Tải bản đầy đủ (.pdf) (102 trang)

truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4 MB, 102 trang )

1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN THỊ CHANH

TRUYỀN THUYẾT GẮN VỚI
TÍN NGƯỠNG THỜ CÁ ÔNG
VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG
VÀ MIỀN NAM VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh - 2012


2

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN THỊ CHANH

TRUYỀN THUYẾT GẮN VỚI TÍN NGƯỠNG
THỜ CÁ ÔNG VÙNG DUYÊN HẢI
MIỀN TRUNG VÀ MIỀN NAM VIỆT NAM
Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC


NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. HỒ QUỐC HÙNG

Thành phố Hồ Chí Minh - 2012


3

Lời cảm ơn
Luận văn này trước hết xin được là nén nhang thành kính, con dâng đến vị
thần cá Ông đã chở che cuộc sống ngư dân và cho con một linh hồn để hoàn thành
được luận văn này.
Để có được bước đi của ngày hôm nay, con xin gửi lòng biết ơn sâu sắc tới
gia đình – những người thân yêu đã bảo trợ cho con trên con đường học tập.
Tôi xin cảm ơn với lòng biết ơn và trân trọng đến TS. Hồ Quốc Hùng, người
Thầy không chỉ giúp đỡ tận tình để tôi có thể hoàn thành luận văn, mà còn là người
đã định hướng cho tôi rất nhiều về con đường học tập nghiên cứu.
Tôi xin cảm ơn quý thầy cô trường Đại học Sư Phạm đã trực tiếp giảng dạy
lớp Văn Học Việt Nam khóa 21 và cho tôi tri thức, phương pháp cần thiết để tôi
hoàn thành khóa luận này.
Tôi xin cảm ơn quý cô bác tại các lăng vạn tỉnh Bình Thuận, Vũng Tàu, Bến
Tre, Thái Bình đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình thu thập tài liệu viết bài.
Tôi xin cảm ơn Quý thầy cô trong hội đồng đã dành thời gian đọc bài luận
và sẽ cho tôi những đóng góp quý báu, để không chỉ hoàn thiện bài viết mà còn là
những kinh nghiệm cho tôi trên con đường học tập.
Tôi xin cảm ơn những người bạn đã bên tôi trong suốt những năm qua, đồng
hành, động viên tôi trong quá trình thực hiện luận văn này.
Xin chân thành cảm ơn!
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 09 năm 2012
Học viên

Nguyễn Thị Chanh


4

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ Văn học “Truyền thuyết gắn với tín
ngưỡng thờ cá Ông vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam” là
công trình nghiên cứu của tôi, được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của TS.
Hồ Quốc Hùng. Những kết quả nêu trong luận văn là hoàn toàn trung thực và chưa
được công bố trong công trình nào khác.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 09 năm 2012
Học viên
Nguyễn Thị Chanh


5

MỤC LỤC
A. PHẦN MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 7
1. Lý do chọn đề tài .......................................................................................................... 7
2. Lịch sử vấn đề .............................................................................................................. 8
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ................................................................................. 12
4. Đóng góp của đề tài.................................................................................................... 12
5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................ 12
6. Bố cục luận văn .......................................................................................................... 13
B. PHẦN NỘI DUNG.................................................................................................... 14
Chương 1 - TỤC THỜ CÁ ÔNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM ........ 14
1.1. Đôi nét về mỹ tự “cá Ông” ...................................................................................... 14
1.2. Khái quát tín ngưỡng thờ linh thần ......................................................................... 15

1.2.1. Tục thờ cá Ông trong tín ngưỡng thờ loài vật của nhân dân ............................ 16
1.2.2. Tục thờ cá Ông trong hệ thống các vị thần linh biển ....................................... 20
1.3. Vai trò thực tiễn và tính thiêng của cá Ông trong tâm thức người Việt ................. 23
1.4. Tục thờ cá Ông trong thực tiễn Việt Nam và các nước .......................................... 29
Chương 2 - HỆ THỐNG TRUYỀN THUYẾT CÁ ÔNG.............................................. 32
2.1. Truyền thuyết cá Ông qua các tư liệu sưu tầm và điền dã ...................................... 32
2.1.1. Truyền thuyết của người Chăm ........................................................................ 32
2.1.2. Truyền thuyết của người Việt ........................................................................... 36
2.1.2.1. Các truyền thuyết và cổ tích về cá Ông .................................................... 36
2.1.2.2. Truyền thuyết lịch sử hóa cá Ông thời kì bôn tẩu của vua Gia Long ....... 39
2.1.2.3. Một số truyện cá Ông cứu người gần đây................................................. 42
2.2. Đặc điểm chung truyền thuyết cá Ông .................................................................... 45
Chương 3 - CỐT TRUYỆN, MOTIP TRUYỀN THUYẾT CÁ ÔNG ......................... 48
3.1. Đối tượng thần biển của hai dân tộc từ các tư liệu truyền thuyết ........................... 48
3.2. Cấu tạo cốt truyện của truyền thuyết cá Ông .......................................................... 58
3.3. Các motip tiêu biểu ................................................................................................. 66
3.3.1. Motip xuất thân thần kì và motip phạt – thưởng .............................................. 66
3.3.2. Motip cái chết thần kì ....................................................................................... 68
3.3.3. Motip cá cứu nạn .............................................................................................. 71
Chương 4 - MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỀN THUYẾT VÀ TỤC THỜ CÁ ÔNG .. 76


6

4.1. Mối quan hệ trong sự tương tác giữa truyền thuyết với phần lễ và phần hội ......... 76
4.2. Mối quan hệ trong tâm thức kể và thờ cá Ông ........................................................ 83
TỔNG KẾT .................................................................................................................... 89
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................... 91
PHỤ LỤC MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CÁ ÔNG ........................................................... 96



7

A. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài từ Bắc chí Nam đất nước. Với vị trí
địa lý thuận lợi ấy, đi biển và khai thác biển đã trở thành một ngành nghề truyền
thống của nhân dân. Tại nhiều nơi, những ngành nghề kinh tế gắn liền với biển như
đánh bắt cá, đóng tàu, du lịch… đã trở thành nghề chủ lực của vùng. Từ quá trình
chung sống với biển qua hàng trăm năm ấy, biển đã tạo riêng cho cư dân sinh sống
dọc theo dải đất này một nét văn hóa đặc thù. Đó là văn hóa biển với những nét
riêng biệt so với văn hóa nông nghiệp lúa nước tại các vùng đồng bằng, trung du.
Trong tâm thức người Việt, biển hiền hòa nhưng cũng rất bao la và dữ dội. Biển đưa
lại nhiều nguồn lợi nhưng cũng chứa đựng nhiều hiểm nguy rình rập, đe dọa sinh
mạng và cuộc sống của cư dân làm nghề ra khơi vào lộng. Vì thế, để mong tránh
khỏi những tai ương, cư dân nơi đây luôn kiêng dè, cầu khấn để xin các bậc thần
linh phù trợ, cứu giúp những con người nhỏ bé thoát khỏi hoạn nạn. Tâm lý e dè
kéo dài từ xa xưa cho đến tận ngày nay đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa ứng xử
của người Việt và các dân tộc khác cùng chung sống ở vùng ven biển đất nước.
Nếu tại đồng bằng, trung du, các làng thường có những mái đình thờ thần Hoàng và
các lễ hội gắn liền với hoạt động nông nghiệp, thì ở ven biển có những lăng đền thờ
thần biển, và lễ hội làng biển cũng trở thành một sinh hoạt nổi trội nhất trong tất cả
những sinh hoạt văn hóa truyền thống nơi đây. Hơn thế nữa, hội làng biển còn
phong phú về mặt nội dung. Ngoài hội làng thờ thần Hoàng và các vị thần biển
khác, nơi đây còn diễn ra lễ hội dành riêng cho cá Ông – một lễ hội chỉ có cư dân
miền biển mới có.
Lễ hội nghinh Ông chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc, có nhiều ảnh
hưởng, chi phối đến đời sống tâm linh của người dân ven biển. Đứng trên góc độ
văn hóa, tín ngưỡng thờ cá Ông không chỉ có ý nghĩa to lớn trong cộng đồng ngư

dân mà còn có ý nghĩa bảo tồn nhiều giá trị văn hóa dân gian. Những ngày lễ hội
luôn gắn với sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật như tế lễ, rước Ông, hát lễ, hát hội,
đua tài… là các sinh hoạt dân gian mà ở nhiều nơi đã bị mất đi vai trò cùng vị trí
của nó trong đời sống. Tham gia vào sinh hoạt này, các thành viên trong cộng đồng
làng biển được dịp giao lưu, tiếp xúc với nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết tương


8

trợ sau những ngày lênh đênh trên biển cả. Không chỉ thế, tục thờ cá Ông còn có ý
nghĩa về mặt sử học và văn học. Nó đánh dấu một bước tiến, mở rộng phạm vi sinh
sống và làm nghề của nhân dân từ đồng bằng, trung du hướng ra biển khơi, đẩy
mạnh nghề đánh bắt và khai thác biển. Xoay quanh tục thờ cá Ông là những truyền
thuyết được nhân dân sáng tác, bồi đắp tính thiêng của cá Ông. Các truyền thuyết
này ít nhiều đã phản ánh tâm thức của người dân về vị thần biển uy linh của họ.
Đồng thời, nó cũng chứa đựng trong đó những giá trị nhân văn tiềm ẩn như một quy
luật chung mà các tác phẩm dân gian thường thấy.
Xét dưới góc độ văn học, truyền thuyết về cá Ông đã trở thành một bộ phận
vừa song hành, vừa gắn bó khăng khít với lễ hội cá Ông. Khảo sát truyền thuyết
trong mối quan hệ tương tác với lễ hội là một nhiệm vụ khoa học của văn học dân
gian. Vì vậy, chúng tôi tiến hành chọn đề tài này để nghiên cứu, hy vọng có thể góp
thêm tiếng nói vào việc bảo tồn và khẳng định giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ
cúng thần biển đặc trưng ở vùng biển Việt Nam.
2. Lịch sử vấn đề
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi tiếp xúc với nhiều tư liệu, bài viết về
cá Ông. Song hầu hết các bài viết này chưa chạm đến vấn đề truyền thuyết cá Ông
dưới góc độ văn học, mà chỉ đứng từ góc độ văn hóa để bàn luận đến tín ngưỡng và
giá trị của tục thờ cá Ông đối với đời sống nhân dân. Vì vậy, chúng tôi hy vọng dựa
vào những tư liệu này để sàng lọc những thông tin cần thiết cho đề tài. Sau đây là
một số tư liệu nói về tín ngưỡng này:

Trong các thư tịch cổ: Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Đại
Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Thối thực ký văn của Trương
Quốc Dụng và một số ghi chép ký sự của người Trung Quốc, như lời dẫn lại sách
Chính tự thông của Trí Nguyên, An Nam trí dự lục ký của Cao Hùng Trưng, những
tài liệu này ghi chép ngắn gọn về cá Ông ở đặc điểm hình dáng và nhấn mạnh đến
tính thiện cứu người. Song nó như một dữ liệu thông tin có tính chất văn hóa và lịch
sử liên quan đến tín ngưỡng thờ Ông chứ không đề cập gì đến những câu chuyện
mang tính dân gian về tính thiêng của Ông.
Khoảng vài chục năm trở lại đây, tục thờ cá Ông ngày càng được nhiều nhà
nghiên cứu quan tâm. Cùng đề tài về tín ngưỡng thờ cá Ông, rất nhiều các bài viết
đăng trên các tạp chí, đặc biệt là tạp chí Văn hóa dân gian và các trang web đã trình


9

bày và mô tả khá nhiều các lễ hội ở khắp các tỉnh ven biển miền Trung và miền
Nam với các đặc thái riêng của từng vùng.
Trong tạp chí Văn hóa dân gian (số 3/1999) có bài viết “Tục thờ cá Voi ở các
làng biển từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân” của tác giả Trần Hoàng. Đây là một bài
viết sơ lược về tín ngưỡng thờ cá Ông trong một phạm vi hẹp ở khu vực biển Bình
Trị Thiên. Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh đến sự phong phú của tục thờ diễn ra ở
rất nhiều làng biển. Nhiều lăng Ông không chỉ ngư dân làm biển thờ mà còn sâu vào
tận trong đất liền vùng sông nước và làm ruộng cũng có. Đồng thời, tác giả cũng
đánh giá rằng “Lễ hội cầu ngư vừa nhằm vào việc tưởng nhớ công đức của người
xưa, vừa thể hiện lòng mong ước, sự cầu chúc cho một mùa làm ăn phát đạt… tạo
cho đời sống văn hóa - tinh thần của ngư dân vùng biển từ đèo Ngang đến đèo Hải
Vân một nét riêng, đậm đà bản sắc dân tộc và địa phương”.
Bài “Lễ hội cầu ngư ở Thuận An” (tạp chí Văn hóa dân gian, số 3/2000) của tác
giả Lê Văn Kỳ. Đây là bài viết khá chi tiết và đào sâu vào tục thờ cá Ông từ góc độ
văn hóa học. Tác giả đã đi thực tế để mô tả kĩ một lễ hội rất long trọng và thiêng

liêng đối với ngư dân vùng biển. Ở đây, chúng ta có thể thấy từng bước trong nghi
lễ thờ Ông từ việc chôn cất, thờ cúng Ông đến lễ cầu ngư đầu mùa, từ lễ tế Thai
Dương phu nhân đến lễ bủa lưới cầu ngư được nhân dân tham gia tổ chức chu đáo.
Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận được không khí vừa trang nghiêm, vừa thành
kính lại vừa đậm đà bản sắc văn hóa vùng biển. Lễ hội nghinh Ông là một tục thờ
quan trọng của ngư dân bởi vì “Biển cả mênh mông, sức con người có hạn, phương
tiện làm ăn đương thời còn quá thô sơ nên những người “vào lộng”, “ra khơi” đều
phải cầu mong thần linh phù hộ cho mình tai qua nạn khỏi, mẻ lưới đầy thêm. Đấy
là một nguyên nhân ra đời của tín ngưỡng cầu ngư và lý do tồn tại của những lễ hội
phản ánh về nó…”.
Đáng chú ý hơn, cũng trên tạp chí Văn hóa dân gian (số 2/2003) có bài viết
“Giao lưu văn hóa Việt – Chăm nhìn từ tục thờ cá Ông” của tác giả Nguyễn Thanh
Lợi. Đây có thể xem là bài viết mở đầu cho cuộc tranh luận tục thờ cá Ông của
người Việt hiện nay có nguồn gốc từ đâu? Trong bài viết này, tác giả đã chỉ ra rất
nhiều dẫn chứng trên các mặt lịch sử, văn hóa, địa lý… và có rút ra khẳng định tục
thờ cá Ông ngày nay vốn xuất phát từ tục thờ của người Chăm. Trước đó hai tác giả
Lê Quang Nghiêm (Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hoà, Trung tâm Văn bút


10

Việt Nam, 1970, tr. 35-36) và Thái Văn Kiểm (“Le culte de la baleine”, 1971, tr.
12) cũng có nói nhưng lúc đó chưa có nhiều người quan tâm nên vấn đề này không
được bàn sâu. Đồng ý với tác giả Thanh Lợi còn một số tác giả khác như Đinh Văn
Hạnh, Nguyễn Thăng Long… Nhưng vấn đề này đã có những ý kiến trái chiều.
Trên tạp chí Văn hóa dân gian (số 4/2007), tác giả Nguyễn Xuân Đức có một bài
viết tranh luận lại vấn đề trên qua bài “Từ đền thờ Đức Ông, Đức Bà ở Cảnh Dương
nghĩ về tục thờ cá Voi của người Việt” và phản bác ý kiến của ông Thanh Lợi. Tác
giả Xuân Đức phủ nhận và cho rằng tục thờ cá Ông đã vốn có trong tâm thức người
Việt, không phải đến khi thấy người Chăm thờ mới học theo… Sau đó, có những

bài viết với các ý kiến trái chiều bàn luận song hiện nay thì vẫn chưa có một sự
thống nhất cho vấn đề này.
Bài “Tục thờ cá Ông ở ven biển Nam Trung Bộ” (Tạp chí Văn hóa dân gian,
4/2006) của tác giả Nguyễn Thanh Lợi, khác với các bài viết trước chỉ nói về tục
thờ cá Ông trong một địa bàn hẹp, bài viết này là một khảo sát trên diện rộng của cả
khu vực Nam Trung Bộ. Trong bài viết, tác giả đã chuyên sâu vào nhiều vấn đề liên
quan đến tín ngưỡng như nguồn gốc tục thờ, đối tượng thờ, kiến trúc lăng Ông, đặc
điểm nghi lễ thờ cúng, các sinh hoạt văn hóa dân gian liên quan đến tục thờ… Theo
tác giả, tục thờ cá Ông trong đời sống người Việt hiện nay là một quá trình tiếp thu
tín ngưỡng thờ của dân tộc Chăm và đã được người Việt biến cải đi rất nhiều.
Nhưng dù thế nào thì đây cũng là một tín ngưỡng tốt đẹp, nó không chỉ bảo lưu
nhiều giá trị văn hóa truyền thống mà nó còn thể hiện nét đẹp ứng xử của nhân dân
trước biển khơi.
Tác giả Nguyễn Xuân Hương với bài viết “Lễ hội cầu Ngư của cư dân ven biển
Quảng Nam và Đà Nẵng” (tạp chí Văn hóa dân gian, số 5/2002) nhấn mạnh “Lễ hội
cầu ngư là lễ hội cầu mùa, mà đường dây tạo ra nó chính là niềm tin của ngư dân về
sự phù trợ của ngư thần, đó là cá Ông – cá Voi… Ngư dân vùng biển Quảng Nam –
Đà Nẵng quan niệm cá Ông không chỉ là một vị thần biển - ân nhân của người đi
biển, mà thiêng liêng hơn, đó là một vị thần liên quan đến sự hưng thịnh của vạn
làng – một thành hoàng của vạn làng”. Như thế, với mỗi vùng khác nhau, niềm tin
và quan niệm về sự phù trợ của cá Ông đối với đời sống con người cũng có những
sự khác biệt.


11

Trên trang web www.nuiansongtra.com (14/7/2011) của Lê Hồng Khánh, có bài
viết “Tục thờ cúng cá Ông và hát múa bả trạo của cư dân ven biển – hải đảo Quảng
Ngãi”. Đây là bài viết mà chúng tôi cho rằng có đề cập đến truyền thuyết liên quan
đến cá Ông. Tuy nhiên, số lượng về tư liệu không nhiều và cũng không nhằm mục

đích cho công việc nghiên cứu văn học dân gian, mà đó chỉ là phác họa cho vấn đề
văn hóa tục thờ cá Ông.
Và rất nhiều bài viết, phóng sự của các tác giả khác về tín ngưỡng thờ này được
đăng tải trên tạp chí, các trang web địa phương…
Sự góp mặt của cá Ông đã làm phong phú thêm rất nhiều cho đối tượng thần linh
biển của người Việt. Qua những bài viết trên, chúng tôi thấy rằng: hầu hết các bài
viết đều có cái nhìn dưới góc độ văn hóa học, dân tộc học, tập trung mô tả lại các
hình thức nghi lễ thờ cá Ông tại mỗi vùng, nhưng chưa có bài viết nào bàn luận về
các truyền thuyết được hình thành từ tục thờ này. Song nhìn chung dù không đề cập
đến những truyền thuyết như là đối tượng khảo sát, nhưng để rút ra những nhận
định của mình, các tác giả phải sử dụng đến tư liệu truyền thuyết. Và do vậy, một
cách gián tiếp ta vẫn thấy được từ truyền thuyết những niềm tin thiêng liêng vào vật
linh.
Với sự tham khảo các tài liệu cùng quá trình đi điền dã, chúng tôi xác định tín
ngưỡng thờ cá Ông là một tục thờ cúng thuộc vào hàng quan trọng bậc nhất của cư
dân ven biển. Nó không chỉ có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của ngư dân, mà còn
có ý nghĩa quan trọng đối với truyền thống văn hóa chung của dân tộc trong chiều
dài lịch sử, đặc biệt hiện nay nó còn có ý nghĩa cả trên lĩnh vực phát triển kinh tế
đất nước. Trên cơ sở kế thừa các công trình nghiên cứu của những người đi trước về
phương diện văn hóa, chúng tôi muốn đào sâu tìm hiểu về tín ngưỡng này nhưng
trên phương diện của văn học, thông qua các truyền thuyết về cá Ông lưu truyền
trong dân gian. Tựu chung lại, chúng tôi muốn tìm hiểu một số vấn đề sau:
- Tâm thức của nhân dân vào cá Ông từ góc độ văn bản truyền thuyết được thể hiện
ra sao?
- Nguồn gốc tục thờ cá Ông, có hay không sự tiếp biến tục thờ và các yếu tố trong
truyền thuyết giữa hai dân tộc Việt và Chăm?
- Quá trình diễn tiến của truyền thuyết cá Ông trong quá khứ và hiện tại đi theo
chiều hướng nào?



12

- Mối quan hệ giữa truyền thuyết và tục thờ cá Ông?
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
- Các truyền thuyết về cá Ông của người Việt ở khu vực miền Trung và Nam bộ.
Ngoài ra, để có tầm nhìn bao quát, chúng tôi có đề cập cả một bộ phận truyền
thuyết của ngư dân miền Bắc.
- Lễ hội nghinh Ông và các trò diễn xướng trong mối quan hệ với truyền thuyết.
4. Đóng góp của đề tài
- Tìm hiểu dấu ấn của truyền thuyết trong các nghi lễ thờ cúng cá Ông của người
Việt.
- Tìm hiểu các truyền thuyết về cá Ông đang vận động trong đời sống tín ngưỡng
của các cư dân ven biển hiện nay.
- Thực hiện được một công trình nghiên cứu có tính tổng quát và chuyên sâu về tín
ngưỡng thờ cá Ông của hai miền Trung và Nam Việt Nam từ góc độ văn học.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thống kê: chúng tôi dùng phương pháp này cho việc khảo sát và
thống kê truyền thuyết dựa theo một tiêu chí nhất định. Sự thống kê này nhằm để cố
gắng bao quát nhất những truyền thuyết có liên quan đến cá Ông được lưu truyền
trong dân gian từ xưa tới nay, từ đó làm cơ sở dữ liệu cho các nghiên cứu vấn đề về
sau.
- Phương pháp lịch sử: vấn đề của văn học dân gian luôn gắn với một quá trình của
lịch sử mà chúng tôi cần dựa vào để lý giải một số vấn đề chứa đựng trong đó.
Truyền thuyết thì không phải là lịch sử nhưng có những vấn đề của lịch sử lại được
đưa vào trong truyền thuyết. Thế nên, để tìm hiểu vấn đề sâu nhất, chúng tôi sử
dụng phương pháp này để có thể làm sáng tỏ những điều chứa đựng xếp chồng
trong truyền thuyết về cá Ông.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Từ cơ sở dữ liệu và các vấn đề đặt ra, chúng tôi
cần đến phương pháp này để đi vào từng khía cạnh chi tiết. Cụ thể, trong bài chúng
tôi sẽ phân tích những yếu tố đã nhào nặn nên các truyền thuyết khác nhau về cá

Ông, và các vấn đề khác để tìm hiểu về ý nghĩa nhân sinh trong mối quan hệ giữa vị
thần cá Ông với con người.
- Phương pháp so sánh: Truyền thuyết cá Ông có những đặc điểm chung với nhiều
truyện khác trong tâm thức sáng tác dân gian. Song song đó, nó cũng có những đặc


13

điểm riêng khác biệt… Chúng tôi dùng phương pháp này để đối chiếu, so sánh các
vấn đề đặt ra với các tư liệu khác cùng chủ đề để tìm ra được điểm đặc trưng của
truyền thuyết và tín ngưỡng cá Ông trong đời sống nhân dân.
- Phương pháp liên ngành: Văn học dân gian vốn có đặc trưng là tính nguyên hợp
của nhiều ngành trong đó. Nên trong đề tài, chúng tôi sử dụng đến các lĩnh vực khác
nhau: lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn hóa… để làm sáng tỏ một số vấn đề trong bài.
- Phương pháp điền dã: Để có được tài liệu, thông tin cho đề tài, chúng tôi đã tiến
hành đi tới các lăng vạn thờ cá Ông thuộc ba tỉnh: Bình Thuận, Vũng Tàu, Bến Tre.
Ngoài ra, chúng tôi cũng liên hệ với một số nơi khác bằng điện thoại, thư tín để có
thêm thông tin cho bài viết. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng tôi đi tìm về chính nơi
thờ cá Ông để cảm nhận được niềm tin và tín ngưỡng như cách ngư dân cảm nhận
để có được linh hồn xương sống cho đề tài.
6. Bố cục luận văn
Luận văn của chúng tôi gồm có 4 chương chính:
Chương 1 - TỤC THỜ CÁ ÔNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM
Chương 2 - HỆ THỐNG TRUYỀN THUYẾT CÁ ÔNG
Chương 3 - CỐT TRUYỆN, MOTIP TRUYỀN THUYẾT CÁ ÔNG
Chương 4 - MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỀN THUYẾT VÀ TỤC THỜ CÁ ÔNG


14


B. PHẦN NỘI DUNG
Chương 1 - TỤC THỜ CÁ ÔNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN
HÓA VIỆT NAM
Xét trong dòng chảy văn hóa, bất kì một yếu tố nào góp phần tạo nên bộ mặt
văn hóa cũng luôn luôn nằm trong một hệ thống nhất định. Theo thời gian nó trở
thành một mắt xích trong tiến trình hình thành và phát triển văn hóa một dân tộc.
Nên khi xem xét một vấn đề về văn hóa cần phải nhìn nhận trong một hệ thống để
thấy được tính bao quát của nó. Tục thờ cá Ông cũng tương tự như thế. Để thấy
được vị trí của tục thờ cá Ông, trong chương này chúng tôi sẽ khái quát một số vấn
đề tín ngưỡng có bao quát cả nội dung tục thờ cá Ông trong đó. Từ vị trí đó, chúng
tôi sẽ đi sâu vào vai trò và những vấn đề liên quan đến truyền thuyết, tục thờ nhằm
đưa lại một cái nhìn vào bề sâu của tín ngưỡng từ góc nhìn văn học.
1.1. Đôi nét về mỹ tự “cá Ông”
Ông là một tiếng được sử dụng rất đa dạng trong đời sống. Đó là từ chỉ người
đàn ông hoặc người ở bậc sinh ra cha, mẹ mình: ông nội, ông ngoại. Người đàn ông
đứng tuổi, hoặc được kính trọng: ông giáo, ông sư. Người đàn ông cùng bậc hoặc
bậc dưới trong cách gọi thân mật: ông bạn. Đó cũng là từ chỉ bản thân mình trong
cách gọi trịch thượng.
Ngoài các nghĩa đó, ông còn là từ dùng để chỉ những loài, vật được con người tôn
sùng, kiêng nể: ông trăng, ông sao... Trong dân gian, để tỏ lòng kính cẩn trước đấng
thần thánh vô hình, người ta gọi đó là “ông”: ông trời, ông phật, ông bụt, ông thần,
ông Táo… Để gọi một người có chức tước, được coi là phụ mẫu của dân người ta
vẫn kính cẩn gọi người đó là ông, đức ông. Dân gian vẫn gọi hổ là Ông cọp, Ông ba
mươi để tỏ lòng kính - sợ trước vị chúa tể đầy sức mạnh (hổ đực hay cái đều gọi là
Ông)… Cũng như thế, với loài cá Voi, cá Heo và một số loài có thiên tính cứu
giúp người hoạn nạn hoặc giúp ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, cư dân
miền biển thành kính gọi là Ông để bày tỏ lòng biết ơn. Như thế, Ông trong cá
Ông là một mỹ tự mà ngư dân gọi để bày tỏ sự kính – ơn đối với loài cá mà họ tôn
là phúc thần.



15

Danh từ Ông ở đây là tên gọi chung cho nhiều loài chứ không riêng gì chỉ
gọi cá Voi, nhưng trọng tâm của tên gọi này dành cho loài cá Voi. Khi nói đến Ông,
người ta đều nghĩ đến cá Voi đầu tiên trong tất cả các loài. Thường thì người ta gọi
chung là Ông, không phân biệt cá đực hay cái, to hay nhỏ. Nhưng người Việt vốn
có tư duy lưỡng phân lưỡng hợp – cặp đôi (Tư duy lưỡng hợp này có nguồn gốc từ
tư duy thần thoại Việt cổ như Ông Đùng, Bà Đà…) nên đi vào chi tiết, người ta
phân rõ ràng cá đực gọi là Ông, cá cái gọi là Bà. Cá đực mà còn nhỏ thì gọi là Cậu,
tương tự như thế, cá cái còn nhỏ người ta gọi là Cô, tính cặp đôi ở đây: cá Ông – cá
Bà; cá Cô – cá Cậu.
1.2. Khái quát tín ngưỡng thờ linh thần
Sùng bái tự nhiên là một đặc điểm cơ bản của các cư dân vùng nông nghiệp
lúa nước, bên cạnh hệ thống các nhân thần đầy quyền uy là một hệ thống các nhiên
thần có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người. Trong đó, thờ cúng loài vật là
một tín ngưỡng dân gian lâu đời và có vị trí quan trọng trong niềm tin của nhân dân.
Trong dân gian có câu “Nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng” cho thấy niềm kính
cẩn, điểm tựa tâm linh vào các loài vật rất mạnh trong niềm tin của nhân dân. Dấu
ấn của niềm tin ấy ngày nay vẫn tồn tại qua các đền thờ, lăng miếu trải khắp trong
các làng mạc từ Bắc chí Nam. Trong các đền miếu ấy, có nơi chỉ hương khói thờ tự
nhưng có nơi lại gắn với các lễ tục, diễn xướng, lễ hội, tạo nên một nét văn hóa đặc
sắc trong đời sống văn hóa các vùng miền. Và đặc biệt, xoay quanh các đền miếu ấy
gắn với một hoặc nhiều truyền thuyết có liên quan tạo nên phức hợp tổng thể cho
tính linh thiêng trên nhiều phương diện thực tiễn và huyền thoại.
So với tục thờ các thần thú ở khắp các vùng miền đất nước, tục thờ cá Ông
của ngư dân miền biển có thể xem là tục thờ lớn nhất, có phạm vi thờ cúng rộng lớn
và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tâm linh của ngư dân miền biển.
Không chỉ thế, tục thờ này còn có những giá trị to lớn trên các phương diện đời
sống.

Xét về giá trị văn hóa, tục thờ cá Ông không chỉ tạo cho miền biển một vị thần hùng
vĩ, uy linh mà còn tạo ra một tín ngưỡng đẹp, gắn kết con người và con người gần
lại với nhau, thắt chặt tình đoàn kết tương hỗ của các ngư dân trong cuộc mưu sinh
nơi đầu sóng ngọn gió.


16

Xét về giá trị lịch sử, tục thờ cá Ông được nhiều người xem như một chứng nhân
quan trọng cho sự tiếp biến văn hóa của nhân dân Đại Việt trong quá trình Nam tiến
với người Chăm bản địa. Đó là một vấn đề vẫn còn chưa đi đến được kết luận cuối
cùng song nó cũng chứng tỏ được tầm ảnh hưởng đến nhiều phương diện của tục
thờ. Sau này, cá Ông được trọng vọng nhiều hơn khi góp mặt trong thời gian bôn
tẩu của vua Gia Long, thực hư ra sao vẫn là điều bí ẩn, nhưng dẫu sao khi tìm về
lịch sử triều Nguyễn cũng không thể quên được chi tiết này trong huyền thoại vì ở
nhiều lăng Ông vẫn còn các sắc phong của vua ban – một chứng tích hùng hồn cho
tính thần thiêng của cá Ông.
Xét về phương diện văn học, xoay quanh tục thờ cá Ông là những câu truyện,
truyền thuyết, sự tích được nhân dân sáng tác, thêu dệt để bồi đắp thêm tính thiêng
liêng của cá Ông. Từ các tích ấy, thông qua cách nhìn, cách cảm nhận đa chiều của
nhân dân dành cho Ông, chúng ta sẽ thấy được những ý nghĩa nhân văn, những giá
trị về văn hóa, lịch sử của cha ông ta xây đắp và lưu truyền cho con cháu đời sau.
Trong tín ngưỡng chung, tục thờ cá Ông cũng có những giá trị tích cực như các vị
phúc thần khác. Song trong những cái chung, tục thờ này có những nét riêng biệt để
tạo cho nó một giá trị không hòa lẫn. Điều đó chúng tôi sẽ chỉ ra ở các phần sau của
đề tài. Nhưng để thấy được cái riêng ấy, chúng ta cần thấy cái chung của tục thờ các
loài vật để có cái nhìn khái quát, rộng mở cho vấn đề về sau.

1.2.1. Tục thờ cá Ông trong tín ngưỡng thờ loài vật của nhân dân
Mỗi bản làng, mỗi vùng trên đất nước ta đều có một hoặc nhiều vị phúc thần

được nhân dân trong vùng tín ngưỡng, thờ tự để cầu mong sự chở che của thần cho
một cuộc sống no đủ, thuận hòa. Vị phúc thần ở đây có khi là nhân thần, có khi là
nhiên thần, loài vật mà ở nơi đó nhân dân gửi gắm niềm tin thiêng liêng về sức
mạnh phù trợ mang phúc lành đến cho muôn dân. Song khác với các nhân thần
thường được thờ sau khi các vị đó đã “hóa”, là người có công đức hoặc có hiển linh
cứu giúp, phù trợ cho dân làng thì các loài vật lại được nhân dân thờ ngay khi còn
sống. Nếu nhân thần được thờ theo cá nhân đơn lẻ thì loài vật được thờ theo loài.
Trong phạm vi đề tài về tục thờ loài vật, nên ở đây chúng tôi chỉ xin trình bày một
số tục thờ các loài vật trong tín ngưỡng của nhân dân để tham khảo thêm.


17

Tục thờ rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ.
Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, đầm lầy, hình tượng
rắn đã được đồng hóa với nước, trở thành thủy thần và đi vào tâm thức dân gian từ
rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên. Rắn là một hình tượng phổ
biến và có sức ám ảnh mạnh mẽ, phổ biến nhất của người Việt ở đồng bằng sông
Hồng. Tục thờ rắn với tư cách là thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ
mà còn có ở miền Trung, Tây Nguyên và cả miền Tây Nam Bộ. Rắn cũng là đối
tượng phải dè chừng, đối phó và chinh phục. Có lẽ vì thế mà ngày nay vẫn lưu
truyền nhiều câu chuyện, giai thoại về rắn quấn mình người phụ nữ sinh ra đứa con,
rắn trả thù người, rắn cứu người, rắn đền ơn con người… Nhất là các tích về sự xuất
hiện của rắn trong các đền miếu một cách kì lạ và bí ẩn là nền cho những huyền
thoại về rắn tiếp tục được hình thành. Trong dân gian, nhân dân tin rắn là hiện thân
của thần thánh. Các cụ già vẫn kể cho con cháu nghe về sự xuất hiện của rắn có
mào trong đền thờ thần làng vào những ngày lễ, hay người dân lưu truyền với nhau
về rắn trắng trong đền thờ đức thánh Trần (Nam Định) là rắn thần. Bên cạnh đó,
nhân dân còn thờ rắn trong hình tượng của vị thần người nhưng hoài thai từ rắn, ví
như đền Quan Lớn Đệ Tam ở Duy Tiên (Nam Định). Đó là đền thờ một trong ba vị

đại vương vốn là ba con rắn được sinh ra từ một cái bọc. Tương truyền, vị đại
vương này rất có công trong việc chống Thục nên được vua Hùng phong là Nhạc
Phủ Ngư thượng đẳng thần, sau được gia phong là Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng
thái thượng đẳng thần. Đối với tín ngưỡng nhiều nước, rắn cũng là một đối tượng
rất được coi trọng và đề cao. Điều đó cho thấy các nước trên thế giới dù cách biệt,
chênh lệch nhưng vẫn có những yếu tố văn hóa giao nhau trong nhận thức từ thuở
hồng hoang của lịch sử loài người.
Không chỉ thờ rắn, người ta còn thờ cả cá sấu. Trong sử cũ ghi chép, thì với
tục thờ rắn và cá sấu, người xưa lấy các loài thủy tộc này làm vật tổ. Huyền thoại họ
Hồng Bàng (giải thích nguồn gốc các tộc người Việt cổ) kể rằng, ông Lạc Long
Quân (vị tổ của người Việt đồng bằng) là một loài rắn hoá thân mà thành. Hình cá
sấu được trang trí trên nhiều mặt trống đồng Đông Sơn. Tục thờ cá sấu sau này trở
nên phổ biến ở miền Nam, là vùng đất mới với nhiều hiểm nguy đe dọa tới tính
mạng con người, trong đó cá sấu cũng là một nỗi ám ảnh của vùng sông nước nên
được người dân lập đền thờ: “Cà Mau khỉ khọt trên lưng/ Dưới sông sấu lội trên


18

rừng cọp um” [43]. Cá sấu không chỉ có trong tục thờ của người Việt, mà còn trong
cả cộng đồng người Khơ-me Nam Bộ. Hình cá sấu được người dân nơi đây vẽ trên
những lá cờ trắng treo trên chùa, hoặc thầy cúng cầm trong đám đưa tang.
Từ rắn, cá sấu, một loài vật huyền thoại được hình thành - rồng được nhân
dân xem là loài mang đến phúc lành cho nghề nông. Cao hơn nữa, rồng là biểu
tượng của nguồn gốc tộc người (Truyền thuyết Con rồng cháu tiên của người Việt).
Về sau này, rồng còn được nhất thể hóa với hình tượng đế vương. Những thuyết về
việc sinh ra các bậc quân vương cao quý thường gắn với tích bà mẹ nằm ngủ mơ
thấy sao rơi, thấy rồng… Rồng là biểu tượng quyền uy của vua chúa. Rồng cũng là
hình tượng thường được trạm trổ ở trên các cột đình, chùa, cung điện, ngọc tẩm để
tăng thêm tính oai nghiêm, thần thánh. Thực ra, ban đầu nằm trong tín ngưỡng dân

gian rồng được đồng nhất với nước, mang lại điềm tốt lành. Do ảnh hưởng từ văn
hóa Trung Quốc mà rồng có thêm biểu tượng của vương quyền.
Một tục thờ khác rất phổ biến ở nhiều nơi đó là tục thờ hổ. Tục thờ này bắt
nguồn từ cuộc sống thời nguyên thủy xa xưa, khi con người còn sống trong điều
kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp, hổ chính là
sức mạnh thiên nhiên gần gũi và là tai họa đối với con người. Đặc biệt trong quá
trình di dân vào Đàng Trong, mối đe dọa từ hổ đến cuộc sống con người trở thành
nỗi ám ảnh. Điều đó còn ghi dấu ấn qua những đúc kết dân gian như: “Cọp Khánh
Hòa, ma Bình Thuận” [27] ở miền trung hoặc “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn
trường; Dưới sông cá lội, trên rừng cọp đua” [43] ở miền Nam. Chính điều này các
đình miếu thờ hổ từ đó mà nhiều hơn nữa. Ngày xưa, người dân rất sợ hổ, giết được
hổ là lập được công lớn giúp dân làng, nhưng sau khi giết được thì người dân lại lập
miếu thờ. Đây là một tâm lý rất phức tạp vừa sợ nhưng lại vừa kiêng nể cọp của
nhân dân. Trong dân gian lưu truyền rất nhiều các giai thoại về hổ trả ơn người đã
cứu mình, hổ hàng phục vị sư chùa, hổ trung thành với chủ… Người dân cũng tin
tranh họa hình hổ có khả năng trấn yểm, đuổi trừ tà ma, thế nên trong nhiều nhà
thường treo tranh hổ, để tranh hổ dưới gối giúp trẻ con không quấy khóc ban đêm…
Không chỉ người Việt, một số đồng bào dân tộc thiểu số cũng có tục thờ hổ, trong
đó có người Khơ mú sống ở Tây Bắc và miền Tây Nghệ An. Một tập quán ăn sâu
vào tình cảm và tiềm thức của người Khơ mú thuộc họ Rvai (hổ) đó là nghi lễ cúng
ma nhà (Hrôigang). Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ mú thuộc họ hổ đã diễn lại


19

các động tác của hổ, vật tổ của dòng họ. Với quan niệm hổ là tổ tiên của mình,
người Khơ mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào hổ, không săn bắt hổ,
không giết hổ và không ăn thịt hổ.
Không chỉ thờ những loài có sức mạnh, người Việt còn thờ cả loài vật rất đỗi
bình thường. Đó là chó. Người ta coi chó là con vật có thể đem đến những điều may

mắn, thuận lợi và nhiều niềm vui. Chẳng những trước đây mà cả hiện nay vẫn có tín
ngưỡng dân gian về chó. Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình
thức: Một là chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ
trừ tà, cầu sự bình an; Hai là đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để thờ cầu
phúc lành. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Ở Hà
Nội, có hai làng Địch Vĩ và Hát Môn là những nơi thờ vị quan lớn này.
Như vậy, trong tín ngưỡng thờ loài vật, nhân dân luôn tìm thấy một mặt lợi ích tích
cực cụ thể từ các loài để tôn thờ và ngợi ca. Và cá Ông cũng nằm trong mạch chung
ấy.
Xét theo trục Tây – Đông để chia thì lãnh thổ Việt Nam chia thành hai phần
đất liền và biển đảo. Những loài kể trên là các linh thần tiêu biểu cho phần đất liền,
còn ở biển, linh thần tiêu biểu nhất là cá Ông. Trong niềm tin của ngư dân, người ta
rất tin tưởng vào sự cứu giúp của Ông trên biển khơi. Nước ta có một chiều dài bờ
biển kéo dài từ Bắc chí Nam, cho nên không có vị linh thần nào lại có số lượng lăng
miếu thờ nhiều như cá Ông và có sức ảnh hưởng đến tâm linh tuyệt đối như vị phúc
thần này. Với các loài trên, một số nơi người ta thờ trong sự bái vọng, đời ông cha
truyền lại cho đời con cháu tiếp nối nhưng niềm tin tín ngưỡng có thể đã không còn
như nguyên gốc. Ví như trước đây, vì sợ mà người ta lập ra đền thờ hổ, thì nay
người dân chỉ thờ hổ trong sự cầu mong phước lành chứ không còn vì sợ như trước
kia. Nhưng niềm tin với cá Voi từ xưa tới nay thì vẫn còn nguyên vẹn. Ngư dân rất
tin và thành kính vào sự cứu giúp tính mạng con người trước sóng gió biển khơi của
Ông.
Qua một số các loài vật được thờ mà chúng tôi nêu trên, có thể thấy hai vấn
đề cần lưu ý sau:
Thứ nhất, người Việt có truyền thống thờ trực tiếp loài vật mà người dân tin tưởng
sự thờ đó sẽ mang lại sự an lành cho cuộc sống. Tục thờ loài vật có từ trong tâm


20


thức xa xưa của cha ông chúng ta từ thời nguyên thủy, không phải học từ lối thờ của
ai mới có.
Thứ hai, về nguyên nhân, gốc tích các loài được thờ. Sự thờ thần thú trong tâm linh
của nhân dân xuất phát từ nhiều điều, nhưng tựu trung lại nhân dân thờ một loài vật
thành thần trên hai điều sau:
+ Người ta thờ một loài bởi người ta sợ mà thờ, như các loài hổ, cá sấu… Người
dân lập miếu thờ các loài họ sợ vừa để lưu ý với những người xứ khác tới biết ở nơi
đây có nguy hiểm mà tránh, vừa để cầu sự an lành cho cuộc sống tại nơi có thú dữ
quấy phá.
+ Người ta thờ vì lòng kính trọng, biết ơn mà thờ. Đại diện nổi bật cho điều này
chính là cá Ông được nhân dân tôn thờ vì đức tính cứu người giữa biển khơi. So với
các loài vật linh khác, cá Ông chỉ mang đến điều tốt đẹp đến cho ngư dân. Người ta
thờ Ông vì lòng kính – biết ơn chứ không phải vì sợ như một số loài khác trong tín
ngưỡng.
1.2.2. Tục thờ cá Ông trong hệ thống các vị thần linh biển
Tục thờ cá Ông đã âm thầm đi vào đời sống tâm linh của cư dân ven biển từ
khi nào thì không ai rõ. Nhưng trước khi vị thần này đi vào đời sống ngư dân, trong
dân gian đã xuất hiện nhiều vị thần được nhân dân tôn thờ để phù trợ cho người đi
biển. Tất cả sự tôn kính đó thường được thể hiện trong nghi lễ và những huyền thoại
bao quanh. Chúng tôi nêu ra một số truyền thuyết về các vị thần đó như sau:
Ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng có miếu trên đảo Hòn Dáu.
Miếu thờ Lão đảo thần vương, còn gọi là Nam Hải đại vương. Chuyện xưa kể vào
thời Trần sau cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên, trên đảo có dạt vào xác một
võ tướng cụt đầu. Sau đất đùn thành mộ, thần thường hiển linh trong trang phục võ
tướng không đầu ngồi câu cá. Dân cư lập miếu thờ và thường được thần giúp trong
lúc ra khơi. Đến đời chúa Trịnh Doanh (1754) khi đi du ngoạn Đồ Sơn thấy thần
linh ứng, liền phong là Lão đảo thần vương. Hơn 100 năm sau, vua Tự Đức đến
thăm đảo lại phong thần là Nam Hải đại vương. Hằng năm mở hội vào ngày 9-10
tháng Giêng âm lịch.
Đền thờ nữ thần ở cửa Cần Hải, Nghệ An. Không rõ ở cửa biển nào vị nữ

thần này đã hiển linh giúp vua, nhưng sau đó đã được vua sắc cho 12 cửa biển phải


21

lập đền thờ bà. Có nơi gọi đây là đền thờ Thánh Mẫu, và tùy vào mỗi nơi mà tích
truyện này có được kể khác đi. Theo truyền thuyết kể lại: Phu nhân họ Triệu, là
công chúa nhà Nam Tống, mẹ con ba người, phu nhân là con gái út. Trong cơn lửa
binh, mẹ con ba người vịn mạn thuyền trôi đến chùa Hải Giai, nhà sư thương đem
về nuôi nấng; sau vài tháng, phu nhân da thịt hoàng nguyên, diện mạo đẹp đẽ, nhà
sư muốn tư thông, phu nhân nhất thiết cự tuyệt. Nhà sư xấu hổ, nhảy xuống biển tự
tử. Ba mẹ con cùng khóc bảo rằng: “mẹ con ta nhờ sư mà sống, sư vì mẹ con ta mà
chết, lòng ta sao an”, rồi cũng nhảy xuống biển chết cả. Thi thể phu nhân trôi đến
cửa biển Kiền Hải (tục danh là Cửa Cờn) phủ Diễn Châu (Nghệ An) nước ta, tuy
chết lâu mà ngọc diện vẫn như sống, người bản xứ thấy làm lạ, vớt lên chôn cất hẳn
hoi, sau thấy có nhiều linh dị, mới lập đền thờ phụng. Hễ thuyền biển gặp cơn gió to
sóng lớn, nguy cấp, van vái với phu nhân thì đều được bình an vô sự. Vị thần này
sau được triều đình sắc phong là Đại Càn thánh nương. Cũng tương tự như tích này,
nhưng ở đền Đỏ, xã Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình), nhân dân kể lại có khác
và đối tượng thờ cũng có khác. Theo tích này thì đối tượng được thờ chính là hoàng
hậu chứ không phải công chúa. Đền Đỏ vốn là ngôi đền linh thiêng nơi cửa biển,
nhân dân trong vùng thường gọi là đền Bà, đền thờ Thánh Mẫu. Theo thần tích tại
đây, Thánh Mẫu còn có tục danh là Đạm Đồng Lương, là Hoàng hậu của vua Đế
Bính (thời nhà Tống). Khi nhà Tống bị đế quốc Nguyên Mông xâm lăng, Vua Đế
Bính thất trận, bà đã đem hai người con gái và một người con nuôi chạy sang Việt
Nam lánh nạn, nương nhờ ở chùa Kính Thiên. Sau một thời gian, bà lại mắc oan
nên phẫn chí, cả bốn mẹ con gieo mình xuống biển ở cửa Lân tự tử. Thi hài trôi vào
cửa chùa Long Khánh, phủ Viễn Châu, xã Tân Hương, huyện Quỳnh Lâm (nay là
Quỳnh Lưu, Nghệ An). Nhân dân nơi đây đã lập miếu thờ và trở thành nơi linh
thiêng được nhân dân sùng bái. Song theo tích nào thì đây cũng là đền thờ vị thần

bảo hộ giúp người đi biển được bình an.
Ở huyện Kì Anh, Hà Tĩnh có đền thờ Chế Thắng phu nhân. Đây cũng là một
vị thần biển. Chế Thắng phu nhân là cung nữ của Trần Duệ tông, tên thật là Nguyễn
Thị Bích Châu, từng theo vua đi đánh Chiêm thành. Khi qua cửa biển, sóng gió nổi
lên, vua muốn bày lễ tế thần biển, bà phải đứng trên cái mâm đồng to để vua ném bà
xuống, nhờ vậy mà trời bớt sóng gió. Biết chuyện ấy, nhân dân trong vùng lập đền
thờ bà, cầu mong bà phù hộ dân làng mưa thuận gió hòa, ra khơi vào lộng an toàn.


22

Đền thờ Đông Hải đại vương Nguyễn Phục. Ông người xã Đoàn Tùng,
huyện Gia Lộc, xứ Hải Dương. Ông là người văn võ song toàn lại có tài ăn nói nên
đã nhiều lần được cử đi sứ ở Trung Quốc. Cuối đời vì không may cho số phận nên
đã bị vua Lê Thánh Tông xử tội chết vì trễ hẹn quân cơ. Sau khi được phong là phúc
thần, thần đã hiển linh giúp vua và nhân dân rất nhiều. Trong sách “thần tích Việt
Nam” có chép: Sau khi vua chiến thắng Chiêm Thành trở về, trên đường gặp sóng
to gió lớn nên không đi được. Một đêm Vua thao thức tai nghe gió gào, sóng dậy
trằn trọc không sao ngủ được. Vua sực nhớ lại thuyền lương trễ kỳ hạn là do sóng
lớn gây ra, trong lòng hối hận, thương tiếc đốc lương quan bị thác oan. Trong lúc
mơ màng Vua nhìn thấy ông đứng trước giường ngự tâu rằng: “Kẻ hạ thần cảm ơn
tri ngộ của bệ hạ nên dẫu thác, linh hồn vẫn theo ra chiến trận. Nay nhờ hồng phúc
quốc gia, bệ hạ dẹp xong Chiêm hầu, hạ thần lại xin theo hộ giá khải hoàn. Vua Lê
chợt tỉnh trông ra vầng Đông đã hửng sáng. Biển lặng sóng yên, đại quân vượt biển
trở về yên ổn” [48]. sau đó, vua Lê Thánh Tông truy phong Đốc lương quan
Nguyễn Phục tước Đại vương biển Đông Hải.
Đền thờ Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục ở làng Phú Xá được nhân dân quanh
năm hương khói phụng thờ với niềm tin và ước vọng thánh Đông Hải sẽ chở che,
bảo vệ và phù trợ cho nhân dân về cuộc sống bình an, no đủ của cả làng biển.
Và còn nhiều các vị thần biển khác, song tựu chung lại chúng ta có thể thấy

rằng các vị thần trên đều là các nhân thần. Đa số các vị thần đó đều có xuất thân từ
tầng lớp trên (tướng quân, công chúa, hoàng hậu), sau khi chết lại hiển linh giúp vua
thuận buồm xuôi gió ra chiến trận nên càng được nhân dân tôn kính. Sự giúp vua có
hay không là một điều bí ẩn, nhưng truyền thuyết về thần mà đến vua cũng phải
trông cậy vào sự giúp đỡ và tin tưởng thì hẳn đó là các vị thần rất thiêng, có ảnh
hưởng to lớn đến đời sống tín ngưỡng của nhân dân (có lẽ muốn bồi đắp thêm tính
thiêng của thần mà nhân dân gắn sự hiển linh của thần với những việc của nhà
nước, nâng tầm ảnh hưởng phù độ của thần lên mức tuyệt đối). Các tích truyện trên
chỉ phổ biến từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra bắc, còn mạn trong này không thấy có. Điều
đáng lưu ý là các vị linh thần trong các truyền thuyết trên đều mang tâm thức biển.
Dường như mọi sức mạnh của thần được hun đúc từ biển hoặc có yếu tố biển. Sau
này ngư dân ven biển thờ vị thần cá Ông, là một thần thú chứ không phải nhân thần.
Nhưng kì lạ, sức ảnh hưởng và niềm tin vào Ông còn sâu sắc và lan rộng hơn tất cả


23

các vị thần trước đó. Có thể tìm thấy các đình, lăng, vạn thờ Ông kéo dài từ biển của
Quảng Ninh vào đến tận Cà Mau, Kiên Giang. Nếu tính tất cả thì phải trên 24 tỉnh
ven biển nước ta với hàng trăm lăng miếu thờ vị thần này. Từ cá Ông Voi, cư dân
ven biển còn thờ nhiều loài thủy tộc tạo thành một hệ thần linh biển phong phú gồm
cả nhân thần, thú thần và thủy thần. Các nhân thần ban đầu hiển linh giúp vua trong
chiến trận thì về sau trở thành thần bảo trợ người làm nghề đánh cá biển. Điều này
chứng tỏ rằng, người Việt sau một thời gian dài trọng nông, thuần nông đã bắt đầu
có sự chuyển hướng ra biển khơi, mở rộng ngành nghề. Đây là một sự đánh thức tố
chất của chủng tộc hơn là một sự manh nha học hỏi nghề đi biển từ người Chăm
trong quá trình Nam tiến của người Việt như nhiều người đã nói. Người Chăm và
Việt vốn là chủng tộc từ các đảo Nam Thái Bình Dương vượt biển để thiên di sang
Đông Dương. Họ hẳn là những người cừ khôi trong nghề đi biển, nhưng người Việt
cư trú trong vùng địa lý thuận lợi, nhân dân trồng trọt chăn nuôi cũng đủ cung cấp

lương thực nên họ không hướng biển. Sau này, trong quá trình di cư về miền Trung
đất ít lại khô cằn, một nghề nông không đủ nên nhân dân đã hướng ra biển khơi duy
trì cuộc sống lâu dài. Sự đối mặt với hiểm nguy trên biển đã thúc đẩy con người tìm
đến những vị thần giúp họ an lòng khi ra khơi. Hệ thống các vị thần phong phú
trong cộng đồng cư dân miền biển là minh chứng cho quá trình biển tiến lâu đời, từ
đó hình thành hệ văn hóa và ứng xử với biển của cư dân nơi đây. Đó cũng là lý do
vì sao tục thờ này dày đặc ở miền duyên hải miền Trung trở vào Nam.
1.3. Vai trò thực tiễn và tính thiêng của cá Ông trong tâm thức người Việt
Cá Voi cũng như những loài vật khác sinh ra có linh tính riêng của nó, nhưng
từ một loài cá bình thường trở thành thần linh thiêng thì ắt hẳn bên trong sâu xa
phải có một lý do nào đó. Bởi chỉ ở Việt Nam, loài cá Voi được tôn thành thần và
con người hết sức có ý thức bảo vệ loài này. Họ không ăn thịt, không săn bắt cá
Voi. Khi cá Voi bị mắc cạn, ngư dân huy động mọi người tìm cách đưa Ông ra biển.
Khi cá Voi mắc vào lưới, ngư dân vội cùng nhau mở lưới cho Ông đi ra. Khi Ông
lụy, ngư dân không tiếc công tiếc của mai táng cho Ông cẩn thận. Hằng năm, đến
ngày giỗ Ông, bà con ngư dân lại góp tiền bạc làm lễ cho Ông long trọng. Ông còn
sống hay Ông đã lụy cũng đều được ngư dân tôn kính. Vậy đặc tính nào, lý do nào,
vai trò nào đã góp phần linh thiêng hóa loài cá bình thường thành cá Ông?


24

Trong đời sống, cư dân ven biển rất tin tưởng vào sự phù trợ của cá Ông. Với
họ, cá Voi là một thần thú tính nết hiền lành, hay giải cứu con người khi lâm nạn
giữa biển khơi. Chúng tôi được nghe nhiều ngư dân kể lại chuyện này trong lúc đi
điền dã. Họ kể rằng khi Ông cứu người, Ông thường không cho ai biết đến sự có
mặt của mình. Với người bị nạn đang lênh đênh một mình trên sóng thì bỗng cảm
thấy như được nằm trên một tấm phản lớn, rồi từ từ họ lịm đi. Khi tỉnh dậy, người
đó đã thấy đang được nằm trên bờ cát. Họ tin rằng ở Ông có một phép thiêng khiến
họ không nhận ra sự có mặt của Ông bằng cách luôn làm cho người đó bị bất tỉnh

rồi đưa người vào. Khi gần đến bờ, chính Ông quẫy mình tạo ra cơn sóng lớn để hất
người vào bờ. Còn với những ghe thuyền gặp nạn, họ hô to lên lời cầu khấn Ông
giúp đỡ, nhiều thuyền bè đã được Ông tới áp mình đưa thuyền vào bờ an toàn. Ở
Bến Tre, chúng tôi lại nghe ngư dân nói về việc được cá Ông cứu, song họ lại tin
hơi khác với ngư dân miền Trung. Đó là không phải cá Ông đã cứu họ, mà một
phần hồn nào đó đã nhập vào cá Ông để giúp đưa họ vào bờ. Về hiện tượng cá Ông
cứu người, theo khoa học giải thích thì do Ông thở bằng phổi, Ông chỉ có thể lặn
sâu khoảng một giờ rưỡi nên bão biển khiến Ông bị ngạt, chính vì thế Ông thường
tìm đến các ghe thuyền để dựa lưng vào cho dễ thở và có hành động giống như đang
cứu các thuyền của ngư dân. Nhưng với các ngư dân, họ tin tưởng vào sự cứu giúp
của Ông. Nhờ có Ông họ mới thoát qua cơn hiểm nguy một cách thần kì. Ắt hẳn
trong thế giới này, vạn vật hữu linh và có nhiều điều tâm linh bí ẩn trong đó mà
khoa học sẽ khó lòng thâm nhập bằng con mắt thực chứng của mình. Khi đã vượt
qua cảnh ngàn cân treo sợi tóc bởi một điều vô cùng kì diệu, con người cảm thấy
Ông trở nên thiêng liêng và mang ơn nghĩa Ông. Từ đó, họ nảy sinh vấn đề tâm
linh, sùng bái Ông. Đây cũng là cách trả ơn đậm đà tính nhân văn của con người với
loài cá thiêng.
Không chỉ cứu người, cá Ông còn giúp cho ghe thuyền tôm cá đầy khoang. Ngư
dân truyền với nhau rằng, hễ thấy Ông ở đâu thì ngư dân sẽ đánh bắt được nhiều
tôm cá. Theo kinh nghiệm, khi nhìn thấy một vùng biển hóa đỏ là Ông xuất hiện,
đồng thời hàng đàn cá mòi, cá cơm, tôm… nổi đỏ dày đặc. Khi đó, các thuyền hối
hả đổ tới vùng có Ông xuất hiện và đánh bắt được rất nhiều tôm cá. Tính Ông vốn
hiền lành nên thấy người tới Ông lại đi chỗ khác nhường chỗ cho ngư dân. Thực ra
đây là đặc tính săn mồi của cá Ông. Thông thường Ông thường dồn đàn cá vào một


25

đám rồi mới ăn. Dấu hiệu quần tụ đó giúp ngư dân đánh cá thuận lợi hơn. Dù chỉ là
đặc tính của Ông, nhưng với ngư dân, điều đó mang lại cho họ sự may mắn. Vì ra

khơi đánh bắt được nhanh chóng trở về, nên họ thành kính tin rằng đó là Ông giúp
họ. Do vậy, ngư dân luôn mang trong lòng sự biết ơn Ông.
Ông sống là thế, Ông lụy cũng có nhiều điều kì lạ. Với ngư dân, cá Ông là phúc
thần nên khi Ông mất, người ta kiêng không gọi là chết mà phải gọi lụy hay đi tu.
Khi Ông sắp lụy, Ông luôn biết trước và sẽ tìm lối vào bờ trước khi bị lụy ngoài
khơi. Nếu có lỡ bị lụy khi chưa kịp vào bờ, Ông luôn nằm ngửa bụng tránh các loài
khác xâm phạm, đồng thời đi bên Ông luôn có một số loài thủy tộc khác canh giữ,
giúp đưa Ông vào bờ để ngư dân mai táng. Xác Ông khi phân hủy không có ruồi
nhặng hay bất cứ chó mèo gì dám đến gần, thịt không bao giờ thối rữa mà sinh dòi
bọ.
Lúc Ông lụy, người nào phát hiện đầu tiên sẽ làm con cả của Ông nhưng phải
là đàn ông. Nếu người đó là phụ nữ thì bãi miễn và trưởng tang phải là một người
nam trong gia đình. Trong bài khảo cứu Tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian vùng
thung lũng Nguồn Sơn, tỉnh Quảng Bình (1901), Cadière – một giáo sư phương Tây,
ở khá lâu vùng này đã mô tả về vai trò người con trưởng của Ông như sau: “Khi
chôn cất, cá phải được phủ liệm trọn vẹn bằng vải hoặc lụa. Người đầu tiên thấy cá
được mang tước là trưởng nam và thi hành phận sự ấy… Trưởng nam cá Voi cũng
thi hành phận sự y như trưởng nam trong gia đình có người quá cố. Ông ta bận áo
chế đại tang, đội mũ rơm, áo rộng, xổ lai, gấu áo bẻ ra ngòai, một tấm vải nhỏ kết
đằng sau, nghĩa là anh ta được xem như là người thân thuộc gần nhất của bậc thiêng
liêng vừa tạ thế. Chính anh ta là người sẽ cử hành mọi tang lễ và nhận nhiều ân lành
nhất của cá Voi”. Li kì hơn nữa, người này không chỉ để tang Ông như với cha mẹ
mình, mà lúc đưa Ông vào bờ chôn cất, nếu không có người con này thì dù có bao
nhiêu người đi nữa cũng không sao xê dịch nổi Ông, còn khi có người phát giác
Ông lụy đầu tiên cùng một số người nữa thì việc đưa Ông vào bờ rất dễ dàng. Điều
này nói ra có vẻ mê tín nhưng đây là một sự thật hoàn toàn, tất cả ngư dân trong các
vạn chài đều công nhận điều này. Và ngư dân rất mong được làm con cả Ông, bởi
tuy lúc tang chế họ rất vất vả, nhưng sau thời gian đó thì họ đều làm ăn rất khấm
khá và gặp nhiều may mắn.



×