TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA SƯ PHẠM
BỘ MÔN NGỮ VĂN
TRẦN THỊ BÍCH CHI
TỪ PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ
TRONG TRUYỆN NGẮN
CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Sư phạm Ngữ Văn
Cán bộ hướng dẫn:
CHIM VĂN BÉ
Cần Thơ, 4 - 2011
-1-
ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích, yêu cầu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG MỘT: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Khái niệm phương ngữ
2. Vấn đề phân vùng phương ngữ
2.1 Quan điểm phân thành hai vùng phương ngữ
2.2 Quan điểm phân thành ba vùng phương ngữ
2.3 Quan điểm phân thành bốn vùng phương ngữ
2.4 Quan điểm phân thành năm vùng phương ngữ
2.5 Quan điểm không phân vùng phương ngữ tiếng Việt
3. Phương ngữ Nam bộ
3.1 Khái niệm phương ngữ Nam bộ
3.2 Đặc điểm của phương ngữ Nam bộ
3.2.1 Đặc điểm về ngữ âm
3.2.2 Đặc điểm từ ngữ và phong cách
4. Từ phương ngữ Nam bộ
4.1 Khái niệm về từ phương ngữ
4.2 Quan điểm của một số tác giả về từ phương ngữ
4.2.1 Quan điểm của Nguyễn Văn Tu
4.2.2 Quan điểm của Đỗ Hữu Châu
4.2.3 Quan điểm của Bùi Tất Tươm
4.2.4 Quan điểm của Nguyễn Như Ý
4.2.5 Quan điểm của Đinh Trọng Lạc
4.2.6 Quan điểm của Nguyễn Thiện Giáp
-2-
4.3 Từ phương ngữ Nam bộ
4.3.1 Khái niệm từ phương ngữ Nam bộ
4.3.2 Vấn đề phân loại từ phương ngữ Nam bộ
CHƯƠNG 2 THỐNG KÊ VÀ PHÂN LOẠI TỪ PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG
1. Giới hạn ngữ liệu được khảo sát
2. Thống kê, phân loại
2.1 Thống kê từ phương ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng
2.2 Phân loại từ địa phương trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng
2.3 Bảng thống kê, phân loại từ phương ngữ Nam bộ trong truyện ngắn của Nguyễn
Quang Sáng
3. Nhận định chung về việc sử dụng từ phương ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn
Nguyễn Quang Sáng.
CHƯƠNG 3. GIÁ TRỊ VĂN HỌC CỦA TỪ PHƯƠNG NGỮ TRONG
TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG
1. Từ địa phương trong việc thể hiện thiên nhiên Nam bộ
2. Từ địa phương trong việc thể hiện sinh hoạt, phong tục tập quán của con người Nam
bộ
3. Từ phương ngữ trong việc miêu tả con người Nam bộ
PHẦN KẾT LUẬN
-3-
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ngôn ngữ học là niềm đam mê của người viết từ năm thứ hai Đại học, và đề tài
“Từ phương ngữ Nam bộ trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng” là một đề tài
hay, mang lại cho người viết rất nhiều cảm hứng. Người viết quyết định chọn đề tài
này với nhiều nguyên do.
Thứ nhất, tiếng Việt về cơ bản thống nhất nhưng vẫn còn tồn tại các phương ngữ.
Chính vì vậy thường xảy ra tình trạng “ông nói gà bà tưởng vịt” gây khó khăn cho quá
trình giao tiếp. Thực tế giao tiếp đòi hỏi người giao tiếp không chỉ chú ý phương ngữ
của mình mà phải thông hiểu phương ngữ của đối tượng giao tiếp. Vì vậy, hiện nay
việc tìm hiểu từ phương ngữ là một điều tất yếu trong cuộc sống.
Thứ hai, bản thân là một người con của quê hương Nam bộ, việc tìm hiểu phương
ngữ Nam bộ cũng là một điều tất yếu, nên làm. Hơn nữa, trước khi chọn đề tài này,
người viết đã có quá trình tìm hiểu và nhận thấy có khá nhiều công trình nghiên cứu về
phương ngữ Nam bộ trong những tác phẩm của một số tác giả như Nguyễn Đình
Chiểu, Hồ Biểu Chánh, Anh Đức, Sơn Nam…; đồng thời, cũng có vài công trình
nghiên cứu về từ địa phương trong tiểu thuyết của Nguyễn Quang Sáng. Thế nhưng
chưa có công trình nghiên cứu nào về từ phương ngữ Nam bộ trong thể loại truyện
ngắn của Nguyễn Quang Sáng, thể loại rất thành công trong sự nghiệp sáng tác và làm
nên tên tuổi của ông. Chính điều này đã thôi thúc người viết quyết định chọn đề tài
“Từ phương ngữ Nam bộ trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng”.
Thứ ba, khai thác đề tài này phần nào giúp người viết hiểu thêm về phong tục tập
quán, bản sắc văn hóa cũng như những nét về tính cách, tâm hồn của người dân Nam
bộ. Bên cạnh đó, bản thân được trau dồi thêm những kiến thức về ngôn ngữ địa
phương, làm giàu thêm kho từ vựng toàn dân, từ đó tích lũy vốn sống cho bản thân.
Cuối cùng, người viết mong muốn bài nghiên cứu này sẽ góp một phần nào vào
việc công nhận vai trò của từ phương ngữ Nam bộ trong sự thành công của những tác
phẩm văn chương đồng thời khẳng định chỗ đứng của truyện ngắn Nguyễn Quang
Sáng trong dòng chảy văn học.
2. Lịch sử vấn đề
Từ phương ngữ Nam bộ là một bộ phận của phương ngữ Nam bộ nói riêng và
thuộc hệ thống phương ngữ nói chung. Chình vì vậy trước khi đi vào nghiên cứu đề tài
-4-
“Từ phương ngữ Nam bộ trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng”, người viết xin
điểm qua một số công trình nghiên cứu trước đây về phương ngữ và phương ngữ Nam
bộ. Không chỉ trước đây mà hiện nay,vấn đề này cũng khá thu hút sự quan tâm của
giới ngôn ngữ. Trong khi đó, những bài nghiên cứu, những bài viết về Nguyễn Quang
Sáng cùng với ngôn ngữ nghệ thuật trong những sáng tác của ông nói chung và trong
thể loại truyện ngắn nói riêng lại rất hiếm. Có chăng chỉ nói qua một cách sơ lược mà
chưa thật sự đi sâu vào ngôn từ nghệ thuật của tác giả.
2.1 Về phương ngữ và phương ngữ Nam bộ
2.1.1 Về phương ngữ
Phương ngữ là đề tài từ lâu được các nhà ngôn ngữ học quan tâm. Vì vậy, có rất
nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về vấn đề này. Mỗi tác giả lại có một
khuynh hướng và cách lý giải riêng tạo nên cách nhìn đa dạng nhưng không kém phần
phức tạp về vấn đề này. Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như:
Trong quyển Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, tác giả Cù Đình Tú đã
khảo sát đặc điểm tu từ của những lớp từ ngữ theo phong cách và bình diện ngữ pháp
học và từ vựng học. Ở lớp từ ngữ theo phong cách, tác giả phân từ tiếng Việt ra thành
các lớp từ: từ ngữ đa phong cách, từ khẩu ngữ, thuật ngữ khoa học tiếng Việt, từ ngữ
chính trị tiếng Việt, từ ngữ hành chính tiếng Việt và từ ngữ văn chương tiếng Việt.
Còn ở lớp từ ngữ theo bình diện ngữ pháp học và từ vựng học, tác giả chia từ tiếng
Việt thành ba loại: từ thuần Việt và từ Hán Việt có nghĩa tương đương, từ địa phương
và thành ngữ tiếng Việt.
Năm 2004, Hoàng Thị Châu cho ra đời quyển Phương ngữ học tiếng Việt. Trong
quyển này rác giả nghiên cứu sâu hơn tác giả Cù đình Tú về vấn đề phương ngữ.
Trước hết, tác giả đi định nghĩa phương ngữ, sau đó nêu các đặc trưng của phương
ngữ; đặc biệt phần trọng tâm, tác giả đưa ra quan điểm phân vùng phương ngữ. Hoàng
Thị Châu chia tiếng Việt thành ba vùng phương ngữ lớn: phương ngữ Bắc, phương
ngữ Trung và phương ngữ Nam.Ngoài ra, tác giả còn đi sâu nghiên cứu mối quan hệ
giữa các phương ngữ với tác phẩm văn học. Khi nói về vấn này , tác giả đưa ra hai
nhận định :
“Trường hợp thứ nhất, tác gải nói nhân danh mình, hay phần ngôn ngữ tác giả
trong tác phẩm. Khi tác giả nhân danh mìmh, chẳng hạn trong những đoạn lý luận,
-5-
phân tích nội tâm, miêu tả thì nhất thiết phải lấy ngôn ngữ toàn dân làm nền tảng”[6;
257].
“Trường hợp thứ hai là ngôn ngữ của chính nhân vât. Về điểm này sử dụng ngôn
ngữ không chỉ là cần thiết mà còn là thích hợp nữa. Thiếu phương ngữ có khi tác
phẩm mất tính hiện thực. Có những tác phẩm dùng phương ngữ Nam bộ rất thành
công. Nếu thay thế phương ngữ Nam bộ ở đây bằng ngôn ngữ toàn dân thì sẽ khôn còn
gì là tính cách Nam bộ của tác phẩm nữa. Nhưng cũng cần tránh lạm dụng”[6; 258]
Tập hợp những công trình nghiên cứu trước đây về vấn đề phương ngữ, người
viết nhận thấy các tác giả tiếp cận và lý giải phương ngữ theo phương diện cơ bản:
những quan điểm xoay quanh vấn đề phân vùng phương ngữ, một nhóm nhà nghiên
cứu thì lại đi vào mô tả cấu tạo, đặc điểm của các thổ ngữ hay vùng phương ngữ ( khía
cạnh này, ngoài Hoàng Thị Châu còn có các tác giả khác như: Cao xuân Hạo, Võ xuân
Trang…) và một hướng tiếp cận nữa là mặt văn hóa xã hội của phương ngữ.
Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều công trình nghiên cứu khác về vấn đề này, người
viết có đề cập chi tiết ở phần lí luận chung.
2.1.2 Về phương ngữ Nam bộ
Vấn đề phương ngữ Nam bộ cũng được rất được giới nghiên cứu ngôn ngữ quan
tâm, phần lớn trong số đó là những đóng góp của những tác giả ở quê hương Nam bộ.
Từ rất sớm, vào năm 1987 thì Nguyễn Văn Ái đã cho ra đời quyển Sổ tay
phương ngữ Nam bộ. Trong quyển này, trước khi đi vào phần chính là phương ngữ
Nam bộ, tác giả có nói sơ qua về khái niệm phương ngữ, đưa ra ý kiến phân vùng
phương ngữ dựa trên cơ sở tập hợp các nét biến dạng địa phương của tiếng Việt. Sau
đó tác giả có nêu lịch sử hình thành phương ngữ Nam bộ và ông cho rằng nguyên nhân
hình thành phương ngữ vùng là do hoàn cảnh đị lý. Đặc biệt, tác giả trình bày khá chi
tiết về hai đặc điểm của phương ngữ Nam bộ là đăc điểm về ngữ âm và đặc điểm về từ
ngữ và phong cách. Trong đặc điểm từ ngữ và phong cách, tác giả chỉ ra 5 đặc điểm cơ
bản, những đặc điểm này, người viết có đi vào phân tích chi tiết hơn ở mục 3.2 của
chương 1.
Sau đó phải kể đến quyển Phương ngữ Nam bộ của tác giả Trần Thị Ngọc Lang,
xuất bản năm 1995. Trong quyển này, tác giả chủ yếu làm nổi rõ các kiểu khác biệt từ
vựng ngữ nghĩa giữa phương ngữ Nam bộ và phương ngữ Bắc bộ. Dựa trên quan hệ về
ngữ âm - ngữ nghĩa, tác giả chỉ ra tám kiểu khác biệt giữa hai phương ngữ và đi vào
-6-
phân tích rất cụ thể, đồng thời đưa ra những ví dụ minh chứng về các kiểu này. Ngoài
ra, tác giả còn đi nghiên cứu riêng lẻ phương ngữ Nam bộ về cách xưng hô, nhóm từ
có liên quan đến sông nước, các yếu tố chỉ mức độ của tính từ, từ láy và ngữ khí từ.
Năm 2007, Huỳnh Công Tín cho ấn hành quyển Từ điển phương ngữ Nam bộ.
Trước khi đi vào nội dung chính, tác giả đưa ra một số vấn đề về phương ngữ Nam bộ.
Thứ nhất, công trình nêu sơ lược sự hình thành vùng đất và con người Nam bộ. Thứ
hai, tác giả cho rằng sự phân chia lãnh thổ chính trị - hành chính do lich sử để lại là
nhân tố chính hình thành nên phương ngữ Nam bộ. Ngoài ra, tác giả còn đưa ra quan
điểm phân vùng phương ngữ, cụ thể có bốn vùng. Thứ ba, Huỳnh Công Tính phân tích
rất cụ thể đặc điểm phương ngữ Nam bộ trên bốn bình diện: ngữ âm, từ vựng – ngữ
nghĩa, ngữ pháp và phong cách diễn đạt. Tiếp đó tác giả còn nêu một số hạn chế của
phương ngữ Nam bộ.
Ngoài ra, còn rất nhiều bài nghiên cứu và những bài viết rất giá trị về phương ngữ
Nam bộ. Song, với bài nghiên cứu này người viết không thể phân tích chi tiết từng
quan điểm nên chỉ điểm qua một số công trình tiêu biểu.
2.2
Về ngôn từ nghệ thuật của tác giả
Không phải tác phẩm văn chương nào cũng có giá trị và cũng không phải một
quyển tiểu thuyết với khối lượng đố sộ thì mới mang giá trị nghệ thuật lớn lao, hãy
nghe Phạm Văn Đồng tổng kết về truyện ngắn như sau:
“Đừng tưởng một chút nào rằng về nội dung tư tưởng, về trình độ nghệ thuật, thể
loại truyện ngắn là thuộc loại thấp. Đâu phải có dài mới là tốt là hay. Đứng trước một
cuộc chiến đang diễn ra ở nước ta, anh làm sao nhìn thấy, ghi được, tường thuật lại
nhanh chóng bằng những tác phẩm ngắn. Nhiếu tác phẩm nhỏ nhưng lại là tác phẩm
lớn. Không nhất tiền là một trường ca anh hùng thì mới có giá trị nghệ thuật cao”[18;
86].
Có thể nói, Nguyễn Quang Sáng với những tập truyện ngắn của mình đã tái hiện
lại sống động hình ảnh con người Nam bộ anh dũng trong chiến đấu, đồng thời ghi lại
những mất mát đau thương của nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
ác liệt. Sở dĩ, Nguyễn Quang Sáng thành công ở thể loại này là nhờ vai trò đắc lực của
ngôn từ nghệ thuật. Đương thời, tác giả được mệnh danh là nhà văn “đặc sệt” chất
Nam bộ. Phong Lê trong Văn xuôi Việt Nam hiện đại từ sau 1945 nhận định:
-7-
“Đọc xong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng, người đọc càng thêm tự hào
về con người đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ với truyện ngắn anh đã có thể phác vẽ
cho ta hình thù, dáng nét con người miền Nam bình thường mà kiên trung bất khuất,
lạc quan qua những anh Ba Hoành, Bảy Ngàn, vợ chồng ông già Sa Thét, chị Bảy,
Thu, Nhung…Có thể nói thế giới nhân vật truyện ngắn của anh đã góp phần tạo nên
một hình ảnh nhuần nhị nên thơ về chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam [19;
444]
Vân Thanh thì cho rằng truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng tuy đậm chất kịch tính
nhưng vẫn mang nhiều yếu tố trữ tình, đồng thời có sự kết hợp giữa chất anh hùng cao
cả và chất thơ trong trẻo, giản đơn.
Tuy những nhận định về ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn
Quang Sáng còn chung chung nhưng qua những nhận định này cho thấy một điều, tác
phẩm có nội dung và tư tưởng được đánh giá cao như vậy cũng từ chất liệu ngôn từ mà
ra. Bởi lẽ, chất liệu làm nên tác phẩm văn học chủ yếu là ngôn từ nghệ thuật. Có nên
chăng, vấn đề này cần được giới nghiên cứu ngôn ngữ quan tâm để phát hiện ra được
những giá trị văn học của ngôn từ trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng nói riêng và
những tác phẩm văn chương nói chung.
3. Mục đích nghiên cứu
Người viết tiến hành nghiên cứu đề tài này nhằm mục đích khảo sát, thống kê,
phân loại từ phương ngữ Nam bộ trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng. Sau đó,
người viết phân tích hiệu quả nghệ thuật, giá trị văn học của từ phương ngữ Nam bộ
trong ngữ liệu khảo sát. Từ đây, hướng đọc giả đến với truyện ngắn của Nguyễn
Quang Sáng nói riêng và các tác phẩm văn chương nói chung theo một hướng tiếp cận,
cách nhìn, cách cảm nhận từ góc độ ngôn từ nghệ thuật.
Bên cạnh đó, mục đích người viết nghiên cứu đề tài này là nhằm tìm hiểu đời
sống sinh hoạt, nét tính cách, tâm hồn của người dân Nam bộ qua lời ăn tiếng nói hằng
ngày. Đồng thời, qua quá trình nghiên cứu giúp người viết có thêm vốn hiểu biết về
đặc trưng của phương ngữ nơi đây, cũng như biết được những bước phát triển của
phương ngữ Nam bộ qua các thời kì.
4. Phạm vi nghiên cứu
Với đề tài “Từ phương ngữ Nam bộ trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng”,
trước tiên người viết nghiên cứu những vấn đề lí luận cơ bản về phương ngữ, chủ yếu
-8-
là cách phân vùng phương ngữ. Trên cơ sở đó, đi vào tìm hiểu phương ngữ Nam bộ
cùng với những đặc điểm của chúng. Thu hẹp dần phạm vi và đối tượng nghiên cứu lại
đó là từ phương ngữ Nam bộ, người viết làm rõ các kiểu từ phương ngữ trên cơ sở
xem xét với từ toàn dân tương đương. Cuối cùng trên cơ sở lý luận chung, người viết
tiến hành khảo sát, thống kê, phân loại từ phương ngữ Nam bộ trên ngữ liệu văn học
cụ thể trong 33 truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng, mục đích là phân tích giá trị văn
học của từ phương ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, người viết vận dụng kết hợp khá nhiều
phương pháp. Trước tiên, hệ thống hóa và tổng hợp hóa các kiến thức cơ bản về
phương ngữ và từ phương ngữ Nam bộ để làm cơ sở lý luận cho những bước nghiên
cứu tiếp theo. Sau đó, người viết sử dụng phương pháp khảo sát từ phương ngữ Nam
bộ trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng. Đến đây, người viết có sử dụng
phương pháp so sánh, đối chiếu với ngôn ngữ toàn dân để tiến thống kê, phân loại từ
phương ngữ Nam bộ trong ngữ liệu văn học cụ thể. Sử dụng phương pháp phân tích
chỉ giá trị văn học của từ phương ngữ Nam bộ. Cuối cùng, người viết hệ thống hóa và
khái quát hóa lại kiến thức đưa ra những kết luận chung về việc sử dụng từ phương
ngữ Nam bộ trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng.
-9-
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG VỀ PHƯƠNG NGỮ
VÀ TỪ PHƯƠNG NGỮ
1. Khái niệm phương ngữ
Về khái niệm phương ngữ, có rất nhiều tác giả đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Sau đây là một số ý kiến tiêu biểu.
Theo Hoàng Thị Châu, tác giả quyển Phương ngữ học tiếng Việt cho rằng:
“Phương ngữ là một thuật ngữ ngôn ngữ học để chỉ sự biểu hiện của ngôn ngữ toàn
dân ở một địa phương cụ thể với những nét khác biệt của nó so với ngôn ngữ toàn dân
hay với một phương ngữ khác”[6; 29].
Trong quyển Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học giải thích: “biến dạng
của một ngôn ngữ được sử dụng với tư cách là phương diện giao tiếp của những người
gắn bó chặt chẽ với nhau trong một cộng đồng thống nhất về lãnh thổ, về hoàn cảnh
xã hội hay nghề nghiệp; còn gọi là tiếng địa phương. Phương ngữ được chia ra
phương ngữ lãnh thổ (hoặc vùng phương ngữ) và phương ngữ xã hội ”[10; 231].
Các tác giả cuốn Ngôn ngữ học: khuynh hướng – lĩnh vực – khái niệm (tập hai)
cho rằng “Phương ngữ là hình thức ngôn ngữ có hệ thống từ vựng , ngữ pháp và ngữ
âm riêng biệt được sử dụng ở một phạm vi lãnh thổ hay xã hội hẹp hơn là ngôn ngữ.
Là một hệ thống ký hiệu và quy tắc kết hợp có nguồn gốc chung với hệ thống khác
được coi là ngôn ngữ (cho toàn dân tộc) các phương ngữ (có người gọi là tiếng địa
phương, phương ngôn) khác nhau trước hết là ở cách phát âm, sau đó là ở vốn từ
vựng”[17; 257].
Nguyễn Văn Khang thì đưa ra quan niệm rằng khi kết hợp với cách nhìn của
ngôn ngữ học truyền thống về phương ngữ, có thể thấy phương ngữ được xem xét ở
hai mặt cấu trúc và chức năng. Nếu nhìn từ góc độ cấu trúc “gọi là phương ngữ của
một ngôn ngữ một khi các phương ngữ này tuy có hệ thống cấu trúc riêng, nhưng
chứng minh được mối quan hệ cội nguồn của các phương ngữ đó với ngôn ngữ. Hay
nói một cách khác , giữa ngôn ngữ và các phương ngữ có quan hệ cội nguồn với
nhau”[15; 109].
-10-
Nhìn từ góc độ chức năng thì “phương ngữ là một biến thể ngôn ngữ mà chức
năng giao tiếp chịu sự hạn chế mang tính địa phương và sự phát triển của nó chưa đạt
đến mức tiêu chuẩn hóa” [15; 109].
Trần Thị Ngọc Lang thì đưa ra định nghĩa thật ngắn gọn “Phương ngữ là phương
tiện diễn đạt và giao tiếp của một địa bàn (khu vực) dân cư”[19;10]. Đồng thời tác giả
còn giải thích thêm “hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới đều có những biến dạng địa
phương và được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ của các địa phương đó”[19; 10].
Trong quyển Từ điển đối chiếu từ địa phương, Nguyễn Như Ý(chủ biên) đã định
nghĩa như sau: “Phương ngữ hay còn gọi là tiếng địa phương là hình thức ngôn ngứ
được sử dụng trong cộng đồng dân cư tại một vùng, miền nhất định trên một lãnh thổ
một nước”[11; 3].
Còn Huỳnh Công Tín trong Cảm nhận bản sắc Nam Bộ cho rằng “phương ngữ là
một chuỗi các nét biến dạng địa phương từ một ngôn ngữ toàn dân”. Tác giả còn giải
thích thêm các phương ngữ có sự khác nhau ở “giọng nói, cách phát âm, từ ngữ,
phong cách, ngữ pháp…Các mặt khác nhau này không do sự khác nhau về nguồn gốc
ngôn ngữ mà do điều kiện địa lí, điều kiện xã hội hình thành”[8; 243].
Tác giả Nguyễn Văn Ái trong Sổ tay phương ngữ Nam bộ thì cho rằng: “có thể
nói một cách nôm na phương ngữ là một chuỗi các nét biến dạng địa phương của một
ngôn ngữ chung toàn dân”[14; 9].
Hồ Lê định nghĩa phương ngữ theo hai nghĩa: nghĩa rộng, “phương ngữ là biến
thể ngôn ngữ trong lòng một ngôn ngữ”; còn theo nghĩa hẹp, “phương ngữ là biến thể
vùng của một ngôn ngữ”.
Tổng hợp những ý kiến các tác giả đưa ra, chúng tôi xin đề xuất cách hiểu như
sau: Phương ngữ là tiếng nói riêng của một cộng đồng dân cư tại một vùng hay khu
vực nhất định trong một nước, nó có sự khác biệt so với ngôn ngữ toàn dân.
2. Vấn đề phân vùng phương ngữ
Đến thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề phân vùng
phương ngữ và chưa đưa ra được một quan điểm thống nhất. Có ý kiến phân chia
phương ngữ thành hai vùng, ba vùng, bốn vùng, năm vùng. Đồng thời cũng có ý kiến
không phân vùng phương ngữ tiếng Việt. Cụ thể có các quan điểm sau:
2.1 Quan điểm phân thành hai vùng phương ngữ
-11-
Trong Tham luận về vấn đề thống nhất và chuẩn hóa tiếng Việt”(1963), Hoàng
Phê đưa ra ý kiến phân phương ngữ tiếng Việt thành hai vùng chủ yếu là “tiếng miền
Bắc” và “tiếng miền Nam” của hai địa bàn nằm ở hai tuyến của dất nước: Hà Nội –
Sài Gòn. Còn tiếng nói nằm ở khu vực giữa hai vùng này được tác giả xem là có “tính
chất chuyển tiếp”.
Học giả người Pháp H. Maspero(1912) với công trình nghiên cứu Ngữ âm lịch sử
tiếng Việt đã chia tiếng Việt ra thành hai vùng: phương ngữ Bắc bộ và phương ngữ
Trung bộ. Vì theo ông “người Việt ở miền Nam là gốc ở miền Bắc mới vào sinh sống
không lâu, do đó tiếng Nam về cơ bản là giống phương ngữ Bắc cho nên có thể xếp
chung với phương ngữ Bắc, còn phương ngữ Trung thì đối lập với phương ngữ Bắc ở
điểm xét giữ lại nét cổ xưa”[6;87].
Còn hai nhà Việt ngữ học Liên Xô: M.V Gordina và I.S Bystrôv (1970) chủ yếu
dựa vào hệ thống âm cuối cũng chia tiếng Việt thành hai vùng phương ngữ nhưng
chưa có ranh giới chạy qua phía Nam tỉnh Quảng Trị, có thêm vùng thứ ba là phương
ngữ Huế có tính cách như một vùng đệm.
Quan điểm của các tác giả chủ yếu dựa trên tiêu chí lịch sử, xã hội của phương
ngữ để phân chia. Họ cũng đi từ hai nhân tố: nhân tố xã hội ngôn ngữ và nhân tố ngôn
ngữ.
2.2 Quan điểm phân thành ba vùng phương ngữ
Tuy năm 1970, hai nhà Việt ngữ học Liên Xô quan điểm phân chia tiếng Việt
thành hai vùng phương ngữ Bắc và Nam, nhưng đến năm 1984 M.V Gordina và I.S
Bystrôv trong quyển Cơ cấu ngữ âm tiếng Việt có sự thay đổi cách phân vùng phương
ngữ thành ba vùng. Song theo Hoàng Thị Châu, cách phân chia này “về cơ bản vẫn là
hai vùng trên nhưng thêm một vùng thứ ba là phương ngữ Huế có tính cách như một
vùng đệm”.
Phan Kế Bính(1914) cũng chia tiếng Việt ra thành ba vùng phương ngữ ứng với
Bắc bộ, Trung bộ, và Nam bộ, nhưng ông cũng nhấn mạnh “tính chất trung gian” của
nhóm phương ngữ Trung bộ.
Quan điểm phân chia của các tác giả trên cùng đồng nhất với tác giả Hoàng Thị
Châu. Trong quyển Phương ngữ tiếng Việt, tác giả “chia tiếng Việt thành ba vùng
phương ngữ lớn: phương ngữ Bắc, phương ngữ Trung và phương ngữ Nam là ý kiến
chung của nhiều nhà nghiên cứu và phù hợp với quan niệm trong dân gian”[6;88]. Vì
-12-
theo tác giả nhân dân ta dựa vào thanh điệu để nhận ra phương ngữ. Tiếng Việt ta về
âm hưởng có thể phân biệt được “giọng Bắc”, “giọng Nam” và “giọng Trung” ngay
khi mới thoáng nghe.
Tác giả không chỉ dựa vào thanh điệu mà còn căn cứ vào nhiều tiêu chí khác
nhau về ngữ âm, từ vựng để phân vùng phương ngữ. Nhưng kết quả cũng trùng với ba
vùng trên. Chỉ có sự khác biệt nhau về vị trí của các phương ngữ Thanh Hóa. Trong
trường hợp này, tác giả (1963) quyết định sắp xếp phương ngữ Thanh Hóa vào nhóm
phương ngữ miền Trung, cụ thể như sau:
“Phương ngữ Bắc: dùng trong giao tiếp ở Bắc bộ, cở sở hình thành nên ngôn
ngữ văn học
Phương ngữ Trung: bao gồm các tỉnh Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đền đèo Hải
Vân). Đây là phương ngữ bảo lưu nhiều yếu tố của tiếng Việt.
Phương ngữ Nam: (trải dài từ đèo Hải Vân đến miền cực Nam của đất nước).
Đây là phương ngữ mới; được hình thành dần dần trong vòng năm thế kỷ gần đây”.
Như vậy, cách chia này có sự kết hợp hài hòa giữa các nhân tố: tính chất địa lí –
xã hội, tính chất ngôn ngữ, ngữ âm – từ vựng. Nhưng trong Nhận xét về các nguyên
âm của một phương ngữ Quảng Nam, theo Cao Xuân Hạo thì cách phân chia này “đã
có sự nhìn nhận đơn giản hóa một số đặc điểm ngữ âm ở phần vần” của một số
phương ngữ.
2.3 Quan điểm phân thành bốn vùng phương ngữ
Các tác giả theo quan điểm này gồm có L.Cadiere, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn
Trọng Báu, Nguyễn Văn Tu, Trần Thị Ngọc Lang, Huỳnh Công Tín, Nguyễn Văn
Ái…
Nguyễn Kim Thản (1982) chia tiếng việt thành bốn vùng phương ngữ:
“Phương ngữ Bắc bộ: Bắc bộ và một phần Thanh Hóa
Phương ngữ Trung Bắc: phái Nam Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên
Phương ngữ Trung Nam: từ Quảng Nam tới Phú Khánh.
Phương ngữ Nam: từ Thuận Hải trở vào” [6; 88]
Sự phân chia này về cơ bản tương đồng với quan điểm của L.Cadiere trong hai
công trình nghiên cứu Ngữ âm tiếng Việt - Phương ngữ miền Thượng Trung Kỳ (1902)
và Phương ngữ miền Hạ Trung Kỳ (1911). Mặc dù L.Cadiere không đề cập đến vấn đề
phân vùng tiếng Việt nhưng thông qua các nhận xét về thổ ngữ từ Huế đến Nghệ An,
-13-
từ đèo Hải Vân đến phía Nam Bình Thuận, ta cũng thấy sự tương đồng về quan điểm
của hai tác giả vừa nêu trên.
Nguyễn Văn Ái trong Sổ tay phương ngữ Nam bộ(1987) thì cho rằng “tập hợp
các nét biến dạng dịa phương của tiếng Việt lại chúng ta có thể có nhận xét chung là
tiếng Việt gồm có bốn phương ngữ ở bốn vùng như sau:
Phương ngữ Bắc bộ: từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến Thanh Hóa
Phương ngữ Trung bộ: từ Nghệ Tĩnh đến Bình Trị Thiên
Phương ngữ Nam Trung bộ: từ Quảng Nam – Đà Nẵng đến Thuận Hải
Phương ngữ Nam bộ: từ Đồng Nai – Sông Bé đến mũi Cà Mau”
Đồng thời, tác giả còn giải thích thêm rằng theo dân gian thường nói “giọng Bắc,
giọng Trung, giọng Nam”, cảm giác chung là phương ngữ Nam Trung bộ gần gũi với
phương ngữ Nam bộ; càng đi dần về phía Nam giọng nói càng nhẹ và dịu dần, nhất là
ở cách phát âm các dấu giọng (thanh điệu).
Tác giả Nguyễn Văn Tu cho rằng, mặc dù tiếng Việt về cơ bản thống nhất nhưng
căn cứ vào sự khác nhau về thanh điệu, về từ vựng, có thể chia thành bốn nhóm:
“Tiếng địa phương miền Bắc: Bắc bộ và Thanh Hóa
Tiếng địa phương Trung bộ: Nghệ An và Thừa Thiên
Tiếng địa phương miền Nam Trung bộ: Quảng Nam, Phú Yên
Tiếng địa phương Nam bộ: từ Bình Thuận trở vào”
Thuộc khuynh hướng này còn có tác giả Huỳnh Công Tín. Ông đã dựa trên thực
tế ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; đặc biệt là bình diện ngữ âm, kết hợp với
nhân tố xã hội – ngôn ngữ, “hướng phân chia mà chúng tôi tán thành là hướng phân
chia tiếng Việt với ít nhất bốn vùng phương ngữ. Đó là phương ngữ Bắc bộ, phương
ngữ Nam bộ và các vùng phương ngữ Trung bộ: Bắc Trung bộ, và Nam Trung bộ, là
do tính chất đa dạng trong phát âm và chất giọng của người địa phương này”[8; 32].
Bốn vùng phương ngữ ứng với các vùng lãnh thổ như sau:
“Phương ngữ Bắc bộ: bao gồm các tỉnh phía Bắc.
Phương ngữ Bắc Trung bộ: bao gồm các tỉnh từ Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên.
Phương ngữ Nam Trung bộ: bao gồm các tỉnh từ Quảng Nam tới Phú Yên.
Phương ngữ Nam bộ: bao gồm các tỉnh từ Nha Trang trở vào Minh Hải”.
2.4 Quan điểm phân thành năm vùng phương ngữ
-14-
Nguyễn Bạt Tụy (1950) chia tiếng Việt thành ba vùng phương ngữ, nhưng đến
năm 1961lại chia ra thành năm phương ngữ
“Phương ngữ miền Bắc: Bắc bộ và Thanh Hóa
Phương ngữ Trung trên: từ Nghệ An đến Quảng Trị
Phương ngữ Trung giữa: từ Thừa Thiên đến Quảng Ngãi
Phương ngữ Trung dưới: từ Bình Định đến Bình Tụy
Phương ngữ Nam: từ Bình Tụy trở vào [6; 89]
2.5 Quan điểm không phân vùng phương ngữ tiếng Việt
Bên cạnh các ý kiến phân vùng phương ngữ như đã nêu trên, còn có ý kiến không
phân vùng phương ngữ của L.C Thompson. Năm 1965 tác giả này cho rằng không nên
phân chia tiếng Việt thành các vùng phương ngữ. Lí do mà tác giả đưa ra là “tiếng Việt
có trạng thái chuyển tiếp từ vùng nọ sang vùng kia, với tính chất như một bán phương
ngữ”. Theo Huỳnh Công Tín thì ý kiến này ít được sự đồng tình của giới nghiên cứu
vì chính Thomspon cũng thừa nhận có sự khác biệt trong bản thân cộng đồng người
Việt. Hay “nói cách khác tính chất đồng ngữ tuyến không diễn ra theo một chiều cố
định”.
Hiện nay, tiếng Việt ở các vùng đã có điều kiện tiếp xúc với nhau rộng rãi, nhanh
chóng và có xu hướng đi vào chuẩn hóa. Nhưng không vì thế mà tiếng Việt mất đi tính
hệ thống, chúng vẫn thống nhất trong sự đa dạng. Để chúng ta thấy rằng, vấn đề phân
vùng phương ngữ ở đây không có nghĩa là tạo ra ranh giới trong ngôn ngữ dân tộc mà
nó giữ vai trò quan trọng và thật sự có ý nghĩa trong việc nghiên cứu phương ngữ để
tìm ra nét đặc sản của từng vùng hay sâu xa hơn là nghiên cứu ngôn ngữ nói chung.
Người viết tán đồng cách phân vùng phương ngữ của tác giả Huỳnh Công Tín.
Tuy nhiên, tác giả đã bỏ qua vùng phương ngữ Thanh Hóa. Nếu xét về lãnh thổ thì
Thanh Hóa thuộc các tỉnh miền Bắc Trung bộ. Nhưng nếu xét về ngôn ngữ thì người
vùng Thanh Hóa lại có lối phát âm và cách dung từ không khác nhiều so với các tỉnh ở
khu vực phía Bắc. Chính vì lẽ đó, chúng tôi đề xuất ý kiến điều chỉnh lại bốn vùng
lãnh thổ đó như sau:
Phương ngữ Bắc bộ: bao gồm các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc.
Phương ngữ Bắc Trung bộ: bao gồm các tỉnh từ Nghệ An trở vào đến Huế.
-15-
Phương ngữ Nam Trung bộ: bao gồm cac tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Phương ngữ Nam bộ: bao gồm các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào Minh Hải, Cà Mau.
3. Phương ngữ Nam bộ
3.1 Khái niệm phương ngữ Nam bộ
Có thể định nghĩa phương ngữ Nam bộ như sau: Phương ngữ Nam bộ là ngôn
ngữ được sử dụng trong cộng đồng dân cư tại vùng Nam bộ trên lãnh thổ Việt Nam.
Đó là ngôn ngữ mang những nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ.
3.2 Đặc điểm của phương ngữ Nam bộ
3.2.1 Đặc điểm về ngữ âm
Cách phát âm nhẹ nhàng, động tác phát âm tương đối đơn giản, không căng thẳng
các cơ thịt ở bộ máy phát âm nhiều như ở các phương ngữ phía Bắc, không rít, sít hay
nghẹn nhiều (các nhà ngôn ngữ học gọi là sát, tắc và yết hầu hóa).
Trước hết có thể thấy ở các dấu giọng (thanh điệu): về số lượng, phương ngữ
Nam bộ chỉ có 5 dấu là ngang, huyền, hỏi, sắc, nặng trong khi phương ngữ Bắc bộ có
6 dấu, thêm dấu ngã; về chất, phương ngữ Bắc bộ phát âm ba dấu hỏi, ngã, nặng đặc
biệt gằn nặng, nghẹn và rung mạnh thanh đới, tạo nên màu sắc âm thanh khác với cách
phát âm nhẹ lướt của phương ngữ Nam bộ. Ngoài ra, phương ngữ Nam bộ còn vận
dụng 5 dấu giọng làm phương tiện tạo ra từ mới hoặc láy tư, ví dụ: tăn măn, tằn mằn,
tẳn mẳn, tắn mắn, tặn mặn, cạn xếu cạn xệu, cạn xều cạn xểu,...[14;10]
Phát âm phân biệt các âm đầu TR – CH – GI, R – D, NH – L,S – X và cặp vần
ăm – âm, ắp - ấp. Theo tác giả, đó là điều hợp lý, phản ánh đúng chữ viết của tiếng
Việt, và phù hợp với một vài phương ngữ khác.
Ở phương ngữ Nam bộ, âm đầu V chỉ tồn tại trong chữ viết , không tồn tại trong
phát âm, V – D – GI đều phát âm thành D: vì – gì = dì. Hiện nay cách phát âm đúng V
đã tương đối phổ biến từ thành thị đến nông thôn Nam bộ.
Phần vần có ba điều đáng lưu ý. Một là, âm đệm O và U, như loan luyến... vốn là
một âm lướt nhẹ, lơi do đó khi phát âm ở ngôn ngữ này, hoặc bị lướt bỏ, ví dụ : loan –
lan, luyến – liến; hoặc được nhấn mạnh thành một âm chính (mất vai trò đệm), ví dụ:
loan – lon. Hai là âm đôi IÊ, ƯƠ, UÔ và các âm đơn O, Ô, Ơ khi đứng trước M và P
thì “ở các âm đôi mất yếu tố sau”, ví dụ: tiêm – tim, tiếp – típ, lượm – lựm,cướp – cưp;
luộm thuộm – lụm thụm...; “ở các âm đơn đều phát âm thành ôm, ốp, ví dụ: nom – nơm
= nôm, họp – hợp = hộp. Ba là phát âm không phân biệt ba cặp âm cuối: n – ng, t – c,
-16-
y – i, ví dụ: tan – tang, tát – tác, tay – tai,...[14; 10]. Chính cách phát âm ba cặp âm
cuối nói trên và ba dấu giọng: hỏi, ngã, nặng tạo thành nét khác biệt tiêu biểu giữa
giọng Bắc và giọng Nam. Nếu như người nói phương ngữ Nam bộ dễ dàng trong việc
phát âm đúng âm V và phát âm phân biệt oa – hoa – qua, thì lại khó phát âm đúng dấu
ngã và các cặp âm cuối.
Mặc dù trong phương ngữ Nam bộ, ở một số vùng miền Đông phát âm vần êm ếp thành im – íp: đêm – đim, nếp – níp; TH thành KH: thịt – khịt; hay phát âm R thành
G, TR thành T: cá rô – cá gô, cá trê – cá tê như ở một số vùng miền Tây. Song nhìn
chung, diện mạo ngữ âm ở đồng bằng Nam bộ mang tính thống nhất cao, ít có “thổ
âm”, qua phát âm không thể phân biệt được người vùng nào hay tỉnh nào mà chỉ có
cảm giác chung là tiếng nói Nam bộ mà thôi.
3.2.2 Đặc điểm từ ngữ và phong cách
Sức mạnh của một phương ngữ hay của một ngôn ngữ không phải ở cách phát
âm như thế này hay như thế khác, mà là ở vốn từ ngữ của nó. Vốn tữ ngữ càng dồi dào
thì sức biểu hiện của ngôn ngữ hay phương ngữ đó càng mạnh. “Ngôn ngữ phát triển
chủ yếu ở mặt từ ngữ: tăng thêm từ mới và bổ sung, biến đổi nghĩa của từ cũ. Còn ngữ
âm và ngữ pháp thì phát triển chậm chạp, ít ỏi. Phương ngữ Nam bộ cũng nằm trong
quy luật đó.”[14; 12]
Tiêu chuẩn chủ yếu để phân biệt phương ngữ này với phương ngữ khác là tính
thông hiểu và tính quen dùng. Thông hiểu hay không thông hiểu là tiêu chuẩn chủ yếu
giúp ta xác định đúng từ nào là từ địa phương chính cống và phạm vi tồn tại của nó
hẹp hay rộng. Ví dụ: Tôi đụng bả hồi nẳm (tôi lấy (cưới, kết hôn) với bà ấy hồi năm
ấy) thì “đụng” trong trường hợp này là từ có tính thông hiểu hẹp ở phương ngữ Nam
bộ, nhưng lại không thông hiểu ở phương ngữ Trung bộ. Tuy nhiên tiêu chuẩn thông
hiểu không phản ánh hết được bức tranh đa dạng của các phương ngữ và chỗ thiếu sót
đó sẽ được tiêu chuẩn quen dùng bổ sung. Từ ngữ và phong cách của phương ngữ
Nam bộ mang những đặc điểm cơ bản sau đây:
3.2.2.1 Giàu hình tượng, giàu tính sinh động và cụ thể
Người dân Nam bộ sống giữa thiên nhiên hài hoà và đa dạng, có đồng ruộng bao
la, có rừng sâu biển dài, có sông ngòi chằng chịt, có vườn cây trái xanh thẳm bốn mùa,
muôn thú sinh sôi...Chính vì lẽ đó mà con người mang đậm dấu ấn thiên nhiên. Đặc
biệt, trong ca dao – dân ca Nam bộ hình tượng thiên nhiên xuất hiện rất phổ biến như:
-17-
“cây chuối – con quạ, cây bần – con đom đóm, cây mù u – con bướm, lung đìa – con
cá...”[14; 13]. Không những thế mà trong lời ăn tiếng nói hằng ngày cũng không vắng
mặt hình tượng cụ thể: “uống mật gấu, dai như trâu đái, tức hơn bò đá, nhát như thỏ
đế, ăn như xáng múc làm như lục bình trôi, quá trời quá đất...”[14; 13]. Đến việc dựng
vợ gả chồng là rất hệ trọng, bên cạnh bao nhiêu từ hoa mỹ như: kết duyên, kết bạn
trăm năm hay nnữnh từ bình dân như: lấy, lấy nhau thì phương ngữ Nam bộ lại có
thêm từ “đụng” với ý nghĩa cụ thể, không hề dung tục mà ngược lại rất giàu hình
tượng:
“Chồng chèo thì vợ cũng chèo
Hai đứa cùng nghèo lại đụng với nhau”
(ca dao)
Trong tâm lý người dân bản địa, lời nói thiếu hình tượng và so sánh là lời nói
thiếu sức mạnh, thiếu sắc thái, nghèo nàn. Ngôn ngữ không thể tạo ra hình ảnh của thế
giới và in lại dấu ấn của xã hội. Phương ngữ làm nhiệm vụ này một cách tích cực và
hiệu quả hơn ngôn ngữ phổ thông toàn dân hay ngôn ngữ văn học chuẩn mực.
Vùng đất Nam bộ có hệ thống sông ngòi chằng chịt gắn bó với đời sống sinh hoạt
của con người nơi đây, đấy cũng là đối tượng để con người phản ánh và sáng tạo ra vô
số từ ngữ. Ngoài những tên gọi chung như: sông, mương, máng, kênh so, hồ... phương
ngữ Nam bộ còn có thêm rạch, xẻo, xép, ngọn, rọc, đớn, láng, lung, bung, búng, bưng,
biền, đưng, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, rỏng, tắc, gành, xáng...
Để chỉ sự chuyển động của dòng nước, phương ngữ Nam bộ không chỉ phân biệt
nước lớn, nuớc ròng mà còn thêm nhiều từ ngữ khác như: “nước rong, nước kém,
nước trồi, nước dềnh, nước sụt, nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng, nước sát,
nước rặc, nước quay...”[14; 14].
Những phương tiện đi lại trên sông nước cũng được phương ngữ Nam bộ thể hiện
phong phú muôn màu muôn vẻ, hơn nữa diễn đạt những khái niệm cũng rất đa dạng,
nào là: “ghe bầu, ghe bầu nóc, ghe be, ghe cà vom, ghe chài, ghe cui, ghe cửa, ghe
giàn, ghe hầu, ghe lồng, ghe lườn, ghe ngo, vỏ lải, tắc ráu, tam bản, ba lá...”[14; 14].
Động vật sống ở sông nước cũng thật nhiều loại, thẩm chí trong cùng một loại
cũng được nhôn ngữ phân biệt nhau rất tỉ mỉ. Ví dụ loài tôm có: “tôm bạc, tôm càng,
tôm chấu, tôm chì, tôm chông, tôm chục, tôm cỏ, tôm đất, tôm gậy, tôm gọng, tôm
-18-
hùm, tôm kẹt, tôm lóng, tôm lứa, tôm mắt tre, tôm quỵt, tôm rồng, tôm sắc, tôm sú, tôm
thẻ, tôm tích, tôm tu, tôm vang...”[14; 14].
Chính vì giàu tính cụ thể mà phương ngữ Nam bộ phản ánh hiệu quả tri giác của
con nguời đối với hiện thực khách quan. Con người không chỉ dừng lại ở việc nhận
thức thực tiển một cách sâu sắc với những khía cạnh đa dạng muôn màu muôn vẻ của
nó mà họ còn cảm thấy cần thiết phải phân biệt những ý nghĩa tinh tế đó bằng những
từ ngữ khác nhau. Đặc điểm này tạo điều kiện cho phương ngữ phát triển thêm kho từ
vựng tiếng Việt ngày thêm phong phú, đồng thời giúp cho tư duy của con người thêm
chính xác hơn. Nhìn chung lại phương ngữ Nam bộ có xu hướng vươn tới sử dụng tối
đa các hình thức cấu trúc của ngôn ngữ để biểu thị những khái niệm hay những sắc
thái ý nghĩa được con người nhận thức.
3.2.2.2 Giàu tính cường điệu và khuếch đại
Cường điệu và khuếch đại trong ngôn ngữ không phải bốc đồng, làm to chuyện
một cách vô lý mà thể hiện nét tâm lý của người dân Nam bộ là luôn sống cởi mở, lạc
quan và hướng về cái lớn, muốn nhấn mạnh những gì mình yêu thích hoặc chán ghét
một cách rõ ràng, dứt khoát.
Cường điệu trong phương ngữ Nam bộ mang tính hình tượng, do đó có những từ
ngữ được cấu tạo thật bất ngờ thú vị : cao trật ớt (cao ngất nghểu đến mức phải ngẩn
cổ nhìn thẳng lên làm cho gáy cổ như bị gập lại), no lòi bản họng (đã no tràn ra ngoài
miệng rồi, có đâu ăn thêm vào được nữa), đói queo râu (đói mờ mắt là chuyên bình
thường có tính lô-gich, khi quá đói thì nơi thể hiện nhanh nhạy và rõ ràng sự thay đổi –
con mắt – sẽ không còn tươi sáng hoạt bát, còn đói mà liên hệ đến bộ râu thì thật bất
ngờ thú vị, người không có râu vẫn bị đói queo râu như thường, một lần nữa cái cụ thể
nằm trong sự khái quát). Đặc biệt, khi nói về mức độ của cái nghèo, nghèo lắm lắm,
tiếng việt phổ thông có các từ như : nghèo xơ xác, nghèo rớt mồng tơi... thì phương
ngữ Nam bộ có thêm nghèo mạt rệp, đượm vẻ lạc quan và hóm hỉnh.
Cường điệu khuếch đại là một biện pháp tu từ thường có trong ngôn ngữ nhằm
làm tăng hiệu quả diển cảm. Ở phương ngữ Nam bộ, tính cường điệu, khuếch đại được
sử dụng nhiều và độc đáo mang tính mộc mạc, chất phác, tạo nên nét đặc thù của
phương ngữ Nam bộ.
3.2.2.3 Giàu tính dí dỏm, hài hước, khỏe khoắn
-19-
Ngôn ngữ là công cụ để tư duy, cũng là phương tiện để diễn đạt cảm xúc, cá tính
của con người. Lời nói mang tính trí tuệ nhưng lại càng mang màu sắc tình cảm. Chỉ
có ngôn ngữ mới có đủ khả năng diễn đạt trọn vẹn mọi sắc thái ý nghĩa tình cảm. Tính
cách, cá tính của con người như thế nào thì lời ăn tiếng nói của họ cũng có phần như
thế ấy. Đặc biệt, người dân Nam bộ sống với một tâm hồn sâu lắng, kín đáo nhưng
cũng rất lạc quan, sôi nổi, cởi mở, thích trẻ trung, dí dỏm. Tính hài hước, dí dỏm của
phương ngữ Nam bộ đi đôi với tính giản dị, mộc mạc gây nên cái cười, cái vui tự
nhiên, thoải mái. Trau chuốt bóng bẩy có cái đẹp riêng của sự gia công, gạn lọc, nhưng
trong cuộc sống sinh động nó thường dễ bị khuôn sáo, gượng gạo và xa cách với người
bình dân chất phác. Thế nên trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân Nam bộ
thì đâu đâu ta cũng thấy toát lên tính tươi vui, dí dỏm, vừa có cái bộc trực vừa có cái
vui ngầm.
3.2.2.4 Giàu biểu cảm, chú trọng mức độ tình cảm hơn tính logic
nhiều thán từ và ngữ khí từ
Vần “ui” kết hợp với dấu nặng nghe có vẻ như vất vả nặng nề. Người ta dùng nó
trong nhiều ngữ cảnh khác nhau với nghĩa chính là “ì ạch” (ạch đụi, lụi đụi, lụi hụi,
xịch đụi...). Không những vậy, lại còn nhấn mạnh bằng cách láy có thêm tiếng “cà”
nghe càng trắc trở, chậm chạp: cà ạch cà đụi, cà xịch cà đụi; lúi húi lụi hụi, lúi đúi lụi
đụi...[14; 18].
Để chỉ mức độ cao có những từ như: rất, lắm, quá, vô cùng, hết chỗ nói..., nhưng
phương ngữ Nam bộ vẫn tạo thêm nhiều từ riêng của mình để lột tả hết ý mình muốn
nói: quá tay, quá sá, quá trời quá đất, quá cỡ thợ mộc, tản thần, tùm lum tùm la, tứ
tung binh tàng...Cách nói ấy vừa nhấn mạnh ý nghĩa, vừa là phương tiện để người dân
Nam bộ biểu đạt tâm lý. Từ đó cũng tạo ra khá nhiều từ đồng nghĩa hay gần nghĩa.
Tương đương với hai từ mềm xèo và mềm nhũn phương ngữ Nam bộ có thêm các từ:
mềm èo, mềm xủm, mềm xụm...; những tính từ khác như trắng, giòn, ngay, thẳng...
cũng đều có thêm nhiều phụ tố chỉ mức độ như trường hợp trên.
Ở phương ngữ Nam bộ, để chỉ khái niệm “thấm thoát, mới đó mà...” số lượng
từ phương ngữ vô cùng phong phú; tạo ra rất nhiều từ đồng nghĩa như: lúi húi, lụi đụi,
lụi hụi, lớ quớ, lầy quầy, lần quần, lẩm rẩm, léo téo, léo xéo, lẹt xẹt, lẽo đẽo, lẹo
tẹo[14; 18].
-20-
Có những từ được dùng dưới dạng phong cách địa phương như từ “khỏi” tạo ra
sức biểu cảm mạnh hơn so với “không cần”, “chả cần”.
Đặc biệt, những từ cảm (thán từ, ngữ khí từ) mang rõ màu sắc địa phương. Cụ thể
là ở đầu câu có các từ: Chèn ơi - chèn đét ơi, mèn ơi - mèn đét ơi, ác ôn, úy, ậy...; ở
cuối câu thì có các từ: nghen – nghén, hen – hén, héo, é, á, mừ, đa, cà, nà, há, hà,
lận...[10; 19]. Mỗi từ mang một sắc thái tình cảm riêng, chính vì vậy biết vận dụng từ
cảm cho đúng chỗ thì hiệu quả nhiều khi lại hơn các loại từ khác.
3.2.2.5 Giàu tính bình dân, giản dị, mộc mạc
Phương ngữ Nam bộ ít dùng từ văn hoa, bóng bẩy, trau chuốt, mà ngược lại trong
lời nói của người dân nơi đây ta dễ dàng cảm nhận được nét mộc mạc, giản dị, gần gũi.
Ở phương ngữ Nam bộ không phân chia đẳng cấp sang hèn, mà hòa đồng chung chung
mọi tầng lớp nhân dân. Đấy là tiếng nói của người lao động chân chất, luôn lấy thực tế
làm chất liệu, không hay phù phiếm chải chuốt, lời nói mộc mạc nhưng có sức diễn đạt
và biểu cảm vô cùng mạnh mẽ. Lời nói của người lao động tuy đơn giản về cấu trúc,
song đa dạng về hình thức và phong phú về mặt nội dung, không gò bó, khuôn sáo mà
được tự do bộc lộ, phát triển đến tận cùng. Tác giả nhận định rằng “rời bỏ đặc điểm
bình dân, giản dị, mộc mạc, chưa cảm được cái đẹp, cái hay của tính cách đó trong lời
ăn tiếng nói của người lao động, chưa hài hòa được bản sắc chung và sắc thái riêng,
thì chỉ có thể có cách nhìn phiếm diện, hời hợt về màu sắc của các phương ngữ mà
thôi”.
Phương ngữ nói chung là một trạng thái ngôn ngữ toàn dân bi chia ra do hoàn
cảnh lịch sử để lại, làm biến dạng đi ít nhiều, tạo ra những nét riêng biệt, đồng thời đây
là thứ tiếng nói sinh động của nhân dân lao động, được sử dụng chủ yếu trong khuôn
khổ của một vùng địa phương nhất định. Chính vì lẽ đó, phương ngữ Nam bộ cũng
không tránh khỏi những quy luật phát triển riêng biệt, gắn liền với những đặc điểm xã
hội và tâm lý của con người ở địa phương. Trong buổi đầu hình thành, phương ngữ
Nam bộ khó tránh khỏi một số hiện tượng “tự nhiên và tự do”. Một số khía cạnh tiêu
cực cũng theo đó mà nảy sinh, cụ thể là hiện tượng “chưa định âm” và “chưa định
hình”. Chưa định âm là phát âm chưa cố định hay chưa chuẩn (chuẩn của phương
ngữ), chưa định hình là cách viết chính tả chưa ổn định, nhất quán do phát âm gây ra.
Tuy nhiên, người Nam bộ cũng dựa vào “sự gần gũi về ngữ âm” mà phát âm biến
dạng hay trại bẹ đi một bộ phận nào đó trong âm tiết; miễn là âm hưởng chung của
-21-
toàn âm tiết không biến khác hoàn toàn, nhất là năm dấu giọng (ngang, huyền, hỏi,
sắc, nặng) được khai hóa triệt để trong việc phát âm biến trại này. Mặt tiêu cực của
phương ngữ Nam bộ là có hàng loạt những lớp từ “gần âm – đồng nghĩa” được tạo ra
do sự phát âm trại bẹ, lỏng lẻo và nhất thời, không mang một sắc thái ý nghĩa hay một
sắc thái tình cảm mới mẻ nào. Trái lại từ “đồng nghĩa hay gần nghĩa” là một hiện
tượng phổ biến, tùy vào mức độ và cách thức sử dụng của chúng mà tạo nên mặt tích
cực về sắc thái ý nghĩa và sắc thái tình cảm tế nhị so với từ gốc. Ngoài ra, phương ngữ
Nam bộ còn sử dụng phổ biến đối dấu giọng để tạo ra hàng loạt từ mang màu sắc ý
nghĩa mới, có tác dụng tích cực trong việc phát triển ngôn ngữ. Chẳng hạn như: ông ổng, bà - bả, anh - ảnh, trong - trỏng, ngoài – ngoải...
“Suy cho cùng, sức mạnh diễn đạt của ngôn ngữ một phần dựa vào phong cách
thể hiện của nó, mà phong cách ngôn ngữ chẳng qua là sự thích nghi ngôn ngữ với
môi trường tâm lý và hoàn cảnh xã hội nhất định, lời nói mang màu sắc phương ngữ
cũng là một ngữ, có phần độc đáo nữa”.
4. Từ phương ngữ Nam bộ
4.1 Khái niệm về từ phương ngữ
Trong quyển Từ vựng học tiếng Việt, Nguyễn Thiện Giáp định nghĩa “từ địa
phương là những từ được dùng hạn chế ở một hoặc một vài địa phương. Nói chung, từ
địa phương là bộ phận từ vựng của ngôn ngữ nói hằng ngày của bộ phận nào đó của
dân tộc, chứ không phải là từ vựng của ngôn ngữ văn học. Khi dùng vào sách báo
nghệ thuật, các từ địa phương mang sắc thái tu từ: diễn tả lại đặc điểm của địa
phương, đặc điểm của nhân vật…”[13; 257].
Mặt khác, Nguyễn Văn Tu cho rằng từ địa phương là “từ của một phương ngữ
thuộc một ngôn ngữ dân tộc nào đó và chỉ phổ biến trong phạm vi vùng lãnh thổ của
địa phương đó.” Tác giả còn giải thích thêm “từ địa phương không ở trong ngôn ngữ
văn học mà thuộc về tiếng nói của một vùng nhất định, chúng mang sắc thái địa
phương. Người của địa phương này không hiểu những từ của địa phương kia”[10;
339].
Theo quan điểm của Phạm Văn Hảo thì từ địa phương “khác với một số biến thể
vốn là đơn vị trong cùng một hệ thống, từ ngữ địa phương là loại biến thể gắn với một
hệ thống nằm ngoài hệ thống từ vựng tiếng Việt văn hóa. Điều đó bảo đảm cho một
-22-
phương pháp định nghĩa phù hợp của chúng. Định nghĩa qua từ có tương đương
(trong tiếng Việt văn hóa)”[10; 339].
Đỗ Hữu Châu thì đưa ra khái niệm “những đơn vị từ vựng địa phương là những
đơn vị từ vựng có nghĩa khác nhau nhiều hay ít kèm theo sự khác nhau về ngữ âm
nhiều hay ít nhưng không nằm trong những sai dị ngữ âm đều đặn”[10; 339].
Theo các tác giả Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiệu – Hoàng Trọng Phiến thì
“Những từ thuộc một phương ngữ (tiếng địa phương) nào đó của ngôn ngữ dân tộc và
chỉ phổ biến trong phạm vi lãnh thổ của địa phương đó, thì được gọi là từ địa
phương”[10; 340].
Tác giả Bùi Tất Tươm dựa trên tiêu chí về phạm vi sử dụng đã chia tiếng Việt
thành các lớp từ: từ địa phương, tiếng lóng, từ nghề nghiệp, thuật ngữ. Tác giả đưa ra
khái niệm từ địa phương như sau: “là những từ chỉ dùng trong một địa phương nhất
định. Chúng song song tồn tại với từ toàn dân, từ địa phương được dùng trong khẩu
ngữ tự nhiên”[10; 104].
Trong quyển Phong cách học tiếng Việt(1999), Đinh Trọng Lạc quan niệm “từ
địa phương là những từ được dùng trong các phương ngữ, thổ ngữ”[4; 222]. Nhưng
đến quyển Phong cách học tiếng Việt (2006), viết chung với Nguyễn Thái Hòa, lại có
cách định nghĩa khác về từ địa phương: “là lớp từ ngữ chuyên dùng ở một số địa
phương, không dùng ở địa phương khác”
Chung quy lại, ta có thể hiểu từ phương ngữ là lớp từ được sử dụng rộng rãi
trong một phương ngữ, chúng là đặc sản hay có quan hệ ngữ âm – ngữ nghĩa với
từ toàn dân.
4.2 Quan điểm của một số tác giả về từ phương ngữ
4.2.1 Quan điểm của Nguyễn Văn Tu
Theo tác giả, tiếng địa phương khác ngôn ngữ dân tộc về ba mặt: ngữ âm, từ
vựng và ngữ pháp. “Từ vựng của các tiếng địa phương không thuộc về vốn từ chung
của toàn dân, những từ này không có trong ngôn ngữ văn học mà thuộc về tiếng nói
của một vùng nhất định. Chúng mang sắc thái địa phương, người của địa phương này
không hiểu những từ của địa phương kia”[16; 234]. Cuối cùng tác giả chia từ địa
phương thành ba loại:
-23-
4.2.1.1 Từ địa phương đồng nghĩa với từ của ngôn ngữ văn học
Đây là tất cả những từ không dùng ở trong ngôn ngữ văn học, để gọi những sự
vật mà ở ngôn ngữ chung thì người ta dùng những từ khác. Những từ này có thể là
những từ đồng nghĩa với những từ trong ngôn ngữ dân tộc. Ví dụ như tiếng địa
phương dùng cái tô thì trong ngôn ngữ văn học có từ bát. Tương tự có những cặp từ
khác: “cái cà ràng – cái bếp kiềng, cây viết – quản bút, ghe – thuyền, cái muỗng – cái
thìa, ngái – xa...”[16; 234].
4.2.1.2 Những từ địa phương chỉ những hiện tượng chỉ có ở địa phương
đó thôi.
Những từ này không được dùng trong đời sống hàng ngày của toàn dân. Ví dụ
như: sầu riêng, cái phảng, cù ngoéo...[12; 235].
4.2.1.3 Cùng một từ ở tiếng địa phương và tiếng Hà Nội nhưng chỉ hai
vật khác nhau cùng loại
Ví dụ như: (Bắc: mũ, nón – miền Nam: nón), tương tự (xấu hổ - mắc cỡ, mát –
râm mát,...)[16; 235].
4.2.2 Quan điểm của Đỗ Hữu Châu
Theo Đỗ Hữu Châu “về phương thức cấu tạo, các từ địa phương đều dùng những
phương thức như nhau. Các kiểu nhỏ trong từng phương thức vẫn là một. Chỉ trong
khu vực từ láy, ở vùng Bình Trị Thiên các từ láy ba như tay lày lay, toe lòe looe, tênh
tềnh tênh, tiến liền liện hoặc các từ láy tư trậm trầy trậm trật, tòe loe tòe loa, ba láp
ba lúa, thò le thóc lách…không gặp ở địa phương Bắc bộ”[3; 220].
Không những đề cập đến cấu tạo từ địa phương trong “khu vực từ láy”, tác giả
còn chú ý đến các “từ tố”. Tác giả cho rằng, các địa phương cũng dùng những từ tố có
đặc trưng tổng quát giống nhau. Các từ tố cụ thể về đại thể cũng là một. Tuy nhiên có
những từ phức ở địa phương này thì dùng từ tố này, ở địa phương khác thì dùng từ tố
khác.
Tác giả còn đề cập đến hiện tượng “từ tố hóa”. Ông cho rằng “có khả năng nhiều
từ tố được từ tố hóa trong địa phương này nhưng chỉ là từ tố cấu tạo trong địa phương
kia”(5,199).Như trường hợp háy ở Nam bộ dùng độc lập như từ liếc, nguýt, ở Bắc bộ
chỉ là từ tố cơ sở trong từ láy hấp háy,…
Căn cứ về mặt ngữ nghĩa, tác giả chia từ địa phương thành 6 loại:
-24-
4.2.2.1 Những từ địa phương chỉ đặc sản của địa phương do đó không
có từ tương đương ở các tiếng địa phương khác
Ví dụ như sầu riêng, mù u, bánh xu xê…Cũng thuộc loại này những từ ghép phân
nghĩa riêng của từng địa phương tương ứng với các chủng loại phong phú ở địa
phương của những sự vật, hiện tượng chung, như xoài…xoài tượng, xoài thanh ca,
xoài mật …[3; 221].
4.2.2.2 Những từ địa phương không có từ tương đương trong các tiếng
địa phương khác nhưng chúng không chỉ những đặc sản mà chỉ những sự
vật, hiện tượng khắp nơi đều biết, đều ý thức được.
Để chỉ những sự vật hiện tượng đó, những tiếng địa phương không có từ phải
dùng các cụm từ hay câu. Ví dụ sạ là “gieo thẳng ở các ruộng nước”; ém là “giấu kín
bằng cách ẩn , vùi xuống bùn, xuống cát cho khuất”; rộng là “thả cá trong vại để giữ
cho sống”; nhà trệt, tầng trệt là “nhà một tầng, tầng dưới cùng trong một nhà nhiều
tầng”[3; 221].
4.2.2.3 Các từ địa phương có nghĩa hoàn toàn giống nhau nhưng hình
thức ngữ âm hoàn toàn khác nhau
Ví dụ heo (lợn), mè (vừng), khạp (vại), chộ (Nghệ Tĩnh: thấy), ngái (Nghệ Tĩnh:
xa),…[3; 221].
4.2.2.4 Các từ địa phương cò hình thức ngữ âm giống nhau nhưng ý
nghĩa hoàn toàn khác nhau
Ví dụ mận (Nam bộ: quả roi), đào (Thừa Thiên: quả roi), mũ (nón), té (ngã),…
4.2.2.5 Các từ địa phương có hình thức ngữ âm giống nhau (hay khác
nhau do sự sai dị về phát âm), ý nghĩa có bộ phận giống nhau, có bộ phận
khác nhau
Ví dụ từ ngon (Nam bộ) vừa có nghĩa là “ngon” vừa có nghĩa là “tốt, tiện lợi,
không gặp vấp váp hay hỏng hóc”; phóng là “chạy lao ra”; kiếm cũng có nghĩa là
“tìm”; ham, khoái là “thích”[3; 221]. Theo tác giả có thể xem đây là một từ được phân
hóa thành hai nghĩa khác nhau về sắc thái ở những tiếng địa phương khác nhau.
4.2.2.6 Các từ địa phương có hình thức ngữ âm khác nhau nhưng nghĩa
có bộ phận giống nhau, có bộ phận khác nhau
-25-