Tải bản đầy đủ (.pdf) (117 trang)

hình tượng nam nhi trong sáng tác của trương hiền lượng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (934.57 KB, 117 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Bùi Thị Mỹ Linh

HÌNH TƯỢNG NAM NHI TRONG
SÁNG TÁC CỦA TRƯƠNG HIỀN LƯỢNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2013


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Bùi Thị Mỹ Linh

HÌNH TƯỢNG NAM NHI TRONG
SÁNG TÁC CỦA TRƯƠNG HIỀN LƯỢNG

Chuyên ngành : Văn học nước ngoài
Mã số

: 60 22 02 45
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

TS. ĐINH PHAN CẨM VÂN


Thành phố Hồ Chí Minh – 2013


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan, đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nghiên cứu nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng công bố trong bất kì
công trình nào khác.
Tác giả

Bùi Thị Mỹ Linh

1


LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận văn này, tôi xin gửi lời cảm ơn đến:
 Tiến sĩ Đinh Phan Cẩm Vân, người trực tiếp và tận tình hướng dẫn khoa học
cho tôi. Tôi xin gửi đến cô lời tri ân và biết ơn chân thành, sâu sắc nhất.
 Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Ngữ văn, Phòng Sau
Đại học và thư viện đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành luận văn này.
 Gia đình, bạn bè đã ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình làm luận
văn
TPHCM, ngày 30 tháng 09 năm 2013
Người viết luận văn
Bùi Thị Mỹ Linh

2



MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 1
LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. 2
MỤC LỤC .................................................................................................................... 3
DẪN NHẬP .................................................................................................................. 5
1. Lí do chọn đề tài.............................................................................................................. 5
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................................. 5
3. Đối tượng nghiên cứu ..................................................................................................... 8
4. Phạm vi nghiên cứu ........................................................................................................ 8
5. Mục đích nghiên cứu ...................................................................................................... 8
6. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................... 9
7. Đóng góp của luận văn ................................................................................................... 9
8. Cấu trúc của luận văn .................................................................................................... 9

CHƯƠNG 1: TRƯƠNG HIỀN LƯỢNG VÀ VĂN HỌC THỜI KÌ “ĐẠI CÁCH
MẠNG VĂN HÓA”................................................................................................... 11
1.1. Xu hướng đổi mới của văn học đương đại Trung Quốc ........................................ 11
1.2. Nhà văn Trương Hiền Lượng và cuộc Đại cách mạng văn hóa............................. 14
1.3. Cơ sở hình thành loại hình nhân vật ....................................................................... 18
1.4. Chân dung người nam nhi trong tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng ............... 22

CHƯƠNG 2: HÌNH TƯỢNG NAM NHI VỚI VẺ ĐẸP TÂM HỒN VÀ BI KỊCH
TINH THẦN .............................................................................................................. 25
2.1. Người nam nhi với vẻ đẹp tâm hồn .......................................................................... 25
2.1.1. Người nam nhi giàu cá tính ..................................................................................25
2.1.2. Người nam nhi giàu khát vọng .............................................................................30
2.2. Những bi kịch tinh thần ............................................................................................ 39
2.2.1. Bi kịch bản năng ...................................................................................................39
2.2.2. Bi kịch lí tưởng .....................................................................................................46

2.3. Người nam nhi với vấn đề tính dục .......................................................................... 49
2.3.1. Lăng kính giai cấp và vấn đề tính dục ..................................................................49
2.3.2. Vấn đề tính dục và tình yêu ..................................................................................54

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NAM NHI62
3.1. Nghệ thuật miêu tả nhân vật .................................................................................... 62
3.1.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật ...............................................................62
3


3.1.2. Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật ....................................................................68
3.2. Lời thoại nhân vật...................................................................................................... 73
3.2.1. Lời đối thoại .........................................................................................................73
3.2.2. Lời độc thoại.........................................................................................................81
3.3. Không gian nghệ thuật .............................................................................................. 86
3.3.1. Không gian nhà tù ................................................................................................86
3.3.2. Không gian căn buồng ..........................................................................................89
3.4. Tính trữ tình ............................................................................................................... 93

KẾT LUẬN ................................................................................................................ 98
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 100
PHẦN PHỤ LỤC ..................................................................................................... 105

4


DẪN NHẬP
1. Lí do chọn đề tài
Sau cuộc Đại cách mạng văn hóa cùng với chính sách cải cách, mở cửa về mặt
kinh tế, xã hội, văn học đương đại Trung Quốc vận động theo hướng dân chủ hóa, có

nhiều khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu. Nhà văn phản ánh cuộc sống với cái nhìn
đa diện, đa chiều bởi cuộc sống vốn phức tạp, bề bộn nhiều niềm vui và nước mắt.
Nhiều nhà văn Trung Quốc đã được độc giả Việt Nam biết đến như Mạc
Ngôn, Giả Bình Ao, Phùng Kí Tài, Thiết Ngưng… Một trong những gương mặt góp
phần làm rực rỡ nền văn học đương đại Trung Quốc là Trương Hiền Lượng.
Vấn đề nam nhi lại được đặt ra mạnh mẽ ở đất nước Trung Hoa. Trong mối
quan hệ phương Đông và phương Tây, ở phương Đông vai trò của người nam nhi lại
có phần gánh nặng hơn về trách nhiệm với gia đình, xã hội. Qua ngòi bút tài hoa của
Trương Hiền Lượng, ông vừa kế thừa những quan niệm cũ vừa đặt ra nhiều vấn đề có
tính đột phá qua hình tượng người nam nhi. Ông đặc biệt đi sâu khai thác kiểu người
nam nhi trí thức, số phận của họ thăng trầm cùng số phận lịch sử.
Tác phẩm của nhà văn Trương Hiền Lượng được dịch ra tiếng Việt nhiều
nhưng hầu như chỉ được tiếp cận ở góc độ dịch mà ít nghiên cứu.
Xuất phát từ những lí do trên, người viết nghiên cứu tác giả Trương Hiền
Lượng với một khía cạnh nổi bật thuộc nội dung tác phẩm, đó là hình tượng nam nhi
nhằm thỏa mãn niềm say mê của bản thân và phục vụ thiết thực cho công tác giảng
dạy. Chúng tôi hi vọng mở ra một hướng tiếp cận khoa học về sáng tác của Trương
Hiền Lượng, một nhà văn tài năng trong nền văn học đương đại Trung Quốc.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Có rất ít công trình nghiên cứu tiểu thuyết Trương Hiền Lượng. Ở đây, chúng
tôi xin tổng hợp những bài nghiên cứu và chia lịch sử nghiên cứu về tác giả Trương
Hiền Lượng thành hai nhóm vấn đề lớn như sau:
* Những công trình nghiên cứu Trương Hiền Lượng ở Trung Quốc
Viết về văn học đương đại Trung Quốc, có rất nhiều bài nghiên cứu như:
nghiên cứu của Vương Khánh Sinh trong Trung Quốc đương đại văn học, nghiên
5


cứu của Hồng Tử Thành trong Trung Quốc đương đại văn học sử, nghiên cứu của
Trần Tư Hòa trong Trung Quốc đương đại văn học sử giáo trình,…

Nhà văn Trương Hiền Lượng có một vị trí đặc biệt trong văn đàn văn học
đương đại Trung Quốc. Việc nghiên cứu về nhà văn Trương Hiền Lượng cũng được
giới phê bình quan tâm. Thông qua việc tìm hiểu, chúng tôi đã tổng hợp tình hình
nghiên cứu về nhà văn Trương Hiền Lượng ở một số phương diện sau:
◊ Thứ nhất là nghiên cứu về vấn đề giới tính trong tiểu thuyết của Trương Hiền
Lượng (张贤亮小说中的性别政治). Đây là một vấn đề khá nổi bật trong các tác
phẩm của ông. Trong đó, cũng có những nghiên cứu nhỏ về hình tượng nữ trong tác
phẩm Cây hợp hoan (张贤亮《绿化树》女性形象) hay nghiên cứu về sự xung đột
giữa thân xác và dục vọng trong Một nửa đàn ông là đàn bà
(《男人的一半是女人: 与理想冲突的女人身体与欲望)
◊ Thứ hai là nghiên cứu về những thay đổi trong tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng
(浅谈张贤亮小说创作的前后变化). Những thay đổi này cũng nằm trong sự thay
đổi của nền văn học đương đại Trung Quốc.
◊ Một vấn đề nữa cũng được các nhà nghiên cứu, phê bình Trung Quốc quan tâm, đó
là vấn đề người trí thức trong tác phẩm của nhà văn (张贤亮: 对知识分子精神世
界的探索与表现).
* Những công trình nghiên cứu Trương Hiền Lượng ở Việt Nam
◊ Bài nghiên cứu “Tiểu thuyết gợi sự suy ngẫm, giàu tính triết lí của Trương
Hiền Lượng”, giáo sư Lê Huy Tiêu đã đi phân tích tiểu thuyết của Trương Hiền
Lượng là sự kết tinh của thơ ca và triết học dựa trên tinh thần do cuộc sống cay đắng
tạo nên. Giáo sư phân tích bất luận là nhân vật nào trong sáng tác của Trương Hiền
Lượng cũng đều mang tính triết lí sâu sắc. Đó là nhân vật người lái xe trong truyện
ngắn Sôrubulak, Chương Vĩnh Lân trong Cây hợp hoan, Một nửa đàn ông là đàn bà
hay Trần Bảo Thiếp trong Phong cách nam nhi. Tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng
còn gợi cho độc giả được thưởng thức một vẻ đẹp “không hoàn chỉnh” trong vết
thương đau khổ, đó là cái đẹp của nội tâm phóng khoáng, vẻ đẹp của phong cảnh
vùng quê Tây Bắc.
6



◊ Luận văn Thạc sĩ “Tính triết lí và trữ tình trong tiểu thuyết của Trương Hiền
Lượng” (Đại học KHXH và NV Hà Nội năm 2012), Hoàng Thị Lan làm rõ triết lí về
cái đói và sự tồn tại, triết lí giữa tự do và kìm kẹp, triết lí giữa sự sống và cái chết.
Tuy nhiên, luận văn này người viết chỉ tập trung đi vào nghiên cứu “Tính triết lí – trữ
tình” qua hai tác phẩm Cây hợp hoan và Một nửa đàn ông và đàn bà. Người viết
chưa đi khai thác hình tượng nam nhi được nhà văn Trương Hiền Lượng thật sự chú
ý.
◊ Bài đăng trên online ngày 16 tháng 12 năm 2010,
giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Trương Hiền Lượng. Ông đã bày tỏ
những trăn trở: “Tôi cảm thấy rất tự hào, vì tôi cùng vận mệnh với dân tộc Trung Hoa
cũng đang gặp trắc trở, hơn nữa lúc đó ngoài tôi ra nhiều công nhân, nông dân, cán
bộ và tri thức gặp phải chuyện tan cửa, nát nhà, lạc vợ, xa con, mất tự do, thậm chí
mất tính mạng, tôi vẫn phải coi là người may mắn sống sót”. Chính vì vậy, bằng ngòi
bút tài hoa của mình, ông đã ghi lại một cách chân thật một thời kì lịch sử để lại nhiều
đau thương không chỉ trên bản thân người thi sĩ mà còn cả dân tộc Trung Hoa.
◊ Bài đăng trên báo văn nghệ trẻ, ông trả lời phỏng vấn: “Tôi là một người đi
bán đảo hoang”, Trương Hiền Lượng đã biến đống hoang tàn đổ nát trở nên đậm nét
văn hóa của dân tộc mình. Trong quá trình ông làm kinh doanh, đầu tư xây dựng
thành phố điện ảnh Trấn Bắc Bảo cũng là quá trình thâm canh tác phẩm của ông sau
này. Trương Hiền Lượng được xếp vào 100 nhà văn có ảnh hưởng ở thế kỉ XX.
◊ Bài phỏng vấn trên báo Thể thao văn hóa, Trương Hiền Lượng là một trong
mười người Trung Quốc được công nhận là nhân vật văn hóa kiệt xuất vào năm 2004.
Trong bài trả lời phỏng vấn, ông đã đưa ra ý kiến của mình về việc sáng tác văn học
Trung Quốc hiện nay: “Nữ nhi viết cũng tốt, nam nhi viết cũng hay. Tôi cho rằng
hiện nay đã bước vào giai đoạn tự do sáng tác, đây là biểu hiện cụ thể của sự chuyển
đổi quĩ đạo văn hóa Trung Quốc”.
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu về nhà văn Trương Hiền Lượng và
tác phẩm của ông ở Việt Nam còn khá ít. Vì vậy, chúng tôi muốn đi nghiên cứu sáng
tác Trương Hiền Lượng với một khía cạnh nổi bật trong tác phẩm của ông, đó là hình
tượng nam nhi.

7


3. Đối tượng nghiên cứu
Để nghiên cứu về những tác phẩm văn học của một nhà văn thì có rất nhiều
phương diện để bàn luận. Luận văn nghiên cứu một phương diện thuộc nội dung của
tác phẩm văn học trong sáng tác của Trương Hiền Lượng. Từ việc chọn hình tượng
nam nhi làm đối tượng nghiên cứu, chúng tôi xác định đi tìm hiểu về văn học thời kì
Cách mạng văn hóa, đi sâu về tấn bi kịch tinh thần của nhân vật và vẻ đẹp tâm hồn
của họ, nghệ thuật xây dựng hình tượng nam nhi trong sáng tác của Trương Hiền
Lượng.
4. Phạm vi nghiên cứu
Trương Hiền Lượng sáng tác nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện vừa, tiểu
thuyết. Tác phẩm của ông được dịch ra rất nhiều thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Nga… Ở
đề tài này, chúng tôi nghiên cứu một truyện vừa và hai bộ tiểu thuyết (dựa trên nguồn
dịch: Phan Văn Các, Trịnh Trung Hiếu và Trần Đình Hiến dịch). Ngoài ra trong quá
trình nghiên cứu chúng tôi còn tham khảo những sáng tác khác như truyện ngắn,
những bài trả lời phỏng vấn… đã được dịch sang tiếng Việt.
1. Phong cách nam nhi (1994), Lê Văn Các và Trịnh Trung Hiếu dịch, Nxb Hà Nội.
2. Một nửa đàn ông là đàn bà (1989), Phan Văn Các và Trịnh Trung Hiếu dịch, Nxb
Trẻ và Nxb Lao động.
3. Cây hợp hoan (2004), Trần Đình Hiến dịch, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
4. Thời thanh xuân, Trần Đan Yến, Thái Nguyễn Bạch Liên dịch, Nxb Thuận Hóa,
Hà Nội.
5. Một tỉ sáu, Phạm Tú Châu dịch, Nxb Văn hóa Phụ nữ, Hà Nội.
5. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của người nghiên cứu khi thực hiện luận văn này để hiểu một cách
sâu sắc thế giới hình tượng nam nhi trong sáng tác của Trương Hiền Lượng. Đồng
thời, qua việc nghiên cứu hình tượng nam nhi, chúng tôi muốn tìm hiểu phong cách
sáng tác của ngòi bút này và tìm cơ sở khẳng định đóng góp của nhà văn đối với sự

phát triển của văn học nghệ thuật đương đại Trung Quốc.
8


6. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp nghiên
cứu sau:
Phương pháp hệ thống: Phương pháp này giúp chúng tôi đặt đối tượng nghiên
cứu trong một hệ thống để thấy được tính toàn diện.
Phương pháp lịch sử - xã hội học: Đặt đối tượng nghiên cứu vào một bối cảnh
xã hội để nghiên cứu, tránh xa rời thực tiễn. Mặc dù sáng tác văn học phải có sự hư
cấu, tuy nhiên có thể nói hơn ai hết Trương Hiền Lượng đã ghi lại một cách rất chân
thực những gì mà bản thân ông đã trải nghiệm trong thời Đại cách mạng văn hóa.
Phương pháp phân tích tổng hợp: Chúng tôi trực tiếp khảo sát văn bản, từ đó
phân tích để đưa ra những luận điểm tổng hợp khái quát.
Phương pháp so sánh: Đặt hình tượng nam nhi trong mối quan hệ với các kiểu
nhân vật khác trong sáng tác của Trương Hiền Lượng.
Phương pháp miêu tả: Dùng cách thức miêu tả, kể chyện để tái hiện lại những
sự kiện, tình tiết mang tính triết lí trong tác phẩm.
Phương pháp phê bình tiểu sử: Phương pháp này giúp chúng tôi có cái nhìn cụ
thể hơn về những tác động từ cuộc đời của nhà văn Trương Hiền Lượng lên hình
tượng người nam nhi trong tác phẩm.
7. Đóng góp của luận văn
Nghiên cứu “Hình tượng nam nhi trong sáng tác của Trương Hiền Lượng”,
chúng tôi hi vọng sẽ góp phần nhỏ để giới thiệu hình tượng nam nhi, một chân dung
mới mẻ, đặc sắc trong sáng tác của ông. Đồng thời cũng cho thấy những đóng góp
của nhà văn cho sự nghiệp văn học Trung Quốc.
8. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo, luận văn gồm có 3 chương.
Chương 1: Nhà văn Trương Hiền Lượng và văn học thời kì Đại cách mạng văn

hóa. Chúng tôi sẽ làm rõ xu hướng đổi mới của văn học đương đại Trung Quốc, mối
quan hệ mật thiết giữa nhà văn Trương Hiền Lượng và cuộc Đại cách mạng văn hóa,
9


cơ sở hình thành loại hình nhân vật, chân dung người nam nhi trong tiểu thuyết của
Trương Hiền Lượng.
Chương 2: Người nam nhi với vẻ đẹp tâm hồn và bi kịch tinh thần; Người nam
nhi với vấn đề tính dục.
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng hình tượng người nam nhi. Chúng tôi làm rõ
nghệ thuật miêu tả ngoại hình và nội tâm nhân vật, lời thoại của nhân vật, không gian
nghệ thuật và tính trữ tình trong tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng.

10


CHƯƠNG 1: TRƯƠNG HIỀN LƯỢNG VÀ VĂN HỌC THỜI KÌ
“ĐẠI CÁCH MẠNG VĂN HÓA”
1.1. Xu hướng đổi mới của văn học đương đại Trung Quốc
Đại cách mạng văn hóa bắt đầu vào năm 1966, theo chỉ thị của chủ tịch Mao
Trạch Đông, hội nghị Bộ Chính trị mở rộng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã
chính thức phát động phong trào “Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản”, người trí thức
là đối tượng bị bức hại trực tiếp và nhiều nhất trong cuộc vận động này: “Trong
những năm đầu thập kỉ 60, do sai lầm tả khuynh trong chỉ đạo, khoa học xã hội và
nhân văn ở Trung Quốc gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều tổn thất. Những mâu thuẫn
trong nội bộ lãnh đạo của Đàng Cộng Sản Trung Quốc đã làm ảnh hưởng tiêu cực
đến hoạt động xã hội và đời sống văn nghệ Trung Quốc. Nhiều tác giả, tác phẩm bị
quy chụp là cỏ độc, là chống Đảng một cách vô căn cứ. Tháng 11 năm 1963, Mao
Trạch Đông đã phê phán Bộ Văn Hóa là “Bộ của Đế Vương quan tướng, của các tài
tử giai nhân, của thây ma ngoại quốc”

Cuộc Đại các mạng văn hóa kết thúc vào năm 1976, văn học Trung Quốc đi
vào thời kì nở rộ, đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Đặc biệt từ sau năm 1976 đến
năm 1982, những Đảng viên cộng sản được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân đã
kiên quyết chống lại bọn “bè lũ bốn tên” từng làm khuynh đảo văn đàn Trung Quốc
một thời. Đất nước đã thoát ra khỏi cuộc Đại cách mạng văn hóa, đưa xã hội Trung
Quốc từ thời trung cổ tối tăm, dần dần được hồi sinh, người dân dần dần quay trở về
với cuộc sống bình thường, mọi suy nghĩ của con người được giải phóng. Tháng 5
năm 1978, Đại hội mở rộng lần thứ III của Hội lien hiệp văn học nghệ thuật Trung
Quốc khóa 3, khôi phục hội văn liên, Hội nhà văn Trung Quốc và các Hội nhà văn
địa phương… Cùng với đường lối “bốn hiện đại hóa” theo đường lối, tư tưởng của
Đặng Tiểu Bình, văn học đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Văn học đương đại Trung Quốc xuất hiện nhiều trào lưu tiểu thuyết mới: dòng
“văn học tiên phong”, dòng “văn học tả thực”, dòng “siêu thực”, dòng “hiện đại chủ
nghĩa”… nhưng đáng chú ý là dòng “văn học vết thương” và “văn học phản tư” góp
phần mở ra một thời kì nở rộ cho văn đàn đương đại Trung Quốc.
11


Thế hệ nhà văn xuất hiện sau cuộc Đại cách mạng văn hóa làm nên diện mạo
nền văn học Trung Quốc. Hơn ai hết, thế hệ nhà văn này là những nạn nhân, chịu
nhiều đau khổ, bị bức hại tàn khốc trong những năm tháng rối ren, loạn lạc nhưng họ
là những người mẫn thế, dám nghĩ, dám làm. Họ không phủ định hiện thực bằng
những lí thuyết dối trá “tô hồng” hay chủ trương “hai kết hợp”, tức là kết hợp “Chủ
nghĩa hiện thực cách mạng” với “Chủ nghĩa lãng mạn cách mạng”. Những lớp nhà
văn này thẳng thắn nhìn thẳng vào hiện thực đau khổ, không né tránh, vạch trần tội
lỗi của bọn “bè lũ bốn tên”, vạch trần những tàn dư xấu xa trong xã hội. Thế hệ nhà
văn này rất đông đảo: Trương Hiền Lượng, Lưu Tâm Vũ, Mạc Ngôn, Lưu Hằng, Giả
Bình Ao, Phùng Kí Tài, Thẩm Dung…
Lớp nhà văn này đã tạo ra dòng “Văn học vết thương”, tố cáo một cách trực
diện tính chất vô nhân đạo của cuộc Đại cách mạng văn hóa, triệt để phê phán những

sai lầm, ấu trĩ một thời, đi sâu mổ xẻ vết thương thể xác và tinh thần, khẳng định
những giá trị đạo đức tốt đẹp, đề cao vai trò của con người chân chính. Ban đầu, từ
“vết thương” trong “văn học vết thương” được dùng theo nghĩa hẹp, chỉ những nỗi
đau, cảm thương, bi kịch. Đặc biệt, trong thời Đại cách mạng văn hóa, con người
chịu nhiều tổn thương rất lớn về thể xác và tinh thần. Sáng tác văn học cũng bị hạn
chế trong một thời gian khá dài. Mở đầu là tiểu thuyết Chủ nhiệm lớp của Lưu Tâm
Vũ được đăng trên tờ báo Văn học nhân dân số 11 năm 1977, tố cáo bọn phản động
trong Đại cách mạng văn hóa đã làm hủy hoại tâm hồn bao thế hệ trẻ. Truyện ngắn
“Vết thương” của Lô Tân Hoa đăng trên Văn hối báo ngày 11 tháng 8 năm 1978, đã
xoáy sâu vào nỗi đau thể xác và tinh thần, tác phẩm đã tiếng nói đầu tiên phủ định
triệt để Đại cách mạng văn hóa, càng thúc đẩy dòng văn học vết thương. Tiếp theo
hàng loạt tác phẩm phê phán hành động của bọn “Hồng vệ binh” chỉ biết răm rắp làm
theo một cách ngu xuẩn, đã gây ra những hành động tàn bạo, chà đạp lên cuộc sống
của người dân, đặc biệt bức hại những người tri thức, đẩy họ vào chuỗi ngày bi kịch.
Những tác phẩm đã chỉ thẳng đường lối “cuộc đấu tranh chống phái đi theo con
đường Tư Bản” là hoang đường, không có cơ sở thực tế. Cả xã hội đang bị đường lối
“tả khuynh” gò bó, thống trị, coi xã hội trong mười năm Đại cách mạng văn hóa là
một nhà tù giam cầm con người. Bên cạnh đó, không chỉ nhằm mục đích phủ định
12


cuộc Đại cách mạng văn hóa mà còn phủ định mạnh mẽ kiểu sáng tác bưng bít, che
đậy cho Cách mạng văn hóa.
Tiểu thuyết dòng “văn học vết thương” không chỉ miêu tả bi kịch mà còn chú ý
khắc họa tính cách , xây dựng những nhân vật điển hình. Văn học “vết thương” đã
khôi phục lại truyền thống chủ nghĩa hiện thực mà Lỗ Tấn là một cây bút tiêu biểu.
Độc giả có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm có giá trị: Ôi (Phùng kí Tài), Tôi là ai
(Tông Phác), Câu chuyện của lão Huỳnh và con chó (Trương Hiền Lượng), Mãi mãi
là mùa xuân (Thẩm Dung), Tỉnh lại đi, em ơi (Lưu Tâm Vũ)…
Gần gũi với tiểu thuyết “Văn học vết thương” là dòng tiểu thuyết “văn học

phản tư”. Dựa trên “Quyết nghị của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc về các
vấn đề lịch sử từ ngày dựng nước đến nay” (1981), các nhà văn có cơ sở để lí giải
những vấn đề khó nói, có điều kiện chạm đến những “vùng cấm” mà xưa không được
mô tả. Không dừng lại ở việc mổ xẻ vết thương, nghiêng về phơi bày những đau khổ
trong những năm tháng động loạn, dòng “văn học phản tư” hướng về việc truy tìm
căn nguyên của nỗi đau khổ, đi tìm những khuất mắc chưa có lời giải đáp, chỉ ra
nguyên nhân đã đưa đất nước Trung Hoa đi tới bờ vực thẳm. Dòng “văn học phản tư”
nhìn nhận lại luồng gió “tả khuynh”, những sai lầm trong đường lối “Đại nhảy vọt”,
“Chống phái hữu”, “Cuộc đấu tranh chống phái đi theo con đường Tư Bản”… Hầu
hết các tiểu thuyết thuộc dòng văn học này đều thể hiện mong muốn mọi người hãy
suy nghĩ lại một cách thấu đáo, cặn kẽ lịch sử để bi kịch không bao giờ tái diễn trên
đất nước Trung Hoa. Những tác phẩm tiêu biểu: Câu chuyện bị cắt xén lầm của Như
Chí Quyên, Cây hợp hoan củaTrương Hiền Lượng, Truyền kì núi Thiên Vân của Lê
Ngạn Chu…
Bước sang thế kỉ XX, người ta nhận thấy văn học Trung Quốc đang có phần
nghiêng về khuynh hướng hiện đại của phương Tây, tiểu thuyết đang có một hướng
đi mới. Cách khai thác bằng những thủ pháp mới của dòng ý thức từ Hemingway,
William Faulkner, Borge… đi sâu khám phá nội tâm con người đã ảnh hưởng rất lớn,
chi phối cách viết của các nhà văn đương đại Trung Quốc. Các nhà văn trẻ hào hứng
đón nhận những thuyết hiện đại và hậu hiện đại. Từ Vương Mông, Trương Hiền
Lượng, Dư Hoa, Thiết Ngưng… đều đi sâu khai thác nội tâm của con người theo kĩ
13


thuật của văn học phương Tây. Một xã hội tồn tại như một mớ hỗn độn, con người
luôn mang tâm thế hoang mang, bất ổn, luôn loay hoay tìm mặt này rồi mặt khác để
hiểu bản thân mình. Đó cũng chính là sự gặp gỡ nhau ở những tác phẩm Cây hợp
hoan, Một nửa đàn ông là đàn bà, Thành phố không mưa, Thị trấn phù dung… Văn
học còn hướng tới khôi phục giá trị đích thực của con người, đề cao tính người như
Chủ nhiệm lớp của Lưu Tâm Vũ, Hồ Điệp của Vương Mông, Cây hợp hoan, Một nửa

đàn ông là đàn bà…
Truyện vừa Cây hợp hoan và tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà của nhà
văn Trương Hiền Lượng vẫn không thể phân tách một cách rõ ràng là thuộc dòng
“văn học vết thương” hay dòng “văn học phản tư”. Tác phẩm đã thể hiện rất rõ thế
giới nội tâm phức tạp của nhân vật, về vết hằn lao cải đóng dấu lên thân xác và tinh
thần họ. Bên cạnh đó, tác giả suy ngẫm về một thời động loạn đã qua để nhìn nhận lại
bản chất xã hội và con người.
Một chủ đề nữa mà tiểu thuyết đặc biệt quan tâm, đó là miêu tả công cuộc cải
cách mở cửa, đưa xã hội thoát khỏi tâm thế bị kìm kẹp. Trong công cuộc cải cách ở
nông thôn và thành phố, đã phát hiện ra những tàn dư của chế độ cũ, phát hiện ra mâu
thuẫn của thể chế kinh tế chính trị, không phù hợp với yêu cầu của thời đại, phản ánh
sự điều chỉnh kịp thời. Những tiểu thuyết của Tưởng Tử Long, Hà Sĩ Quang, Khả
Vân Lộ, Trương Khiết, Lý Quý Văn, Trương Hiền Lượng… những tác phẩm phản
ánh công cuộc cải cách làm thay đổi phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất, thay đổi
quan điểm suy nghĩ của mọi người: Thanh âm mùa xuân (Vương Mông), Trăng núi
không hiểu chuyện thầm kín (Chu Khắc Cần), Phong cách nam nhi (Trương Hiền
Lượng)…
Xu hướng đổi mới của văn học đương đại đã tạo nên một diện mạo mới cho
văn đàn Trung Quốc, xuất hiện nhiều phong cách mới lạ, độc đáo,Trương Hiền
Lượng là một tác giả tiêu biểu.
1.2. Nhà văn Trương Hiền Lượng và cuộc Đại cách mạng văn hóa
Cuộc Đại cách mạng văn hóa kéo dài mười năm (1966- 1976) đã đưa lịch sử
đất nước Trung Hoa trở về với thời trung cổ đầy tối tăm. Cuộc Đại cách mạng văn
14


hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ ngày 16 tháng 5 năm
1966, nhằm loại bỏ những phần tử “tư sản tự do” nhưng thực chất ông muốn lấy lại
thanh danh và quyền lực sau cuộc “đại nhảy vọt” bị thất bại về kinh tế, một lần nữa
xã hội Trung Quốc ngày càng lấn sâu hơn vào sự khủng hoảng trầm trọng. Mao Trạch

Đông ngày càng muốn khẳng định quyền lực chính trị của mình trong Đảng so với
đối thủ Lưu Thiếu Kỳ và loại bỏ những bất đồng ý kiến như Đặng Tiểu Bình, Bành
Đức Hoài…
Đây là một sự kiện lịch sử lớn tác động đến tất cả mọi giai tầng trong xã hội,
đặc biệt trừng phạt và cô lập giới tri thức, giam cầm họ trong một thứ tù không kì
hạn, mất hẳn sự tự do. Cuộc Đại cách mạng văn hóa đã làm đảo lộn mọi thang bậc,
giá trị trong xã hội.
Một xã hội tràn ngập không khí khủng bố, thất điên bát đảo, một xã hội bao
trùm sự ngột ngạt lên mọi người, hiện lên từng khuôn mặt của người đi tố giác, kẻ bị
tố giác, người đi tù, kẻ coi tù, tù đàn ông, tù đàn bà, đi đâu cũng đấu tố, con người bị
đọa đày với những suy tư, vật vã và nhiều trăn trở.
Đại cách mạng văn hóa đã tác động đến mọi giai tầng trong xã hội, từ những
người bần nông ít học đến những người tri thức, từ đàn ông, đàn bà đến người già,
người trẻ, tất cả đều bị cuốn vào những phong trào đấu tố, xét lại… khi nhìn vào đó
người ta thấy rất rõ những sai lầm đến mức ấu trĩ.
Nhà văn Trương Hiền Lượng là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền
văn học đương đại Trung Quốc. Trương Hiền Lượng sinh năm 1936 tại Nam Kinh,
quê ở Giang Tô. Ông tốt nghiệp trường trung học năm 1954 vào 18 tuổi. Khi người
cha mất, ông trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình. Ông cùng mẹ và em gái
rời khỏi Nam Kinh đến Ngân Xuyên, Ninh Hạ làm giáo viên trường văn hóa cán bộ.
Mảnh đất Ninh Hạ đã thu hút chàng trai trẻ, là nơi ươm mầm tài năng nhà văn
Trương Hiền Lượng. Tại đây, ông bắt đầu sáng tác, ông nghĩ “viết văn là cách tốt
nhất để bộc lộ suy nghĩ của mình”. Không bao lâu, ông đã trở thành một nhà thơ tiêu
biểu, nổi tiếng ở Trung Quốc.
Năm 1957, bài thơ Đại phong ca in trên nguyệt san Diên Hà, đã thể hiện sự
hăng hái, nhiệt huyết của tuổi thanh niên, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận
15


nhưng cũng chính bài thơ này, Trương Hiền Lượng bị chụp mũ “hữu phái”, bị đem ra

phê phán. Ông bị lưu đày suốt 20 năm ở Trấn Bắc Bảo thuộc một địa phận tỉnh Ninh
Hạ, nằm ở hướng Tây - Bắc Trung Quốc. Đây là một vùng đất xa xôi, hẻo lánh, chỉ
có tiếng gió là một nét rất riêng biệt của vùng sông Hoàng Hà: “Ngẩng đầu lên ngó
mênh mông - chỉ nghe tiếng gió đầu đông thổi về”. Ông bị cắt đứt mọi mối quan hệ
với bên ngoài, sống lạc lõng ngay trong chính xã hội mà ông luôn tôn thờ. Mãi đến
năm 1979 ông mới được minh oan và được trả tự do. Có một lần nói chuyện với Đài
phát thanh quốc tế Trung Quốc, ông đã bộc bạch chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tự hào, vì
tôi cùng một vận mệnh với dân tộc Trung Hoa. Lúc cá nhân tôi gặp chuyện không
may, nông dân, cán bộ và trí thức gặp phải chuyện tan nát nhà cửa, lạc vợ xa con, mất
tự do, thậm chí mất tính mạng, tôi vẫn phải coi là người may mắn, là người may mắn
sống sót”
Khi Trung Quốc đang có dấu hiệu chuyển mình, dần dần có những dấu hiệu
thay đổi, thực hiện chính sách cải cách mở cửa. Sau hơn hai mươi năm treo bút,
Trương Hiền Lượng quay lại sáng tác với tất cả niềm say mê, nhiệt huyết của mình.
Mỗi trang văn, mỗi tác phẩm đều gắn liền với những bước thăng trầm của vận mệnh
dân tộc. Nhìn lại chặng đường đã xảy ra trong cuộc đời mình, sống trong một thời đại
bon chen, vật lộn, tranh giành, toan tính và loạn lạc, rối ren, sống trong một bầu
không khí u ám, ngưng đọng. Trương Hiền Lượng đã nhìn, đã nghe và hơn hết đã trải
nghiệm giúp tích lũy cho những tác phẩm của mình. Những tác phẩm đó rất tiêu biểu
cho dòng “văn học vết thương”.
Trương Hiền Lượng có một niềm say mê đối với hai nền văn học Pháp và văn
học Nga. Ông luôn bồi đắp cho mình một nền tảng vững chắc về văn hóa cổ điển
Trung Quốc. Trong hơn hai mươi năm tù đày, ông vẫn không ngừng suy nghĩ, ông
chuyên tâm nghiên cứu triết học, chính trị kinh tế học Mác - xít, điều này để lại dấu
ấn sâu đậm trong những tác phẩm của ông sau này. Ông đã chăm chỉ rèn luyện để trở
thành một con người chân chính và một nhà văn chân chính.
Ông khai thác, thu lượm nhiều chất liệu cho tác phẩm của mình, ông không
viết chuyện xa lạ, lớn lao mà hầu như đó là những câu chuyện xảy ra xung quanh
mình, như cái ăn (thực), sắc (đàn bà)… Đọc truyện của Trương Hiền Lượng, ta thấy
16



rõ ràng trọn vẹn một nước Trung Quốc ngày ấy, ngột ngạt không thể chịu đựng mãi
được, buộc con người phải thay đổi. Mỗi câu chuyện không chỉ là một cảnh đời mà
còn là vận mệnh của một đất nước với ý nghĩa triết học, xã hội lớn lao: “Nếu khi tôi
mới bắt đầu viết tiểu thuyết, chỉ phản ánh số phận cá nhân tôi, thì tác phẩm không có
giá trị lịch sử lớn, cũng không có sự đóng góp lớn cho xã hội. Nhưng, tác phẩm của
tôi đã phản ánh trắc trở của dân tộc Trung Hoa chúng ta trong hơn 20 năm”. Ông luôn
trăn trở, suy nghĩ về một thời kì lịch sử của dân tộc. Đó cũng là chủ đề xuyên suốt
cuộc đời ông vì hơn ai hết ông chính là nạn nhân của những đường lối sai lầm, ấu trĩ
một thời, dù bằng lòng hay không bằng lòng thì số phận của cá nhân ông đã gắn chặt
với số phận của đất nước ông.
Dù được tự do nhưng ông vẫn tiếp tục ở lại nông trường và sáng tác, khi ông
gửi bài viết số ba, số phận của ông cũng thay đổi từ đây, đó là tiểu thuyết Cụ Hình và
con chó nhỏ đã vinh dự được đạo diễn Tạ Tấn chuyển thể thành phim Cụ già với con
chó. Trương Hiền Lượng liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, để lại những ấn
tượng độc đáo trong lòng độc giả và cả sự quan tâm của giới phê bình. Hai truyện
ngắn Hồn và Xác và Xéc-pu-lắc lần lượt giành được giải thưởng “Truyện ngắn ưu tú”
toàn quốc năm 1980 và năm 1983. Không chỉ dừng lại ở đó, tác phẩm Cây hợp hoan
đã đem lại niềm vinh dự cho nhà văn, khi giành được giải thưởng “Truyện vừa ưu tú”
toàn quốc lần thứ ba. Nhà văn Trương Hiền Lượng hăng say và hoạt động sáng tạo
không ngừng, ông tiếp tục cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết Một nửa đàn ông là
đàn bà, được đánh giá là một trong một trăm cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng nhất
trong một trăm năm qua. Cuốn tiểu thuyết này cùng với truyện ngắn Nụ hôn đầu và
cuốn truyện vừa Cây hợp hoan đã hợp thành cuốn Lịch trình tình cảm, tức tập một
của bộ ba Những điều gợi ý của một người duy vật đã được xuất bản 60.000 bản
thường và 12.000 bản bìa cứng, được Nhà xuất bản Tác gia xuất bản tại thành phố
Bắc Kinh vào năm 1985. Cuốn sách này được xếp vào tủ sách Kho tàng tiểu thuyết
đương đại.
Không bằng lòng với cách miêu tả rập khuôn, công thức, Trương Hiền Lượng

đã bắt kịp dòng với xu hướng chung của thời đại, ông đã xây dựng nên những hình
tượng văn học điển hình, tiêu biểu. Ông xây dựng nên hình tượng Trần Bảo Thiếp
17


trong Phong cách nam nhi, một kiểu nhân vật trầm tư và phản tỉnh, ít nhiều mang khí
chất của nhà văn.
Ngòi bút của Trương Hiền Lượng tỉnh táo, sắc bén.Ông vừa kế thừa những
truyền thống văn học tốt đẹp vừa có những cách tân rất mới mẻ, táo bạo. Ông đi
ngược lại với cách miêu tả phiến diện, công thức, một chiều. Ông không né tránh
hiện thực, mà hiện thực càng đau khổ bao nhiêu thì càng phải nhìn thẳng vào nó mà
phản ánh, ông mạnh dạn phê phán hiện thực xã hội trong cuộc Đại cách mạng văn
hóa. Ông đã phát hiện ra một vẻ đẹp “không hoàn chỉnh” trong vết thương đau khổ, ở
nơi người ta nhìn vào chỉ thấy nỗi đau khổ, chỉ thấy vết thương thì Trương Hiền
Lượng lại phát hiện ra “cái đẹp của vết thương”. Đó cũng là mục đích cá tính nghệ
thuật của Trương Hiền Lượng.
Hiện nay, nhà văn Trương Hiền Lượng giữ chức Phó chủ tịch Hội liên hiệp văn
học nghệ thuật tỉnh Ninh Hạ, kiêm chủ tịch Hội nhà văn Ninh Hạ, đồng thời là ủy
viên Đoàn chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc. Có lần nhìn lại chặng đường đã qua,
ông tự nhủ với chính mình: “Bản thân tôi có cảm nghĩ rằng mình có thể nói là một
con người sôi nổi và kiên định. Bất cứ lúc nào, tôi cũng có một niềm tin vững như
bàn thạch đối với tổ quốc tôi, đối với dân tộc vĩ đại của chúng tôi. Niềm tin ấy có
được không hoàn toàn nhờ sách vở mà phần lớn nhờ thể hội trong cuộc sống gian
nan khốn khổ của mình”
[24, tr.8].
Trương Hiền Lượng không chỉ biết đến với tư cách là một cây bút có sức hút
mà còn được biết đến như một thương nhân giàu có. Ông mở một trường quay tại
miền tây Trấn Bắc Bảo, ông đã biến một vùng đất hoang vu thành một vùng phong
cảnh đạt chuẩn cấp quốc gia.
Trương Hiền Lượng là một nhà văn tài năng của nền văn học đương đại Trung

Quốc, ông là một trong mười người vinh dự nhận được danh hiệu “Nhân vật văn hóa
kiệt xuất” vào năm 2004.
1.3. Cơ sở hình thành loại hình nhân vật

18


Trung Quốc là một quốc gia tồn tại rất nhiều tôn giáo khác nhau và mỗi triều
đại lại chọn cho mình một tôn giáo để thống trị đất nước: Đạo gia với đường lối “vô
vi”, Mặc gia với đường lối “kiêm ái, hỗ lợi” không đáp ứng được quyền lợi của giai
cấp thống trị, Pháp gia với đường lối trị nước bằng luật, ban hành những điều luật hết
sức nghiêm ngặt nên cũng có kết cục bi thảm. Riêng đạo Nho của Khổng Tử hướng
tới nguồn gốc của sự bình an hơn là dùng hình phạt để đe dọa. Mục đích của đạo Nho
có tính giáo hóa: vua - tôi có nghĩa, cha - con có tình thân, chồng - vợ có phân biệt,
anh - em có trật tự với nền tảng chế độ tông pháp. Các triều đại phong kiến Trung
Quốc trong lịch sử dù tồn tại với những hình thức khác nhau song đều tồn tại dựa trên
chế độ tông pháp của nhà Nho. Trung Hoa là một quốc gia có lịch sử hàng ngàn năm
gắn liền với sự ra đi, phồn thịnh và độc tôn của Nho giáo. Cùng với chế độ tông pháp
thì không nơi nào trên thế giới vai trò của người đàn ông lại được đề cao, xem trọng
như ở Trung Quốc.
Ngay từ thời cổ đại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện chế độ chiếm hữu nô lệ
nhưng không tồn tại dưới một hình thức bình thường như những quốc gia khác trên
thế giới, mà đó là hình thức tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ gia trưởng, trong đó đặc
biệt xem trọng vai trò của tông tộc. Quan hệ tông tộc được áp dụng rộng rãi trong
nhiều mối quan hệ khác nhau từ lĩnh vực chính trị đến việc chi phối nhiều mối quan
hệ trong xã hội. Quan hệ tông tộc được duy trì qua nhiều triều đại, từ đời Nghiêu
Thuấn cho đến đời Hạ, Thương. Quan hệ này phát triển mạnh mẽ vào thời đại nhà
Chu bằng cách xây dựng chế độ tông pháp. Nhà Chu đã bắt đầu mở rộng sự ảnh
hưởng của họ mình sang những họ khác, thiết lập một trật tự theo mối quan hệ: Thiên
tử - chư hầu - Khanh - Đại phu - Sĩ. Chế độ tông pháp ngày càng được củng cố và mở

rộng, ăn sâu vào các mối quan hệ, được xây dựng trên tinh thần xác lập vai trò, vị trí
của phụ quyền gia trưởng, đứng đầu là vai trò của người đàn ông, đặc biệt là con trai
trưởng. Sử sách ghi chép rằng “Chu Vương truyền ngôi cho con trai trưởng kế thừa”.
Những mối quan hệ này dựa trên quan hệ huyết thống để phân biệt đẳng cấp trên dưới, vừa ràng buộc mọi người trong họ lại với nhau bằng tình cảm máu mủ.
Nho giáo được chính quyền Trung Quốc trọng dụng, đã đi vào tâm thức của
người dân một cách rất tự nhiên. Nho giáo được Khổng Tử kiên quyết duy trì chế độ
19


tông pháp đến cùng nhằm mục đích hướng tới một xã hội có tôn ti, trật tự. Theo
Khổng Tử, tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi, duy nhất có chế độ tông pháp là phải
duy trì, phải giữ nguyên giá trị của nó, “Thân thân dã, tôn tôn dã, trưởng trưởng dã,
nam nữ hữu biệt, thử kì bất khả đắc dã dan biến cách giả dã” (Thân cận với người
thân, tôn quí bậc tôn quí, giữ lễ với bậc huynh trưởng, cùng với sự phân biệt nam nữ
thì không thể đổi khác được” [31, tr.120].
Sau này, chế độ tông pháp có phần bị lung lay, hàng loạt phong trào đốt sách
Nho, giết các nhà Nho xảy ra ở triều đại nhà Tần với chính sách, đường lối cai trị của
Pháp gia, xây dựng một chế độ quân chủ trung ương tập quyền nhưng chế độ tông
pháp không vì thế mà bị tiêu diệt, bằng chứng xác thực nhất là chế độ tông pháp được
duy trì qua nhiều chế độ khác nhau, xã hội Trung Quốc chưa bao giờ đi trật đường
ray của trật tự đó. Muốn thống trị xã hội được yên ổn, điều quan trọng phải duy trì
cho được tôn ti, vua phải ra vua, bề tôi phải ra bề tôi. Đặc biệt, trong dòng họ xác
định vai trò của người đàn ông, vị trí của con trai trưởng. Nhà Nho có những quy
định cách ứng xử cho các thế hệ, những quy định như Cửu tộc, Ngũ phục càng khẳng
định mối quan hệ khắng khít, bền vững của những người cùng huyết thống với nhau,
càng khẳng định hơn tầm quan trọng của chế độ tông pháp. Cho nên Đại truyện trong
Lễ kí đã có một giải thích rất logic, “Thân cận với người thân cho nên kính trọng tổ
tiên, kính trọng tổ tiên cho nên kính trọng tông pháp, kính trọng tông pháp cho nên
có thể qui tụ người cùng họ, qui tụ người cùng họ cho nên tông miếu uy nghiêm, tông
miếu uy nghiêm cho nên coi trọng xã tắc, coi trọng xã tắc cho nên thứ dân được yên

ổn, thứ dân được yên ổn thì của cải đủ, của cải đủ và nam nữ hữu mọi ý chí đều được
thực hiện, mọi ý chí đều được thực hiện thì lễ phục được định hình, lễ phục được định
hình thì sau đó sẽ được yên vui” [31, tr.121]. Giữ gìn trật tự trên dưới là một cách
tránh sự lộn xộn, tranh giành. Đó là cách lấy gia đình thuận hòa làm mẫu để xây
dựng xã hội thái bình, trật tự, ổn định. Tất cả suy cho cùng cũng chính vì mục đích ấy
nên Nho giáo đã tìm ra một điểm tựa làm đòn bẩy một phần lớn người trong xã hội.
Tông pháp lập nên với mục đích cho con người biết được nguồn gốc của mình. Cũng
vì vậy mà theo thời gian, qua tới triều đại nhà Hán, chế độ tông pháp càng được trọng
dụng củng cố và phát triển, phù hợp với cách trị nước của thiên tử, vẫn lấy tư tưởng,
20


“Thân thân, tôn tôn, trưởng trưởng và nam nữ hữu biệt” làm cơ sở tư tưởng của
mình.
Trong gia đình, Nho giáo đề cao vai trò của người cha trong mối quan hệ cha con. Người cha có một vị trí quan trọng hơn người mẹ, cha là bề trên của con cái, cha
sinh ra con cái, cho nên trong tư tưởng xã hội thời ấy, mất cha đem lại điều bất hạnh
lớn trong gia đình hơn là mất mẹ. Cha là trời của con, là giềng mối của việc giáo hóa
con cái. Chính vì vậy mà đòi hỏi trách nhiệm của người con đối với cha, phải phục
tùng cha, theo mệnh lệnh của cha một cách tuyệt đối. Người con làm được điều đó
mới là người có nhân, nghĩa, lễ, tín. Việc đề cao vai trò của người cha trong gia đình
cũng là cách duy trì chế độ tông pháp ngày một bền vững hơn. Trong mối quan hệ
chồng - vợ, Nho giáo lại đề cao vai trò của người chồng. Nhìn chung quyền lợi và địa
vị của người vợ lúc nào cũng thấp kém hơn người chồng, phụ nữ phải có trách nhiệm
“tề gia” theo quan niệm “gia có tề thì xã hội mới được yên trị”. Ngoài ra, người vợ
còn phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của người chồng, điều này càng khẳng định
uy quyền của người đàn ông trong gia đình.
Nho giáo muốn xây dựng được một xã hội lí tưởng, phải có những con người
thật sự lí tưởng để phụng sự. Mà con người có lí tưởng theo quan niệm của đạo Nho
là người “quân tử”, người “quân tử” chỉ có thể là đàn ông nên đã có hai cặp phạm trù
đối lập giữa “quân tử” với “tiểu nhân”. Đạo Nho ví người phụ nữ ngang với những kẻ

tiểu nhân, khó dạy, dễ bị sai khiến, an phận với cảnh nghèo, với địa vị là người bị cai
trị, “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã. Cận chi tắc bất tồn, viễn chi tắc oán”
[31, tr.25] (Chỉ có đàn bà và tiểu nhân là khó ở cho vừa lòng. Gần họ thì họ khinh
nhờn, xa họ thì họ oán trách). Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn được thể hiện “Gặp
nàng hầu, để sinh con đẻ cái với mình, không có lỗi” [31, tr.89]. Người phụ nữ không
được coi là đối tượng giáo dục của Khổng Tử vì không xem họ là chủ nhân của gia
đình và xã hội.
Có thể nói xã hội Trung Quốc là một xã hội nam quyền với quan điểm Nho
giáo là quốc giáo. Trong đó, mối quan hệ dòng họ là mối quan hệ cơ bản, bền vững,
chắc chắn nhất. Đứng đầu gia đình là người đàn ông, là người được thừa nhận chủ trì
trong việc thờ cúng tổ tiên, người giữ các mối quan hệ trong dòng tộc. Họ phải đối
21


diện với những áp lực mà không có lí do gì để thoái thác. Vai trò người đàn ông tập
trung vào ba phương diện về kinh tế, chính trị và cuộc sống. Về kinh tế phải làm thật
giỏi, kiếm thật nhiều tiền. Về chính trị, họ phấn đấu để khẳng định vị trí của mình
trong xã hội. Về cuộc sống, họ là chỗ dựa vững chắc cho mọi thành viên trong gia
đình. Vai trò của người đàn ông, ngoài sự ủng hộ tuyệt đối của thiết chế xã hội, còn
trở thành một nét tâm lí phổ biến kéo dài từ thời này sang thời khác.
Bên cạnh đó chúng tôi nhận thấy, cuộc đời của nhà văn Trương Hiền Lượng
cũng chính là “chất liệu” để ông xây dựng nên hình tượng người nam nhi ít nhiều
mang khí chất và tư tưởng của nhà văn. Qua tác phẩm thể hiện rất rõ quan niệm của
Trương Hiền Lượng về người nam nhi.
Người nam nhi dưới ngòi bút của nhà văn Trương Hiền Lượng bất luận trong
hoàn cảnh nào cũng thể hiện được nghị lực, bản lĩnh, sự thông minh và tài trí của
mình. Đồng thời, với cây bút hướng nội càng làm cho hình tượng nam nhi luôn độc
thoại để suy nghĩ, khám phá nội tâm của chính mình, thể hiện nhiều suy tư triết lí về
cuộc đời. Hình tượng nam nhi là một mẫu hình mà nhà văn muốn hướng tới.
1.4. Chân dung người nam nhi trong tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng

Chất suy ngẫm và triết lí làm cho tính cách nhân vật trong tiểu thuyết của nhà
văn Trương Hiền Lượng càng trở nên phức tạp. Đó là nhân vật người lái xe, người tù
lao cải, công nhân nông trường, anh cán bộ giảng dạy triết học… Trong các sáng tác
của mình, Trương Hiền Lượng đặc biệt thành công khi viết về người nam nhi. Bằng
tài năng, bản lĩnh và sự trải nghiệm của bản thân giúp ông nắm bắt được những
chuyển biến tinh vi trong thế giới nội tâm nhân vật. Mỗi nhân vật là một nét tính cách
hoàn toàn riêng, tạo nên nguồn hứng thú lớn ở người đọc.
Tác phẩm Cây hợp hoan và Một nửa đàn ông là đàn bà được viết sau cuộc Đại
cách mạng văn hóa nhưng nó đã được hun đúc trong thời kì lịch sử đen tối, rối ren.
Tác phẩm đã đem đến cho văn đàn Trung Quốc những hình tượng nam nhi độc đáo.
Đó là hình tượng nam nhi Chương Vĩnh Lân bị quản thúc ba năm vì viết “Nhật kí
phản động”, trong phong trào “Giáo dục xã hội chủ nghĩa”, anh bị đưa đi cải tạo lao
động ba năm vì tội “phái hữu lật lại án”. Khi hết hạn cải tạo, về lại nông trường, anh
cảm nhận hết cái tự do từ trong tinh thần và thân phận thể xác của chính mình.
22


Nông trường lao động là một vùng hẻo lánh, nhà cửa vô cùng ọp ẹp với những
bức tường đất bong tróc, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Người tri thức
“vật lộn” với cái ăn và ở. Họ dùng trí tuệ làm “cần câu cơm”, dùng mọi tính toán,
mánh khóe nhằm đạt được mục đích. Con người trở nên sa đọa, lúc đói làm cho con
người ta trở nên đê tiện nhưng lúc no cũng khiến họ bị giày vò không kém.
Tác phẩm Cây hợp hoan tái hiện nạn đói năm 1959 - 1961 do đường lối “tả
khuynh” gây nên. Tác phẩm thành công khi khắc họa được những giằng xé trong nội
tâm nhân vật Chương Vĩnh Lân, “cơn đói giày vò anh, lương tri khiển trách anh, lí
tưởng vẫy gọi anh, tâm trạng anh lúc nào cũng ở trạng thái mâu thuẫn giữa cái sống
và cái chết” [39, tr.246]. Họ đều là những con người nghèo khổ trước sức ép của
cuộc sống, không có quyền và điều kiện để thực hiện ước mơ, họ rơi vào tình trạng bi
kịch. Nhân vật của nhà văn Trương Hiền Lượng luôn đau đớn, tự vấn lương tâm.
Hoàn cảnh sống đã làm thay đổi con người nhưng cho dù có ngột ngạt, bế tắc vẫn hé

mở một ánh sáng, một niềm tin mơ hồ về tương lai. Họ nhận ra không thể sống mãi
như vậy được, cần phải thay đổi. Đứng trước hoàn cảnh đầy bão táp, họ tự tìm hướng
giải quyết cho riêng mình.
Hứa Linh Quân trong tác phẩm Linh hồn và thể xác cũng là nạn nhân của cuộc
Đại cách mạng văn hóa. Anh bị tổn thương, bị chà đạp, bị giày vò ghê gớm. Anh đã
tìm đươc sự “gột rửa” tinh thần và thể xác khi sống hòa mình với những người lao
động, sống hòa mình vào thiên nhiên. Từ đây, anh từ bỏ giai cấp xuất thân của mình,
thay đổi hoàn toàn quan niệm sống.
Nhà văn Trương Hiền Lượng đã mạnh dạn “bóc trần” những mặt tối của cuộc
sống, những vết thương cần được che giấu, nay được nhà văn phơi bày. Ông đã phản
ánh rất cụ thể, chi tiết, chân thực về bi kịch thời đại của người trí thức và qua đó tỏ rõ
thái độ sắc bén, dữ dội. Ngòi bút của Trương Hiền Lượng là ngòi bút hiện thực sắc
sảo.
Trương Hiền Lượng đã bắt kịp dòng với xu hướng chung của thời đại, có
những đổi mới về thi pháp viết tiểu thuyết. Ông phản ánh sự đổi thay của xã hội,
miêu tả trực diện những xung đột trong cải cách kinh tế, chính trị, miêu tả cuộc tranh
đấu nảy lửa giữa thế lực cấp tiến và bảo thủ. Ông xây dựng nên hình tượng nam nhi
23


×