Tải bản đầy đủ (.doc) (102 trang)

Đặc sắc truyện ngắn đoàn lê luận văn thạc sỹ ngữ văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (485.31 KB, 102 trang )

1
bộ giáo dục và đào tạo
Trờng đại học vinh

nguyễn thị lộc

đặc sắc truyện ngắn đoàn lê

luận văn thạc sĩ ngữ văn

Vinh - 2011


2

MỤC LỤC


3

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Truyện ngắn là thể loại có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học.
Trong văn học Việt Nam, nó đã có cả một quá trình hình thành từ thế kỷ XVI
(với sự xuất hiện của Truyền kỳ mạn lục - Nguyễn Dữ), phát triển lên đến đỉnh
cao trong những năm 1930 - 1945 với tên tuổi của Nam Cao, Nguyễn Công
Hoan, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân… Từ sau 1975 đến nay,
cùng với sự đổi mới toàn diện của văn học dân tộc, thể loại truyện ngắn có
những bước phát triển mới, hết sức mạnh mẽ. Truyện ngắn của các tác giả nữ
sau 1975 xuất hiện trên văn đàn với khối lượng lớn, các nữ văn sĩ, từ đó đã xác
lập được cho mình một vị thế quan trọng, thể hiện rất rõ cái riêng của mình.


1.2. Những truyện ngắn mang dấu ấn đặc trưng riêng của người phụ nữ
đất Cảng Đoàn Lê là một trong những mắt xích không thể thiếu trong nền
truyện ngắn Việt Nam đương đại. Tên tuổi nhà văn Đoàn Lê dù không ồn ào,
gây “sốc” như một số tác giả trẻ nhưng đọc những tác phẩm của bà chúng ta
dễ ấn tượng với con người, cuộc sống với cảm hứng và cách viết của bà. Sự
thông minh, sắc sảo thể hiện trong giọng văn hài hước, hóm hỉnh cùng với sự
xuất hiện các yếu tố giả tưởng để lại trong người đọc những ấn tượng không
thể quên. Chính bởi thế, sáng tác của bà đã có sự hưởng ứng vượt ra ngoài
phạm vi quốc gia: cuốn Trinh tiết xóm Chùa đã được dịch ra tiếng Anh và in
ở Mỹ. Bà là chủ nhân của những giải thưởng lớn: tiểu thuyết Cuốn gia phả để
lại được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải A (1990), tập truyện ngắn Trinh tiết
xóm Chùa được giải Nhì Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc
(2005).
1.3. Văn học sau 1975 đã được đưa vào dạy học trong chương trình
phổ thông (tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Minh


4
Khuê…). Là một giáo viên phổ thông, việc đi sâu tìm hiểu truyện ngắn Đoàn
Lê trong dòng chảy văn học đương đại sau 1975 phần nào giúp chúng ta hiểu
sâu rộng hơn về hiện trạng văn học và xu thế phát triển của nó, đồng thời tìm
ra một cách tiếp cận phù hợp với văn học thời kỳ này, đặc biệt là bộ phận
truyện ngắn.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
“Không biết gọi Đoàn Lê là nhà gì cho đúng” (Hồ Anh Thái), bà được
mọi người biết đến là một người “đa mang” với tư cách là một nhà văn, nhà
biên kịch, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mĩ thuật, và hoạ sĩ. Ở lĩnh vực nào
người phụ nữ đa tài này cũng gặt hái được nhiều thành công. Chính bởi thế,
có không ít những bài viết về bà, và dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đã đề cập
tới tài năng nhiều mặt của Đoàn Lê.

Trong quá trình tìm hiểu sơ bộ về nữ văn sĩ này, đến nay, chúng tôi thu
thập được một số bài viết ngắn dưới hình thức là các bài báo ngắn giới thiệu
về Đoàn Lê và tác phẩm của bà. Chúng tôi tạm chia thành hai nhóm bài:
nhóm bài có tính chất giới thiệu khái quát về Đoàn Lê; và nhóm bài giới
thiệu, nhận xét về một số tác phẩm thuộc lĩnh vực văn chương của bà. Dưới
đây, chúng tôi xin lược thuật lại hai nhóm bài viết từ những ý kiến có tính
chất tiêu biểu khi nói về Đoàn Lê.
Nhóm bài thứ nhất giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể để nhận diện bức
chân dung và tất cả sự nghiệp của Đoàn Lê qua bài viết của Nguyễn Hồng
Lĩnh với nhan đề Nhà văn Đoàn Lê: Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan
trên trang . Nó đã chỉ ra cho chúng ta thấy cuộc đời và
tài năng nhiều mặt của Đoàn Lê: “dựng được bức chân dung thơ từ nguyên
mẫu một nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh” [30]. Cũng từ bài viết
này, sự nghiệp của bà được nói tới một cách cụ thể. Từ thơ đến các “ham
muốn nghệ thuật khác”, trợ lý thiết kế mĩ thuật cho hãng phim truyện Việt


5
Nam, diễn viên, biên kịch - “một người của điện ảnh”, “một hoạ sĩ tung hoành
cây cọ trên giá vẽ”, một nhà văn của những tác phẩm có chỗ đứng trong làng
văn: Cuốn gia phả để lại, Lão già tâm thần, Trinh tiết xóm Chùa, Nghĩa địa
xóm Chùa…, và gần đây là Tiền định, …và sex. Tác giả đi đến khẳng định:
“nghiệp viết văn của chị Đoàn Lê là có duyên nhất và gặt hái được nhiều mùa
vui nhất” [30].
Bài viết Nữ sĩ Đoàn Lê - trời vẫn không nín gió trên
đã lược thuật đầy đủ cuộc đời Đoàn Lê từ lúc bà chọn thi vào lớp diễn viên
điện ảnh khoá đầu cho đến nay lúc đã về hưu trở lại mảnh đất mình đã sinh ra.
Tác giả tỏ ra tinh tế khi nói rằng: “…với những người thuộc giới văn nghệ sĩ
như chị, lại đủ các yếu tố của tài tử giai nhân (…) thì rõ ràng đời sống nội tâm
của chị hẳn nhiên sẽ phong phú và ăm ắp những sáng tạo dư đủ để chị cảm

thấy cuộc sống luôn luôn tươi mới và khác lạ” [9].
Cũng trên các trang web, một loạt các bài viết ghi lại những hoạt động
chính và điểm lại nhưng nét đặc sắc, thành công trên “lãnh địa hội hoạ” của nữ
sĩ: Bất ngờ năm nhà văn vẽ, Nhà văn cấm cọ: lấn sân mà không lép vế, Khi
nhà văn kể chuyện cuộc sống bằng tranh. Tôi còn vẽ nude nữa, Góc nhỏ Đoàn
Lê và những mảng máu tự sự (), Đoàn Lê ẩn dật cô đơn bên
giá vẽ (catbien.vnweblogs.com), Đoàn Lê dành nhiều tâm huyết cho nghề viết
và hội hoạ (theo Netnam), Nữ sĩ Đoàn Lê - Tôi mải đi tìm những đường cong
đẹp ()... Ở những bài viết này, các tác giả chỉ đề cập
tới Đoàn Lê với tư cách là một nhà văn cầm cọ vẽ. Lãnh địa hội hoạ với những
bức vẽ được đánh giá là những bức hoạ “giàu chất nữ tính, dịu dàng và tinh tế”,
nhà văn đã “kể chuyện cuộc sống bằng hình ảnh và màu sắc, đằng sau là một
nụ cười tinh nghịch, hóm hỉnh” [11]. Cái tôi nhà văn - hoạ sĩ với những quan
niệm, cách nhìn cuộc sống có mối quan hệ với nhau, do đó những bài viết nay
cũng là nguồn tư liệu quý giá để chúng tôi thực hiện đề tài này.


6
Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng, chính bản thân Đoàn Lê đã thừa
nhận “nghề văn là nghề chính”, hơn nữa, đề tài này chủ yếu trực tiếp nói tới
bộ phận truyện ngắn của bà; bởi vậy chúng tôi đặc biệt lưu ý đến các bài viết
thuộc nhóm 2 - nhóm bài viết trực tiếp nhận xét về sự nghiệp văn chương, về
truyện ngắn của Đoàn Lê.
Trong bài viết Đọc truyện bật khóc bật cười (Bonnie) trên tờ Word
literature do Ngân Xuyên dịch là những lời nhận xét cho những tác phẩm
trong tập truyện ngắn Nghĩa địa xóm Chùa. Người viết thực sự ấn tượng với
những nhân vật là những bóng ma ở nghĩa địa với giọng văn độc đáo trong tác
phẩm cùng tên tập truyện, cảm động với câu chuyện của Người đẹp xóm
Chùa, thích thú với cảch Lên Ruồi có tính chất Kafka của một diễn viên nhào
lộn. Ta nhận ra cái gọi là “chất” Đoàn Lê là ở đó. Bên cạnh đó, chúng ta cũng

không thể phủ nhận sự xuất hiện của những câu chuyện có tính phổ biến xảy
ra ở bất kỳ đâu, những truyện “phản ánh sự suy sụp của các giá trị truyền
thống trước sự tham lam, hám lợi, quan liêu, đua đòi, sự áp bức giai cấp và
tình dục, sự tham nhũng và vi phạm nhân quyền” [64]. Từ đó, người viết
khẳng định rằng tác phẩm của Đoàn Lê “văn phong tinh tế, linh hoạt, nó
không chỉ là lựa chọn tốt cho văn học so sánh và văn học châu Á, mà còn cho
các lớp học viết văn, rất cần cho mọi thư viện công cộng và trường đại học”.
Bài viết cũng đã nhìn thấy tận cùng tính chất phúng dụ, châm biếm, huyễn
tưởng của những truyện ngắn “như những viên đá quý” này [64].
Nhất Việt trong bài Một cái nhìn văn hoá Việt Nam sau đổi mới khi giới
thiệu tập truyện Đoàn Lê mang tên The Cemetery of Chua villag (Nghĩa địa
xóm Chùa) được dịch ra tiếng Anh do nhà xuất bản Curbstore Press (Mỹ) ấn
hành đã ghi lại hai lời bình luận, đánh giá của các tạp chí nuớc ngoài về truyện
ngắn Đoàn Lê: “Thảng hoặc Đoàn Lê có xu hướng ẩn dụ kiểu Kafka như trong
Lên ruồi; ở chỗ khác những truyện ngắn đạt tới giọng điệu riêng tư thấm thía


7
như Giường đôi xóm Chùa. Đây là những truyện đặc sắc” [63] (Tạp chí Kirkus
Reviews). Và “Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo
tươi mới. Với giới học giả Mỹ, những truyện ngắn này cho một cái nhìn vào
bên trong văn hoá Việt Nam sau đổi mới. Với người đọc nói chung, đây là
những tác phẩm bao quát và đầy nhân văn, (…) đó là những tác phẩm về quyền
con người, khảo sát tất cả những bí ấn tinh tế của lòng người” [63]. Cũng là
những nhận định được ghi lại từ những truyện ngắn của Đoàn Lê, nhưng bài
viết Nhà văn Đoàn Lê và huyền thoại xóm Chùa của tác giả Đông Dương (theo
) đã chỉ ra những ấn tượng cụ thể hơn: “độc đáo hơn, các
nhân vật trong truyện (…) như là nguyên bản của người thật việc thật, đều xuất
phát từ không gian sống, sự quan sát thực tế của nhà văn. Đó là chuyện hiện
thực cho đến chuyện huyền ảo rất thu hút... Tuy là truyện xóm Chùa nhưng

Đoàn Lê tìm tòi sử dụng rất nhiều kĩ thuật viết và chính thế mạnh này lôi cuốn
người đọc” [9]. Đồng thời tác giả có nêu ra cảm xúc nhưng cũng là lời đánh giá
cao của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú khi nói về nghệ thuật huyền ảo của Đoàn
Lê: “Hay Đoàn Lê có mầm bệnh trong người? Chỉ có người âm mới dám viết
những chuyện khủng khiếp như vậy” [9].
Đặc biệt, trong nhóm bài viết này, chúng tôi để ý nhiều đến những bài
viết của nhà văn Hồ Anh Thái - một nhà văn dường như có cả một quá trình
dài dõi theo những sáng tác của Đoàn Lê. Ông có số lượng bài viết về Đoàn
Lê nhiều hơn cả. Trong Người đàn bà đa đoan () ông đã
khẳng định: “Rốt cục, văn xuôi mới là sở trường của người đàn bà phố Cảng.
Khi là nhà văn, văn xuôi mới đúng là chị, đúng nhất… Một giọng văn được
nhớ, nền nhã, dung dị bao giờ cũng kèm theo chất hài hước ngấm ngầm” [52].
Khi đi sâu vào nhận xét kỹ hơn vào một số tác phẩm, Đoàn Lê - chị tôi (Hồ
Anh Thái) nhận thấy rằng ở Giường đôi xóm Chùa có sự “xót xa thấm thía, sự
hợp tan của một tổ ấm thường ở bên ngoài ý chí của con người, có khi nó là


8
bất khả tri”; ở Người đẹp xóm Chùa, ông lại phát hiện ra rằng “hiện tại chỉ
trong thoáng chốc được đẩy về thành quá khứ, khoảnh khắc hiện tồn bất chợt
nhuộm màu trải nghiệm của cái đẹp đi qua thời gian trong mối tương tác với
thời gian”, còn ở Mẹ và con và thánh thần, chị giãi bày không né tránh”, “chị
tự mổ xẻ theo kiểu không gây mê”. Hồ Anh Thái đã rất chú ý đến nghệ thuật
sử dụng việc sử dụng yếu tố kỳ ảo của nữ văn sĩ này. Ông cho rằng yếu tố kỳ
ảo của Đoàn Lê trong những truyện kỳ ảo nhất được sử dụng, “cái thực vẫn
lẫn với cái ảo chỉ làm lạ hoá, chỉ thay đổi một góc nhìn hiện thực chứ không
phải là yếu tố xoay chuyển và quyết định hiện thực nghệ thuật”. Khi giới
thiệu về truyện ngắn Chờ nhật thực, ông có nói: “Từ hiện tượng nhật thực…,
nhà văn đã xâu chuỗi một câu chuyện tình qua nhiều kiếp, ở hai phương trời
khác nhau (…) yếu tố huyền ảo được sử dụng nhằm tôn lên những nét hiện

thực và lịch sử” [51]. Sự xuất hiện của yếu tố huyền ảo trở thành một đặc sắc
nghệ thuật trong lối viết của Đoàn Lê không chỉ trong truyện ngắn mà còn
trong tiểu thuyết. Khi giới thiệu cuốn tiểu thuyết Tiền định, Anh Thái viết:
“Một câu chuyện thật được gia giảm bằng những chi tiết, những tình huống
hư cấu thú vị… Những chi tiết tâm linh khiến người ta ngờ ngợ, rồi yếu tố
huyền ảo đưa vào khiến người ta bất ngờ”. Và chính yếu tố huyền ảo này
“làm cho không khí hiện thực trở nên đa diện và hấp dẫn hơn” [53]. Không
xuất hiện trực tiếp trong các bài viết của mình, nhưng những ý kiến nhận xét
xác đáng của Hồ Anh Thái về truyện ngắn Đoàn Lê cũng được ghi lại trong
các bài viết của những tác giả khác, tất cả đều là những nhận xét có giá trị:
“Ngồi ở xóm núi, nhà văn viết truyện làng chài lại thoáng cái làng Lủ ở Hà
Nội vẫn trở về trong ký ức, rồi trí tưởng tượng đưa đi xa hơn, đến cả những
thế giới khác lạ trong những thiên truyện mang màu sắc kỳ ảo. Giọng văn nền
nã thỉnh thoảng lại loé lên chút hài hước hóm hỉnh, có khi mạnh bạo không né
tránh, khi chạm đến những đề tài cập thời. Cũng có khi trầm lắng, xót xa.


9
Đoàn Lê khéo lấy được sự chia sẻ của người đọc rồi dần dần sự đồng cảm
dẫn người ta hoà nhập vào thế giới tưởng tưọng của nhà văn từ lúc nào
không biết” [4]; hay “lối viết của Đoàn Lê như một người đi giữa trung đạo,
giữa một bên là văn chương truyền thống và một bên là văn chương cách
tân. Có thể vì vậy mà tác phẩm của Đoàn Lê khó rơi vào một sự lỗi mốt,
cũng không thời thượng mà khá dễ thưởng thức với độc giả các lứa tuổi…”
[19]. Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Hiền - một người bạn của nhà văn, cũng có tới hai
bài viết về bà. Ở Đoàn Lê - những cung bậc cuộc đời đã đưa ra những nhận
định không thể phủ nhận: “…Có lẽ nếm trải cuộc đời với đầy đủ những cung
bậc buồn vui, những hạnh phúc và bất hạnh đã qua của người đàn bà đa đoan
này đã làm nên những trang viết mang màu sắc Đoàn Lê” [14]. Và thực sự là
như thế, “không phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm gan ruột của chi, chị đã

có chỗ đứng thật đẹp trong trái tim người đọc” [14]. Ở bài viết khác, Đoàn
Lê - xóm núi Đồ Sơn, tác giả viết: “Những truyện ngắn Giường đôi xóm
Chùa, Trinh tiết xóm Chùa… chính là khả năng quan sát và thể hiện thực tế
đời sống rất nhạy cảm của Đoàn Lê. Cách viết dung dị, những nhận xét hóm
hỉnh và sâu sắc về nhân tình thế thái, về ấm lạnh cuộc đời của chị tựa như
một nụ cười khoan dung và độ lượng đã tìm được sự đồng cảm của nhiều
tầng lớp độc giả trong và ngoài nước” [15].
Chưa dừng lại ở đó, khi tập truyện ngắn… và Sex ra đời cũng có những
bài viết giới thiệu, trong đó có Và sex… biến cái chân lý thành nghệ thuật, tác
giả bài viết có nhận xét rằng: “Yếu tố sex được xử lý một cách có nghệ thuật
có thể đem lại mĩ cảm thực sự cho người đọc” [62]. Ở bài Nhà văn Đoàn Lê
tiếp tục ra sách Sex có trích dẫn ý kiến của nhà thơ Dương Tường như sau:
“Đọc Đoàn Lê, cái đọng lại là một dư vị ngấm nghía đến làm ta mất ngủ. Sự
chân thật của nhà văn là phép màu biến cái riêng trở thành cái chân lý phổ
quát để người đọc có thể soi mình vào đó” [4].


10
Trên đây là một số những bài viết về nhà văn Đoàn Lê. Về cơ bản, các
bài viết, các ý kiến nêu trên đều đánh giá cao Đoàn Lê. Tuy vậy, đến thời
điểm này vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống và
hoàn chỉnh về thế giới nghệ thuật truyện ngắn của nữ tác giả này. Các bài viết
còn lẻ tẻ nhưng là những gợi ý quý báu cho việc nghiên cứu và triển khai luận
văn của chúng tôi.
3. Đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là: Đặc sắc truyện ngắn Đoàn
Lê.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để tìm hiểu những đặc sắc trong truyện ngắn Đoàn Lê, luận văn đề ra

nhiệm vụ:
- Tìm hiểu khái quát về Đoàn Lê và truyện ngắn Đoàn Lê trong bối
cảnh của truyện ngắn đương đại.
- Tìm hiểu bức tranh hiện thực đời sống trong truyện ngắn Đoàn Lê.
- Tìm hiểu một số phương diện nghệ thuật: nghệ thuật xây dựng tình
huống truyện, giọng điệu và ngôn ngữ trần thuật, nghệ thuật sử dụng các chi
tiết hài hước… trong truyện ngắn của Đoàn Lê.
4. Phạm vi văn bản khảo sát
Luận văn tập trung vào việc khảo sát bốn tập truyện ngắn của bà, đó là:
Nghĩa địa xóm Chùa, Người khách đêm giao thừa, Trinh tiết xóm Chùa, …và
Sex. Bên cạnh đó, luận văn còn tham khảo, đối chiếu cả những tác phẩm tiểu
thuyết của tác giả này, như: Cuốn gia phả để lại, Tiền định.
Ngoài ra, để làm nổi bật đặc sắc truyện ngắn của Đoàn Lê, luận văn
còn so sánh truyện ngắn của bà với một số truyện ngắn của các tác giả nữ
khác.


11
5. Phương pháp nghiên cứu
Để phục vụ cho những nhiệm vụ nêu trên, luận văn này có kết hợp các
phương pháp nghiên cứu như:
Phương pháp cấu trúc - hệ thống
Phương pháp phân tích - tổng hợp
Phương pháp so sánh - đối chiếu
Phương pháp thống kê - phân loại
6. Đóng góp của luận văn
Đây là công trình tập trung tìm hiểu, nghiên cứu một cách toàn diện
những đặc sắc trong truyện ngắn Đoàn Lê trên một số biểu hiện nội dung và
nghệ thuật, từ đó, nó giúp chúng ta nhận diện được diện mạo riêng của nữ văn
sĩ này cũng như những thành tựu bà đã đạt được ở bộ phận truyện ngắn.

Đồng thời, kết quả của đề tài này chúng tôi hy vọng phần nào minh
chứng được sự phong phú, đa dạng của bức tranh truyện ngắn đương đại từ
cái nhìn của một “mắt xích” truyện ngắn.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết Luận và Tài liệu tham khảo, nội dung của
luận văn được triển khai trong ba chương:
Chương 1. Truyện ngắn Đoàn Lê trong bối cảnh truyện ngắn Việt Nam
sau 1975
Chương 2. Bức tranh hiện thực đời sống trong truyện ngắn Đoàn Lê
Chương 3. Những đặc sắc nghệ thuật nổi bật trong truyện ngắn Đoàn



12
Chương 1
TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ
TRONG BỐI CẢNH TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU 1975
1.1. Khái lược về truyện ngắn Việt Nam sau 1975
1.1.1. Khái niệm và ưu thế truyện ngắn
Truyện ngắn là một bộ phận góp phần làm nên diện mạo của văn học.
Trong một nền văn học lớn và phát triển, truyện ngắn có một vị trí xứng đáng.
Nó trở thành một “hiện tượng của toàn thế giới” [37, 8].
Trên trường quốc tế, truyện ngắn gắn với tên tuổi của Sêkhôp,
Môpatxăng, O. Henri, Hêminguây, Lỗ Tấn… Ở Việt Nam, Vũ Trọng Phụng,
Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn
Khải… cũng là những tài năng gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực thể tài
truyện ngắn. Bàn về truyện ngắn, các nhà phê bình nghiên cứu và cả những
người viết truyện ngắn đã đưa khái niệm truyện ngắn khác nhau dưới những
góc độ khác nhau. Pautốpxki xem truyện ngắn như là một trường hợp (tình
huống), Nguyễn Công Hoan nhìn truyện ngắn từ góc độ chi tiết, còn Nguyên

Ngọc đặt truyện ngắn qua cái nhìn so sánh, đối chiếu với tiểu thuyết. Có thể
thấy, “bàn về truyện ngắn là cả một câu chuyện dài” (Nguyễn Kiên).
Thuật ngữ “truyện ngắn” còn gọi là “nouvelle” (Pháp), “short story”
(Anh), “đoản thiên tiểu thuyết” (Trung Quốc). Công trình 150 thuật ngữ văn
học do Lại Nguyên Ân biên soạn có viết: “Truyện ngắn là thể tài tự sự cỡ
nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề cập hầu hết các phương diện của đời
sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung
lượng, tác phẩm truyện ngắn thích hợp với việc người tiếp nhận (độc giả) đọc
nó liền một mạch không nghỉ” [3, 345]. Đặc điểm về dung lượng của truyện
ngắn đã được chú ý nhiều. Tuy nhiên, đó cũng là nét chung của nhiều truyện
kể dân gian như truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cuời…


13
Nhóm tác giả cuốn Lý luận văn học do Phương Lựu chủ biên đã cho
rằng: “truyện ngắn nói chung không phải vì “truyện” của nó “ngắn” mà vì
cách nắm bắt cuộc sống của thể loại… Nó gần với tiểu thuyết hơn cả bởi là
hình thức tự sự tái hiện cuộc sống đương thời. Nội dung của thể loại truyện
ngắn có thể rất khác nhau: đời tư, thế sự hay sử thi… Truyện ngắn có thể kể
về cả một cuộc đời hay một đoạn đời, một sự kiện hay môt “chốc lát” trong
cuộc sống nhân vật, nhưng cái chính của truyện ngắn không phảỉ ở hệ thống
sự kiện mà ở cái nhìn tự sự đối với cuộc đời” [33, 397]. Các tác giả cũng chỉ
ra rằng: “Chỗ khác biệt quan trọng giữa tiểu thuyết và truyện ngắn là: nếu
nhân vật trong tiểu thuyết thế là một thế giới, thì nhân vật truyện ngắn là một
mảnh nhỏ của thế giới, thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội,
ý thức xã hội, hoặc trạng thái tồn tại của con người” [33, 397]. Trong truyện
ngắn, cốt truyện thường diễn ra trong một không gian, thời gian hạn chế; kết
cấu thường đơn giản, không chia thành nhiều tuyến phức tạp; nhân vật ít, ít
các sự kiện chồng chéo. Truyện ngắn là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn
cuộc đời, nắm bắt cuộc sống theo cách riêng mang tính chất thể loại.

Từ điển văn học (bộ mới) đã xác định: “Truyện ngắn là “hình thức tự
sự loại nhỏ. Truyện ngắn khác với truyện vừa và truyện dài, vốn là những thể
tài mà quy mô cho phép chiếm lĩnh đời sống trong tình toàn vẹn của nó.
Truyện ngắn nhằm khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một đặc tính trong
quan hệ con người hay thể hiện đời sống con người” [16, 1847].
Truyện ngắn có nhiều ưu thế. Với những đặc điểm thể tài riêng biệt, với
“một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt đời sống
riêng mang tính chất thể loại” [32, 31] truyện ngắn chỉ thực sự phát triển ở
các nền văn học hiện đại, gắn với sự xuất hiện và phát triển của báo chí.
Truyện ngắn thực sự là hình thức thể loại phù hợp của thời đại. Biêlinxki đã
từng nói: “Nếu có những tư tưởng của thời đại thì cũng có những hình thức


14
của thời đại”. Quả thực là thế, truyện ngắn thực sự trở thành hình thức của
thời đại hiện đại. Ở mọi quốc gia, sự hiện diện của “thể tài tự sự cỡ nhỏ” này
đã chứng tỏ được sự hình thành của nền văn học. Truyện ngắn thu hút sự
quan tâm không những của người sáng tác, người đọc, mà còn cả những
người nghiên cứu.
Truyện ngắn là thể tài theo kịp với những biến đổi của đời sống. Cuộc
sống vốn đa dạng, phong phú, nay trong quá trình tiếp biến, phát triển nó càng
trở nên phức tạp hơn. Cuộc sống mới với những con người mới bộc lộ nhiều
diện mạo, nhiều sắc màu lẫn lộn, xuất hiện nhiều giá trị, có những giá trị đáng
ghi nhận nhưng cũng không ít giá trị khiến người ta phải xem xét, trăn trở. Từ
đó, các nhà văn cũng tìm thấy cho sáng tác của mình những “điểm rơi”,
những vấn đề cập nhật. Trước thực trạng ấy, trong các thể loại văn học, người
ta nhận thấy “truyện ngắn của ta phản ánh cuộc sống với những con người
mới một cách khá chân thật và sinh động” (Nguyễn Đình Thi) [37, 10]. “Ở
đây (tức truyện ngắn) có thể nói một cách ngắn gọn, trực tiếp…” [ 37, 8].
Văn học chân chính phải xuất phát từ con người, cuộc sống, không

giống như tiểu thuyết, tiểu thuyết cần có một khoảng cách về thời gian, nhất
là những sự kiện đã xảy ra dù xa hay gần ở trong quá khứ. “Truyện ngắn luôn
luôn viết trên cơ sở những tài liệu của ngày hôm nay, luôn luôn đòi hỏi phải
chính xác đến từng chi tiết” (Tô Hoài) [37, 133]. Bất cứ một truyện ngắn nào
cũng mang hơi thở của đời sống và đưa lại những ý nghĩa xã hội lớn lao, nó
nhạy bén trước những thay đổi của cuộc sống, “vâng, cuộc sống thật hào hiệp,
chính cuộc sống đã tặng tôi những thiên truyện của tôi” (Iu Naghibin) [37,
141]. Truyện ngắn thích hợp để nhà văn nhanh chóng tiếp cận đời sống đầy
biến động và nêu ý kiến trước những vấn đề mới đang đặt ra cho xã hội.
Tính chất ngắn về dung lượng cũng như về nội dung biểu đạt, dù chỉ
một vài khung cảnh, một cái “chốc lát”, một trạng thái tâm lý hay một tính


15
cách nhân vật nhưng qua tác phẩm truyện ngắn chúng ta dễ năm bắt được ít
nhiều về toàn bộ cuộc đời nhân vật, bản chất cuộc sống, thậm chí có khả năng
dự báo tương lai. Khẳng định ưu thế của truyện ngắn trong việc phản ánh đời
sống, nhà văn Đức T. Man phát biểu: “Cái nhỏ bé, ngắn gọn đó cũng có sức
chứa nội tại lớn lao, cũng có thể bao quát được toàn bộ đời sống, có thể đạt
tới kích thước anh hùng ca và có được tác dụng nghệ thuật chẳng khác gì mọi
sáng tác đồ sộ” [37, 81].
Truyện ngắn phù hợp với tâm lý tiếp nhận của con người trong thời đại
mới. Tính chất ngắn, cái gọi là “tự sự cỡ nhỏ” như đã nêu trên phù hợp cho
việc chuyển tải những vấn đề có tính thời sự nóng hổi lấy ra từ cuộc sống
hàng ngày. Mỗi một sản phẩm hầu như được ra mắt công chúng ban đầu qua
vài ba cột báo chí trước khi hợp thành tuyển tập. Báo chí - một kênh phương
tiện thông tin hữu dụng không thể vắng mặt của cuộc sống hiện đại, nó ra đời
là mảnh đất nuôi sống truyện ngắn. Truyện ngắn với dung lượng của mình
chiếm chỗ chỉ vài ba cột báo từ đó chứng tỏ khả năng và ưu thế của mình. Từ
trước tới nay có nhiều cuộc thi viết truyện ngắn do các báo tổ chức, và qua đó

độc giả có dịp tiếp cận với những tác phẩm truyện ngắn mới. “Có những lúc
hàng trăm cuốn tiểu thuyết dày do những nhà văn nổi tiếng viết bỗng hiện ra
như một cái gì khiến người ta ngại đọc. Bấy giờ sẽ rất may mắn nếu như ta
chọn được một đoạn nào đó thật hay, một đoạn thường tách ra trong các hợp
tuyển, thực tế, nó là một truyện ngắn gọn nhẹ, hấp dẫn” (U.Xaroyan) [37, 99].
Con người mới với những guồng quay hối hả của công việc, của cuộc
sống mới, con người thời @, thời buổi kinh tế thị trường đâu dễ có những
phút giây thư giãn kha khá để đọc những cuốn tiểu thuyết dày hàng trăm
trang. Yêu thích nghệ thuật ngôn từ, họ tìm đến truyện ngắn để thoả mãn nhu
cầu thẩm mĩ của mình trong quỹ thời gian ít ỏi bởi người ta ngại đọc những
truyện có dung lượng lớn hơn. Đó là những ưu thế không thể phủ nhận được
của thể tài truyện ngắn.


16
1.1.2. Bối cảnh lịch sử - thẩm mĩ của văn học Việt Nam sau 1975
Với thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975, đất nước thực sự thống nhất,
Nam - Bắc một nhà. Khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc về một nền tự do,
độc lập phải trải qua ngót nửa thế kỷ chiến đấu kiên cường đã trở thành hiện
thực, một thời kỳ mới của đất nước được mở ra với những đặc điểm và quy
luật vận động khác trước.
Chiến tranh qua đi, đất nước hào hứng bước vào công cuộc xây dựng
chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, song song với niềm vui chiến thắng, cả dân tộc
phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chồng chất. Đó là thời kỳ chúng ta lâm
vào khủng hoảng sâu sắc về kinh tế, xã hội, cơ chế quản lý cũ bộc lộ nhiều bất
cập đòi hỏi phải có sự đổi mới. Việc thực hiện những kế hoạch này đạt được
những kết quả nhất định tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Đời sống của đại
bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn: nhiều lao động chưa có việc làm,
nhiều nhu cầu chính đáng, tối thiểu của nhân dân về vật chất và văn hoá chưa
được đảm bảo. Mặt khác, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển, công

bằng xã hội bị vi phạm, những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số
cán bộ chưa bị trừng trị nghiêm khắc, kịp thời. Thực trạng kinh tế xã hội đó
đã làm lay động mọi suy nghĩ, niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân. Đúng như
nhận xét của nhà văn Nguyễn Khải: chiến tranh ồn ào, náo động mà lại có cái
yên tĩnh giản dị của nó. Hoà bình yên tĩnh, thanh bình mà lại chứa chấp
những sóng ngầm, những gió xoáy bên trong. Nhiều người không chết trong
nhà tù, trên trận địa trong chiến tranh mà lại chết trong ao tù trưởng giả khi cả
nước đã giành được tự do và độc lập.
Trước tình hình đó, tháng 12 năm 1986, Đại hội lần thứ VI diễn ra,
Đảng đã xác định đường lối đổi mới đất nước một cách toàn diện giúp đất
nước vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Đại hội đã chỉ rõ đổi mới là “nhu cầu
bức thiết”, là “vấn đề có ý nghĩa sống còn” của toàn dân tộc. Từ đây, với công


17
cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản đề xướng và lãnh đạo, kinh tế nước ta từng
bước chuyển sang nền kinh tế thị trường, văn hoá cũng có điều kiện tiếp xúc
rộng rãi với văn học nhiều nước trên thế giới. Tiếp sau đó là Nghị quyết 05
của Bộ Chính trị đã thực sự thổi một luồng gió mới vào đời sống văn nghệ
nước nhà, mở ra một thời kỳ đổi mới của của văn học Việt Nam trong tinh
thần đổi mới cách nhìn về hiện thực, đổi mới cách nhìn về con người, đổi mới
cách nhìn về nghệ thuật. Tất cả những điều đó phù hợp với nguyện vọng của
nhà văn và người đọc cũng như quy luật phát triển khách quan của văn học.
Một loạt những thay đổi của lịch sử - xã hội kéo theo sự thay đổi của ý
thức xã hội - thẩm mĩ. Cuộc sống dần trở lại với quy luật của nó, con người
trở về với đời thường, đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Điều đó đã thúc đẩy
sự thức tỉnh của ý thức cá nhân, của cái tôi cá nhân, cá thể. Quan niệm về con
người thay đổi hẳn. Văn học nhìn nhận con người một cách toàn vẹn và sâu
sắc hơn. Con người là điểm xuất phát, là đối tượng, đồng thời là đích hướng
đến của mọi tác phẩm văn học. Trong văn học thời kỳ mới, con người được

nhìn nhận ở nhiều vị thế, trong nhiều mối quan hệ khác nhau: “con người với
xã hội, con người với lịch sử, con người của gia đình, gia tộc, con người với
phong tục, với thiên nhiên, với những người khác và với chính mình” [32,
16]. Không những vậy, văn học còn khám phá, soi chiếu con người một cách
cụ thể trong tính toàn vẹn của nó: ý thức lẫn vô thức, tự nhiên lẫn bản năng,
cao cả lẫn thấp hèn, cá biệt lẫn phổ quát. Bởi thế, hình ảnh con người hiện lên
chân thực hơn, đầy đủ hơn với tất cả những gì vốn có.
Văn học sau 1975, bên cạnh đó còn có sự thay đổi trong cái nhìn về
hiện thực, về văn học. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, hiện thực thời
kỳ này có sự khác biệt so với hiện thực trong văn học cách mạng ba mươi
năm trước đó. Hiện thực không chỉ là hiện thực cách mạng, mà là hiện thực
của đời sống hàng ngày với những mối quan hệ phức tạp, chằng chịt, gồm


18
những mảng sáng, tối và những mảng khuất lấp; đồng thời còn là đời sống cá
nhân, riêng tư của mỗi con người với những số phận khác nhau, có cả hạnh
phúc và bi - hài kịch… Hiện thực đó là không gian vô tận cho văn học chiếm
lĩnh và khai phá. Cũng từ đây, văn học có sự thay đối về chức năng, về mối
quan hệ của nó với đời sống, về mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc, về sự
tiếp nhận văn học.
Không những vậy, bản thân nhà văn - người nghệ sĩ cũng có những
thay đối nhất định. Đối với họ, mỗi tác phẩm là một cách để họ thể hiện
những quan niệm riêng của mình về cuộc sống, về con người. Tác phẩm là
phát ngôn của mỗi cá nhân. Tư tưởng riêng, cái nhìn riêng, cách thể hiện riêng
mang phong cách cá nhân từng người được thừa nhận và có điều kiện phát
huy. Mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc cũng thay đổi theo hướng dân chủ
hoá.
Nhìn chung, từ sau 1975, đồng hành với sự thay đổi của lịch sử - xã
hội, văn học cũng có những sự thay đổi đáng kể. Bởi thế, nó nhanh chóng tiếp

cận những vấn đề trong xã hội cùng với chiều sâu trong tâm hồn con người,
mang lại cho mình một diện mạo mới, khác trước.
1.1.3. Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - đặc điểm, diện mạo và diễn
trình vận động
Sự kiện đại thắng mùa xuân 1975 là một dấu mốc mở ra một thời kỳ
mới trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng đưa tới một chặng đường mới của
nền văn học Việt Nam. Văn học Việt Nam nói chung và bộ phận truyện ngắn
sau 1975 nói riêng đã có sự vận động không đứt đoạn từ chuyển tiếp đến đổi
mới, phát triển. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng nền văn học sau 1975
chuyển biến chậm hơn so với sự chuyển biến tương ứng của xã hội. Nhưng
điều đó cũng dễ hiểu bởi lẽ theo lí luận của Mác thì ý thức xã hội thường lạc
hậu hơn tồn tại xã hội.


19
Truyện ngắn trong thập niên đầu sau 1975 mang tính chuyển tiếp từ
nền văn học cách mạng trong chiến tranh sang nền văn học của thời kỳ hậu
chiến. Về cơ bản, các truyện ngắn vẫn tiếp tục phát triển theo những quy luật,
những cảm hứng, cũng như những đề tài, phương thức thể hiện vốn như trước
trong văn học cách mạng mặc dù đã có sự tìm tòi mới. Việc đi theo lối mòn
của văn học thời kỳ trước đó, chưa kịp chuyển biến với thực tiễn xã hội,
không đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của người đọc, lại gặp lúc tình hình xã hội
của đất nước khó khăn rơi vào khủng hoảng nên bộ phận truyện ngắn cùng
chung số phận với cả nền văn học bị chững lại, nhiều cây bút rơi vào bế tắc,
không tìm thấy phương hướng sáng tác. Đây là khoảng thời gian mà nhà văn
Nguyên Ngọc đánh giá là “khoảng chân không trong văn học”. Song cũng
chính ở thời điểm này, bản thân đời sống văn học đang diễn ra sự vận động ở
chiều sâu, đồng thời một số nhà văn đã trăn trở, tìm tòi đổi mới. Đi tiên phong
trong công cuộc đổi mới là nhà văn Nguyễn Minh Châu với những truyện
ngắn hướng về các vấn đề thế sự - đạo đức trong đời sống hàng ngày của con

người. Bên cạnh đó cũng phải kể đến những sáng tác của Nguyễn Khải,
Nguyễn Mạnh Tuấn, Ma Văn Kháng, Dương Thu Hương… góp phần tạo nên
sự chuyển động theo con đường đổi mới của truyện ngắn. Từ năm 1986 trở đi,
cùng với sự tác động của Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) xác định đường
lối đổi mới, tiếp theo đó là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, thời kỳ đổi mới
của văn học thực sự được mở ra với tinh thần đổi mới tư duy và nhìn thẳng
vào sự thật. Nếu như trong chiến tranh, mọi quan hệ xã hội và con người đều
dồn lại trong một mối quan hệ duy nhất: sống - chết, tất cả những quan hệ đời
thường, riêng tư bị đẩy lại phía sau, thậm chí bị triệt tiêu để hướng đến mục
tiêu duy nhất: chiến đấu để chiến thắng, thì trong cuộc sống hoà bình hiện
thực phức tạp hơn. Con người trở về với cuộc sống đời thường, đối mặt với
những lo toan cá nhân, những mất mát trong chiến tranh, những khó khăn của


20
cuộc sống kinh tế, các mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, giữa quyền lợi
riêng và quyền lợi chung không hoàn toàn thống nhất như trước đây. Bởi thế,
văn học - tấm gương phản chiếu thực tại - cần phải có sự thay đổi, nhận thức
lại sự thật, thay đổi quan niệm về hiện thực và con người. Một loạt truyện
ngắn xuất hiện chứng tỏ cho sự thay đổi đó. Truyện ngắn của Nguyễn Minh
Châu cho thấy rõ sự tác động của chiến tranh đến số phận và tính cách của
con người (Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam, Phiên chợ Giát…); truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp lại phơi bày sự khủng hoảng của xã hội qua việc phản ánh
sự thay đổi của các giá trị và lối sống (Tướng về hưu, Không có vua) v.v. Các
truyện ngắn đều hướng lăng kính tiếp cận đời sống trên bình diện thế sự - đời
tư, mọi khía cạnh của đời sống cá nhân và những quan hệ thế sự của cuộc
sống phức tạp đời thường đều được phán ánh. Đồng thời, sự đổi mới tư duy
nghệ thuật cũng thúc đẩy mạnh mẽ những tìm kiếm, thể nghiệm về cách tiếp
cận thực tại, về các thủ pháp và bút pháp nghệ thuật, phát huy cá tính và
phong cách cá nhân của nhà văn.

Gần mười năm của chặng đầu công cuộc đổi mới, nền văn học “ở trong
trạng thái chuyển động dữ dội của một cuộc trở dạ” [32, 12]. Cùng với những
biến chuyển lớn lao của đời sống xã hội, một môi trường khác trước cho văn
học được tạo ra - xu thế đi tới sự ổn định, văn học cơ bản trở về với những
quy luật mang tính bình thường, truyện ngắn thực sự bước sang địa hạt của
những vấn đề trong đời sống thường nhật. Nếu trong chiến tranh mọi việc đều
được nhận thức một chiều, ngay cả việc đánh giá con người cũng thông qua
những chuẩn mực toàn dân thì giờ đây trong hoà bình, những chuẩn mực mới
được thiết lập. Nguyễn Khải đã viết: tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn
ngang bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ và màu đen, đầy rẫy những biến
động, những bất ngờ, mới thật là một mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả
sức khai vỡ. Trong ngổn ngang hiện thực đó, nổi lên những vấn đề được


21
nhiều cây bút quan tâm như: đạo đức xã hội, tiêu cực trong quản lý sản xuất,
một số vấn đề trong quá khứ được nhận thức lại... Mặt khác, ở những cây bút
nữ, nhu cầu hạnh phúc riêng tư của con người cũng được diễn tả, bộc lộ một
cách không giấu giếm. Bên cạnh đó, một số truyện ngắn của Nguyễn Minh
Châu, Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng... vấn đề đạo đức từ góc độ gia đình cũng
được tiếp cận. Ở đó thường diễn ra hành trình tự ý thức, tự phán xét lương
tâm của cá nhân xoay quanh trục thời gian hai chiều: quá khứ và hiện tại. Nổi
lên hơn cả là khuynh hướng nhận thức lại một số vấn đề của thời kỳ chiến
tranh. Nhận thức lại không đồng nghĩa với việc xét lại hay bổ báng, phê phán
quá khứ mà là gạt bỏ những sai lầm khỏi cái chủ quan để đi đến chân lý. Thời
xa vắng của Lê Lựu, Những tháng ngày đã qua của Xuân Thiều, Sống với
thời gian hai chiều của Vũ Tú Nam, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành
của Nguyễn Minh Châu... là những tác phẩm viết theo hướng này. Các tác
phẩm đó đã đặt ra vấn đề nhận thức lại quan hệ giữa cá nhân và xã hội, giữa
con người và hoàn cảnh nhưng quan trọng hơn là con người tự nhận thức lại

chính mình. Trên lối đi mới này, các nhà văn đã đem lại cho bạn đọc những
kiến giải thú vị, có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. Đó là sự đổi mới
trong nhận thức về hiện thực theo hướng nhìn sâu hơn hiện thực ấy, hiện thực
với sự xói mòn trong đạo đức con người,với những mặt trái của đời sống kinh
tế thi trường, khát vọng dân chủ và nhân đạo, hướng sự quan tâm vào con
người cá nhân, thậm chí tận sâu tâm linh của con người.
1.2. Nhìn chung về sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam sau 1975
Văn học sau 1975, truyện ngắn phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và
chất lượng. Góp phần cho những thành công đó, trước hết phải kể đến đội ngũ
tác giả nữ: Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Ấm, Phan Thị
Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Trần Thị Trường, Y Ban, Dạ Ngân, Phạm Thị Hoài,
Đoàn Lê… Đó thực sự là sự bùng nổ của số lượng các nhà văn nữ Việt Nam,


22
họ đã mang đến một làn gió mới, một diện mạo mới, một phong cách mới cho
văn học nước nhà. “Đã qua rồi cái thời mà Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị
Điểm hay Hồ Xuân Hương phải cố gắng lắm mới chen chân vào được với
mười thế kỷ đàn ông thống trị văn đàn” [44], các thế hệ cầm bút nữ đã có một
sự tiếp nối không đứt đoạn, làm thành một bộ phận riêng không thể trộn lẫn:
bộ phận truyện ngắn của các tác giả nữ.
Văn học trong những năm kháng chiến chống Mỹ gắn với tên tuổi của
các cây bút nam dày dặn kinh nghiệm trong sáng tác, được coi là “lớp cận vệ
già” như: Nguyễn Kiên, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải,
Tô Hoài, Anh Đức, Nguyên Ngọc… Bên cạnh đó cũng cần kể đến các nhà
văn nữ - những nhà văn “vừa viết văn vừa đánh giặc”.
Khác biệt với các nước Phương Tây, các tác phẩm viết về chiến tranh
hầu như không có sự tham gia của nữ nhà văn; còn ở Việt Nam, trong hoàn
cảnh lịch sử đặc biệt, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, huống gì viết văn về
chiến tranh. Văn phẩm của họ là tiếng nói của một thời tuổi trẻ gánh vác trên

vai những trọng trách nặng nề đối với đất nước. Chúng ta phải kể đến nhà văn
Dương Thị Xuân Quý, Dương Thu Hương, Lê Minh Khuê, Ý Nhi… Các nhà
văn nữ viết về chiến tranh qua cái nhìn khúc xạ của mình, khiến cho chiến
tranh dù hiện ra đúng khuôn mặt của nó nhưng vẫn thể hiện được những nét
riêng. Đó là một hiện thực luôn có sự đan quyện giữa chiến tranh và tình yêu,
sống và chết, bi thương và lạc quan, khát vọng và thử thách… đầy nữ tính,
đầy chất nhân bản.
Tiếp nối những thành công đã gặt hái được của truyện ngắn trong giai
đoạn kháng chiến, sau năm 1975 thể tài này vẫn tiếp tục phát triển. Chiến
tranh đã qua nhưng chưa bao giờ trở thành qua khứ đối với các nhà văn. Đề
tài chiến tranh vẫn tồn tại nhưng bước sang một quỹ đạo mới với sự kế thừa
và cách tân đáng kể. Những truyện ngắn tươi trẻ, dồi dào chất sống và có


23
nhiều tìm tòi mới về nghệ thuật. Viết về những vấn đề của con người trong
cuộc sống thường nhật sau chiến tranh, các cây bút nữ có ý thức đưa nhân vật
vào những mối quan hệ đa chiều, muốn gắn bó số phận của những con người
cụ thể với số phận của đất nước nhân dân trong cái nhìn giác độ tình yêu và
sự đồng cảm. Lớp nhà văn mang tính chất “trung gian” như: Phạm Thị Hoài,
Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Ấm, Phạm Thị Ngọc
Liên, Võ Thị Hảo, Trần Thanh Hà, Trần Thuỳ Mai, Y Ban, Võ Thị Xuân
Hà… là những cây bút xuất hiện thời hậu chiến, để lại những dấu ấn khá đậm.
Họ chính là những người sẽ góp phần làm nên diện mạo mới cho truyện ngắn
ở giai đoạn sau. Các nhà văn nữ được tự do thể hiện cái tôi cá nhân của chính
mình với một giọng điệu, ngôn ngữ, bút pháp riêng. Có thể khẳng định rằng:
“Văn học đang mang gương mặt nữ - ngày càng trắc ẩn và khoan dung, ngày
càng tinh tế mà đằm thắm” [55]. Có thể khẳng định chính các cây bút nữ đã
góp công lớn thổi sức sống vào nền văn Việt Nam hiện đại một sắc diện mới.
Sự phát triển tích cực của nền văn học là sự tiếp nối không đứt đoạn

của các thế hệ những người sáng tác. Quy luật phát triển tất yếu “tre già măng
mọc” của đời sống không ngoại trừ trong bộ phận đội ngũ sáng tác truyện
ngắn. Vấn đề nhà văn trẻ, văn học trẻ là vấn đề kế thừa và phát triển của lịch
sử văn học, không riêng thời đại nào. Tiếp nối thế hệ các nhà văn nữ trong
kháng chiến và thế hệ nhà văn có tính chất “trung gian”, một thế hệ mới các
nhà văn nữ đã xuất hiện trong triến trình đổi mới văn học của chúng ta, đặc
biệt là sau 1980. Sự góp mặt của khá nhiều cây bút trẻ đã bắt đầu quen thuộc
với bạn đọc như Phạm Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Trang Hạ, Nguyễn
Quỳnh Trang, Đỗ Hoàng Diệu, Lynh Barcadi, Phạm Ngọc Lương, Niê Thanh
Mai, DiLi… Có thể nói, các cây bút này đang nỗ lực đi tìm kiếm những con
đường mới. Những nỗ lực ấy đáng được trân trọng. Chúng ta không phủ nhận
tính trẻ trung và năng động ở họ, họ chăm chú kiếm tìm cái khác lạ ở đề tài.


24
Họ đã mang đến tiếng nói mới mẻ có sức vang dội trên văn đàn, đã hình thành
nên hệ thống ngôn ngữ riêng của giới trẻ. Các nhà văn trẻ để lại những cảm
nhận mới và khác lạ trong nhận thức của người đọc. Nhiều bạn trẻ trong văn
học đã có con đường đi riêng của họ với những tìm tòi, sáng tạo nhằm khẳng
định mình qua tác phẩm. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị viết văn trẻ
lần thứ VIII, nhà thơ Hữu Thỉnh đã dùng cụm từ “thế hệ nhà văn mười ngón”
để chỉ đội ngũ những người viết văn trẻ hôm nay. Trong lịch sử văn học Việt
Nam đã có một thế hệ “nhà văn bút sắt” kế nghiệp những “nhà văn bút lông”,
và đến thời điểm này, nền văn học Việt Nam lại đang chuẩn bị cho một cuộc
chuyển giao mới, từ thế hệ “nhà văn bút sắt” sang thế hệ “nhà văn mười
ngón” của máy tính và bàn phím. Nữ nhà văn trẻ hôm nay đang đứng trước
những cơ hội và thách thức. Cuộc sống hiện đại làm giảm sự quan sát, trải
nghiệm của người viết, ngược lại, tác phẩm của họ được nhiều nhà sách chào
đón nồng nhiệt, sẵn sàng quảng cáo và tiếp thị. Tất cả đều đang hứa hẹn nhiều
“đỉnh cao” truyện ngắn.

Sự phát triển mạnh mẽ của văn học nữ từ sau 1975 với sự góp mặt của
những cây bút có thực tài đã làm thành một trào lưu văn học giàu chất nữ
tính. Những dấu hiệu của “đặc điểm giới” trong các tác phẩm của họ thể hiện
khá rõ, tạo thành một tiếng nói, một bản sắc độc đáo trong văn học hiện đại.
Vấn đề giới tính là một vấn đề phức tạp. Nó gắn liền với ý thức hệ,
chính trị, tôn giáo, được thể hiện rõ nét qua ngôn ngữ và văn học. “Đặc điểm
giới “đã ngấm sâu vào văn học. Không phải ngẫu nhiên trong làng văn lại có
sự phân định rạch ròi giữa các nhà văn. Từ “nữ” luôn xuất hiện đằng sau thuật
ngữ “nhà văn” để chỉ các tác giả cầm bút không phải là nam. Người ta không
cho rằng đội ngũ nhà văn đương nhiên phải là nam, còn trường hợp nữ giới
viết văn là ngoại lệ nên mới phải thêm từ “nữ” để khu biệt. Thực ra, cần phải
nhận thấy rằng, cái khu biệt không phải ở đó, mà là ở chỗ tính chất, đặc điểm


25
những trang viết của các nữ văn sĩ bên cạnh những nét chung còn mang
những đặc điểm riêng của giới nữ. Đó chính là “đặc diểm giới” trong tác
phẩm của các nhà văn nữ. Có không ít người cho rằng các nữ nhà văn với
những đặc điểm dịu dàng, thùy mị, chỉ viết về những chuyện nhỏ nhặt, không
có tầm tư tưởng lớn. Thế nhưng không hẳn là vậy, ngòi bút của họ vẫn đi sâu
vào các đề tài, bám sát và phản ánh nhịp sống hiện đại một cách sắc sảo. Đề
tài quen thuộc của các nhà văn nữ là tình yêu, gia đình, các mối quan hệ cùng
những tình cảm phức tạp hiện lên giản dị và chân thành, không giấu giếm mà
chính họ là người trong cuộc. Những mối quan hệ vợ - chồng, mẹ - con được
biểu hiện như là những lời tâm sự qua sự trải nghiệm của những người phụ
nữ. Vẻ đẹp tình mẫu tử đã đi nhiều vào trong sáng tác văn chương. Khi tác giả
nam viết, họ cũng chỉ dừng lại ở cái nhìn bên ngoài với sự tôn kính, ngợi ca
chứ họ chưa hiểu được sâu sắc nỗi lòng, tâm tư của người mẹ bằng chính các
nhà văn nữ tự viết về chính giới mình. Viết về giới mình với cái nhìn đôn hậu,
các nhà văn nữ đã ý thức rất rõ vẻ đẹp cao quý đó. Điều đó cũng từng bước

xác lập sự khác biệt giữa “đặc tính nữ” và “đặc tính nam”. Ý thức về mẫu tính
đồng thời nhà văn nữ cũng đã ý thức rõ về phái mình, khẳng định vị thế cao
đẹp của mình trong gia đình và xã hội. Khi viết về tình yêu, họ khám phá toàn
diện về mọi mặt, mọi cung bậc: từ những dư vị ngọt ngào đến những dư vị
đắng chát, từ đớn đau đến xót xa, từ những nhẹ dạ, cả tin đến những mạnh
mẽ, chủ động, già dặn và từng trải v.v… tất cả đều là những bộc bạch chân
thực nhất, sâu lắng nhất. Vẻ nữ tính ở các nhà văn nữ đã giúp trang viết của
họ chuyển tải những nỗi niềm có vẻ nhỏ nhặt nhưng kì thực mang đậm những
tư tưởng nhân văn.
Trong mỗi trang viết, dường như các nhà văn nữ ít nhiều dự phần vào
đó. Nhà văn gửi gắm qua hình tượng các nhân vật nữ. Họ có thái độ chủ động,
quyết liệt đấu tranh để giành, giữ tình yêu, dám sống thật với chính mình và


×