Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Phân tích khái niệm và đặc điểm quan hệ pháp luật hành chính và cho ví dụ minh họa.

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (108.36 KB, 4 trang )

Đề bài: Phân tích khái niệm và đặc điểm quan hệ pháp luật hành chính và
cho ví dụ minh họa.
Ngày nay, sự phát triển của xã hội, sự phức tạp của các quan hệ xã hội thì
nhu cầu đòi hỏi trật tự hóa xã hội bởi một hệ thống quy phạm là rất cần thiết.
Việc điều chỉnh, quản lí xã hội bằng pháp luật là không thể thiếu trong một quốc
gia. Theo đó, quá trình thực hiện pháp luật đã hình thành nên một hệ thống quan
hệ pháp luật đa dạng trên tất cả các lĩnh vực - trong đó có quan hệ pháp luật
trong lĩnh vực quản lí hành chính - là một tất yếu khách quan.
1. Khái niệm.
Quan hệ pháp luật là những quan hệ nảy sinh trong xã hội được quy phạm
pháp luật điều chỉnh và nó tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đời
sống xã hội.
Cũng giống như các quan hệ pháp luật khác, quan hệ pháp luật hành chính
(QHPLHC) là quan hệ xã hội nảy sinh giữa con người với con người trong đời
sống cộng đồng.
Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong quá
trình quản lí hành chính Nhà nước và chỉ do quy phạm pháp luật hành chính
điều chỉnh. Hay nói cách khác, QHPLHC là dạng cụ thể của quan hệ pháp luật,
là kết quả sự tác động của quan hệ pháp luật hành chính theo phương pháp mệnh
lệnh – đơn phương tới các quan hệ quản lí hành chính Nhà nước. Luật hành
chính điều chỉnh các quan hệ này bằng các quy định quyền và nghĩa vụ của các
bên tham gia quan hệ cũng như các vấn đề khác có liên quan đến việc thực hiện
quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này.
2. Đặc điểm.
Là một dạng cụ thể của quan hệ pháp luật, QHPLHC mang đầy đủ các đặc
điểm của một quan hệ pháp luật: là quan hệ ý chí, xuất hiện trên cơ sở các quy
phạm pháp luật, được quy phạm pháp luật điều chỉnh và được cấu thành bởi
quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ có tính chất tương ứng với nhau,
nghĩa là quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại…
Bên cạnh những đặc điểm chung nêu trên, QHPLHC còn có những đặc điểm
đặc trưng giúp ta phân biệt được quan hệ pháp luật hành chính với các loại quan


hệ pháp luật khác:
- Thứ nhất, QHPLHC có thể được phát sinh theo yêu cầu hợp pháp của chủ
thể quản lí hay đối tượng quản lí hành chính. Sự thoả thuận của phía bên kia
không phải là điều kiện bắt buộc để hoàn thành QHPLHC. Thẩm quyền quản lí
hành chính của nhà nước chỉ có thể được thực hiện khi có sự tham gia tích cực
1


từ phía đối tượng quản lí và ngược lại, quyền lợi của đối tượng quản lí chỉ có thể
được đảm bảo nếu có sự hỗ trợ của chủ thể quản lí bằng những hành ví pháp lí
cụ thể.
- Thứ hai, nội dung của QHPLHC là quyền và nghĩa vụ pháp lí hành chính
của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân…nhằm xác lập và duy trì trật tự quản lí
nhà nước. Theo đó, các bên tham gia QHPLHC đều thực hiện quyền và nghĩa vụ
do quy phạm pháp luật hành chính quy định.
Ví dụ: Điều 11 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân thực hiện quyền làm
chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của nhà nước và xã hội, có
trách nhiệm bảo vệ của công, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân, giữ
gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, tổ chức đời sống công cộng”
- Thứ ba, trong QHPLHC phải có một bên chủ thể nhân danh nhà nước sử
dụng quyền lực nhà nước để áp đặt ý chí của mình lên chủ thể kia. Chủ thể được
sử dụng quyền lực nhà nước đó có thể là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được
nhân danh và sử dụng quyền lực nhà nước trong quan hệ này. Các chủ thể đó gọi
là chủ thể đặc biệt, sẽ giữ vai trò là chủ thể hành chính trong quản lí hành chính.
Quan hệ pháp luật hành chính không thể phát sinh hay tồn tại nếu thiếu chủ thể
đặc biệt bởi không thể phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức bình đẳng với nhau về
mặt ý chí.
Ngoài chủ thể đặc biệt, QHPLHC còn xác định chủ thể thường. Đó là các
chủ thể không được sử dụng quyền lực nhà nước và có nghĩa vụ phục tùng việc
sử dụng quyền lực nhà nước của chủ thể quản lí.

Ví dụ: Ủy ban nhân dân các cấp chủ thể đặc biệt của QHPLHC vì họ sử
dụng quyền lực nhà nước quản lí mọi mặt đời sống xã hội như văn hóa, kinh tế,
chính trị...của địa phương đó. Còn những người dân là chủ thể thường vì họ
không có quyền mà chỉ thực hiện theo quyết định của UBND.
- Thứ tư, trong một QHPLHC cụ thể thì quyền của bên này ứng với nghĩa vụ
của bên kia và ngược lại.
QHPLHC là quan hệ “quyền lực – phục tùng” mà theo đó, chủ thể đặc
biệt tham gia vào quan hệ này là trên cơ sở quyền lực nhà nước và chủ thể
thường có nghĩa vụ chấp hành việc sử dụng quyền lực nhà nước của chủ thể đặc
biệt.
Bên cạnh quyền thì chủ thể đặc biệt còn phải có trách nhiệm trong việc sử
dụng quyền lực nhà nước. Chủ thể thường bên cạnh thực hiện nghĩa vụ chấp
hành mệnh lệnh của chủ thể đặc biệt thì họ cũng có những quyền và lợi ích hợp
pháp nhất định.
2


Ví dụ: Quyết định thu hồi đất của chủ tịch UBND xã để xây dựng công
trình công cộng. Ở đây, cán bộ xã đã sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện
thu hồi đất của dân nhằm mục đích chung. Còn nhân dân phải chấp hành trả lại
đất theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp nhân dân phát hiện việc thu
hồi đất và sử dụng không đúng mục đích chủ tịch xã thì có thể tố cáo hành vi đó
là trái pháp luật. Cơ quan tiếp nhân đơn tố cáo có trách nhiệm giải quyết theo
quy định của pháp luật.
- Thứ năm, phần lớn tranh chấp phát sinh trong QHPLHC do cơ quan hành
chính nhà nước giải quyết, theo trình tự thủ tục hành chính. Tranh chấp phát
sinh giữa các chủ thể của quan hệ PLHC gọi là tranh chấp hành chính.
Ví dụ: Theo điểm b khoản 1 điều 2 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án
hành chính ngày 21/5/1996: “Trước khi khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức phải

khiếu nại với cơ quan nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có
hành vi hành chính mà họ cho là trái pháp luật; trong trường hợp không đồng ý
với quyết định giải quyết khiếu nại, thì họ có quyền khiếu nại lên cấp trên trực
tiếp của cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi
hành chính mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
đó hay khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền”.
- Thứ sáu, bên vi phạm nghĩa vụ trong QHPLHC phải chịu trách nhiệm pháp
lý trước nhà nước chứ không phải với bên kia của quan hệ PLHC. Khác với
quan hệ pháp luật dân sự, trong đó quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ này
gắn với lợi ích của bản thân các chủ thể, trong quan hệ PLHC quyền và nghĩa vụ
của các bên gắn liền với hoạt động chấp hành và điều hành của nhà nước.
Ví dụ: Người tham gia giao thông trong thành phố Hà Nội mà không đội mũ
bảo hiểm sẽ bị xử phạt hành chính là 300 nghìn đồng. Ở đây, chủ thể thường đã
không tuân thủ theo quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Chủ
thể đặc biệt là cảnh sát giao thông sử dụng quyền lực nhà nước buộc chủ thể kia
nộp phạt hành chính theo quy định.
3. Kết luận
Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình
quản lí hành chính nhà nước được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành
chính giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo
quy định của pháp luật hành chính. Việc nghiên cứu đặc điểm của QHPLHC
không chỉ có ý nghĩa pháp lí mà còn có ý nghĩa thực tiễn, giúp ta phân biệt rõ
với các quan hệ pháp luật khác một cách sâu sắc hơn.
3


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình luật Hành chính Việt Nam, trường Đại học luật Hà Nội, nxb
CAND, Hà Nội, 2008.
2. Giáo trình Lí luận nhà nước và pháp luật, trường Đại học luật Hà Nội,

nxb CAND, Hà Nội, 2008.
3. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 21/5/1996 (đã
được sửa đổi bổ sung năm 1998 và 2006)
4. Hiến pháp 1992.

4



×