Tải bản đầy đủ (.pdf) (84 trang)

Nghệ thuật sử dụng điển cố trong quốc âm thi tập của nguyễn trãi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (521.95 KB, 84 trang )

Trường đại học sư phạm Hà Nội 2
Khoa Ngữ văn
***&***

Đào Thị Hương Thu

Nghệ thuật sử dụng điển cố trong Quốc
âm thi tập của Nguyễn Trãi

Khoá luận tốt nghiệp đại học
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Hà nội - 2007

- 1 -


Trường đại học sư phạm Hà Nội 2
Khoa Ngữ văn
Đào Thị Hương Thu

Nghệ thuật sử dụng điển cố
trong quốc âm thi tập
của Nguyễn Trãi
Khoá luận tốt nghiệp đại học
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Người hướng dẫn khoa học
Th.s Nguyễn Thị Tính

Hà nội – 2007



- 2 -


Lời cảm ơn!

Trong quá trình nghiên cứu đề tài: ―Nghệ thuật sử dụng
điển cố trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi’’, em đã nhận
được sự giúp đỡ của Ban chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, các thầy
cô giáo trong tổ Văn học Việt Nam—Trường Đại học sư
phạm Hà Nội 2. Em xin gửi tới các thầy cô lời cảm ơn chân
thành và sâu sắc nhất, đặc biệt là cô Nguyễn Thị Tính, người
đã tận tình giúp đỡ em hoàn thành khoá luận tốt nghiệp này.

Xuân Hoà, tháng 5 năm 2007

Sinh viên

Đào Thị Hương Thu - k29A

- 3 -


Lời cam đoan

Tôi xin cam đoan khoá luận này là kết quả nghiên cứu
của riêng tôi.
Khoá luận với đề tài: ―Nghệ thuật sử dụng điển cố trong
Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi‖ chưa từng được công bố
trong bất kì công trình nghiên cứu nào khác.


Xuân Hoà, tháng 5 năm 2007

Sinh viên

Đào Thị Hương Thu - K29A

- 4 -


- 5 -


Mở đầu
1. Lý do chọn đề tài
1.1

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là nhân vật đặc biệt của dân tộc

Việt. Ông là một con người toàn tài hiếm có: là anh hùng giải phóng dân
tộc, danh nhân văn hoá thế giới, là nhà quân sự, chính trị, ngoại giao lỗi lạc,
là nhà sử học, địa lý học xuất chúng và là một tác gia văn học lớn. Trong
lĩnh vực nào Nguyễn Trãi cũng có đóng góp xuất sắc. Về hoạt động xã hội,
ông là bậc khai quốc công thần một lòng xây đắp vương triều họ Lê trong
buổi ban đầu [10;11] . Về hoạt động văn học, ông là cột mốc sáng chói đầu
tiên của nền văn học Việt Nam. Văn chương Nguyễn Trãi có giá trị vô cùng
to lớn. Ngô Thế Vinh cho rằng: ―Văn chương có đủ sức sửa sang việc đời
thì mới đáng lưu truyền ở đời. Trong nền văn hiến nước ta, ức Trai tiên
sinh chính là người có thứ văn chương ấy” [10;48]. Những sáng tác của
ông có ý nghĩa mở đường trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học

Việt Nam, là thành tựu rực rỡ vào bậc nhất của văn chương Việt Nam trung
đại. Việc nghiên cứu về Nguyễn Trãi và những tác phẩm văn học của ông
đã được tiến hành từ nhiều năm nay và sẽ còn tiếp tục được quan tâm. Đối
với một người học văn và dạy văn không thể không có những hiểu biết về
tác gia này.
1.2. Sử dụng điển cố vào sáng tác văn học một trong những đặc điểm
của người nghệ sĩ thời trung đại. Điển cố trở thành đặc trưng mang tính thi
pháp của văn chương giai đoạn này. Nhắc tới văn học trung đại Việt Nam,
người ta sẽ nghĩ ngay đến tính ước lệ tượng trưng. Điển cố là biểu hiện sinh
động nhất cho tính ước lệ tượng trưng ấy. Nó trở thành tiêu chí để nhân
dạng tác phẩm văn học trung đại, phân biệt với tác phẩm hiện đại. Điển cố
không chỉ cho thấy tính chất của một nền văn học mà còn cho thấy quan

- 6 -


niệm thẩm mĩ của cả người sáng tác và người tiếp nhận. Khi tiếp cận một
tác phẩm văn học trung đại, nếu không chú ý đến đặc điểm này thì sẽ không
thể hiểu hết giá trị của tác phẩm và tư tưởng của tác giả gửi gắm trong đó.
Đây là một vấn đề không hề đơn giản đối với cả người dạy văn và người
học văn. Lựa chọn đề tài này, chúng tôi mong muốn có cơ hội tìm hiểu một
cách cụ thể và kĩ càng về điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cổ trong một
tác phẩm được coi là mở đầu cho văn học viết bằng chữ Nôm.
1.3 Quốc âm thi tập là tác phẩm quan trọng hàng đầu trong sự
nghiệp văn học của Nguyễn Trãi. Trong bài ức Trai thi tập - những vần
thơ nặng chât suy tư, Trương Chính đánh giá: ―Lại trong thơ ông, thì thơ
chữ Hán cũng không đáng kể vào hàng đầu, phải dành cho thơ Nôm”
[10;405]. Tác giả Trần Ngọc Vương phát biểu: ―Cho đến nay, đó là bản
chữ Nôm có dung lượng lớn nhất, là tập thơ có quy mô sớm nhất bằng chữ
Nôm, phản ánh bằng chính tiếng nói của dân tộc những vấn đề dân tộc”

[10;737]. Tầm vóc của nó là căn cứ để Xuân Diệu khẳng định: “đứng trong
phạm vi thể loại thi tiếng Nôm thì có bản lĩnh nhất là Hồ Xuân Hương và
Nguyễn Trãi” [10;595].
Hơn nữa, Quốc âm thi tập là tập thơ có một số bài thơ được chọn
dạy trong chương trình trung học. Vì vậy ,việc làm rõ mọt trong các đặc
trưng thi pháp của văn học trung đại trong tác phẩm để hiểu được nó một
cách toàn diện hơn là điều hết sức cần thiết.
2. Lịch sử vấn đề
Tìm hiểu về điển cố nói chung là vấn đề được quan tâm từ khá
lâu nhưng rất ít công trình nghiên cứu nó một cách có hệ thống. Hầu hết các
nhà nghiên cứu khi nói về điển cố đều chỉ xem nó là một đặc trưng thi pháp
của văn chương cổ nên dành cho nó vị trí khá khiêm tốn. Bù lại, thuật ngữ

- 7 -


điển cố lại xuất hiện trong nhiều bài viết, được nhắc tới trong nhiều cuốn
sách, có thể kể đến như :
1. Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính. Khi bàn Luận về phép làm văn
(1918) có đề cập đến ý nghĩa của phép dùng điển: ―Dùng điển là tìm những
điển tích cũ, có điều gì liên quan đến đầu bài thì dùng mà đặt câu, tức là
viện chứng mà tỏ ra sự thực. Và làm văn chương tất phải dùng điển tích thì
đặt câu mới gọn gàng, tròn trặn.‖
2. Dương Quảng Hàm- Việc dùng điển trong văn thơ, Văn học tạp chí, số
2 (6.1932) cho rằng nên dùng điển cố từ nguồn văn liệu dân tộc thay vì
nguồn văn liệu Hán học để làm cho người đọc ―nghĩ ngợi, nhắc nhở đến
câu thơ, câu văn xưa mà chứng minh rằng văn chương nước mình có điển
cố‖
3. Dương Quảng Hàm- Việt Nam văn học sử yếu, chương ―Tính cách
chính của các tác phẩm về văn chương: các điển cố‖ (1968) đã bổ sung

những khía cạnh về điển cố một cách khoa học hơn, có tầm khái quát hơn.
4. Phan Khôi – Một ít về văn học - sự dùng điển trong thơ văn và sự chú
thích, Tc Phụ nữ tân văn, số 164, (18.8.1932) đã nói rõ vấn đề dùng điển
như một quy tắc trong phép làm thơ văn thời trước.
5. Lã Nhâm Thìn - Tính lặp lại trong Văn học dân gian và vấn đề tập
cổ trong Văn học viết, Tc Văn học số 1.1991 đã so sánh và chỉ ra mối quan
hệ giữa hai nền văn văn học qua sự tương đồng ở tính lặp lại và tính tập cổ.
6. Nguyễn Ngọc San - Tìm hiểu giá trị và cấu trúc của điển cố trong tác
phẩm Nôm, Tc Hán Nôm số 2.1992. Tác giả bài viết đã nhấn mạnh ý nghĩa
hiện thực, ý nghĩa biểu trưng và ý nghĩa giá trị phong cách của điển cố.
7. Đoàn ánh Loan - Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố, NXB
ĐHQG, TPHCM, 2003. Đây là công trình nghiên cứu về điển cố toàn diện
và đầy đủ nhất.

- 8 -


Ngoài ra còn có những cuốn từ điển chú giải điển cố và các bài báo
nói về nghệ thuật sử dụng điển cố trong một tác phẩm cụ thể như: Truyện
Kiều, Chinh phụ ngâm…
Tuy vậy, những tài liệu nói về nghệ thuật sử dụng điển cố trong Quốc
âm thi tập chỉ xuất hiện rải rác đó đây trong những công trình khoa học chứ
chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống.
Trong di sản còn lại của Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập ―có thể coi là
tác phẩm ưu tiên cho giới nghiên cứu văn học, lịch sử tư tưởng và ngôn
ngữ học’’ [10;737]. Nó đã được phân tích tìm hiểu trên nhiều phương diện
xứng đáng với tầm vóc và giá trị của một tập thơ có vị trí mở đường và báo
hiệu. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tập trung làm sáng tỏ nội dung tư
tưởng, ngôn ngữ, thể thơ… mà ít chú ý đến nghệ thuật dùng điển mặc dù
đây là một yếu tố làm nên giá trị nghệ thuật cho tập thơ. Rà soát hơn 30 bài

viết về thơ Nôm Nguyễn Trãi, chúng tôi chỉ thấy có một lần vấn đề điển
tích, điển cố được nhắc tới: ―Ngoài ra trong Quốc âm thi tập, ta thấy có rất
nhiều điển tích, những danh từ trong kho tàng văn học Trung Hoa‖
[10;960]
Tuy vậy, những gì các tác giả chỉ ra đã giúp chúng tôi có được cái nhìn
đa chiều về tác phẩm. Trong khoá luận này tôi có tham khảo nhiều ý kiến
của các nhà nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn vấn đề được tìm hiểu.
3. Mục đích nghiên cứu
Thông qua việc nhận diện và phân tích các điển cố mà Nguyễn Trãi sử
dụng trong Quốc âm thi tập, người viết muốn làm rõ một trong các đặc
trưng thi pháp của văn học trung đại Việt Nam ở một tác phẩm có vị trí đặc
biệt quan trọng - vị trí mở đầu cho bộ phận văn học viết bằng chữ Nôm của
văn học Việt Nam.

- 9 -


Đồng thời người viết muốn chỉ ra những nét độc đáo, đặc sắc trong
nghệ thuật sử dụng điển cố của Nguyễn Trãi ở một số mảng đề tài lớn.
4. Đối tượng nghiên cứu
Do khuôn khổ, giới hạn của khoá luận tốt nghiệp, chúng tôi tập trung
nghiên cứu nghệ thuật sử dụng điển cố ở các đề tài: về nhân vật lịch sử, về
các triều đại lịch sử, hệ thống quan niệm và các đề tài khác.
5. Phạm vi thống kê tư liệu
ở đề tài này, chúng tôi chỉ đi sâu nghiên cứu tác phẩm Quốc âm thi tập
chứ không tìm hiểu toàn bộ di sản văn học đồ sộ của Nguyễn Trãi. Văn bản
thơ Nôm mà chúng tôi sử dụng để khảo sát và thống kê số liệu là cuốn: Thơ
Quốc âm Nguyễn Trãi do Bùi Văn Nguyên biên khảo, chú giải và giới
thiệu, Nxb Giáo dục, 2003.
6. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình tiến hành thực hiện đề tài, ngoài những phương pháp
nghiên cứu văn học thông thường, chúng tôi còn sử dụng những phương
pháp sau: phương pháp khảo sát, phương pháp phân tích văn bản, phương
pháp thống kê phân loại.

- 10 -


Nội dung
Chương 1

Những vấn đề chung của việc sử dụng điển cố trong văn học
trung đại việt nam
1.1 Khái niệm điển cố
Từ lâu điển cố đã trở thành một thuật ngữ được giới nghiên cứu dùng
để chỉ một trong những đặc điểm nổi bật của văn học trung đại Việt Nam.
Trong khá nhiều công trình nghiên cứu về điển cố và nghệ thuật sử dụng
điển cố ở các tác phẩm văn học trung đại, các tác giả đều đưa ra cách hiểu
thống nhất về khái niệm này. Định nghĩa điển cố được dựa theo phép giải
nghĩa từ Hán Việt (điển và cố) vốn là một trong những cách thức đặc thù
khi cần định nghĩa một thuật ngữ là từ Hán Việt.
Tác giả Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu đã định
nghĩa về điển cố như sau: Điển (nghĩa đen là việc cũ) là một chữ hoặc một
câu có ám chỉ đến một việc cũ, một tích xưa khiến cho người đọc sách phải
nhớ đến việc ấy, sự tích ấy mới hiểu ý nghĩa và cái lý thú của câu văn.
Dùng điển nghĩa đen là sử sự (nghĩa đen là khiến việc) ý nói sai khiến việc
đời xưa cho nó có thể ứng dụng vào bài văn của mình [2;18].
Trong cuốn Từ điển điển cố văn học trong nhà trường, tác giả
Nguyễn Ngọc San và Đinh Văn Thiện có viết: ―Nói một cách ngắn gọn,
người ta cho rằng điển cố là viết gọn “chuyện cũ lời xưa” thành đôi ba chữ

để đưa vào văn chương làm cho câu văn hàm súc ngắn gọn, lời ít ý nhiều‖
[9;3].

- 11 -


Các tác giả biên soạn cuốn Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc
đến hết TKXIX trong mục điển cố có trình bày: ―…trong hành văn thường
hay nhắc đến một sự tích xưa hoặc một vài câu thơ, câu văn cổ để diễn tả ý
mình, nhưng đây không phải là lối trích dẫn nguyên văn, mà là lối dùng lại
vài chữ cốt gợi nhớ được đến tích cũ ấy, câu văn cổ ấy. Lối này được gọi là
lối dùng điển cố‖ [1;144]. Các tác giả còn chỉ ra phép dùng điển cố chia
làm hai loại: phép dùng điển và phép lấy chữ.
Dùng điển (chữ Hán: dụng điển- dụng: vận dụng; điển: việc cũ hoặc sử
sự,khiến việc) ý nói sai khiến các tích cũ, chuyên xưa cho thích dụng với
mạch văn của mình.
Lấy chữ là lối mượn dùng lại một vài chữ trong các áng văn thơ cổ vào
câu văn của mình, gợi cho người đọc phải nhớ đến câu thơ, câu văn ở tác
phẩm của người xưa.
Có thể thấy, về mặt định nghĩa không có sự bất đồng ý kiến giữa các
nhà nghiên cứu. Chúng tôi cho rằng các định nghĩa về điển cố, tiêu biểu là
ba định nghĩa đã dẫn ra có sự bổ sung cho nhau, không chỉ nói được bản
chất mà còn thể hiện được giá trị của điển cố . Đối với văn học trung đại
Việt Nam, việc sử dụng điển cố không chỉ là một yếu tố thuộc về hình thức
mà còn là cái hình thức có tính nội dung. Nói khác đi, nó không chỉ là biện
pháp tu từ phổ biến mà còn là đặc trưng thi pháp của văn học Việt Nam
trong suốt một thời gian dài.
Về mặt định danh, điển cố được diễn đạt bằng nhiều tên gọi như: cố
điển, điển cố, sự, điển, cố sự, dụng điển, vận điển, điển tích….Trong đó,
khái niệm điển tích, điển cố được sử dụng phổ biến hơn cả. Tìm hiểu kĩ

hơn, ta có thể thấy khái niệm điển tích không hoàn toàn trùng với khái niệm
điển cố. Những từ ngữ được coi là điển tích khi nó phải gắn với một câu
chuyện. Những câu chuyện này thường được rút từ kinh, sử, truyện, các

- 12 -


sách ngoại thư…về các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, địa danh, những
quan niệm về cuộc sống. Như vậy điển tích ứng với phép dụng điển- một
khái niệm có ngoại diên hẹp hơn thuộc khái niệm điển cố.
Dựa vào nội hàm ý nghĩa phong phú với phạm vi và mức độ sử dụng
của khái niệm điển cố, trong khoá luận này chúng tôi chọn sử dụng tên gọi
điển cố để chỉ hiện tượng: ―Những chuyện xưa thời cổ đại hay từ cú có
nguồn gốc xa xưa được dẫn dụng trong các tác phẩm văn học” [Hán ngữ
đại từ điển- dẫn theo Đoàn ánh Loan] thay vì các tên gọi khác.
1.2 Nguồn gốc của điển cố
Điển cố xét một cách tách bạch gồm hai phép: một là phép dùng diển,
hai là phép lấy chữ. ứng với hai phép này, điển cố có hai nguồn trích dẫn và
hai phương thức hình thành.
Với phép dụng điển, các sách kinh, sử , truyện về các nhân vật lịch sử,
địa danh, các sự kiện lịch sử…chính là nguồn cung cấp điển cố dồi dào và
phong phú. Các điển cố loại này được hình thành trên cơ sở rút gọn câu
chuyện. Từ toàn bộ hay một vài khía cạnh của câu chuyện lịch sử, truyền
thuyết hoặc thần thoại…người ta đúc kết thành một vài từ ngữ ngắn gọn mà
hàm chứa được nội dung và ý nghĩa của nó. Khi nhắc tới những từ ngữ đó,
người ta sẽ nghĩ tới toàn bộ câu chuyện. Sức tác đông của những từ ngữ đó
tương đương với sức tác động của câu chuyện.
ở bài Thuật hứng 18 có dẫn điển giấc Hoè An trong hai câu thơ:
Phú quý bao nhiêu người thế gian
Mơ mơ một thuở giấc Hoè An

(Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)
để nói về sự hư ảo của công danh phú quý. Hàm chứa trong ba chữ giấc
Hoè An là một câu chuyện có giá trị tư tưởng sâu sắc. Dị văn lục ghi rằng:
Phía nam nhà Thuần Vu Phần có cây hoè to. Thuần thường uống rượu bên

- 13 -


dưới. Một lần say rượu, nằm ngủ mơ thấy hai sứ giả mặc áo tím đến mời tới
nước Hoè An. Đến nơi thấy một cửa thành lớn đề chữ Hoè An quốc. Thuần
được vua gả công chúa cho và được phong là thái thú quận Nam Kha.
Thuần tỉnh dậy, chẳng thấy gì, chạy ra gốc cây hoè thấy có một tổ kiến lớn.
Bên trên tổ kiến về phía nam có cây lá rườm rà (nam kha). Té ra đời làm
quan hiển vinh phú quý chỉ có trong mộng.
Với phép lấy chữ, nguồn dẫn điển chính là thơ ca của tiền nhân hoặc
những câu ca dao, tục ngữ giàu tính biểu tượng được lưu truyền đã nổi
tiếng. Các điển loại này được hình thành trên cơ sở rút gọn câu văn hoặc
bài thơ, bài văn. Từ một câu, một bài, người ta sẽ thu gọn vào trong một vài
từ. Khi nhắc đến những từ này, người ta sẽ nghĩ ngay tới những câu, những
văn bản gốc.
Bài Thuật hứng 17 có câu:
Diếp huyện hoa còn quyến khách
Rày biên tuyết đã nên ông
(Quốc âm thi tập- Nguyễn Trãi)
Biên tuyết (có nghĩa là mái tóc bạc trắng như tuyết) là điển cố được hình
thành từ việc rút ý câu thơ: ―…triêu như thanh ti, mộ như tuyết‖ (sáng còn
xanh tơ, chiều đã như tuyết) của Lý Bạch trong bài Tương tiến tửu.
Sự rút gọn câu thơ, bài thơ thành một vài từ không chỉ biến nó thành
điển cố - một hiện tượng tưởng như khách quan mà ít nhiều còn thể hiện cá
tính sáng tạo của cá nhân tác giả. So với điển cố được hình thành từ việc rút

gọn câu chuyện, loại điển cố này mang dấu ấn của cá nhân người sử dụng
rõ rệt hơn.
1.3 Việc sử dụng điển cố trong văn học trung đại Việt Nam
1.3.1 Nguyên nhân

- 14 -


Không chỉ ở văn học trung đại Việt Nam hay các nền văn học phương
Đông phong kiến các tác giả mới sử dụng điển cố trong sáng tác văn
chương mà nó đã trở thành một hiện tượng của văn chương thế giới trong
suốt một thời kì. Với những nền văn học phương Tây, ở các tác giả lớn và
các tác phẩm thành công đều thấy xuất hiện bóng dáng của những điển cố.
Từ những tác phẩm kịch lừng danh thời Hy Lạp cổ đại gắn với tên tuổi của
Et-sin, Xô-phô-clơ, ơ-ri-pit đến những tác phẩm kiệt xuất của văn chương
Phục hưng, sau đó là văn học Khai sáng, các điển cố đều thể hiện vai trò và
giá trị của mình. Nhiều nhân vật trong các tác phẩm đó sau này lại trở thành
điển cố. Mối tình của Rômêô và Juliet tượng trưng cho những bi kịch của
tình yêu đẹp. appagông là hiện thân của thói keo kiệt, bủn xỉn. Đônkihôtê
thường được nhắc tới như minh chứng cho căn bệnh trầm kha của những kẻ
thánh thiện gàn rở…Có thể nói kho tàng điển cố của văn học phương Tây
(hầu hết có nguồn gốc từ thần thoại hy Lạp và Kinh thánh) cũng phong phú
và đa dạng không kém gì kho tàng điển cố của văn học phương Đông.
Có thể thấy, việc sử dụng điển cố vào sáng tác là một hiện tượng
chung mang tính khách quan, phổ biến của văn chương thế giới. Nó gần
như một quy luật trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật trong suốt một
thời gian dài.
Là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất mọi thời đại, văn minh
Trung Hoa có sức ảnh hưởng và chi phối tới nhiều nước trong khu vực. Chỉ
riêng về phương diện văn chương, Trung Hoa đã thể hiện sức thu hút và

bao trùm đối với các nền văn học khác. Trong những nước chịu ảnh hưởng
của văn học Trung Quốc, Việt Nam không chỉ bị ảnh hưởng trong một thời
gian dài mà còn với một cường độ rất mạnh. Nền văn học Trung Hoa đã
―sản sinh’’ ra nhiều phép tắc cho văn chương nghệ thuật, là quê hương của
điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố. Văn học Việt Nam không thể không

- 15 -


bị tác động bởi yếu tố này. Như vậy nguyên nhân chính của việc sử dụng
điển cố trong văn học trung đại Việt Nam là do ảnh hưởng của văn hoá,
văn học Trung Hoa.
Điển cố và sử dụng điển cố là hiện tượng có tính chất thời đại. Nó bắt
đầu sớm và kết thúc khi lịch sử đóng những chiếc đinh cuối cùng lên quan
tài đưa chế độ phong kiến vào quá khứ. Văn học hiện nay rất ít thậm chí
không dùng điển. Điển cố gắn liền với quan điểm thẩm mĩ mà quan điểm
thẩm mĩ của người trung đại: ―Cái đẹp gắn liền với cái đã có, với truyền
thống, với những mẫu mực đã được xác lập, thấm sâu cả trong khâu sáng
tác cũng như khâu tiếp nhận” [18;17]. Điều này bắt nguồn từ ý thức xã hội.
Gurêvich cho rằng: ―Tĩnh tại là một nét của ý thức trung cổ… Thời trung cổ
ý thức con người hưóng về quá khứ…thời hoàng kim là ở thời đại đã qua
[13;36]. Thời trung cổ, sự lặp lại ý kiến của những uy quyền cổ xưa được
xem như phẩm giá, còn việc biểu hiện những tư tưởng mới lại bị lên án…ăn
cắp văn thì không sao cả nhưng sáng tạo độc đáo thì bị coi là tà giáo”
[13;11]. Chính vì thế, trong khi sáng tác, các nhà văn đã tự tạo cho mình
một tâm thế nhất nhất noi theo cổ nhân. Tác phẩm càng sử dụng được nhiều
tích xưa chuyện cũ càng có giá trị. Nhà văn nào càng biết dùng nhiều điển
càng được trọng vọng vì được xem là người học rộng tài cao, thông kim
bác cổ. Cùng với nó, ở khâu cảm thụ tác phẩm cái được độc giả đánh giá
cao không phải là sự sáng tạo cái mới mà ngược lại, chính là sự bắt chước

những quy tắc và truyền thống [19;44].
ý thức xã hội làm nảy sinh quan điểm thẩm mĩ. Quan điểm thẩm mĩ
chi phối cách thức sáng tạo nghệ thuật. Người trung đại có quan niệm riêng
của mình. ở đó cái mới, cái sáng tạo, cái độc đáo bị gạt ra khỏi phạm trù cái
đẹp. Lối dùng điển cố khi làm văn, làm thơ là con đường phù hợp nhất để

- 16 -


đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của tác giả và độc giả trung đại khi sáng tác và
tiếp nhận văn chương.
Việt Nam chịu ảnh hưỏng của văn hoá Trung Quốc, bình diện rõ nhất
là tư tưởng Nho học. Là con đẻ của một bộ phận các nhà triết học Trung
Hoa cổ đại, tiêu biểu là Khổng Tử và Mạnh Tử, học thuyết Nho gia đã đến
Việt Nam bằng nhiều con đường, vừa tự nhiên vừa cưỡng đoạt văn hoá.
Người Việt Nam tiếp nhận tư tưởng Nho giáo với nhiều mức độ để rồi cuối
cùng nó đã trở thành quốc giáo trong nhiều triều đại phong kiến Việt Nam.
Noi theo cổ nhân là một trong những hạt nhân tư tưởng của học thuyết này.
Khổng Tử từng phát biểu: Đời Chu văn hoá chói lọi sao [ta] theo đời Chu.
Cả đời Khổng Tử nguyện làm Chu công. Vì tin phục lễ, văn Tây Chu như
vậy nên Khổng Tử đặt cho mình nguyên tắc: thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu
cổ, chỉ học theo, nói lại chứ không sáng tác thêm. Nguyên tắc này không
chỉ chi phối học thuyết Nho giáo mà còn chi phối đến tư tưởng của các nhà
Nho khi sáng tác văn chương nghệ thuật. Coi những gì trong quá khứ là
mẫu mực, chỉ nói lại theo đã đủ làm đẹp cho lời, các tác giả (văn học viết)
không muốn hoặc không dám nói thêm. Họ giấu phần cá tính của mình, chỉ
dám thể hiện những gì đã được cộng đồng công nhận.
Những điều này đã dẫn tới một số hệ quả tất yếu.
1.3.2 Hệ quả
Do sự chi phối của quan niệm triết học, ý thức xã hội và quan điểm

thẩm mĩ, khi sáng tác, các nhà văn nhà thơ Việt Nam trung đại đã hình
thành thói quen sử dụng điển cố.
Rất ít tác phẩm văn học thời gian này tác giả là các nhà nho lại không
dùng điển cố. Kho tàng điển cố chứa đựng cả thế giới những câu chuyện,
những giá trị đã được thời gian và con người thẩm định. Các nhà văn chỉ
việc tìm trong dó những điển cố nào phù hợp với nội dung mình định nói,

- 17 -


lựa chọn, tìm cách diễn đạt rồi đưa vào thơ văn của mình. Làm văn không
dùng điển, coi như công việc ấy chưa hoàn thành. Điều này càng chặt chẽ
hơn đối với văn chương khoa cử. Các sĩ tử đọc nát sách thánh hiền, thuộc
làu làu lời người xưa với tâm niệm: ―các bậc tiền bối đã soạn thành bài,
lời lẽ kinh điển nhuần nhã, bọn hậu sinh đua nhau làm theo, khi vào trường
chỉ xén bớt những chỗ quá dài dòng đi mà thôi” (Kiến văn tiểu lục- Lê Quý
Đôn).
Có thể thấy phần đóng góp của cá nhân người sáng tác đối với đứa
con tinh thần của mình là lựa chọn sử dụng được nhiều điển và đưa vào câu
thơ, vâu văn sao cho phù hợp. Lâu dần việc ấy trở thành một thói quen
trong sáng tác. Điều này đã dẫn tới một hệ quả khác có liên quan đến đặc
trưng của văn học trung đại Việt Nam.
Sử dụng điển cố là đặc trưng thi pháp của văn học trung đại Việt
Nam. ―Nằm trong hệ sáng tác cổ trung đại phương Đông, chịu ảnh hưởng
sâu sắc của quan niệm mĩ học, triết học cổ điển Trung Hoa, giới sáng tác
nước ta không thể không là một ảnh xạ của thi pháp văn chương nước này.
Cho nên bên cạnh việc các thi sĩ luôn tìm tòi cho mình một lối đi riêng như
cố gắng tạo ra con chữ riêng, thể thơ riêng…thì những đặc điểm khả thủ
của thi pháp thơ Trung Hoa, phần nhiều vẫn được chấp nhận, được tiếp thu
một cách khá thành công. Một trong những đặc điểm đó là việc vận dụng

điển tích trong thao tác sáng tác” [16;44].
Có thể thấy lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật sử dụng
điển cố của văn học trung đại Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với cách
dùng điển ở Trung Hoa. Tuy nhiên, việc dùng điển của văn chương Việt
Nam không lệ thuộc và giống hoàn toàn với cách dùng điển của văn học
Trung Quốc. Được hấp thu qua lăng kính tâm hồn, điển cố và nghệ thuật sử
dụng điển cố ít nhiều bị khúc xạ khi đi vào tác phẩm văn chương của người

- 18 -


Việt Nam. Điều đó vừa cho thấy tính chất giao lưu văn hóa vừa cho thấy sự
độc lập, tự chủ, cố gắng giữ vững nét văn hoá riêng của người Việt, đặc biệt
là các thế hệ nhà nho. Điển cố không chỉ là một hiện tượng văn học mà nó
còn mang trong mình ý nghĩa lớn lao hơn, nó thuộc về văn hoá, thuộc về
tinh thần và ý thức xã hội.
1.4 Ưu, nhược điểm của việc sử dụng điển cố
Giống như phần lớn các hiện tượng văn học khác, điển cố cũng có
hai mặt: những mặt mạnh và những hạn chế. Khi đi tìm hiểu những ưu
điểm và nhược điểm của điển cố, chúng ta sẽ thấy đó là những đặc điểm có
tính chất thời đại.
1.4.1 Những ưu điểm
1.4.1.1 Điển cố làm cho lời văn, câu thơ hàm súc, cô đọng
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của văn học trung đại
Việt Nam là lời ít ý nhiều. Với quan niệm: Quý hồ tinh bất quý hồ đa (ưa
chuộng sự tinh tế, không ưa chuộng sự dài dòng), các tác giả trung đại khi
làm văn làm thơ luôn đề cao tiêu chí: nói được nhiều nhất trong khuôn khổ
câu chữ ít nhất. Họ tìm cách tổ chức, thể hiện câu văn làm sao để đạt tới
hiệu quả: ngôn tận nhi ý vô cùng (lời hết nhưng ý không cùng), văn dĩ tận
nhi ý hữu dư (văn đã hết mà ý vẫn còn), hàm bất tận chi ý kiến ư ngôn

ngoại (ý tưởng bất tận ở ngoài lời).
Trong thực tế sáng tác, có những sự việc cần được diễn tả một cách
sâu sắc, đầy đủ, đồng thời phải gợi mở được một ý hướng xa xôi mà cách
diễn đạt dài dòng lại không đạt hiệu quả nghệ thuật bằng cách nói ngắn
gọn, cô đúc. Chọn được điển cố phù hợp và vận dụng nó một cách khéo
léo, người nghệ sĩ có thể coi như đã có trong tay phương tiện hữu hiệu nhất
để đạt tới chất lượng nghệ thuật đã nói. Vì sao điển cố lại có được khả năng
đặc biệt như vậy?

- 19 -


Khi nói tới tính chất của điển cố không thể không nới tới tính cô
đọng hàm súc, chỉ một vài từ mà hàm chứa được cả một câu chuyện, cả một
ý thơ có nội dung, ý nghĩa sâu sắc. Chính sự tiết kiệm lời trong diễn đạt ở
mức thấp nhất đã tạo ra độ nén cho các tầng ý nghĩa. Nó không chỉ gợi sự
liên tưởng mà trong chính nội hàm của nó đã chứa đựng những lớp lang đa
dạng, phong phú.
Chỉ với những chữ giấc Nam Kha, giấc Hoè An, nước kiến… đã bao
chứa cả một câu chuyện lý thú, có ý nghĩa triết lí sâu sắc về nhân vật Thuần
Vu Phần đã nói ở trên. Không chỉ dừng lại ở đó, khi nói tới điển cố này,
người ta sẽ nghĩ tới một bài học về thế thái: công danh, phú quý chỉ như
một giấc chiêm bao; tước vị, vàng bạc chỉ là phù vân. Con người không nên
sa đà vào công danh phú quý, không nên để bả vinh hoa làm mờ mắt.
Thơ ca trung đại phần lớn được làm ra để nói chí của các nhà nhonghệ sĩ. Mà chí không thể bộc lộ một cách rõì ràng, lộ liễu. Nó càng ẩn kín,
càng chìm vào các tầng nghĩa càng tốt. Nó sẽ càng giá trị nếu lẩn trốn vào
ước lệ và biểu tượng [16;44].Vì vậy không có gì là khó hiểu khi điển cố là
lựa chọn số một của các nhà thơ xưa.
1.4.1.2 Điển cố làm cho lời văn, câu thơ trang nhã, sang trọng,
tinh tế

Thời trung đại thơ văn rất được coi trọng. Nó được xem là “sắc đẹp
ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường
mà xem, miệng tầm thường mà nếm được” (Tựa Trích diễm thi tập - Hoàng
Đức Lương). Phải là những người có học, có tài, có tâm mới có thể làm thơ
và thưởng thức thơ. Để làm được một bài thơ hay, một câu thơ xuất thần,
các nhà thơ phải dăn vặt, suy tư, trăn trở. Đôi khi chỉ một từ, một chữ cũng
là cả sự khổ công. Mọi cố gắng của họ là làm sao tạo được những lời đẹp,
ý hay.

- 20 -


Trong nhiều cách thức làm đẹp cho văn, sử dụng điển cố là một trong
những biện pháp mĩ từ ―có tính đặc thù của các văn bản thơ ca trung đại
Việt Nam. Nó thể hiện khuynh hướng điển nhã trong thao tác lựa chọn
ngôn từ của các thi sĩ trung đại” [16;45].
Phần lớn các điển cố đều là từ Hán Việt mà đặc trưng của từ Hán
Việt là tính quý phái và trang nhã. Sử dụng điển cố sẽ làm cho lời văn trở
nên trang trọng.
Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Một nền văn học chân
chính phải có các tác phẩm nói được những gì chân thực nhất về cuộc sống
con người. Tuy nhiên, trong khi sáng tác, các nhà văn, nhà thơ gặp những
điều khó nói, những điều không tiện nói thẳng ra vì nếu cứ nói một cách
thông thường sẽ khiến cho lời văn trở nên khiếm nhã, thậm chí thô tục. Đây
là điều tối kị của văn học trung đại. Chính vì vậy các tác giả tìm đến kho
tàng điển cố và tìm thấy ở đây một trợ thủ đắc lực để diễn đạt ý tưởng của
mình một cách thanh tao, nghiêm túc.
Chẳng hạn khi nói đến quan hệ nam nữ - một điều tối nhạy cảm trong
xã hội phong kiến, nhiều tác giả trung đại dùng điển mây mưa. Trong
Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến anh
Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm viết:
Bóng gương thấp thoáng trong mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa
Lời tựa bài phú Cao Đường của Tống Ngọc kể chuyện: Xưa tiên
vương đến chơi Cao Đường, một hôm ban ngày mệt ngủ mộng thấy người
con gái đẹp đến nói: ―Thiếp là thần nữ ở núi Vu Sơn, nghe nhà vua ngự
chơi đây, thiếp nguyện tới hầu chăn gối‖. Khi từ biệt lại nói: ―Thiếp ở núi

- 21 -


Vu Sơn, sớm làm mây, chiều làm mưa ở chân núi Dương Đài’’. Từ đó, điển
mây mưa được dùng để chỉ việc trai gái gặp gỡ, giao hoan với nhau. Như
vậy, điển cố giúp nhà văn nói ra được những điều khó nói, nó đóng vai trò
lời thay thế trường hợp cụ thể, tình cảm cụ thể một cách ý nhị hàm súc
[17;22].
1.4.1.3. Điển cố thể hiện sự uyên bác của người sáng tác
Bản chất của thơ văn trong quan niệm của người trung đại là một cái
gì đó cao siêu quý phái ―chỉ thi nhân là có thể xem mà biết đươc sắc đẹp,
ăn mà biết được vị ngon ấy thôi” (Tựa Trích diễm thi tập - Hoàng Đức
Lương). Người làm thơ văn phải là người có trí tuệ, có nhân cách. Thơ văn
mà sử dụng nhiều điển cố càng thể hiện sự cao sang, uyên bác của người
sáng tác. Khi sử dụng điển cố, các tác giả xưa muốn khai thác lợi điểm của
một phần kiến thức nền mà người đọc có văn hoá có được nhằm khơi gợi ở
họ kiến thức và sự thông hiểu trọn vẹn tác phẩm. Độc giả muốn hiểu được
điển cố thì phải có vốn hiểu biết phong phú, sâu rộng về văn hóa, xã hội, về
nội dung của những thư tịch, sách vở và kho tàng văn học cổ. Dùng điển
được coi là một nghi thức đối đáp trong giới trí thức thích nói chữ, khoe

chữ, dẫn việc một cách thông thái, nho nhã nếu thiếu đi sẽ là quê mùa [20].
Nó trở thành nhu cầu của cả người sáng tác lẫn người tiếp nhận và là một
nét đặc biệt của văn chương bác học. Nhà thơ biết dùng điển sẽ tránh mắc
vào bệnh quê mùa khi luyện cách điệu không trang nhã, tránh mắc bệnh thô
lậu kém cỏi khi đặt câu không sắc sảo ( Lê Hữu Kiều ).
Chơi thơ là thú vui tao nhã của người có học xưa. Để có thể xuất
khẩu thành chương, ngoài tài năng nghệ thuật còn cần phải có vốn hiểu biết
sâu sắc. Thời trung đại, kiến thức sách vở được coi trọng hơn nhiều kiến
thức thực tế. Những người đọc nhiều sách, thuộc lòng những điển cố cổ
kim là những người được cả xã hội trọng vọng. Những bài thơ dùng nhiều

- 22 -


điển được xem là bác học, là thâm thuý hơn những bài thơ ít hoặc không
dùng điển. Điển cố được coi là thước đo trình độ học vấn của người làm
thơ. Những tác phẩm dùng nhiều điển cố thì thu thập những tiểu tiết, tranh
nhau lấy những điển ít dùng. (Người ta) cho rằng một điển đọc lên mà
không biết thì xấu hổ. (Làm văn) chữ có xuất xứ mới là cao thâm (Văn tâm
điêu long trác kí- Hoàng Khản). Đọc sách vạn quyển một điển không biết
thì thật là xấu hổ (Nam Sử- Đào Hoàng Cảnh). Biết điển mà dùng đã được
ghi nhận rồi điển chết mà dùng linh hoạt người xưa rất quý (Hiên dụng
thuyết thi – Thi Bố Hoa).
Như vậy, dùng điển trở thành một thao tác quan trọng hàng đầu của
thơ ca bác học.
1.4.1.4 Điển cố là dẫn chứng có tính hình tượng tạo ra chứng cứ
xác thực cho lập luận
Thơ là để nói chí. Mỗi tác phẩm đều ít nhiều chứa đựng tư tưởng của
tác giả thể hiện qua những lập luận. Nhiều khi điển cố đóng vai trò là
những ví dụ, những chứng cớ xác thực để chứng minh cho lập luận của tác

giả. Điển cố vốn gọn, chỉ vài chữ có thể thâu tóm một nội dung sinh động,
phong phú. Khi dùng điển cố, tác giả không phải mất công dài dòng kể lại
việc xưa một cách chi tiết mà chỉ cần dẫn ra những hình ảnh, những nhân
vật có liên quan đến tích xưa chuyện cũ là có thể giúp cho lí lẽ sáng rõ, tăng
sức thuyết phục đối với độc giả. Hoàng Khản trong Văn tâm điêu long trác
kí có viết Văn là để dẫn dụ người, đưa ra những chứng cớ, ví dụ xưa thì dễ
tin, những ví dụ đã được biết đến thì dễ theo.
Mặc dù có thể có vai trò như một ví dụ hay một dẫn chứng nhưng
trên thực tế điển cố và dẫn chứng là hai hiện tượng khác nhau. Nếu dẫn
chứng nhằm nói lý trong việc thì điển cố nhắc điển để nói tình trong việc

- 23 -


[17;21]. Bản thân điển cố muốn trở thành điển cố văn học thì nó phải trở
thành hình tượng hoán dụ, ẩn dụ hay tượng trưng.
Vậy, điển cố là ví dụ ở bậc cao đã đạt tới tính nghệ thuật. Nó cùng
lúc thực hiện hai chức năng: vừa là ví dụ vừa là hình tượng.
Khi nói về nhân nghĩa của bậc trung thần, trong bài Bảo kính cảnh
giới 4, Nguyễn Trãi dùng ba điển về Y Doãn, Tử Khanh, Phùng Dị để nói
về sự thanh khiết, trung nghĩa. Những nhân vật được nhắc tới từ lâu đã
được xem là biểu tượng của sự thanh sạch, tiết nghĩa.
Y Doãn là công thần đời Thương; cày ruộng ở đất Hữu Sằn, vua
Thang ba lần đến mời mới ra giúp Thang diệt vua Kiệt nhà Hạ lập nên cơ
nghiệp nhà Thương. Sau khi Thang mất, cháu là Thái Giáp nối ngôi, vô
đạo, Y Doãn đày ra đất Bạc, qua ba năm hối lỗi mới cho về. Ông là người
có công rất lớn với triều Thương những năm đầu mới gây dựng cơ nghiệp.
Tử Khanh là tên tự của Tô Vũ, làm trung lang tướng đời Hán Vũ Đế,
sang sứ Hung Nô. Chúa Hung Nô là Thiền Vu ép hàng phục, Tô Vũ không
chịu, bị nhốt vào hang tối ba ngày không cho ăn uống. Vũ hứng giọt tuyết

trên ngọn cờ uống mà sống. Chúa Hung Nô lại đày ông ra Bắc Hải chăn dê,
hạn khi nào dê đực đẻ con mới được tha. Vũ sống 19 năm trên đất Hung
Nô, chịu đói khát, nhục nhã nhưng vẫn giữ tấm lòng trung. Sau Hung Nô và
Hán hoà hảo, Vũ mới được tha về nước. Vua Hán sai vẽ hình ông vào Kì
Lân Các để ghi công.
Phùng Dị là tướng tài của Lưu Tú Hán Quang Vũ. Sau chiến tranh,
lúc bình công, các tướng khác tranh nhau báo công, còn Phùng Dị chỉ ngồi
dựa vào gốc cây to, im lặng. Người đời gọi ông là Đại thụ tướng quân,
được triều đình kính trọng.
Đây là những con người không chỉ nổi tiếng về tài năng mà ở họ, tài
năng quyện với đức độ, vẻ đẹp trí tuệ sánh cùng với vẻ đẹp nhân cách.

- 24 -


Dùng những điển cố về các nhân vật này, Nguyễn Trãi đã làm cho nội dung
tư tưởng của bài thơ thêm sâu sắc mà không nặng nề.
Với những ưu điểm trên, điển cố trở thành lựa chọn số một để các
nhà thơ thể hiện tư tưởng của mình trong tác phẩm một cách hàm súc, kín
đáo.
1.4.2 Những nhược điểm
1.4.2.1 Điển cố làm cho câu văn, bài thơ khó hiểu, khó lĩnh hội đối
với phần lớn độc giả
Là một nét đặc trưng của thơ ca bác học, điển cố mang đến sự sang
trọng, thâm thuý cho lời văn. Ngược lại, nó cũng đòi hỏi ở người sáng tác
và người tiếp nhận vốn tri thức bắt buộc nhất định. Với thơ văn sử dụng
điển cố, vai trò của người đọc cũng quan trọng như người sáng tác; việc
hiểu biết, vận dụng điển cố phải được tiến hành song song với việc giải mã
và tiếp nhận. Chứa đựng trong một cụm từ là cả một câu chuyện, vì thế nếu
người đọc không có vốn tri thức nền thì không thể lĩnh hội hết giá trị tác

phẩm. Cái hay, cái đẹp của văn chương không thể cảm nhận chỉ bằng sự
rung động của con tim mà còn bằng cả sự sâu sắc của trí tuệ. Muốn hiểu
được nó phải có tri thức. Chính vì vậy, đối tượng thưởng thức được văn
chương trong xã hội xưa không nhiều, số lượng người hiểu được giá trị và
có ý thức giữ gìn văn chương lại càng ít. Đó là lí do rất quan trọng khiến
cho thơ văn thời kì này bị thất tán không lưu truyền hết ở trên đời (Tưa
Trích diễm thi tập - Hoàng Đức Lương). Đây là điểm lợi bất cập hại của
điển cố.
Đối với những độc giả cùng thời đã vậy, với những độc giả thời đại
sau, việc lĩnh hội các tác phẩm, có nhiều điển cố càng khó khăn hơn. Sự
khác biệt về ngôn ngữ, đặc biệt về phông văn hoá chính là rào cản khiến
người đọc ngày nay cảm thấy chật vật khi đến với các tác phẩm văn học

- 25 -


×