Tải bản đầy đủ (.doc) (215 trang)

Một số đặc điểm ngôn ngữ thể hiện ý nghãi trào phúng trong vè nghệ tĩnh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (609.54 KB, 215 trang )

1

LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS. TS. Phan Mậu Cảnh,
người đã tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên
cứu.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn tập thể các thầy cô giáo khoa Ngữ
Văn, tổ Ngôn ngữ, Khoa sau Đại học trường Đại học Vinh, gia đình cùng
bạn bè đồng nghiệp và những người thân đã tạo điều kiện thuận lợi động
viên, giúp đỡ tôi trong thời gian học tập và quá trình hoàn thành luận văn.
Dù đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu,
luận văn của chúng tôi chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy,
tôi rất mong nhận được sự thông cảm, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học,
của thầy cô giáo và các bạn đồng nghiệp để luận văn được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng cảm ơn !
Vinh, tháng 12 năm 2010
Tác giả
Võ Thị Thanh Hải


2

Mục lục
Mở đầu..............................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài.................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề.....................................................................................2
3. Đối tượng nghiên cứu.........................................................................5
4. Nhiệm vụ và mục đích nghiên cứu.....................................................5
5. Phương pháp nghiên cứu....................................................................5
6. Phạm vi khảo sát.................................................................................5
7. Đóng góp mới của đề tài.....................................................................6


8. Cấu trúc của luận văn..........................................................................6
Chương 1. Một số vấn đề lí thuyết liên quan đến đề tài..............................7
1.1. Khái niệm vè và ngôn ngữ vè..........................................................7
1.1.1. Khái niệm vè.................................................................................7
1.1.2. So sánh vè với các thể thơ dân gian khác như ví, dặm,ca dao......9
1.2. Khái niệm trào phúng.....................................................................20
1.2.1.Cái hài..........................................................................................20
1.2.2. Khái niệm trào phúng..................................................................21
1.2.2.1. Các định nghĩa..........................................................................21
1.2.2.2. Các hình thức biểu hiện của trào phúng trong thơ ca dân
gian…………………………………………………………………....22
Tiểu kết chương 1.................................................................................23
Chương 2. Khảo sát lớp từ ngữ thể hiện ý nghĩa trào phúng trong vè
Nghệ Tĩnh.......................................................................................................25
2.1. Khảo sát, thống kê, phân loại các lớp từ ngữ trào phúng trong vè
Nghệ Tĩnh..............................................................................................25
2.1.1. Lớp từ ngữ miêu tả hiện thực......................................................25
2.1.2. Lớp từ ngữ trữ tình......................................................................27
2.1.3. Lớp từ ngữ tục.............................................................................29


3

2.2. Phân tích các lớp từ biểu hiện các loại ý nghĩa trào phúng trong vè
Nghệ Tĩnh..............................................................................................32
2.2.1. Lớp từ ngữ miêu tả hiện thưc theo hướng trào phúng.................32
2.2.2. Lớp từ ngữ miêu tả cảm xúc theo hướng trào phúng..................46
2.2.3. Lớp từ ngữ kèm thái độ bình luận, đánh giá theo hướng trào
phúng.....................................................................................................54
2.3. Các tình huống sử dụng từ ngữ trào phúng trong vè Nghệ Tĩnh...61

2.3.1. Tình huống trào phúng trong đời sống thường nhật...................62
2.3.2. Tình huống trào phúng trong tình cảm trai gái và hôn nhân gia
đình .......................................................................................................68
2.3.3. Tình huống trào phúng trong đấu tranh giai cấp và chống ngoại
xâm........................................................................................................71
2.4. So sánh các lớp từ ngữ trào phúng trong vè Nghệ Tĩnh với các thể
thơ dân gian khác..................................................................................74
Tiểu kết chương 2.................................................................................80
Chương 3. Một số biện pháp tu từ trong ngôn ngữ trào phúng của vè
Nghệ Tĩnh.......................................................................................................81
3.1. Biện pháp so sánh...........................................................................81
3.1.1. Cấu trúc so sánh..........................................................................81
3.1.2. Các kiểu so sánh..........................................................................83
3.1.3. Ý nghĩa nghệ thuật của biện pháp so sánh..................................84
3.2. Biện pháp ẩn dụ.............................................................................86
3.2.1. Những biểu hiện của biện pháp ẩn dụ trong ngôn ngữ trào phúng
của vè Nghệ Tĩnh..................................................................................86
3.2.2. Ý nghĩa nghệ thuật của biện pháp ẩn dụ.....................................90
3.3. Biện pháp ngoa dụ..........................................................................91
3.3.1. Những tình huống chủ yếu sử dụng biện pháp ngoa dụ.............91


4

3.3.2. Ý nghĩa nghệ thuật của biện pháp ngoa dụ.................................93
3.4. So sánh các biện pháp tu từ trong vè Nghệ Tĩnh với các thể thơ dân
gian khác...............................................................................................95
Tiểu kết chương 3.................................................................................96
Kết luận................................................................................................99
Tài liệu tham khảo............................................................................102



5

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Nghệ Tĩnh từ lâu đã được coi là vùng đất cổ với trầm tích văn hoá
phong phú, đa dạng. Kho tàng văn học dân gian, trong đó có vè, ở Nghệ Tĩnh
luôn ẩn chứa những mẩu vỉa hiện thực và văn hoá quá khứ. Nghiên cứu kho
tàng vè Nghệ Tĩnh là góp phần tìm hiểu đời sống xã hội và con người Nghệ
Tĩnh trong lịch sử, tạo cơ sở để nhận thức một cách đúng đắn hơn đặc điểm,
tiềm năng văn hoá của vùng đất giàu truyền thống này.
1.2. Trào phúng là một đặc điểm thường thấy của nền văn học, tuy hình
thức biểu hiện của nó không phải lúc nào cũng thống nhất, trùng khít. Về lí
mà nói, do đặc điểm loại hình, thể loại, ngôn ngữ trào phúng trong mỗi loại
hình, thể loại văn học luôn có những điểm dị biệt ngoài việc có những điểm
tương đồng. Bị quy định bởi nội dung phản ánh xã hội, mục đích và đặc điểm
diễn xướng, trong vè nói chung và vè Nghệ Tĩnh nói riêng, trào phúng là một
hiện tượng khá phổ biến, nghiên cứu ngôn ngữ trào phúng trong vè Nghệ
Tĩnh là một cách tiếp cận một trong những đặc điểm ngôn ngữ của vè xứ
Nghệ nói riêng, qua đó phần nào góp sức nhận diện một số đặc điểm ngôn
ngữ trong thể loại văn học dân gian này ở địa phương Nghệ Tĩnh.
1.3. Cho đến nay, việc sưu tầm vè xứ Nghệ đã được tiến hành trong
một thời gian khá dài; các tác phẩm vè này đã được tập hợp trong những bộ
sưu tập tương đối đồ sộ. Tuy nhiên, để có một công trình nghiên cứu quy mô,
tiếp cận một cách khoa học thế giới nghệ thuật vè xứ Nghệ vẫn là điều chưa
dễ thấy. Và một công trình nghiên cứu mang tính hệ thống về ngôn ngữ vè,
ngôn ngữ trào phúng trong vè dân gian xứ Nghệ lại càng hiếm hoi. Đặt vấn đề



6

nghiên cứu ngôn ngữ trào phúng trong kho tàng vè xứ Nghệ là một việc làm
thiết thực, có tính khoa học và tính thực tiễn.
2. Lịch sử sưu tầm, nghiên cứu vè và ngôn ngữ trào phúng trong vè Nghệ
Tĩnh
2.1. Vè là một bộ phận quan trọng trong kho tàng văn học dân gian xứ
Nghệ, việc sưu tầm vè đã được thực hiện trong một lịch sử có bề dày. Trong
cuốn Về văn học dân gian xứ Nghệ xuất bản năm 2004, tác giả Ninh Viết
Giao quả quyết: “Phải nói ngay rằng cho đến bây giờ, ngoài cuốn” Vè thất thủ
kinh đô, Vè yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược và một số bài vè in
trong Dân ca Thanh Hóa, Dân ca Bình Trị Thiên, Dân ca miêng Nam Trung
Bộ,v. v.. thì vè được sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu nhiều hơn cả vẫn là vè
xứ Nghệ (Ninh Viết Giao – Về văn học dân gian xứ Nghệ. Nxb. Chính trị
Quốc gia). Tác giả này cũng cho một thống kê các công trình sưu tầm, nghiên
cứu vè xứ Nghệ, trong đó đáng chú ý là Vè Nghệ Tĩnh do Nguyễn Đổng Chi,
Võ Văn Trực, Nguyễn Tất Thứ và một số cộng tác viên sưu tập, sách do nhà
xuất bản Văn học, Hà Nội, ấn hành năm 1964. Sách gồm 2 tập, tập I gồm
những bài vè lịch sử, về đấu tranh chống Đế quốc, phong kiến; tập II gồm chủ
yếu những bài nói về làng xã, nghề nghiệp. Cuốn Hát giặm Nghệ Tĩnh do
Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao viên soạn, cũng gồm 2 tập lần lượt xuất
bản vào các năm 1962 và 1963, sưu tập 171 bài giặm vè Nghệ Tĩnh. Với cả
hai bộ sách nói trên, có 337 bài vè được sưu tập.
Tính đến nay, công trình sưu tập quy mô, đầy đủ nhất về vè xứ Nghệ
vẫn là bộ Kho tàng vè xứ Nghệ xuất bản trong nhiều năm của Ninh Viết Giao
và cộng sự. Bộ sách gồm 9 tập với tổng số lượng trên 1100 bài với các bài vè
nói về hầu hết các lĩnh vực, các hoạt động lao động sản xuất, đấu tranh của
nhân dân xứ Nghệ. Đây là bộ tư liệu rất quý cho những ai quan tâm đến văn



7

học dân gian, văn học dân gian xứ Nghệ, quan tâm nghiên cứu vè và và xứ
Nghệ.
2.2. Căn cứ số lượng các bài vè hiện đã sưu tầm được, có thể thấy vè
xứ Nghệ quả là một kho tàng hết sức quy mô, phong phú, chứa đựng trong đó
rất nhiều tri thức về đời sống lịch sử, văn hóa… xứ Nghệ trong quá khứ. Tuy
nhiên, việc nghiên cứu vè xứ Nghệ, nhất là nghiên cứu ngôn ngữ trào phúng
trong kho tàng vè xứ Nghệ, cho đến nay đang còn được tiến hành một cách
khá dè dặt, nhìn từ phạm vi tư liệu mà chúng tôi có được. Có thể điểm qua
một số ý kiến về vè và ngôn ngữ trào phúng trong vè xứ Nghệ như sau.
Nguyễn Đổng Chi và các cộng sự của ông, trong lời mở đầu cho cuốn
Vè Nghệ Tĩnh tập II, nhận định: “Đáng chú ý là hầu hết các bài vè ít nhiều đều
nói lên tinh thần kiên cường bất khuất của người dân xứ Nghệ. Không kể đề
tài Cần vương, Xô viết Nghệ Tĩnh, đi phu, đi ở, mất mùa, đói kém… cũng đã
bốc lên những luồng bất bình ngùn ngụt. Thái độ của quần chúng qua hầu hết
các bài vè, đó là thái độ thù địch rõ rệt” [32;324]. Cũng nhóm biên soạn này,
trong phần nhận định về nội dung tập II, đã viết, vè Nghệ Tĩnh “một mặt nói
lên lòng yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống, ca ngợi đức tính cần cù lao
động, siêng năng, tiết kiệm, kiên trì, lạc quan; đồng thời phê phán những thói
hư tật xấu thường xảy ra trong nội bộ quần chúng; mặt khác nói lên tình yêu
trai gái lành mạnh, châm biếm mỉa mai những quan hệ nam nữ bậy bạ, những
quan niệm lạc hậu trong hôn nhân và gia đình” [32;325]. Trần Hữu Thung
trong “Vè dòng sữa quê hương” đã chỉ ra một số đặc điểm quan trọng về vai
trò của vè trong đời sống, tác giả, nguồn gốc, không gian diễn xướng… của
vè. Tác giả viết: “Mỗi người đặt vè đứng về một mặt nào đó mà nói thì cũng
như một tòa soạn của một tòa báo địa phương. Cuộc sống với những sự kiện
xảy ra là nguồn sáng tác. Họ nghe ngóng, quan sát rồi phát biểu thái độ bằng
một bài vè. Hễ xảy ra chuyện gì trong xóm, trong làng, trong vùng, bà con lại
nghe ngóng, trông đợi và dò hỏi những tay “bẻ chuyện”. Nhân dân nhờ những



8

tay “bẻ chuyện” ghi chép sự việc, nói hộ tình cảm tư tưởng của mình và sẵn
sang “phê bình” và sẵn sang góp ý cho tác giả sửa chữa tác phẩm. Nhân dân
“phê bình” góp ý bằng cách hay thì truyền tụng, không hay thì thôi” [38;132].
Trong bài viết này, tác giả cũng đưa ra nhận định thế nào là một bài vè hay,
về nội dung, hạn chế, triển vọng của vè. Về hạn chế của vè, Trần Hữu Thung
chỉ ra hạn chế trong tư tưởng, về tình cảm, về đối tượng, về mơ ước đấu
tranh; còn trong nghệ thuật: “nhạc điệu của vè không phong phú lắm đâu.
Phần nhiều là bài kể, đọc như nói thường cùng với những điệu bộ và những
lời giải thích thêm”, “kể lể dài dòng nhiều khi thiếu chính xác”…
Cho đến nay, người chuyên tâm sưu tầm và cố gắng nhận diện vè Nghệ
Tĩnh nhất có lẽ vẫn là Ninh Viết Giao. Tác giả này, ngoài công tập hợp các
kết quả sưu tầm vè để in vào bộ sách vừa nói trên, cũng đã mô tả một cách
khái quát các đặc điểm, các thể, các mô típ, nghệ thuật diễn xướng, ngôn ngữ,
ngôn ngữ nghệ thuật, vấn đề tác giả … của vè xứ Nghệ.
Trong phần bàn về ngôn ngữ vè xứ Nghệ, Ninh Viết Giao có phân loại,
mô tả các loại ngôn ngữ vè xứ Nghệ. Theo ông, ngôn ngữ vè xứ Nghệ bao
gồm 5 lớp: ngôn ngữ tả thực, ngôn ngữ trữ tình, lớp anh hùng ca, lớp châm
biếm và lớp chính luận. Trong lớp ngôn ngữ châm biếm, ông chia thành loại
ngôn ngữ trào phúng, châm biếm sâu cay, loại chế giễu kèm theo thái độ lên
án… Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây chưa phải là những nhận định có tính
khoa học, ít nhất là trong sự đối chiếu với lí thuyết ngôn ngữ học.
Ngoài ra, đây đó trong một vài bài viết, các tác gải có đề cập đến ngôn
ngữ hoặc ngôn ngữ trào phúng, nhưng đó chỉ là những nhận định rời rạc, tản
mạn.
Tất cả những gì vừa trình bày trên đây cho thấy, nghiên cứu ngôn ngữ
trào lộng trong kho tàng vè xứ Nghệ cho đến nay vẫn đang là một khu vực

còn bị bỏ trống. Tuy nhiên, những gì mà người đi trước đã làm, liên quan trực
tiếp hoặc gián tiếp đến vè Nghệ Tĩnh,, đến ngôn ngữ và ngôn ngữ trào phúng


9

trong vè Nghệ Tĩnh đều là những gợi mở quý báu cho chúng tôi trong quá
trình hình thành luận văn này.
3. Đối tượng nghiên cứu
Như tên đề tài đã xác định, đối tượng nghiên cứu của luận văn là ngôn
ngữ trào phúng trong kho tàng vè Nghệ Tĩnh
4. Nhiệm vụ và mục đích nghiên cứu
4.1. Mô tả một cách khái quát đặc điểm của ngôn ngữ và ngôn ngữ trào
phúng trong kho tàng vè Nghệ Tĩnh.
4.2. Phân tích tình hình sử dụng ngôn ngữ trào phúng trong kho tàng vè
Nghệ Tĩnh
4.3. Chỉ ra ý nội dung xã hội và ý nghĩa nghệ thuật của việc sử dụng
ngôn ngữ trào phúng trong kho tàng vè Nghệ Tĩnh.
5. Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi sử dụng phối kết hợp các phương pháp sau
3.1. Phương pháp thống kê
3.2. Phương pháp phân tích – tổng hợp
3.3. Phương pháp so sánh
6. Phạm vi khảo sát
Trong một ý nghĩa nào đó, danh xưng Nghệ Tĩnh và khái niệm xứ
Nghệ có sự phân biệt, theo chúng tôi, sự phân biệt đó thể hiện ở: một bên có ý
nghĩa giới hạn, gọi tên một khu vực hành chính trong quá khứ, một bên có ý
nghĩa gọi tên một vùng văn hóa. Vè, hay văn học dân gian, hay văn hóa… là
những hiện tượng thuộc về đời sống tinh thần. Trong lĩnh vực này, khi nói
Nghệ Tĩnh hay xứ Nghệ có lẽ cũng không cho thấy sự phân biệt lớn. Vì vậy,

khi nghiên cứu ngôn ngữ trào lộng trong vè Nghệ Tĩnh, chúng tôi chủ yếu dựa
vào những tư liệu có được trong bộ Vè Nghệ Tĩnh của nhóm Nguyễn Đổng
Chi và bộ kho tàng vè xứ Nghệ của nhóm Ninh Viết Giao. Hơn nữa, ngôn ngữ


10

trào phúng vốn rải rác trong rất nhiều bài vè Nghệ Tĩnh, nhưng để thể hiện
một cách tập trung nhất những đặc điểm của ngôn ngữ trào phúng trong vè
Nghệ Tĩnh, chúng tôi dành sự chú ý nhiều hơn cho cuốn tập 7 của kho tàng vè
xứ Nghệ, tập hợp chủ yếu các bài nói về làng xã, đặc biệt là phần 2, phần gồm
71 bài, theo cách nói của nhà sưu tầm Ninh Viết Giao, là “vè châm biếm”.
Bên cạnh những tư liệu đã có, chúng tôi cũng mạnh dạn sử dụng một số bản
vè mà chúng tôi sưu tầm được trong quá trình làm luận văn.
7. Đóng góp mới của đề tài
7.1. Góp phần nhận diện những đặc điểm và đặc điểm ngôn ngữ vè
Nghệ Tĩnh
7.2. Mô tả được một cách khái quát tình hình sử dụng ngôn ngữ trào
phúng trong kho tàng vè Nghệ Tĩnh
7.3. Đưa ra những kết luận về ý nghĩa xã hội và giá trị thẩm mĩ của việc
sử dụng ngôn ngữ trào phúng trong kho tàng vè Nghệ Tĩnh.
8. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tài liệu tham khảo, luận văn
của chúng tôi chia làm 3 chương
Chương 1: Một số vấn đề lí thuyết liên quan đến đề tài
Chương 2: Đặc điểm ngôn ngữ trào phúng trong vè Nghệ Tĩnh
Chương 3: Các biện pháp tu từ trong ngôn ngữ trào phúng của vè Nghệ Tĩnh.


11


Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Khái niệm vè và ngôn ngữ vè
1.1.1. Khái niệm vè
Trong lịch sử nghiên cứu văn học nói chung và văn học dân gian nói
riêng, đã xuất hiện một số lời bàn về vè. Và những quan niệm về vè ngày
càng hoàn thiện hơn. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu thường đưa ra nhận
định rằng: vè là những bài hát do nhân dân sáng tác và được lưu truyền bằng
miệng. Có thể coi đây là định nghĩa cổ xưa nhất về vè. Trong Việt Nam văn
học sử yếu, Dương Quảng Hàm chưa nói đến khái niệm vè, mà chỉ nói đến
“những bài hát ngắn, không có chương khúc, lưu hành trong dân gian, thường
tả tính tình phong tục của người dân” [32;319]. Trong giáo trình Văn học dân
gian Việt Nam của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội do Đinh Gia Khánh và
Chu Xuân Diên viết, vè được quan niệm là “một hình thức thơ tự sự, kể
truyện trong dân gian. Cũng như các loại hình thơ tự sự khác, vè sử dụng cả
phương thức tự sự và phương thức trữ tình, nhưng chủ yếu dùng phương thức


12

tự sự. Tác giả của những bài vè dân gian thể hiện cuộc sống qua những tính
cách của nhân vật, qua cốt truyện. Tuy có xen vào những đoạn phát biểu ý
kiến của tác giả, nhưng ngôn từ của vè là ngôn ngữ kể truyện” [32;320]
Trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, tập II, Hoàng Tiến Tựu
định nghĩa “vè là một loại tự sự bằng văn vần, được biểu hiện dưới hình thức
nói hoặc kể, chủ yếu nhằm phản ánh kịp thời và cụ thể những chuyện về
người thực việc thực ở từng địa phương. Vè giống như một loại khẩu báo của
nhân dân, rất gần với thể kí trong văn học viết. Khác với ca dao, vè thiên về
tự sự, ít chất trữ tình, thiên về thông báo sự việc, ít trau chuốt hình thức. Vì

thế mỗi bài vè thường năm bảy mươi câu, có khi hàng trăm, thậm chí hàng
ngàn câu. Tính thời sự, tính xác thực, cụ thể, tính địa phương, tính mộc mạc
không trau chuốt về hình thức, đó là những đặc điểm chung, nét nổi bật của
thể loại vè.” [32;320-321]. Nguyễn Đổng Chi trong Hát dặm Nghệ Tĩnh cho
rằng: “Trước hết vè là một loại văn vần kể chuyện (tự sự) tường thuật sự việc.
Nếu như người ta có dùng vè để thuyết lí hoặc trữ tình thì cũng thường thông
qua phương pháp kể chuyện hoặc phối hợp với phương pháp kể chuyện. Vè
thường cho phép người ta kể lể rông dài, không trau chuốt câu văn thậm chí ít
khi đếm xỉa đến niêm luật, vần điệu”. Về mặt hình thức, Nguyễn Đổng Chi
cho rằng “vè còn mang tính chất thô sơ của một loại phác thảo, một thứ văn
ghi chép sự việc nóng hổi tựa hồ như một loại phóng sự” [32;321]. Trên cơ sở
tham khảo các ý kiến đó đó, Ninh Viết Giao trong Về văn hóa dân gian xứ
Nghệ quan niệm: “vè là loại tự sự bằng văn vần, chú trọng người thật diễn ra
có tính chất đột xuất trong làng xã ngày xưa về mọi phương diện trong cuộc
sống và những sự việc lớn vang động đến cả nước. Vè phản ánh và bình luận
những chuyện địa phương mang tính chất thông tin rõ rệt. Mọi mặt trong cuộc
sống của nhân dân từ quan hệ đối với thiên nhiên đến quan hệ xã hội đều
được thể hiện trong vè. Vè là bách khoa thư của nhân dân trong một vùng”
[32;322].


13

Đinh Gia Khánh trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam xếp vè
vào khu vực tự sự. Ông cho rằng “vè là một thuật ngữ văn học dân gian có
liên quan đến từ vè trong “vần vè”. Vè có nghĩa là lì nói có vần”, và “Vè kể
lại những sự việc không bình thường, nhỏ thì thu hút sự chú ý của nhân dân
trong một thôn, một xã, một vùng, nhiều thì có anh hưởng đến đời sống nhân
dân một dân tộc” [52;391]. Cũng theo Đinh Gia Khánh, “vè không tự sự một
cách khách quan.Chỉ những việc được nhân dân chê gay gắt hay khen nhiệt

liệt thì mới được vè ghi lại. Vè là lời thanh nghị, lời khen, chê của nhân dân.
Vè mang tính khuynh hướng rõ rệt. Vì mang tính khuynh hướng ấy mà vè vừa
có nội dung trào phúng lại vừa có nội dung ca tụng. Cho nên vè có vè trào
phúng lại có vè ca tụng. Lại có bài vè kết hợp cả trào phúng lẫn ca tụng”
[52;392]
Như vậy đã có khá nhiều định nghĩa về vè. Và các định nghĩa ấy, trong
một chừng mực nhất định, đã mô tả được những đặc điểm của vè, nhưng xem
ra các tác giả vẫn còn có những lung túng nhất định trong việc khái niệm hóa
thể loại văn học này. Chính vì thế mà các định nghĩa đưa ra nhiều khi còn dài
dòng, có chỗ lúng túng. Đáng chú ý là cách định nghĩa của Ninh Viết Giao đã
loại bỏ một bộ phận rất quan trọng của vè - loại vè ra đời trong thời đại ngày
nay khi ông nói rằng không gian xuất hiện của vè là “làng xã ngày xưa”. Điều
này thậm chí còn mâu thuẫn với nhận định của chính ông, là vè phản ánh hiện
thực mang tính thời sự, “tính thông tin rõ rệt”.
Sau khi tham khảo một số định nghĩa về vè, chúng ta có thể rút ra mấy
đặc điểm chính có thể hình dung về thể loại vè như sau:
Vè thuộc văn học dân gian, một loại văn vần, được sáng tác trong nhân
dân nhằm phản ánh hiện thực đời sống, xã hội mà nhân dân đã trải qua hoặc
chứng kiến. Ngôn ngữ vè là thứ ngôn ngữ mộc mạc, đậm hơi thở của đời
sống. Vè có một nội dung phản ánh hiện thực phong phú.
1.1.2. So sánh vè với các thể thơ dân gian khác như dặm, ví, ca dao


14

Trong khi đưa ra các định nghĩa về vè, các tác giả cũng đồng thời đề
cập đến ngôn ngữ vè. Tham khảo các định nghĩa của các nhà nghiên cứu
trong các chuyên luận, giáo trình, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm cơ
bản của ngôn ngữ vè như sau.
Cùng là thể loại văn học dân gian ra đời bằng sáng tác tập thể, thường

là cùng không gian diễn xướng và lưu hành bằng truyền miệng, vì vậy điểm
chung lớn nhất giữa vè với ca dao, dân ca là đều mang trong mình những nội
dung của cuộc sống, nghĩa là chúng đều cố gắng phản ánh một cách đầy đủ
hiện thực cuộc sống. Trong vè và trong ca dao, dân ca, dặm, ví… đều luôn
luôn thể hiện muôn mặt của cuộc sống con người. Đó là tiếng nói bắt đầu từ
lao động sản xuất, phản ánh không khí của đời sống sản xuất con người.
Trong vè có những câu miêu tả lao động vất vả, hay vui tươi, trong ca dao,
dặm, ví… điều này cũng tồn tại. Ví dụ, chúng ta đã thấy những bài vè miêu tả
cảnh làm ăn buôn bán, cảnh cày cấy, đi củi… trong ca dao chúng ta cũng thấy
những bài nói về cảnh lao động sản xuất với lòng yêu nghề như các bài Anh
làm thợ mộc Thanh Hoa, Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang…
Viết về cuộc sống, cả vè, ca dao, đều có những bài nói về thân phận
con người, về cuộc sống lam lũ, bần cùng, bị bóc lột của những người thấp cổ
bé họng, và chúng có cùng nội dung than thân và tố cáo. Đấy là thân phận của
những người làm lẽ, những người đi ở bị chủ ngược đãi, hành hạ… Ví như
trong vè Nghệ Tĩnh có đoạn sau đây viết về nỗi khổ của người đi ở:
Ngày thì trỉa đỗ trồng khoai
Đêm về xay thóc canh hai chưa nằm
Gà ơi mày đã gáy thăm
Choa chưa đi nằm mi đã gáy rồi

Bữa đầu vú nói thương yêu
Bữa sau vú nói dức điều tốn cơm


15

Thì trong ca dao:
Chúa trai là chúa hay lo
Đêm nằm cắt việc ra cho mà làm

Chúa gái là chúa ăn tham
Đồng quà tấm bánh đút ngang trong buồng
Ăn thì chết nứt chết trương
Chẳng nhớ thằng ở chẳng thương con đòi…
Vè và ca dao còn gặp gỡ nhau trong những bài có nội dung châm biếm,
đả kích các thói hư tật xấu, đấy là những bài phê phán thói tham lam, lười
biếng, tệ cờ bạc, rượu chè, lại có cả những bài trào phúng vui nhộn mang tính
chất mua vui, giải trí… Tất cả những điều này chúng ta sẽ thấy trong các phần
tiếp theo của luận văn.
Cũng là những thể loại văn học do nhân dân lao động sản xuất, vè, ca
dao, dặm, ví… đều là nơi thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất
nước chứa chan. Chính vì thế, trong vè nói chung và vè Nghệ Tĩnh nói riêng,
chúng ta thấy những bài miêu tả, ca ngợi cảnh sắc quê hương đất nước, ví dụ
những câu viết về Bùi Sơn (một địa danh thuộc huyện Nam Đàn):
Bùi sơn phong cảnh vui thay
Đinh long cấn hướng xưa nay rành rành
hay một câu nói về làng Trung Hậu ở Diễn Châu:
Ai về Trung hậu với ta
Có giếng tắm mát, có cây đa ngồi kề
thì ca dao cũng có những bài ca ngợi quê hương đất nước, những bài đã thành
tuyệt bút. Đây là bài ca dao tả một cảnh ở Hà Nội:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ


16

hay câu ca dao nói về cảnh đẹp xứ Nghệ:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô.
Tình cảm gia đình, tình cảm lứa đôi cũng là một nguồn cảm hứng lớn
trong cả vè và ca dao. Đó là tình cảm đối với ông bà, cha mẹ, tình cảm vợ
chồng, tình yêu trai gái… Những tình cảm ấy xuất hiện trong vè, trong ca dao,
dặm ví đều với nhiều cung bậc, nhiều trạng thái, xúc cảm khác nhau: là tình
đắm say, thắm thiết, thủy chung, tình yêu và sự hi sinh cao thượng, những đau
xót vì chia lìa, tâm trạng nhớ thương. Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy ở các
thể loại này, đặc biệt là vè và ca dao, những câu chuyện về thân phận người
phụ nữ bị hắt hủi, bị phụ tình, thân phận lẽ mọn…
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng, chúng ta còn thấy những
dị biệt giữa vè và các thể loại thơ ca dân gian khác. Điểm dị biệt này thường
bị quy định bởi mục đích và tính chất, yêu cầu phản ánh của từng thể loại
khác nhau và bị quy định bởi những đặc điểm thể loại.
Bới là những “khẩu báo”, và vì rất giàu chất thông tin với mục đích kể
lại những câu chuyện, mô tả những sự vật, hiện tượng trong đời sống, nên
ngôn ngữ vè, trước hết là một thứ ngôn ngữ giàu chất hiện thực. Người ta ít
thấy những thăng hoa của cảm xúc, vậy nên ngôn ngữ vè là thứ ngôn ngữ ít
có sự biểu hiện của tình cảm so với ca dao, dân ca. Đấy là lối thuật sự khách
quan, nhằm mục đích kể được một câu chuyện, tả được một sự vật, hiện
tượng hay bình luận về một ý nghĩa nào đó. Ngôn ngữ vè luôn cố ý bám sát,
gọi tên một cách trúng nhất những điều mà nó muốn nói đến. Với vè, “thằng
nhác” là “thằng nhác”, “con dao” là “con dao”. Để tả nỗi nhớ của một người
đối với một người, ngôn ngữ ca dao là:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai


17


Hoặc:
Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
Nhưng với ngôn ngữ vè, nó sẽ là:
Chốn phòng loan lạnh lẽo
Nơi trướng hổ ngậm ngùi
Chàng trông thiếp xa xôi
Thiếp nhớ chàng ngơ ngẩn
[26; 176]
Cùng nói về nỗi nhớ cha mẹ, quê hương của một người con gái lấy
chồng xa, lời ca dao viết:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chìu
Hoặc:
Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu
Trong khi đó ngôn ngữ vè là:
Đêm nằm mơ tưởng
Nhớ cội thung huyên
Số em làm nên
Không kì giàu có
[26;202]
Hoặc:
Qua năm qua tháng
Có con rồi thơ thẩn đất người
Đau đớn khúc nhôi
Cha già em cũng bỏ



18

Mẹ già em cũng bỏ
Người về cõi thọ
Tờ nhắn đến nơi
Đưa đám vưa rồi
Thì em mới biết
[26;192]
Chính bởi gần với nhu cầu phản ánh những câu chuyện, những sự vật –
hiện tượng trong cuộc sống với tính chất thời sự của nó, không phải là những
tác phẩm trữ tình còn có thời gian để chờ đợi thăng hoa cảm xúc, nên ngôn
ngữ vè là thứ ngôn ngữ không trau chuốt, không cách điệu. Nó thường là
những từ ngữ chuyên chở những ý nghĩ bộc trực, thẳng thắn. Có thể thấy đặc
điểm này trong bất cứ bài vè nào. Dưới đây là một vài ví dụ:
Vè vẻ vè ve/Cái vè thằng nhác
Trời đã phú thác/Tính khí anh ta
Thuở còn mẹ cha/Theo dòi thi sự
Cho đi học trự/Nhiều trự ai vay
Cho đi học cày/Nói nghề ở tớ
Cho đi học thợ/Bảo nghề ấy buồn
Cho đi học buôn/Là nghề ngồi chợ
(Vè thằng nhác)
Hoặc:
Nhà anh bất phú bất bần
Có con dao đoản hộ thân tháng ngày
Con dao anh dày
Dài vừa năm tấc
Khi mài đã sắc
Phá lở rủ rừng hoang
Cũng biện đủ cỗ cho làng



19

Cũng no ngày đủ tháng
(Vè con dao)
Tóm lại, bị quy định bởi nội dung và nhiệm vụ phản ánh cuộc sống,
ngôn ngữ vè là thứ ngôn ngữ ít trau chuốt, mặc dù không phải hoàn toàn
nhưng cơ bản là thứ ngôn ngữ thô mộc giản dị để công chúng dễ tiếp nhận
(thực ra, trong số những người làm ra vè hẳn có không ít là người có chữ
nghĩa, vậy nên khả năng xuất hiện lớp ngôn ngữ bác học, trau chuốt là không
phải bàn cãi, và trên thực tế đã xảy ra như vậy). Mặt khác, mặc dù là những
chuyện thuật sự, nhưng không vì thế mà phần cảm xúc trong vè mất hẳn.
Đúng hơn, trong vè vẫn có nhiều bài chan chứa cảm xúc, nhưng đó là thứ cảm
xúc gần gụi với đời sống - cảm xúc đời sống tươi mới.
Chính cảm xúc tươi mới ấy, và chính nhu cầu phản ánh hiện thực, cho
nên việc sử dụng ngôn ngữ trào phúng trong vè nói chung và vè Nghệ Tĩnh
nói riêng sẽ là một tất yếu. Bởi cái hài là một phạm trù mĩ học mà biểu hiện
của nó trong cuộc sống là hết sức thường xuyên, hết sức phong phú, hết sức
đa dạng. hơn nữa, trí tuệ dân gian thì vô cùng. Người thông minh bao giờ
cũng tự biết giải tỏa cho mình, hoặc nhìn thấy và cảnh báo xã hội bằng tư duy
hài hước, trào lộng. Đạo mạo là một cái gì đó nhiều khi xa xỉ với nhân dân lao
động.
Ngôn ngữ vè xứ Nghệ, ngoài những khác biệt, những điểm độc đáo bị/
được quy định bởi thổ âm, phương ngữ, theo các nhà nghiên cứu, cũng có đặc
điểm chung với ngôn ngữ trong kho tàng vè nước Việt nói chung.
Ninh Viết Giao trong Kho tàng vè xứ Nghệ đã thống kê được khoảng
300 từ địa phương tồn tại trong vè xứ Nghệ. Điều đó cho thấy sự khu biệt đầu
tiên cần nhắc đến trong ngôn ngữ vè xứ Nghệ với các vùng, miền khác là bắt
đầu từ vốn từ vựng. Thứ nữa là tính địa phương của thanh điệu., phụ âm đầu,

phụ âm cuối…


20

Nhìn chung ngôn ngữ vè Nghệ Tĩnh, vì vừa sử dụng ngôn ngữ cộng
đồng Việt Nam, lại vừa sử dụng phương ngữ, nên hết sức đa dạng, phong phú.
Vè Nghệ có sử dụng lớp từ ngữ tả thực, lớp từ ngữ thể hiện cảm xúc trữ tình,
lớp ngôn ngữ thể hiện cảm hứng anh hùng ca, lớp ngôn ngữ thể hiện ý nghĩa
trào phúng.
Lớp ngôn ngữ trào phúng trong vè Nghệ Tĩnh cũng hết sức phong phú,
đa dạng phản ánh tình cảm phong phú, nhiều cung bậc của nhân dân lao động,
dĩ nhiên là trước nhiều đối tượng, nội dung, cảm xúc trào lộng khác nhau. Có
khi đó là thứ ngôn ngữ trào phúng, châm biếm hết sức chua cay. Đây là châm
biếm một ông già chơi trống bỏi:
Râu cơn đen, cơn bạc/Mắt bên tỏ, bên mờ
Răng cái rụng cái lưa/Tai bên thông, bên điếc
Cối đâm trù lắc cắc/Tay chống gậy loàng quàng
Con gái chộ cũng nguýt ngang/Cố lầm bầm chửi trộm:
Da trắng như con nộm/Má đỏ như mông gà
Bay cũng chết với choa/Nỏ rày ông mai cố
[32;418]
Có khi trong sự châm biếm lại pha chút cảm thông, thương xót:
Khi điều nói giễu
Giừ “tung bọ” ra rồi
Giời hỡi đất trời
Không biết lấy ai than thở
Không biết lấy ai sắm than, sắm lửa
Không biết lấy ai sắm củi, sắm dầu
Em nghĩ lại buồn rầu



21

Buồn trông phong cảnh
[32; 419]
Đoạn vè trên nói về tình cảnh của một cô gái ve ông già và trót có thai.
Sắc thái trào lộng ở đây có chút nhẹ nhàng, thông cảm, chia sẻ nhưng cũng có
chút trách móc. Cái thông cảm, sẻ chia ấy được thể hiện trong cách nói lái
như một hành động xí xóa “tung bọ” ra rồi (to bụng ra rồi).
Khi đả kích một hiện tượng nào đó xấu xa, như các hủ tục, các tệ nạn
xã hội, ngôn ngữ trào phúng trong vè Nghệ Tĩnh lại hết sức lạnh lùng, sắc
ngọt. Với vè trào phúng ra đời nhằm đấu tranh chống lại áp bức bất công, nhất
là những bài vè ra đời trong thời kì cận - hiện đại nhằm vào đối tượng phong
kiến, đế quốc, nhiều khi sắc thái trào phúng trở nên rực lửa:
Cai tổng chức cũng to/Và bụng cũng to hơn người nào hết
Dáng đi lệt đệt/Cả người béo phình
Đôi má rung rinh/Ai cũng rợn mình
Sợ hơn lính khố/Sợ hơn cả hổ

Mỗi khi cai tổng/Vác mặt qua làng
Trông cai vênh vang/Trông cai vếch mỏ
Như hổ rởn mỡ/Bộ toc rung rinh
Bộ râu vênh lên/Như râu sư tử
(Vè cai tổng)
Ngôn ngữ nghệ thuật trong vè Nghệ Tĩnh cũng hết sức phong phú, đa
dạng, chứng tỏ trình độ của nhân dân lao động và thực tiễn đời sống bừa bộn,
lắm màu nhiều vẻ. Đó là phép so sánh ví von, lối uyển ngữ, lối phúng dụ, lối
ẩn dụ, nhân hóa, ngoa dụ, điệp ngữ. Trong phần nội dung chính, khi bàn về
các phép tu từ trong ngôn ngữ mang ý nghĩa trào phúng, chúng tôi sẽ trình

bày kĩ hơn về một số phép tu từ này.


22

Về thể loại, khác với ca dao thường sử dụng các thể loại có câu dài như
lục bát, bảy chữ, trong đó phổ biến nhất là lục bát với công dụng vừa phản
ánh được hiện thực một cách chân thật theo đặc điểm tự sự của thể loại này,
vừa có lợi cho việc giãi bày những tình cảm trữ tình. Vè, do nhu cầu chủ yếu
là phản ánh hiện thực theo lối “tin tức”, nên bên cạnh một tỉ lệ rất ít các thể
thơ khác thì thể loại phổ biến nhất trong vè thường là thể thơ bốn chữ, năm
chữ. Điều này là hoàn toàn phù hợp bởi như nhận định của các nhà nghiên
cứu và như bản thân thực tiễn tồn tại của vè, đây là một loại hình văn học dân
gian thiên về lối tự sự, mà câu chuyện được kể trong vè thường là những câu
chuyện mạng tính thời sự. Việc sử dụng các thể thơ bốn, năm chữ là để đáp
ứng nhu cầu tự sự của vè.
Về hình thức kết cấu văn bản trên bình diện dung lượng, vè, tùy vào
tình hình những nội dung chuyện kể nên có bài dài ngắn khác nhau. Tuy
nhiên, với đặc điểm của vè là những câu chuyện kể có đầu có cuối, nên văn
bản vè thường dài, chặt chẽ về bố cục, phần lớn giống như kết cấu một truyện
ngắn hay tiểu phẩm. Vậy nên, cũng có thể coi và là một loại tiểu phẩm được
viết bằng hình thức văn vần.
Trong các thể loại văn học dân gian, vè có lẽ gần gũi với dặm, ví hơn
cả, nhất là dặm. Trên thực tế, vè là một loại hình nghệ thuật được sáng tác rất
nhanh chóng, nhằm đáp ứng yêu cầu phản ánh hiện thực một cách kịp thời,
trong khi dặm, ví phần nhiều cũng là những tác phẩm được ứng khẩu ngay
trong các cuộc hát đối đáp. Vì thế, điểm gần gũi quan trọng giữa vè với dặm
ví, trước hết có lẽ là sự gần gũi với hiện thực, những cảm xúc tươi mới về
cuộc sống. Nghiên cứu vè và dặm, ví, chúng ta thấy các thể loại này rất gần
gũi nhau, thậm chí có những điểm tương đồng về các biện pháp tu từ như lối

so sánh, ví von, ẩn dụ, lối nói uyển ngữ, kiểu thề thốt… Nhất là đối với dặm,
vè có mối quan hệ có vả khăng khít hơn. Vè gần gũi với dặm không chỉ trong
cảm xúc tươi mới trước cuộc sống và về cuộc sống, về các biện pháp tu từ,


23

mà còn có những điểm giống nhau ngay trong lối cấu trúc hình tượng, cấu
trúc câu và cấu trúc văn bản. Câu trong dặm thường có cấu trúc bốn, hay năm
chữ (phổ biến là năm chữ), thì câu trong vè cũng phổ biến là loại câu này. Đặc
biệt ngay cả lối điệp câu trong mỗi kết đoạn chúng ta cũng thấy mối tương
đồng giữa vè với dặm. Về mặt ca từ mà nói, sự chuyển hóa giữa vè với dặm
nhiều khi diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên. Tỉ như nếu có một bài vè năm
chữ trong tay, chúng ta hoàn toàn có thể cất lên hát theo làn điệu của dặm.
Cái khác dễ thấy đầu tiên giữa vè với dặm, ví là ở nội dung thể hiện.
Như chúng ta biết, vè là một loại “nhật trình”, một loại “thời báo”, có nhiệm
vụ, chức năng phản ánh một cách đầy đủ, kịp thời những câu chuyện, những
vấn đề của cuộc sống, chính vậy nên hiện thực trong vè bao giờ cũng là thứ
hiện thực nóng hổi, phong phú, muôn màu muôn vẻ với những đặc điểm của
cấu trúc tự sự. Vè nói đến cuộc sống của người dân và đời sống xã hội với
mọi ngóc ngách, mọi biểu hiện, miễn là những ngóc ngách, những biểu hiện
ấy mang tính vấn đề. Vè có thể kể về một cuộc biểu tình, một trận đánh, một
buổi lao động sản xuất, có thể kể về thân phận một đứa ở, một người vợ lẽ, có
thể kể một câu chuyện nghề nghiệp. Ví, dặm mặc dù có những điểm gần gũi
với vè, nhưng có những điểm rất khác trong đối tượng miêu tả. Nhìn chung,
ví, dặm thường là những bài hát giao tình, những cảm xúc trữ tình, nên nội
dung của các thể loại này không phải là toàn bộ hiện thực rộng lớn. Nội dung
trữ tình của dặm, ví thường là những câu chuyện về tình yêu, hạnh phúc lứa
đôi, tình cảm gia đình, những câu hát than thân.
Điểm khác nữa giữa vè với dặm ví có lẽ chủ yếu là một bên có thêm

phần âm nhạc. Nếu chỉ tính riêng phần ca từ, thật khó có thể phân biệt, nếu
không tính một điểm khác khá lớn là ví thường sử dụng hình thức đối đáp,
chính vì thế văn bản ca từ ví sẽ được trình bày dưới dạng lời thoại. Tất nhiên,
hiện tượng này cũng không hiếm trong vè. Một điểm khác nữa của vè đối với
ví, và dặm là: thường thì vè có kết cấu nội dung hoàn hảo hơn. Nó là những


24

câu chuyện được kể có đầu có cuối, thậm chí như kết cấu một truyện ngắn.
Nếu trong ví hay dặm có kết cấu này thì tất cả đều được hình dung trong quá
trình đối đáp của nhân vật, còn với vè, điều đó được thể hiện bằng ngôn ngữ
người kể chuyện - ngôn ngữ tự sự và miêu tả.
Tóm lại, khi nghiên cứu vè nói chung và vè Nghệ Tĩnh nói riêng, chúng
ta có thể thấy được trên nét lớn một số điểm tương đồng và dị biệt. Điểm
tương đồng được quy định chủ yếu bởi nguồn gốc, xuất xứ, phương thức xuất
bản, phổ biến, lưu hành, và đều là sản phẩm của nhân dân lao động. Điểm dị
biệt của vè so với các loại thơ ca dân gian khác chủ yếu xuất phản từ những
khác biệt về nhu cầu phản ánh đời sống, bởi tư duy thể loại. Tất nhiên, có
những sự phân biệt nhiều khi chỉ mang tính chất tương đối hoặc chỉ có ý
nghĩa phổ quát. Cá biệt vẫn có những điểm không trùng khít với nhận định
nêu trên. Điều này có nguyên nhân từ sự dung hợp, pha trộn thể loại.
1.2. Khái niệm trào phúng
1.2.1. Cái hài
Cái hài, bên cạnh cái bi, cái đẹp, cái cao cả, “là một phạm trù mĩ học
căn bản, xác định giá trị thẩm mĩ thông qua việc phát hiện mâu thuẫn có ý
nghĩa của hiện thực và thông qua thái độ phê phán đối với tính mâu thuẫn ấy,
xuất phát từ lí tưởng thẩm mĩ” [2;31]. Theo Lại Nguyên Ân, cái hài được mĩ
học châu Âu tìm hiểu từ rất sớm, từ thời cổ Hi Lạp và thu hút sự chú ý lí giải
của nhiều học giả, cho đến tận thế kỉ XX. Trên tinh thần cơ bản, cái hài được

xác định là kết quả sự tương phản, sự “bất đồng”, sự mâu thuẫn: giữa xấu và
đẹp (theo Aristoteles), giữa cái quan trọng giả và cái quan trọng thật (theo
Hegel), giữa cái nhỏ nhặt và cái cao cả (Kant), giữa cái nhỏ nhặt, trống rỗng
bên trong và bề ngoài mang tham vọng có nội dung, có ý nghĩa thực
(Tchernychevski), giữa cái vô nghĩa lí và cái hữu lí (Jean Paul)… [2;31]
Theo mĩ học Marx – Lénin, “cái hài thường gắn với tiếng cười”. Cần
phân biệt cái hài với tiếng cười. Cái hài là hiện tượng gây cười chứ không


25

phải là bản thân tiếng cười. Trong quan hệ thẩm mĩ, cái hài tồn tại trong tư
cách là đối tượng – chủ thể. Tiếng cười là kết quả nhận thức về cái hài. Vì
vậy, cái hài là một hiện tượng thẩm mĩ tồn tại khách quan, là phương tiện gây
cười. Cái hài bao hàm cả tiếng cười, nhưng không phải tiếng cười nào cũng là
biểu hiện của cái hài. Cái cười chỉ có thể được coi là biểu hiện của cái hài bởi
nó bật ra “khi người ta khám phá ra những mâu thuẫn giữa bản chất và hiện
tượng, giữa nội dung bên trong và hình thức bên ngoài”.
Lịch sử nghiên cứu cái hài, có thể nói, gắn liền với lịch sử vận động
của mĩ học và lí luận văn học. Thời cổ đại, Platon nghiên cứu cái hài trên hai
bình diện: mục đích và phương tiện. Ông cho rằng, cái hài có mục đích gây
cười, và ông rất sớm nhận ra tinh thần dân chủ của cái hài (về sau, chúng ta sẽ
thấy cái hài chi phối cảm hứng, giọng điệu giễu nhại trong văn học hiện đại
và hậu hiện đại, và nó cũng thể hiện một tinh thần dân chủ triệt để). Thời khai
sáng, có người quan niệm cái hài, tước hết phải có tính cách tân, nó phải khác
hơn những cái bình thường [60;166]
Heghel phân biệt cái hài với cái gây cười, “tật xấu của con người không
có gì là hài, những điều ngu xuẩn, những điều quái gở, những cái không hợp
vẫn làm người ta cười, điều đó không phải vì thế mà trở thành tất yếu cái hài”
[60;168]

Cái hài, nhìn chung, là sự mâu thuẫn giữa các hiện tượng không hoàn
thiện và kinh nghiệm tích cực của nhân loại, được ghi khắc ở các lí tưởng
thẩm mĩ; là sự không tương dung mang ý nghĩa xã hội giữa mục đích và
phương tiện, giữa hình thức và nội dung, giữa hành động và hoàn cảnh, giữa
bản chất và các biểu hiện của nó, giữa tham vọng cá nhân và các khả năng
chủ quan của nó… Mĩ học Marx - Lénin quan niệm cái hài là một phạm trù
mĩ học cơ bản vì cái hài là đặc tính vốn có của đời sống thực tại: mọi lúc, mọi
nơi đều đầy rẫy những yếu tố có thể gây cười. Cái hài, vì vậy, đã trở thành
một trong những nguồn cảm hứng, góp phần khẳng định trí tuệ con người


×