Tải bản đầy đủ (.doc) (87 trang)

Đặc điểm thơ chúc tết của hồ chí minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (468.37 KB, 87 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

LÊ THỊ HOA

§ÆC §IÓM TH¥ CHóC TÕT
CñA Hå CHÝ MINH
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
MÃ SỐ: 60.22.34

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học:

PGS. TS. TRƯƠNG XUÂN TIẾU


2

Vinh - 2012


MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU................................................................................................................................4
1. Lý do chọn đề tài................................................................................................................4
2. Lịch sử vấn đề....................................................................................................................4
3. Mục đích nghiên cứu..........................................................................................................6
4. Phạm vi nghiên cứu............................................................................................................6
5. Phương pháp nghiên cứu....................................................................................................6
6. Đóng góp của luận văn.......................................................................................................7


7. Bố cục của luận văn ..........................................................................................................7
NỘI DUNG............................................................................................................................8
Chương 1
KHÁI LƯỢC VỀ THƠ CHÚC TẾT CỦA HỒ CHÍ MINH...................................................8
1.1. Thơ chúc tết - một mỹ tục của văn hoá Việt Nam ..........................................................8
1.1.1. Tết nguyên đán trong những tết cổ truyền ở Việt Nam..............................................11
1.1.2. Thơ chúc tết của Hồ Chí Minh trong tết Nguyên đán ở Việt Nam.............................17
1.2. Ý nghĩa thơ chúc Tết Hồ Chí Minh...............................................................................22
1.2.1. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam..................................................22
1.2.2. Thể hiện sự gần gũi thân mật trong quan hệ giữa tác giả với độc giả; giữa lãnh tụ với
đồng bào...............................................................................................................................27
Chương 2
ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG THƠ CHÚC TẾT CỦA HỒ CHÍ MINH....................................31
2.1. Nhận thức chính trị trong một hồn thơ vĩ đại................................................................31
2.2. Tình cảm, thái độ của một con người suốt đời vì nước vì dân....................................51
2.3. Sự hoà nhập của lãnh tụ cách mạng với cộng đồng dân tộc..........................................58
Chương 3
ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỨC THƠ CHÚC TẾT CỦA HỒ CHÍ MINH.................................63
3.1.Ngôn từ thơ chúc Tết Hồ Chí Minh..............................................................................63
3.2. Thể thơ lục bát trong thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh...................................................69
3.3. Kết cấu bài thơ chúc tết của Hồ Chí Minh...................................................................73
3.4. Giọng điệu thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh...................................................................76
KẾT LUẬN..........................................................................................................................80
TÀI LIỆU THAM KHẢO....................................................................................................83


4

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài

1.1. Chủ tịch Hồ Chí Minh vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân
văn hoá của nhân loại. Người để lại cho con cháu một di sản văn hoá phong
phú, trong đó có sự nghiệp thơ ca.
Bên cạnh thơ viết trong tù, thơ viết thời kỳ kháng chiến chống thực dân
Pháp và chống đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có thơ chúc Tết.
1.2. Thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tình cảm của vị
lãnh tụ kính yêu của dân tộc đối với đồng bào, chiến sĩ. Tuy vậy, từ trước tới
nay, thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ được giới phê bình, nghiên
cứu văn học tìm hiểu một vài bài, ở vài khía cạnh nội dung nhất định.
1.3. Do đó, việc đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu một cách hệ thống toàn
bộ thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một việc làm cần thiết; để qua
đó chúng ta hiểu thêm vẻ đẹp đạo đức của Hồ Chí Minh.
2. Lịch sử vấn đề
2.1.Nguyễn Xuân Lạn (2001), Thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
trong nghiên cứu phê bình, Nxb Đại Học Quốc Gia, Hà Nội.
Tác giả công trình đã thống kê những bài nghiên cứu về thơ ngoài
“Nhật ký trong tù” (tr: 224 - 225).
2.2. Lê Xuân Đức (2002), Đến với những bài thơ của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Tác giả công trình phân tích bình giảng một số bài thơ chúc Tết của
Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mừng xuân 1942”(tr: 176 - 179); “Tết này mới thực
tết dân ta”(tr:183 - 185); “Chúc mừng năm mới 1947 “(tr: 191-195) “Mừng
xuân 1968” (tr: 209 - 213). Với công trình này, tác giả Lê Xuân Đức chỉ đề
cập đến 4 bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy chưa nhiều, song
sự chú ý tìm hiểu đó là rất có ích.


5
2.3. Hà Minh Đức (2003), Sự nghiệp báo chí và văn học của Hồ Chí
Minh, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Ở mục 3 “Những bài thơ lớn về hiện thực đấu tranh cách mạng” tác giả
công trình đã có phân tích tóm tắt một số bài thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ
Chí Minh: “Chúc tết năm 1947” (tr: 223 - 225); “Chúc tết năm 1967” (tr 233 234) “Chúc tết 1969” (tr 235 - 236). Đó là một dấu hiệu tốt cho việc nghiên
cứu thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2.4. Nguyễn Đăng Mạnh (2003), Mấy vấn đề về phương pháp tìm hiểu
phân tích thơ Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Tuy không đi sâu phân tích một bài thơ chúc tết nào của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, song tác giả công trình có những đề xuất phương pháp có ý nghĩa
phương pháp luận cho việc tìm hiểu thơ Hồ Chí Minh, kể cả thơ chúc Tết
của Người.
2.5. Phong Lê (2003) Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hành trình thơ
văn, hành trình dân tộc, Nxb Đại Học Quốc Gia, Hà Nội.
Tác giả công trình có nhiều khám phá tinh tế về một số bài thơ chúc Tết
của Hồ Chí Minh: Thơ xuân 1942 (tr: 109 - 111). Các bài thơ chúc Tết năm
1947, 1961, 1967, 1968, 1969 đã được tác giả công trình trích dẫn phân tích.
2.6. Nguyễn Xuân Lạc (2005), Toả sáng những vần thơ, Nxb Giáo dục
Hà Nội.
Bài thơ “Mừng xuân 1969”, (tr:104) được tác giả bình rất sắc sảo.
Ngoài ra ở phần “Âm vang những vần thơ xuân của Bác”(tr: 225 - 235), tác
giả Nguyễn Xuân Lạc đã phân tích điểm xuyết cái hay, cái đẹp một số bài thơ
chúc Tết của Hồ Chí Minh.
2.7. Nhiều tác giả (2006), Thơ Hồ Chí Minh (Tiểu luận, bình giảng và
phân tích), Nxb Văn hoá Thông Tin. Người biên soạn in lại bài viết về các bài
thơ chúc Tết kháng chiến của Bác Hồ của nhà nghiên cứu Lê Xuân Đức (tr 405).


6
Việc chọn và in lại bài viết này có tác dụng gợi ý: nên tìm hiểu thơ chúc
tết của Hồ Chí Minh theo các giai đoạn của lịch sử cách mạng Việt Nam từ
1942 - 1969. Ngoài ra, người biên soạn còn tuyển chọn bài viết “Bỗng nghe

vần “Thắng” “vút lên cao” của nhà thơ Chế Lan Viên. Đây là một bài viết tinh
tế về thơ Hồ Chí Minh; trong đó có một số bài thơ chúc Tết của Người.
Nhìn chung qua khảo sát một số tài liệu (sách chuyên khảo, tiểu luận,
phê bình) chúng tôi thấy: thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đối
tượng tìm hiểu của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Tuy vậy, việc
nghiên cứu chưa toàn diện, chưa hệ thống.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu thơ chúc Tết Hồ Chí Minh là để hiểu thêm mối quan hệ
giữa vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đối với đồng bào, chiến sĩ, lực lượng
chính nghĩa trên phạm vi toàn thế giới.
Đồng thời, nhằm làm sáng tỏ những vẻ đẹp trong phẩm chất, đạo đức
của Chủ tịch Hồ Chí Minh được biểu hiện sinh động trong những ngày đầu
xuân năm mới; thời Người còn sống.
Mặt khác, chứng minh sự phong phú đa dạng trong nghệ thuật sáng tạo
thơ ca của Hồ Chí Minh - một nét văn hoá của Người.
4. Phạm vi nghiên cứu
Văn bản: dựa vào cuốn sách “Hồ Chí Minh - Thơ chúc Tết - Viện bảo
tàng Hồ Chí Minh - Hà Nội - 1986” cuốn sách này in 22 bài thơ chúc tết của
Hồ Chí Minh.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp lịch đại (Duy vật lịch sử) để xếp lịch sử các bài thơ
chúc tết của Hồ Chí Minh theo năm sáng tác từ 1942 đến 1969; trải qua 3
thời kỳ.


7
+ Thời kỳ tiến hành cách mạng giành độc lập và cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp (1942 - 1954)
+ Thời kỳ xây dựng Miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đấu tranh
giải phóng Miền Nam (1955 - 1965)

+ Thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 - 1969)
- Sử dụng phương pháp tiểu sử.
- Phương pháp thống kê.
- Phương pháp loại hình
- Phương pháp mỹ học.
- Phương pháp so sánh.
6. Đóng góp của luận văn
Hệ thống phân tích toàn bộ thơ chúc Tết Hồ Chí Minh.
Nêu lên được những tư tưởng lớn, tình cảm lớn của Hồ Chí Minh thể
hiện trong nhiều bài thơ chúc Tết.
Góp phần chứng minh những vẻ đẹp đạo đức Hồ Chí Minh toả sáng
trên những trang thơ chúc Tết của Người.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận
văn gồm ba chương.
Chương 1: Khái lược về thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh.
Chương 2: Đặc điểm nội dung thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh.
Chương 3: Đặc điểm hình thức thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh.


8

NỘI DUNG
Chương 1
KHÁI LƯỢC VỀ THƠ CHÚC TẾT CỦA HỒ CHÍ MINH
1.1. Thơ chúc tết - một mỹ tục của văn hoá Việt Nam
Một năm có bốn mùa và bao giờ mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất, mùa
mở đầu; và Tết là những ngày bắt đầu cho một năm mới. Tết là dịp để người
ta bày tỏ tình thương yêu nhân loại, sum họp gia đình, thờ phụng tổ tiên và
thăm viếng thân nhân. Tết cũng là dịp nghỉ ngơi, chơi đùa, ngẫm lại một năm

đã qua, để chuẩn bị cho một năm mới bao điều tốt lành. Tuy nhiên, không
phải ai trong chúng ta cũng đều biết nguồn gốc của ngày Tết cổ truyền Việt
Nam và những mỹ tục với các giá trị truyền thống tốt đẹp. Một mùa xuân
đang về trên mọi miền đất nước, nhân dịp này, chúng ta hãy ôn lại một vài nét
về lịch sử, cũng như những nét mỹ tục cổ truyền của ngày Tết.
Đến nay, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết dân tộc Việt Nam
bắt đầu ăn tết từ khi nào; và tại sao lại có ngày Tết. Sách “Việt sử đại toàn” đã
ghi lại việc này; theo giới nghiên cứu thì việc ghi chép này cũng chưa mấy cụ
thể, nhưng qua phân tích ta có thể suy đoán một cách tương đối về thời gian
hình thành mỹ tục ăn Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử và truyền thuyết cho thấy: Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang
từ năm Nhâm Tuất - năm 2879 trước công nguyên, trị vì cả 2.622 năm. Kinh
Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này
kết hôn cùng bà Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn
Tết. Bắt đầu có bánh chưng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu - con trai
thứ 18 của vua Hùng Vương 6. Có thể nói, nước ta sớm hình thành một nền
văn hoá truyền thống mang bản sắc riêng của người Việt. Nền văn hoá với
những đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, cùng những sản vật từ lúa


9
gạo. Gạo - thứ thực phẩm chính nuôi sống con người, trong đó gạo nếp là thứ
ngon nhất, thơm, dẻo, nhiều chất. Chính vì lẽ đó, gạo nếp được chọn để làm
thành các thứ bánh dành cho việc cúng tế tổ tiên trong ngày đầu năm.
Thực ra, cho đến nay, nói chính xác, dân ta bắt đầu ăn Tết từ khi nào
không ai nắm rõ. Lịch sử Trung Hoa viết, từ thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên và
Tích Quang - quan nước Tàu (Trung Quốc) sang nước ta, truyền cho dân ta
biết làm ruộng và các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có cả việc ăn Tết cổ
truyền. Song thực tế đã chứng minh rằng: Trước khi người Trung Hoa sang
đô hộ, dân tộc Việt đã có văn hóa nền nếp, đặc sắc và có việc tổ chức ăn

Tết Nguyên Đán.
Thứ nhất: Vua Hùng không giống các vị hoàng đế Trung Hoa - nhất
nhất theo Khổng giáo. Việc truyền ngôi cho con trai thứ 18 đã chứng tỏ sự
khác biệt của dân tộc Việt với dân tộc Hoa. Thông thường các hoàng đế
truyền lại ngôi cho vị hoàng tử cả, nhưng Hùng Vương thứ 6 của nước Văn
Lang không theo nguyên tắc đó, ông chọn người kế vị, trị vì đất nước thay
mình, là người hiền đức, bất luận đó là cả hay thứ.
Thứ hai: Lang Liêu là một hoàng tử, đương nhiên phải là người được
tiếp thu, thấm nhuần văn hoá dân tộc và tư duy theo cách của đồng bào mình.
Theo đó, thấy rằng, dân tộc Việt ta có cách nghĩ thực tế hơn so với người
Hoa. Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất. Đất ở đây không có nghĩa là trái
đất, mà là những mảnh ruộng vuông vắn - nơi người dân trồng cây lúa nước
nuôi sống chính mình. Bánh giày tượng trưng cho trời tròn không có nghĩa là
bầu trời hình tròn; mà là hệ vòng quay 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông liên tiếp.
Người Hoa thường giải thích vạn vật qua những hệ số, bói toán trừu tượng,
đôi khi như ma thuật rất xa xôi, khó hình dung.
Như vậy, có thể nói Tết cổ truyền của Việt Nam phải hình thành từ
trước thế kỷ thứ nhất, không phải do người Hoa khai hoá, hay đồng hoá. Tuy


10
nhiên, do cùng nằm chung vùng lục địa, lại nằm kề nhau, nên không thể
không mang những ảnh hưởng của nhau. Sau này, khi Trung Hoa đô hộ
nước ta nhiều năm liền, những ảnh hưởng đó càng lớn hơn. Song, về cơ bản
bánh chưng, bánh giày là đặc trưng của dân tộc Việt. Trong ngày Tết cổ
truyền có thể thiếu câu đối đỏ, song không thể không có bánh chưng xanh để
cúng tế tổ tiên.
Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cứ mỗi dịp tết đến
xuân về, cùng với quất, đào ngày tết, đồng bào cả nước lại háo hức chờ đón
lắng nghe thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch và coi đó là niềm hạnh phúc thiêng

liêng…Bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận mình là nhà
thơ. Đối với Hồ Chí Minh, thơ chỉ là phương tiện để tuyên truyền cách mạng.
Thơ chúc Tết cũng vậy, Người chỉ coi là “Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là
kêu gọi, vừa là mừng xuân” (Thơ chúc tết Nhâm Thìn 1952) hoặc “Mấy lời
thân ái nôm na Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” (Thơ chúc tết Giáp Thìn
1964). Nhưng, đọc thơ Hồ Chí Minh nói chung, từ tập Nhật ký trong tù đến
các bài thơ sáng tác trong kháng chiến chống thực dân Pháp và thơ chúc Tết
nói riêng, mỗi chúng ta có thể cảm nhận được thiên tài thơ Hồ Chí Minh.
Thông thường, lời chúc tết của vị Chủ tịch nước bao giờ cũng rất trang
trọng, nhưng Người lại chúc tết bằng thơ và coi đó như tấm lòng của mình gửi
tới đồng bào, chiến sĩ mỗi độ xuân sang Và cũng như lời chúc tết nói chung,
thơ chúc Tết của Người về hình thức bao giờ cũng gồm 3 phần chính: tổng kết
những thắng lợi mà dân tộc ta đã giành được trong năm qua, đề ra những
nhiệm vụ trong năm tới và cuối cùng vừa là lời kêu gọi, động viên, vừa là lời
chúc Tết. Tất cả chỉ gói gọn trong một bài thơ ngắn.
Về nội dung, bài thơ chúc tết của Hồ Chí Minh thường có các phần:
tổng kết tình hình năm qua, nhận định tình hình sắp tới, chúc mừng đồng bào


11
chiến sĩ nhân dịp xuân về và kêu gọi đoàn kết, thi đua để hoàn thành tốt
nhiệm vụ… Lời thơ giản dị dễ hiểu là mục đích của Hồ Chí Minh.
Ngày nay và mãi mãi về sau, thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh vẫn là di
sản văn hóa tinh thần vô giá không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà còn đối
với cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
1.1.1. Tết nguyên đán trong những tết cổ truyền ở Việt Nam
Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ
truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa
của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung
Quốc. Chữ "Tết" do chữ "Tiết" mà thành. Hai chữ "Nguyên đán" có gốc chữ

Hán: "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu, hay sơ khai; và "đán" là buổi sáng
sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán" (Tết Nguyên
đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân tiết Tân niên, hoặc Nông
lịch tân niên).
Do cách tính của âm lịch Việt Nam có khác với Trung Quốc; cho nên
Tết Nguyên đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của
người Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc.
Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng, nên Tết Nguyên
Đán muộn hơn Tết Dương lịch (còn gọi nôm na là Tết Tây). Do quy luật 3
năm nhuận một tháng của Âm lịch, nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên
đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2
Dương lịch; mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương
lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7
đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày
7 tháng Giêng).
Nguyên nghĩa của từ "Tết" chính là "tiết". Văn hóa Đông Á - thuộc văn
minh nông nghiệp lúa nước - do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia"


12
thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có
một thời khắc "giao thời") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của
một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán(sau này được biết
đến là Tết Nguyên Đán).
Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam
Hoàng, Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng
màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng
nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ
nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên
quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu

thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày tết khác nhau.
Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là
tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 trước công nguyên), Tần Thủy Hoàng lại
đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 trước
công nguyên) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau,
không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Trước năm 1967, Việt Nam lấy giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch.
Ngày 8 tháng 8 năm 1967, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành
đổi lịch dùng múi giờ GMT +7 làm chuẩn. Vì thế hai miền Nam Bắc Việt
Nam đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (miền Bắc ngày 29 tháng 1 trong
khi miền Nam thì ngày 30 tháng 1).
Người Việt tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác,
từ ngoại vật cho đến lòng người, vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết, họ
thường sơn, quét vôi nhà cửa lại. Họ cũng tất bật đi sắm sửa quần áo mới để
mặc trong dịp này. Trong những ngày Tết, họ kiêng cữ không nóng giận, cãi
cọ. Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm khích đã qua và là dịp để
chuộc lỗi. Mọi người đi thăm viếng nhau và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa.
Trẻ em sau khi chúc Tết người lớn, còn được lì xì bằng một phong bì đỏ thắm


13
có đựng ít tiền dành cho chúng tiêu xài ngày Tết. Tết ở 3 miền Bắc, Trung,
Nam ở Việt Nam cũng có những điều khác nhau.
Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ
hội Việt Nam, mà phần “lễ” cũng như phần “hội” đều rất phong phú cả nội
dung cũng như hình thức, mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà. Việc
ông cha ta xác định Tết Cả đúng vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu
một năm mới theo âm lịch, là một chu kỳ vận hành vũ trụ, đã phản ánh tinh
thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên (Đất-Trời - Sinh vật), chữ
NGUYÊN có nghĩa là bắt đầu, chữ ĐÁN có nghĩa là buổi ban mai, là khởi

điểm của năm mới. Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng
xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng
nhớ, tri ân ông bà, tổ tiên.
Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên: Tết - do tiết
(thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần
lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã
hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính. Theo tín ngưỡng
dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì “, người nông
dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự
được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần
Mặt trời… Người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã
giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những
ngày này.
Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, nhiều nhà nghiên cứu cho
rằng trước hết đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có
tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả
những người xa xứ cách hàng ngàn kilômét, vẫn mong được trở về sum họp
dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên,


14
nhìn lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà, nơi mà gót chân
một thời bé dại đã tung tăng và được sống lại với bao kỷ niệm đầy ắp yêu
thương ở nơi mình cất tiếng chào đời. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một
khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về nơi cội
nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn.
Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn
tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn
nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình gia đình, tình thầy trò, người
bệnh với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri,

con nợ và chủ nợ… Tết cũng là dịp “tính sổ” mọi hoạt động của một năm qua,
liên hoan vui mừng chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân
và cho cả cộng đồng. Nhưng, rõ nét nhất là không khí chuẩn bị Tết của từng
gia đình. Bước vào bất cứ nhà nào trong thời điểm này, cũng có thể nhận thấy
ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp và khẩn trương, từ việc mua sắm, may
mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân
ở xa về… Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng,
đông con cháu, dâu rể, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn.
Không biết Tết cổ truyền của dân tộc xuất hiện từ bao giờ, nhưng đã trở
nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt
Nam. Những tục lệ, trò vui trong dịp Tết, chiếc bánh chưng xanh, mâm ngũ
quả trên bàn thờ gia tiên, cành đào, chậu quất khoe sắc trong mỗi gia đình đã
trở thành một phần hình ảnh của quê hương để mỗi người Việt Nam dù sống
ở nơi đâu mỗi độ xuân về lại bồi hồi nhớ về đất nước với bao tình cảm nhớ
nhung tha thiết. Làm sao quên được thuở ấu thơ cùng đám trẻ con ngồi vây
quanh nồi bánh chưng sôi sùng sục chờ giờ vớt bánh! Làm sao có thể quên
được những phiên chợ Tết rợp trời hoa!


15
Ngày Tết chính thức bắt đầu từ giao thừa. Đây là thời điểm thiêng liêng
nhất trong năm, thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, thời điểm con
người giao hòa với thiên nhiên, Tổ tiên trở về sum họp với con cháu. Cúng
giao thừa xong, cả nhà quây quần mừng tuổi đựng trong những bao giấy đỏ.
Sau lễ giao thừa còn có tục đi đến đền chùa làm lễ. Quanh mâm cỗ đã chuẩn
bị sẵn, mọi người uống chén rượu đầu tiên của năm mới, con cái chúc thọ ông
bà cha mẹ, người lớn cho trẻ em tiền quà, sau đó hái về một nhánh cây đem
về gọi là “hái Lộc”, hoặc đốt một nén hương rồi đem về cắm trên bàn thờ gia
tiên gọi là “Hương Lộc”. Họ tin rằng xin được Lộc của trời đất, thần phật ban
cho, thì sẽ làm ăn phát đạt quanh năm. Sau giao thừa người nào từ ngoài

đường bước vào nhà đầu tiên là người “xông nhà”, là người “tốt vía” thì cả
nhà sẽ ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn, vì vậy người xông nhà thường
được chọn trong số những người bạn thân.
Tết là dịp để con người trở về cội nguồn. Ai dù có đi đâu xa vào ngày
này, cũng cố trở về quê hương để được sum họp với người thân dưới mái ấm
gia đình, thăm phần mộ tổ tiên, gặp lại họ hàng, làng xóm. Ngày Tết cũng làm
cho con người trở nên vui vẻ hơn, độ lượng hơn. Nếu ai có gì đó không vừa
lòng nhau, thì dịp này cũng bỏ qua hết, để mong năm mới sẽ ăn ở với nhau tốt
đẹp hơn, hoà thuận hơn. Có lẽ đó là ý nghĩa nhân bản của Tết Việt Nam.
Với người Việt Nam, ngày Tết Nguyên Đán có một giá trị tinh thần rất
lớn. Giá trị đó ẩn sâu trong đời sống tâm linh của mỗi người, trong gia đình
và cả cộng đồng; mà ta có thể gọi chung là một giá trị tâm linh của Văn hoá
Gia đình Việt Nam. Bởi trong những ngày Tết, mọi việc chỉ diễn ra trong gia
đình, với tất cả những thuần phong mỹ tục từ nhiều đời truyền lại, cuốn hút
tất cả mọi người. Trong những ngày Tết, người Việt Nam hoàn toàn tuân
theo những giá trị bắt nguồn từ cái thiêng liêng, cái bí ẩn, tôn thờ những giá


16
trị không vụ lợi, mà rất trừu tượng, mông lung, có thể coi chúng là đời sống
tâm linh.
Nếu trong thời thơ ấu, ta chờ mong Tết để được mặc quần áo mới, được
ăn bánh chưng, được chạy nhảy vui đùa thoả thuê, thì khi tóc đã pha sương, ta
lại cảm nhận cái Tết cổ truyền thắm đượm tình người trong trời đất, sâu thẳm
nơi cội nguồn bản thể, mà gia đình là cái nôi nuôi dưỡng nó. Những phong
tục tập quán đậm đặc trong mấy ngày Tết diễn ra trong các gia đình, tạo thành
nếp nhà, làm nên một giá trị tâm linh của văn hoá gia đình. Nhờ những ngày
Tết, con người được trở về với chính mình. Dù ai đi đâu, ở đâu, thì những
ngày Tết cũng phải trở về với gia đình, tuân theo những tục lệ thiêng liêng,
làm tròn bổn phận của mình với Trời, Đất, với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ

con và người thân ruột thịt một cách tự nguyện, đầy mẫn cảm. Những ngày
đó, con người xã hội lắt léo tạm biến đi, nhường chỗ cho con người cá nhân
chân thật, đầy tình cảm, đầy thương yêu, nhân nghĩa... sống dậy trong mối
giao cảm thiêng liêng với Trời, Đất, với cõi thiêng, với người ruột thịt; qua
các tục lệ trong nhà như: lễ cúng Ông Táo, lễ Tống Cựu Nghinh Tân, lễ đón
tiễn ông vải, lễ cúng giao thừa, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi, thăm hỏi họ
hàng... Có thể nói, mỗi một cái lễ là một bài học giáo dục trực quan, thức dậy
trong tâm khảm mỗi con người, khơi gợi cái thiện, xoá đi cái ác. Vì thế trong
các ngày Tết, con người ai cũng tốt hơn, và mong mỏi cho người khác tốt
hơn, đẹp hơn. Họ chúc nhau "Năm mới vạn sự tốt lành", "Năm mới an khang
thịnh vượng". Lời chúc đó xuất phát từ cái tâm lương thiện, nên nó chân thật,
không phải giả dối.
Qua những giây phút sống trong phong tục đẹp đẽ của gia đình Việt
Nam mấy ngày Tết, ta mới hiểu gia đình là cội nguồn nuôi dưỡng đời sống
tâm linh của mỗi người. Mà con người sở dĩ trở thành con người, một phần
căn bản là do có đời sống tâm linh. Những giá trị tâm linh mà gia đình mang


17
đến cho mỗi người hết sức bền vững. Đời sống tâm linh, đó chính là hạt nhân
bất biến của gia đình và văn hoá gia đình. Xét cho cùng, con người cần tổ ấm
gia đình, tức là cần có giá trị tâm linh để duy trì sự sống của mình trên một
bình diện văn hoá, mà chỉ ở đó con người mới có. Những phong tục đẹp trong
ngày Tết diễn ra trong các gia đình Việt Nam; còn là bài học đầu tiên về mối
quan hệ giữa người với Trời - Đất, để con người tìm cách sống hoà nhập với
thiên nhiên theo nguyên lý “Thiên - Địa - Nhân hợp nhất” của triết học
Phương Đông. Vì vậy chăm sóc những giá trị tâm linh mà văn hoá gia đình
đem lại là phù hợp với bản sắc dân tộc và thời đại.
1.1.2. Thơ chúc tết của Hồ Chí Minh trong tết Nguyên đán ở Việt Nam
Sinh thời, cứ mỗi mùa xuân đến, Hồ Chí Minh lại có thơ chúc Tết quân,

dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Thơ chúc tết Hồ Chí Minh khen
ngợi thành tích của một năm công tác và đề ra nhiệm vụ, phương hướng hoạt
động cho năm mới, động viên mọi người phấn khởi, hăng hái tiến lên hoàn
thành nhiệm vụ mới.
Thơ Hồ Chí Minh đa dạng loại hình, phong phú nội dung: cổ động, thi
đua, kêu gọi, chúc mừng, diễn ca, khai trường, kháng chiến,….; đặc biệt là
những bài thơ chúc tết của Người. Có tất cả hai mươi hai bài thơ chúc tết của
Hồ Chí Minh. Bài đầu tiên là “Thơ chúc Tết 1942”, xuân Nhâm Ngọ. Bài thơ
cuối cùng là “Thơ chúc Tết 1969”, xuân Kỉ Dậu. Tuy nhiên, bài thơ chúc Tết
1947 (xuân Đinh Hợi) là bài thơ lần đầu tiên Hồ Chí Minh đọc qua làn sóng
phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam tại chùa Trầm (Hà Tây). Từ đó trở
thành một nét đẹp văn hoá mang đậm phong cách Hồ Chí Minh đã được định
hình và được xem như một phong tục. Có nước nào trên thế giới có các vị
tướng lĩnh - người bảo vệ Tổ quốc lại làm thơ như đất nước chúng ta Đồng
thời cũng chưa có đất nước nào mà lãnh tụ làm thơ chúc tết toàn dân như Hồ
Chí Minh. Trừ bài thơ chúc Tết đầu tiên viết năm 1942 dưới thời Mặt trận


18
Việt Minh, 21 bài thơ chúc Tết còn lại, Hồ Chí Minh viết với cương vị Chủ
tịch nước.
Trước giây phút thiêng liêng, nhà nhà đang tập trung chào đón sự
chuyển giao năm cũ - năm mới; các chiến sĩ cầm chắc tay súng, hồi hộp chờ
đón và xúc động được nghe Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết từ chiếc đài phát
thanh với cái giọng mang âm hưởng xứ Nghệ, ấm áp, thân quen, rành rọt,
chậm rãi, trong khí trời se lạnh. Người dân không chỉ chờ nghe Hồ Chí Minh
đọc thơ chúc Tết, mà qua đây còn để biết sức khoẻ của Người, từ đó củng cố
thêm niềm tin, vững bước tiến lên. Cũng có người nghiền ngẫm bài thơ của
Hồ Chí Minh rồi phân tích, tìm ra ý nghĩa đằng sau mỗi câu chữ để nắm hiểu
tình hình cách mạng.

Với phong cách quen thuộc, Hồ Chí Minh chúc Tết, phát động thi đua,
kêu gọi và đề ra mục tiêu cần đạt, nhận định chiến sự, khẳng định thế tất
thắng của cách mạng. Cho nên, nghe Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết, chúng ta
như nghe lời hịch gởi đến toàn dân. Sắc thái các bài thơ chúc Tết biểu hiện
đậm nét phong cách Hồ Chí Minh, khiến ta nhớ lại hào khí của ông cha ta xưa
kia đánh giặc qua các tác phẩm “Nam quốc sơn hà” (Lí Thường Kiệt), “Hịch
tướng sĩ văn” (Trần Quốc Tuấn), “Cáo bình Ngô”(Nguyễn Trãi),
Vì mục đích làm thơ, qua thơ, bằng thơ, để làm công cụ tuyên truyền cho
cách mạng, nên trong mỗi bài thơ của Hồ Chí Minh đều biểu hiện một phong
cách giản dị. Do đó, Hồ Chí Minh đã có lần thẳng thắn nói rằng Người không
thích ai tán dương thơ mình: Bác làm thơ là để tuyên truyền, có bài được, có
bài không Cái ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh không phải là thơ, mà là
mong cho toàn dân được hạnh phúc, nước nhà độc lập, thống nhất.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu, suy ngẫm kĩ từng câu, từng chữ, mỗi ý, mỗi tứ
thơ, ẩn chứa trong từng dòng thơ dung dị của Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ thấy
đó là cả một sự chọn lọc, cân nhắc của một nhà thơ cách mạng, một chiến sĩ


19
mang trong mình đậm chất thơ. Người đã từng khuyên rằng: Trước khi viết,
phải nghĩ cho chín và phải sắp đặt cẩn thận Vả lại, Hồ Chí Minh muốn toàn
dân, bất kì biết chữ hay chưa biết chữ, ai cũng nhớ lấy đường lối, nhiệm vụ
cách mạng, nên có lúc Người ghép các khẩu hiệu lại thành bài văn vần cho dễ
nhớ. Chỉ riêng những bài thơ chúc tết, chúng ta thấy Hồ Chí Minh có sự thay
đổi trong cách dùng từ, như đầu đề bài “Thơ chúc Tết năm Nhâm
Thìn”(1952), “Thơ mừng Tết Quý Tị”(1953), “Thơ chúc Tết Giáp
Ngọ”(1954) đã nói lên sự quan tâm của Hồ Chí Minh đến thói quen gọi tên
năm tháng cổ truyền, dần dần đưa cách nói mới vào “Thơ mừng xuân 1966”,
“Mừng xuân 67”, “Mừng xuân 68”, “Mừng xuân 69”. Cả cách hành văn cũng
mới, thể thơ cũng thay đổi giữa các bài thơ: “Mừng năm mới/ Cố gắng

mới/Tiến bộ mới…” (Xuân Quý Mão -1963), “Bắc Nam như cội với cành/
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng…” (Xuân Giáp Thìn- 1964), “Mừng
miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plei-me, Đà
Nẵng…”(Xuân Bính Ngọ -1966). Ngay trong một bài thơ, Hồ Chí Minh đã
dùng hai thể thơ: “Hỡi các chiến sĩ yêu quý/ Bao giờ kháng chiến thành
công/Chúng ta cùng uống một chung rượu đào/ … Chúc đồng bào/ Trong
năm Bính Tuất mới/ Muôn việc đều tiến tới…” (1946).Qua bài thơ Xuân
1966, khổ thơ đầu Hồ Chí Minh dùng thể thơ lục bát để biểu đạt tình cảm
thắm thiết giữa lãnh tụ và toàn dân cùng mong chờ ngày “kháng chiến thành
công”; khổ thơ thứ hai, Hồ Chí Minh dùng thể thơ 5 chữ để chúc Tết đồng
bào cả nước. Xét ở góc độ thi pháp, Hồ Chí Minh đã vận dụng linh hoạt, kết
hợp chặt chẽ giữa thơ 5 chữ và thơ lục bát của dân tộc. Đặc biệt, bài thơ chúc
Tết cuối cùng, xuân Kỉ Dậu 1969, Hồ Chí Minh rất tinh thông luật lệ của thể
thơ lục bát. Các chữ thứ hai của câu lục được dùng thanh bằng, các chữ thứ tư
của các câu lục và câu bát đều dùng thanh trắc. Riêng câu lục, chỉ có một câu
phá cách, chữ thứ hai thanh trắc, chữ thứ tư thanh bằng, “Vì độc lập, vì tự do”,


20
nhưng Hồ Chí Minh ngắt nhịp 3/3 (không phải là nhịp 2/2/2 thường tình). Rõ
ràng, sự thay đổi thể thơ, sự phá cách là để cho phù hợp với nội dung, mục
đích cần diễn đạt. Sự thay đổi thể thơ, câu, chữ,… không những không ảnh
hưởng đến sự tiếp nhận nội dung tuyên truyền của bài thơ, mà nó còn giúp
cho người đọc, người nghe tiếp nhận một cách trọn vẹn nội dung ý nghĩa của
bài thơ một cách tự nhiên.. Đó là "Người hạ mình cho vừa tầm mọi người
Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm Người."[21, 2 ] Nhận
định trên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giúp chúng ta hiểu thêm về
phong cách Hồ Chí Minh.
Trong thơ chúc tết có lúc Hồ Chí Minh động viên mọi người gắng, chờ
đến ngày cách mạng thắng lợi. Hồ Chí Minh đã tính từng ngày, từng tháng,

từng năm của cuộc kháng chiến.: “Kháng chiến lại thêm một năm mới”(1941),
“Xuân này kháng chiến đã năm xuân”(1951), “Kháng chiến vừa sáu
năm”(1952). Bên cạnh việc “bấm đốt” tính từng ngày, từng năm dõi theo tiến
trình của cách mạng, Hồ Chí Minh còn dự báo, tạo cho mọi người vững tin
vào thắng lợi. Từ năm 1942, Người đã dự đoán thiên tài rằng năm 1945, Việt
Nam sẽ giành được độc lập:
Tháng ngày thấm thoắt chóng như thoi;
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi;
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt - minh ta càng tiến tới,
Chúc toàn quân ta trong năm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Năm nay là năm tết vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới.


21
(Xuân Nhâm Ngọ - 1942)
Trong tâm hồn Hồ Chí Minh luôn tràn đầy niềm tin thắng lợi vào cách
mạng. Tinh thần lạc quan của Người thể hiện xuyên suốt trong các bài thơ
chúc Tết. Nhằm khẳng định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn
dân sẽ thắng lợi, đến khi cách mạng thành công, trận Điện Biên Phủ kết thúc
cuộc kháng chiến trường kì, hai miền Nam Bắc bước vào cục diện chiến tranh
mới, “Miền Bắc thi đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng”(1956), thì
Hồ Chí Minh thay đổi cách dùng từ cho phù hợp với nhiệm vụ: “Hoàn thành
kế hoạch ba năm”(1959), “Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi” (1961).
Trong hai mươi hai bài thơ chúc Tết, có năm bài thơ được Hồ Chí Minh

viết theo thể lục bát: Thơ chúc Tết 1946, Thơ chúc Tết 1951, Thơ chúc Tết
1952 (ở hai câu cuối), Thơ chúc Tết 1964, Thơ chúc Tết 1969. Âm hưởng của
những bài thơ lục bát đều vang lên những tiếng reo vui, đặc biệt là những bài
thơ xuân 1964, và 1969: “Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui
trong một nhà” xuân (1964)“Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiến tuyến
chắc càng thắng to/…Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!” xuân (1969).
Phải chăng, vì thời gian này là những thời khắc quan trọng của cách mạng
Việt Nam? Chúng ta đã vượt bao gian khổ để giành được thắng lợi. Chính vì
thế, thơ của Hồ Chí Minh không chỉ là tiếng kèn xung trận, mà còn là những
khúc ca vui chiến thắng. Và một điều ẩn dấu trong từng dòng thơ, đó là tình
cảm dạt dào của Hồ Chí Minh, là nỗi chờ mong ngày đất nước được trọn vẹn,
đồng bào Nam Bắc sum vầy.
Bài Thơ chúc Tết 1969 (xuân Kỉ Dậu) là dấu chấm lửng, là một nốt
trầm rung lên trong lòng mọi người, rồi như chuỗi thanh âm nuối tiếc muôn
thủa, niềm thương nhớ vô hạn về một vị lãnh tụ, một con người vĩ đại cả cuộc
đời vì nước, vì dân. Cả nước không còn được nghe Người đọc thơ chúc Tết
trong thời khắc giao thừa nữa, nhưng cứ Tết đến, ta lại nhớ đến Hồ Chí Minh,


22
tưởng như đang nghe giọng trầm ấm của Người đọc thơ chúc tết cho cả nước
và kiều bào phương xa..
Ngày nay và mãi mãi về sau, thơ chúc tết của Hồ Chí Minh vẫn là di
sản văn hóa tinh thần vô giá, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà cả các
dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Mỗi vần thơ của Người sẽ tỏa
sáng, soi đường chúng ta đi, đạt đến những thành công mới rực rỡ như những
lời căn dặn của Người mỗi khi Tết đến Xuân về.
1.2. Ý nghĩa thơ chúc Tết Hồ Chí Minh.
Đó là tình cảm lãnh tụ với đồng bào, chiến sĩ hoà quyện trong tình cảm
dân tộc có tính truyền thống và đậm đà bản sắc Việt Nam, là tư tưởng vì độc

lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội thấm nhuần trong nội dung các bài thơ chúc Tết
của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Thơ Chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng cổ vũ, động viên,
khẳng định niềm tin vào tương lai cho đồng bào, chiến sĩ; có tính chất là lời
thúc dục toàn dân, toàn quân tích cực thực hiện những nhiệm vụ chiến lược
của năm mới, của từng giai đoạn lịch sử.
Thể hiện cái “tâm” và cái “tài” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà thơ
lớn của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.
1.2.1. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
Truyền thống dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong suốt hàng
nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong sự giao lưu, tiếp
thu, cải biến, chọn lọc những giá trị văn hoá của các dân tộc khác. Tuy vậy,
cái cốt lõi trong hệ thống các giá trị truyền thống Việt Nam hoàn toàn bắt
nguồn từ nền tảng của dân tộc, từ truyền thống hàng nghìn năm kiên trì chịu
đựng gian khổ, khó khăn và vượt qua một cách oanh liệt các tác động khắc
nghiệt khác nhau của tự nhiên và xã hội. Trong số những truyền thống vô
cùng quý giá như tinh thần yêu nước, truyền thống cộng đồng, truyền thống


23
dân chủ làng xã, quý trọng gia đình, truyền thống dung dị, chất phác, tiết
kiệm, ghét thói phù phiếm xa hoa, truyền thống cần cù chịu đựng gian khổ,
yêu trẻ, kính già, vị tha, bao dung, truyền thống hiếu học, ứng xử linh hoạt,
thích nghi nhanh và dễ dàng hội nhập để tồn tại, thì nổi trội hơn cả là truyền
thống yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí tự lập tự cường.
Đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân là mục tiêu
phấn đấu, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời
được thể hiện rõ trong mọi thời điểm và trong suốt cuộc đời hoạt động cách
mạng của Người. Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội
Pháp, cùng với quyết định chính xác khi bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III

do Lê nin sáng lập, Nguyễn Ái Quốc đã từ một người yêu nước trở thành
một người cộng sản. Giản dị và ngắn gọn cho quyết định chính xác của
mình, khi được hỏi tại sao lại bỏ phiếu như vậy, Người trả lời: “Rất giản
đơn. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và
nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn
đề thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả
những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[ 43, 94 ]
Sau đó, năm 1922, khi gặp Anbe Xarô- Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải
ngoại, Nguyễn Ái Quốc cũng khẳng định nhất quán: “Cái mà tôi cần nhất
trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”[27, 11]. Và
không chỉ dừng lại ở lời nói, ở những bài viết đăng trên các báo, các tạp chí
thời kỳ này, Hồ Chí Minh đã nổ lực hoạt động và đấu tranh trong Đảng
Cộng sản Pháp, tại Quốc tế Cộng sản và trên nhiều lĩnh vực khác, để thực
hiện mục đích lớn lao của cuộc đời mình, đó là: “Làm cho nước Nam được
hoàn toàn độc lập” được ghi rõ trong văn kiện của Hội nghị hợp nhất các tổ
chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùa xuân năm 1930
[ 45,1]


24
Và mười một năm sau, kể từ ngày sáng lập Đảng, vượt qua những
thăng trầm và thử thách, kể cả sự hồ nghi, ngày 28 /1/1941, Hồ Chí Minh đã
trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã
kịp thời triệu tập, chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng, tháng
5/1941, chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt vấn đề giải phóng dân tộc
lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ,v.v..Từ
đây, khát vọng của Người về “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do, hạnh phúc cho
đồng bào tôi”, sẽ được truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước mỗi dịp Xuân
về, Tết đến. Những tri thức, những bài học kinh nghiệm tích luỹ được trong
hành trình vạn dặm tìm đường cứu nước của Người sẽ được vận dụng một

cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - chân lý của thời đại đã được Hồ
Chí Minh tin tưởng, vì “mục đích đó là chính nghĩa”. Người đã khát khao, tin
tưởng, đã viết trên tinh thần như vậy trong những bài thơ chúc Tết đầu xuân,
kể từ khi Người trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả
nước. Thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng lòng của “thi sĩ Hồ
Chí Minh”. Người từng nhiều lần nói rằng: mình không phải là nhà thơ,
nhưng cũng như nhiều bậc tiền bối trong lịch sử, Hồ Chí Minh đúng là Người
như cụ Bùi Bằng Đoàn viết (năm 1948): “Biết Người việc nước không hề
rảnh, Vung bút thành thơ đuổi giặc thù”[ 20, 2 ]
Trong sáng, giản dị và hấp dẫn lạ thường; hấp dẫn người biết chữ và cả
đồng bào chưa từng biết chữ, Thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh (bài đầu tiên
viết nhân dịp Tết năm 1942 và bài cuối cùng viết vào dịp Tết năm 1969), thực
sự là quá trình truyền khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc đến
đồng bào và chiến sĩ cả nước. Xuyên suốt và nhất quán trong những bài thơ
chúc Tết ấy là lời giục giã, là nhạc điệu của non sông và câu kết trong mỗi bài
luôn thể hiện khát vọng về một nước Việt Nam độc lập và thống nhất: “Việt


25
Nam độc lập muôn năm”- 1946; “Thống nhất độc lập, nhất định thành công”1947; “Thống nhất chắc chắn được, Độc lập quyết thành công”- 1948; “Hoà
bình, thống nhất thành công”- 1956; “Thống nhất nước nhà thắng lợi”- 1959;
“Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!”- 1960; “Chúc hoà bình thống nhất
thành công!”- 1961; “Rồi đây thống nhất thành công, Bắc Nam ta lại vui
trong một nhà”- 1964; “Hoà bình thống nhất ắt hẳn thành công”- 1965; “Tiến
lên! Chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”- 1969.
Bằng những Lời chúc, hàm chứa giá trị tư tưởng lớn lao của một bậc
“đại trí, đại nhân, đại dũng”, thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh là lời người Cha
già dân tộc, là lời của non nước truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước,
nguồn sức mạnh trong thời khắc thiêng liêng, đất trời chuyển giao từ năm cũ

sang năm mới. Những bài thơ đó, có những nét rất độc đáo, nói như đồng chí
Trường Chinh là: “Nội dung khảng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con
người, chinh phục cả trái tim và khối óc con người”, bởi “hình ảnh sinh động,
giản dị, dễ hiểu, giàu tình dân tộc và tính nhân văn”[1, 36]. Trong bài thơ
chúc Tết đầu tiên Người viết năm 1942, đăng trên báo Việt Nam độc lập, lời
mừng xuân mới của Người, đồng thời cũng là “nhiệm vụ của cách mạng” cô
đúc lại trong những câu thơ vừa là lời chúc, vừa là lời kêu gọi, để chuyển đến
quần chúng nhân dân khát vọng:
.....“Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt minh ta càng tiến tới,
Chúc toàn quân ta trong năm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!
Năm này là năm Tết vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới’’
Theo lời hiệu triệu của Người, của hồn thiêng sông núi, toàn quốc đồng
bào đã đoàn kết, vùng lên Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công.


×