BÁC HỒ HỌC NGOẠI NGỮ NHƯ THẾ NÀO??
Mình có quen một anh bạn học Đại học ngoại ngữ Hà Nội, và qua câu chuyện của anh
mình hiểu thêm về ý chí kiên cường, và lòng quyết tâm của Bác. Nay mình xin trích lại
câu chuyện đó cho mọi người cùng đọc.
Ngoài các ngoại ngữ phổ biến như Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Bác Hồ của
chúng ta còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác. Trong bản lý lịch đại
biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7, Bác đã ghi: "Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh,
Trung Quốc, Ý, Đức, Nga". Nhưng trên thực tế, dựa vào những lần Bác đi thăm nước
ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, chúng
ta còn được biết vốn ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở đó, Người còn
có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: tiếng Xiêm (Thái Lan bây
giờ), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam…
vốn ngoại ngữ đó của Bác không phải do "thiên bẩm" mà tất cả đều xuất phát từ sự khổ
công luyện tập.
Bác Hồ học tiếng Pháp như thế nào?
Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp, đối với Bác, kể từ thời điểm đó mọi việc từ
sinh hoạt hàng ngày, tới công việc, nhằm mục đích tìm ra con đường cứu nước, cứu dân
đều phải sử dụng bằng tiếng Pháp. Vì thế, nếu không biết tiếng Pháp thì đó là "trở ngại
lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân". Bác đặt ra quyết tâm: "Nhất
định phải học viết cho kỳ được". Vì thế, dù trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ, nhưng
Người cũng tìm ra được phương pháp học cho riêng mình.
Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp, mỗi lúc rảnh rỗi, Bác đều tìm đến hai người
lính trẻ được giải ngũ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác
mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết cái gì, muốn biết đồ vật nào đó
bằng tiếng Pháp, Bác đều chỉ tay hỏi người Pháp, rồi Bác viết vào một mẩu giấy, dán vào
chỗ hay để ý nhất để tranh thủ vừa làm, vừa học. Có khi Bác viết hẳn vào cánh tay. Tối
tối sau khi đi làm về, Bác rửa tay, rồi lại ghi những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác
ghép chúng lại thành câu thực hành ngay.
Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành
bài dài. Một thời gian sau, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng
báo. Sau mỗi bài báo viết bằng tiếng Pháp, Bác đều chép thành 2 bản, một bản lưu giữ
lại, còn bản kia gửi cho Toà soạn.
Trong những lần gửi bài, Bác nói với mọi người trong Toà soạn rằng: "Tôi rất sung sướng
nếu bài viết này của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng
Pháp cho tôi". Sau mỗi lần bài viết của Bác được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết,
nhưng Bác lại cẩn thận xem lại từng câu từng chữ, xem bài viết của mình đúng sai chỗ
nào, Toà soạn báo đã sửa lại cho mình như thế nào. Theo chỉ dẫn của những chủ bút,
Bác tập viết đi viết lại, khi thì viết diễn giải ra cho dài, khi lại viết ngắn lại cho súc tích…
Dù công việc bận bịu tới đâu, nhưng cứ sau mỗi ngày làm việc, Bác lại tranh thủ đọc vài
trang tiểu thuyết vừa giải trí, thư giãn đầu óc lại vừa là tự trau dồi kiến thức. Bác thường
tìm đọc những tác phẩm của Tônxtôi để học tập cách viết, cách lập luận, rồi Bác tập viết
những bài phóng sự. Sáng nào Bác cũng viết từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi, tới 7 giờ Bác lại bắt
tay vào công việc. Dù trời nóng hay rét Bác cũng không nản chí. Thấm thoắt thời gian
trôi đi, cho đến năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo "Người cùng khổ" viết
bằng 3 thứ tiếng. Tên báo bằng tiếng Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và bên phải là
chữ Hán, tất cả đều do Bác viết. Do Toà soạn báo không có Ban biên tập thường xuyên,
nên nhiều khi Bác phải "cáng đáng" mọi việc từ khâu sửa chữa, biên tập bài vở, tới khâu
bán báo.
Thầy dạy Bác tiếng Anh chính là … Bác!
Biết tiếng Pháp rồi, Bác đã tìm sang tận đất nước Anh. Đặt chân lên đất nước Anh. Bác
đã tìm ngay cho mình một công việc để làm, công việc đầu tiên của Bác trên đất nước
Anh là đốt lò, sau vì quá vất vả khiến ốm mất hai tuần, Bác liền chuyển sang xin làm
thuê tại Khách sạn Carlton.
Thường ngày Bác phải làm từ 8 giờ sáng tới 12 giờ, chiều từ 5 giờ tới 10 giờ đêm. Bác
"thắt lưng, buộc bụng" để có chút tiền mua sách vở. Phương tiện học duy nhất của Người
cũng chỉ có vài quyển vở và một cây bút chì. Sớm chiều Bác ra Vườn hoa Haydơ, nơi có
nhiều cây to, cột đèn xưa để tự học.
Sau này Bác tiết lộ, sở dĩ Bác thường ra đó để học "vì ở đó thời tiết thường rất lạnh, nên
khi học sẽ không thể buồn ngủ được, có như thế mới tập trung vào học". Sau một tuần
đi làm, Bác dành dụm tất cả số tiền kiếm được để cùng với vị Giáo sư người Ý học thêm
tiếng Anh vào buổi cuối tuần. Bác đã tận dụng mọi nơi, mọi lúc có thể để học tiếng Anh.
Rơ-nê-Đi-pét đã viết về Bác trên tờ báo "Phong trào" rằng: "Trên đường đi tìm hiểu thế
giới, ở mỗi nơi tàu dừng lại, đối với anh Ba đều là một trường Đại học. Ở đó, anh đã trực
tiếp thu lượm được những hiểu biết."
Trong thời gian ở London, Bác đã làm nhiều nghề khác nhau để có tiền ăn học. Trong
thời gian chiến tranh, Bác đã dành nhiều thời giờ để nghiên cứu lịch sử thế gới, học tiếng
Anh và suy nghĩ về tương lai của các dân tộc thuộc địa. Vừa học tiếng Anh, Bác vừa tìm
hiểu nền văn hoá và lịch sử nước Anh, đặc biệt là nước Mỹ. Riêng tài liệu nói về Mỹ của
Bác đã lên đến hàng mấy trăm bài, với các thể loại khác nhau, đề cập toàn diện và sâu
sắc đến nước Mỹ. Với Bác, việc đọc nhiều sách báo của Mỹ, học tiếng Anh để hiểu tường
tận hơn thế giới và để lãnh đạo cách mạng một cách khoa học hơn…