Tải bản đầy đủ (.pdf) (128 trang)

yếu tố kì ảo trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (698.18 KB, 128 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Đinh Thị Phương Trà

YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN
NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh - 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Đinh Thị Phương Trà

YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN
NGUYỄN HUY THIỆP

Chuyên ngành :

Văn Học Việt Nam

Mã số :

60 22 34

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC


PGS.TS. NGUYỄN THÀNH THI

Thành phố Hồ Chí Minh - 2012


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình tới thầy giáo hướng dẫn PGS. TS
Nguyễn Thành Thi, người đã trực tiếp hướng dẫn và tận tình giúp đỡ tôi trong suốt
quá trình nghiên cứu, thực hiện và hoàn thành luận văn này.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô giáo Tổ Văn học Việt Nam
cũng như Khoa Ngữ Văn, Thư viện cùng Phòng sau Đại học và Công nghệ trường
Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho
tôi học tập và nghiên cứu.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn sự động viên, giúp đỡ của gia đình và bạn bè
trong suốt thời gian qua.
Tp Hồ Chí Minh ngày 18 tháng 9 năm 2012
Người viết luận văn

Đinh Thị Phương Trà
Lớp Văn học Việt Nam K21


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN ............................................................................................................3
MỤC LỤC ..................................................................................................................4
DANH MỤC NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN VĂN ..........................6
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................7
CHƯƠNG 1: YẾU TỐ KÌ ẢO – NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁI QUÁT ...................16
1.1. Văn học và yếu tố kì ảo .....................................................................................16
1.1.1. Yếu tố kì ảo .................................................................................................16

1.1.2. Yếu tố kì ảo trong diễn trình văn học .........................................................18
1.2. Yếu tố kì ảo và văn học Việt Nam đương đại ...................................................21
1.2.1. Khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam đương đại .................21
1.2.2. Nguyễn Huy Thiệp trong khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt
Nam đương đại ......................................................................................................25
CHƯƠNG 2: YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY
THIỆP – NHÌN TỪ THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG .................................................34
2.1. Yếu tố kì ảo và thế giới nhân vật .......................................................................34
2.1.1. Nhân vật đan xen thực ảo ............................................................................34
2.1.2. Nhân vật du hành .........................................................................................42
2.1.3. Nhân vật gắn với những bí ẩn tâm linh .......................................................51
2.1.3.1. Nhân vật có niềm tin tâm linh ...............................................................52
2.1.3.2. Nhân vật có khả năng tiên tri .................................................................57
2.1.4. Tác động của yếu tố kì ảo lên thế giới nhân vật ..........................................60
2.2. Yếu tố kì ảo và không gian nghệ thuật...............................................................64
2.2.1. Không gian rừng núi ....................................................................................65
2.2.2. Không gian làng quê ....................................................................................68


2.2.3. Không gian đô thị ........................................................................................69
2.2.4. Tác động của yếu tố kì ảo lên không gian nghệ thuật .................................71
2.3. Yếu tố kì ảo và thời gian nghệ thuật ..................................................................72
2.3.1. Thời gian huyền thoại ..................................................................................72
2.3.2. Thời gian tâm trạng......................................................................................76
2.3.3. Tác động của yếu tố kì ảo lên thời gian nghệ thuật .....................................79
2.3.4. Không – thời gian kì ảo ...............................................................................80
CHƯƠNG 3: YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY
THIỆP – NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN.............................................83
3.1. Phương thức tạo dựng yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp .......83
3.1.1. Huyền thoại hóa ...........................................................................................83

3.1.1.1. Motif ......................................................................................................84
3.1.1.2. Biểu tượng .............................................................................................90
3.1.2. Nhại truyền thuyết và nhại cổ tích ...............................................................95
3.1.2.1. Nhại cổ tích ...........................................................................................96
3.1.2.2. Nhại truyền thuyết .................................................................................97
3.1.3. Đẩy hiện thực sang phạm vi siêu thực, phi lí ..............................................98
3.2. Hiệu quả của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
.................................................................................................................................101
3.2.1. Yếu tố kì ảo và việc làm mới khả năng phản ánh hiện thực của truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp...............................................................................................103
3.2.2. Yếu tố kì ảo và hiệu ứng nghệ thuật trong cấu trúc truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp ............................................................................................................105
KẾT LUẬN ............................................................................................................113
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................116
PHỤ LỤC ...............................................................................................................125


DANH MỤC NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN VĂN
Số thứ tự

Viết tắt

Viết đầy đủ

1

ĐHSP

Đại học Sư phạm


2

Nxb

Nhà xuất bản

3

Tp

Thành phố

4

tr

tran


7

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Sau 1975 đặc biệt là sau năm 1986, đời sống văn học Việt Nam có nhiều thay
đổi và trở nên sôi động hơn. Trong đó chúng ta có thể chứng kiến sự bừng nở mạnh
mẽ của thể loại văn học có tính năng động là truyện ngắn. Không ít nhà văn, nhà
nghiên cứu đã tỏ ra nhanh nhạy qua việc nhận ra xu hướng vận động mới của văn
học và hồ hởi với những thể nghiệm nhằm đổi mới văn học cả về nội dung và hình
thức nghệ thuật. Một trong những đổi mới đáng chú ý về phương diện nghệ thuật là
việc đưa các yếu tố kỳ ảo vào trong các sáng tác. Việc sử dụng yếu tố kì ảo trong

văn học Việt Nam thời kì này có thể xem là một nỗ lực đáng ghi nhận, góp phần
quan trọng hình thành nên một “dòng” văn học riêng gắn với những tên tuổi như:
Võ Thị Hảo, Lưu Sơn Minh, Hòa Vang, Phạm Hải Vân, Nguyễn Huy Thiệp… Do
đó, tìm hiểu yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Viêt Nam từ các phương diện quan
niệm, hình thức nghệ thuật cũng như xu hướng vận động là vấn đề có ý nghĩa trong
việc góp phần phác họa rõ nét hơn diện mạo của văn học Việt Nam đương đại.
Nói đến truyện ngắn Việt Nam đương đại không thể không nhắc tới Nguyễn
Huy Thiệp – người đã góp phần làm cho đời sống văn học thời kì đổi mới trở nên
sôi nổi và khởi sắc hơn bao giờ hết. Là nhà văn có tinh thần cách tân mạnh mẽ,
Nguyễn Huy Thiệp đã luôn phát huy cao độ việc tối đa hóa khả năng của ngôn ngữ
cũng như đặc trưng của thể loại truyện ngắn để biểu đạt có hiệu quả những tư tưởng
và tình cảm của mình. Chính vì sự mới mẻ ấy mà từ khi xuất hiện đến nay, Nguyễn
Huy Thiệp đã tạo nên không ít sóng gió dư luận. Với Nguyễn Huy Thiệp, yếu tố kì
ảo đã trở thành một công cụ đắc dụng trong việc truyền tải những ý tưởng và cũng
chính yếu tố kì ảo đã góp phần không nhỏ giúp cho truyện ngắn của ông mang nét
khác lạ so với truyện ngắn của những nhà văn khác.
Đó chính là những lí do chúng tôi nghiên cứu đề tài: “Yếu tố kì ảo trong
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Về yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam đương đại


8

Văn xuôi đương đại Việt Nam nói chung và truyện ngắn Việt Nam đương đại
nói riêng đã và đang là mảnh đất mỡ màu thu hút nhiều nhà nghiên cứu. Trong
nghiên cứu văn xuôi đương đại Việt Nam, những đổi mới tư duy và đặc điểm nghệ
thuật có thể coi là phương diện được chú ý nhiều nhất. Đặc biệt, không thể không
kể đến yếu tố kì ảo.
Ngay từ những năm đầu tiên xuất hiện nền văn học mới, yếu tố kì ảo là một

đặc điểm nghệ thuật bước đầu được giới nghiên cứu lưu tâm. Nhiều nhà nghiên cứu
trong nỗ lực lí giải sự xuất hiện của yếu tố kì ảo trong văn học đương đại đã trở về
tìm hiểu yếu tố kì ảo trong văn học trung và cận hiện đại. Chúng ta có thể kể đến
những bài viết như: Huyền thoại và sức sống của huyền thoại trong văn chương
xưa và nay của Nguyễn Trường Lịch, Tìm hiểu các dạng truyện kì ảo trong văn
học trung đại và cận đại Đông Tây của Nguyễn Huệ Chi, Dư ba của truyện truyền
kì, chí dị trong văn học Việt Nam hiện đại của Vũ Thanh. Sang thập kỉ đầu tiên
của thế kỷ XXI, vấn đề yếu tố kì ảo trong văn học đã trở thành một mảng nghiên
cứu thực sự “hấp dẫn” với không ít những bài nghiên cứu, những công trình luận
văn, luận án. Chẳng hạn như: Về cái kì ảo và văn học kì ảo trong nghiên cứu văn
học của Lê Nguyên Long, Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam từ sau 1975
của Phùng Hữu Hải, Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau
1975 của Hoàng Thị Văn, Yếu tố kì ảo trong sáng tác của Nguyễn Tuân của
Nguyễn Trà Mi… Bùi Thanh Truyền là người tỏ ra rất mặn mà với yếu tố kì ảo
trong văn học đương đại với hàng loạt các bài viết từ năm 2001 đến nay, có thể
điểm qua các bài viết như: Ảnh hưởng thần thoại và cổ tích trong cách xây dựng
nhân vật văn xuôi hôm nay, Một số môtip kì ảo truyền thống trong văn xuôi sau
Đổi mới, Truyện kì ảo Việt Nam trong đời sống văn học đương đại, Đi tìm
nguyên nhân hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam, Sự
hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam, Sự đổi mới của
truyện có yếu tố kì ảo sau 1986 qua hệ thống ngôn từ, Hành trình của nhân vật
ma trong văn học Việt Nam… Luận án tiến sĩ về Yếu tố kì ảo trong văn văn xuôi
đương đại Việt Nam là một công trình mà Bùi Thanh Truyền dành nhiều công sức


9

để “đi tìm căn nguyên tái sinh và sự phát triển rầm rộ của yếu tố kì ảo của văn học
sau đổi mới, nhận diện và đánh giá hơn một phần tư thế kỉ văn xuôi từ góc độ của
cái kì ảo” [102, tr.3]. Ngoài ra, có thể đến kể đến những luận văn thạc sĩ nghiên cứu

yếu tố kì ảo của những tác giả cụ thể như: Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Nguyễn
Bình Phương của Nguyễn Thị Ngọc Anh, Yếu tố kì ảo trong sáng tác Võ Thị Hảo
qua tiểu thuyết Giàn thiêu và tập truyện ngắn Những chuyện không nên đọc lúc
nửa đêm của Cao Thị Thu Hoài…
Các bài viết và công trình nghiên cứu về yếu tố kì ảo kể trên là những đóng
góp ban đầu nhưng vô cùng ý nghĩa. Bởi thông qua đó chúng ta có thể nhận ra được
những tín hiệu lạc quan cho việc nghiên cứu khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo
ở Việt Nam đương đại nói riêng cũng như sự phát triển của văn học và nghiên cứu
văn học nói chung.
2.2. Về yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Tháng 1 năm 1987, tác phẩm đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp là Những
chuyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát được khởi đăng nhưng người ta vẫn
chưa thực sự biết đến tên tuổi của nhà văn. Chỉ khi Tướng về hưu trình làng trên
báo Văn Nghệ số 24 ra ngày 20 tháng 6 năm 1987 và sau đó là chùm truyện Kiếm
sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết tiếp tục ra mắt bạn đọc từ tháng 4 năm 1988, mới thổi
bùng lên dư luận về những tác phẩm của ông.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Nguyễn Hải Hà và Nguyễn Thị Bình trong bài
viết Xung quanh “Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” thì trong khoảng giữa năm
1987 đến giữa năm 1989 đã có trên bảy mươi bài viết về sáng tác của Nguyễn Huy
Thiệp. Trong đó có quá nửa số bài viết trong hai năm 87 và 88 tập trung vào tác
phẩm Tướng về hưu và bộ ba truyện ngắn Vàng lửa – Kiếm sắc – Phẩm tiết.
Năm 1989 Tạp chí sông Hương lần đầu tiên tập hợp những bài nghiên cứu
phê bình về Nguyễn Huy Thiệp trong cuốn Nguyễn Huy Thiệp tác phẩm và dư
luận, trong đó bao gồm những đánh giá của một số nhà nghiên cứu như Hoàng
Ngọc Hiến, Đỗ Phan Khang, Văn Tâm, Vũ Phan Nguyên, Trần Thanh Đạm, Đặng
Anh Đào. Năm 2001 cuốn Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp do nhà nghiên cứu Phạm


10


Xuân Nguyên chủ biên được xuất bản. Đây là cuốn sách tập hợp hơn 50 bài viết về
tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Hầu hết các tác giả đều chỉ ra những cái lạ trong
những sáng tác của ông để rồi khen hoặc chê. Song điều dễ nhận ra qua các bài viết,
đó là xu hướng khẳng định ngày càng giữ vai trò chủ đạo.
Yếu tố kì ảo cũng là một khía cạnh mới lạ trong các sáng tác của Nguyễn Huy
Thiệp và các tác giả khi đánh giá tác phẩm của ông cũng đã có những phát hiện
khác nhau. Song tựu trung lại những phát hiện ấy xoay quanh các phương diện sau:
2.2.1. Về tần suất xuất hiện của yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp
Nhà nghiên cứu người Nga TN. Philimonova trong bài viết : “Những ngọn
gió Hua Tát” của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu các truyền thuyết văn học đã
mạnh dạn khẳng định: “Hầu như trong mỗi truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều
hiện diện vết tích của các huyền thoại, truyền thuyết, dân ca. tục ngữ và đó không
chỉ là những “trích đoạn” riêng rẽ, hay sự mượn nhập các môtip… mà là sự ảnh
hưởng, cách điệu hóa chúng” [66, tr.59]. Trong bài nghiên cứu khái quát Yếu tố kì
ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975, Phùng Hữu Hải lại khẳng
định “Nguyễn Huy Thiệp được xem là nhà văn sử dụng yếu tố kì ảo sớm nhất giai
đoạn sau Đổi mới” [27]. Còn Phạm Thị Thanh Nga trong bài viết Yếu tố kì ảo
trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 lại cho rằng:“trong văn học đương đại Việt
Nam, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đã có nhiều thành công trong sự sáng tạo
“cái kì ảo” qua một loạt truyện ngắn xuất sắc của ông” [56].
2.2.2. Về việc phân loại hay cấp độ của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh
thể của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Trong hành trình Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu đã
cảm nhận truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là “một giọt vàng ròng” bởi Nguyễn Huy
Thiệp đã đi từ chuyện đến truyện ngắn, “chuyện là mầm mống của truyện ngắn”
[66, tr.473]. Và tác giả bài viết quy ước chuyện là những chuyện dân gian, chuyện
hoang đường, kể một cách hồn nhiên, chuyện cổ tích, chuyện truyền thuyết, chuyện
truyền kì… Văn Tâm, một thầy giáo dạy văn có tiếng ở Hà Nội trong bài viết về



11

cách đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (“Đọc” Nguyễn Huy Thiệp) đã chỉ ra bốn
nét phong cách đặc thù của sáng tác Nguyễn Huy Thiệp và một trong bốn nét đó là
“Cảm hứng huyền thoại mạnh” [66, tr.288]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thái Hòa
trong khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Có nghệ thuật ba-rốc trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp hay không? Đã thấy rằng “những chi tiết thì thật là xum xuê,
rậm rạp, bị nén chặt trong một khuôn khổ nhỏ. Có những chi tiết thực tế có thể
quan sát, chứng kiến, có những chi tiết nửa thực nửa hoang đường, những mộng mị
(hầu hết các truyện đều có mộng mị, chiêm bao), có những chi tiết thuộc lịch sử
hoặc dã sử (Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết), có những chi tiết thuộc về điềm, triệu
linh ứng, những bài ca đồng dao, ca dao, bài hát; có những chi tiết thuộc về phong
tục tập quán lâu đời của một xã hội trì trệ và cả những lối sống nhố nhăng mới du
nhập” [66, tr.94]. Từ góc độ chi tiết, tác giả đi đến việc phân loại những chi tiết
xum xuê đó thành hai loại lớn là chi tiết ảo và chi tiết thực cùng với một loại trung
gian là chi tiết nửa ảo nửa thực. Ở Nguyễn Huy Thiệp, một tài năng mới nhà thơ
Diệp Minh Tuyền nhận xét “sự kết hợp giữa hiện thực và huyền thoại cũng là nét
mới trong cách dựng truyện của anh: rõ ràng ở đây ta thấy dấu ấn của văn học hiện
đại châu Mỹ La-tinh. Nhưng sự tiếp thu này ở Nguyễn Huy Thiệp không sống
sượng, bởi nhờ trước đó anh đã vốn có lối tư duy huyền thoại thuần thục biểu hiện
trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát. Năng lực tưởng tượng mạnh mẽ, tài
chọn lựa chi tiết độc đáo, sống động, tính logic trong cách bố cục đã giúp nhiều cho
cách dựng truyện đầy biến hóa” [66, tr.399]. Bằng nhan đề Sự “mơ mộng” và sự
“nghiêm khắc” trong truyện ngắn Phẩm tiết Đỗ Văn Khang thiên về phê phán
Nguyễn Huy Thiệp, tuy vậy ông cũng không thể không thừa nhận nhân vật Vinh
Hoa là “một nhân vật “kì lạ””. Vương Thanh Hiền trong luận văn Ảnh hưởng của
văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã cho rằng: “Yếu tố
nghệ thuật kì ảo, những môtíp cổ tích chiếm một vị trí lớn trong cốt truyện truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp” [28, tr.44]. Là một công trình nghiên cứu khá tổng hợp về

truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Kim Oanh trong luận văn thạc sỹ Đặc
trưng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã coi “yếu tố kì ảo và những giấc mơ”


12

[67] là một trong những đặc trưng thủ pháp nghệ thuật quan trọng trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp.
2.2.3. Về tác dụng, hiệu quả của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến trong bài Tôi không chúc bạn thuận buồm
xuôi gió là người đầu tiên phát hiện ra tác dụng của yếu tố kì ảo trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp dù ông chưa trực tiếp gọi tên đó là yếu tố kì ảo: “Dẫu là kể
chuyện cổ tích, Nguyễn Huy Thiệp trước sau vẫn viết về cuộc sống ngày hôm nay…
Tác giả đã không ngần ngại nêu lên sự bê tha, nhếch nhác trong cuộc sống, kể cả
những sự thật rùng rợn, khủng khiếp. Có những sự việc rùng rợn vì quái đản” [38,
tr.102]. Trong lời giới thiệu hai tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là Trái tim
hổ và Tướng về hưu xuất bản tại Pháp, Evelipe Pieller nhận xét rằng “Hai tập
truyện này có một sự trong suốt bí ẩn, một sự dữ dội êm lắng, đáng kinh ngạc. Ta
tìm thấy ở đây… bản thân hiện tại trong đấy cũng như được đặt ở một cõi vĩnh
hằng; mà cũng chẳng đáng lưu ý xem truyện ngắn đây là một truyện cổ, một câu
chuyện quá khứ hay hiện đại, bởi cái diễn ra trong đó bao giờ cũng là cuộc sống kì
lạ của những người bình thường lâm vào cái ngu ngốc bình thường, hoặc làm ra
những phép màu bé nhỏ” [66, tr.152]. Trần Đình Sử có một bài phê bình văn học
đầy cảm hứng tranh luận được viết đầu năm 1990 cho báo Văn nghệ nhưng vì nhiều
lí do đã không được đăng. Gần đây ông đã giới thiệu để bạn đọc mạng đọc để nhớ
lại một thời sôi nổi với biết bao ý tưởng 1. Trong bài phê bình này Trần Đình Sử đã
vạch ra những đặc điểm tư duy của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trong đó ở đặc
điểm thứ ba ông đã có nhận xét về sự tương đồng của truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp với văn học bình dân: “Văn học bình dân thời nào, xét trong tổng thể cũng

bao hàm các yếu tố: lịch sử, phong tục, hoang đường, diễm tình, tình dục, ma quái,
vụ án, trinh thám, “chưởng” (…). Giờ đây Nguyễn Huy Thiệp dung nạp nhuần
nhuyễn nhiều yếu tố đó trong thể truyện của anh. Đặc điểm này làm cho truyện của
anh khác hẳn loại truyện đặt lại vấn đề rất thịnh hành hiện nay. Truyện Nguyễn
1

Dẫn lời của tác giả


13

Huy Thiệp làm sống lại truyền thống văn học bình dân của Truyền kì mạn lục,
Truyện Kiều, ai cũng đọc được và cảm thấy nhẹ nhàng, thú vị” [74]. Còn Nguyễn
Vy Khanh lại thấy trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp Những câu chuyện huyền
kỳ, núi, sông và nước… Đặng Anh Đào với bài viết Vai trò của cái kỳ ảo trong
truyện và tiểu thuyết Việt Nam đã xem cái kì ảo trong văn xuôi đương đại không
đơn thuần chỉ là bút pháp và bước đầu chỉ ra xu hướng văn học có yếu tố kì ảo ở
Việt Nam đương đại là “sự trở lại của cái kì ảo”. Đồng thời cũng trong bài viết
ngắn gọn này, Đặng Anh Đào đã bày tỏ sự ưu ái của mình dành cho Nguyễn Huy
Thiệp khi viết: “Trong làn sóng lăn tăn của cái kì ảo dậy lên ở văn xuôi cuối những
năm 80, tác phẩm có yếu tố kì ảo đậm nét nhất là ở Nguyễn Huy Thiệp. Song điều
đáng lưu ý ở đây là nét hiện đại đã thấp thoáng ” [17].
Những tìm hiểu ban đầu trên đây đã cho chúng tôi những gợi ý cần thiết để lựa
chọn và triển khai nghiên cứu vấn đề của luận văn. Từ đó chúng tôi hi vọng sẽ có
thể góp phần đem lại một cái nhìn toàn cảnh hơn về yếu tố kì ảo trong truyện ngắn
của Nguyễn Huy Thiệp, một trong những đóng góp quan trọng của ông cho văn
xuôi Việt Nam đương đại.
3. Phương pháp nghiên cứu
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung, việc xác định phương pháp
nghiên cứu được xem là một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng không nhỏ

đến chất lượng bài viết. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi luôn thận
trọng trong việc lựa chọn và vận dụng linh hoạt các phương pháp đã được gợi mở
bởi các nhà khoa học để mang lại hiệu quả cao nhất cho luận văn.
Vấn đề khảo sát của chúng tôi là yếu tố kì ảo trong các sáng tác cụ thể của nhà
văn cụ thể. Cho nên để chỉ ra được biểu hiện của yếu tố kì ảo cũng như đánh giá
phương thức tạo dựng cũng như hiệu quả nghệ thuật nhằm giải quyết có hiệu quả
vấn đề nghiên cứu, chúng tôi vận dụng kết hợp các phương pháp: phương pháp cấu
trúc – hệ thống, phương pháp loại hình, phương pháp văn hóa – lịch sử … Trong đó
chủ yếu là các phương pháp sau:


14

Phương pháp loại hình: Phương pháp này được chúng tôi sử dụng để khảo
sát, phân loại và xác định các đặc điểm của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Phương pháp cấu trúc – hệ thống: Xem xét yếu tố kì ảo trong cấu trúc tác
phẩm, giúp chúng tôi có thể chỉ ra được cách thức tạo lập cũng như vai trò của nó
đối với chỉnh thể tác phẩm.
Ngoài các phương pháp kể trên, luận văn còn sử dụng một số thao tác nghiên
cứu hỗ trợ như: thao tác so sánh, phân tích – tổng hợp và thao tác thống kê – phân
loại… Đồng thời vận dụng một số lí thuyết như: Phê bình huyền thoại, Tự sự học.
4. Giới hạn phạm vi nghiên cứu và đóng góp của luận văn
Qua khảo sát bước đầu chúng tôi nhận thấy truyện ngắn của Nguyễn Huy
Thiệp xuất hiện khá đậm đặc yếu tố kì ảo. Từ đó chúng tôi đặt ra vấn đề nghiên cứu
yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Nhằm mục đích thứ nhất là tìm
hiểu yếu tố kì ảo trong truyện ngắn của nhà văn được thể hiện qua các mặt nhân vật,
không gian, thời gian. Sau đó lí giải được Nguyễn Huy Thiệp đã dùng những
phương thức nào để tạo dựng yếu tố kì ảo và rút ra hiệu quả nghệ thuật của nó.
Mặc dù truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đậm đặc yếu tố kì ảo song không
phải toàn bộ truyện ngắn của ông đều là truyện ngắn có yếu tố kì ảo. Do vậy sự

khảo sát cũng như nghiên cứu của chúng tôi tập trung ở con số 35 truyện ngắn mà
chúng tôi nhận thấy có yếu tố kì ảo trong tổng số 42 truyện ngắn của ông in trong
Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp do Đỗ Hồng Hạnh (tuyển chọn và hiệu
đính), Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, năm 2004 (Bảng1 – Phụ lục).
Đạt được các mục đích đề ra luận văn sẽ góp phần vào việc hiểu rõ hơn về
những đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng như khuynh hướng văn học
có yếu tố kì ảo ở Việt Nam đương đại.
5. Cấu trúc của luận văn
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn
này được triển khai trong 3 chương:
Chương 1: Yếu tố kì ảo – những vấn đề khái quát


15

Trong chương này chúng tôi cố gắng đưa ra cách hiểu về thuật ngữ yếu tố kì
ảo cũng như đặc điểm của nó trong diễn trình văn học nói chung. Đồng thời coi đó
là cơ sở lí luận để tìm hiểu về khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam
đương đại nhằm xác định vị trí, đặc điểm sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp trong
khuynh hướng văn học đó.
Chương 2: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – nhìn từ
thế giới hình tượng
Đây là nội dung cốt yếu nhất của luận văn. Chương này nhằm chỉ ra những
biểu hiện cụ thể yếu tố kì ảo trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp qua hệ thống
hình tượng trong tác phẩm. Bao gồm yếu tố kì ảo thể hiện qua hệ thống hình tượng
nhân vật, yếu tố kì ảo thể hiện qua hệ thống hình tượng không, thời gian. Từ đó xác
định đặc điểm của yếu tố kì ảo trong sáng truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
Chương 3: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – nhìn từ
phương thức thể hiện
Nội dung của chương này hướng vào việc chỉ ra các phương thức mà Nguyễn

Huy Thiệp đã sử dụng để đưa các yếu tố kì ảo vào truyện ngắn như: Huyền thoại
hóa; đẩy hiện thực sang phạm vi siêu thực, phi lí; nhại truyền thuyết và nhại cổ tích.
Đây là những thủ pháp vốn rất quen thuộc đối với các nhà văn sáng tác văn học kì
ảo thế giới, đặc biệt là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Đồng thời chúng tôi cũng
hướng tới việc đánh giá hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo của
Nguyễn Huy Thiệp.


16

CHƯƠNG 1: YẾU TỐ KÌ ẢO – NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁI QUÁT
1.1. Văn học và yếu tố kì ảo
1.1.1. Yếu tố kì ảo
Trong Từ điển Tiếng Việt (2003) do Hoàng Phê chủ biên thì “yếu tố là một bộ
phận cấu thành sự vật, sự việc, hiện tượng. Yếu tố mang nghĩa nhân tố tức là yếu tố
cần thiết gây ra, tạo ra cái gì đó” [68]. Qua định nghĩa trên về từ yếu tố có thể nhận
thấy nghĩa của từ này chủ yếu được xác định ở vị trí và vai trò của nó trong một
tổng thể. Về vị trí, nói tới yếu tố là nói tới một bộ phận trong mối quan hệ với tổng
thể. Về vai trò, yếu tố nhấn mạnh tính chất trọng yếu, là bộ phận quan trọng của
tổng thể.
Thuật ngữ cái kì ảo là một thuật ngữ đã thu hút sự quan tâm của các nhà
nghiên cứu trên thế giới và cho tới hôm nay nó vẫn tiếp tục được bổ sung cùng với
sự phát triển ngày càng phong phú của văn học kì ảo.
Todorov trong công trình Dẫn luận về văn chương kì ảo [103] cho rằng “Cái
kì ảo đó là sự lưỡng lự cảm nhận bởi một con người chỉ biết có các quy luật tự
nhiên, đối diện với một hiện tượng bên ngoài mang tính siêu nhiên”. Có thể thấy
Todorov đã xác định “sự lưỡng lự” của người đọc là trạng thái tồn tại của cái kì ảo,
thoát ra khỏi điều đó sẽ không còn là nó nữa. Cái kì ảo nằm trong một độ căng nhất
định và vị thế của nó khá bấp bênh song Todorov chấp nhận sự bấp bênh đó, bởi
việc cố gắng giải thích sẽ dẫn đến sự tiêu vong của nó. Quan điểm về cái kì ảo của

Todorov bắt nguồn từ cách tiếp cận mang tính hình thức luận, theo đó cái kì ảo
được quyết định từ yếu tố hình thức – cấu trúc. Mặc dù cách tiếp cận này “tạo nên
một bộ công cụ có tính thao tác cho việc xác định cái kì ảo và văn học kì ảo” [49],
song lại thu hẹp phạm vi của cái kì ảo và kéo theo đó là bỏ qua nhiều tác phẩm vẫn
thuộc vào loại hình văn học này, đặc biệt là tác phẩm kì ảo hiện đại của thế kỉ XX.
Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn ở công trình Cái kì ảo trong tác phẩm Balzac
đã xác định: “Cái kì ảo là một phạm trù tư duy nghệ thuật. Nó được tạo ra nhờ trí
tưởng tượng và được biểu hiện bằng các yếu tố siêu nhiên, khác lạ, phi thường, độc
đáo… Nó có mặt trong văn học dân gian, văn học viết qua các thời đại. Nó tồn tại


17

trên trục thực ảo, và tồn tại độc lập không hòa tan vào các dạng thức khác của trí
tưởng tượng” [9]
“Tồn tại trong thực tế nghệ thuật đặc thù, cái kì ảo tạo nên “sự đứt gãy trong
chuỗi liên kết vũ trụ”, tạo ra “sự do dự, phân vân trong lòng độc giả”. Nó là quãng
lặng, là sự ngắt mạch, là sự thâm nhập của cái siêu nhiên trong cuộc sống đời
thường, là sự xâm lấn của yếu tố phi logic trong thế giới logic. Từ đó, nó trở thành
lăng kính thẩm xét con người trong cuộc đời, trở thành một phương tiện nghệ thuật
được sử dụng rộng rãi” [9]
Lê Nguyên Cẩn đã vạch ra được những điểm khái quát nhất về cái kì ảo với tư
cách là một yếu tố nghệ thuật. Ông chấp nhận cái kì ảo tồn tại trong suốt diễn trình
văn học. Điều này có nghĩa ông đã nới rộng phạm vi của cái kì ảo hơn so với quan
niệm của Todorov. Tuy nhiên ông chưa chỉ ra được sự khác biệt trong tính chất của
cái kì ảo trong diễn trình của nó. Cho nên với cách hiểu của Lê Nguyên Cẩn việc
phân biệt giữa văn học kì ảo với tư cách là một loại hình văn học và những dạng
thức văn học có yếu tố siêu nhiên, khác lạ, độc đáo…là không thể.
Trong công trình Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và Gabriel Garcia Marquez,
Lê Huy Bắc xác định văn học kì ảo chỉ mới xuất hiện cùng thời hoặc phát triển xa

hơn văn học lãng mạn và về bản chất thì những truyện thần thoại mang tính chất kì
ảo khác với cái được gọi là văn học kì ảo sau này. Cũng qua sự tổng hợp và trình
bày của mình ông đã chỉ ra vị trí của cái kì ảo trong diễn trình văn học thông qua
việc xác định khung thời gian, đặc điểm và quan niệm. Theo đó cái kì ảo là đặc
điểm riêng của văn học kì ảo. Đồng thời Lê Huy Bắc cũng đề cập đến thuật ngữ cái
huyễn ảo và xem đây như là một thuật ngữ có tính bao trùm cho đặc tính kì ảo của
các dạng thức văn học trong suốt diễn trình. Việc đưa ra một thuật ngữ khác bao
trùm hơn đã cho thấy quan niệm không thể đồng nhất cái kì ảo với các dạng thức
siêu nhiên, thần bí khác.
Trong khuôn khổ của luận văn này thì những quan niệm trên là những gợi ý
cần thiết giúp người viết có thể có một cái nhìn cụ thể về yếu tố kì ảo trong mối
tương quan với cái kì ảo. Cái kì ảo thực sự chỉ tồn tại trong văn học kì ảo nhưng


18

mầm mống của nó đã có từ trước đó rất lâu trong những tác phẩm văn học dân gian
như truyện cổ tích, sự tích các thánh…dưới dạng yếu tố. Đồng thời cũng cần thấy
rằng các yếu tố này vẫn tiếp tục tồn tại trong các tác phẩm văn học của các thời đại
mặc dù nó không được coi là văn học kì ảo. Vì vậy cần thiết phải phân biệt kì ảo
như một yếu tố trong văn học với cái kì ảo trong văn học kì ảo.
Văn học kì ảo đích thực chỉ ra đời vào khoảng cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19 với
sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa duy lí. Đến lúc này cái kì ảo được tạo ra như
“một hình thái ý thức thẩm mĩ mới” gắn với một loại hình văn học mang tính độc
lập. Văn học kì ảo là loại hình văn học mà ở đó “luôn có sự đối lập giữa cái siêu
nhiên với cái hiện thực trong thế giới nghệ thuật; một lớp độc giả đã thôi tin vào
những truyện hoang đường kì diệu, theo dõi câu chuyện bằng con mắt lí tính”[49]
Yếu tố kì ảo là toàn bộ những biểu hiện lạ lùng và huyền ảo với tư cách là sản
phẩm của trí tưởng tượng trong văn học. Yếu tố kì ảo đã tồn tại trong suốt diễn trình
của nền văn học nhân loại. Các tác phẩm văn học có mặt yếu tố kì ảo với các mức

độ đậm nhạt khác nhau được coi là văn học có yếu tố kì ảo. Trong văn học có yếu tố
kì ảo yếu tố kì ảo là một thủ pháp nghệ thuật.
Tóm lại, việc trình bày một số quan niệm cũng như xác định yếu tố kì ảo
trong văn học là yếu tố nghệ thuật được xem như một thao tác cơ bản nhằm cung
cấp những cơ sở cần thiết cho việc minh định và triển khai nghiên cứu những vấn
đề cụ thể của luận văn.
1.1.2. Yếu tố kì ảo trong diễn trình văn học
Nếu như văn học kì ảo đích thực chỉ ra đời vào khoảng cuối thế kỉ 18 đầu thế
kỉ 19 với sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa duy lí thì yếu tố kì ảo đã xuất hiện từ
rất lâu và trở thành một dòng chảy âm thầm mà bền bỉ trong nền văn học nhân loại.
Từ buổi bình minh của loài người, con người đã thể hiện niềm tin ngây thơ về về vũ
trụ thông qua những vị thần với những khả năng kì diệu. Khi con người không còn
niềm tin thơ ngây về vũ trụ yếu tố kì ảo vẫn tồn tại trong truyền thuyết, cổ tích. Cho
đến lúc con người dần hiểu về khoa học, lí giải thế giới bằng lí tính, yếu tố kì ảo, tất
nhiên vẫn không mất đi. Để rồi giờ đây trong thời đại “kĩ trị” con người lại quay trở


19

về với yếu tố kì ảo như là một cách diễn giải mới về cuộc sống... Ở đây chúng tôi cơ
bản dựa vào sự phân kì văn học huyễn ảo cũng như sự diễn giải của Lê Huy Bắc [5]
để phân chia yếu tố kì ảo qua ba giai đoạn trong suốt diễn trình của nó.
Giai đoạn thứ nhất (khoảng 2000 năm TCN đến hết thế kỉ XIII)
Yếu tố kì ảo đã tồn tại từ thời cổ đại khi con người biết sáng tạo những câu
chuyện thần thoại. Đó là các câu chuyện nhằm giải thích những hiện tượng tự nhiên,
xã hội và chính bản thân con người. Ở giai đoạn này người ta tin vào những điều mà
người ta tưởng tượng ra. Kì ảo lúc này chính là hiện thực. Ngay khi thoát khỏi tư
duy huyền thoại, sáng tác nên những câu chuyện cổ tích thì con người đã ít nhiều có
ý thức về tính hiện thực và đặt kì ảo bên cạnh hiện thực. Song tư duy của con người
lúc đó chưa phát triển cao và lí trí chưa phải là chỗ dựa đáng tin cậy cho nên người

ta không nghi ngờ hay sợ hãi cũng như người ta thấy việc người trần có con với các
vị thần trong thần thoại Hi Lạp hay việc ông bụt, ông tiên giúp đỡ những người bất
hạnh trong truyện cổ tích là một điều thường tình.
Giai đoạn thứ hai (thế kỉ XIV đến hết thế kỉ XIX)
Đây là những thế kỉ mà tư duy duy lí hoàn toàn thắng thế trước tư duy tưởng
tượng huyễn hoặc và là giai đoạn ra đời và tồn tại của văn học kì ảo với tư cách là
một loại hình văn học tương đối độc lập gắn với cái kì ảo. Con người đặt trọn niềm
tin của mình vào lí trí, như Dercarte đã nói: “Tôi nghi ngờ là tôi tư duy, tôi tư duy là
tôi tồn tại”[94, tr.24]. Tuy nhiên điều đó lại khiến con người rơi vào hoang mang và
sợ hãi. Cái kì ảo không giúp con người chế ngự nỗi sợ hãi mà ngược lại, đồng thời
nó cũng đóng vai trò như một công cụ thăm dò bản chất tâm lí và kiểm nghiệm mức
độ phong phú của tư duy con người. Quan hệ nhân quả được áp dụng rộng rãi. Các
nhà kì ảo muốn cho người đọc nhận ra ngoài những sự thật con người có thể nắm
bắt, cắt nghĩa vẫn còn có những sự thật khác dẫu không thể cắt nghĩa, nhận thức
được đang hiển nhiên tồn tại. Điểm nổi bật nhất của cái kì ảo là khả năng gây hoang
mang, sợ hãi và do dự cho người đọc. Trong các tác phẩm của Shakespeare ở thời kì
đầu, cái kì ảo tồn tại một cách hồn nhiên trong các tác phẩm của ông, nhưng chỉ một
thời gian ngắn sau, khi kiệt tác Hamlet ra đời, có thể thấy ngay từ đầu hoàng tử


20

Hamlet đã hoài nghi bản thể bóng ma của vua cha. Sự hoài nghi khiến chàng hoang
mang và đó cũng là một bi kịch trong tấn bi kịch của chàng. Cái kì ảo làm nên sự
hoang mang cực độ trong những tác phẩm của Hoffmann, Poe, Banzac, Gogol….
Giai đoạn thứ ba (thế kỉ XX đến nay)
Đây là thời đại hoài nghi khi luật nhân quả và logic duy lí bị phá sản. Con
người hoài nghi lí trí và đồng thời hoài nghi luôn cả sự tồn tại của Chúa lẫn ma quỷ,
thánh thần… vốn đã từng là chỗ dựa vững chắc họ ở những giai đoạn trước kia. F.
Kafka – đại diện đầu tiên của giai đoạn thứ ba này, đã tạo ra yếu tố kì ảo từ việc

biến những điều hết sức bình thường trong cuộc sống (nạn độc tài, thói quan liêu,
tham nhũng… ), những điều không có gì siêu nhiên bỗng chốc trở thành thứ quyền
lực lạ lùng, quái đản chà đạp lên quyền sống chính đáng của con người. Điều đó
chứng tỏ lúc này bản thân hiện thực cũng mang tính kì ảo. Dễ nhận thấy, yếu tố kì
ảo ở giai đoạn này đã có bước phát triển hơn so với các giai đoạn trước kia, nó trở
thành một đối tượng bị nhạo báng, bị xem thường, bị đánh giá lại. Càng về sau khi
chính con người trở thành nỗi khiếp đảm của con người, các nhà văn càng đề cao
tính chất kì ảo bao nhiêu thì thực chất là hạ bệ nó bấy nhiêu. Đây chính là đặc điểm
của yếu tố kì ảo thời hiện đại và đương đại, được kết tinh đậm nét và đầy đủ nhất
trong chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Có thể khẳng định, yếu tố kì ảo đến lúc này đã
có thêm một đặc điểm là niềm tin và nó không còn chấp nhận việc được giải thích
trong khuôn khổ của một logic nhất định nào đó mà đòi hỏi phải nhìn nhận trong
tính đa diện và thống hợp của sự vật, hiện tượng.
Tóm lại, yếu tố kì ảo đã tồn tại suốt diễn trình văn học song sự tác động cũng
như hiệu quả nghệ thuật của nó là không giống nhau phụ thuộc vào nhận thức cũng
như mục đích sáng tạo ở mỗi giai đoạn lịch sử. Ở chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thì
vai trò của yếu tố kì ảo đã được phát huy mạnh mẽ nhất khi nó trở thành nhân tố
chính yếu làm nên đặc trưng của phương pháp sáng tác. Có thể khẳng định yếu tố kì
ảo đến chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đã trở thành nhân tố quan trọng nhất chi phối
mạnh mẽ mọi phương diện của tác phẩm.


21

1.2. Yếu tố kì ảo và văn học Việt Nam đương đại
1.2.1. Khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam đương đại
Thực tế không phải cho đến cuối những năm 80 người Việt Nam mới biết
đến văn học có yếu tố kì ảo. Thật ra, yếu tố này đã có một dòng chảy âm thầm trong
lịch sử văn học của dân tộc. Thời kì văn học trung đại, trong khuôn khổ của ý thức
hệ phong kiến, văn học gắn với cảm hứng yêu nước, cảm hứng nhân đạo và thế sự

nhưng bên cạnh đó loại văn chương linh dị, chứa đựng những điều kì ảo vẫn tồn tại.
Mặc dù bị xếp vào loại văn chương thấp kém, phi chính thống song không thể
không thừa nhận đây là loại văn có sức mê hoặc đối với không ít Nho sĩ có tư tưởng
tiến bộ lúc bấy giờ. Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại Việt Nam gắn với truyện
truyền kì: “Thể loại tự sự ngắn, cổ điển của văn học Trung Quốc hình thành từ thời
Đường” [23, tr.342]. Ở đây yếu tố kì ảo được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật
mang tính đặc trưng thể loại và không nằm ngoài mục đích giáo huấn. Tựu trung
trong mười thế kỉ hình thành và phát triển của văn xuôi trung đại Việt Nam cần phải
kể đến những tác phẩm đậm chất kì ảo, hoang đường tiêu biểu là: Việt diện u linh
của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Vũ Đình và Kiều Phú, Thánh Tông di
cảo, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Truyền kì tân phả của Đoàn Thị Điểm…
Tuy nhiên khoảng 30 năm đầu thế kỉ XX, yếu tố kì ảo rơi vào một khoảng lặng, nó
không được đề cập nhiều trong văn học. Người còn quan tâm nhiều đến truyện kì ảo
giai đoạn này chỉ có thể chỉ ra là Tản Đà. Ông dịch Liêu trai chí dị của Bồ Tùng
Linh, hăm hở viết những Giấc mộng con I, Giấc mộng con II, Giấc mộng lớn…
Ngoài ra còn có tác phẩm Suối hoa đào của Ngô Tất Tố, Giấc mộng của Bửu Đình
hay Lời than vãn của bà Trưng Trắc của Nguyễn Ái Quốc. Điều đó chứng tỏ “dấu
ấn thẩm mĩ của yếu tố kì ảo trong giai đoạn này là không nhiều” [104]. Nhưng khi
bước sang giai đoạn 1930 – 1945, trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông – Tây, văn
xuôi lãng mạn hình thành và phát triển đã khơi lại dòng chảy văn học kì ảo tưởng
như đứt đoạn. Đặc điểm nổi bật của văn xuôi có yếu tố kì ảo trong giai đoạn này là
sự kết hợp khá nhuần nhuyễn các yếu tố truyền thống (yếu tố kì ảo được tạo ra từ
việc chiết lọc từ những quan niệm về tâm linh và tín ngưỡng trong dân gian) và hiện


22

đại (sử dụng bút pháp của tiểu thuyết hiện đại và phản ánh qua tâm trạng và bối
cảnh của con người hiện đại), thể hiện rõ nét trong hàng loạt tác phẩm như: Vàng và
máu, Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ), Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya (Tachya Đái

Đức Tuấn), Rừng khuya (Lan Khai), Trên đỉnh non Tản, Xác ngọc lam, Loạn âm
(Nguyễn Tuân), Ngậm ngải tìm trầm (Thanh Tịnh), Lan rừng, Bóng người trong
sương mù (Nhất Linh)… Vào cuối những năm 80 của thế kỉ XX, yếu tố kì ảo tái
sinh trở lại trong văn học sau thời kì đứt đoạn từ cuối những năm 40. Giải thích về
sự đứt đoạn này, nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào cho rằng: “sự ngự trị của chủ
nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đề cao cái “chân thực, lịch sử cụ thể” như một
tiêu chí giá trị rõ ràng, đã loại trừ cái kì ảo” [17]. Có thể khẳng định: xu hướng văn
học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam đương đại là sự trở lại của yếu tố kì ảo trong văn
xuôi Việt Nam.
Khi muốn lí giải một xu hướng văn học mới xuất hiện, bao giờ người ta cũng
quan tâm trước hết tới những tiền đề văn hóa xã hội cũng như tình hình chung của
văn học ở thời điểm hình thành của nó. Cho nên trước tiên chúng tôi đi vào khái
quát bối cảnh văn hóa, xã hội cũng như sự đổi mới quan niệm văn học sau 1975.
Như chúng ta đã biết, trong suốt những năm tháng chiến tranh văn học Việt
Nam chưa có điều kiện phản ánh mọi mặt cũng như sự đa dạng, đa diện của cuộc
sống. Do đó khi thực sự bước ra khỏi cuộc chiến, cuộc sống con người hiện ra
nguyên vẹn với tất cả những phức tạp, bộn bề của đời sống thường nhật, của những
nhu cầu trần thế “rất con người”. Chính vì vậy văn học Việt Nam sau 1975 chịu sự
chi phối của quy luật mới: quy luật đời thường. Từ thực tế đó, Đại hội VI với nghị
quyết Trung ương V của bộ chính trị về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo,
quản lí văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học
nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới” xác định hoàn cảnh mới và
nhiệm vụ mới của văn học nghệ thuật “văn học nghệ thuật của nước ta cũng phải
đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm” [4], đã mang lại không khí
dân chủ, thổi một luồng sinh khí mới cho văn học. Theo đó, nhiệm vụ của nhà văn
là phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật… Chính những


23


điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự chuyển mình của văn học. Một mặt
hướng đến việc bảo tồn tinh hoa văn học truyền thống, mặt khác, văn học “tự xé
rách” mình, từng bước trăn trở, thể nghiệm để thích ứng với nhu cầu của xã hội
đồng thời tự khẳng định mình trong xu thế hội nhập với văn học thế giới. Thực tế
cho thấy, trong bối cảnh mở cửa hội nhập, xã hội Việt Nam phát triển nhiều mặt,
trong đó có văn học. Xu thế hội nhập với văn học thế giới của văn học Việt Nam
giai đoạn này là một trong những tiền đề quan trọng làm nên sự đổi mới. Khác với
những thời kì văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học Trung Quốc
và văn học Pháp, đến giai đoạn này văn học Việt Nam giao lưu rộng rãi với văn học
thế giới, tiếp thu những tinh hoa, thành tựu đa dạng từ bên ngoài để làm giàu, làm
mới chính mình. Điều này đã làm cho nền văn học đương đại phát triển nhanh
chóng với nhiều gương mặt mới và những tác phẩm độc đáo. Hơn nữa, nếu trong
một thời kì dài của hoàn cảnh chiến trận con người luôn cận kề bên bờ vực của sự
sống và cái chết; họ không có thời gian để nghiền ngẫm và nhìn ngắm xung quanh
thì con người đương đại là con người của đời thường; vấn đề họ quan tâm là sống
như thế nào để con người ngày càng hoàn thiện hơn, người hơn. Vì vậy, văn học từ
sau 1975 là văn học của một công chúng mới với những nhu cầu mới, khi người đọc
có mặt bằng văn hóa cao hơn, trình độ lí giải, năng lực cảm thụ vì thế cũng tinh tế
và sắc sảo hơn. Cho nên, nhà văn muốn làm vừa lòng những độc giả đã trở nên khó
tính hơn của mình lại phải nỗ lực hơn trong sáng tạo, họ không thể đi theo những lối
mòn quen thuộc nữa. Chính điều này khiến văn học phải bứt phá để tồn tại. Từ
những tiền đề như vậy, quan niệm về văn học cũng thay đổi. Sự thay đổi đó thể hiện
rõ nét trên hai phương diện. Thứ nhất là sự mở rộng trong quan niệm về hiện thực
và đối tượng phản ánh của văn học. Thứ hai là sự mở rộng trong quan niệm về
phương pháp sáng tác và tiếp cận hiện thực. Về sự mở rộng trong quan niệm về hiện
thực và đối tượng phản ánh của văn học, Bùi Thanh Truyền khẳng định: “Nguyên
nhân chủ yếu của sự chuyển biến trong quan niệm về hiện thực, tính hiện thực... của
văn học hôm nay xuất phát từ phía đội ngũ nhà văn” [99]. Phản ánh hiện thực
không còn là sự sao chép hiện thực đơn thuần mà là sự sáng tạo của mỗi nhà văn.



24

Tính hiện thực của tác phẩm là ở chỗ nó đã đề cập và giải quyết được những vấn đề
gì của thực tế. Hiện thực lúc này bao gồm “những gì ta thấy, ta nghe, ta trải nghiệm
là chưa đủ. Hiện thực còn là cái ta cảm nữa” [78] và “Ngay cả hiện thực cũng chỉ
là một giấc mơ, một giấc mơ hỗn loạn, vô tận, giấc mơ với những đường bay của
mê lộ” [47]. Đối với sự mở rộng trong quan niệm về phương pháp sáng tác và tiếp
cận hiện thực thì chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng chính sự cởi mở và dân chủ trong
đời sống văn học đã loại bỏ vị trí độc tôn của cách tiếp cận cuộc sống theo con
đường của chủ nghĩa hiện thực. Cho nên ngoài việc tái hiện cuộc sống như thường
thấy trong văn học giai đoạn trước thì những hình thức “phi hiện thực” khác như
viễn tưởng, giả tưởng, tượng trưng, trinh thám, kiếm hiệp, kì quái hoang đường...
cũng thu hút các nhà văn và độc giả hôm nay.
Khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam đương đại hình thành và
phát triển dựa trên những cơ sở nói trên. Nó vừa là một sự tiếp nối những thành tựu
văn học kì ảo trước đó vừa là kết quả của sự đổi mới tư duy văn học trong sự giao
lưu và hội nhập với văn học thế giới.
Có thể khái quát những đặc điểm cơ bản của khuynh hướng văn học có yếu tố
kì ảo ở Việt Nam đương đại như sau:
Khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam đương đại là sự kết hợp
giữa truyền thống kì ảo phương Đông với những kĩ thuật kì ảo của văn học hiện đại
phương Tây nhằm phản ánh cuộc sống và tâm tư của con người đương đại. Nó thể
hiện các quan niệm của nhà văn về thế giới trong sự đa chiều và con người ở bề sâu
của thế giới tâm linh, quan niệm về sự hữu hình hóa cái ác và giấc mơ về những giá
trị chân – thiện – mỹ, cảm hứng nhận thức lại thực tại và chất triết lý… Khuynh
hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam đương đại đã có sự phát triển thêm một
bậc so với những hình thức kì ảo truyền thống. Yếu tố kì ảo lúc này “không đơn
thuần là hình thức chuyển tải các vấn đề đạo đức theo kiểu “thưởng thiện, phạt ác”
của ông Bụt, bà Tiên” [27] hay là sự thoát li thực tế để tìm đến một thế giới khác –

thế giới mộng tưởng, giúp con người quên đi cuộc sống mà họ thấy chán ghét thời
văn học lãng mạn mà đã trở thành nơi gửi gắm những trăn trở của con người nhân


25

tính, những ước mơ, những khát vọng của con người mà bấy lâu bởi những hoàn
cảnh đặc biệt nên dường như bị lãng quên.
Bắt đầu từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, thành tựu trong gần 30 năm của
khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam đương đại không phải là không
đáng kể. Nó đã trở thành “một nhân tố đột phá của văn xuôi Việt Nam đương đại”
[101]. Hàng loạt những tên tuổi như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Thái Bá
Tân, Võ Thị Hảo, Y Ban, Hòa Vang, Ngô Tự Lập, Hồ Anh Thái, Bảo Ninh, Tạ Duy
Anh, Trần Quang Huy, Châu Diên, Nguyễn Ngọc Thuần, Lưu Sơn Minh, Quế
Hương, Phạm Hải Vân, Nguyễn Thị Ấm, Minh Thu, Huy Nam, Nguyễn Ngọc Tư…
đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trong văn đàn. Họ thuộc thế hệ nhà
văn của thời đại mới, nhạy bén với cái mới, thích thử nghiệm và phiêu lưu mạo
hiểm và quan trọng hơn là họ không muốn nhốt mình trong khuôn khổ của những
phương pháp sáng tác đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc” một thời. Những trang
viết của họ đã thực sự mang đến những luồng gió lạ cho đời sống văn học. Và
không ít người trong số họ đã tạo nên những cú “sốc” đối với người đọc hoặc châm
ngòi cho những cuộc tranh luận kéo dài.
Rõ ràng, việc đổi mới tư duy là một việc không thể “một sớm một chiều” và
chắc chắn không thể tránh khỏi những ngộ nhận. Chúng ta thừa nhận những đóng
góp cho quá trình đổi mới văn học của khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt
Nam đương đại thì cũng cần chấp nhận những hạn chế tất yếu. “Gạn đục khơi
trong” là một thái độ cần có để khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam
đương đại có thể đạt đến những thành tựu rực rỡ hơn trong tương lai.
1.2.2. Nguyễn Huy Thiệp trong khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt
Nam đương đại

Nguyễn Huy Thiệp đột ngột xuất hiện trên văn đàn Việt Nam thời kì đổi mới
khi đã bước vào tuổi 37. Nhà văn 37 tuổi ấy ngay lập tức khiến dư luận xôn xao bởi
những trang viết lạ lùng. Không lâu sau đó người ta tôn ông là “vua truyện ngắn”.
Hơn 20 năm đã trôi qua, với Nguyễn Huy Thiệp vinh quang và những chỉ trích vẫn
song hành.


×