Tải bản đầy đủ (.pdf) (164 trang)

sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong truyền kỳ mạn lục

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.17 MB, 164 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Tô Kim Yến

SỰ KẾT HỢP
PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ VÀ TRỮ TÌNH
TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2014


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Tô Kim Yến

SỰ KẾT HỢP
PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ VÀ TRỮ TÌNH
TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC

Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số

: 60 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:



PGS.TS ĐOÀN THỊ THU VÂN

Thành phố Hồ Chí Minh – 2014


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và kết
quả nêu trong luận văn là trung thực, chưa từng được ai công bố trong bất kì một
công trình nào khác.
Họ và tên tác giả

Tô Kim Yến


LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin kính gửi đến Cô, PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân lời cảm
ơn sâu sắc về sự tận tình chỉ bảo tôi trong học tập, cũng như trong thời gian
tìm hiểu và trình bày hoàn chỉnh luận văn này.
Xin trân trọng cảm ơn quý Thầy Cô giảng dạy tại khoa Ngữ văn của
trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tận tình truyền đạt kiến
thức và kinh nghiệm quý báu cho tôi trong suốt quá trình học tập tại trường.
Xin trân trọng cảm ơn quý Thầy Cô công tác tại Phòng Sau Đại học của
trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện thuận
lợi cho tôi hoàn tất chương trình học tập và thực hiện luận văn.
Cuối cùng, xin cảm ơn người thân và bạn bè đã động viên và giúp đỡ tôi
trong suốt quá trình học tập và thực hiện luận văn này.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2014
Học viên

Tô Kim Yến


MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục các chữ viết tắt
MỞ ĐẦU .............................................................................................................. 1
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG .......................................................... 16
1.1. Thể loại truyền kỳ .................................................................................... 16
1.1.1. Khái niệm “truyền kỳ” ...................................................................... 16
1.1.2. Nguồn gốc thể loại truyền kỳ ............................................................ 16
1.1.3. Đặc trưng thể loại .............................................................................. 18
1.1.4. Truyền kỳ trung đại Việt Nam .......................................................... 24
1.2. Truyền kỳ mạn lục ................................................................................... 28
1.2.1. Tác giả Nguyễn Dữ và thời đại của ông ........................................... 28
1.2.2. Nguồn gốc ......................................................................................... 30
1.2.3. Nội dung ............................................................................................ 32
1.2.4. Nghệ thuật ......................................................................................... 42
1.2.5. Liên hệ với “Tiễn đăng tân thoại” ................................................... 47
1.3. Những phương thức sáng tác trong tác phẩm văn học............................. 50
1.3.1. Phương thức tự sự ............................................................................. 50
1.3.2. Phương thức trữ tình ......................................................................... 51
1.3.3. Hiệu quả sự kết hợp các phương thức trong sáng tác văn học ......... 52
Chương 2. PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ VÀ TRỮ TÌNH TRONG
TRUYỀN KỲ MẠN LỤC – NHỮNG DẠNG THỨC KẾT
HỢP VÀ TÁC DỤNG NGHỆ THUẬT..................................... 54
2.1. Phương thức tự sự trong Truyền kỳ mạn lục ............................................ 54

2.1.1. Biểu hiện của phương thức tự sự trong Truyền kỳ mạn lục .............. 54


2.1.2. Ý nghĩa của phương thức tự sự trong Truyền kỳ mạn lục................. 72
2.2. Phương thức trữ tình trong Truyền kỳ mạn lục ........................................ 73
2.2.1. Biểu hiện của phương thức trữ tình trong Truyền kỳ mạn lục .......... 73
2.2.2. Ý nghĩa của phương thức trữ tình trong Truyền kỳ mạn lục ............. 80
2.3. Sự kết hợp hai phương thức tự sự và trữ tình trong Truyền kỳ mạn lục ...... 82
2.3.1. Yếu tố trữ tình xâm nhập vào cốt truyện .......................................... 82
2.3.2. Yếu tố trữ tình xâm nhập vào nhân vật............................................. 96
2.3.3. Tác dụng nghệ thuật của việc kết hợp phương thức tự sự và trữ
tình trong Truyền kỳ mạn lục ............................................................ 99
Chương 3. ĐÓNG GÓP CỦA TRUYỀN KỲ MẠN LỤC ĐỐI VỚI VĂN
XUÔI VIỆT NAM .................................................................... 105
3.1. Văn xuôi Việt Nam trước Truyền kỳ mạn lục với những chuẩn bị có
ý nghĩa tiền đề ............................................................................................... 105
3.2. Văn xuôi Việt Nam sau Truyền kỳ mạn lục với những kế thừa và phát
huy…….………………………………………………………………...116
3.2.1. Ảnh hưởng của Truyền kỳ mạn lục đối với văn xuôi trung đại
Việt Nam (xuất hiện sau Truyền kỳ mạn lục) ........................................... 116
3.2.2. Vấn đề ảnh hưởng của Truyền kỳ mạn lục đối với văn xuôi hiện
đại Việt Nam ............................................................................................. 125
KẾT LUẬN ...................................................................................................... 136
TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................. 139
PHỤ LỤC


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

TKML


: Truyền kỳ mạn lục

TĐTT

: Tiễn đăng tân thoại

LNCQ

: Lĩnh Nam chích quái

VĐUL

: Việt điện u linh

TTDT

: Thánh Tông di thảo

NÔML

: Nam Ông mộng lục

TKTP

: Truyền kỳ tân phả

LTKVL : Lan Trì kiến văn lục
VTTB


: Vũ trung tuỳ bút

TTNgL : Tang thương ngẫu lục


1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong lịch sử Văn học Việt Nam, đặc biệt là trong văn xuôi tự sự Việt
Nam thời trung đại, có một tác giả mà cho tới nay chúng ta biết được duy nhất
một tác phẩm nhưng đây lại là một tác phẩm vô cùng đặc sắc. Đặc sắc từ
phương diện nội dung cho đến phương diện nghệ thuật. Lấy tên sách là Truyền
kỳ mạn lục (Sao chép tản mạn những chuyện lạ) nhưng căn cứ vào tính chất của
các truyện thì thấy Truyền kỳ mạn lục không phải là một công trình sưu tập, sao
chép đơn thuần mà là một sáng tác văn học với ý nghĩa đầy đủ của từ này. Từ
khi ra đời đến nay, tác phẩm đã từng làm hao tổn tâm trí và giấy mực của nhiều
thế hệ. Từ các bậc Nho sĩ thời trước cho đến các nhà nghiên cứu văn học thời
hiện đại đều đánh giá cao và coi tác phẩm là một kiệt tác của nền văn học nước
nhà. Đặc biệt ở thế kỷ XVIII, một thế kỷ rực rỡ nhất của văn học trung đại, các
học giả nổi tiếng như Vũ Khâm Lân, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đã từng ca
ngợi Truyền kỳ mạn lục là một thiên cổ kỳ bút, áng văn hay của bậc đại gia với
lời lẽ thanh tao tốt đẹp, người bấy giờ lấy làm ngợi khen. Vì vậy, nghiên cứu
Truyền kỳ mạn lục là việc làm có ý nghĩa nhằm khám phá đầy đủ hơn các giá trị
của tác phẩm xứng danh này.
Truyền kỳ mạn lục không chỉ là mối quan tâm của người Việt Nam mà
còn là một tác phẩm văn học được sự quan tâm của độc giả và giới nghiên cứu
văn học trên thế giới. Ngay từ những năm sáu mươi của thập niên hai mươi, tác
phẩm đã được dịch ra tiếng Nga, các nhà nghiên cứu Xô - Viết khi nghiên cứu
văn học phương Đông thường chú ý tới Truyền kỳ mạn lục. Tác phẩm của

Nguyễn Dữ là một trong những đỉnh cao của văn học Việt Nam trung đại, ngày
càng trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu, càng chiếm được cảm tình
của bạn đọc. Càng ngày, người ta càng phát hiện và khẳng định vị trí, vai trò của
tác phẩm bởi sự ra đời của tác phẩm đã đánh dấu sự trưởng thành của truyện
ngắn Việt Nam trung đại, đánh dấu sự chuyển biến từ văn xuôi mang nặng tính


2

chức năng sang văn xuôi giàu tính nghệ thuật. Mặc dù, khi khai thác những đề
tài dân tộc, tác giả chú ý đến những truyền thuyết dân gian nhưng đồng thời
cũng đã vươn lên và có những bước đột phá trên cách ghi chép của lối biên soạn
truyện cổ. Tác phẩm biểu hiện một xu hướng thoát dần khỏi sự ảnh hưởng thụ
động của văn học dân gian và văn xuôi lịch sử để bước sang giai đoạn mới, giai
đoạn của văn xuôi tự sự, của truyện ngắn nghệ thuật.
Vì vậy, nghiên cứu Truyền kỳ mạn lục phần nào giúp ta ứng dụng vào
việc tìm hiểu loại hình truyện ngắn trung đại Việt Nam. Đặc biệt hơn hết, sự ra
đời của Truyền kỳ mạn lục đã khẳng định một cách đầy đủ sự ra đời của thể loại
truyền kỳ cho nền văn xuôi trung đại Việt Nam. Sở dĩ tác phẩm được đánh giá
cao, được quan tâm như vậy là vì ngoài giá trị nội dung tư tưởng còn có những
thành tựu đặc sắc về phương diện nghệ thuật. Mặc dù viết theo thể loại truyền
kỳ, một thể loại ảnh hưởng từ văn học Trung Quốc, chuyên dùng hình thức kỳ
ảo, hoang đường làm phương tiện nghệ thuật nhưng tập truyện đã có nhiều đóng
góp đáng kể về nghệ thuật dựng truyện, xây dựng nhân vật, kết hợp hài hòa giữa
ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca
trong một lời văn trau chuốt, sinh động, giàu sức hấp dẫn. Đặc biệt tác phẩm còn
có sự kết hợp tinh tế, linh hoạt giữa phương thức tự sự và trữ tình, điều này đã
làm nên sự khác biệt rõ rệt với các tác phẩm trước nó như Việt điện u linh và
Lĩnh Nam chích quái. Vì vậy, nghiên cứu Truyền kỳ mạn lục về phương diện
nghệ thuật, cụ thể là sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình, là một công việc

cần thiết, hữu ích để khẳng định rõ nét thêm những giá trị đặc sắc của tác phẩm
xứng danh “thiên cổ kỳ bút” này. Truyền kỳ mạn lục thực sự xứng đáng là một
tác phẩm tiêu biểu cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ
Hán dưới ảnh hưởng của các sáng tác dân gian.
Hơn nữa, với tư cách là một tác phẩm được xếp vào loại đỉnh cao của văn
xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Truyền kỳ mạn lục đã được tuyển chọn để
giảng dạy ở nhiều cấp học, cụ thể là Chuyện người con gái Nam Xương được


3

dạy và học ở lớp 9, Chuyện chức Phán sự ở đền Tản Viên được dạy học ở lớp
10, tác phẩm được giới thiệu trọn vẹn ở ngành Ngữ văn trong các trường đại học
và cao đẳng. Việc dạy học truyện truyền kỳ theo đúng đặc trưng của thể loại văn
chương là một điều khó khăn, trước hết phụ thuộc vào việc nhận thức những giá
trị thẩm mỹ đặc thù thể loại của người dạy và học, từ đó mới hiểu đúng, truyền
thụ đúng những giá trị cơ bản của từng tác phẩm cụ thể. Truyền kỳ mạn lục là
tập truyện đã tạo được nhiều hứng thú cho cả người dạy và người học nhưng
cũng là một tác phẩm không dễ dàng chiếm lĩnh và cần phải được tiếp tục khám
phá. Bởi vì nghiên cứu về Truyền kỳ mạn lục có ý nghĩa rất quan trọng kể cả
trong lí luận và trong thực tiễn cho nên việc nghiên cứu vấn đề đã nêu là một
điều cần thiết và rất hữu ích cho người viết để hiểu sâu hơn và giảng dạy đạt
hiệu quả tốt hơn.
2. Mục đích nghiên cứu
Là người đang theo học và giảng dạy môn Ngữ văn tại trường Trung học
phổ thông, hơn ai hết, tôi cần phải thông hiểu ở một mức độ nhất định đối với
những tác phẩm văn học để đời của dân tộc, đặc biệt là những tác phẩm được
trích giảng trong chương trình sách giáo khoa ở cấp Trung học phổ thông. Do
vậy, tiến hành nghiên cứu Truyền kỳ mạn lục và thực hiện tìm hiểu sự kết hợp
phương thức tự sự và trữ tình trong tác phẩm, trước hết chúng tôi nhằm góp

phần vào việc xem xét, phân tích và đánh giá tác phẩm ở một số phương diện
nghệ thuật đặc sắc, điều này đã mang lại những thành tựu đáng ghi nhận cho tập
truyện. Sau khi giải quyết được thoả đáng những vấn đề đã đặt ra trong đề tài,
người viết sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về giá trị của tác phẩm. Từ
đó, bổ sung những kiến thức mới, cần thiết trong việc giảng dạy tác phẩm
Truyền kỳ mạn lục ở các cấp học, giúp người học nhìn nhận đầy đủ những nét
đặc sắc nghệ thuật của tập truyện nói riêng và của cả văn xuôi trung đại Việt
Nam nói chung. Qua đó, đề tài cũng góp phần bồi dưỡng tinh thần trân trọng và


4

giữ gìn những tinh hoa của dân tộc trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật văn
chương của tiền nhân.
3. Lịch sử vấn đề
Truyền kỳ mạn lục ra đời vào cuối thế kỉ XVI. Ngay từ khi ra đời, tác phẩm
đã được người đọc quan tâm và giới nghiên cứu đánh giá rất cao. Nhiều vấn đề
trong Truyền kỳ mạn lục là đối tượng, là đề tài của các công trình nghiên cứu từ
trước đến nay không chỉ ở trong nước mà còn ở ngoài nước, chẳng hạn ở Nga,
Trung Quốc, Nhật Bản… Chúng tôi xin được lược dẫn về những công trình,
những bài viết có liên quan đến đề tài đang nghiên cứu:
* Các công trình nghiên cứu về Truyền kỳ mạn lục trước thế kỉ XX:
Trước hết, cần kể đến Lời đề tựa Truyền kỳ mạn lục của Hà Thiện Hán viết
năm Vĩnh Định sơ niên 1547:
- Trong lời đề tựa, tác giả đã cho ta thấy xuất thân và con đường làm quan
của Nguyễn Dữ, chỉ ra lí do Nguyễn Dữ cáo quan về ở ẩn “Tập lục này là trứ
tác của Nguyễn Dữ, người Gia Phúc, Hồng Châu. Sau khi đậu Hương tiến,
nhiều lần thi Hội đỗ trúng trường, từng được bổ làm tri huyện Thanh Tuyền.
Mới được một năm ông cáo quan về nuôi mẹ, thế rồi viết ra tập lục này để ngụ
ý”.

- Tác giả bài viết đã nhận xét: “Xem lời văn thì Truyền kỳ mạn lục không
vượt khỏi phên dậu của Tông Cát, nhưng có ý khuyên răn, có ý nêu quy củ
khuôn phép, đối với việc giáo hoá ở đời, há có phải bổ khuyết nhỏ đâu”. Rõ
ràng, đây là một thái độ trân trọng và sự khẳng định đóng góp lớn của Nguyễn
Dữ trong kho tàng văn học nước nhà.
Đây có lẽ là ý kiến đánh giá sớm nhất về tác phẩm, Hà Thiện Hán chủ yếu
khẳng định mục đích sáng tác Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là để nhắc nhở
khuyên răn con người biết làm điều thiện, tránh điều ác. Nguyễn Dữ đề cập đến
những chuyện liên quan đến cuộc sống thường nhật của con người, mục đích


5

cuối cùng là việc dạy người, dạy đời. Chính vì lẽ đó mà tác phẩm ngoài là một
tác phẩm văn học có giá trị còn là một cuốn sách có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Trên tinh thần kế thừa ý kiến của thế hệ đi trước, nhiều học giả, giới phê
bình và nghiên cứu của của Việt Nam trong giai đoạn thế kỉ XVIII – XIX, khi
đánh giá về Truyền kỳ mạn lục thường hết lời ngợi khen về giá trị của tác phẩm,
đặc biệt hết là về phương diện nghệ thuật, chẳng hạn như:
- Ôn Như hầu Vũ Khâm Lân (1702 - ?) trong Bạch Vân am cư sĩ phả kí coi
Truyền kỳ mạn lục là một “thiên cổ kỳ bút” (ngòi bút kỳ lạ của muôn đời).
- Lê Quý Đôn (1726 – 1784) trong Kiến văn tiểu lục đánh giá văn chương
Truyền kỳ mạn lục là “lời lẽ thanh tao tốt đẹp, người bấy giờ lấy làm ngợi
khen”. Và trong Nghệ văn chí phần Truyền kỳ ở Đại Việt thông sử có viết: “…
trứ tác Truyền kỳ mạn lục gồm bốn quyển, văn từ trong sáng, mỹ lệ”.
- Phan Huy Chú (1782 – 1840) trong Lịch triều hiến chương loại chí đã
từng khen rằng: “Bấy giờ học trò ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) thành đạt rất nhiều,
chỉ có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Trương Thì Cử là
có tiếng nhất... Khi Nguyễn Dữ viết quyển Truyền kỳ mạn lục được ông sửa
chữa nhiều chỗ, sau thành áng văn hay của bậc đại gia”.

- Vũ Phương Đề (1697 - ?) trong Công dư tiệp kí coi Truyền kỳ mạn lục là
“thiên cổ kỳ bút”.
Như vậy, các học giả thế kỉ XVIII – XIX, đã chú ý nhiều tới mặt văn
phong, tới nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật xây dựng nhân vật nhưng họ chỉ cho
thấy cái nhìn tổng thể về tác phẩm, chưa thực sự chú ý một cách thích đáng tới
khía cạnh sự kết hợp giữa các phương thức sáng tác, chẳng hạn như mối quan hệ
giữa hai phương thức tự sự, trữ tình và tác dụng nghệ thuật của sự kết hợp
những phương thức ấy trong việc chuyển tải nội dung, tư tưởng của tác phẩm.
* Các công trình nghiên cứu về Truyền kỳ mạn lục từ đầu thế kỉ thứ XX
đến nay:


6

Bước vào thế kỉ XX, Truyền kỳ mạn lục đã tiếp tục được khảo cứu trên
nhiều phương diện cả về nội dung và nghệ thuật. Lời giới thiệu Truyền kỳ mạn
lục của Bùi Kỷ được Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch ra quốc ngữ in năm 1941:
- Khi đánh giá về phương diện nghệ thuật của Truyền kỳ mạn lục, Bùi Kỷ
viết: “Nguyễn Dữ học rất rộng, lại có tài viết văn dùng nhiều điển tích. Lối viết
nào cũng hay, về phần uyên bác có thể ngang với Bồ Tùng Linh, về phần vận
dụng các văn thể vượt hơn Đặng Trần Côn”.
- Về phương diện nội dung, tác giả bài viết cũng cho rằng Truyền kỳ mạn
lục đã đề cập đến vấn đề có liên quan trong cuộc sống của người phụ nữ xã hội
Việt Nam thời kì trung đại.
Ngoài một số công trình nghiên cứu chủ yếu về nghệ thuật viết truyện
ngắn, về thể loại của tác phẩm như công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Dân
Loại hình văn xuôi huyễn tưởng (Tạp chí Văn học, số 5, năm 1984), công trình
của Nguyễn Hữu Sơn Đặc điểm văn học Việt Nam thế kỉ XVI – các bước nối tiếp
và phát triển (Tạp chí Văn học, số 5 và số 6, năm 1988), còn có khá nhiều bài
viết khác trong đó đáng lưu ý là các bài viết Truyền kỳ mạn lục một thành tựu

của truyện ký văn học viết bằng chữ Hán - Văn học Việt Nam của Bùi Duy Tân
(Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001). Trong bài viết, tác giả đã nhận định những
thành tựu vượt bậc về phương diện nội dung cũng như nghệ thuật của Truyền kỳ
mạn lục trong dòng truyện ký văn học trung đại Việt Nam. Bài viết của Bàn
luận thêm về vấn đề tác giả - tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Lại Văn Hùng
(Tạp chí Văn học, số 10, năm 2002) đã khẳng định lại một số vấn đề cơ bản về
thân thế Nguyễn Dữ và nguồn gốc, nội dung, nghệ thuật của Truyền kỳ mạn lục.
Bài viết Những biến đổi của những yếu tố kỳ và thực trong truyện ngắn truyền
kỳ Việt Nam (Tạp chí Văn học, số 6, năm 2004) của Vũ Thanh đã cho thấy sự
biến chuyển linh hoạt và sinh động của hai yếu tố kỳ và thực và tác dụng nghệ
thuật của sự biến đổi này trong tác phẩm.


7

Bộ sách Lịch sử văn học Việt Nam, tập II (sách Đại học Sư phạm – Nhà
xuất bản Giáo dục, năm 1978) có đoạn: “Nguyễn Dữ cũng đã ít nhiều nói lên
được đời sống cơ cực của nhân dân, đặc biệt tác giả đã chú ý đến đời sống tình
cảm của những con người nhỏ bé nhất là người phụ nữ bình dân”. Tác giả của
bộ sách này đã khẳng định số phận người phụ nữ bị đày đoạ vì loạn li, điêu đứng
vì thế lực cường quyền chủ yếu là người phụ nữ bình dân. Ngoài yếu tố ấy, theo
những người viết sách đồng tiền cũng là một “quyền lực tối cao” và ảnh hưởng,
chi phối đạo đức của con người. Đồng tiền gián tiếp gây nên những nỗi thống
khổ cho con người, và hơn ai hết đó chính là người phụ nữ.
Bộ sách Văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001)
viết: “Truyền kỳ mạn lục có nhiều truyện miêu tả tình yêu nam nữ, hạnh phúc
gia đình trong hoàn cảnh khó khăn và đầy biến động của xã hội phong kiến”.
Trong đó, rõ nét nhất là Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Chuyện người
con gái Nam Xương. Đây là hai ví dụ tiêu biểu cho thái độ của tác giả: phản ánh,
lên án tình trạng đáng thương của người phụ nữ trong xã hội cũ. Cho dù tất cả

phụ nữ có đảm đang bao nhiêu, chung thuỷ và tình nghĩa bao nhiêu thì cũng phải
chịu số phận oan nghiệt trước cuộc đời dâu bể. Chuyện Lệ Nương là một câu
chuyện đầy bi kịch về sự chung thuỷ của tình vợ chồng trong cảnh đất nước bị
ngoại xâm. Ngoài đề tài tình vợ chồng, Truyền kỳ mạn lục còn đề cập khía cạnh
khác của đời sống con người lúc bấy giờ. Các câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn:
Chuyện nghiệp oan của Đào thị, Chuyện nàng Thuý Tiêu, Chuyện cây gạo,
Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây miêu tả những mối tình vụng trộm, trái hẳn với đạo lí
Nho gia “nam nữ thụ thụ bất tương thân”. Các tác giả trong bộ sách này cho
rằng Nguyễn Dữ đã táo bạo và phóng túng khi thể hiện quan hệ yêu đương
không lành mạnh giữa Trình Trung Ngộ và Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo,
giữa Hà Nhân và hai nàng họ Đào, họ Liễu trong Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây và
họ đã kết luận: đối với truyện này Nguyễn Dữ đã có lời phê bình để phê phán
những quan niệm đồi truỵ và khẳng định lại những giáo điều về “đức hạnh tiết


8

nghĩa” và bình luận thêm “tuy thông cảm với khát vọng yêu đương của con
người nhưng quan điểm chủ đạo của Nguyễn Dữ vẫn là bảo vệ nét tích cực của
lễ giáo nho phong. Điều đó phản ánh thái độ đầy mâu thuẫn trong tư tưởng và
tình cảm của Nguyễn Dữ”.
* Song song đó, còn có các bài viết, công trình đã nghiên cứu về một số
khía cạnh chuyên biệt của Truyền kỳ mạn lục có ý nghĩa trực tiếp đối với việc
thực hiện đề tài, chẳng hạn như:
Bài viết Tìm hiểu khuynh hướng sáng tác trong Truyền kỳ mạn lục của
Nguyễn Dữ (Tạp chí Văn học, số 1, năm 1987) của Nguyễn Phạm Hùng. Đây là
bài viết mà chúng tôi quan tâm nhất, nội dung bài viết có ý nghĩa định hướng
cho việc triển khai đề tài. Theo tác giả, Truyền kỳ mạn lục là một tác phẩm đã
đặt ra những vấn đề về người phụ nữ. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý nhận xét của
tác giả: “Niềm khát khao hạnh phúc gia đình là chủ đề chính của nhiều truyện.

Mâu thuẫn khao khát hạnh phúc đó với các thế lực tàn bạo của xã hội chính là
hạt nhân nghệ thuật của những truyện này”. Không phải đến Nguyễn Dữ thì vấn
đề này mới được nhắc đến. Thực ra, trong những tác phẩm của Nguyễn Trãi,
Nguyễn Húc, chúng ta đã thấy những vấn đề ấy được đề cập. Tuy nhiên, ở
những tác giả ấy, niềm khao khát hạnh phúc của con người đặc biệt là người phụ
nữ trong xã hội phong kiến, và sự xung đột giữa khát khao cao đẹp của con
người với sự hẹp hòi, gò bó, tàn nhẫn của chế độ xã hội đương thời chỉ đơn
thuần dừng lại ở sự nhận thức trên bình diện tâm lí và được thể hiện trong suy
nghĩ, trong diễn biến nội tâm của nhân vật mà thôi. Đến Truyền kỳ mạn lục,
niềm khát khao ấy, mâu thuẫn ấy đã thực sự trở thành đối tượng của sự nhận
thức mang tính thẩm mĩ một cách trọn vẹn, đó trở thành ước vọng chung của
người phụ nữ trong đời sống văn học. Nguyễn Dữ đã phản ánh, lên án, phê phán
những gì của xã hội đã trái với đạo lí luân thường, trái với khát vọng tự do, hạnh
phúc chính đáng của con người. Đó chính là một trong những biểu hiện của trào
lưu văn học nhân đạo chủ nghĩa. Và đây cũng chính là khuynh hướng sáng tác


9

chung của thời đại. Từ bài viết, ta có thể nhìn nhận tác phẩm của Nguyễn Dữ
được xem là mở đầu cho khuynh hướng phản ánh hiện thực xã hội đương thời
để rồi những thế hệ văn sĩ sau đó tiếp tục kế thừa và phát triển nó, tạo nên những
tên tuổi nổi tiếng như: Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ
Xuân Hương, Phạm Thái… Trong công trình này, Nguyễn Phạm Hùng đã đề
cập rất rõ về khuynh hướng sáng tác Truyền kỳ mạn lục ở phương diện nội dung,
tuy nhiên, về ở phương diện nghệ thuật tác giả vẫn còn chưa đi sâu, chưa đề cập
đến các phương thức sáng tác trong tác phẩm.
Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Dương (Đại học Sư phạm Hà Nội, năm
1996) đã nghiên cứu về Số phận người phụ nữ và các phương thức thể hiện số
phận ấy trong Truyền kỳ mạn lục. Tuy nhiên, hai phương thức tự sự và trữ tình

trong tác phẩm cũng chưa được quan tâm đúng mức mà tác giả chỉ khái quát về
các phương thức thể hiện số phận người phụ nữ trong tác phẩm.
Luận văn thạc sĩ Loại hình các nhân vật trong truyền kỳ trung đại Việt Nam
qua ba tác phẩm tiêu biểu: Thánh tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Lan trì kiến
văn lục của Trương Thị Hoa (Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, năm
2011) đã tiếp cận và khai thác Truyền kỳ mạn lục theo loại hình nhân vật và
cũng chưa đề cập đến vấn đề mà luận văn đã đề ra.
Luận văn thạc sĩ Vị trí của thể loại truyền kỳ trong tiến trình phát triển của
văn học Việt Nam của Trần Nghi Dung (Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí
Minh, năm 2012) đã tiếp cận tác phẩm từ góc nhìn thể loại để đi đến đánh giá vị
trí quan trọng của Truyền kỳ mạn lục nói riêng và tất cả những tác phẩm thuộc
thể loại truyền kì nói chung trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam.
Tác giả cũng không đặt ra vấn đề tiếp cận Truyền kỳ mạn lục theo phương thức
sáng tác nghệ thuật.
Như vậy, nhìn một cách tổng thể, các học giả, các công trình nghiên cứu đã
có những nhận xét tương đối thống nhất về những đóng góp đáng kể về mặt
nghệ thuật của tập truyện. Tuy nhiên, do những mục đích khác nhau mà các tác


10

giả chưa quan tâm cụ thể và đi sâu vào sự biểu hiện cũng như hiệu quả quan
trọng của việc kết hợp hai phương thức tự sự và trữ tình trong Truyền kỳ mạn
lục.
Với mong muốn kế thừa và phát huy những thành tựu nghiên cứu Truyền
kỳ mạn lục của các thế hệ đi trước, chúng tôi chọn vấn đề sự kết hợp phương
thức tự sự, trữ tình trong Truyền kỳ mạn lục nhằm cố gắng hoàn chỉnh và làm
nổi rõ hơn vấn đề đã nêu, hy vọng góp thêm ý kiến vào việc nghiên cứu một tác
phẩm văn học lớn và có giá trị nhiều mặt này.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu
Như trên đã nói do yêu cầu và mục đích, nhiệm vụ cụ thể của đề tài,
chúng tôi chọn những biểu hiện của phương thức tự sự, phương thức trữ tình và
chỉ ra tác dụng nghệ thuật của sự kết hợp hai phương thức sáng tác ấy trong
Truyền kỳ mạn lục. Tác phẩm có tất cả hai mươi truyện, chia làm bốn quyển,
được viết theo lối tản văn, biền văn xen lẫn thơ ca, được Nguyễn Bỉnh Khiêm
phủ chính và Nguyễn Thế Nghi sống cùng thời dịch ra chữ Nôm. Dù độ ngắn
dài của mỗi câu chuyện là khác nhau, dù mỗi câu chuyện chuyển tải mỗi tư
tưởng của tác giả là khác nhau nhưng nhìn chung thì tất cả những câu chuyện ấy
đều có sự kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa hai phương thức tự sự và trữ
tình. Tuy nhiên tuỳ mức độ thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm mà tác giả
có cách tổ chức, thể hiện sự kết hợp hai phương thức tự sự và trữ tình đậm nhạt
khác nhau trong mỗi câu chuyện. Điều này cũng cho chúng ta thấy tài năng sáng
tạo của một tác giả lớn. Để thuận tiện cho việc triển khai các vấn đề đã đặt ra,
chúng tôi đồng tình và sử dụng thứ tự các câu chuyện theo tập truyện Truyền kỳ
mạn lục, bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện, Nhà xuất bản Văn nghệ, Hội
nghiên cứu giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh, in lại năm 1988, cụ thể
như sau:


11

- Truyện thứ nhất: Câu chuyện ở đền Hạng Vương (Hạng Vương từ kí)
- Truyện thứ hai: Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái châu (Khoái Châu nghĩa
phụ truyện)
- Truyện thứ ba: Chuyện cây gạo (Mộc miên thụ truyện)
- Truyện thứ tư: Chuyện gã Trà đồng giáng sinh (Trà đồng gián đản lục)
- Truyện thứ năm: Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây (Tây viên kỳ ngộ kí)
- Truyện thứ sáu: Chuyện đối tụng ở Long cung (Long đình đối tụng lục)
- Truyện thứ bảy: Chuyện nghiệp oan của Đào thị (Đào thị nghiệp oan kí)

- Truyện thứ tám: Chuyện chức Phán sự đền Tản viên (Tản Viên từ phán sự
lục)
- Truyện thứ chín: Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Từ Thức tiên hôn lục)
- Truyện thứ mười: Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên tào (Phạm Tử Hư
du thiên tào lục)
- Truyện mười một: Chuyện yêu quái ở Xương Giang (Xương Giang yêu
quái lục)
- Truyện mười hai: Câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Nưa (Na sơn
tiều đối lục)
- Truyện mười ba: Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Trào (Đông Trào
phế tự lục)
- Truyện mười bốn: Chuyện nàng Tuý Tiêu (Tuý Tiêu truyện)
- Truyện mười lăm: Chuyện bữa tiệc ở Đà Giang (Đà Giang dạ ẩm kí)
- Truyện mười sáu: Chuyện người con gái Nam Xương (Nam Xương nữ tử
lục)
- Truyện mười bảy: Chuyện Lý tướng quân (Lý tướng quân truyện)
- Truyện mười tám: Chuyện Lệ Nương (Lệ Nương truyện)
- Truyện mười chín: Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa (Kim Hoa thi thoại kí)
- Truyện hai mươi: Chuyện tướng Dạ Xoa (Dạ Xoa bộ soái lục)


12

4.2. Phạm vi nghiên cứu
Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm của Nguyễn Dữ, được viết bằng chữ Hán,
ra đời vào thế kỉ XVI, đến nay đã nhiều lần tái bản. Khi thực hiện đề tài này,
chúng tôi đã dùng bản Truyền kỳ mạn lục do Trúc Khê Ngô Văn Triện (1943)
dịch, Nhà xuất bản Văn nghệ, Hội nghiên cứu giảng dạy văn học thành phố Hồ
Chí Minh, in lại 1988, bởi vì Trúc Khê Ngô Văn Triện được giới nghiên cứu văn
học đánh giá rất cao về tài dịch thuật và vốn Hán học, đặc biệt là Văn Tâm trong

Từ điển Văn học (bộ mới) đánh giá: “vốn Hán học sâu rộng, và bút pháp cũng
khá nhuần nhị, ông truyền đạt tư liệu lịch sử có hệ thống (…) khá hấp dẫn với
những lời bình đúng mực” [32, tr.1828].
Theo yêu cầu của đề tài, trong luận văn này chúng tôi tập trung nghiên cứu
hai phương thức tự sự và trữ tình trong Truyền kỳ mạn lục và chỉ ra hiệu quả
thẩm mỹ của sự kết hợp hai phương thức trên trong tác phẩm.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong bài viết, chúng tôi sử dụng một số phương pháp sau đây:
- Phân tích và tổng hợp là hai phương pháp được sử dụng chủ yếu trong
luận văn. Bằng phương pháp phân tích, chúng tôi tìm hiểu cụ thể và đào sâu mỗi
câu chuyện trong tác phẩm về các khía cạnh nội dung và nghệ thuật, từ đó tìm ra
những vấn đề có liên quan, phục vụ cho đề tài đang nghiên cứu. Sau khi phân
tích mỗi truyện cụ thể, phương pháp tổng hợp được sử dụng để tìm ra quy trình
hoặc sự đồng loạt, thống nhất trong cách kết hợp các phương thức tự sự và trữ
tình trong toàn tác phẩm Truyền kỳ mạn lục.
- Tiếp theo là phương pháp thống kê, phân loại. Sự kết hợp của phương
thức tự sự và trữ tình trong Truyền kỳ mạn lục được thể hiện ở nhiều truyện, ở
nhiều dạng thức khác nhau. Vì vậy, trên cơ sở khảo sát, lựa chọn những truyện
cụ thể có sự kết hợp hiệu quả các phương thức sáng tác kể trên, chúng tôi thống
kê, phân loại và khái quát thành những dạng thức thể hiện sự kết hợp của
phương thức tự sự và trữ tình trong toàn bộ tác phẩm (thống kê, phân loại cách


13

thức tổ chức, cách thâm nhập của yếu tố trữ tình vào cốt truyện, vào nhân vật
(ngôn ngữ, hành động, nội tâm) hay vào các tình tiết, sự kiện…) Từ đó, có thể
thấy rõ và sâu sắc hơn cách kết hợp của phương thức tự sự và trữ tình trong tác
phẩm để rút ra kết luận về tác dụng nghệ thuật của sự kết hợp của hai phương
thức ấy trong tác phẩm.

- Để làm rõ hơn nét độc đáo của việc kết hợp phương thức tự sự và trữ tình
trong Truyền kỳ mạn lục nói riêng và trong các tác phẩm thuộc thể loại truyền kỳ
hoặc những tác phẩm có những đặc trưng gần với thể loại truyền kỳ của văn học
trung đại Việt Nam nói chung, chúng tôi sử dụng phương pháp loại hình.
- Cuối cùng phương pháp so sánh cũng được sử dụng nhằm so sánh sự kết
hợp hai phương thức tự sự và trữ tình trong Truyền kỳ mạn lục và các tác phẩm
khác trước và sau khi Truyền kỳ mạn lục xuất hiện. Bên cạnh đó, so sánh giữa
Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Việt Nam) và Tiễn đăng tân thoại của Cù
Hựu (Trung Quốc) cũng làm nổi bật sự độc đáo của Truyền kỳ mạn lục, một lần
nữa khẳng định giá trị nhiều mặt của “thiên cổ kỳ bút” này.
Ngoài ra, trong bài viết, chúng tôi còn sử dụng một số phương pháp khác
để bổ trợ cho việc tìm hiểu kỹ và sâu tác phẩm.
6. Đóng góp của luận văn
Trên tinh thần của thế hệ đi sau học hỏi, kế thừa và phát huy những thành
tựu nghiên cứu về Truyền kỳ mạn lục của các thế hệ đi trước, chúng tôi mong
muốn góp thêm một phần nhỏ vào kho tri thức liên quan đến tác phẩm bằng việc
bổ sung thêm một số thành tựu về mặt nghệ thuật của Truyền kỳ mạn lục, từ đó
có thể vận dụng những kiến thức thiết thực này một cách cụ thể, linh hoạt vào
thực tế giảng dạy Truyền kỳ mạn lục trong nhà trường.
7. Cấu trúc của luận văn
Luận văn gồm có ba phần cơ bản: mở đẩu, nội dung và kết luận.
Mở đầu, người viết trình bày cụ thể về lí do chọn đề tài, mục đích nghiên
cứu, đối tượng và phạm nghiên cứu, phương pháp, những đóng góp của luận


14

văn, cấu trúc luận văn. Phần này, người viết chủ yếu là trình bày những vấn đề
chung diễn giải quá trình hình thành và thực hiện triển khai đề tài nghiên cứu sự
kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong Truyền kỳ mạn lục.

Nội dung, người viết thực hiện ba chương. Cụ thể như sau:
Ở chương 1 - Một số vấn đề chung, người viết trình bày những vấn đề
chung, chủ yếu là những lí thuyết làm cơ sở để triển khai nội dung đề tài đúng
hướng và đạt hiệu quả. Đó là những lí luận về thể loại truyền kỳ (khái niệm,
nguồn gốc và đặc trưng thể loại); những lí thuyết về các phương thức sáng tác
trong văn học, cụ thể là hai phương thức tự sự và trữ tình; những kiến thức có
liên quan đến Truyền kỳ mạn lục như tác giả, nội dung, nghệ thuật của tác phẩm,
sự liên hệ giữa Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ với Tiễn đăng tân thoại của
Cù Hựu. Tất cả là những tiền đề rất quan trọng để người viết triển khai vấn đề
một cách khoa học.
Ở chương 2 - Phương thức tự sự và trữ tình trong Truyền kỳ mạn lục,
những dạng thức kết hợp và tác dụng nghệ thuật, người viết sẽ trình bày cụ thể,
đi sâu những vấn đề chính của đề tài, các biểu hiện của hai phương thức tự sự và
trữ tình, ý nghĩa riêng lẽ cũng như hiệu quả nghệ thuật của việc kết hợp của cả
hai phương thức ấy trong tác phẩm. Người viết sẽ thực hiện công việc phân tích,
thống kê, phân loại, tổng hợp, so sánh để rút ra kết luận một trong những điểm
đặc sắc về phương diện nghệ thuật của tác phẩm chính là sự kết hợp độc đáo
giữa hai phương thức tự sự và trữ tình. Và sự kết hợp này đã góp phần thể hiện
sâu sắc nội dung, tư tưởng của toàn tác phẩm, đồng thời cũng cho thấy vai trò
quan trọng trong việc thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của Truyền kỳ
mạn lục.
Ở chương 3 - Đóng góp về nghệ thuật của Truyền kỳ mạn lục trong nền văn
học Việt Nam, để hình thành cái nhìn toàn diện về tác phẩm, người viết đã trình
bày sự liên quan, ảnh hưởng giữa Truyền kỳ mạn lục với những tác phẩm xuất
hiện trước và sau nó, chủ yếu là các tác phẩm là truyện truyền kỳ hoặc những tác


15

phẩm có liên quan gần gũi đến thể loại truyền kỳ trong nền văn học Việt Nam.

Từ đó, người viết có thể khẳng định thành công vượt bậc về cả nội dung lẫn
nghệ thuật của tác phẩm vang bóng một thời này trong nền văn học trung đại
của Việt Nam.
Kết luận, người viết tổng hợp và khẳng định lại một lần nữa những kết quả
đạt được của đề tài. Đồng thời cũng trình bày lập trường, suy nghĩ và đánh giá
riêng của bản thân về tác phẩm “thiên cổ kỳ bút” trong lịch sử văn học nước
nhà.


16

Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Thể loại truyền kỳ
1.1.1. Khái niệm “truyền kỳ”
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì “truyền kỳ” có nghĩa là “thể loại tự
sự ngắn cổ điển của văn học Trung Quốc thịnh hành ở đời Đường. Tên gọi này
cuối đời Đường mới có. Kỳ có nghĩa là không có thực, nhấn mạnh tính chất hư
cấu” [20, tr.230]. Trong Từ điển Văn học (bộ mới) thì khẳng định rằng: Truyền
kỳ là “một hình thức văn xuôi tự sự Trung Quốc, bắt nguồn từ truyện kể dân
gian, sau các nhà văn nâng lên thành văn chương bác học, sử dụng các môtip kỳ
quái, hoang đường lồng vào trong cốt truyện có ý nghĩa trần thế” [32, tr.447].
Và theo tác giả Đoàn Lê Giang, chữ “kỳ” trong “truyền kỳ” có nguồn gốc từ tác
phẩm “Truyền kỳ” của Bùi Hình, cũng có nghĩa là kỳ lạ, hoang đường. Trong
tác phẩm Đường Tống truyền kỳ, Lỗ Tấn cho rằng “kỳ” trong khái niệm không
phải hiểu theo nghĩa là sự kỳ ảo, kỳ dị mà phải hiểu như một quan niệm văn học,
một phương pháp sáng tác, cách hiểu này bắt buộc các tác giả phải có sự coi
trọng yếu tố “lạ” trong khi sáng tác.
Nhìn chung, khái niệm “truyền kỳ” được hiểu khá thống nhất. Đó là một
thể loại văn xuôi tự sự thời trung đại, dùng những yếu tố hoang đường, kỳ lạ để
phác hoạ và phản ánh đời sống hiện thực, thể hiện quan điểm sống của bản thân

tác giả trước cuộc đời đầy dâu bể.
1.1.2. Nguồn gốc thể loại truyền kỳ
“Truyền kỳ” cũng giống như một số thể loại khác như “tiểu thuyết” hoặc
“thơ Đường luật” đều có nguồn gốc rất lâu từ Trung Quốc. “Truyền kỳ” được
xem là thể loại truyện ngắn cổ điển của văn học Trung Quốc và thể loại này
thịnh hành nhất là ở thời Đường (từ năm 618 đến năm 774) [86, tr.1].
Vào đời Nguỵ Tấn (từ thế kỷ thú III đến thế kỷ thứ IV), chưa có khái
niệm “truyền kỳ” mà chỉ có khái niệm “tiểu thuyết”, nó tồn tại dưới dạng chí
quái (chuyện ghi chép những điều quái dị hoặc những chuyện dã sử). Thuật ngữ


17

“tiểu thuyết” chính là mầm mống của “truyền kỳ”. Vào đời Đường, người ta
vẫn còn nghĩ “tiểu thuyết” là một khái niệm đơn giản chỉ một dạng văn viết về
những chuyện lãng mạn, xa rời cuộc sống thực tế, không thể tin. Có người đã
gạt tiểu thuyết ra khỏi hệ thống văn học chính thống quốc gia. Do sự phân tầng
trong giai cấp xã hội, mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc, nhu cầu phản ánh
hiện thực cuộc sống ngày càng cao, tiểu thuyết không ngừng mở rộng nội dung
và hoàn thiện về hình thức nghệ thuật, đạt đến độ chín trong các tác phẩm. Theo
thị hiếu xã hội, tác giả phải lựa chọn một kết cấu lạ để thể hiện tư tưởng, quan
điểm muốn gửi gắm. Từ đó, tiểu thuyết dần dần biến tướng và được thay thế bởi
khái niệm “truyền kỳ”. Với sự ra đời của truyện Cổ kính kí của Vương Độ (?-?),
Bổ Giang tổng Bạch viên truyện (không rõ tác giả), Du tiên quật (Trương Thốc),
truyền kỳ thật sự đã trở thành thể loại văn học chính thống tồn tại độc lập và
quan trọng trong nền văn học Trung Quốc. Một người thời Minh là Hồ Ứng
Luân đã từng khẳng định: “Những chuyện biến hoá kỳ lạ rất thịnh vào thời Lục
triều, có điều phần lớn là ghi chép lại những điều bịa đặt chứ đâu phải truyện
biến hoá, đến người đời Đường, mới có sự cấu tứ ly kỳ, mượn tiểu thuyết để gửi
gắm ngọn bút” [52, tr.659]. Truyền kỳ không chỉ là những truyện thuật lại

những chuyện được truyền trong dân gian mà nó còn là phương tiện ngôn ngữ
để tác giả thể hiện những suy nghĩ, những cảm xúc, những trăn trở trước cuộc
đời. Thể loại truyền kỳ tiếp tục phát triển ở đời Tống, Nguyên (1279 - 1368).
Cuối đời Nguyên, đầu đời Minh (thế kỉ XIV), có sự xuất hiện Tiễn đăng tân
thoại của Cù Hựu (1341 - 1427), đây là tác phẩm truyền kỳ nổi tiếng, tiêu biểu
cho thể loại truyền kỳ của Trung Quốc và có ảnh hưởng lớn đến truyền kỳ các
nước trong khu vực, tiêu biểu như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam… Sang đời
nhà Thanh (1644 - 1911), Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh (1640 - 1715) ra đời
đã làm rạng danh cho thể loại truyền kỳ của nền văn học Trung Quốc.
Trong nền văn học Việt Nam, những mầm mống của “truyền kỳ” đã có mặt
từ rất sớm ở Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thánh Tông di thảo. Đến


18

Truyền kỳ mạn lục thì khái niệm “truyền kỳ” mới chính thức xuất hiện và thật sự
phát triển đến đỉnh cao về nội dung lẫn hình thức.
Nhìn tổng quát, ta thấy truyền kỳ là một thể loại văn xuôi xuất hiện khá
sớm trong lịch sử văn học Trung Quốc. Lúc đầu truyền kỳ chưa phải là một thể
loại độc lập, nó chỉ là loại chí quái xuất hiện thời Lục triều, về sau loại này phát
triển độc lập thành thể loại truyền kỳ và du nhập vào nhiều nước trên thế giới,
trong đó có Việt Nam. Bằng ý thức tự hào và giữ gìn tinh hoa của dân tộc, người
Việt Nam đã sáng tác truyện truyền kỳ theo cách riêng của mình. Những tác
phẩm luôn có sự kết hợp giữa sự tiếp thu và sáng tạo, gắn liền với các nền văn
hoá dân tộc (chủ yếu là văn hoá dân gian và văn xuôi lịch sử). Truyền kỳ của
văn học Việt Nam có đóng góp lớn cho thể loại truyền kỳ trong nền văn học
toàn khu vực đồng văn thời trung đại.
1.1.3. Đặc trưng thể loại
Đặc trưng của mỗi thể loại trong sáng tác văn học là một trong những vấn
đề quan trọng trong lý luận văn học. Người đọc có thể tiếp cận tác phẩm với

nhiều góc nhìn khác nhau. Xét về phương diện thể loại, truyền kỳ có những đặc
trưng về nội dung và nghệ thuật sau:
* Về nội dung:
Truyền kỳ là một thể loại văn học đậm giá trị phản ánh hiện thực. Yếu tố
kỳ lạ ở đây cần phải hiểu chính là những việc thực, người thực trong cuộc đời
nhưng được phản ánh bằng lối tư duy, sáng tạo mới lạ với kết cấu ly kỳ và
những chi tiết hoang đường. Tác phẩm truyền kỳ chứa đựng nội dung phản ánh
hiện thực xã hội rất đa dạng, phong phú. Có dạng chỉ đơn thuần là miêu tả cuộc
đời biến ảo như mơ, như mộng; có loại chuyên ca ngợi tình yêu lứa đôi nam nữ;
có loại thì chuyên ca ngợi những hào sĩ hiệp khách giang hồ; cũng có loại lên án,
phê phán thói hư tật xấu của tầng lớp thanh thiếu niên, thói ham tiền hám lợi của
các giai tầng thống trị...


×