Tải bản đầy đủ (.pdf) (57 trang)

Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật trong lĩnh nam chích quái

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (422.18 KB, 57 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

********

TRƯƠNG THỊ NGỌC LOAN

TÌM HIỂU GIÁ TRỊ
NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT
TRONG LĨNH NAM CHÍCH QUÁI
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Người hướng dẫn khoa học
TS. GVC. Nguyễn Thị Nhàn

Hà Nội - 2011


LỜI CẢM ƠN

Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đề tài, được sự giúp đỡ tận
tình của cô giáo - TS.GVC. Nguyễn Thị Nhàn, tác giả khoá luận xin
gửi lời cảm ơn sâu sắc tới cô!
Tác giả khoá luận cũng xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo
trong Khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã tạo điều kiện tốt
nhất cho tác giả hoàn thành khoá luận này.

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2011
Người thực hiện


Trương Thị Ngọc Loan

1


LỜI CAM ĐOAN

Khoá luận tốt nghiệp này là kết quả nghiên cứu của riêng
tôi, không trùng với bất kỳ công trình nào đã được công bố.
Nếu sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Hà Nội, ngày 6 tháng 5 năm 2011
Người thực hiện

Trương Thị Ngọc Loan

2


MỤC LỤC

Trang
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài

5

2. Lịch sử vấn đề

5


3. Mục đích nghiên cứu

7

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

7

5. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

7

6. Phương pháp nghiên cứu

8

7. Đóng góp của khóa luận

8

8. Cấu trúc khóa luận

9

NỘI DUNG
Chương 1. Những vấn đề chung (Hoàn cảnh ra đời của Lĩnh Nam chích
quái; Tác giả Vũ Quỳnh và Kiều Phú; Tác phẩm Lĩnh Nam chích quái) 10
1.1.


Hoàn cảnh ra đời của Lĩnh Nam chích quái

10

1.2.

Tác giả Vũ Quỳnh và Kiều Phú

11

1.2.1. Tác giả Vũ Quỳnh

11

1.2.2. Tác giả Kiều Phú

11

1.3.

Tác phẩm Lĩnh Nam chích quái

12

1.3.1. Tác phẩm của Trần Thế Pháp

12

1.3.2. Tác phẩm của Vũ Quỳnh và Kiều Phú


13

Chương 2. Giá trị nội dung trong Lĩnh Nam chích quái

14

2.1.

Đề tài về nguồn gốc giống nòi và đất nước Việt Nam

14

2.2.

Đề tài về nhân vật lịch sử

18

2.3.

Đề tài về linh khí núi sông, thần linh dân tộc

22

2.4.

Những vấn đề phong phú của đời sống, văn hóa xã hội

25


3


Chương 3. Nghệ thuật biểu hiện trong Lĩnh Nam chích quái
3.1.

30

Quan điểm của người sưu tầm, biên soạn tác phẩm
Lĩnh Nam chích quái

30

3.1.1. Quan điểm sưu tầm thể hiện rõ ý thức dân tộc

30

3.1.2. Quan điểm Nho giáo

32

3.2.

Sự phong phú về thể loại văn học dân gian trong
Lĩnh Nam chích quái

34

3.2.1. Thể loại truyền thuyết trong Lĩnh Nam chích quái


34

3.2.2. Thể loại cổ tích trong Lĩnh Nam chích quái

38

3.3.

40

Nghệ thuật dựng truyện

3.3.1. Kết cấu cốt truyện

41

3.3.2. Các mô típ của cốt truyện

43

3.3.3. Các chi tiết, tình tiết của cốt truyện

45

3.3.4. Yếu tố “quái” và yếu tố kỳ ảo

49

KẾT LUẬN


53

TÀI LIỆU THAM KHẢO

55

4


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Lĩnh Nam chích quái mặc dù là những truyện kỳ lạ thu góp, lượm lặt
song giá trị văn học cũng như văn hoá mà nó mang lại rất lớn. Nhìn chung
các truyện trong tác phẩm này đã thể hiện được việc tái tạo nghệ thuật dân
gian theo ngòi bút của người biên soạn. Bên cạnh đó những thiên truyện này
đã đặt nền móng trên văn xuôi tự sự thời trung đại. Giá trị văn học đã lớn
song giá trị văn hoá còn lớn hơn. Đọc Lĩnh Nam chích quái người đọc
dường như được tiếp xúc gần hơn với các phong tục tập quán đã có từ xưa.
Các phong tục đó đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng được
hoàn thiện.
Vấn đề nghiên cứu Lĩnh Nam chích quái đã đạt được một số thành tựu
tiêu biểu song vẫn có khoảng trống cho người viết nghiên cứu. Đọc Lĩnh
Nam chích quái người viết được tiếp xúc gần hơn với cuộc sống con người
Việt Nam xưa cùng với những phong tục tập quán cổ xưa...
Chọn đề tài này người viết mong muốn trình bày được những vấn đề
khái quát về nội dung cũng như nghệ thuật của Lĩnh Nam chích quái để từ
đó có cách nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của tác phẩm.
Từ những lí do trên, cùng với tinh thần học hỏi, tập nghiên cứu khoa
học tác giả khoá luận chọn đề tài: "Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật

trong Lĩnh Nam chích quái".

2. Lịch sử vấn đề
Mặc dù chưa thực sự được quan tâm đúng mức, nhưng tác phẩm Lĩnh
Nam chích quái đã có được những ý kiến nhận xét của một số nhà nghiên

5


cứu về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật. Tác giả khoá luận có thể
điểm qua một số nhận định sau:
- Nguyễn Phương Chi trong cuốn Từ điển Văn học (Nxb Văn học, Hà
Nội, 1983) nói về nguồn gốc của tác phẩm "Lĩnh Nam chích quái chủ yếu có
nguồn gốc ở nước ta. Tuy nhiên do ảnh hưởng của giao lưu văn hoá giữa các
dân tộc, cũng có một số truyện có nguồn gốc từ nước ngoài" [2, tr.397].
- Nguyễn Đăng Na trong cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung
đại, Tập 1 (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999) có viết về nội dung và nghệ thuật
của Lĩnh Nam chích quái. "Cần chú ý rằng, tác phẩm tuy ghi là "quái" nhưng
Trần Thế Pháp và cả những tác giả sau ông, luôn ý thức "nhặt" (chích)
những truyện "có quan hệ cương thường và phong hoá" với mục đích
"khuyến thiện, trừng ác, bỏ nguỵ theo chân". Đó là nhận xét của Vũ Quỳnh
trong lời tựa cho Lĩnh Nam chích quái lục. Về hình thức nghệ thuật của tác
phẩn, Vũ Quỳnh hoàn toàn có lý khi ông viết: Việc tuy quái mà không dối
trá, văn tuy dị mà không yêu hoang"" [11, tr.34-35].
- Trần Đình Sử trong cuốn Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (Nxb
Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2005) đã cho "Lĩnh Nam chích quái là một tiểu
thuyết chí quái" [20, tr.282], bởi theo ông: "người ta có thể dùng tên gọi
"tiểu thuyết" với nội hàm mới để chỉ bất cứ tác phẩm tự sự nào có tính nghệ
thuật được ghi theo thể loại của sử" [20, tr.282-283].
- Đinh Gia Khánh trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu

thế kỷ XVIII (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006) có nói về ảnh hưởng của văn học
dân gian cũng như sự quan tâm của Nhà nước tới văn học, "ảnh hưởng của
văn học dân gian không phải chỉ thúc đẩy Lê Thánh Tông quan tâm đến dã
sử khi giao cho Ngô Sĩ Liên biên soạn bộ sử chính thức của Nhà nước, mà
chủ yếu là động lực của việc biên soạn và bổ sung thêm Việt điện u linh và
Lĩnh Nam chích quái" [7, tr.165].
6


- Nguyễn Đăng Na trong cuốn Giáo trình văn học trung đại Việt Nam,
Tập 2 (Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2007) nhận xét: "Lĩnh Nam chích
quái gồm những loại truyện dân gian, tiêu biểu cho loại thứ nhất có tác phẩm
Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế pháp" [12, tr.32]. Trong xu hướng
phát triển của văn xuôi tự sự, ông còn xếp Lĩnh Nam chích quái vào xu
hướng dân gian và "phần lớn là truyện có tính chất truyền thuyết" [12, tr.41].
Những thành tựu nghiên cứu của giới khoa học về Lĩnh Nam chích
quái ở trên là những gợi ý quí báu cho chúng tôi, đồng thời khuyến khích
chúng tôi tiếp tục ý tưởng khoa học để thực hiện đề tài.

3. Mục đích nghiên cứu
Thông qua việc tìm hiểu những giá trị nội dung và nghệ thuật cơ bản
của Lĩnh Nam chích quái tác giả khoá luận hi vọng góp phần làm cho mọi
người hiểu biết thêm về một tác phẩm trung đại với thể loại tự sự. Đồng thời
nhìn nhận đánh giá đúng vai trò, vị trí của tác phẩm trong lịch sử phát triển
văn học dân tộc, những giá trị văn hoá của Lĩnh Nam chích quái, có thái độ
trân trọng những di sản văn hoá của cha ông.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Với đề tài Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật trong Lĩnh Nam
chích quái, nhiệm vụ nghiên cứu của chúng tôi là tìm hiểu các giá trị nội

dung, hình thức nghệ thuật cơ bản của tác phẩm Lĩnh Nam chích quái.

5. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, đối tượng nghiên cứu của khoá luận là tác phẩm
Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Tác phẩm gồm 20 truyện.
7


Lĩnh Nam chích quái tương truyền cho Trần Thế Pháp viết, sau đó
được nhiều nhà nho biên soạn lại. Nhưng văn bản hiện còn do Vũ Quỳnh và
Kiều Phú biên soạn. Nên chúng tôi xin chọn văn bản Lĩnh Nam chích quái
của Vũ Quỳnh và Kiều Phú (Nxb Văn học, 2001).
5.2. Phạm vi nghiên cứu
Từ những gợi ý, những thành tựu của giới nghiên cứu đã có được.
Khoá luận đi tìm hiểu nội dung và hình thức nghệ thuật tiêu biểu trong Lĩnh
Nam chích quái để có được cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn đối với tác
phẩm.

6. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng một số phương pháp sau:
- Phương pháp thống kê
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp hệ thống
Cùng với một số phương pháp trên, khoá luận kết hợp các thao tác
phân tích, liệt kê... để hoàn thiện tốt hơn đề tài.

7. Đóng góp của đề tài
Thông qua triển khai đề tài khoá luận, chúng tôi hi vọng giúp bạn đọc
tìm hiểu một số nội dung và hình thức nghệ thuật tiêu biểu trong Lĩnh Nam

chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Đồng thời giúp bạn đọc có cái nhìn
thấu đáo hơn khi đánh giá tác phẩm, hiểu thêm về thể loại văn xuôi tự sự,
giúp ích cho công việc giảng dạy sau này.

8


8. Cấu trúc khoá luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần Nội dung
của khoá luận gồm 3 chương sau:
- Chương 1. Những vấn đề chung (Hoàn cảnh ra đời của Lĩnh Nam
chích quái; Tác giả Vũ Quỳnh và Kiều Phú; Tác phẩm Lĩnh Nam
chích quái)
- Chương 2. Giá trị nội dung trong Lĩnh Nam chích quái
- Chương 3. Giá trị nghệ thuật biểu hiện trong Lĩnh Nam chích quái

9


Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.1. Hoàn cảnh ra đời của Lĩnh Nam chích quái
Xã hội thế kỉ XIV - XV có nhiều biến động sâu sắc. Đất nước mở ra
kỷ nguyên mới. Sau khi đánh đuổi được giặc nước, nhân dân có điều kiện
phát huy những khả năng của mình. Các triều đại phong kiến đã dùng chính
sách "khoan dân", "thân dân" để củng cố sự phát triển của đất nước. Nằm
trong thời kỳ phục hưng của dân tộc đất nước ta đã có những bước tiến ban
đầu. Nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển mạnh mẽ,

giao thông được mở mang. Nhìn chung nước Việt đang trên đà phát triển và
đã có được nhiều thành tựu khác nhau.
Giai đoạn này dân tộc ta đã bước vào thời kỳ phục hưng văn hoá dân
tộc lần thứ nhất. Văn hoá nước Đại Việt được các triều đại phong kiến cùng
thời hết mực quan tâm. Họ mong muốn xây dựng được một nền văn hoá
riêng biệt. Thời Lý và Trần nhà nước đã cố gắng dung hoà văn hoá dân gian
với hệ tư tưởng Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Phục Hưng văn hoá giúp
cho nhân dân ta khẳng định được độc lập và vượt qua được cuộc chiến tranh
chống xâm lược phương Bắc. Văn hoá không chỉ giúp người dân Việt hiểu
rõ về nguồn cội và còn giúp các triều đại phong kiến củng cố vương quyền
của mình.
Thế kỉ XIV - XV đã thể hiện một cách rõ nét khát vọng độc lập dân
tộc. Các triều đại phong kiến đặc biệt chú ý tới dã tâm cướp nước của giặc
phương Bắc. Vì vậy họ đã dùng thành tựu văn hoá văn nghệ dân gian nêu
cao những cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, hay những truyền thuyết về một
số vị thần đã tăng thêm niềm tự hào dân tộc. Qua đó góp phần khẳng định
10


quốc gia ta trường tồn theo thời gian, không một thế lực nào đô hộ được trên
phương diện chính trị cũng như tinh thần.
Ý thức về dân tộc nên các triều đại phong kiến nước ta mong muốn
sưu tầm lại văn hoá, văn nghệ dân gian. Xuất phát từ những điều kiện chủ
quan đã tác động tới chủ thể văn hoá Việt nam trên tất cả các phương diện
vật chất và tinh thần. Truyện đi từ nguồn gốc giống nòi và quốc gia tới công
cuộc xây dựng đất nước. Bên cạnh đó còn đề cập tới tất cả những con người
cũng như thần linh trong quá trình bảo vệ quốc gia. Tất cả những yếu tố đó
đã chi phối chủ thể văn hoá.
Hoàn cảnh lịch sử - xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các tác giả
sưu tầm, biên soạn văn học dân gian. Không chỉ lưu giữ giá trị văn hoá

những nhà chấp bút đã khẳng định được độc lập dân tộc.

1.2. Tác giả Vũ Quỳnh và Kiều Phú
1.2.1. Tác giả Vũ Quỳnh
Vũ Quỳnh tự Thủ Phác, hiệu Đốc Trai, lại có hiệu khác là Yến
Xương, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, Hải Dương, sinh năm
1453, đậu tiến sĩ năm 26 tuổi (niên hiệu Hồng Đức thứ 9, 1478) làm quan
đến Lễ bộ Thượng thư, khi về trí sĩ trên đường trở lại quê nhà, bị cướp giết
chết (1516).
Vũ Quỳnh có soạn nhiều tác phẩm: Bộ sử Việt giám thông khảo, tập
thơ Tố Cầm, tập truyện Lĩnh Nam chích quái và sách Đại thành toán pháp.

1.2.2. Tác giả Kiều Phú
Kiều Phú hiệu là Hiếu Lễ, người làng Lạp Hạ, huyện An Sơn, tỉnh
Sơn Tây, sinh năm 1450, đậu tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 6 (1475). Không rõ
ông làm quan đến chức gì.
11


Trong sách Đăng khoa lục bị khảo, phần Sơn Tây, An Sơn viết về
ông, có đoạn sau: "... lại cùng Vũ Quỳnh người Đường An, soạn Lĩnh Nam
chích quái". Do đó, có thể nói ông và Vũ Quỳnh là hai nhà biên soạn sách
Lĩnh Nam chích quái.
Cũng như Nguyễn Văn Chất và Ngô Sĩ Liên, hai soạn giả Vũ Quỳnh,
Kiều Phú đều là bậc đại khoa (cả bốn người đều đỗ tiến sĩ). Việc những
người học rộng đỗ cao, những nhà nho có danh vọng mà chú ý đến kho tàng
văn hoá, văn học dân gian đã phản ánh tinh thần dân tộc của các trí thức thời
Lê. Vũ Quỳnh và Kiều Phú vẫn còn giữ quan niệm chép truyện như chép sử
nhưng trong việc làm thì lại có khác những người đi trước ở chỗ coi trọng
những chi tiết mang ý nghĩa văn học.


1.3. Tác phẩm Lĩnh Nam chích quái
Lĩnh Nam chích quái được cho rằng do Trần Thế Pháp viết. Sau đó
được nhiều người biên soạn lại như: nhà nho họ Đoàn ở đời nhà Mạc, Vũ
Khâm Lân, Vũ Đình Quyền... Nhưng bản Lĩnh Nam chích quái truyền đến
ngày nay là của Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Chúng tôi muốn trình bày đôi điều
về "hành trình" của các phẩm Lĩnh Nam chích quái qua những văn bản khác
nhau.

1.3.1. Tác phẩm của Trần Thế Pháp
Lĩnh Nam chích quái, hay Lĩnh Nam chích quái liệt truyện ra đời vào
khoảng cuối thế kỷ XIV của Trần Thế Pháp, gồm 22 truyện. Những truyện
trong đó phần lớn có tính chất truyền thuyết.
Những câu chuyện trong Lĩnh Nam chích quái được coi là những tia
sáng soi chiếu văn hoá của dân tộc ta thuở xa xưa. Truyện kể về nguồn gốc
quốc gia, dân tộc Việt, quá trình chinh phục tự nhiên mở mang đất đai;
12


chuyện xây dựng nền văn minh vật chất như đắp Loa thành, chế nỏ... Hay
những phong tục tập quán, cưới xin bằng trầu cau, làm bánh chưng bánh dày
ngày Tết, dưa hấu mùa hè, thiết lập quan hệ với nước ngoài...

1.3.2. Tác phẩm của Vũ Quỳnh, Kiều Phú
Vũ Quỳnh, Kiều Phú là một trong những nhà nho có công trong việc
soạn lại tác phẩm Lĩnh Nam chích quái. Vũ Quỳnh đã bảo lưu bản thảo của
Trần Thế Pháp vào năm 1492, hoặc cải biên vài ba chi tiết trong tác phẩm
sao cho phù hợp với quan điểm của mình như Kiều Phú vào năm 1493.
Theo Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí quyển 45) thì
nguyên bản của Vũ Quỳnh - Kiều Phú gồm 22 truyện, tập hợp trong hai

quyển, còn một quyển thứ ba thêm vào sau gồm 19 truyện. Căn cứ vào bài
hậu tự của Vũ Quỳnh và bài hậu tự của Kiều Phú thì con số 22 có lẽ gần
đúng.
Bên cạnh đó theo như Phan Huy Chú viết tổng hợp các truyện của
Vũ Quỳnh và Kiều Phú viết gồm 23 truyện.
Lĩnh Nam chích quái do Vũ Quỳnh và Kiều Phú biên soạn lại mang ý
nghĩa nêu bật cội nguồn dân tộc, anh hùng dân tộc, linh khí núi sông, các
phong tục độc đáo của quốc gia. Bên cạnh đó còn tỏ rõ ý thức về dân tộc, về
dòng giống. Ngoài ra có truyện thái sinh, truyện hiếu sắc... Tình tiết các
truyện đã phức tạp hơn. Các mô típ của truyện theo dân gian làm tăng sức
hấp dẫn cho người đọc.

13


Chương 2

GIÁ TRỊ NỘI DUNG TRONG LĨNH NAM CHÍCH QUÁI

2.1. Đề tài về nguồn gốc giống nòi và đất nước Việt
Trong tâm thức người Việt Nam tự bao đời đã có ý thức về nguồn gốc
giống nòi và đất nước của mình. Đọc Lĩnh Nam chích quái, chúng ta tìm về
với cội nguồn dân tộc sâu xa đó.
Những truyện Hồng Bàng thị, Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh là những tư
liệu quý giá sáng lên nhiều vấn đề văn hoá nguồn cội buổi bình minh.
Lĩnh Nam chích quái đã giúp người Việt lý giải giống nòi của mình.
Dân tộc nào cũng có nguồn cội ví như "trời đã sai chim huyền điểu giáng thế
sinh ra vua nhà Thương, thì ắt Truyện Hồng Bàng thị không thể mất được".
Việc lý giải giống nòi đã có mặt trong truyện đó.
Theo dòng thời gian, chúng ta trở lại với cội nguồn người Việt. Bằng

cách tiếp cận văn bản, chúng ta thấy rằng, Truyện Hồng Bàng thị là câu
chuyện thần thoại về thuỷ tổ người Việt. Ở đó Lạc Long Quân là một nhánh
trong gia hệ của Viêm Đế - Thần Nông tách ra. Long Quân nòi rồng kết
duyên cùng Âu Cơ giống tiên tạo nên một trăm người con trai. Vì Long
Quân và Âu Cơ khác loài do đó một trăm người con trai của họ sinh ra cũng
rất khác thường. Âu Cơ sinh ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một
trăm con trai. Mang trong mình dòng máu Rồng Tiên nên một trăm người
con đó "không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kì dị". Nòi
Rồng và giống Tiên "tuy khí âm dương hợp" song thuỷ hoả tương khắc,
dòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được". Với kết luận như vậy đã dân
tới cuộc chia li giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em với
nhau. Nhưng, chính nhờ sự phân chia nuôi dưỡng các con mà dân tộc Việt
14


được hình thành. Năm mươi người con theo Lạc Long Quân xuống Thuỷ
Phủ, năm mươi người theo Âu Cơ "về ở trên đất, chia nước mà trị". Cuộc
hành trình của Âu Cơ và năm mươi người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng
Vương. Nhắc tới vua Hùng trong tâm thức người Việt đó là người có công
xây dựng cõi Việt ta. Phải nói rằng, dân tộc ta có nguồn gốc từ nòi Rồng và
giống Tiên. Sự kết hợp giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ đã sinh ra dân tộc
Việt. Trong dòng máu người Việt đang chảy đều cơ sự hoà quyện giữa Rồng
và Tiên. Chả trách, trong ý thức người con đất Việt họ đều coi mình là con
của cha Rồng và mẹ Tiên.
Nguồn gốc về giống nòi đã đẩy ý thức của người Việt Nam lên cao.
Tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam này đều là anh em. Chúng ta cùng
một mẹ một cha, cùng sinh ra từ một bào thai của mẹ Âu Cơ. Hai chữ "đồng
bào" đã nói lên điều thiêng liêng ấy. Cõi Việt, đất nước của những người con
Rồng Tiên đã dày công khai phá. Là con một nhà, mỗi người con Việt luôn
đứng bên nhau trong mỗi hoàn cảnh nguy khốn cũng như chung tay xây

dựng và bảo vệ đất nước.
Khái niệm đất nước được lý giải giản dị qua câu chuyện mẹ Âu Cơ và
người cha Lạc Long Quân chia con đi làm ăn, sinh tụ ở hai không gian của
người Việt cổ: vùng núi non (đất) và vùng sông biển (nước). Vậy là, những
nơi ấy trở thành quê hương xử sở, là nơi sinh tụ làm ăn, cư trú của cha ông ta
thuở trước. Họ đã ra đi ở buổi hồng hoang để con cháu sau này tiếp bước.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã định nghĩa khái niệm về đất nước theo
huyền thoại của dân gian:
Đất là nơi chim về
Nước là nơi rồng ở.
Từ cuộc khai mở của cha ông, một đất nước được hình thành. Sau này
hai cõi không gian đất và nước trở thành biểu tượng gắn kết không rời.
15


Chúng ta gọi tên đất nước bằng những danh xưng khác nhau: giang sơn, sơn
hà, hay núi sông cũng có lẽ từ thuở xa xưa ấy. Ở Hồng Bàng thị còn đề cập
đến một chân lý muôn đời đó là sự đoàn kết giữa những người con đất Việt.
Tuy cư trú trên hai địa bàn khác nhau song họ luôn đoàn kết trong
mọi trường hợp. Tình cảm gắn kết ấy được biểu hiện rõ nét khi cha và mẹ
"chia con" về hai cùng cách biệt. Người cha Long Quân nói rằng: "lên núi,
xuống biển, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên nhau".
Đi mở nước, những người con tiên phong đã phải đối đầu với bao thử
thách. Họ phải đấu tranh với thiên nhiên, với thời tiết nghiệt ngã... Cha ông
ta đã ý thức được việc mở mang bờ cõi cùng với việc vượt lên chiến thắng
những thử thách. Những Truyện Mộc tinh, Ngư tinh, Hồ Tinh thể hiện rõ
công cuộc đấu tranh này. Ba truyện trên còn là ký ức của cha ông về câu
chuyện làm ăn gặp muôn vàn gian nan. Ở đâu con người cũng vấp phải kẻ
thù thiên nhiên. Cùng quay về những thiên truyện giàu màu sắc kỳ ảo, dân
gian còn muốn giải thích những địa danh trên quê hương xử sở và đặc điểm

thổ nhưỡng nơi mình cư trú.
Truyện Ngư tinh đã khẳng định sức mạnh của người Việt Nam trong
cuộc chiến chống thiên nhiên mở rộng địa bàn cư trú vùng sông nước. Đồng
thời qua truyện còn giải thích một số địa danh trên lãnh thổ Việt Nam. Bằng
sức mạnh của mình Long Quân đã tiêu diệt được Ngư tinh. Ngư tinh bị tiêu
diệt đã để lại bao dấu tích và ngày nay ở đó người ta gọi là Bạch Long Vĩ,
Cẩu Đầu Sơn, Mạn Cầu Thuỷ. Việc phá tan Ngư tinh đã giúp người Việt
khẳng định quyền làm chủ trên vùng sông nước.
Địa bàn sông nước yên ổn, người dân Việt tiếp tục khai phá ở vùng
đồng bằng. Truyện Hồ tinh đã khái quát được quá trình khai khẩn đất đai ở
miền đồng bằng. Công việc mở mang không phải lúc nào cũng thuận lợi,
khó khăn luôn trước mắt. Cảm thương với cuộc sống khổ sở của người Man,
16


Long Quân đã ra lệnh cho "lục bộ thuỷ phủ dâng nước lên công phá hang
đó" tiêu diệt cáo chín đuôi. Không phụ lòng người, con cáo bị tiêu diệt.
Những dấu vết về cuộc chiến đó đã tạo thành Tây Hồ. Xung quanh nơi cáo
chín đuôi trú ngụ trước kia giờ trở thành nơi sinh sống và làm ăn của người
dân "cánh đồng rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn". Cuộc
sống của con người bước sang một trang mới. Trước kia khai phá đất đai
khó khăn, nguy hiểm giờ đây họ đã mở ra một địa bàn cư trú mới.
Người Việt không chỉ khai khẩn đất đai ở vùng sông nước, đông bằng
mà họ còn mở mang đất đai ở vùng trung du. Cũng giống miền đồng bằng,
miền trung du là nơi quy tụ nhiều người Việt sinh sống và giao lưu buôn
bán. Một cây xanh "cành lá xum xuê, không biết che rợp tới mấy ngàn dặm".
Ban đầu chúng ta tưởng đây là một cây xanh bình thường vô hại nhưng nó
đã gây hại cho nhiều loài sống xung quanh nó", thường thay đổi dạng, rất
dũng mãnh, có thể giết người hại vật". Việc tiêu diệt cây thành tinh đã chứng
tỏ con người đất Việt vô cùng khéo léo. Họ tiêu diệt cây đó bằng trí tuệ cộng

thêm sự khéo léo vốn có của mình. Cuối cùng cây thành tinh bị tiêu diệt, dân
trở lại cuộc sống bình yên. Thực ra cuộc chiến tiêu diệt Mộc tinh chính là
cuộc đấu tranh đầy gian khó của người Việt cổ, khi họ sinh sống ở vùng
rừng rú thời hồng hoang (Truyện Mộc tinh).
Mở mang diện tích đất đai trên ba vùng sông nước, trung du và đồng
bằng đã khẳng định quá trình khai phá khó khăn, cực khổ của người Việt.
Trên phương diện mở rộng địa bàn cư trú đồng thời cha ông ta cũng khẳng
định vai trò làm chủ cõi Việt của người Việt Nam.
Người dân Việt trong Lĩnh Nam chích quái hiện lên gần gũi. Họ là
những người tạo dựng nên nghề mưu sinh cho con cháu. Nước ta coi nông
nghiệp làm trọng, thuở đầu "Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy làm ruộng
trồng dâu" (Truyện Hồng Bàng thị). Công việc Long Quân dạy cho con cháu
17


mình luôn theo quá trình phát triển của đất nước. Chính nền nông nghiệp
được truyền dạy từ sớm đã giúp cõi Việt trở thành một trong những nền văn
minh lúa nước.
Trong truyện Nhất Dạ Trạch, không chỉ lý giải về một danh xưng mà
nó còn nêu bật quá trình hình thành và phát triển của một vùng giao thương
hàng hoá. Ở đó là chợ Hà Lương. Tại vùng sông nước ấy, Chử Đồng Tử và
Tiên Dung đã mở ra con đường giao lưu buôn bán và giao lưu văn hoá với
người trong nước cũng như người nước ngoài.
Song song với quá trình phát triển của con người cần có một nghề
mưu sinh. Nhờ nghề đó mà họ sinh sống, tồn tại trên đất nước Việt. Không
những thế nghề mưu sinh đó đã giúp họ phát triển đất nước cùng với việc
thông thường trong và ngoài nước.
Lĩnh Nam chích quái có những thiên truyện giải thích về giống nòi, về
đất nước Việt Nam... Ở đó, con người hiện lên thật phi thường: họ dám đấu
tranh chống lại thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên ở các vùng sông nước,

trung du và đồng bằng. Bằng sức khoẻ kết hợp với sự thông minh, khéo léo
họ đã chiến thắng tự nhiên để rồi mở mang một vùng sinh tụ rộng lớn trên cả
ba miền.

2.2. Đề tài về nhân vật lịch sử
Lịch sử là tấm gương phản chiếu những gì diễn ra trong quá khứ. Quá
khứ diễn ra nhiều sự việc khác nhau, song có một nhân tố quan trọng làm
nên lịch sử đó là con người. Trải qua nhiều thời kì khác nhau, con người đã
có những hành động, những cống hiến thậm chí cả những câu nói truyền
tụng cho đời sau.
Hãy bắt đầu bằng Truyện Đổng Thiên Vương. Đó là người con làng
Phù Đổng đánh giặc Ân. Thấy giặc lấn chiếm bờ cõi, cậu bé ba tuổi đã lớn
18


thật nhanh để đánh đuổi quân cướp nước. Với hình dáng hiên ngang cưỡi
con ngựa sắt, tay cầm roi sắt cậu bé hiện lên hùng dũng. Người con làng Phù
Đổng tuy ba tuổi nhưng mang dáng vẻ của một dũng tướng. Đằng sau cuộc
xuất quân của Gióng là cả dân tộc đoàn kết thành sức mạnh vô song để đánh
bại kẻ thù.
Với Truyện Hai Bà Trinh linh phu nhân họ Trưng, tác giả đã ca ngợi
những người phụ nữ chí cả kiên cường. Họ đã vượt lên phận nữ nhi, nén lại
thù nhà người con gái đất Việt đã vùng lên tập hợp nhân dân chống lại kẻ
thù tàn ác. Đó là cuộc ra quân được muôn nơi, muôn người hứng ứng "các
quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng". Không chỉ ca ngợi tài
cao của vị nữ tướng đầu công nguyên đánh giặc giải phóng đất nước, những
truyện trong Lĩnh Nam chích quái còn khẳng định quyền làm chủ đất nước
của người Việt Nam. Đó là việc Bà Trưng xưng vương khi đánh bại kẻ thù.
Về sau, thế giặc phương Bắc mạnh, quân của Bà Trưng không chống nổi đã
tan vỡ. Song bức tranh chống giặc ngoại bang của các nữ tướng thuở đó đã

làm bừng sáng chí khí chống kẻ thù của đất nước nói chung và hai bà nói
riêng. Hình ảnh Hai Bà Trưng chống quân xâm lược đã làm dày nên những
trang sử hào hùng của dân tộc.
Không chỉ có con người thần linh cũng đồng lòng chống lại những kẻ
cướp nước. Trương Hống, Trương Hát trong Truyện Hai vị thần ở Long
Nhãn, Như Nguyệt đã vì nghĩa mà tự vẫn sau được phong thần. Thấy cảnh
quân Tống xâm phạm bờ cõi nước ta đã dốc lòng cùng Lê Đại Hành phá tan
ngoại bang. Bằng sức mạnh thần thánh của mình, hai vị thần đã dẫn "đoàn
âm binh áo trắng" và "đoàn âm binh áo đỏ" phá giặc. Cùng nhau đoàn kết
chống lại bọn xâm lược tàn ác hai anh em Trương Hống và Trương Hát đã
khiến cho quân Tống đại bại. Hình ảnh về hai vị thần dẹp giặc càng tăng
thêm tinh thần bảo vệ đất nước trong lòng người dân Việt Nam.
19


Nhân vật lịch sử nước Việt rất nhiều, trên đây chỉ là một số nhân vật
tiêu biểu cho những người anh hùng lập công trong kháng chiến vệ quốc
được Lĩnh Nam chích quái ngợi ca. Không chỉ dừng lại ở sử Việt Nam Lĩnh
Nam chích quái còn nói về nhân vật của nước Nam ta trong câu chuyện
bang giao với người phương Bắc. Đó là Lý Ông Trọng trong truyện cùng
tên. Lý Ông Trọng mang trong mình dòng máu Việt tuy vậy ông đã lập được
nhiều công tích với vương triều Tần ở phương Bắc. Khi Lý Ông Trọng
không còn ở phương Bắc nữa, Tần Thuỷ Hoàng đã phải mượn uy danh của
ông để lui quân Hung Nô. Với truyện này, người nghệ sĩ dân gian bộc lộ
niềm tự hào về nhân tài phương Nam và cũng đề cập tới câu chuyện bang
giao thời viễn cổ của người phương Nam với người phương Bắc.
Nhân vật lịch sử trong Lĩnh Nam chích quái đều để lại cho đời sau
những tấm gương sáng bởi tài đức và chiến công to lớn của họ. Những nhân
vật được nói ở trên đều có chiến tích bảo vệ quốc gia, gìn giữ sự bình an cho
nhân dân hay làm rạng danh đất Việt khi bang giao ở xứ người.

Không chỉ ca ngợi những con người là tướng lính, những con người
giữa nhân thế phàm trần, Lĩnh Nam chích quái còn hướng cảm hứng tới
những nhân vật tôn giáo. Những truyện như: Truyện Man Nương; Truyện
Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không; Truyện Dương Không Lộ và Nguyễn
Giác Hải đã đề cập đến kiểu nhân vật tăng lữ phi thường.
Trong Truyện Man Nương, người phụ nữ dốc lòng học đạo đã giúp
dân vượt qua trận đại hạn. Phật giáo có câu cứu một mạng người giống như
xây bảy toà tháp Man Nương đã dùng cây trượng tìm nguồn nước cho dân
bà đã "lấy trượng cắm xuống đất, tự nhiên nước cuồn cuộn chảy". Bà Man
Nương đã đem lại sự sống cho quê hương xứ sở sau nắng hạn khô cháy.
Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là những truyện ly kỳ
về những nhà sư phi thường. Từ Lộ ẩn cư ở núi Phật Tích rồi tu đắc đạo. Sau
20


đó, hàng loạt kỳ tích do vị cao tăng này đã tu luyện mà có được. Ông "cầm
gậy chống ở tay thử ném xuống dòng nước chảy xiết. Gậy đi ngược dòng
nước tới cầu Tây Dương thì dừng lại". Không chỉ có vậy pháp lực của Từ Lộ
ngày càng mạnh" Lộ đốt ngón tay cầu đảo, phun nước trị bệnh". Mang
những phép lực của mình học được Lộ đã đem tài trị bệnh cứu người. Tương
truyền, có mấy phần người kéo về để được vị cao tăng này cứu chữa.
Nguyễn Minh Không cũng có những phép thuật phi thường. Nồi cơm ông
thiết đãi những người từ kinh đô đến đón ông đi chữa bệnh cho vua có phép
lạ: Nồi cơm nhỏ ăn hết lại đầy "hơn một trăm người cùng ăn cũng không sao
hết". Pháp lực còn giúp Minh Không đưa thuyền về tới kinh thành trong
khoảnh khắc. Tới kinh thành, Minh Không bị mọi người khinh thường bởi
vẻ quê mùa của ông. Sau đó cách cư xử của mọi người thay đổi khi trong
triều không ai nhổ được "chiếc đinh dài hơn năm tấc đóng vào cột điện".
Minh Không quả hơn người đã dùng "hai ngón tay mà nhổ, đinh bật phăng
ra". Cách Minh Không dùng để chữa bệnh cho vua Thần Tông cũng thật kỳ

lạ. "Minh Không bèn lấy một cái vạc lớn đựng dầu, đun lên sôi sùng sục, rồi
lấy tay khoắng vào bốn lần, rắc vẩy lên khắp mình vua". Thần lực của các vị
cao tăng xưa rất phi phàm, họ đã biết tận dụng phép thuật đó để làm những
việc đại đức đại nhân.
Truyện Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải, một lần nữa các nhà
sư hiện lên mang đầy nét huyền hoặc. Thiền sư Không Lộ mang trong mình
những phép thuật cao siêu "có thể bay và lên không, đi trên băng giá, bắt
được hổ phải phục, bắt được rồng phải giáng". Bên cạnh đó Nguyễn Giác
Hải cũng là bậc kỳ tài, ngài đã điều khiển được các con vật "đọc thần chú"
làm từng con tắc kè rơi xuống đất. Có lẽ trong một giai đoạn Phật giáo hưng
thịnh mà hình tượng các vị tăng lữ ở cái thế "thượng phong". Họ xứng đáng
giành được nhiều lời thán phục ngưỡng mộ.
21


Dẫu những nhân vật lịch sử thuộc những tầng lớp người khác nhau,
song dưới ngòi bút biên soạn của các nhà nho thế kỷ XIV, XV họ đều là hiện
thân của những con người kiệt xuất của cõi Việt ta. Lịch sử dân tộc nhờ
những con người như thế mà nhiều điểm sáng, nhiều những chiến công... Họ
đã làm nên đất nước và làm nên dân tộc, tạo dựng nền văn hoá Việt Nam.

2.3. Đề tài về linh khí núi sông, thần linh dân tộc
Tin vào sức mạnh tâm linh, vào linh khí núi sông là nguồn mạch tuân
chảy suốt từ thời xa xưa đến thời hiện đại. Trong tâm thức người Việt, chúng
ta có nhiều người kiệt xuất, lại có sông núi linh thiêng. Tư duy như vậy giúp
người Việt vượt qua bao thử thách trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Dẫu là nhiên thần hay nhân thần, dù là thần sông, thần núi hay con người...,
những vị thần linh đất Việt đều hướng về quê hương xứ sở, đất nước, dân
tộc mình.
Ở Truyện Rùa Vàng, thần linh đất Việt thấy An Dương Vương xây

thành nhiều lần bị đổ đã hiển linh giúp sức. Đó là thổ thần (Thần đất) đã
mách bảo cho nhà vua đi gặp Sứ Thanh Giang - tức thần kim quy. Sứ Thanh
Giang đã giúp nhà vua tìm ra nguyên nhân vì sao thành đắp mãi mà vẫn đổ:
việc này xảy ra không phải do người mà do tinh khí, yêu tinh thậm chí quỷ
tinh ở mảnh đất đó phá hỏng. Có Rùa Vàng giúp sức mà Loa Thành xây
xong, thần linh chính là trí tuệ, là sức mạnh giúp cho con người trong việc
đại sự.
Trong tâm thức dân gian đất nước ta đâu cũng có thần linh trợ giúp
con người. Thần linh hoá thân vào xứ sở, vào núi sông đất Việt. Các đấng
siêu nhiên ấy luôn đem đến cho con người sức mạnh, họ đồng hành giúp con
người xây dựng đất nước, họ quan tâm tới sự tồn vong của quốc gia dân

22


tộc... do đó trong Truyện Rùa Vàng, Sứ Thanh Giang đã để lại cho vua một
cái vuốt để làm lẫy chống giặc.
Hoá thân vào hồn thiêng núi sông, thần linh đất Việt luôn xuất hiện
vào những thời khắc quyết định của lịch sử. Đặc biệt thần linh "tham gia"
vào công cuộc chống giặc.
Dẫu xuất hiện dưới những dạng thức khác nhau, những tình huống
khác nhau, song thần linh đều hướng về quyền lợi của quốc gia, của dân tộc.
Khi Cao Biền đô hộ nước ta, thần sông Tô Lịch (Truyện Sông Tô Lịch) đã ba
lần hiển linh đối thoại với Biền. Lần đầu thần sông mang hình dạng của một
"cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ, tắm ở giữa dòng sông, cười nói hớn
hở". Lần thứ hai, thần sông là "một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai
trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một
khoảng trời, chập chờn lên xuống trong khoảng không". Hai lần thần sông
xuất hiện đã gây hoang mang cho kẻ đô hộ, khiến Biền phải lập đàn niệm
chú. Lần thứ ba, thần xuất hiện trong giấc mộng của Biền. Cách đối đáp của

thần với Biền vừa cương vừa nhu. Với ba lần xuất hiện, uy phong của thần
đã khiến cho tên tướng giặc kiêm phù thuỷ Cao Biền sợ hãi cuốn gói về
nước.
Các vị thần linh khi mang dáng dấp những vật tứ linh (như rùa vàng)
có khi là những dị nhân như thần Tô Lịch (Truyện Sông Tô Lịch), thần
Trương Hống, Trương Hát (Truyện Hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt).
Sức mạnh uy phong của thần không chỉ điều binh khiển tướng ở cõi trần mà
còn điều khiển cả âm linh ra trận bảo vệ bờ cõi. Trương Hống và Trương
Hát đã cùng đoàn âm binh phá giặc Tống.
Không chỉ có linh khí núi sông, những vị nhân thần đất Việt cũng làm
nên những thiên truyện hấp dẫn. Đó là những nhân vật có công với cộng
đồng khi họ chết đi mà vẫn bất tử. Bởi họ đã hoá thần linh. Họ thường hiển
23


linh giúp hậu thế khi gặp nạn. Hai Bà Trưng trong Truyện Hai Bà Trinh linh
phu nhân họ Trưng, thấy dân gặp cảnh đại hạn, hai bà đã làm mưa. Phải nói
rằng, cũng là người Việt, cùng sống trên quốc gia nước Việt người sống
cũng như đã hoá thân thành thần linh đều hướng tới sự tồn tại của quốc gia,
của cộng đồng.
Có lẽ, nhận ra niềm tin, sức mạnh của linh khí núi sông và nhân thần
đất Việt nên người phương Bắc luôn có âm mưu triệt tiêu thần linh phương
Nam. Truyện Núi Tản Viên đã cho ta biết rõ hành động và âm mưu thâm độc
của người phương Bắc. Họ "mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt
ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc quần áo vào, rồi đặt lên ngai, tế bằng trâu
bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém". Chỉ bấy nhiêu chi tiết chúng ta
đã thấy sự tàn ác của quân xâm lược phương Bắc. Chúng giày xéo đất đai ta
chưa đủ mà còn giết người một cách tàn ác "mổ bụng". Giết người chưa đủ
chúng còn muốn tiêu diệt hết thần linh nước Việt. Người phương Bắc muốn
huỷ diệt văn hoá phương Nam. Kẻ thù gieo rắc "tư tưởng nô lệ" vào đầu óc

người Việt để hòng doạ nạt chúng ta và dã tâm để đô hộ người Việt lâu dài.
Linh khí núi sông, thần linh dân tộc đã được Lĩnh Nam chích quái
khai thác một cách sinh động đa dạng có ý thức. Có thần linh giúp vua dựng
thành, có thần linh chống ngoại bang bảo vệ bờ cõi hay giúp dân vượt qua
nguy nan trong cuộc mưu sinh. Tất cả những thần linh đó đời nào cũng có,
tuy mang nhiều dáng vẻ khác nhau song họ luôn đặt sự tồn vong của quốc
gia lên đầu, đặt cuộc sống yên bình của dân tộc Việt lên trên hết. Nước Nam
ta là nước địa linh nhân kiệt, người tài hoa thuở nào cũng có, thần linh muôn
đời ủng hộ. Người Việt tin rằng, quy tụ được những điều đó sẽ mang đến sự
trường tồn cho quốc gia.

24


×