Tải bản đầy đủ (.doc) (30 trang)

SKKN giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh khi dạy học phần LSVN từ thế kỉ x đến thế kỉ XIX lớp 10 THPT

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (204.08 KB, 30 trang )

Sở giáo dục - đào tạo Lào Cai
Trờng THPT dân tộc nội trú tỉnh
--------------------------------------

TấN SNG KIN KINH NGHIấM
GIO DC TRUYN THNG ON KT DN TC CHO
HC SINH KHI DY HC PHN LCH S VIT NAM T
TH K X N TH K XIX LP 10 THPT

Mụn: Lch s
Tờn tỏc gi: Phm Thu Hin
GV mụn: Lch s
Chc v: Giỏo viờn

Nm hc 2013 2014

1


MỤC LỤC
DANH MỤC
PHẦN I: MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI.
2. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU.
3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.
PHẦN II: NỘI DUNG
1.CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC GIÁO DỤC TRUYỀN
THỐNG ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CHO HỌC SINH TRONG DẠY HỌC LỊCH
SỬ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.1 Cơ sở lí luận.


1.2 Cơ sở thực tiễn
2. GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CHO HỌC
SINH KHI DẠY HỌC PHẦN LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ THẾ KỈ X ĐẾN
NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX Ở LỚP 10 THPT
2.1. Vị trí, ý nghĩa của việc giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh khi
dạy học phần lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX ở lớp 10
THPT
2.2. Nội dung kiến thức cơ bản của chương trình lịch sử Việt Nam từ thế kỉ
X đến nửa đầu thế kỉ XIX cần khai thác để giáo dục truyền thống đoàn kết
dân tộc cho học sinh ở lớp 10 THPT .
2.3. Một số Phương pháp giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho học
sinh trong dạy học phần lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ
XIX ở lớp 10 THPT.
PHẦN III: KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO

TRAN
G
3
5
5
5-6

7-8
8-9

9-10
11-14
14-27
28-29

30

PHẦN I: MỞ ĐẦU
2


1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI.
Dân tộc Việt Nam ta có lịch sử lâu đời. Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng việc
lấy lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ. Trong các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, thần
thoại, ca dao...có nhiều yếu tố của tri thức lịch sử, phản ánh nhiều sự kiện lớn của công
cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lịch sử của dòng họ, của địa phương cũng
đã ra đời từ khá lâu, có tác dụng không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống, lòng tự
hào và trách nhiệm đối với quê hương, Tổ quốc, trong đó có việc giáo dục truyền
thống đoàn kết.
“Dựng nước đi đôi với giữ nước” là một trong những đặc trưng quan trọng
trong lịch sử nước ta, vì vậy đoàn kết dân tộc là một yêu cầu tất yếu khách quan của
cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, đó cũng là nguồn sức mạnh vô biên đưa dân
tộc Việt vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, làm nên những chiến công vang dội
năm châu, bốn biển. Tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết dân tộc đã được văn kiện
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001) từng khẳng định: Kế thừa truyền thống quý
báu của dân tộc, Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc đó là đường lối
chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây
dựng khối đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã
hội.
Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa ngày nay, khi yêu cầu đổi mới của
toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng đang đặt ra cấp thiết thì vị trí, vai
trò của bộ môn lịch sử ở trường phổ thông cũng không thay đổi, nhất là vai trò của lịch
sử với việc giáo dục thế hệ trẻ. Đây là ưu thế sở trường của bộ môn. Với nhận thức
trên, nhiệm vụ giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho các thế hệ trẻ có một vai trò
to lớn, góp phần định hướng, bồi dưỡng ý thức, trách nhiệm công dân cho các em khi

còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng chính là nhiệm vụ cơ bản trong công tác giảng
dạy và học tập lịch sử ở nhà trường phổ thông. Ngược lại, nâng cao hiệu quả giáo dục
truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh cũng là một trong những biện pháp góp
phần nâng cao chất lượng dạy học lịch sử.
Trong thực tiễn dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay cho thấy: nhiều
giáo viên mới chỉ quan tâm đến việc cung cấp kiến thức lịch sử đơn thuần mà chưa
3


quan tâm đầy đủ đến kỹ năng giáo dục của bộ môn, cụ thể là giáo dục truyền thống
đoàn kết dân tộc chống giặc ngoại xâm; chưa gắn nhiệm vụ hình thành tri thức khoa
học lịch sử với giáo dục tư tưởng; chưa thực sự nhạy bén với những biến động to lớn
mà thực tiễn đang đặt ra do tác động của cơ chế thị trường.
Mặt khác, hiện nay trước tác động của quá trình toàn cầu hóa làm cho tình hình
đạo đức của học sinh đang có nhiều vấn đề báo động, bắt đầu xuất hiện lối sống sai
lầm như xa dần bản sắc dân tộc, phủ nhận quá khứ, tiếp thu văn hóa ngoại lai không
cần lựa chọn cho phù hợp với điều kiện văn hóa truyền thống dân tộc... Bên cạnh đó,
các thế lực phản động trong và ngoài nước cũng không ngừng tuyên truyền, thực hiện
âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chia rẽ dân tộc và phá vỡ khối đoàn kết toàn dân,
đặt dân tộc Việt Nam trước nhiều thách thức trong vấn đề an ninh quốc gia.
Trước thực trạng trên, nhiệm vụ của nhà trường phổ thông nói chung và bộ môn
lịch sử nói riêng cần phát huy hơn nữa ưu thế trong việc giáo dục học sinh, đặc biệt là
chức năng giáo dục đạo đức, tư tưởng, tình cảm, nhân cách của con người mới, lấy đó
làm nền tảng cấu kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc.
Trong chương trình dạy học lịch sử ở cấp THPT thì lịch sử Việt Nam từ thế kỉ
X đến nửa đầu thế kỉ XIX có vị trí vô cùng quan trọng trong việc giáo dục truyền
thống đoàn kết dân tộc. Giai đoạn lịch sử này, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các
triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần,…đã một lòng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ
vững chắc nền độc lập của dân tộc. Song song đó là sự cố kết chặt chẽ cộng đồng cùng
nhau trong lao động sản xuất để xây dựng và phát triển nước Đại Cồ Việt, Đại Việt

hùng mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công cũng có thời điểm do khối đoàn kết dân tộc bị
rạn nứt mà nhân dân ta không bảo vệ được nền độc lập, đất nước rơi vào ách thống trị
phong kiến phương Bắc. Đây chính là bài học đắt giá mà lịch sử để lại cho các thế hệ đi
sau khắc phục. Cho nên, khi dạy học lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ
XIX cho học sinh lớp 10 THPT giáo viên không chỉ cung cấp cho các em kiến thức
khoa học về lịch sử, mà cần phải chú trọng tới việc giáo dục học sinh các truyền thống
quý báu của dân tộc ta, trong đó có truyền thống đoàn kết dân tộc.
Xuất phát từ nhận thức trên, việc đề xuất tăng cường “Giáo dục truyền thống
đoàn kết dân tộc cho học sinh khi dạy học phần lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến
nửa đầu thế kỉ XIX - lớp 10 THPT” là rất cần thiết cho quá trình dạy học lịch sử.
4


2. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU.
Trong khuôn khổ của một đề tài sáng kiến kinh nghiệm, tôi chủ yếu đi khai thác
những nội dung lịch sử có tính giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc trong chương
trình sách giáo khoa lịch sử lớp 10 THPT, giai đoạn từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX.
Trên cơ sở đó, tôi đề xuất các phương pháp và biện pháp sư phạm nhằm nâng cao hiệu
quả giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh khi dạy học lịch sử Việt Nam
giai đoạn này.
3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU.
Mục đích: Đề tài đi sâu xây dựng nội dung và biện pháp sư phạm cụ thể trong
quá trình dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX để giáo
dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh. Qua đó nâng cao chất lượng dạy học
bộ môn.
Nhiệm vụ: Xuất phát từ mục tiêu trên, đề tài có nhiệm vụ:
- Tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc giáo dục truyền thống dân tộc, những
nội dung cơ bản của truyền thống đoàn kết dân tộc trong dạy học lịch sử.
- Nghiên cứu nội dung chương trình lịch sử Việt Nam ở lớp 10 THPT (chương

trình chuẩn) qua đó xác định nội dung giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho học
sinh khi dạy học lịch sử Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX.
- Đề xuất các phương pháp và biện pháp sư phạm giáo dục truyền thống đoàn
kết dân tộc cho học sinh khi dạy học lịch sử Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến nửa
đầu thế kỉ XIX để nâng cao chất lượng dạy học.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.
Để thực hiện đề tài tác giả chủ yếu sử dụng hai phương pháp nghiên cứu chủ
yếu là phương pháp lịch sử và phương pháp lô gic. Ngoài ra tác giả còn sử dụng
phương pháp thống kê và phương pháp thực nghiệm trong thực tế dạy học những năm
qua.
Tóm lại: Giáo dục truyền thống dân tộc nói chung, truyền thống đoàn kết dân
tộc nói riêng trong dạy học lịch sử là một vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều
nhà khoa học, nhà giáo dục,…Vì vậy đã có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau liên
quan đến đề tài này như: Các Giáo trình phương pháp dạy học lịch sử, các sách tham
khảo về giáo dục, giáo dục truyền thống dân tộc, giáo dục truyền thống đoàn kết dân
tộc, các bài viết đăng trên tạp chí nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, việc lựa chọn một
5


phần nội dung lịch sử cụ thể để tập trung phát huy chức năng thực hiện giáo dục
truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh cấp trung học phổ thông vẫn là những yêu
cầu cấp thiết và chưa có công trình nghiên cứu nào tổ chức thực hiện. Đề tài này góp
phần làm rõ hơn nội dung giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc trong dạy học lịch sử ở
trường phổ thông. Khẳng định ý nghĩa quan trọng, sâu sắc trong việc giáo dục đoàn kết dân
tộc, đồng thời đưa ra những biện pháp sư phạm trong việc giáo dục học sinh góp phần nâng
cao chất lượng dạy học lịch sử.

6



PHẦN NỘI DUNG
1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC GIÁO DỤC TRUYỀN
THỐNG ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CHO HỌC SINH TRONG DẠY HỌC LỊCH
SỬ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.1 Cơ sở lí luận.
Luật Giáo dục nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 1998) được sửa
đổi và bổ sung (năm 2005) đã nêu: Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh
phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và kĩ năng cơ bản nhằm hình
thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách
nhiệm của công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sông lao
động, tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đối với học sinh cấp THPT, học sinh sẽ được củng cố và phát triển những kết
quả của giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông và những hiểu biết thông thường
về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp,
học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Đối với môn lịch sử cấp THPT, mục tiêu dạy và học được xây dựng trên cơ sở
chỉ đạo của quan điểm, đường lối của Đảng đối với sử học và giáo dục lịch sử. Ngoài ra
mục tiêu môn học còn căn cứ vào nội dung, đặc trưng của hiện thực lịch sử và nhận thức
của con người về lịch sử, yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Cụ thể mục tiêu
của môn lịch sử ở trường THPT phải thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản sau:
Về giáo dưỡng: Cung cấp cho học sinh những sự kiện lịch sử quan trọng, những
nội dung chính xác của lịch sử loài người từ nguồn gốc đến nay, đặc biệt là những nội
dung lịch sử có liên quan đến lịch sử nước ta; những nét chính về quá trình phát triển của
lịch sử dân tộc trên cơ sở biết những sự kiện nổi bật nhất của từng thời kì, hiểu được nội
dung chủ yếu của mỗi giai đoạn lịch sử nước ta, bên cạnh đó còn cung cấp cho học sinh
những quan điểm lí luận sơ giản, những vấn đề về phương pháp nghiên cứu và học tập,
phù hợp với yêu cầu và trình độ học sinh.
Về giáo dục: Từ tri thức lịch sử giáo viên tập trung giáo dục tư tưởng, tình cảm,
góp phần đào tạo con người Việt Nam toàn diện. Trên cơ sở những phẩm chất đạo
đức, tư tưởng được giáo dục thông qua việc học tập lịch sử ở trường THCS, học sinh

THPT được bồi dưỡng một cách có hệ thống, sâu sắc hơn về lòng yêu nước xã hội chủ
nghĩa; tình yêu quê hương, tình yêu con người, tình đoàn kết trong lao động sản xuất
7


cũng như trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; giáo dục tinh thần
đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc đấu tranh cho độc
lập, tự do, văn minh, tiến bộ xã hội, hòa bình dân chủ; giáo dục học sinh có niềm tin
vào sự phát triển hợp quy luật của xã hội loài người và dân tộc, dù trong tiến trình lịch
sử có những bước quanh co, khúc khuỷu, tạm thời thụt lùi hay dừng lại; giáo dục ý
thức làm nghĩa vụ công dân, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quốc tế, những phẩm chất
cần thiết trong đời sống cộng đồng…
Về phát triển: Bồi dưỡng cho học sinh tư duy biện chứng trong nhận thức và
hành động, biết phân tích, đánh giá, liên hệ; rèn kỹ năng học tập và thực hành bộ môn;
biết sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo khác, khả năng trình bày nói và viết;
biết làm và sử dụng một số đồ dùng trực quan, nhất là loại đồ đùng trực quan quy ước;
biết thực hiện những hoạt động ngoại khóa của môn học; biết vận dụng những kiến
thức đã học vào cuộc sống hiện nay.
Nhìn chung, mục tiêu bộ môn Lịch sử ở trường THPT là cung cấp kiến thức cơ
bản, có hệ thống về lịch sử phát triển hợp quy luật của dân tộc và xã hội loài người.
Trên cơ sở đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lí tưởng độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội, rèn luyện năng lực tư duy và thực hành. Thực hiện một cách hoàn chỉnh
các mục tiêu giáo dưỡng, giáo dục và phát triển việc dạy học lịch sử ở trường THPT,
góp phần nâng cao sự hiểu biết mà học sinh đã tiếp thu ở THCS, đặc biệt trình độ lí
thuyết trong nhận thức lịch sử và năng lực tư duy, thực hành.
Hiểu rộng ra, mục tiêu giáo dục của bộ môn lịch sử ở trường phổ thông chính là
thực hiện phương châm giáo dục của thế giới mà tổ chức Unesco đã khẳng định: Học
để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình.
1.2. Cơ sở thực tiễn.
Thực tiễn hiện nay cho thấy: việc quan niệm trong dạy và học lịch sử còn nhiều

sai lệch. Cụ thể: do quan niệm cho rằng lịch sử là môn phụ, khó học, khó nhớ, không
có những hữu ích trực tiếp trong thời buổi kinh tế thị trường, không thường xuyên thi
tốt nghiệp, nên các nhà trường thường hay ưu tiên cho các môn Toán, Lí, Hóa, Ngoại
Ngữ, Văn..., vì vậy dẫn tới cả giáo viên và học sinh đều dạy và học lịch sử còn mang
tính hình thức. Mặt khác, xuất phát từ quan niệm thi gì học nấy, môn nào cần cho thi cử thì
dành nhiều thời gian công sức để học và ngược lại. Cho nên công tác dạy và học lịch sử hiện
nay còn tồn tại nhiều bất cập là điều không tránh khỏi.
8


Bên cạnh đó, việc lựa chọn và hướng nghiệp của cha mẹ học sinh cũng tác động
không nhỏ đến việc học lịch sử của học sinh, nhất là ở các thị xã và thành phố lớn, chính điều
này đã tạo ra một cái nhìn lệch lạc, khiến cho việc dạy học lịch sử gặp nhiều trở ngại, làm cho
công tác giáo dục truyền thống dân tộc càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Một thực tế khác nữa là do trong quá trình dạy học, công tác giáo dục truyền
thống của giáo viên trong giờ học lịch sử chưa thực sự sâu sắc, chưa tác động đến tư
tưởng, tình cảm của các em, dẫn đến nhận thức của các em về vấn đề này chưa rõ ràng.
Phương pháp giảng dạy lịch sử của giáo viên hiện nay cũng còn nhiều hạn chế, chưa
thực sự đổi mới, vẫn tồn tại tình trạng đọc chép hay nhìn chép, do đó thiếu sự lôi cuốn
đối với học sinh, tạo ra cảm giác nhàm chán cho các em, hiệu quả giờ học không cao.
Như vây, quan niệm không đúng về việc dạy và học lịch sử cùng những hạn chế của giáo
viên khi lên lớp đã có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng, tình
cảm cho học sinh trong đó có công tác giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc .
Từ lí luận và thực tiễn trên, chúng ta nhận thấy tầm quan trọng trong việc giáo
dục truyền thống dân tộc nói chung, truyền thống đoàn kết dân tộc nói riêng trong dạy
học lịch sử ở trường phổ thông. Giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc không chỉ có ý
nghĩa trong việc nâng cao tri thức mà còn có ý nghĩa trong việc hoàn thiện nhân cách
đạo đức cho thế hệ trẻ.
2. GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CHO HỌC SINH KHI
DẠY HỌC PHẦN LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ THẾ KỈ X ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ

KỈ XIX Ở LỚP 10 THPT (CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN)
2.1. Vị trí, ý nghĩa của việc giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh khi dạy
học phần lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX ở lớp 10 THPT
(chương trình chuẩn)
Lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX ở lớp 10 THPT có vị trí
vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử nước ta. Nếu như “Việt Nam
thời kì nguyên thuỷ” là bài mở đầu cho lịch sử Việt Nam, có vai trò là nền tảng và
định hình cho bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, thì lịch sử Việt Nam từ thế kỉ
X đến nửa đầu thế kỉ XIX lại là giai đoạn tiếp nối những bản sắc văn hoá của nền văn
minh đi trước, đạt tới một trình độ cao hơn, nhất là những truyền thống dân tộc được
bộc lộ rõ rệt và sâu sắc hơn giai đoạn trước.

9


Với 12 bài trong chương trình chuẩn của sách giáo khoa lịch sử lớp 10 (Từ bài
17 đến bài 28), lịch sử phong kiến Việt Nam hiện lên với những nét đầy đủ nhất trong
giai đoạn này. Theo phân phối chương trình hiện hành của Sở Giáo dục Đào tạo, lịch
sử Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX được dạy trong 12 tiết (không bao
gồm tiết kiểm tra, lịch sử địa phương) với 3 chương.
Chương I: Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV (gồm 4 tiết, với 4 bài)
Chương II: Việt Nam từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII (gồm 4 tiết, với 4 bài)
Chương III: Việt Nam ở nửa đầu thế kỉ XIX (gồm 2 tiết, tương ứng với 2 bài).
Sơ kết lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX ( 2 tiết, với 2 bài).
Toàn bộ nội dung của lịch sử dân tộc thời kỳ này chủ yếu nói về công cuộc
dựng nước và công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Do
đó, việc giáo dục truyền thống dân tộc đặc biệt giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc
cho học sinh là điều quan trọng và cần thiết.
Đây là giai đoạn lịch sử mà nhân dân ta phát huy cao độ truyền thống dân tộc
và trí tuệ con người Việt Nam, đoàn kết chiến đấu kiên cường, thông minh, sáng tạo

với nghệ thuật quân sự độc đáo, quyền biến, lập nên những chiến công thể hiện võ
công cao cả, vĩ đại như: Cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (981), cuộc kháng
chiến chống Tống thời Lí (1075 - 1077), cuộc kháng chiến chống quân xâm lược
Mông – Nguyên ở thế kỉ XIII, phong trào đấu tranh trống quân xâm lược Minh (cuối
thế kỉ XIV), kháng chiến chống Xiêm (1784 - 1785), cuộc kháng chiến chống quân
Thanh (1789), và sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ tổ quốc.
Vì vậy, lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX giữ một vị trí hết
sức quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Đây là thời kì mà truyền thống
đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ nhất. Ở đó, yếu tố con người tạo ra sức mạnh
tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự chủ cho nước nhà. Do đó, việc
nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử Việt Nam thời kì này có ý nghĩa sâu sắc.
Khai thác tốt nội dung lịch sử thời kì này có tác dụng lớn trong việc giáo dục
truyền thống dân tộc nói chung, giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc nói riêng. Qua
đó, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học và giáo dục đạo đức học sinh ở trường phổ
thông hiện nay.

10


2.2. Nội dung kiến thức cơ bản của chương trình lịch sử Việt Nam từ thế kỉ
X đến nửa đầu thế kỉ XIX cần khai thác để giáo dục truyền thống đoàn kết dân
tộc cho học sinh ở lớp 10 THPT (chương trình chuẩn)
Nội dung lịch sử Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX đã
phản ánh trên tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đấu tranh chống giặc
ngoại xâm. Chúng ta có thể dựa vào kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa để khai
thác nội dung giáo dục truyền thống dân tộc theo những chủ đề sau:
* Truyền thống đoàn kết dân tộc trong lao động sản xuất.
Đây là một truyền thống có từ rất sớm, gắn liền với quá trình hình thành và phát
triển của những cư dân Việt cổ làm nghề nông nghiệp trồng lúa nước. Do lấy nghề
nông làm gốc nên từ xa xưa người Việt đã biết cùng nhau đoàn kết bắt tay trị thủy,

khai hoang mở rộng ruộng đồng phát triển nền kinh tế toàn diện của quốc gia.
Để giáo dục cho học sinh truyền thống này chúng ta cần khai thác triệt để các
kiến thức sau:
+ Thế kỉ X – XV là thời kì phong kiến độc lập, đồng thời đây cũng là thời kì đất
nước được thống nhất, nhà nước có nhiều chính sách tiến bộ tạo điều kiện phát triển
kinh tế, nhờ đó diện tích đất ngày càng mở rộng, thủy lợi được nhà nước quan tâm mở
mang. Các triều đại Lí – Trần – Lê sơ đều quan tâm đến phát triển kinh tế nông nghiệp
và coi trọng sức dân. Kinh tế công thương nghiệp cũng phát triển, nhiều làng nghề thủ
công nghiệp ra đời.
+ Giai đoạn từ thế kỉ XVI – XVIII, giáo viên có thể khai thác những nội dung
trong bài 22: “Tình hình kinh tế ở các thế kỉ XVI - XVIII”, đây là giai đoạn đất nước
có nhiều biến động lớn, tuy nhiên do nhiều điều kiện khác nhau nên nền kinh tế tiếp
tục phát triển với những biểu hiện có ý nghĩa xã hội quan trọng. Trong nông nghiệp
việc khai hoang mở rộng diện tích canh tác được tích cựu thực hiện. Cùng với quá
trình khai hoang, lãnh thổ đất nước được mở rộng đến Tây Nam Bộ ngày nay. Thủ
công nghiệp khá phát triển, xuất hiện nhiều nghề thủ công mới, nhiều làng nghề, buôn
bán trong nước khá sầm uất, xuất hiện nhiều trung tâm buôn bán. Ngoại thương phát triển
nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và hưng khởi các đô thị: Thăng
Long, Phố Hiến, Hội An,…
+ Sang giai đoạn lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX, chúng ta có thể khai
thác mục (2): Tình hình kinh tế và chính sách của nhà Nguyễn trong bài 25: “Tình hình
11


chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn (Nửa đầu thế kỉ XIX)”. Đây là giai đoạn
đất nước bình yên trở lại, có điều kiện thuận lợi nhưng nền kinh tế gặp không ít khó
khăn. Nhà nước đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khai hoang nhưng diện tích
ruộng đất tăng lên không nhiều; nghề thủ công nghiệp tiếp tục phát triển nhưng chủ yếu
chỉ phát triển bộ phận thủ công nghiệp nhà nước, còn thủ công nghiệp trong nhân dân bị
hạn chế; buôn bán trong nước phát triển chậm chạp, nhà nước giữ độc quyền về ngoại

thương. Nguyên nhân dẫn đến kinh tế thời kỳ này trì trệ chính là do chính sách của nhà
nước, đó cũng là một trong những bài học để rút kinh nghiệm cho quá trình xây dựng
truyền thống đoàn kết dân tộc.
* Truyền thống đoàn kết dân tộc trong chống giặc ngoại xâm.
Đây là một nội dung quan trọng cần phải giáo dục cho học sinh, nhất là hiện
nay lớp trẻ không phải chịu đựng, chứng kiến các cuộc đấu tranh, các em được
sống trong hoà bình và ấm no. Do đó, giáo dục truyền thống nói chung và truyền
thống đoàn kết dân tộc nói riêng sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về những trang sử vẻ
vang của dân tộc, đánh giá được tầm quan trọng của truyền thống đoàn kết dân tộc
trong lịch sử, từ đó, hình thành trong các em ý thức phải giữ gìn và phát huy truyền
thống của dân tộc mình. Giáo viên có thể khai thác kiến thức trong sách giáo khoa
để giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc về chủ đề này qua các nội dung:
- Trong bài 19: “Những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm ở các thế kỉ X XV” là thời kì đầu của nước Đại Việt phong kiến độc lập, với các cuộc đấu tranh anh
dũng, kiên cường của dân tộc ta chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc,
ghi vào lịch sử những thắng lợi oanh liệt.
+ Mục (I): “Các cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Tống”. Giáo viên có thể
khai thác kiến thức về hai lần kháng chiến chống giặc Tống của nhà Tiền Lê và nhà Lý.
Thời Tiền Lê, nhân lúc triều đình nhà Đinh gặp khó khăn, vua Tống cử quân sang xâm
lược nước ta, quân và dân đại Việt đã chiến đấu anh dũng. Giáo viên đi sâu vào chi tiết
nhà Tiền Lê tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Tống: Trước nguy cơ xâm lược, thái
hậu Dương Vân Nga đã đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của dòng họ, tôn
thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên làm vua để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Lê Hoàn cùng
các tướng huy động quân sĩ cùng nhân dân khẩn trương chuẩn bị kháng chiến chống giặc.
Đến cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý, giáo viên khai thác nội dung ra
quân trước của Lý Thường Kiệt. Với sự kiện này, giáo viên phân tích cho học sinh về
12


lực lượng tham gia cuộc kháng chiến. Đặc biệt, giáo viên nhấn mạnh cho học sinh sự
tham gia của các tù trưởng dân tộc ít người ở phía Bắc. Sự tham gia đó chính là kết

quả của chính sách đoàn kết dân tộc của nhà Lý. Các vua nhà lý đã biết quan tâm đến
chính sách đoàn kết các dân tộc ít người, dùng chính sách ràng buộc tầng lớp thống trị
miền núi với triều đình bằng con đường hôn nhân.
+ Mục (II): “Các cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông – Nguyên”. Giáo
viên tóm tắt về sự phát triển và chính sách bành trướng của đế quốc Mông – Nguyên,
giúp học sinh thấy được sự nguy hiếm của kẻ thù mà nhân ta đang phải đối mặt, từ đó
khắc sâu cho học sinh thấy chiến thắng huy hoàng mà nhân dân ta giành được. Giáo
viên giúp các em hiểu rằng, thắng lợi đạt được không chỉ do triều đình nhà Trần biết
bỏ qua những ích kỉ cá nhân, đoàn kết cùng nhau kháng chiến chống quân xâm lược
Mông – Nguyên, mà còn nhờ sự hưởng ứng, đoàn kết trong nhân dân. Do đó, khi triều
đình đưa ra mệnh lệnh: nếu có giặc ngoài đến phải liều chết mà đánh, nếu sức không
địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng, nhân dân đã một
lòng nghe theo, làm thất bại âm mưu của giặc, góp phần thành công vào thắng lợi của
cuộc kháng chiến.
+ Mục (III): “Phong trào đấu tranh chống quân xâm lược Minh và khởi nghĩa
Lam Sơn”. Giáo viên có thể tập trung khai thác hai nội dung kiến thức để học sinh
thấy: Tại sao cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, còn cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi
lãnh đạo lại thành công. Nguyên nhân là do nhà Hồ không đoàn kết được sức dân,
không được nhân dân hưởng ứng, giúp sức nên đã bị thất bại, khiến cho nước ta rơi
vào ách đô hộ của nhà Minh. Ngược lại, Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
biết được thiên thời, địa lợi, nhân hoà đã giành được sự ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân,
nghĩa quân đi đến đâu cũng được nhân dân bao bọc, giúp sức, vì vậy đã giành được
thắng lợi đánh đuổi quân Minh xâm lược.
- Trong bài 23: “Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ
Tổ quốc”, giáo viên khai thác nội dung kiến thức về phong trào kháng chiến chống
quân Xiêm và cuộc kháng chiến chống quân Thanh, về nghệ thuật tổ chức kháng chiến
của Nguyễn Huệ. Đồng thời, giáo viên cho học sinh đánh giá công lao của phong trào
Tây Sơn và Nguyễn Huệ trong giai đoạn lịch sử Việt Nam cuối thế kỉ XVIII, từ đó lí
giải cho các em về nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của những chiến thắng
này.

13


Qua những nội dung trên, giáo viên tiến hành giáo dục cho học sinh truyền
thống dân tộc nói chung, truyền thống đoàn kết dân tộc nói riêng. Giáo viên giúp các
em hiểu được những giá trị tốt đẹp về truyền thống dân tộc. Từ đó, giáo dục lòng tự
hào, biết ơn những thế hệ đi trước, sự kính trọng đối với quần chúng nhân dân, ý thức
được bản thân mình cần gìn giữ và phát huy truyền thống ấy.
2.3. Phương pháp giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh
trong dạy học phần lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX ở lớp 10
THPT.
Giáo dục truyền thống dân tộc nói chung, truyền thống đoàn kết dân tộc nói
riêng trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông là thực hiện các chức năng giáo dục
của bộ môn. Ở phần trên, tác giả đã trình bày những nội dung kiến thức cơ bản của
chương trình lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX cần khai thác để
giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh. Tuy nhiên, để học sinh nắm vững
được các nội dung cơ bản trong sách giáo khoa và mở rộng thêm sự hiểu biết từ bên
ngoài, đòi hỏi trong quá trình dạy học giáo viên phải có những phương pháp tổ chức
phù hợp. Trong thực tế, không có phương pháp nào là vạn năng, duy nhất, mà các
phương pháp sư phạm thường kết hợp đan xen, hỗ trợ nhau tạo thành một hệ thống
phương pháp liên hoàn. Đồng thời, giáo viên phải căn cứ vào nội dung kiến thức, yêu
cầu cụ thể của từng bài mà đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp. Điều quan trọng là
trong từng phương pháp cần chú ý việc phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh
trong quá trình nhận thức.
Xuất phát từ cơ sở lí luận, thực tiễn và căn cứ vào nội dung chương trình lịch sử
Việt Nam lớp 10 giai đoạn từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX, tác giả đề xuất một số
hình thức và biện pháp sư phạm giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh
như sau:
* Sử dụng các phương pháp trình bày miệng sinh động, gây xúc cảm lịch sử,
qua đó giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh.

Trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng, lời nói giữ vai trò chủ
đạo. Nó có ý nghĩa to lớn không chỉ với những thông tin giúp học sinh tái hiện lịch sử,
mà còn để nhận thức bản chất các sự kiện, thể hiện kết quả tìm tòi nghiên cứu của học
sinh. Trình bày miệng sử dụng ngôn ngữ trong sáng giàu hình ảnh, kết hợp với tường
thuật, miêu tả, giải thích,…của giáo viên giúp học sinh hiểu rõ quá khứ, tạo biểu tượng
14


lịch sử chân xác, làm cơ sở hình thành khái niệm, tìm ra bản chất sự kiện, rút ra quy
luật bài học lịch sử. Đây là phương pháp có ưu thế lớn trong việc giáo dục học sinh,
bởi lẽ lời nói xúc cảm, giàu hình ảnh của giáo viên tác đông trực tiếp đến tư tưởng,
tình cảm của các em, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc và phát triển nhân cách tốt
cho học sinh. Trong dạy học lịch sử, lời nói bao giờ cũng gắn liền với tư cách, đạo đức, tư
tưởng của người giáo viên. Không thể nhiệt tình ca ngợi những hành động anh hùng của
nhân dân trong chiến đấu nếu giáo viên không rung cảm trước hành động ấy; không thể
giáo dục cho học sinh căm thù giai cấp thống trị, quân xâm lược nếu giáo viên không thực
sự căm thù chúng. Lời nói nhiệt tâm, chân thành tăng thêm tác dụng giáo dục; lời nói lạnh
nhạt, hững hờ làm giảm nhẹ hoặc gây phản tác dụng giáo dục. Do đó, trình bày miệng
sinh động, gây cảm xúc là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao trong
việc giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh. Chúng ta có thể sử dụng các
hình thức cơ bản của trình bày miệng sinh động, gây cảm xúc trong dạy học lịch sử như
tường thuật, nêu đặc điểm, giải thích, kể chuyện…
- Thứ nhất, sử dụng phương pháp Tường thuật.
Tường thuật là một cách trình bày miệng quan trọng, nhằm tái hiện ở học sinh
những biến cố lịch sử quan trọng với đầy đủ tính cụ thể và gợi cảm của nó. Tuy nhiên,
trong thực tế, không ít giáo viên chưa nhận thức được đầy đủ nội dung và vị trí của
tường thuật trong việc giảng dạy và học tập lịch sử ở truờng phổ thông. Tường thuật
bao giờ cũng có chủ đề, có tình tiết nhất định nhằm kích thích trí tưởng tượng tái tạo
của học sinh về những hình ảnh của quá khứ. Những đặc điểm nổi bật của tường thuật
có chủ đề là tính chất sinh động về các hoạt động của nhân vật, quá trình diễn biến của

sự kiện, tính cụ thể, chính xác của tài liệu sử dụng. Tường thuật có tác dụng khơi dậy
óc tưởng tượng, tái tạo của học sinh trong học tập lịch sử.
Ví dụ, khi dạy học bài 23: “Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất
nước, bảo vệ Tổ quốc cuối thế kỉ XVIII”, giáo viên có thể xây dựng và sử dụng đoạn
tường thuật về cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (1785) của nghĩa quân Tây Sơn
dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ với trận Rạch Gầm – Xoài Mút đánh tan quân xâm
lược như sau:
“Sau nhiều lần thất bại, Nguyễn Ánh đã sang cầu cứu vua Xiêm, giữa năm
1784, năm vạn quân Xiêm kéo vào Gia Định theo hai đường: Hai vạn quân đổ bộ lên
Kiên Giang, ba vạn quân đổ bộ vào Cần Thơ. Cuối năm đó, quân Xiêm đã chiếm miền
15


Tây Gia Định (các tỉnh miền Tây Nam Bộ), chúng mặc sức đốt phá, giết người, cướp
của. Tội ác của chúng làm tăng thêm lòng căm thù của nhân dân. Trước tình hình đó,
tháng 1 năm 1985, Nguyễn Huệ tiến công vào Gia Định, đặt đại bản doanh tại Mĩ Tho.
Sau khi nghiên cứu kĩ địa hình, ông đã chọn khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài
Mút làm trận địa quyết chiến với giặc…
Mờ sáng ngày 19 tháng 1 năm 1785, Nguyễn Huệ dùng mưu nhử địch vào trận
địa mai phục, Quân Xiêm có ưu thế về quân số nên tướng địch rất chủ quan, chúng
huy động tất cả quân thuỷ, bộ từ phía Trà Lọt tiến xuống Mĩ Tho đuổi theo quân Tây
Sơn. Khi quân địch lọt hoàn toàn vào trận địa mai phục, thuỷ quân của ta ở hai bên bờ
sông Thới Sơn bất ngờ xông ra. Địch bị tấn công bất ngờ và mãnh liệt, tất cả các chiến
thuyền của quân Xiêm bị đánh tan tác, gần 4 vạn quân bị giết tại trận, chỉ có vài nghìn
quân sống sót vượt qua Chân Lạp về nước. Từ đó, quân Xiêm “sợ quân Tây Sơn như
sợ cọp”, Nguyễn Ánh thoát chết phải trốn sang Xiêm lưu vong”.
Sau khi tường thuật xong, giáo viên kết hợp đưa ra câu hỏi để học sinh hiểu rõ
nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Xiêm (1785) không chỉ đơn thuần
do sự chỉ huy tài tình của Nguyễn Huệ mà đó còn là thắng lợi của cả một tập thể biết
đồng lòng, hợp sức, biết đoàn kết quyết tâm đánh đuổi quân thù. Giáo viên giúp học

sinh hiểu rằng thắng lợi ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút tạo điều kiện thuận lợi để hoàn
thành nhiệm vụ thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Với thắng lợi này phong
trào Tây Sơn trở thành phong trào quật khởi của cả dân tộc, kết hợp chặt chẽ trong
mục tiêu, tinh thần đấu tranh và tổ chức lực lượng, tính chất ác liệt của cuộc đấu tranh
giai cấp và đấu tranh dân tộc. Qua đó giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản của bài
học, giúp các em tự hào về truyền thống đoàn kết dân tộc, sự kính trọng đối với quần
chúng nhân dân lao động - người sáng tạo ra lịch sử, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của
Đảng và sức mạnh đoàn kết dân tộc. Đồng thời, rèn luyện cho các em nhiều kĩ năng:
Quan sát, cách xây dựng một đoạn tường thuật. Tường thuật dùng để trình bày một
biến cố lịch sử quan trọng có ý nghĩa giáo dưỡng, giáo dục cao, để lại cho học sinh
nhiều ấn tượng sâu sắc.
- Thứ hai, sử dụng phương pháp nêu đặc điểm.
Nêu đặc điểm là một dạng của miêu tả, nhằm làm sáng tỏ những nét bản chất,
đặc trưng trong mối liên hệ bên trong của các sự kiện hiện tượng, nhân vật lịch sử.
Nêu đặc điểm có thể ngắn gọn hay chi tiết, tuỳ theo tính chất, nội dung của sự kiện và
16


trình độ yêu cầu của việc học tập. Nêu đặc điểm không những làm cho học sinh ghi
nhớ sự kiện, nhân vật một cách cụ thể, có hình tượng trên cơ sở những tài liệu được
thông báo mà còn khái quát hoá với những nét đặc trưng nhất của sự kiện, nhân vật.
Thông qua phương pháp nêu đặc điểm, giáo viên giúp các em đánh giá sự kiện và có
thái độ đối với sự kiện hay nhân vật lịch sử ấy.
Việc sử dụng phương pháp nêu đặc điểm được tiến hành trong những trường hợp
sau:
+ Thứ nhất, dùng xen vào tường thuật nhằm cụ thể hoá một hiện tượng, một
nhân vật lịch sử.
Ví dụ, ở bài 23 “Phong trào Tây Sơn và sự nhiệp thống nhất, bảo vệ Tổ quốc”,
khi dạy mục (II): Các cuộc kháng chiến cuối thế kỷ XVIII, với phần (2): Kháng chiến
chống quân Thanh (1789). Để tạo biểu tượng về người anh hùng áo vải Quang Trung

giáo viên sử dụng tư liệu trong cuốn Kiến thức lịch sử lớp 10 để miêu tả hình ảnh Quang
Trung khi tiến vào Thăng Long: Quang Trung trên mình voi chiến, với chiếc áo chiến
bào đen sạm khói súng qua những ngày đêm chiến đấu ác liệt, dẫn đầu đoàn quân chiến
thắng.
Hình ảnh này giúp học sinh nhận thức được tính chất ác liệt của cuộc kháng
chiến chống quân Thanh, sự gan dạ, anh hùng của Quang Trung trong cuộc kháng
chiến. Đồng thời, giáo viên giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản. Trên cơ sở đó,
giáo viên giáo dục cho học sinh lòng biết ơn, kính trọng nhân dân lao động, giúp các
em nhận thức được tầm quan trọng của truyền thống đoàn kết dân tộc, anh dũng của
nhân dân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc.
+ Thứ hai, dùng để khái quát tính chất hiện tượng lịch sử dưới dạng một hình
ảnh tượng trưng, nhằm giúp học sinh dễ tiếp thu nội dung, bản chất hiện tượng.
Ví dụ, khi dạy bài 19 “Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỷ
X - XV”, khi dạy mục (III): Phong trào đấu tranh chống quân xâm lược Minh và khởi
nghĩa Lam Sơn. Để giảng giải cho học sinh về nguyên nhân dẫn tới các phong trào đấu
tranh trong giai đoạn này, giáo viên có thể sử dụng tư liệu văn học trong dạy học lịch
sử, sử dụng hai câu thơ trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.

17


Với mục đích, giúp học sinh nhận thức được tội ác tàn bạo, dã man của quân
Minh đối với nhân dân ta, chính lòng căm thù đối với quân xâm lược đã làm bùng lên
khởi nghĩa Lam Sơn. Việc sử dụng tư liệu văn học để miêu tả tội ác của giặc giúp học
sinh nắm được kiến thức cơ bản về nguyên nhân dẫn đến khởi nghĩa Lam Sơn. Từ
kiến thức cơ bản đó, giáo viên bồi dưỡng lòng yêu nước, căm thù giặc, ý thức độc lập
và truyền thống đoàn kết dân tộc của nhân dân cho học sinh. Trên cơ sở đó, các em
phát huy khả năng tư duy, tưởng tượng, rút ra nhận xét của bản thân và rèn luyện cho

các em kỹ năng sử dụng tư liệu văn học vào học tập lịch sử.
- Thứ ba, sử dụng phương pháp kể chuyện lịch sử.
Trong thời đại hiện nay, mặc dù có rất nhiều phương pháp tiến bộ, thậm chí còn
sử dụng khoa học công nghệ vào trong dạy học. Tuy nhiên, phương pháp sử dụng lời
nói trong dạy học của giáo viên, đặc biệt là phương pháp kể chuyện lịch sử có vai trò
vô cùng quan trọng. Trong phương pháp này, giáo viên sử dụng lời nói của mình để
truyền tải đến học sinh nội dung câu chuyện, có liên hệ đến bài học góp phần giáo dục
truyền thống đoàn kết dân tộc cho học sinh. Những câu chuyện lịch sử do giáo viên kể
xen lẫn vào bài giảng có tác dụng tạo ra sự chú ý, tập trung và gây hứng thú học tập
đối với học sinh. Do đó, giáo viên cần phải có ngôn ngữ chính xác, trong sáng về ngữ
pháp, khả năng diễn đạt tốt, mang tính truyền cảm, không sáo rỗng.
Ví dụ, để giúp học sinh hiểu rằng, đất nước muốn vững mạnh thì các triều vua
bên cạnh việc quan tâm đến cuộc sống của người dân, còn cần chú ý đến vấn đề đoàn
kết dân tộc. Đoàn kết dân tộc không đơn thuần là sự đoàn kết trong nhân dân, mà đó
phải là sự đoàn kết ngay trong triều đình, giữa các quan lại với nhau, cùng nhau xây
dựng đất nước cường thịnh. Giáo viên có thể kể cho học sinh nghe câu truyện Quốc
Công Trần Hưng Đạo tắm gội cho Thượng tướng Trần Quang Khải, khi dạy mục (II),
bài 19, Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X – XV như sau: Vua
Trần Thánh Tông đi đánh giặc, Trần Quang Khải đi theo nhà vua. Ghế Thượng tướng
bỏ trống. Khi ấy, vừa gặp lúc sứ thần phương Bắc sang, Thượng hoàng là Trần Thái
Tông gọi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đến mà bảo rằng Thượng tướng đi theo
hầu nhà vua, hiện đang vắng mặt, Trẫm muốn khanh làm chức Tư đồ để tiếp ứng sứ
thần phương Bắc. Quốc Tuấn trả lời, việc ứng tiếp sứ thần phương Bắc thì thần không
dám từ chối, còn việc cho thần làm chức Tư đồ thì thần không dám vâng theo chiếu
chỉ của Thượng hoàng. Huống chi đương lúc quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải đi
18


theo hầu mà Thượng Hoàng lại phong cho thần chức ấy thì tình sợ có chỗ chưa thoả
đáng, không được thỏa lòng Quan gia và Quang Khải. Vậy đợi khi Quan gia về sẽ

nhận chức cũng chưa muộn gì.
Đến khi Thánh Tông về thì việc ấy lại bỏ đấy, vì Quang Khải và Trần Quốc
Tuấn hai nguời vốn không ưa nhau.
Một hôm Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp đến Thăng Long. Quang Khải xuống thuyền
đánh cờ chơi vui suốt ngày rồi mới về nhà. Tính Quang Khải lười tắm gội. Quốc Tuấn
thì thích xông và tắm. Quốc Tuấn nói đùa với Quang Khải rằng: Thân thể ngài cáu
bẩn, xin được tắm giùm. Rồi Quốc Tuấn cởi áo Quang Khải ra, lấy nước thơm để tắm
gội và nói: Hôm nay tôi được tắm gội cho Thượng tướng. Quang Khải cũng nói: Hôm
nay tôi được Quốc công tắm gội cho.
Từ đấy hai người vui vẻ giao du với nhau, tình thân càng mặn mà, làm
tướng văn và tướng võ để phò giúp nhà vua
- Thứ tư, sử dụng phương pháp Giải thích.
Giải thích được sử dụng để tìm hiểu sâu hơn bản chất, ý nghĩa của những hiện
tượng phức tạp, nắm vững những khái niệm, các quy luật, nhằm làm cho học sinh có
quan điểm khoa học về sự phát triển của xã hội loài người, về những mối liên hệ nhân
quả giữa các hiện tượng. Giải thích phù hợp với trình độ và yêu cầu học tập lịch sử ở
trường PTTH, góp phần vào phát triển tư duy lí luận của các em. Vì vậy, trong mỗi bài
giảng, giáo viên cần xác định rõ những vấn đề nào cần giải thích, như sự thay đổi của
một chế độ xã hội này bằng một chế độ xã hội khác, vai trò của quần chúng nhân dân
trong một sự kiện lịch sử cụ thể.
Chẳng hạn như: Giáo viên muốn giáo dục cho học sinh hiểu được quy luật: Khi
nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì chúng ta sẽ giành được thắng lợi, còn khi
nào không tập hợp được sức mạnh của toàn dân thì không thể tránh khỏi thất bại. Giáo
viên có thể giải thích nội dung này cho học sinh như sau:
Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm nhân dân luôn phải đương
đầu với kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo. Vì luôn phải lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống
mạnh, lấy tinh thần để chiến thắng vật chất trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, dân
tộc ta phải phát huy đến cao độ trí tuệ biết đánh và biết thắng để chống lại mọi kẻ thù.
Điển hình như trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Tống, Lí Thường Kiệt đã
vừa đấu lực, vừa đấu trí với quân thù. Biết địch đang có âm mưu xâm lược nước ta, Lí

19


Thường Kiệt đã chủ động tập hợp quần chúng nhân dân, tấn công vào lãnh thổ địch,
mục đích làm cho hậu phương địch xao động, ý chí xâm lược của quân địch lung lay,
rồi rút về phòng thủ đất nước, cuối cùng đã chiến thắng. Đồng thời, ông tổ chức phân
tán chia cắt địch ra đánh, làm cho chúng trong ngoài không tiếp ứng được cho nhau.
Địch âm mưu chia rẽ, mua chuộc bọn bù nhìn bán nước, ta lấy đoàn kết toàn dân làm
chỗ dựa để đánh địch và giành được thắng lợi.
Nói đến đoàn kết sức dân không thể không kể đến nhà Trần với ba lần chiến
thắng quân Mông Nguyên. Tại sao một dân tộc nhỏ bé lại có thể đè bẹp vó ngựa xâm
lược của một tên đế quốc mạnh nhất Châu Á thế kỉ XIII, khiến cho cả thế giới phải
sững sờ, ngỡ ngàng. Câu trả lời rất đơn giản đó là bởi sức mạnh toàn dân. Bản thân
những người lãnh đạo cuộc kháng chiến đã nhận thức rõ được rằng phải khoan thư sức
dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước. Vì vậy, khi giặc ngoại
xâm đến, mặc dù trong triều đình có mâu thuẫn, phân chia thành nhiều bè phái giữa
Trần Liễu và con trai của ông là Trần Quốc Tuấn với một bên là Trần Thủ độ và Trần
Thái Tông, giữa Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn… Nhưng trước tình hình đất
nước nguy nan, trước tình hình vó ngựa Mông – Nguyên sang xâm lược nước ta thì tất
cả các mâu thuẫn đều được giải quyết. Đặc biệt, ngay trong nội bộ tôn thất nhà Trần,
vua tôi đã biết cùng chung phú quý. Trần Thánh Tông đã nói với những người trong
hoàng tộc rằng: Thiên hạ là thiên hạ của tổ tiên, người nối nghiệp tổ tiên nên cùng với
anh em trong họ cùng hưởng phú quý. Tuy bề ngoài thì cả thiên hạ phụng thờ một
người tôn quý. Nhưng bên trong thì ta và các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng
lo, vui thì cùng vui, các khanh nên nhớ lấy câu ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lấy
đừng quên. Thế là phúc cho muôn năm tôn miếu, xã tắc vậy.
Đó là tinh thần đoàn kết trong hoàng tộc vì lợi ích thiết thân của giai cấp phong
kiến, nhưng nó cũng có ảnh hưởng tích cực đến cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Còn tình đoàn kết giữa triều thần và dân chúng thì hội nghị Diên Hồng là một biểu
hiện rõ nét. Đó là ý thức trọng dân, vừa là biểu hiện một tinh thần đoàn kết dân tộc

rộng rãi trong khôn khổ phong kiến.
Trái lại, nhà Hồ là một ví dụ điển hình về bài học không đoàn kết được sức
mạnh toàn dân, nên đã bại trận trước sự xâm lược của quân Minh. Ngay từ đầu, nhà
Hồ đã không lấy được lòng dân vì bị coi là triều đại cướp ngôi của nhà Trần. Hành
động này trái với những chuẩn mực khắt khe của lễ giáo phong kiến bấy giờ. Do vậy,
20


khi quân Minh tràn tới, mặc dù cha con Hồ Quý Ly rất có tài thao lược quân sự nhưng
vẫn không thể huy động được sức mạnh toàn dân đánh đuổi bè lũ phong kiến phương
Bắc, giữ vững nền độc lập dân tôc. Hệ quả là nhân dân ta phải chịu 20 năm dưới ách
đô hộ của nhà Minh. Và chính bản thân Hồ Nguyên Trừng đã nhận thức rõ được tầm
quan trọng của đoàn kết sức dân, ông đã nói: Tôi không sợ đánh giặc, mà chỉ sợ lòng
dân không theo.
Bài học về hệ quả của việc không đoàn kết được sức mạnh toàn dân cũng được
thể hiện rõ nét ở thời nguyễn. Năm 1802, Nguyễn Ánh sáng lập ra triều Nguyễn trên
cơ sở đàn áp triều đại Tây Sơn - một triều đại tiến bộ trong lịch sử dân tộc. Cho nên
ngay từ đầu, triều đại này đã không thuận lòng dân. Điều này lí giải tại sao, đây là triều
đại duy nhất mà khởi nghĩa nông dân nổ ra ngay từ khi nhà Nguyễn mới thành lập.
Người ta đã thống kê được có khoảng 400 cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều
đình trong vòng 50 năm đầu thế kỉ XIX. Có thể nói đây là biểu hiện rõ nhất của việc
mất lòng dân. Và kết cục là nhà Nguyễn đã để nước ta rơi vào tay thực dân Pháp, cũng
là sự bắt đầu của gần một thế kỉ đầy biến động, đau thương mà dân tộc Việt Nam phải
gánh chịu, đến năm 1945 mới chấm dứt.
Qua hai bài học trên, chúng ta càng ý thức rõ được vai trò, ý nghĩa vô cùng
quan trọng của việc đoàn kết, tập hợp sức dân. Nó hoàn toàn đúng với chân lí: Quần
chúng nhân dân đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của lịch sử.
Trên đây là một ví dụ sử dụng phương pháp giải thích giúp học sinh nắm được quy
luật lịch sử về đoàn kết dân tộc trong chống giặc ngoại xâm. Trong quá trình giảng dạy,
giáo viên cũng có thể kết hợp giải thích một số từ, thuật ngữ, khái niệm mới, khó đối với

học sinh, hoặc nâng sự hiểu biết của các em về những sự kiện cụ thể lên mức lí luận, khái
quát.
* Sử dụng các loại đồ dùng trực quan kết hợp với lời giảng sinh động của
giáo viên để tạo biểu tượng về sự đoàn kết dân tộc.
Phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan có ý nghĩa lớn trong dạy học lịch sử
bởi việc học tập của học sinh không thể trực tiếp quan sát các sự kiện. Sử dụng tốt đồ
dùng trực quan, học sinh sẽ huy động được sự tham gia của nhiều giác quan, phát triển
năng lực chú ý, quan sát, tư duy, kích thích hứng thú học tập. Qua đó nâng cao chất
lượng giờ học và hiệu quả giáo dục nói chung, giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc
nói riêng.
21


Trong dạy học lịch sử, phương pháp trực quan góp phần quan trọng tạo biểu
tượng lịch sử cho học sinh, cụ thể hoá các sự kiện và khắc phục tình trạng hiện đại hoá
kiến thức. Đồ dùng trực quan là chỗ dựa để hiểu biết sâu sắc bản chất của sự kiện lịch
sử, là phương tiện có hiệu lực để hình thành các khái niệm lịch sử quan trọng, giúp học
sinh nắm vững các quy luật phát triển xã hội, đồng thời phát triển khả năng quan sát,
trí tưởng tượng, tư duy và ngôn ngữ.
Với tất cả ý nghĩa giáo dưỡng, giáo dục và phát triển nêu trên, đồ dùng trực
quan là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Nhưng để dạy học lịch sử nói chung,
giáo dục truyêng thống đoàn kết dân tộc cho học sinh qua môn lịch sử nói riêng, giáo
viên có thể sử dụng nhiều loại khác nhau, kết hợp với các phương pháp khác nhau:
- Thứ nhất, sử dụng bản đồ lịch sử kết hợp với tường thuật để giáo dục truyền
thống đoàn kết dân tộc.
Bản đồ là một loại của phương tiện trực quan, khi kết hợp với các loại đồ dùng
trực quan khác nó không chỉ góp phần tái tạo lại những hình ảnh quá khứ lịch sử một
cách rõ nét, cụ thể, mà còn khắc phục được tình trạng “hiện đại hóa” lịch sử của học
sinh. Khai thác tốt bản đồ giúp học sinh nắm chắc được các kiến thức cơ bản, qua đó
hiệu quả giáo dục nói chung, giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc nói riêng được

phát triển lên.
Ví dụ, khi dạy học bài 23 “Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất
nước, bảo vệ Tổ quốc cuối thế kỉ XVIII”, giáo viên sử dụng lược đồ trận Ngọc Hồi Đống Đa để trình bày diễn biến của trận đánh.
Trước hết, giáo viên yêu cầu học sinh quan sát lược đồ và giới thiệu khái quát,
sau đó giáo viên giới thiệu các kí hiệu trên lược đồ . Học sinh tiếp tục quan sát, giáo
viên tiến hành lược thuật trên bản đồ, hoặc cũng có thể yêu cầu các em đọc sách giáo
khoa nêu lại diễn biến chính trước khi giáo viên trình bày trên bản đồ. Trong khi tường
thuật và miêu tả diễn biến của trận đánh, giáo viên cần lưu ý hướng dẫn học sinh phân
tích tính chất quyết liệt của cuộc chiến, khắc sâu hình ảnh chiến đấu ngoan cường của
binh lính và nhân dân chống lại kẻ thù bằng những vũ khí thô sơ nhất. Cụ thể ta có thể
khắc sâu như sau: khi hạ xong đồn Hạ Hồi, đại quân Tây Sơn tiến gấp về đồn Ngọc
Hồi. Mờ sáng ngày mùng 5 tết Kỉ Dậu, trận chiến bắt đầu. Lúc trời còn chưa sáng đội
tượng binh của Quang Trung bất thần tiến nhanh về phía Ngọc Hồi. Mũi tên của địch
bắn ra như mưa. Đoàn voi chiến liền chia làm hai cánh tả hữu mở đường cho đội xung
22


kích tiến lên. 600 chiến sĩ cảm tử chia làm 20 toán, cứ 10 người, dao dắt bên hông,
cùng nhau khiêng một tấm mộc lớn, bên ngoài quấn rơm ướt xông lên phía trước, sau
có 20 chiến sĩ đi theo, kết thành những bức tường di động. Đại bác, cung nỏ, hỏa mù
của địch bắn ra tới tấp, “khói tỏa mù trời” nhưng không ngăn cản bước tiến của đoàn
quân cảm tử. Áp sát chân lũy, các chiến sĩ xung kích bỏ tấm mộc xuống, rút dao và các
loại vũ khí khác xông vào chiến đấu dữ dội. Cùng lúc đó, theo sự chỉ huy của Quang
Trung, hàng vạn quân ào ạt xông lên tiếp chiến…Trước sức tấn công như vũ bão của
quân ta, địch chống không nổi, quay đầu chạy toán loạn …Bị tấn công bất ngờ, quân
giặc hoảng loạn, chống đỡ yếu ớt. Hàng ngàn quân Thanh tử trận. Nhân dân chín xã
ngoại thành sôi nổi dùng rơm rạ bện thành hình rồng, đốt lên xông vào doanh trại giặc
trợ chiến.
Kết thúc bài tường thuật, kết hợp sử dụng bản đồ và tranh ảnh, giáo viên tái
hiện cho học sinh bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến chống quân Thanh, để các

em nắm chắc kiến thức cơ bản, tạo được biểu tượng về sự đoàn kết chiến đấu giữa các
binh lính dưới sự lãnh đạo của anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và giữa
quần chúng nhân dân với binh lính. Mặc khác, giáo viên cũng giúp học sinh hiểu được
rằng: Với thắng lợi này, khởi nghĩa Tây Sơn đã phát triển lên thành phong trào nông
dân rộng lớn, đánh đổ các tập đoàn phong kiến đang thống trị, và đến đây, phong trào
Tây Sơn đã trở thành một phong trào dân tộc vĩ đại. Truyền thống yêu nước, đoàn kết
dân tộc của nhân dân một lần nữa lại sáng bừng lên rực rỡ.
Cách sử dụng ngôn ngữ diễn đạt của mình, kết hợp với sử dụng đồ dùng trực
quan của giáo viên, học sinh sẽ cảm nhận được giá trị của khối đoàn kết dân tộc trong
cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc của nước nhà, giáo dục các em niềm tự hào
về truyền thống quý báu của cha ông và xác định được trách nhiệm của mình đối với
tương lai của đất nước.
- Thứ hai, sử dụng niên biểu, bảng so sánh, thống kê kết hợp với phương pháp
tổ chức cho học sinh trao đổi thảo luận để tạo biểu tượng về giáo dục truyền thống
đoàn kết dân tộc cho học sinh.
Đây là biện pháp sư phạm được sử dụng khá phổ biến trong dạy học lịch sử, có
tác dụng kích thích tư duy học sinh phát triển, bao gồm cả tư duy tái tạo và tư duy sáng
tạo, góp phần nâng cao chất lượng giờ học và hiệu quả giáo dục.

23


Ví dụ, khi dạy học bài 27 “Qúa trình dựng nước và giữ nước” (phần sơ kết lịch
sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX). Giáo viên cần hướng dẫn học sinh lập
bảng thống kê các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ thời kì Bắc thuộc đến thế kỉ
XVIII. Để thực hiện theo phương pháp này, trước tiên giáo viên kẻ một bảng thống kê
gồm 3 cột, cột một là tên triều đại và các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa, cột thứ hai là
những nội dung chính, cột thứ ba là kết quả, sau đó gọi học sinh phát biểu và giáo viên
sửa chữa rồi điền vào bảng thống kê . Trong quá trình hoàn thiện, giáo viên có thể cho
học sinh trao đổi, phân tích, bổ sung để các em khái quát hoá sự kiện và hiểu sâu sắc

về các biến cố lớn của lịch sử dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và xây
dựng đất nước. Cuối cùng, giáo viên yêu cầu học sinh nhận xét về những yếu tố tạo
nên sự thành công cũng như thất bại của các phong trào kháng chiến chống quân xâm
lược của nhân dân ta từ thế kỉ X đến thế kỉ XVIII và chốt lại: Trong giai đoạn này,
chúng ta đã giành được thắng lợi hết sức to lớn bởi có sự chỉ huy mưu lược của các
nhà cầm quân, các nhà lãnh đạo; thắng lợi đó có được cũng là nhờ ý chí quyết chiến
bảo vệ nền độc lập của quân dân Đại Việt; một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là
sự đoàn kết trên dưới một lòng của quân và dân ta. Sự đoàn kết của chính quyền nhà
nước, của quân và dân ta đã góp phần tạo ra sức mạnh to lớn đánh thắng nhiều kẻ thù
hùng mạnh.
Tên triều đại và
các cuộc khởi

Nội dung chính

Kết quả

nghĩa
Thời Tiền Lê: Kháng Năm 981 quân Tống tiến vào nước Kháng chiến của nhân
chiến chống Tống

ta. Trước nguy cơ xân lược, thái hậu dân ta giành thắng lợi.
Dương Thị đặt quyền lợi dân tộc lên Tướng giặc bị bắt, rút
trên quyền lợi dùng họ, tôn Lê Hoàn chạy về nước
lên làm vua lãnh đạo cuộc kháng

Thời

Lý:


chiến
Kháng Năm 1077, 30 vạn quân Tống đánh Quân dân ta đánh tan

chiến chống Tống sang Đại Việt. Nhân dân
(1075 - 1077)

kháng quân xâm lược Tống,

chiến dưới sự lãnh đạo của Lý giành thắng lợi.

Thường Kiệt
Thời Trần: Ba lần Dưới sự lãnh đạo của các vị vua và Giặc chịu thất bại nặng
kháng chiến chống tướng giỏi nhà Trần, cùng sự ủng hộ, nề, rút lui khỏi kinh
24


quân

xâm

Mông



lược đoàn kết của nhân dân đã đập tan ba thành

Nguyên lần vó ngựa xâm lược của quân

(1258, 1285, 1287 - Mông – Nguyên (trận quyết định trên
1288).

sông Bạch Đằng) (1287 - 1288).
Thời Hồ (1400 - - Cuộc cải cách nhà Hồ không đạt kết Nước ta rơi vào ách đô
1407)

quả như mong muốn, quân Minh ồ ạt hộ của quân Minh.
tiến sang xâm lược.
- Năm 1407,cuộc kháng chiến nhà

Khởi

nghĩa

Hồ thất bại.
Lam - Mùa xuân 1418, Lê Lợi lãnh đạo Giặc rơi vào thế cùng

Sơn (1417 - 1427)

khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hoá).

quẫy, tháo chạy về

- Cuối năm 1427, 10 vạn quân cứu nước.
viện của giặc bị đánh tan tành ở trận
Thời Tây Sơn:
*

Kháng

Chi Lăng – Xương Giang.
- Nguyễn Ánh cầu viện vua Xiêm, 5

chiến vạn quân Xiêm tiến vào nước ta.

chống Xiêm (1874 - - Năm 1785, được nhân dân ủng hộ,
1875)

Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm
(trận Rạch Gầm – Xoài Mút)

*

Kháng

chiến - Vua Lê Chiêu Thống cầu viện vua

- Tiến vào Thăng long

chống quân Thanh Thanh, 29 vạn quân Thanh tiến sang

đánh bại quân xâm

(1789)

lược.

nước ta.
- Năm 1788, Nguyễn Huệ (Quang
Trung) lên ngôi hoàng đế, chỉ huy
quân tiến ra Bắc.
- Mùng 5 Tết 1789, nghĩa quân thắng


lợi ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa.
Cách dùng bảng thống kê kết hợp với phương pháp tổ chức cho học sinh trao
đổi thảo luận như trên sẽ hệ thống hoá và khắc sâu kiến thức cho học sinh về các cuộc
đấu tranh và thành quả mà cha ông ta đạt được trong công cuộc bảo vệ nền độc lập
nước nhà. Công việc này cũng giáo dục cho các em phải biết giữ gìn và phát huy
truyền thống đoàn kết dân tộc, rèn luyện kỹ năng học tập bộ môn như lập bảng niên
biểu, so sánh…
25


×