văn muốn
đề cao lòng yêu nước và ý thức chống giặc của người dân. Tuy nhiên, Sơn Nam còn đề
cập đến trang phục dành cho các chức sự khi có việc trọng đại như: hầu quan tỉnh, thắp
nhang ở các nơi thờ thần thánh và đó còn là bộ lễ phục của các đạo tỳ. Tất cả loại trang
phục ấy đều là màu đen. Như vậy, màu đen vừa thể hiện sự tôn nghiêm song nó cũng là
niềm đau xót, tiếc thương đối với người đã khuất.
Màu đen trong tác phẩm Sơn Nam đã thể hiện sinh động, đa dạng cũng như chức
năng ý nghĩa cụ thể trong mỗi sự vật, đối tượng, tiêu biểu là miêu tả nét đẹp truyền thống
như nhuộm răng, nhuộm vải… “Cô gái miền quê ngày nay đã lần hồi cũng không còn giữ
răng đen, lại lần hồi đi giày cao gót, đeo đủ loại bông tai “tòn ten” ”[22,221]. Nét đẹp
ngày nào đã lùi xa, nhường chỗ cho vẻ đẹp tân thời đang thịnh hành, nhưng giá trị truyền
thống được gợi lại để nhà văn cũng như độc giả nuối tiếc về một thời quá khứ đã xa rồi.
Như muốn thể hiện tính cách của cá nhân, không phải bằng hành động mà trang phục
cũng ngỏ lời hộ cho điều ấy. “Họ gìn giữ tiết tháo, sống tự túc, giữ đầu tóc, áo dài đen cổ
truyền”[18,47]. Nét đẹp truyền thống không phải là cái cao xa, nó rất gần gũi với đời
sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, giữ văn hóa, giữ truyền thống là giữ những gì
đơn sơ, bình thường nhất nhưng giá trị ấy không tầm thường chút nào.
Trong tác phẩm “Xóm Bàu Láng”, ta nhận thấy màu đen được nhắc đi nhắc lại
rất nhiều. Màu đen ấy gắn liền với trang phục của chúa Đảng Khăn Đen tốt bụng. “Bọn
thanh niên không lầm lẫn khi thấy một bóng đen, giống hệt người nằm trong quan tài
xuất hiện ngoài đường”[29,51].Trong tác phẩm, bóng đen xuất hiện nhiều lần, vừa giới
thiệu sự xuất hiện bí hiểm của ông, vừa nói cái tài ẩn hiện bất thường khi sau này ông ra
tay giúp đỡ Mến ở bất kì trường hợp nào.
Sơn Nam còn dùng màu đen để miêu tả con người với màu da. Qua đó, thể hiện
tính cách người dân vùng đất Nam Bộ: mộc mạc, giản dị, lam lũ và chịu thương chịu khó.
Ta làm sao quên “làn da ngăm đen vì nước mặn, nước phèn”[15,303] của Thiện, một
nông dân chính thống quanh năm sống nơi đồng sâu ruộng cạn. Cuộc sống vất vả qua bao
ngày đã tụ lại thành màu da trên cơ thể anh. Nhìn con trai mình trong bộ dạng như thế,
lòng người cha cũng đau xót vô cùng, vì ông đã từng nghĩ đến số phận của các con mình:
Dũng thì khỏi phải bàn vì anh sống rất phóng khoáng, còn Thiện luôn đeo đuổi những ý

tưởng không với tới bằng năng lực hiện có, dù vậy ông vẫn dành tình thương ưu ái nhất


×