Tải bản đầy đủ (.pdf) (115 trang)

Tìm hiểu tính từ chỉ màu sắc trong truyện ngắn của thạch lam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (998.34 KB, 115 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN


NGUYỄN KIÊN NHẨN

Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn
Niên khóa: 2007 – 2011


Cán bộ hướng dẫn: GV. NGUYỄN VĂN TƯ

Cần Thơ, năm 2011


A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Từ loại là một trong những lĩnh vực của ngữ pháp học nói chung và ngữ pháp tiếng
Việt nói riêng. Riêng đối với tiếng Việt của chúng ta thì từ loại càng có nhiều điều cần
chú ý. Thật vậy, mỗi ngôn ngữ điều có một vốn từ vựng riêng rất lớn và phức tạp. Do
khối lượng, tính chất, chức năng của mỗi vốn từ rất đa dạng, nó khiến cho những ai quan
tâm đến, nghiên cứu về nó điều phải tiến hành phân loại từ theo mục đích riêng và khác
nhau của mỗi người. Cũng do nhiều mục đích khác nhau này của các nhà ngôn ngữ học
mà việc phân định từ loại cho đến ngày nay vẫn chưa có sự thống nhất nhất định. Và ngày
nay đề tài này vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều người không chỉ đối với các nhà
Việt ngữ mà còn đối với những người quan tâm đến sự phong phú, giàu đẹp đến kì lạ của
tiếng Việt.
Được học văn và tìm hiểu về văn chương nên chúng tôi càng yêu mến tiếng Việt


hơn. Nó có một sức hút mạnh mẽ, nó còn có thể giúp chúng ta cảm nghiệm được mọi sắc
thái phức tạp của cuộc sống, trong đó có đóng góp không nhỏ của lớp tính từ chỉ màu sắc.
Ai đã từng ngắm nước biển Cô Tô chắc hẳn sẽ ấn tượng với cách mà Nguyễn Tuân dùng
ngôn từ để miêu tả sự huyền diệu của màu xanh nước biển: “Nước biển Cô Tô sao chiều
nay nó xanh quá quắt vậy? (…) Cái màu xanh luôn luôn biến đổi của nước bể chiều nay
trên mặt Cô Tô như là thử thách cái vốn vị của mỗi đứa chúng tôi như đang nổi gió trong
lòng. Biển xanh như là gì nhỉ? Xanh như lá chuối non? Xanh như lá chuối già? Xanh như
mùa thu ngả cốm làng vòng? Nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh
khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết Thanh Minh? Đúng một phần thôi.
Bởi vì con sóng vừa dội lên kia đã gia giảm thêm một chút gì, đã pha biến sang màu khác.
Thế thì nước biển xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư Mã nge đàn tì bà trên
sông Giang Châu thì có đúng không? (…) Sóng cứ kế tiếp cái xanh muôn vẻ mới, và nắng
chiều luôn luôn thay mầu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào tuôn ra kịp với nhịp sóng”


[12;45]. Hay cũng chính nhờ vào lớp tính từ chỉ màu sắc này mà chúng ta mới có thể cảm
nhận hết được nỗi đau u uất, đầy thâm trầm của Nguyễn Khuyến:

“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”
(Thu ẩm – Nguyễn Khuyến)

Chúng ta không thể thay thế từ “đỏ hoe” bằng một từ có cùng trường nghĩa, vì như
thế sẽ làm thay đổi sắc thái biểu cảm của bài thơ. Những từ cùng nghĩa khác sẽ không gợi
lên được màu của đôi mắt đang khóc như màu “đỏ hoe”. Cái màu đỏ này đã thể hiện được
nỗi đau đời, sự xót xa của một người luôn cảm thấy mình bất lực trước thực tại. Và đó
chính là thế mạnh của lớp tính từ chỉ màu sắc đem lại cho ngôn ngữ tiếng Việt của chúng
ta. Chính vì thế mà chúng tôi đã chọn đề tài này làm đề tài nghiên cứu cho luận văn cuối
khóa, mà cụ thể là đề tài: “Tìm hiểu tính từ chỉ màu sắc trong truyện ngắn của Thạch
Lam”.


2. Lịch sử vấn đề
Tính từ là từ loại rất quan trọng trong hệ thống từ loại tiếng Việt của chúng ta. Và từ
trước đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của những nhà Việt ngữ về đề tài
này.
Các nhà Đông phương học cho rằng tính từ trong các ngôn ngữ đơn lập có khuynh
hướng gần với động từ về phương diện đặc điểm cú pháp về khả năng kết hợp và chức
năng thành phần câu.
Người đầu tiên mà chúng ta cần nhắc đến đó là Đào Thản, ông là một trong những
người có nhiều đóng góp trong việc xác lập hệ thống tính từ mà cụ thể là hệ thống lớp từ
chỉ màu sắc. Trong bài viết “Hệ thống từ chỉ màu sắc của tiếng Việt trong sự liên hệ với
mấy điều phổ quát” [15;11], ông đã đưa ra một số kết luận trong tiếng Việt. Trong đó ông
đưa ra bảy màu cơ bản trong tiếng Việt và các màu phụ bổ sung cho nó.
Ngoài ra còn phải kể đến bài viết của Nguyễn Xuân Bình “Về các màu sắc trong thơ
ca” [4;237]. Tác giả đi vào phân tích màu xanh trong giai đoạn thơ ca Việt Nam 1945 –
1975 để thấy rõ “mỗi giai đoạn thơ lại có sự biểu trưng riêng về màu sắc” [4;238].


Trong “Ngôn ngữ màu sắc và màu sắc ngôn ngữ thơ của Nguyễn Khuyến” [6;16].
Biện Minh Điền đã đi vào thống kê, miêu tả từ chỉ màu sắc trong thơ của Nguyễn
Khuyến. Qua đó, người đọc thấy được cảm quan màu sắc và tâm hồn của nhà nho yêu
nước, thấy được khát vọng thẩm mỹ của Nguyễn Khuyến thông qua cách dùng từ chỉ màu
của ông.
Vấn đề màu sắc trong tiếng Việt là vấn đề hết sức phức tạp nhưng cũng đầy thú vị.
Công việc nghiên cứu về thành ngữ được tìm hiểu trong bài viết của Trịnh Thu Hiền về
“Các thành ngữ tiếng Việt có yếu tố cấu tạo là từ chỉ màu sắc” [8;384], tác giả đã khảo
sát các thành ngữ “với mong muốn có thể đưa ra một số suy nghĩ ban đầu về giá trị, cấu
trúc hình thái và cấu trúc ngữ nghĩa của loại thành ngữ này” [8;384].
Nói tiếp công trình nghiên cứu về màu sắc trong tiếng Việt, trong “Màu xanh trong
thơ Tố Hữu” [19;577], Nguyễn Thị Bích Thủy cũng đã đi vào những biểu hiện cảm xúc

của Tố Hữu qua cách dùng màu xanh. “Chính cái màu xanh mang sức sống Việt Nam là
cái bất biến thể để có thể lấy nó quy về những cái biến thể trong các màu xanh của thơ Tố
Hữu” [19;578].
Trong bài viết “Lớp từ vựng chỉ màu xanh trong tiếng Anh và tiếng Việt” của Lê Thị
Vy trên Ngữ học trẻ 2006. Tác giả đã so sánh màu xanh trong cách hiểu tiếng Việt và
tiếng Anh thông qua một vài nhận định: “Người Việt hoàn toàn có thể thấy màu xanh của
da trời và nước khác hẳn màu xanh của cây cối, màu xanh của nước một phần là do sự
phản chiếu của bầu trời, rong tảo. Và không cần phải nói rõ xanh da trời hay xanh lá
cây, chúng ta vẫn nhận ra sự khác biệt của chúng trong ngữ cảnh cụ thể”. Nhưng trong
tiếng Anh thì màu xanh “blue” được định nghĩa là màu xanh của trời quang mây hoặc của
mặt biển trong một ngày nắng. Màu xanh “green” là màu nằm giữa màu xanh da trời và
màu vàng trong dãy quang phổ, là màu của cỏ, của lá, của hầu hết các cây cối.
Trong tiếng Việt chúng ta thì Lê Văn Lý đã xếp tính từ bên cạnh động từ, đối lập với
danh từ nhờ vào khả năng kết hợp. Tính từ trong tiếng Việt không có một hình thái cấu
tạo riêng mặc dù ý nghĩa ngữ pháp chỉ đặc trưng cũng được hình thành đúng như các
ngôn ngữ khác. Sự khác nhau cơ bản này là ở chỗ ý nghĩa tính từ được biểu đạt bằng
phương tiện cú pháp, khả năng kết hợp và chức năng thành phần câu.


Đinh Văn Đức trong “Ngữ pháp tiếng Việt” đã khẳng định: tính từ là từ loại quan
trọng trong thực từ tiếng Việt, sau danh từ và động từ. Công trình nghiên cứu của ông vô
cùng cụ thể và rõ ràng, từ ý nghĩa, vị trí, đặc trưng, phân định, khả năng kết hợp,… của
tính từ đến sự khác nhau giữa tính từ và động từ, chức năng và cú pháp đều được ông
trình bày cẩn thận và rõ ràng. Không chỉ vậy, với công trình này ông cũng đã tìm hiểu
luôn về khía cạnh đoản ngữ tính từ và xác định cả cấu trúc ở thành tố đoản ngữ đó.
Lê Biên trong “Từ loại tiếng Việt hiện đại” thì nghiên cứu về đặc trưng và tiểu loại
của tính từ. Ông khẳng định: đặc trưng của tính từ không trừu tượng tách khỏi sự vật, hoạt
động mà đó là dấu hiệu thuộc tính sẵn có, quan hệ gắn bó với sự vật, hoạt động. Mặt
khác, đặc trưng cũng thể hiện cách nhận thức chủ quan của con người. Ông còn xác định
tính từ có hai tiểu loại dựa vào nghĩa và khả năng kết hợp. Ở phần này ông có nói sơ lược

về tính từ chỉ màu sắc như là một tiểu loại nhỏ trong tính từ.
Nguyễn Hữu Quỳnh trong “Ngữ pháp tiếng Việt” thì nghiên cứu về tính từ như là
một từ loại của tiếng Việt, ngang bằng với các từ loại khác như danh từ và động từ,…
Trong nghiên cứu này, ông cũng có trình bày cách phân loại tính từ của mình, tuy nhiên
đó là cách phân loại sơ lược chứ không đi sâu vào phân loại cụ thể. Riêng về tính từ màu
sắc thì không thấy ông nhắc đến trong bài viết này.
Bùi Tất Tươm trong “ Giáo trình tiếng Việt” tuy có nêu đầy đủ về ý nghĩa khái quát,
đặc điểm cú pháp, phân loại tính từ nhưng với công trình này thì chúng ta cũng không
thấy ông nói nhiều đến tính từ màu sắc. Tính từ màu sắc chỉ là một tiểu loại nhỏ trong
phần phân loại tính từ theo ý nghĩa mà thôi.
Còn Nguyễn Kim Thản trong “Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt” đã nêu lên đầy đủ
những đặc trưng của tính từ và các tiểu loại của tính từ. Ông xác định chức năng và phân
loại tính từ tương tự như Lê Biên. Nhưng trong công trình nghiên cứu của mình thì ông có
nêu thêm về sự phân định tính từ và các từ tổ khác để ta dễ phân biệt, tránh lầm lẫn giữa
từ loại và chức năng ngữ pháp của tính từ. Tuyệt nhiên trong công trình nghiên cứu này
thì không có nhắc đến tính từ màu sắc.
Qua tất cả những công trình nghiên cứu vừa nêu trên, ta có thể thấy được tầm quan
trọng của việc nghiên cứu và tìm hiểu tính từ, nhiều công trình nghiên cứu đã có vị trí
xứng đáng trong hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt. Về tính từ thì vậy, nhưng đối với tính từ


màu sắc thì rất ít công trình nghiên cứu. Hầu như trong tất cả các công trình nghiên cứu
này chỉ nhắc đến tính từ màu sắc như là bộ phận nhỏ của tính từ trong cách phân loại mà
thôi, còn việc nghiên cứu một cách sâu sắc, đầy đủ thì vẫn còn rất ít.
“Tính từ chỉ màu sắc trong truyện ngắn của Thạch Lam” cũng vậy, thật sự cho đến
ngày nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách thật đầy đủ và
sâu sắc về vấn đề này. Chúng ta vẫn thường thấy giá trị và tác dụng của tính từ màu sắc
trong tác phẩm văn chương thường chỉ được nhắc một cách thoáng qua mà thôi. Chính vì
vậy mà chưa thể nói hết được cái hay, cái đẹp của tính từ chỉ màu sắc nói chung và tính từ
chỉ màu sắc trong truyện ngắn Thạch Lam nói riêng. Cho nên có thể nói đây là một vấn đề

hoàn toàn mới lạ và độc đáo, nó đòi hỏi người viết phải thật sự cố gắng thì mới thành
công được.

3. Mục đích nghiên cứu
Qua việc tìm hiểu những cơ sở lí luận về tính từ nói chung và tính từ chỉ màu sắc
nói riêng, người viết sẽ thống kê lại các tính từ chỉ màu sắc có trong những truyện ngắn
của Thạch Lam rồi tiến hành phân tích, tổng hợp nhằm làm bật lên giá trị biểu đạt của
những tính từ chỉ màu sắc mà Thạch Lam đã sử dụng. Qua đó, ý nghĩa của tác phẩm cũng
được thể hiện một cách cụ thể hơn.
Bên cạnh việc tập trung làm rõ vấn đề, chúng tôi còn muốn góp thêm một phần hiểu
biết của mình về tính từ màu sắc trong tác phẩm của nhà văn Thạch Lam. Chúng tôi cố
gắng tìm hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn nhằm giúp cho việc học tập trước mắt và cho công
việc nghiên cứu sau này thuận lợi hơn.

4. Phạm vi nghiên cứu
Từ loại trong tiếng Việt là một vấn đề vô cùng rộng lớn và phức tạp. Các nhà Việt
ngữ đã đi sâu tìm hiểu và từ đó đã có rất nhiều nhận định xung quanh vấn đề này. Cũng
giống như danh từ và động từ, tính từ cũng có sự phong phú về chủng loại và số lượng.
Chính vì thế để tìm hiểu về nó nhất thiết phải có sự đầu tư rất nhiều mà cụ thể nhất là thời
gian. Đây là điều quan trọng và vô cùng khó khăn, chính vì nguyên nhân này mà đề tài sẽ
không tìm hiểu hết các nội dung về tính từ mà chỉ tìm hiểu khái quát về tính từ. Ở đây,
chúng tôi chỉ tập trung vào một vấn đề nhỏ của tính từ, cụ thể là lớp tính từ chỉ màu sắc.
Nhưng nếu chúng ta chỉ tìm hiểu tính từ chỉ màu sắc không thì vẫn chưa đủ vì bởi lớp từ


này có vị trí và ý nghĩa cụ thể như thế nào trong ngữ cảnh cụ thể thì chúng ta vẫn chưa thể
hình dung hết được. Vì vậy để làm cụ thể hóa lớp từ này, chúng ta đi tìm hiểu những biểu
hiện của nó thông qua những tác phẩm văn chương cụ thể. Ở đây, chúng ta sẽ khảo sát lớp
từ chỉ màu sắc qua những truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam. Từ đó sẽ làm sáng tỏ
những vấn đề mà chúng ta đang tìm hiểu trong đề tài luận văn này.

Do Thạch Lam là nhà văn được sinh ra và lớn lên ở Bắc Bộ cho nên ngoài việc tìm
hiểu tính từ đậm sắc thái Bắc Bộ, người viết còn phải vận dụng tất cả những hiểu biết của
bản thân về tính từ màu sắc trong hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt. Qua đó, người viết sẽ
làm rõ hơn giá trị của tính từ màu sắc trong truyện ngắn Thạch Lam cũng như là giá trị
của tính từ màu sắc ở Bắc Bộ.

5. Phương pháp nghiên cứu
Về phương pháp nghiên cứu đề tài này thì người viết cần phải nắm sơ lược về từ
loại, về tính từ, về tác giả Thạch Lam và những truyện ngắn của ông. Tiếp theo sẽ là công
việc thống kê các tính từ chỉ màu sắc có trong tác phẩm. Qua việc tìm hiểu cơ sở lí luận,
tìm hiểu ngữ cảnh mà các tính từ chỉ màu sắc thể hiện, người viết phải tiến hành phân
tích, rồi tổng hợp nhằm giải quyết những vấn đề mà luận văn đặt ra.
Đồng thời người viết còn tham khảo ý kiến của giáo viên hướng dẫn, tiếp nhận ý
kiến đóng góp để hoàn chỉnh đề tài, đảm bảo cho đề tài thành công tốt đẹp.


B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I: SƠ LƯỢC VỀ TỪ LOẠI TÍNH TỪ

1. Khái quát về từ loại tính từ
1.1. Các quan niệm khác nhau về tính từ
Dân gian ta có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Đúng vậy,
có rất nhiều vấn đề về mặt ngữ pháp mà những nhà nghiên cứu lịch đại và đương đại đã
và đang vẫn còn tranh cãi. Riêng về vấn đề hiểu như thế nào là tính từ, bản thân từ loại
cũng như chức vụ ngữ pháp của tính từ hiện vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau. Sau đây
chúng tôi xin trích dẫn một vài quan niệm về tính từ của các nhà Việt ngữ hàng đầu Việt
Nam để cùng đối chiếu và so sánh.
Đối với Diệp Quang Ban và Hoàng Văn Thung trong “Ngữ pháp tiếng Việt” (tập 1)
thì cho rằng: “Lớp từ chỉ ý nghĩa đặc trưng (đặc trưng cho thực thể hay đặc trưng cho
quá trình) chính là tính từ” [2;101]. Ý nghĩa đặc trưng được biểu hiện trong tính từ

thường có tính chất đối lập phân cực (thành cặp trái nghĩa) hoặc có tính chất mức độ (so
sánh và miêu tả theo thang độ). Như vậy, theo các nhà Việt ngữ thì lớp từ nào chỉ đặc
trưng thì đó là tính từ. Định nghĩa này cũng cho ta biết đặc điểm nổi bật của tính từ là
thường có tính đối lập phân cực và có tính chất mức độ.
Bùi Tất Tươm định nghĩa rằng: “Tính từ là từ loại chỉ tính chất của sự vật, của hoạt
động và trạng thái”[22;139]. Theo ông ý nghĩa tính chất của tính từ được khái quát hóa,
trừu tượng hóa từ những đặc điểm riêng của sự vật (và những khái niệm của ngôn ngữ
phản ánh như sự vật), hoạt động, trạng thái được biểu hiện thao cách riêng của tiếng Việt.
Đinh Văn Đức thì cho rằng: “Tính từ là từ chỉ ra đặc trưng của tất cả những gì (khái
niệm) được biểu đạt bằng danh từ và động từ” [7;182]. Theo định nghĩa này cho phép ta
phân định từ loại của một tổ hợp từ đặc biệt trong tiếng Việt – từ mô phỏng (từ tượng
thanh – tượng hình).
Theo Phạm Hữu Quỳnh thì: “Tính từ là từ chỉ tính chất, đặc trưng của sự vật như:
màu sắc, kích thước, đặc trưng, hình thể, dung lượng” [14;158].


Trong quyển “Nghiên cứu về Ngữ pháp tiếng Việt” (tập 1) của Nguyễn Kim Thản thì
cho rằng: “Tính từ là từ loại chỉ tính chất của sự vật”.
Nhìn chung thì các nhà Việt ngữ đã đưa ra rất nhiều khái niệm khác nhau về tính từ,
tuy nhiên thì các khái niệm này đều nêu lên đầy đủ ý nghĩa đặc trưng của tính từ, đảm bảo
được vị trí và giá trị của tính từ trong hệ thống từ loại tiếng Việt.

1.2. Khái niệm tính từ
Tính từ là từ dùng để chỉ tính chất, trạng thái đặc trưng của người, vật, việc,… Vật,
việc này thường ở trạng thái động hoặc tĩnh.
Những đặc trưng đó có thể là những thuộc tính về màu sắc: xanh, đỏ, vàng, trắng
tinh, tím ngắt,…; Những đặc tính mùi vị, hình dạng, kích thước, phẩm chất như: chua,
ngọt, chát, cứng, mềm, mỏng, dịu dàng, gian dối,…
Đặc trưng chính là nét khu biệt về kích thước, trọng lượng, màu sắc và các khía cạnh
của chủ thể, chỉ ra cái hạn định của mỗi đối tượng. Chúng ta cần lưu ý rằng, nghĩa đặc

trưng, tính chất của tính từ không phải là một cái gì trừu tượng, tách khỏi sự vật, hoạt
động mà phải thấy nó như là dấu hiệu thuộc tính sẵn có, có quan hệ gắn bó với sự vật,
hoạt động (đặc trưng của một đối tượng luôn phản ánh thực tại). Như vậy, cần hiểu đặc
trưng bao giờ cũng gắn liền với sự vật, thực thể, hoạt động và tiềm ẩn cách nhận thức,
đánh giá của mỗi người đối với sự vật, hoạt động.
Ví dụ:
Ngôi nhà này đẹp!
Khái niệm đặc trưng thể hiện ý nghĩa tính từ là một sự thống nhất rất cao giữa yếu tố
từ vựng và ngữ pháp. Với yếu tố từ vựng, ý nghĩa tính từ có liên hệ trực tiếp với nội dung
phản ánh thực tại. Khái niệm đặc trưng trên bật ngữ pháp là một khái niệm có tính chất
quan hệ, thể hiện một mối liên hệ giữa các khái niệm trong khi phản ánh thực tại.
Ví dụ: Khái niệm thực thể (danh từ riêng) “Việt Nam” trở thành khái niệm đặc trưng
(tính từ) khi ta thêm từ “rất” vào “rất Việt Nam” thì đó là một tính từ.

1.3. Phân loại tính từ
Trong việc phân chia hệ thống từ loại tiếng Việt thì các nhà Việt ngữ đã nghiên cứu
và phân chia thành hai loại đó là thực từ và hư từ. Và đây là một việc làm vô cùng hữu ích
và thiết thực cho công việc nghiên cứu và học tập sau này, tuy nhiên việc phân chia như


vậy vẫn chưa được cụ thể hóa và rõ ràng. Do đó, chúng ta cần phải phân chia lớp từ này
thành những lớp nhỏ hơn để dễ dàng cho công việc khảo sát. Thế nhưng khi tiến hành
phân chia thành những lớp nhỏ như thế thì chúng ta cũng cần tránh việc phân chia quá tỉ
mỉ, chi tiết quá vì như vậy vô tình chúng ta đã làm rối thêm trong việc phân chia từ loại.
Mặt khác thì chúng ta cũng tránh lối mô phỏng, bắt chước rập khuôn theo một ngôn ngữ
nào đó cho dù ngôn ngữ đó có gần với ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta cần phải căn cứ
trên chính những đặc điểm của ngôn ngữ mà chúng ta đang khảo sát.
Việc phân loại tính từ thì ít phức tạp hơn danh từ và động từ. Nhưng do tiêu chuẩn
phân loại chưa được bao quát, cho nên ranh giới giữa các lớp con trong tính từ chưa được
xác định rõ ràng, chính xác và dứt khoát. Từ trước đến nay trải qua rất nhiều công trình

nghiên cứu của các nhà Việt ngữ, đã có rất nhiều cách phân loại tính từ. Nhưng ở đây,
chúng tôi xin trình bày theo cách phân loại tính từ theo tiêu chí của Diệp Quang Ban và
Hoàng Văn Thung trong Ngữ pháp tiếng Việt (tập 1). Theo hai nhà Việt ngữ này thì tính
từ được phân chia thành hai lớp: Tính từ chỉ đặc trưng xác định thang độ và tính từ chỉ
đặc trưng không xác định thang độ.
Căn cứ vào ý nghĩa khái quát và khả năng kết hợp của tính từ với các lớp từ khác,
chúng ta có thể chia tính từ thành các lớp nhỏ sau:
Tính từ chỉ đặc trưng xác định thang độ: ta có thể chia thành các lớp con như sau:
- Tính từ miêu tả phẩm chất: tốt, xấu, hiền,dữ…
- Tính từ miêu tả kích thước: dài, ngắn, rộng, hẹp…
- Tính từ miêu tả số lượng: ít, nhiều…
- Tính từ miêu tả màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng…
- Tính từ miêu tả cường độ: mạnh, yếu, nóng, lạnh…
- Tính từ miêu tả hình thể: vuông, tròn, thẳng, cong…
Tính từ chỉ đặc trưng không xác định thang độ: riêng, chung, công, tư, chính, phụ,
độc nhất, công cộng…

1.3.1. Tính từ chỉ đặc trưng xác định thang độ
Đây là lớp từ dùng để quy định tính chất cho danh từ và động từ mà nó xác định.
Tính chất được nó xác định cho sự vật một cách đắc lực nhất là tính chất đặc trưng. Và
như vậy có thể nói đây là đơn vị “đặc trưng nhất” trong các đơn vị đặc trưng. Nó có ý


nghĩa phạm trù đặc trưng đầy đủ, đảm nhận được chức vụ cú pháp và khả năng kết hợp
với các lớp từ khác trong cụm từ. Cụ thể, nó có thể làm chủ ngữ, vị ngữ, thành tố phụ
trong cụm từ, có thể kết hợp với các đơn vị chỉ ý nghĩa mức độ: hơi, rất, lắm, quá, cực
kỳ…
Trong tính từ, lớp tính từ chỉ đặc trưng xác định thang độ có số lượng rất lớn nên
chúng ta chia chúng thành các lớp con như:
Lớp tính từ miêu tả phẩm chất của sự vật nêu ở chủ thể.

Lớp từ này thường tồn tại thành từng cặp đối lập nhau về mặt ý nghĩa: tốt/xấu,
vui/buồn, hiền/dữ, sung sướng/khổ sở…
Ví dụ: - Anh Minh rất dữ.
- Chị Thu rất hiền.
Lớp tính từ miêu tả số lượng nêu ở chủ thể.
Lớp từ này thường tồn tại thành từng cặp đối lập nhau về mặt ý nghĩa: ít/nhiều,
đủ/thiếu…
Ví dụ: - Lịch học của các bạn thường là không đều nhau, người thì quá nhiều tiết,
còn người thì quá ít tiết.
Lớp tính từ miêu tả kích thước nêu ở chủ thể.
Lớp từ này thường tồn tại thành từng cặp đối lập nhau về ý nghĩa: dài/ngắn,
rộng/hẹp…
Ví dụ: - Căn phòng này rất hẹp.
- Căn nhà này quá rộng.
Lớp tính từ miêu tả màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng…
Ví dụ:
“Trong đằm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng”
(ca dao)

1.3.2. Tính từ chỉ đặc trưng không xác định thang độ
Đây là lớp từ chỉ ý nghĩa tuyệt đối về tính chất của sự vật nêu ở chủ thể. Ở đây, tự
thân tính chất sự vật đã có ý nghĩa tuyệt đối rồi, nên mọi sự so sánh, mọi sự xác định mức
độ đều không cần thiết nữa. Số lượng của lớp từ này rất ít, chỉ trên dưới mười đơn vị. Đó


là: riêng, chung, công, tư, chính, phụ, độc nhất, công cộng, cơ bản. Vì ở lớp từ này mức
độ tuyệt đối rồi nên chúng ta không kết hợp với những đơn vị chỉ mức độ nữa: hơi, rất,
cực kỳ, vô cùng…
Lớp từ này thường đi kèm với danh từ hoặc động từ để bổ nghĩa cho danh từ hay

động từ đó.
Ví dụ:
Đây là chuyện riêng của tôi.
Lớp từ này chỉ đặc trưng tuyệt đối không làm thành cặp đối lập với nhau về nghĩa.
Các từ trong lớp từ này thường là từ láy hoặc là từ ghép: đỏ lòm, trắng phau, xanh lè, đen
sì…cũng không được kết hợp với đơn vị chỉ mức độ, vì chúng đã bao hàm ý nghĩa tuyệt
đối về tính chất rồi.
Ví dụ:
“Xanh um cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa, tràng giang phẳng lặng tờ”
(Huyện Thanh Quan)
Ngoài ra, đối với lớp từ này còn có một đặc trưng nữa đó là đặc trưng mô phỏng.
Hiện tượng từ mô phỏng có thể gặp ở nhiều ngôn ngữ, nhưng trong tiếng Việt thì mật độ
có dày hơn. Từ mô phỏng – từ xưa nay quen gọi là từ tượng thanh, tượng hình – có ý
nghĩa ngữ pháp khái quát là chỉ ra một đặc trưng nào đó có tính mô phỏng (ào ào, vù vù,
róc rách, hắt hiu, leng keng, lủng lẳng, thoăn thoắt…). Trong khi phân loại, trực tiếp dựa
vào ý nghĩa từng từ, người ta xếp những từ gần với tính chất vào tính từ. Cụ thể hơn thì từ
mô phỏng là một tập hợp mờ, phải xét ý nghĩa của chúng trên bật khái quát hóa chứ
không phải với từng từ cụ thể, và đặc điểm ngữ pháp của chúng phải được xét trong quan
hệ phân bố với cả một hệ hình ngữ pháp. Theo đó, các từ mô phỏng, khi mang ý nghĩa
đặc trưng đã có đầy đủ các đặc điểm ngữ pháp của từ loại tính từ - trong khả năng kết hợp
cũng như trong chức vụ cú pháp. Tất cả các từ mô phỏng đều chỉ ra đặc trưng của những
khái niệm vốn được biểu đạt bằng danh từ và động từ trong tiếng Việt. Chúng ta hãy phân
tích các từ mô phỏng trong đoạn thơ sau đây:
“Tà tà bóng ngã về tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về


Bước lần theo ngọn tiểu khê
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao lòng nước uống quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nắm đất bên đàng
Rầu rầu ngon cỏ nửa vàng nửa xanh”
(Nguyễn Du)
Chúng ta thấy các từ mô phỏng (dưới dạng láy) xuất hiện đầy đủ các quan hệ ngữ
pháp với danh từ, động từ, làm định ngữ cho danh từ và cho động từ trong tư cách của
tính từ. Từ láy âm có nhiều nhóm khác nhau thuộc các từ loại khác nhau, nhóm trung tâm
là các nhóm mô phỏng thuộc về từ loại tính từ.

1.4. Vị trí của tính từ
Như đã biết, tính từ dùng để bổ sung ý nghĩa cho danh từ, động từ và nó thường
được đặt sau danh từ, động từ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tính từ có thể đặt trước
một tiếng chính (danh từ, động từ). Đây là những trường hợp cố ý của người nói, người
viết, muốn làm cho người nge, người đọc chú ý vào trạng thái của tiếng chính.
Ví dụ:
- Thuyền chạy ù ù.
- Gió thổi vù vù.
- Thuyền vùn vụt chạy.
- Gió ù ù thổi.
Vậy trong tiếng Việt khi tính từ đặt trước danh từ, động từ là để nhấn mạnh vào tính
từ đó làm cho câu thơ, câu văn mạnh thêm, nhằm phục vụ cho người đọc, người nghe cao
hơn.
Ví dụ:
- Hồn sĩ tử gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi theo.
( Đoàn Thị Điểm – Chinh Phụ Ngâm)
- Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo



Núi không đè nỗi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đùa
(Tố Hữu)

1.5. Đặc điểm - Chức năng và khả năng kết hợp
Trong hệ thống từ loại tiếng Việt thì tính từ được xếp vào từ loại thực từ, cũng như
danh từ và động từ, tính từ cũng giữ các chức năng cú pháp trong câu (làm thành phần
chính và thành phần phụ). Bản chất ngữ pháp của tính từ cũng được đặc trưng bởi một
chùm chức vụ cú pháp.
Trong tiếng Việt thì tính từ giữ hai chức năng chính. Đó là làm định ngữ và làm vị
ngữ trong câu.
- Chức năng định ngữ của tính từ.
Chức năng định ngữ được giải thích bằng bản chất ngữ pháp là hạn định đặc trưng
cho khái niệm thực thể (được diễn đạt bằng thực từ).
Ở ngôn ngữ Châu Âu, khái niệm đặc trưng trong mọi quan hệ với từ loại thường
được chia thành hai kiểu với hai ý nghĩa ngữ pháp của hai từ loại khác nhau: tính từ và
trạng từ.
+ Ý nghĩa ngữ pháp của tính từ biểu đạt đặc trưng cho các khái niệm thuộc phạm trù
thực thể (danh từ).
+ Ý nghĩa ngữ pháp của trạng từ biểu đạt đặc trưng cho các khái niệm thuộc phạm
trù vận động (động từ).
Tuy nhiên, trong tiếng Việt tuyệt đối không có sự phân chia này mà tính từ đảm
nhận cả hai loại quan hệ (trong tiếng Việt không có từ loại trạng từ). Tức là tính từ vừa
làm định ngữ cho danh từ, vừa làm định ngữ cho động từ.
Ví dụ:
- Căn nhà đẹp.
- Minh chạy nhanh.
Chức năng làm định ngữ là chức năng phổ biến và thường trực của tính từ.



- Chức năng làm vị ngữ của tính từ.
Trong tiếng Việt và một vài ngôn ngữ đơn lập khác, tính từ gần với động từ ở chức
năng vị ngữ trong câu. Tính từ trong khi chỉ đặc trưng và không có chức năng ngữ pháp
riêng đã có quan hệ thông báo với chủ thể (cũng là một loại quan hệ đặc trưng) giống như
động từ. Tính từ tiếp nhận các tiêu chí ngữ pháp của động từ trước hết là các yếu tố chỉ
thời – thể (đã, sẽ, đang, chưa); kết quả, khả năng, tình thái,… Đặc điểm này cho phép tính
từ trong tiếng Việt làm vị ngữ trực tiếp trong câu. Điều này khác hẳn với tính từ trong
ngôn ngữ Châu Âu.
Ví dụ:
- Ngôi nhà này đẹp.
- Bầu trời xanh thẳm.
Ngoài hai chức năng nổi bật trên thì tính từ tiếng Việt còn có thêm một vài chức
năng cú pháp khác:
+ Tính từ giữ chức năng chủ ngữ trong câu.
Ví dụ:
Đẹp thì đẹp thật.
+ Tính từ giữ chức năng bổ ngữ trong câu.
Ví dụ:
Bạn Nga học giỏi!
- Khả năng kết hợp
Tính từ là từ loại thực từ, ý nghĩa của tính từ có quan hệ với nội dung phản ánh thực
tại. Điều đó cho phép tính từ có khả năng kết hợp với những từ xung quanh để bổ sung
cho nó và lập thành đoản ngữ - ngữ tính từ.
Xét về phương diện ý nghĩa thì tính từ khác động từ nhưng xét về phương diện ngữ
pháp thì tính từ có nhiều nét giống động từ. Các thành phần phụ của tính từ trong khuôn
khổ cấu trúc ngữ tính từ có thể phân ra thành các loại sau:
- Các phụ từ của tính từ cũng đồng thời là phụ từ của động từ.
+ Tính từ có thể kết hợp với các phụ từ: đã, sẽ, đang, chưa, … chỉ kết quả diễn tiến
của đặc trưng.



Ví dụ:
Trời còn chưa tối hẳn.
+ Tính từ có thể kết hợp với các phụ từ : ra, lên, đi, lại, … chỉ kết quả diễn tiến đặc
trưng.
Ví dụ:
Lúc này, bạn Thiện mập ra.
+ Tính từ có thể kết hợp với các phụ từ: vẫn, còn, cứ,…
Ví dụ:
Cây vẫn xanh.
+ Một số tính từ có thể kết hợp với các phụ từ: hãy, đừng, chớ, …
Ví dụ:
Minh chớ liều lĩnh.
- Các thành tố phụ chuyên dùng của tính từ.
So với động từ thì tính từ kết hợp phổ biến hơn với các từ chỉ mức độ: rất, lắm, quá,
hơi, vô cùng,… Các từ này chỉ mức độ khác nhau của đặc trưng với những sắc thái khác
nhau trong phát ngôn (khẳng định, so sánh, nhấn mạnh). Do đó, chúng cũng được dùng
như yếu tố tình thái biểu thị cảm giác hay một sự đánh giá chủ quan của người phát ngôn.
Ví dụ:
Rất tốt, đẹp lắm, khá hay, …
Nói chung, hầu hết các tính từ đều kết hợp được với các từ chỉ mức độ. Tuy nhiên
đối với các từ ghép mà bản thân đã chứa đựng yếu tố mức độ cao tuyệt đối như: khô rốc,
già cằn, toang hoác,… và những tính từ biểu thị đặc trưng bản chất của sự vật như: đực,
cái, trống, mái,… thì không cần và cũng không thể nào kết hợp được với bất kì từ tình
thái chỉ mức độ.
Đối với những từ ghép mà bản thân đã chứa đựng yếu tố chỉ mức độ thấp như:
thoang thoảng, se sẽ, văng vẳng, xa xa, … thì có thể kết hợp được với những từ tình thái
chỉ mức độ như: hơi, hơi hơi, …
Ngoài ra, tính từ còn kết hợp với thành tố phụ là thực từ mà phổ biến là danh từ.

+ kiểu kết hợp “tính từ + danh từ”.


Ví dụ:
Nóng tính, mát tay, xấu bụng,…
+ Kiểu tổ hợp “danh từ + quan hệ từ”. Làm bổ ngữ cho tính từ.
Ví dụ:
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. (tục ngữ)
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người. (ca dao)

2. Tính từ chỉ màu sắc
2.1. Khái niệm
Tính từ chỉ màu sắc là lớp từ biểu thị tính chất đặc trưng về màu sắc của sự vật, hiện
tượng.

2.2. Phân loại
2.2.1. Tính từ chỉ màu sắc xác định thang độ
Đây là lớp tính từ chỉ màu sắc mang ý nghĩa tương đối về đặc trưng của thực thể
mà ta có thể so sánh về cường độ, mức độ đặc trưng.
Xét về số lượng thì tính từ chỉ màu sắc xác định thang độ chiếm rất ít, bao gồm
những tính từ tiêu biểu:
- Trắng
- Vàng
- Xanh
- Đỏ
- Tím
- Đen
- Xám
- Nâu
- Hồng,…

Một điều nổi bật của lớp từ này là sự lặp lại yếu tố chính sẽ tạo nên một từ láy đặc
trưng của một màu sắc mang ý nghĩa nhạt hơn, mức độ thấp hơn từ chính.
Ví dụ: Xanh xanh, trắng trắng, vàng vàng, tim tím,…
 Bông hoa này rất đỏ.
(mang sắc thái dương tính ám chỉ một màu đỏ đậm )


 Cái áo này xanh xanh.
(mang sắc thái âm tính ám chỉ một màu xanh nhạt )
Tuy nhiên thì tính từ màu sắc ở lớp này cũng thể hiện cấu trúc so sánh với các từ so
sánh: như, hơn vào giữa hai vế so sánh.
Ví dụ:
Đỏ như son.
Đen như mực.
Xanh như tàu lá.
Trắng như vôi…
Và những cấu trúc so sánh như vậy đã được cộng đồng thừa nhận như những cấu
trúc so sánh chuẩn.

2.2.2. Tính từ chỉ màu sắc không xác định thang độ
Đây là lớp tính từ chỉ màu sắc mang ý nghĩa tuyệt đối về đặc trưng, không có
cường độ màu sắc khác và cũng không có gì để so sánh với nó nữa. Cũng chính vì bản
chất này mà chúng không thể kết hợp được với phụ từ chỉ mức độ và không được đánh
giá theo thang độ.
Xét về số lượng thì tính từ chỉ màu sắc không xác định thang độ chiếm số lượng
rất nhiều, bao gồm các tính từ tiêu biểu sau:
- Trắng tươi
- Trắng toát
- Trắng bệt
- Trắng xác

- Trắng tinh
- Trắng dã
- Trắng noãn,…
- Vàng hực
- Vàng tươi
- Váng ươm
- Vàng khè,…


- Đỏ tươi
- Đỏ au
- Đỏ lòm
- Đỏ quét
- Đỏ thẫm,…
- Đen sì
- Đen thui
- Đen ngòm,…
- Xanh tươi
- Xanh biết
- Xanh ngắt
- Xanh lè,…
- Tím ngắt
- Tím rịm,…
- Xám xịt,…
Chúng ta cần lưu ý rằng, các tính từ thuộc lớp từ này khi có sự lặp lại yếu tố sau thì
sẽ khác với trường hợp lặp lại ở dạng láy thông thường, vì sự lặp lại yếu tố sau trong
trường hợp này sẽ làm tăng mức độ của màu sắc đặc trưng.
Ví dụ:
Tím ngăn ngắt.
Xanh biêng biếc.

Vàng hừng hực,…
Đối với những ngôn ngữ nước ngoài thì lớp tính từ này không được chú ý nhiều vì
lớp tính từ này nó không thực tế trong ngôn ngữ của họ. Còn trong hệ thống tiếng Việt
của chúng ta thì cần phải đặc biệt chú ý tới những tính từ này. Ngoài giá trị sở chỉ, chỉ ra
đặc trưng của sự vật, hiện tượng mà mỗi từ còn gắn với một loại sự vật nhất định. Những
tính từ này có tác dụng rất lớn trong việc tạo dựng hình ảnh, biểu cảm và còn bộc lộ thái
độ, cách đánh giá của người nói, cho nên những tính từ này vừa có tác dụng miêu tả lại
còn có giá trị gợi cảm, thẩm mỹ.


Ví dụ:
- Anh ấy có bộ răng trắng. (mang sắc thái dương tính)
- Anh ấy có bộ răng trắng tinh. (mang sắc thái dương tính)
- Anh ấy có bộ răng trắng nhởn. (mang sắc thái dương tính)
- Anh ấy có bộ răng trắng dã. (mang sắc thái âm tính)

 Lớp từ chỉ màu sắc theo lối biểu thị đặc trưng:
Lớp từ chỉ màu sắc theo lối biểu thị đặc trưng là lớp tính từ tạo lập gián tiếp thông
qua việc chúng ta so sánh một màu sắc nào đó với một sự vật, hiện tượng có mang màu
sắc tương ứng. Tuy nhiên thì đôi khi cấu trúc so sánh này có thể linh hoạt thay đổi, có thể
có từ so sánh hoặc không có từ để chúng ta so sánh.
Lớp từ này gồm những từ sau:
- Màu đồng điếu
- Màu hột gà
- Màu cức ngựa
- Màu cháo lòng
- Màu mỡ gà
- Màu tro
- Màu gạch non
- Màu hoa lý

- Màu xanh lá cây
- Màu muối tiêu
- Màu trắng ngà
- Màu xanh da trời
- Màu dà
- Màu bùn
- Màu sữa
- Màu cỏ úa,…
Với những từ chỉ màu sắc đặc trưng tiêu biểu của lớp từ này vừa được nêu ở trên thì
chúng ta thấy rằng: đây là những từ chỉ màu sắc được tạo ra từ việc tác giả liên tưởng, có
trong vốn sống của tác giả, và đó cũng là những màu sắc có trong vốn sống của mỗi


người, được họ rút ra nhằm thay thế cho những màu sắc mà họ không thể hoặc khó miêu
tả một cách ngắn gọn cho người nge, người đọc hiểu một cách chính xác. Và đó cũng
chính là giá trị của lớp từ này.
Đặc điểm của tính từ thuộc lớp từ này là ở chỗ lớp từ này cho ta biết được đặc trưng
của người sử dụng nó. Từ đó chúng ta sẽ biết được tác giả là người Bắc Bộ, Trung Bộ hay
là người Nam Bộ khi đọc qua tác phẩm và bắt gặp tính từ màu sắc biểu thị đặc trưng mà
tác giả đó sử dụng. Những vật được so sánh đó chính là vốn sống được hình thành trong
họ, bằng những sự vật gắn liền với quê hương của họ. Chính vì tính chất đặc biệt của lớp
tính từ này mà bản thân nó không thể kết hợp với từ khác, ngay cả những từ chỉ mức độ
màu sắc.

2.3. Đặc điểm- Chức năng và khả năng kết hợp
2.3.1. Tính từ chỉ màu sắc xác định thang độ
Tính từ chỉ màu sắc xác định thang độ thì ngoài khả năng kết hợp với các phụ từ chỉ
mức độ thì bản thân lớp từ này còn có thể kết hợp được với các hư từ hoặc thực từ khác
để bổ nghĩa cho chính nó.
Ví dụ:

Xanh lắm!
Xanh quá!
Trắng ghê!,..
Ngoài ra, tính từ chỉ màu sắc xác định thang độ còn có thể kết hợp với thực từ và từ
so sánh để tạo thành câu có cấu trúc so sánh.
Ví dụ:
Xanh như tàu lá.
Đen như mực.
Đỏ như son,…

2.3.2. Tính từ chỉ màu sắc không xác định thang độ
Đây là lớp tính từ không thể kết hợp với các từ chỉ mức độ. Tuy nhiên, trong sự rộng
lớn của từ ngữ tiếng Việt thì vẫn có trường hợp tính từ chỉ màu sắc không xác định thang
độ kết hợp với từ “rất” như trong câu nói “rất chi là xanh thẫm”, thì trong trường hợp
này từ “rất” chỉ có tác dụng bổ sung góp phần thể hiện ý nghĩa biểu thái của câu mà thôi.


Vì thế trong trường hợp này thì từ “rất” không mang tính chất của từ chỉ mức độ, và
không có tác dụng so sánh.
Xét về mặt chức năng thì tính từ chỉ màu sắc không xác định thang độ có đầy đủ
những chức năng của tính từ ngoại trừ một chức năng đó là làm chủ ngữ trong câu.
Những chức năng lớp từ này đảm nhận trong câu là: định ngữ, vị ngữ trực tiếp, yếu tố
trung tâm của ngữ tính từ.
Ví dụ:
Cái áo đỏ chót này là của bạn hả?
(Định ngữ)
Nắng sáng vàng rực.
(VN trực tiếp)
Cô ấy, vẫn trắng noãn đấy!
(Cụm tính từ)

Tính từ chỉ màu sắc có khả năng kết hợp rất lớn, chính vì thế mà giá trị của lớp từ
này trong ngữ pháp tiếng Việt là vô cùng lớn và đặc biệt quan trọng. Trong hệ thống từ
loại tiếng Việt thì tính từ có vị trí không thua kém danh từ và động từ. Tính từ là một từ
loại vô cùng quan trọng và cần thiết, ngoài tác dụng rất lớn trong việc miêu tả các đơn vị
ngôn ngữ, làm phong phú khả năng diễn đạt, mà tính từ còn là một từ loại tích cực về mặt
tạo từ, tạo ra giá trị cao về mặt thẩm mĩ cho ngôn ngữ.


CHƯƠNG II: TÍNH TỪ CHỈ MÀU SẮC TRONG TRUYỆN NGẮN
CỦA THẠCH LAM
1. Tìm hiểu chung về Thạch Lam
1.1. Cuộc đời
Thạch Lam hồi nhỏ có tên thật là Nguyễn Tường Lân. Cùng với bút danh là Thạch
Lam, ông còn có bút danh khác là Việt Sinh. Ông sinh ngày 7 tháng 7 năm 1910 tại Hà
Nội, trong một gia đình công chức gốc quan lại. Cha ông – cụ Nguyễn Tường Chiếu là
công chức (thông phán). Ông nội của ông – cụ Nguyễn Tường Tiếp làm quan triều
Nguyễn (tri huyện Cẩm Giàng).
Nguyên quán: làng Cẩm Phô, Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ, Thạch Lam sống
với gia đình ở quê ngoại tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Lớn lên, ông ra Hà Nội học ở trường Canh Nông một thời gian, sau học trung học
Anbê Xarô, thi đỗ tú tài rồi ra làm báo, viết văn trong Tự lực văn đoàn.
Thạch Lam vừa làm báo, vừa viết văn, sự nghiệp văn học của ông chủ yếu là bắt đầu
từ năm 1935 và thực sự được khẳng định năm 1937, khi tập truyện ngắn Gió đầu mùa ra
mắt độc giả.
Sáng tác văn học của Thạch Lam bao gồm nhiều thể loại: tiểu luận, phóng sự, truyện
dịch, truyện thiếu nhi, tiểu thuyết,… Nhưng thành công hơn vẫn là truyện ngắn và tùy
bút.
Ông mất vì bệnh lao ngày 28 – 6 – 1942 tại làng Yên Phụ, Hà Nội.

1.2. Sự nghiệp văn chương

Thạch Lam là người con thứ sáu trong gia đình Nguyễn Tường. Trong bảy anh em
nhà Nguyễn Tường, chỉ trừ người anh thứ nhất – Nguyễn Tường Thụy là không viết văn,
sáu người còn lại, đều hoặc là sống hẳn bằng nghề viết văn, làm báo, hoặc chí ít cũng có
tác phẩm góp mặt với đời. Tuy nhiên, thực sự nổi bật trên văn đàn hồi đó chỉ có Nhất
Linh (Nguyễn Tường Tam), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn
Tường Lân).


Sáng tác nghệ thuật tự nó đã là một hoạt động tinh thần, một cuộc sống tinh thần
chứa đầy nghịch lí. Ở đó, mỗi người nghệ sĩ cần phải tồn tại như một thế giới độc lập, một
cõi trời riêng. Nhưng để có được cái thế giới độc lập, cõi trời riêng ấy, người ta rất cần
được sự “nâng đỡ” được nuôi dưỡng, được khuyến dụ, được tranh đua trong các phong
trào, các xu hướng, các văn đoàn, văn phái ,… Vì vậy, không nên chỉ nói: anh em Nguyễn
Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân đã lập ra và làm nổi đình nổi đám
Văn đoàn tự lực cùng văn phái Nguyễn Tường của họ, mà còn phải nói thêm: chính văn
phái Nguyễn Tường, cùng Văn đoàn tự lực ấy, đến lược nó, đã làm rạng danh, sáng ngời
từng gương mặt riêng của một Nhất Linh, một Hoàng Đạo, một Thạch Lam…
Trong Tự lực văn đoàn, Nhất Linh (1905 – 1963) là người đứng mũi chịu sào, có tài
tổ chức, một “con người thực hành” và cũng là cây bút trụ cột. Tiếc thay, đây cũng là một
con người đầy những ảo vọng chính trị sai lầm.
Hoàng Đạo (1907 – 1948) là một nhà tư tưởng, một “nhà lí thuyết cải cách xã hội”
người tuyên ngôn “Mười điều tâm niệm” cho Văn đoàn, là “một tiểu thuyết gia”.
Còn Thạch Lam (1910 – 1942) trước sau vẫn là một nhà văn khiêm nhường, lặng lẽ
sống và viết, mặc dù cũng đôi ba phen khi làm chủ bút, khi làm chủ nhiệm báo Ngày nay.
Sinh ra, được nuôi dưỡng trong một môi trường như vậy, văn nghiệp của Thạch Lam
cùng tên tuổi của ông không thể tách rời tên tuổi của Nhất Linh, Hoàng Đạo… đã đành
mà cũng không thể tách rời những “danh tánh” mà dòng họ, gia đình đặt cho ông:
Nguyễn Tường Sáu, Nguyễn Tường Vinh, Nguyễn Tường Lân.
Cuộc đời văn nghiệp của Thạch Lam có thể chia thành ba chặng như sau:
.


Trước 1931, cậu bé Nguyễn Tường Sáu sống với gia đình tại phố huyện

Cẩm Giàng (Hải Dương, thuộc quê ngoại). Đó là một “thời kì nghèo khổ” nhưng cũng rất
oanh liệt và dữ dội trong tuổi thơ đèn sách của ông. Câu chuyện ông tự ý khai sinh tăng 5
tuổi để “thi nhảy” lấy bằng Thành chung (khi ấy Thạch Lam mới 15 tuổi), rồi lại khai sinh
tụt 3 tuổi để thi Tú tài cho đúng “phép nước” là chuyện có thật và đã xảy ra trong chặng
đời niên thiếu này.
.

Từ năm 1931 đến khoảng 1934, chủ yếu là thời kì làm báo, Nguyễn

Tường Lân với bút danh: Việt Sinh, Thạch Lam, viết cho Phong hóa, tờ báo mà Nhất
Linh (Nguyễn Tường Tam) anh trai ông đã kế thừa (sang tay) từ ông Phạm Hữu Ninh.


Nói là làm báo, nhưng ông đã bắt đầu viết truyện ngắn: truyện ngắn đầu tay Cái hoa
chanh kí tên Việt Sinh, còn truyện ngắn kí tên Thạch Lam lần đầu, thì theo Nhất Linh là
truyện Cô Thúy. Tuy vậy, truyện ngắn của Thạch Lam lúc này viết chưa nhiều và chưa
“nổi”.
.

Từ 1935 cho đến khi mất 1942, ông vẫn viết báo cho Phong hóa và Ngày

nay (báo Ngày nay bắt đầu ra mắt độc giả từ tháng 1 – 1935). Đôi ba phen làm chủ nhiệm
hay chủ bút cho tờ Ngày nay; nhưng chủ yếu đây là thời kì Thạch Lam làm nổi với các
truyện ngắn, kí (tùy bút), tiểu luận văn chương.
Trong cuộc đời sáng tác của mình, Thạch Lam đã thử bút trên rất nhiều thể loại: bài
báo, phê bình, tiểu luận, phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, dịch thuật,…(nhà thơ
Tú Mở cho biết rằng ông còn viết cả kịch nữa). Tuy vậy, những sáng tác quan trọng và có

giá trị nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của ông vẫn không ngoài những gì mà nhà xuất bản
Đời nay đã cho ra mắt bạn đọc.
Đó là 3 tập truyện ngắn:
.

Gió đầu mùa. (1937)

.

Nắng trong vườn .(1938)

.

Sợi tóc. (1942)

.

Một cuốn tiểu thuyết: Ngày mới (1939).

.

Một tập phóng sự in chung với Khái Hưng có tên là Hai thế giới (1938),

trong đó Thạch Lam viết phần Một năm ở cao đẳng.
.

Hai tập sách viết cho thiếu nhi Quyển sách (1940) và Hạt ngọc (1940).

.


Riêng tùy bút Hà Nội 36 phố phường, mãi một năm sau khi ông qua đời tức

là năm 1943 mới in thành sách.
.

Ngoài ra, ông còn có hơn mười truyện ngắn khác đăng rải rác trên Phong

hóa, Ngày nay: một tập truyện dài viết dở dang (Thúy Mai): và dự định viết một tác phẩm
về đề tài cuộc sống trụy lạc Thập niên đăng hỏa thì mãi mãi chỉ là dự định.
Giữa năm 1942 ngày 28 tháng 6 năm 1942 (nhằm ngày 15 tháng 5 âm lịch năm
nhăm ngọ) Thạch Lam đã qua đời ở làng Yên Thụy, cạnh Hồ Tây – Hà Nội, để lại người
vợ hiền với ba đứa trẻ, (hai trai và một gái, một trong hai người con trai sau này là bác sĩ
Nguyễn Tường Giang).


×