Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Phân tích các nguyên tắc của chế độ công vụ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (95.45 KB, 4 trang )

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Công vụ là hoạt động mang tính nhà nước nhằm thực hiện các chức
năng của nhà nước vì lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của
các tổ chức và cá nhân. Hoạt động này là hoạt động có tính tổ chức cao,
được tiến hành thường xuyên, liên tục theo trật tự do pháp luật quy định trên
cơ sở quyền lực nhà nước và được đảm bảo bằng quyền lực nhà nước. Vì
vậy, việc xác định rõ ràng các nguyên tắc của chế độ công vụ là một việc
làm cần thiết đặc biệt là trong thời kì đổi mới Đảng, Nhà nước và toàn thể
nhân dân đang chú trọng việc cải cách hành chính nhà nước. Vì vậy em xin
chọn đề bài: “ Phân tích các nguyên tắc của chế độ công vụ” để phân tích và
tìm hiểu.
II.GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.
Hoạt động công vụ chủ yếu do đội ngũ công chức chuyên nghiệp thực
hiện. Cũng chính vì thế nguyên tắc đầu tiên của chế độ công vụ là cán bộ
công chức là công bộc của nhân dân. Đây là nguyên tắc có tính hiến định
(Điều 2 Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001), nó nhấn mạnh mọi
hoạt động của cán bộ công chức phải nhằm phục vụ lợi ích nhân dân lao
động thực hiện công vụ không vì mục đích tự thân của các cơ quan nhà
nước, cán bộ công chức. Họ phải tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ
với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Nhiệm vụ đặt ra trước đội ngũ
cán bộ, công chức hiện nay là: bằng lao động của mình, bằng sự am hiểu
công việc, bằng sự tận tụy với công việc góp phần đổi mới mọi mặt của đời
sống xã hội. Mọi quá trình đổi mới đều bắt đầu từ đổi mới đội ngũ cán bộ, từ
việc giáo dục, đào tạo lại hoặc thay thế một phần đội ngũ cán bộ. Trong thực
tế ngày nay việc cán bộ, công chức được cử đi học thêm về chuyên môn
nghiệp vụ, để tăng thêm trình độ trên cơ sở đó có thể phục vụ nhân dân tốt
hơn đang được chú trọng mà cụ thể được quy định ở khoản 4 điều 11 Luật
Cán bộ công chức: Quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều
kiện thi hành công vụ “Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị,
chuyên môn, nghiệp vụ.” Trình độ của đội ngũ cán bộ cũng ngày một nâng
cao. Nếu khóa IX có 138/150 (92%) số uỷ viên Trung ương có trình độ đại


học trở lên thì đến khoá X là 174/181 (96,13%)…
Cán bộ, công chức chịu sự giám sát của nhân dân, có thể bị nhân dân
trực tiếp hoặc gián tiếp bãi miễn nếu không đáp ứng được yêu cầu mà nhà
nước đã đề ra đối với họ là nguyên tắc thứ hai. Cán bộ, công chức có thể bị
thay thế nếu họ tỏ ra thiếu năng lực, vi phạm kỉ luật, có biểu hiện quan liêu,
cửa quyền, vi phạm pháp luật… Mỗi một chức vụ trong cơ quan nhà nước
đều có những yêu cầu nhất định mà người giữ chức vụ đó phải luôn đáp ứng.
Ví dụ theo Khoản 1 Điều 31 Luật Thanh tra quy định tiêu chuẩn chung của
thanh tra viên như “trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt…;Tốt nghiệp đại học, có
kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức pháp luật; đối với Thanh tra viên
chuyên ngành còn phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó; Có
nghiệp vụ thanh tra;…”. Hiện nay, những yêu cầu đó càng cần sâu sắc hơn,
toàn diện cụ thể là: Cán bộ, công chức phải có khả năng nhìn xa trông rộng,
biết phân tích tình hình, biết tiếp thu cái mới, có khả năng gắn lí luận với
thực tiễn, lựa chọn được những phương án tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ;
họ phải trung thực tận tụy với công việc và không khoan nhượng với cái
xấu; ngoài ra họ còn phải nắm vững khoa học quản lí, có chí tiến thủ;…; đặc
biệt là lòng nhân ái, sự chu đáo với nhân dân và cấp dưới.
Thứ ba là công tác cán bộ, công chức đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất
của Đảng cộng sản Việt Nam. Đây cũng là một nguyên tắc căn cứ vào điều
12 Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001. Nguyên tắc này đòi hỏi mọi
cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức khi thực thi công vụ đều phải nghiêm
chỉnh chấp hành, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, Đảng trực tiếp
chăm lo xây dựng độ ngũ cán bộ, công chức cho cả hệ thống chính trị. Đảng
thực hiện đường lối chính sách cán bộ thông qua các tổ chức Đảng và Đảng
viên trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội. Đảng tiến hành phân
công, phân cấp quản lí cán bộ cho các cấp ủy và các tổ chức Đảng đồng thời
thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác cán bộ của các ngành các
cấp. Ví dụ như, Đảng bộ huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn với sự nhận thức

đúng đắn vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, trong nhiệm kỳ
qua (2005 – 2010), Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, nghiêm túc công tác kiểm tra, giám
sát. Từ 2005 đến nay, qua tiến hành kiểm tra, giám sát, toàn Đảng bộ đã xử
lý kỷ luật 47 đảng viên. Tỷ lệ đảng viên bị kỷ luật đảng về thiếu tinh thần
trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và cố ý làm trái
quy định của Đảng, Nhà nước chiếm tới 31,8% so với tổng số đảng viên bị
vi phạm. Bên cạnh đó, có tới 35,9% đảng viên vi phạm (trong tổng số đảng
viên bị kỷ luật đảng) về phẩm chất đạo đức, lối sống, tham ô hối lộ.
Nguyên tắc thứ tư là mọi công dân đều bình đẳng trong việc đảm nhiệm
công vụ. Nguyên tắc này có liên quan mật thiết với nguyên tắc dân chủ và
công khai. Mọi công dân đều có thể tham gia gánh vác công vụ nhà nước
nếu đáp ứng yêu cầu của công vụ ấy, không phân biệt dân tộc, tôn giáo,
thành phần xuất thân, giới tính nhưng điều quan trọng ở đây là phẩm chất
chính trị và năng lực của công dân. Những hạn chế trong việc đảm nhiệm
công vụ đều suất phát từ lợi ích công vụ và được quy định bởi pháp luật.
Trong thực tế, nguyên tắc này được thể hiện rất rõ qua việc thi tuyển công
chức trong các cơ quan nhà nước được công bố rộng rãi, để cho những công
dân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật với khả năng của mình có thể
tham gia vào công việc nhà nước. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều hơn cán
bộ nữ tham gia trong các cấp uỷ đảng và ở tất cả các vị trí lãnh đạo từ Trung
ương đến cơ sở. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đã
đạt được nhiều kết quả quan trọng về số lượng và chất lượng; nhiều cán bộ
là người dân tộc thiểu số được tín nhiệm bầu vào những cương vị trọng yếu
trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa
phương.
Thứ năm là nguyên tắc bảo đảm nguyên tắc tập thể, dân chủ đi đôi với
phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chế độ
công vụ đảm bảo nguyên tắc tập thể, dân chủ để bố trí đúng người, đúng
việc, đúng lúc và đúng chỗ. Mọi vấn đề như xác định danh mục các chức vụ

trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, định ra các phương thức tuyển chọn,
thăng chức, giáng chức và thuyên chuyển cán bộ, công chức, quy định các
ngạch, bậc với công chức và chế độ chính sách đối với công chức…do tập
thể có thẩm quyền quyết định sau khi xem xét ý kiến của các cơ quan có liên
quan và ý kiến của nhân dân tại địa phương. Nguyên tắc này cũng khẳng
định công vụ là hoạt động có tính phục vụ, đáp ứng các yêu cầu của công
dân trên cơ sở pháp luật, do đó nhân dân có thể tham gia vào việc đưa ra các
quyết định của các cơ quan nhà nước. Mặt khác cán bộ, công chức là những
chủ thể hoạt động công vụ nên họ phải có quyền tham gia thảo luận các vấn
đề liên quan đến công vụ của họ. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức phải
nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định chỉ thị của cấp trên bởi hoạt động
công vụ đòi hỏi có một trật tự, kỉ cương nhất định, điều đó cũng đồng nghĩa
với việc nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo trong các cơ quan nhà
nước. Hiện nay, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của người lãnh đạo thì một
số Đảng bộ đã thí điểm đại hội bầu trực tiếp cấp ủy như Đại hội Đảng bộ
Chi cục Thuế quận Ba Đình, Đại hội Đảng bộ trường Cao đẳng Nghề cơ
điện Hà Nội, Đảng bộ Công ty Cấp nước Hà Đông… Nhìn chung tỷ lệ phiếu
bầu khá cao, nhất là đối với chức danh bí thư, phó bí thư, thể hiện sự tín
nhiệm của đảng viên với người đứng đầu. Từ đây, những người được bầu
làm bí thư, phó bí thư cũng nhận thấy cần phải nâng cao trách nhiệm, hoàn
thành tốt nhiệm vụ mà tổ chức giao phó, đáp ứng lòng tin của đồng chí mình
và nhân dân.
III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ.
Việc hiểu và vận dụng tốt các nguyên tắc của chế độ công vụ là cơ sở
để hoàn thiện chế độ công vụ - một nội dung quan trọng của cải cách hành
chính nhà nước làm cho chế độ công vụ ngày một hoàn bị hơn. Qua đó, bảo
đảm sự vận hành của bộ máy hành chính thông suốt, nâng cao ý thức trách
nhiệm công vụ của cán bộ, công chức; giải quyết đúng đắn, kịp thời các yêu
cầu hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp
pháp của công dân.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt
Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, 2008, 2009;
2. Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hành chính
Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, 2005;
3. Phạm Hồng Thái, Công vụ, công chức nhà nước, Nxb. Tư pháp,
Hà Nội, 2004.
4. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)
4. xaydungdang.org.vn
5. anninhthudo.vn
6. baolangson.com.vn

×