Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

cuộc đấu tranh sinh tồn của thế giới loài vật trong sáng tác jack london

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (5.33 MB, 104 trang )

BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

VƯƠNG NGỌC HÙNG

CUỘC ĐẤU TRANH SINH TỒN CỦA THẾ
GIỚI LOÀI VẬT TRONG SÁNG TÁC JACK
LONDON

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

TP. HỐ CHÍ MINH 2003



LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành cảm ơn:
Các giáo sư giảng dạy
Ban giám hiệu, Phòng KHCN Sau Đại học, Ban Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường
Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh
Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre
Gia đình cùng bè bạn đã tạo điều kiện, giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Phó Giáo sư Lương Duy Trung,
người đã trực tiếp hướng dẫn, tận tình giúp đỡ tôi hoàn thành công trình này.

3


4



5


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN ...........................................................................................................3
MỤC LỤC .................................................................................................................6
DẪN NHẬP ...............................................................................................................9
1.Lý do chọn đề tài: ........................................................................................................ 9
2.Lịch sử vấn đề: .......................................................................................................... 10
3.Mục đích của đề tài: .................................................................................................. 12
4.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:........................................................................... 13
5.Nhiệm vụ và đóng góp của đề tài. ............................................................................. 13
6.Phương pháp nghiên cứu: ........................................................................................ 13

CHƯƠNG 1: JACK LONDON VÀ VẤN ĐỀ ĐẤU TRANH SINH TỒN ........15
1.1.Khái niệm “Đấu tranh sinh tồn” và cảm hứng đấu tranh sinh tồn trong văn
chương Hoa Kỳ: ........................................................................................................... 15
1.2.Jack London và vấn đề đấu tranh sinh tồn: ......................................................... 17
1.2.1.Bối cảnh lịch sử xã hội nước Mỹ nửa cuối thế kỷ XIX đến 1914..................... 17
1.2.2. Jack London - Con người phiêu lưu từng trải từ tay trắng dựng nên sự
nghiệp: nhà văn “vô sản” đầu tiên của nước Mỹ..................................................... 20
1.2.3.Jack London và vấn đề đấu tranh sinh tồn ...................................................... 22

CHƯƠNG 2: CUỘC ĐẤU TRANH SINH TỒN CỦA THẾ GIỚI LOÀI VẬT
TRONG SÁNG TÁC JACK LONDON ...............................................................24
2.1. Giới hạn phạm vi xem xét cuộc đấu tranh sinh tồn ở thế giời loài vật trong sáng
tác của Jack London: ................................................................................................... 24

6



2.2. Nhân vật và cuộc đấu tranh sinh tồn trong “Tiếng gọi của hoang dã” và “Nanh
Trắng” ........................................................................................................................... 25
2.2.1.Số phận phiêu lưu đầy khổ ải của hai nhân vật: Buck và Nanh Trắng ........... 25
2.2.1.1.Buck .......................................................................................................... 25
2.2.1.2.Nanh Trắng ............................................................................................... 26
2.2.2.Đấu tranh sinh tồn của loài vật trong thế giới hoang dã ................................ 28
2.2.2.1.Giành giật “miếng ăn”............................................................................. 28
2.2.2.2.Sự thích ứng trong môi trường hoang dã ................................................. 30
2.2.2.3.Giành giật sự truyền giống ....................................................................... 31
2.2.3.Đấu tranh sinh tồn của loài vạt trong thế giới con người ............................... 34
2.2.3.1.Bối cảnh của cuộc đấu tranh sinh tồn ...................................................... 34
2.2.3.2.Sự chi phối của con người và cuộc đấu tranh sinh tồn của loài vật ........ 37
2.3.Đấu tranh sinh tồn của thế giới loài vật và sự biểu hiện tư tưởng nghệ thuật của
Jack London ................................................................................................................. 57
2.3.1.Sự biểu hiện tư tưởng nghệ thuật qua bố cục và hình tượng. .......................... 58
2.3.1.1.Bố cục tác phẩm ....................................................................................... 58
2.3.1.2.Xét về mặt hình tượng nhân vật ................................................................ 59
2.3.2.Ý nghĩa biểu trưng toát lên từ hình tượng nhân vật trung tâm trong hai tác
phẩm .......................................................................................................................... 63

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ BÚT PHÁP NGHỆ THUẬT .............66
3.1.Nghê thuật xây dựng hình tượng nhân vật........................................................... 66
3.2.Nghệ thuật xây dựng chi tiết nghệ thuật và điểm nhìn trần thuật ...................... 72
3.2.1.Chi tiết nghệ thuật............................................................................................ 72

7


3.2.2.Nghệ thuật di chuyển điểm nhìn trần thuật ..................................................... 74


KẾT LUẬN .............................................................................................................80
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................84
I. Tác phẩm của Jack London ..................................................................................... 84
II. Sách tham khảo: ..................................................................................................... 84
III. Các bài báo, nghiên cứu, phê bình: ...................................................................... 88
IV. Tiếng Anh ................................................................................................................ 89

PHỤ LỤC ................................................................................................................90
PHỤ LỤC 1 .................................................................................................................. 90
PHỤ LỤC 2 .................................................................................................................. 99

8


DẪN NHẬP

1.Lý do chọn đề tài:
Jack London là một nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Mỹ. Ông không
những nổi tiếng ở Hoa Kỳ mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới, “là một trong số những
nhà văn được nhiều người biết đến và có tác phẩm phong phú nhất trong thời đại của
ông...” (54, 406)
Ở Việt Nam, Jack London là một tác giả khá quen thuộc đối với độc giả. Gần như
toàn bộ những tác phẩm có giá trị của ông đã được giới thiệu, phục vụ cho nhiều tầng lớp
người đọc.
Hiện nay, Jack London không những ngày càng được quan tâm trong lĩnh vực
nghiên cứu, dịch thuật mà còn được đưa vào giới thiệu, giảng dạy trong các trường Đại
học, Cao đẳng và Phổ thông.
Chọn đề tài “Cuộc đấu tranh sinh tồn của thế giới loài vật trong sáng tác Jack
London”, chúng tôi chủ yếu xuất phát từ những lý do sau:

1.1. Thế giới nghệ thuật trong những tác phẩm của Jack London bao quát một mảng
hiện thực lớn của xã hội nước Mỹ trong giai đoạn ông sống (1876 - 1916). Chủ đề đấu
tranh sinh tồn là một chủ đề quán xuyến hầu hết các tác phẩm của ông dù viết về đề tài gì,
sử dụng thể loại nào, nhân vật là con người hay con vật. Theo sự khảo sát của chúng tôi
qua tất cả các bài viết của những nhà nghiên cứu (trong các tạp chí, các lời giới thiệu tác
phẩm dịch, rải rác trong các sách) dù với đề mục riêng về Jack London hay chỉ đề cập
đến ông, hoặc trong các công trình nghiên cứu khoa học về ông (như các luận văn Thạc
sĩ) thì mảng thế giới nghệ thuật về loài vật và cuộc đấu tranh sinh tồn của chúng vẫn chưa
được đào sâu đúng mức, chưa khai thác hết ý nghĩa, những khía cạnh về nội dung tư
tưởng cũng như những nét đẹp về nghệ thuật biểu hiện.

9


1.2. Di sản tinh thần của Jack London khá đồ sộ, trong đó có những tác phẩm nổi
tiếng: Martin Eden, Gót sắt (The Iron heel...) Nhưng có sức hấp dẫn hơn cả vẫn là
những tác phẩm viết về loài vật: “Tiếng gọi nơi hoang dã” (The call of the wild), “Nanh
Trắng” (White Fang). Trong đó, Tiếng gọi của hoang dã là tác phẩm đã giúp ông nổi
tiếng thế giới khi còn rất trẻ. Hiện nay, trong chương trình giảng dạy ở bậc Đại học và
Cao đẳng dù mang tính chất giới thiệu hay đi sâu vào nghiên cứu Jack London, người dạy
không thể bỏ qua những tác phẩm này. Trong chương trình văn 7 ở nhà trường Trung học
cơ sở, Tiếng gọi nơi hoang dã được trực tiếp đưa vào giảng dạy cho học sinh thông qua
đoạn trích Con chó Bấc... Chính vì thế, khi đi vào nghiên cứu đề tài này, chúng tôi nghĩ
rằng nó sẽ góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả giảng dạy về Jack London và
tác phẩm của ông trong nhà trường.
1.3. Trong tình hình môi trường sinh thái đang bị tàn phá nghiêm trọng, thế giới
hoang dã đang ngày càng thu hẹp, ngày càng bị đe dọa triệt tiêu, Liên hiệp quốc và nhiều
tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới đã luôn lên tiếng kêu gọi phải có những biện pháp
bảo vệ động vật hoang dã và cảnh quan... ở Việt Nam, vấn đề “giáo dục môi trường” đã
trở thành một yêu cầu bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân những năm gần đây.

Những điều này đã cho chúng ta thấy rằng việc giới thiệu rộng rãi và hiểu một cách sâu
sắc, đúng đắn những tác phẩm viết về loài vật của Jack London là cần thiết, bởi vì chúng
sẽ là những công cụ giáo dục sinh động, hấp dẫn và hữu hiệu. Chính nội dung cụ thể toát
lên từ những tác phẩm viết về “cuộc đấu tranh sinh tồn ở thế giới loài vật” của Jack
London luôn hàm chứa những bài học sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và môi
trường sinh thái. Nó thực sự trở thành những bức thông điệp chứa đựng những giá trị
vĩnh cửu đối với con người chừng nào con người còn hiện hữu trên hành tinh này.
Trên đây là những lý do cụ thể khiến chúng tôi mạnh dạn chọn lựa đề tài “Cuộc đấu
tranh sinh tồn của thế giới loài vật trong sáng tác Jack London”.
2.Lịch sử vấn đề:
Trong thế giới nghệ thuật của Jack London, những tác phẩm viết về loài vật đã tạo
nên một mảng đề tài nổi bật, nó luôn để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.
10


Tùy mức độ cảm nhận và với những góc nhìn khác nhau, các nhà nghiên cứu đã có những
nhận xét, đánh giá khác nhau:
Nhà nghiên cứu văn học Mỹ Holley Hughes đã nhìn thấy: “Trong Tiếng gọi nơi
hoang dã... cùng các tập truyện về Alaska và Nam Thái Dương, Jack London bộc lộ quan
điểm: những hối thúc bản năng là nền tảng cho mọi hành động của đời sống, thậm chí nó
có thể hạ thấp tính người ngang tầm động vật...” ( 74, 81).
Bách khoa toàn thư về văn học tập 4 do nhà xuất bản Liên xô xuất bản đã có một
nhận xét rất ngắn gọn, sơ lược về đặc điểm nghệ thuật của Nanh Trắng: “Trong Nanh
Trắng (1906 ), ông đã thể hiện tài miêu tả đặc tính của thú vật...” (8, 283).
Những nhà nghiên cứu Việt Nam thì đã đi sâu hơn vào hình tượng nghệ thuật, nhất
là chú trọng đến ý nghĩa biểu trưng toát ra từ những tác phẩm.
Hữu Ngọc Viết:
“Tiếng gọi nơi hoang dã là một cuốn tiểu thuyết luận đề. Tác giả định thuyết minh
cho thuyết tiến hóa của Darwin, sức mạnh của môi trường, qui luật thích nghi để tồn tại.
Nhưng truyện kể rất hấp dẫn, các con vật đều có những tính cách rõ rệt với đầy đủ anh

dũng, tham vọng và độc ác...” (41, 601). Tiếng gọi nơi hoang dã và Nanh Trắng: “phản
ánh một cách tượng trưng “luật chó sói” của cái trật tự xã hội tư sản qua thế giới loài
vật...” (42, 77).
Mạnh Chương trong lời giới thiệu tập truyện “Tiếng gọi nơi hoang dã” đã có nhận
xét:
“Tiếng gọi nơi hoang dã là một minh chứng mâu thuẫn giữa sự dã man của cái gọi
là văn minh và sự tự do của loài vật hoang dã trong thiên nhiên... Qua truyện, ta thấy ở
Jack London một suy nghĩ triết lý về đấu tranh giành sự sống, chống áp bức bóc lột tàn
bạo. Nó như nói lên tư tưởng của Lăn - đơn về sự tất yếu của đấu tranh giai cấp và về
những bước nhảy vọt cách mạng trong sự phát triển xã hội...” (1, 10).
Lê Đình Cúc thì cho rằng: “Ở Jack London... chó sói là con chó sói với bản tính tự
nhiên cuồng dữ, hung tợn của nó. Nó là sản phẩm của tự nhiên, với hàm răng sắc nhọn xé
11


miếng mồi. Tất cả bản tính của con vật của tự nhiên tàn khốc ấy được dựng lên làm cái
phông cho cuộc đấu tranh vật lộn khốc liệt để tồn tại của con người. Con sói - người với
qui luật rừng hoang thú dữ, tàn bạo, áp bức lẫn nhau, tàn hại lẫn nhau ấy là bọn tư bản
khát máu...” (20, 332).
Tác giả Đào Duy Hiệp trong bài viết nhan đề “Nhân vật và người kể chuyện trong
Tiếng gọi nơi hoang dã” đã nêu một số nét nổi bật ở hình tượng nhân vật như: kiên
cường, dũng cảm, khôn ngoan, có khả năng thích ứng cao... về nghệ thuật, tác giả đã chú
trọng đến “vấn đề điểm nhìn nghệ thuật” trong xây dựng hình tượng nhân vật( 1)
Trong luận văn Thạc sĩ viết đề tài “Jack London và vấn đề đấu tranh sinh tồn của
thời đại ông”, tác giả Lê Ngọc Thúy đã nắm bắt một số khía cạnh biểu hiện của cuộc đấu
tranh sinh tồn trong thế giới loài vật như: miếng ăn, bản năng bảo tồn nòi giống, khả năng
thích ứng để tồn tại. Có thể nói, tác giả đã có những kiến giải sâu sắc về những khía cạnh
biểu hiện của cuộc đấu tranh sinh tồn ở thế giới loài vật trong môi trường hoang dã.
Có thể khẳng định, vấn đề đấu tranh sinh tồn của thế giới loài vật trong những tác
phẩm của Jack London vẫn là một vấn đề cần được đào sâu hơn nữa.

3.Mục đích của đề tài:
Thông qua việc nghiên cứu đề tài, chúng tôi muốn góp phần làm sáng tỏ những khía
cạnh biểu hiện của cuộc đấu tranh sinh tồn trong thế giới loài vật, những đặc điểm về bút
pháp xây dựng hình tượng, kết cấu của tác phẩm.... Từ đó cho thấy, tuy viết về thế giới
loài vật nhưng những tác phẩm này vẫn là sự biểu hiện thống nhất của “cái nhìn nghệ
thuật về thế giới và con người của tác giả” được biểu hiện ở các khía cạnh: cảm hứng
sáng tác, hình tượng nghệ thuật, các yếu tố nghệ thuật khác... Chúng tôi tin rằng tất cả
những điều đó sẽ góp phần củng cố cách hiểu, cách nhìn, cách đánh giá con người và sự
nghiệp văn chương của Jack London.

1

Tạp chí văn học nước ngoài (2), 2000

12


4.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Loài vật xuất hiện nhiều trong tác phẩm của Jack London nhất là những truyện viết
về đề tài phiêu lưu ở vùng cực Bắc nước Mỹ. Ở đây, chúng tôi chọn hai kiệt tác viết về
loài vật: Tiếng gọi nơi hoang dã và Nanh Trắng, xem đó là những đối tượng khảo sát
chủ yếu. Bởi lẽ, chúng tôi nhận thấy chỉ trong hai tác phẩm này, tác giả đã tập trung thể
hiện cuộc đấu tranh sinh tồn trong thế giới loài vật với tất cả những khía cạnh biểu hiện
sinh động của nó và đây cũng là hai tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật độc đáo
của ông.
Tuy coi Tiếng gọi nơi hoang dã và Nanh trắng là hai đối tượng khảo sát chủ yếu
song chúng tôi cũng chú ý đến một số tác phẩm khác của Jack London bởi vì đấu tranh
sinh tồn là cảm hứng sáng tác của nhà văn.
5.Nhiệm vụ và đóng góp của đề tài.
Xuất phát từ mục đích của đề tài, chúng tôi thấy cần giải quyết những nhiệm vụ sau

đây :
5.1. Vấn đề đấu tranh sinh tồn và cảm hứng đấu tranh sinh tồn trong văn học Mỹ.
5.2. Đấu tranh sinh tồn biểu hiện trong sáng tác của Jack London.
5.3. Cuộc đấu tranh sinh tồn của thế giới loài vật trong sáng tác của Jack London và
sự biểu hiện tư tưởng nghệ thuật của tác giả.
5.4. Một số đặc điểm về bút pháp nghệ thuật.
Giải quyết những nhiệm vụ đề ra, chúng tôi xem đó là những đóng góp mới của
luận văn.
6.Phương pháp nghiên cứu:
6.1. Đi vào thực hiện luận văn, toàn bộ nhận thức và nghiên cứu của chúng tôi đều
dựa trên nền tảng “Phép biện chứng duy vật” và những quan điểm của chủ nghĩa duy vật
lịch sử trong hệ thống triết học Mác-xít; vận dụng thành tựu các khoa học liên ngành: Lý

13


luận văn học, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Thi pháp học, Lý thuyết tiếp nhận
văn học...
6.2. Một số phương pháp cơ bản trong nghiên cứu tác giả, tác phẩm văn học:
- Khảo sát văn bản tác phẩm.
- Phương pháp nghiên cứu một tác giả văn học.
- Phương pháp phân tích tác phẩm văn học.
- Phương pháp thống kê, so sánh đối chiếu, phân tích tổng hợp... để tìm đến với thi
pháp tác giả và rút ra những kết luận cần thiết từ những vấn đề nghiên cứu.

14


CHƯƠNG 1: JACK LONDON VÀ VẤN ĐỀ ĐẤU TRANH SINH
TỒN

1.1.Khái niệm “Đấu tranh sinh tồn” và cảm hứng đấu tranh sinh tồn trong văn
chương Hoa Kỳ:
“Đấu tranh sinh tồn” (Struggle for existence, Struggle for life) là qui luật chung,
phổ biến, chi phối sự sống và là động lực thúc đẩy sự tiến hóa của muôn loài.
Khác với con vật chỉ tồn tại theo bản năng, con người kể từ khi xuất hiện đã luôn
phải đấu tranh để sống còn và phát triển. Lịch sử tiến hóa của nhân loại chính là lịch sử
đấu tranh sinh tồn quyết liệt của con người trong chinh phục tự nhiên và đấu tranh xã hội.
Văn học - một lĩnh vực ý thức đặc thù đã phản ánh chân thật cuộc đấu tranh này bởi vì
đối tượng của văn học là con người, mà con người và số phận của nó luôn là vấn đề nóng
bỏng hàng đầu của bất kỳ thời đại, xã hội nào.
Thần thoại Hy Lạp đã ghi nhận bao tấm gương của các vị anh hùng đã đấu tranh bất
khuất cho sự tồn sinh của con người... Trong đó nổi bật Prométhée, người đã nêu cao lý
tưởng phụng sự nhân loại, bất tuân lệnh Zeus đã mang đến cho con người ngọn lửa thần
thánh khởi nguồn của văn minh, tiến bộ... Hình tượng Prométhée – “Vị thánh đầu tiên, là
người tuẩn tiết đầu tiên trong lịch sử triết học” (Marx) đã cho chúng ta thấy rõ người Hy
Lạp cổ đại đã sớm nhận thức vấn đề đấu tranh và ý nghĩa của sự sinh tồn.
Con người là sản phẩm của một thời đại lịch sử xã hội cụ thể. Vì thế ở con người,
vấn đề đấu tranh sinh tồn mà gắn liền với nó là việc xác định ý nghĩa của tồn tại qua từng
thời kỳ lịch sử luôn mang những nội dung mới và được biểu hiện dưới những dạng thức
khác nhau. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, tác phẩm của những tác giả bi kịch Hy Lạp nổi
tiếng như: Eschyle, Sophocle, Euripide... đã làm nổi bật lên sự xung đột giữa con người
và số mệnh (số mệnh theo quan niệm người Hy Lạp bấy giờ là tất cả những gì trong tự
nhiên và xã hội có khả năng hãm hại con người)... Thời đại Phục Hưng (thế kỷ XV, XVI
ở Tây Âu), “Chủ nghĩa nhân văn” – “Trào lưu tư tưởng cơ bản tạo nên giá trị rực rỡ của
nền văn nghệ” (60, 124) đã hàm chứa trong nó tinh thần đấu tranh quyết liệt vì hạnh phúc
15


của con người chống lại “những thế lực phong kiến và nhà thờ đã kìm hãm nền văn hóa,
chà đạp thô bạo lên quyền sống của con người”. Tinh thần này biểu hiện rõ nét trong tác

phẩm của Rabelais, Cervantes..., đặc biệt là Shakespeare. “To be or not to be”, câu hỏi
của nhân vật Hamlet trong vở kịch cùng tên nổi tiếng của Shakespeare mang đầy chất tư
duy, triết học về vấn đề đấu tranh và tồn tại của con người... Lịch sử thế giới cận đại, hiện
đại cũng cho thấy cuộc đấu tranh sinh tồn của con người ngày càng trở nên cực kỳ khốc
liệt...
Nói tóm lại, “sinh tồn” và “đấu tranh để sinh tồn” luôn là những vấn đề hàng đầu
của con người ở mọi thời đại và mọi dân tộc.
Trong văn học Mỹ, vấn đề đấu tranh sinh tồn đã trở thành một cảm hứng gần như
xuyên suốt các thời kỳ. Phát triển đồng thời với sự hình thành quốc gia Mỹ, văn học đã
phản ánh công cuộc khai phá, chinh phục, xây dựng nước Mỹ của những con người đến
từ các lục địa cũ bằng nhiều cách, do nhiều nguyên nhân nhưng tất cả đều cùng chung
khát vọng sinh tồn mãnh liệt. Có thể nói, lịch sử vấn đề đấu tranh sinh tồn của nước Mỹ
nảy sinh trên cái nền thống nhất của hai mặt đối lập: khát vọng và thực tiễn.Một bên là
“Giấc mơ Mỹ” (The American dream) hiện hữu trong từng con người và trong cả cộng
đồng đa dân tộc với khát vọng tự do, công lý, bình đẳng, thịnh vượng.... và bên kia là
thực tiễn vùng đất Châu Mỹ trù phú, hứa hẹn nhưng cũng đầy khắc nghiệt về tự nhiên lẫn
xã hội. Nếu lấy ngày 04.7.1776, ngày mà Thomas Jefferson đọc bản “Tuyên ngôn độc
lập” làm ngày lập quốc của nước Mỹ và chỉ hơn 200 năm sau, Mỹ trở thành một siêu
cường thì đủ thấy cuộc đấu tranh sinh tồn của dân tộc Mỹ là vô cùng quyết liệt. Vì thế có
thể nói dân tộc Hoa Kỳ là hiện thân của một khả năng phi thường về sự đấu tranh sinh tồn
của con người. Họ đã tạo ra một trong những huyền thoại mới trong lịch sử văn minh
nhân loại – “huyền thoại về sự lập quốc của một quốc gia toàn người nhập cư”. Chính
cuộc đấu tranh sinh tồn trong thực tiễn xã hội Mỹ đã khơi nguồn cho cảm hứng đấu tranh
sinh tồn trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật nói chung, nổi bật là trong văn học.

16


1.2.Jack London và vấn đề đấu tranh sinh tồn:
1.2.1.Bối cảnh lịch sử xã hội nước Mỹ nửa cuối thế kỷ XIX đến 1914.

Cuộc nội chiến Nam - Bắc (1861 - 1865) đã tạo ra bước ngoặt trong lịch sử xã hội
Mỹ. Nếu trong nửa đầu thế kỷ XIX, sự kiện chính trong lịch sử Hoa Kỳ là sự bành trướng
không ngừng lãnh thổ thì trong phần còn lại của thế kỷ XIX những thập kỷ đầu thế kỷ
XX là sự phát triển kỳ diệu về canh nông, kỹ nghệ, thương mại..., sự bành trướng của chủ
nghĩa đế quốc Mỹ. Đi cùng với sự phát triển đó là những mâu thuẫn ngày càng trầm trọng
trong lòng xã hội, dẫn đến những cuộc đấu tranh quyết liệt của giai cấp vô sản Mỹ vào
hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX. Đây là giai đoạn lịch sử mà nói như Paul Vaillant
Couturier: “Chủ nghĩa đế quốc và nước Mỹ đã trở thành một trong những nước đứng đầu
về sự cách biệt sâu sắc giữa bọn tỷ phú trơ trẽn, những kẻ ngụp lặn trong bùn lầy, xa hoa
và hàng triệu người lao động vĩnh viễn sống trong đói nghèo, khốn nạn” (20, 333).
Xét về mặt đời sống tinh thần người Mỹ, trong giai đoạn này, người ta nhận thấy
ảnh hưởng sâu đậm học thuyết tiến hóa của Charles Darwin (1802 - 1892), những triết
thuyết tư tưởng của các triết gia tư sản lợi dụng học thuyết của Darwin để nhằm ý đồ
“bảo vệ chủ nghĩa tư bản, duy trì chế độ phân biệt chủng tộc và biện hộ cho chiến tranh
đế quốc” (16, 251) như: “Triết học tiến hóa” của Herbert Spencer (1820 - 1903) học
thuyết “Con người siêu nhân” của Friedrich Nietzche (1844 - 1900)... và cả sự ảnh hưởng
của các thứ chủ nghĩa khác ra đời trên chính đất Mỹ như: Chủ nghĩa thực dụng Mỹ
(Pragmatism), Chủ nghĩa công cụ (Instrumentalism)... Chính quy luật đấu tranh sinh tồn
được rút ra từ học thuyết tiến hóa của Darwin sau đó được vận dụng mở rộng nơi các triết
gia tư sản, sự đề cao nó ở các nhà kinh doanh triệu phú... một mặt đã kích thích mạnh mẽ
sự làm giàu cá nhân và mặt khác đã cho phép con người hoàn toàn thanh thản khi tiến
hành mọi cách thức để đạt mục đích. Điều nay được biểu hiện rõ nét trong những lý luận
về “Sự sống còn của những kẻ biết thích ứng” (Survival of the fittest), Lý thuyết về tự do
kinh doanh (Philosophy of laisser faire) của Spencer, hay những lời phát biểu của các
người hùng kinh doanh Mỹ: “Sự lớn mạnh của một nền kinh doanh rộng rãi chỉ đơn
thuần là sự sống sót của các cá thể thích nghi” (J.U. Rockefeller- vua lọc dầu) hoặc nói
17


như vua thép Andrew Carnegie là đã tìm thấy “ánh sáng” khi tìm ra “sự thật về thuyết

tiến hóa” 1...., ngay cả lời của Đức giám mục Lawrence ở Massachusetts vào cuối thế kỷ
XIX: “Lòng ngoan đạo song hành với sự giàu có... Sự giàu có về vật chất giúp cho một
quốc gia hạnh phúc hơn, tươi vui hơn, bớt ích kỷ và sùng đạo hơn”...(20, 72). Ở phía đối
cực, học thuyết Marx về “Chủ nghĩa xã hội khoa học” chỉ rõ lịch sử nhân loại kể từ khi
giai cấp xuất hiện là “lịch sử đấu tranh giai cấp” đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh
thần người Mỹ cũng như cục diện đấu tranh sinh tồn của nước Mỹ trong giai đoạn này.
Tóm lại, có người còn gọi thời kỳ này của nước Mỹ là thời kỳ của sự “bất ổn tinh
thần” (spiritual unrest) - Nó xuất phát từ những bất ổn của hoàn cảnh lịch sử xã hội và sự
ảnh hưởng nhiều chiều của các luồng tư tưởng thậm chí đối nghịch nhau cùng hiện hữu
trong một thời điểm lịch sử. Cụ thể hơn nói như một nhà nghiên cứu: “Cả thế hệ ông
(Jack London) đều hỗn độn về tư tưởng” (63, 190).
Những tiền đề lịch sử, xã hội, văn hóa, tinh thần trên đã làm cho cuộc đấu tranh sinh
tồn trong xã hội Mỹ giờ đây diễn ra một cách quyết liệt, tàn bạo hơn bao giờ hết do sự
phát triển của một thứ chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cực đoan tư sản cắt đứt mọi mối giao
hòa với cộng đồng như nó đã từng hiện hữu trong truyền thống. Nước Mỹ thật sự là một
“bãi chiến trường” (battle field). Trong văn học lãng mạn Mỹ thời kỳ nửa đầu thế kỷ
XIX, vấn đề “Cái tôi” là một trong những nhân tố quan trọng của thơ ca. Văn học khẳng
định chủ nghĩa cá nhân (individualism), khẳng định “Cái tôi” nhưng đó là một “Cái tôi”
trong sự giao hòa với vũ trụ, với cộng đồng, cùng đấu tranh vì những mục tiêu chung:
.... "Tôi ca ngợi cái "Tôi", một con người riêng biệt đơn thuần
Song tôi cũng cất cao tiếng dân chủ, tiếng số đông quần chúng...."
(Bài hát chính tôi - Walt Whitman)
Còn thời kỳ này, có thể xem hình tượng nhân vật Frank Algermon Cowperwood với
quan điểm sống “Tôi thỏa mãn tôi”

1
2

2


(trong tiểu thuyết nổi tiếng “Nhà tài chính” (The

Theo “A college Book of American literature Brief Course”
Theodore dreiser (1997)-“Nhà tư bản tài chính”, NXB Lao động Hà Nội, trang 22, quyển 2

18


Financier, 1912) của Theodore Dreiser) là một điển hình sâu sắc trong việc nói lên tất cả
bản chất của thứ chủ nghĩa cá nhân cực đoan tư sản.
Trong văn học Mỹ, chủ nghĩa hiện thực đã định hình trên cái nền lịch sử xã hội của
giai đoạn này.
Tuy ra đời muộn hơn, nhưng cũng giống như Chủ nghĩa hiện thực Châu Âu thế kỉ
XIX, Chủ nghĩa hiện thực Mỹ ra đời và phát triển trong điều kiện chế độ tư bản chiếm địa
vị thống trị, phong trào công nhân bắt đầu lớn mạnh. Quan hệ xã hội và đấu tranh giai cấp
đã đi tới hình thái đơn giản hóa nhất, đồng thời đạt tới mức độ sâu sắc, gay gắt nhất. Mâu
thuẫn chủ yếu nổi lên hàng đầu là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản.
Nhưng nước Mỹ thời kỳ này còn chất chứa trong lòng nó những mâu thuẫn sâu sắc, quyết
liệt về vấn đề dân tộc: sự bành trướng lãnh thổ của nước Mỹ gắn liền với sự diệt chủng
người da đỏ (cuộc chiến đấu cuối cùng chống lại sự xâm lược của người da trắng được
lịch sử ghi nhận là của bộ lạc Da đỏ Sious vào năm 1876) và tệ kỳ thị chủng tộc đối với
người da màu (trong đó người da đen chịu ảnh hưởng nặng nề nhất). Giai đoạn này thơ ca
đã nhường chỗ cho tiểu thuyết, thể loại phù hợp hơn trong việc đi sâu phản ánh hiện thực
sinh động , những vấn đề sôi bỏng của thời đại. Chất trữ tình, cảm quan lãng mạn trong
thi ca giai đoạn trước đã dần được thay thế bằng phong cách trào phúng, châm biếm đầy
chất phê phán trong văn xuôi và tiểu thuyết. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa hiện
thực Anh, Pháp, Nga cộng với những biến động lớn về mặt lịch sử xã hội, tác phẩm của
các nhà văn hiện thực Mỹ nổi tiếng, thời kỳ này như Stephane Crane, Upton Sinclair,
Frank Norris, Theodore Dreiser, đã đi sâu phản ánh, tố cáo những bất bình đẳng xã hội,
cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt, những bi kịch của “Giấc mơ Mỹ” và nhất là sự tha hóa,

băng hoại về đạo đức của con người trong xã hội công nghiệp hiện đại.
Cuộc đời và sự nghiệp Jack London nằm trọn trong giai đoạn này - giai đoạn đầy
những biến động của nước Mỹ cả về mặt kinh tế, chính trị lẫn mặt văn hóa tinh thần.

19


1.2.2. Jack London - Con người phiêu lưu từng trải từ tay trắng dựng nên sự
nghiệp: nhà văn “vô sản” đầu tiên của nước Mỹ
Jack London (tên thật John Giffith London) sinh ngày 12.01.1876 tại San Francisco,
là đứa con của cuộc hôn nhân không chính thức giữa Flora Wellman (một nữ giáo viên
dạy nhạc) và William Henry (một chiêm tinh gia). Sau khi ông chào đời ít lâu, vào tháng
9 cùng năm mẹ ông kết hôn với John London - một người đàn ông góa vợ. Jack London
ra đời giữa lúc cuộc suy thoái kinh tế lớn 1873 làm tê liệt nước Mỹ, nhiều nhà máy đóng
cửa, hàng triệu người thất nghiệp trong đó có những người thân của ông.
Năm 10 tuổi, Jack London đã phải vất vả để kiếm sống (vừa đi học, vừa bán báo).
Năm 13 tuổi ông chính thức từ giã trường học - để làm đủ mọi nghề: làm thuê trong các
tiệm cà phê, bãi đánh bóng, nhà máy đồ hộp, đi đánh cắp sò (được mệnh danh là “ông
Hoàng” trên các bãi sò vùng Lower Bay). Những năm 1892 - 1893, ông làm thủy thủ trên
các con tàu California Fish Patrol, Sofia Southerland (trở thành “trùm” thủy thủ), sau đó
làm công nhân trong xưởng đay, công nhân xúc than trong công trình xây dựng tuyến
đường sắt Oakland và đủ mọi nghề khác (giặt quần áo, gác cổng, khuân vác v.v...). Vào
tháng 7.1897, ông tham gia vào đám đông những người tìm vàng vùng Klondike...
Bước vào đời đã phải chịu đựng nhiều thử thách khắc nghiệt của cuộc mưu sinh, là
nạn nhân trực tiếp của sự áp bức và bóc lột, hơn ai hết Jack London là người đã hiểu rõ
bản chất xã hội tư bản mà ông đang sống. Tìm đến với Marx và Engels (1895) và chọn tư
tưởng xã hội chủ nghĩa làm quan điểm chính trị, Jack London đã tham gia tích cực vào
các phong trào đấu tranh xã hội. Năm 1896, ông gia nhập Đảng Lao động Xã hội (The
Socialist Labor Party). Năm 1901, ông xin ra khỏi Đảng này. Cũng trong năm đó, ông xin
gia nhập Đảng Xã hội (The Socialist Party). Từ đó đến 1916, ông là thành viên Đảng này

cho đến khi xin ra khỏi Đảng vì nhận thấy “Đảng thiếu nhiệt tình, mất sức chiến đấu và
không còn chú trọng đến đấu tranh giai cấp...” , và vì “toàn bộ trào lưu của xã hội chủ
nghĩa ở Mỹ những năm gần đây có xu hướng hòa hoãn và thỏa hiệp...” (trích nội dung
thư Jack London xin ra khỏi Đảng Xã hội).

20


Trong suốt thời gian là thành viên Đảng Xã hội, Jack London hoạt động rất tích cực,
xông vào mọi biến cố của cuộc đấu tranh chính trị ở nước Mỹ. Không chỉ bằng hoạt động
xã hội thực tiễn, ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về đề tài đấu tranh giai cấp đang
diễn ra quyết liệt trong lòng xã hội Mỹ: tiểu thuyết Gót sắt (The iron heel 1907), một số
tiểu luận: Cuộc chiến tranh giai cấp (War of the classes-1905), Cách mạng
(Revolution-1909); Cách mạng và những tiểu luận khác (Revolution and other essays
-1910).
Rõ ràng, sau khi Jack London tìm đến với “Chủ nghĩa Xã hội khoa học” , việc ông
tham gia Đảng Lao động Xã hội, những hoạt động chính trị tích cực của ông, vấn đề ông
cùng với các nhà văn tiến bộ như Stephen Crane, Frank Norris, Upton Sinclair... bị tổng
thống Theodore Roosevelt liệt vào loại những nhà văn nguy hiểm đối với chế độ, có tính
cách “khuấy bùn” (Muckrakers) là những minh chứng cho lập trường tư tưởng tiến bộ
của nhà văn.
Tóm lại, cuộc đời và sự nghiệp của Jack London là tấm gương tiêu biểu của một
người Mỹ đã vươn đến đỉnh cao danh vọng, tiền tài bằng một nghị lực tuyệt vời cùng sự
nổ lực phấn đấu không bao giờ ngừng nghỉ. Từ một con người ra đời trong sự bất hạnh,
thất học, tự kiếm sống từ lúc lên 10, làm đủ nghề thuê mướn kể cả cướp bóc..., ông đã trở
thành nhà văn chuyên nghiệp vào năm 20 tuổi và nổi tiếng thế giới năm 27 tuổi, hai lần
ứng cử chức thị trưởng Oakland (1901, 1905), là nhà diễn thuyết cách mạng nổi tiếng,
nhà triệu phú tự lập và tự kết thúc cuộc đời năm 40 tuổi, để lại một di sản tinh thần quý
báu và là một nhà văn được yêu thích trên thế giới. Như một huyền thoại, cuộc đời ông
còn nổi tiếng hơn cả những tác phẩm của ông. George Sterting, người bạn ông đã viết về

ông : “Sự vĩ đại của ông vượt lên trên mọi chủng tộc và thời đại. Tài năng của ông rực
sáng, cuốn hút và đích thực đến mức nó vượt qua mọi giới hạn của những định kiến và
quốc gia” (7, 9). Irving Stowe nhà văn Mỹ xem ông là “Ngôi sao chổi rực sáng phía chân
trời của thế kỷ XX”...

21


1.2.3.Jack London và vấn đề đấu tranh sinh tồn
Jack London là con người ham thích phiêu lưu tìm cảm hứng, luôn có mặt ở trung
tâm những sự kiện sôi động của thời đại, là nhà văn “dấn thân, gia nhập”, có ý thức dùng
những trải nghiệm bản thân như những chất liệu để kiến tạo tác phẩm, cho nên thế giới
nghệ thuật của ông là những mảng hiện thực rộng lớn của một đất nước in đậm dấu ấn sự
khai phá, chinh phục, sự phát triển mạnh mẽ và cả tính chất khốc liệt của qui luật đấu
tranh sinh tồn nghiệt ngã.
Di sản tinh thần của ông khá đồ sộ: gần 200 truyện ngắn, 22 truyện vừa và tiểu
thuyết, 5 vở kịch, hàng trăm bài báo và những tác phẩm viết về đề tài cách mạng.
Hệ thống đề tài ưa thích, quen thuộc, tạo nên “vùng đối tượng thẩm mỹ” riêng của
Jack London là những đề tài phiêu lưu và đấu tranh xã hội. Đây là hai mảng hiện thực
gắn liền với tính cách phiêu lưu và cuộc đời hoạt động chính trị sôi nổi của ông. Khi đi
vào những sáng tác của Jack London, người đọc dễ dàng cảm nhận chủ đề quán xuyến
hầu hết tác phẩm của nhà văn là vấn đề đấu tranh sinh tồn được thể hiện dưới nhiều dạng
thức khác nhau trong một thế giới nghệ thuật vô cùng phong phú, sinh động. Nhân vật
của ông là những mẫu hình giàu sức mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, luôn chiến đấu
đến cùng với mọi thử thách để thực hiện khát vọng sinh tồn mãnh liệt. Điểu này được
minh chứng trong nhiều tác phẩm truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài nổi tiếng của ông:
“Tình yêu cuộc sống”, “Như chàng Argus thời đại xa xưa”, “Một người Mêhicô”,
“Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Nanh trắng”, “Từ bỏ thế giới vàng”, “Gót sắt”...
Tóm lại, ở Jack London, đấu tranh sinh tồn thực sự trở thành điều “ám ảnh” được
biểu hiện rõ nét trong cuộc đời và cả trong sáng tác nghệ thfsfuật. M.B.Khrapchenkô đã

viết: “Sự thật cuộc sống trong tác phẩm nghệ thuật không thể tồn tại bên ngoài cách nhìn
thế giới của cá nhân, cách nhìn này vốn có ở một nghệ sĩ thực thụ” (37, 89). Jack London
là một minh chứng. Tư tưởng đấu tranh sinh tồn của thời đại đã tạo ra ở nhà văn một “cái
nhìn nghệ thuật về thế giới và con người”. Chính nó đã chi phối toàn bộ việc kiến tạo nên
thế giới nghệ thuật của tác giả từ hệ thống đề tài, chủ đề, hình tượng nghệ thuật đến kết
cấu...
22


Nhìn chung, đấu tranh sinh tồn là một chủ đề được biểu hiện trong nhiều tác phẩm
của các nhà văn hiện thực nổi tiếng cùng thời với Jack London như: William Dean
Howells (1830-1920), Henry James (1843 -1916), Stephen Crane (1817-1900), Theodore
Dreiser (1871-1945)... Khác với những nhà văn này, Jack London không chỉ đi sâu khai
thác vấn đề đấu tranh sinh tồn của con người mà ông còn khai phá cuộc đấu tranh sinh
tồn trong thế giới loài vật. Đặc biệt, chính với những tác phẩm viết về loài vật, ông thật
sự trở thành nhà văn nổi tiếng trên thế giới.

23


CHƯƠNG 2: CUỘC ĐẤU TRANH SINH TỒN CỦA THẾ GIỚI
LOÀI VẬT TRONG SÁNG TÁC JACK LONDON

2.1. Giới hạn phạm vi xem xét cuộc đấu tranh sinh tồn ở thế giời loài vật trong sáng
tác của Jack London:
Trong sáng tác của Jack London, những tác phẩm viết về đề tài phiêu lưu chiếm một
số lượng lớn. Cuộc đời dấn thân, phiêu bạt đã dần ông đến nhiều nơi, qua nhiều vùng đất
lạ. Có thể thấy rằng, in đậm dấu ấn sâu sắc nhất trong những tác phẩm của ông là vùng
Alaska giá lạnh và vùng biển phương Nam nước Mỹ đầy bão tố. Trong những tác phẩm
này, chúng ta thường thấy có sự hiện diện của nhiều con vật: chó sói, chó nhà, gấu, linh

miêu, hươu, nai.... Điều nổi bật là tất cả những con vật trong tác phẩm của ông đều hiện
ra trong những tư thế, tình huống, hoàn cảnh đấu tranh sinh tồn quyết liệt, đòi hỏi chúng
phải đem tất cả sức mạnh bản năng và kinh nghiệm để chiến đấu giành giật sự sống còn.
Chó sói và chó nhà là hai con vật thường xuất hiện nhiều nhất trong những tác phẩm
của Jack London. Chúng thật sự trở thành những nhân vật trung tâm trong nhiều tác
phẩm được viết rất thành công của nhà văn. Điển hình như con chó Buck trong Tiếng gọi
nơi hoang dã và con sói Nanh Trắng trong tác phẩm cùng tên. Qua những tác phẩm này,
các con vật đã trở thành những hình tượng nghệ thuật độc đáo, đầy tính biểu trưng.
Khi đi vào nghiên cứu đề tài này, chúng tôi chọn Tiếng gọi nơi hoang dã và Nanh
Trắng là hai tác phẩm chính để đi sâu xem xét bởi vì đây là những tác phẩm tập trung thể
hiện nổi bật nhất cuộc đấu tranh sinh tồn của thế giới loài vật dưới cái nhìn của tác giả.

24


2.2. Nhân vật và cuộc đấu tranh sinh tồn trong “Tiếng gọi của hoang dã” và “Nanh
Trắng”
2.2.1.Số phận phiêu lưu đầy khổ ải của hai nhân vật: Buck và Nanh Trắng
2.2.1.1.Buck
“The call of the wild” được tác giả công bố vào năm 1903. Nguyên tác tiếng Anh
có độ dài 90 trang, gồm 7 chương, mỗi chương có tiêu đề riêng gắn bó chặt chẽ với từng
đoạn đời phiêu lưu của nhân vật 1.
Tác phẩm kể về số phận của con chó Buck, 4 tuổi (có bố là chó nòi Xanh Béc-na
khổng lồ, mẹ là nòi chăn cừu Scotland), đang có cuộc sống yên bình nơi “chan hòa ánh
sáng văn minh” trong trang trại ngài thẩm phán Miller (Judge Miller) giàu có ở phương
Nam thì bị bắt cóc. Cuộc hành trình đầy nghiệt ngã của Buck bắt đầu từ đó.
Đầu tiên để khuất phục nó, những người bắt cóc đã hành hạ, đánh đập tàn nhẫn
Buck trước khi bán nó lên vùng cực Bắc nước Mỹ, nơi đang nổ ra “cơn sốt vàng” vào
mùa thu năm 1897. Sống giữa vùng cực Bắc hoang dã, giá rét, trải qua nhiều người chủ
hầu hết độc ác với loài vật, luôn phải lao động đến cạn kiệt sức lực, đấu tranh quyết liệt

với đồng loại để được sống còn... Buck đã tồn tại được nhờ vào sức lực, sự khôn ngoan, ý
chí và khả năng thích ứng tuyệt vời.

Ở Việt nam trước nay có hai bản dịch tiếng Việt với nhan đề khác nhau. Bản dịch đầu tiên có tên gọi "Tiếng
gọi của rừng thẳm" của cấn Huy Tăng, do nhà xuất bản sống mới Sài Gòn xuất bản vào năm 1960. Bản dịch thứ hai
có nhan đề "Tiếng gọi nơi hoang dã" của Nguyễn Công Ái và Vũ Tuấn Phương in trong tập truyện "Tiếng gọi nơi
hoang dã" do nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 1983, sau đó tập truyện được nhà xuất bản Văn học - Hà Nội tái
bản vào năm 2001.
Nhìn chung, những bản dịch đều thể hiện sự cố gắng giữ lại những giá trị nội dung, nghệ thuật của nguyên
bản. Tuy nhiên bản dịch của cấn Huy Tăng có nhiều độ lệch so nguyên tác (không dịch bài thơ mở đầu, không có tên
tiêu đề ở mỗi chương, thoát ý và lược bỏ nhiều câu so nguyên bản ...). Độ lệch so nguyên tác trong bản dịch của
Nguyễn Công Ái và Vũ Tuấn Phương không nhiều, các dịch giả đã bám sát nguyên bản, chuyển đạt được vãn phong
tác giả ... về nhan đề tác phẩm, nếu dịch là "Tiếng gọi nơi hoang dã" chúng tôi nghĩ rằng sẽ chưa làm nổi bật được ý
nghĩa hàm ẩn của kiệt tác nẩy, nổ cố thể dẫn đến cách hiểu khấc: "Tiếng gọi của hoang dã" ("nơi"; danh từ chỉ nơi
chốn, chỉ phần không gian mà người hay vật chiếm), đó có thể là tiếng gọi của con người không chỉ riêng của thú
hoang, là tiếng kêu gọi hoàn toàn bên ngoài của bản thân (...) chủ thể ... Theo chúng tôi, cách dịch tên tác phẩm có
thể làm bật rõ hơn trọng tâm chủ đề, ý nghĩa hàm ẩn của tác phẩm là "Tiếng gọi của hoang dã" ("của": quan hệ từ
biểu thị quan hệ sở hữu). "Tiếng gọi của hoang dã" - đó là tiếng gọi của bầy đàn, dòng giống hoang dã, là tiếng réo
gọi thôi thúc không chỉ cất lên từ bên ngoài "nơi hoang dã" mà còn có thể hàm ý là "tự bên trong", lúc nào cũng hiện
hữu như một bản năng, làm "bừng sôi huyết thống hoang vu " ở chủ thể.
1

25


×