Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Bảo tàng động vật trường đại học khoa học tự nhiên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (104.49 KB, 6 trang )

Bảo tàng động vật trường
Đại học Khoa học Tự nhiên

Bảo tàng động vật Trường đại học khoa học tự nhiên hiện nay được
thành lập sớm nhất ở nước ta. Vào những năm giữa thập kỷ 30, bộ sưu tập
động vật đầu tiên đã được quy tụ tại Bảo tàng này. Trải qua những biến cố
thăng trầm của đất nước, các nhà động vật học Việt Nam đã có những cố gắng
nỗ lực để đến nay ngót 10 000 tiêu bản của các loài thú, chim, bò sát, cá,
lưỡng cư được trình bày tại đây. Chúng tôi cho rằng, trong tương lai bộ tiêu
bản động vật này sẽ góp một phần quan trọng của Bảo tàng lịch sử tự nhiên
Việt Nam.

Bảo tàng động vật Trường đại học khoa học tự nhiên là hình ảnh thu nhỏ về nguồn
tài nguyên động vật hoang dã ngoài thiên nhiên của nước ta. ở đây có thể trông
thấy hình dáng các loài thú quý hiếm như hổ, các loài báo, gấu, các loài khỉ, vượn,
voọc... mà ngoài thiên nhiên khó có thể bắt gặp chúng. Các loài chim quí hiếm màu
sắc sặc sỡ như công, trĩ, các loài gà lôi ... các loài chim có tiếng hót hay như họa mi,
sáo, yểng... những loài chỉ sinh hoạt ban đêm như cầy cáo, cú, các loài dơi ... các loài
lạ như cây bay, sóc bay, thằn lằn bay, cò thìa, cá dím...


Thông qua Bảo tàng động vật giúp chúng ta hiểu được sự phong phú và tính đa
dạng của giới động vật nước ta, nơi mà đã một thời các nhà động vật học Quốc tế
thốt lên rằng "Việt Nam là thiên đường của giới động vật". Với một diện tích không
lớn (332541 km2), nước ta có tới 227 loài thú chiếm 5,7% tổng số loài thú trên thế
giới (4000 loài); 828 loài chim chiếm 9,2% tổng số loài chim trên thế giới (9040
loài); 258 loài bò sát, trong đó có 80 loài thằn lằn, 146 loài rắn, 30 loài rùa và 2 loài
cá sấu, chiếm 4,1% tổng số loài bò sát trên thế giới (6300 loài); 82 loài lưỡng cư
chiếm 2,0% tổng số loài lưỡng cư trên thế giới (19000 loài). Ngoài ra còn có hàng
vạn loài động vật không xương sống, đặc biệt là thế giới côn trùng hiện nay trên
đất nước này luôn hấp dẫn đối với các nhà côn trùng học Quốc tế.



Tháng 5 năm 1992 Đoàn nghiên cứu động vật từ WWF và Bộ lâm nghiệp (nay là Bộ
nông nghiệp và phát triển nông thôn) phát hiện loài sơn dương sừng dài, nhân dân
địa phương gọi là Sao la ở Khu bảo tồn Vụ Quang (Hà Tĩnh) là loài thú mới cho
khoa học thế giới và được đặt tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis, đã làm
sửng sốt các nhà động vật học Quốc tế. Đây là loài thú móng guốc lớn thứ 6 được
phát hiện trong thế kỷ này sau gần 60 năm kể từ khi phát hiện loài Bò xám vào
năm 1937. Các nhà động vật học Quốc tế cho rằng Việt Nam là một vùng bị thế giới
lãng quên. Trong năm 1994 chúng ta phát hiện hai loài thú móng guốc lớn nữa là
Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis) và loài Bò rừng sừng soắn
(Pseudonovibas spiralis). Tháng 11 năm 1996 phát hiện loài Mang Trường Sơn
(Caninmuntiacus truóngonensis). Tháng 11 năm 1997 chúng ta công bố tiếp loài
Mang mới Pù Hoạt (Muntiacus puhoatensis) tìm thấy ở Việt Nam. Như vậy là 10
loài thú móng guốc lớn được tìm thấy trên thế giới trong thế kỷ 20 có 5 loài được
phát hiện ở Việt Nam trong vòng 6 năm qua, nếu kể cả loài Bò xám là loài thứ 6.
Tháng 12/1994 chúng ta bắt được con non khoảng 4 tháng tuổi của một loài thú lạ
ở rừng huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế mà dân địa phương gọi là con Tuoa. Có
thể là loài sơn dương mới. Trong chuyến điều tra khu hệ động vật Vườn Quốc gia
Bến En chúng tôi thu được một cái sọ loài mang lạ gọi là Mang chành cũng đang
đặt dấu chấm hỏi.


Theo các nhà động vật học Quốc tế, Việt Nam là "Điểm nóng tiến hóa, phong phú
trong tính đa dạng sinh học" (An Evolution Hotspot, Rich in Biological Diversity)
cần được quan tâm nghiên cứu. Thiên nhiên rừng núi nước ta chắc chắn còn chứa
đựng nhiều điều bí ẩn. Để giải đáp chúng còn đòi hỏi nhiều công sức của các nhà
khoa học và kinh phí đầu tư trong nước cũng như từ các tổ chức Quốc tế.

Tiêu bản của những loài mới này sẽ làm tăng thêm giá trị khoa học cho Bảo tàng
động vật của nước ta đối với Thế giới. Điều đó càng hấp dẫn lôi cuốn các nhà

nghiên cứu động vật hoang dã, những người yêu thích thiên nhiên, những người
ưa du lịch sinh thái.

Bảo tàng động vật Khoa sinh học Trường đại học khoa học tự nhiên được thành lập
sớm nhất ở nước ta. Đây là bộ sưu tập động vật đầu tiên ở Đông Dương và Việt
Nam được hình thành từ năm 1926 do René Leon Bourret là giáo sư bậc 3 thuộc
Phòng thí nghiệm khoa học tự nhiên (Laboratoire des Sciences Naturellex) của
Trường cao đẳng nông lâm (Ecole Superieure de Agriculture et de Sylviculture)
Đại học Đông Dương (Université de l' Indochine) sáng lập. Bản thân Ông đi khảo
sát thiên nhiên ở nhiều vùng rừng núi và sử dụng các mối quan hệ khác để sưu tầm
mẫu vật động vật cho Bảo tàng. Năm 1941 Ông đã xuất bản cuốn Lưỡng cư Đông
Dương (Les Batraciens de l'Indochine). Đến năm 1942 bộ sưu tập động vật được
chuyển về Phòng thí nghiệm động vật học (Laboratoire de Zoologie) thuộc Trường
cao đẳng sư phạm (Ecole Supésrieure des Sciences). Bourret tiếp tục nghiên cứu
và sưu tầm các tiêu bản chim. Khi J. Delacour và P.Jabouille từ Pháp sang Đông
Dương khảo sát về chim thì Bouret lại chuyển sang nghiên cứu về thú và ông xuất
bản công trình chuyên khảo về Vượn Đông Dương (Les Gibbons de l' Indochine).

Tháng 12 năm 1942 ông đã thống kê được 230 tiêu bản của 81 loài thú với tên địa
phương sưu tầm, người sưu tầm hay trao tặng. Ông đã mô tả kỹ lưỡng và đo đạc
cẩn thận từng tiêu bản đó trong Thông báo công trình của Trường cao đẳng khoa
học (Notes et Travaux de l' Ecole Superieure des Sciences, N° 1, Decem.1942).


Tháng 5 năm 1943 ông công bố 141 tiêu bản của 65 loài lưỡng cư và 716 tiêu bản
của 378 loài chim (Notes et Travaux de l' Ecole Superieure des Sciences. N° 2, May
1943).

Tháng 3 năm 1944 tổng só tiêu bản chim là 1235 của 422 loài và 73 tiêu bản lưỡng
cư, bò sát của 31 loài (Notes et Travaux de l' Ecole Superieure des Sciences, N° 3,

Mars 1944).

Tháng 12 năm 1946 cuộc kháng chiên toàn quốc bùng nổ, Đại học Đông Dương
đóng cửa. Công cuộc khảo cứu thiên nhiên ngưng trệ không có mẫu vật bổ sung
cho Bảo tàng.

Tháng 10 năm 1954, chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại. Thực dân Pháp rút khỏi
Hà Nội. Phần lớn tiêu bản động vật đưa về Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris. Sau khi
tiếp quản Hà Nội Chính phủ ra quyết định thành lập Trường đại học sư phạm khoa
học. Phòng tiêu bản động vật do Pháp để lại trên 100 tiêu bản cá ngâm formon,
830 tiêu bản lưỡng cư, bò sát, 217 tiêu bản chim và 32 tiêu bản thú. Trong số đó có
tiêu bản rắn ráo (Ptyas mucosus) sưu tầm ngày 11/5/1905 ở Thái Hà Âp Hà Nội
Ký hiệu R.373; M.47; 70.2.1; diều lửa (Haliastus indiss intermedius) sưu tầm ngày
28/9/1926 ở Huế, ký hiệu: 171; 0,15 người sưu tầm là Jabouille.

Người phụ trách Phòng động vật của Trường đại học sư phạm khoa học là ông Đào
Văn Tiến từ Trường quân y Việt Bắc trở về. Chính ông là người có công đầu về việc
đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học sinh vật học và động vật học của nước ta. Đồng
thời ông cũng là người có công lớn trong việc củng cố xây dựng Phòng động vật
sưu tầm lưu trữ các tiêu bản động vật trở thành Bảo tàng động vật ngày nay.

Năm 1958 Trạm thực tập hè sinh vật được xây dựng trên bờ sông Bôi, Chi Nê
huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình. Hàng năm sinh viên sinh vật của Trường đại học sư
phạm khoa học sau này là Trường đại học tổng hợp đến đây thực tập và thu thập
tiêu bản động vật cho Bảo tàng.


Những năm sau đó khi đội ngũ cán bộ nghiên cứu động vật đã hình thành, công
cuộc khảo sát điều tra về nguồn lợi động vật được tiến hành trên địa bàn các tỉnh
miền Bắc. Năm 1960 thành lập Đội điều tra động vật, ký sinh dưới sự chỉ đạo của

giáo sư Đặng Văn Ngữ (Viện trưởng Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng) và
giáo sư Đào Văn Tiến gồm các cán bộ từ Trường đại học tổng hợp Hà Nội, Đại học y
dược, Đại học nông nghiệp, Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng, ủy ban khoa
học và kỹ thuật Nhà nước hồi đó đã tiến hành điều tra khu hệ động vật, ký sinh và
côn trùng ở các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc và các tỉnh Khu 4 cũ. Các tiêu bản
động vật thu thập được chia hai nơi lưu trữ là Bảo tàng động vật khoa sinh học Đại
học tổng hợp Hà Nội và Phòng động vật thuộc ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà
nước (nay là Viện sinh thái tài nguyên sinh vật thuộc Trung tâm khoa học tự nhiên
công nghệ quốc gia).

Tháng 5 năm 1974 đoàn cán bộ Khoa sinh vật Trường đại học tổng hợp Hà Nội do
giáo sư Võ Quý dẫn đầu đã tiến hành thăm dò khảo sát khu hệ động vật các tỉnh
miền Nam.

Tháng 4 năm 1975, miền Nam giải phóng, công cuộc điều tra nghiên cứu khu hệ
động vật các tỉnh miền Nam được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Lúc này ngoài cán bộ
khoa sinh vật Trường đại học tổng hợp Hà Nội còn có cán bộ từ ủy ban khoa học và
kỹ thuật Nhà nước nay là Bộ khoa học, công nghệ và môi trường, Viện điều tra quy
hoạch rừng thuộc Bộ lâm nghiệp (nay là Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn).
Các tiêu bản động vật thu được ngoài 2 nơi lưu trữ trên, còn được lưu trữ ở Viện
điều tra qui hoạch rừng.

Đến nay Bảo tàng động vật khoa sinh vật Trường đại học khoa học tự nhiên - Đại
học quốc gia Hà Nội có trên 3000 tiêu bản cá nước ngọt và cá biển, 1200 tiêu bản
lưỡng cư và bò sát, 3400 tiêu bản chim, 970 tiêu bản thú lớn và trên 700 tiêu bản
thú nhỏ.


Đây là tài sản vô cùng quý giá của đất nước ta, là kho tư liệu quý giúp các nhà động
vật học trong nước và Quốc tế nghiên cứu tìm hiểu về nguồn tài nguyên động vật,

về tính đa dạng sinh học của đất nước. Thông qua các tiêu bản trong Bảo tàng động
vật sinh viên chuyên ngành sinh học, sinh viên, học sinh các trường đại học và cao
đẳng Sư phạm, Lâm nghiệp, Văn hóa nghệ thuật nhận biết được hình dạng, kích
thước, màu sắc của từng loại động vật, nắm bắt được tính đa dạng, phong phú của
giới động vật Việt Nam tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới.

Về đời sống xã hội, Bảo tàng động vật là nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, đất
nước, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường cho các em học sinh phổ
thông cũng như nhân dân thông qua việc giới thiệu về nguồn tài nguyên động vật,
vai trò của động vật hoang dã trong tính đa dạng sinh học, trong thiên nhiên môi
trường, trong cân bằng sinh thái.

Hơn 40 năm qua, Bảo tàng động vật đã tham gia đào tạo hàng ngàn sinh viên sinh
học mà ngày ngay nhiều người đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng trong
nước và Quốc tế trong đó có nhiều nhà động vật học. Hàng trăm nhà động vật
trong nước và Quốc tế đã đến đây nghiên cứu. Nhiều vị lãnh đạo Chính phủ Nhà
nước ta và nhiều đoàn khách nước ngoài đã đến tham quan Bảo tàng.

Bảo tàng động vật có vai trò to lớn trong sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo cán bộ
khoa học sinh học, đồng thời có vai trò to lớn trong công cuộc bảo vệ tính đa dạng
sinh học, bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Vì vậy công cuộc đầu tư củng cố và
phát triển Bảo tàng động vật là hết sức cần thiết không chỉ để phục vụ các mục tiêu
trên, mà còn là một phần quan trọng của Bảo tàng lịch sử tự nhiên Việt Nam trong
tương lai.



×