Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

đảng bộ tỉnh kon tum lãnh đạo thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo từ năm 1991 2005

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.4 MB, 122 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

NGUYỄN QUANG KHẢI

Đảng bộ tỉnh Kon Tum lãnh đạo thực hiện
công tác xóa đói giảm nghèo từ năm 1991
đến năm 2005

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

HÀ NỘI, 2007


Mục lục
Mở đầu ...................................................................................................................... 2
Chương 1. Vấn đề đói nghèo và thực trạng đói nghèo ở Kon Tum trước khi
tái lập tỉnh (1986-1991) .................................................................................. 9
1.1. Vấn đề đói, nghèo ............................................................................................... 9
1.1.1. Khái niệm đói, nghèo ....................................................................................... 9
1.1.2. Chỉ số xác định đói, nghèo của thế giới ......................................................... 12
1.1.3. Chuẩn đói, nghèo ở nước ta ........................................................................... 14
1.2. Thực trạng đói nghèo ở Kon Tum trước khi tái lập tỉnh (1986-1991) .............. 19
1.2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum ................................. 19
1.2.2. Thực trạng và nguyên nhân đói, nghèo ở Kon Tum trước khi tái lập tỉnh
(1986-1991) ................................................................................................... 25
Chương 2. Quá trình Đảng bộ tỉnh Kon Tum lãnh đạo công tác xóa đói
giảm nghèo (1991-2005) ............................................................................... 32
2.1. Đảng bộ tỉnh Kon Tum lãnh đạo giải quyết căn bản số hộ đói kinh niên,
giảm nhanh hộ đói nghèo (1991-2000) .......................................................... 32
2.1.1. Chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt


Nam (1991-2000) ........................................................................................... 32
2.1.2. Đảng bộ tỉnh Kon Tum vận dụng chủ trương của Trug ương lãnh đạo xóa
đói, giảm nghèo (1991-2000) ........................................................................ 42
2.1.3. Đánh giá kết quả thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở Kon Tum (1991-2000) .. 61
2.2. Đảng bộ tỉnh Kon Tum lãnh đạo xóa hết hộ đói, giảm mạnh hộ nghèo trong
toàn tỉnh (2001-2005) .................................................................................... 68
2.2.1. Chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Trương ương Đảng Cộng sản Việt
Nam (2001-2005) ........................................................................................... 68
2.2.2. Đảng bộ tỉnh Kon Tum vận dụng chủ trương của Trung ương lãnh đạo
thực hiện xóa đói, giảm nghèo (2001-2005) .................................................. 71
2.2.3. Đánh giá kết quả thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh Kon Tum (20012005) .............................................................................................................. 80
Chương 3. Kết quả và kinh nghiệm lãnh đạo xóa đói, giảm nghèo của Đảng
bộ tỉnh Kon Tum (1991-2005)..................................................................... 92
3.1. Thành tựu và hạn chế ........................................................................................ 92
3.1.1. Thành tựu và nguyên nhân ............................................................................. 92
3.1.2. Hạn chế và nguyên nhân ................................................................................ 99
3.2. Những kinh nghiệm ......................................................................................... 105
Kết luận ................................................................................................................. 110
Danh mục tài liệu tham khảo .............................................................................. 113
Phụ lục ................................................................................................................... 119

1


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hiện nay, khi nhân loại đang ở một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của khoa
học - kỹ thuật, đói nghèo vẫn là một vấn đề xã hội nan giải, một thách thức mang
tính toàn cầu [70 tr.425], là một trở lực lớn đối với sự phát triển kinh tế và là
nhân tố gây bất ổn định về chính trị, xã hội. Vì vậy, xóa đói giảm nghèo được coi

là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên hàng đầu trong các mục
tiêu phát triển của mỗi quốc gia và cả cộng đồng quốc tế. Tại khóa họp đặc biệt
của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về phát triển xã hội (tháng 6/2000), tại
Giơnevơ (Thụy Sĩ), các quốc gia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh chiến
dịch “tấn công vào đói nghèo” và khuyến nghị các quốc gia cần có chiến lược về
xóa đói giảm nghèo.
Ở Việt Nam, do nền kinh tế nông nghiệp kém phát triển và hậu quả nặng
nề của cuộc chiến tranh xâm lược và cấm vận kéo dài của các thế lực đế quốc và
phản động quốc tế, nên sau năm 1975, tình trạng đói nghèo trở nên trầm trọng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những bức xúc đó, nhiều địa phương đã chủ
động xây dựng phong trào xóa đói giảm nghèo, sau đó lan rộng và trở thành
phong trào trên cả nước. Từ thực tiễn phong trào, vì lợi ích của nhân dân và góp
phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề toàn cầu, với Nghị quyết
Trung ương 5 khóa VII (6-1993), Đảng ta đã nêu lên một nhiệm vụ có ý nghĩa
kinh tế - chính trị, xã hội to lớn: “Tăng thêm diện giàu và đủ ăn, xóa đói, giảm
nghèo, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng trước
đây là căn cứ cách mạng” [28, tr.8]. Từ đó đến nay, xóa đói giảm nghèo trở
thành một cuộc vận động lớn và là một chủ trương, quyết sách lớn, có ý nghĩa
nhân văn cao cả của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu,
nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nước ta được cộng đồng
quốc tế đánh giá là “điểm sáng về giảm nghèo” trong hơn một thập kỷ qua và
thành quả của cuộc chiến chống đói nghèo cũng là một trong những thành tựu
đáng kể trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.

2


Nằm ở cực Bắc Tây nguyên, Kon Tum có vị trí chiến lược quan trọng về
kinh tế - xã hội, chính trị và quốc phòng, an ninh. Trong những năm đổi mới,
cũng như các địa phương khác trong cả nước, kinh tế - xã hội của Kon Tum tăng

trưởng nhanh và có nhiều tiến bộ rõ rệt, đời sống của đại bộ phận nhân dân được
cải thiện đáng kể. Nhưng bên cạnh đó, một bộ phận dân cư vẫn đang sống trong
vòng lẩn quẩn của đói nghèo. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ VII,
VIII, IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã đề ra các chủ
trương, biện pháp cụ thể và lãnh đạo phong trào xóa đói giảm nghèo đạt được
những thành tựu rất đáng tự hào. Những thành tựu đó không những góp phần
nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ
kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn góp phần tích cực vào việc
đoàn kết đồng bào các dân tộc, đoàn kết lương - giáo và củng cố lòng tin của
nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên theo tiêu chí mới, năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn rất cao
(38,63% trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong cả nước là 22%). Nghị quyết
tỉnh Đảng bộ Kon Tum nhiệm kỳ XIII (2006-2010) xác định: "Đẩy nhanh tốc độ
và nâng cao chất lượng công tác xóa đói giảm nghèo; từng bước rút ngắn khoảng
cách về mức sống giữa các vùng dân cư, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa với
các vùng thị trấn, thị xã", "phấn đấu đến năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống
dưới 18% (tiêu chí 2005)" [80, tr.53].
Để đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh đạt kết quả cao hơn,
toàn diện hơn, trong thời gian tới cần phải có chủ trương đúng đắn và giải pháp
thích hợp. Vì vậy, yêu cầu khách quan đặt ra đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ
tỉnh Kon Tum là phải nghiên cứu, tổng kết chặng đường 15 năm (1991-2005) rút
ra nguyên nhân của những thành tựu và những mặt còn hạn chế trong quá trình
chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh, từ đó rút ra kinh nghiệm nhằm
khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực, những khả năng hiện có nhằm tiếp tục
đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Do ý nghĩa khoa học và do yêu cầu của công cuộc xóa đói giảm nghèo ở
địa phương, tôi chọn đề tài “Đảng bộ tỉnh Kon Tum lãnh đạo công tác xóa đói

3



giảm nghèo từ 1991 đến 2005” để làm luận văn Thạc sỹ Lịch sử, chuyên ngành
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Vấn đề đói nghèo và xóa đói giảm nghèo đã và đang thu hút sự quan tâm
của cả cộng đồng thế giới và ở Việt Nam, cho nên đây là đề tài được nhiều nhà
khoa học tham gia nghiên cứu, nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế đề cập đến.
Hội nghị chống đói nghèo khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Uỷ ban
kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức tại Băng cốc (Thái
Lan) (9/1993) đã bàn về khái niệm chung, các tiêu chí đánh giá sự nghèo đói và
những giải pháp chống đói nghèo trong khu vực. Các quốc gia tham dự hội nghị
đã trình bày các hoạt động, quan điểm và giải pháp xóa đói giảm nghèo ở nước
mình, từ đó đề xuất khuyến nghị phối hợp cùng nhau giải quyết vấn đề đói
nghèo.
Hội nghị về phát triển xã hội do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Côpenhaghen
(Đan Mạch) tháng 3/1995 đã tập trung thảo luận vấn đề xóa đói giảm nghèo, nêu
lên trách nhiệm của các tổ chức quốc tế và các nước phát triển trong việc hỗ trợ,
giúp đỡ các nước đang phát triển xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa
nước giàu và nước nghèo.
Hội nghị Thượng đỉnh thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc năm 2000 đã
thông qua Tuyên bố thiên niên kỷ và xác định mục tiêu giảm 50% tỉ lệ đói nghèo
năm 2000 (tức là 600 triệu người) vào năm 2015. Hội nghị cấp cao của Đại hội
đồng Liên Hợp Quốc họp vào tháng 9/2005 cũng khẳng định nỗ lực toàn cầu
trong việc giải quyết mục tiêu thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo.
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu thực trạng đói nghèo và tìm giải pháp xóa
đói giảm nghèo là đề tài được nhiều giới nghiên cứu quan tâm và tiếp cận từ
nhiều góc độ khác nhau. Đến nay đã có nhiều công trình và bài báo đã được
công bố, như:
- Công ty ADUKI (Tổ chức nghiên cứu và hợp tác phát triển quốc tế Thụy
Điển - SIDA), “Vấn đề nghèo ở Việt Nam” (1996), đã đưa ra khái niệm về

nghèo, đi sâu phân tích tình hình hiện nay của các nhóm nghèo ở Việt Nam,

4


đánh giá tác động của công cuộc đổi mới với người nghèo gắn liền với các vấn
đề y tế, giáo dục, tín dụng…
- Cuốn “Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở nông thôn nước ta hiện nay” của
Nguyễn Thị Hằng (1997) nghiên cứu vấn đề đói nghèo ở các chế độ xã hội và ở
nước ta, nghiên cứu quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh về mục tiêu lý tưởng của chế độ xã hội chủ nghĩa, nêu lên tính tất yếu
khách quan của việc xóa đói giảm nghèo, thực trạng đói nghèo và một số phương
hướng, biện pháp xóa đói giảm nghèo ở nông thôn nước ta hiện nay.
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (1/1999) - Chương trình quốc gia
xóa đói giảm nghèo, “Kỷ yếu hội nghị triển khai chương trình mục tiêu quốc gia
xóa đói giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt
khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa”, Nxb. Lao động xã hội. Kỷ yếu trích
những bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, báo cáo của
lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan của
Chính phủ và báo cáo của một số địa phương về tình hình, kết quả thực hiện
chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo trong năm 1997, 1998 và
phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xóa đói giảm nghèo trong năm
1999, 2000 tại Hội nghị.
- “Tiếp tục thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo” của Đàm Hữu Đắc,
Tạp chí Lao động và xã hội số 01/ 2001 và “Bước tiến mới của sự nghiệp xoá
đói giảm nghèo” của Nguyễn Thị Hằng, Tạp chí Lao động và xã hội số 04/2001.
Trong các bài báo khoa học này, các tác giả đã khẳng định bước tiến mới, những
thành tựu, cũng như chỉ ra những tồn tại trong thực hiện chương trình mục tiêu
quốc gia xóa đói giảm nghèo 1998-2000 và nêu lên phương hướng, nhiệm vụ,
giải pháp thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo trong giai đọan tiếp theo.

- Kỷ yếu hội thảo “Trao đổi thông tin về nghiên cứu và thực hiện xóa đói
giảm nghèo” do Viện khoa học xã hội tại TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/5/2001 tại TP Hồ Chí Minh.
- “Các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với mục tiêu xóa đói
giảm nghèo đến năm 2005” của Tống Thị Minh, Tạp chí Lao động và xã hội, số
14 (5/2003).

5


- Vấn đề xóa đói giảm nghèo cũng được đề cập đến trong một số luận văn
Thạc sĩ. Trong các công trình đó, các tác giả đã đề cập đến thực trạng phân hóa
giàu - nghèo, nguyên nhân đói nghèo ở nước ta và đề xuất những giải pháp xoá
đói giảm nghèo ở các địa phương của nước ta.
Vấn đề xóa đói giảm nghèo trong những năm 1991-2005 được đề cập đến
trong các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ X (5/1992), XI
(5/1996) và XII (1/2001); trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, báo cáo
công tác của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội và Cục Thống kê tỉnh Kon Tum. Đây là những nguồn tài liệu quan
trọng giúp cho việc nghiên cứu xóa đói giảm nghèo ở Kon Tum.
Như vậy, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu và trình bày một
cách có hệ thống vấn đề “Đảng bộ tỉnh Kon Tum lãnh đạo công tác xóa đói giảm
nghèo từ 1991 đến 2005”.
3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài
* Mục đích:
- Làm rõ quá trình Đảng bộ tỉnh Kon Tum lãnh đạo công tác xóa đói giảm
nghèo trên địa bàn tỉnh từ năm 1991 đến năm 2005.
- Đánh giá bước đầu những thành tựu, hạn chế của công cuộc xóa đói
giảm nghèo ở tỉnh Kon Tum (1991-2005).
- Nêu lên những kinh nghiệm bước đầu trong lãnh đạo công tác xóa đói,
giảm nghèo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum để vận dụng nhằm đẩy mạnh công tác

này trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
- Góp phần củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
* Nhiệm vụ:
Để đạt được mục đích trên, luận văn thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Phân tích vấn đề đói nghèo ở nước ta, đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã
hội, thực trạng và nguyên nhân đói nghèo ở Kon Tum trước khi tái lập tỉnh.
- Trình bày một cách có hệ thống quá trình Đảng bộ tỉnh Kon Tum vận
dụng quan điểm, chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam để lãnh đạo công tác
xóa đói giảm nghèo ở địa phương từ 1991-2005.

6


- Trình bày những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của công cuộc xóa
đói, giảm nghèo của Kon Tum từ năm 1991 đến năm 2005.
- Tổng kết những kinh nghiệm lãnh đạo công tác xóa đói, giảm nghèo của
Đảng bộ từ năm 1991 đến năm 2005
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu: Nội dung quá trình lãnh đạo công tác xóa đói,
giảm nghèo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum từ năm 1991 đến năm 2005 theo tinh
thần Nghị quyết Đại hội VII, VIII, IX của Đảng cộng sản Việt Nam và Nghị
quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X, XI và XII.
- Phạm vi nghiên cứu: Xóa đói giảm nghèo vừa là vấn đề kinh tế, vừa là
vấn đề xã hội, bao gồm nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, thông tin, giáo dục, y
tế... Luận văn này chỉ tập trung nghiên cứu vấn đề Đảng bộ tỉnh Kon Tum lãnh
đạo thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo trên lĩnh vực kinh tế từ năm 1991
đến năm 2005.
5. Cơ sở lý luận, nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
* Cơ sở lý luận:
Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ

Chí Minh, các Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề xóa đói giảm
nghèo cho nhân dân.
* Nguồn tư liệu:
Tư liệu phục vụ cho việc viết luận văn này được khai thác từ:
- Một số tác phẩm kinh điển, những tác phẩm, bài nói, bài viết của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam và
Đảng bộ tỉnh Kon Tum.
- Các báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Hội Nông dân, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hội phụ nữ tỉnh, Cục Thống kê tỉnh về công tác xóa đói
giảm nghèo và các nội dung có liên quan.
- Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các nguồn tài liệu thành văn trên các báo,
tạp chí có liên quan đến nội dung của luận văn.

7


* Phương pháp nghiên cứu:
Trong luận văn, tác giả sử dụng chủ yếu là phương pháp lịch sử và
phương pháp lôgic. Bên cạnh đó, còn sử dụng các phương pháp: phân tích, tổng
hợp, thống kê, đối chiếu, so sánh... Trên cơ sở chọn lọc và xử lý các nguồn tư
liệu, các dữ liệu trong mối quan hệ với nhau để luận giải các vấn đề mà luận văn
đề cập tới.
6. Đóng góp của luận văn
* Đóng góp mới về mặt khoa học của luận văn:
- Luận văn trình bày một cách hệ thống quá trình Đảng bộ tỉnh Kon Tum
lãnh đạo thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo những năm 1991-2005, góp phần
khẳng định tính đúng đắn của những chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng.
- Đánh giá đúng kết quả của công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở tỉnh Kon
Tum trong những năm 1991-2005.
- Bước đầu rút ra những kinh nghiệm của Đảng bộ trong quá trình lãnh
đạo công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương để vận dụng nhằm đẩy mạnh

công tác này trong thời gian tới.
* Giá trị thực tiễn của luận văn:
Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu, hoạch
định chính sách xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Luận văn còn có thể góp một
phần trong cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum, cung cấp thêm tư liệu cho việc nghiên
cứu và giảng dạy lịch sử địa phương trong thời kỳ thành lập lại tỉnh Kon Tum đến năm
2005.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và mục lục, luận văn
gồm có 3 chương, 6 tiết:
Chương 1: Vấn đề đói, nghèo và thực trạng đói, nghèo ở Kon Tum trước
khi tái lập tỉnh (1986-1991)
Chương 2: Quá trình Đảng bộ tỉnh Kon Tum lãnh đạo công tác xóa đói,
giảm nghèo (1991-2005).
Chương 3: Kết quả và kinh nghiệm lãnh đạo xóa đói, giảm nghèo của
Đảng bộ tỉnh Kon Tum (1991-2005)

8


Chương 1
VẤN ĐỀ ĐÓI NGHÈO VÀ THỰC TRẠNG ĐÓI NGHÈO
Ở KON TUM TRƯỚC KHI TÁI LẬP TỈNH (1986-1991)
1.1. Vấn đề đói, nghèo
1.1.1. Khái niệm đói, nghèo
Đói nghèo là một hiện tượng phổ biến và hiện nay là một trong những vấn
đề có tính toàn cầu. Đói nghèo biểu hiện thu nhập, mức sống thiếu thốn so với
nhu cầu cơ bản của một bộ phận dân cư ở từng quốc gia, cũng như ở từng khu
vực trong một quốc gia. Vì vậy, nó là một khái niệm động, có nội dung cụ thể
tuỳ thuộc vào từng quốc gia, từng vùng, từng khu vực, từng nhóm dân cư. Trên

thực tế, các tiêu chí xác định đói nghèo luôn biến đổi. Ở thời điểm này, vùng
này, nước này thì các chỉ số đo được là đói nghèo, nhưng sang thời điểm khác,
vùng khác, nước khác có thể tiêu chí đó không chính xác. Điều đó giải thích tại
sao có rất nhiều quan niệm, định nghĩa khác nhau về đói nghèo.
Đói là tình trạng con người ăn không đủ no, không đủ năng lượng cần
thiết để duy trì sự sống hàng ngày và để tái sản xuất sức lao động. Người Việt
Nam thường nhận diện tình trạng đói ở hai dạng là thiếu đói và đói gay gắt.
Thiếu đói là tình trạng của một bộ phận dân cư có mức sống dưới mức tối thiểu,
chỉ đủ khả năng bảo đảm mức lương thực bữa đói, bữa no và có những khi đứt
bữa một hoặc hai, ba tháng. Đói gay gắt là tình trạng của bộ phận dân cư có mức
sống dưới mức tối thiểu, đói ăn, đứt bữa. Đó là tình trạng đói kinh niên (thiếu ăn
thường xuyên kéo dài nhiều năm) và thậm chí rơi vào cùng cực, không có gì để
ăn, nếu không được cứu trợ khẩn cấp thì có thể dẫn tới cái chết, gọi là đói gay
gắt cấp tính. Tình trạng đói như vậy thuần túy là đói ăn, nằm trọn trong phạm trù
kinh tế - vật chất. Nó khác với đói thông tin và hưởng thụ văn hóa, tức là thuộc
phạm trù đời sống văn hóa - tinh thần.
Nghèo đồng nghĩa với nghèo khổ, nghèo túng, là tình trạng không có đủ
những thứ cần thiết để sống. Theo quan niệm của Liên hợp quốc, nghèo có hai
dạng là nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối. Nghèo tuyệt đối là tình trạng một bộ

9


phận dân cư không có khả năng thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu để duy trì cuộc
sống về ăn (thiếu ăn nhưng không đứt bữa), mặc, ở, vệ sinh, y tế, giáo dục.
Nghèo tương đối là tình trạng của một bộ phận dân cư có mức sống dưới mức
trung bình của cộng đồng tại địa phương.
Tất nhiên, dù ở dạng nào thì cặp đôi khái niệm đói và nghèo vừa có sự
khác biệt về mức độ và cấp độ, vừa có mối quan hệ chuyển hóa lẫn nhau. Nghèo
là một kiểu đói tiềm tàng và đói là sự hiển hiện của nghèo. Đã lâm vào tình trạng

đói, mà biểu hiện trực tiếp là đói ăn, thiếu lương thực và thực phẩm thì đương
nhiên là nghèo. Nghèo và nghèo khổ kéo dài, tức là đang sống trong cái vòng
luẩn quẩn của sự trì trệ, túng thiếu, mà nếu không thoát ra được thì chỉ cần xảy ra
những biến cố đột xuất của hoàn cảnh (thiên tai, dịch bệnh, rủi ro…) là con
người dễ dàng rơi xuống cảnh đói (đói khổ, đói rách). Ở đây, chúng ta xem xét
hiện tượng đói, nghèo ở góc độ đời sống kinh tế - vật chất, tức là tính vật chất
của nó. Chủ thể của đói, nghèo được xem xét ở đây là con người, từng cá thể
cũng như trong phạm vi xã hội, cộng đồng dân cư, được xác định với quy mô lớn
nhỏ, rộng hẹp khác nhau.
Tại Hội nghị về chống nghèo đói do Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực
châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức tại Băng Cốc - Thái Lan (tháng 91993), các quốc gia trong khu vực đã đưa ra định nghĩa về nghèo đói: “Nghèo là
tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn nhu cầu cơ bản
của con người mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ
phát triển kinh tế xã hội và phong tục tập quán của địa phương” [43, tr.22-23].
Đây là khái niệm chung nhất, hướng dẫn phương pháp đánh giá, nhận diện
những nét chủ yếu và phổ biến về đói nghèo. Dù các tiêu chí và chuẩn mực của
đói nghèo về định lượng còn để ngỏ, vì chưa chỉ ra những khác biệt cũng như sự
chênh lệch giữa các vùng miền, các điều kiện lịch sử cụ thể quy định trình độ
phát triển ở mỗi nơi, nhưng giá trị của quan niệm này là đã chỉ ra tiêu chí xác
định đói, nghèo là những nhu cầu cơ bản của con người (những cái thiết yếu, tối
thiểu để duy trì sự tồn tại như ăn, ở, mặc), mà người đói nghèo không có khả
năng thụ hưởng và thoả mãn.

10


Nếu như quan niệm của Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực Châu Á - Thái
Bình Dương còn bỏ ngỏ về mặt định lượng thì tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới
về phát triển xã hội, tổ chức tại Côpenhaghen - Đan Mạch (năm 1995) đã đưa ra
một định nghĩa cụ thể hơn về đói nghèo như sau: Người nghèo là tất cả những ai

mà thu nhập thấp hơn 1 USD/người/ngày, là số tiền được coi như đủ để mua
những sản phẩm thiết yếu để tồn tại. Quan niệm này có sự hợp lý và hiện nay,
thước đo về GDP vẫn được thế giới xem là một trong những tiêu chí phổ biến để
đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia. Theo đó Ngân hàng Thế giới đã
từng đưa ra chỉ tiêu đánh giá mức độ giàu nghèo của các nước, dựa vào
GDP/năm quy ra USD.
Tuy nhiên, cách đánh giá này cũng chỉ mang tính tương đối và có hạn chế
nhất định, bởi vì không phải bất cứ nước nào có GDP cao là hết đói nghèo.
Trong thực tế, ở nhiều nước tư bản phát triển, GDP rất cao, nhưng tình trạng đói
nghèo vẫn diễn ra và người nghèo chủ yếu là nhân dân lao động. Vấn đề là ở chỗ
mức hưởng thụ thực tế của nhân dân lao động, cũng như sự công bằng mà xã hội
đạt được như thế nào. Như vậy, nếu chỉ dựa vào GDP thì trong nhiều trường hợp
sẽ không phản ánh hết được tình trạng giàu nghèo trong dân cư. Sự phát triển
bền vững đòi hỏi trong suốt quá trình phát triển phải đảm bảo cả về mức sống và
chất lượng cuộc sống của dân cư theo mục tiêu công bằng xã hội. Suy cho cùng,
sự tồn tại của con người nói chung hay người giàu và người nghèo nói riêng,
điểm khác biệt cơ bản để phân biệt họ chính là cơ hội lựa chọn của mỗi người
trong cuộc sống. Vì vậy, ngày nay các nước trên thế giới nhất trí cho rằng việc
đánh giá mức sống của con người, việc bình xét các quốc gia thuộc loại nước
giàu hay nghèo, phát triển hay đang phát triển là dựa vào chỉ số về phát triển con
người (HDI) - một tiêu chí tổng hợp gồm ba chỉ tiêu cơ bản là GDP bình quân
đầu người trong năm, thành tựu y tế xã hội và trình độ văn hoá giáo dục.
Trên thực tế, chỉ số xác định đói nghèo luôn biến đổi, do sự tác động của
sự phát triển sản xuất, mức tăng trưởng kinh tế, sự tăng lên của nhu cầu con
người và những biến đổi của xã hội. Vì vậy, các nhà nghiên cứu lý luận về vấn
đề giàu nghèo và phân hóa giàu - nghèo thường gắn vấn đề này với lý thuyết

11



phát triển. Như vậy, phải có một quan niệm hiện đại về phát triển làm cơ sở cho
việc nghiên cứu về đói nghèo, phân hóa giàu - nghèo và xóa đói giảm nghèo [43,
tr.20-22].
Đói nghèo có nguồn gốc, căn nguyên từ kinh tế. Song với tư cách là một
hiện tượng phổ biến ở tất cả các quốc gia, dân tộc trong tiến trình phát triển, đói
nghèo không bao giờ là hiện tượng kinh tế thuần túy, mà thực chất là một hiện
tượng kinh tế - xã hội, vừa có mặt kinh tế và vừa có mặt xã hội. Nhân tố chính trị
và văn hóa có tác động, ảnh hưởng tới hiện trạng, xu hướng và cách thức giải
quyết vấn đề đói nghèo. Điều này có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực
tiễn trong việc nghiên cứu và tìm kiếm đồng bộ các giải pháp nhằm xóa đói giảm
nghèo.
Như vậy, dù có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng tựu trung lại, quan
niệm về đói nghèo phản ánh những khía cạnh cơ bản sau đây:
- Không được hoặc ít được thụ hưởng những nhu cầu cơ bản ở mức tối
thiểu dành cho con người.
- Mức sống của người nghèo, hộ nghèo thấp hơn mức sống trung bình của
cộng đồng dân cư tại địa bàn sinh sống.
- Thiếu hoặc không có cơ hội lựa chọn để tham gia vào quá trình phát
triển của cộng đồng.
Đói nghèo là một hiện tượng kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến
cuộc sống và sự phát triển của toàn xã hội, là vấn đề có tính quốc gia và có tính
toàn cầu. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, gây bất bình đẳng xã
hội, kìm hãm sự phát triển con người, phá hoại môi trường sống, làm xuất hiện
nhiều nguy cơ đe dọa sự ổn định chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững.
1.1.2. Chỉ số xác định đói, nghèo của thế giới
Chỉ số đói nghèo (còn gọi là đường nghèo hay chuẩn đói, nghèo) là công
cụ để lượng hóa mức độ đói, nghèo và nó thay đổi cùng với sự tăng trưởng và
phát triển kinh tế. Đó là cơ sở để xác định đối tượng, mục tiêu tác động (hưởng
lợi) từ các chính sách xóa đói, giảm nghèo.


12


Để lượng hoá đói, nghèo, người ta thường dùng số đo hiện vật quy theo
gạo, hoặc quy thành tiền theo bình quân đầu người trong một tháng, trong đó có
tính đến những biến đổi lên xuống về giá cả tiêu dùng trên thị trường, đặc biệt
khi có khủng hoảng, suy thoái kinh tế hay lạm phát.
Về mặt năng lượng, trong một ngày nếu con người không được đáp ứng
mức 1.500 kcal/ngàyđêm thì là thiếu đói, dưới mức đó là đói gay gắt. Căn cứ vào
lượng calo tối thiểu cung cấp cho cơ thể để bảo đảm sống được, người ta tìm ra
giới hạn của nghèo đói và đối với từng vùng, từng khu vực, từng quốc gia khác
nhau thì chỉ số này sẽ khác nhau. Tuy nhiên, mức phổ biến được nhiều nước trên
thế giới thừa nhận và áp dụng là 2.100 kcal/ngày đêm/người [41, tr.53].
Kinh tế càng phát triển, thì chi tiêu cho nhu cầu lương thực, thực phẩm
ngày một giảm đi, thay vào đó là nhu cầu phi lương thực ngày càng tăng.
Tỷ lệ hộ nghèo không đồng nghĩa với tỷ lệ người nghèo. Thường thì trong
một quốc gia tỷ lệ người nghèo bao giờ cũng cao hơn tỷ lệ hộ nghèo nhưng điều
đáng nói là khi xác định hộ nghèo phải gắn chặt với thu nhập bình quân đầu
người của hộ gia đình.
Chuẩn đói, nghèo có sự biến động theo không gian và thời gian. Về không
gian, chuẩn nghèo biến đổi theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng
hay từng quốc gia. Về thời gian, chuẩn nghèo có sự biến đổi lớn theo trình độ
phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của con người theo từng giai đoạn lịch sử.
Ngân hàng thế giới đưa ra khuyến nghị thang đo nghèo đói như sau: Đối với
nước công nghiệp phát triển là 14,4 USD/ngày/người, các nước Đông Âu là 4
USD/ ngày/người, các nước thuộc châu Mỹ Latinh và vùng Caribê là 2
USD/ngày/người, các nước đang phát triển là 1 USD/ngày/người và đối với
nước nghèo, một người bị coi là đói nghèo khi mà thu nhập dưới 0,5 USD/ ngày
[41, tr.64].
Mặc dù vậy, các quốc gia đều tự đưa ra chuẩn đói nghèo riêng của mình

và thường thấp hơn chuẩn đói nghèo mà Ngân hàng thế giới khuyến nghị. Chẳng
hạn, Mỹ đưa ra chuẩn đói nghèo là thu nhập dưới 16.000 USD đối với một hộ
gia đình chuẩn (gồm 4 người) trong một năm, tương ứng với 11,1 USD/

13


ngày/người; Trung Quốc xem mình thuộc nước đang phát triển và cho rằng
chuẩn nghèo là 960 nhân dân tệ/năm/người, tương đương 0,33 USD/ngày/người
[41, tr.65].
1.1.3. Chuẩn đói, nghèo ở nước ta
Hiện tại Việt Nam chưa có chuẩn nghèo, đói thống nhất. Trên thực tế, việc
phân tích, đánh giá đói nghèo vẫn sử dụng một trong hai chuẩn khác nhau:
Thứ nhất, chuẩn đói nghèo của Tổng cục Thống kê, xác định dựa theo
cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới và đưa ra hai mức là nghèo đói lương thực,
thực phẩm và nghèo đói chung. Nghèo đói lương thực, thực phẩm là những
người có mức thu nhập không bảo đảm cho lượng dinh dưỡng tối thiểu (bù đắp
2100 kcal/ngày/người). Nghèo đói chung được xác định trên cơ sở chuẩn nghèo
lương thực thực phẩm và coi đó là tương ứng với 70% nhu cầu tối thiểu, 30%
còn lại là các nhu cầu cơ bản tối thiểu phi lương thực, thực phẩm. Nghèo đói
chung là những người có thu nhập không bảo đảm để đáp ứng cả hai yêu cầu
trên. Theo cách tiếp cận này, căn cứ vào giá cả chung, Tổng cục Thống kê đã
đưa ra mức nghèo áp dụng từ năm 1998 ở Việt Nam: nghèo đói lương thực, thực
phẩm là 107.234 đồng/người/tháng và nghèo đói chung là mức 149.156
đồng/người/tháng [40, tr.9].
Thứ hai, chuẩn đói nghèo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cách xác định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mang tính chất tương
đối hơn, được tính toán dựa trên hai cơ sở chính: thỏa mãn những nhu cầu cơ bản
của con người (ăn, ở, mặc, y tế, giáo dục, văn hóa, đi lại, giao tiếp) (song mới tập
trung vào nhu cầu lương thực thực phẩm, những nhu cầu khác ở mức thấp) và

khả năng nguồn lực hỗ trợ cho chương trình xóa đói, giảm nghèo.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được Chính phủ Việt Nam giao
trách nhiệm nghiên cứu và đến nay đã 5 lần công bố chuẩn đói nghèo, tính theo
thu nhập bình quân đầu người cho các địa phương trong các giai đoạn cụ thể:
- Năm 1993, chuẩn đói nghèo quy định cho các vùng trong giai đoạn
1993-1995 như sau: Bình quân thu nhập đầu người dưới 13 kg gạo/tháng đối với
khu vực thành thị, dưới 8 kg gạo/tháng đối với khu vực nông thôn là hộ đói và

14


hộ nghèo là hộ có bình quân thu nhập đầu người dưới 20 kg gạo/tháng đối với
khu vực thành thị, dưới 15 kg gạo/tháng đối với khu vực nông thôn [52, tr.209].
- Năm 1995, chuẩn đói nghèo được điều chỉnh cho giai đoạn 1995-1997:
hộ đói là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 13 kg gạo/tháng tính cho
mọi vùng và hộ nghèo là hộ có thu nhập tuỳ theo vùng ở các mức tương ứng như
sau: vùng nông thôn miền núi, hải đảo: dưới 15kg/ người/tháng; vùng nông thôn
đồng bằng, trung du: dưới 20kg/người/tháng và vùng thành thị: dưới
25kg/người/tháng [52, tr.209-210].
- Theo Công văn số 1751/LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội ngày 20-5-1997, chuẩn đói nghèo được áp dụng cho giai đoạn 1997-2000
là:
* Hộ đói là hộ có thu nhập bình quân đầu người trong một tháng quy ra
gạo dưới 13 kg, tương đương dưới 45.000đồng (giá năm 1997, tính cho mọi
vùng).
* Hộ nghèo là hộ có thu nhập tuỳ theo từng vùng ở các mức tương ứng
như sau: vùng nông thôn miền núi, hải đảo là dưới 15 kg/người/tháng (tương
đương 55.000 đồng/người/tháng); vùng nông thôn đồng bằng, trung du là dưới
20 kg (tương đương 70.000 đồng) và vùng thành thị là dưới 25 kg/người/tháng
(tương đương 90.000 đồng) [13].

- Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 1-11-2000 của Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội đưa ra chuẩn nghèo mới áp dụng trong giai đoạn
2001- 2005 trên phạm vi toàn quốc như sau: vùng nông thôn miền núi, hải đảo là
80.000

đồng/người/tháng;

vùng

nông

thôn

đồng

bằng



100.000

đồng/người/tháng; vùng thành thị là 150.000 đồng/người/tháng [18, tr.280].
- Theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày
8/7/2005, về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 thì ở
khu vực nông thôn, những hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 200.000
đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo; ở khu vực thành thị, hộ có thu nhập
bình quân đầu người từ 260.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo.

15



Khi xem xét, xác định hộ nghèo ngoài tiêu chuẩn về thu nhập bình quân
đầu người cần phải xét thêm về nhà ở, đồ dùng sinh hoạt, vốn... Đó là các chỉ
tiêu đánh giá về đói nghèo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng
như thực trạng đời sống dân cư Việt Nam trong hiện tại. Dù thu nhập bình quân
đầu người phản ánh trực tiếp mức sống hay cơ cấu thỏa mãn các nhu cầu cơ bản
của cuộc sống, nhưng nhà ở, đồ dùng, vốn... cũng có một ý nghĩa quan trọng. Nó
cho chúng ta rõ thêm về hoàn cảnh của người nghèo.
Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện
chương trình xóa đói giảm nghèo, các tỉnh, thành phố có thể nâng mức chuẩn hộ
nghèo cao hơn so với quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng
phải đảm bảo ba điều kiện.
Theo quy định tiêu chí hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ban hành
theo Quyết định số 166/2001/QĐ-UBDTMN ngày 5-9-2001 của Bộ trưởng Chủ
nhiệm Uỷ ban Dân tộc và miền núi, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là
những hộ gia đình dân tộc thiểu số cư trú ở các xã khu vực III và các buôn làng,
phum, sóc khu vực III, nằm trong xã khu vực I, II thuộc chương trình phát triển
kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên
giới, vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135) tiêu chí cụ thể như sau:
Thứ nhất, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là các hộ gia đình dân tộc
thiểu số ở vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa có mức thu nhập bình quân
đầu người từ 80.000 đồng/người/tháng trở xuống (dưới chuẩn nghèo đói quy
định tại văn bản số 1143/2000/BLĐTBXH này 1-11-2000 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ).
Thứ hai, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là các hộ có tập quán sản
xuất còn mang nặng tính tự nhiên hái lượm, chủ yếu phát rẫy làm nương, chăn
nuôi theo tập quán cũ, lạc hậu, công cụ sản xuất thô sơ, thiếu thốn, thiếu đất hoặc
chưa có đất sản xuất (tính theo mức bình quân diện tích đất canh tác cho mỗi hộ
gia đình của địa phương).
Thứ ba, tổng giá trị tài sản bình quân đầu người dưới 1 triệu đồng (không
tính giá trị sử dụng của đất, giá trị của các lán trại trên nương rẫy). Hộ có hoàn


16


cảnh neo đơn, thiếu lao động hoặc có người ốm đau kéo dài, không có điều kiện
tiếp cận các thông tin để phục vụ sản xuất và đời sống.
Ngoài tiêu chí xác định hộ đói nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó
khăn, Nhà nước ta còn quy định tiêu chí xác định xã nghèo và xã đặc biệt khó
khăn.
* Xã nghèo (theo Quyết định số 587/2002/QĐ-BLĐTBXH ngày 22-52002 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu
chí xã nghèo giai đoạn 2001-2005) là số xã nằm ngoài danh mục các xã đặc biệt
khó khăn, xã biên giới và có hai điều kiện sau: một là, tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở
lên; hai là, chưa có đủ từ 3 trong 6 hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu (bao gồm
đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, chợ), cụ
thể là:
- Dưới 30% số hộ sử dụng nước sạch;
- Dưới 50% số hộ sử dụng điện sinh hoạt;
- Chưa có đường ô tô đến trung tâm xã hoặc ô tô chưa đi lại được trong cả năm;
- Số phòng học (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) chỉ đáp ứng
được dưới 70% nhu cầu của học sinh hoặc phòng học tạm bằng tranh, tre, nứa, lá;
- Chưa có trạm y tế hoặc có nhưng là nhà tạm;
- Chưa có chợ hoặc chợ tạm thời.
* Xã đặc biệt khó khăn là xã có 5 tiêu chí sau:
- Địa bàn cư trú gồm các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao hẻo lánh, vùng biên
giới, hải đảo. Khoảng cách từ các xã đến các khu động lực phát triển trên 20 km.
- Cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng hoặc còn tạm bợ. Giao thông rất khó
khăn, không có đường ô tô vào các xã. Các công trình điện, thuỷ lợi, nước sạch,
trường học, bệnh xá, dịch vụ khác rất kém hoặc không có.
- Các yếu tố xã hội chưa đạt mức tối thiểu, dân trí quá thấp, tỷ lệ mù chữ
và thất học trên 60%, bệnh tật nhiều, tập tục lạc hậu, không có thông tin…

- Điều kiện sản xuất rất khó khăn, thiếu thốn, sản xuất mang tính tự nhiên,
hái lượm, chủ yếu là phát rừng làm nương rẫy, du canh du cư.

17


- Số hộ nghèo đói trên 60% số hộ của xã. Đời sống thực sự khó khăn, nạn
đói thường xuyên xảy ra.
Với cách xác định hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, xã
nghèo, xã đặc biệt khó khăn chỉ dựa vào các chỉ tiêu định lượng sẽ không phản
ánh hết được tính đa dạng của đói nghèo, đặc biệt là các khía cạnh về quyền sở
hữu tài sản, đất đai, tư liệu sản xuất, nhà cửa, khả năng tiếp cận các dịch vụ sản
xuất (chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường..), chăm sóc y tế - giáo dục,
dịch vụ xã hội... Ngược lại, nếu xác định hộ đói nghèo chỉ dựa vào các chỉ tiêu
định tính, tuy có ưu điểm là phản ánh rõ hơn tính đa dạng của đói nghèo, nhưng
sẽ gặp khó khăn trong việc xác định, đánh giá; đặc biệt đối với những trường
hợp giáp ranh nghèo hay không nghèo, thì việc so sánh sẽ thiếu tính đồng nhất,
độ tin cậy của tư liệu thu được không cao. Về mặt lý thuyết, nếu vận dụng cả hai
chỉ tiêu định tính và định lượng để xác định hộ đói nghèo thì sẽ toàn diện đầy đủ
hơn, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc cho việc thu thập thông tin, đánh
giá, giám sát... Nhiều quốc gia thường sử dụng các phương pháp phối kết hợp là
phương pháp tối ưu. Thuận lợi nhất cho việc nhận dạng, đánh giá đói nghèo là sử
dụng các tiêu chí định lượng, đồng thời chú ý đến các chỉ tiêu định tính.
Như vậy, chuẩn mực đói nghèo là một khái niệm động, phụ thuộc vào
phương pháp tiếp cận, điều kiện kinh tế và thời gian xem xét, đánh giá. Khi xem
xét tình trạng hoặc mức độ đói nghèo, chúng ta cần chú ý một số điểm sau:
Một là, xem xét hiện tượng đói nghèo trước hết phải xem xét ở lĩnh vực
kinh tế, do vậy phải đặc biệt chú ý tới những biểu hiện về mức sống, thông qua
việc thỏa mãn các nhu cầu cơ bản, tối thiểu về đời sống vật chất.
Hai là, xác định tiêu chí, mức độ đói nghèo dựa trên mức thu nhập bình quân

đầu người trong tháng hoặc năm theo hai khu vực điển hình là thành thị và nông thôn.
Ba là, hiện vật, vật phẩm tiêu dùng được tính bằng gạo hoặc quy ra giá trị
được tính thành tiền.
Bốn là, xem xét các khoản tiêu dùng từ thu nhập phản ánh mức độ thỏa
mãn các nhu cầu tối thiểu để xem xét đối tượng dân cư nghèo đã phải chi cho ăn
như thế nào, chiếm tỷ lệ ra sao trong tổng cơ cấu tiêu dùng của họ.

18


Từ bốn nội dung trên, chúng ta thấy được thực trạng đói nghèo và mức độ
chênh lệch có tính chất vùng hoặc khu vực giữa các đối tượng khác nhau để có
chính sách thích hợp nhằm giải quyết có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo.
Từ lý luận và thực tiễn, chúng ta thấy rằng đói nghèo là một hiện tượng
kinh tế - xã hội. Đói nghèo có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cộng đồng
dân cư và của xã hội, cản trở sự phát triển chung của đất nước. Các hậu quả tiêu
cực của đói nghèo, xét từ bình diện xã hội, đều bắt nguồn và phát sinh trực tiếp
từ nguyên nhân kinh tế. Do đó vấn đề bức xúc nhất là phải xóa đói, giảm nghèo
về kinh tế, nhưng bên cạnh đó cũng không được xem nhẹ vấn đề xã hội và chính
sách xã hội.
Đói nghèo là vấn đề phổ biến ở mọi quốc gia, nhưng giải quyết vấn đề này
như thế nào lại mang bản chất của mỗi chế độ xã hội. Dưới sự lãnh đạo của
Đảng, ở nước ta, xóa đói giảm nghèo, đã và đang trở thành một phong trào sâu
rộng khắp các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Kon Tum. Nhưng vấn
đề này không thể giải quyết triệt để trong một thời gian ngắn, mà chỉ có thể giải
quyết dần từng bước, từng thời kỳ.
1.2. Thực trạng đói nghèo ở Kon Tum trước khi tái lập tỉnh (1986-1991)
1.2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (tháng 8-1991) ra Nghị quyết về việc
thành lập lại tỉnh Kon Tum trên cơ sở chia tách từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Theo

Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai - Kon Tum khóa VI (21-8-1991) về
địa giới và đơn vị hành chính, tỉnh Kon Tum có 1 thị xã tỉnh lỵ (Kon Tum) và 4
huyện (Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy và Kon Plông) [3, tr.223-224]. Từ đó đến
tháng 6-2005, tỉnh đã chia tách thành lập thêm 4 huyện mới, đưa tổng số đơn vị
hành chính thành 1 thị xã và 8 huyện (Đăk Glei, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà,
Kon Rẫy, Kon Plông, Ngọc Hồi, Sa Thầy), với 16 phường, thị trấn; 79 xã; diện
tích 9.614,5 km2, dân số 377.007 người [24, tr.11].
Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, độ cao
bình quân 550-700 m so với mặt biển, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam - Đà
Nẵng, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây

19


giáp tỉnh Atôpơ, tỉnh Sêkông của Lào và tỉnh Ratanah Kiri của Campuchia, với
275 km đường biên giới. Với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Kon Tum là nơi gần nhất
để giao lưu với Lào, Campuchia và Thái Lan và là điểm trung chuyển hàng hóa
của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên - Đông Nam Bộ với Nam Lào, Đông Bắc
Campuchia và Đông Bắc Thái Lan.
Phần lớn lãnh thổ tỉnh Kon Tum nằm ở phía Tây Trường Sơn. Địa hình sơn
nguyên, có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Nhìn chung
địa hình ở đây đa dạng, gồm đồi núi, cao nguyên và thung lũng xen kẽ nhau.
Tỉnh Kon Tum có khoảng 40% diện tích là đồi núi, gồm những đồi núi
liền dải, độ dốc 150 trở lên. Phía Bắc của tỉnh là địa hình của những dãy núi có
độ cao tuyệt đối từ 1.500 - 2.500 m so với mặt biển, bao gồm hàng loạt các đỉnh
núi cao. Khối núi Ngọc Linh (2.598 m, được coi là "nóc nhà của Tây Nguyên"),
thấp dần xuống phía Nam với đỉnh Ngọc Krinh (2.025 m), phía Tây với đỉnh
Ngọc Ni Ay (2.259 m), Ngọc Bin San (1.939 m), phía Đông đỉnh Ngọc Tem
(1.362 m), cấu tạo bởi đá biến chất trước Cambri, tạo thành khối nhô Kon Tum.
Phía Đông là cao nguyên Kon Plong, có lớp phủ bazan, độ cao1.000 m. Giữa

Ngọc Ni Ay và Ngọc Bin San là thung lũng sông Pô Cô, khá hẹp ở thượng
nguồn, nhưng về tới Đăk Tô thì đã mở rộng thành cánh đồng khá rộng, xuống tới
thị xã Kon Tum - nơi tiếp nhận sông Đăk Bla, đồng bằng phù sa còn mở rộng
hơn nữa. Vốn là một trũng Nêogen, trũng Kon Tum là một đồng bằng giữa núi,
khá bằng phẳng có diện tích 1.650 km2, độ cao trung bình 500-550 m. Phía Tây
trũng Kon Tum, dãy Chư Mô Ray (1.780 m) và Klông Glui ngăn cách với vùng
núi thấp Sa Thầy có thung lũng Sa Thầy chảy theo hướng gần Bắc Nam.
Nhìn chung, Kon Tum có nhiều nhóm đất khác nhau, gồm 3 nhóm chính
là nhóm đất đỏ vàng (53%), nhóm đất phù sa (2,4%) và nhóm đất xám, thung
lũng, đất dốc tụ, đất mùn trên núi cao (44,6%). Trong đó đất tạo thành trên nền
đá bazan chiếm diện tích lớn, đất phù sa cũng chiếm diện tích đáng kể, nhưng
cũng rất đáng chú ý là nhóm đất xấu hình thành trên nền mácmaxít. Khoáng sản
ở Kon Tum có nhiều loại (vàng, quặng bôxit, đá quý, kim loại phóng xạ...), tiềm
năng rất to lớn.

20


Địa hình Kon Tum bị chia cắt phức tạp tạo nên sự phân hóa mạnh mẽ của
khí hậu giữa các vùng địa lý trong tỉnh. Về cơ bản khí hậu tỉnh Kon Tum là khí
hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, với hai mùa rõ rệt trong năm (mùa mưa và
mùa khô). Nhiệt độ trung bình hàng năm là 22-23 độ, càng lên cao nhiệt độ càng
giảm, biên độ nhiệt trong ngày lớn. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng
1.722 mm. Độ ẩm không khí trung bình hàng năm 78% - 81%. Số giờ nắng trong
năm là 2.200 giờ. Kon Tum rất ít khi xảy ra bão lụt.
Kon Tum phong phú về tài nguyên nước, chủ yếu là nước mặt, với hệ thống
sông suối dày đặc, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và mở ra khả năng phát
triển toàn diện. Các sông, suối thường có lòng dốc, thung lũng hẹp và nước chảy
xiết, rất thuận lợi cho việc xây dựng công trình thuỷ điện và thuỷ lợi. Nguồn nước
ngầm có tiềm năng và trữ lượng công nghiệp cấp C2: 1.000.000 m3/ngày, nhất là

từ độ sâu 60 m - 300 m có trữ lượng tương đối lớn. Ở huyện Đăk Tô và Kon
Plông, đã phát hiện 9 điểm nước khoáng nóng, có khả năng tốt trong việc chữa
bệnh, làm nước giải khát.
Thế mạnh lớn nhất của tỉnh Kon Tum là rừng và đất đai. Khi mới thành
lập lại, theo quyết định của Quốc hội, tổng diện tích đất tự nhiên của Tỉnh là
1.300.000 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 750.000 ha, đất có rừng là
563.000 ha (75%), đất không có rừng là 187.000 ha, đất nông nghiệp và các loại
đất khác 310.000 ha [3, tr.224-228]. Các kiểu rừng chính của Kon Tum là rừng
cây lá kim, rừng kín nhiệt đới hỗn hợp cây lá rộng, rừng lá ẩm nhiệt đới, rừng
kín á nhiệt đới và rừng thưa khô cây họ dầu. Rừng có nhiều loại gỗ quý: trắc,
cẩm lai, giáng hương, cà te, pơ mu, dẻ, thông (gồm thông ba lá, năm lá, lá
dẹp)… Vùng núi Ngọc Linh còn có sâm, đẳng sâm, hà thủ ô, quế. Động vật rừng
rất phong phú, đa dạng, có nhiều loại quý hiếm (voi, bò rừng, bò tót, bò xám,
trâu rừng, nai, hoẵng; hổ, gấu chó, gấu ngựa, chó sói; công, trĩ sao, gà lôi lông
tía, gà lôi vằn…).
Kon Tum có nhiều thắng cảnh đẹp, như rừng nguyên sinh Chư Mô Ray,
rừng đặc dụng Đăk Uy, cao nguyên Kon Plong, núi Ngọc Linh, thác Đăk T're,
thác Kon Xlăk, thác Măng Cành… và các di tích lịch sử, như Ngục Kon Tum,

21


ngục Đăk Glei, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, chiến trường Đăk Tô Tân Cảnh, đồi Xạc Li, núi Chư Bao.
Năm 1991 dân số tỉnh Kon Tum là 243.662 người, trong đó dân số thành
thị là 43.241 (khoảng 18%) và dân số nông thôn là 200.421 (khoảng 82%) [22,
tr.16]. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, trong đó các dân tộc bản địa:
Xơ Đăng chiếm 27%, Giẻ Triêng chiếm 12%, Ba Na chiếm 12%, Gia Rai chiếm
5%, các dân tộc Brâu, Rơ Mâm, Kơ Dong còn 2.500 người, phần lớn sinh sống
rải rác ở vùng cao [2, tr.11-12]. Ở Kon Tum, dân cư thưa thớt, phân bố không
đều, mật độ trung bình 18 người/km2 và có khoảng 30% dân số theo đạo Ki Tô

giáo, Phật giáo, Tin Lành [2, tr.12]. Vấn đề tôn giáo ở địa phương có lúc, có nơi
diễn biến khá phức tạp.
Năm 1991, tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh Kon Tum là 193.219 triệu
đồng (tính theo giá thực tế), cơ cấu tổng sản phẩm: khu vực nông, lâm, thủy sản
67,3%, khu vực công nghiệp - xây dựng 4,2% và khu vực dịch vụ 28,5% [19,
tr.102-103].
Về trồng trọt, năm 1991 tổng diện tích gieo trồng là 32.800 ha, trong đó
diện tích gieo trồng cây lương thực có 27.000 ha. Sản lượng lương thực quy thóc
là 68.300 tấn (tỷ lệ màu 38%), bình quân lương thực trên đầu người là 295 kg.
Diện tích lúa đông xuân là 2.500 ha, lúa mùa trên 15.000 ha, canh tác chủ yếu
trên nương rẫy, năng suất thấp. Cây lương thực ngoài lúa còn có sắn 6.523 ha,
ngô 2.656 ha. Cây công nghiệp ngắn ngày có 2.263 ha, gồm lạc 865 ha, mía
1.232 ha, mè và thuốc lá. Cây công nghiệp lâu năm có khoảng 5.000 ha, chủ yếu
là cà phê, cao su. Đất có khả năng nông nghiệp còn lớn, nhất là tiềm năng ruộng
nước, nhưng chưa khai thác hết, do thiếu vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng và
thiếu lao động kỹ thuật. Về chăn nuôi, đến cuối năm 1991, tổng đàn có 7.580 con
trâu, 43.908 con bò, 67.976 con heo. Đất đai đồng cỏ, đồi rừng còn rất rộng, khả
năng phát triển cây màu còn rất lớn, là điều kiện có thể tăng nhanh đàn gia súc,
gia cầm. Nhưng các khâu dịch vụ kỹ thuật, thị trường, chính sách khuyến khích
chưa giải quyết tốt, nên chăn nuôi vẫn chậm phát triển.

22


Về lâm nghiệp, trong những năm 1986-1991, khối lượng gỗ được khai
thác trên địa bàn tỉnh hàng năm khá lớn từ 40.000-50.000 m3, nhưng đưa vào chế
biến tại chỗ đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ 10 - 15%. Lâm sản qúy hiếm dưới tán rừng
chưa được quản lý tốt nên bị thất thoát lớn. Nạn phá rừng làm nương rẫy đã góp
phần làm cho tài nguyên rừng ở Kon Tum bị giảm sút nhanh.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ bé, sản phẩm ít, chất lượng

thấp và phần lớn chỉ tập trung ở thị xã Kon Tum. Giá trị tổng sản lượng công
nghiệp năm 1991 đạt 7,6 tỷ đồng (theo giá năm 1989). Sản phẩm chủ yếu là
điện, gỗ xẻ, gạch ngói, xay xát lương thực, chế biến đường…. Nhà máy gỗ lạng
xuất khẩu Kon Tum, xí nghiệp sứ, chế biến thức ăn gia súc, cơ khí đều trong tình
trạng đình đốn.
Công trình thuỷ lợi đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình đã bị
hư hỏng. Năng lực tưới thấp, chỉ đạt 45%, đã ảnh hưởng đến sản xuất.
Nguồn điện cung cấp ổn định chỉ có nhiệt điện ở thị xã Kon Tum với công
suất 2.200 kw và thuỷ điện Đăk Tô. Sản lượng điện của Tỉnh rất thấp, kể cả nhiệt
điện và thủy điện công suất chỉ gần 3.000 kw, nên không đủ cung cấp cho sản
xuất và đời sống.
Giao thông vận tải và bưu điện của Kon Tum cũng trong tình trạng thấp
kém. Tỉnh chỉ có duy nhất đoạn quốc lộ 14 qua Gia Lai để giao lưu với các tỉnh.
Quốc lộ 14 đoạn đi Quảng Nam - Đà Nẵng và quốc lộ 24 đi Quảng Ngãi chưa
được khai thông. Do vậy, Kon Tum ở ngõ cụt, không thể thu hút sức mạnh của
vùng Tây Nguyên và cả nước để phát triển nhanh về kinh tế - xã hội. Mặt khác,
phương tiện thông tin liên lạc còn nghèo nàn, đơn điệu, càng làm cho Tỉnh hạn
chế về giao lưu. Đường giao thông nội tỉnh rất xấu. Đường nội thị và hệ thống
cấp thoát nước của thị xã Kon Tum bị hư hỏng nặng. Cầu Đăk Bla trên quốc lộ
14 là cửa ngõ chính vào Thị xã đang được làm lại nhưng tiến độ thi công chậm.
Chuyển sang cơ chế thị trường, thương mại và du lịch của tỉnh Kon Tum
đứng trước những thử thách. Khó khăn nhất của thương mại và du lịch là hoạt
động trong hoàn cảnh tỉnh vừa thành lập lại và ở vị trí ngõ cụt, thị trường trong
tỉnh chưa phát triển nên tiếp cận với thị trường bên ngoài rất chậm. Thêm vào

23


đó, sản xuất và đời sống nhân dân phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên. Thị
trường vùng hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bị bỏ trống.

Về xuất nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu không đáng kể và đang bế tắc về
thị trường. Tài chính và ngân hàng, mặc dù có cố gắng, nhưng tổng thu ngân
sách địa phương chỉ đạt 25 - 30% nhu cầu chi thường xuyên, nên phần lớn Tỉnh
phải dựa vào trợ cấp của Trung ương.
Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, địa thế rừng núi
hiểm trở, nhưng kinh tế của tỉnh còn yếu kém, đời sống của người dân vùng biên
giới còn nhiều khó khăn..., nên là địa bàn mà các thế lực thù địch luôn tìm cách
lợi dụng nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”.
Các dân tộc tỉnh Kon Tum có truyền thống yêu nước, đoàn kết chống ngoại
xâm, cần cù, bất khuất và có ý chí tự lập, tự cường. Những năm tháng gian khổ và
oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến đã góp phần to lớn nâng cao và hun đúc thêm
tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí ngoan cường, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo
của Đảng và các truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Tóm lại, Kon Tum có vị trí chiến lược về nhiều mặt. Đất tự nhiên của tỉnh
rộng và khá phì nhiêu, có thể trồng lúa, ngô, sắn và nhiều loại cây công nghiệp
ngắn ngày và dài ngày, hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông, lâm
sản hàng hóa lớn, những vùng chăn nuôi đại gia súc. Rừng và tài nguyên rừng
còn tương đối phong phú. Tài nguyên khoáng sản của tỉnh lớn. Tiềm năng thủy
điện và việc xây dựng đường dây siêu cao áp Bắc - Nam xuyên qua Kon Tum sẽ
tạo nguồn điện để tỉnh phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân
dân. Đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum có truyền thống đoàn kết, tương trợ, tự
lực tự cường, cần cù, không chịu lùi bước trước khó khăn và tin tưởng vào sự
lãnh đạo của Đảng. Đó là những thuận lợi lớn của Đảng bộ và nhân dân Kon
Tum trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó,
những thách thức mà Kon Tum cần giải đáp trên con đường đi tới cũng không
nhỏ. Địa hình của tỉnh hiểm trở, bị chia cắt, lắm đèo dốc, ít vùng bình nguyên
bằng phẳng và không phải là vùng đất bazan (mà là đất xám phân hóa) cộng
thêm khí hậu khắc nghiệt nên ít thuận lợi cho những nhóm cây công nghiệp và

24



×