Tải bản đầy đủ (.pdf) (147 trang)

đặc điểm văn xuôi nghệ thuật dạ ngân

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (908.57 KB, 147 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Dương Thế Thuật

ĐẶC ĐIỂM VĂN XUÔI
NGHỆ THUẬT DẠ NGÂN

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

TP. HỒ CHÍ MINH - 2011


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Dương Thế Thuật

ĐẶC ĐIỂM VĂN XUÔI
NGHỆ THUẬT DẠ NGÂN
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS. TS. NGUYỄN THÀNH THI

TP. HỒ CHÍ MINH - 2011



LỜI CẢM ƠN
---------Tôi xin chân thành cảm ơn Quý Thầy, Cô đã tận tình giảng dạy chúng tôi trong
suốt thời gian tôi học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Quý Thầy, Cô, Anh, Chị ở Phòng Sau Đại học
và Thư viện Nhà trường đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong quá trình chúng tôi học
tập tại Trường.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, đồng
nghiệp, bạn bè, người thân đã động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để tôi có thể
hoàn thành được khoá học khi tôi đã ở độ tuổi không còn trẻ.
Xin cho tôi được gửi lời cảm ơn đến nhà văn Dạ Ngân, người đã dành thời gian
cho tôi được tiếp xúc, trao đổi, cung cấp thêm cho tôi những tư liệu, giúp tôi có thêm
điều kiện để nghiên cứu, hoàn thành luận văn.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS Nguyễn Thành Thi,
người Thầy đã định hướng, nghiêm túc chỉ bảo, hết lòng giúp đỡ tôi trong quá trình
tôi thực hiện luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Phan Thiết, tháng 10 năm 2011
Người thực hiện

Dương Thế Thuật


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN ............................................................................................. 3
MỤC LỤC ................................................................................................... 4
MỞ ĐẦU ..................................................................................................... 1
1.Lý do chọn đề tài ........................................................................................................ 1
2.Lịch sử vấn đề ............................................................................................................ 1
3. Mục đích của đề tài.................................................................................................... 4
4.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .............................................................................. 4

5.Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................ 5
6.Cấu trúc luận văn ........................................................................................................ 5

Chương 1: ĐẶC ĐIỂM VĂN XUÔI DẠ NGÂN – NHÌN TỪ VỐN
SỐNG VÀ CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT................................................ 6
1.1. Dạ Ngân – Nhà văn của cái hôm qua và cái hôm nay............................................ 6
1.1.1. Dạ Ngân – Nét vẽ chân dung nhìn từ cuộc đời ..................................................................... 6
1.1.2. Dạ Ngân – nét vẽ chân dung nhìn từ sáng tác ....................................................................... 9
1.1.3. Một cái nhìn cuộc sống đa dạng, nhiều chiều: .................................................................... 13

1.2. Sáng tác của Dạ Ngân – tiếng nói của lòng nhân hậu và niềm tin ....................... 22
1.2.1. Ký ức về chiến tranh và nỗi đau thời hậu chiến .................................................................. 23
1.2.2. Nghịch cảnh thời hậu chiến và những băn khoăn về cuộc đời, con người.......................... 28
1.2.3. Tiếng nói trân trọng cảm thương thân phận “bé mọn” của con người” .............................. 33

1.3. Sáng tác của Dạ Ngân – Tiếng nói của tình quê hương. ...................................... 44
1.3.1. Tình yêu quê hương của một người con Nam Bộ,“thế hệ thứ tư” ...................................... 44
1.3.2. Cảnh sắc, hương vị quê hương Nam Bộ qua những rung động tinh tế của Dạ Ngân. ........ 46
1.3.3. Cá tính con người và văn hoá Nam Bộ qua ngòi bút chăm chút đầy trân trọng, trìu mến của
Dạ Ngân ......................................................................................................................................... 52

Chương 2: VĂN XUÔI NGHỆ THUẬT DẠ NGÂN – ĐẶC ĐIỂM VỀ
THỂ LOẠI VÀ PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ ............................................ 57
2.1. Nhà văn nữ của nhiều thể loại .............................................................................. 57
2.1.1. Sáng tác của Dạ Ngân – Nhìn từ thể loại ............................................................................ 57
2.1.2. Đóng góp của Dạ Ngân – Nhìn từ truyện ngắn ................................................................... 58
2.1.3. Đóng góp của Dạ Ngân – nhìn từ tiểu thuyết, truyện vừa................................................... 68
2.1.4. Đóng góp của Dạ Ngân– Nhìn từ tản văn ........................................................................... 73
2.1.5. Chất thơ trong văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân ...................................................................... 78


2.2. Những thành công trên bình diện phương thức tự sự .......................................... 84


2.2.1. Tạo tình huống, sự kiện và khắc hoạ nhân vật .................................................................... 84
2.2.2. Kết cấu dòng ý thức và kỹ thuật lồng ghép truyện .............................................................. 92
2.2.3. Trần thuật đa điểm nhìn và vai kể độc thoại ....................................................................... 95

Chương 3: VĂN XUÔI NGHỆ THUẬT DẠ NGÂN – ĐẶC ĐIỂM VỀ
NGÔN TỪ ................................................................................................. 99
3.1. Vẻ đẹp hài hoà trong văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân ............................................ 99
3.2. Chất Nam Bộ đậm đặc trong lời văn nghệ thuật Dạ Ngân................................. 114

KẾT LUẬN ............................................................................................. 128
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................... 132
PHỤ LỤC .................................................................................................... 1


MỞ ĐẦU
1.Lý do chọn đề tài
Những công trình nghiên cứu nghiêm túc về văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau
năm 1975 ở tầm khái quát rất cần thiết, nhằm nhìn nhận, đánh giá một cách khách
quan, toàn diện về văn xuôi nghệ thuật trong tiến trình văn học chung của đất nước.
Ngoài những công trình nghiên cứu khái quát, sự nghiên cứu về văn xuôi nghệ
thuật của từng nhà văn cũng rất cần, nhất là đối với những nhà văn có những đóng
góp thật sự cho văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau năm 1975.
Trong số những nhà văn nữ sáng tác văn xuôi sau 1975, Dạ Ngân đã có những
thành công nhất định. Chị đã bắt đầu sáng tác từ năm 1978. Với khoảng trên 15 tác
phẩm đã xuất bản, từ tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn đến tản văn, chị đã nhận
được 4 giải thưởng chính và 1 tặng thưởng văn học (1 của Tạp chí Văn nghệ Quân
đội (năm 1987), 1 của báo Tuổi trẻ TP. HCM (năm 1989), 1 của Hội Nhà văn Hà Nội

(năm 2005), 2 của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2004 và năm 2006) cùng một số giải
thưởng khác về các truyện ngắn.
Với những giải thưởng đã được nhận, cả ở truyện ngắn và tiểu thuyết, Dạ Ngân
đã được ghi nhận là một trong những nhà văn nữ có giọng điệu riêng hiện nay.
Là một trong những gương mặt nhà văn nữ có tác phẩm đến với bạn đọc từ
trên 25 năm qua, có giọng điệu riêng, chị đã và vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình của
mình trong việc sáng tác văn chương. Với những tác phẩm đã cho ra mắt bạn đọc, Dạ
Ngân đã có vị trí nhất định trên văn đàn. Tác phẩm của chị cần được nghiên cứu một
cách có hệ thống, cả ở mảng tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn và cả tản văn. Sự
nghiên cứu một cách nghiêm túc, cẩn trọng các tác phẩm văn xuôi nghệ thuật của Dạ
Ngân chắc chắn sẽ rút ra những điều có ích, đóng góp thêm vào việc nghiên cứu
chung văn xuôi nghệ thuật Việt Nam, từ sau năm 1975, nhất là đối với những sáng
tác của những nhà văn nữ.
2.Lịch sử vấn đề
Dù sự nghiệp sáng tác của Dạ Ngân đã được thời gian và công chúng khẳng
định, nhưng những công trình nghiên cứu về sáng tác của Dạ Ngân vẫn còn quá ít ỏi.


Phần lớn các bài viết hiện có ở dưới dạng cảm nhận về một tập truyện ngắn, một tiểu
thuyết mới xuất bản, một lời giới thiệu sách.
Năm 1986, Chu Huy đã có cảm nhận khi đọc tập truyện ngắn Quãng đời ấm
áp của Dạ Ngân “ Dù viết về đề tài nào đi nữa, Dạ Ngân đều hướng người đọc tìm
đến cội nguồn trực tiếp hoặc gián tiếp, từ những tình cảm trong sáng, mãnh liệt, từ
những nền tảng tư tưởng không bao giờ mờ phai của những năm chiến tranh giải
phóng đầy hi sinh gian khổ mà rất đổi hào hùng”. Chu Huy cũng nhận xét nét đặc sắc
của văn phong Dạ Ngân: “ Viết khá sành về tâm lý nhân vật nữ”.
Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu đã có nhận định qua truyện ngắn đầu tay của
Dạ Ngân : “ Truyện của chị đậm đà tâm tình của người phụ nữ Nam Bộ giàu tình cảm
và suy tư, luôn trăn trở về cuộc sống của cá nhân mình và đồng đội, bạn bè, với gia
đình, quê hương, với lý tưởng và nghĩa vụ, những khao khát nồng cháy của trái tim

thiếu nữ trước cuộc đời…Chị viết về chiến tranh nhưng không nặng về mô tả chiến
trận hay sự kiện”.
Truyện ngắn Trên mái nhà người phụ nữ, giải nhì Tạp chí Văn nghệ Quân đội
năm 1987, đã được Nguyễn Trọng Hoàn đánh giá : “ Truyện có nhiều đoạn thành
công bởi ở đó hình ảnh, màu sắc, âm thanh…được khai thác một cách triệt để làm
trang viết trở nên thi vị, thực sự có hồn, khiến người đọc có thể trực tiếp tri giác như
được bước vào một thế giới sinh động tồn tại dưới dạng vật chất”.
Nhà văn Ngô Ngọc Bội đã có nhận định về tập truyện ngắn Con chó và vụ ly
hôn (1990) của Dạ Ngân : “ Văn của Dạ Ngân lắng đọng, vừa ấm áp đôn hậu, vừa dữ
dằn cay đắng rất Nam Bộ, để rồi hướng tới cái thiện…Cái mạnh nhất, quý nhất của
Dạ Ngân là nghệ thuật khắc họa, cách nhìn của chị góc cạnh. Khai thác tâm lý nhận
vật, tình tiết, chi tiết và sử dụng ngôn ngữ thật tài hoa”.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Hương trong bài viết “ Truyện ngắn của Dạ Ngân”
đã đánh giá cao hướng khai thác, tiếp cận hiện thực riêng, nét đặc sắc trong thế giới
nhân vật và văn phong của Dạ Ngân.
Nguyễn Hoàng Sơn đã có nhận định về truyện vừa Miệt vườn xa lắm: “ Chị
chú trọng phân tích tâm lý và khéo sử dụng chi tiết để khắc họa tính cách nhân vật”.


Tiểu thuyết Gia đình bé mọn là một thành công lớn của chị, đã nhận được
nhiều ý kiến phản hồi từ những người nghiên cứu. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
đã nhận định “Những phẩm chất làm nên thế mạnh ngòi bút của Dạ Ngân: Sự cẩn
trọng và tinh tế trong câu chữ, khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa “mỹ văn” và
ngôn ngữ đời thường của người Nam Bộ, sự sắc sảo trong phác họa nhân vật bằng vài
chi tiết đắt giá, nhanh gọn; và sau cùng là một cái nhìn cuộc đời – dù với sự phê phán
- nhưng vẫn luôn đôn hậu”. Còn Hoàng Thị Quỳnh Nga đã nhận xét; “Ngoài những
trang viết tinh tế và xúc động về cảm giác và sự giằng xé, Gia đình bé mọn còn hấp
dẫn người đọc bởi bức tranh xã hội thời bao cấp.”
Nhà văn- dịch giả Trần Thiện Đạo cũng đã có những lời tâm tình với bạn đọc
khi được đọc Gia đình bé mọn của Dạ Ngân: “… Một mình một bóng, trên con

đường quen thuộc hơn một phần tư thế kỷ cầm bút trong Nam ngoài Bắc, tác giả đã
nhè nhẹ nắm tay người đọc, “rù quyến”, lôi cuốn, dẫn họ cùng rảo bước với mình từ
trang đầu tới trang chót…”
Tác giả Tuy Hoà trong bài viết “Dạ Ngân theo nước nguồn xuôi mãi” đưa ra
nhận định: “Ngón nghề của nhà văn Dạ Ngân trong tập Nước nguồn xuôi mãi là
khơi dậy những mẩu chuyện be bé và luận giải thấu đáo tâm trạng cá thể giữa xô đẩy
thời đại đang cưu mang chúng ta…. Truyện Dạ Ngân không phải đọc để nắm bắt
cuộc sống, mà đọc để nghĩ ngợi cuộc sống”.
Đến năm 2006, Cao Thị Huệ đã hoàn thành luận văn Thạc sĩ “Sáng tác của Dạ
Ngân” tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu 9 tác phẩm của Dạ Ngân
xuất bản từ năm 1986 đến 2005, bao gồm các truyện ngắn, tiểu thuyết.
Năm 2009, Hoàng Thị Kim Cúc đã hoàn thành luận văn thạc sĩ với đề tài
“Phong cách truyện ngắn Dạ Ngân” tại Trường Đại học Vinh trên cơ sở nghiên cứu 7
tập truyện ngắn của Dạ Ngân, xuất bản từ 1986 đến 2008.
Wayne Karlin, nhà văn, giáo sư văn học Đại học Maryland (Hoa Kỳ), một
người am hiểu văn học Việt Nam, trong lời giới thiệu tiểu thuyết Gia đình bé mọn
bản dịch ra tiếng Anh (Rosemary Nguyen dịch) ấn hành bởi nhà xuất bản Curbstone
Press năm 2009, đã có nhận định: “ Hành trình của Tiệp và hành trình của cái “gia


đình bé mọn” của nàng trùng hợp với hành trình của đất nước nàng”,… “ Tiệp từ chối
nhìn thế giới qua lăng kính truyền thống”. Điều đó cũng có nghĩa: Nhân vật Tiệp đã
đồng hành cùng đất nước và nhân vật ấy đã có một cái nhìn mới mẻ về thế giới mà
mình đang sống, trải nghiệm, không phụ thuộc vào truyền thống ngày xưa.
Nhận định của những người nghiên cứu, phê bình đi trước là những cứ liệu
khoa học, những gợi ý quý báu để chúng tôi đi sâu hơn, khảo sát một cách có hệ
thống những sáng tác của Dạ Ngân, bao gồm cả 7 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, 2
truyện vừa, 5 tập tản văn, mong nhận ra được những đặc điểm văn xuôi nghệ thuật
của Dạ Ngân cũng như đóng góp của chị đối với văn xuôi nghệ thuật Việt Nam thời
kỳ đổi mới.

3. Mục đích của đề tài
Luận văn tập trung nghiên cứu đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân nhằm:
- Phát hiện những cảm hứng sáng tạo chủ đạo trong văn xuôi nghệ thuật Dạ
Ngân, phân tích những biểu hiện cụ thể của những cảm hứng ấy qua các sáng tác:
truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa, tản văn của nhà văn.
- Khẳng định sự thống nhất chặt chẽ giữa hình thức nghệ thuật với tư tưởng,
cảm hứng trong tính chỉnh thể của văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân: nhận diện những
đặc điểm; những nét riêng của nhà văn bộc lộ trên các bình diện: nội dung và phương
thức thể hiện, hình thức nghệ thuật.
- Xem xét những đóng góp cụ thể của Dạ Ngân đối với sự phát triển của truyện
ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa, tản văn Việt Nam sau 1975 nói chung.
4.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân bao gồm:
- Những cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật
- Những đặc điểm về hình thức nghệ thuật
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Tất cả các sáng tác văn xuôi nghệ thuật của Dạ Ngân xuất bản từ năm 1986 đến
năm 2010 bao gồm:


 7 tập truyện ngắn
 2 tiểu thuyết
 2 truyện vừa viết cho thiếu nhi
 5 tập tản văn
5.Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng kết hợp những phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp hệ thống
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp loại hình

Luận văn cũng sử dụng thường xuyên thao tác thống kê trong khảo sát miêu tả
đối tượng nghiên cứu.
6.Cấu trúc luận văn
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục; nội dung chính của luận
văn được tổ chức, triển khai thành ba chương:
Chương 1: Đặc điểm văn xuôi Dạ Ngân - Nhìn từ vốn sống và cảm hứng nghệ
thuật
Chương 2: Văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân – Đặc điểm về thể loại và phương
thức tự sự
Chương 3: Văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân – Đặc điểm về ngôn từ


Chương 1: ĐẶC ĐIỂM VĂN XUÔI DẠ NGÂN – NHÌN TỪ VỐN
SỐNG VÀ CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT

1.1. Dạ Ngân – Nhà văn của cái hôm qua và cái hôm nay
1.1.1. Dạ Ngân – Nét vẽ chân dung nhìn từ cuộc đời

Trong dòng chảy của cuộc sống, mỗi một con người ghi lại sự hiện diện của
mình bằng những cách khác nhau, và bằng những cảnh đời khác nhau. Trong những
cảnh đời ấy, có những cảnh đời êm ả, phẳng lặng; nhưng lại cũng có những cảnh đời
chẳng hề bình lặng một tí nào.
Dạ Ngân, một người con của vùng sông nước Tây Nam Bộ, một người đã
có một phần tư thế kỷ cầm bút, sống trong Nam, rồi ra ngoài Bắc, đã có nhiều trải
nghiệm đời thường.
Dạ Ngân đã thổ lộ : “Quê gốc tôi ở miệt vườn Cao Lãnh sông Tiền nhưng vì
ông nội tôi thích thi thố nên đưa tất cả anh em giạt xuống tận Cần Thơ để phỉ chí
nghề vườn. Tôi là phụ nữ miệt vườn chính cống và tôi luôn tự hào về điều đó.
Tuổi thơ tôi được bảo bọc bằng nghề vườn, cây vườn và nhà nội, trong đó vai
trò quyết định thuộc cô tôi, người đàn bà goá đã ở vậy đến già để chăm nuôi bầy

cháu cho ba tôi đi kháng chiến. Cho đến khi ba tôi bị tù, án khổ sai Côn Đảo rồi chết
trong xà lim thì tôi thuộc về cô tôi hoàn toàn, tâm hồn và tính cách ấy đã quyết định
tư chất tôi. Ở vào vùng hành lang giữa căn cứ kháng chiến tỉnh với căn cứ kháng
chiến Khu Chín, gia đình tôi không có sự lựa chọn nào khác cho chị em gái nhà tôi:
Tất cả phải đi vào Cứ tham gia đánh giặc, con đường của cha tôi. Lý tưởng đã được
đơn giản hoá thành thù nhà rồi sau mới là nghĩa nước” [12, 27].
Là người con của một cán bộ kháng chiến bị tù đày và sau này đã hy sinh trong
tù, chị đã tiếp nối những chặng đường kháng chiến của cha, đi vào Cứ, sống những
tháng ngày đạn bom ác liệt, làm thư ký đánh máy, rồi làm báo, những công việc khác
nhau. Với bao khó khăn, thiếu thốn, với nhiều vất vả gian nan. Nhưng lẫn trong


những gian khổ, vẫn có những giây phút bình yên, ấm áp với đồng đội, với người
thân.
Một Lê Hồng Nga – tên thật của Dạ Ngân – nhiệt tình, say sưa, cặm cụi với
công việc trong rừng, trong Cứ. Quãng đời ấy, đã để lại những kỷ niệm ấm áp trong
chị. Song, không chỉ có ấm áp, đã có những nỗi buồn, những tiếc thương, khi đồng
đội, khi những người chị, người anh của cùng cơ quan với chị, những người gởi
quãng đời thanh xuân, tươi đẹp, rực rỡ của mình vào cuộc kháng chiến cao
cả mà cũng thật nhiều gian nan của dân tộc, đã hy sinh.
Những tháng năm trong Cứ, đẹp đẽ, hào hùng, mà cũng thật khó nhọc, hiểm
nguy. Những tháng năm kháng chiến ấy mãi trong ký ức của Hồng Nga, đã trở thành
những ám ảnh nghệ thuật trong chị.
Hoà bình trở lại, chị đến với nghiệp làm báo, viết văn. Lại tiếp tục những tháng
năm khó khăn thời bao cấp. Cuộc hôn nhân đến với chị sau những ngày hoạt động
chung trong rừng, có những chung đụng về thể xác, đã không là sự chọn lựa của chị
trên tình yêu. Để, về sau này, khi sống gần nhau, cùng nhau, dần theo thời gian, đã
cho chị thấm thía: Chị phải gánh chịu những đau khổ âm thầm của một người vợ, mà
trái tim hai người không cùng chung nhịp đập. Sau những rạn nứt trong cuộc sống vợ
chồng là cả một quãng thời gian dài chị phải chịu nhiều áp lực nặng nề, bị lên án, từ

gia đình, đến cơ quan.
Ở gia đình, đó là sự ràng buộc của nền nếp gia phong, không cho phép chị đến
hết lòng với người mình yêu, khi chị còn đang là vợ của một cán bộ tuyên giáo tỉnh
với hai con nhỏ. Những người có quyền uy trong gia tộc không cần biết: Chị sống với
chồng mà có tình yêu hay không; chồng chị là một người có tâm tính như thế nào.
Bao nhiêu đau khổ đã đến với chị, khi chị chấp nhận yêu một người đàn ông
đang có vợ. “Chấp nhận và đau khổ. Biết bao nhiêu nước mắt đã chảy. Hơn 11 năm
trời…”, “Nhiều thứ áp lực như thể tôi bị nhốt vào cái thùng phuy mà đậy vậy” [12,
109 – 110].
Sức ép ấy, người phụ nữ làm văn chương ấy phải chịu đựng từ cơ quan, từ gia
tộc, từ con cái và cả của bạn bè, rồi còn cả dư luận nữa.


Nếu không vì một tình yêu chân thật, dễ gì nhà văn nữ của chúng ta có thể vượt
qua được tất cả những sức ép nặng nề ấy với đằng đẵng từng ấy năm.
Rồi còn phải miếng cơm manh áo thường nhật, rồi còn phải nuôi con ăn học,
rồi còn bao lo toan khác. Có lẽ, như những người luôn gặp những cảnh ngộ kém may,
chị như đã được tiêm vaccin để tạo kháng thể, để quen chịu đựng những cảnh ngộ
khó khăn.
Sự kéo dài thủ tục ly hôn, rồi việc không ngại vượt những chặng đường xa
thẳm để đến với tình yêu mới, rồi tâm trạng cứ luôn trĩu nặng khi nghĩ mình chưa lo
cho hai con chu đáo đã luôn trong suy tư của chị, để rồi những băn khoăn ấy đã dồn
nén thành những ám ảnh nghệ thuật của nhà văn.
Dạ Ngân từng thổ lộ “Nghĩa là sống với tất cả các cung bậc tình cảm của
mình, với tất cả giác quan của từng tế bào trong con người mình. Nguyên liệu sẽ sinh
ra từ từng giây phút sống ấy” [71, 179].
Cuộc đời từng trải của chị, lắm khổ đau, từng hạnh phúc, đã vẽ nên chân
dung Dạ Ngân, nhạy cảm, quan sát tinh tế, sống hết mình, cả trong công việc, lẫn
trong tình cảm .
Nhà văn nữ của chúng ta, Dạ Ngân, đã có những quan niệm gì trong tình yêu?

“Tình yêu luôn vừa phải lãng mạn, vừa thực tế, vừa phóng khoáng, lại đòi hỏi bao
dung” [12, 109].
Và “Bởi con đường đến đích cuối cùng bao giờ cũng đòi hỏi tình yêu hai chiều,
đòi hỏi sự hy sinh ghê gớm mới có hạnh phúc”[12, 111].
Có lẽ, nét vẽ chân dung Dạ Ngân gần gũi với nhận định của một nhà nghiên
cứu văn học cao niên, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, về nghề văn: “Phải vật lộn với
hoàn cảnh, nghĩa là phải sống và chiến đấu thật sự, lại phải vật lộn với chất liệu
nghệ thuật, với chữ nghĩa, với chính bản thân mình để chống lại sự lười nhác, dễ dãi,
để tự tạo lấy những vốn liếng mới, những khả năng mới, đáp ứng cho được những
yêu cầu ngày càng cao của xã hội” [46, 88].


Sống thật sự, với những cảm xúc thật của một con người nhạy cảm; với hoàn
cảnh cũng thật, không tạo nên, không tô vẽ, đã tạc nên một Dạ Ngân – Lê Hồng Nga
nhìn từ cuộc đời.
Song, là một nhà văn, điều để phân biệt với người khác, chính là ở tác phẩm
mà người ấy mang đến cho bạn đọc, sáng tạo vì bạn đọc.
Trong suốt hơn hai mươi lăm năm sáng tác của mình, với trên mười lăm tác
phẩm đã được xuất bản, cả truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tản văn, người đọc
dễ dàng nhận ra một chân dung Dạ Ngân nhìn từ sáng tác của chị.
1.1.2. Dạ Ngân – nét vẽ chân dung nhìn từ sáng tác

Mỗi một nhà văn đều có những cách khác nhau trong quá trình sáng tạo
nghệ thuật. Có người đi nhiều, tiếp xúc với nhiều người làm nhiều công việc khác
nhau, để viết nên những trang văn giàu sức sống, như Nguyễn Tuân, như Tô Hoài.
Lại có những nhà văn từ thực tế quan sát được, kết hợp với những kiến thức khoa
học, sáng tạo nên những câu chuyện cổ tích thời nay như Phạm Hổ. Lại có nhà văn
chỉ chuyên viết cho một lứa tuổi, tuổi mới lớn như Nguyễn Nhật Ánh. Mỗi nhà văn
ấy, có những nét riêng trong phong cách, trong sáng tác của mình.
Dạ Ngân đã từng tâm sự “Tôi là tạng nhà văn cái gì không ngấm vào mình,

không trải qua thì không thể viết sâu sắc” [22, 103].
Từ những sáng tác của chị, người đọc dễ nhận ra một chân dung Dạ Ngân
trong muôn mặt đời thường.
Chúng ta có thể nhận ra một Dạ Ngân của ngày thơ ấu trong Miệt vườn xa
lắm. Thuở ở miệt vườn Long Mỹ, Hậu Giang, Tiệp yêu thương, quý trọng, kính phục
vô vàn cô Tư Ràng, cô em út của ba chị, một người đã gác lại cuộc sống riêng của
mình, để nuôi, dạy dỗ một đàn cháu, con của ông anh đi kháng chiến đã ngồi tù với
án hai mươi năm khổ sai.
Chị đã học rất nhiều điều tốt đẹp từ cô. Từ việc kính yêu ông bà nội, việc chịu
khó làm lụng, đến việc thực hiện bổn phận con cháu trong gia đình, cả tính kỷ luật
trong công việc, sự tháo vát, ý thức tiết kiệm, ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc
sống.


Tất cả, chị có được từ cô Tư Ràng. Đọc trọn Miệt vườn xa lắm, gấp sách lại,
mấy ai không có cảm nhận đó. Mẹ chị đã cho chị hình hài. Nhưng người tạo cho chị
tính cách mạnh mẽ mà vẫn luôn đôn hậu lại là cô Tư. Lời của Tiệp trong tác phẩm
cũng là nỗi lòng của nhà văn. “Tình thương với má và với cô là hai ngôi song song
đau khổ trong lòng tôi, giằng xé, tranh cãi nhưng không thể không tồn tại được”. Chị
luôn mang ơn cô Tư, bởi “ Cô đã gồng gánh hết sức bằng sự đảm lược có thể nói là
phi thường”.
Người đọc nhận ra một Dạ Ngân tinh tế, cẩn trọng từ hình ảnh một cô bé Tiệp
ngày thơ “Tôi biết đọc những niềm hy vọng của người khác và tôi biết tiếp tục những
cử chỉ nhỏ nhoi ấy một cách lặng lẽ, ý tứ” và điều quan trọng mà Tiệp ý thức được là
“Tôi cảm nhận được sự kỳ diệu của đời sống tinh thần giữa cô và tôi”; “ Càng ngày
tôi càng thấy cái quỹ đạo của cô thật có lý, sâu sắc”. Một bài học của cuộc đời mà cô
Tư rút ra từ chính bản thân mình quả đúng với mọi người, trong đó có Tiệp. “Nhà
mình không có đàn ông. Ráng chịu cực đi tụi con! Có cực khổ, chừng ra đời tụi con
xông vô chỗ nào cũng thấy nhẹ tênh hết. Ráng đi tụi con!” Tiệp của ngày xưa đã lớn
lên trong công nuôi dưỡng của mẹ, của cô và trong sự dạy dỗ một cách sâu sắc,

gần gũi, yêu thương của cô Tư như vậy đó.
Nếu ở Miệt vườn xa lắm, Tiệp vô cùng kính yêu, nể phục cô Tư Ràng; thì
sang Gia đình bé mọn, hình ảnh cô Tư vẫn luôn trọn vẹn trong trái tim của Tiệp:
“Tiệp thương má bằng tình thương ngậm ngùi xương thịt, nhưng với cô em út của ba
nàng, người đã ở vậy để thay anh trai chăm cha mẹ già rồi gánh vác luôn một bầy
con của ông anh nữa, bà cô Tư ấy xứng đáng được nàng yêu bằng tình cảm thần
thánh, tri kỷ, tình cảm ấy thường khiến nàng mềm lòng và thức tỉnh”.
Vào Cứ, khi mới mười bốn tuổi, là một thiếu nữ, “Tiệp nhớ cô bằng với nhớ
má và luôn ao ước: cô mình ít chữ nhưng mình chỉ mong nữa mình cũng sắc sảo,
xông pha, tinh tế và biển cả như cô thôi”. Trong lòng Tiệp, đã từ rất lâu, có một hình
mẫu để Tiệp ước ao, hướng tới.
Ngoài hình mẫu cô Tư Ràng, Tiệp còn có một người tri kỷ thời ở Cứ:
Chú Tư Thọ, một người bạn vong niên của Tiệp, “người đã tiên đoán con đường văn


chương của Tiệp sau này”, “ Chú Tư Thọ là cha tinh thần đúng nghĩa dưới mái vòm
kiến trúc bằng lý tưởng yêu nước, nàng tin vào dự cảm của chú Tư về dân tộc và
tương lai của mình”[ 59, 114].
Sống dưới sự giáo dục của cô Tư Ràng và sự chỉ bảo của hú Tư Thọ ở những
ngày đầu đi theo cách mạng, phải nói đó là điều đặc biệt quý đối với nhà văn. Sự ảnh
hưởng tính cách cô Tư, sự tin vào dự cảm của chú Tư đã hướng Hồng Nga đến
với văn chương sau này, và gắn bó với chị dài lâu.
Tất nhiên, đời sống của một nhà văn không chỉ có những mối quan hệ đó,
những sự ảnh hưởng đó. Nhưng đây là hai nhân vật chủ chốt, đã có ảnh hưởng đến
cuộc sống của chị, đến sự nghiệp văn chương của chị.
Dạ Ngân đã từng bộc bạch: “Hình như tư chất và tính cách của một người
chính là số phận của người đó” [71,179]. Mà Tiệp thì “Tiệp tung tăng…Tiệp bay
nhảy…Tiệp lai láng…Tiệp thích chỗ đông người” [59, 94].
Tiệp còn là một người phụ nữ có lúc bồng bột để đến nỗi mắc phải sai lầm.
Tiệp đã không dấu nỗi lòng mình khi có những điều thật sự không hoà hợp giữa nàng

và Tuyên. Nhưng quả tình, Tiệp đã sống hết mình và đã nói hết nỗi niềm của mình,
khi không còn chịu đựng được nữa. Một cô Ràng sắc sảo đã thật đúng khi thốt lên:
“Ừ thì con chán nản, con ấm ức nhưng sao lại làm um lên tui có người khác đây,
chồng ơi tui có người khác đây nè! Thân bại danh liệt, con giết con, con giết cả thanh
danh nhà mình…”[59, 98].
Dạ Ngân cũng từng bày tỏ: “Tôi quan niệm nhà văn phải sống trước đã. Sống
tức là viết được phân nửa điều mình muốn tuyên ngôn”[71, 179].
Với những tác phẩm mà chị đã cho ra mắt bạn đọc, có thể thấy, từ Quãng đời
ấm áp, Con chó và vụ ly hôn, Cõi nhà, Nhìn từ phía khác, Nước nguồn xuôi mãi;
rồi Miệt vườn xa lắm, Gia đình bé mọn, đến Lục bình mải miết, 100 tản mạn hồn
quê, Phố của làng, Gánh đàn bà…Người đọc dễ nhận ra thấp thoáng trong những
tác phẩm ấy bóng dáng của chị, những trải nghiệm của chị, tính cách của chị,
những đất, những người mà chị đã từng sống, từng cùng chia ngọt sẻ bùi, lẫn chịu


đựng nhau trong cay đắng. Và cả những chuyện đời mà chị đã được nghe kể lại, tạo
sự xúc cảm trong chị, tạo những day dứt không nguôi trong chị.
Dạ Ngân đã để Tiệp nói thay tiếng nói của lòng mình: “Văn chương với nàng
giống một thứ tín ngưỡng hơn là thứ phương tiện. Nàng không biết nó đến với nàng
từ đâu…Văn chương đã mon men rủ rê nàng từ hồi con nhỏ Tiệp cuộn tròn cuốn tập
học trong tay bước đi dưới vòm cây trong vườn, rồi nó biến thành sự nghiêm cẩn
thường trực khi nàng làm một bài văn trong lớp hay lúc ôm một cuốn sách bất ngờ
bắt được, cuối cùng nó chiếm lĩnh toàn bộ nàng, thiết kế số phận và đẩy nàng đi, đi
mãi” [59,196].
Nhà văn hầu như đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình với văn chương,
chữ nghĩa, trong những lúc còn thảnh thơi, hay những lúc đầy đau khổ, ngổn ngang
trăm mối khi những biến cố gia đình xảy ra, kéo dài. Vậy mà rồi “cũng có lúc nàng
thấy văn chương thật phù phiếm và vô tăm tích” [59,198].
Để có những trang viết gởi tới bạn đọc, Dạ Ngân đã thường tìm đến sự cô đơn.
Trong sự tĩnh lặng của đêm, một mình với chiếc máy chữ và trang giấy, chị đã trải

lòng mình. Cả khi đã tìm được sự hạnh phúc với người mình yêu, sau những năm dài
trắc trở, nhà văn vẫn muốn tìm đến sự cô đơn, để suy ngẫm, và để viết. Chị đã rút ra
được rằng “Yếu tố làm nên hoàn cảnh và điều kiện để người nghệ sĩ tồn tại, ấy là sự
cô độc” [71,180].
Viết văn với gần ba mươi năm, vì gánh nặng chữ nghĩa và cũng vì sinh kế,
nhà văn đã có những chia sẻ: “Với tôi, văn chương hoàn toàn xứng đáng được coi
như đạo, bởi có nói gì gì nó vẫn có ý nghĩa cứu rỗi, hướng thiện cho con người.
Chính vì vậy mà nó cày lật không nương tay mặt trái của xã hội loài người và mảnh
đất tâm linh của kiếp người”[71,179].
Với quan niệm như vậy, chị đã lặng lẽ quan sát, lặng lẽ suy ngẫm, quanh mình
và chính mình, để những trang viết ra đời. Những trang viết ấy, có những nét đẹp tâm
hồn người, có những nét đẹp của cảnh vật, có những chi tiết làm người ta nhớ mãi; lại
cũng rất nhiều chi tiết, nhiều hình ảnh, hành động của con người không đẹp một chút
nào. Dạ Ngân đã có những trang viết “dấm ớt” về nhân tình thế thái, về những


khuất tất của cơn sốt tập đoàn hoá ở miền Nam, về một Hà Nội bị nông thôn hoá
sau những ngày miền Nam mới hoàn toàn giải phóng. Những tồn tại ấy, những
thiếu sót ấy, đã để lại dấu ấn rất đậm trong tâm trí của chị; và với những trang viết
của mình, chị đã khiến bạn đọc không thể nào quên, cùng chị. Nhắc thế, để rồi
cùng hướng mọi người đến một ngày mai, xây dựng một Hà Nội, một thủ đô, và xây
dựng cả nước theo con đường đổi mới.
1.1.3. Một cái nhìn cuộc sống đa dạng, nhiều chiều:

Thực sự đến với văn chương từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng,
nhưng với kinh nghiệm chín năm ở Cứ, đã từng làm cách mạng từ những ngày còn
là một thiếu nữ mười bốn tuổi, Dạ Ngân thực sự đã có nhiều trải nghiệm trong cuộc
đời. Và chị đã là một ngòi bút của cả cái hôm qua và của cái hôm nay.
Với trải nghiệm của mình, Dạ Ngân đã hướng ngòi bút của chị về những
ngày đã qua, những năm tháng còn thơ dại ở miệt vườn ở Long Mỹ, Hậu Giang,

những năm tháng ở Cứ với bao gian khổ xen lẫn ngọt bùi thời kháng chiến,
những sự việc ở thành, ở vùng tạm chiếm; rồi những năm hậu chiến với tập đoàn
hoá ở miền Nam, Hà Nội những ngày sau giải phóng. Cũng là nhà văn của thời
hiện tại, Dạ Ngân hướng ngòi bút đến cả những việc, những người của ngày nay.
Tất cả, với nhiều cảnh đời, nhiều thân phận. Chị đã nhìn cuộc sống với sự đa dạng,
nhiều chiều. Tất cả, đều gắn với con người. Con người với những nét đẹp tâm hồn,
con người với mặt còn khuất lấp, con người trong đời sống tâm linh.
1.1.3.1. Nhìn cuộc sống ở nét đẹp tâm hồn con người.
Dẫu có quan niệm văn chương “cày xới không nương tay mặt trái của xã hội
loài người, thì rồi cuối cùng cũng phải hướng tới cái thiện cho con người”, Dạ Ngân
trước hết, đã hướng ngòi bút của chị đi theo trái tim của chị, nhìn cuộc sống ở nét đẹp
tâm hồn con người.
Ở Quãng đời ấm áp, đó là hình ảnh một chú Tư Thọ, người thủ trưởng Bê
Hai, một cơ quan công tác chính trị tư tưởng thời kháng chiến chống Mỹ. Chú điềm
đạm, chú quan tâm đến anh chị em trong cơ quan, nhất là đối với cô Tiệp, một thiếu
nữ mới vào Cứ. Chú hiểu tâm lý anh em trong đơn vị, chú động viên, chia sẻ với anh


em trong gian khổ của chiến tranh. Yêu những giờ phút hiếm hoi lắng đọng trong Cứ
với chương trình Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam và chú cùng chia sẻ niềm
yêu này với anh em nhân viên trong đơn vị. Với Tiệp, chú là người cha tinh thần
tuyệt vời, như từ trong trí tưởng tượng của chị bước ra. Khi chú hy sinh, Tiệp vẫn
nhớ như in những lời nhắc nhở, những lời động viên tận tình của chú. Những lời dặn
dò ấy của chú, Tiệp xem nó là một thứ hành trang, tạo động lực để chị đi trọn con
đường kháng chiến.
Ở Thợ vẽ truyền thần, là hình ảnh một người hoạ sĩ già, bác Hà. Trước yêu
cầu vẽ lại bức chân dung của một người bộ đội ngày xưa với trang phục trang trọng
của ngày nay, ông đã có những phản ứng tức thời.
Dầu vậy, ông vẫn nhận lời vẽ. Người hoạ sĩ ấy đã hoàn thành bức vẽ với thời
gian sớm nhất và không để phạm một sai sót kỹ thuật nào. Song, ông đã không thành

công. Bởi, từ trong trái tim ông, trái tim của một người hoạ sĩ già có tài, ông đã thấy
việc lắp ghép ấy là khiên cưỡng: Một người lính cụ Hồ năm xưa với dáng vẻ phong
trần, làm sao tương thích được với bộ áo vét, cà vạt của ngày nay.
Ở Trăng về, là hình ảnh của Nguyệt. Nguyệt quê tận U Minh, xứ sở có nhiều
bông tràm và mật ong. Nguyệt đẹp tự nhiên và hoàn hảo, đặc biệt là đôi chân. Một
đôi chân của một người đẹp, giữa hầm bí mật của chiến khu, lại càng thêm khêu gợi.
Bởi nó như một kiệt tác. “Một vẻ đẹp được nhào nặn để được tôn vinh, được công
kênh cho mọi người chiêm ngưỡng nếu như không có chiến trận” [56, 15 – 16].
Không chỉ có thế, Nguyệt còn có tài xoay xở trước việc khó trong Cứ. Để rồi,
muốn tự làm cái phòng tắm có vách làm từ những thân sậy, thân lách, chị đã đi dọn
và rồi vướng phải trái nổ. Đôi chân đẹp đẽ ấy đã chẳng còn ra hình thù gì. Vậy mà,
giữa lúc cực kỳ nguy hiểm ấy, Nguyệt vẫn bộc lộ phẩm chất tuyệt vời của mình “Chị
Nguyệt ngã ngửa, đang cố ngóc dậy để nhìn đôi chân không còn ra hình thù và bằng
tất cả sức mạnh chớp nhoáng, Chị kéo mạnh tôi xuống, cố gắng nghiêng người đè lên
để che đạn cho tôi”.


Lo lắng cho người khác, một đứa em của mình trong khi bản thân đang
bị thương nặng, Nguyệt càng thêm đẹp bội phần. Vẻ đẹp ấy còn nhiều lần hơn dáng
hình của Chị.
Với Ngọn nến phập phồng. Ngữ, một Phó Tiến sĩ sử học, tốt nghiệp ở Đông
Âu, đã nhận lời với bà Loan: Nhận làm cha của một đứa bé khi bản thân cháu bé chưa
biết mặt ba mình. Ngữ đã đau đáu vì lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh của một cô bé mồ
côi : Mồ côi mẹ, rồi bà ngoại cũng mất; cha thì nhiều năm không biết tăm hơi: “Có
một ngọn nến nhỏ trước mặt tôi, ngọn nến rất trắng đang cho tôi ánh sáng phập
phồng của lòng trắc ẩn. Tôi không thể rời bàn tay vun đắp ra khỏi nó được, chỉ vì nó
phải cháy lên cho cuộc đời nó và cho cả phần đời của tôi nữa” [56, 166]. Vẻ đẹp từ
lòng trắc ẩn của Ngữ chưa gặp được sự đồng điệu từ người đầu ấp tay gối với mình.
Chiến tranh đã qua đi trên đất nước chúng ta, những ký ức về nó vẫn chưa
thể xoá nhoà trong tâm trí Dạ Ngân – Chị vẫn từng viết về nó, về những ngày phải

trực tiếp đối mặt với những người bên kia chiến tuyến. Trong sáng tác của Dạ Ngân,
có truyện ngắn Câu chuyện nhiều năm. Truyện là sự nối tiếp mạch truyện Nhìn từ
phía khác, cùng viết đề tài về cuộc gặp gỡ của những cán bộ cách mạng với những
người lính của chế độ cũ, với một cách nhìn khác, đời hơn. Hai mươi lăm năm trôi
qua sau cuộc chiến tranh ác liệt, đã có điều kiện để Chị nhìn về một thời khói lửa, về
những cảnh ngộ, về những tâm trạng, những cảm xúc của những con người ở những
chiến tuyến khác nhau. Câu chuyện nhiều năm đã ghi lại những tâm trạng của
những con người. Truyện đã dẫn dắt người đọc bắt đầu từ sự việc Thẩm vào Cứ thăm
chồng. Trực thăng của địch tràn tới. Giữa toán lính với “Tiếng giày rầm rập nghẹt
thở, những gương mặt râu tóc mụn nhọt nắng nôi được súng đạn và uy lực của trực
thăng hỗ trợ biến thành những gã robot cứng đanh hùng hổ” [49,22] là một hình ảnh
khác của người chỉ huy “viên thiếu uý dong dỏng, gậy chỉ huy rất điệu và đôi kính
cận thư sinh”. Thiếu uý Ng. Đ. Sang, người chỉ huy cuộc đổ quân, đã nhận ra ngay
được Thẩm, khi nhìn thấy cây đèn chai đặc trưng của những người đi Cứ và hộp kem
nho nhỏ, loại kem trang điểm thịnh hành thời đó.


Thiếu uý Sang đã không quá ngây thơ để không nhìn ra chị. Cuộc đối thoại rất
lạ lùng giữa thiếu uý Sang và Thẩm đã tái hiện trước người đọc một cảnh ngộ cam go
thời khói lửa. Nhưng sâu xa hơn cả, sau những câu nói tưởng như đùa một thiếu uý
kiểng, lại thấy thấp thoáng một tấm lòng. Có thể xuất phát từ cái nhìn trước một cô
gái khá xinh, người thiếu uý ấy không nỡ để cô làm “bia thịt”. Sang đã là một người
có lòng nhân, một tâm hồn đẹp khi nói với Thẩm “Tụi tui sẽ để ba má con trở lại
chòi cũ trước, cứ bám hầm cho chắc ăn, tụi nó không hơi đâu diệt hết từng cái chòi.
Quân rút, pháo cũng nghỉ mệt, chừng đó xuống ghe về hay ở lại với Việt cộng thây kệ
các người” và “Hộp kem thì trả, còn chai đèn, cho giữ làm kỷ niệm chơi há!”.
Hành động và lời nói ấy, đã khiến Thẩm không thể nào quên buổi trưa của trận
càn. Thẩm đã nhận ra rằng, chị đã rất mang ơn hai mẹ con người nông dân đã nhận
chị làm thành viên trong gia đình. “Chị cảm thấy rõ ràng sự thiêng liêng biển cả, đó
là sự cưu mang vô điều kiện của nhân dân, lòng dân, sự vĩ đại của nhân dân” [49,

21]. Và lẽ nào, chị không nhận ra viên thiếu uý đại đội trưởng thư sinh với đôi kính
cận ấy lại là người không thực thi mệnh lệnh của cấp trên anh ta: tìm diệt những
người theo kháng chiến.
Nếu ở mảng truyện ngắn, Dạ Ngân, bằng nét bút tài hoa mà sắc sảo của mình,
đã khắc vào lòng bạn đọc hình ảnh những con người trong muôn mặt đời thường với
những tấm lòng nhân hậu, đẹp đẽ; thì với mảng truyện vừa, chị cũng đã tạc nên
những hình ảnh tươi đẹp, với những sắc màu đậm nhạt khác nhau.
Hình ảnh cô Câm trong Miệt vườn xa lắm là những nét chấm phá của một con
người tốt, trong chị. Cô Câm bụng mang dạ chửa, vẫn chạy đuổi theo Tiệp, để trả lại
cho Tiệp gói tiền mà cô bé đã đánh rơi.
Hình ảnh người cha của Tiệp, đã ủng hộ nhà máy dệt lụa tơ tằm cho Tuần lễ
vàng kháng chiến để rồi trở thành một cán bộ kháng chiến gương mẫu, cho gia đình,
cho cả dòng họ. Sự đóng góp ấy cho kháng chiến, cũng có thể nói, là tấm gương điển
hình. Nhưng nổi bật hơn cả trong Miệt vườn xa lắm, người đọc rất dễ nhận ra, cô Tư
Ràng cứng rắn như đàn ông, nhưng hết sức nhân ái, đôn hậu. Chồng Cô qua đời khi
cô ở độ tuổi hai mươi tám, Cô đưa con của mình ra thành cho nội nó. Rồi “Cô quay


về nhận một lời ký thác của ba tôi: – Làm đàn ông, lúc này anh không mặt mũi nào ở
nhà. Anh giao ba, má vườn tược với bầy con anh cho em. Anh biết chị dâu em vụng
mà con anh đông, anh trông cậy vào em nghen Ràng!”; “Ai chớ ba tôi mà cầu xin thì
cô tôi chỉ còn nước chôn tuổi trẻ xuống đất mà đứng lên. Vì ba tôi là anh trai duy
nhất, người đàn ông toàn diện, tuyệt vời nhất mà cô tôi tôn thờ. Tình cảm của cô
dành cho ba tôi là vô điều kiện, trang trọng, mãi mãi” [58, 64].
Cứ thế, thực hiện theo đúng lời hứa với anh trai mình, cô Tư, ở độ tuổi hai
mươi tám, đã gác lại tình duyên, giao con mình về nội nó, để toàn tâm toàn ý thay
anh lo cho cha mẹ già, đàn con dại của ông anh, cùng với người chị dâu, bươn chải
làm lụng, một nắng hai sương, để nuôi bầy cháu, dạy dỗ bầy cháu khôn lớn. Cô, dẫu
không biết chữ, nhưng đã thuộc tên, thuộc mặt những nhà tù mà anh cô đã từng nếm
trải. Để khi anh chết trong nhà tù Côn Đảo, những đêm thanh vắng, cô đã bật khóc,

những trận khóc đêm thất thường .
Có trực tiếp tiếp xúc với nhà văn Dạ Ngân, mới thấy được niềm kính yêu, sự
quý trọng, lòng biết ơn của chị đối với người cô của mình. Bởi tất cả những gì cô Tư
đã mang lại cho chị em Hồng Nga là tài sản quý giá nhất đối với chị em chị. Cô Tư
Ràng trong đời thực, đã là nguyên mẫu cho nhân vật Tư Ràng trong Miệt vườn xa
lắm và Gia đình bé mọn của Dạ Ngân.
Ở tiểu thuyết Gia đình bé mọn, chúng ta lại gặp những nét đẹp khác của tâm
hồn con người.
Bà ngoại Hai, bà bác quen dọc đường, đã giúp đỡ tận tình cho Tiệp khi mẹ con
chị khệ nệ tay xách nách mang, nhất là lúc chị bị băng huyết trên đường đi lại, khi từ
thị trấn Điệp Vàng đến Bệnh viện, như tấm lòng thương người của mọi bà mẹ.
Bà mẹ Đính, quý trọng con mình, quý yêu cháu nội. Bà đã hiểu được tình cảm
và tâm trạng của Đính, khi vợ chồng sống không thuận hoà. Để, với sự giới thiệu tỉ
mỉ, đầy thiện cảm của con trai, bà đã thu xếp gặp người thương của con mình.
1.1.3.2. Nhìn cuộc sống ở mặt còn khuất tất của con người thời hậu chiến
Con người với những nét đẹp tâm hồn đã đầy ắp trong các sáng tác của Dạ
Ngân. Điều đó phần nào nói lên tấm lòng nhân hậu của chị. Yêu cuộc sống, yêu con


người, đã giúp chị xây dựng nên những hình tượng đẹp đẽ, những nhân cách đáng
ngưỡng vọng.
Song, không chỉ có thế. Bởi cuộc sống muôn màu vẫn còn làm chị có những
trăn trở, nghĩ suy. Một Dạ Ngân đã rất nhạy bén, tinh tế khi nhìn ra những mặt còn
khuất tất của con người, nhất là ở thời hậu chiến.
Những khuất tất ấy, dễ nhận ra ở Gia đình bé mọn.
Đó là hình ảnh của những con người một thời làm mưa làm gió đối với người
dân, của những cán bộ thương nghiệp, cán bộ quản lý thị trường, của những cán bộ
văn hoá thông tin thời bao cấp.
Đúng như quan niệm của nhà văn nữ đồng bằng sông Cửu Long “Văn
chương,… nó cày lật không nương tay mặt trái của xã hội loài người…”. Mặt trái ấy,

có không ít trong cuộc sống hôm nay. Mặt trái ấy, luôn hiện diện trong tác phẩm của
Dạ Ngân.
Chính văn hoá thương nghiệp độc quyền đã làm cho những người cán
bộ thương nghiệp, khi biết được lợi thế của mình, đã có những lời lẽ, hành vi, xử
xự thiếu văn hoá đối với nhân dân, trong những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn
giải phóng.
Tệ hại hơn nữa, những cán bộ văn hoá thông tin, là những người cần có thái độ,
hành vi có văn hoá đối với dân, đã có những hành động quá thô lỗ, cực kỳ thiếu văn
hoá: “Đang đi, vụt cái tiếng còi, còi hẳn hoi nhá, một tổ ba ông băng đỏ hẳn hoi ở
đâu túa ra hỏi giấy, túm tay như mình bị truy nã. Thế rồi áp vô gốc cây dùng kéo sởn
một nhát nhanh như AQ bị người ta cách mạng cái đuôi sam đi” [59, 43].
Để đến nỗi, nhà văn đã phải thốt lên “Ở dưới địa ngục người ta cũng không đối
xử với tóc dài quần loe như mấy ông văn hoá thông tin xứ này!”
Một con người khác, Tuyên, bản thân là một cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh, đã
có những thái độ vô trách nhiệm, hoàn toàn thiếu tình cảm đối với người vợ đầu ấp
tay gối của mình, khi đến ba lần, chị phải tự đi phá thai lấy một mình, để anh rảnh
rang lo việc cơ quan.


Tiệp đã u buồn nhớ lại: “Lần thứ hai rồi lần thứ ba, lần nào nàng cũng trèo từ
chiếc honđa 67 của chồng xuống, một mình chiến đấu với mọi công đoạn, lại đói và
khát, xế chiều lại tự đi mua thuốc rồi ra cổng vẫy xe lôi về nhà nằm rũ xuống như
một tàu lá héo. Không lần nào Tuyên đi vắng, cơ quan anh cũng chưa di dời, bệnh
viện tỉnh vẫn nằm trên trục đường cơ quan Tuyên giáo tỉnh với nhà của anh”. Để rồi
chị lại biện minh cho chồng: “Hay anh thuộc nhóm máu cá, xa môi trường nước của
công sở một lát là anh không chịu nổi và sự tận tuỵ tuyệt đối của anh với cương vị
phó phòng tuyên truyền của Ban là đáng được thông cảm và đề cao?” [59,54].
Khi nghe Tiệp đặt vấn đề không nên kéo dài cuộc hôn nhân không có tình yêu,
Tuyên đã có những lời lẽ nặng nề đối với nghề nghiệp và niềm đam mê của vợ mình
“Đã nói dính tới văn chương là trốn chúa lộn chồng mà. Cô với thằng nào, thằng văn

thơ trời đánh nào hả?”;“Ra khỏi nhà để thành điếm chớ gì? Đã bảo đi với cái ngữ
ăn trợn nói trạo đó là hư thân mất nết ngay mà!” [59, 84].
Giữa Tiệp và Tuyên mãi mãi là sự không hoà điệu, trong cuộc sống vợ chồng.
Tiệp quá nhạy cảm, Tuyên lại quá thờ ơ. Thờ ơ quá mức đối với vợ của mình, kể cả
khi vợ trong cơn thập tử nhất sinh, băng huyết vì sẩy thai, thế mà “mãi sáng hôm sau
Tuyên mới nhắn xuống: Ba ngày nữa sẽ ngồi xe cơ quan xuống đón mấy mẹ con về
luôn. Yên tâm, đã hỏi qua ý kiến của bác sĩ của Ban bảo vệ sức khoẻ Tỉnh uỷ trên
này, băng huyết vì sẩy thai mà can thiệp kịp thời thì không có việc gì đâu!” [59,104].
Hồng Nga trong đời thực đã phải gánh chịu những đau đớn một mình, giữa
những cơn thập tử nhất sinh. Sự quá đỗi thờ ơ của chồng trước những giờ phút
nghiêm trọng nhất của đời nàng đã khiến những trang viết trong Gia đình bé mọn
càng dễ gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc. Gia đình bé mọn giàu chất tự
truyện, về cuộc đời của Lê Hồng Nga_ Dạ Ngân, vừa tươi rói chất sống, lại trầm
chất nghĩ suy về thân phận con người và tình người trong những trạng huống gay
go nhất.
Dạ Ngân đã rất sắc sảo để nhận ra rằng: Nhiều điều còn khuất tất của con
người thời hậu chiến vẫn đang diễn ra quanh chị, trong cuộc sống của chúng ta. Nó


không chỉ quẩn quanh trong gia đình chị; mà nó vẫn còn hiện hữu ở trong những con
người có chút ít quyền hành trên chị .
Đã có lúc Tiệp hoang mang, Tiệp tưởng chừng như mình phải gục ngã trước
bao sức ép, từ gia tộc, đến cơ quan. Bởi “Một trong những sự yếu đuối của con người
là sợ bị cộng đồng lãng quên hoặc ruồng bỏ” [59, 201]. Nhưng rồi, chính nhờ nhìn ra
những điều khuất tất quanh mình, sống thực với lòng mình, với tình cảm cao đẹp và
chân thật của mình, Tiệp đã vững chải đứng lên.
Bao nhiêu điều còn chưa trọn vẹn, chưa đường hoàng của con người thời hậu
chiến vẫn hiện diện trong sáng tác của Dạ Ngân, mà tiêu biểu nhất, vẫn ở Gia đình
bé mọn.
Song, chị không chỉ nhìn thấy cuộc sống ở những mặt còn khuất tất của tâm

hồn con người; sống trong dòng chảy của văn hoá Việt, Dạ Ngân đã có những lúc
nhìn cuộc sống ở đời sống tâm linh.
1.1.3.3. Nhìn cuộc sống ở khía cạnh đời sống tâm linh của con người
Người Việt Nam chúng ta, từ xa xưa, đã rất coi trọng đời sống tâm linh. Có lẽ,
một phần, khi gặp khổ đau, bất trắc, ông cha ta vẫn luôn tin vào những điều thiêng
liêng, bí ẩn, để giúp mình vượt qua khó khăn, vươn lên phía trước. Truyện Kiều là
một kiệt tác văn chương của dân tộc ta, vẫn thấm đẫm niềm tin vào đời sống tâm linh
khi rọi soi số phận nàng Kiều. Những lận đận của một đời người mãi gieo vào lòng
những người dễ rung cảm những nghĩ suy, ưu tư. Đối với Dạ Ngân cũng vậy.
Cuộc sống với không ít những đau khổ, khó khăn cả vật chất và đời sống tình
cảm, đã tạo cho Dạ Ngân tin vào đời sống tâm linh của con người “Đời có số hết”
[59, 292].
Sâu xa hơn, khi nghiệm hoạ phúc đời mỗi con người, nhân vật trong tác phẩm
của Dạ Ngân đã từng nói “Tại tụi bây, hồi vô cái nhà này tụi bây không cúng kiếng lễ
lạt đất đai thần thổ mà thằng Biên còn quật đổ trang Phật với bàn thờ gia tiên của
người ta” [56, 31]. Sống cho phải với đạo lý ở đời, để được phúc, để lánh hoạ, đã ăn
sâu trong tâm hồn người Việt; và cũng đã ẩn chìm trong tâm hồn nhà văn.


×