Tải bản đầy đủ (.doc) (14 trang)

skkn GIẢI QUYẾT một số TÌNH HUỐNG sư PHẠM TRONG TRƯỜNG TRUNG học PHỔ THÔNG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (118.61 KB, 14 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐỒNG NAI
TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI- TP. BIÊN HOÀ.

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
ĐỀ TÀI :

GIẢI QUYẾT
MỘT SỐ TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM
TRONG TRƯỜNG
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG.

GV THỰC HIỆN : NGUYỄN THỊ NHÃN.
TỔ SINH –CÔNG NGHỆ - THỂ DỤC - QUỐC PHÒNG.

1


I/ ĐẶT VẤN ĐỀ :
Trong những năm gần đây, ngành giáo dục đã quan tâm nhiều đến
vấn đề: ”Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ”. Một số hiện tượng đáng
tiếc đã liên tục xảy ra như : Chỉ vì một xích mích nhỏ mà học sinh đã
dùng dao đâm bạn. Học sinh không thuộc bài bị cô giáo phạt cũng nhảy
lầu tự tử. Học sinh bị công an bắt xe do vi phạm luật giao thông , bị giáo
viên trách phạt cũng tự tử. Nhiều trường hợp xảy ra xô xát giữa giáo viên
và học sinh .....và được kết luận : là do học sinh thiếu kĩ năng sống.
Năm học này, ngành giáo dục đã phổ biến vấn đề : ” Giáo dục kỹ
năng sống cho học sinh trong trường phổ thông. ” đây là đề tài rất được
xã hội quan tâm, đặc biệt là những giáo viên đang trực tiếp công tác
giảng dạy.
Theo tôi, để có thể ”Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh” thì trước
hết người giáo viên phải có kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử các tình huống


sư phạm. Chính vì vậy mà tôi đã chọn đề tài : GIẢI QUYẾT MỘT SỐ
TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM TRONG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ
THÔNG.
II/ THỰC TRẠNG :
Trong quá trình công tác trong môi trường giáo dục , Tôi nhận
thấy :
Một số giáo viên vừa có chuyên môn giỏi, vừa có tinh thần trách
nhiệm cao, có kỹ năng ứng xử sư phạm tốt , luôn được các học sinh tin
yêu kính trọng và đồng nghiệp nể phục.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận giáo viên thiếu kỹ năng ứng xử sư
phạm. Một số trường hợp đáng tiếc xảy ra mà chúng ta đã biết như : Giáo
viên bị học sinh quây lại xin điểm và có thái độ vô lễ, giáo viên không
kiềm chế được đã văng tục bị học sinh phát tán lên mạng. Hay giáo viên
anh văn ở một trường chuyên phía Bắc đã la mắng học sinh hơn hai mươi
phút trong giờ dạy. Giáo viên bị học sinh túm cổ áo hăm doạ. Giáo viên
bị học sinh chặn đánh trước cổng trường...
Việc không khéo léo giải quyết các tình huống xảy ra rất dễ dẫn
đến những bất đồng giữa giáo viên và học sinh. Điều này thường làm cho
giáo viên căng thẳng áp lực mỗi khi lên lớp và bi quan, chán nản với
nghề nghiệp. Về phía học sinh, sẽ không có hứng thú khi học bộ môn ,
dẫn đến những hành vi tiêu cực.
III/ NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN KHI NGHIÊN CỨU
ĐỀ TÀI
1/ THUẬN LỢI
Trong 10 năm công tác, tôi đã được giảng dạy ở 8 trừơng khác
nhau gồm: trường THPT, trường Bổ túc Văn hoá, trường Dạy
2


nghề...Phân bố từ TP.HCM đến các trường huyện xa cuả tỉnh Đồng Nai.

Đó là những môi trường giáo dục rất khác nhau:
Có trường chuẩn quốc gia , với những học sinh đạt chuẩn,vừa có
khả năng tiếp thu bài tốt, vừa chấp hành tốt nội quy và đa số các em có
điều kiện thuận lợi để học tập, có mái ấm gia đình đầy đủ và nhận được
trọn tình yêu thương.
Trái lại, ở những trường dân lập, trường dạy nghề trường bổ túc
văn hoá thì có quá nhiều đối tượng khác nhau. Có học sinh di chuyển nơi
sống theo cha mẹ không xin được trường công. Có học sinh do phải lao
động phụ giúp kinh tế cho gia đình và tự nuôi dưỡng bản thân nhưng có
ý chí phấn đấu học tập. Có những học sinh ham chơi lười học, khả năng
tiếp thu bài yếu kém. Có những em mồ côi không cha mẹ sống trong các
cô nhi viện , trong nhà dòng , trong nhà chùa ... Có những em bố mẹ rất
thiếu trách nhiệm và thiếu văn hoá, trong gia đình chúng thường bị bạo
hành, nghe những lời xúc phạm và những hành vi cư xử thô tục cuả cha
mẹ hàng ngày.
Tôi nhận thấy, đối với những trường chuẩn, học sinh rất cần những
giáo viên có chuyên môn cao, kiến thức sâu rộng. Vì ở môi trường này đa
số các em khao khát tìm kiếm kiến thức , rất ngoan và vâng lời. Hành vi
ứng xử cuả các em khá chuẩn mực, ít xảy ra những tình huống nghiêm
trọng. Tuy nhiên , đối với những trường dân lập, dạy nghề, bổ túc văn
hóa đa số các em tiếp thu bài rất yếu , các hành vi ứng xử rất thô, mộc
mạc, thiếu tế nhị, đôi khi thô thiển. Ở những môi trường này học sinh rất
cần những giáo viên có tâm huyết , nhân hậu, rộng lượng, vị tha biết
thông cảm chia sẻ , biết kiềm chế .
2/ KHÓ KHĂN
Vấn đề ứng xử cuả tôi với các tình huống sư phạm chỉ mang tính
chất cá nhân chủ quan . Kiến thức về tâm lí giáo dục được đào tạo rất
chung chung , ít có những tình huống cụ thể. Chính vì vậy , tài liệu tôi
viết có thể thiếu tính logic, kỹ thuật mà chỉ thiên về cách ứng xử theo
cảm tính chủ quan cuả tôi.

IV/ NỘI DUNG :
1/ NHỮNG TÌNH HUỐNG LIÊN QUAN ĐẾN GIỜ DẠY BỘ MÔN
A/ TÌNH HUỐNG 1 :

Kiểm tra bài cũ, học sinh nói chưa thuộc bài.
MỘT SỐ CÁCH XỬ LÍ CHƯA PHÙ HỢP :

3


• Cách xử lí 1 : Cho HS 0 điểm , ghi sổ đầu bài, báo cáo giáo viên
chủ nhiệm (GVCN) và quản sinh xử lí. Nếu học sinh đã vi phạm
vài lần thì đề nghị mời phụ huynh.
Biện pháp này thường được áp dụng nhưng tính giáo dục không cao vì
cho học sinh 0 điểm mà không yêu cầu phải hoàn thành công việc thì học
sinh sẽ mất cơ hội sửa sai . GVCN có thể phạt học sinh hay nhắc nhở
nhưng vẫn không làm cho học sinh hiểu bài hay thuộc bài được vì không
có chuyên môn.
• Cách xử lí 2 : Cho học sinh 0 điểm và yêu cầu chép phạt 100 lần.
Biện pháp cho chép phạt 100 lần cũng không phải là biện pháp giáo dục
tốt vì như thế là quá nhiều.Học sinh khó hoàn thành yêu cầu cuả giáo
viên nên có thể sẽ phản tác dụng.Hoặc học sinh hoàn thành được yêu cầu,
thuộc được bài cũ thì lại bỏ bê những môn học khác. Tôi biết có trường
hợp giáo viên bắt học sinh chép phạt hai trăm lần câu : ”Từ nay em hứa
sẽ thuộc bài ” .
• Cách xử lí 3 : Đuổi học sinh ra khỏi lớp.
Biện pháp đuổi học sinh ra khỏi lớp là phản tác dụng, làm ảnh hưởng đến
việc học bài mới cuả học sinh và khi học sinh ở bên ngoài lớp thì giáo
viên không quản được.
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP:

Cho 0 điểm, yêu cầu phải hoàn thành nội dung bài học, giáo viên
sẽ kiểm tra lại vào tiết sau. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở,
răn đe học sinh. Nếu học sinh xin đề nghị được sửa sai, được kiểm tra lại
vào tiết học sau thì giáo viên nên chấp nhận đề nghị này và cho học sinh
cơ hội.
Quan điểm cuả tôi, giáo dục là một quá trình, không nên đóng
khung điểm bởi một lần kiểm tra bất chợt. Có thể do buổi học đó sức
khoẻ cuả em không tốt, gia đình có chuyện riêng hoặc vì lí do nào đó mà
em chưa hoàn thành bài vở khi đi học.Tuy nhiên, cũng nên có điểm trừ ở
lần kiểm tra bài sau vì lỗi cuả lần trước chưa thuộc bài, để phân biệt
những em chăm học và những em chưa chăm. Hoặc cho điểm thưởng
những lần phát biểu xây dựng bài, cộng thêm điểm vào cột điểm miệng.
Cách cho cột điểm miệng linh động cuả tôi rất được các học sinh ủng hộ
và cũng khuyến khích phát huy được tinh thần học tập cuả các em.
L ưu ý :- Khi kiểm tra bài cũ đừng quá cứng nhắc. Nếu nội dung này học
sinh không biết thì hỏi nội dung khác . Đặt nhiều câu hỏi, cho học sinh
nhiều cơ hội có ý nghĩa rất quan trọng với những học sinh trung bình, yếu
...
- GVCN và phụ huynh chỉ phối hợp hỗ trợ nhắc nhở động viên
chứ không thể trực tiếp cải thiện chất lượng học tập bộ môn cuả các em.
4


B/ TÌNH HUỐNG 2 :
Giáo viên kiểm tra vở bài tập, học sinh chưa làm bài,
trả lời lí do không biết làm ?
CÁCH ỨNG XỬ CHƯA PHÙ HỢP :
La mắng học sinh, yêu cầu viết kiểm điểm, ghi sổ đầu bài, phạt lao
động , cho hai ba điểm 0 vào sổ...
Xử lí theo cách này không có hiệu quả giáo dục, làm giáo viên và

học sinh căng thẳng hơn. Phạt lao động vừa mất thời gian và không liên
quan đến môn học.
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP :
GV kiểm tra cả lớp, nếu đa số học sinh đều làm bài được, chứng tỏ
học sinh đó lười hoặc yếu. GV chỉ cho HS đó những bạn làm bài tốt để
học hỏi và yêu cầu phải hoàn thành, GV sẽ kiểm tra lại vào tiết sau.
Trường hợp đa số lớp không làm bài và giáo viên kiểm tra một số
học sinh vẫn không thể làm được các dạng bài tập đó thì giáo viên phải
sắp xếp thời gian giảng lại bài cho học sinh.
Trường hợp đa số lớp không làm bài vì lười thì giáo viên phê
bình, yêu cầu các em phải hoàn thành các nội dung và sẽ kiểm tra lại. Có
thể phải cho điểm phạt .

C/ TÌNH HUỐNG 3 :
Giáo viên đang giảng bài, học sinh ngắt ngang : ”Thầy
giảng em chẳng hiểu gì cả .”
CÁCH ỨNG XỬ KHÔNG PHÙ HỢP :
Nóng nảy, mất bình tĩnh , quát mắng hoặc dùng bạo lực với học
sinh...
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP :
Yêu cầu học sinh đặt câu hỏi để kiểm tra xem học sinh không hiểu
nội dung nào. Nếu học sinh biết đặt câu hỏi thì giáo viên sẽ nhờ một số
học sinh trong lớp trả lời câu hỏi của bạn. Các học sinh khác trả lời được,
chứng tỏ bài giảng của giáo viên không có vấn đề.
Nếu câu hỏi của học sinh không liên quan đến bài giảng, và không
cần thiết phải trả lời thì giáo viên hẹn sẽ trả lời câu hỏi của học sinh vào
cuối giờ và tiếp tục bài giảng.
Nếu học sinh không thể đặt được câu hỏi nào và có thái độ khiêu
khích , trêu đùa, chọc tức. Trong trường hợp này, phải nghiêm giọng
5



nhắc nhở học sinh không được đùa cợt thái quá trong lớp, nếu tái phạm
sẽ không được tham dự tiết học.

D/ T ÌNH HUỐNG 4 :
Giáo viên đang giảng bài, học sinh đứng lên phát biểu : “
Thưa cô bạn A ném bút xoá vào mặt em, em cần cô phải xử
lí ngay”.
CÁCH ỨNG XỬ CHƯA HỢP LÍ :
Sa đà xử lí, tìm hiểu đúng sai, phân tích mất thời gian. Nếu trong
tiết học có hai ba tình huống như thế sẽ làm hỏng cả tiết dạy.
CÁCH ỨNG XỬ HỢP L Í :
Giáo viên ghi nhận tình huống báo cáo của học sinh và hứa sẽ xử lí
sau rồi tiếp tục bài giảng. Cố gắng dành một ít thời gian cuối giờ để tìm
hiểu đúng sai và có biện pháp phù hợp. Nhắc nhở chung cả lớp phải
chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập , tránh làm phiền bạn và gây mất trật tự
trong lớp.Nếu cần thiết phải nhờ bạn chuyển dùm , tránh quăng ném lộn
xộn trong lớp.
Trường hợp tình huống báo cáo của học sinh là giả, học sinh cố ý
trêu đùa giáo viên thì phải nghiêm khắc nhắc nhở , phê bình.
Nếu tình huống khá phức tạp, mất nhiều thời gian xử lí ( Học sinh
này cứ khăng khăng đổ tội, học sinh kia nhất quyết không nhận khuyết
điểm ...) thì nên để giáo viên chủ nhiệm và quản sinh xử lí.
E/ TÌNH HUỐNG 5 :

Giáo viên đang ghi bảng.Một bịch nước ném trúng
ngay lưng giáo viên, áo ướt, quay xuống , cả lớp im lặng.Có
hai học sinh đang cười phía cuối lớp .Cần xử trí như thế
nào?

CÁCH ỨNG XỬ CHƯA HỢP LÍ :
-Khóc, bỏ lớp ra ngoài, không dạy.
-Yêu cầu hai học sinh đang cười đứng dậy, la mắng, cho
điểm 0, hít đất 100 lần, đề nghị giáo viên chủ nhiệm hạ hạnh kiểm ...
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP :
Nhờ một số học sinh lau khô áo và các vết dơ . Hỏi xem học
sinh nào đã thực hiện hành vi trên. Nếu học sinh tự giác đứng lên nhận
khuyết điểm và xin lỗi giáo viên, thì giáo viên cũng nên phê bình nhắc

6


nhở cả lớp rút kinh nghiệm, nhận lời xin lỗi cuả học sinh và tiếp tục bài
giảng.
Nếu học sinh vi phạm không tự giác nhận lỗi, lớp có thái độ
bao che... thì giáo viên cũng nên bình tĩnh tiếp tục bài giảng. Thông báo
cho học sinh biết rằng việc biết nhận lỗi và sửa chữa những lỗi phạm là
điều rất đáng trân trọng. Giáo viên sẽ tìm người phạm lỗi sau và có biện
pháp giáo dục phù hợp.

F/ TÌNH HUỐNG 6 :
Giáo viên đang dạy thì đôi guốc cao gót gãy đôi. Phải xử lý
sự cố trên như thế nào ?
CÁCH ỨNG XỬ TÌNH HUỐNG CHƯA HỢP LÍ
- Giảng bài trong tình trạng chân thấp chân cao.
- Giảng bài trong tình trạng chân đất.
- Bỏ lớp ra ngoài, không dạy.
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP :
- Mượn tạm đôi giày cuả một học sinh nữ dễ mang và tiếp tục
bài giảng.


G/ T ÌNH HUỐNG 7 :
Học sinh nghe nhạc trong giờ học.
CÁCH ỨNG XỬ CHƯA PHÙ HỢP :
- Làm lơ, mặc kệ học sinh.
- Đuổi học sinh ra khỏi lớp.
- Nếu học sinh không chấp hành thì la mắng rồi ngồi khóc.
CÁCH ỨNG XỬ HỢP LÍ :
- Đến tận nơi yêu cầu học sinh tắt nhạc và chờ đợi học sinh
thực hiện lệnh cuả giáo viên ( Có trường hợp giáo viên đứng trên bục
giảng nhắc nhở, la mắng học sinh vi phạm không nghe gì cả ). Nếu học
sinh chấp hành ngay, thì nhắc nhở phê bình học sinh không được tái
phạm và phải chú ý vào bài giảng.
- Trường hợp học sinh cố tình vi phạm, chây ì, có thái độ vô
lễ, xúc phạm giáo viên và không chấp hành yêu cầu thì giáo viên nên yêu
cầu quản sinh đưa học sinh ra ngoài xử lí , để giáo viên tiếp tục tiết dạy.

H / TÌNH HUỐNG 8 :

7


Giáo viên vào lớp, thấy cảnh tượng một lớp học
nhếch nhác, bừa bộn, bàn ghế lộn xộn, rác khắp nơi... Nếu
gặp tình huống này, cần xử trí như thế nào ?
CÁCH XỬ LÍ CHƯA PHÙ HỢP :
- Xem như không có chuyện gì xảy ra, tiến hành tiết dạy bình
thường.
- Bỏ lớp xuống phòng giáo viên ngồi, không dạy.
- La hét, điều động học sinh dọn dẹp phòng học.

CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP :
- Trường hợp này cần thiết phải báo quản sinh, vừa để phối
hợp điều động học sinh dọn dẹp , tránh mất trật tự và mất thời gian, vừa
để quản sinh ghi nhận tình hình lớp học để có biện pháp quản lí lớp tốt
hơn, tránh trường hợp tương tự tái diễn.
- Nếu hiện tượng trên thường xuyên tái diễn thì nên báo cáo
ban giám hiệu, quản sinh, giáo viên chủ nhiệm cần có biện pháp quản lí
vấn đề vệ sinh lớp học tốt hơn.

I / TÌNH HUỐNG 9 :
Học sinh cố tình đùa giỡn quậy phá trong lớp để
chọc tức giáo viên.
CÁCH ỨNG XỬ CHƯA PHÙ HỢP :
- Vẫn dạy trong tình trạng lớp rất ồn , thiếu tập trung.
- Phạt học sinh đứng tại chỗ hết tiết. Điều này là không nên
vì sẽ làm ảnh hưởng đến tầm nhìn cuả các học sinh phía sau.
- Phạt học sinhh hít đất 200 lần . Đây là hình phạt vừa mất
thời gian, mất trật tự lớp học, vừa nguy hiểm với những em bệnh tim
mạch.
- Đứng trên bục giảng ném phấn. Đây là hành vi nhiều giáo
viên áp dụng nhưng hành vi này thiếu văn hoá và nguy hiểm vì có thể
giáo viên ném trúng học sinh khác hoặc vào chỗ nguy hiểm như mắt...
- Tức giận đánh học sinh.
- La mắng học sinh bằng ngôn ngữ thiếu văn hoá...
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP :
- Trong trường hợp này, giáo viên nên nhắc nhở học sinh cần
giữ trật tự tập trung học tập hoặc yêu cầu học sinh đứng trả lời một số câu
hỏi liên quan đến nội dung đang học. Nếu học sinh trả lời được vẫn cần

8



nhắc nhở học sinh giữ trật tự để tôn trọng các bạn học sinh khác và tôn
trọng giáo viên.
- Nếu đã nhắc nhở vài lần mà học sinh vẫn tái phạm thì yêu
cầu ra khỏi chỗ ngồi, đứng ở góc lớp để theo dõi bài học.
-Nếu học sinh có thái độ vô lễ , bất hợp tác với giáo viên thì
nhờ quản sinh đưa ra ngoài xử lí.

K/ TÌNH HUỐNG 10 :
Giáo viên đang giảng dạy, có một nhóm học sinh khác xông vào lớp
đánh đập một học sinh trong lớp.Nếu gặp tình huống này nên xử trí
thế nào ?
CÁCH ỨNG XỬ CHƯA PHÙ HỢP :
- Đứng chết lặng, không có phản ứng gì cả.
- Sợ hãi bỏ chạy ra khỏi lớp.
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP :
- Đây là một tình huống rất nguy hiểm , cần giáo viên phải
nhanh trí và bĩnh tĩnh. Vừa yêu cầu một số học sinh gọi điện thoại cho
bảo vệ đến, vừa phối hợp với các học sinh khác trong lớp khống chế đối
tượng và tước bỏ hung khí. Sau đó, phải kịp thời báo cáo với ban giám
hiệu để có biện pháp đảm bảo an ninh học đường tốt hơn.

2/ CÁC TÌNH HUỐNG LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC
CHỦ NHIỆM :
A/ TÌNH HUỐNG 1 :

Giáo viên chủ nhiệm được giáo viên bộ môn thông
báo tình hình học tập bộ môn cuả một số học sinh chưa tốt
như thường không học bài , không làm bài tập…

CÁCH XỬ LÍ CHƯA PHÙ HỢP:
- Cho viết kiểm điểm.
- Phạt học sinh đi lao động.
- Mời phụ huynh đến nhắc nhở và yêu cầu phụ huynh phải kí
cam kết .
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP :
Yêu cầu học sinh phải hoàn thành tất cả những nội dung chưa
hoàn thành cuả bộ môn. Nhờ giáo viên bộ môn kiểm tra đã đạt yêu
cầu hay chưa. Giáo viên bộ môn sau khi kiểm tra phải ghi nhận xét
9


vào sổ theo dõi cuả giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời yêu cầu học sinh
viết kiểm điểm và cam kết không tái phạm.
B/ T ÌNH HUỐNG 2 :

Học sinh vô lễ , xúc phạm giáo viên bộ môn.
CÁCH XỬ LÍ CHƯA PHÙ HỢP :
- Cho học sinh viết kiểm điểm (khi học sinh chưa công nhận
lỗi) và phạt lao động.
- La mắng, xúc phạm học sinh.
- Cho học sinh viết kiểm điểm (khi học sinh chưa công nhận lỗi), mời
phụ huynh đến trường mắng vốn, yêu cầu phải viết cam kết về dạy lại
con…
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP :
-Trước hết giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu nguyên nhân vì
sao học sinh lại có hành vi như thế, gặp riêng vài cá nhân trong lớp để
nắm tình hình.Yêu cầu học sinh tường trình lại sự việc:
-Nếu là lỗi sai cuả học sinh thì giáo viên chủ nhiệm nên chỉ
cho học sinh biết đã hành động sai trái như thế nào, học sinh đã mắc lỗi

gì và cũng dạy cho học sinh biết trong tình huống đó học sinh nên ứng xử
thế nào cho hợp lí. Rồi yêu cầu học sinh viết kiểm điểm và xin lỗi giáo
viên bộ môn.
- Nếu nguyên nhân vô lễ cuả học sinh là do ứng xử cuả giáo
viên bộ môn không phù hợp thì giáo viên chủ nhiệm phải công nhận có
phần lỗi sai cuả giáo viên bộ môn trước học sinh đó. Đồng thời cũng
phân tích những phản ứng chưa đúng cuả học sinh và chỉ cho học sinh
biết trong tình huống đó nên ứng xử như thế nào cho đúng. Khi học sinh
đã nhận ra lỗi sai thì yêu cầu học sinh viết kiểm điểm và xin lỗi giáo viên
bộ môn. Giáo viên chủ nhiệm cũng nên trao đổi với giáo viên bộ môn về
tình huống đã xảy ra và tìm cách để giáo viên bộ môn cũng nhận thấy
mình hành động chưa đúng và thông cảm hơn về cách phản ứng cuả học
sinh.
- Nếu gặp trường hợp học sinh thiếu hợp tác với giáo viên chủ
nhiệm, luôn cho mình không có lỗi gì và không cần phải xin lỗi giáo viên
bộ môn, em có thể bỏ môn học đó...Giáo viên chủ nhiệm phải dành nhiều
thời gian và tình cảm nhiều hơn với học sinh này để dần em nhận ra
khuyết điểm cuả mình. (Đã có trường hợp tôi đã dành ra hơn một tháng
để thuyết phục học sinh nhận lỗi sai và xin lỗi giáo viên. Vì trong tình
huống đó có phần lỗi sai cuả giáo viên bộ môn. Học sinh phản ứng gay
10


gắt, văng tục ,dùng lời lẽ xúc phạm và túm cổ áo đòi hành hung giáo viên
ngay trong tiết học.)

C/ T ÌNH HUỐNG 3 :
Học sinh trong lóp chủ nhiệm mang thai.
CÁCH XỬ LÍ CHƯA PHÙ HỢP :
- La rầy, phê bình học sinh đó trước lớp.

- Không quan tâm vì đó là chuyện riêng tư.
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP:
-Báo cáo với ban giám hiệu và phụ huynh cùng phối hợp bàn
bạc để đảm bảo sức khoẻ, và tương lai tốt nhất cho học sinh đó.

D/ TÌNH HUỐNG 4 :
GVCN nhận được một lá thư từ học sinh phê bình những
khuyết điểm cuả GVCN.
CÁCH ỨNG XỬ CHƯA PHÙ HỢP :
-Tự ái, tức giận, phản ứng gay gắt trước lớp.
- Không nói gì nhưng để bụng, tìm cách trù dập, cư xử khắt
khe với học sinh đã phê bình.
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP :
- Trước hết hoan nghênh tinh thần dũng cảm và thẳng thắn
cuả học sinh đã viết phê bình.Đọc những nhận xét cuả học sinh về mình
trước lớp. Công khai nhận khuyết điểm và hứa sẽ sửa chữa. Nếu học sinh
nhận xét chưa đúng thì cũng đính chính công khai , để các em có cái nhìn
đúng và toàn diện hơn.
- Nếu đó là những ý rất nhạy cảm, tế nhị và không phù hợp
công khai trước lớp thì có thể gặp riêng học sinh đó với tinh thần cởi mở
và giúp cho học sinh đó hiểu đúng bản chất cuả vấn đề và không quên
nói lời cảm ơn vì sự thẳng thắn cuả học sinh này.

E/ TÌNH HUỐNG 5 :
Trong lớp chủ nhiệm có học sinh ỉ quyền cậy thế,
cư xử ngang tàng. Nhiều năm liền các giáo viên chủ nhiệm
khác đều làm lơ cho qua vì học sinh đó là con gia đình có thế
lực.
11



CÁCH XỬ LÍ CHƯA PHÙ HỢP :
- Làm lơ cho qua để tránh phiền phức.
- Sưu tầm lỗi phạm, thu thập chứng cứ tìm cách đuổi học
học sinh đó hoặc ít nhất cũng cho ở lại lớp hoặc cấm thi tốt nghiệp.
CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP:
Giáo viên chủ nhiệm nên cư xử với học sinh đó như tất cả các
học sinh khác trong lớp, không định kiến mà cũng không tỏ ra nhu
nhược:
- Nếu trong quá trình chủ nhiệm , giáo viên nhận thấy học
sinh này vẫn thể hiện thái độ vô kỉ luật, ngang ngược thì giáo viên chủ
nhiệm cần dành nhiều thời gian cho học sinh đó hơn. Ban đầu phải tìm
cách gần gũi thân thiết, tạo cảm tình với học sinh . Tránh la mắng, dạy
dỗ, giáo điều, trịch thượng. Sau đó, khi giáo viên đã tiếp cận, gần gũi và
có thể chia sẻ được với học sinh thì uốn nắn từ từ, từng chút một, từ
những việc đơn giản nhất, không nóng vội. Rất cần gặp riêng phụ huynh
trao đổi phương pháp giáo dục để có được sự đồng thuận và sự hỗ trợ từ
gia đình.Giáo viên chủ nhiệm phải hi sinh nhiều thứ : thời gian, công sức,
bảng thành tích thi đua cuả lớp ... nhưng đổi lại sẽ uốn nắn được một học
sinh đi đúng đường hướng thì sự hi sinh đó rất xứng đáng.
- Nếu giáo viên chủ nhiệm đã làm hết cách nhưng học sinh
không tiến bộ thì vẫn xử lí kỉ luật đúng mức. Nhưng đó là giải pháp cuối
cùng khi đã kiên trì thực hiện hết mọi biện pháp mà học sinh không tiến
bộ gì. Trong trường hợp này, giáo viên chủ nhiệm cũng đừng tỏ ra thất
vọng hay buông những lời chua chát. Vẫn gặp gỡ, dặn dò và hi vọng học
sinh sẽ tiến bộ hơn ở năm sau. ( Có những việc chúng ta làm không thấy
ngay thành quả mà phải đợi một vài năm hoặc lâu hơn nữa.)

3/ KẾT LUẬN:
- Mỗi học sinh có quyền quyết định hướng đi và lối sống

cuả bản thân. Nhưng trách nhiệm cuả GVCN cần giúp cho học sinh
có hướng đi đúng và lối sống lành mạnh. Để đạt được điều này
GVCN phải có tâm huyết và lòng yêu nghề , và kỹ năng sư phạm
tốt.
- Đối với những học sinh học yếu , chưa chăm rất cần các
giáo viên bộ môn giúp đỡ tạo điều kiện nhiều cho các em nỗ lực cố
gắng, yêu thích bộ môn và có động lực học tập.
- Sự vô lễ ,thiếu giáo dục cuả học sinh phải được cư xử
bằng những hành vi có văn hoá và có giáo dục cuả giáo viên, nếu
nóng giận sẽ dễ phản tác dụng.

12


- Biết lắng nghe và tôn trọng học sinh sẽ dạy cho học sinh biết lắng
nghe và tôn trọng mọi người xung quanh.
- Việc giáo dục học sinh có hiệu quả không phải là tìm lỗi và trách
phạt, mà là chỉ dạy cho học sinh biết cách sửa lỗi sai như thế nào.

V/ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC :
- Hướng dạy học theo lối giáo dục tích cực , không áp
đặt ,luôn đem lại hiệu quả cao. Tạo cho học sinh có được : sự tự tin,
dám khẳng định mình nhưng không mất giá trị đạo đức. Thông qua
cách ứng xử tình huống sư phạm cuả giáo viên, học sinh học tập
được những kỹ năng giao tiếp cần thiết.
- Áp dụng phương pháp trên trong 10 năm qua, tôi luôn nhận được sự tin
yêu và kính trọng cuả học sinh qua các thế hệ.Mỗi năm, vào dịp hè ,lễ,
tết, tôi lại được đón rất nhiều cựu học sinh từ khắp nơi trở về trong niềm
hân hoan và sự lạc quan. Kể cả những học sinh không thành đạt trong
học vấn, và thời học sinh cuả các em luôn bị nhiều thầy cô đánh giá là

học sinh cá biệt thì nay các em vẫn trở về với tôi trong tình cảm thân
thương thầy trò. Đó là món quà vô giá mà tôi có được trong sự nghiệp
giáo dục cuả mình.

VI / TÍNH ỨNG DỤNG CUẢ ĐỀ TÀI :
- Một số tình huống tôi nêu ra có thể làm tài liệu tham khảo cho
quý đồng nghiệp, đặc biệt là những giáo viên trẻ đôi khi còn lúng túng
trong xử lí các tình huống sư phạm.
- Tuy nhiên đề tài này còn viết theo cảm nhận cá nhân, theo kinh
nghiệm cuả bản thân chưa được kiểm nghiệm bằng nghiên cứu khoa học.
Do thời gian có hạn nên số lượng các tình huống tôi nêu ra còn rất hạn
chế.Tôi mong sẽ phát triển đề tài trong thời gian sắp tới và sẽ tiến hành
kiểm chứng khoa học, để có tính ứng dụng cao hơn.

VII/ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ :
Mỗi trường học cần lập một trang thông tin điện tử , để giúp các
giáo viên chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nên có biện pháp
khuyến khích đánh giá thi đua nếu giáo viên có những bài viết tốt , những
tình huống xử lí sư phạm hay, được nhiều đồng nghiệp bình chọn đánh
giá cao.(Có nhiều đồng nghiệp ngại chia sẻ trực tiếp những tình huống
mình đã gặp vì nhiều lí do… )
Sở giáo dục và các trường THPT nên tổ chức hội thảo định kì về
vấn đề ứng xử sư phạm song song với việc tổ chức hội giảng chuyên
môn. Các nhà quản lí giáo dục phải xem việc ứng xử sư phạm cuả giáo
13


viên là tiêu chí quan trọng ngang bằng với tiêu chí chuyên môn. Thực
hiện quan điểm: “ Dạy chữ - Dạy người “.
Tôi xin chân thành cảm ơn hội đồng bộ môn, BGH đã dành thời

gian đọc tài liệu này. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến. Kính bút.
Ý kiến tổ chuyên môn

Biên Hoà , ngày 7 Tháng 1 năm 2012.
Người biên soạn :

GV Nguyễn Thị Nhãn.

14



×