Tải bản đầy đủ (.doc) (19 trang)

Quản lý nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng ở dự án kè Hồ Tây

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (158.42 KB, 19 trang )

LỜI NÓI ĐẦU

Quản lý nhà nước ra đời cùng với sự xuất hiện của nhà nước. Nó có vai trò
quan trọng trong phát triển đời sống kinh tế xã hội. Có nhà kinh tế học đã nói
rằng nền kinh tế thị trường không có sự quản lý của nhà nước như là vỗ tay chỉ
với một bàn tay. Thật vậy, nền kinh tế thị trường với nhiều sắc thái và sức mạnh
tiềm ẩn nó chứa trong mình cả những cơ hội và những thách thức cho mỗi quốc
gia. Thêm nữa, trong nền kinh tế mở với xu thế khu vực hoá, toàn cầu hoá như
hiện nay, nước ta - một nước đang phát triển sẽ có điều kiện kế thừa kinh nghiệm
của các nước phát triển nhưng đồng thời lại phải đứng trước những nguy cơ mới
đó là chịu sự phụ thuộc và tác động của các yếu tố biến động trên thị trường thế
giới. Trước những mâu thuẫn đó quản lý nhà nước và đặc biệt là quản lý hành
chính nhà nước như là một cứu cánh hữu hiệu thể hiện tính tất yếu khách quan.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là phát triển nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải quản lý nền kinh tế
như thế nào cho có hiệu quả nhất và quản lý như thế nào để giải quyết hài hoà
các mối quan hệ lợi ích: lợi ích Nhà nước, lợi ích tập thể, lợi ích cá nhân. Đây là
những câu hỏi lớn luôn đặt ra yêu cầu Nhà nước phải trả lời mỗi khi ra các quyết
định quản lý của mình.
Đánh giá một cách khách quan thực tế hơn mười năm đổi mới vừa qua,
nước ta đã thu được những thành tựu to lớn về các mặt kinh tế - chính trị - xã hội
như: nền kinh tế nước nhà đã có những chuyển mình đáng kể, Đảng và Nhà nước
kiên định đi lên con đường Chủ nghĩa xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn liền với
tiến bộ và trật tự công bằng xã hội… điều đó thể hiện vai trò tích cực và tính

1


hiệu quả của quản lý Nhà nước. Nhưng bên cạnh đó còn bộc lộ không ít những
yếu kém và hạn chế, cụ thể: Tình hình xã hội còn nhiều tiêu cực, kinh tế phát
triển chưa ngang tầm với các nước trong khu vực, quản lý nhà nước về kinh tế


còn yếu do hệ thống pháp luật và chính sách chưa đồng bộ, chưa nhất quán, việc
thực hiện chưa nghiêm… Để khắc phục và giải quyết những vấn đề này không
thể một sớm một chiều mà cần từng bước tìm ra nguyên nhân sâu xa để từ đó đề
ra những biện pháp đồng bộ và phù hợp.
Bằng những kiến thức đã học trong chương trình bồi dưỡng kiến thức
quản lý hành chính nhà nước chương trình Chuyên viên chính, trong tiểu luận
này tôi xin được đề cập đến một tình huống thực tế đã diễn ra tại nơi tôi cư trú để
chứng tỏ một trong những vấn đề vừa nêu. Đó là: “Quản lý nhà nước trong
công tác giải phóng mặt bằng ở dự án kè Hồ Tây”.

2


I. NỘI DUNG TÌNH HUỐNG
1. Hoàn cảnh ra đời
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh Hồ Tây còn gọi là
dự án kè Hồ Tây, có tổng mức đầu tư là 956 tỷ đồng do Uỷ ban nhân dân quận H
làm chủ đầu tư. Đây là một trong chín cụm công trình trọng điểm của Thủ đô Hà
Nội chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được Chính phủ
phê duyệt ngày 4/12/2000.
Dự án này được nhân dân thủ đô hưởng ứng, đồng tình. Nó không chỉ
mang lại cảnh quan đẹp cho xã hội mà còn có lợi ích xát thực đối với người dân
vì đây là cơ hội để người dân tự quy hoạch cho mình trên khu đất thuộc quyền sở
hữu. Thế nhưng dự án đầy tính mỹ thuật đang trôi chảy thì bị chững lại mà
nguyên nhân chỉ là một nét vẽ. Trên thực tế, hơn hai mươi hộ dân cụm 3, thôn V,
phường XL đã phải vô cùng bức xúc và khiếu kiện vì nét vẽ này.
2. Diễn biến tình huống
Sự việc bắt đầu từ bản vẽ xác định chỉ giới đường và kè Hồ Tây. Bản vẽ
này thể hiện với tỷ lệ 1/500 được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt
ngày 22 tháng 11 năm 1997, theo đó thì chỉ giới đường và kè hồ được xác định

theo nguyên tắc: “Tuyến đường được xác định trên cơ sở mép hồ hiện có, cố
gắng hạn chế việc lấn hồ, thay đổi hình dạng hiện tại và giải phóng mặt bằng”.
Để thực hiện dự án kè Hồ Tây, Uỷ ban nhân dân quận H đã thông báo cho
các hộ dân sinh sống xung quanh hồ không được vi phạm chỉ giới làm kè và
đường, cụ thể chỉ giới cách kè hồ là 10,5m và đã được cắm mốc cố định. Hai
nguyên tắc trên và thông báo của Uỷ ban nhân dân quận H đã được 23 hộ gia
đình cụm 3 thôn V ủng hộ và chấp hành triệt để. Tuy nhiên khi xem lại kỹ càng

3


hồ sơ thiết kế thì người ta không khỏi ngạc nhiên và bất đồng vì có một nét vẽ
đang bám sát ven hồ thì đến đúng đoạn đi qua cụm 3 bỗng tách rời khỏi kè ven
hồ, xuyên thẳng vào khu dân cư. Đường vẽ này buộc đơn vị thi công phải cắt bỏ
khoảng 5.000m2 đất của 23 hộ dân đang sinh sống bình an. Nét vẽ còn tiếp tục
đe doạ loại bỏ đi luôn những di tích lịch sử đã được xếp hạng như các chùa TS,
TN, VN có những cây đại thụ có đến hàng trăm năm tuổi để rồi sau đó con
đường mới quay ra bám vào kè ven hồ.
Người dân không khỏi băn khoăn trước đường đi kỳ quoặc của nét vẽ đó.
Họ không biết những điều lợi hại đó ra sao, những ai có lợi và người nào bị hại
từ nét vẽ.
Thứ nhất: Theo nguyên tắc do Uỷ ban nhân dân thông báo là đường và kè
phải bám sát bờ mặt hiện trạng thì nét vẽ này lại đi ngược lại.
Thứ hai: Về mặt kiến trúc cảnh quan thì nét vẽ tạo nên đoạn đường loằng
ngoằng, gấp khúc, phản cảm.
Thứ ba: Về mặt tài chính thì nó lại có hại hơn nhiều, theo tính toán của cơ
quan tư vấn thì nếu thức hiện đúng nét vẽ ấy, dự án sẽ phát sinh thêm kinh phí
khoảng 30 tỷ đồng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Thứ tư: Về phía những hộ dân sinh sống ở cụm 3, họ sẽ phải bỏ ra một
khoản tiền lớn mới có thể khả dĩ tái tạo được cơ ngơi và cuộc sống như hiện có,

như vậy tổng số tiền thiệt nước hại dân có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.
Trong khi đó, người được lợi duy nhất là gia đình ông Nguyễn Văn A,
giám đốc công ty tư vấn thiết kế giao thông công chính Hà Nội. Đây là công ty
trúng thầu lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi và thiết kế kỹ thuật thi công

4


của dự án. Con đường trong thiết kế sẽ đi qua nhà ông A đang sinh sống từ năm
1994 đến thời điểm đó.
Ngày 14 tháng 7 năm 2003, 23 hộ dân sinh sống tại cụm 3 thôn Vệ Hồ
cùng làm đơn khiếu nại lên Uỷ ban nhân dân quận Tây Hồ.
Ngày 3 tháng 8 năm 2003, các hộ dân ở đây tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên
Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội với mong muốn làm sáng tỏ sự việc.
Ngày 4 tháng 9 năm 2003, Thanh tra Hà Nội đã có kết luận: “Thời điểm
xây dựng cơ sở hạ tầng ven Hồ Tây được Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân
Thành phố phê duyệt, công ty tư vấn thiết kế công trình giao thông công chính
do ông A làm giám đốc không liên quan đến công tác quy hoạch. Năm 19971998 công ty do ông A làm giám đốc mới trúng thầu lập báo cáo nghiên cứu tiền
khả thi, báo cáo khả thi và thiết kế kỹ thuật thi công dự án xây dựng cơ sở hạ
tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây trên cơ sở quy hoạch đã được Bộ Xây dựng và
Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà nội phê duyệt. Qua xem xét, công ty tư vấn thiết
kế giao thông công chính Hà Nội không có thẩm quyền liên quan đến xây dựng
và trình duyệt quy hoạch, do vậy không có việc nắn quy hoạch tuyến đường dạo
ven Hồ Tây trước cửa nhà ông A...”
Tuy nhiên, 23 hộ dân nói trên vẫn không đồng tình với kết luận của Thanh
tra thành phố và kiên quyết tiếp tục kiến nghị vì chuỗi sự kiện ngẫu nhiên vô lý
đó. Họ cho rằng việc lập quy hoạch ban đầu chưa thể khảo sát và đưa ra phương
án tối ưu, chỉ khi tiến hành lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi và thiết kế kỹ
thuật thi công thì mới xác định được phương án cụ thể. Do đó không thể nói là
công ty tư vấn thiết kế giao thông công chính Hà Nội không có thẩm quyền liên

quan .

5


Ngày 11 tháng 12 năm 2003, khi nhận được đơn kiến nghị của 23 hộ dân
cụm 3 thôn Vệ Hồ, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Uỷ ban nhân dân Thành phố
Hà nội xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 1 tháng 3 năm 2004, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà nội đã tổ chức
cuộc họp gồm các bên: Uỷ ban nhân dân quận Tây Hồ, vụ chuyên môn của Bộ
Xây dựng, công ty tư vấn thiết kế giao thông công chính Hà Nội, đại diện của 23
hộ dân cụm 3 thôn Vệ Hồ. Trong cuộc họp, các bên đã thống nhất sẽ tổ chức
thăm hiện trường để có căn cứ điều chỉnh phương án (nếu cần thiết).
Ngày 16 tháng 3 năm 2000, các bên đã tổ chức khảo sát hiện trường, tuy
nhiên vẫn chưa thống nhất được phương án cuối cùng, đồng thời Uỷ ban nhân
dân Thành phố Hà Nội cũng chưa có ý kiến chính thức trình Thủ tướng về việc
giải quyết bất đồng.
Câu chuyện dần đi vào ngõ cụt, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, người dân ở
cụm 3 thôn Vệ Hồ vẫn hoang mang khi chưa biết mình sẽ dời đi hay tiếp tục ở
lại.
II. PHÂN TÍCH, XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
1. Cơ sở lý luận
Khái niệm quản lý hành chính Nhà nước
Quản lý Hành chính Nhà nước (QLHCNN) là hoạt động thực thi quyền
hành pháp của Nhà nước, đó là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền
lực pháp luật Nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của
con người do các cơ quan trong hệ thống Chính phủ từ Trung ương đến cơ sở
tiến hành để thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước nhằm duy trì

6



và phát triển cao các mối quan hệ xã hội và trật tự pháp luật, thoả mãn các nhu
cầu hợp pháp của con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quy trình hoạt động chủ yếu của quản lý hành chính Nhà nước
Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ của nền hành chính,
các cơ quan hành chính, các viên chức lãnh đạo và công chức ở các ngành các
cấp cần tuân thủ quy trình hành động gồm những vấn đề sau:
- Quy hoạch, kế hoạch
Trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đã được hoạch định trong
đường lối của Đảng và được Quốc hội thông qua, Chính phủ, các Bộ ngành,
chính quyền các địa phương phải xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế
hoạch phát triển ngành, địa phương.
- Tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước
Xây dựng bộ máy tinh gọn, đảm bảo sự điều hành tập trung, thống nhất,
thông suốt, linh hoạt; giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền những vấn đề do Nhà
nước đặt ra và nhân dân đòi hỏi.
- Sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức.
Thực hiện theo tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn hoá đội ngũ công chức.
Xây dựng đội ngũ công chức có uy tín về chính trị, có phẩm chất đạo đức, giỏi
chuyên môn, có trách nhiệm khi thi hành công vụ.
- Ra các quyết định quản lý hành chính và tổ chức thực hiên quyết định
Các quyết định QLHCNN phải đảm bảo tính hợp pháp và tính hợp lý.
Tính hợp pháp thể hiện các quyết định không trái luật, không vượt quá thẩm
quyền, có lí do xác thực và được ban hành đúng hình thức và thủ tục do pháp

7


luật quy định. Tính hợp lý thể hiện quyết định QLHCNN phải đảm bảo hài hoà

lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân, phải có tính cụ thể và phù hợp với từng
vấn đề, đảm bảo tính hệ thống toàn diện và quyết định QLHCNN phải đảm bảo
kỹ thuật lập qui như văn phong, ngôn ngữ, cách trình bày phải rõ ràng, dễ hiểu,
ngắn gọn, chính xác, không đa nghĩa.
- Phối hợp
Tạo sự đồng bộ trong hoạt động phân cấp, phân hệ của hệ thống hành
chính. Xây dựng một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan
- Sử dụng nguồn tài lực có hiệu quả
Giám sát, kiểm tra, báo cáo, tổng kết, đánh giá

Cải cách hành chính Nhà nước
Cải cách hành chính Nhà nước (CCHCNN) là một quá trình liên tục theo
định hướng nhất định nhằm làm cho hoạt động thực thi quyền hành pháp thích
ứng với đòi hỏi của sự vận động phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia một cách
hiệu lực, hiệu quả.
Trước thực trạng nền hành chính nước ta hiện nay cộng với sự vận động
biến đổi không ngừng của thế giới khách quan thì thực hiện CCHCNN là một tất
yếu. Để CCHCNN đạt hiệu quả cần đánh giá được đầy đủ những mặt ưu khuyết
điểm của nền hành chính, tìm hiểu nguyên nhân, xác định rõ nội dung cơ bản của
CCHCNN từ đó đưa ra được các biện pháp phù hợp.
Trong chương trình tổng thể CCHCNN giai đoạn 2001-2010 của Chính
phủ đã chỉ ra rất rõ các yếu kém của nền hành chính Việt Nam như: chức năng

8


và nhiệm vụ QLNN của bộ máy hành chính chưa thật rõ ràng, phân công, phân
cấp chưa rành mạch. Hệ thống thể chế hành chính chưa đồng bộ, thủ tục hành
chính rườm rà, phức tạp. Tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc. đội ngũ cán
bộ, công chức còn nhiều điểm yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực

chuyên môn…Để khắc phục tình trạng đó thực hiện CCHCNN là cần thiết và
phải được thực hiện trên bốn yếu tố:
- Cải cách thể chế
Xây dựng hoàn thiện thể chế. Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành
văn bản quy phạm pháp luật. Bảo đảm tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh
của cơ quan Nhà nước, của cán bộ, công chức. Tiếp tục cải cách thủ tục hành
chính, thủ tục hành chính phải đảm bảo tính hợp lý, thống nhất, công khai, khoa
học, rõ ràng, dễ thực hiện…
- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính
Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính. Khắc phục
những chồng chéo, trùng lắp. Phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm. Bố trí lại cơ
cấu tổ chức của Chính phủ. Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quang trực thuộc Chính phủ. Cải cách bộ máy chính
quyền địa phương. Từng bước hiện đại hoá nền hành chính.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức
Đổi mới công tác quản lý. Cải cách tiền lương và các chế độ chính sách
đãi ngộ. Đào tạo bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ. Nâng cao tinh thần trách nhiệm
và đạo đức cán bộ.
- Cải cách tài chính công

9


Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách. Đổi mới công tác
kiểm toán, kiểm tra, thanh tra…
2. Phân tích nguyên nhân vụ việc
Để làm rõ sự việc, cần phân định rõ chức năng quản lý của Nhà nước và
phân cấp quản lý về đầu tư và xây dựng phù hợp với mục tiêu của dự án.
- Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, nghiên
cứu các cơ chế chính sách về quản lý xây dựng, quy hoạch xây dựng đô thị và

nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong trường hợp này, Bộ có
trách nhiệm hướng dẫn nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý dự án.
- Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội trong phạm vi chức năng quyền hạn
của mình, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tất cả các tổ chức và
cá nhân liên quan đến dự án kè Hồ Tây theo quy định của pháp luật. Uỷ ban
nhân dân tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch
tổng thể phát triển không gian đô thị.
Như vậy việc Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ xây dựng phối
hợp với nhau trong việc quản lý dự án kè Hồ Tây là đúng nguyên tắc, tuy nhiên
công tác triển khai dự án thì chưa đúng. Uỷ ban nhân dân thành phố giao cho Uỷ
ban nhân dân quận Tây Hồ là chủ đầu tư của dự án là hợp lý, trong công tác quản
lý cần có sự phân cấp, phân quyền, đảm bảo sát với thực tế vì Uỷ ban nhân dân
quận là chính quyền sở tại. Có 4 vấn đề cần làm sáng tỏ, đó là:
Thứ nhất: Công tác khảo sát thực tế chưa đúng, dẫn đến việc quy hoạch,
bản vẽ không phù hợp với tình hình thực trạng của hồ.
Thứ hai: Khi Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội cùng với Bộ Xây dựng
nghiên cứu quy hoạch dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày

10


4/12/2000 thì chưa thể có giải pháp chi tiết, do vậy chỉ khi báo cáo nghiên cứu
tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, và hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công được
phê duyệt thì nét vẽ gây tranh cãi kia mới ra đời. Kết luận của Thanh tra thành
phố cho rằng: “thời điểm xây dựng cơ sở hạ tầng ven Hồ Tây được Bộ Xây dựng
và Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt, công ty tư vấn thiết kế công trình
giao thông công chính do ông A làm giám đốc không liên quan đến công tác quy
hoạch. Năm 1997-1998 công ty do ông A làm giám đốc mới trúng thầu lập báo
cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo khả thi và thiết kế kỹ thuật thi công dự án
xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây trên cơ sở quy hoạch đã

được Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà nội phê duyệt. Qua xem
xét, công ty tư vấn thiết kế giao thông công chính Hà Nội không có thẩm quyền
liên quan đến xây dựng và trình duyệt quy hoạch, do vậy không có việc nắn quy
hoạch tuyến đường dạo ven Hồ Tây trước cửa nhà ông A...” là không đủ tính
thuyết phục. Năm 1997 – 1998 là thời điểm công ty tư vấn thiết kế giao thông
công chính Hà Nội trúng thầu tư vấn, sau đó đến tận năm 2000 mới có phê duyệt
của Thủ tướng, như vậy có thể thấy rằng dự án được hình thành là từ sản phẩm
của công ty do ông A làm giám đốc làm ra, không thể nói nó không liên quan
đến lợi ích của gia đình ông.
Thứ ba: Trách nhiệm của cơ quan công quyền ở đây là chưa cao. Cơ quan
thanh tra đã kết luận sự việc một cách cảm tính chưa cụ thể và rõ ràng, chưa
hoàn toàn phù hợp với các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, từ đó không đưa
ra được kết luận có tính thuyết phục. Điều này khiến cho các cơ quan quản lý
nhà nước lúng túng trong các tác nghiệp chỉ đạo làm dự án dậm chân tại chỗ,
việc chậm trễ và kéo dài thời gian gây thiệt hại và tổn thất không đáng có cho cả
nhà nước và nhân dân. Sau khi Chính phủ có ý kiến, tuy Uỷ ban nhân dân thành

11


phố đã tổ chức cuộc họp các bên để tìm hướng giải quyết nhưng lại đánh trống
bỏ dùi, chưa đưa ra được giải pháp khả thi.
Thứ tư: Sự việc cũng thể hiện sức ì, sự trì trệ và kém linh hoạt trong xử lý
tình huống của các cơ quan chức năng. Cụ thể từ khi người dân có sự phản ứng
và làm đơn lên các cơ quan chức năng là ngày 14 tháng 7 năm 2003 cho đến hơn
một năm rưỡi sau mà dự án kè hồ vẫn chưa hoạt động trở lại được. Sự chậm trễ
kéo dài này đã dần làm mất lòng tin của người dân đối với bộ máy công quyền
Thành phố, đồng thời làm dự án chậm được giải ngân so với kế hoạch hàng năm
trời chắc chắn sẽ gây thiệt hại ít nhiều cho những doanh nghiệp tham gia vào dự
án.

3. Phương án, biện pháp xử lý tình huống
Trước sự việc trên, ta thấy nảy sinh hai vấn đề:
- Nếu quyết định của Uỷ ban nhân dân quận Tây Hồ là khách quan, quá
trình tổ chức thực hiện dự án từ khâu quy hoạch, lập dự án tiền khả thi, lập dự án
khả thi cho đến khâu thiết kế kỹ thuật thi công tuân thủ đúng theo quy định của
nhà nước thì cần có biện pháp cưỡng chế phối hợp với thuyết phục để nhanh
chóng đưa dự án vào hoạt động, chúng ta cần thiết phải có những động thái tích
cực để tăng cường pháp chế XHCN.
- Nếu quyết định của Uỷ ban nhân dân quận Tây Hồ còn chưa đủ tính xác
thực, công tác khảo sát thực tế còn thiếu sót thì chúng ta nên thẳng thắn nhìn lại
vấn đề, dũng cảm nhận ra khuyết điểm để sửa chữa luôn là cách chiếm được lòng
tin của nhân dân. Trước những vấn đề liên quan đến lợi ích của dân, bộ máy nhà
nước càng phải nâng cao trách nhiệm, thực hiện chính sách theo tiêu chí: Của
dân – do dân – vì dân. Sự việc mới chỉ ở phạm vi hẹp (liên quan đến một nhóm

12


người ) mà không xử lý dứt điểm thì uy tín của Đảng và Nhà nước sẽ bị ảnh
hưởng.
Do vậy, có thể thấy thời gian giải quyết các thủ tục hành chính quá dài,
công tác quản lý chưa theo đúng trình tự đầu tư xây dựng cơ bản khiến người
dân, doanh nghiệp phải chịu những tổn thất. Nếu dự án tiếp tục thực hiện theo
nét vẽ trong hồ sơ kia, tổng chi phí sẽ tăng lên đến hàng trăm tỷ đồng, đồng thời
ảnh hưởng đến lòng tin trong dân. Đây là những phát sinh vô lý không cần thiết.
Trong tình hình hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh cải
cách hành chính, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, kỷ cương luật pháp, do
vậy chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại vấn đề và đưa ra một số biện pháp sau
đây:
Một là, Cần thành lập một hội đồng để khảo sát thực tế, xác minh rõ

nguồn gốc 5.000 m2 ở cụm 3 thôn Vệ Hồ:
- Nếu là dạng đất thổ cư có nguồn gốc rõ ràng thì nhất thiết phải điều
chỉnh lại nét vẽ kỳ cục kia theo đúng tinh thần “Tuyến đường được xác định trên
cơ sở mép hồ hiện có, cố gắng hạn chế việc lấn hồ, thay đổi hình dạng hiện tại
và giải phóng mặt bằng”.
- Nếu là dạng đất thổ canh, đất lấn chiếm, không có nguồn gốc rõ ràng
thì nhất thiết phải thuyết phục, cưỡng chế buộc di dời để trả lại hiện trạng ban
đầu cho hồ trước khi kè.
Hai là, Nghiêm túc kiểm điểm công tác thanh tra của Thanh tra Thành phố
trong việc kết luận ngày 4 tháng 9 năm 2003.
Ba là, Làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Chủ đầu tư (Uỷ ban nhân dân quận
Tây Hồ) và công ty tư vấn thiết kế công trình giao thông công chính do ông A

13


làm giám đốc, nếu phát hiện có dấu hiệu liên kết cố tình làm sai quy định về
trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, cố ý điều chỉnh quy hoạch để làm lợi cho cá
nhân thì phải có hình thức kỷ luật thích đáng đối với từng cá nhân.
Bốn là, các cơ quan quản lý cần cải tiến phong cách làm việc nhằm tăng
hiệu quả trong công việc, tăng tính chủ động và linh hoạt. Rút ngắn thời gian ra
các văn bản và quyết định, giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng kịp thời,
dứt điểm.
Năm là, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong
công tác quản lý, điều hành. Bộ xây dựng, Uỷ ban nhân dân Thành phố nên có
sự quan tâm, chỉ đạo sát xao hơn nữa.
Sáu là, các cơ quan cần linh hoạt trong cách giải quyết. Trường hợp này,
khi chưa phân định được rõ ràng tính đúng sai của nét vẽ trong hồ sơ thì nên tập
trung làm sáng tỏ, làm căn cứ để Ban quản lý dự án và nhà thầu tiếp tục thực
hiện dự án.

Bảy là, đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm trong công việc.
Từ thực tế phải tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên trước những vấn đề bất
cập đồng thời Uỷ ban nhân dân quận Tây Hồ cũng phải nhanh chóng cải tiến và
thay đổi quyết định không phù hợp tránh tình trạng quyết định được ban hành từ
năm 2000 đến năm 2004 vẫn chưa được thực thi mà vẫn phải xin ý kiến của Uỷ
ban nhân thành phố và để Phó Thủ tướng phải có ý kiến.
III. KIẾN NGHỊ
1. Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Trong thực tế, hiện nay đối với các doanh nghiệp tư vấn, xây dựng ở Việt
Nam, việc tham gia đấu thầu và thắng thầu thường diễn ra theo ý chủ quan của

14


chủ đầu tư mà không mang tính khách quan khi xem xét hồ sơ để xét thầu. Do
đó, thường gây ra sự móc ngoặc giữa chủ đầu tư và Nhà thầu gây thất thoát cho
Nhà nước và làm mất đi tính công bằng trong đấu thầu. Vì vậy Nhà nước cần
phải xử lý nghiêm minh những sự móc ngoặc đó, tăng cường điều tra những
công trình đấu thầu có ý nghi ngờ.
2. Nhà nước cần xây dựng một nguồn thông tin đầy đủ và chính xác
để phục vụ cho công tác đầu thầu.
Hiện nay, thông tin về các dự dự án là rất thiếu và không tập trung. Thực
hiện chủ trương "Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra" mà thông tin là một
yếu tố hết sức quan trọng và rất cần thiết đối với người dân. Vì thế để công khai
minh bạch thì đối với mỗi một dự án cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước như:
cho phép mở trang Web trên mạng internet, tăng cường hoạt động báo chí và kết
hợp các ngành có liên quan đến xây dựng cơ bản như Bộ Xây dựng, Bộ Kế
hoạch và đầu tư, Uỷ ban nhân dân các cấp... để xây dựng một trung tâm chuyên
cung cấp thông tin về tình hình xây dựng cơ bản nói chung và thông tin chi tiết
của từng dự án nói riêng một cách đầy đủ và kịp thời, có làm như vậy mới tránh

được sự đầu cơ tích trữ bất động sản, gây tác động không tốt đến thị trường
chung, đồng thời tạo điều kiện cho người dân biết và tham gia vào công tác giám
sát, từ đó chất lượng dự án sẽ được nâng cao, hạn chế thất thoát trong xây dựng
cơ bản, đồng thời lòng tin trong dân vào đường lối chủ trương của Đảng, chính
sách của Nhà nước được củng cố.
3. Nhà nước cần củng cố và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ
làm công tác dự án.
Cải cách hành chính một cách toàn diện và quyết liệt nhằm hoàn
thiện thể chế, nâng cao năng lực trình độ, tính chủ động và tinh thần trách

15


nhiệm của cán bộ, công chức, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà.
Cần hoàn thiện các chế độ, quy chế về quản lý dự án nói chung, quản lý đấu thầu
xây dựng nói riêng, chế độ, cơ chế quản lý cần được thường xuyên điều chỉnh,
bổ sung theo sát tình hình thực tế nhằm đảm bảo quy chế đấu thầu, quy chế quản
lý đầu tư và xây dựng đi vào cuộc sống một cách tự nhiên không gò ép.
4. Các văn bản đưa ra phải thực hiện nghiêm chỉnh qui chế ban
hành văn bản.
Cần nghiên cứu kỹ để các quyết định phù hợp với thực tiễn, đáp ứng
nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Nội dung văn bản cần mang tính định
lượng cao, giảm tính định tính tránh mập mờ dẫn đến hiểu lầm hiểu sai,
nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện.
5. Có chế tài xử phạt cụ thể những vi phạm của cơ quan QLHCNN
cũng và các cán bộ, công chức.
Quy định rõ ràng thời gian tối đa để thực hiện những tác nghiệp trong
quản lý. Hoàn thiện và đổi mới luật hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của
Toà Hành chính.


16


KẾT LUẬN
Những vấn đề nảy sinh và vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án kè
Hồ Tây tại cụm 3 thôn Vệ Hồ tuy không phải là phổ biến nhưng đây cũng là một
bài học kinh nghiệm cho các nhà quản lý trong tiến trình thực hiện quy trình xây
dựng cơ bản trên nền tảng có một nền hành chính hiệu quả, trong sạch, vững
mạnh. Hậu quả của sự việc trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 20
hộ dân, hiệu quả kinh doanh của nhà thầu trúng thầu dự án, đồng thời làm giảm
hiệu lực quản lý Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân đến bộ máy quyền lực
Nhà nước.
Đối với công tác quản lý Nhà nước, không những phải phân tích tìm hiểu
rõ nguyên nhân để từ đó có biện pháp xử lý kịp thời những mặt còn tồn tại mà về
lâu dài còn cần phải không ngừng học tập trao dồi đạo đức, chuyên môn, xứng
đáng là công bộc của dân.
Với kiến thức và thời gian hạn chế nên tiểu luận này không tránh khỏi
những thiếu sót. Kính mong được sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy cô giáo để
bài viết được hoàn thiện hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!

17


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ
sung năm 2001)
2. Luật đất đai năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2001 và năm 2003
3. Luật khiếu nại, tố cáo.

4. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003
5. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
6. Tài liệu Bồi dưỡng về Quản lý hành chính Nhà nước chương trình Chuyên
viên chính phần I, II và III cùng với bài giảng của các thầy, cô giáo.
7. Các tài liệu khác có liên quan đến tình huống

18


MỤC LỤC

19



×