Tải bản đầy đủ (.pdf) (97 trang)

Nghệ thuật truyện dạ ngân (LV00904)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.03 MB, 97 trang )

1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI 2

NGUYỄN VĂN TÂN

NGHỆ THUẬT TRUYỆN CỦA DẠ NGÂN

Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 60 22 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học:
PGS. TS Tôn Thảo Miên

HÀ NỘI, 2013.


2

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đội ngũ các nhà văn nữ chiếm
một vị trí đáng kể, những sáng tác của họ đã đem đến cho nền văn học nước
nhà những đổi mới, cách tân trên nhiều phương diện. Nhà văn Dạ Ngân là
một trong số những cây bút được người đọc quan tâm trong thời gian qua.
Năm 2005, nhà văn Dạ Ngân đã nhận hai giải thưởng, một của Hội nhà
văn Hà Nội và hai là của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Gia đình bé
mọn. Quan trọng hơn khi tác phẩm được xuất bản thì chính tác giả đã “không


ngờ hiệu ứng của nó lại lớn thế” (1200 cuốn sách đã bán hết trong vòng ba
tháng, hiện nay Nhà xuất bản đã in 1500 cuốn nữa).
Nhiều độc giả “Cảm ơn Dạ Ngân” bởi chị đã cho họ một thân phận, một
cuộc đời để có thể sống, trải nghiệm và suy ngẫm, dù chỉ là qua những trang
viết mà thôi.
Trong thông báo về Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội năm 2004 2005 (Báo Văn nghệ số 42 ra ngày 15-10-2005), có đoạn viết: “Dù đôi chỗ có
dấu hiệu phân vân và ngập ngừng giữa yếu tố tự truyện với hư cấu, Gia đình
bé mọn là cuốn tiểu thuyết chắc tay, chứng tỏ độ chín của cây bút nữ được
độc giả yêu mến từ đồng bằng sông Cửu Long, hiện sống và viết tại Hà Nội,
trao giải cho tiểu thuyết này, Hội nhà văn Hà Nội muốn thêm một lần khẳng
định sức bền của ngòi bút Dạ Ngân”.
Vậy “độ chín” và “sức bền” của ngòi bút Dạ Ngân được thể hiện như thế
nào qua các sáng tác của nhà văn? Đó là điều chúng tôi quan tâm trong luận
văn này.


3

1.2. Theo tự thuật về tiểu sử văn học, Dạ Ngân viết văn ngay từ những
năm sau chiến tranh ( Năm 1978, vì nhiều nguyên do nội tâm, tôi thấy mình
phải viết. Còn nhớ, hôm ấy là một buổi trưa, căn hộ tập thể vắng tanh, tôi ngồi
trước trang giấy mà tay kia vẫn nắm dây đưa võng cho con, đó là đứa con thứ
hai của cuộc hôn nhân do chiến tranh thu xếp. Tôi hết sức tin mình - chắc ai
cũng phải có niềm tin thiêng liêng như vậy mới viết được - tin vào sự thúc
bách lương thiện của trái tim mình. Tạp chí Văn Nghệ tỉnh in truyện ấy vào số
Tết, giờ tôi không dám đọc lại nó nhưng quả tình, lúc nhìn thấy cái truyện đầu
tay của mình trên mặt báo, tôi tưởng mình vừa uống cả dòng sông rượu, ngây
ngất và có thể làm được mọi điều tốt đẹp trên đời). Nhưng có lẽ, sự nghiệp
văn chương của chị chỉ thực sự bắt đầu từ khi làn gió đổi mới, dân chủ của
Đảng thổi bùng lên. Năm 1984, Dạ Ngân viết Con chó và vụ ly hôn. Nhưng

truyện ngắn này đã được cất giữ rất lâu trong tủ để chờ cơ hội. Giữa năm
1986, Con chó và vụ ly hôn mới được in. Dư luận xôn xao quanh truyện ngắn
này có lẽ vì “lần đầu tiên những truyện ... khó nói nhất trong quan hệ vợ
chồng lại được một cây bút nữ viết ra một cách thẳng thắn, sòng phẳng đến
thế” (Nguyễn Hoàng Sơn ). Bản thân Dạ Ngân lúc đó cũng ý thức được rằng
ở thời điểm văn xuôi còn “e dè hay còn mãi trăn trở sau bao cấp” thì chắc
chắn chị sẽ là “người đàn bà đi ngược gió một mình”. Sóng gió qua đi, nhà
văn có vinh dự của một người mở đường. Năm 1987, Tạp chí Văn nghệ quân
đội đã trao giải nhì cho truyện ngắn Trên mái nhà người phụ nữ của Dạ Ngân.
Năm 1989, chị tiếp tục gặt hái được thành công với giải nhì cuộc thi truyện
ngắn của Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh cho truyện Thọ vẽ truyền thần.
Năm 2004 Miệt vườn xa lắm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi
Gia đình bé mọn ... Những sáng tác của chị tuy không trở thành “hiện tượng”
(ngoại trừ tác phẩm Gia đình bé mọn), nhưng cũng có sức hấp dẫn nhất định
đối với độc giả.


4

Với ý nghĩa đó, chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài Nghệ thuật truyện
Dạ Ngân để nghiên cứu với mong muốn trên cơ sở đi sâu tìm hiểu nghệ thuật
trong sáng tác của Dạ Ngân, góp phần khẳng định những đóng góp của nhà
văn đối với sự phát triển của văn xuôi Việt Nam thời kì đổi mới nói chung và
văn xuôi nữ nói riêng.
2. Lịch sử vấn đề
Theo khảo sát của chúng tôi, cho đến nay vẫn chưa có một công trình
nghiên cứu nào thật sự có quy mô và tương đối hoàn chỉnh về mặt nghệ thuật
trong các sáng tác của Dạ Ngân, dù sự nghiệp của nhà văn đã được thời gian
và công chúng khẳng định. Hầu hết, các bài viết hiện có đều mới ở dạng cảm
nhận về một tập truyện ngắn, một tiểu thuyết mới xuất bản, hay một lời giới

thiệu sách. Có lẽ vì Dạ Ngân viết không thật nhiều, lại không thuộc những
“hiện tượng lạ vụt đến” tạo nên những đột biến trong làng văn kiểu như:
Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài... Nhưng lặng lẽ mà quyết liệt
đầy tự tin, nhà văn của miệt vườn miền Tây này đã từng bước khẳng định
được chỗ đứng của mình qua mỗi tác phẩm.
Năm 1986, tập truyện ngắn Quãng đời ấm áp của Dạ Ngân ra mắt bạn
đọc. Tập truyện gồm 12 truyện ngắn với các mảng đề tài khác nhau ở những
thời gian và không gian khác nhau. Đọc Quãng đời ấm áp, Chu Huy có cảm
nhận: “Dù viết về đề tài nào đi nữa, Dạ Ngân đều hướng người đọc tìm đến
cội nguồn trực tiếp hoặc gián tiếp, từ những tình cảm trong sáng, mãnh liệt, từ
những nền tảng tư tưởng không bao giờ mờ phai của những năm tháng chiến
tranh giải phóng đầy hy sinh gian khổ mà rất đỗi hào hùng”. Ở tác phẩm đầu
tay này của Dạ Ngân, Chu Huy nhận ra những ưu trội của văn phong Dạ Ngân
sau này sẽ phát triển thành thế mạnh riêng của chị: “viết khá sành về tâm lý
nhân vật nữ”. Trong nhiều truyện khác, Dạ Ngân cũng gợi được ấn tượng của


5

người đọc bằng “những phát hiện. Đó là đoạn đối thoại trong Thi vị cuộc đời
khi chủ nhiệm trại lúa giống vặn vẹo và răn đe chiến sĩ thi đua nông nghiệp
Trần Thanh Tâm. Đó là tâm trạng xúc động của Dung trong Đêm cuối tuần.
Hình ảnh miệt giồng phong phú của một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với
dòng Nước Đục, xóm chài, cầu khỉ, với những con người với cá tính và ngôn
ngữ địa phương làm cho cách viết của Dạ Ngân thêm dễ mến”. Bên cạnh đó,
tác giả Chu Huy cũng nhận ra những hạn chế khó tránh khỏi của “đứa con đầu
lòng” của Dạ Ngân: “còn đều đều, không có truyện thật nổi bật và giọng văn
kể chuyện ở ngôi thứ nhất ở hầu hết mọi chuyện dễ nhàm chán. Dạ Ngân còn
thiếu một sự nhuần nhuyễn, lô-gic trong khi xử lý các tình huống, các kết thúc
thường phải dùng đến một số yếu tố ngẫu nhiên, nhưng sự cố...”; đồng thời

ông cũng đặt niềm tin: “Con đường truyện ngắn của chị mới là bước đầu, chị
có vốn sống và vật liệu phong phú, lại tinh tế trong nhận xét, nên người đọc
có cơ sở để tin vào những sáng tác tiếp theo của chị”[67]
Cũng qua những truyện ngắn đầu tay này của Dạ Ngân, nhà phê bình
Nguyễn Văn Lưu đã nhận định: “Trong số những cây bút nữ viết văn xuôi
hiện nay, Dạ Ngân là một tác giả trẻ đang được chú ý đến. Truyện của chị
đậm đà tâm tình của một phụ nữ Nam Bộ giàu tình cảm và suy tư luôn trăn trở
về cuộc sống cá nhân và đồng đội, bạn bè với gia đình, quê hương, với lý
tưởng và nghĩa vụ, những khao khát nồng cháy của trái tim thiếu nữ trước
cuộc đời”...
Riêng truyện ngắn được giải nhì Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1987
Trên mái nhà người phụ nữ đã được giới phê bình đánh giá cao bởi một thứ
văn xuôi giàu chất thơ. Nguyễn Trọng Hoàn khẳng định truyện có nhiều đoạn
thành công bởi “ở đó hình ảnh, màu sắc, âm thanh ... được khai thác một cách


6

triệt để làm trang viết trở nên thi vị, thực sự có hồn, khiến người đọc có thể tri
giác như được bước vào thế giới sinh động tồn tại dưới dạng vật chất”.
Năm 1990, tập truyện ngắn Con chó và vụ ly hôn gồm chín truyện ngắn
viết từ năm 1985 đến 1989 ra đời đã khẳng định thêm chỗ đứng của Dạ Ngân
giữa làng văn. Nhà văn Ngô Ngọc Bội, người có công “dọn đường” cho
Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Khách ở quê ra của Nguyễn Minh
Châu và những truyện ngắn đầu tiên của Phạm Thị Hoài đến được với công
chúng trong bài viết về Con chó và vụ ly hôn cho rằng: “Trong những năm
1985 - 1990, một thời văn chương có nhiều biến động : “Tìm tòi - Trăn trở Xô bồ thì Dạ Ngân vẫn bình tĩnh đi theo hướng đã chọn. Vốn là một cây bút
từng trải, dày dặn vốn sống, biết khai thác sự uyên thâm của văn chương bác
học, biết chắt lọc từ cuộc sống thực của đồng bằng sông Cửu Long - một cuộc
sống đa dạng, một vùng ngôn ngữ đa cảm và giàu hình tượng - văn của Dạ

Ngân lắng đọng, vừa ấm áp đôn hậu, vừa dữ dằn cay đắng rất Nam Bộ để rồi
hướng tới cái thiện”. Ông còn nhận ra “cái mạnh nhất, quý nhất của Dạ Ngân
là nghệ thuật khắc hoạ: cách nhìn của góc cạnh. Khai thác tâm lý nhân vật,
tình tiết, chi tiết và sử dụng ngôn ngữ thật tài hoa. Cái đặc thù của chị là khai
thác chiều sâu, truy kích đến cùng. Có thể cũng là tình huống ấy, bối cảnh ấy
người khác viết rất nhạt nhẽo, vô vị. Dạ Ngân đặt đúng chỗ, điểm đúng huyệt,
bằng những nét nhỏ tinh vi, có thể nói là tọc mạch - nét riêng của phụ nữ, làm
cho văn của Dạ Ngân chói lên, người đọc phải sửng sốt ngơ ngác”. Nhà
nghiên cứu văn học Mai Hương trong bài viết “Truyện ngắn của Dạ Ngân” đã
đánh giá cao hướng khai thác, tiếp cận hiện thực riêng, nét đặc sắc trong thế
giới nhân vật và văn phong của Dạ Ngân. Những thế mạnh này đều được phát
huy và thể hiện trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn - cuốn sách tâm huyết và
quan trọng của nhà văn.


7

Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất Gia đình bé mọn đã nhận được nhiều ý
kiến phản hồi từ phía độc giả, các nhà văn, nhà phê bình. Nhà văn Nhật Tuấn
đã viết về Chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt trong Gia đình bé mọn và cho
rằng: “Gia đình bé mọn của Dạ Ngân thật ra chẳng bé mọn chút nào, nó chứa
đựng một dung lượng thông tin nén chặt ... Khác hẳn chiều hướng lảng tránh
hiện thực tạo nên một thứ văn chương tào lao đầy rẫy trên văn đàn hiện nay,
nhà văn Dạ Ngân thực sự đã dũng cảm rọi đèn vào những góc tối, khuất tất
của cuộc sống, làm hiện rõ toàn cảnh bức tranh xã hội đầy nhức nhối hiện
nay”. Nhà văn Hoài Nam trong Bốn lời bình cho tiểu thuyết Gia đình bé mọn
nhận định đây là “cuốn tiểu thuyết kể chuyện gia đình”, qua đó “tác giả cho
thấy một mẫu hình phụ nữ chủ động chèo lái con thuyền cuộc đời mình, một
kiểu phụ nữ kiên nhẫn tới mức “lì lợm” để sống thật và sống đẹp với chính
nhu cầu tinh thần của mình”. Thống nhất với nhận định của Nhà nghiên cứu

Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Hoài Nam khẳng định: Gia đình bé mọn còn là
tiểu thuyết có đề tài “rộng hơn đề tài gia đình”. Đó là thân phận con người
dưới sức ép chiến tranh “Chiến tranh đã khắc dấu ấn của nó lên đời sống xã
hội, lên nhân tính, lên tình yêu của một thời kỳ đằng đẵng ngay cả khi tiếng
súng chỉ còn ám ảnh trong giấc ngủ. Là người từng ở Cứ nhiều năm, sau đó
lại kinh qua thời kỳ hậu chiến như hàng triệu người dân Việt Nam khốn khổ,
nhà văn Dạ Ngân thấu hiểu điều này, và có lẽ Gia đình bé mọn chính là kết
quả của cả một quá trình mà bà đã suy ngẫm rất nhiều về chiến tranh và
những hệ quả của nó, tất nhiên theo cách riêng của bà”. Tác giả của Bốn lời
bình cho Gia đình bé mọn còn khẳng định những phẩm chất làm nên thế
mạnh ngòi bút của Dạ Ngân “sự cẩn trọng và tinh tế trong câu chữ, khả năng
kết hợp nhuần nhuyễn giữa “mỹ văn” và ngôn ngữ đời thường của người Nam
Bộ, sự sắc sảo trong phác hoạ nhân vật bằng một vài chi tiết đắt giá, nhanh


8

gọn; và sau cùng là một cái nhìn cuộc đời - dù với sự phê phán - nhưng vẫn
luôn bằng ánh mắt đôn hậu”.
Cũng về cuốn tiểu thuyết này, dịch giả - nhà nghiên cứu Trần Thiện Đạo
tâm đắc với: “Thuật kể chuyện truyền thống không hoa hoè, không kiểu cách,
không cầu kỳ, có thể bảo là cổ điển đó... là bệ phóng nhấc cuốn tiểu thuyết
trồi lên, nổi bật”.
Tác giả Lê Tú Anh cho rằng Gia đình bé mọn là một cuốn tự truyện dưới
dạng tiểu thuyết và khẳng định đó là sự tìm kiếm thành công về mặt thể loại
của Dạ Ngân.
Theo Hoàng Thị Quỳnh Nga trong bài Cảm ơn Dạ Ngân nhận xét: “Đề
tài về người đàn bà nổi loạn theo quan niệm đạo đức không có gì mới, cốt
truyện cũng khá đơn giản. Nhưng có lẽ điều thành công của Dạ Ngân ở cuốn
sách này là khả năng miêu tả sâu sắc, tinh tế những cảm giác, cảm xúc rất phụ

nữ của Tiệp... cũng như tâm trạng dằn vặt đến quặn thắt của một người luôn
mặc cảm không sống hết mình cho con… Ngoài những trang viết tinh tế và
xúc động về cảm giác và sự giằng xé, Gia đình bé mọn còn hấp dẫn người đọc
bởi bức tranh xã hội thời kỳ bao cấp”.
Còn nhà văn Wayne Karlin (sinh năm 1945 tại New York) đã nhận xét:
“Tiểu thuyết Một Gia Đình Bé Mọn”, cuốn sách lần theo cuộc đời của Lê Thị
Mỹ Tiệp, người đàn bà từng có một thời con gái là nữ du kích góp phần vào
cuộc chiến tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và một xã hội lý tưởng, đến
tuổi trưởng thành, lại đấu tranh cho giải phóng con người và tình yêu cá nhân.
Hành trình của cái “gia đình bé mọn” của Tiệp trùng hợp với hành trình của
đất nước nàng từ đoạn chót của cuộc chiến Việt - Mỹ đến thế kỷ 21, từ ngày
đầu cuộc giải phóng và tái thống nhất đất nước (ít nhất cũng cho bên chiến


9

thắng) đến sự vỡ mộng và suy thoái do những chính sách hậu chiến có tác
dụng khuyến khích tham nhũng, sự làm ăn kém hiệu quả, tiếp tục lòng hận
thù giữa kẻ thua người thắng và cuối cùng là đến tận thời Đổi Mới, thời kỳ
được cho là đất nước đang hướng tới sửa chữa nhiều sai lầm trong quá khứ khi thành công khi không nhưng luôn luôn phải đối mặt với những phức tạp
mới.
Trong khi câu chuyện của Tiệp xẩy ra giữa ba thời kỳ này - giải phóng,
suy thoái, và đổi mới - và có thể tương ứng cho ba thời kỳ này - giải phóng,
suy thoái, và đổi mới - bản thân Tiệp không bao giờ chỉ là vai trò tượng trưng:
Dạ Ngân đã sáng tạo ra một cá nhân hiện thực đầy đặn, một sự đối lập của
kiểu nhân vật thuần túy mang lý tưởng cách mạng rất có giá trong chiến tranh
và sau chiến tranh và trước thời kỳ đổi mới, trong văn học Việt Nam cũng
như trong tư tưởng Khổng giáo với người phụ nữ tam tòng tứ đức. Tác giả đã
làm chúng ta nhận thức được cuộc đấu tranh là có tính cá nhân như thế nào
khi bà xây dựng nhân vật Tiệp là một nhà văn, và một vài nhân vật khác như

vậy nữa - không giống chút nào với những phần còn lại của cái gia đình quy
ước của nàng - những nhân vật mà chân trời và ý nghĩa của sự lựa chọn đã
rộng mở, được phơi bày ra trong văn chương của bà:
“Quả tình, giữa nàng và những người thân là hai thế giới, phía kia không
có Tầng đầu địa ngục, không có Sông Đông êm đềm, không có Người Tình,
không có cả Rôbinxơn và Những người khốn khổ còn nàng thì lúc nào cũng
sách vở bút mực, xê dịch và ham muốn. Những lúc như lúc nầy Tiệp thấy
công việc viết lách của mình thật dị thường, những suy nghiệm của mình thật
phù phiếm, những việc khiến mình đau khổ hoặc khát thèm thật vô bổ. Những
người đàn bà rất biết tận dụng sự chi phối ấy chỉ quan tâm đến tôn ti và trật
tự, đến công dung và ngôn hạnh cổ truyền, đến yên ổn và sung túc, ai là cán


10

bộ thì phải làm rạng danh thân tộc bằng cương vị ngày một cao hơn, ai là
nông dân thì phải chăm chỉ và giỏi nhang đèn. Những bài báo của nàng còn
có thể hiểu được, thứ văn chương mà nàng lọm cọm hằng đêm kia thì thật
đáng hoài nghi vì nó không có hình thù, không có quyền lợi, suy ra nó hư vô
và không quan trọng.”
Tiệp, luôn là một nhà cách mạng và luôn là một độc giả, từ chối nhìn thế
giới qua cái lăng kính của truyền thống hay ý thức hệ. Chẳng hạn, có một thời
kỳ khi mọi người bị cấm nói điều tốt cho những người Việt Nam từng ở phía
bên kia cuộc chiến, và mặc dầu bản thân nàng cũng từng chiến đấu chống lại
họ, nàng vẫn ngưỡng mộ lòng chung thủy và tính cách mạnh mẽ của người vợ
và con gái của một cựu đại tá Nam Việt Nam không còn nhà ở và nghèo đói
đến tận cùng vì đã từng dính líu đến phía thất trận, hơn cả những con người
máy và đạo đức giả cùng cơ quan. Bằng cách này hay những cách khác, cuốn
tiểu thuyết dựng lên hai hoàn cảnh xã hội - nơi lằn chia cắt đất nước vẫn còn
giữ lại một thời gian sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975 - và sự mạnh mẽ

của tính cách nhân vật Tiệp.Gia đình nội ngoại của Tiệp, những người miền
Nam bắt nguồn từ vùng châu thổ sông Mekong đều có truyền thống nho giáo
và cách mạng. Sau khi cha nàng chết trong lao tù của chính quyền Nam Việt
Nam trong chiến tranh, nàng và tất cả anh chị em bắt mối với những người
được gọi là Việt Cộng, những du kích của Mặt trận giải phóng miền Nam
đang chiến đấu chống lại chính phủ và người Mỹ, cuộc chiến chính nàng cũng
tham gia từ năm 16 tuổi. Khi gặp Tuyên lần đầu tiên, người đàn ông sau này
thành chồng nàng, anh ta cũng là một chiến sĩ Mặt Trận, thì mối quan hệ của
họ càng khăng khít hơn và thực ra - như sau này nàng kể lại - phải chăng cũng
vì chiến tranh mỗi ngày càng ác liệt:


11

“nàng rụt sâu xuống hơn trong cái công sự với người thanh niên có thể
chết cùng với mình bởi một quả pháo chụp pháo đào hay pháo trộn gì đó. Dàn
đồng ca của súng đạn, đô la và giàu có chừng như bất tận, không mệt mỏi,
như chúng muốn băm vằm cái ngã ba và cái cây trâm bầu trên đầu họ ra. Tai
Tiệp ù đặc, mắt nàng long lanh cảm thán vì Tuyên đã nắm được tóc nàng kéo
lên đúng lúc và đã ấn nàng xuống cái công sự như cái lỗ huyệt nầy. Nàng cười
sằng sặc rồi nàng mếu máo khóc, bỗng nàng nín bặt vì nghe thấy có hai bàn
tay đang áp vào, hàng nút áo bung ra tự bao giờ, hai trái ngực nàng đang săn
lên run rẩy bởi đôi bàn tay ngốn ngấu trong thứ nước màu sữa đục, lạ quá,
cảm giác được mơn trớn mà cũng được dày vò nâng lên hạ xuống trong mặt
nước có mùi âm phủ, lạ quá. Hình như anh ta có hào hển rằng đã có ý với
nàng từ lâu, ngay hồi mới đầu quân về cơ quan, đã chấm nàng và mơ được
cưới nàng làm vợ... Không gian bỗng lịm đi, tai họa đã qua thật, nàng tót lên
miệng công sự chống tay lên mép đất ngồi thở. Mùi của đất đai cây cỏ bị huỷ
diệt, mùi môi của người thanh niên vừa khám phá được phân nửa nàng dưới
công sự, mùi của thân xác lần đầu nghe thấy nó cồn từ bên trong ra, cấp rấp,

kêu gào sống sót rồi, phơi bày rồi, tận hưởng đi buông xuôi đi. Tuyên dựng
nàng đứng lên: “Giờ phải đi coi chiếc xuồng rồi kiếm chỗ, tụi nó cho pháo
dọn bãi, thế nào hồi nữa cũng có đổ quân nhảy giò!” Thế là có ân tình, có kỷ
niệm sống chết và có cả chữ tín trong sự trao gửi tiết trinh...”
Ở chỗ này Dạ Ngân trở thành một trong số ít nhà văn hiện đại Việt Nam
phơi bày một cách trực tiếp sợi tóc mong manh giữa cái chết và tình dục phát
lộ ra trong thời chiến và cũng có ý ám chỉ sự mù lòa đầy quyến rũ của bản
thân chiến tranh. Người tình đậm đà, đầy dũng cảm chiến trận trở thành tay
quan liêu tự mãn, cuồng tín và một người cha người chồng bàng quan trong
những năm hòa bình sau chiến thắng, “ mẫn cán, cần cù và hoàn toàn đáng
thương hại”. Chủ nghĩa lý tưởng nồng nhiệt xã thân cho đại nghĩa và sự gần


12

kề cái chết đã từng làm họ yêu nhau, làm tình với nhau lần đầu trong nỗi kích
động mạnh mẽ đã không sống sót nổi trước áp lực của cuộc sống trong hòa
bình và Dạ Ngân dùng cuộc sống tình dục của Tiệp như là của đánh cược cho
nỗi thất vọng đó. Trong khi nhiều nhà văn Việt Nam, từ Nguyễn Du, tác giả
Truyện Kiều và vào thế kỷ 18, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã đi trước dùng tình
dục để thám hiểm tính cách và tập tục xã hội (và ngược lại), chuyện mô tả
tình dục một cách trực tiếp của Tiệp là hiếm hoi, ít nhất cũng trong những tác
phẩm văn học Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh mà chúng ta có dịp đọc.
Tiệp đã không thỏa mãn với Tuyên và cô ấy đi tìm một tình yêu lý tưởng, xúc
động và đầy cảm hứng hơn, tự buộc vào những chuyện rắc rối tệ hại, thậm chí
lâm vào những thách thức còn tồi tệ hơn nhiều khi muốn làm lành với chồng,
và cuối cùng thì hai mươi năm lịch sử truyền kỳ, khi Tiệp và Đính, ông chồng
nhà văn xứ Bắc mà nàng đã yêu, người có hoàn cảnh li hôn phức tạp, nào con
cái, công việc, và cảnh tái hôn, cái vũ trụ nhỏ gọi là gia đình “bé mọn”, thực
ra đó là ánh xạ của cuộc đấu tranh của chính đất nước. Trong khi phải đối mặt

với một Việt Nam sau cảnh hoang tàn chiến tranh nặng nề, cảm nhận thất
vọng của Tiệp khi thấy những chiến sĩ từng đánh giặc rất hiệu quả, thì lại kém
cỏi tạo dựng một xã hội mà con người có thể sống được, cảm nhận ấy lan toả
khắp nơi và bi đát. Gia Đình Bé Mọn tràn ngập mô tả sinh động những pha
nhỏ nhặt chuyện tham nhũng, đạo đức giả và ăn trên ngồi trốc, sự nghèo đói
tột cùng và cảnh xếp hàng vô tận để có chút hàng hóa và thực phẩm sau chiến
tranh.
Tiệp đấu tranh để được sống với người mình yêu, vật lộn để xác định rõ
tình yêu của mình cũng như khuôn dạng con người nàng cần phải có trong
đời, thì nước Việt Nam của nàng cũng phải đấu tranh để khẳng định bản thân
mình và tương lai mà nó muốn đạt tới như thế. Tiệp phạm sai lầm, học hỏi để


13

lớn lên, bị biến đổi như thế nào thì đất nước của nàng cũng vậy. Nếu đến thăm
thủ đô Việt Nam hôm nay, thăm đường phố với san sát cửa hàng, những
khách sạn và quán cà phê tràn ngập cùng với những con người kiên nghị và
một tinh thần năng động có mặt ở khắp nơi, ai còn tưởng tượng được cái
nghèo triền miên và cảnh đói khát của những năm bảy mươi, hơn nữa có thể
tưởng tượng là những quả bom đã từng được rải xuống chính những đường
phố này trong những năm chiến tranh. Vẫn còn đói nghèo và bất cập cùng tất
cả những vấn đề mới mẻ đồng hành một cách căng thẳng giữa hiện đại và
truyền thống trong bước ban đầu của toàn cầu hóa. Thế nhưng cũng đã có
những biến đổi hầu như kỳ diệu. Cuốn tiểu thuyết đến với chúng ta năm 2005,
với Tiệp và Đính, với đất nước của họ, vẫn còn nhức nhối bao vấn đề chưa có
lối thoát, vẫn còn cuộc vật lộn để tự khẳng định mình, nhưng thời chiến tranh
đã đi xa và sự hoang tàn cũng đã đi theo nó. Cũng như bản thân Hà Nội, đang
cuộn lên với những đợt sóng ngầm của một thời đại mới: rào cản được hạ
xuống, ý tưởng dám nghĩ dám làm được khởi sắc, những ý kiến được nói to,

giây trói được cởi bỏ, hy vọng đang ló dạng…”
Như vậy, đã có những nhận xét, đánh giá xung quanh sáng tác của Dạ
Ngân từ năm 1986 đến nay. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến mới chỉ dừng lại ở
mức độ ấn tượng, cảm nhận chung hoặc phát hiện, dự đoán thông qua một tập
truyện hay một tiểu thuyết của Dạ Ngân chứ chưa đi sâu nghiên cứu một cách
toàn diện, hệ thống về toàn bộ sáng tác của nhà văn. Xâu chuỗi các bài viết,
các ý kiến về sáng tác của Dạ Ngân từ trước đến nay, chúng tôi thấy các ý
kiến đều thống nhất ở việc khẳng định:
Đề tài sáng tác chủ yếu của Dạ Ngân chính là đề tài gia đình. Song vấn
đề đặt ra trong tác phẩm của bà thường lớn hơn bản thân đề tài, vượt ra ngoài


14

phạm vi đề tài như thân phận và hoàn cảnh con người trong chiến tranh, trong
thời hậu chiến...
Nhà văn Dạ Ngân có sở trường nắm bắt và miêu tả tâm lý nhân vật.
Ngoài ra, ở chị còn có sự cẩn trọng và tinh tế trong từng câu chữ.
Chúng tôi xem đây là những gợi ý quý báu của các nhà phê bình và các
nhà văn, để đi sâu khảo sát một cách hệ thống hơn các sáng tác của Dạ Ngân,
cũng như đóng góp của cây bút này với văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới.
3. Mục đích nghiên cứu
Thông qua việc khảo sát có hệ thống các sáng tác của Dạ Ngân và trên
cơ sở đi sâu tìm hiểu nghệ thuật thể hiện, luận văn nhằm:
- Góp phần làm sáng tỏ nghệ thuật xây dựng nhân vật và cốt truyện cũng
như để tìm hiểu một số thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu trong truyện của Dạ
Ngân.
- Khẳng định những nét đặc sắc làm nên gương mặt văn chương Dạ
Ngân - một cây bút văn xuôi nữ tiêu biểu thời kỳ đổi mới, cũng như những
đóng góp của nhà văn với sự phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại nói

chung, văn xuôi thời kỳ đổi mới nói riêng.
4. Đối tƣợng, Phạm vi nghiên cứu
4.1.Đối tượng nghiên cứu
Nhằm có cái nhìn bao quát về nghệ thuật truyện Dạ Ngân, chúng tôi tập
trung nghiên cứu các phương diện sau đây:
- Văn xuôi nữ Việt Nam đương đại và quá trình sáng tác của Dạ Ngân
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật và cốt truyện trong truyện của Dạ Ngân


15

- Một số thủ pháp nghệ thuật trong truyện của Dạ Ngân
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi khảo sát toàn bộ sáng tác của Dạ Ngân
nhưng tập trung chủ yếu vào các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn. Cụ thể là:
- Tiểu thuyết:
+ Ngày của một đời
+ Miệt vườn xa lắm
+ Gia đình bé mọn
- Truyện ngắn:
+ Quãng đời ấm áp
+ Con chó và vụ ly hôn
+ Cõi nhà
+ Dạ Ngân - Truyện ngắn chọn lọc
+ Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân - Hai mươi năm tình yêu và tác phẩm
(in chung với Nguyễn Quang Thân).
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính
sau đây:
- Phương pháp thống kê, phân loại

- Phương pháp phân tích tổng hợp


16

- Phương pháp so sánh, đối chiếu.
6. Cấu trúc của luận văn
Chương 1: Văn xuôi nữ Việt Nam đương đại và quá trình sáng tác của Dạ
Ngân
Chương 2: Nghệ thuật xây dựng nhân vật và cốt truyện trong truyện của Dạ
Ngân
Chương 3: Một số thủ pháp nghệ thuật trong truyện của Dạ Ngân
.


17

NỘI DUNG
CHƢƠNG 1
VĂN XUÔI NỮ VIỆT NAM ĐƢƠNG ĐẠI VÀ QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC
CỦA DẠ NGÂN.
1. 1. Văn xuôi nữ Việt Nam đƣơng đại.
1.1.1 Bối cảnh xã hội sau đổi mới
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một kỷ nguyên mới
đã mở ra cho dân tộc. Từ đây, một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc trở
thành động lực, mục tiêu định hướng cho mọi sự phát triển trong đó có sự
phát triển của văn học. Khi cuộc chiến tranh vừa kết thúc, thì sức mãnh liệt về
chiến công tạm lắng xuống và thực trạng của đất nước sau chiến tranh với tất
cả những đổ nát, ngổn ngang, bộn bề, nhức nhối đã xuất hiện, đòi hỏi một sự
nhận thức, sự đối mặt với những vấn đề phức tạp đang diễn ra. Suốt ba mươi

năm tắm mình trong thực tiễn chiến tranh, dường như nhà văn chưa có điều
kiện, chưa có thì giờ để nghiền ngẫm suy tư, để quan sát hiện thực từ nhiều
phía. Khi chiến tranh đã lùi lại phía sau, họ mới tìm được một khoảng cách
thích hợp để ngắm nghía, nghĩ suy và nhận diện nó trong tính tổng thể toàn
vẹn và tính nhiều mặt của sự kiện. Những gì trong chiến tranh chưa bộc lộ,
chưa được nhận thức, chưa tiện nói ra thì nay đã phơi bày trước mắt. Trong
niềm vui sum họp Bắc Nam, sum họp gia đình, dòng họ, quê hương có cả
những nỗi buồn do hi sinh mất mát. Trong cái được lớn của đất nước, non
sông, có cái mất của mỗi con người, mỗi gia đình… Với cái nhìn đạo đức thế
sự, thực tại chiến tranh đã bước đầu được lí giải bổ sung, lý giải theo tinh thần
phân tích sâu sắc. Tuy thái độ thận trọng và những chiêm nghiệm sâu lắng của
các nhà văn trong thời kỳ này có làm cho văn học chững lại, thiếu đi cái khí


18

thế của thời ra trận nhưng hình như đó lại là khoảng lặng cần thiết sau chiến
tranh để chuẩn bị cho sự ra đời của những tác phẩm chứa đựng những quan
điểm mới, cái nhìn mới về hiện thực. Hoà bình lập lại, những quy luật của đời
sống chiến tranh tỏ ra không còn hiệu lực. Một quy luật khác đã hình thành và
chi phối tiến trình lịch sử. Nhưng sự thay đổi đó không diễn ra một cách mau
lẹ, chóng vánh, mà có khi còn kín đáo, âm thầm. Cho nên việc nhận thức nó
cũng không phải là việc một sớm một chiều, không ít những quán tính, những
kinh nghiệm đã trở nên lỗi thời, không phù hợp, thậm chí còn cản trở sự phát
triển của xã hội đã không được nhận thức. Tiêu biểu là việc duy trì cơ chế
điều hành xã hội theo kiểu hành chính, tập trung quan liêu bao cấp, gia đình
trị, vấn đề họ tộc … kéo dài gần 10 năm. Với cơ chế này lực lượng sản xuất bị
kìm hãm nặng nề, kinh tế hàng hoá chậm phát triển, đời sống nhân dân vô
cùng khó khăn, cơ sở kỹ thuật hạ tầng không được xây dựng, những vấn đề
chính trị, xã hội hậu chiến không tìm được hướng giải quyết thoả đáng. Mặt

khác, trên lĩnh vực đạo đức tinh thần của xã hội, những vấn đề nhức nhối do
hậu quả của chiến tranh không những không được giải quyết mà còn bùng lên
ở những bình diện khác nhau. “Cái nông thôn hợp tác xã hoà thuận và yên
bình tất cả cho tuyền tuyến ngày nào giờ đã bộc lộ những bê bối, lủng củng,
thậm chí rệu rã trước những cố gắng ràng buộc, trước sự kìm hãm của những
chính sách lỗi thời không còn đáp ứng được đòi hỏi của quy luật vận động và
phát triển. Bên cạnh sự nỗ lực của ý chí, một thực tại khác đã nhen nhóm và
hình thành. Đây chính là mầm mống đầu tiên, là cơ sở để đất nước thức tỉnh
tư duy sau những nỗ lực sai lầm” (Phan Trọng Thưởng - TCVH - số 102003.). Chưa bao giờ kịch tính của sự phát triển lại thu hút sự quan tâm của
toàn xã hội như thời kỳ này. Nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn trong cuộc sống và
trong quá trình sản xuất đã đến lúc chín muồi, đòi phải được bộ lộ và giải
quyết. Vấn đề quan hệ của người nông dân với ruộng đất, hay vấn đề quyền


19

lợi cá nhân, họ tộc … Ý thức về gia đình, dòng họ, quyền hành là những thí
dụ. Mới nghe tưởng là vấn đề nhỏ nhưng thực chất nó là vấn đề trung tâm tác
động đến cơ chế quản lý xã hội, đến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà
nước. Nhiều người nhận xét rằng đây là thời kỳ của những mâu thuẫn, xung
đột không chỉ bề ngoài mà cả bên trong nội dung của mỗi hiện tượng, mỗi vấn
đề. Hơn nữa, đời sống xã hội từ khi chuyển qua cơ chế thị trường càng trở nên
phức tạp và căng thẳng “hằng ngày, hằng giờ diễn ra cuộc đối chứng giữa hai
mặt nhân cách và phi nhân cách, giữa cái hoàn thiện và chưa hoàn thiện, giữa
ánh sáng và bóng tối vẫn còn rơi rớt bên trong tâm hồn mỗi con người miếng đất nương nấu và gieo mầm nhiều lỗi lầm và tội ác” (Nguyễn Minh
Châu “Bến quê” Nxb Tác phẩm mới - HN 1985 tr144). “Cái nhất thời trong
cái muôn đời, cái độc ác nằm ở giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm giữa cái
tinh thần xởi lởi, cởi mở; cái nhảy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị, thái độ
bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ “ (Nguyễn Minh
Châu “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh hoạ”. Văn nghệ số

ra ngày 5-12-1987). Đây cũng là vấn đề ý thức, quan niệm của nhiều nhà văn
trong cao trào đổi mới văn học. Ý thức này trở thành tình cảm, hứng thú, thúc
giục họ cầm bút viết thêm những tấn bi kịch của con người, kiếp người, đặc
biệt là con đường đi tìm hạnh phúc cá nhân của những người phụ nữ trong
cuộc sống bộn bề hôm nay.
Người phụ nữ đời nào cũng vậy, là tặng phẩm tuyệt diệu của tạo hóa.
Nhưng sự phản ánh họ trong văn học qua cái nhìn nghệ thuật của nhà văn thì
mỗi thời mỗi khác. Trong một giai đoạn mà cảm hứng công dân chi phối hoạt
động sáng tác, người phụ nữ trong văn học Cách mạng Việt Nam 1945-1975
ít được nhìn nhận ở những đặc trưng giới tính. Họ thường mang trong mình
một phẩm chất chung xác định giá trị con người là lòng yêu nước, ý chí chiến
đấu, thành tích cống hiến cho tập thể. Họ được ca ngợi là những người “giỏi


20

việc nước đảm việc nhà”. Trong xu hướng tìm lại con người ở những đặc
trưng bản thể và khát khao trần thế, các nhà văn thời kỳ đổi mới nhìn nhận
người phụ nữ nghiêng về những gì thuộc về thiên tính, thiên chức của họ. Văn
học đổi mới không còn nhiều những phụ nữ sắt đá, kiên cường nữa mà thay
vào đó là những con người yếu đuối, nhẹ dạ cả tin, đa cảm, đa đoan... Trong
giai đoạn hiện nay, chúng ta được gặp gỡ đủ loại phụ nữ trong truyện của các
nhà văn nữ. Bằng kinh nghiệm bản thân, các nhà văn này thoải mái phô bày
đời sống của người phụ nữ ở tầng sâu bản thể. Họ đem đến cho văn học
những trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ. Họ cho ta cảm
nhận về người phụ nữ hiện đại, những con người thật đa sự. Sự bất ổn trong
nội tâm của họ là do “bản tính” của họ mà ra chứ không do ai khác gây ra.
Viết văn đòi quyền lợi cho người phụ nữ hoặc phản ánh tình trạng mất bình
quyền nam nữ cũng là mục đích sáng tác của nhiều cây bút nữ thời nay.
Trong văn giới Việt Nam, chúng ta thường nghe câu nói "Văn là người".

Chúng tôi không cho rằng nhà văn sống ngoài đời ra sao thì sống trong tác
phẩm cũng như thế. Văn không phải là tấm gương phản chiếu thành thật con
người tác giả. Tuy nhiên, để hiểu sâu sắc tác phẩm của nhà văn thì một việc
nhất thiết phải làm là tìm hiểu quan niệm của nhà văn về đối tượng thẩm mĩ
mà họ hướng đến. Phải thấy rằng, những nhà văn nữ sau đổi mới trước hết họ
cũng là những người phụ nữ hiện đại. Họ có một nghề nghiệp với những va
chạm phức tạp. Họ có một gia đình với những mối quan hệ bề bộn như nhà
văn Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ...
Mỗi người có một câu chuyện, mỗi người là một dòng sông, nó chảy từ
nguồn ra tới biển. Dòng sông là thứ chúng ta không thể cắt khúc, rồi xóa đi
khúc này khúc nọ được, nó cần có sự liên tục. Trò chuyện với các nhà văn,
lĩnh hội ý kiến của họ cũng như soi bóng mình xuống dòng sông tư tưởng của
họ. Có thể dòng sông này hiền hòa, êm ả, dòng sông kia nhiều ghềnh thác


21

hoặc ngay trên môt dòng sông cũng có khúc dịu dàng, có khúc dữ dội nhưng
chính những nét khác biệt đó lại tạo nên sự cuốn hút mãnh liệt. Quan điểm
của các nhà văn nữ có thể có những điểm tương đồng, cũng có thể khác biệt,
điều đó không có gì khó hiểu. Qua những phát biểu đó, chúng ta hiểu về
người phụ nữ hiện đại trong tác phẩm của họ hơn, nhờ vậy, tác phẩm của họ
đến gần với độc giả hơn.
1.1.2 Những tác giả, tác phẩm tiêu biểu
Từ năm 1986 đến năm nay, xã hội ta có những biến chuyển sâu sắc trên
mọi phương diện: sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã và đang được
đẩy nhanh tốc độ phát triển, việc giao lưu, hội nhập đa phương với thế giới
cũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong xu thế mở cửa. Lịch
sử xã hội luôn tác động và chi phối đến văn học. Đó là một quy luật. Văn học
Việt Nam sau năm 1975 cũng không nằm ngoài quy luật đó. Với một tiền đề

xã hội - thẩm mỹ như thế, sự đổi mới của văn học Việt Nam sau năm 1975 là
tất yếu. Từ nửa sau thập kỉ 80 nhờ công cuộc đổi mới của Đảng Cộng sản
Việt Nam văn học thực sự có bước chuyển đổi lớn. Từ năm 1986 văn học
bước vào công cuộc “cởi trói” cho mình. Sự cởi mở nhiều chiều đã mang đến
những chuyển biến lớn lao về tư duy văn học. Chính vì vậy văn học thời kì
này đa dạng hơn về giọng điệu, phong phú hơn về thể loại và cũng gây nhiều
tranh cãi hơn. Bước chuyển mình của văn học được thể hiện ở cả ba thể loại
là: thơ, kịch, văn xuôi... Ở văn xuôi, thể loại ghi lại dấu ấn rõ rệt nhất với việc
đi sâu phản ánh cái hàng ngày, cái thường nhật. Về ngôn ngữ và phương thức
trần thuật có nhiều thủ pháp mới như: tăng cường đối thoại, độc thoại nội tâm,
miêu tả theo dòng ý thức, đồng hiện. Tất cả những điều đó đã làm tăng thêm
sức hấp dẫn cho văn xuôi. Mười năm đầu đổi mới văn đàn đã chứng kiến sự
được mùa của văn xuôi. Trong đó có sự đóng góp của các cây bút nữ. Người


22

ta nói nhiều đến một nền văn học “mang gương mặt nữ”. “Đã hình thành một
tỉ lệ giữa phái yếu và đấng mày râu là 2/3 - một tỉ lệ đáng gờm. Mười năm sau
đó chúng ta có thể kiểm nghiệm sự sung sức và bền bỉ trong sáng tạo nghệ
thuật của đội ngũ những nhà văn nữ. Bên cạnh thế hệ nhà văn đã trưởng thành
trong chiến tranh như: Lê Minh, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như
Trang, Lê Minh Khuê…, thế hệ nhà văn mới phát lộ tài năng. Đây là đội ngũ
nhà văn đông đảo, trẻ tuổi, sung sức, tự tin và đầy nhiệt huyết. Có thể kể đến
những gương mặt quen thuộc với bạn đọc như: Võ Thị Hảo, Lý Lan, Phạm
Thị Hoài, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị
Châu Giang, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Trần Thùy Mai… Với nhiệt
huyết và sáng tạo không ngừng họ xứng đáng là đội ngũ kế cận thế hệ đàn chị
của mình. Họ đã thể hiện khả năng sáng tạo của mình bằng các ngôi vị quán
quân trong các cuộc thi viết truyện ngắn, tiểu thuyết do tạp chí Văn nghệ quân

đội tổ chức. Mỗi tác giả có một cách viết riêng song ẩn dưới những trang viết
của họ là niềm yêu thương, sự trân trọng, sự cảm thông với số phận của
những người phụ nữ. Các chị đã thể hiện được lợi thế của giới tính khi xây
dựng một thế giới nhân vật nữ có nội tâm phong phú và phức tạp, đào sâu
khai thác những bí ẩn trong tâm hồn người phụ nữ. Các nhà văn nữ có lối viết
phá cách và giọng điệu đa dạng. Nguyễn Thị Thu Huệ chao chát và từng trải
nhưng cũng không kém phần dịu dàng, đằm thắm. Võ Thị Hảo ngọt ngào. Y
Ban táo bạo và khắc khoải trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Ước mơ của chị bán
hàng rong, Thiên đường và địa ngục, Làng Cò, Cưới chợ. Phan Thị Vàng
Anh với lối viết lạnh lùng, trí tuệ và hóm hỉnh. Lý Lan hồn hậu và sắc sảo.
Nguyễn Ngọc Tư sâu lắng và mượt mà trong giọng điệu Nam bộ. Bên cạnh
những mặt mạnh, văn xuôi nữ giới cũng còn những hạn chế như: “chưa tìm
được sự cân đối hài hòa” giữa lí trí và trí tuệ (theo Phương Lựu), quan tâm
đến “chuyện” nhiều hơn “văn” (theo Bùi Việt Thắng) và nguy cơ lặp lại mình


23

khá rõ. Tuy nhiên với những thành công của họ chúng ta tin tưởng rằng họ sẽ
đi xa hơn và sẽ là lực lượng kế cận có nhiều đóng góp cho sự phát triển của
văn học nước nhà.
Trước tiên có thể kể đến là nhà văn Phạm Thị Hoài sinh năm 1960. Bà
là một nhà văn hiện đại, nhà biên soạn và dịch giả. Bà đang sống ở Đức.
Phạm Thị Hoài sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hải Dương. Năm 1977, bà
đến Đông Berlin và học ở Đại học Humboldt, nơi mà bà đã tốt nghiệp chuyên
ngành về văn khố. Năm 1983, bà trở về Việt Nam, sống ở Hà Nội, làm
chuyên viên lưu trữ văn thư rồi bắt đầu viết văn một cách nghiêm chỉnh. Năm
1988, quyển tiểu thuyết đầu tay của bà được xuất bản tại Hà Nội với tựa
đề Thiên sứ rồi sau đó quyển này bị cấm lưu hành. Về sau, Thiên sứ được dịch
sang tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Phần Lan. Năm 1993, bản

dịch Thiên sứ bằng tiếng Đức đã đoạt giải “Tiểu thuyết nước ngoài hay nhất”
của tổ chức Frankfurter LiBeraturpreis trao tặng hàng năm cho tiểu thuyết
xuất bản tại Đức. Riêng bản dịch tiếng Anh thì đoạt giải Dinny O'Hearn cho
thể loại văn học dịch vào năm 2000. Cũng trong năm này, Phạm Thị Hoài rời
Việt Nam sang Berlin, nơi bà đang sống và làm việc hiện nay. Ở Berlin, bà
sáng lập tạp chí Talawas trên Internet có tầm ảnh hưởng lớn. Trong lời bạt
bản dịch Thiên sứ của Tôn Thất Quỳnh Du, ông viết về Phạm Thị Hoài như
sau:
“Ở Việt Nam, cách viết của Phạm Thị Hoài khiến đọc giả và những nhà
phê bình hết lời ca ngợi và cũng lắm kẻ chê bai. Những viên chức văn hóa của
Việt Nam phản đối cái nhìn phê phán của bà về nước Việt Nam hiện tại, bà đã
vi phạm bởi sự thiếu tôn trọng truyền thống và phạm phải những điều cấm kỵ
của xã hội […] Mặc dù bị công kích trên diễn đàn công khai, Phạm Thị Hoài
chưa bao giờ là bị cáo về sự bất đồng quan điểm chính trị. Thay vào đó,


24

những kẻ phỉ báng đã buộc tội bà là có cái nhìn bi quan quá đáng về Việt
Nam, bà đã sỉ nhục “sứ mệnh thiêng liêng của một nhà văn”, thậm chí bà còn
viết “dung tục” nữa. Nhưng, ngay cả những nhà phê bình mạnh mẽ nhất cũng
thừa nhận rằng bà là một nhà văn có con mắt u ám trong việc mổ xẻ chi tiết,
chua cay và hài hước, song lại có thính giác tốt về nhịp điệu của tiếng Việt”.
Ngoài tác phẩm Thiên sứ, được ca ngợi trên bình diện quốc tế, Phạm Thị
Hoài còn xuất bản những tiểu luận, hai tuyển tập truyện ngắn. Đó là Mê
Lộ (1989) và Man Nương (1995). Ngoài ra, bà còn một tác phẩm khác
là Marie Sến (1996). Bà là một dịch giả nổi tiếng về văn chương Đức. Bà đã
dịch

những


tác

phẩm

của Franz

Kafka, Bertolt

Brecht, Thomas

Bernhard và Friedrich Dürrenmatt sang tiếng Việt. Bà còn là người biên soạn
quyển Trần Dần – Ghi: 1954-1960 (Paris, TD Mémoire, 2001), một tuyển tập
các bài báo của Trần Dần. Những tiểu luận và truyện ngắn của bà xuất hiện
trong những tạp chí văn chương ở Hoa Kỳ, Úc, Thụy Sĩ và Đức, ngoài ra còn
xuất hiện trong một số tuyển tập về truyện Việt Nam đương đại, gồm
có: Night, Again và Vietnam: A Traveler's Literary Companion. Riêng
quyển Sunday Menu, một tuyển tập truyện ngắn của bà do Tôn Thất Quỳnh
Du dịch sang tiếng Anh, quyển này được xuất bản lần đầu tại Pháp năm 1977
với tựa đề Menu de dimanche, còn bản tiếng Anh Sunday Menu thì do
Pandarus Books xuất bản tại Úc năm 2006 và được University of Hawaii
Press xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 2007.
Tiếp đến là nhà văn Trần Thùy Mai tên thật là Trần Thị Thùy Mai, sinh
ngày 8 tháng 9 năm 1954 tại Hội An, Quảng Nam. Quê quán: làng An Ninh
Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà, (nay là phường Hương
Long, Thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế.


25


Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế
biết đến khi đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng. Tốt
nghiệp Tú tài 2 từ 1972, chị thi đậu thủ khoa môn văn Đại học Sư phạm Huế.
Sau 1975, chị học tiếp Đại học Sư phạm. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, Trần
Thùy Mai được giữ lại trường, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu môn
Văn học dân gian. Năm 1987, chị quyết định chuyển sang làm biên tập viên
ở Nhà xuất bản Thuận Hóa. Với lối rẽ này, Trần Thùy Mai đã chọn nghiệp
viết làm con đường đi cho riêng mình.
Trưởng thành cùng thế hệ với Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc ở Sài
Gòn, những người cầm bút đầu tiên sau chiến tranh. Có thể nói, đây chính là
thế hệ dò đường đi tìm những đề tài hậu chiến. Tính từ truyện ngắn đầu tay
"Một chút màu xanh" in trên Tạp chí Sông Hương đến nay, nữ nhà văn người
Huế này đã có trên 30 năm cầm bút với hàng trăm tác phẩm truyện ngắn được
nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến. Trong đó, một số truyện ngắn nổi tiếng như:
Gió thiên đường, Thập tự hoa, Quỷ trong trăng, Thương nhớ Hoàng Lan,
Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng, Thị trấn hoa quỳ
vàng...của chị đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật... Trần
Thùy Mai là một trong những nhà văn nữ viết khỏe và khá đều tay hiện nay.
"Những truyện ngắn của chị rất đa dạng, phảng phất không khí đất trời xứ
Huế, quan tâm đến mọi mặt của cuộc sống, nhất là lớp trẻ và nhìn họ với một
con mắt đầy yêu thương và hy vọng". Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Trần
Thùy Mai viết nhiều về những đề tài và nhân vật lịch sử, đặc biệt là những
nhân vật nữ in bóng trong lịch sử triều Nguyễn, gắn liền với Kinh thành Huế.
Trần Thùy Mai từng tâm sự: “Với tôi, viết là một nghề. Nó giống như mọi
nghề khác ở chỗ phải có kỹ năng và lương tâm. Vì thế, trong cuộc đời tôi đã
có nhiều lúc buồn nản nhưng chưa bao giờ thấy chán viết, chưa bao giờ muốn
bỏ bút”.



×